Ngày 06-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 06/06/2021

16. Linh hồn ơi, mày không được quên các lời phán xét: người bị chúc dữ thì đi vào trong lửa chẳng hề tắt, người Cha Ta chúc phúc thì được vào nơi hằng sống.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 06/06/2021
67. CÓ THUỐC KHÔNG UỐNG

Có một thầy thuốc bệnh rất nặng, trước khi chết thì nằm trên giường la lớn:

- “Nếu có thầy lang nào chữa được bệnh của ta, thì ta sẽ đem thuốc gia truyền trường sinh bất tử để báo đáp, nếu có chết thì cũng thọ được mấy trăm tuổi rồi mới chết.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 67:

Bản thân là thầy thuốc bị bệnh nặng lại có thuốc quý trong nhà nhưng không chịu uống, lại còn “treo giá” cho những ai chữa trị được bệnh của mình thì sẽ tặng thuốc quý trường sinh bất tử, thì quả là đáng cười…

Bản thân là người Ki-tô hữu, lại được học biết nhiều lẽ trong đạo, được tham dự các bí tích, được mời gọi làm chứng nhân cho Tin Mừng, nhưng lại “khoán trắng” cho người khác: mấy người đi lễ cho nhiều đi sẽ được ơn ích; mấy người tham gia các hội đoàn thì sẽ có ích lợi; mấy người lo đi học giáo lý đi sẽ biết thêm về đạo Chúa; mấy người lo giúp đỡ nhà thờ đi, Chúa sẽ trả công bội hậu cho.v.v…nhưng bản thân mình thì không hề tham gia các hội đoàn, rất ít đi lễ ngày chúa nhật, và có khi cấm không cho con cái đến nhà thờ tham gia các đoàn thể. Họ như những người sắp chết nằm trên giường rao tặng thuốc “trường sinh bất tử” cho người khác, thật đáng tức cười và tội nghiệp cho họ.

Thuốc quý của người Ki-tô hữu là Thánh Thể, là Lời Chúa, là các bí tích, đem các thuốc trường sinh bất tử ấy đi giới thiệu cho người khác, còn mình thì lại ngộp thở trong cuộc sống như người không biết Chúa. Thật uổng vô cùng…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vẻ Chân dung
Lm. Minh Anh
22:51 06/06/2021
VẼ CHÂN DUNG

Đến Âu Châu một vài lần, một trong những ấn tượng nhất của tôi là các nghệ sĩ đường phố. Đó là các nghệ sĩ vĩ cầm, phong cầm và cả dương cầm, cùng các loại kèn đồng; họ thường biểu diễn một mình, đôi khi một nhóm. Thế nhưng, những con người tài hoa giữ chân tôi lâu nhất, luôn luôn là các hoạ sĩ; họ vẽ trên vải, trên giấy, trên cát và thậm chí, trên cả mặt đường của con phố. Họ vẽ thật nhanh một tấm ảnh du khách mang theo; hay tuyệt hơn, một du khách ngồi để được họ ‘vẽ chân dung’; chỉ trong 10 đến 20 phút, một tuyệt phẩm khác nào ảnh chụp ra đời. Với tôi, các nghệ sĩ này là những con người làm nên một nét văn hoá không thể thiếu của đường phố Âu Châu.

Kính thưa Anh Chị em,

Vẽ chân dung, một kỹ năng rất chuyên biệt và đa dạng với các trường phái; không tin, bạn cứ đến Piazza Navona, Rôma. Cũng thế, sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay được đọc dưới cái nhìn thán phục, đầy ngưỡng mộ của một người thưởng lãm đang chôn chân trước một hoạ sĩ ‘vẽ chân dung’.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi công bố các mối phúc, Chúa Giêsu khác nào một nghệ sĩ đang ‘vẽ chân dung’ của chính Ngài. Chúa Giêsu vẽ ‘nét tinh thần nghèo khó’ và không thể nghèo hơn, ở chỗ, Ngài tuỳ thuộc hoàn toàn vào Chúa Cha, “Chim trời có tổ, con chồn có hang, Con Người không chỗ gối đầu!”. Ngài vẽ ‘nét hiền lành, khiêm nhượng’ có một không hai, để ai nào dám nói như Ngài, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”. Mang lấy phận người, sầu buồn như bao người, Ngài vẽ nên ‘nét buồn đau’ một cách rất người, “Tâm hồn Thầy u buồn đến chết được!”. Ngài vẽ ‘nét đói khát điều công chính’ thật thâm trầm khi ý Cha trên trời không được thực hiện, “Giá mà các người biết Tôi là ai, và ai là Đấng đã sai Tôi!”. Ngài vẽ nên bao ‘nét xót thương’ bàng bạc trong các Tin Mừng, cách riêng với những kẻ tan vỡ và những người tội lỗi, vì tên Ngài còn được gọi là “Xót Thương”, “Tôi cũng không kết án chị; chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Ngài vẽ ‘nét thanh sạch của tâm hồn’ mình, những chỉ muốn điều Chúa Cha muốn, đến nỗi Ngài dám nói, “Nào ai bắt Tôi được điều gì!”. Ngài ôn hoà, không gây hấn, vẽ ‘nét kiến tạo hòa bình’ giữa nhân loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, “Ngài bỏ họ mà qua bờ bên kia!”. Và Ngài vẽ ‘nét chịu bách hại vì lẽ công chính’ đến nỗi phải chết trên thập giá; thế nhưng, lại biện hộ cho kẻ bất chính giết chết Ngài, “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!”.

Khi vẽ chân dung của chính mình, Chúa Giêsu cũng muốn những ai theo Ngài mỗi ngày, vẽ cho họ chân dung của chính họ; Ngài mỏi mong mỗi người vẽ làm sao để chân dung họ hoàn toàn giống chân dung Ngài; đến độ người đời có thể nhầm lẫn, không biết đâu là họ, chẳng biết đâu là Ngài! Đó là chân dung của mỗi người chúng ta, vốn đang được kêu gọi để trải nghiệm, sao cho cách sống bên trong có thể phản ảnh ra bên ngoài như con người của Ngài. Thật trùng hợp, sâu lắng và ý vị! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã mời gọi, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”. Vậy mà, chúng ta không thể tự mình trở thành con người của các mối phúc, nghĩa là có thể tự sức nên giống Chúa Giêsu; nhất định cần phải có sự trợ giúp của Ngài và ân huệ của Thánh Thần Ngài! Từ bên trong mỗi người, Thánh Thần phải có khả năng uốn nắn toàn bộ con người chúng ta từ trái tim, tâm trí và linh hồn; nhờ đó, cây cọ của chúng ta mới có khả năng tự ‘vẽ chân dung’ mình ngày càng giống chân dung Giêsu. Không có cách nào khác!

Thật tuyệt vời! Khởi đầu thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô chia sẻ trải nghiệm “nếm thử” và “nhìn coi” chân dung Giêsu, Thầy mình; đồng thời, Phaolô chiêm ngắm một cách thèm thuồng các mối phúc Chúa Cha đã ban cho Thầy mình; nhờ đó, vị tông đồ dân ngoại đã vẽ được chân dung chính mình y tạc chân dung Thầy mình. Phaolô nói, “Cũng như các nỗi đau khổ của Đức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy!”.



Anh Chị em,

Như thánh Phaolô, nếu chúng ta cho phép Chúa Giêsu chạm vào cuộc sống mình, khi hân hoan cũng như ngày buồn đau, chúng ta cũng sẽ có khả năng hỗ trợ người khác khi họ trải qua ‘lũng tối âm u’ của chính họ. Như Phaolô, đó cũng là sứ vụ của chúng ta; và như thế, việc ‘vẽ chân dung’ của chính mình mỗi ngày sẽ là sống một cuộc sống ân sủng, sống cuộc sống nên thánh. Ai trong chúng ta cũng muốn ‘vẽ chân dung’ mình thật nhanh, nhanh hơn các hoạ sĩ đường phố. Nhưng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn, vì như thế, chúng ta sẽ giống một ai đó chứ không giống Chúa Giêsu. Ngài muốn chúng ta mỗi ngày, vẽ thật chậm, vẽ từng nét; nét cầu nguyện, nét yêu thương, nét bỏ mình, nét tha thứ, nét chết cho tội lỗi để sống cho một mình Thiên Chúa trọn vẹn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, ngày nào con cũng ‘vẽ chân dung’ của con; nhưng xem ra, càng vẽ con càng không nhận ra mình, phương chi là việc con giống Chúa. Xin giúp con biết cách cầm cọ, biết bắt đầu từ đâu, từ bên trong chính con, nhờ ân sủng của Chúa; hầu chân dung đời con cũng là một tuyệt phẩm, đến nỗi người khác sẽ nhầm lẫn chân dung con với chân dung Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tiếp ông Joe Biden vào ngày 15 tháng 6. Nguy cơ bị lợi dụng
Đặng Tự Do
04:26 06/06/2021


Theo nguồn tin từ điện Tông Tòa Vatican, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Joe Biden có thể sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 6.

Biden có thể sẽ đến Rôma để triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi bay tới Geneva để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16 tháng 6. Mặc dù cuộc gặp gỡ này chưa được xác nhận, nhưng một nguồn tin khác từ Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước của Vatican nói rằng một cuộc gặp gỡ như thế “có khả năng xảy ra”.

Biden dự kiến có mặt ở Âu Châu để dự hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại Brussels vào ngày 14 tháng 6. Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm 3 tháng 6, ông Joe Biden dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Minh Âu Châu vào ngày 15 tháng 6, và sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Bỉ.

Nếu được xác nhận, chuyến thăm này sẽ diễn ra trong bối cảnh Biden vẫn chưa bổ nhiệm tân đại sứ tại Tòa thánh. Bên cạnh đó, trong một cử chỉ đầy thách thức, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh đã thông báo vào hôm thứ Ba, ngày 1 tháng 6, rằng họ sẽ treo cờ “Tự hào Đồng Tính” trong suốt tháng 6.

Theo truyền thống, tháng 6 được xem là Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các nhà vận động đồng tính đã tìm mọi cách để biến tháng này thành tháng “Tự hào Đồng Tính”

Cử chỉ đầy thách thức này được xem là để chống lại một tuyên bố vào ngày 15 tháng Ba của Bộ Giáo Lý Đức Tin theo đó Giáo Hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Đức Hồng Y Luis Ladaria vạch rõ rằng: “sự chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa.

Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì ‘chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm’. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào. Vì thế, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.”

Chương trình của Biden ở Âu Châu

Biden dự kiến sẽ đến Âu Châu vào tháng 6 để tham gia một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Vương quốc Anh, Bỉ và Thụy Sĩ.

Ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10 tháng 6 trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các quốc gia công nghiệp phát triển lớn. Ông và vợ dự kiến gặp Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 13 tháng 6.

Vào ngày 14 tháng 6, Biden dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vào trung tuần tháng 6, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ nhau theo phương thức trực tuyến trong phiên họp toàn thể mùa xuân của các ngài từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 6. Tại cuộc họp, các giám mục dự kiến sẽ cân nhắc và biểu quyết về tiến trình soạn thảo một văn kiện liên quan đến tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể.

Đề cương được đề xuất cho tài liệu bao gồm một phần về “Tính nhất quán của Thánh Thể”, được mô tả là, “Bản chất của việc hiệp thông thánh thể và vấn đề tội trọng”.

Chủ đề về Hiệp thông dành cho các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai và an tử đã trở nên nổi bật hơn kể từ khi Biden được bầu vào chức vụ tổng thống; ông là tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ theo đạo Công Giáo, nhưng lại ủng hộ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago và các giám mục khác gần đây đã tìm cách trì hoãn cuộc thảo luận về tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, cho biết cuộc thảo luận sẽ diễn ra theo kế hoạch.
Source:Catholic News Agency

 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Ba Lan
Đặng Tự Do
04:27 06/06/2021


Người Công Giáo đã tham gia vào các cuộc rước Corpus Christi trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm 3 tháng 6.

Hàng triệu người đã tham gia vào các cuộc rước kiệu ngày 3 tháng 6 với khẩu trang y tế và tuân theo các quy định hạn chế về coronavirus tại địa phương để kỷ niệm ngày lễ Corpus Christi, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi.

Theo truyền thống của Ba Lan, các bé gái gần đây được Rước Lễ lần đầu đã rải những cánh hoa hồng trước Mình Thánh Chúa, được một linh mục kính cẩn cung nghinh trong một Mặt Nhật dưới một lọng che.

Mừng lễ Corpus Christi ở Poznań, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nói rằng “không một cộng đồng Kitô giáo nào có thể vượt qua được sự cô đơn và hình thành được một cộng đồng nếu cộng đồng đó không có nguồn gốc và cơ sở từ việc cử hành Thánh Thể”.

Đức Cha Andrzej Przybylski, Giám Mục Phụ Tá của Częstochowa, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại Jasna Góra, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen rất được các tín hữu Ba Lan tôn kính.

“Kho báu lớn nhất của Đền thờ Jasna Góra không phải là bức ảnh tuyệt vời và đẹp đẽ này của Đức Mẹ Jasna Góra mà chính là Mình Thánh Chúa và lời cầu nguyện quan trọng nhất và hiệu quả nhất là Thánh Lễ. Bí tích Thánh Thể là mặt trời và là trung tâm đức tin của chúng ta,” Đức Cha Przybylski nói trong bài giảng.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak của tổng giáo phận Gniezno nhận xét rằng Corpus Christi “là về nhận thức sống động rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và bản chất này không thể và không bao giờ có thể thay thế được bằng thực tại ảo.”

Hội đồng giám mục Ba Lan tuyên bố rằng “trong suốt tám ngày chung quanh lễ Corpus Christi, người Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc rước, là một phần của lòng mộ đạo qua đó người Ba Lan bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.”

Corpus Christi là một ngày lễ quốc gia ở Ba Lan. Tham gia vào một đám rước không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin công khai, mà còn là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Dưới sự cai trị của cộng sản sau Thế chiến thứ hai, các cuộc rước kiệu Corpus Christi là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và đức tin của dân tộc. Các nhà chức trách vô thần đã cố gắng cấm các đám rước trong nhiều trường hợp.

Thông thường, sau khi tham dự cuộc rước của giáo xứ mình, người Công Giáo viếng thăm bốn nhà thờ lân cận. Tại mỗi nơi, trong khi các tín hữu cầu nguyện, vị linh mục sở tại ban phép lành Mình Thánh Chúa và đọc Tin Mừng.

Ba Lan, với dân số gần 38 triệu người, trong đó 93% là người Công Giáo, đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi đại dịch so với các nước Âu Châu khác.

Nhưng đợt coronavirus thứ ba vào năm 2021 đã gây áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia và khiến chính phủ phải thắt chặt các hạn chế.

Năm nay, vì đại dịch, các đám rước có một đặc điểm khác. Các cuộc rước trung tâm tại các thủ phủ của các giáo phận với sự tham dự của các giám mục bị hạn chế và các tuyến đường được rút ngắn. Người Công Giáo được khuyến khích tham gia vào các đám rước của các giáo xứ địa phương ở gần nhà của họ.

Corpus Christi ở Ba Lan có một số truyền thống dân gian ngoài việc rải những cánh hoa, còn bao gồm biểu diễn các ca khúc và mặc các trang phục dân gian.

Một phong tục khác là đặt các thảm hoa. Ở Spycimierz, một giáo xứ nhỏ ở miền trung Ba Lan, truyền thống này đã được gìn giữ trong hơn 200 năm, và những tấm thảm hoa trải dài hơn một cây số.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 6, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
08:07 06/06/2021


Hiện nay có 22 quốc gia vẫn mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, thường được gọi là Corpus Christi, vào đúng ngày chính lễ, là ngày Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi.

Các quốc gia khác, trong đó có Ý, Vatican, Việt Nam dời lễ này sang ngày Chúa Nhật.

Bài Phúc Âm trong ngày tường thuật Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể như sau:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tại Ý và các nước khác, Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành. Tin Mừng trình bày cho chúng ta câu chuyện Bữa Tiệc Ly (Mc 14:12-16:22-26). Lời nói và cử chỉ của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta: Người cầm lấy bánh trong tay, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, này là Mình Thầy “ (c. 22).

Như thế, với sự đơn giản, Chúa Giêsu ban cho chúng ta bí tích vĩ đại nhất. Cử chỉ của Người là một cử chỉ khiêm tốn trao ban, một cử chỉ chia sẻ. Ở tột đỉnh cuộc đời, Ngài không phân phát bánh mì dư dật cho đám đông ăn, nhưng tự bẻ mình ra trong bữa ăn tối Vượt Qua với các môn đệ. Bằng cách này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc đời nằm ở việc cho đi chính mình, và điều lớn lao nhất là phục vụ. Và hôm nay chúng ta tìm thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong một tấm Bánh, trong sự mong manh mà tràn ngập tình yêu thương, tràn ngập sự chia sẻ. Mong manh là từ mà tôi muốn nhấn mạnh. Chúa Giêsu trở nên mỏng manh như tấm bánh bị bẻ ra và vỡ vụn. Nhưng sức mạnh của Ngài nằm ở sự mong manh này. Trong Bí tích Thánh Thể, mong manh là sức mạnh: đó là sức mạnh của tình yêu trở nên nhỏ bé để được chấp nhận và không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu thương bẻ ra chia cắt để nuôi dưỡng và trao ban sự sống; sức mạnh của tình yêu vỡ ra để mang tất cả chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất.

Và có một sức mạnh khác nổi bật trong sự mong manh của Bí tích Thánh Thể: sức mạnh để yêu thương những người lầm lỗi. Chính trong đêm bị phản bội, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bánh sự sống. Ngài ban cho chúng ta món quà lớn nhất khi Ngài cảm nhận được vực thẳm sâu nhất trong trái tim mình: người môn đệ cùng ăn cùng uống với Ngài, người nhúng miếng bánh vào cùng một chén, đang phản bội Ngài. Sự phản bội là nỗi đau lớn nhất của những người đang yêu. Và Chúa Giêsu làm gì? Thưa: Ngài phản ứng với cái ác bằng điều thiện lớn hơn. Trước tiếng “không” của Giuđa, Ngài trả lời bằng tiếng “xin vâng” của lòng thương xót. Ngài không trừng phạt kẻ có tội, nhưng hiến mạng sống cho hắn, trả giá cho hắn. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta: Người biết chúng ta, Người biết chúng ta là những người tội lỗi, Người biết chúng ta quá sai lầm, nhưng Người không bỏ cuộc và tiếp tục trao ban chính Người cho chúng ta. Ngài biết chúng ta cần, vì Thánh Thể không phải chỉ là phần thưởng của các thánh, không, Thánh Thể còn là Bánh của tội nhân. Vì điều này, Ngài khuyến khích chúng ta: “Đừng sợ! Hãy cầm lấy mà ăn”.

Mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bánh sự sống, Chúa Giêsu lại đến để ban cho sự yếu đuối của chúng ta một ý nghĩa mới. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quý giá trong mắt Ngài hơn chúng ta nghĩ. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài rất vui nếu chúng ta chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta với Ngài. Ngài lặp lại với chúng ta rằng lòng nhân từ của Ngài không sợ những đau khổ của chúng ta. Lòng thương xót của Chúa Giêsu không sợ những khốn khổ của chúng ta. Và trên tất cả, bằng tình yêu thương, lòng thương xót ấy chữa lành chúng ta khỏi những yếu đuối mà chúng ta không thể tự mình chữa lành. Chúng ta có thể nghĩ: Yếu đuối nào? Cảm giác phẫn uất đối với những người đã làm tổn thương chúng ta – chỉ điều này thôi cũng cho thấy chúng ta không thể tự chữa lành; rồi còn thái độ xa cách người khác và cô lập bản thân - chúng ta cũng không thể tự chữa lành; khóc lóc và than phiền mà không tìm thấy được sự bình yên; ngay cả điều này, chúng ta cũng không thể chữa lành một mình. Chính Người chữa lành chúng ta bằng sự hiện diện của Người, bằng tấm bánh của Người, bằng Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là liều thuốc hữu hiệu chống lại những sự khép kín này. Thật vậy, Bánh Sự Sống chữa lành những cứng nhắc và biến chúng thành sự ngoan ngoãn. Bí tích Thánh Thể chữa lành vì bí tích ấy kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu: làm cho lối sống của chúng ta đồng hóa với lối sống của Người, nghĩa là có khả năng trao ban và hiến thân cho anh em, và đáp trả điều ác với điều thiện. Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta can đảm để thoát ra khỏi chính mình và cúi xuống với tình yêu thương trên sự yếu đuối của người khác. Như Chúa làm với chúng ta. Đây là luận lý của Bí tích Thánh Thể: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta và chữa lành những yếu đuối của chúng ta để yêu thương người khác và giúp đỡ họ khi họ yếu đuối. Và làm điều này, trong suốt cuộc đời. Hôm nay, trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta đã cầu nguyện với một bài thánh ca: gồm bốn câu là bản tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn câu ấy cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu được sinh ra, Ngài đã trở thành một người bạn đồng hành trong cuộc đời chúng ta. Sau đó, trong bữa ăn tối, Ngài ban chính mình làm phần lương cho chúng ta. Sau đó, trên thập tự giá, trong cái chết của Người, Chúa đã trả giá: Ngài đã trả giá cho chúng ta. Và bây giờ, ngự trên Thiên đàng, Ngài là phần thưởng của chúng ta, là những gì đang chờ đợi chúng ta tìm kiếm [x. Thánh Thi Lễ Mình Máu Thánh Chúa].

Xin Đức Trinh Nữ, nơi Mẹ Chúa đã trở nên xác phàm, giúp chúng con biết đón nhận ân sủng Thánh Thể với tấm lòng biết ơn và để cuộc đời chúng ta trở nên một món quà. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành một món quà cho người khác.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến,

Tôi đau đớn theo dõi tin tức đến từ Canada về sự phát hiện gây kinh hoàng liên quan đến hài cốt của 215 trẻ em, là học sinh của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, ở tỉnh British Columbia. Tôi tham gia cùng các giám mục Canada và toàn thể Giáo Hội Công Giáo ở Canada bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Canada, bị tổn thương bởi tin tức gây kinh hoàng này. Khám phá đáng buồn càng nâng cao nhận thức về những đau đớn và đau khổ trong quá khứ. Mong các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác với quyết tâm làm sáng tỏ câu chuyện đáng buồn đó và khiêm tốn dấn thân vào con đường hòa giải và hàn gắn.

Những khoảnh khắc khó khăn này làm dấy lên một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta, hãy rời xa mô hình thuộc địa, cũng như thoát khỏi chế độ thực dân ý thức hệ ngày nay, và sánh bước bên nhau trong đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và các giá trị văn hóa của tất cả những đứa trẻ ở Canada.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa linh hồn của tất cả những trẻ em đã qua đời trong khu nội trú trường học ở Canada và cầu nguyện cho các gia đình và cộng đồng bản địa Canada đang bị đau đớn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Tôi muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của vụ thảm sát được thực hiện vào đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy tại một thị trấn nhỏ ở Burkina Faso. Tôi gần gũi với các gia đình và toàn thể người dân Burkinabé, những người đang phải chịu đựng rất nhiều những cuộc tấn công lặp đi lặp lại này. Châu Phi cần hòa bình chứ không cần bạo lực!

Ngày hôm nay tại Chiavenna, thuộc Giáo phận Como, Nữ tu Maria Laura Mainetti, Dòng Nữ Tử Thánh Giá, được phong chân phước. Sơ bị giết cách đây 21 năm bởi ba cô gái bị ảnh hưởng bởi một giáo phái satan. Thật là tàn nhẫn. Sơ ấy yêu những người trẻ hơn tất cả, yêu thương và tha thứ cho những cô gái là tù nhân tội ác, và để lại cho chúng ta chương trình sống của sơ ấy: làm mọi việc dù nhỏ đến đâu với niềm tin, tình yêu và nhiệt huyết. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta đức tin, tình yêu và lòng nhiệt thành. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân Phước!

Ngày mốt, Thứ Ba ngày 8 tháng 6, lúc 13g00, Công Giáo Tiến Hành Quốc Tế mời anh chị em dành một phút cho hòa bình, mỗi người theo truyền thống tôn giáo của riêng mình. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Thánh Địa và cho Miến Điện.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em đến từ Rôma, Ý và các nước khác. Đặc biệt, tôi chào các chàng trai của nhóm Progetto Contatto ở Turin và Nhóm tôn sùng Đức Mẹ Ban Phép Lạ ở Corbetta, các gia đình ở Cerignola và Hiệp hội Xe Cứu Thương Quốc gia, cùng đông đảo các công nhân từ các hội chợ và các nghệ sĩ đường phố. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì những món quà mà anh chị em đã mang lại. Và tôi cũng xin chào những người Salento từ phía nam Puglia, những người đang nhảy pizzica ở chỗ kia! Rất đẹp! Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ.

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Caritas Bangladesh báo động về ứng dụng điện thoại của Trung Quốc sau khi 1,500 phụ nữ bị lừa
Đặng Tự Do
16:06 06/06/2021


1,500 phụ nữ và trẻ em gái Bangladesh đã bị bán sang Ấn Độ và các nước vùng Vịnh Ba Tư trong những năm gần đây. Họ là nạn nhân của 3 tên lưu manh nhưng như cảnh sát Bangladesh chỉ ra nếu không có TikTok, một chương trình ứng dụng trên điện thoại của Trung Quốc, 3 tên lưu manh này không thể lừa đảo được một số lượng phụ nữ và trẻ em gái đông đảo như thế.

Vụ bắt giữ được thực hiện sau khi một phụ nữ Bangladesh bị buôn bán sang Ấn Độ bỏ trốn và trở về nhà sau 77 ngày bị giam trong một ổ mại dâm và đệ đơn kiện theo Đạo luật Ngăn chặn và Triệt hạ nạn Buôn bán Người của nước này.

Mohammad Shahidullah, Phó ủy viên Cảnh sát Thủ đô Dhaka, xác nhận với UCA News rằng sau nhiều tuần bị truy bắt, ba tên lưu manh này đã bị bắt giữ ở quận Satkhira gần biên giới với Ấn Độ vào ngày 1 tháng 6.

Ông cho biết những người bị bắt là Mehedi Hasan Babu, Mohiuddin và Abdul Quader. Ba tên này là chủ mưu, ngoài ra còn có 9 tên khác trong một mạng lưới tổng cộng 12 người đã bị buộc tội buôn bán khoảng 1,500 phụ nữ.

Cô gái bị buôn người nói với một kênh truyền hình tư nhân rằng bọn lưu manh đã tiếp cận với cô qua mạng xã hội TikTok, rồi đưa cô đến Ấn Độ bằng cách hứa đưa cô trở thành ngôi sao TikTok và cho cô một công việc lương cao.

Cô ấy được đưa đến nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ bao gồm cả Bengaluru và Chennai, nơi cô ấy bị lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục. Cô nói thêm rằng cô ấy phát hiện nhiều phụ nữ Bangladesh giống như cô đang làm công việc bán dâm trong các khách sạn ở Ấn Độ

Theo dữ liệu từ cảnh sát, khoảng 10,000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị bọn buôn người đưa ra khỏi Bangladesh và khoảng 5,000 trường hợp đã đệ đơn kiện những kẻ buôn người kể từ năm 2013.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng do việc thực thi pháp luật kém và tỷ lệ kết án cực thấp, nạn buôn người đang phát triển mạnh ở Bangladesh.

Linh mục Liton H. Gomes, thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Bangladesh, nói rằng việc thực thi pháp luật kém và chậm trễ trong công lý đã thúc đẩy các tội ác ghê tởm như buôn người.

“Đã có luật nhưng do chưa thực thi hợp lý nên tội phạm đang được khuyến khích. Đồng thời, cần điều tra xem có ai trong xã hội hoặc các cơ quan chính phủ có liên quan đến họ hay không”, Cha Gomes nói với UCA News.

Vị linh mục cho biết ủy ban đang cộng tác với tổ chức bác ái Công Giáo Caritas để giải quyết nạn buôn người ở những khu vực có sự hiện diện của Giáo hội. Các chương trình đang thực hiện bao gồm xây dựng nhận thức và đào tạo thông qua các nhóm và trường học.

“ Chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc mà qua đó chúng tôi có thể làm cho mọi người nhận thức được cũng như sắp xếp việc phục hồi chức năng và điều trị tâm thần cho họ nếu ai đó trở về sau khi đã là một nạn nhân của nạn buôn người,” Cha Gomes nói thêm.
Source:UCANews
 
Đức Hồng Y Sri Lanka kiện chủ tàu vì gây ô nhiễm
Đặng Tự Do
16:07 06/06/2021


Hồng Y Malcolm Ranjith đã quyết định khởi kiện chủ nhân của con tàu đã gây ra thảm họa môi trường trên bờ biển Sri Lanka.

Ngài cho biết cộng đồng ngư dân đã bị thiệt hại nghiêm trọng do tàu MV X-Press Pearl được đăng ký tại Singapore, đã phun chất thải hóa học ra biển kể từ khi bị bốc cháy vào ngày 20/5.

“Tôi sẵn sàng đi đầu trong việc khởi kiện công ty sở hữu con tàu,” Đức Hồng Y Ranjith nói vào ngày 2 tháng 6 tại Colombo.

Con tàu container đang chở 25 tấn axit nitric cùng với các hóa chất và mỹ phẩm khác thì ngọn lửa bùng lên sau một vụ nổ.

Các quan chức đã cảnh báo mọi người không chạm vào bất kỳ mảnh vỡ nào trôi dạt trên các bãi biển vì nó có thể gây hại. Hơn 1,000 người bao gồm cả hải quân và quân đội đã dọn dẹp các bãi biển trong những ngày gần đây.
Source:UCANews
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Ước mong Thánh Thể Chúa biến đổi thế giới
Thanh Quảng sdb
17:18 06/06/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô: Ước mong Thánh Thể Chúa biến đổi thế giới

ĐTC Phanxicô cử hành lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Ngài nhắc nhở chúng ta về nhu cầu của sự hiện diện và tình yêu Chúa, như là Thức ăn và đồ uống cho sự sống vĩnh cửu, để nâng đỡ chúng ta trên con đường hành trình về quê trời.

(Tin Vatican)

Chủ sự Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về ba hình ảnh mà ngài suy diễn từ Tin Mừng thánh Máccô trong phụng vụ hôm nay.

Hình ảnh đầu tiên là người đàn ông mang theo một bình nước, người này sẽ dẫn các tông đồ đến Phòng Tiệc Ly. Đức Thánh Cha nói hình ảnh này có thể được coi là một lời mời gọi tới “sự khao khát của chúng ta đối với Thiên Chúa, cảm nhận được nhu cầu của chúng ta đối với Ngài, khao khát sự hiện diện và tình yêu của Ngài, để nhận ra rằng chúng ta không thể hành trình đơn lẻ, chúng ta cần Thức ăn và đồ uống cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta.” Điều đáng buồn là thời nay, lòng khao khát Thiên Chúa đã bị mai một đi, Đức Thánh Cha và Giáo Hội ngày nay được mời gọi “ra đi gặp gỡ mọi người và học cách nhận ra và làm sống lại lòng khát khao Thiên Chúa và Tin Mừng.”

Hình ảnh thứ hai mà Đức Thánh Cha đề cập tới là Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài ăn Lễ Vượt Qua. ĐTC lưu ý đó là “một căn phòng lớn cho một mẩu Bánh nhỏ”, tượng trưng cho cách “Chúa làm cho chính Ngài trở nên tấm bánh nhỏ bé”, còn chúng ta “cần một trái tim rộng lớn để có thể nhận ra, tôn thờ và đón nhận Chúa.”

Đức Thánh Cha tiếp tục nói chúng ta cần mở rộng tâm hồn để thoát ra khỏi chính mình và bước vào không gian rộng lớn của Nhà Tiệc Ly để cảm nghiệm “không gian rộng lớn của sự ngạc nhiên và sự tôn thờ” về sự hiện diện khiêm tốn, vô biên, yêu thương của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao việc tôn thờ thay cho “thái độ mà chúng ta cần có với Bí tích Thánh Thể”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Giáo hội phải là một căn phòng lớn, chứ không phải là một không gian nhỏ, khép kín! thay vào đó, là “một cộng đồng với vòng tay rộng mở, chào đón tất cả mọi người”, nơi mọi người có thể bước vào. ĐTC nhắc lại rằng “Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng những ai mệt mỏi và đói khát trên đường đời” và “Giáo hội của sự trong sáng và hoàn hảo là một căn phòng có đủ chỗ cho mọi người”.

Hình ảnh cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại việc Chúa Giêsu bẻ Bánh, “cử chỉ Thánh Thể thì tuyệt vời.” ĐTC Phanxicô gọi đây là “dấu hiệu đặc biệt của đức tin chúng ta… nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng đã hiến dâng chính Ngài để chúng ta có thể được tái sinh vào cuộc sống mới.” Ngài giải thích, Chúa Giêsu trở thành Chiên Con hiến dâng chính Ngài để ban sự sống cho chúng ta, và vì thế “trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa tình yêu.” Ở đây, chúng ta trân quí một tình yêu vô bờ bến và món quà mà Chúa dành cho chúng ta, và bằng cách “cử hành và cảm nghiệm Bí tích Thánh Thể”, chúng ta chia sẻ tình yêu này, nhưng trái tim của chúng ta phải mở ra cho anh chị em chúng ta qua những chia sẻ niềm đau của họ và giúp đỡ họ trong những nhu cầu cấp thiết. ĐTC cho biết các buổi cử hành Thánh Thể của chúng ta sẽ biến đổi thế giới, nếu chúng ta cho phép mình “được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho tha nhân”.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cuộc rước Mình Thánh Chúa, như dấu ấn đặc trưng của lễ Mình Máu Thánh Chúa, “nhắc nhở chúng ta được kêu gọi ra đi và mang Chúa Giêsu đến cho người khác”. ĐTC khuyến khích mọi người hãy làm việc này với lòng nhiệt thành, “mang Chúa Kitô đến cho những người chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày,” cũng như cộng đồng tín hữu, Giáo hội phải trở thành một “căn phòng rộng lớn để chào đón mọi người vào và gặp gỡ Chúa.”
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa ngày 6/6/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
18:31 06/06/2021


Lúc 5giờ 30 chiều Chúa nhật 6 tháng 6, bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô cùng với tất cả các Hồng Y trong giáo triều Rôma hay đang có mặt tại Rôma.

Thông thường, đặc biệt là dưới thời các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô, thánh lễ này được cử hành tại trước tiền tình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và được tiếp nối với một cuộc rước kiệu Thánh Thể long trọng trên các đường phố Rôma từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Do các hạn chế liên quan đến COVID-19, thánh lễ năm nay được cử hành đơn sơ tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với một số tín hữu hạn chế.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta tự hỏi: Chúng ta muốn chuẩn bị lễ Vượt Qua của Chúa ở đâu? Những nơi chốn nào trong cuộc sống Chúa yêu cầu chúng ta tiếp đón Người?”

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi dọn chỗ để cử hành bữa ăn Vượt qua. Chính các môn đệ đã hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mc 14:12). Khi chiêm ngắm và tôn thờ sự hiện diện của Chúa trong Bánh Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi tự hỏi: chúng ta muốn chuẩn bị Lễ Vượt Qua của Chúa ở “nơi nào”? Đâu là những “nơi” trong cuộc sống của chúng ta mà Thiên Chúa muốn chúng ta mừng lễ? Tôi muốn trả lời những câu hỏi này bằng cách dựa vào ba hình ảnh của Tin Mừng mà chúng ta đã nghe (Mc 14: 12-16:22-26).

Đầu tiên là hình ảnh của người đàn ông mang một vò nước (xem câu 13). Đó là một chi tiết có vẻ thừa thãi. Nhưng người đàn ông hoàn toàn vô danh đó lại trở thành người dẫn đường cho các môn đệ đang tìm kiếm nơi mà sau này sẽ được gọi là Phòng Tiệc Ly. Và cái vò đựng nước chính là dấu hiệu nhận biết: đó là dấu chỉ khiến chúng ta liên tưởng đến loài người đang khát nước, luôn tìm kiếm một nguồn nước, và khi nguồn nước cạn kiệt thì tìm nguồn nước khác. Tất cả chúng ta đều bước qua cuộc đời với một chiếc vò trên tay: tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta, đều khao khát tình yêu, niềm vui, một cuộc sống thành công trong một thế giới nhân văn hơn. Và đối với cơn khát này, nước của thế gian là vô ích, bởi vì đó là một cơn khát rất sâu xa, mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn.

Tiếp tục theo dõi “tín hiệu” biểu tượng này, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng một người có cái vò nước sẽ dẫn họ đến nơi mà họ có thể cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua. Vì vậy, để cử hành Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải nhận ra sự khát khao Thiên Chúa của chính mình: cảm thấy cần đến Người, khao khát sự hiện diện của Người và tình yêu của Người, ý thức rằng chúng ta không thể làm điều đó một mình nhưng chúng ta cần thức ăn và thức uống mang đến cuộc sống vĩnh cửu để nâng đỡ chúng ta trên đường. Chúng ta có thể nói thảm kịch của ngày hôm nay là cơn khát thường bị dập tắt. Những câu hỏi về Thiên Chúa đã bị dập tắt, lòng khao khát Ngài đã phai tàn, những người tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên hiếm hoi. Thiên Chúa không còn thu hút bởi vì chúng ta không còn cảm thấy sự khát khao sâu thẳm của mình. Nhưng chỉ nơi nào có những người nam hay người nữ cầm vò đựng nước - chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ xứ Samaritanô (x. Ga 4: 5-30) – thì chỉ có ở đó, Chúa mới có thể tỏ mình ra là Đấng ban sự sống mới, Đấng nuôi dưỡng hy vọng đáng tin cậy, những ước mơ và khát vọng của chúng ta, Đấng mà sự hiện diện của tình yêu Người mang lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Như chúng ta đã lưu ý, chính người đàn ông với chiếc vò nước đã dẫn các môn đệ đến căn phòng nơi Chúa Giêsu sẽ cử hành Bí tích Thánh Thể. Chính sự khao khát Chúa dẫn chúng ta đến bàn thờ. Khi không còn cảm thấy khát, các cử hành của chúng ta trở nên khô khan. Như thế, trong tư cách là một Giáo hội, việc một nhóm nhỏ những khuôn mặt quen thuộc tụ họp nhau lại để cử hành Thánh Thể thì không thể coi là đủ; chúng ta phải đi đến thành phố, gặp gỡ dân chúng, học cách nhận biết và đánh thức lòng khát khao Thiên Chúa và khao khát Tin Mừng.

Hình ảnh thứ hai là căn phòng lớn ở tầng trên (x. câu 15). Tại đó, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài sẽ dùng bữa tối Lễ Vượt Qua và căn phòng này nằm trong nhà của một người chủ. Cha Primo Mazzolari nói: “Đây là một người đàn ông không có tên, một người chủ nhà, đang cho Chúa Giêsu mượn căn phòng đẹp nhất của anh ta. […] Anh ấy đã cho đi những gì anh ấy có lớn nhất bởi vì mọi thứ xung quanh Phòng Tiệc Ly đều tuyệt vời, căn phòng và trái tim, lời nói và cử chỉ” (La Pasqua, La Locusta 1964, 46-48).

Một phòng lớn cho một mẩu bánh mì nhỏ. Thiên Chúa biến mình trở nên nhỏ bé như một mẩu bánh mì và vì lý do này Ngài cần có một trái tim lớn để có thể nhận biết, tôn thờ và chào đón Ngài. Sự hiện diện của Thiên Chúa rất khiêm tốn, tiềm ẩn, đôi khi vô hình, đến nỗi sự hiện diện ấy cần một trái tim chuẩn bị, tỉnh thức và chào đón để được nhận ra. Trái lại, nếu trái tim của chúng ta không phải là một căn phòng lớn, nhưng chỉ giống như một cái tủ, nơi chúng ta cất giữ những thứ cũ kỹ với sự tiếc nuối; nếu nó trông giống như một căn gác xép nơi chúng ta đã đặt bao tâm huyết và ước mơ từ lâu của mình; nếu nó trông giống như một căn phòng chật chội, một căn phòng tối tăm vì chúng ta chỉ sống dựa vào bản thân với những vấn đề của chúng ta và những cay đắng của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện âm thầm và khiêm nhường này của Thiên Chúa. Chúng ta cần một căn phòng lớn. Trái tim phải được mở rộng. Cần phải rời khỏi căn phòng nhỏ là bản ngã của chúng ta và bước vào không gian tuyệt vời của sự ngạc nhiên và tôn thờ. Chúng ta rất thiếu thốn điều này! Chúng ta thiếu điều này trong rất nhiều hoạt động mà chúng ta thực hiện để gặp gỡ, đoàn tụ, cùng nhau suy nghĩ về việc chăm sóc mục vụ… Nhưng nếu thiếu điều này, nếu không có sự ngạc nhiên và tôn thờ, thì không có con đường nào dẫn chúng ta đến với Chúa. Thậm chí cả một thượng hội đồng cũng không đưa chúng ta đến đâu, không đến đâu cả. Đây là thái độ trước Bí tích Thánh Thể, đây là điều chúng ta cần: đó là tôn thờ. Giáo Hội cũng phải là một hội trường lớn. Không phải là một vòng tròn nhỏ và khép kín, mà là một cộng đồng với vòng tay rộng mở, chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: khi một người nào đó bị thương, một người nào đó đã phạm sai lầm, một người nào đó có một lối sống khác đến gần, thì Giáo hội, Giáo hội này, có phải là một căn phòng tuyệt vời để chào đón người đó và dẫn người đó đến với niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô không? Bí tích Thánh Thể muốn nuôi dưỡng những ai mệt mỏi và đói khát trên đường đi, chúng ta đừng quên điều đó! Giáo Hội của sự hoàn hảo và tinh khiết là một căn phòng không có chỗ cho bất cứ ai; Thay vào đó, Giáo Hội với những cánh cửa rộng mở, nơi cử hành Chúa Kitô, là một căn phòng lớn, nơi mọi người - tất cả mọi người, cả người công chính lẫn người tội lỗi – đều có thể vào.

Cuối cùng là hình ảnh thứ ba, hình ảnh Chúa Giêsu bẻ Bánh. Đó là cử chỉ tuyệt hảo của Thánh Thể, là cử chỉ căn tính trong đức tin chúng ta, là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng tự hiến để làm cho chúng ta được tái sinh vào một cuộc sống mới. Cử chỉ này cũng gây chấn động: từ trước đến nay, những con chiên được sát tế và hiến dâng cho Thiên Chúa, thì bây giờ chính Chúa Giêsu đã tự làm con chiên và tự hiến tế để ban sự sống cho chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa tình yêu. Chính Chúa không phá vỡ ai cả nhưng phá vỡ chính Ngài. Chính Chúa không đòi hỏi hy sinh nhưng hy sinh chính mình. Chính Chúa không đòi gì nhưng lại ban cho tất cả. Cử hành và sống Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu này. Anh chị em không thể bẻ Bánh Thánh Thể nếu trái tim anh chị em khép kín với anh chị em mình. Anh chị em không thể ăn Bánh này nếu anh chị em không cho kẻ đói ăn. Anh chị em không thể chia sẻ Bánh này nếu anh chị em không chia sẻ những đau khổ của những người đang quẫn bách. Mọi sự sẽ qua đi, kể cả những phụng vụ Thánh Thể long trọng của chúng ta, cuối cùng chỉ còn lại tình yêu. Và kể từ nay trở đi, Thánh Thể của chúng ta biến đổi thế giới đến mức chúng ta để cho chính mình được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Anh chị em thân mến, đâu là nơi để “chuẩn bị bữa ăn tối của Chúa” ngay hôm nay? Cuộc rước Mình Thánh Chúa là đặc trưng của lễ Corpus Domini, nhưng hiện tại chúng ta chưa thể làm được. Cuộc rước Mình Thánh Chúa là lời nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được mời gọi ra đi mang Chúa Giêsu đến với thế giới. Hãy ra đi với lòng nhiệt thành mang Chúa Kitô đến với những người chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy trở thành một Giáo hội với cái vò trong tay, một Giáo Hội đánh thức cơn khát và mang lại nước. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn mình trong tình yêu thương, để trở thành căn phòng rộng rãi và hiếu khách, nơi mọi người có thể vào gặp Chúa. Chúng ta hãy phá vỡ cuộc sống của chúng ta trong lòng nhân ái và tình liên đới, để thế giới nhìn thấu qua chúng ta sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa. Và rồi Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên một lần nữa, Ngài sẽ tự làm lương thực cho sự sống của thế gian. Và điều đó sẽ thỏa mãn chúng ta mãi mãi, cho đến ngày, trong bữa tiệc của Thiên đàng, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng thiên nhan Ngài và vui mừng không dứt.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Giuse Trần Ngọc Thao Trong Mắt Tôi
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
21:37 06/06/2021
Lại một cha nữa trong Dòng ra đi. Lần này là cha Giuse Trần Ngọc Thao. Một tuần mà ba cha về với Chúa là quá nhiều!

Thật là buồn! Tôi buồn ngây người ra! Tôi ngồi viết những dòng này mà nước mắt chảy dài. Vì tôi biết ngài là một trong những người yêu thương tôi nhất và nâng đỡ tôi nhiều nhất.

Vì trong Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngài là một trong những người tôi kính yêu nhất, là một trong những cha có đời sống tu hành mẫu mực nhất, có đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng Nhà Dòng và Giáo Hội.

Thánh Alfonso nói rằng nếu viết đúng thì tiểu sử của mỗi vị thánh phải dầy ít nhất gấp đôi.

Viết đúng là viết cả những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi mà con người ai cũng có. Ai bảo mình không có thì đấy là người nói dối. Thánh Gioan nói vậy.

Nhưng với cha Giuse Trần Ngọc Thao qu ả thật ngài có nhiều nhân đức và công trạng mà tôi khó có thể kể hết.

Tôi kể một số điều liên quan đến ngài, với tư cách là chứng nhân. Vì 6 năm ngài làm Bề trên Giám tỉnh của tôi, gần 7 năm làm Giám đốc Học viện và giáo sư của tôi, 3 năm làm Bề trên Cộng đoàn của tôi và 6 năm phòng tôi và phòng ngài ở cạnh nhau vì thế ngài và tôi thường trò chuyện và chia sẻ với nhau.

Ngài kể ngài sinh ra ở Bên Thôn, Thạch Thất, Sơn Tây, nhưng ông cố của ngài làm nghề dạy học và từ lúc ngài còn rất nhỏ cả nhà đã chuyển về Hà Nội, sống ở ngõ nhà giáo, phố Nam Đồng, gần nhà thờ Thái Hà, tức ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng nay, vì vậy ngài nói giọng Hà Nội chứ không nói giọng líu lo khó nghe của người Bến Thôn thời trước.

Ngài sinh hoạt Hùng Tâm Dũng Chí ở Nhà thờ Thái Hà và gia nhập Đệ Tử viện DCCT ở đây.

NGÀI LÀ MỘT NGƯỜI LỊCH SỰ, NHÃ NHẶN VÀ CHUẨN MỰC TRONG LỐI SỐNG NÓI CHUNG, ĐẶC BIỆT TRONG ĂN MẶC, TRONG ĂN NÓI, TRONG GIAO TIẾP VÀ ỨNG XỬ.

Không bao giờ thấy ngài mặc quần short hay maillot, lúc nào cũng áo sơ mi bỏ trong quần, đi giầy tây hoặc sandales, đầu tóc chải chuốt đâu vào đó.

Anh em trong Dòng nói vui đố ai biết đùi cha Thao thế nào! Vì ngay khi ra khỏi phòng tắm về phòng riêng thì đã thấy ngài ăn mặc chỉnh tề rồi.

Ngài ăn nói từ tốn. Chăm chú lắng nghe và tôn trọng người đối thoại. Dù không bằng lòng điều gì thì ngài cũng không bao giờ lớn tiếng.

Ngài gọi chúng tôi, bằng tên riêng hoặc bằng anh và xưng là mình hoặc tôi. Nhưng khi chúng tôi đã làm linh mục, thì ngài gọi là cha dù chúng tôi chỉ là học trò và bề dưới của ngài, chỉ đáng tuổi con cháu ngài.

Khi phải nhắc bảo ai cái gì thì ngài đắn đo, cẩn trọng và nhắc nhở cách tế nhị vô cùng.

Ngài duy trì một thời gian biểu rất khoa học. Giờ nào ngày nào với ai ở đâu việc gì đều rất rõ ràng và chính xác. Chính xác đến từng phút từng giây một.

Thí dụ, 6:30 sáng ngài đi dạy học, nhưng nếu dắt xe máy ra sân mà còn thiếu một hai phút thì ngài cứ ngồi đợi trên xe; khi nào kim đồng hồ chỉ đúng 6: 30 thì ngài mới khởi hành.

Tôi chưa thấy ai ứng xử theo sát các phép nhân bản Tây và Ta chu đáo và toàn diện hơn ngài.

NGÀI LÀ NGƯỜI HIỀN LÀNH, BIẾT THÔNG CẢM VÀ LUÔN TÌM CÁCH GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC.

Thần sắc ngài trên thực tế trông tốt đẹp và phúc hậu hơn trên các ảnh chụp. Ngài không phải là người "ăn ảnh."

Dung nhan ngài, nhất là ánh mắt và cái miệng lúc nào cũng như đang mỉm cười với người khác. Chưa cần phải sống với ngài, chỉ cần nói chuyện với ngài ta thể cảm nhận được lòng nhân từ và độ lượng của ngài.

Cha Antôn Trần Thế Phiệt, năm nay 74 tuổi, thuộc lớp học trò và bề dưới đầu tiên của ngài, có dịp nói với anh em trong Dòng rằng các anh em sinh viên thế hệ ngài gọi Cha Giuse Trần Ngọc Thao là “Trần Được Anh”, vì đến trình bày và xin phép ngài điều gì ngài cũng nói “Được anh!”

Đến năm 1999, khi Tuân em tôi mới xong Trung học và vào Sài Gòn, tôi xin phép ngài ngày Chúa nhật dẫn em đi công viên Đầm Sen chơi và trưa không ăn cơm ở nhà. Ngài bảo tôi làm bề trên bao nhiêu năm giờ mới lần đầu thấy có anh xin phép đi công viên. Ngài phì cười và rồi cũng nói “Được Khải” và cho tôi 10 nghìn như tôi xin và chúc anh em tôi đi chơi bình an vui vẻ.

Những năm 90 ở Học viện chúng tôi, một số anh em vẫn còn hút thuốc. Có cha thấy anh em hút thuốc thì làm um lên. Mấy hôm sau, đến giờ gặp chúng tôi, ngài nói: “Tôi thông cảm với anh em! Nếu anh em chưa bỏ ngay được và nếu thèm thuốc quá, có hút thì cũng hút cách nào đó để tránh gây cớ vấp phạm cho người khác!”

Ngài khuyên anh em bỏ thuốc lá, nhưng ngài không lấy việc này để làm áp lực trên đời tu của chúng tôi.

Ngài không ác cảm người có ý kiến khác mình. Tôi là bề dưới của ngài, nhiều lần tôi có ý kiến khác ngài, thế nhưng ngài vẫn yêu thương và tôn trọng tôi, hơn nữa còn khích lệ tôi bằng lời nói và việc làm.

Ngài luôn cố gắng giúp đỡ chúng tôi hết sức và mong muốn cho chúng tôi trở nên hoàn thiện hơn trong mọi việc.

Rất nhiều bài viết, bài dịch của tôi lúc còn trong Học viện cũng như khi đã làm linh mục và sống bên cạnh ngài đã được sửa chữa và góp ý. Dù chỉ là một mảnh giấy nhắn tin, nếu tôi viết sai chính tả hay ngữ pháp thì ngài cũng sửa bằng bút đỏ hết sức cẩn thận và gửi lại cho tôi.

Ngài quảng đại và thông cảm trong lối sống bao nhiêu thì khắt khe và đòi hỏi trong công việc chuyên môn bấy nhiêu. Tôi biết mình viết chẳng dễ dàng gì, nếu bây giờ tôi viết bớt sai, thì có hai người đã sửa tôi nhiều nhất là ngài và trước đó là cha Vũ Ngọc Bích ở Hà Nội.

Tôi đặc biệt cảm nhận được tình yêu thương và sự giúp đỡ của ngài trong cái chết của cậu tôi năm 1998 ở Biên Hòa. Ngài đã cùng các cha trong Dòng sắp xếp để tôi đưa cậu từ Biên Hòa về làm đám tang tại Học viện và chính ngài cử hành lễ an táng cho cậu tôi tại nhà thờ Kỳ Đồng.

NGÀI LÀ NGƯỜI CỞI MỞ, KHIÊM TỐN VÀ BIẾT LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA NGƯỜI KHÁC.

Ngài dạy chúng tôi, nhưng đọc bài viết của chúng tôi thấy có vấn đề gì hoặc không hiểu thì ngài ân cần trao đổi chứ không khẳng định ý của mình là tuyệt đối duy nhất đúng. Nếu thấy anh em có lý ngài tiếp thu.

Dù có bằng Tiến sĩ Thần học Kinh Thánh, biết 6 thứ tiếng, nói được tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ý và tiếng Latin, nhưng không bao giờ trong câu chuyện ngài tỏ ra hiểu biết hơn người khác về bất cứ lãnh vực gì. Ngài không tranh giành hơn thua với ai. Chỉ chăm chú hoàn thành bổn phận và đào sâu lãnh vực chuyên môn của mình.

Tôi nhớ khi lần đầu in Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ ngài có tặng chúng tôi mỗi người một bản. Cha Hiện lúc đấy còn đang làm thầy nói với chúng tôi câu 1Pr 1,8 các tác giả dịch và diễn đạt chưa đúng mấy vì thế đọc nghe trúc trắc khó hiểu.

Cha Hiện đã đi góp ý với ngài. Sau đó cha Hiện nói với chúng tôi rằng ngài lấy làm vui mừng và cám ơn cha Hiện và trong những lần xuất bản tiếp theo, câu đó đã được sửa cho sáng sủa và rõ nghĩa như hiện nay.

Tôi nhớ hồi năm 1998, có anh em trong Học viện chia sẻ với tôi anh bị đau dạ dày thường xuyên. Sau khi nghe câu chuyện của anh tôi biết nguyên do là anh và người anh em cùng phòng sống không hợp nhau. Hồi đấy tu viện thiếu chỗ, mỗi phòng ngăn thành 2 ô và mỗi ô 2 anh em.

Thấy vậy tôi đã đến gặp ngài và đề nghị chuyển phòng tất cả các anh em cho khỏi ai bị tổn thương, vì cho đến lúc đấy, tôi thấy anh em Học viện chưa bao giờ chuyển phòng. Tôi nghĩ các anh em sống chung với nhau 6-7 năm trong một ô hay một phòng thì hợp nhau hay không hợp nhau đều không tốt cho đời tu. Thế là ngay hôm sau ngài đã cho anh em bắt thăm để nhận phòng mới người mới.

Hồi năm 2000, trong tư cách là Trưởng Ban Đào tạo, ngài phải ra đề thi Việt văn cho anh em vào Tiền tập. V ì không biết các bạn được dạy những gì ở Trung học và Đại học và trình độ Việt văn của các bạn trẻ ngày nay thế nào, ngài đã hỏi chuyện tôi và cuối cùng xin tôi giúp ngài chọn mấy đề tài cùng đưa ra yêu cầu của mỗi đề tài để ngài cho anh em thi và làm căn cứ chấm bài cho phù hợp.

Tôi cảm phục thái độ khiêm tốn của ngài. Vì lợi ích của các anh em trẻ mới vào tu, ngài cất công tìm hiểu và hạ mình vậy! Không làm liều! Tất cả cũng vì yêu thương và tôn trọng những người trẻ đang bắt đầu bước vào đời tu trong Dòng.

NGÀI LÀ NGƯỜI SỐNG NGHÈO KHÓ, GIẢN DỊ VÀ LÀNH MẠNH

Ngài ở trong cái phòng bé tý của ngôi nhà ván gỗ và mái tôn thấp lẹ thẹ của Tu viện Mai Thôn. Chỉ đủ kê cái giường nhỏ, cái bàn nhỏ và cái tủ nhỏ. Gia sản đáng giá nhất của ngài là cái xe máy CD 90 và cái Radio.

Khi ở Kỳ Đồng, phòng ngài cạnh phòng tôi, tôi thấy lúc này ngài có thêm cái máy tính để bàn. Đồ đạc trong phòng ngài vào đầu những năm 2000 còn đơn giản hơn nhiều phòng của các anh em sinh viên Học viện.

Ngài rất chăm chút quần áo mặc, nhưng phòng ở thì rất bụi bặm. Tôi thấy mỗi năm ngài chỉ quét v à lau vài lần. Trong khi quần áo thì ngài tự giặt lấy và tự ủi lấy. Ngài không quan tâm đến tiện nghi, đến hưởng thụ. Không đam mê ăn uống, không đam mê âm nhạc, không đam mê thể thao.

Chỉ đọc báo và coi ti vi nhưng coi gọi là. Ngài thường coi ti vi vào giờ khuya, khi các anh em khác đã đi ngủ. Ngài bật ti vi lên và ngồi đối diện trong khi đọc sách vở hay viết gì đó. Có khi ngài ngủ lúc nào ngay tại ghế ngồi. Có khi có anh em đi qua tắt ti vi và tắt điện trêu ngài.

Ngài rất chăm chút sức khỏe. Tuy không tập thể dục thể thao hay làm việc tay chân nhưng ngài cũng đi bộ lần hạt ở hành lang. Cứ sáu tháng ngài đi khám tổng quát một lần xem sức khỏe thế nào, đường, mỡ men gan ra sao rồi về tự điều chỉnh bằng chế độ ăn uống cho phù hợp.

Ngài đặc biệt cẩn thận trong việc ăn uống. Ăn vừa đủ. Uống vừa đủ. Rất điều độ! Không ai có thể mời ngài hay ép ngài ăn uống cái gì mà ngài xét là không tốt cho sức khỏe. Về điểm này ngài sánh được với thầy Placido ở Roma.

Chính vì vậy trong khi các cha khác cùng thế hệ bị đủ các chứng bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, bao tử…thì ngài vẫn khỏe mạnh và chẳng bị bất cứ bệnh gì. Đấy là điều tôi thấy ở ngài cho đến khi tôi rời Sài Gòn năm 2006.

NGÀI LÀ MỘT NHÀ ĐÀO TẠO MẪU MỰC

Ngài giảng dạy không hấp dẫn, độc đáo, nhưng tận tụy, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu. Ngài cho thi cử nhẹ nhàng, nhưng nghiêm túc. Bài thi thường yêu cầu không quá 2 trang A5 hoặc 1 trang A4. Ai viết thêm cắt bỏ hoặc gạch bỏ phần dư và chỉ chấm nội dung trong phần giấy ngài đã quy định.

Không cha thầy nào trong DCCT tận tâm tận lực lo việc đào tạo anh em tu sĩ trẻ bằng ngài. Mấy chục năm ngài làm Giám đốc và làm Giáo sư Học viện DCCT. Phần lớn các linh mục DCCT tuổi từ cỡ trên dưới 75 trở xuống đều là những người được ngài hướng dẫn hoặc dạy dỗ ít nhiều.

Trong việc đào tạo, tôi thấy không khi nào ngài tỏ ra có tình cảm với một số anh em này hơn những anh em khác. Không khi nào ngài có ý theo dõi hay dò xét anh em nào. Không khi nào ngài có ác cảm với anh em nào. Ngài giao tiếp và ứng xử quân bình và công bằng với mọi kẻ thuộc quyền.

Ngài sống nghiêm khắc với chính mình nhưng nhân từ với các anh em. Nghiêm khắc và đòi hỏi trong lối sống và trong việc viết lách của các anh em, nhưng rất nhân từ và độ lượng trong việc đánh giá và quyết định cho các anh em khấn dòng hay tiến chức. Trừ việc giân lận thi cử!

Ngài nói các anh em khi đi học ở trong Dòng hay ngoài Dòng, cần trung thực. Không làm bài được thì thôi, đừng gian lận thi cử. Nếu không làm bài được ngài vẫn có cách “cứu” được anh em. Nhưng nếu ai cố tình gian lận thi cử ngài sẽ đề nghị loại ra khỏi Dòng.

Ngài không có những kế hoạch, những dự án tri thức và tâm linh này nọ, không can thiệp nhiều vào đời sống của các anh em. Không bám sát anh em khiến anh em ngạt thở hay sống mất tự nhiên. Anh nào cần đến trình bày ngài nghe và giúp đỡ. Còn gặp gỡ chính thức thì rất hiếm và rất ngắn.

Cả đời Học viện của tôi gần 7 năm, gặp gỡ chính thức chỉ 3 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Lần khấn lại. Lần khấn trọn. Lần chịu chức phó tế. Lần nào ngài cũng hỏi mấy câu này: Khải sống trong Học viện có cảm thấy thoải mái không? Khải có cần giúp đỡ gì không? Khải có kinh nghiệm gì cụ thể về Chúa Thánh Thần không? Chỉ có vậy!

Tôi có cảm giác cái triết lý giáo dục của ngài chỉ cốt ở hai điểm này. Một là để cho Thánh Thần hướng dẫn và thánh hóa anh em. Hai là dùng tình thương và gương mẫu để các học trò tin tưởng, yêu mến và tự giác sống theo.

Lão Tử nói bậc thánh nhân không làm gì mà việc gì cũng thành. Cái lối đào tạo của ngài có lẽ là như là vậy. Ngài không can thiệp nhiều, không cậy sức cậy tài để ép bề dưới theo ý mình, nhưng kết quả là các anh em sống bình an, hiệp nhất, có ý thức dấn thân học tập và phục vụ rất cao.

NGÀI LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC TRÍ THỨC CÁCH MẪU MỰC VÀ CHUYÊN CẦN.

Ngài học Thần học Kinh Thánh và ngoài việc bổn phận trong tư cách là Bề trên và Giám đốc, thì thời gian và tâm sức còn lại ngài đặt vào việc nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy Kinh Thánh.

Ngày nay người ta coi trọng và đề cao người biết làm việc chung theo đội nhóm. Ngài là người như vậy. Ngài làm việc chung theo nhóm rất giỏi. Cái điểm yếu chung của người Việt trong Đạo ngoài đời đối với ngài lại là điểm mạnh.

Ngài đã gia nhập Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ năm 1972 và ngài coi đó như gia đình thứ hai của mình sau Nhà Dòng. Ngài là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Nhóm trong suốt gần 50 năm và vì là ngời hiền hòa, dễ thương và làm việc nghiêm túc nên trong nhiều thập niên ngài được bầu làm Trưởng Nhóm.

Tôi đã từng nói rằng Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một nhóm các nhà trí thức Công Giáo tồn tại lâu nhất, làm việc khoa học nhất, tạo ra những sản phẩm tri thức có phấm chất tốt nhất trong lãnh vực Kinh Thánh và Phụng Vụ, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong Giáo Hội Việt Nam.

Nhóm đã in và phổ biến hơn 2 triệu bản Tân ước, hàng trăm nghìn bản Kinh Thánh trọn bộ, hàng chục nghìn bản Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hàng nghìn bản Sách Lễ Roma, các nghi thức Phụng Vụ, các sách chú giải Kinh Thánh... Đấy là chưa kể bản văn Kinh Thánh kèm theo chú giải được hàng trăm nghìn người sử dụng online.

Ngày nay, những ai có đọc Kinh Thánh và đọc Kinh Phụng Vụ và tham dự Thánh Lễ bằng tiếng Việt, những ai học Kinh Thánh, đều đang ít nhiều hưởng nhờ thành quả lao động trí thức của Nhóm CGKPV mà trong đó có phần đóng góp quan trọng của Cha Giuse Trần Ngọc Thao.

Cha Nguyễn Ngọc Tỉnh thường nói “Nhóm chúng tôi là một đội banh” và tôi tin cũng như các thành viên khác, Cha Giuse Trần Ngọc Thao là một cầu thủ kỳ cựu và quan trọng. Ngài là Đội trưởng của đội banh kia hay nhất kia của Giáo Hội Việt Nam trong nhiều thập niên.

NGÀI LÀ VỊ BỀ TRÊN GIÁM TỈNH KHÔN NGOAN ĐÃ LÀNH ĐẠO TỈNH DÒNG TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT

Ngài là một trong những Bề trên Giám tỉnh lâu nhất trong DCCT Việt Nam. Ngài làm 4 khóa liên tiếp, từ năm 1981-1993. Đấy là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của Nhà Dòng và Giáo Hội Việt Nam. Vì các tu viện bị nhà cầm quyền cướp đoạt nhà cửa, trường học, thư viện, đất đai, nhà máy, cơ sở chăn nuôi…. Nhiều anh em bị bắt đi tù. Rất nhiều anh em bị mất chỗ ở khi tu viện bị giải tán và phải về sống với gia đình và phải tự lạo động kiếm sống.

Bản thân ngài, dù là Bề trên Giám tỉnh cũng không được sống trong Tu viện Kỳ Đồng mà vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp bên Tu viện Mai Thôn. Mãi đến năm 1993 khi hết làm Giám Tỉnh và nhà nước bớt căng thẳng chuyện hộ khẩu, ngài mới được chuyển về tu viện Kỳ Đồng.

Nhà cầm quyền bấy giờ còn cấm các anh em ở các tỉnh về Sài Gòn tĩnh tâm chung hằng năm. Tệ nhất là cấm thuyên chuyển, cấm bổ nhiệm, cấm nhận người đào tạo, cấm khấn dòng, cấm chịu chức linh mục, cấm dạy thần học…

Thiếu thốn, khó khăn, nguy hiểm mọi đàng. Dẫn dắt một Tỉnh Dòng mà thời điểm bấy giờ là dòng tu duy nhất hiện diện cả ba miền Bắc-Trung-Nam và duy trì được tinh thần tu trì của các anh em trong giai đoạn khắc nghiệt ấy quả thật không đơn giản. Thế mà ngài đã làm được!

Ngài đã giúp được các anh em gắn bó hiệp nhất với nhau để cùng nhau phục vụ Chúa nơi người nghèo. DCCT ở Việt Nam hiếm có giai đoạn nào anh em đoàn kết và hiệp nhất như thời kỳ 12 năm ngài làm Bề trên Giám Tỉnh.

Ngài đã thành công trong việc tìm kiếm một mô hình thích hợp để cổ vũ và nâng đỡ việc tu, việc học và việc phục vụ của từng anh em trẻ đang thuộc diện đào tạo mà không được sống trong tu viện.

Ngài đã đưa ra các quyết định bí mật nhận ơn gọi, bí mật mở Tập viện, bí mật khấn Dòng, bí mật cho các anh em học triết học và thần học với các giáo sư riêng lẻ, bí mật cho anh em truyền chức linh mục, bất chấm lệnh cấm cản và trừng phạt của nhà cầm quyền.

Năm 1990 ngài còn quyết định mở Học viện tập trung tại Tu viện Kỳ Đồng khi ngài vừa là Bề trên Giám tỉnh, vừa là giám đốc Học viện trong khi cha Vũ Khởi Phụng làm Giám học.

Vì chỉ có như vậy các anh em trẻ mới có thể có cơ may được đào tạo bài bản và mau chóng. Từ đó ban ngày anh em đến Tu viện học tập. Tối ra ngoài nhà giáo dân ngủ để tránh sự khám xét, bắt bớ của nhà cầm quyền.

Cũng từ năm 1990, ngài đã quyết định cho các anh em đã học xong thần học được chịu chức linh mục bí mật nếu muốn. Trong số đó Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và Vinhsơn Phạm Trung Thành là những người đầu tiên và cả hai về sau đều đã được bầu làm Bề trên Giám tỉnh như ngài.

Tôi tin rằng nếu không có đường hướng khôn ngoan và những quyết định can đảm kia của ngài vào thời điểm đó thì DCCT đã không có nhiều ơn gọi như hôm nay, bản thân tôi chưa chắc đã được nhận vào dự tu năm 1987 ở Tu viện Thái Hà và năm 1989 ở Tu viện Kỳ Đồng.

Tôi tin ngài là một trong những vị Bề trên Giám tỉnh tuyệt vời nhất của chúng tôi. Ngài là một trong vài người đã góp đắc lực nhất và to lớn nhất trong việc làm nên một DCCT Việt Nam như chúng ta thấy hôm nay.

***

Còn nhiều chuyện để nói về ngài nhưng tôi tạm dừng ở đây.

Trong mắt tôi ngài là một con người nhân bản, một tu sĩ mẫu mực, một thừa sai nhiệt thành, một trí thức cần mẫn, một bề trên khôn ngoan, can đảm và đầy lòng bao dung.

Ngài đã theo sát Chúa Kitô và là một hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Ngài đã đóng góp hết mình trong việc xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin mừng cho người nghèo, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.

Hồi nhỏ khi còn sống ở gia đình, tôi thường nghe bố mẹ hỏi các cặp vợ chồng trẻ có “tin mừng”chưa, nghĩa là đã có thai chưa. Khi ai sinh nở mẹ tròn con vuông thì lại nói nhà đấy có “tin mừng” rồi.

Dần dần tôi hiểu, bên cạnh Tin mừng tuyệt đối là Chúa Kitô và lời rao giảng của Ngài, thì “tin mừng” còn là sự ra đời của một con người. Tuy nhiên, mỗi người có thật sự là "tin mừng" cho thế giới hay không, chỉ khi sống và nhất là khi hoàn tất cuộc đời mới biết được.

Chiêm ngưỡng cuộc đời của Cha Giuse Trần Ngọc Thao, tôi thấy ngài thực sự là tin mừng cho tôi, cho các anh em trong DCCT Việt Nam chúng tôi và trong chừng mực nào đó nhiều người Việt Nam.

Tôi tin ngài là quà tặng, là ân huệ Chúa ban cho tôi, cho DCCT và cho Giáo hội Việt Nam.

Xin tạm biệt ngài. Xin Chúa cho ngài được nghỉ yên trong Chúa và mong ngày được gặp lại ngài trong Nước Trời.

Roma 05.06.2021
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT.

1-Khoảng những năm 1994-1995 ngài được Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng giới thiệu với Tòa Thánh làm ứng viên Giám mục của Giáo phận Hưng Hóa. Tiếc rằng danh sách đợt ấy bị lộ ra ngoài và rơi vào tay nhà nước Việt Nam nên theo thông lệ Tòa Thánh không còn xét đến các ứng viên có tên trong danh sách ấy.
2.Ngài có lập trường đứng về công lý và sự thật. Ngài kh ông trực tiếp dấn thân, nhưng đã tích cực hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của anh em ở Thái Hà, Hà Nội. Ngài ra tận Thái Hà để thăm anh em. Khi làm lễ ở nhà thờ ngài đã có những lời mạnh mẽ cổ vũ giáo dân và lên án nhà cầm quyền, làm nức lòng giáo dân.

TIỂU SỬ CHA GIUSE TR ̀N NGỌC THAO, C.Ss.R
--- *** ---
CHA GIUSE TR ̀N NGỌC THAO, C.Ss.R
Sinh ngày 24 tháng 03 năm 1935 ở Sơn Tây, Hà Tây.
Ngày 01.07.1945: Gia nhập Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội.
Năm 1949: vào Đệ Tử DCCT ở Huế.
Ngày 14.08.1953: Vào Nhà Tập DCCT ở Đà Lạt.
Ngày 15.08.1954: Khấn lần đầu tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
Từ năm 1954 đến năm 1961: Học và làm mục vụ ở Đà Lạt.
Ngày 08.09.1957: Khấn trọn đời tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
Ngày 05.09.1959: Lãnh thừa tác vụ linh mục tại Tu viện DCCT Sài Gòn.
Từ năm 1959 đến năm 1961: Dạy học tại Đệ Tử DCCT Huế.
Từ năm 1961 đến năm 1962: Dạy học tại Đệ Tử DCCT Vũng Tàu.
Từ năm 1962 đến năm 1964: Học thần học ở Paris.
Từ năm 1964 đến năm 1966: Học Thánh Kinh ở Rôma.
Từ năm 1966 đến năm 1971: Học tiến sĩ Thần học Thánh kinh ở Lyon.
Từ năm 1971 đến năm 1978: Dạy học và làm Giám đốc Học Viện ở Thủ Đức. Bắt đầu làm việc trong Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Từ năm 1978 đến năm 1981: Làm Bề trên cộng đoàn DCCT Mai Thôn.
Từ năm 1981 đến năm 1993: Làm Giám Tỉnh DCCTVN.
Từ năm 1993 đến năm 2002: Làm giám đốc Học Viện DCCTVN
Từ năm 2002 đến năm 2005: Làm Bề trên DCCT Sài Gòn kiêm Chánh Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Gíup Sài Gòn.
Từ năm 2005 đến nay: Làm thành viên DCCT Sài Gòn.
Vào lúc, ngày, cha Giuse Trần Ngọc Thao đã được Chúa gọi về với Người, sau 86 năm làm con Chúa trên dương thế, 68 năm khấn Dòng và 62 năm linh mục.
Cuộc đời Cha Giuse là một cuộc đời chuẩn mực về đời sống nhân bản cũng như đời sống tu trì. Ngài diễn tả cảm nhận thế này: “Tôi cảm thấy thoải mái trong ơn gọi và đời tu DCCT. Gương hy sinh và tận tâm của các bậc đàn anh cũng như tinh thần phục vụ của các anh em khác đã khích lệ tôi rất nhiều trong cuộc sống, khi tôi phải thực hiện những công việc trong Tỉnh Dòng và trong Giáo Hội. Những kinh nghiệm cụ thể về con người và đời sống cộng đoàn cũng giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn về nhân bản và đời tu.”
Ngoài mối bận tâm với tư cách lãnh đạo của Tỉnh Dòng trong hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc miệt mài làm việc trong Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì mối bận tâm lớn nhất và sứ vụ dài nhất của Cha Giuse là đào tạo. Vì thế mà ngài tâm sự rằng: “Các anh em trẻ là những con người tôi muốn đặc biệt chú tâm đến với mục đích huấn luyện, đào tạo những thế hệ tu sĩ và linh mục DCCT có một tinh thần và một lối sống mới khác hẳn với những tranh chấp và tham vọng, để hướng họ về lý tưởng hết mình dấn thân phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ trong DCCT.”
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thánh trong Dòng, cùng với lời nguyện cầu của cộng đoàn dân Chúa, nguyện xin Thiên Chúa ban cho cha Giuse sớm hưởng vinh quang Nước Trời.
Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria!
Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
 
Văn Hóa
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô giáo: Nguyên văn Phần II trong Pensées, Mục VI
Vũ Văn An
19:04 06/06/2021

MỤC VI. Sự phục tùng và sử dụng lý trí

I. Bước tiến cuối cùng của lý trí là biết rằng có vô tận những điều vượt quá nó. Nó sẽ rất yếu nếu không đi đến chỗ biết điều đó. Nó phải biết nghi ngờ chỗ nó phải nghi ngờ, phải quả quyết chỗ nó phải quả quyết, phải phục tùng chỗ nó phải phục tùng. Ai không làm như vậy, là không hiểu sức mạnh của lý trí. Có những người vi phạm ba nguyên tắc đó, bằng cách một là, trong khi quả quyết mọi điều đều có thể chứng minh được, nhưng lại không nhận ra mình trong các chứng minh này; hai là, trong khi nghi ngờ mọi điều, nhưng lại không biết phải phục tùng ở chỗ nào; ba là, trong khi phục tùng mọi điều, không biết chỗ nào để phán đoán.



II. Nếu người ta bắt mọi sự phục tùng lý trí, tôn giáo của chúng ta sẽ không có gì là mầu nhiệm hay siêu nhiên. Nếu chúng ta phạm đến các nguyên tắc của lý trí, tôn giáo của chúng ta sẽ trở nên phi lý và lố bịch. Theo Thánh Augustinô, lý trí sẽ không bao giờ chịu phục tùng, nếu nó không phán đoán rằng có những trường hợp nó phải phục tùng. Do đó, điều chính đáng là nó phải phục tùng khi nó tự phán đoán cần phải phục tùng; và nó sẽ không phục tùng, khi nó phán đoán có cơ sở rằng nó không nên làm như vậy: nhưng cần phải cẩn thận để không tự đánh lừa mình.

III. Lòng sùng đạo khác với mê tín. Đẩy lòng sùng đạo đến chỗ mê tín là phá hủy nó. Những kẻ dị giáo khiển trách chúng ta về sự phục tùng mê tín này. Và chúng ta đáng bị họ khiển trách, khi chúng ta đòi phục tùng những điều không đáng được phục tùng. Không có gì phù hợp với lý trí bằng việc bác bỏ lý trí trong những điều thuộc về đức tin; và không có gì trái với lý trí bằng việc bác bỏ lý trí đối với những điều không thuộc về đức tin. Đó là hai sự thái quá nguy hiểm như nhau: loại trừ lý trí và chỉ chấp nhận lý trí.

IV. Đức tin nói rất hay những điều các giác quan không nói, nhưng không bao giờ nói ngược lại. Đức tin ở trên các giác quan, chứ không chống lại chúng.

V. Một số người nói, nếu có bao giờ tôi thấy một phép lạ, tôi sẽ trở lại. Họ sẽ không nói như thế, nếu họ biết trở lại nghĩa là gì. Họ tưởng tượng rằng đối với việc trở lại này, chỉ cần nhận biết rằng có một vị Thiên Chúa; và việc thờ phượng hệ ở việc thưa cùng Người những lời nhất định nào đó gần giống như những người ngoại giáo nói với ngẫu thần của họ. Việc trở lại đích thực hệ ở việc tự làm mình ra không trước Hữu thể tối cao này, Đấng mà người ta đã chọc tức biết bao lần, và là Đấng có thể làm chúng ta trầm luân một cách hợp pháp bất cứ lúc nào; nó hệ ở việc nhận ra rằng người ta không thể làm gì nếu không có Người, và chúng ta chẳng đáng công gì từ Người ngoại trừ mất ân sủng của Người. Nó hệ ở việc nhìn nhận rằng có một sự chống đối không thôi giữa Thiên Chúa và chúng ta; và, nếu không có một vị trung gian thì không thể có mối giao dịch nào.

VI. Đừng ngạc nhiên khi bạn thấy những người đơn sơ tin mà không cần lý luận. Thiên Chúa ban cho họ lòng yêu mến đức công chính của Người và việc ghét bỏ chính họ. Người làm trái tim họ nghiêng về việc tin tưởng. Người ta sẽ không bao giờ tin bằng một niềm tin hữu ích và bằng đức tin, nếu Thiên Chúa không làm trái tim họ nghiêng về phía ấy; và người ta sẽ tin ngay khi Người làm nó nghiêng về phía ấy. Và đó là điều mà Đavít biết rõ, khi ngài nói: Inclina cor meum, Deus, in testimonia tua (Lạy Thiên Chúa, xin Chúa hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa) (Tv 119:36).

VII. Những người tin mà không cần xem xét các bằng chứng của tôn giáo, họ tin vì họ có một thiên hướng nội tâm rất thánh thiện, và những gì họ nghe nói về tôn giáo của chúng ta đều phù hợp với thiên hướng đó. Họ cảm thấy rằng có một Thiên Chúa đã tạo ra họ. Họ chỉ muốn yêu Người; họ chỉ muốn ghét chính họ. Họ cảm thấy họ không có sức mạnh làm điều đó; họ không có khả năng đến với Thiên Chúa; và nếu Thiên Chúa không đến với họ, họ không thể thông đạt với Người. Và họ nghe nói trong tôn giáo của chúng ta rằng chỉ cần yêu Thiên Chúa và ghét chính mình mà thôi: nhưng vì mọi người đều hư hỏng và không có khả năng đến với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở thành người phàm để kết hợp với chúng ta. Không cần thuyết phục để những người có thiên hướng này cũng như có sự hiểu biết về bổn phận và sự bất lực này tin.

VIII. Những người, vốn là Kitô hữu, nhưng không biết các lời tiên tri và các bằng chứng khác của tôn giáo, vẫn có thể phán đoán các chân lý của tôn giáo một cách chính xác như những người có nhận thức này. Họ phán đóan bằng trái tim, trong khi những người khác phán đóan bằng tinh thần. Chính Thiên Chúa là Đấng làm họ nghiêng về phía tin; và do đó họ được thuyết phục rất hữu hiệu.

Tôi thú nhận rằng các Kitô hữu tin mà không cần bằng chứng này có lẽ sẽ không thuyết phục được một người vô tín ngưỡng thông thái. Nhưng những người biết các bằng chứng của tôn giáo dễ dàng chứng minh rằng các tín hữu này thực sự được Thiên Chúa linh hứng, mặc dù họ không thể tự mình chứng minh được điều đó.

Kỳ tới: Mục VII: Hình ảnh về một người đã chán nản tìm kiếm Thiên Chúa chỉ bằng suy luận, và bắt đầu đọc Kinh thánh
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tiếp tổng thống Mỹ vào ngày 15 tháng 6. Nguy cơ bị lợi dụng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:23 06/06/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tiếp ông Joe Biden vào ngày 15 tháng 6. Nguy cơ bị lợi dụng

Theo nguồn tin từ điện Tông Tòa Vatican, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Joe Biden có thể sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 6.

Biden có thể sẽ đến Rôma để triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi bay tới Geneva để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16 tháng 6. Mặc dù cuộc gặp gỡ này chưa được xác nhận, nhưng một nguồn tin khác từ Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước của Vatican nói rằng một cuộc gặp gỡ như thế “có khả năng xảy ra”.

Biden dự kiến có mặt ở Âu Châu để dự hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại Brussels vào ngày 14 tháng 6. Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm 3 tháng 6, ông Joe Biden dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Minh Âu Châu vào ngày 15 tháng 6, và sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Bỉ.

Nếu được xác nhận, chuyến thăm này sẽ diễn ra trong bối cảnh Biden vẫn chưa bổ nhiệm tân đại sứ tại Tòa thánh. Bên cạnh đó, trong một cử chỉ đầy thách thức, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh đã thông báo vào hôm thứ Ba, ngày 1 tháng 6, rằng họ sẽ treo cờ “Tự hào Đồng Tính” trong suốt tháng 6.

Theo truyền thống, tháng 6 được xem là Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các nhà vận động đồng tính đã tìm mọi cách để biến tháng này thành tháng “Tự hào Đồng Tính”

Cử chỉ đầy thách thức này được xem là để chống lại một tuyên bố vào ngày 15 tháng Ba của Bộ Giáo Lý Đức Tin theo đó Giáo Hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Đức Hồng Y Luis Ladaria vạch rõ rằng: “sự chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa.

Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì ‘chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm’. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào. Vì thế, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.”

Chương trình của Biden ở Âu Châu

Biden dự kiến sẽ đến Âu Châu vào tháng 6 để tham gia một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Vương quốc Anh, Bỉ và Thụy Sĩ.

Ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10 tháng 6 trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các quốc gia công nghiệp phát triển lớn. Ông và vợ dự kiến gặp Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 13 tháng 6.

Vào ngày 14 tháng 6, Biden dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vào trung tuần tháng 6, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ nhau theo phương thức trực tuyến trong phiên họp toàn thể mùa xuân của các ngài từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 6. Tại cuộc họp, các giám mục dự kiến sẽ cân nhắc và biểu quyết về tiến trình soạn thảo một văn kiện liên quan đến tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể.

Đề cương được đề xuất cho tài liệu bao gồm một phần về “Tính nhất quán của Thánh Thể”, được mô tả là, “Bản chất của việc hiệp thông thánh thể và vấn đề tội trọng”.

Chủ đề về Hiệp thông dành cho các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai và an tử đã trở nên nổi bật hơn kể từ khi Biden được bầu vào chức vụ tổng thống; ông là tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ theo đạo Công Giáo, nhưng lại ủng hộ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago và các giám mục khác gần đây đã tìm cách trì hoãn cuộc thảo luận về tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, cho biết cuộc thảo luận sẽ diễn ra theo kế hoạch.


Source:Catholic News Agency

2. Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Ba Lan

Người Công Giáo đã tham gia vào các cuộc rước Corpus Christi trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm 3 tháng 6.

Hàng triệu người đã tham gia vào các cuộc rước kiệu ngày 3 tháng 6 với khẩu trang y tế và tuân theo các quy định hạn chế về coronavirus tại địa phương để kỷ niệm ngày lễ Corpus Christi, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi.

Theo truyền thống của Ba Lan, các bé gái gần đây được Rước Lễ lần đầu đã rải những cánh hoa hồng trước Mình Thánh Chúa, được một linh mục kính cẩn cung nghinh trong một Mặt Nhật dưới một lọng che.

Mừng lễ Corpus Christi ở Poznań, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nói rằng “không một cộng đồng Kitô giáo nào có thể vượt qua được sự cô đơn và hình thành được một cộng đồng nếu cộng đồng đó không có nguồn gốc và cơ sở từ việc cử hành Thánh Thể”.

Đức Cha Andrzej Przybylski, Giám Mục Phụ Tá của Częstochowa, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại Jasna Góra, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen rất được các tín hữu Ba Lan tôn kính.

“Kho báu lớn nhất của Đền thờ Jasna Góra không phải là bức ảnh tuyệt vời và đẹp đẽ này của Đức Mẹ Jasna Góra mà chính là Mình Thánh Chúa và lời cầu nguyện quan trọng nhất và hiệu quả nhất là Thánh Lễ. Bí tích Thánh Thể là mặt trời và là trung tâm đức tin của chúng ta,” Đức Cha Przybylski nói trong bài giảng.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak của tổng giáo phận Gniezno nhận xét rằng Corpus Christi “là về nhận thức sống động rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và bản chất này không thể và không bao giờ có thể thay thế được bằng thực tại ảo.”

Hội đồng giám mục Ba Lan tuyên bố rằng “trong suốt tám ngày chung quanh lễ Corpus Christi, người Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc rước, là một phần của lòng mộ đạo qua đó người Ba Lan bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.”

Corpus Christi là một ngày lễ quốc gia ở Ba Lan. Tham gia vào một đám rước không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin công khai, mà còn là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Dưới sự cai trị của cộng sản sau Thế chiến thứ hai, các cuộc rước kiệu Corpus Christi là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và đức tin của dân tộc. Các nhà chức trách vô thần đã cố gắng cấm các đám rước trong nhiều trường hợp.

Thông thường, sau khi tham dự cuộc rước của giáo xứ mình, người Công Giáo viếng thăm bốn nhà thờ lân cận. Tại mỗi nơi, trong khi các tín hữu cầu nguyện, vị linh mục sở tại ban phép lành Mình Thánh Chúa và đọc Tin Mừng.

Ba Lan, với dân số gần 38 triệu người, trong đó 93% là người Công Giáo, đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi đại dịch so với các nước Âu Châu khác.

Nhưng đợt coronavirus thứ ba vào năm 2021 đã gây áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia và khiến chính phủ phải thắt chặt các hạn chế.

Năm nay, vì đại dịch, các đám rước có một đặc điểm khác. Các cuộc rước trung tâm tại các thủ phủ của các giáo phận với sự tham dự của các giám mục bị hạn chế và các tuyến đường được rút ngắn. Người Công Giáo được khuyến khích tham gia vào các đám rước của các giáo xứ địa phương ở gần nhà của họ.

Corpus Christi ở Ba Lan có một số truyền thống dân gian ngoài việc rải những cánh hoa, còn bao gồm biểu diễn các ca khúc và mặc các trang phục dân gian.

Một phong tục khác là đặt các thảm hoa. Ở Spycimierz, một giáo xứ nhỏ ở miền trung Ba Lan, truyền thống này đã được gìn giữ trong hơn 200 năm, và những tấm thảm hoa trải dài hơn một cây số.
Source:Catholic News Agency
 
Caritas báo động: Sử dụng ứng dụng điện thoại của TQ, 3 tên gian ác lừa được đến 1,500 phụ nữ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:02 06/06/2021

1. Caritas Bangladesh và cảnh sát nước này báo động về ứng dụng điện thoại của Trung Quốc sau khi 1,500 phụ nữ bị lừa bán vào các ổ mại dâm

1,500 phụ nữ và trẻ em gái Bangladesh đã bị bán sang Ấn Độ và các nước vùng Vịnh Ba Tư trong những năm gần đây. Họ là nạn nhân của 3 tên lưu manh nhưng như cảnh sát Bangladesh chỉ ra nếu không có TikTok, một chương trình ứng dụng trên điện thoại của Trung Quốc, 3 tên lưu manh này không thể lừa đảo được một số lượng phụ nữ và trẻ em gái đông đảo như thế.

Vụ bắt giữ được thực hiện sau khi một phụ nữ Bangladesh bị buôn bán sang Ấn Độ bỏ trốn và trở về nhà sau 77 ngày bị giam trong một ổ mại dâm và đệ đơn kiện theo Đạo luật Ngăn chặn và Triệt hạ nạn Buôn bán Người của nước này.

Mohammad Shahidullah, Phó ủy viên Cảnh sát Thủ đô Dhaka, xác nhận với UCA News rằng sau nhiều tuần bị truy bắt, ba tên lưu manh này đã bị bắt giữ ở quận Satkhira gần biên giới với Ấn Độ vào ngày 1 tháng 6.

Ông cho biết những người bị bắt là Mehedi Hasan Babu, Mohiuddin và Abdul Quader. Ba tên này là chủ mưu, ngoài ra còn có 9 tên khác trong một mạng lưới tổng cộng 12 người đã bị buộc tội buôn bán khoảng 1,500 phụ nữ.

Cô gái bị buôn người nói với một kênh truyền hình tư nhân rằng bọn lưu manh đã tiếp cận với cô qua mạng xã hội TikTok, rồi đưa cô đến Ấn Độ bằng cách hứa đưa cô trở thành ngôi sao TikTok và cho cô một công việc lương cao.

Cô ấy được đưa đến nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ bao gồm cả Bengaluru và Chennai, nơi cô ấy bị lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục. Cô nói thêm rằng cô ấy phát hiện nhiều phụ nữ Bangladesh giống như cô đang làm công việc bán dâm trong các khách sạn ở Ấn Độ

Theo dữ liệu từ cảnh sát, khoảng 10,000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị bọn buôn người đưa ra khỏi Bangladesh và khoảng 5,000 trường hợp đã đệ đơn kiện những kẻ buôn người kể từ năm 2013.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng do việc thực thi pháp luật kém và tỷ lệ kết án cực thấp, nạn buôn người đang phát triển mạnh ở Bangladesh.

Linh mục Liton H. Gomes, thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Bangladesh, nói rằng việc thực thi pháp luật kém và chậm trễ trong công lý đã thúc đẩy các tội ác ghê tởm như buôn người.

“Đã có luật nhưng do chưa thực thi hợp lý nên tội phạm đang được khuyến khích. Đồng thời, cần điều tra xem có ai trong xã hội hoặc các cơ quan chính phủ có liên quan đến họ hay không”, Cha Gomes nói với UCA News.

Vị linh mục cho biết ủy ban đang cộng tác với tổ chức bác ái Công Giáo Caritas để giải quyết nạn buôn người ở những khu vực có sự hiện diện của Giáo hội. Các chương trình đang thực hiện bao gồm xây dựng nhận thức và đào tạo thông qua các nhóm và trường học.

“ Chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc mà qua đó chúng tôi có thể làm cho mọi người nhận thức được cũng như sắp xếp việc phục hồi chức năng và điều trị tâm thần cho họ nếu ai đó trở về sau khi đã là một nạn nhân của nạn buôn người,” Cha Gomes nói thêm.
Source:UCANews

2. Đức Hồng Y Sri Lanka kiện chủ tàu vì gây ô nhiễm

Hồng Y Malcolm Ranjith đã quyết định khởi kiện chủ nhân của con tàu đã gây ra thảm họa môi trường trên bờ biển Sri Lanka.

Ngài cho biết cộng đồng ngư dân đã bị thiệt hại nghiêm trọng do tàu MV X-Press Pearl được đăng ký tại Singapore, đã phun chất thải hóa học ra biển kể từ khi bị bốc cháy vào ngày 20/5.

“Tôi sẵn sàng đi đầu trong việc khởi kiện công ty sở hữu con tàu,” Đức Hồng Y Ranjith nói vào ngày 2 tháng 6 tại Colombo.

Con tàu container đang chở 25 tấn axit nitric cùng với các hóa chất và mỹ phẩm khác thì ngọn lửa bùng lên sau một vụ nổ.

Các quan chức đã cảnh báo mọi người không chạm vào bất kỳ mảnh vỡ nào trôi dạt trên các bãi biển vì nó có thể gây hại. Hơn 1,000 người bao gồm cả hải quân và quân đội đã dọn dẹp các bãi biển trong những ngày gần đây.
Source:UCANews

3. Virút Tầu độc địa gây tác động tàn phá lên các xã hội Mỹ châu Latinh

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tàn hại trên các xã hội Mỹ châu Latinh. “Sự lan tràn đại dịch với những hậu quả của nó về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường càng trầm trọng thêm do những vấn đề vốn có sẵn về cơ cấu tại Mỹ Latinh và quần đảo Caribê, bao gồm sự chênh lệch cao độ về giàu nghèo, tình trạng bấp bênh, và thiếu công việc chính thức, thiếu bảo vệ xã Hội, sự suy thoái môi trường, nghèo đói và dễ bị tổn thương.”

Trên đây là nội dung một nghiên cứu của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là CELAM, mới được công bố. Thêm vào các vấn đề vừa nói, Mỹ châu Latinh còn có hệ thống y tế và bảo vệ xã hội yếu ớt và phân hóa, những khu định cư của dân nghèo ở các thành thị đang lan rộng, thiếu các dịch vụ cơ bản. Ngoài ra, Mỹ châu Latinh còn phải đối phó với làn sóng lớn những người di cư và di tản, cũng như các loại xung đột. Sau cùng Mỹ Latinh bị những ảnh hưởng thái quá của sự thay đổi khí hậu.

Nghiên cứu và phân tích trên đây cho thấy thực tại đau thương, có bằng chứng rất đầy đủ, với bao nhiêu dữ kiện, do Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh đề nghị thực hiện và được đăng trong phúc trình tựa đề: “Vấn đề xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Mỹ châu Latinh”.
Source:SIR