Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
Đó là lời Chúa
5. Thiên Chúa muốn chúng ta khẩn cầu kêu nài Ngài là vì ích lợi cho chúng ta, để cho chúng ta hiểu được sự cao quý của ân sủng và sự thấp kém vô cùng của chúng ta.
(Thánh Augustinus)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
--------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Khuôn mặt tố cáo với diêm vương:
- “Đầu là thủ lĩnh của thân người, mà khuôn mặt lại là mặt mũi của đầu, nhưng thân thể và tứ chi của con người thì có y phục màu mè hoa lá để mặc, duy chỉ có con là không có, xin hỏi như thế là tại vì sao?”
Diêm vương cũng không hiểu ra sao cả, bèn hỏi phán quan:
- “Việc này có điều khoản pháp luật nào không?”
Phán quan bẩm cáo:
- “Việc này hoàn toàn không có luật lệ, chỉ là vì khi nó đầu thai ở dương gian thì ăn trộm một miếng da dày đậy bên ngoài, cho nên khỏi cần mặc áo, lâu thật là lâu, người trên dương thế dần dần quên lấy đồ cho nó đậy lại ạ”.
(Yết hậu ngữ)
Suy tư 13:
Khuôn mặt là “đại biểu” của cả thân người, lấy vải mà trùm lại thì còn gì là đại biểu nữa !
Bác ái là khuôn mặt thật của người Ki-tô hữu, lấy lý do làm việc bác ái phải đúng nơi đúng chỗ mà che bác ái lại, thì ai mà biết được một Đức Đức Chúa Giê-su yêu thương và nhân hậu trong con người của người Ki-tô hữu !
Hiệp nhất là bộ mặt của cộng đoàn, nhưng lấy lý do là cần phải kiếm những người cùng phe cùng khóa học với mình để dễ làm việc, mà che đậy bộ mặt hiệp nhất lại, thì không ai nhìn thấy bộ mặt hiệp nhất của cộng đoàn đâu cả, mà chỉ thấy phe nhóm “lủng đoạn” cộng đoàn.
Con người thời nay ai cũng muốn nhìn thấy lòng bác ái của người Ki-tô hữu, do đó đừng một ai tìm lý do để che đậy khuôn mặt bác ái của mình, bởi vì Đức Đức Chúa Giê-su không tìm lý do để từ chối thi ân giáng phúc cho mọi người.
Mọi bộ phận trên thân thể con người đề có áo quần che đậy, nhưng chỉ có khuôn mặt là không có gì che đậy, bởi vì khi che đi khuôn mặt thì có nghĩa là che luôn những tình cảm vui buồn của mình, và quan trọng nhất là không ai biết mình là ai cả...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
CUỘC SỐNG CHỈ LÀ MỘT CƠ HỘI NGẮN NGỦI
“Sao con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Câu chuyện xót xa trên và Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, đó là xu hướng nhìn thấy những lỗi lầm ở người khác mà bản thân chúng ta có thể mắc phải; đang khi ‘cuộc sống chỉ là một cơ hội ngắn ngủi’ để trưởng thành trong sự thánh thiện, và giúp người khác sống thánh thiện! Chúa Giêsu nói, “Sao con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”.
Đánh giá người khác đôi khi là trò tiêu khiển yêu thích của loài người! Thật dễ dàng để nhận ra lỗi lầm của người khác; điều đó có thể làm cho một người cảm thấy vượt trội! Tuy nhiên, tập trung vào lỗi lầm của người khác thường có thể khiến chúng ta mất tập trung khỏi những sai lỗi của mình. Tôi thường phàn nàn về điều gì và có thể phạm cùng một lỗi nào đó như người khác?
Chúa Giêsu không ngăn cản chúng ta tìm cách giúp người khác. Thực ra, việc sửa dạy là một hình thức bác ái, nếu, một chữ “nếu” rất lớn, được thực hiện một cách thánh thiện! Thật vậy, hướng dẫn những người không hiểu biết là một công việc thiêng liêng của lòng thương xót! Thật không may, vì lý do ‘trịch thượng’, chúng ta thường ‘lạnh lùng’ giữ im lặng và những người khác vẫn chìm trong tội lỗi. Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta thờ ơ khi đối mặt với lỗi lầm của người thân. Đối lập của tình yêu không phải là hận thù, mà là sự thờ ơ! Tôi có ngại hướng dẫn những người Chúa giao phó cho tôi, nhất là những người vốn sẽ ngạc nhiên khi lần đầu tiên trong đời có một ai đó nói cho họ sự thật về một ‘văn hoá xấu’ nào đó? Hay tôi cố im lặng để ‘giữ hoà khí’ để rồi, mặc cho người thân sống trong u minh với các tính hư nết xấu vốn đã hình thành một ‘nếp nhân cách?’. Đừng quên, ngày Phán Xét, mỗi người sẽ phải trả lẽ trước Chúa về tội thờ ơ; cuộc sống ngắn ngủi còn là cơ hội để giúp người khác sống thánh thiện!
Bài đọc Các Vua hôm nay cho thấy một sự trùng hợp thú vị, khi Thiên Chúa cũng trải nghiệm điều đó như chúng ta. Israel chạy theo tà thần, và Chúa đã cho họ các cơ hội, “Ngài dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa, ‘Các ngươi hãy cải tà quy chính!’. Nhưng họ không nghe; cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông”. Và “Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với Israel, đuổi họ khuất nhan thánh; chỉ còn lại chi tộc Giuđa”. Trong cơn cùng khốn, Israel thưa lên, “Lạy Chúa, xin ra tay cứu độ và đáp lời chúng con!”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Anh Chị em,
“Sao con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta để nên thánh; những gì chúng ta làm hôm nay quyết định phần thưởng hoặc hình phạt vĩnh viễn mai ngày. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đề phòng việc ngày càng quen lờn với lỗi lầm bản thân, đang khi lại khắt khe với anh chị em mình. Chúa không muốn chúng ta trở nên tầm thường, Ngài muốn chúng ta đấu tranh chống lại những điểm yếu của mình; sau đó, cầu nguyện, hy sinh, để giúp người khác nhận ra điểm yếu của họ. Cầu nguyện, phải, đừng quên cầu nguyện! Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là hình thành một thói quen tốt, thói quen nghĩ tốt cho người khác; và cách tốt nhất để giúp người khác nên tốt không chỉ là khuyên bảo nhưng còn là hy sinh, cầu nguyện và làm gương! Bởi lẽ, ‘cuộc sống chỉ là một cơ hội ngắn ngủi’ để trưởng thành trong sự thánh thiện, và giúp người khác sống thánh thiện!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con trung thực nhận ra lỗi lầm của mình; để nhờ ơn Chúa, con được biến đổi. Từ đó, con có thể giúp người khác bằng gương sáng và lời cầu nguyện của con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tối thứ Năm 16 tháng 6, tại nhà thờ Thánh Stephanô của Anh Giáo, một tên sát nhân đã rút một khẩu súng ngắn và bắn chết ba trong số những người tham dự buổi ăn tối cộng đoàn.
Một người nào đó trong cộng đoàn đã can đảm nhào đến và khuất phục được tay súng, cũng như giữ anh ta cho đến khi cảnh sát đến. Luật sư Quận Jefferson, Danny Carr, cho biết nghi phạm, Robert Findlay Smith, đã bị buộc tội giết người hôm thứ Sáu.
Bạo lực hỗn loạn ở một vùng ngoại ô giàu có bên ngoài Birmingham đã gây ra một tình trạng hoang mang trong một cộng đồng nổi tiếng với lối sống lấy gia đình làm trung tâm và khiến sự bất bình trầm trọng hơn ở một quốc gia vẫn đang quay cuồng với những cuộc thảm sát gần đây do các tay súng tấn công một trường học ở Texas, một cửa hàng tạp hóa ở New York, một siêu thị và một nhà thờ khác ở California.
Hai trong số các nạn nhân trong vụ xả súng ở Alabama qua đời ở tuổi 84; người thứ ba ở tuổi 75. Họ đã tụ tập với các thành viên khác của nhà thờ trong bữa ăn tối cộng đoàn. Nhà thờ Thánh Stephanô là nơi yêu thích của Ông Walter Bartlett Rainey, một nhà thờ “chào đón tất cả mọi người bằng tình yêu thương”, theo gia đình của ông. Họ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng thật khó tin rằng ông đã bị giết khi tham dự một bữa ăn tối ở nhà thờ với vợ mình, nơi ông đã tham dự các bữa tối cộng đoàn hơn sáu thập kỷ qua.
Cảnh sát cho biết Sarah Yeager, 75 tuổi, ở Pelham đã chết ngay sau khi được đưa đến bệnh viện hôm thứ Năm. Nạn nhân thứ ba, một phụ nữ 84 tuổi, đã chết hôm thứ Sáu.
Source:AP
Một số lượng lớn chưa từng có người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đã xuống đường vào cuối tuần qua để rước kiệu Thánh Thể vào Ngày lễ Mình Thánh Chúa, hay còn được gọi là ngày lễ Corpus Christi, ngày Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Quang cảnh gợi nhớ đến một ngày lễ ở Âu Châu thời Trung cổ, trong đó đức tin được chia sẻ công khai trước công chúng.
Đầu tiên, người ta có thể nghe thấy âm thanh của những giọng ca ở xa. Và sau đó, khi tiếng hát lớn hơn, đột nhiên, ở vòng quanh góc, một linh mục xuất hiện, mặc lễ phục của ngày lễ, và cầm Mình Thánh Chúa trên cao, được bảo vệ bởi một tán cây do những người chung quanh ngài vác. Phía sau ngài, nổi lên một đám rước hàng trăm người hát thánh ca, một cảnh tượng đáng ngạc nhiên trên đường phố Hoa Kỳ - và thường là một cảnh đầy cảm hứng cho người xem cũng như người tham gia.
Các cuộc rước Mình Thánh Chúa năm nay lớn hơn bình thường, vì các cuộc rước kiệu này đánh dấu sự khởi đầu của Cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia của Giáo Hội Công Giáo, một sáng kiến kéo dài ba năm do Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ hình thành.
Giữa các cuộc tranh luận về việc liệu các chính trị gia có lập trường mâu thuẫn với giáo lý của Giáo Hội có nên bị từ chối Rước lễ hay không, các giám mục đã chỉ ra vấn đề sâu xa hơn, và cơ bản hơn trong Giáo Hội. Một nghiên cứu của Pew Research năm 2019, đã chỉ ra rằng các chính trị gia không đơn độc khi họ thiếu tôn kính hoặc hiểu biết về Bí tích Thánh Thể, vì đa số người Công Giáo nghĩ rằng bánh và rượu được dùng trong việc rước lễ chỉ là “biểu tượng” của Chúa Kitô.
Cuộc thăm dò cho thấy 7/10 người Công Giáo không tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và chỉ một phần tư người Công Giáo dưới 40 tuổi tin vào học thuyết về sự biến thành Mình Máu Thánh Chúa, khi bánh và rượu được truyền phép trong Thánh lễ. Để đáp lại, các giám mục đã bỏ phiếu vào tháng 11 năm ngoái để tổ chức một cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia nhằm thấm nhuần sự hiểu biết sâu sắc hơn về Bí tích Thánh Thể, là điều mà Công đồng Vatican II nói là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.
Đức Cha Andrew Cozzens, Chủ tịch Ủy ban Đại hội Thánh Thể Quốc gia, cho biết ý tưởng về Sự Phục hưng Thánh Thể đến từ nhận thức rằng Giáo Hội Công Giáo phải dạy giáo lý cơ bản này giữa đoàn chiên của mình.
“Trong những thời điểm này, chúng tôi thực sự ý thức rằng xã hội chúng ta đang sống đòi hỏi Giáo Hội phải trở nên truyền giáo nhiều hơn. Bản thân văn hóa không còn hỗ trợ những gì chúng ta làm với tư cách là người Công Giáo,” Cozzens lưu ý.
Ngài nói: “Tất cả những người Công Giáo được mời gọi vào một cuộc gặp gỡ mới với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, đặc biệt là những người Công Giáo không hiểu hết quyền năng của Bí tích Thánh Thể. Đây là thời điểm để đừng xấu hổ về Tin Mừng nhưng để loan báo Tin Mừng từ những mái nhà.”
Trong khi nhiều giáo xứ và cộng đồng Công Giáo trên khắp đất nước sẽ tổ chức các cuộc rước Mình Thánh Chúa của riêng mình, một số giám mục có kế hoạch cho các cuộc rước trên toàn giáo phận để khởi động Cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia.
Ở Detroit, một cuộc rước dài hơn bình thường đến hai dặm đã diễn ra vào ngày Chúa Nhật 19 tháng Sáu, sau Thánh lễ 1 giờ chiều tại Nhà thờ Chính tòa, và kết thúc tại Đại Chủng viện Thánh Tâm, nơi Tổng Giáo phận đào tạo chức tư tế.
Holly Fournier, phó giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Detroit, nói với Aleteia, “Với cuộc rước này, chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy một sự hồi sinh giữa các tín hữu sùng kính và tin tưởng vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi mong muốn mang mọi người đến với nhau trong lời cầu nguyện, cử hành và lòng biết ơn rằng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trọn vẹn ở giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trong cuộc rước này và trong cuộc sống của chúng ta. “
Fournier nói, đám rước cũng nhằm khuấy động trái tim của những người không theo Công Giáo.
“Chúng tôi hy vọng họ đặt câu hỏi! Chúng tôi hy vọng rằng cuộc rước này khơi dậy sự tò mò nơi những người xem, và đây có thể trở thành cơ hội để các tín hữu chia sẻ tình yêu và lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và cuộc rước là một cách để thể hiện tình yêu này trong sự tôn kính và cử hành.”
Source:Aleteia
Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Ubanô đã công bố Tự Sắc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi. Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là ngày nghỉ lễ chính thức tại 22 quốc gia và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha. Ở các quốc gia này, lễ Corpus Christi được mừng vào đúng ngày chính lễ, tức là thứ Năm 16 tháng Sáu trong năm nay. Tại các quốc gia này, Chúa Nhật 19 tháng 6 là Chúa Nhật thứ 12 Mùa Quanh Năm. Trong khi đó, tại các quốc gia khác, trong đó có Ý, Việt Nam, Úc Đại Lợi và Hoa Kỳ, Chúa Nhật 19 tháng 6 là Lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”
Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.”
Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.”
Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
Ngày hôm nay ở Ý và các nước khác, Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành. Được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích Thánh Thể giống như đích đến của một cuộc hành trình mà Chúa Giêsu đã định hình trước đó qua một số dấu chỉ, trên hết là phép lạ hóa bánh ra nhiều được thuật lại trong Tin Mừng Phụng vụ hôm nay (x. Lc. 9: 11b-17). Chúa Giêsu chăm sóc đám đông dân chúng đông đảo đã đi theo Ngài để nghe lời Ngài và được giải thoát khỏi nhiều vấn nạn khác nhau. Tin Mừng cho biết: Ngài làm phép năm chiếc bánh và hai con cá, bẻ ra, đưa cho các môn đệ phân phát, và “tất cả đều ăn no nê” (Lc. 9:17). Trong Bí tích Thánh Thể, mọi người có thể cảm nghiệm được sự quan tâm yêu thương và cụ thể này của Chúa. Những ai đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô với đức tin không chỉ được ăn, mà còn được no nê. Ăn và no: đây là hai nhu cầu cơ bản được thỏa mãn trong Bí tích Thánh Thể.
Ăn. Thánh Luca viết: “Tất cả đều đã ăn”. Khi chiều tà, các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ đi tìm thức ăn. Nhưng Thầy lại muốn ban cho họ điều đó – Ngài cũng muốn nuôi những người đã nghe lời Ngài. Phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá không xảy ra một cách ngoạn mục, như trong tiệc cưới Cana, mà gần như bí mật, số bánh được nhân lên khi truyền từ tay này sang tay khác. Và khi đám đông dùng bữa, họ nhận ra rằng Chúa Giêsu đang lo liệu mọi thứ. Đây là Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Ngài kêu gọi chúng ta trở thành công dân của Nước Trời, nhưng đồng thời ngài cũng tính đến hành trình mà chúng ta phải đối mặt ở đây trên trái đất này. Nếu tôi hầu như chẳng có chút bánh nào trong bao, thì Ngài biết và chính Ngài lo liệu.
Đôi khi có nguy cơ giam giữ Thánh Thể trong một chiều kích mơ hồ, xa xăm, có thể sáng sủa và thơm ngát hương, nhưng lại xa xôi với cuộc sống thường ngày. Trên thực tế, Chúa coi trọng mọi nhu cầu của chúng ta, bắt đầu từ điều cơ bản nhất. Và Ngài muốn nêu gương cho các môn đệ rằng: “Các ngươi hãy cho họ ăn” (câu 13), cho những người đã nghe lời Ngài trong ngày. Chúng ta có thể đánh giá việc tôn thờ Thánh Thể của mình khi chúng ta chăm sóc người lân cận như Chúa Giêsu làm. Có tình cảnh đói ăn xung quanh chúng ta, nhưng cũng có sự đồng hành; có sự khao khát những ủi an, tình bạn, những lời khôi hài tốt đẹp; có khao khát được chú ý, có khao khát được đón nhận Tin Mừng. Chúng ta tìm thấy điều này trong Bánh Thánh Thể - đó là sự chú ý của Chúa Kitô đến nhu cầu của chúng ta và lời mời gọi làm điều tương tự đối với những người bên cạnh chúng ta. Chúng ta cần ăn và cho người khác ăn.
Tuy nhiên, ngoài việc ăn uống, chúng ta không thể quên được sự hài lòng. Đám đông hài lòng vì lượng thức ăn dồi dào và cũng vì vui mừng và ngạc nhiên khi nhận được thức ăn từ Chúa Giêsu! Chúng ta chắc chắn cần phải nuôi dưỡng bản thân mình, nhưng chúng ta cũng cần phải hài lòng, khi biết rằng sự nuôi dưỡng được ban cho chúng ta từ tình yêu. Trong Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy sự hiện diện của Người, sự sống của Người được ban cho mỗi người chúng ta. Ngài không chỉ giúp chúng ta tiến về phía trước, mà còn ban cho chúng ta chính mình Người - Chúa Giêsu tự biến mình thành người bạn đồng hành của chúng ta, Ngài tham gia vào công việc của chúng ta, Ngài thăm viếng chúng ta khi chúng ta cô đơn, trả lại cho chúng ta cảm giác nhiệt thành. Chúa mang đến cho chúng ta ý nghĩa trong cuộc sống, giữa những điều khuất tất, những nghi ngờ của chúng ta; những ý nghĩa này mà Chúa ban cho chúng ta làm chúng ta thỏa mãn. Điều này cho chúng ta biết “nhiều hơn nữa” điều mà mọi người đang tìm kiếm - cụ thể là sự hiện diện của Chúa! Vì sự hiện diện ấm áp của Ngài, cuộc sống của chúng ta thay đổi. Nếu không có Người, mọi thứ sẽ thực sự trở nên xám xịt. Tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta hãy hết lòng cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin ban cho con tấm bánh hằng ngày đó để tiến bước, lạy Chúa, xin cho con thỏa lòng với sự hiện diện của Chúa!”
Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta biết tôn thờ Chúa Giêsu, sống trong Bí tích Thánh Thể và chia sẻ Người với anh chị em chúng ta.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị và các bạn thân mến!
Hôm qua, tại Seville, một số tu sĩ của dòng Đa Minh đã được tuyên chân phước: Ángel Marina Álvarez và mười chín bạn đồng hành tử đạo; Juan Aguilar Donis và bốn bạn đồng hành thuộc Dòng các nhà thuyết giáo; Isabel Sánchez Romero, một nữ tu lớn tuổi của Dòng Thánh Đa Minh; và Fructuoso Pérez Marquez, giáo dân dòng ba Đa Minh. Tất cả họ đều bị giết vì lòng thù hận đức tin trong cuộc bách hại tôn giáo diễn ra ở Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc nội chiến của thế kỷ trước. Chứng tá của họ về sự gắn bó với Chúa Kitô và sự tha thứ cho những kẻ giết họ chỉ cho chúng ta thấy con đường nên thánh và khuyến khích chúng ta biến cuộc sống của mình trở thành của lễ tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Chúng ta hãy hoan nghênh các Chân Phước mới!
Một lần nữa từ Miến Điện lại vang lên tiếng kêu đau đớn của rất nhiều người dân thiếu sự trợ giúp nhân đạo cơ bản và những người buộc phải rời bỏ ngôi nhà bị cháy rụi và chạy trốn bạo lực. Tôi tham gia lời kêu gọi của các giám mục trên mảnh đất thân yêu đó, rằng cộng đồng quốc tế đừng quên người dân Miến Điện, rằng phẩm giá con người và quyền sống phải được tôn trọng, cũng như những nơi thờ tự, bệnh viện và trường học. Và tôi chúc phúc cho cộng đồng người Miến Điện ở Ý, có đại diện ở đây ngày hôm nay.
Thứ Tư tới, ngày 22 tháng 6, Cuộc Họp Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ 10 sẽ bắt đầu; nó sẽ diễn ra ở Rôma và đồng thời trên toàn thế giới. Tôi cảm ơn các giám mục, linh mục quản xứ và những người làm công tác mục vụ gia đình, những người đã kêu gọi các gia đình đến với những giây phút suy tư, cử hành và lễ hội. Trên hết, tôi cám ơn các cặp vợ chồng và các gia đình, những người sẽ làm chứng cho tình yêu gia đình như một ơn gọi và con đường nên thánh. Chúc một buổi gặp mặt vui vẻ!
Và bây giờ tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các học sinh của Trường Thuyết Giáo Luân Đôn. Tôi chào các học viên trong khóa học đầu tiên về chăm sóc mục vụ chào đón và chăm sóc cuộc sống mới; các tín hữu từ Gragnano và hiệp hội những người đi xe đạp “Pedale Sestese” của Sesto San Giovanni. Và chúng ta đừng quên những đau khổ của người dân Ukraine trong thời điểm này, một dân tộc đang phải chịu đựng. Tôi muốn tất cả anh chị em luôn ghi nhớ một câu hỏi: hôm nay tôi đang làm gì cho người dân Ukraine? Tôi có cầu nguyện không? Tôi đang làm gì đó? Tôi có đang cố gắng hiểu tình hình ở đó không? Hôm nay tôi đang làm gì cho người dân Ukraine? Mỗi người trong số anh chị em, hãy tự trả lời trong trái tim của mình.
Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao gương nhân chứng và mẫu mực của 27 vị tử đạo thuộc dòng Đa Minh vừa được nâng lên hàng chân phước ở Seville, các ngài chỉ cho chúng ta con đường nên thánh.
(Vatican - Linda Bordoni)
Nhắc tới lễ phong chân phước tại thành phố Seville Tây Ban Nha hôm thứ Bảy (19/6), cho 27 vị tử đạo thuộc Hội Dòng Đa Minh, Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngay giữa sự tàn khốc của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, vẫn không thiếu những tấm gương đức tin sáng ngời.
Đức Thánh Cha đã đề cập đến tên của một số vị "đã bị giết vì hận thù đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo xảy ra ở Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến của thế kỷ trước."
“Tấm gương trung thành của họ dành cho Chúa Kitô và lòng tha thứ cho những kẻ bách hại mình chỉ cho chúng ta con đường nên thánh và khuyến khích chúng ta biến cuộc sống trở thành của lễ tình yêu dâng lên Thiên Chúa và trao hiến cho anh chị em chúng ta.”
ĐTC nhắc nhớ những người trực thuộc dòng Đa Minh gồm có “Angelo Marina Alvarez và mười chín bạn; Giovanni Aguilar Donis và bốn người bạn từ Dòng Anh em Thuyết giáo; Isabella Sanchez Romero, một nữ tu lớn tuổi Dòng nữ Đa Minh; và Fructuoso Perez Marquez, một sinh viên đại học và là giáo dân thuộc dòng Đa Minh.”
ĐTC kết luận bằng mời gọi mọi người hãy vỗ một tràng pháo tay mừng các Chân phước mới.
Thánh lễ được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Seville do Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh chủ tế, các hình ảnh của các vị tử đạo nhắc nhớ, và nói lên "các ngài đã được giặt áo trong máu của Con Chiên."
ĐHY Semeraro đã giảng: “Các Chân phước mới của chúng ta là những người rất khác nhau về tính khí và cuộc sống cá nhân,“ Tuy nhiên, họ có một điểm chung là sống theo đặc sủng của Thánh Đa Minh, với một lòng trung thành, cương quyết và quảng đại.”
Với lễ phong Chân phước ngày 18 tháng 6 vừa qua đã nâng con số 2112 vị tử đạo được Giáo hội tôn phong chân phước hay hiển thánh trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, thời gian đó có 2000 ngôi nhà thờ bị phá hủy và 8000 giáo sĩ bị giết, cùng với hàng chục nghìn giáo dân đã bỏ mạng vì hận thù hoặc bị thủ tiêu...
Những ai từng theo dõi Đức Phanxicô đều đồng ý tập chú của ngài là mục vụ, không hẳn tín lý, mà mục vụ là khía cạnh mù mờ nhất giữa thánh thiêng và trần tục, nên rất dễ từ lãnh vực này lạc qua lãnh vực nọ, gây hiểu lầm. Hơn các vị giáo hoàng trước đây, với Đức Phanxicô, ý niệm bất khả ngộ không được ngài lưu ý bao nhiêu, dường như ngài muốn biến ngôi vị Giáo Hoàng thành vai trò của một nhà lãnh đạo tinh thần theo phương thức dò dẫm như bất cứ nhà lãnh đạo nào khác. Ngôn từ của ngài vì thế đôi khi cũng chua cay, mỉa mai, châm chọc đại khái không khác Donald Trump bao nhiêu. Ít nhất cũng như nhận định của linh mục đan sĩ Dom Hugh Somerville-Knapman OSB của Đan viện Douai, và là cha xứ của giáo xứ Scarisbrick thuộc Lancashire, Anh.
Ren áo bà già
Trong bài Granny’s lace – why is Pope Francis so unsupportive of ordinary clergy? đăng trên tờ Catholic Herald ngày 13 tháng 6, 2022 (https://catholicherald.co.uk/grannys-lace-why-is-pope-francis-so-unsupportive-of-ordinary-clergy), Đan sĩ Knapman nhận định rằng Đức Phanxicô “không sợ sử dụng nhạo báng và mỉa mai... rất nhiều các quở mắng của ngài có khuynh hướng bài giáo sĩ, như thể điều này có lợi ích phần nào cho đoàn chiên...Đức Thánh Cha khuyên các giáo sĩ ‘có mùi chiên’ như thể hàng giáo sĩ giáo xứ ngày nay giống như mấy ông cha sở của các thế kỷ trong quá khứ chỉ chờ thu hoa lợi từ những nơi mình chưa bao giờ đặt chân tới. Ngài cũng nói với chúng ta đừng biến tòa giải tội thành ‘phòng tra tấn’. Có thể kinh nghiệm của ngài ở Á Căn Đình có khác chăng, chứ bất cứ tra tấn nào trên chiến tuyến này thường phát xuất từ lương tâm của chính hối nhân”.
Nhưng theo đan sĩ, tấn công mới nhất của ngài nhằm vào hàng giáo sĩ Sicily, hàng giáo sĩ mà ngài thú nhận biết rất ít về họ. Ngài nói: “Tôi không rõ, vì tôi không đi lễ ở Sicily và tôi không biết các linh mục Sicily giảng ra sao, liệu họ có giảng như được đề nghị trong tông huấn Evangelii gaudium không hay họ giảng theo kiểu người ta đi ra ngoài hút thuốc và sau đó trở lại”.
Chưa hết, ngài giáng thêm: “Đúng, đôi khi mang ren áo bà già là điều thích đáng, đôi khi thôi. Để tỏ lòng kính trọng bà già, phải không? Tôn kính bà già là điều tốt, nhưng tốt hơn nên tôn vinh mẹ, Mẹ Thánh Giáo Hội, và cách Mẹ Giáo Hội muốn được tôn vinh. Để tính cách ốc đảo không ngăn cản cuộc cải cách phụng vụ chân thực được Công Đồng ban hành”.
Nghĩa là Đức Giáo Hoàng không thích các linh mục mặc phẩm phục có viền bằng ren (lace). Nhưng theo Đan sĩ Knapman, “khiếu thưởng ngoạn bản thân chưa bao giờ là vấn đề thuộc quyền bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng kể cả ở bình diện thấp nhất của huấn quyền”.
Hơn nữa, theo Đan sĩ, “ở những xứ Địa Trung Hải và những vùng khí hậu nóng bức khác, mục đích của viền ren không nhất thiết là để trang trí mà là để giảm việc ra mồ hôi; nó có tính thực tiễn, không hẳn tính ý thức hệ”.
Duy phục chế
Trong khi đó, nhận định mới đây của Đức Phanxicô về khuynh hướng tại Mỹ muốn phục chế thứ Giáo Hội trước Vatican II đã được đem ra thảo luận tại một bàn tròn giữa ba nhà thần học John Cavadini, Larry Chapp và Stephen White dưới sự phối trí của tạp chí National Catholic Register (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-francis-vatican-ii-and-restorationism).
White cho rằng khuynh hướng trên có, nhưng rất nhỏ. Đại đa số các linh mục và giám mục Mỹ tiếp nhận Công Đồng như được giải thích bởi chính các văn kiện của Công Đồng và hơn 50 năm giáo huấn Giáo Hoàng về Công Đồng. Nên ông cho rằng “đối với tôi, quả là sai lạc khi một ai đó, dù chỉ quen thuộc qua loa với các thực tại của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong các năm từ Công Đồng lại có thể tưởng tượng rằng việc phục chế Giáo Hội tiền Công Đồng là ý niệm chính dòng. Đơn giản không phải thế. Nếu Đức Thánh Cha được thông báo như thế, thì hẳn ngài không được nói sự thật”.
Chapp thì nhìn nhận ngày càng có thêm những người “duy truyền thống” công khai ủng hộ các quan điểm “duy phục chế”. Ông hiểu duy phục chế là những người tìm cách lật ngược lại các cải cách của Công Đồng cả trong phụng vụ lẫn tín lý. Một cách đặc biệt, phong trào phục chế Thánh Lễ cũ thường gay gắt chỉ trích Thánh Lễ của Đức Phaolô VI đến nỗi coi nó gần như lạc giáo và có hại về phương diện thiêng liêng. Họ cũng phê phán giáo huấn của Công Đồng về đại kết, liên tôn, cứu rỗi bên ngoài Giáo Hội hữu hình và tự do tôn giáo. Tóm lại, họ quả bác bỏ thúc đẩy chính của Công Đồng và tìm cách trở về với Giáo Hội trước 1962 cả trong phụng vụ, thần học và tín lý. Thành thử Đức Phanxicô không đánh một hình nộm, vì các lực lượng như thế có thật trong Giáo Hội Hoa Kỳ. “Tuy nhiên, tôi nghĩ các cố vấn được Đức Giáo Hoàng lấy ý kiến ở Vatican đã cường điệu ảnh hưởng của các lực lượng này, đôi khi vì các lý do ý thức hệ, và biến nó thành như thể toàn bộ Giáo Hội Hoa Kỳ bị tràn ngập bởi những người duy phục chế kiểu này. Tôi nghĩ điều này vừa sai lầm về mặt thực nghiệm vừa là hậu quả của sự kiện này là nhiều người thuộc loại duy phục chế có chân đứng lớn lao trong các phương tiện truyền thông xã hội, khiến người ta có ấn tượng sai lầm là họ có nhiều ảnh hưởng hơn là thực tại”.
Cavadini thì cho rằng các cải cách phụng vụ sau Vatican II không hẳn tốt đẹp cả. Ông kể ra một số sai lầm: “việc thực thi ngôn ngữ bình dân trong phụng vụ một cách nghèo nàn và vội vã và việc du nhập một kiểu phong thái cử hành không trịnh trọng, một kiểu cử hành không tôn kính một cách đặc biệt dù không hẳn hoàn toàn bất kính, việc vô tâm loại bỏ các tượng ảnh nghệ thuật trên gian cung thánh, việc không khuyến khích nhiều hình thức tôn kính (nhiều hình thức do giáo dân điều khiển), và việc tầm thường hóa âm nhạc thánh tất cả đều là các điển hình gây thất vọng đối với các ý định ban đầu của Công Đồng. Phong thái và nền thần học làm cơ sở cho Ủy Ban Quốc tế về Tiếng Anh trong các Bản dịch Phụng vụ (ICEL), khi lược bỏ nhiều lời cầu nguyên thanh cao, không còn nhấn mạnh tới tính siêu việt của Thiên Chúa và các chủ đề (kinh thánh nhé!) về hy lễ và việc chúng ta triệt để tùy thuộc Thiên Chúa, ấy là mới kể một số, xem ra đã tìm được lời phát biểu rất tự nhiên trong các lạm dụng phụng vụ vừa kể. Tuy nhiên, phần lớn những điều tệ hại ấy đã được vượt qua, và nhiều điều nữa thuộc loại này sẽ được vượt qua, các bản dịch mới của ICEL để đáp ứng Huấn dụ Liturgiam Authenticam là một thành tựu lớn lao thường hay bị làm ngơ, chỉ là một điển hình”.
White đi xa hơn trong việc không đồng thuận với nhận định của Đức Phanxicô khi cho rằng “ở Hoa Kỳ, đe dọa lớn nhất đối với tính hợp pháp và việc chấp nhận Công Đồng phát xuất từ những người bác bỏ lời lẽ thực sự của Công Đồng và của các vị Giáo Hoàng từng giải thích và thực thi nó hơn một nửa thế kỷ nay. Áp lực ‘duy phục chế’ trong đạo Công Giáo Mỹ không do những người mưu toan trở lại Giáo Hội trước thời Công Đồng, mà là do những người muốn soá bỏ các giáo huấn huấn quyền hậu Công Đồng của các vị Giáo Hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI”.
Chapp bồi thêm: “tôi nghĩ việc cùng chấp nhận Công Đồng của phe cấp tiến trong Giáo Hội đã làm trật đường rầy và làm méo mó các cải cách của nó trong một chiều hướng duy tục hóa nhằm rửa tội cho ý thức hệ thời đại. Sau đó, điều này dẫn nhiều người đến chỗ liên kết Công Đồng với những méo mó này và do đó phản ứng chống lại Công Đồng theo lối duy phục chế. Họ thường trưng dẫn lời tuyên bố của Chúa rằng nhờ quả biết cây và từ đó đến hình thức lập luận cổ post hoc ergo propter hoc [sau điều đó thì là vì điều đó] nghĩa là đổ lỗi cho các bản văn Công Đồng các méo mó tiếp sau đó. Tôi nghĩ đó là thứ lười biếng trí thức”.
Ai gây chiến
Cuộc chiến ở Ukraine đã vượt quá mức 100 ngày, đang gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng, kể cả của thường dân và rất nhiều xáo trộn kinh tế khắp thế giới khiến người ta mong mỏi một giải pháp hòa bình. Lạ một điều, người có cái nhìn thực tiễn như Henry Kissinger cho rằng giải pháp hòa bình là nhìn nhận đường ranh giới năm 2014 nghĩa là Ukraine phải chịu mất Crimea, kể cả vùng Donetsk. Với những người vẫn cho Nga xâm lăng Ukraine, giải pháp của Kissinger nghe thật vô lý. Nhưng với kinh nghiệm quốc tế cả hàng nửa thế kỷ nay, giải pháp của Kissinger không hẳn hoàn toàn không có cơ sở. Ít nhất cũng phản ảnh tính đa dạng của các tầm nhìn về cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay. Trong cái tính đa dạng này, Đức Phanxicô vừa góp phần qua cuộc phỏng vấn của tờ Civiltà Cattolica .
Theo VaticanNews, câu hỏi của Civiltà Cattolica là: “Dòng Chúa Giêsu có mặt tại Ukraine, thuộc tỉnh dòng (Ba Lan) của con. Chúng con đang sống cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng con viết về nó trong tập san của chúng con. Đức Thánh Cha có lời khuyên nào về việc tường trình hoàn cảnh chúng con đang trải nghiệm? Chúng con có thể đóng góp ra sao vào tương lai hòa bình?”. Và câu trả lời của Đức Thánh Cha khá dài, xin thuật lại như sau:
“Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thoát khỏi khung suy nghĩ thông thường của 'Cô bé quàng khăn đỏ': Cô bé quàng khăn đỏ là người tốt và con sói là kẻ xấu. Ở đây không có kẻ tốt và kẻ xấu siêu hình, trong trừu tượng. Một điều gì đó có tính hoàn cầu đang xuất hiện, với các yếu tố đan xen chặt chẽ với nhau. Vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã gặp một nguyên thủ quốc gia - một nhà thông thái, người rất ít nói: quả thực rất khôn ngoan. Sau khi chúng tôi thảo luận về những điều ông muốn nói, ông nói với tôi rằng ông rất quan tâm đến cách NATO đang hành động. Tôi hỏi ông tại sao, và ông nói, 'Họ đang sủa trước cổng nước Nga. Và họ không hiểu rằng người Nga là đế quốc và họ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nước ngoài nào tiếp cận họ.' Ông kết luận, 'Tình hình có thể dẫn đến chiến tranh.' Đó là ý kiến của ông ấy. Vào ngày 24 tháng 2, cuộc chiến bắt đầu. Nguyên thủ quốc gia đó quả có khả năng đọc được những dấu hiệu của những gì sắp xảy ra.
Những gì chúng ta đang thấy là sự tàn bạo và khốc liệt mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi quân đội, nói chung là lính đánh thuê, được sử dụng bởi người Nga. Trên thực tế, người Nga thích cử người Chechnya, người Syria, lính đánh thuê. Nhưng nguy hiểm là chúng ta chỉ nhìn thấy điều này, một điều quái dị, và bỏ lỡ toàn bộ bi kịch đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, vốn có lẽ bị kích động hoặc không bị ngăn cản cách nào đó. Tôi cũng ghi nhận sự quan tâm đến việc thử nghiệm và bán vũ khí. Điều này rất đáng buồn, nhưng dù sao đó là những gì đang bị đe dọa.
Ai đó có thể nói với tôi vào thời điểm này: nhưng ngài thân Putin! Không, tôi không hề. Sẽ là điều đơn giản hóa và sai lầm khi nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là chống lại việc biến một tình huống phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu, mà không tính đến gốc rễ và tư lợi vốn rất phức tạp. Trong khi chúng ta chứng kiến sự hung hãn và tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không nên quên các vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.
Cũng đúng khi người Nga nghĩ rằng mọi sự sẽ kết thúc trong một tuần. Nhưng họ đã tính toán sai. Họ thấy một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang đấu tranh để sinh tồn và có một lịch sử xung đột.
Tôi cũng phải nói thêm rằng chúng ta nhìn những gì đang xảy ra hiện nay ở Ukraine một cách nào đó vì nó gần gũi với chúng ta hơn và kích thích sự nhạy cảm của chúng ta nhiều hơn. Nhưng có những quốc gia khác ở rất xa - hãy nghĩ đến một số vùng của Châu Phi, miền bắc Nigeria, miền bắc Congo - nơi chiến tranh đang diễn ra và không ai quan tâm. Hãy nghĩ tới Rwanda cách đây 25 năm. Hãy nghĩ đến Myanmar và người Rohingya. Thế giới đang có chiến tranh. Cách đây vài năm, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh. Hôm nay, đối với tôi, Thế chiến III đã được tuyên bố. Đây là điều nên khiến chúng ta dừng lại để suy nghĩ. Điều gì đang xảy ra với loài người từng trải qua ba cuộc thế chiến trong một thế kỷ? Tôi đã trải nghiệm cuộc chiến đầu tiên qua ký ức của ông tôi trên sông Piave. Sau đó là thế chiến hai và bây giờ là thế chiến ba. Và điều này thật tồi tệ cho nhân loại, một tai họa. Cha phải nghĩ rằng trong một thế kỷ đã có ba cuộc thế chiến, với tất cả các hoạt động buôn bán vũ khí đằng sau nó!
Chỉ bốn năm trước, tại đây đã diễn ra lễ kỷ niệm [70 năm] cuộc đổ bộ Normandy. Và nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã ăn mừng chiến thắng đó. Không ai còn nhớ đến hàng vạn thanh niên đã chết trên những bãi biển vào dịp đó. Khi tôi đến Redipuglia vào năm 2014 để kỷ niệm một trăm năm Thế Chiến thứ nhất — tôi xin chia sẻ một vài điều cá nhân — tôi đã khóc khi nhìn thấy tuổi của những người lính đã ngã xuống. Vài năm sau, vào ngày 2 tháng 11 - tôi đến thăm nghĩa trang vào ngày 2 tháng 11 hàng năm - tôi đến Anzio; ở đó tôi cũng đã khóc khi nhìn thấy tuổi của những người lính đã ngã xuống. Năm ngoái, tôi đã đến nghĩa trang của Pháp, và phần mộ của các chàng trai - theo đạo Thiên chúa hoặc đạo Hồi, vì người Pháp cũng phái những người đàn ông từ Bắc Phi đến để chiến đấu - cũng là những thanh niên 20, 22, 24 tuổi. Khi tôi đến Slovakia, tôi bị ấn tượng bởi số lượng phụ nữ trẻ và già. Tuy nhiên, có rất ít đàn ông lớn tuổi. Những người bà chỉ còn lại một mình. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của chồng họ.
Tại sao tôi nói với cha những điều này? Bởi vì tôi muốn tạp chí của cha đề cập đến khía cạnh con người trong cuộc chiến. Tôi muốn các tạp chí của cha làm mọi người hiểu được bi kịch nhân bản của chiến tranh. Mọi sự đều rất tốt nếu đưa ra những tính toán địa chính trị, nghiên cứu mọi sự một cách thấu đáo. Cha phải làm điều đó, bởi vì đó là công việc của cha. Nhưng cha cũng nên cố gắng truyền tải bi kịch nhân bản về chiến tranh. Bi kịch nhân bản của những nghĩa trang đó, bi kịch nhân bản của những bãi biển Normandy hay Anzio, bi kịch nhân bản của một người phụ nữ bị người đưa thư gõ cửa và là người nhận được một bức thư cảm ơn vì đã sinh một đứa con trai cho đất nước của bà, người là một anh hùng của đất mẹ... Và sau đó, bà ấy chỉ còn lại một mình. Suy ngẫm về điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại và Giáo hội. Cha hãy thực hiện các suy tư chính trị xã hội của cha, nhưng không bỏ qua chiều kích nhân bản của chiến tranh.
Hãy quay trở lại Ukraine. Mọi người đều mở lòng ra với những người tị nạn, những người Ukraine lưu vong, thường là phụ nữ và trẻ em. Những người đàn ông ở lại để chiến đấu. Vào buổi yết kiến [11 tháng 5] tuần trước, hai bà vợ của những người lính Ukraine đang ở trong nhà máy thép Azovstal đến nhờ tôi cầu cứu để họ được giải cứu. Tất cả chúng ta đều rất nhạy cảm với những tình huống gay cấn này. Đây là những người phụ nữ có con mà người chồng thì đang chiến đấu ở đó. Những phụ nữ trẻ đẹp. Nhưng tôi tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi sự nhiệt tình giúp đỡ qua đi? Mọi thứ đã đang nguội dần: ai sẽ chăm sóc những người phụ nữ này? Chúng ta cần phải nhìn xa hơn hành động cụ thể của thời điểm này, và xem chúng ta sẽ hỗ trợ họ như thế nào để họ không rơi vào tình trạng buôn người hoặc cuối cùng bị lợi dụng, bởi vì bầy kền kền đang đi vòng quanh.
Ukraine chuyên phải chịu cảnh nô lệ và chiến tranh. Đó là một đất nước giàu có thường xuyên bị chặt phá, xé nát bởi ý chí của những kẻ muốn chiếm hữu để bóc lột nó. Cứ như thể lịch sử đã khẳng định Ukraine là một đất nước anh hùng. Nhìn thấy chủ nghĩa anh hùng này làm trái tim của chúng ta thổn thức. Đó là một chủ nghĩa anh hùng đi đôi với sự dịu dàng! Trên thực tế, khi những người lính trẻ tuổi đầu tiên của Nga đến — sau đó họ cử lính đánh thuê — thực hiện một “chiến dịch quân sự”, như họ nói, mà không biết họ sắp tham chiến, thì chính những phụ nữ Ukraine đã chăm sóc họ khi họ đầu hàng. Lòng nhân đạo cao cả, lòng nhân hậu cao cả. Phụ nữ dũng cảm. Dân tộc dũng cảm. Một dân tộc không sợ chiến đấu. Một dân tộc cần cù, đồng thời tự hào về vùng đất của mình. Ngay bây giờ, chúng ta nên nhớ lại bản sắc của người Ukraine. Đây là điều khiến chúng ta cảm động: thấy được chủ nghĩa anh hùng như vậy. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh điểm này: chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Ukraine. Những gì trước mắt chúng ta là tình hình chiến tranh thế giới, lợi ích hoàn cầu, mua bán vũ khí và chiếm đoạt địa chính trị, đang giết chết một dân tộc anh hùng.
Tôi muốn thêm một yếu tố nữa. Tôi đã có một cuộc trò chuyện kéo dài 40 phút với Thượng phụ Kirill. Trong phần đầu, ngài đọc cho tôi một bản tuyên bố, trong đó ngài đưa ra những lý do để biện minh cho cuộc chiến. Khi ngài nói xong, tôi lên tiếng và nói với ngài, 'hiền đệ ạ, chúng ta không phải là giáo sĩ nhà nước; chúng ta là những người chăn chiên.' Tôi giả thiết sẽ gặp ngài vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem để nói về công việc của chúng tôi. Nhưng do chiến tranh, do thỏa thuận của hai bên, chúng tôi quyết định hoãn cuộc họp sang một ngày sau đó, để cuộc đối thoại của chúng tôi không bị hiểu lầm. Tôi hy vọng sẽ gặp ngài tại một đại hội đồng ở Kazakhstan vào tháng 9. Tôi hy vọng có thể chào đón ngài và nói chuyện một chút với ngài trong tư cách một mục tử”.
Như thế, nếu lược bỏ phần rất nhỏ nói tới NATO, phát biểu của Đức Phanxicô hoàn toàn phản ảnh quan điểm đúng đắn của ngôi vị Giáo Hoàng, không ai có thể phê phán, nhất là việc phải lưu ý tới bi kịch nhân bản của cuộc chiến và chủ nghĩa anh hùng của Ukraine. Nhưng khi đụng tới nguyên nhân của cuộc chiến thì sợ rằng Đức Phanxicô đi hơi quá xa vai trò của ngài. Chính vì thế mà Tổng thư ký Jens Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy khi được hỏi về lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, đã chỉ lịch thiệp nói rất vắn tắt, theo bản dịch của Đặng Tự Do “NATO là một liên minh phòng thủ và cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến của Tổng thống Putin. Đây là cuộc chiến mà ông ta đã quyết định tiến hành chống lại một quốc gia độc lập có chủ quyền. Và những gì NATO đã làm trong nhiều năm là hỗ trợ Ukraine, một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu, trong việc đào tạo, hỗ trợ, cố vấn và trang bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Đó là điều mà các nước Đồng minh NATO và chính NATO đã làm trong nhiều năm. Đây không phải là một mối đe dọa cho bất kỳ ai. Đây không phải là một sự khiêu khích. Và đó là những gì chúng tôi tiếp tục làm. Vì vậy, chính Tổng thống Putin và Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm về hành động xâm lược tàn bạo này đối với đất nước độc lập Ukraine.”
Tưởng cũng nên lưu ý Đức Phanxicô không phải là người khởi xướng quan điểm ấy, ngài chỉ lặp lại nhận định của một nguyên thủ quốc gia “khôn ngoan” mà thôi. Không rõ vị nguyên thủ này là ai. Nhưng theo tờ Washington Examiner (https://www.washingtonexaminer.com/opinion/the-pope-agrees-with-rand-paul-about-nato-expansion-and-russia), chính khách Hoa Kỳ công khai có lập trường này là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Rand Paul (R-KY) trong một trao đổi với Bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken hồi tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, trước cả Thượng nghị sĩ này, lý thuyết NATO bành trướng đã là lý thuyết nổi bật trong địa chính trị cả hàng nhiều thập niên qua, và vốn bị Đảng Dân chủ bác bỏ.
Xem Hình Cung Nghinh Thánh Thể
Theo truyền thống của TGP, vào Chúa Nhật lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hàng năm, các Giáo xứ tổ chức cung nghinh Thánh Thể Chúa. Cũng trong tâm tình ấy, hôm nay trong bầu khí tưng bừng mọi thành phần dân Chúa từ nhiều Giáo xứ, Giáo họ trong nội thành Hà Nội nô nức trở về ngôi nhà thờ Mẹ của TGP để cùng với vị Cha chung long trọng cử hành cuộc cung nghinh linh thiêng.
Tham dự cuộc cung nghinh trọng thể có sự hiện diện trân quý của Đức TGM Giuse, Đức Hồng Y Phêrô, Đức cha Lôrensô, cha Tổng Đại diện Antôn, cha Quản hạt Chính Toà, quý Cha đồng tế, quý nam nữ Tu sĩ, Chủng sinh, hơn 20 đoàn hội đến từ các Giáo xứ trong nội thành Hà Nội và con số rất đông cộng đoàn dân Chúa tại nội thành Hà Nội.
Mặc cho tiết trời oi bức của những ngày hè nắng nóng, ngay từ đầu giờ chiều, các đoàn hội từ các Giáo xứ nội thành đã tập trung chật kín nơi khuôn viên quảng trường Đức Mẹ.
34 đội rước với đầy đủ mọi thành phần dân Chúa, từ các em thiếu nhi đến các bậc cao niên thuộc các đoàn hội khác nhau, trong những bộ trang phục nhiều màu sắc đã tạo nên một bức tranh sống động, phác họa vẻ đẹp Đức tin mạnh mẽ của những Kitô hữu nơi mảnh đất Hà Thành.
Cuộc cung nghinh được chia làm 2 tạm chính với khởi đầu là từ trong Nhà thờ. Tạm thứ nhất được đặt tại dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (31 Nhà Chung- Hàng Trống- Hoàn Kiếm) và tạm thứ hai là tại quảng trường Đức Mẹ, khuôn viên trước Nhà thờ Chính tòa. Tại 2 tạm dừng chân, cộng đoàn cùng sốt mến, trang nghiêm, thờ lạy Thánh Thể Chúa.
Sau khi tiến về trước quảng trường của Nhà thờ, Đức TGM Giuse đã cử hành Lời nguyện và Phép lành Thánh Thể.
Bằng những điệu nhạc của bài thánh ca trầm hùng “Vạn tuế vua Giêsu” do ca đoàn Gloria thể hiện, hòa điệu trong những tiếng trống rền vang và tiếng kèn vang dội cuộc cung nghinh Thánh Thể chính thức khép lại.
Cuộc cung nghinh đã kết thúc, ước mong mọi thành phần dân Chúa kín múc được dồi dào nguồn Ân sủng của Thánh Thể Chúa để mưu ích cho bản thân, gia đình và Giáo hội. Hầu Ơn Chúa sẽ được mở rộng và lan tỏa đến mọi ngả đường của TGP.
BBT
BBT
Bài đọc Tin Mừng Luca 8:49-56: Cho con gái Giaia sống lại
49Đức Giêsu còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: “Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa!” 50Nghe vậy, Đức Giêsu bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu.” 51Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê và cha mẹ của đứa bé. 52Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giêsu nói: “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 53Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. 54Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!” 55Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giêsu bảo người ta cho nó ăn. 56Cha mẹ nó kinh ngạc. Nhưng Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra.
Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ
Chú thích
Có người đến. Khác với song hành Máccô dùng cụm từ có mấy người đến.
Đừng làm phiền Thầy nữa. Câu hỏi trong Máccô (làm phiền thầy chi nữa?) trở thành câu mệnh lệnh tiêu cực.
Đừng sợ. Đây là kiểu trấn an theo Cựu Ước do các sứ giả của Chúa nói như ở St 15:1; Đn 10: 12, 19; xem thêm Lc 1:30; 2:10.
Chỉ cần tin thôi. Luca giả thiết người đọc hiểu đối tượng của niềm tin này, nên không giải thích thêm.
Trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng này, ba môn đệ này được kể riêng ra. Các ngài được giới thiệu như các nhân chứng ưu tuyển cho quyền năng của Chúa Giêsu và trở nên những người “các bí mật nước trời” được biểu lộ cách đặc biệt.
Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! Lời này không có ý nói cô bé dường như đã chết nhưng đúng hơn cái chết của cô, giống giấc ngủ, có giới hạn về thời gian. Lời của Người gợi lên một vấn đề lớn hơn: với việc xuất hiện của Người, chết được coi như một giấc ngủ, không phải là một tình trạng vĩnh viễn, mà chỉ chuyển tiếp thôi. Việc gợi ý phục sinh không còn xa.
Họ chế nhạo Người. Phản ứng này diễn ra vì họ biết chắc cô bé đã chết; nhưng họ không biết gì về quyền năng của Chúa Giêsu.
Này bé, trỗi dậy đi! Chúa Giêsu nói với cô bé như thể cô thức dậy từ một giấc ngủ bình thường. Cụm từ talitha koum trong Máccô (5:41) đã không được Luca sử dụng vì ngài viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại là những người giả thiết không quen thuộc ngôn ngữ này.
Hồn đứa bé trở lại. Cha Fitzmyer dịch là “hơi thở”, một dấu hiệu sự sống mới đã được ban cho. Câu này được Luca thêm vào để nhấn mạnh việc ý niệm trở lại sự sống trần gian trước đó.
Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra. Luca lấy lại câu của Máccô ở 5:43a, nơi nó có nghĩa hơn (Đức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy), thích hợp với khuôn mẫu bí mật xức dầu (messianic secret) của Tin Mừng này. Luca duy trì nó vì mặc dù không sử dụng khuôn mẫu này, nhưng vì ngài cũng mô tả Chúa Giêsu từng nhìn nhận rằng có những bí mật về nước trời chưa được phanh phui trọn vẹn.
Nhận định
Trong bài giảng 46 của ngài về tình tiết này (8:49-56), Thánh Cyril thành Alexandria nhấn mạnh đến chi tiết khi Chúa Giêsu nói “con bé có chết đâu, nó ngủ đấy” người ta chế nhạo Người,” vì “biết nó đã chết”. Thánh nhân coi đây là một nét tài tình. Vì điều này cho thấy những người này quả quyết đứa nhỏ đã chết thật, mà với họ, nó chết thật, thì khi Chúa Giêsu làm nó sống lại, họ mới tin vào quyền năng của Người, chứ nếu họ cũng nghĩ như Chúa Giêsu rằng đứa nhỏ chỉ ngủ thôi hay chỉ hôn mê thôi, thì hành vi làm nó tỉnh dậy của Chúa Giêsu đâu có chi là lạ lùng, thầy thuốc trần gian nào mà chả có khả năng làm vậy. Thành thử họ càng chế nhạo Người vì nói một điều ngược hẳn với “chứng cớ hiển nhiên” của họ, họ càng bái phục Người hơn và tin vào Người sau khi Người làm cô bé sống lại.
Nhân nói đến việc Chúa Giêsu nắm lấy tay cô bé và làm cô sống lại, Thánh Cyril đề cập tới đức tin trong bối cảnh hội đường khi viết rằng “Ôi cái nắm tay làm phát sinh sự sống, một cái nắm tay diệt trừ sự chết, và thối nát! Đó là hoa trái đức tin mà vì nó luật lệ cũng đã được ban cho người thời xưa qua tay Môsê”.
Do đâu thánh Cyril dám quả quyết lề luật đã được ban cho vì đức tin? Ngài trả lời: Ápraham được công chính hóa nhờ vâng lời và đức tin, như Kinh thánh đã nói “Ápraham tin vào Thiên Chúa; và ông được gọi là bạn hữu Thiên Chúa, và nhờ đức tin ông được kể là người công chính” (Rm 4:9). Thánh Phaolô quả quyết đi quả quyết lại rằng Ápraham được công chính hóa nhờ đức tin trước khi được cắt bì, nghĩa là đức tin có trước lề luật. Mãi sau này, lề luật mới tới qua tay Môsê. Lề luật có phá bỏ việc công chính hóa nhờ đức tin không? Dĩ nhiên không (xem Gl 3:21). Trái lại, ở một chỗ khác, Thánh Phaolô quả quyết: “Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3: 24). Nhưng ngay sau đó, ngài viết thêm “Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa” (câu 25). Vì lề luật cho thấy chúng ta tất cả đều là những kẻ tội lỗi và vì không ai giải thoát con người khỏi tội lỗi, nên chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào Chúa Kitô. Khi Người đến, lề luật không còn giá trị nữa, đức tin vào Người mới mang đến ơn cứu rỗi, như trường hợp ông trưởng hội đường, đại biểu của lề luật nay mới thực sự là con cái Ápraham trong đức tin.
Một tác giả khác, Steven J. Cole (https://bible.org/seriespage/lesson-39-fear-faith-luke-849-56), tập chú vào khía cạnh nỗi sợ hãi dẫn đến đức tin: “trong các hoàn cảnh sợ hãi, chúng ta phải thắng vượt mọi trở ngại dẫn tới đức tin và đặt niềm tín thác của chúng ta nơi Chúa Giêsu”. Ông cho rằng có ba ơn ích cho chúng ta trong các hoàn cảnh sợ hãi. Ơn ích đầu tiên là nhờ những hoàn cảnh này chúng ta hiểu rõ đâu mới là ưu tiên của chúng ta. Giaia hẳn là người có tiền và địa vị. Giáp mặt với viễn ảnh mất đứa con gái yêu qúi độc nhất, ông mới thấy đâu là ưu tiên thực sự của ông: thành công trần thế không tách biệt ông khỏi thảm kịch và sự chết. Khi thảm kịch trừng trừng nhìn thẳng vào mặt ta, chỉ có tình yêu Thiên Chúa và người lân cận mới là điều đáng sống cho.
Ơn ích thứ hai: hoàn cảnh sợ hãi tước bỏ tính kiêu ngạo của ta và để Chúa tỏ quyền năng vì ta. Chính hoàn cảnh sợ hãi mất con khiến Giaia sụp dưới chân Chúa Giêsu van nài Người cứu giúp ông. Ơn ích thứ ba: hoàn cảnh sợ hãi nhắc ta nhớ thân phận tử sinh của mình và tin tưởng vào Chúa. Giáp mặt với sự chết, người ta mới thấy đời sống như gío thoáng qua và ta nên trông cậy nơi Chúa.
Cole nhận định thêm: trong các hoàn cảnh gây sợ hãi ta phải thắng vượt các trở ngại dẫn tới đức tin: trong trường hợp Giaia, trở ngại chắc chắn là công luận vì những người lui tới hội đường của ông hẳn không bao giờ ủng hộ việc ông chạy đến với Chúa Giêsu; rồi bị gián đoạn, kỳ đà cản mũi (interruptions) như người đàn bà băng huyết chẳng hạn, trời đất “con tôi chết đến nơi, vui lòng để ngày mai đi bà nội!” Sau đó, là những người khóc mướn, nhạc công... May mắn, chính Chúa Giêsu dẹp mấy người đó cho ông sau khi họ chế nhạo Chúa. Nhưng sự chế nhạo của họ há không tạo trở ngại cho con đường đức tin của ông sao khi họ quả quyết là con ông đã chết?
Cole cho rằng trong các hoàn cảnh sợ hãi, việc tin vào Chúa Giêsu không dễ dàng. Cho nên Chúa Giêsu khuyến khích Giaia tin. Từ ý niệm này, Cole cho rằng việc Chúa Giêsu sẵn lòng chấp nhận con người thật của ta khuyến khích ta tín thác nơi Người. Giaia có đức tin, nhưng là một đức tin yếu ớt, không như đức tin của viên bách quản Caphácnaum, người tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành đầy tớ của ông bằng lời nói không cần đến nhà ông. Chúa Giêsu vẫn chấp nhận đức tin yếu ớt này và đi theo ông tới nhà để chữa lành cho con gái ông và tăng cường lòng tin của chính ông.
Một tác giả khác (https://www.biblecomments.org/c/29/preachers-complete-homiletical-commentary/luke/8/49-56) lưu ý tới các lời trực tiếp của Chúa Giêsu tại các câu 50, 52 và 54:
I.“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi. Con gái ông sẽ được cứu”. Người mời gọi và khích lệ đức tin ngay trong lúc mọi sự dường như vô vọng: Sự thiếu kiên nhẫn của Giaia được biện minh bởi tin tức về cái chết của đứa con. Đức tin của ông, ở trạng thái lúc đó, đã sẵn sàng sụp đổ. Ông có thể tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành, nhưng làm sống lại thì quả là điều quá sức mong đợi. Hiển nhiên đối với ông, nó không thể có được. Làm thế nào mà có được? Và vào ngay lúc đó, khi tia sáng yếu ớt cuối cùng trong trái tim u tối của người cha tắt ngúm, thì lần đầu tiên trong câu chuyện, Chúa Giêsu Kitô đã cất tiếng nói. Những lời của Người nghe có vẻ lạ và gần như vô nghĩa, "Đừng sợ." Cần gì thêm nữa để mà sợ? Điều cuối cùng và tồi tệ nhất đã đến cả rồi. "Chỉ cần tin thôi." bây giờ, còn gì nữa để mà tin? "con gái ông sẽ được cứu." Trong câu nói này, ẩn giấu một lời khuyến khích đủ để đức tin đứng vững, mặc dù nó có thể không được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản. Người cho Giaia đủ để cổ vũ ông và thắp lên lại ngọn lửa hy vọng. Người không bao giờ bảo chúng ta đừng sợ hãi mà không bảo chúng ta tin vào Người, và cho đức tin một điều gì đó để bám vào. Một đức tin chân chính sẽ chấp nhận những lời bảo đảm của Người ngay cả khi chúng dường như ám chỉ những điều bất khả.
II. “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Người công bố rằng điều bất phản hồi không bất phản hồi đối với Người, vì Người đến đánh thức người ngủ: Lời này đã được nói trong nhà, ở cửa buồng. Những người chơi sáo, những người khóc mướn, và những người hàng xóm tò mò, và tất cả những đám đông đến để vo ve quanh nỗi buồn, đều ở đó; và phía bên kia của bức tường chừng một thước, cô bé tội nghiệp đang nằm câm lặng, không nghe thấy gì. Thật là vô lý khi tưởng tượng câu nói của Chúa Kitô phải được hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là cô bé chỉ trong cơn ngất xỉu hoặc hôn mê. Giọng cười vô cảm của những người ngoài cuộc đủ bằng chứng cho thấy điều mà người ta gọi là cái chết đã diễn ra một cách không thể nhầm lẫn được. Họ đã nhìn thấy những giây phút cuối cùng, và biết rằng cô bé đã chết. Như vậy câu nói có nghĩa gì? Chúa Giêsu không dùng những mỹ danh tình cảm để gọi sự kinh dị không thể thay đổi được, như chúng ta đôi khi vẫn làm; nhưng việc Người đổi tên theo sau một sự thay đổi bản chất. Người đã xóa bỏ sự chết, và, trong khi thực tại vật lý vẫn còn đó, thì toàn bộ đặc tính của nó đã thay đổi. Ngủ không phải là bất tỉnh. Nó đình chỉ sức mạnh ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng, tới thế giới khả giác, nhưng không làm được hơn thế. Chúng ta sống và suy nghĩ và vui mừng trong giấc ngủ. Nó có lời hứa sẽ thức dậy. Nó mang lại sự nghỉ ngơi. Vì vậy, Chúa của chúng ta lấy phép ẩn dụ cũ mà mọi dân tộc đều đã sử dụng để che giấu sự xấu xa của cái chết, và thổi vào đó niềm hy vọng mới.
III. “Này bé, trỗi dậy đi!” Lời nói cuối cùng của Người là lời ban sự sống trong buồng tử thần. — Im lặng và giữ bí mật thích hợp với nó. Người giữ đám đông ồn ào ở đàng xa, và cùng với cha mẹ và ba môn đệ chính bước vào sự hiện diện thánh thiêng của người chết. Tại sao số nhân chứng lại ít như vậy? Có thể vì cô bé, những năm tháng còn thơ dại có thể bị quấy rầy bởi nhiều cặp mắt tò mò; nhưng rõ ràng, vì những lý do mà chúng ta không biết, Người muốn ít người biết đến phép lạ. Hành động kỳ diệu được thực hiện một cách đơn giản và dễ dàng xiết bao! Một cái chạm tay của Người, hai từ ngữ, chính âm tiết mà Thánh Máccô dành cho, và “Hồn đứa bé đã trở lại”. Người là Chúa của cả kẻ chết lẫn người sống, và lời của Người chạy rất nhanh qua hố phân cách giữa thế giới này và thế giới người chết. Họ ngủ nhẹ nhàng, và dễ được đánh thức bởi cái nắm tay của Người. Giấc ngủ của họ, trong khi kéo dài, thật ngọt ngào, thư thái, tỉnh táo, nếu họ ngủ trong Chúa Giêsu. Đối với cơ thể mệt mỏi, nó thiu thiu; và đối với tinh thần, cũng có thể được cho là ngủ, nếu qua đó chúng ta hiểu là sự chấm dứt của lao nhọc, sự kết thúc của việc nối kết với thế giới bên ngoài, sự yên tĩnh của việc nghỉ ngơi sâu sắc; nhưng, theo một khía cạnh khác, giấc ngủ của các thánh là việc họ đi vào một cuộc sống đầy đủ và sống động hơn, và họ “được thoả mãn”, khi họ nhắm mắt trên cõi trần thế, để mở chúng ra cho thiên đàng, và ngủ để “tỉnh thức trong việc giống như Người.”
1. Thượng Tướng Tư Lệnh Nhảy Dù Nga ra đi.
Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine cho biết Thượng tướng Andrey Serdyukov, 60 tuổi, đã phải trả giá cho những “thương vong hàng loạt” của lính dù Nga trong bối cảnh suy đoán rằng thiệt hại tổng thể của Nga ở Ukraine sẽ sớm lên đến 50.000, nghĩa là cao hơn đáng kể so với hầu hết các ước tính khác
Phát ngôn viên Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Serhiy Bratchuk nói rằng Putin đã thanh trừng Serdyukov, buộc ông ta giải ngũ, và thay thế bằng Đại tá Mikhail Teplinsky, 53 tuổi, hiện là Tham mưu trưởng Quân khu Trung tâm. Mikhail Teplinsky là người Ukraine gốc Nga sinh trưởng ở vùng Donetsk.
Theo tờ Mirror của Anh, Thượng tướng Andrey Serdyukov đã bị Anh trừng phạt vì liên quan đến vụ tàn sát khủng khiếp ở Bucha.
Serdyukov được tường trình phải chịu trách nhiệm về hiệu suất kém và thương vong cao giữa các đơn vị dù của Nga, đặc biệt là trong các hoạt động ban đầu xung quanh Kyiv.
“Việc liên tục sa thải và các cuộc thanh trừng nội bộ xảy ra đối với các sĩ quan cấp cao của Nga có thể sẽ làm suy giảm thêm khả năng chỉ huy và kiểm soát kém của Nga cũng như sự tự tin của các sĩ quan Nga”.
Serdyukov đã từng nhận được huy chương “Anh hùng của nước Nga” – là huy chương danh dự cao quý nhất của đất nước - và được coi là một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất của đất nước.
Cơ quan truyền thông Nga Izvestia cho biết ông ta đã chỉ huy chiến dịch sáp nhập Crimea từ Ukraine vào mùa xuân năm 2014.
Nga đã công bố rất ít những thay đổi mà Putin đã thực hiện giữa các chỉ huy trong cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.
Nhưng một số nguồn tin khẳng định rằng Putin đang tự mình điều hành các quyết định chiến tranh và vung rìu vào các chỉ huy mà ông ta coi là kém khả năng.
Ngoài ra, Izvestia cho biết lực lượng vệ binh quốc gia Nga – là lực lượng đặc biệt báo cáo trực tiếp với Putin - đã chịu tổn thất đến 1.788 binh sĩ.
Kênh Telegram, Geneal SVR cho rằng tổng số binh sĩ Nga tử trận trong cuộc xung đột Ukraine hiện đã lên đến 37.592 người.
Thêm vào đó còn có 9.457 chiến binh từ các công ty quân sự tư nhân ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga.
2. Ông Zelenskiy thăm quân đội tiền tuyến ở Mykolaiv
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nói “Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng” trong chuyến công du tới thành phố Mykolaiv, miền nam nước này, khi các cuộc giao tranh không ngừng ở miền đông của đất nước tiếp tục diễn ra vào thứ Bảy.
Tổng thống trao huy chương và chụp ảnh với các quân nhân tại một hầm trú ẩn dưới lòng đất.
Ông nói: “Anh em là những người đàn ông dũng cảm của chúng ta. Chúng ta chắc chắn sẽ đánh bại kẻ thù. Chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng”.
Các lực lượng Nga đã đến vùng ngoại ô Mykolaiv vào đầu tháng 3 nhưng sau đó bị đẩy lùi về các rìa phía đông và nam của khu vực, nơi các cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.
3. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại Sievierodonetsk
Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 19 tháng 6, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trên hướng Sloviansk, gần làng Krasnopillia, quân Nga cố gắng tiến hành trinh sát trong giao tranh và bị tổn thất đáng kể.
Tính đến 06:00 chiều, ngày 18 tháng 6 năm 2022, tình hình vẫn không thay đổi ở các hướng Volyn và Polissia.
Trên hướng Siverskyi, quân Nga vẫn hiện diện tại các khu vực biên giới của Vùng Bryansk và Vùng Kursk.
Trên hướng Slobozhanskyi, quân đội Nga đang giữ thế phòng thủ tại các biên giới đã chiếm được trước đó, và cố gắng ngăn chặn các lực lượng Ukraine tiến về biên giới quốc gia.
Ở hướng Kharkiv, quân xâm lược Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo vào các khu định cư như Dementiivka, Pechenihy, Korobochkine, Bairak, Verkhnii Saltiv, Kharkiv, Kapitolivka và Tsyrkuny.
Theo hướng Sloviansk, quân Nga sử dụng súng cối, pháo đại bác và nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt gần các khu định cư như Hrushuvakha, Dolyna, Morosivka, Pryshyb và Chepil. Quân đội Nga đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục các hoạt động tấn công trên hướng Izium-Sloviansk.
Trên hướng Lyman, quân chiếm đóng Nga đã sử dụng pháo binh gần Maiaky.
Trên hướng Sievierodonetsk, quân Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng đại bác và hỏa tiễn gần các khu định cư như Metiolkine, Bila Hora và Ustynivka. Quân đội Nga đã cố gắng thực hiện các chiến dịch tấn công nhằm giành toàn quyền kiểm soát Sievierodonetsk nhưng không thành công.
Trên hướng Syrotyne, do thiệt hại về hỏa lực, Nga giảm thiểu các hoạt động tấn công, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lui một cuộc tấn công của đối phương trong ngày qua.
Trên hướng Bakhmut, quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc không kích gần Berestove.
Trên các hướng Avdiivka, Novopavlivka và Zaporizhzhia, địch liên tục nổ súng ngăn cản lực lượng Ukraine tập hợp lại trên các hướng khác. Quân đội Nga đã sử dụng đại bác và hỏa tiễn gần các khu định cư như Zhelanne, Orlivka, Opytne, Vodiane, Novodanylivka, Shcherbaky, Malynivka và Temyrivka.
Ở hướng Nam Bug và Tavriiskyi, quân xâm lược Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo kích vào các khu định cư như Oleksandrivka, Novohryhorivka, Shyroke, Kvitneve và Pervomaiske.
Tại Hắc Hải và Biển Azov, nhóm hải quân của Hạm đội Hắc Hải của quân Nga đang di chuyển.
4. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế rằng cuộc chiến này có thể mất nhiều năm. Chúng ta không được từ bỏ việc hỗ trợ Ukraine,” Stoltenberg nói với Bild am Sonntag, một tờ báo của Đức.
“Cho dù chúng ta phải trả chi phí cao, không chỉ vì những hỗ trợ quân sự, mà còn do giá năng lượng và lương thực tăng,” ông nói thêm.
Tướng Stoltenberg cũng nói rằng việc cung cấp vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine sẽ thúc đẩy khả năng giải phóng khu vực Donbas khỏi sự kiểm soát của Nga.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Madrid vào cuối tháng này dự kiến sẽ đồng ý một gói hỗ trợ cho Ukraine nhằm giúp nước này chuyển từ vũ khí cũ thời Liên Xô sang thiết bị tiêu chuẩn của NATO.
5. Hàng trăm tội ác chiến tranh của quân đội Nga ở Ukraine đang được chính quyền Đức điều tra.
Cảnh sát liên bang Đức cho biết họ đã nhận được hàng trăm các đầu mối liên quan đến các quan chức chính trị và quân sự Nga phạm vào tội ác chiến tranh ở Ukraine.
“Mục tiêu rõ ràng của chúng tôi là xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho các hành động tàn bạo, để chứng minh hành động của họ thông qua các cuộc điều tra của chúng tôi và đưa họ ra trước công lý,” người đứng đầu của tổ chức, Holder Muench, nói với báo Welt am Sonntag.
Ông nói thêm, các nhà điều tra Đức có thể được cử đến Ukraine, nhưng họ sẽ cần có sự ủy quyền quốc tế để làm điều đó.
Ukraine tháng trước tuyên bố 15.000 tội phạm chiến tranh bị nghi ngờ đã được báo cáo kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Trưởng công tố viên Iryna Venediktova cho biết khoảng 600 nghi phạm đã được xác định, bao gồm “quân đội, chính trị gia và nhân viên tuyên truyền hàng đầu của Nga”.
Nga đã phủ nhận việc tấn công vào dân thường hoặc liên quan đến tội ác chiến tranh.
6. Lithuania cấm tất cả mọi vận chuyển qua lãnh thổ của họ để đến Nga
Các nhà chức trách Lithuania cho biết lệnh cấm vận chuyển qua lãnh thổ của họ tới vùng Kaliningrad của Nga đối với hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt đã có hiệu lực từ hôm thứ Bảy 18 tháng 6. Danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu bao gồm than đá, kim loại, vật liệu xây dựng và công nghệ tiên tiến.
Thống đốc Kaliningrad của Nga, Alikhanov, cho biết lệnh cấm sẽ bao gồm khoảng 50% các mặt hàng mà Kaliningrad nhập khẩu.
Sự khởi đầu ngay lập tức của nó đã được xác nhận bởi chi nhánh vận chuyển hàng hóa của tuyến đường sắt nhà nước Lithuania trong một lá thư gửi khách hàng sau khi Ủy ban Âu Châu “làm rõ” về cơ chế áp dụng các lệnh trừng phạt.
7. Một nhân viên y tế Ukraine tuồn phim ảnh ra khỏi Mariupol đã được trao trả tù binh
Một nhân viên y tế Ukraine tuồn các đoạn phim do cô quay được ra khỏi thành phố Mariupol bị bao vây đã được giải thoát ba tháng sau khi bị bắt.
Yuliia Paievska, được biết đến với cái tên Taira, đã sử dụng một chiếc máy quay phim cá nhân để ghi lại những nỗ lực của nhóm cô chăm sóc những người bị thương, bao gồm cả binh sĩ Ukraine và Nga.
Một ngày trước khi cô bị bắt, cô đã giao các đoạn clip cho các phóng viên của một phương tiện truyền thông Ukraine, một trong số họ đã bỏ trốn khỏi thành phố và card ghi hình được dấu trong những miếng vải băng bó vết thương.
Taira và một đồng nghiệp sau đó bị quân Nga bắt làm tù binh vào ngày 16 tháng 3, cùng ngày một cuộc không kích ập vào một nhà hát khiến 600 người thiệt mạng.
Tối thứ Sáu, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, xác nhận rằng người nữ y tá đã về nhà, và sẽ tiếp tục công việc “làm giảm những vết thương của tất cả mọi người”
1. Tay súng giết 3 người cao niên trong bữa ăn tối ở nhà thờ Alabama
Tối thứ Năm 16 tháng 6, tại nhà thờ Thánh Stephanô của Anh Giáo, một tên sát nhân đã rút một khẩu súng ngắn và bắn chết ba trong số những người tham dự buổi ăn tối cộng đoàn.
Một người nào đó trong cộng đoàn đã can đảm nhào đến và khuất phục được tay súng, cũng như giữ anh ta cho đến khi cảnh sát đến. Luật sư Quận Jefferson, Danny Carr, cho biết nghi phạm, Robert Findlay Smith, đã bị buộc tội giết người hôm thứ Sáu.
Bạo lực hỗn loạn ở một vùng ngoại ô giàu có bên ngoài Birmingham đã gây ra một tình trạng hoang mang trong một cộng đồng nổi tiếng với lối sống lấy gia đình làm trung tâm và khiến sự bất bình trầm trọng hơn ở một quốc gia vẫn đang quay cuồng với những cuộc thảm sát gần đây do các tay súng tấn công một trường học ở Texas, một cửa hàng tạp hóa ở New York, một siêu thị và một nhà thờ khác ở California.
Hai trong số các nạn nhân trong vụ xả súng ở Alabama qua đời ở tuổi 84; người thứ ba ở tuổi 75. Họ đã tụ tập với các thành viên khác của nhà thờ trong bữa ăn tối cộng đoàn. Nhà thờ Thánh Stephanô là nơi yêu thích của Ông Walter Bartlett Rainey, một nhà thờ “chào đón tất cả mọi người bằng tình yêu thương”, theo gia đình của ông. Họ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng thật khó tin rằng ông đã bị giết khi tham dự một bữa ăn tối ở nhà thờ với vợ mình, nơi ông đã tham dự các bữa tối cộng đoàn hơn sáu thập kỷ qua.
Cảnh sát cho biết Sarah Yeager, 75 tuổi, ở Pelham đã chết ngay sau khi được đưa đến bệnh viện hôm thứ Năm. Nạn nhân thứ ba, một phụ nữ 84 tuổi, đã chết hôm thứ Sáu.
Source:AP
2. Các cuộc rước Mình Thánh Chúa tại Hoa Kỳ trong ngày lễ Corpus Christi lớn hơn bình thường trong bối cảnh Phục hưng Thánh Thể Quốc gia
Một số lượng lớn chưa từng có người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đã xuống đường vào cuối tuần qua để rước kiệu Thánh Thể vào Ngày lễ Mình Thánh Chúa, hay còn được gọi là ngày lễ Corpus Christi, ngày Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Quang cảnh gợi nhớ đến một ngày lễ ở Âu Châu thời Trung cổ, trong đó đức tin được chia sẻ công khai trước công chúng.
Đầu tiên, người ta có thể nghe thấy âm thanh của những giọng ca ở xa. Và sau đó, khi tiếng hát lớn hơn, đột nhiên, ở vòng quanh góc, một linh mục xuất hiện, mặc lễ phục của ngày lễ, và cầm Mình Thánh Chúa trên cao, được bảo vệ bởi một tán cây do những người chung quanh ngài vác. Phía sau ngài, nổi lên một đám rước hàng trăm người hát thánh ca, một cảnh tượng đáng ngạc nhiên trên đường phố Hoa Kỳ - và thường là một cảnh đầy cảm hứng cho người xem cũng như người tham gia.
Các cuộc rước Mình Thánh Chúa năm nay lớn hơn bình thường, vì các cuộc rước kiệu này đánh dấu sự khởi đầu của Cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia của Giáo Hội Công Giáo, một sáng kiến kéo dài ba năm do Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ hình thành.
Giữa các cuộc tranh luận về việc liệu các chính trị gia có lập trường mâu thuẫn với giáo lý của Giáo Hội có nên bị từ chối Rước lễ hay không, các giám mục đã chỉ ra vấn đề sâu xa hơn, và cơ bản hơn trong Giáo Hội. Một nghiên cứu của Pew Research năm 2019, đã chỉ ra rằng các chính trị gia không đơn độc khi họ thiếu tôn kính hoặc hiểu biết về Bí tích Thánh Thể, vì đa số người Công Giáo nghĩ rằng bánh và rượu được dùng trong việc rước lễ chỉ là “biểu tượng” của Chúa Kitô.
Cuộc thăm dò cho thấy 7/10 người Công Giáo không tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và chỉ một phần tư người Công Giáo dưới 40 tuổi tin vào học thuyết về sự biến thành Mình Máu Thánh Chúa, khi bánh và rượu được truyền phép trong Thánh lễ. Để đáp lại, các giám mục đã bỏ phiếu vào tháng 11 năm ngoái để tổ chức một cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia nhằm thấm nhuần sự hiểu biết sâu sắc hơn về Bí tích Thánh Thể, là điều mà Công đồng Vatican II nói là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.
Đức Cha Andrew Cozzens, Chủ tịch Ủy ban Đại hội Thánh Thể Quốc gia, cho biết ý tưởng về Sự Phục hưng Thánh Thể đến từ nhận thức rằng Giáo Hội Công Giáo phải dạy giáo lý cơ bản này giữa đoàn chiên của mình.
“Trong những thời điểm này, chúng tôi thực sự ý thức rằng xã hội chúng ta đang sống đòi hỏi Giáo Hội phải trở nên truyền giáo nhiều hơn. Bản thân văn hóa không còn hỗ trợ những gì chúng ta làm với tư cách là người Công Giáo,” Cozzens lưu ý.
Ngài nói: “Tất cả những người Công Giáo được mời gọi vào một cuộc gặp gỡ mới với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, đặc biệt là những người Công Giáo không hiểu hết quyền năng của Bí tích Thánh Thể. Đây là thời điểm để đừng xấu hổ về Tin Mừng nhưng để loan báo Tin Mừng từ những mái nhà.”
Trong khi nhiều giáo xứ và cộng đồng Công Giáo trên khắp đất nước sẽ tổ chức các cuộc rước Mình Thánh Chúa của riêng mình, một số giám mục có kế hoạch cho các cuộc rước trên toàn giáo phận để khởi động Cuộc Phục hưng Thánh Thể Quốc gia.
Ở Detroit, một cuộc rước dài hơn bình thường đến hai dặm đã diễn ra vào ngày Chúa Nhật 19 tháng Sáu, sau Thánh lễ 1 giờ chiều tại Nhà thờ Chính tòa, và kết thúc tại Đại Chủng viện Thánh Tâm, nơi Tổng Giáo phận đào tạo chức tư tế.
Holly Fournier, phó giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Detroit, nói với Aleteia, “Với cuộc rước này, chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy một sự hồi sinh giữa các tín hữu sùng kính và tin tưởng vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi mong muốn mang mọi người đến với nhau trong lời cầu nguyện, cử hành và lòng biết ơn rằng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trọn vẹn ở giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trong cuộc rước này và trong cuộc sống của chúng ta. “
Fournier nói, đám rước cũng nhằm khuấy động trái tim của những người không theo Công Giáo.
“Chúng tôi hy vọng họ đặt câu hỏi! Chúng tôi hy vọng rằng cuộc rước này khơi dậy sự tò mò nơi những người xem, và đây có thể trở thành cơ hội để các tín hữu chia sẻ tình yêu và lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể. Chúng tôi yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và cuộc rước là một cách để thể hiện tình yêu này trong sự tôn kính và cử hành.”
Source:Aleteia
3. Hàng triệu người ở Âu Châu rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa
Tình hình dịch bệnh đã khả quan. Trong bối cảnh này, ngày lễ Corpus Christi đã được khôi phục ở nhiều nơi, và hàng triệu người đã tham gia các cuộc rước kiệu Mình Máu Thánh Chúa tại Âu Châu vào hôm thứ Năm 16 tháng Sáu.
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu vừa qua. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.
Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.
Bàn về việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng của ngài hôm 4 tháng 6 năm 2015 rằng:
“Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta không chỉ có niềm vui cử hành mầu nhiệm này, nhưng còn có dịp ca ngợi Ngài và ca hát trên các đường phố của thành phố chúng ta. Xin cho cuộc rước chúng ta sẽ thực hiện vào cuối thánh lễ này thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các hành trình Chúa đã cho chúng ta thực hiện ngang qua các sa mạc của nghèo đói, để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ, qua việc nuôi dưỡng chúng ta với tình yêu của Ngài qua Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.
Chút nữa đây, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo những con đường, chúng ta cảm nhận được chính mình trong sự hiệp thông với nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết hiệp với họ, chúng ta hãy hát với họ, khen ngợi với họ, yêu mến với họ. Và chúng ta tôn vinh trong tâm hồn chúng ta những anh chị em đã phải hy sinh mạng sống mình vì sự trung tín với Chúa Kitô. Xin cho máu các vị khi kết hợp với máu Chúa sẽ là một bảo chứng cho hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.”
Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.
Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.
Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.
Święto Bożego Ciała
Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.
Người Công Giáo đã tham gia vào các cuộc rước Corpus Christi trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm 16 tháng 6.
Theo truyền thống của Ba Lan, các bé gái gần đây được Rước Lễ lần đầu đã rải những cánh hoa hồng trước Mình Thánh Chúa, được một linh mục kính cẩn cung nghinh trong một Mặt Nhật dưới một lọng che.
Mừng lễ Corpus Christi ở Poznań, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nói rằng “không một cộng đồng Kitô giáo nào có thể vượt qua được sự cô đơn và hình thành được một cộng đồng nếu cộng đồng đó không có nguồn gốc và cơ sở từ việc cử hành Thánh Thể”.
Đức Cha Andrzej Przybylski, Giám Mục Phụ Tá của Częstochowa, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại Jasna Góra, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen rất được các tín hữu Ba Lan tôn kính.
“Kho báu lớn nhất của Đền thờ Jasna Góra không phải là bức ảnh tuyệt vời và đẹp đẽ này của Đức Mẹ Jasna Góra mà chính là Mình Thánh Chúa và lời cầu nguyện quan trọng nhất và hiệu quả nhất là Thánh Lễ. Bí tích Thánh Thể là mặt trời và là trung tâm đức tin của chúng ta,” Đức Cha Przybylski nói trong bài giảng.
Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak của tổng giáo phận Gniezno nhận xét rằng Corpus Christi “là về nhận thức sống động rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và bản chất này không thể và không bao giờ có thể thay thế được bằng thực tại ảo.”
Hội đồng giám mục Ba Lan tuyên bố rằng “trong suốt tám ngày chung quanh lễ Corpus Christi, người Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc rước, là một phần của lòng mộ đạo qua đó người Ba Lan bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.”
Corpus Christi là một ngày lễ quốc gia ở Ba Lan. Tham gia vào một đám rước không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin công khai, mà còn là một biểu hiện của lòng yêu nước.
Dưới sự cai trị của cộng sản sau Thế chiến thứ hai, các cuộc rước kiệu Corpus Christi là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và đức tin của dân tộc. Các nhà chức trách vô thần đã cố gắng cấm các đám rước trong nhiều trường hợp.
Thông thường, sau khi tham dự cuộc rước của giáo xứ mình, người Công Giáo viếng thăm bốn nhà thờ lân cận. Tại mỗi nơi, trong khi các tín hữu cầu nguyện, vị linh mục sở tại ban phép lành Mình Thánh Chúa và đọc Tin Mừng.
Ba Lan, với dân số gần 38 triệu người, trong đó 93% là người Công Giáo, đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi đại dịch so với các nước Âu Châu khác.
Corpus Christi ở Ba Lan có một số truyền thống dân gian ngoài việc rải những cánh hoa, còn bao gồm biểu diễn các ca khúc và mặc các trang phục dân gian.
Một phong tục khác là đặt các thảm hoa. Ở Spycimierz, một giáo xứ nhỏ ở miền trung Ba Lan, truyền thống này đã được gìn giữ trong hơn 200 năm, và những tấm thảm hoa trải dài hơn một cây số.
Lịch sử ngày lễ này.
Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.
Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.
Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:
Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;
Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;
Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.
Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).
Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.
Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
1. Putin đối mặt với việc bị thảm sát giống như Gaddafi trong vòng tròn nội bộ của ông ta
VLADIMIR Putin phải đối mặt với việc bị xâu xé và giết chết như bạo chúa Libya Muammar Gaddafi nếu ông ta không giành được chiến thắng ở Ukraine. Nhận định này không đến từ phương Tây, nhưng đến từ một đồng minh thân cận của Putin, nổi tiếng là sắt máu.
Nhà lãnh đạo chuyên chế của Nga đang nhanh chóng bị giới chính trị và quân đội Nga coi là “yếu đuối” và họ sẽ nhanh chóng quay lưng lại với ông ta, “nhiều người trong vòng trong, những kẻ săn mồi, đang liếm môi”. Igor Girkin, một cựu lãnh đạo tình báo và quân đội rất có thế giá ở Nga, đã đưa ra lời cảnh báo như trên cho Putin - khi phát biểu thay cho những người theo đường lối cứng rắn của Nga, là những người tin rằng Putin ốm yếu đang quá mềm yếu trong việc giành chiến thắng ở Ukraine.
Ông ta trước đây là một chỉ huy trung thành ủng hộ Putin - và thậm chí đã giúp Putin sáp nhập Crimea và khuất phục Donbas vào năm 2014.
“Phải có sự thay đổi của ít nhất một phần trong bộ máy chiến tranh, vì có những người không chỉ là những tên trộm… và những kẻ cặn bã… mà còn là những kẻ thất bại trong mọi việc mà chúng được giao phó,” Girkin nói.
Igor Girkin bị phương Tây coi là tên tội phạm chiến tranh bị truy nã. Y đóng vai trò trung tâm trong việc Putin sáp nhập Crimea và thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk bù nhìn cách đây 8 năm ở miền đông Ukraine.
Các nhà quan sát cho rằng lời nói của Girkin cho thấy “những kẻ săn mồi” hiện đang “liếm môi” khi chúng chuẩn bị bắn chết Putin.
Girkin cho rằng khối quân sự và an ninh đang mất lòng trung thành với Putin vì những thất bại nghiêm trọng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
“Tình báo đã thất bại... cả chính trị và quân sự,” Girkin, 51 tuổi, nói trong một video.
“Quân đội không thể chiến đấu bình thường bởi vì không có gì để chiến đấu. FSB cũng không thể bắt những tên tội phạm trốn ra nước ngoài”.
Và ông cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, Putin sẽ có kết cục giống như Gaddafi, người bị lật đổ và sau đó bị chính người của mình sát hại dã man vào năm 2011.
Ông cảnh báo về việc Nga “biến thành Libya, nơi mọi người đang chiến đấu chống lại mọi người”, một kịch bản “nhiều khả năng xảy ra với sự chiếm đóng một phần của nước ngoài - và sự hủy diệt hoàn toàn và cuối cùng của đất nước”.
Và ông nói rằng “trường hợp tốt nhất” cho Putin là ông sẽ kết thúc giống như nhà độc tài Nam Tư Slobodan Milošević - người đã chết vào năm 2006 trong khi đối mặt với tòa án tội ác chiến tranh quốc tế The Hague.
Ivan Yakovina, 42 tuổi, một nhà phân tích tình hình chính trị Nga, nói rằng Girkin được cho là đang phát ngôn thay”cho một số thế lực đen tối, bao gồm cả các nhân vật tôn giáo ở Cẩm Linh và FSB”.
“Nếu đúng như vậy thì các lực lượng này rất không hài lòng với Vladimir Putin”.
“Qua miệng của Girkin, họ tuyên bố rằng vận mệnh như của Gaddafi đang chờ tổng thống Nga.”
“Nói một cách trực tiếp, họ đang đe dọa Putin, yêu cầu tuyên bố một cuộc chiến tổng lực và toàn diện chống lại Ukraine.”
Igor Girkin - còn được gọi là Igor Strelkov - bị truy nã ở phương Tây vì vụ bắn hạ chuyến bay MH17 ở miền đông Ukraine vào năm 2014.
Girkin đã đề cập đến nhà độc tài Gaddafi vì người ta đều rõ về phản ứng của Putin trước cái chết của viên đại tá này. Người ta tin rằng Putin bị ám ảnh bởi những cảnh mà nhà độc tài Gaddafi bị hành quyết trước khi bị giày xéo bởi một đám đông.
Tất cả đều được ghi lại trên video, điều này càng làm cho Putin lo lắng, và coi đó là một phát súng cảnh cáo đối với chế độ của chính mình.
Theo The Atlantic, Putin được cho là đã bị “chấn động” khi xem đoạn video hàng quyết Gaddafi. Ông ta đã tức giận lên án cái chết của Gaddafi và trực tiếp đề cập đến đoạn phim đáng lo ngại tại một cuộc họp báo vào năm 2011.
Ông nói: “Gần như toàn bộ gia đình của Gaddafi đã bị giết, xác chết của ông ấy được chiếu trên tất cả các kênh truyền hình toàn cầu, không thể xem mà không ghê tởm.”
“Người đàn ông bê bết máu, vẫn còn sống và anh ta đang bị đám đông cuồng nộ kết liễu mạng sống.”
Nhà báo Nga Mikhail Zygar nói rằng ông Putin đã học được từ cái chết của Gaddafi rằng “sự yếu đuối và thỏa hiệp không phải là một lựa chọn. Lo âu nhất của Putin ngày nay là bị giày xéo bởi một đám đông trong khi đôi mắt vẫn đang mở trừng trừng.”
2. Bài phát biểu quan trọng của Vladimir Putin bị trì hoãn vì vụ tấn công mạng siêu đẳng vào Nga
Truyền thông địa phương đưa tin, nhà lãnh đạo bạo chúa của Nga Vladimir Putin đã phải hoãn bài phát biểu của mình hơn một giờ đồng hồ sau khi mạng máy tính tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg bị tấn công DDOS. Tấn công DDOS là hình thức tấn công cường tập, truy nhập với số lượng lớn vào một mạng máy tính, dẫn đến sự tê liệt, không thể hoạt động được.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết trong cuộc họp báo với các phóng viên rằng các chuyên gia đang làm việc để khắc phục sự việc, điều này đã khiến bài phát biểu phải lùi lại một giờ.
Peskov cho biết cuộc tấn công mạng bắt đầu vào hôm thứ Năm, vô hiệu hóa hệ thống kiểm tra vé và xếp chỗ ngồi cho khách tại diễn đàn và tạo ra một loạt các vấn đề liên quan đến quyền truy cập.
Bài phát biểu quan trọng của Putin đã được lùi lại một giờ, và đã diễn ra lúc 3 giờ chiều giờ địa phương
Diễn đàn kinh tế, được gọi là “Davos của Nga”, đã được tổ chức trong nhiều năm qua, bao gồm các nhà lãnh đạo thế giới và những người khổng lồ về kinh doanh và công nghiệp.
Nhưng hội nghị thường niên năm nay đã vắng bóng nhiều người trong giới tài chính toàn cầu vì Mạc Tư Khoa bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt vì các hành động của họ ở Ukraine.
Để bù đắp cho việc thiếu vắng các đại biểu phương Tây tham dự, Nga đã dành vị trí của họ cho các quốc gia nhỏ hơn hoặc các quốc gia như Trung Quốc - là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến nay nhất định không tham gia vào các lệnh trừng phạt.
Đầu năm nay, có thông tin cho rằng tin tặc Nga đang âm mưu các cuộc tấn công tương tự nhằm vào Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, các nhà máy điện hạt nhân và các bộ của Whitehall.
Mạng lưới bảo mật Five Eyes - liên quan đến Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand - đã đưa ra cảnh báo cáo buộc chính phủ Nga đang khám phá các phương án cho các cuộc tấn công web tiềm năng chống lại các tổ chức quan trọng.
Liên minh gián điệp kêu gọi họ tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng khi họ phải đối mặt với nguy cơ ngày càng cao về các cuộc tấn công do Điện Cẩm Linh tài trợ.
Theo cảnh báo, “thông tin tình báo đang phát triển” cho thấy tin tặc trong chính phủ Nga đang tìm cách tham gia vào “hoạt động mạng độc hại” để đáp trả “các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có” áp đặt đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Cũng có lo ngại rằng tin tặc đang tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia đã cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho các lực lượng Ukraine.
Để đối phó với nguy cơ gia tăng, cảnh báo Five Eyes chỉ ra một số hành động tức thì mà các tổ chức cơ sở hạ tầng quan trọng có thể thực hiện để “chuẩn bị và giảm thiểu các mối đe dọa mạng tiềm ẩn”.
Chúng bao gồm cập nhật phần mềm ngay lập tức, thực thi xác thực đa yếu tố, bảo mật và giám sát các dịch vụ “tiềm ẩn rủi ro” như giao thức máy tính từ xa cũng như cung cấp đào tạo và nhận thức cho người dùng.
3. Putin nói rằng khôi phục quan hệ với Ukraine là “không thể tránh khỏi”
Việc khôi phục quan hệ của Nga với Ukraine là “không thể tránh khỏi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu tại phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg.
“Chúng tôi xuất phát từ thực tế rằng sớm hay muộn tình hình sẽ bình thường hóa và chúng tôi quan tâm đến sự thịnh vượng cho tất cả các nước láng giềng. Do đó, việc khôi phục quan hệ của Nga với Ukraine là không thể tránh khỏi”. Putin nói như trên khi bình luận về việc Ukraine có thể gia nhập Liên minh Âu Châu.
“Tôi muốn điều này được rõ ràng, việc khôi phục quan hệ là điều không thể tránh khỏi,” ông nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng các quan chức Mỹ đã thường xuyên gặp gỡ những người đồng cấp Anh và Âu Châu để thảo luận về các khuôn khổ tiềm năng cho việc ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh thông qua một thỏa thuận thương lượng, theo nhiều nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán.
Các quan chức này nói rằng ngày càng có nhiều lo ngại rằng nếu người Nga và người Ukraine không quay lại bàn bạc và tìm ra một thỏa thuận, chiến tranh sẽ kéo dài - có thể trong nhiều năm.
Không rõ liệu các cuộc thảo luận này có chuyển thành các cuộc đàm phán dàn xếp cuối cùng hay không. Chính quyền Biden vẫn chưa thấy triển vọng thực sự cho bất kỳ đột phá ngoại giao hoặc ngừng bắn sớm nào và hai quan chức NATO nói rằng liên minh phương Tây không muốn đàm phán với Nga - một phần vì chiến dịch ném bom tàn bạo của Nga và vô số vi phạm nhân quyền đã xảy ra, phá hủy sự ủng hộ của công chúng đối với bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Nga.
Các quan chức cho biết Mạc Tư Khoa cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến các cuộc đàm phán nghiêm túc. Hiện tại, Ukraine vẫn tập trung vào việc bảo đảm một chiến thắng quân sự quyết định ở phía đông và phía nam nhằm đưa mình vào một vị thế đàm phán vượt trội, các nguồn tin này cho biết.
4. Đệ nhất phu nhân Zelenska: Một nửa người Ukraine sống xa gia đình
Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã nói về hoàn cảnh của các gia đình Ukraine trong chiến tranh.
“Một nửa số người Ukraine ngày nay sống tách biệt với gia đình của họ. Đây là một trong những thử thách khó khăn nhất của thời chiến,”Zelenska nói.
Đệ nhất phu nhân Ukraine cũng đề cập đến chương trình hỗ trợ tâm lý cho công dân Ukraine theo sáng kiến của bà.
“Người Ukraine không quen tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà tâm lý học. Chúng tôi có xu hướng bỏ qua chứng trầm cảm hoặc lo lắng. Tuy nhiên, bây giờ tất cả chúng ta cần phải xem xét lại những định kiến này. Và sẽ cần một chiến dịch thông tin lớn để chứng minh cho mọi người thấy rằng họ cần sự giúp đỡ về mặt tâm lý, và đó không phải là lỗi của họ.”
5. Tàu Nga ở Hắc Hải sẵn sàng phóng 20 hỏa tiễn
Nhóm hải quân của Liên bang Nga ở Hắc Hải đã sẵn sàng tấn công Ukraine bằng 20 hỏa tiễn hành trình Kalibr.
“Nhóm hải quân của hạm đội đối phương không thay đổi trong một sớm một chiều, tiếp tục giữ khoảng cách an toàn với bờ biển để không gặp nguy hiểm khác. Tuy nhiên, 20 hỏa tiễn hành trình Kalibr đã sẵn sàng được phóng về phía Ukraine. Một hoạt động đổ bộ thù địch hiện nay khó có thể xảy ra, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra, “Bộ Chỉ huy Tác chiến” Miền Nam”.
Tính đến 13h ngày 18/6, người Nga tiếp tục theo đuổi chiến thuật tấn công bằng pháo, súng cối và hỏa tiễn vào các vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine và các địa phương ở miền Nam Ukraine. Quân Nga không chủ động hành động, cố gắng giành lấy chỗ đứng trên các tuyến phòng thủ của chúng.
Bộ Chỉ huy Tác chiến “Phía Nam” lưu ý rằng người Nga không ngừng chiến đấu để phân chia lãnh thổ và quyền lực giữa họ. Người dân địa phương quan sát các cuộc đụng độ giữa các đơn vị đa quốc gia của quân đội Nga. Người Nga cũng tìm mọi cách để rời vị trí và trở về nhà.
Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt 9 binh sĩ Nga, 3 xe tăng Msta-B của đối phương và 3 xe trong đêm qua.
Thủy lôi có thể được nhìn thấy dọc theo bờ Hắc Hải, vì chúng đã bị thổi bay bởi những cơn bão và trôi dạt vào bờ biển.
1. Đan Mạch trao hỏa tiễn cho Ukraine bắn chìm tầu Nga. Putin đưa hải quân xâm phạm lãnh hải Đan Mạch. Âu lo chiến tranh tràn sang các quốc gia khác
Đan Mạch triệu tập đại sứ Nga sau khi tàu chiến xâm phạm lãnh hải Đan Mạch. Lực lượng vũ trang Đan Mạch cho biết, một tàu chiến Nga đã xâm phạm lãnh hải của Đan Mạch ở phía bắc đảo Bornholm, nơi diễn ra lễ hội dân chủ với sự tham dự của các nhà lập pháp cấp cao và giới doanh nhân.
Đan Mạch gọi hành động sáng thứ Sáu là hành động khiêu khích không thể chấp nhận được.
Tàu chiến Nga đã đi vào vùng biển của Đan Mạch mà không được phép vào buổi sáng thứ Sáu và một vài giờ sau đó trở lại. Lực lượng vũ trang cho biết trong một tuyên bố rằng tàu chiến rời đi sau khi hải quân Đan Mạch thiết lập được liên lạc vô tuyến.
“Một hành động khiêu khích vô trách nhiệm, thô thiển và hoàn toàn không thể chấp nhận được của Nga trong lãnh hải,” Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói.
Lễ hội hàng năm có sự tham gia của các quan chức chính phủ cấp cao, bao gồm cả Kofod và thủ tướng Mette Frederiksen.
Kofod nói: “Các phương pháp bắt nạt không có tác dụng với Đan Mạch. Đại sứ Nga đã được triệu tập,” ông nói thêm.
Diễn biến này đã xảy ra sau khi Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hải quân nước này đã đánh chìm chiến hạm Spasatel Vasily Bekh của Nga bằng hai hỏa tiễn Harpoon do Đan Mạch cung cấp cho Ukraine.
Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết chiến hạm Vasily Bekh đã bị trúng hai hỏa tiễn Harpoon. Đây là lần đầu tiên Ukraine cho biết họ bắn trúng tàu Nga bằng loại hỏa tiễn chống hạm do phương Tây cung cấp.
Hệ thống hỏa tiễn Harpoon lướt là là trên mặt biển có thể đánh chìm một con tàu ở đường chân trời ở khoảng cách hơn 130 km. Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine loại hỏa tiễn lợi hại này. Để đề phòng bất trắc, các chiến hạm của Nga đã phải rút lui ra xa bờ biển Odesa của Ukraine. Tuy nhiên, chiến hạm Vasily Bekh được giao nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, vũ khí, binh sĩ và các hỏa tiễn SAM “TOR” đến Đảo Rắn, chỉ cách bãi biển Odesa có 11 km.
Đảo Rắn giờ đây trở thành một vấn nạn cho chính nước Nga. Với các hỏa tiễn hiện đại đang có trong tay, mọi sự tiếp tế cho hòn đảo này bằng máy bay hay tầu thuyền đều rất khó khăn đối với quân Nga.
2. Lãnh đạo NATO bác bỏ bình luận của Đức Giáo Hoàng về Ukraine
Phát biểu trước các biên tập viên của các tạp chí Dòng Tên vào ngày 19 tháng 5, Đức Giáo Hoàng gợi ý rằng cuộc chiến, bắt đầu bằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, “có lẽ bằng cách nào đó đã bị khiêu khích hoặc không được ngăn chặn.”
Nhận xét này đang gây ra tranh cãi. Nhiều quân Nga của Giáo Hội tung tin giả cho rằng lãnh đạo NATO đã “lên án” lời bình luận của Đức Giáo Hoàng về Ukraine.
Câu chuyện thực tế như thế nào?
Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu 17 tháng 6, tại trụ sở của NATO, Thomas Gutschker, của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đã đặt câu hỏi sau với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ký giả này nói: “Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một vài nhận xét về khả năng đóng góp của NATO vào cuộc chiến ở Ukraine. Ngài nói rằng chúng ta không biết toàn bộ các chi tiết đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, và cách này cách khác ngài nói cuộc chiến đã xảy ra hoặc là bị khiêu khích hoặc là không được ngăn cản. Tất cả chúng ta đều biết Đức Giáo Hoàng có thể tuyên bố bất khả ngộ đối với những nhận xét của mình. Có thể không phải trong trường hợp này, nhưng tôi rất muốn nghe câu trả lời của bạn. Cảm ơn”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã trả lời rất nhã nhặn như sau: “NATO là một liên minh phòng thủ và cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến của Tổng thống Putin. Đây là cuộc chiến mà ông ta đã quyết định tiến hành chống lại một quốc gia độc lập có chủ quyền. Và những gì NATO đã làm trong nhiều năm là hỗ trợ Ukraine, một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu, trong việc đào tạo, hỗ trợ, cố vấn và trang bị cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Đó là điều mà các nước Đồng minh NATO và chính NATO đã làm trong nhiều năm. Đây không phải là một mối đe dọa cho bất kỳ ai. Đây không phải là một sự khiêu khích. Và đó là những gì chúng tôi tiếp tục làm. Vì vậy, chính Tổng thống Putin và Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm về hành động xâm lược tàn bạo này đối với đất nước độc lập Ukraine.”
Cuộc trò chuyện, giữa Đức Thánh Cha và các biên tập viên của các tạp chí Dòng Tên, cũng đề cập đến Công đồng Vatican II và “Tiến Trình Công Nghị” của Đức, được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica vào ngày 14 tháng 6 nhưng đã được tiến hành cả tháng trước đó vào ngày 19 tháng 5.
Nhận xét về Ukraine, Đức Giáo Hoàng nói: “Những gì chúng ta đang thấy là sự tàn bạo và dữ dội mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi quân đội, bao gồm cả lính đánh thuê, được sử dụng bởi người Nga. Người Nga thích cử lính đánh thuê người Chechnya và Syria”.
“Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta chỉ nhìn thấy điều này, là một điều ma quỷ, và chúng ta không thấy toàn bộ thảm kịch đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, mà có lẽ bằng cách nào đó đã bị kích động hoặc không được ngăn chặn. Và tôi ghi nhận sở thích thử nghiệm và bán vũ khí. Điều đó rất buồn, nhưng chung cuộc đó là những gì đang bị đe dọa.”
Ngài bác bỏ những đề xuất cho rằng ngài ủng hộ Tổng thống Nga Putin, và nhấn mạnh rằng ngài “chỉ đơn giản là chống lại việc giản lược sự phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu”.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ai đó có thể nói với tôi vào thời điểm này: vậy là bạn ủng hộ Putin! Không, tôi không phải như thế. Sẽ là đơn giản và sai lầm nếu nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là chống lại việc giản lược sự phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu mà không cần lý luận về gốc rễ và lợi ích, vốn rất phức tạp. “
“Trong khi chúng ta nhìn thấy sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không được quên những vấn đề thực sự nếu chúng ta muốn những vấn đề ấy được giải quyết.”
“Đúng là người Nga đã nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần. Nhưng họ đã tính toán sai. Họ gặp phải một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang đấu tranh để tồn tại và là những người có lịch sử đấu tranh”.
3. Biến cố thật đau lòng: Giám Mục giáo phận ra Sắc Lệnh cấm một trường học của Dòng Tên dùng danh xưng Công Giáo
Sau những cuộc thảo luận trong vài tháng qua nhằm tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc treo cờ Black Lives Matter và những lá cờ tự hào đồng tính bên ngoài trường học không phù hợp với giáo lý Công Giáo, Đức Cha Robert J. McManus, Giám Mục Giáo phận Worcester đã ban hành sắc lệnh chính thức sau đây về Trường Chúa Giáng Sinh ở Worcester. Sắc lệnh đã được công bố trực tuyến hôm thứ Sáu 17 tháng 6 trên The Catholic Free Press, là tờ báo chính thức của Giáo phận Worcester, và được gởi đến các cơ quan truyền thông Công Giáo nhờ công bố.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sắc lệnh của Đức Cha Robert J. McManus ra Việt Ngữ.
SẮC LỆNH
Trường Nativity, tọa lạc tại số 37 Lincoln Street, Worcester, Massachusetts, được thành lập vào năm 2003 và được phát triển bởi ban quản lý cấp cao của trường Trường Thánh Giá Worcester nhằm giải quyết tỷ lệ tốt nghiệp thấp trầm trọng ở các nam sinh gặp phải tình trạng kinh tế bất an. Nhà trường hiện đang phục vụ các nam sinh từ lớp năm đến lớp tám.
Trường tuyên bố là một trường “Công Giáo” liên kết với truyền thống Công Giáo Rôma và Dòng Tên. Ban giám hiệu nhà trường đã cho phép treo cờ “Black Lives Matter” và “Tự Hào Đồng Tính” trước cửa trường trong một khoảng thời gian.
Tôi đã công khai tuyên bố trong một bức thư ngỏ đề ngày 4 tháng 5 năm 2022 rằng “những biểu tượng cờ xí này thể hiện các chương trình nghị sự hoặc các ý thức hệ cụ thể mâu thuẫn với giáo huấn xã hội và luân lý Công Giáo.” Tôi đã lập luận rằng lá cờ “Niềm tự hào đồng tính” thể hiện sự ủng hộ hôn nhân đồng tính và tích cực sống theo lối sống LGBTQ +.
Điều này cũng đúng với “Black Lives Matter.” Giáo Hội Công Giáo dạy rằng tất cả sự sống là thánh thiêng và Giáo Hội chắc chắn đứng đằng sau cụm từ “mạng sống của người da đen là quan trọng” và khẳng định mạnh mẽ rằng tất cả các mạng sống đều quan trọng.
Tuy nhiên, phong trào “Black Lives Matter” đã chọn cụm từ này nhằm quảng bá một nền tảng mâu thuẫn trực tiếp với giáo huấn xã hội Công Giáo về tầm quan trọng và vai trò của gia đình hạt nhân và tìm cách phá vỡ cấu trúc gia đình, nghĩa là đối lập rõ ràng với các giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.
Việc treo những lá cờ này trước một trường học Công Giáo gửi đến công chúng một thông điệp hỗn hợp, khó hiểu và gây tai tiếng về lập trường của Giáo Hội đối với những vấn đề đạo đức và xã hội quan trọng này.
Theo điều 803, các triệt từ 1 đến 3, của Bộ Giáo luật, Giám mục Giáo phận phải duy trì cảnh giác đối với các Trường Công Giáo trong Giáo phận của mình, ngay cả những trường do các nhóm giáo dân điều hành, những người tìm cách sử dụng danh hiệu “Công Giáo” cho trường học của họ. Việc sử dụng như vậy cần có sự chấp thuận của Giáo Hội (giáo luật 803, triệt 3).
Một 'Chỉ thị' được Tòa thánh công bố gần đây từ Bộ Giáo dục Công Giáo, có tựa đề “Bản sắc của Trường Công Giáo về Văn hóa Đối thoại,” nêu rõ rằng “Các trường Công Giáo là một phần trong sứ mệnh của Giáo Hội (điểm 21) và có trách nhiệm lớn lao trong việc làm chứng qua một dự án giáo dục được Phúc Âm soi sáng rõ ràng (điểm 28). Trường học Công Giáo là những thực thể của Giáo Hội. Như vậy, các trường ấy tham gia vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm hóa của Giáo Hội và đại diện cho môi trường đặc quyền trong đó việc giáo dục của Giáo Hội được thực hiện “. (mệnh 30)
Với tư cách là Giám mục Giáo phận, bổn phận thiêng liêng và trách nhiệm cố hữu của tôi là xác định khi nào một trường học tự xưng là “Công Giáo” đang hành động trái với các giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và coi thường thẩm quyền hợp pháp của tôi với tư cách là người giám hộ và giám sát Giáo dục Công Giáo ở Giáo phận Worcester. Bất chấp sự kiên quyết của tôi rằng ban giám hiệu nhà trường phải loại bỏ những lá cờ này vì sự nhầm lẫn và tai tiếng về thần học mà họ gây ra và quảng bá, họ đã từ chối làm như vậy. Điều này khiến tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các hành động theo quy tắc.
Tất cả các yêu cầu của điều 48, 49, 50, 51 và 52 đã được thực hiện.
Sau khi cầu nguyện xem xét vấn đề này, tôi, Đức Cha Robert J. McManus, Giám mục của Worcester, trước trách nhiệm mục vụ của tôi đối với Giáo Hội về vấn đề cụ thể này, theo quy định của điều luật 381, §1, xin tuyên bố và ra sắc lệnh như sau:
• Trường Nativity of Worcester từ thời điểm này trở đi bị cấm không được tự nhận mình là một trường “Công Giáo” và không được sử dụng danh hiệu “Công Giáo” để mô tả chính nó;
• Thánh lễ, bí tích và á bí tích không còn được phép cử hành trong khuôn viên Trường Nativity hoặc do Trường Nativity tài trợ trong bất kỳ nhà thờ hoặc nhà nguyện nào trong Giáo phận Worcester;
• Trường Nativity không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động gây quỹ nào liên quan đến các cơ sở giáo phận trong Giáo phận Worcester và không được phép niêm yết hoặc quảng cáo trong Danh bạ Giáo phận;
• Tên của Giám mục Hiệu Tòa Daniel P. Reilly phải được xóa khỏi danh sách Ban Quản trị của Trường Nativity.
Nghị định này có hiệu lực ngay lập tức.
Tôi yêu cầu rằng nghị định này được công bố.
Được đưa ra tại Worcester, Massachusetts, ngày thứ mười của tháng Sáu, trong Năm Chúa của chúng ta, hai nghìn hai mươi hai.
Source:Worcester Diocese