Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Đó là lời Chúa
16. Trong lòng chúng ta đều có ghi khắc luật đức ái của Đức Chúa Thánh Thần, luật này sẽ là căn nguyên hành sự suốt cuộc đời của chúng ta.
(Thánh Ignatius de Loyola)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Phượng hoàng nghĩ rằng mình là đại vương của loài chim, phàm gặp chuyện thì khinh thường tất cả.
Con công chế nhạo nó, nói:
- “Mày làm gì đủ tư cách để gọi là vua, nếu ta làm đại vương thì cũng suýt soát như thế”.
Phượng hoàng cười khẩy, nói:
- “Mày có phẩm đức cao quý, tài năng kiệt xuất gì mà lại đòi cướp đoạt vương vị của ta?”
Con công trả lời:
- “Con người là vạn vật chi linh, nhưng thường dùng lông đuôi của ta để trên đầu họ làm đồ trang sức rất đẹp, gọi là “đuôi hoa”. Trong thân thể, cái đầu là tôn quý nhất, và con người ta rất quý cái đầu óc, vậy mà lại còn muốn mượn lông nơi mông của ta để làm đẹp, thì có thể thấy cái đầu của con người cũng không bì với cái mông của ta, tại sao ta không có tư cách để làm vua loài chim chứ?”
(Yết hậu ngữ)
Suy tư 54:
Ở đời, có một vài người có chút tài vặt thì phát biểu lung tung: nào là ông giám đốc nọ nhờ tôi soạn cho bài diễn văn, thế rồi tưởng mình cũng là giám đốc như ai; nào là bà giám đốc kia thỉnh thoảng cũng đến tham khảo công việc làm ăn với tôi, thế rồi lên mặt kênh kiệu với người khác, vì tưởng mình là cố vấn “cộm” của giám đốc...Có một vài người được làm việc trong hội đồng giáo xứ, được kề cận bên cha sở và làm việc với ngài, rồi thì cứ tưởng mình là cha sở của họ đạo, sai người này làm việc này, chỉ người nọ làm việc kia, và thái độ thì hách dịch làm cho giáo dân chịu không nổi.
Con công nói cái đầu của con người không bì được cái mông của nó, bởi vì con người lấy lông đuôi của nó gắn trên đầu làm đồ trang sức, thật tội nghiệp cho cách suy nghĩ của loài vật không có trí khôn.
Có một vài người nói mình có bản tính Thiên Chúa, nên cứ tưởng mình là Thiên Chúa thật, thế là tìm cách lý luận để chứng minh cho được mình có “Thiên Chúa tính”. Thiên Chúa chắc là buồn lắm, vì tư tưởng của Ngài chỉ bằng ngang hàng với tư tưởng của họ; vì Ngài không ngờ cái cục đất mà mình dựng nên được gọi là con người đó lại tưởng mình là Thiên Chúa.
Người nam và người nữ nào cũng có tư cách làm bố làm mẹ cả, nhưng không phải vì thế mà nói mình cũng làm bố làm mẹ ngang hàng với bố mẹ của mình.
Kiêu ngạo là căn nguyên của mọi tội lỗi...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng: Lc 12, 13-21
“Những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai?”
Bạn thân mến,
Cuộc sống của con người thật đẹp nhưng cũng thật là phù vân, phù vân là gió thổi mây bay tan trong vũ trụ bao la, phù vân là tụ lại rồi tan nhanh khi có cơn gió thổi tới. Đời sống là phù vân, tiền tài danh vọng địa vị là phù vân, tất cả đều là phù vân, và mạng sống của con người ở trần gian này cũng chỉ là phù vân, phù vân như hoa cỏ sớm nở chiều tàn và trở về với nơi đã làm nên nó: bụi đất.
1. Tiền bạc là phù vân
Giàu có lắm thì cũng như phú ông tronng bài Tin Mừng là cùng: tiền bạc của cải không có nơi để cất giữ nên phải làm thêm kho lẫm để tích trử, nhưng ông ta không hề tích lủy những việc lành phúc đức để khỏi phải hối hận trước toà phán xét của Thiên Chúa, thật khốn nạn khi đang hưởng thụ của cải tiền bạc thì Thiên Chúa đến đòi lại linh hồn, trở tay có kịp không?!
2. Tình cảm cũng chỉ là phù vân
Con người ta sống cần phải có tình cảm: tình yêu vợ chồng, tình bạn, tình thầy trò.v.v…. tất cả tình cảm ấy đều là nhu cầu thiết thực của con người, để con người vươn lên sống với chức phận làm con người của mình. Nhưng những tình cảm thân thiết này cũng chỉ làm bạn với chúng ta cho đến khi quan tài của mình nằm trong mộ, thì cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thiết, bạn sơ giao, cũng tiếc nuối đưa tiễn chúng ta đến phần mộ rồi họ trở về, chứ họ không cùng đi với chúng ta qua thế giới bên kia, và rồi một vài tháng sau thì họ cũng sẽ quên mất người thân vừa qua đời của mình.
3. Việc làm tốt
Chỉ có một người bạn thân sẽ đi với chúng ta khi chúng ta từ giã cõi đời này, đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm khi còn sống. Tiền tài danh vọng sẽ qua tay người khác khi chúng ta nhắm mắt, cha mẹ, con cái bạn bè và những người thân yêu, dù yêu thương chúng ta đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ đưa chúng ta ra đến phần mộ rồi họ trở về, nhưng những việc làm tốt đẹp có ích cho mọi người mà bạn và tôi đã làm khi còn sống, cũng sẽ có ích cho chúng ta khi chúng ta đến trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét…
Bạn thân mến,
Tôi đã có dịp đi dâng thánh lễ ở nhiều viện dưỡng lão khác nhau trong khu vực tôi chịu trách nhiệm truyền giáo, tôi đã giúp cho những cụ già nhìn lại cuộc sống của mình: Lúc còn trẻ họ (các cụ già) thì bôn ba thức khuya dậy sớm để kiếm tiền và tích lũy bạc tiền cho mình và cho con cái, bây giờ tuổi đã cao, không được ở nơi nhà cao cửa rộng mà mình đã đổ mồ hôi để gầy dựng, con cái một hai tháng mới đến thăm một lần và nói qua loa vài chuyện rồi trở về với gia đình riêng của nó, tuổi già lụm khụm lui tới trong viện dưỡng lão cô đơn, mới thấy cuộc đời tiền tài danh vọng là phù vân và phù vân, do đó chúng ta chỉ còn có một công việc cần phải làm mà khi còn trẻ chúng ta không làm hoặc chưa làm tốt, đó chính là chuẩn bị thời giờ còn lại chăm sóc cho linh hồn mình bằng lời cầu nguyện và những việc làm tốt, có ích lợi cho linh hồn mình cũng như cho linh hồn người khác.
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và hằng ở cùng bạn và tôi trong mọi hoàn cảnh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm cho cái phù vân trở thành lời ca chúc tụng Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta không trở nên phù vân nhờ cái chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su.
Tiền tài, danh vọng và ngay cả mạng sống của con người cũng đều là phù vân nay còn mai mất, bon chen vất vả khổ cực cả đời rồi cũng tay trắng ra đi về với cát bụi…
Cái duy nhất còn lại và trung tín với chúng ta đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm vì tha nhân mà thôi…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
NGỐC NGHẾCH: NGỜ NGHỆCH, NGẮN NGỦI
Phúc Âm tuần này lạ quá. Lạ vì ông phú hộ có nhiều của cải cứ tưởng được khen là đại gia tài giỏi, nào ngờ Chúa lại bảo ông là đồ ngốc! Sao lại thế? Ngốc không phải vì ông làm ra nhiều của cải, nhưng vì thái độ ngờ nghệch của ông với của cải, vì tầm nhìn ngắn ngủi của ông về cuộc đời.
2. Ngắn ngủi. Người khôn ngoan luôn có tầm nhìn xa trông rộng. Ông phú hộ ngốc vì ông nhìn ngắn quá. Ông nhìn gần quá chỉ thấy bản thân mình chứ không thấy người khác, thế nên khi ê hề của cải, ông chỉ lo tích trữ giữ chặt cho mình chứ không quảng đại cho người khác. Ông còn sống nhưng liên hệ tình nghĩa của ông đã chết. Thế nên, kho lẫm ông xây lên như 1 nấm mồ để rồi ông cất tiếng gọi hồn mình! Ông nhìn ngắn quá vì ông chỉ nhìn thấy đời này rồi lo tích góp của cải vật chất, mà không nhìn xa ra đời sau để lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” Cái ngốc của ông là không nhìn rộng ra tha nhân và nhìn xa đến vĩnh cửu. Ông không đem được gì đến trước mặt Chúa.
Thế nên, nếu không muốn là đồ ngốc, thì hãy lo làm giàu toàn diện: Giàu tiền lẫn giàu tình. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là tình yêu là giàu lòng bác ái, giàu lòng quảng đại, giàu lòng tin cậy mến, giàu sự sống đời đời. Amen.
Có một vị lãnh chúa rất giàu có, ruộng vườn bát ngát bao la. Gần nơi ông ở có một người nông dân tuy nghèo nhưng rất giàu lòng tham.
Ngày nọ, vị lãnh chúa nói với người nông dân: “Tôi sẽ cho anh tất cả những phần đất nào mà anh có thể chạy bao quanh, tính từ khi mặt trời mọc đến khi lặn. Nếu anh trở về đến điểm xuất phát trước khi mặt trời chìm khuất sau đồi, anh sẽ làm chủ tất cả những vùng đất anh đã chạy bao quanh. Nếu không, anh chẳng được gì.”
Người nông dân nghe lời vị lãnh chúa hứa mà tưởng như mơ! Đúng là một cơ hội ngàn năm một thuở. Thế là sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, anh cắm đầu phóng chạy như bị cọp đuổi sau lưng. Anh chạy bọc hết những khu rừng nhiều gỗ quý, những cánh đồng tốt tươi, những vườn cây trĩu trái, những suối nước tràn bờ…
Cuối ngày, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, anh thở hồng hộc như con bò bị thọc tiết… Mặt trời bắt đầu lặn, chỉ còn là một vầng bán nguyệt đỏ ối sắp chìm xuống đỉnh đồi. Anh phải cố chạy nhanh cho tới nơi xuất phát, nếu không kịp thì tất cả chỉ còn là hư không. Và rồi khi chỉ còn mươi bước nữa là tới đích, anh ngã gục xuống… vỡ tim!
Thế là cuối cùng, anh chỉ còn vài thước đất để chôn vùi thân xác!
(Dựa theo ý tưởng của Văn Hào Lev Tolstoi trong truyện ngắn: “Cướp đất”)
Câu chuyện vừa rồi là một minh hoạ rất thực về nhân loại hôm nay. Không phải chỉ có một mà hàng triệu, hàng triệu người chạy như điên cuồng trong cuộc đua tranh không khoan nhượng để dành cho mình thật nhiều của cải, vàng bạc, ruộng đất... như người nông dân tham lam trên đây để rồi cuối cùng cũng mang chung số phận với anh ta: chỉ còn một nấm mồ!
Người phú hộ trong Tin mừng hôm nay cũng học theo sách đó.
Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Chỉ biết chăm lo cho thân xác nầy, cho cuộc sống đời nầy mà chẳng biết lo việc linh hồn, chẳng lo cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau thì đúng là ngốc thật.
Chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy theo lợi lộc phú quý đời nầy, ngày đêm quần quật lo cho thân xác nầy rồi mai đây, khi cái chết đến, còn lại gì cho ta?
Đầu tư tất cả vốn liếng, đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc… của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương hay một nắm tro cốt… thì thật là điên rồ!
Trong khi đó, linh hồn không được quan tâm chăm sóc nên phải hư mất và phải sa hỏa ngục đời đời thì thật là bi đát!
Lạy Chúa Giê-su,
“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì!”
Xin dạy chúng con biết tích luỹ kho báu trên trời cho mình ngay từ hôm nay bằng cách dành thời giờ để thờ phượng Chúa cũng như để yêu thương phục vụ anh chị em chung quanh. Nhờ đó, mai đây chúng con sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Theo tin Tòa Thánh, chiều ngày 28 tháng 7, Đức Phanxicô đã tới Nhà Thờ Đức Bà của Québec để gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, chủng sinh, thánh hiến nam nữ và nhân viên mục vụ và đọc kinh chiều với họ. Nhân dịp này, ngài đã ngỏ lời với họ qua bài huấn từ sau đây, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Kính thưa anh em Giám mục, thưa các linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và những người làm công tác mục vụ, xin chào buổi tối!
Tôi cảm ơn Đức cha Poisson vì những lời chào mừng của ngài và tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt những người đã phải đi một chặng đường dài để đến đây. Khoảng cách ở đất nước của anh chị em thực sự lớn! Cảm ơn anh chị em! Tôi rất vui khi được ở đây với anh chị em!
Điều quan trọng là chúng ta đang ở Vương cung thánh đường Đức Bà Québec, Nhà thờ chính tòa của Giáo Hội đặc thù này và là tòa giáo chủ của Canada, vị Giám mục đầu tiên, Thánh François de Laval, đã mở Chủng viện vào năm 1663 và dành toàn bộ thừa tác vụ của ngài để đào tạo các linh mục. Bài đọc ngắn, mà chúng ta đã nghe, nói với chúng ta về “các trưởng lão”, tức các linh mục. Thánh Phêrô thúc giục chúng ta: “Hãy chăn dắt đoàn chiên Thiên Chúa do anh em phụ trách, không phải bằng sự ràng buộc mà bằng lòng tự nguyện” (1 Pr 5: 2). Được quy tụ về đây trong tư cách dân Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là Mục Tử của cuộc đời chúng ta, là Đấng chăm sóc chúng ta vì Người thực sự yêu thương chúng ta. Chúng ta, các mục tử của Giáo hội, chúng ta được yêu cầu biểu lộ cùng một sự rộng lượng đó trong việc chăm sóc đoàn chiên, để biểu lộ sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với mọi người và lòng cảm thương của Người đối với vết thương của mỗi người.
Chính vì chúng ta là dấu chỉ Chúa Kitô, Tông đồ Phêrô thúc giục chúng ta chăm sóc đoàn chiên, hướng dẫn đoàn chiên, đừng để nó lạc lối trong khi bận rộn về công việc riêng của mình. Chăm sóc nó bằng sự tận tâm và tình yêu thương dịu dàng. Thánh Phêrô bảo chúng ta làm điều này một cách “tự nguyện”, không bắt buộc, không như một nghĩa vụ, không như một nhân viên tôn giáo “chuyên nghiệp”, những công chức thánh thiêng, nhưng một cách sốt sắng và với tấm lòng của một người chăn chiên. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, trước khi nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính chúng ta được “chăm sóc” bằng tình yêu thương xót; chúng ta sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Chúa. Đây là nguồn vui của thừa tác vụ và trên hết là niềm vui của đức tin. Đây không phải là việc chúng ta có thể hoàn thành được gì, mà là việc biết rằng Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, Người yêu chúng ta trước và Người luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Anh chị em thân mến, đó là niềm vui của chúng ta. Nó cũng không phải là một niềm vui rẻ tiền, giống như một niềm vui mà thế giới đôi khi đề xuất, làm chói mắt chúng ta bằng pháo bông. Nó không phải là chuyện giàu có, thoải mái và an ninh. Thậm chí nó không cố thuyết phục chúng ta rằng cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, không có thập giá và vấn đề. Niềm vui của Kitô hữu là trải nghiệm một sự bình an còn mãi trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ, vì khi đó chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, nhưng được đồng hành với một Thiên Chúa không thờ ơ với phần số của chúng ta. Khi biển động: trên bề mặt luôn có giông tố nhưng sâu thẳm vẫn êm đềm và bình yên. Điều đó cũng đúng với niềm vui của người Kitô hữu: đó là một hồng ân miễn phí, là sự chắc chắn khi biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và đón nhận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Người là Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và tội lỗi, khỏi nỗi buồn cô đơn, khỏi sự trống rỗng và sợ hãi bên trong, và ban cho chúng ta một cái nhìn mới về cuộc sống và lịch sử: “Với Chúa Kitô, niềm vui không ngừng được tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1).
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta làm thế nào khi có được niềm vui? Giáo hội của chúng ta có bày tỏ niềm vui của Tin Mừng không? Có đức tin trong cộng đồng của chúng ta có thể thu hút bởi niềm vui nó truyền đạt không?
Nếu muốn đi vào gốc rễ của những câu hỏi này, chúng ta cần suy gẫm về điều, trong thế giới ngày nay, đang đe dọa niềm vui của đức tin và do đó có nguy cơ làm giảm sút đức tin và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách Kitô hữu. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến việc thế tục hóa, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách sống của đàn ông và đàn bà đương thời, có thể nói, đẩy Thiên Chúa vào hậu trường. Thiên Chúa dường như đã biến mất khỏi chân trời, và lời của Người dường như không còn là chiếc la bàn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, các quyết định căn bản của chúng ta, các mối liên hệ nhân bản và xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên rõ ràng về một điều. Khi chúng ta xem xét nền văn hóa xung quanh, và sự đa dạng của các ngôn ngữ và biểu tượng của nó, chúng ta phải cẩn thận đừng làm mồi cho sự bi quan hoặc phẫn uất, rơi vào những phán đoán tiêu cực hoặc một tiếc nuối viển vông. Có hai cách nhìn mà chúng ta có thể có đối với thế giới mà chúng ta đang sống: Tôi gọi một là “quan điểm tiêu cực”, và quan điểm kia là “quan điểm biện phân”.
Thứ nhất, quan điểm tiêu cực, thường phát sinh từ một đức tin cảm thấy bị tấn công và coi đó như một loại “áo giáp”, bảo vệ chúng ta chống lại thế gian. Quan điểm này phàn nàn một cách cay đắng rằng “thế giới là xấu xa; tội lỗi ngự trị”, và do đó có nguy cơ tự mặc cho mình một “tinh thần thập tự chinh”. Chúng ta cần phải cẩn thận, vì đó không phải là Kitô giáo; thật vậy, đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, Đấng - như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta - “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, hầu cho ai tin vào Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Ga 3:16 ). Chúa, Đấng ghét tính thế gian, nhưng có một cái nhìn tích cực về thế giới. Ngài chúc phúc cho cuộc sống của chúng ta, nói tốt về chúng ta và hoàn cảnh của chúng ta, và tự mình nhập thể vào những hoàn cảnh lịch sử, không phải để lên án, nhưng để tăng trưởng hạt giống Nước Trời ở những nơi mà bóng tối dường như chiến thắng. Nếu chúng ta bị giới hạn trong một cái nhìn tiêu cực, kết cục chúng ta sẽ phủ nhận sự nhập thể: chúng ta sẽ trốn chạy thực tại, hơn là làm cho nó nhập thể trong chúng ta. Chúng ta sẽ tự thu mình lại, than thở những mất mát của mình, không ngừng phàn nàn và rơi vào sự u ám và bi quan, điều không bao giờ phát xuất từ Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi có một cái nhìn tương tự như cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng biện phân điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm nó, thấy nó và nuôi dưỡng nó. Đây không phải là một quan điểm ngây thơ, mà là một quan điểm biện phân thực tại.
Để tinh chỉnh việc biện phân của chúng ta về thế giới bị tục hóa, chúng ta hãy lấy cảm hứng từ Thánh Phaolô VI, người đã coi việc tục hóa là “nỗ lực, tự nó, vốn chính đáng và hợp pháp và không hề trái với đức tin hay tôn giáo” (Evangelii Nuntiandi, 55) để khám phá những quy luật chi phối thực tại và cuộc sống con người do Tạo hóa cấy trồng. Thiên Chúa không muốn chúng ta làm nô lệ, nhưng làm con trai con gái; Người không muốn ra quyết định cho chúng ta, hoặc áp chế chúng ta bằng một quyền lực thánh thiêng, được thực hiện trong một thế giới được điều hành bằng các luật lệ tôn giáo. Không! Người tạo ra chúng ta để được tự do, và Người yêu cầu chúng ta trở thành những người trưởng thành và có trách nhiệm trong cuộc sống cũng như trong xã hội. Đức Phaolô VI đã phân biệt việc thế tục hóa với chủ nghĩa duy thế tục, một quan niệm sống hoàn toàn tách biệt mối liên kết với Đấng Tạo Hóa, đến nỗi Thiên Chúa trở thành “thừa thãi và ngăn cản”, và tạo ra “các hình thức vô thần mới” tinh tế và đa dạng: “xã hội tiêu thụ, việc theo đuổi khoái cảm được coi là giá trị tối cao, một ham muốn quyền lực và sự thống trị, và kỳ thị đủ loại ”(sđd). Là Giáo hội, và trên hết là những người chăn dắt Dân Thiên Chúa và là những người làm công tác mục vụ, tùy thuộc chúng ta phải phân biệt những điều này và thực hiện sự phân biệt này. Nếu chúng ta nhượng bộ quan điểm tiêu cực và phán đoán vấn đề một cách hời hợt, chúng ta có nguy cơ gửi thông điệp sai, như thể những lời chỉ trích việc thế tục hóa về phía chúng ta ngụy trang niềm luyến tiếc một thế giới thánh thiêng hóa, một xã hội đã qua, trong đó Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội có quyền lực lớn hơn và thích đáng đối với xã hội. Và đó là một cách nhìn sự vật sai lầm.
Thay vào đó, như một trong những học giả vĩ đại của thời đại chúng ta đã nhận xét, đối với các Kitô hữu chúng ta, vấn đề thực sự của thế tục hóa không nên là sự thích đáng về xã hội của Giáo hội bị giảm đi hay sự mất mát của cải và các đặc ân vật chất. Đúng hơn, thế tục hóa đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về các thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách trong đó con người suy nghĩ và tổ chức cuộc sống của họ. Nếu chúng ta xem xét khía cạnh này của câu hỏi, chúng ta nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, mà là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày nó. Do đó, thế tục hóa là một thách thức đối với trí tưởng tượng mục vụ của chúng ta, nó là “một cơ hội để tái cấu trúc đời sống thiêng liêng dưới những hình thức mới và vì những cách thức hiện hữu mới” (C. TAYLOR, A Secular Age, Cambridge 2007, 437). Theo cách này, một cái nhìn biện phân, trong khi thừa nhận những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong việc truyền đạt niềm vui đức tin, thúc đẩy chúng ta phát triển một niềm đam mê mới cho việc phúc âm hóa, tìm kiếm những ngôn ngữ và hình thức diễn đạt mới, thay đổi một số ưu tiên mục vụ nào đó và tập chú vào các yếu tố chủ yếu.
Anh chị em thân mến, Tin Mừng cần được công bố nếu chúng ta muốn thông truyền niềm vui đức tin cho những người nam và người nữ ngày nay. Tuy nhiên, việc công bố này chủ yếu không phải là vấn đề bằng lời nói, mà là vấn đề nhân chứng đầy tình yêu thương nhưng không, vì đây là cách Thiên Chúa ở với chúng ta. Lời công bố nên lên khuôn trong lối sống bản thân và giáo hội có thể khơi dậy lòng khao khát Chúa, truyền dẫn hy vọng và chiếu tỏa sự tin cậy và khả tín tính. Ở đây, trong tinh thần huynh đệ, cho phép tôi gợi ý ba thách đố có thể định hình việc cầu nguyện và phục vụ mục vụ của anh chị em.
Thách đố đầu tiên là làm cho Chúa Giêsu được biết đến. Trong những sa mạc thiêng liêng của thời đại chúng ta, được chủ nghĩa thế tục và sự thờ ơ tạo ra, chúng ta cần trở lại lời công bố thuở đầu. Chúng ta không thể giả thiết truyền đạt niềm vui đức tin bằng cách trình bày những khía cạnh thứ yếu cho những người chưa đón nhận Chúa trong đời sống họ, hoặc đơn giản lặp lại những thực hành nào đó hoặc sao chép những hình thức mục vụ cũ hơn. Chúng ta phải tìm những cách mới để loan báo trọng tâm của Tin Mừng cho những người chưa gặp gỡ Chúa Kitô. Điều này đòi hỏi một sự sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người ngay nơi họ đang sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Chúng ta cần trở lại với sự đơn sơ và nhiệt thành của thời Tông đồ Công vụ, với vẻ đẹp của việc nhận ra rằng ngày nay chúng ta là công cụ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, để loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải đáng được tin cậy. Đây là thách đố thứ hai: làm chứng. Tin Mừng được rao giảng một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên và cho thấy sự tự do làm cho người khác được tự do, lòng cảm thương không đòi điều gì được đáp trả, lòng thương xót thầm lặng nói về Chúa Kitô. Giáo hội ở Canada đã khởi hành trên một con đường mới, sau khi bị tổn thương và tàn phá bởi cái ác do một số con trai và con gái của mình gây ra. Tôi đặc biệt nghĩ tới việc lạm dụng tình dục các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những vụ tai tiếng đòi hỏi hành động kiên quyết và cam kết không thể thay đổi. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi muốn xin sự tha thứ của mọi nạn nhân. Nỗi đau và sự xấu hổ mà chúng ta cảm thấy phải trở thành một cơ hội để hoán cải: không bao giờ nữa! Và nhờ suy nghĩ về diễn trình hàn gắn và hòa giải với các anh chị em bản địa của chúng ta, không bao giờ cộng đồng Kitô hữu có thể để cho mình bị lây nhiễm bởi ý niệm cho rằng nền văn hóa này vượt trội hơn các nền văn hóa khác, hoặc được phép sử dụng các cách ép buộc người khác. Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục đầu tiên của anh chị em, Thánh François de Laval, người đã chê trách những kẻ hạ thấp người bản địa bằng cách dụ họ say rượu mạnh để sau đó đánh lừa họ. Chúng ta đừng cho phép bất cứ ý thức hệ nào làm tha hóa hoặc sai lệch các phong tục và cách sống của các dân tộc chúng ta, như một phương tiện để khuất phục hoặc kiểm soát họ.
Để đánh bại văn hóa loại trừ này, chúng ta phải bắt đầu với chính mình: các giám mục và linh mục, những người không nên cảm thấy mình cao hơn anh chị em của chúng ta trong dân Chúa; những người làm công tác mục vụ, những người không nên hiểu phục vụ như quyền hành. Đây là chỗ chúng ta phải bắt đầu. Anh chị em là những nhân vật chủ chốt và những người xây dựng một Giáo hội khác: khiêm tốn, nhu mì, thương xót, một Giáo Hội đồng hành với các diễn trình, lao động một cách dứt khoát và thanh thản để phục vụ việc hội nhập văn hóa, và biểu lộ sự tôn trọng đối với mỗi cá nhân và mọi sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy cung cấp chứng tá này!
Cuối cùng là thách đố thứ ba: tình huynh đệ. Giáo hội sẽ là nhân chứng đáng tin cậy cho Tin Mừng khi các chi thể càng hiện thân sự hiệp thông, tạo cơ hội và tình huống giúp tất cả những ai tiếp cận đức tin gặp gỡ được một cộng đồng chào đón, một cộng đồng có khả năng lắng nghe, bước vào đối thoại và cổ vũ các mối liên hệ có phẩm chất tốt. Đó là điều mà Thánh François de Laval đã nói với các nhà truyền giáo: “Thường thì một lời nói cay đắng, một cử chỉ thiếu kiên nhẫn, một cái nhìn khó chịu sẽ phá hủy ngay lập tức những gì đã mất nhiều thời gian để hoàn thành” (Hướng dẫn cho các nhà truyền giáo, 1668).
Chúng ta đang nói về việc sống trong một cộng đồng Kitô giáo, theo cách này, trở thành một trường dạy nhân tính, nơi tất cả mọi người có thể học cách yêu thương nhau như anh chị em, sẵn sàng làm việc cùng nhau vì lợi ích chung. Thật vậy, trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu này biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng hiệp thông với mọi người và phục vụ mọi người. Như một nhà thần học người Canada đã viết: “Tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ứ tràn qua tình yêu... Đó là thứ tình yêu đã thúc đẩy Người Samaritanô nhân hậu dừng lại và chăm sóc du khách bị bọn trộm tấn công. Đó là thứ tình yêu không có biên giới, tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa... và vương quốc này là phổ quát” (B. LONERGAN, 'Tương lai của Kitô giáo', trong Bộ sưu tập thứ hai: Bài viết của Bernard F.J. Lonergan, S.J., London 1974, 154). Giáo hội được mời gọi hiện thân cho tình yêu không biên giới này, thể hiện ước mơ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại: cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta làm thế nào khi nói đến tình huynh đệ thực tế giữa chúng ta? Các giám mục giữa các ngài và với các linh mục của các ngài, các linh mục giữa các ngài và với Dân Thiên Chúa. Chúng ta là anh em, hay là đối thủ cạnh tranh chia thành các bên? Và còn các mối liên hệ của chúng ta với những người không phải là “của riêng chúng ta”, với những người không tin, với những người có truyền thống và phong tục khác nhau thì sao? Đây là cách: xây dựng mối liên hệ huynh đệ với mọi người, với anh chị em bản xứ, với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa được phản chiếu trên từng khuôn mặt của họ.
Đây chỉ là một vài thách thức. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta chỉ có thể thỏa mãn chúng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh thần, Đấng mà chúng ta phải luôn cầu khẩn trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng để tinh thần duy thế tục xâm nhập vào giữa chúng ta, vì nghĩ rằng chúng ta có thể tạo ra các kế hoạch hoạt động một cách tự động, và chỉ bằng nỗ lực của con người, ngoài Thiên Chúa. Và, xin anh chị em vui lòng, chúng ta đừng khép kín mình bằng cách "nhìn trở lui", nhưng hãy tiến về phía trước với niềm vui!
Chúng ta hãy đem vào thực hành các lời lẽ sau đây mà bây giờ chúng ta thưa với Thánh François de Laval:
Ngài là một người vì người khác, người đi thăm người bệnh, mặc quần áo cho người nghèo, bảo vệ phẩm giá của các dân tộc nguyên thủy, ủng hộ những nỗ lực vất vả của những nhà truyền giáo, sẵn sàng vươn tay ra với những người nghèo nàn hơn ngài.
Đã bao nhiêu lần dự án của ngài bị thất vọng!
Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, ngài lại lấy lại chúng.
Ngài đã hiểu rằng Thiên Chúa không xây bằng đá, và trong vùng đất chán nản này, cần có một người xây dựng hy vọng.
Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm, và tôi chúc lành cho anh chị em từ trái tim tôi. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
BÀI 21
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TÌNH THƯƠNG CẢM THÔNG VÀ THA THỨ
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy lời Chúa : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3,12-13).
2. CÂU CHUYỆN : THÍCH ĂN MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY ĐEN.
“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi :
- “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói :
“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho mẹ con không? Đó là những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”
Rồi ông nói tiếp : “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
3. SUY NIỆM :
Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng... sẽ giúp bạn có một cuộc sống chung an hòa. Sự cảm thông là bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Truyện Miếng bánh mì cháy là bài học về sự cảm thông giữa con người với con người, giữa những người thân trong cùng một gia đình. Đó là nguyên nhân của sự hoà hợp hạnh phúc gia đình.
4. SINH HOẠT :
Bạn nhận xét thế nào về thái độ của người cha trong câu chuyện không những không phiền trách lỗi của vợ đã nướng bánh mì bị cháy đen, mà còn an ủi vợ khi nói mình thích ăn bánh mì cháy?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Qua lời người cha nói với con trai trong câu chuyện trên. Xin cho chúng con có lòng bao dung nhân ái để cảm thông với các sai sót của người thân và không chấp nhất những lầm lỗi của họ như lời Chúa dạy : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia”. – AMEN.
BÀI 22
VĂN HOÁ ỨNG XỬ -TRÁNH VUI ĐÙA TRÊN NỖI ĐAU CỦA KẺ KHÁC
1. LỜI CHÚA :
Chúa phán : “Cây mà tốt thì quả cũng tốt. Cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Lòai rắn độc kia. Xấu như các ngươi thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình. Kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay : đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12-37).
2. CÂU CHUYỆN : ĐĂNG CẢNH NÓNG LÊN MẠNG XÃ HỘI.
1) Gần đây, một nam sinh viên năm nhất ở Mỹ đã nói lời tạm biệt gia đình, bạn bè trên trang mạng Facebook rồi đi nhảy cầu tự tử vì hình ảnh quan hệ tình dục của anh bị hai người bạn thân cùng phòng đặt máy “tường thuật trực tiếp” trên mạng, khiến cho cư dân mạng trong cả nước Mỹ đều xôn xao bàn tán. Từ khi anh chết, người ta không còn thấy những lời bình luận tàn nhẫn hay những tiếng cười châm biếm nào trên nhật ký riêng của anh ta nữa. Hai gã sinh viên cùng phòng là kẻ đã quay lén và tung lên mạng đã bị tòa án buộc tội “xâm phạm đời tư của công dân” và đã chịu án tù xứng đáng với tội của mình.
2) Tại Việt Nam, một mữ sinh viên tên Đ.T.H. cũng đã bị rơi vào hòan cảnh tương tự như anh chàng sinh viên người Mỹ nói trên : Sau khi bị bạn bè dùng điện thọai di động quay lén rồi phát tán đoạn phim Đ.T.H đang nằm ngủ lên trang mạng xã hội. Tác giả đoạn video clip đã cố tình tập trung cận ảnh vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của cô H trong lúc đang ngủ say, khiến cô trở thành nhân vật được mọi người chú ý tại giảng đường đại học Hà-nội. Mỗi lần vào lớp, Đ.T.H. lại nghe được những lời bình luận thô tục về các bộ phận nhạy cảm trên thân thể cô. Cô đã tâm sự như sau : “Em thật khốn khổ : Đầu óc em lúc nào cũng bất an và thần kinh luôn căng thẳng nên rất khó ngủ. Em chỉ sợ một ngày nào đó đọan phim đó đến tai bố mẹ hay một người thân quen thì em sẽ không biết phải ăn nói thế nào?” Sau đó Đ.T.H. đã bị bệnh trầm cảm phải nghỉ học một tuần lễ liền và chỉ mong mau kết thúc năm học và sẽ chuyển sang học tại một đại học khác để bắt đầu một cuộc sống mới”. Trước hậu quả nghiêm trọng gây ra cho Đ.T.H, một cô bạn cùng phòng, kẻ đã quay lén và tung lên mạng xã hội tâm sự : “Mình cảm thấy rất hối tiếc vì đã làm khổ H. Mình không biết phải làm gì để tháo gỡ đọan phim đã đăng lên đó. Mà cho dù có gỡ xuống được, thì cũng không thể xóa sạch đọan phim và những lời bình luận thô tục khiếm nhã đã được lưu lại trong các máy tính của nhiều bạn khác ở khắp nơi trong nước.”
3. SUY NIỆM :
1) Nhiều hình ảnh “nóng”, những đoạn phim ngắn khó coi đã được tung lên mạng gây “sốc” đang là thú chơi đùa tai hại của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên học sinh Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Điều đáng nói ở đây là cách chơi này lại ngày càng lan rộng, để lại cho các nạn nhân của chúng những cú “sốc” tâm lý rất tai hại. Nội dung của những tấm ảnh hoặc đoạn phim nhằm vào một người nào đó đang trong tình trạng hớ hênh về quần áo lót hoặc đang trong tình huống tế nhị khó xử nào đó. Những hình ảnh này được tung lên mạng kèm theo những lời bình luận thiếu văn hoá của ngừơi xem ở khắp nơi.
2) Câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ gần đây về hai bạn nữ sinh cùng lớp A3 khoá K44 Trường Trung Học Phổ Thông Thái Hoà (Nghệ An) là một điển hình của trò đùa tai ác này : Trong lúc nghỉ giải lao giữa hai giờ học, một bạn nữ sinh vô tình bị hớ hênh hở ngực áo, đã bị một bạn trai cùng lớp “quay” bằng điện thoại di động, rồi phát tán lên diễn đàn học sinh của nhà trường để mọi người cùng xem và bình luận, dẫn đến chỗ bạn trai của nữ sinh bị quay lén kia bức xúc đòi trả đũa kẻ đã làm điều tồi tệ này. Câu chuyện chỉ tạm thời lắng xuống khi giáo viên chủ nhiệm lớp họp mặt cả lớp, để buộc kẻ đã phát tán đọan phim nói trên phải xin lỗi công khai và tháo gỡ toàn bộ đoạn phim đã đăng lên kia.
3) Một sinh viên Trường đại học nọ tại TP.HCM, nạn nhân của một đoạn phim được đăng trên Facebook kể : “Trong một lần đi dã ngoại, mình tham gia vào trò chơi tập thể và bị phạt phải bò dưới sàn nhà, một bạn nam liền cầm máy di động ghi lại và cố tình nhắm thẳng vào những bộ phận nhạy cảm của mình, rồi phát tán trên Facebook. Tấm ảnh của mình đã trở thành trò đùa của nhiều bạn khác kèm theo những lời bình luận độc ác thô tục. Mình cảm thấy xấu hổ vì bị xúc phạm nghiêm trọng và đang cố tìm ra thủ phạm để cho hắn một bài học nhớ đời !”.
4) Nhận định về vấn đề này một Giáo sư Khoa Tâm lý Giáo dục Đại Học Sư Phạm TP HCM đã phát biểu như sau :
“Không ai muốn mình trở nên xấu xí trước mặt người khác. Không ai muốn mình bị kẻ khác bôi nhọ và bị mang tai tiếng. Do đó, cách chơi này không được xã hội chấp nhận. Có lẽ nhiều bạn trẻ cũng đồng ý rằng : việc chụp lén khoảnh khắc “lộ hàng” của người khác để rồi tung lên mạng làm nhục và cố dìm cho họ “chết” là một hành vi ứng xử vô văn hoá và đáng bị các bạn trẻ lên án. Chính khi vấy mực bôi đen ngừơi khác là lúc kẻ đó cũng đang tự bôi đen phẩm hạnh và tư cách của mình. Việc mang hình ảnh của bạn ra đùa cợt thì tuy nhất thời có thể làm trò vui trong chốc lát, nhưng đồng thời cũng gây thương tổn nghiêm trọng về tinh thần cho tha nhân. Tại sao các bạn không dùng máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc tốt đẹp trong cuộc sống? Điều đó sẽ mang lại niềm vui lớn, hơn là chụp những tấm ảnh nhằm dẫm đạp bạn mình xuống hố sâu tuyệt vọng và còn có thể dẫn đến cái chết oan ức đau thương như đã từng xảy ra đó đây.
4. SINH HOẠT :
Bạn nên làm gì để cảm thông với người bị tung phim ảnh cá nhân lên mạng và cần tỏ thái độ thế nào đối với những kẻ tìm vui đùa trên nỗi đau của tha nhân?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho các bạn trẻ ý thức được sự tai hại của trò chơi ngu dại khi lén quay phim chụp ảnh nhạy cảm của bạn bè và tung lên mạng để bêu xấu làm nhục nhau. Xin cho họ ý thức rằng : Vui đùa trên nỗi đau của người khác chắc sẽ phải lãnh hậu quả là sự trừng phạt ngay ở đời này và đời sau theo định luật nhân quả : “Gieo giống nào gặt giống đó”- “Gieo gió gặt bão”. – AMEN.
BÀI 23
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH THÁI ĐỘ TỰ MÃN VÀ CỐ CHẤP
1. LỜI CHÚA :
Đức Giê-su nói với những người Do-thái : “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32).
2. CÂU CHUYỆN : BỊ THIỆT HẠI LỚN LAO DO CỐ CHẤP KHÔNG NHẬN LỖI.
Năm 2008, nhạc sĩ DAVE CARROLL đi lưu diễn các nơi trên thế giới và thường mang theo chiếc đàn ghi-ta gửi hành lý theo đường hàng không của hãng United Airlines. Một lần kia chiếc đàn của anh đã bị gãy làm đôi trong quá trình vận chuyển. Carroll yêu cầu gặp ban lãnh đạo công ty hàng không khiếu nại, nhưng không ai ra tiếp anh vì họ coi chiếc đàn bị gãy chỉ là chuyện nhỏ mà anh Dave đã cố tình “bé xé ra to”.
Nhưng đối với người nhạy cảm như các nghệ sỹ thì chiếc đàn guitar chính là một vật thiết thân và có liên quan rất nhiều đến sự nghiệp biểu diễn âm nhạc của anh. Cách xử lý của công ty hàng không đã khiến Carroll rất bất mãn.
Thất vọng với cách hành xử của hãng hàng không lớn thứ hai thế giới, nên vào tháng 6/2009, 9 tháng sau vụ việc xảy ra, nhạc sĩ Dave Carroll đã cho ra đời một bài hát tựa đề : “United breaks guitars” (United làm vỡ đàn guitar).
Bài hát này với giai điệu vui tươi được Dave và bạn bè trong ban nhạc của anh dàn dựng, trình diễn rồi tung lên youtube, trong bài hát có câu điệp khúc nghe có phần “chua chát” :“United, bạn làm vỡ cây đàn guitar Taylor của tôi rồi !”. Vì đoạn Clip đã được thể hiện hết sức hóm hỉnh, với hình ảnh những nhân viên của hãng United Airlines mang đủ sắc thái cảm xúc, khiến cho ai xem clip cũng không khỏi mỉm cười thú vị.
Bài hát không những vui tươi, lại còn… dễ thuộc !
Không ngờ rằng, chỉ trong thời gian hai tuần lễ ngắn ngủi, số lượt truy cập bài hát này trên youtube đã lên tới 5 triệu lượt người xem.
Điều mà không ai nghĩ tới là ảnh hưởng dây truyền của đoạn video clip này đã khiến cổ phiếu của hãng United Airlines sụt giảm xuống 10% trong thời gian 10 ngày.
Do cố chấp không lắng nghe và không chịu phục thiện, nên hãng hàng không United Airlines đã phải chịu thiệt hại tài chánh vô cùng lớn lao, cổ phiếu sụt giảm tới 180 triệu đô la, đủ để mua tới 51.000 chiếc đàn guitar đền bù thiệt hại cho Carroll.
3. SUY NIỆM :
- Khi được phỏng vấn lý do tại sao lại gây ra thiệt hại lớn lao cho hãng hàng không United Airlines như vậy, Carroll đã trả lời như sau : “Kỳ thực tôi chỉ cần có một người nào đó trong ban giám đốc United Airlines đứng ra lắng nghe sự bất mãn của tôi, thừa nhận rằng họ đã làm sai, đền cho tôi dây đàn khác và nói một lời “Xin lỗi”. Chỉ cần vậy thôi là đủ. Nhưng họ đã không làm như vậy”.
- Câu chuyện trên cho thấy : Carroll thực lòng không muốn gây thiệt hại lớn cho hãng hàng không United Airlines. Anh chỉ muốn họ tỏ thiện chí phục thiện, bằng việc lắng nghe yêu cầu của anh, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục hậu quả là đền cho anh cây đàn khác thay cho cây bị bể mà thôi. Nhưng những người lãnh đạo hãng này lại cố chấp không chịu lắng nghe để kịp thời khắc phục, nên cuối cùng họ mới bị thiệt hại nặng nề về tài chánh như vậy.
4. SINH HOẠT :
Trong xã hội cũng có những người cố chấp không muốn phục thiện khi đã làm điều sai trái gây thiệt hại cho tha nhân. Chẳng hạn : khi một sự cố tai nạn giao thông xảy ra, kẻ gây tai nạn thường không tự nhận lỗi và luôn đổ lỗi cho nạn nhân hay cho hoàn cảnh, để tránh bị quy trách nhiệm hình sự. Phải tới khi cảnh sát giao thông vào cuộc điều tra tìm ra nguyên nhân thì bấy giờ sự thật mới được sáng tỏ.
5. CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết ứng xử khiêm tốn, tránh thái độ cố chấp không nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác để trốn trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Xin cho chúng con biết tỏ thiện chí bằng cách lắng nghe để tìm hiểu nguyên nhân và thành tâm khắc phục hậu quả trong công bình và yêu thương.- AMEN.
BÀI 24
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC THÂN THIỆN
1. LỜI CHÚA:
Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau : "Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc" ( 1 Pr 3,8-9).
2. CÂU CHUYỆN : ĐƯỢC CỨU SỐNG NHỜ CÓ LÒNG NHÂN HẬU
Thời Giáo Hội sơ khai, ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là TA-BI-THA, có nghĩa là Linh Dương. Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên. Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phê-rô ở đó, liền cử hai người đến mời : “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.”
Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà góa xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống cho họ. Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh : “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy !” Bà ấy mở mắt ra và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các bà góa lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Gia-phô đều biết việc này và có nhiều người đã tin vào Chúa. (Cv 9,36-42)
3. SUY NIỆM : KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC THÂN THIỆN.
Trong công việc làm ăn kinh tế : Không ai có thể một mình mà thành công. Sẽ có những lúc chúng ta cần tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp để giải quyết những khó khăn gặp phải. Sau đây là một số gợi ý giúp chúng ta kiến tạo môi trường làm việc thân thiện trong công sở hay tại các xí nghiệp nhà máy sản xuất :
1) Đối xử tốt với mọi người :
Một nụ cười hay lời chào vui vẻ khi gặp đồng nghiệp là cách thể hiện sự thân thiện tích cực. Bạn cũng nên để ý đến những hành động nhỏ cho tha nhân nhưng lại có ảnh hưởng lớn như : giúp mở cửa, giữ nút thang máy, nhặt đồ đánh rơi… Bạn muốn làm việc với những người bạn tốt và chắc đồng nghiệp của bạn cũng vậy !
2) Nhiệt tình giúp đỡ tha nhân :
Sau khi làm xong công việc của mình, thay vì nghỉ ngơi thư giãn, bạn lại sẵn sàng giúp đỡ một đồng nghiệp đang bị “ngập đầu” giải quyết những phàn nàn của khách hàng. Đồng nghiệp của bạn khi ấy sẽ rất cảm kích và chắc chắn sau này khi bạn ở trong tình huống tương tự, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn hết mình.
3) Chủ động chấp nhận những khó khăn :
Chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều vất vả để giải quyết các việc khó khăn. Nhưng nếu bạn chủ động nhận phần việc khó hơn cho mình, bạn đã thể hiện được bản lãnh, chứng tỏ bạn là con người tự tin, không ngại khó. Đây cũng là cơ hội để bạn hoàn thiện kỹ năng và nâng cao kiến thức. Sếp và đồng nghiệp chắc sẽ đánh giá cao tinh thần tích cực và sự nhiệt tình làm việc của bạn.
4) Ứng xử lịch thiệp :
Nơi bạn làm việc là một tập thể thu nhỏ, vì vậy bạn cần ý thức về hành động của mình để tránh cho đồng nghiệp khỏi khó chịu. Ví dụ : bạn sẽ tắt đèn và các thiết bị khác trong phòng sau khi họp xong… Khi các thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, điện thoại gặp trục trặc mà bạn không giải quyết được, đừng làm ngơ mà hãy kịp thời thông báo cho người có trách nhiệm để giải quyết sự cố.
Trong môi trường làm việc, mọi người ngồi gần nhau, bạn đừng để những sở thích cá nhân của mình ảnh hưởng đến người khác. Chẳng hạn : Nếu bạn thích nghe nhạc giải lao giữa giờ, hãy dùng ê-cút-tơ áp tai nghe; Khi nói chuyện điện thoại, hãy hạ thấp giọng hoặc tìm chỗ vắng người để nói chuyện; Đừng ăn những món nặng mùi như sầu riêng tại nơi làm việc để tránh gây khó chịu cho người khác…
5) Nhiệt tình tiếp đón đồng nghiệp mới :
Ấn tượng về ngày đầu tiên của bạn tại công ty thế nào? Bạn không quen biết ai, bạn bối rối không biết nhà vệ sinh ở đâu hay cách sử dụng máy fax ra sao? Đừng để điều này xảy ra với đồng nghiệp mới, đặc biệt nếu họ làm việc chung trong cùng nhóm với bạn. Khi thấy họ lạc lõng trong môi trường mới, bạn hãy chủ động bắt chuyện, giới thiệu họ với các bạn đồng nghiệp khác, giúp họ hòa nhập nhanh với nhóm. Lòng tốt của bạn chắc chắn sẽ được họ ghi nhận với sự cảm kích biết ơn !
6) Lắng nghe góp ý xây dựng của người khác :
Trong cuộc họp, dù bạn nghĩ giải pháp của bạn là tối ưu có thể đáp ứng được khó khăn hiện tại, nhưng cũng không mất gì nếu bạn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp khác. Hãy thể hiện sự tôn trọng dành cho họ và khen những đóng góp dù nhỏ bé của họ. Khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía khác nhau, có thể bạn sẽ có được giải pháp phù hợp hơn với những gì bạn đã nghĩ trước đó.
7) Đề cao sự giúp đỡ của đồng nghiệp :
Trong tình huống bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc với sự hỗ trợ phần nào của đồng nghiệp. Hãy bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với họ và cho sếp biết phần đóng góp quý báu của họ trong dự án này. Họ sẽ cảm thấy tự hào vì đã giúp ích cho bạn và cho việc chung. Mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp sẽ ngày một tốt hơn sau này.
Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt tại công sở hay xí nghiệp : Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Rồi sẽ tới lúc ai nấy đều muốn được hợp tác làm việc chung với bạn. Con đường thăng tiến của bạn do đó sẽ ngày một rộng mở.
4. SINH HOẠT :
Bạn nhận định thế nào về 7 cách giúp xây dựng quan hệ tốt với bạn đồng nghiêp, là điều kiện giúp bạn thành công trong công việc?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của thái độ nhiệt tình giúp đỡ tha nhân trong cộng đoàn, công sở hay nhà máy xí nghiệp… Xin cho chúng con luôn sống lời Chúa là quan tâm phục vụ tha nhân và đối xử tốt với các đồng nghiêp, như chúng con muốn được họ đối xử tốt với chúng con.- AMEN.
BÀI 25
VĂN HOÁ ỨNG XỬ –THÁI ĐỘ CỞI MỞ THÂN THIỆN
1. LỜI CHÚA :
Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau : "Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc" (1 Pr 3,8-9).
2. CÂU CHUYỆN : DÂN ĐẢO QUỐC XANH-GA-PO THÂN THIỆN.
Có lẽ ai trong chúng ta là người Việt Nam cũng cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được nghe lời nhận xét của một số người nước ngoài đến làm việc hay đi du lịch tại Việt Nam : "Con người Việt Nam rất thân thiện". Tuy nhiên, có thể đó chỉ là những lời động viên mang tính ngoại giao của người nước ngoài khi phải phát biểu công khai. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận thực trạng về thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Viêt còn nhiều hạn chế. Gần đây trên mạng có đăng một bài báo của một nữ tác giả đã nêu nhận xét về thái độ và con người của đảo quốc Xanh-ga-po (Singapore) nhân chuyến mang con sang đó chữa bệnh trong 2 tuần lễ. Chị đã nêu nhận xét khá trung thực khi so sánh giữa thái độ thân thiện của người Xanh-ga-po với thái độ không mấy tốt đẹp của người Việt chúng ta như sau :
1) TẠI PHI TRƯỜNG :
Chị kể : "Ấn tượng đầu tiên của tôi là hộp kẹo nhỏ để trên bàn nhân viên hải quan tại sân bay Xanh-ga-po. Nó cho tôi cảm giác tôi được chào đón ở đất nước xinh đẹp này. Sau chừng hai phút làm thủ tục nhập cảnh, viên chức hải quan Xanh-ga-po tuổi trạc tứ tuần đã ân cần dặn dò tôi : "Bạn nhớ đến cơ quan di trú để gia hạn, nếu thời gian chữa bệnh cho em bé kéo dài hơn 30 ngày nhé". Khi ấy, trong đầu tôi lại liên tưởng đến hình ảnh cặp mắt quắc lên đầy giận dữ của một nhân viên hải quan Việt Nam khoảng 20 tuổi dành cho người mẹ 70 tuổi đi cùng tôi. Anh ta nói to : "Ai cho lên đây một lúc cả đống như thế này hả?". Do bà cụ lần đầu đi nước ngoài nên đã không biết phải xếp hàng khi làm thủ tục hải quan.
2) TRÊN XE TA-XI :
Chị kể : "Đi ta-xi, thấy đồng hồ tính tiền chỉ số tiền phải trả là 5,5 đô Xanh, tương đương 55 ngàn tiền VN, tôi đưa tờ 5 đô Xanh và lục túi để tính đưa thêm 50 xu nữa. Nhưng thật bất ngờ khi anh tài xế Ta-xi lại đưa trả lại cho tôi 50 xu. Anh giải thích vì đi nhầm đường bị lố mất 1 đô, nên anh chỉ lấy tôi đúng 4,5 đô thôi. Tôi thật ngạc nhiên, vì tôi có than phiền gì đâu ! Vì thực sự tôi cũng đâu có biết đường đi xa hay gần để than phiền. Hôm khác, khi gọi điện thoại kêu ta-xi, tôi vẫy gọi một chiếc khác đang vắng khách. Lên xe rồi, tôi gọi lại cho hãng ta-xi ban nãy để báo mình không cần gọi xe nữa. Anh tài xế chờ tôi cúp máy xong, liền nhẹ nhàng nói : "Lần sau, nếu không quá khẩn cấp, chị hãy ráng ngồi đợi xe đến nhé. Vì khi chị báo hoãn không đi nữa, thì có thể người tài xế do hãng điều tới cũng sắp chạy đến chỗ hẹn rồi. Đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu, nhưng có lẽ anh tài xế bị đón hụt sẽ rất buồn vì thấy mình không được khách hàng tôn trọng".
3) Ở BỆNH VIỆN NHI :
Chị kể : "Ở những cơ sở y tế cho trẻ em, dù là bệnh viện công to lớn hay phòng khám tư nhân nhỏ bé, đâu đâu cũng thấy có nhiều đồ chơi con nít. Trong phòng khám, trẻ con được tự do chạy nhảy đang khi phụ huynh nói chuyện với bác sĩ. Lỡ các em có đụng làm đổ đồ chơi thì cũng chỉ nhận được nụ cười cảm thông, như vị giáo sư già ở bệnh viện trẻ em. Ông nói : "Không sao đâu. Trẻ con mà. Đó là do lỗi của chúng tôi đã để đồ chơi trong tầm tay trẻ em". Tôi thấy ông đã ghi dày đặc cả một trang giấy hồ sơ bệnh án của con tôi. Về những phương pháp đã chữa trị ở Việt Nam, ông hỏi tôi phương pháp nào thành công, phương pháp nào không… Ông khiến tôi không thể không so sánh với những lần đi khám bệnh ở Việt Nam. Tôi chỉ dám trả lời đúng những câu hỏi rất ngắn của bác sĩ, vì đã có lần tôi lỡ nói về những kinh nghiệm chữa trị cho bé mà tôi đã áp dụng trong thời gian trước đó, tôi đã nhận được "lời bình" : "Hóa ra chị là bác sĩ chứ đâu phải tôi!"
4) Ở PHÒNG TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU :
Chị kể : "Lần khác, tôi được giới thiệu đưa con đi tập vật lý trị liệu ở phòng tập tên là "Pa-xi-phíc Pên Ke-ơ Xen-tơ" (Pacific Pain Care Center). Sau khi quan sát khoảng 5 phút, anh kỹ thuật viên đã hỏi tôi sao lại mang cháu đến trung tâm này? Tôi muốn lấy lòng anh nên nói : "Tôi được bạn bè giới thiệu đây là chỗ tốt nhất để tập vật lý trị liệu cho bé". Anh ta làm tôi bất ngờ khi nói : "Tôi biết ở đây còn có những nơi khác thích hợp hơn cho bé. Ơ đây chúng tôi không có đủ phương tiện chuyên dùng cho trẻ em". Nói rồi anh ta gọi điện thoại đến một phòng tập trẻ em, cố gắng sắp xếp một cái hẹn vào ngày hôm sau cho con tôi, vì biết tôi là người nước ngoài, không thể chờ đợi lâu. Rồi anh ngồi vào máy tính, lên mạng chỉ dẫn cho tôi lộ trình đi đến đó thật cặn kẽ. Tính ra anh đã mất 40 phút với hai mẹ con tôi. Nhưng sau đó anh ta cương quyết không nhận số tiền tôi trả cho anh. Chẳng cần phải tính toán nhiều, tôi cũng biết anh đã chịu thiệt. Vì sau đó tôi đã phải trả gần 200 đôla Xanh (tương đương 2 triệu đồng VN) cho 1 giờ tập ở phòng tập trẻ em. Tôi thấy anh nhân viên phụ trách tập cho con tôi thật tận tụy. Anh đã không quản ngại quì một gối xuống đất khi nói chuyện với bé, trong khi tôi ngồi giữ bé ở yên trên ghế. Quả là quá tương phản với thái độ thiếu thân thiện của không ít nhân viên y tế, thậm chí cả hộ lý tại các bệnh viện Việt Nam, khi tự cho mình có quyền nạt nộ bệnh nhân.
5) TRÊN ĐƯỜNG PHỐ : Chị kể : "Đi trên đường phố Xanh-ga-po, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác gì ở Pa-ri hay Nữu Ước. Vì Xanh-ga-po cũng quy tụ đủ thứ sắc dân tây ta lẫn lộn. Người dân đảo quốc Sư Tử đã học được rất nhiều "chất Tây". Chẳng hạn : Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và làm đến nơi đến chốn. Nhưng đồng thời họ vẫn tỏ ra có tình cảm thân thiện theo kiểu Á Đông. Khi hỏi đường và nhờ chỉ dẫn ở Xanh-ga-po, đa số người được hỏi đều tạm ngưng việc để chỉ dẫn, thậm chí có người còn bỏ công dẫn bạn đến tận nơi cần tìm nữa.
Xin cảm ơn đất nước Xanh-ga-po đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc và bài học thực tế về thái độ ứng xử thân thiện với tha nhân".
3. SINH HOẠT :
Bạn đề ra giải pháp nào khả thi để giúp người Việt chúng ta học tập cách cư xử thân thiện của người Âu Châu, đặc biệt của người dân đảo quốc Sư Tử như trên?
4. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho chúng con học nơi Chúa tinh thần nhân ái bao dung thể hiện qua thái độ thân thiện và quên mình phục vụ vô vụ lợi. Xin cho chúng con ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và nên con thảo của Cha trên trời.- AMEN.
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
(Samuel Smiles).
4 điều không thể cứu vãn được như sau :
- Một là Viên đá… đã ném khỏi tầm tay.
- Hai là Lời nói… đã thốt ra khỏi miệng.
- Ba là Cơ hội… đã bị mất.
- Bốn là Thời gian… đã qua đi.
BÀI 26
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – THÂN THIỆN NHƯNG ĐỪNG TỌC MẠCH
1. LỜI CHÚA :
Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét… Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng rồi trở về nhà (Lc 1,39-40.56).
2. CÂU CHUYỆN : CHUYỆN GIA ĐÌNH GIE-NI-PHƠ.
Chị GIE-NI-PHƠ (Jennifer), một người Mỹ lấy chồng Việt Nam, khi được hỏi suy nghĩ thế nào về thái độ của bà con người Việt đối với gia đình mình, thì chị đã trả lời như sau : "Những người hàng xóm Việt Nam của chúng tôi rất tốt : Họ nắm rất rõ các sinh hoạt của gia đình tôi. Nếu tôi hắt hơi, họ hỏi tôi đã uống thuốc chưa? Uống lọai thuốc gì? và sẵn sàng đi mua thuốc giúp. Mỗi sáng khi chưa thấy tôi đổ rác, họ liền gọi cửa nhắc nhở hoặc giúp mang rác ra xe đổ giúp. Họ thật tốt bụng đáng quý".
Nhưng GIEN đôi khi cảm thấy sự quan tâm của những người hàng xóm cũng có hơi quá đáng. Chị than phiền như sau : “Khi không thấy chồng tôi ở nhà, họ hỏi thăm anh ấy đi đâu? Khi nào thì về? Dường như họ muốn biết mọi thứ diễn ra trong gia đình tôi, kể cả những chuyện như : tối qua vợ chồng tôi to tiếng với nhau về việc gì? Họ cũng thắc mắc về sinh hoạt riêng của chúng tôi. Chẳng hạn : Con chúng tôi có được ngủ chung phòng với vợ chồng tôi không?... Đôi khi tôi cảm thấy rất bất tiện khi phải trả lời các câu hỏi mang tính tò mò tọc mạch như thế"...
3. SUY NIỆM :
Vậy thế nào là ứng xử thân thiện? Phân biệt thái độ thân thiện khác với tọc mạch thế nào? Ta phải làm gì?
1) Thế nào là thái độ thân thiện?
Thân thiện là thái độ xã giao lịch sự khi tiếp xúc với tha nhân, thể hiện qua thái độ niềm nở mỉm cười với người mới gặp để làm quen, rồi quan tâm thăm hỏi và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Rộng rãi khen các ưu điểm cách tế nhị đúng lúc hợp hoàn cảnh; Sẵn sàng trả lời các vấn nạn; Tiên liệu để chuẩn bị trước những gì tha nhân cần… Thái độ thân thiện như nói trên rất cần cho những ai muốn thành công trong việc phục vụ tha nhân và những người muốn thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho lương dân.
2) Vậy trong thực tế đời thường, chúng ta phải quan tâm tới người khác thế nào mới tốt, và tránh trở thành tò mò tọc mạch đáng ghét?
Thực ra, vấn đề không phải ở sự năng quan tâm hỏi thăm, mà liên quan đến hai nguyên tắc ứng xử như sau :
- Một là khi người bị hỏi cảm thấy bị tổn thương và không muốn trả lời câu hỏi, thì đó không còn là thái độ thân thiện đáng quí nữa.
- Hai là khi người hỏi chỉ muốn thỏa mãn tính tò mò muốn biết mọi sự về đời tư của người kia, chứ không nhằm để giúp đỡ chia sẻ sự khó khăn của họ, thì đó là thái độ bất lịch sự.
4. SINH HOẠT :
Đối với những bạn cùng phòng hay người cùng xóm, ta nên làm gì để tỏ thái độ thân thiện?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cử Thánh Thần đến giúp chúng con biết cách cư xử thân thiện với mọi người chung quanh để gây thiện cảm, là điều kiện thành công trong mọi công việc. Xin cho chúng con biết quan tâm đến tha nhân và sẵn sàng phục vụ, để nên người trưởng thành về nhân cách, nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ đích thực của Chúa, và nên anh chị em của mọi người trong đại gia đình Hội Thánh.- AMEN.
BÀI 27
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – TẬP XÉT ĐOÁN TỐT CHO THA NHÂN
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
2. CÂU CHUYỆN : YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU.
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có ghi lại câu chuyện về thói xét đoán chủ quan như sau :
Vua nước Vệ rất yêu thương một cô gái tên Di Tử Hà. Theo luật nước Vệ : Ai phạm tội đi trộm xe của vua sẽ bị phạt chặt chân. Một hôm nghe tin báo mẹ bị ốm nặng lúc nửa đêm, Di Tử Hà đã vội lấy xe của nhà vua mà đi cho nhanh. Sau khi biết chuyện vua liền khen rằng : “Di Tử Hà có hiếu thật ! Vì hết lòng hiếu thảo với mẹ nên đã dám phạm lỗi đi xe của vua là tội có thể bị chặt chân !” Lại một hôm khác, khi theo vua đi chơi ngoài vườn cây ăn trái, Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngọt, liền đưa cho vua phân nửa còn lại. Vua liền quay sang nói với cận thần rằng : “Nàng ấy yêu trẫm thật ! Của đang ăn ngon miệng mà sẵn sàng nhường một phần cho trẫm”.
Về sau khi vua không còn yêu Di Tử Hà nữa, một hôm Di Tử Hà phạm lỗi, vua liền nổi giận kể ra các tội cũ của nàng : “Di Tử Hà có lần đã dám tự tiện lấy xe của trẫm mà đi. Lại lần khác đã dám đưa cho trẫm nửa trái đào đã ăn còn thừa. Nàng ta đã nhiều lần phạm tội đối với trẫm”. Nói xong vua truyền cho quân lính trị tội Di Tử Hà.
3. SUY NIỆM :
Chúa ban cho lòai người chúng ta có trí khôn biết suy luận điều hay lẽ thiệt, biết phân biệt điều đúng sai phải trái, biết nhận xét người tốt kẻ xấu... để ứng xử cho xứng hợp. Như vậy sự xét đoán là một tài năng cao quý Chúa ban cho lòai người, làm cho con người trổi vượt trên mọi lòai vật khác.
Tuy nhiên chúng ta thường hay nghĩ sai, xét đoán ý trái cho kẻ khác nên Chúa Giê-su đã dạy: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy” (Mt 7,1-2).
4. SINH HOẠT :
1) TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC?
a) Do bản tính của chúng ta không tốt : Các thánh nhân là những người tốt, lòng trí đầy thiện hảo, nên thường nghĩ tốt cho người khác, luôn cắt nghĩa ý tốt và ngay lành cho tha nhân. Còn những người xấu thường “suy bụng ta ra bụng người”, nên hay nghĩ xấu cho người khác. Chính thói xấu nhỏ nhen, ưa ganh tị với những ai hơn mình làm cho chúng ta dễ xét đoán và đánh giá không đúng về người khác : “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn; Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra !”
b) Do bị tình cảm yêu ghét chi phối : “Yêu nên tốt, ghét nên xấu !”. Thực vậy, khi đeo kính màu hồng thì chúng ta sẽ nhìn thấy mọi người mọi vật chung quanh đều màu hồng cả. Ngay cả những sai lỗi, khuyết điểm của “người yêu” cũng trở thành dễ thương như ca dao Việt Nam: “Mũi em mười tám gánh lông, CHồng Yêu, chồng bảo : Râu rồng trời cho ! - Đêm nằm thì ngáy o o... CHồng Yêu, chồng bảo : Ngáy cho vui nhà ! - Đi chợ thì hay ăn quà, CHồng Yêu, chồng bảo : Về nhà đỡ cơm ! - Trên đầu những rác cùng rơm, CHồng Yêu, chồng bảo: Hoa thơm rắc đầu !”...
2) XÉT ĐOÁN Ý TỐT CHO THA NHÂN MANG LẠI NHỮNG ÍCH LỢI GÌ?
Việc xét đoán ý ngay lành cho người khác sẽ mang lại nhiều ích lợi như sau :
Tâm hồn ta sẽ có sự bình an và gặp được nhiều may lành trong cuộc sống : Người hạnh phúc là người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, luôn nhìn vào mặt tích cực của sự việc và nghĩ tốt cho kẻ khác, nên dễ gây được thiện cảm và sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Trái lại, kẻ bất hạnh thường “vạch lá tìm sâu”, ưa tìm những điều tồi tệ trong mọi việc để chỉ trích kết án người khác. Từ đó họ sẽ có nhiều kẻ thù nên lúc nào cũng phải lo đối phó và công việc của họ sẽ khó đạt được thành quả như ý.
3) LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC?
a) Phải biết mình trước : Mỗi người chúng ta đều có đeo hai cái túi : Túi trước ngực đựng những ưu điểm và túi sau lưng chứa những khuyết điểm của mình, nên khi đối nhân xử thế, chúng ta thường chỉ nhìn thấy ưu điểm của mình và thấy khuyết điểm của người khác phía trước. Và ngược lại chúng ta lại không nhận ra khuyết điểm của mình phía sau lưng và ưu điểm của kẻ khác phía trước như người đời thường nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!”. Do đó, thái độ nhìn lại mình để tự kiểm điểm luôn cần thiết mà mỗi người tín hữu cần thực hiện :
- Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để không lên án anh em.
- Biết mình thường che đậy giả hình để dễ cảm thông và khoan dung với kẻ khác.
- Biết mình ưa phô trương háo thắng để tránh phê phán khinh thường tha nhân.
Binh pháp Tôn Tử có câu : “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng !”. Thánh Au-gút-ti-nô cũng thường cầu nguyện như sau : “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”.
b) Phải tự sửa lỗi trước : Người xưa rất có lý khi xếp việc tu thân đứng đầu các việc phải làm để thu phục nhân tâm như sau : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Phải tự sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi người khác để tránh tình trạng : “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người ”. Chúa Giê-su cũng dạy môn đệ : “Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ” (Lc 6,41). Vậy để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào “cái rác” nơi kẻ khác để chỉ trích họ, nhưng hãy nhìn vào tâm hồn của mình, để thấy “cái đà” kiêu căng tự mãn, phô trương giả hình mà tu sửa cho tâm nên trong sáng, trước khi đủ sáng suốt và uy tín để giúp tha nhân sửa lỗi.
c) Phải khiêm tốn và năng khen ngợi cái hay của người khác : Do thói kiêu căng tự ái cao, chúng ta thường không muốn bạn bè trổi vượt hơn mình. Chúng ta thường hà tiện lời khen kẻ khác, nhưng lại hào phóng phê bình nói xấu họ. Có thể nói : một trong những tội mà người ta dễ sai phạm nhất là tội xét đoán ý trái, cố tình nghĩ sai cho kẻ khác, nhất là những kẻ mình không ưa.
d) Phải năng suy niệm Lời Chúa và cầu xin ơn Chúa giúp : Lời nói việc làm của chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái nếu biết năng đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Chúng ta cũng chỉ có thể phát sinh hoa trái là làm các việc lành nếu năng đón nhận Thánh Thể trong thánh lễ là bí tích Tình Yêu.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Do tính ích kỷ, con thường hay bắt lỗi và chỉ trích tha nhân, nhất là những kẻ con không ưa. Do thói kiêu căng tự mãn con thường muốn được nhiều người khen ngợi, và lại hay nói xấu để hạ uy tín của kẻ khác. Từ nay xin Chúa giúp con luôn xét đoán theo ý ngay lành cho tha nhân, biết khiêm tốn khen các ưu điểm của bạn bè hơn con để động viên họ. Nhờ đó con sẽ thực thi lòng mến, hầu nên môn đệ đích thực của Chúa.- Amen.
BÀI 28
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO KẺ KHÁC
1. LỜI CHÚA :
”Điều gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN : TÊN TRỘM VÔ LIÊM SỈ.
VA-LƠ-RI CỐC (Valerie Cox) đã thuật lại chuyện mà bà là nhân vật chính như sau :
Có một cô gái đang ngồi trong phòng đợi lên máy bay. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường và tính ra còn cả tiếng đồng hồ nữa chuyến bay mới khởi hành. Cô liền lấy trong túi xách ra một quyền sách khá hay mang theo để đọc. Trước đó cô cũng không quên mua một gói bánh bích quy ưa thích ở quầy bánh kẹo miễn thuế. Bấy giờ một gã đàn ông trung niên bước vào phòng đợi và sau khi đảo mắt quan sát, gã đến ngồi vào ghế băng bên cạnh cô gái. Một lúc sau, cô gái trông thấy gói bánh bích qui cô mới mua đã bị mở nắp và đang nằm trên ghế băng giữa cô và gã đàn ông. Nghĩ là hộp bánh của mình, cô liền thò tay lấy ra một chiếc bánh đưa lên miệng ăn. Bỗng tay cô chạm phải tay của gã đàn ông đang lấy ra một chiếc bánh mà không nói gì với cô là chủ gói bánh. Cô cảm thấy bực mình trước trhái độ trâng tráo của gã đàn ông, nhưng không biết nên ứng xử thế nào, nên đành im lặng chịu đựng. Sau đó cô thấy mỗi lần cô lấy ra một chiếc bánh thì gã kia cũng làm như vậy không chút bối rối. Hắn ta cứ tiếp tục trơ tráo ăn hết chiếc bánh này đến chiếc khác. Cô thầm nghĩ : ”Thật là trơ tráo hết chỗ nói !. Nếu ta không nhẫn nhịn thì chắc gã này đã phải xấu hổ trước mặt mọi người rồi !”. Đến khi trong hộp chỉ còn chiếc bánh cuốI cùng, cô tò mò không biết hắn ta sẽ làm gì với chiếc bánh còn lại này? Nhưng thật bất ngờ, hắn ta đã vui vẻ cầm chiếc bánh kia lên, bẻ ra làm đôi và trao cho cô một nửa. Cô giật phắt lấy miếng bánh biểu lộ sự bất bình và thầm nghĩ : ”Thật là một con người trơ tráo và vô liêm sỉ ! Sao hắn ta chẳng hề tỏ chút bối rối nào khi bị bắt quả tang lấy trộm bánh không phải của mình?” Đang suy nghĩ như vậy, cô bỗng thở phào nhẹ nhõm khi nghe nhân viên sân bay thông báo yêu cầu hành khách đi trên chuyến bay của cô ra xe lên máy bay. Cô vội cầm túi xách và mau xếp hàng ra xe, không thèm nhìn gã đàn ông đáng ghét kia lúc đó vẫn ngồi lại chờ chuyến sau. Khi đã yên vị trên máy bay, cô liền mở túi xách để tìm cuốn sách đang đọc dở. Cô kinh ngạc khi thấy hộp bánh quy cô mới mua vẫn đang nằm yên trong túi xách của cô.
3. SUY NIỆM :
Thì ra chính cô đã tự nhiên ăn bánh của gã đàn ông bên cạnh mà không biết. Thế mà ông ta không hề tỏ ý phản đối, trái lại còn vui vẻ chia sẻ với cô. Thậm chí còn chia đôi chiếc bánh cuối cùng trao cho cô. Cô nhận ra mình thật tệ khi đã xét đoán oan sai. Thực ra, chính cô mới trơ tráo, khi tự nhiên ăn bánh không phải của mình. Cô mới thực là tên trộm vô liêm sỉ !
4. SINH HOẠT :
Bạn đánh giá thế nào về tư cách của người đàn ông trên?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Nhiều lần con cũng đã tỏ ra khinh thường người khác, mà sau đó con mới biết mình đã lầm khi vội nghĩ xấu và kết án oan sai cho họ. Xin cho con tránh trở thành kẻ hồ đồ khi kết án bất công cho người vô tội.- AMEN.
BÀI 29
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TRÁNH HỒ ĐỒ KHI VỘI KẾT ÁN THA NHÂN
1. LỜI CHÚA :
“Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hay tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).
2. CÂU CHUYỆN : ÔNG BỐ BỆNH NHÂN VÀ VIÊN BÁC SĨ CHỮA BỆNH.
Một vị bác sĩ sau khi nhận được cuộc điện thoại tiếp nhận một ca phẫu thuật gấp, liền vội vã chạy nhanh đến bệnh viện và vội vàng thay đổi trang phục.
Cha của bệnh nhân đã không kìm chế được sự bực tức đã lên tiếng trách : “Tại sao ông lại có thể đến muộn như vậy chứ? Chẳng lẽ ông không biết được con trai của tôi đang trong tình thế vô cùng nguy hiểm hay sao? Ông đúng thật là một con người vô trách nhiệm !”.
Bác sĩ nhẹ nhàng nói : “Tôi thật xin lỗi. Hôm nay tôi không có phiên trực tại bệnh viện. Nhưng khi nhận được điện thoại báo tin, tôi đã lập tức cấp tốc từ nhà đến đây ngay. Xin ông cảm thông nhé !”.
“Cảm thông ư? Nếu như người nằm trong phòng phẫu thuật là con trai của ông thì ông có thể xin người khác cảm thông được không? Nếu như hiện tại con trai của ông chết rồi thì ông sẽ phản ứng thế nào đây?”, cha của bệnh nhân phẫn nộ nói.
Bác sĩ lại ôn tồn : “Thôi được rồi. Bây giờ tôi phải bắt tay vào việc ngay. Xin ông hãy bình tĩnh cầu nguyện để con trai của ông có thể vượt qua cơn nguy kịch đi nhé”.
Cha của bệnh nhân lại tức giận nói : “Chỉ có người thờ ơ với sự sống chết của người khác mới có thể nói được những lời như vậy !”.
Mấy tiếng sau, ca phẫu thuật đã thành công, bác sĩ từ trong phòng phẫu thuật đi ra vui vẻ nói với cha của bệnh nhân : “Cảm ơn Chúa, Con trai ông đã được cứu rồi !”.
Không chờ người đàn ông kia trả lời, vị bác sĩ vội vã nói trước khi bỏ đi : “Nếu như còn có vấn đề gì, ông hãy nói chuyện với cô y tá của tôi nhé”.
Cha của nam bệnh nhân liền nói với cô y tá : “Ông bác sĩ này thật ngạo mạn ! Ngay cả việc cho biết tình trạng của con tôi chỉ mất vài ba phút cũng không được sao?”.
Bấy giờ cô nữ y tá nước mắt nhoà lệ liền nói với ông ta : “Con trai của bác sĩ hôm qua mới bị chết vì tai nạn giao thông, lúc chúng tôi gọi điện mời bác sĩ đến đây gấp để mổ cho con trai ông, là bác sĩ đang trên đường đến nhà tang lễ để làm thủ tục nhận xác con. Bây giờ sau khi đã cứu sống con trai của ông, bác sĩ phải vội trở về nhà tang lễ để hoàn tất thủ tục an táng cho con trai mình đó…”.
3. SUY NIỆM :
Cuộc sống của người khác và họ đang trải qua khó khăn nào? thì nếu chỉ đứng trong hoàn cảnh của mình, chúng ta sẽ không thể hiểu hết được. Những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài, là phần nổi nhỏ của khối băng chìm to lớn mà thôi… Chỉ những ai từng bị đau răng mới hiểu được nỗi đau của người bị đau nhức răng….
4. SINH HOẠT :
Bạn nhận xét thế nào về y đức của viên bác sĩ phẫu thuật trong câu chuyện trên?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con tránh phê phán người khác khi chưa hiểu được hoàn cảnh họ đang gặp phải. Nhờ đó chúng con sẽ nên người trưởng thành về nhân cách, biết cảm thông với tha nhân trong các giao tiếp xã hội.- AMEN.
BÀI 30
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - XÉT ĐOÁN HỒ ĐỒ DẪN ĐẾN HÀNH XỬ OAN SAI
1. LỜI CHÚA :
Khi ấy, Chúa Giê-su phán: ”Sao anh lại nói với người anh em : “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh”? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,1-5).
2. CÂU CHUYỆN : VIÊN THANH TRA HỒ ĐỒ.
Một lần kia, ông thanh tra sở giáo dục đến thanh tra một trường nhỏ. Ngồi ở văn phòng, ông nghe thấy tiếng ồn ào ở lớp học kế bên. Nóng nảy bộp chộp, ông xô cửa vào lớp, chẳng nói chẳng rằng, túm lấy một cậu trai lớn tuổi đang làm ồn nhất, lôi cậu ấy vào hội trường, bắt cậu ta đứng vào góc tường và bảo: ”Bây giờ thì câm miệng lại và không được động đậy”.
Vài phút sau, một cậu trai nhỏ tuổi hơn đến bên kéo ông thanh tra bất nhẫn ấy và thỉnh cầu: ”Thưa ông, xin ông làm ơn trả thầy giáo lại cho tụi cháu được không” (Bernard Mischke).
3. SUY NIỆM:
1) THẾ NÀO LÀ XÉT ĐOÁN? :
“Xét” là tìm hiểu, cân nhắc kỹ để nhận biết, đánh giá, kết luận về một điều gì.
“Đoán” là dựa vào vài điều đã thấy, đã biết, mà suy ra điều chưa biết hoặc chưa xẩy ra.
Nói cách khác: “Xét” là nhận xét, là quan sát và suy nghĩ. “Đoán” là kết luận phỏng chừng, thiếu chính xác. Vậy đoán xét là những kết luận được rút ra từ sự ước lượng phỏng chừng, nên thường thiếu chắc chắn và cũng không chính xác.
2) GIÁ TRỊ CỦA SỰ XÉT ĐOÁN :
Xét đoán là một hành vi nhân linh, giúp người ta dựa vào sự kiện đã xảy ra để tìm ra nguyên nhân và hiểu đúng bản chất của sự việc, nhờ đó sẽ chọn cách hành xử đúng đắn. Nhưng nếu nóng vội sẽ dẫn đến xét đoán hồ đồ và hành xử oan sai, sẽ gây ra hậu quả tai hại đáng tiếc.
3) GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI CỦA XÉT ĐOÁN :
- Vì ta thường suy nghĩ chủ quan hơn khách quan: XÊ-NO-PHÔN, nhà triết lý Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên đã nói: ”Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đàng trước và một cái đàng sau. Cái bị đàng sau chứa đựng cái xấu của mình, còn cái bị đằng trước lại chứa đầy cái xấu của người khác. Do đó, người ta khó thấy điều sai lỗi thiếu sót của mình, nhưng lại dễ thấy những khuyết điểm lầm lỗi của kẻ khác”.
- Vì ta thường hay xét đoán nông nổi do thiếu kinh nghiệm và tính nóng vội, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, để sau khi hậu quả xấu xảy ra, dù có hối hận đến đâu cũng khó bù đắp các thiệt hại đã gây ra cho bản thân hay cho người khác.
- Vì tính kiêu ngạo ganh ghét, không muốn kẻ khác hơn mình, nên ta thường hay vạch lá tìm sâu, ưa tìm kiếm lỗi lầm của người khác, mà không nhận ra sự sai lỗi của mình, như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê. - Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
4. SINH HOẠT : LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO THA NHÂN? :
Để tránh tội xét đoán ý trái cho tha nhân, ta cần năng đọc kinh cáo mình mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, trong kinh có câu: ”Lỗi tại tôi, lỗi lại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Hãy năng suy nghĩ Lời Chúa: ”Sao anh thấy cái rác trong con mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ”Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh” (Mt 7,3-4)? Quyết tâm đối xử nhân từ khoan dung với lỗi lầm của người xúc phạm đến mình, để xứng đáng được Chúa tha thứ các tội lỗi lớn lao của ta.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa, xin giúp con tránh xét đoán ý trái cho kẻ khác. Và khi trách nhiệm buộc con phải đứng ra xét xử, thì xin giúp con xét đoán với sự khôn ngoan và lòng khoan dung như lời Chúa dạy. AMEN.
Theo như lời Cáo Phó của gia đình:
Sáng Thứ Sáu, ngày 29 tháng 7/2022, lúc 9 giờ sáng, Thánh Lễ An Táng, cũng tại Nhà Thờ Chính Tòa Christ Catheral, 13280 Chapman, Ave, Ca 90805.
Đây là niềm thương tiếc chung, về sự ra đi của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, là một mất mát lớn cho Người Việt Hải Ngoại nói riêng và Người Việt Nam nói chung. Một nhân tài xuất chúng!
Nhân vào những phút cuối, trước khi ông trở về cát bụi, xin được kể về chút hoạt động, chút tình cảm riêng tư, có liên quan đến người quá cố, như thay một lời tâm sự, ôn lại kỷ niệm vui buồn trước phút đưa tiễn.
“Thầy Vinh” Và…Tôi!
Trước giây phút “tiễn chân” Thầy về nước Chúa, xin được viết ra chút cảm tưởng, chút hoạt động chung với Người Quá Cố, Một Cựu Tư Lịnh, Người Thầy, Nhà Văn, Nhà Giáo, trên nhiều phương diện, mà tôi rất yêu mến, thán phục, ngưỡng mộ tài năng.
*Nhưng đầu tiên, xin gởi lời Cảm tạ đến Tác giả, tác phẩm “Đời Phi Công”
Là niềm cảm hứng, chất xúc tác, cho biết bao nhiêu người trai thế hệ, hàng ngàn thanh niên lấy “Tổ Quốc Không Gian” là hình ảnh lý tưởng phục vụ bầu trời Quê Hương trong thời chinh chiến, trong đó có tôi! Dĩ nhiên, không bao giờ nghĩ trong đời, được có cơ hội tiếp xúc với tác giả, ai ngờ trong cuộc sống lưu vong của tôi, lại có duyên gặp gỡ!...nhiều lần!
*Tất cả là ý Trời!
Từ khi còn trung học, bước vào nhà sách Khai Trí, tác phẩm “Đời Phi Công” được trưng trang trọng trong tủ kiếng, có sức hấp dẫn lạ thường, cho dù chưa đọc, đọc rồi càng thấy yêu kiếp đi mây, về gió! Hãnh diện chấp nhận “đã mang lấy nghiệp vào thân!”
Nhưng thực tế, tôi và bạn bè đều phải công nhận thật chông gai: “Ôi phi công giờ đây ta mới biết! mộng mây trời, đã…giết chết đời ta!”
Rồi Tháng Tư 75, đàn chim vỡ tổ! tất cả bị bẻ cánh! nhốt vào lồng, tù tội tan tác khắp nơi.
Tôi vượt biển, đến Hồng Kông sớm, chờ đợi hơn một năm trời, rồi được chấp nhận vào Mỹ, nơi đầu tiên định cư ở tiểu bang Michigan. Nơi đó, tôi ké học Anh văn, mà có các sinh viên Việt tại đại học Michigan, đều tự hào về hình ảnh một Giáo sư Việt mang tên tên Nguyễn Xuân Vinh, đã dạy tại đây, mà các sinh viên ngoại quốc đều nể phục. Các cuộc văn nghệ, liên hoan, mừng Tết, Ông đều có mặt sinh hoạt với các sinh viên VN. Tại đây, tôi hân hạnh được tiếp xúc, bắt tay lần đầu tiên với tác giả, mà tác phẩm định mệnh đã theo tôi, hành hạ tôi suốt đời lính!
Tưởng một lần như thế là xong, không bao giờ còn có cơ hội gặp gỡ nữa.
Rồi tôi lang bạt, cuối cùng định cư ở San Jose. Chán làm hãng điện tử, tôi xoay qua làm nhà in, lấy tên “Ấn Quán Tím,” in ấn và xuất bản sách báo.
Một hôm, anh nhân viên trực văn phòng, thông báo có người tên Vinh muốn gặp tôi.
Nghe phôn, tôi nhận ra ngay là GS Nguyễn xuân Vinh, ông hỏi thăm và ngỏ ý muốn gặp tôi tại tư gia, để có chuyện muốn bàn!
Tôi đã đến nhà ông, có tên gọi Village Park, khu Evergreen, dùng cơm tối với ông và phu nhân của ông, là Bà Công Thị Toàn. Bà Toàn sau này qua đời vào tháng 9 năm 2008 tại San Jose. Cuộc hôn nhân kéo dài 50 năm và có 4 người con. Sau đó ông di chuyển về Nam Cali, và kết hôn với người vợ mới, tên Phiến Đan.
Hóa ra ông nhờ tôi, tái bản lại tác phẩm “Đời Phi Công” và tổ chức một bữa tiệc mừng, ông mới nhận được 2 huy chương nữa! (Ai cũng biết ông có quá nhiều huy chương, bằng khen, có khoe nữa cũng bằng thừa!) Nhưng mục đích không phải khoe như vậy, mà muốn gây quỹ cho một Quỹ học bổng mang tên ông, giúp các học sinh nghèo! Dĩ nhiên mục đích quá tốt đẹp như thế, tôi gật đầu ngay. Ông còn đắt tôi vào phòng làm việc riêng, đầy sách vở, bằng khen, huy chương la liệt, hoa cả mắt! đọc không được, có đọc cũng…không hiểu!
Trước khi ra về, tôi có câu thắc mắc muốn hỏi ông: “Trong Quân Chủng, em là “thằng lính KQ cù lũ nhí nhất, hạng bét nhất!” ở đây có Hội Ái Hữu KQ Bắc Cali bề thế, rất nhiều NT cấp lớn, cấp tá, cấp đại úy,… sao thầy không nhờ, mà lại nhờ thằng em…trơ cùi bắp! này?” Ông trả lời: “Em nhỏ, nhưng em…có võ! ít ra thầy trò ta có 3 cái hợp, cùng KQ, cùng Thủ Đức, (Thầy khóa 1) cùng hoạt động dính dáng đến chữ nghĩa, nên không thể kiếm ai thích hợp hơn. Em tuy nhỏ, nhưng…bên trong, có… cái to!”
Từ đó, hơn thập niên thầy sống ở thành phố San jose này, tôi bỗng nhiên trở thành một cộng tác viên khá đắc lực, khiêm nhường thì nhận là…tay trái của ông! Xin khoe:
-Tôi là trưởng BTC buổi tiệc Vinh Danh và ăn mừng Ông được tặng thưởng thêm 2 huy chương, tại Nhà hàng Phú Lâm. Thành công lớn, trên 500 khách tham dự, thu được mấy chục ngàn đô la, xung vào quỹ học bổng. Nhiếp ảnh gia Quân đội, cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Hạnh, vừa chụp xong tác phẩm nổi tiếng “Vá Cờ” mang đến tặng ông liền, món quà quý báu này, làm ông rất cảm động, run run nhận trên sân khấu buổi tiệc.
-Rồi góp tay, tái bản nhiều tác phẩm, trong đó có “Đời Phi Công”, giúp những buổi RMS của ông rất thành công. (Thời đó chưa có máy vi tính, hay gọi là “còm piu tờ,” nên ai cũng yêu, cũng thèm chữ nghĩa, như người đi trong sa mạc thèm nước! nên buổi RMS nào cũng đông nghẹt!) Chẳng bù cho bây giờ, “văn chương hạ giới rẻ như bèo!” nhấn con chuột đọc cả tháng... không hết!
-Tôi còn rủ ông tham dự rất nhiều buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật, trong đó, có buổi RM Thơ của Thi sĩ Yên Sơn, cũng là một cây bút KQ.
Gần ông, tôi nhận xét, ông rất say mê chữ nghĩa và các hoạt động văn hóa, thích toán học, hơn là chuyện… bay bổng! trên mây! trên gió! Mà nhiều người mỉa mai, cũng đúng thôi. “Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời!” Nhưng phải công nhận, ngưỡng phục, ít người có tài, có khả năng trên rất nhiều lãnh vực như thế. Mà lại đối chọi nhau, như nước với lửa! toán học không thể đi đôi với…thơ! vậy mà trong cùng một con người, mới là lạ!
Lần cuối tôi được nói chuyện với ông, trước khi ông có ý định, trở thành người Công Giáo, là con chiên theo Chúa. Tôi hỏi: “Thưa thầy lý do nào?” Ông trả lời: “Từ trái đất tới mặt trăng, có quy luật vận hành riêng của nó, hướng chi cả một thiên hà, hàng triệu triệu những hành tinh, nhìn có vẻ quay cuồng, nhưng có đường có lối cả. Phải có ai sáng tạo và điều khiển chứ?”
Có lẽ chính vì lý do này, niềm tin này, mà Chúa đã gọi ông về, để bàn chuyện Khoa Học Không Gian với Người chăng? Vì Chúa đã phán: “Ai tin thì sẽ được cứu, ai gõ thì sẽ mở!”
Nên lời cầu nguyện “mong Chúa chóng rước Linh hồn ông vào nước Thiên Đàng!” trong trường hợp này, có lẽ không còn cần thiết nữa!
Ngược lại, xin ông phù trợ cho thanh niên Việt Nam, nhiều người được giống ông! để Vẻ Vang Dân Việt khắp nơi! nhằm tranh đấu cho một đất nước tự do, dân chủ, tiến bộ. Không còn kẻ độc tài, luôn áp dụng chính sách ngu dân! không muốn mở mang dân trí, theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.
Cuối cùng, Xin “Thầy” nhận cái Chào Kính! và Vĩnh Biệt!
Đêm nay, nhìn ra bầu trời, lại mất thêm một Vị Sao! Các Niên Trưởng của tôi, những ngày qua, đã lũ lượt ra đi. Rồi cũng đến phiên tôi! Đành vậy thôi, kiếp con người mà! “Khi tôi sinh ra, mang kiếp tro bụi, rồi trở về, với kiếp…bụi tro!” (Thánh ca Công Giáo)
KQ Lê Văn Hải
Trước hết, xin nói qua về việc thành lập Đại học Đà Lạt nơi chúng tôi đã thành đạt. Nó chỉ bắt đầu từ niên khóa 1957-1958 với hai ban Đại học Sư phạm quốc gia: Triết Học và Pháp Văn. Cơ sở trường Đại Học Đà Lạt vốn là Trung tâm an dưỡng của Sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Camp Robert có hai khu. Một ở phía trường Yersin, một phía trong rừng, xa thành phố, rộng 40 mẫu, nơi có 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Nơi đây được gọi là Thụ Nhân (trồng người) đã đào tạo tất cả chúng tôi thành những trí thức miền Nam, đi gieo trồng môn triết học lan tỏa khắp các tỉnh thành miền Nam (Xem thêm đầy đủ bài của Đỗ Hữu Nghiêm (Kỷ niệm 10 năm Viện Đại Học Đà Lạt).
Từ cơ sở ấy, linh mục Nguyễn Văn Lập đã nhiều năm xây dựng và phát triển nên cơ ngơi ngày hôm nay. Nhất là khi mở thêm phân khoa chính trị, Kinh Doanh mà sỉ số sinh viên lên cả ngàn.
· Số giáo sư giảng dạy về môn Triết còn nhớ được
– Thật ra, việc học ra trường với thứ bậc cao thấp chẳng có gì để đáng nói. Chỉ cần chăm một chút là có thể đạt được. Sự thành công sau này chủ yếu là lúc ra đời. Việc học chỉ là giai đoạn chuẩn bị như bước nhảy vào đời. Nó giống như cái ván nhún trong hồ bơi (tremplin). Cái vấn đề không phải là cái ván nhún, mà là sự thao luyện giày công trong nhiều tư thế nhào lộn đúng chuẩn mực, để ngụp sâu và ngoi dậy. Sự thành công bao giờ cũng có giá phải trả bằng nhiều cách khác nhau.
Khởi đầu, tôi nhớ lại lớp Triết Đà Lạt có các vị giảng dạy sau đây. Về phía giáo sư người Việt: Ông Lý Chánh Trung, ông Trần Văn Toàn, ông Bửu Lịch, bs Đào Huy Hách, giám mục Hoàng Văn Đoàn (OP), các linh mục Bửu Dưỡng, Lê Tôn Nghiêm, Sư huynh Pierre Trần Văn Nghiêm Lasan.
Cung cách giảng dạy của giáo sư người Việt mỗi người một kiểu. Như Lý Chánh Trung, tiếng là dạy môn Đạo Đức học lại cố tình chệch hướng với: Bạo động và lịch sử. Ông vận dụng triết học cho một xu hướng chủ nghĩa xã hội không cộng sản. Trần Văn Toàn thì cố nhồi nhét triết học Karl Marx với ba tác phẩm: Hành Trình đi vào triết học, Xã hội và con người và Tìm hiểu Triết học Karl Marx. Bửu Lịch mới ở ngoại quốc về nói tiếng Tây như gió. Bs Đào Huy Hách thì vừa giảng bằng tiếng Tây, vừa dậm chân trên bục giảng nên chẳng nghe rõ được gì. Giám mục Hoàng Văn Đoàn để bộ râu như người ngoại quốc luôn có nụ cười hiền từ. Lm Bửu Dưỡng thận trọng và nghiêm chỉnh. Lm Lê Tôn Nghiêm dạy triết học Heidegger trước sự phá sản của Tây Phương như người mở đường, như kẻ gieo trồng mà không được mùa. Ngoài hai linh mục dòng Đa Minh (OP) là linh mục Alexis Gras cũng di cư từ Bắc vào Nam, ông là người xây dựng lên Câu Lạc Bộ Phục Hưng, trong đó sau này nhiều trí thức miền Nam từ đó xuất thân. Còn có linh mục Marie-Bernard Pineau, đẹp trai và ăn nói có duyên. Còn lại là phần lớn các linh mục Dòng tên, chạy trốn khỏi Bắc Kinh, khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền vào năm 1949. Họ là hai người gốc Trung Hoa như Joseph Tchen, SJ và Mathias Tchen, SJ, C.Larre, SJ, Palacios, SJ, Raguin, SJ, Gaultier, SJ, người Pháp.
– Đây cũng là nỗi nhọc nhằn của chúng tôi khi nghe người Trung Hoa nói tiếng Pháp. Họ nói mà y như họ đang nói tiếng Tàu lổn nhổn, với giọng điệu lên xuống. Nỗi khốn khổ ít hơn khi nghe giáo sư Palacios, dạy luận lý, gốc Tây Ban Nha. Chữ o, chữ e, ông phát âm như tiếng Việt thật buồn cười. Raguin, SJ, người gốc Đức dạy môn triết học Ấn Độ- như một tỳ kheo thứ thiệt- một cách hồn nhiên và say mê. Gaultier, SJ dạy lịch sử triết học- một loại ông già gân kiểu cụ Trần Văn Hương- dạy một cách bài bản và nghiêm nghị, ít khi cười.
– Một vài kỷ niệm không quên về cha Đỗ Minh Vọng. Ông ngồi xe Lambretta, từ Sài gòn lên Đà Lạt trong bộ áo dòng màu trắng và có mặt vào buổi chiều chủ nhật để sáng thứ hai dạy học. Rồi cũng một cách như thế, quay về Sài gòn. Ông có thể đi máy bay như phần đông các giáo sư khác, nhưng ông đã từ chối để tiết kiệm cho Đại Học. Vậy mà buồn thay, giờ của cha Alexis Gras (tên Việt Đỗ Minh Vọng) sinh viên trốn hết, chỉ còn lại vài mống trong đó có tôi vì nể hơn là vì học. Ngài viết đầy bảng các chữ nho nào ai hiểu. Có lần, ngài khôi hài nói: ‘’Các anh mới đúng là những triết gia chân chính”. Nói chung, cái mà chúng tôi học được chưa hẳn là kiến thức, chính là sự say mê truyền dạy, thái độ sống và ứng xử khiêm tốn trí thức đáng kính nể, sự quảng bác về triết học.
– Nhắc lại như một hồi ức không quên mà anh em nhiều người cũng không còn nhớ.
– Có thể chính những đức tính đó, những gương mẫu đó của mỗi vị giáo sư đã làm hành trang cho chúng tôi- tất cả không trừ- để vào đời.
– Phần lớn thì giờ của tôi còn lại lên thư viện đọc và ở nơi đây có 5000 cuốn sách đủ loại. Đọc lõm bõm được chút gì hay chút ấy.
· Đời sống thường ngày của nam nữ sinh viên
– Có lẽ cũng nên dành đôi dòng về đời sống sinh viên như học hành, ăn ở, bạn bè trai gái vốn dĩ là lẽ thường. Nó biểu hiện nhiều cá tính ngay từ thời sinh viên. Nhà trường lo ăn ở nên có đại học xá dành cho nữ sinh viên và đại học xá dành cho khoảng 100 nam sinh viên. Học xá cho nữ sinh viên nằm trong khu phố xá của Đà Lạt. Nam sinh viên thì được ở trong các phòng rộng rãi, ngay trong khuôn viên Đại học bốn người một phòng, mỗi người có một bàn để học, một giường gỗ và một ngăn tủ áo. Mỗi tháng tiền thuê phòng là 200. Tiền ăn ở ngoài Học xá tại Lữ Quán Thanh Niên rất rẻ, chỉ 5 đồng một bữa. Tổng cộng chi phí là khoảng 350 đồng một tháng trong khi học bổng là 1500 đồng một tháng. Hoang phí một tý cuối tuần có thể ra phố ngồi cà phê Tùng. Đời sống sinh viên khá là thoải mái. Những sinh viên ở chung trong học xá dễ thân nhau hơn là với các sinh viên ngoại trú. Tôi còn nhớ các buổi học khuya đói bụng có các chú bé mang bánh mì còn nóng hổi vào bán trong học xá, 2 đồng một ổ. Tôi mua một ổ, trét ‘’bơ”, gọi là bơ cho sang chứ thật ra mỡ Shortening, mỡ còn sót lại từ cuộc di cư năm 1955 của viện trợ Mỹ. Tôi có một cái nhất hơn mọi người là ăn mặc tuềnh toàng, chân đi dép dù trời lạnh. Bên ngoài khoác một áo bốn túi nhà binh, rộng chùm xuống gần đầu gối. Cả năm tứ thời bát tiết chỉ có một cái áo choàng nhà binh không giống ai. Nó như cái style của sự bất cần trong cách ăn mặc. Sau này, tôi vẫn giữ cái phong cách đó khi đi dạy. Nó cũng gây phiền lụy không ít.
– Phần các sinh viên khá giả hơn ở ngoài, tự do hơn. Họ ăn mặc cũng chỉnh tề hơn. Tối thiểu cũng áo len, hoặc blouson. Con nhà giàu như Hồ Mạnh Trinh thì áo blouson da, kính đen như điệp viên 009. Riêng Tô Văn Lai là một trong những sinh viên ăn mặc chỉnh tề hơn cả dưới mắt tôi. Có thể có một tự trọng trong cách thức ăn mặc. Có thể biểu lộ một cá tính nào đó.
– Phần nữ sinh viên, nhất là ban Pháp văn, phần đông con nhà khán giả, học Yersin, hoặc bên Couvent, hoặc JJ. Rousseau hay Marie-Curie, Sài gòn. Những người đẹp này, tôi gọi chung là “diễn hành phái tính”, họ đi từng nhóm một như một cuộc rước đèn, bên cạnh một số sinh viên lẽo đẽo đi kèm.
– Phi Loan, người đẹp duy nhất trong lớp chúng tôi, như hoa lạc giữa rừng con trai, nghe nói đã có chủ nên lúc nào cô cũng tỏ ra nghiêm nghị mà không một anh nào dám sàm sỡ. Được biết sau khi ra trường Phi Loan qua đời rất sớm vì bạo bệnh.
– Ôi, cả một thời tuổi trẻ quá khứ vàng son. Sau này tứ tán khắp nơi. Có rất nhiều bạn cùng lớp, cùng thời, tôi đã chưa bao giờ gặp lại họ, dù chỉ một lần. Một lần thôi cũng không có, dù biết họ vẫn hiện diện tại các trường trung học khắp nước.
– Hôm nay ngồi nhắc lại truyện này không khỏi bùi ngùi, nuối tiếc dĩ vãng tàn phai.
* Những ngả rẽ trong cuộc đời
– Hành trang vào đời muôn ngả như kẻ gieo trồng. Kẻ gieo trồng chọn được mảnh đất tốt thì sinh hoa kết trái. Kẻ chọn mảnh đất xấu, đầy bụi gai, cỏ dại thì thân nghiệp bị đọa đầy.
– Tôi nhắc lại hai bạn Nguyễn Trọng Văn và Dương Văn Ba, chỉ vì họ nổi tiếng, kể cả trên chốn máu tanh mưa máu sau này khi thời cuộc thay đổi.
Nguyễn Trọng Văn chọn đứng vào thành phần thứ ba, viết trên tờ Đất Nước, viết trước 1975: Phạm Duy đã chết như thế nào, vào năm 1971. Chọn lựa Phạm Duy là chọn lựa có chủ đích, đánh vào thành phần tiêu biểu của trí thức miền Nam. Sau này theo hẳn phía bên kia trở thành kiêu binh, phản vợ và phản thầy. Rất tiếc, tôi lại là một trong những người bạn thân tình nhất của NTV. Những lúc ngồi trên bãi cỏ đồi thông với những cao vọng ngút trời. Khi đi dạy, đến nhà, NTV chia sẻ lý do gì anh theo cộng sản. Tôi biết từ đầu mà chẳng nói. Cũng con người ấy, sau này gặp lại tôi, tôi xỉ vả hết lời, đăng đàn trên diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài, hoặc trên dcvon line.net.. Gần như một mặt trận ý thức hệ giữa chúng tôi, bạn thành thù địch. Gặp lại NTV trong một bữa ăn do tôi khoản đãi. Một anh bạn khóa đàn em, chỉ thẳng mặt NTV hài tội. Anh chỉ cúi đầu, rồi ấm ức cười rồi khóc. Tiếng khóc ấy muộn màng không thay đổi được cuộc đời oan nghiệt mà anh phải gánh chịu dưới ách cộng sản. Anh đã chết vì tai biến mạch máu. Chỉ có một điều an ủi, anh lấy được người vợ thứ hai hiền thục, hết lòng chăm sóc chồng. Thôi cũng xong một cuộc đời chọn lầm bên.
– Dương Văn Ba, người vô địch thời sinh viên Đà Lạt mà đã đùm đề vợ con. Đây là con người hay gõ cửa phòng cha Viện Trưởng để mượn tiền nhất, vì lúc nào cũng thiếu tiền. Hình như đến khi ra trường vẫn chưa trả hết nợ. Sau này khi rời chức vụ, cha Nguyễn Văn Lập đã nói văn phòng quản lý đốt hết hồ sơ sinh viên nợ.
– Sau 1975, Dương Văn Ba nổi lên như cồn. Tôi đi xe đạp, anh đi xe díp Land Rover gặp nhau. Nhất là từ khi làm phó Giám đốc công ty Minh Hải, khai thác gỗ bên Vientiane, Lào. Câu truyện dài lắm, cả một cuốn sách, sau này trở thành Vụ án Cimexcol đưa đến bản án tù sai oan cho DVB. (Xin đọc cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận, một người gắn bó với DVB cho đến cuối đời)
– Thoạt khởi đầu thời gian mới ra trường, DVB chạy theo nhóm Liên trường, kết bè với Lý Chánh Trung, cũng ăn nói táo tợn, cũng viết báo hung hăng trên tờ Đại Dân Tộc. Là một dân biểu đối lập ở Hạ Viện VNCH, kết thân với Ngô Công Đức, nhất là Hồ Ngọc Nhuận. Sau 1975, chạy theo Võ Văn Kiệt, rồi sau cùng bị Nguyễn Văn Linh (Bắc Kỳ) trù dập đến thân tàn ma dại. Đến không chỗ dung thân, đến tù tội, đến của cải tiền bạc sạch nhẵn. Những kẻ chọn lầm bên thì số phận họ đã được định sẵn. Như lời bà Christiane d’Anival đã than: Cruauté Asiatique (Sự đôc ác của người Á Đông).
– Cả hai anh đều có tài ăn nói và cầm bút. Nhất là Dương Văn Ba, còn có tài kết nối, xoay sở, tính toán. Trước 1975, anh phải trú ẩn ở Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh, nơi trú ẩn an toàn nhất, vì bị lùng bắt bởi TT. Nguyễn Văn Thiệu.
– Phần còn lại, may mắn thay và hạnh phúc thay, đa số chúng tôi vẫn chọn mình là dân miền Nam như Tô Văn Lai, Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Lục, Hồ Công Danh và nhiều bạn bè khác.
· Trường hợp Tô Văn Lai.
– Anh là một trong số sinh viên xuất sắc trong lớp chúng tôi về nhiều mặt. Nhuần nhuyễn tiếng Pháp, tiếng Anh, giỏi toán. Tính tình điềm đạm, ăn nói chuẩn mực, ảnh hưởng văn hóa Pháp một cách rõ nét. Sự say mê âm nhạc khởi đầu từ việc mở một quán bán băng nhạc khi về dạy học trường nữ trung học ở Mỹ Tho. Cộng thêm có người vợ cùng chí hướng. Sang Pháp năm 1976, khởi đầu sự nghiệp bằng tiệm bán xăng, rồi cứ thế mà lên.
– Những cái duyên gọi là may mắn, anh đổ cho Chúa sắp đặt, tôi nghe mà ngỡ ngàng. Cái gì cũng Chúa lo liệu, sắp đặt hết. Anh có niềm tin tôn giáo vượt xa nhiều người trong đó có tôi.
– Sự thành công trong Paris by Night của anh do lòng say mê nghệ thuật và âm nhạc mà chủ yếu anh đã chọn lựa được mảnh đất lành là đất Cali, nơi có đông cộng đồng người Viêt. Anh đã bắt mạch được thời đại. Anh đã đáp ứng nhu cầu của người nghe nhạc, vun trồng giới ca sĩ từ nhiều phía. Có lần anh đã lặn lội về Việt Nam mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như nhiều người đã biết. Nhưng anh còn nói với tôi là anh muốn dựng lại những nhạc sĩ “cổ thụ” như nhạc sĩ Hùng Lân, tiếp xúc với gia đình nhạc sĩ quá cố để vinh danh ông.
– Lòng say mê ấy còn tiến xa hơn nhiều trung tâm băng nhạc khác bằng cách đầu tư vào kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu, y phục thời trang cách tân đổi mới chiếc áo dài. Tô Văn Lai sẵn sàng chịu tốn kém mà phần lớn thuê mướn nhân công ngoại quốc có tay nghề. Anh đã chọn đúng người, đúng việc mà trong đó góp mặt cộng sinh với Nguyễn Ngọc Ngan-Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
– Anh đã có lần nhờ tôi viết bài về chương trình Paris By Night. Anh đã cẩn thận trao cho tôi đầy đủ băng nhạc, cất công đến nhà, giải thích mỗi chủ đề. Nhưng bài viết của tôi đã không đạt được tiêu chuẩn của anh. Thật lấy làm tiếc. Tôi cũng đã cất công đi tìm lại bài viết, nhưng thất lạc chưa tìm được. Khi tôi ra mắt sách: Hai mươi năm miền Nam 1955-1975. Anh đã cho một cô nhân viên đến phỏng vấn tôi và nhà báo Trần Phong Vũ. Tôi vẫn ghi nhớ.
– Tôi cũng tự mình đặt một câu hỏi, hình như anh đã không có lần nào đề cập đến trường hợp Trịnh Công Sơn vốn âm nhạc cũng nổi tiếng một thời. Phải chăng anh có thể mời các ca sĩ trong nước như Bằng Kiều và nhiều người khác mà không bao giờ đả động đến Trịnh Công Sơn?
– Sự thành công của anh không chỉ thuộc về anh và gia đình, nay nó trở thành di sản chung của người Việt hải ngoại và cả trong nước. Nó vượt biên giới chính trị mà cái còn lại chỉ là tình người muôn thuở. Nó chẳng những đem lại một sưởi ấm quê hương với hương vị ngọt ngào mà còn là niềm tự hào của di sản người Việt.
– Trong những buổi họp mặt anh em, anh thường có mặt. Tôi nhớ có lần ở khu mobile của Phạm Phú Minh. Bữa đó thật vui và khó quên. Nhớ lại, có hai người để lại di sản văn hóa đáng nói ở đây. Ngoài Tô Văn Lai, Phạm Phú Minh bị cộng sảm giam tù mút mùa, sau khi đến Hoa Kỳ đã lo chăm sóc tạp chí Thế Kỷ 21, và nay đang điều hành tờ Diễn Đàn Thế Kỷ thu góp gió bốn phương từ nhiều nguồn, từ nhiều phía để lại một di sản văn hóa đúng nghĩa.
– Nhưng hơn tất cả, vượt tất cả là Tô Văn Lai có viễn kiến, có tầm nhìn cao. Một niềm hy vọng trước cả nỗi tuyệt vọng và khó khăn trước mặt. Không có cao vọng đó, anh không thể đạt được những thành tích trên người và vượt người. Tham vọng lớn, chiều kích lớn đưa đến thành công lớn như một quy trình logic.
– Một chi tiết nhỏ là anh muốn mở một tiệm bánh kiểu Tây với loại bánh mì baguette, ruột mỏng và và vỏ cứng dòn. Và những chiến bánh croissant thơm ngậy mùi bơ. Anh nghĩ đến để cho cậu con trai trông coi tiệm bánh Tây này. Sở nguyện này chắc anh chưa thực hiện được như lòng mong muốn, đem văn hóa ẩm thực Paris vào cộng đồng người Việt hải ngoại.
– Tôi cũng chẳng muốn đi vào nhiều chi tiết mà khán giả ái mộ đã dành cho anh. Tôi nghĩ như thế đã là đủ.
· Đôi dòng kết luận
– Miền Nam và hải ngoại thấm nhuần tinh thần tự do tư tưởng, nhân bản đã dẫn đường cho những người như Tô Văn Lai như ngọn đuốc soi sáng. Di sản văn hóa và âm nhạc như một chúc thư để lại cho đời. Anh đúng là người mở đường cho dòng âm nhạc đa dạng của người Việt Nam.
– Tôi là dân Triết – như anh, như bạn bè cùng khóa -, xin gửi lại người bạn Tô Văn Lai mà chắn chắn anh và bạn bè anh cũng cũng biết triết gia E. Mounier – một triết gia hữu thần chủ trương tâp san Esprit chống lại J.P.Sartre – trong tinh thần triết học, tôi nghĩ anh Tô Văn Lai thật xứng đáng lãnh nhận câu nhận xét sau đây. “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông”(Emmanuel Mounier). Anh là một hòn đá cương nghị, tin tưởng vào việc mình làm, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
– Có lẽ, đây là lời lẽ chân thành và đúng nghĩa nhất mà anh mong đợi như lời tiễn biệt anh.
– Giờ phút tiễn biệt này, cùng các bạn khóa Triết Đà Lạt còn ở lại dương thế này, cầu chúc anh Phêrô Tô Văn Lai lên đường bình an và hưởng nhan thánh Chúa. Và mong con cái dâu rể của anh nối nghiệp cha trong một sự nghiệp hiển hách để lại cho đời. Anh như một vì sao vừa mới rụng. Amen
– Các bạn anh: Trương Đình Tấn, Nguyễn Văn Lục, Phạm Phú Minh, Vĩnh Phiếu, Minh Pat Boon và Hồ Công Danh.
Tưởng nhớ bạn TÔ VĂN LAI
Chúng tôi một số anh em cựu sinh viên khóa thứ ba Đại Học Sư Phạm ban Triết Học tại Đại học Đà Lạt (1961-1964), đau buồn được tin bạn đồng khóa của chúng tôi:
Anh Phêrô TÔ VĂN LAI
Giáo sư Triết học tại Việt Nam trước 1975
Là người sáng lập Trung Tâm Thúy Nga tại Hoa Kỳ và chương trình ca nhạc nổi tiếng hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night”
Đã qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 2022
Tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ
Thọ 85 tuổi.
Chúng tôi thành kính chia buồn cùng gia đình anh Tô Văn Lai và xin nguyện cầu Linh Hồn Phêrô Tô Văn Lai sớm về Nước Chúa.
Để tưởng nhớ đến thời kỳ đèn sách xa xưa, chúng tôi xin đăng lại dưới đây tấm hình ngày ra trường của lớp Đại Học Sư Phạm ban Triết học chúng tôi tại Đại Học Đà Lạt, vào mùa hè năm 1964 (không hoàn toàn đầy đủ tất cả anh em trong lớp).
Hôm Thứ Năm 28 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Thánh Cha đã cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Đây là một địa điểm hành hương lớn của Canada, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.
Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.
Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.
Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có 16,858,000 tín hữu sinh hoạt trong 19 tổng giáo phận, 51 giáo phận, 2 giáo phận Đông phương, một giáo phận quân đội, và một giáo hạt tòng nhân.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Vậy cùng nhau chúng ta dõi theo hành trình của cuộc lữ hành này. Chúng ta có thể gọi đó là hành trình từ thất bại đến hy vọng.
Thứ nhất, có một cảm giác thất bại ám ảnh tâm hồn của hai môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu. Họ đã hăng hái theo đuổi một giấc mơ và đặt tất cả hy vọng và ước muốn của họ vào Chúa Giêsu. Giờ đây, sau cái chết tai tiếng của Ngài trên thập tự giá, họ rời Giêrusalem và quay trở lại cuộc sống cũ. Họ đang trong một chuyến trở về, như một cách có lẽ để bỏ lại phía sau kinh nghiệm đã khiến họ rất mất tinh thần và cả ký ức về Đấng Mêsia bị hành quyết trên thập tự giá, giống như một tội phạm thông thường. Họ thất vọng trên đường về nhà, “trông buồn bã” (Lc 24:17). Những mong đợi ấp ủ của họ đã trở thành hư vô; những hy vọng mà họ đặt niềm tin đã tan thành mây khói, những giấc mơ mà họ mơ ước đã nhường chỗ cho sự thất vọng và buồn bã.
Trải nghiệm đó cũng ghi dấu cuộc đời của chúng ta, và hành trình tâm linh của chúng ta, vào những thời điểm chúng ta buộc phải điều chỉnh lại những kỳ vọng và đương đầu với những thất bại cũng như những mơ hồ và bối rối của cuộc sống. Khi những lý tưởng cao đẹp của chúng ta gặp phải những thất vọng trong cuộc sống và chúng ta từ bỏ mục tiêu của mình do những khuyết điểm và kém cỏi của chúng ta. Khi chúng ta bắt tay vào những dự án vĩ đại, nhưng sau đó nhận thấy rằng chúng ta không thể thực hiện chúng (xem Rm 7:18). Khi, sớm hay muộn, tất cả chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ của mình, trải qua những cản trở, sai lầm, thất bại hoặc gục ngã, và thấy những gì chúng ta đã tin tưởng, hoặc cam kết, trở thành vô ích. Khi chúng ta cảm thấy bị đè bẹp bởi tội lỗi của mình và bởi cảm giác hối hận.
Đây là trường hợp của Ông Adong và Bà Êvà, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: tội lỗi của họ khiến họ xa lánh Thiên Chúa, nhưng cũng xa lánh nhau. Bây giờ họ chỉ có thể buộc tội lẫn nhau. Và chúng ta thấy điều đó nơi các môn đệ đến từ Emmaus, những người mà sự lo lắng khi thấy kế hoạch của Chúa Giêsu trở nên vô ích, đã dẫn đến một cuộc trò chuyện chán nản. Chúng ta cũng có thể thấy điều đó trong đời sống của Giáo Hội, là cộng đồng các môn đệ của Chúa, được đại diện bởi hai người từ làng Emmaus. Mặc dù chúng ta là cộng đồng của Chúa Phục Sinh, chúng ta có thể thấy mình bối rối và thất vọng trước tai tiếng của sự dữ và bạo lực dẫn đến đồi Canvê. Vào những lúc đó, chúng ta không thể làm gì nhiều hơn là bám vào cảm giác thất bại và tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao nó lại xảy ra? Làm thế nào nó có thể xảy ra?
Thưa anh chị em, đây là những câu hỏi của riêng chúng ta, và đó là những câu hỏi nhức nhối mà Giáo hội lữ hành ở Canada này đang đặt ra, với nỗi buồn chân thành, trên hành trình hàn gắn và hòa giải đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Khi đối mặt với tai tiếng của sự dữ và nhiệm thể Chúa Kitô bị thương tích bằng xương bằng thịt của các anh chị em bản xứ của chúng ta, chúng ta cũng đã trải qua sự thất vọng sâu sắc; chúng ta cũng cảm thấy gánh nặng của sự thất bại. Vì vậy, hãy cho phép tôi hòa vào tinh thần của nhiều người hành hương ở nơi này lên “cầu thang thánh” nhắc nhớ việc Chúa Giêsu bước lên công đường của Philatô. Cho phép tôi đồng hành với các bạn với tư cách là một Giáo hội trong việc cân nhắc những câu hỏi nảy sinh từ trái tim đầy đau đớn: Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra? Làm thế nào những điều như thế có thể xảy ra trong cộng đồng những người theo Chúa Giêsu?
Tuy nhiên, vào những lúc như vậy, chúng ta phải chú ý đến cám dỗ chạy trốn, mà chúng ta thấy nơi hai môn đệ của Tin Mừng: cám dỗ chạy trốn, quay trở lại, bỏ nơi đã xảy ra tất cả, cố gắng chặn bưng tai bịt mắt và tìm kiếm một "nơi ẩn náu" như Emmaus, nơi chúng ta không phải nghĩ về những điều đó nữa. Khi đối mặt với thất bại trong cuộc sống, không gì có thể tồi tệ hơn là chạy trốn để tránh xa nó. Đó là sự cám dỗ đến từ ma quỷ, từ kẻ đe dọa cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta và của Giáo hội, vì hắn muốn chúng ta nghĩ rằng tất cả những thất bại của chúng ta bây giờ là không thể cứu vãn được. Ma quỷ muốn làm chúng ta tê liệt vì đau buồn và hối hận, muốn thuyết phục chúng ta rằng không thể làm gì khác, rằng cố gắng tìm cách bắt đầu lại là điều vô vọng.
Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng chính trong những tình huống thất vọng và đau buồn như vậy - khi chúng ta kinh hoàng trước bạo lực của sự dữ và xấu hổ vì tội lỗi của mình, khi nguồn nước sống của cuộc đời chúng ta cạn kiệt bởi tội lỗi và thất bại, khi chúng ta bị tước bỏ mọi thứ và dường như không còn gì - Chúa đến gặp chúng ta và đi bên cạnh chúng ta. Trên đường đến Emmaus, Chúa Giêsu nhẹ nhàng đến gần và đồng hành với những bước chân thất thần của những môn đệ buồn bã đó. Và Ngài làm gì? Thưa: Ngài không đưa ra những lời khích lệ chung chung, những lời an ủi đơn giản và phiến diện mà thay vào đó, bằng cách tiết lộ mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của Ngài đã được báo trước trong Kinh thánh, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ cuộc sống của họ và những sự kiện họ đã trải qua. Bằng cách này, Ngài mở rộng đôi mắt của họ để nhìn mọi thứ một cách mới mẻ. Chúng ta, những người tham dự Bí tích Thánh Thể tại Vương cung thánh đường này cũng có thể có một cái nhìn mới về nhiều sự kiện trong lịch sử của chính chúng ta. Tại chính nơi này, ba nhà thờ trước đó đã đứng vững; luôn có những người không chịu chạy trốn khi đối mặt với khó khăn, họ vẫn tiếp tục ước mơ, bất chấp lỗi của mình và của người khác. Họ không cho phép mình bị choáng ngợp trước trận hỏa hoạn kinh hoàng của một thế kỷ trước, và với lòng dũng cảm và sự sáng tạo, họ đã xây dựng nên ngôi nhà thờ này. Và những ai tham dự Bí tích Thánh Thể của chúng ta trên Đồng bằng Ápraham gần đó cũng có thể nghĩ đến lòng dũng cảm của những người đã từ chối để mình bị bắt làm con tin bởi hận thù, chiến tranh, tàn phá và đau thương, nhưng lại bắt tay vào việc xây dựng lại một thành phố và một đất nước.
Cuối cùng, trước sự chứng kiến của các môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu bẻ bánh, mở mắt và một lần nữa mặc khải Ngài là Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã phó mạng sống cho bạn hữu của Ngài. Bằng cách này, Ngài đã giúp họ tiếp tục cuộc hành trình với niềm vui, bắt đầu lại, vượt từ thất bại đến hy vọng. Thưa anh chị em, Chúa cũng muốn làm như vậy với mỗi người chúng ta và với Hội Thánh của Người. Làm sao mắt chúng ta có thể lại mở ra? Làm thế nào để trái tim chúng ta có thể bùng cháy trong chúng ta một lần nữa vì Tin Mừng? Chúng ta phải làm gì, khi chúng ta chịu đựng những thử thách về tinh thần và vật chất, khi chúng ta tìm kiếm con đường dẫn đến một xã hội công bằng và huynh đệ hơn, khi chúng ta cố gắng phục hồi sau những thất vọng và mệt mỏi, khi chúng ta hy vọng được chữa lành vết thương trong quá khứ và được đã hòa giải với Thiên Chúa và với nhau?
Chỉ có một con đường, một con đường duy nhất: đó là con đường của Chúa Giêsu, con đường là Chúa Giêsu (x. Ga 14: 6). Chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu đến gần chúng ta trên hành trình của chúng ta. Hãy để chúng ta ra ngoài để gặp Ngài. Chúng ta hãy để lời của Người giải thích lịch sử mà chúng ta đang tạo ra với tư cách cá nhân và với tư cách là một cộng đồng, và chỉ cho chúng ta con đường để hàn gắn và hòa giải. Trong đức tin, chúng ta hãy cùng nhau bẻ Bánh Thánh Thể, để quanh bàn ăn một lần nữa chúng ta thấy mình là những người con yêu dấu của Chúa Cha, được kêu gọi trở thành anh chị em của tất cả mọi người.
Khi bẻ bánh, Chúa Giêsu xác nhận sứ điệp do các phụ nữ mang đến, một lời chứng mà các môn đệ đã nghe rồi, nhưng không thể tin được: Ngài đã sống lại! Trong Vương cung thánh đường này, nơi chúng ta tưởng nhớ mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, với hầm mộ dành riêng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, làm sao chúng ta không nghĩ đến vai trò mà Thiên Chúa muốn giao cho phụ nữ trong kế hoạch cứu độ của Người. Thánh Anna, Đức Trinh Nữ Maria, và những người phụ nữ của buổi sáng Phục sinh cho chúng ta thấy một con đường mới để hòa giải. Tình mẫu tử dịu dàng của rất nhiều phụ nữ có thể đồng hành với chúng ta - với tư cách là Giáo hội - hướng tới thời đại mới và kết quả, bỏ lại bao nhiêu cằn cỗi và chết chóc, và đặt Chúa Giêsu bị đóng đinh và phục sinh trở lại trung tâm.
Quả thật, chúng ta không được đặt mình vào trung tâm của các vấn nạn, các cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta hoặc của đời sống mục vụ của Giáo Hội. Thay vào đó, chúng ta phải đặt Ngài, Chúa Giêsu ở trung tâm. Hãy để lời của Ngài trở thành trung tâm trong mọi việc chúng ta làm, vì nó làm sáng tỏ tất cả những gì xảy ra và khôi phục tầm nhìn của chúng ta. Nó cho phép chúng ta thấy sự hiện diện hữu hiệu của tình yêu thương của Thiên Chúa và tiềm năng thiện hảo ngay cả trong những tình huống dường như vô vọng. Chúng ta hãy đặt Bánh Thánh Thể ở trung tâm, mà Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa bẻ ra cho chúng ta, để Người có thể chia sẻ sự sống với chúng ta, đón nhận sự yếu đuối của chúng ta, nâng đỡ những bước đi mệt mỏi của chúng ta và chữa lành tâm hồn chúng ta. Hãy hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính chúng ta, cầu cho chúng ta trở thành công cụ hòa giải và hòa bình trong xã hội của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, là đường, là sức mạnh và là niềm an ủi của chúng con, như các môn đệ Emmaus, chúng con nài xin Chúa: “Xin hãy ở lại với chúng con, vì trời đã gần tối” (Lc 24:29). Lạy Chúa Giêsu, hãy ở lại với chúng con khi niềm hy vọng tắt dần và đêm thất vọng buông xuống. Hãy ở lại với chúng ta, vì với Chúa cuộc hành trình của chúng con bắt đầu và từ những thung lũng mù mịt của ngờ vực, sự ngạc nhiên của niềm vui được tái sinh. Lạy Chúa, hãy ở lại với chúng con, vì với Chúa, đêm đau thương biến thành bình minh rạng rỡ của cuộc đời. Chúng ta hãy nói, trong tất cả sự đơn giản: Hãy ở với chúng con, Lạy Chúa! Vì nếu Chúa đi bên cạnh chúng con, thất bại sẽ nhường chỗ cho hy vọng của cuộc sống mới. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
1. Đặc công phá hoại trong thành phố Kherson khiến quân Nga hoang mang cực độ. Nga ráo riết làm cầu phao tính kế bỏ chạy.
Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng quân đội Nga không thể mang vũ khí hạng nặng và đạn dược qua cây cầu đường bộ chiến lược ở khu vực Kherson sau khi cây cầu này liên tục bị pháo tầm xa của Ukraine tấn công.
Họ đang cố gắng làm các cầu phao để vượt sông. Tuy nhiên, thực hiện các cuộc vượt sông trong môi trường đang có chiến sự là một hoạt động có tính rủi ro cao như đã được chứng tỏ trong biến cố tại Siverskyi Donets ở miền đông Ukraine. Hai tiểu đoàn Nga đã chìm dưới dòng sông Siverskyi Donets chảy xiết cùng với 73 thiết giáp và xe tăng. Một biến cố tương tự như thế có thể sẽ tái diễn tại Kherson.
Serhii Khlan, cố vấn quân sự Kherson, cho biết cây cầu Antonivskyi, dài khoảng 1.000 mét, “từng là tuyến đường chính cung cấp vũ khí, đạn dược và lương thực cho mặt trận Mykolaiv” cho các lực lượng Nga.
Nhưng “các cú đánh chính xác trên cầu vào những vị trí đã được đánh trước đó đã khiến cho không một phương tiện giao thông nào có thể qua cầu. Hiện lối vào cầu đã bị phong tỏa”.
Các quan chức Ukraine cho biết cây cầu đã bị đánh từ đêm thứ Ba. Video trên mạng xã hội cũng cho thấy những vụ nổ lớn về phía một đầu của cây cầu.
“Theo giả thuyết, người Nga có thể xây dựng một cầu vượt bằng phao. Tuy nhiên, phía tả ngạn của Dnipro gần như hoàn toàn là các vùng ngập lụt và đầm lầy.”
Kirill Stremousov, tên phản bội làm tay sai cho Nga, cho biết qua Telegram rằng các chuyến phà từ gần cây cầu đã được tiến hành, đồng thời nói thêm, “chỉ cần đến cây cầu và bạn chắc chắn sẽ đến được bờ đối diện của sông Dnipro.” Y cho rằng người Nga vẫn kiểm soát các khu vực rộng lớn ở phía đông bắc thành phố và có thể tiếp tế lực lượng ở bờ tây bằng cầu phao và phà qua sông Dnipro.”
Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Tập đoàn quân 49 của Nga, đóng ở bờ Tây sông Dnipro, “hiện rất dễ bị tổn thương” sau khi pháo binh tầm xa của Ukraine bắn trúng tổng cộng ba cây cầu.
Bộ Quốc Phòng Anh cho biết: “Thành phố Kherson, trung tâm dân cư quan trọng nhất về mặt chính trị mà Nga chiếm đóng, hiện hầu như bị tách khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng khác.
Khlan cũng nói rằng “một tháng trước, những kẻ xâm lược đã sử dụng cầu đường sắt đưa đến hữu ngạn sông Dnipro các thiết bị quân sự và vũ khí. Chúng tôi chờ cho họ tập trung xong các khí tài chiến tranh và bắt đầu pháo kích. Sau khi các kho đạn nằm gần cầu đường sắt bị phá hủy, quân xâm lược đã ngừng sử dụng cầu đường sắt.”
Về hậu quả của việc cầu Antonivskyi bị hư hại, Khlan nói rằng “đường vòng cho giao thông dân dụng là đi qua nhà máy thủy điện qua Kakhovka; rất nhiều xe bị kẹt cứng ở đó”. Cây cầu ở Kakhovka nhỏ hơn cầu Antonivskyi.
Khlan cũng đề cập đến các báo cáo về hoạt động của đặc công Ukraine. Một chiếc xe cảnh sát Nga ở Kherson đã bị tấn công bằng bom hôm thứ Tư. Ông tuyên bố rằng “phong trào phản kháng ở Kherson đang khởi phát. Đây là thành quả lao động của họ”.
Ông Dmytro Butriy, lãnh đạo lâm thời của cơ quan hành chính quân sự khu vực Kherson, cho biết vụ tấn công nhằm vào xe cảnh sát được thực hiện bằng một thiết bị nổ điều khiển bằng sóng vô tuyến và đã khiến một cảnh sát Nga thiệt mạng.
Butriy cho biết các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của Nga ở Kherson vẫn tiếp tục. “Máy bay của chúng tôi đã 5 lần tấn công địch. Các cặp máy bay cường kích và một máy bay ném bom đã đánh trúng ba cứ điểm của đối phương, “ông nói.
Ông cũng tuyên bố rằng chính quyền chiếm đóng của Nga đã công bố lệnh cấm đối với đồng tiền hryvnia của Ukraine. Ông nói: “Cái gọi là 'cảnh sát' chiếm đóng đang đi quanh chợ và cảnh báo những người bán tiền mặt rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu mua bán hryvnias.
Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang cố gắng xây dựng một cầu vượt phao bên cạnh cầu Antonivskyi để giúp họ di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng qua sông Dnepr.
Phó chủ tịch thứ nhất của hội đồng khu vực Kherson, Yurii Sobolevskyi cho biết: “Bốn tàu kéo kéo phao bằng ô tô sẽ không giải quyết được vấn đề cung cấp cho nhóm quân Nga ở Kherson. “Họ sẽ không giúp được gì nhiều trong quá trình rút lui của lực lượng chiếm đóng.”
CNN đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh miền Nam Ukraine để biết thêm thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
2. Tổng thống Lithuania công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Lithuania sẽ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ quân sự mới, bao gồm đạn dược quân sự và 10 xe bọc thép.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết điều này tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Volodymyr Zelenskiyi ở Kyiv. Tổng thống Nauseda lưu ý rằng Lithuania đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine ngay khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện và trong những tháng tiếp theo.
“Chúng tôi tiếp tục làm điều này bây giờ, và tôi đã không ra về tay trắng. Gói mới bao gồm đạn dược và 10 xe bọc thép”, Tổng thống Lithuania cho biết.
Ông nói thêm rằng Lithuania sẽ sớm sản xuất các hệ thống chống máy bay không người lái do chính họ sản xuất mà Ukraine đang rất cần.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã đến Kyiv vào Ngày thành lập Nhà nước Ukraine.
3. Các tướng Nga chia rẽ với nhau, mong muốn thấy người khác thất bại. Kế hoạch tái phối trí của hai tướng Nga bị chỉ trích là báo hại quân đội Nga.
Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling đánh giá rằng Nga đang “khiến” quân đội của mình “thất bại” với nỗ lực thiếu khôn ngoan nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng trong bối cảnh bị tổn thất lớn trong cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Nga được tường trình đã chứng kiến hàng chục nghìn binh sĩ của mình thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi nước này phát động cuộc chiến bị quốc tế lên án chỉ hơn 5 tháng trước vào ngày 24 tháng 2. Dân biểu Elissa Slotkin, một đảng viên Đảng Dân chủ Michigan phục vụ trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, nói với CNN hôm thứ Tư rằng hơn 75.000 quân trong lực lượng của Mạc Tư Khoa được ước tính đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những báo cáo như “tin giả” vào hôm thứ Năm. Hertling, người trước đây từng là chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu và Tập đoàn quân số 7, đã cân nhắc về những tổn thất và nỗ lực nhanh chóng bổ sung quân của Mạc Tư Khoa có ý nghĩa như thế nào đối với các nỗ lực trong tương lai ở Ukraine.
“Như nhiều người đã biết, nếu việc phục hồi hay tái tạo các đơn vị bị tổn thất được thực hiện gấp rút hoặc không đúng cách, nó sẽ làm tổn hại đến tinh thần và khả năng chiến đấu theo cấp số nhân. Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả trường hợp công tác hậu cần rối loạn chức năng,” Tướng Hertling khẳng định.
Ông nói thêm “Chính Nga cũng đang gặp trường hợp công tác hậu cần rối loạn chức năng”.
Vị tướng về hưu đã đưa ra bình luận trên khi ông thảo luận về nhận xét của Slotkin với CNN. Ông giải thích: “Điều không thường được nói đến là quá trình phục hồi hay tái tạo các đơn vị của Nga. Họ đang cố gắng xây dựng lại các đơn vị với những đội quân chưa bao giờ làm việc cùng nhau, những người đã kiệt sức và không muốn ở đó ngay từ đầu.”
Trong bình luận của mình với CNN, Slotkin nói: “Chúng tôi đã được thông báo ngắn gọn rằng hơn 75.000 người Nga đã bị giết hoặc bị thương ở Ukraine, con số này rất lớn.... Hơn 80 phần trăm lực lượng trên bộ của họ đang sa lầy, và mệt mỏi.”
Hôm 5 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có một cuộc họp với Putin để báo cáo về chiến thắng tại Lysychansk. Thay vì nhận được những lời khen ngợi, Sergei Shoigu đã nhận được một tin bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt.
Putin nói: “Hôm nay, Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Đại tướng Lục quân Sergey Vladimirovich Surovikin cũng đã báo cáo với tôi về tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao và các đề xuất của họ về việc phát triển các chiến dịch tấn công tiếp theo”.
Hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin đã báo cáo vượt cấp thẳng cho Putin mà không qua Sergei Shoigu.
Các phương tiện truyền thông Nga không thích Shoigu tung hô tin tức này, và bày tỏ hy vọng tràn trề vào chiến lược mới. Tuy nhiên, sau gần hai tuần Nga tấn công theo kế hoạch mới, Ông Richard Moore, người đứng đầu Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, gọi tắt là MI6, nói, Nga vẫn vô kế khả thi, thậm chí “sắp cạn kiệt sức lực”, và khi lực lượng của họ mệt mỏi, Ukraine sẽ có cơ hội đánh trả.
Hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin có lẽ sẽ sớm bị thất sủng sau những thất bại liên tục trong mấy tuần qua.
4. Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis chê bai các kế hoạch tác chiến và các thất bại chiến lược của Nga.
Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis, trước đây từng là Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu của NATO, cho biết: “Khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra, người Nga tỏ ra ngày càng sa sút và không có xu hướng cải thiện. Điều đó không chỉ đúng với các nỗ lực hậu cần thất bại, mà họ còn tiếp tục gây ra những tội ác chiến tranh. Như một nhận định chung, tôi có thể nói kế hoạch chiến đấu của họ tệ hại đến mức nực cười.”
Putin và các quan chức Điện Cẩm Linh khác được cho là tin rằng họ sẽ nhanh chóng nắm quyền kiểm soát phần lớn Ukraine và lật đổ chính phủ ở Kyiv khi họ tiến hành cuộc xâm lược. Sau khi bắt đầu cuộc tấn công toàn diện, các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã phải vật lộn để thu được những lợi ích và đã thất bại trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Người Nga sau đó đã rút bớt các tham vọng của họ, tập trung vào phía đông nam của đất nước.
Các nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh tiếp tục cố gắng biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine bằng cách tuyên bố kỳ quái rằng đất nước này do Đức Quốc xã điều hành. Trên thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái và có các thành viên trong gia đình đã chết trong Holocaust do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến thứ hai. Khi Zelenskiy đắc cử với gần 3/4 số phiếu bầu vào năm 2019, thủ tướng Ukraine cũng là người Do Thái.
Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Nhiều nhà phân tích cho rằng vũ khí, thông tin tình báo và tiếp viện chiến lược từ phương Tây đã cải thiện đáng kể khả năng của Ukraine chống lại Nga. Đồng thời, người Ukraine đã dũng cảm vượt quá sự mong đợi của các đồng minh phương Tây - khi quân đội và người dân bình thường của quốc gia này đã chiến đấu chống lại hành động gây hấn vô cớ của Mạc Tư Khoa.
Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis mô tả các kế hoạch tác chiến của Nga ở Ukraine là “tệ một cách kỳ cục”, khiến Mạc Tư Khoa tiếp tục thất bại trong cuộc xâm lược đang diễn ra vào quốc gia Đông Âu này.
Vị Đô đốc Hải quân Mỹ tiếp tục thúc giục Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ cho Kyiv khi nước này tiếp tục bảo vệ chống lại sự xâm lược của Mạc Tư Khoa.
“Những hỏa tiễn đất đối đất HIMARS mới này đang tấn công những đầu tàu hậu cần của phía sau tiền tuyến. Đó là một điều tốt. Chúng ta cần cung cấp cho họ nhiều hỏa tiễn hành trình chống hạm hơn.”
Ông nói thêm: “Nga đang ở trong tình trạng thảm hại và thua cuộc, Ukraine đang thích nghi với cuộc chiến và chiến thắng.”
5. Lavrov sẽ “chú ý” đến yêu cầu cuộc gọi của Blinken khi “thời gian cho phép”, báo chí nhà nước Nga đưa tin
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đang “bận lắm” nhưng sẽ “chú ý” đến yêu cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; và sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng Antony Blinken khi “thời gian cho phép”.
Zakharova nói thêm, “Giờ ông ấy có một lịch trình bận rộn với các cuộc tiếp xúc quốc tế: Hội đồng Bộ trưởng SCO ở Tashkent, và các cuộc họp song phương, vân vân và vân vân.”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Ngoại trưởng Lavrov đang trong thời gian đi công tác nên tôi không có bất kỳ thông tin cập nhật nào để cung cấp về thời điểm họ có thể kết nối. Nhưng chúng tôi tiếp tục thảo luận về vấn đề đó trên các kênh thích hợp.”
Price nhắc lại rằng Blinken đã lên kế hoạch sử dụng lời kêu gọi để theo dõi “đề xuất quan trọng” nhằm trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ ở Nga, Brittney Griner và Paul Whelan, trong một đề xuất hoán đổi tù nhân với kẻ buôn vũ khí khét tiếng người Nga Viktor Bout.
Hôm thứ Năm, ông Price nhận xét rằng Mạc Tư Khoa đã không tham gia một cách có ý nghĩa vào đề xuất này.
“Thực tế là, bây giờ vài tuần sau, chúng ta đang ở đâu, tôi nghĩ bạn có thể đọc được điều đó như một sự phản ánh của thực tế rằng điều này đã không đi đến mức chúng tôi mong muốn,” Price nói.
Price lưu ý rằng thỏa thuận đã được chuyển đến Nga “nhiều lần” và “trực tiếp” trong vài tuần qua, và ông nhắc lại rằng Blinken dự định đề cập đến điều đó trong một cuộc gọi dự kiến với Lavrov.
Các quan chức chính quyền Biden thất vọng rằng Mạc Tư Khoa vẫn chưa phản hồi một cách có ý nghĩa đối với đề xuất này. Các quan chức nói với CNN rằng lúc đầu họ cảm thấy Mạc Tư Khoa sẽ nhảy mừng trước lời đề nghị trao đổi Viktor Bout, nhưng bây giờ đã gần tháng 8 và họ chưa nhận được phản hồi thực sự.
Khi được hỏi liệu người Nga có đưa ra bất kỳ đề xuất nào, hay phản đối nào không và liệu Mỹ có chuẩn bị bổ sung thêm vào thỏa thuận đang được đề cập đến hay không, Price cho biết ông sẽ không “thảo luận trước công chúng”.
Phát ngôn nhân cho biết “một lợi ích quan trọng duy nhất” là việc trả tự do cho Griner và Whelan, và lưu ý rằng họ “sẽ cẩn thận trong mọi việc chúng tôi làm và mọi điều chúng tôi nói để không làm bất cứ điều gì, không nói bất cứ điều gì có thể cản trở mục tiêu cuối cùng đó.”
6. Tổng thống Zelenskiy tuyên bố: Chúng ta sẽ không trở thành một huyền thoại mới, mà là một quốc gia của những người chiến thắng
Người Ukraine sẽ được nhớ đến không phải như những người đã cố gắng nhưng thất bại, mà như những người đã gìn giữ được, củng cố và truyền lại đất nước cho con cái của họ để họ có thể truyền lại nó cho các thế hệ tiếp theo.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu của ông tại Verkhovna Rada, tức là Quốc Hội của Ukraine, nhân Ngày Nhà nước Ukraine. Ông nói:
“Chúng tôi là công dân của quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Một quốc gia đang có chiến tranh, nhưng đồng thời đang được cải cách. Và là nhà nước bảo đảm sự thống nhất mạnh mẽ nhất của các nền dân chủ trong lịch sử. Nhà nước, vào ngày thứ 155 của cuộc chiến tranh toàn diện của Nga chống lại chúng ta, có đủ sức mạnh để kỷ niệm ngày của mình - Ngày thành lập Nhà nước Ukraine. Chúng ta bảo đảm rằng các giá trị của thế giới tự do không chỉ là lời nói suông nhưng thực sự bắt đầu hoạt động để bảo vệ nền văn minh. Chúng tôi đã làm cho Liên minh Âu Châu trở thành khối thống nhất trong tất cả những năm tồn tại của nó và nó đang trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào sức mạnh của chúng ta. Chúng ta bảo đảm rằng tất cả những kẻ bạo chúa trên thế giới này đều nhìn thấy tiềm năng của nền dân chủ. Chúng ta, những công dân của một quốc gia có hơn một nghìn năm lịch sử, đã làm được điều đó.”
Theo ông, mọi người - quân đội và dân thường, nhà ngoại giao và tình nguyện viên, công chức và doanh nghiệp, chính trị gia, các nhà lãnh đạo xã hội và truyền thông - mỗi người làm việc tận tâm ở cấp độ của mình vì lợi ích của Ukraine, gia đình và tương lai của Ukraine.
“Chúng tôi, những công dân của một quốc gia có hơn một nghìn năm lịch sử, đã làm được điều đó. Hơn một nghìn năm văn hóa. Tính cách của Ukraine đã tồn tại hơn một nghìn năm - đặc tính Ukraine, không thể phá vỡ nhưng đã trường tồn trên đất của chúng ta dưới sự tấn công của nhiều kẻ xâm lược. Quân đội Nga bị mù bởi những tham vọng thảm hại của họ. Họ đã chống lại chúng tôi - những người đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giành độc lập quan trọng này bởi hàng chục, hàng chục thế hệ người Ukraine đã sống và sinh sống ở đây, những người đã chiến đấu ở đây, những người đã xây dựng ở đây và những người mơ ước và tiếp tục mơ ước.”
Tổng thống nhấn mạnh rằng đã đến lúc giấc mơ này vĩnh viễn trở thành hiện thực và người dân Ukraine sẽ biến giấc mơ này thành hiện thực.
“Chúng ta sẽ không trở thành một huyền thoại mới về cuộc kháng chiến anh dũng, mà là một quốc gia của những người chiến thắng. Không phải 300 người Sparta, xứng đáng với những bộ phim, những cuốn sách và vở kịch, mà là hàng triệu triệu người anh hùng của một dân tộc mạnh mẽ đáng sống, đáng chiến thắng và sẽ dạy cho những người khác trên thế giới cách tự vệ và cách chiến thắng. Chúng ta sẽ không được nhớ đến với tư cách là những người đã cố gắng nhưng thất bại, mà là những người đã gìn giữ, củng cố và truyền lại quốc gia của chúng ta cho con cháu của chúng ta để chúng có thể truyền lại cho các thế hệ tương lai. Một quốc gia tự do, mạnh mẽ, hiện đại và hiệu quả. Chúng ta, những công dân Ukraine sẽ làm được điều đó”
Ngày Nhà nước Ukraine được đưa ra theo sắc lệnh của tổng thống Ukraine kể từ ngày 24 tháng 8 năm 2021. Lần đầu tiên Ukraine đánh dấu Ngày thành lập Nhà nước vào ngày 28 tháng 7 năm 2022.
1. Ukraine ném bom Kherson, chuẩn bị cho bộ binh tấn công. Quân Nga chống cự yếu ớt
Trong bản báo cáo tối thứ Sáu 29 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch chiếm lại các khu vực do Nga kiểm soát ở phía nam bằng cách ném bom và cô lập quân đội Nga ở những khu vực khó tiếp tế.
Quân đội nước này tuyên bố các máy bay Ukraine đã tấn công 5 cứ điểm của Nga xung quanh Kherson và một thành phố khác gần đó trong 24 giờ qua. Quân Nga được tường trình chống cự yếu ớt. Một số đơn vị Nga đã bỏ chạy. Những đơn vị còn lại không được tiếp tế, các kho đạn bị cháy. Họ mệt mỏi và xuống tinh thần.
Kyiv cho biết họ cũng đã chiếm lại một số khu định cư ở rìa phía bắc của vùng Kherson.
Theo các quan chức quốc phòng và tình báo Anh, cuộc phản công của Ukraine ở miền nam nước này đang “thu thập động lực”.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã gần như cắt đứt thành phố Kherson phía nam do Nga chiếm đóng, khiến hàng nghìn binh sĩ Nga đóng quân gần sông Dnepr “rất dễ bị tổn thương” và bị cô lập, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Theo các quan chức Ukraine, một kho đạn của Nga ở miền nam Kherson đã bị phá hủy.
Video và hình ảnh được công bố trong đêm và sáng thứ Sáu trên các kênh Telegram địa phương cho thấy một vụ nổ lớn ở khu vực Brylivka, cách thành phố Kherson khoảng 40 km về phía đông nam.
“Một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân chiếm đóng, là nhà ga ở Brylivka, đã bị phá hủy ở vùng Kherson. Người Nga mang thiết bị và đạn dược đến đó; Mọi thứ đã bị thiêu rụi,” Serhii Khlan, cố vấn ý Quân sự Kherson, cho biết như trên hôm thứ Sáu.
“Mọi người đang thông báo về những tiếng nổ lớn và những đám mây lửa. Có khả năng kho dầu đã bị tấn công,” Khlan nói thêm.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một địa điểm lưu trữ nhiên liệu gần đường sắt ở Brylivka đang cháy dữ dội.
Các video trên mạng xã hội được tải lên một kênh Telegram cộng đồng chỉ qua một đêm cho thấy nhiều vụ nổ trong khu vực, nhưng bóng tối đã ngăn cản vị trí địa lý chính xác của chúng.
Ông Yurii Sobolevskyi, phó chủ tịch hội đồng khu vực Kherson, chú thích các bức ảnh là “Brylivka ngày hôm nay”.
“Tôi muốn kêu gọi tất cả những ai bị buộc phải ở lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Kherson... Nếu bạn không thể di tản (vì bất cứ lý do gì), vui lòng ở càng xa cơ sở hạ tầng quân sự và các địa điểm triển khai của họ càng tốt., “Sobolevskyi nói.
“Không Quân Ukraine sẽ tiếp tục tấn công vì không có cách nào khác để giải phóng người dân và khu vực của chúng ta,” Sobolevskyi nói thêm.
Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine ghi nhận 4 tầu kéo của Nga đang hoạt động trong khu vực. Có lẽ quân Nga đang dự trù khả năng kéo cầu phao qua sông Dnipro để rút lui. Tuy nhiên, thực hiện các cuộc vượt sông bằng cầu phao trong môi trường đang có chiến sự là một hoạt động có tính rủi ro cao như đã được chứng tỏ trong biến cố tại Siverskyi Donets ở miền đông Ukraine. Hai tiểu đoàn Nga đã chìm dưới dòng sông Siverskyi Donets chảy xiết cùng với 73 thiết giáp và xe tăng. Một biến cố tương tự như thế có thể sẽ tái diễn tại Kherson.
2. Ukraine cáo buộc Nga pháo kích vào nhà tù, khiến 40 tù binh Ukraine thiệt mạng
Sáng ngày thứ Sáu 29 tháng 7, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt đưa tin Ukraine đã pháo kích vào nhà tù Olenivka, trong vùng Donetsk giết chết ít nhất 40 tù nhân Ukraine đang bị giam giữ tại đây. Nhà lãnh đạo tự xưng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Denis Pushilin, nói rằng nhà tù này giam giữ 193 người và không có người nước ngoài trong số những người bị tạm giữ. Denis Pushilin cáo buộc quân Ukraine làm thế để cảnh cáo tất cả các binh sĩ muốn đầu hàng quân Nga.
Trong cuộc họp báo chiều thứ Sáu, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã lên tiếng phản bác và cho biết như sau:
Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã tiến hành pháo kích nhằm vào một cơ sở cải giam giữ ở khu định cư Olenivka, Donetsk, nơi cũng giam giữ các tù nhân Ukraine.
Bằng cách này, quân xâm lược Nga theo đuổi các mục tiêu tội phạm của họ - và đồng thời buộc tội Ukraine phạm 'tội ác chiến tranh'. Quân Nga làm như thế để che giấu việc tra tấn tù nhân và hành quyết họ.
Nga đã phủ nhận việc tham gia vào các tội ác chiến tranh trong cái mà họ gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga và loại bỏ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
Ukraine nói rằng Mạc Tư Khoa đang tiến hành một cuộc chiến tranh chinh phục vô cớ.
3. Tin tình báo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh
Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh vừa đưa ra bản nhận định sau. Xin kính mời quý vị theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Kể từ tháng 3, công ty quân sự tư nhân Nga Wagner Group, gọi tắt là PMC, đã hoạt động ở miền đông Ukraine để phối hợp với quân đội Nga. Wagner có thể đã được giao trách nhiệm cho các khu vực cụ thể trên tiền tuyến, theo cách tương tự như các đơn vị quân đội bình thường.
Đây là một sự thay đổi đáng kể so với công việc trước đây của tập đoàn kể từ năm 2015, khi họ thường thực hiện các nhiệm vụ khác với hoạt động quân sự thường xuyên quy mô lớn, và công khai của Nga.
Mức độ tích hợp mới này càng làm suy yếu chính sách lâu đời của chính quyền Nga về việc phủ nhận các mối liên hệ giữa các PMC và nhà nước Nga.
Vai trò của Wagner có lẽ đã thay đổi vì Bộ Quốc phòng Nga đã lâm vào tình trạng thiếu hụt lớn bộ binh chiến đấu, tuy nhiên lực lượng của Wagner rất khó có thể coi là đủ để tạo ra sự khác biệt đáng kể trong quỹ đạo của cuộc chiến.
4. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhận định Putin đưa quân vào một cỗ máy xay thịt khổng lồ
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã nói rằng các lực lượng Nga ở Ukraine đang ở “một vị trí rất khó khăn”, và nói rằng chiến lược của Vladimir Putin giống như đưa lực lượng của mình vào một máy xay thịt khổng lồ.
Ông nói với thính giả của chương trình BBC's Today ở Anh rằng “theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, Nga đang ở một vị trí mà nước này không thể đạt được các mục tiêu chính của mình. Họ đã phải gánh chịu những tổn thất và thương vong rất lớn”.
Theo ý kiến của ông, Nga “chắc chắn không thể chiếm đóng đất nước này. Họ có thể tiếp tục giết người bừa bãi và tàn phá, nhưng đó không phải là một chiến thắng”.
Ông nói: “Putin đã không thay đổi mong muốn chiếm toàn bộ Ukraine, chiếm Kyiv và Odesa. Hơn 25.000 người chết. Có thể gấp đôi số người bị thương”.
Ông ví các chiến thuật hiện tại giống như chiến tranh thế giới thứ nhất: “Khi tôi nói về máy xay thịt, đó là những gì họ đang làm, là họ đang sử dụng một loại chiến thuật của Liên Xô chỉ là một máy xay thịt khổng lồ của Nga di chuyển rất chậm một vài mét một ngày, chứ không phải một vài dặm.”
“Và ở trên cùng của máy xay thịt mà họ đang nhét vào, và đây là sự tàn ác của hệ thống đó, họ đang tuyển mộ từ các huyện nghèo nhất ở Nga, và các dân tộc thiểu số, và họ đang sử dụng lính đánh thuê, đẩy những người này vào mà quan tâm rất ít đến kết quả.”
Ông nói rằng các loại vũ khí tầm xa hơn của phương Tây “giờ đã có tác dụng thực tế”, và người Nga “đang vận hành quân đội của họ với hiệu quả chiến đấu khoảng 40 đến 50%”.
Wallace cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào các cây cầu, đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp tế cho quân đội ở Kherson phía bắc sông Dnepr, đã đặt họ “vào một tình thế rất khó khăn” và khiến người Nga “ở thế phòng thủ”.
5. Ukraine cáo buộc một con tầu của Syria chuyên chở ngũ cốc ăn cắp
Đại sứ quán Nga tại Li Băng không có thông tin về một con tàu Syria cập cảng Li Băng hoặc hàng hóa của nó, họ cho biết hôm thứ Sáu, sau khi đại sứ quán Ukraine tuyên bố con tàu này đang chở lúa mì bị Nga đánh cắp.
“Đại sứ quán Liên bang Nga tại Cộng hòa Li Băng không có thông tin liên quan đến tàu của Syria hoặc hàng hóa do một công ty tư nhân đưa đến Li Băng”, đại sứ quán nói với Reuters trong một tuyên bố qua email.
Những lo ngại đã gia tăng trên khắp Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều tháng qua khi giá lúa mì tăng vọt do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.
Nga và Ukraine cung cấp 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, trong khi Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
6. Tổng thống Ukraine cho biết Ukraine sẵn sàng tiếp tục vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Hắc Hải
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng nối lại các chuyến hàng ngũ cốc từ các cảng Hắc Hải và đang chờ tín hiệu từ Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để bắt đầu các chuyến hàng.
Văn phòng tổng thống Zelenskiy cho biết tổng thống đã đến thăm cảng Chornomorsk ở Hắc Hải, nơi bị Nga phong tỏa, để chuẩn bị cho các chuyến hàng theo một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian được ký kết tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.
Ông Zelenskiy nói:
Phía chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi đã gửi tất cả các tín hiệu tới các đối tác của chúng tôi - Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và quân đội của chúng tôi bảo đảm tình hình an ninh.
Bộ trưởng cơ sở hạ tầng liên hệ trực tiếp với phía Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đang chờ tín hiệu từ họ rằng chúng tôi có thể bắt đầu.
Trong tuần này, các nhà xuất khẩu đã đưa ra lo ngại về việc liệu các công ty bảo hiểm có sẵn sàng bảo hiểm cho các tàu chở ngũ cốc đi qua các vùng biển đầy thủy lôi ở các cảng Hắc Hải của Ukraine hay không, trong khi người mua do dự đặt hàng mới trước nguy cơ bị Nga tấn công.
7. Belarus đã triệu hồi đại sứ của mình tại Vương quốc Anh vào thứ Sáu để đáp trả những gì họ gọi là hành động “thù địch và không thân thiện” của London.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết Anh đã áp dụng các chính sách “có hệ thống nhằm gây thiệt hại tối đa cho các công dân và pháp nhân Belarus”, viện dẫn các lệnh trừng phạt đối với các công ty của họ, lệnh cấm đối với hãng hàng không quốc gia Belavia và các hạn chế đối với nhà nước Belarus.
Một loạt 25 hỏa tiễn nhắm vào các địa điểm trong vùng Chernihiv, ngoại ô Kyiv và xung quanh thành phố Zhytomyr hôm thứ Năm đã được bắn ra bởi lực lượng Nga từ nước láng giềng Belarus, một đồng minh thân cận của Điện Cẩm Linh.
Belarus cũng cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Mối quan hệ giữa Belarus và phương Tây đã rất căng thẳng kể từ khi nhà lãnh đạo nước này, Alexander Lukashenko, bị cáo buộc đưa người tị nạn vào Liên Hiệp Âu Châu trong một nỗ lực phá hoại để đáp lại những chỉ trích của phương Tây về cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trong nước của ông Lukashenko sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2020.
Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10g sáng Thứ Năm 28 tháng 7 Đức Thánh Cha đã cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Đây là một địa điểm hành hương lớn của Canada, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.
Sinh hoạt tiếp theo diễn ra lúc 17g15, khi Đức Thánh Cha cử hành Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, những người sống đời thánh hiến, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Quebéc.
Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.
Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.
Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có tổng cộng 3881 giáo xứ, 557 trung tâm mục vụ khác; và 35 tu hội đời.
Giáo Hội Canada có 4 vị Hồng Y là các Đức Hồng Y Thomas Christopher Collin, Tổng Giám Mục Toronto, Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục Quebéc, Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ.
Giáo Hội tại Canada có 134 Giám Mục, 6,222 linh mục bao gồm 4,117 linh mục triều, và 2,105 linh mục dòng. Giáo Hội Canada cũng có 1,217 phó tế vĩnh viễn, 1,032 nam tu sĩ không có chức linh mục, 9,620 nữ tu, 18,761 giáo lý viên, 99 giáo dân truyền giáo.
Về mặt đào tạo, Giáo Hội Canada có 497 tiểu chủng sinh, 352 đại chủng sinh. Giáo Hội sở hữu 2,179 trường mẫu giáo và tiểu học với 516,821 học sinh; 451 trường trung học với 276,218 học sinh; và 45 trường Đại Học với 28,074 sinh viên.
Giáo Hội cũng sở hữu 64 bệnh viện, 3 trung tâm chăm sóc sức khoẻ, 140 nhà dưỡng lão, 54 cơ sở dành cho trẻ mồ côi, 72 trung tâm cố vấn gia đình, 30 trung tâm xã hội, và 72 cơ sở xã hội khác.
Trong diễn từ tại đây, ngài nói:
Kính thưa anh em Giám mục, thưa các linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và những người làm công tác mục vụ, xin chào buổi tối!
Tôi cảm ơn Đức cha Poisson vì những lời chào mừng của ngài và tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt những người đã phải đi một chặng đường dài để đến đây. Khoảng cách ở đất nước của anh chị em thực sự lớn! Cảm ơn anh chị em! Tôi rất vui khi được ở đây với anh chị em!
Điều quan trọng là chúng ta đang ở Vương cung thánh đường Đức Bà Québec, Nhà thờ chính tòa của Giáo Hội đặc thù này và là tòa giáo chủ của Canada, vị Giám mục đầu tiên, Thánh François de Laval, đã mở Chủng viện vào năm 1663 và dành toàn bộ thừa tác vụ của ngài để đào tạo các linh mục. Bài đọc ngắn, mà chúng ta đã nghe, nói với chúng ta về “các trưởng lão”, tức các linh mục. Thánh Phêrô thúc giục chúng ta: “Hãy chăn dắt đoàn chiên Thiên Chúa do anh em phụ trách, không phải bằng sự ràng buộc mà bằng lòng tự nguyện” (1 Pr 5: 2). Được quy tụ về đây trong tư cách dân Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là Mục Tử của cuộc đời chúng ta, là Đấng chăm sóc chúng ta vì Người thực sự yêu thương chúng ta. Chúng ta, các mục tử của Giáo hội, chúng ta được yêu cầu biểu lộ cùng một sự rộng lượng đó trong việc chăm sóc đoàn chiên, để biểu lộ sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với mọi người và lòng cảm thương của Người đối với vết thương của mỗi người.
Chính vì chúng ta là dấu chỉ Chúa Kitô, Tông đồ Phêrô thúc giục chúng ta chăm sóc đoàn chiên, hướng dẫn đoàn chiên, đừng để nó lạc lối trong khi bận rộn về công việc riêng của mình. Chăm sóc nó bằng sự tận tâm và tình yêu thương dịu dàng. Thánh Phêrô bảo chúng ta làm điều này một cách “tự nguyện”, không bắt buộc, không như một nghĩa vụ, không như một nhân viên tôn giáo “chuyên nghiệp”, những công chức thánh thiêng, nhưng một cách sốt sắng và với tấm lòng của một người chăn chiên. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, trước khi nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính chúng ta được “chăm sóc” bằng tình yêu thương xót; chúng ta sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Chúa. Đây là nguồn vui của thừa tác vụ và trên hết là niềm vui của đức tin. Đây không phải là việc chúng ta có thể hoàn thành được gì, mà là việc biết rằng Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, Người yêu chúng ta trước và Người luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.
Anh chị em thân mến, đó là niềm vui của chúng ta. Nó cũng không phải là một niềm vui rẻ tiền, giống như một niềm vui mà thế giới đôi khi đề xuất, làm chói mắt chúng ta bằng pháo bông. Nó không phải là chuyện giàu có, thoải mái và an ninh. Thậm chí nó không cố thuyết phục chúng ta rằng cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, không có thập giá và vấn đề. Niềm vui của Kitô hữu là trải nghiệm một sự bình an còn mãi trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ, vì khi đó chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, nhưng được đồng hành với một Thiên Chúa không thờ ơ với phần số của chúng ta. Khi biển động: trên bề mặt luôn có giông tố nhưng sâu thẳm vẫn êm đềm và bình yên. Điều đó cũng đúng với niềm vui của người Kitô hữu: đó là một hồng ân miễn phí, là sự chắc chắn khi biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và đón nhận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Người là Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và tội lỗi, khỏi nỗi buồn cô đơn, khỏi sự trống rỗng và sợ hãi bên trong, và ban cho chúng ta một cái nhìn mới về cuộc sống và lịch sử: “Với Chúa Kitô, niềm vui không ngừng được tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1).
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta làm thế nào khi có được niềm vui? Giáo hội của chúng ta có bày tỏ niềm vui của Tin Mừng không? Có đức tin trong cộng đồng của chúng ta có thể thu hút bởi niềm vui nó truyền đạt không?
Nếu muốn đi vào gốc rễ của những câu hỏi này, chúng ta cần suy gẫm về điều, trong thế giới ngày nay, đang đe dọa niềm vui của đức tin và do đó có nguy cơ làm giảm sút đức tin và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách Kitô hữu. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến việc thế tục hóa, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách sống của đàn ông và đàn bà đương thời, có thể nói, đẩy Thiên Chúa vào hậu trường. Thiên Chúa dường như đã biến mất khỏi chân trời, và lời của Người dường như không còn là chiếc la bàn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, các quyết định căn bản của chúng ta, các mối liên hệ nhân bản và xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên rõ ràng về một điều. Khi chúng ta xem xét nền văn hóa xung quanh, và sự đa dạng của các ngôn ngữ và biểu tượng của nó, chúng ta phải cẩn thận đừng làm mồi cho sự bi quan hoặc phẫn uất, rơi vào những phán đoán tiêu cực hoặc một tiếc nuối viển vông. Có hai cách nhìn mà chúng ta có thể có đối với thế giới mà chúng ta đang sống: Tôi gọi một là “quan điểm tiêu cực”, và quan điểm kia là “quan điểm biện phân”.
Thứ nhất, quan điểm tiêu cực, thường phát sinh từ một đức tin cảm thấy bị tấn công và coi đó như một loại “áo giáp”, bảo vệ chúng ta chống lại thế gian. Quan điểm này phàn nàn một cách cay đắng rằng “thế giới là xấu xa; tội lỗi ngự trị”, và do đó có nguy cơ tự mặc cho mình một “tinh thần thập tự chinh”. Chúng ta cần phải cẩn thận, vì đó không phải là Kitô giáo; thật vậy, đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, Đấng - như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta - “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, hầu cho ai tin vào Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Ga 3:16 ). Chúa, Đấng ghét tính thế gian, nhưng có một cái nhìn tích cực về thế giới. Ngài chúc phúc cho cuộc sống của chúng ta, nói tốt về chúng ta và hoàn cảnh của chúng ta, và tự mình nhập thể vào những hoàn cảnh lịch sử, không phải để lên án, nhưng để tăng trưởng hạt giống Nước Trời ở những nơi mà bóng tối dường như chiến thắng. Nếu chúng ta bị giới hạn trong một cái nhìn tiêu cực, kết cục chúng ta sẽ phủ nhận sự nhập thể: chúng ta sẽ trốn chạy thực tại, hơn là làm cho nó nhập thể trong chúng ta. Chúng ta sẽ tự thu mình lại, than thở những mất mát của mình, không ngừng phàn nàn và rơi vào sự u ám và bi quan, điều không bao giờ phát xuất từ Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi có một cái nhìn tương tự như cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng biện phân điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm nó, thấy nó và nuôi dưỡng nó. Đây không phải là một quan điểm ngây thơ, mà là một quan điểm biện phân thực tại.
Để tinh chỉnh việc biện phân của chúng ta về thế giới bị tục hóa, chúng ta hãy lấy cảm hứng từ Thánh Phaolô VI, người đã coi việc tục hóa là “nỗ lực, tự nó, vốn chính đáng và hợp pháp và không hề trái với đức tin hay tôn giáo” (Evangelii Nuntiandi, 55) để khám phá những quy luật chi phối thực tại và cuộc sống con người do Tạo hóa cấy trồng. Thiên Chúa không muốn chúng ta làm nô lệ, nhưng làm con trai con gái; Người không muốn ra quyết định cho chúng ta, hoặc áp chế chúng ta bằng một quyền lực thánh thiêng, được thực hiện trong một thế giới được điều hành bằng các luật lệ tôn giáo. Không! Người tạo ra chúng ta để được tự do, và Người yêu cầu chúng ta trở thành những người trưởng thành và có trách nhiệm trong cuộc sống cũng như trong xã hội. Đức Phaolô VI đã phân biệt việc thế tục hóa với chủ nghĩa duy thế tục, một quan niệm sống hoàn toàn tách biệt mối liên kết với Đấng Tạo Hóa, đến nỗi Thiên Chúa trở thành “thừa thãi và ngăn cản”, và tạo ra “các hình thức vô thần mới” tinh tế và đa dạng: “xã hội tiêu thụ, việc theo đuổi khoái cảm được coi là giá trị tối cao, một ham muốn quyền lực và sự thống trị, và kỳ thị đủ loại ”(sđd). Là Giáo hội, và trên hết là những người chăn dắt Dân Thiên Chúa và là những người làm công tác mục vụ, tùy thuộc chúng ta phải phân biệt những điều này và thực hiện sự phân biệt này. Nếu chúng ta nhượng bộ quan điểm tiêu cực và phán đoán vấn đề một cách hời hợt, chúng ta có nguy cơ gửi thông điệp sai, như thể những lời chỉ trích việc thế tục hóa về phía chúng ta ngụy trang niềm luyến tiếc một thế giới thánh thiêng hóa, một xã hội đã qua, trong đó Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội có quyền lực lớn hơn và thích đáng đối với xã hội. Và đó là một cách nhìn sự vật sai lầm.
Thay vào đó, như một trong những học giả vĩ đại của thời đại chúng ta đã nhận xét, đối với các Kitô hữu chúng ta, vấn đề thực sự của thế tục hóa không nên là sự thích đáng về xã hội của Giáo hội bị giảm đi hay sự mất mát của cải và các đặc ân vật chất. Đúng hơn, thế tục hóa đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về các thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách trong đó con người suy nghĩ và tổ chức cuộc sống của họ. Nếu chúng ta xem xét khía cạnh này của câu hỏi, chúng ta nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, mà là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày nó. Do đó, thế tục hóa là một thách thức đối với trí tưởng tượng mục vụ của chúng ta, nó là “một cơ hội để tái cấu trúc đời sống thiêng liêng dưới những hình thức mới và vì những cách thức hiện hữu mới” (C. TAYLOR, A Secular Age, Cambridge 2007, 437). Theo cách này, một cái nhìn biện phân, trong khi thừa nhận những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong việc truyền đạt niềm vui đức tin, thúc đẩy chúng ta phát triển một niềm đam mê mới cho việc phúc âm hóa, tìm kiếm những ngôn ngữ và hình thức diễn đạt mới, thay đổi một số ưu tiên mục vụ nào đó và tập chú vào các yếu tố chủ yếu.
Anh chị em thân mến, Tin Mừng cần được công bố nếu chúng ta muốn thông truyền niềm vui đức tin cho những người nam và người nữ ngày nay. Tuy nhiên, việc công bố này chủ yếu không phải là vấn đề bằng lời nói, mà là vấn đề nhân chứng đầy tình yêu thương nhưng không, vì đây là cách Thiên Chúa ở với chúng ta. Lời công bố nên lên khuôn trong lối sống bản thân và giáo hội có thể khơi dậy lòng khao khát Chúa, truyền dẫn hy vọng và chiếu tỏa sự tin cậy và khả tín tính. Ở đây, trong tinh thần huynh đệ, cho phép tôi gợi ý ba thách đố có thể định hình việc cầu nguyện và phục vụ mục vụ của anh chị em.
Thách đố đầu tiên là làm cho Chúa Giêsu được biết đến. Trong những sa mạc thiêng liêng của thời đại chúng ta, được chủ nghĩa thế tục và sự thờ ơ tạo ra, chúng ta cần trở lại lời công bố thuở đầu. Chúng ta không thể giả thiết truyền đạt niềm vui đức tin bằng cách trình bày những khía cạnh thứ yếu cho những người chưa đón nhận Chúa trong đời sống họ, hoặc đơn giản lặp lại những thực hành nào đó hoặc sao chép những hình thức mục vụ cũ hơn. Chúng ta phải tìm những cách mới để loan báo trọng tâm của Tin Mừng cho những người chưa gặp gỡ Chúa Kitô. Điều này đòi hỏi một sự sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người ngay nơi họ đang sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Chúng ta cần trở lại với sự đơn sơ và nhiệt thành của thời Tông đồ Công vụ, với vẻ đẹp của việc nhận ra rằng ngày nay chúng ta là công cụ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, để loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải đáng được tin cậy. Đây là thách đố thứ hai: làm chứng. Tin Mừng được rao giảng một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên và cho thấy sự tự do làm cho người khác được tự do, lòng cảm thương không đòi điều gì được đáp trả, lòng thương xót thầm lặng nói về Chúa Kitô. Giáo hội ở Canada đã khởi hành trên một con đường mới, sau khi bị tổn thương và tàn phá bởi cái ác do một số con trai và con gái của mình gây ra. Tôi đặc biệt nghĩ tới việc lạm dụng tình dục các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những vụ tai tiếng đòi hỏi hành động kiên quyết và cam kết không thể thay đổi. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi muốn xin sự tha thứ của mọi nạn nhân. Nỗi đau và sự xấu hổ mà chúng ta cảm thấy phải trở thành một cơ hội để hoán cải: không bao giờ nữa! Và nhờ suy nghĩ về diễn trình hàn gắn và hòa giải với các anh chị em bản địa của chúng ta, không bao giờ cộng đồng Kitô hữu có thể để cho mình bị lây nhiễm bởi ý niệm cho rằng nền văn hóa này vượt trội hơn các nền văn hóa khác, hoặc được phép sử dụng các cách ép buộc người khác. Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục đầu tiên của anh chị em, Thánh François de Laval, người đã chê trách những kẻ hạ thấp người bản địa bằng cách dụ họ say rượu mạnh để sau đó đánh lừa họ. Chúng ta đừng cho phép bất cứ ý thức hệ nào làm tha hóa hoặc sai lệch các phong tục và cách sống của các dân tộc chúng ta, như một phương tiện để khuất phục hoặc kiểm soát họ.
Để đánh bại văn hóa loại trừ này, chúng ta phải bắt đầu với chính mình: các giám mục và linh mục, những người không nên cảm thấy mình cao hơn anh chị em của chúng ta trong dân Chúa; những người làm công tác mục vụ, những người không nên hiểu phục vụ như quyền hành. Đây là chỗ chúng ta phải bắt đầu. Anh chị em là những nhân vật chủ chốt và những người xây dựng một Giáo hội khác: khiêm tốn, nhu mì, thương xót, một Giáo Hội đồng hành với các diễn trình, lao động một cách dứt khoát và thanh thản để phục vụ việc hội nhập văn hóa, và biểu lộ sự tôn trọng đối với mỗi cá nhân và mọi sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy cung cấp chứng tá này!
Cuối cùng là thách đố thứ ba: tình huynh đệ. Giáo hội sẽ là nhân chứng đáng tin cậy cho Tin Mừng khi các chi thể càng hiện thân sự hiệp thông, tạo cơ hội và tình huống giúp tất cả những ai tiếp cận đức tin gặp gỡ được một cộng đồng chào đón, một cộng đồng có khả năng lắng nghe, bước vào đối thoại và cổ vũ các mối liên hệ có phẩm chất tốt. Đó là điều mà Thánh François de Laval đã nói với các nhà truyền giáo: “Thường thì một lời nói cay đắng, một cử chỉ thiếu kiên nhẫn, một cái nhìn khó chịu sẽ phá hủy ngay lập tức những gì đã mất nhiều thời gian để hoàn thành” (Hướng dẫn cho các nhà truyền giáo, 1668).
Chúng ta đang nói về việc sống trong một cộng đồng Kitô giáo, theo cách này, trở thành một trường dạy nhân tính, nơi tất cả mọi người có thể học cách yêu thương nhau như anh chị em, sẵn sàng làm việc cùng nhau vì lợi ích chung. Thật vậy, trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu này biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng hiệp thông với mọi người và phục vụ mọi người. Như một nhà thần học người Canada đã viết: “Tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ứ tràn qua tình yêu... Đó là thứ tình yêu đã thúc đẩy Người Samaritanô nhân hậu dừng lại và chăm sóc du khách bị bọn trộm tấn công. Đó là thứ tình yêu không có biên giới, tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa... và vương quốc này là phổ quát” (B. LONERGAN, 'Tương lai của Kitô giáo', trong Bộ sưu tập thứ hai: Bài viết của Bernard F.J. Lonergan, S.J., London 1974, 154). Giáo hội được mời gọi hiện thân cho tình yêu không biên giới này, thể hiện ước mơ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại: cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta làm thế nào khi nói đến tình huynh đệ thực tế giữa chúng ta? Các giám mục giữa các ngài và với các linh mục của các ngài, các linh mục giữa các ngài và với Dân Thiên Chúa. Chúng ta là anh em, hay là đối thủ cạnh tranh chia thành các bên? Và còn các mối liên hệ của chúng ta với những người không phải là “của riêng chúng ta”, với những người không tin, với những người có truyền thống và phong tục khác nhau thì sao? Đây là cách: xây dựng mối liên hệ huynh đệ với mọi người, với anh chị em bản xứ, với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa được phản chiếu trên từng khuôn mặt của họ.
Đây chỉ là một vài thách thức. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta chỉ có thể thỏa mãn chúng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh thần, Đấng mà chúng ta phải luôn cầu khẩn trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng để tinh thần duy thế tục xâm nhập vào giữa chúng ta, vì nghĩ rằng chúng ta có thể tạo ra các kế hoạch hoạt động một cách tự động, và chỉ bằng nỗ lực của con người, ngoài Thiên Chúa. Và, xin anh chị em vui lòng, chúng ta đừng khép kín mình bằng cách "nhìn trở lui", nhưng hãy tiến về phía trước với niềm vui!
Chúng ta hãy đem vào thực hành các lời lẽ sau đây mà bây giờ chúng ta thưa với Thánh François de Laval:
Ngài là một người vì người khác, người đi thăm người bệnh, mặc quần áo cho người nghèo, bảo vệ phẩm giá của các dân tộc nguyên thủy, ủng hộ những nỗ lực vất vả của những nhà truyền giáo, sẵn sàng vươn tay ra với những người nghèo nàn hơn ngài.
Đã bao nhiêu lần dự án của ngài bị thất vọng!
Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, ngài lại lấy lại chúng.
Ngài đã hiểu rằng Thiên Chúa không xây bằng đá, và trong vùng đất chán nản này, cần có một người xây dựng hy vọng.
Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm, và tôi chúc lành cho anh chị em từ trái tim tôi. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.