Ngày 05-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/06: Trả cho nhân thế vật chất bình thường – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:03 05/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Đức Giê-su để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Biết họ giả hình, Đức Giê-su nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 05/06/2023

10. Một vài người trưng cầu chủ ý của mình với người thân thuộc rồi lấy làm tiếc vì nhỡ theo đuổi ơn gọi, thì như lời Đức Chúa Giê-su đã nói “là người không thích hợp với Nước Trời”.

(Thánh Cyrillus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:37 05/06/2023
68. ĐÔI GIÀY

Cao Duy là một người chăn dê nghèo, ngay cả một đôi giày mới mà anh ta cũng không mua nổi.. Đã là cuối thu rồi, thời tiết rất là lạnh, chân của Cao Duy lạnh như cắt da.

Một hôm, một chiếc xe hơi đậu ngay trước cửa nhà của anh ta, một tên ăn cướp bị tù được phóng thích xuống xe đi đến nói với anh ta:

- “Tôi có một vụ làm ăn rất có lời, có thể kiếm được nhiều tiền. Chỉ cần anh chịu đi theo tôi thì tôi lập tức mua cho anh một đôi giày mới. Sau này cuộc sống của anh không cần phải lo lắng buồn phiền nữa, đương nhiên cũng không cần trở về với đống đất bùn này để chịu khổ nữa.”

Cao Duy trả lời:

- “Không, tôi thà đi chân trần chịu khổ, nếu khổ thì cũng phải gìn giữ sự thanh bạch của tôi, tôi quyết sẽ không tham gia chuyện lừa dối phi pháp, tiền hoàn toàn không quan trọng, hơn nữa thà để bùn đất dính chân thì tốt hơn so với việc dùng hai tay để làm chuyện xấu khiến linh hồn ô nhiễm.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 68:

Cái mà chúng ta nên theo đuổi không phải là tiền tài danh lợi hay quyền lực, nhưng vì để phục vụ mọi người mà tên của chúng ta được vinh dự, đó mới là mục dích của chúng ta.

Thà nghẻo để sống trong bình an vui tươi hơn là làm điều phi pháp để giàu có nhưng lương tâm thì bất ổn đêm ngày.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mẫu mực định hình
Lm. Minh Anh
14:22 05/06/2023

MẪU MỰC ĐỊNH HÌNH
“Thầy là người chân thật không vị nể ai… Vậy có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”; “Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa!”.

François Fénelon là nhà giảng thuyết của hoàng gia thời vua Louis XIV. Một Chúa Nhật nọ, khi vua và đoàn tuỳ tùng đến nhà nguyện; ở đó, không có ai khác ngoài Fénelon. Vua hỏi, “Thế này nghĩa là gì?”. Fénelon trả lời, “Tôi đã thông báo rằng, hôm nay ngài vắng mặt. Nhờ đó, bệ hạ có thể xem ai là người phụng sự Chúa chân thật, ai là kẻ tâng bốc ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị! Trong Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu và phe Hêrôđê sử dụng lại mánh khoé cổ lai đó - sự tâng bốc - để gài bẫy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài phá vỡ mánh lái của họ; đồng thời, tiết lộ cho chúng ta bí quyết cân bằng cuộc sống khi phải đứng trước những chọn lựa. Qua đó, Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho bạn và tôi khi phải chọn Chúa và cái ‘ít hơn’ Ngài!

“Tâng bốc”, một trong những mưu chước có từ vườn địa đàng, với hạn sử dụng vô thời gian. Nó có thể khiến chúng ta mất cảnh giác. “Bạn thông minh, tại sao không…?”. Là Kitô hữu trong thế giới, thông thường, có nghĩa là sống giữa những người quỷ quyệt. Chúa Giêsu từng cảnh báo, phải “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”. Để duy trì sự cân bằng, bạn phải chỉ sống cho Chúa, chọn Ngài; và Chúa Kitô phải là ‘mẫu mực định hình’ ngày sống của mình!

“Có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”. Họ đặt trước Chúa Giêsu một nan đề đầy thách thức. Đó là “một trong hai”; “hoặc cái này, hoặc cái kia”. Hoặc Ngài hoàn toàn chấp nhận Cêsarê, hoặc nổi dậy chống La Mã! Đó là cách thế giới đòi buộc! Nó sẽ là “một trong hai”; “hoặc cái này, hoặc cái kia”. Hoặc là bạn theo thuyết tiến hoá của Darwin, hoặc bạn tin Đấng Tạo Thành; hoặc là bạn khoan dung với lối sống luôn đổi thay, hoặc bạn là kẻ cố chấp không thể chịu nổi. Vậy mà, mọi thứ phức tạp hơn thế! Bởi lẽ, đức tin Công Giáo thường đòi “cả hai”; “cái này và cả cái kia!”. Thật sao?

Đúng thế! Nghĩa là, hãy trao cho Cêsarê những gì thuộc về ông ta và dâng Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Vấn đề là làm thế nào để bạn quyết định những gì thuộc về ai? Đó là nơi mọi thứ trở nên phức tạp! Và đó là lý do tại sao bạn, một Kitô hữu, được kêu gọi để phát triển những quà tặng của mình: trí thông minh, đời sống cầu nguyện và sự phân định. Công Giáo không phải là tôn giáo dành cho người máy, nó đòi mỗi người phải sử dụng tự do và ân tứ Chúa ban một cách có trách nhiệm để làm theo ý muốn của Ngài. Nói cách khác, như Chúa Kitô, Chúa Cha phải là trên hết và trước hết! Ngài là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi chọn lựa!

Anh Chị em,

“Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa”. Bẫy bung, trò chơi kết thúc! Câu trả lời của Chúa Giêsu đòi họ phải quyết định điều gì thuộc về ai. “Bạn phải quyết định” là cụm từ đặc trưng của Karol Wojtyla với tư cách là một cha giải tội. Không gì có thể làm chúng ta sợ hãi bằng sự tự do. Nó khiến khán giả của Chúa Giêsu sợ hãi. Lời Chúa mời gọi chúng ta xem lại cách thức sử dụng tự do, thời gian Chúa ban để làm nức lòng người đời hay để làm vui lòng Thiên Chúa. Chúa Kitô có là ‘mẫu mực định hình’ cho mọi quyết định của bạn và tôi giữa một thế gian dăng mắc bao cạm bẫy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần con bị lừa phỉnh bởi những lời tâng bốc. Cho con luôn ước ‘chỉ cần Chúa khen’, hầu có thể chọn cho mình quyết định mà ưu tiên hàng đầu phải là Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chiếu Bí - Mark 12:18-27
Nguyễn Trung Tây
16:32 05/06/2023
Nguyễn Trung Tây
Góc KINH THÁNH: Chiếu Bí - Mark 12:18-27


Có những người không tin vào cuộc sống đời sau. Đối với họ, chết là chấm hết. Nhắm mắt nằm xuống, xác thân trở về đất đen. Bởi không tin vào thế giới siêu hình, họ không tin vào đời sống thiên đàng và sự hiện hữu của thiên thần. Đọc tới những hàng chữ này, có một số độc giả nghĩ tôi đang nói tới những người theo chủ nghiã vô thần. Không! Không phải! Thật sự ra tôi đang nói tới những người giáo phái Sadducee (Sa-đu-si), thuộc giới thượng lưu trí thức trong xã hội Do Thái. Bởi họ không tin vào sự sống lại, họ mang bàn cờ tướng đến sân Đền Thờ, âm mưu (?) dự tính (?) chiếu bí Đức Giêsu.

Nước cờ đầu tiên họ đưa ra là,
— Có bẩy anh em trai… Người anh trai cả lấy vợ. Nhưng rất tiếc, anh ta chết đi, để lại bà vợ với không một mụn con.”

Đức Giêsu nhìn nước cờ đối phương, yên lặng, chờ đợi. Nhìn khuôn mặt Đức Giêsu, ông Saducee đo lường tình thế, rồi đi nước cờ kế,
— Người em trai, theo phong tục, cưới người chị dâu (để nối tiếp dòng họ)… Nhưng rất tiếc, anh ta cũng chết, để lại bà vợ với không một mụn con.

Đức Giêsu trầm tĩnh, hơi thở điều hòa, chờ đợi giây phút. Ông Sadducee cười, nụ cười khó hiểu trong khi nhấc tay đi thêm một nước cờ, lần này, rõ ràng ông ra chiêu độc,
— Và cứ thế, bẩy người anh em đều lấy chung một bà vợ, bẩy người đều chết, nhưng không để lại được một mụn con nào… Và sau cùng, người đàn bà cũng chết.

Đức Giêsu biết giây phút đã tới khi ông Sadducee nhấc con cờ, đi nước chiếu bí,
— Thưa Thầy, vào ngày "sống lại," người đàn bà này sẽ là vợ của ai trong số bẩy người anh em đó?

Ơi tuyệt vời! Nước cờ chiếu bí. Những ông Sadducee có lẽ đang ngồi rung đùi, vuốt râu chờ đợi giây phút… Nhưng đời có những chuyện không ai ngờ, Đức Giêsu khoan thai chậm rãi đi nước cờ của Ngài, và Ngài nói rõ, rất rõ,
— Sao mà dốt thế! Chỉ có ở đời này, người ta mới lấy vợ lấy chồng. Còn ở thiên đàng, người ta không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng. Khi đó người ta trở nên giống như các thiên thần. Đã hiểu chửa?

Vậy là xong một ván cờ chiếu bí.

Suy Niệm
Có đời sau hay không? Có thiên thần hay không? Đức Giêsu đã trả lời rõ. Qua câu trả lời của Con Trời, trần gian hiểu thêm một điều: “Cuộc sống trần gian khác với cuộc sống thiên đàng; và ngôn ngữ trần gian không có khả năng diễn tả đời sống cõi sau.”

Ơi, cuộc sống... Sinh ra phận người hạn chế, đôi mắt mù lòa.

“Trên đời này có nhiều điều không hiểu, Càng hiểu không ra lúc cuối đời!” (Mai Thảo).

Nhưng cuộc sống đời sau là một thực thể. Bởi tôi tin vào cuộc sống đời sau, tôi sẽ sống khác, khác rõ ràng tựa âm phủ khác với dương gian.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con thấy!
webpage: nguyentrungtay.net
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong năm nay
Đặng Tự Do
17:17 05/06/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị đến thăm Mông Cổ, một trong những nơi xa xôi nhất mà ngài từng đến và chỉ có khoảng 1300 người Công Giáo nhưng có ý nghĩa chiến lược đối với Giáo Hội Công Giáo vì gần Trung Quốc.

Vatican đã thông báo về chuyến đi, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Bảy, nói rằng chuyến đi được thực hiện theo lời mời của tổng thống và các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước.

Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong vài tuần tới, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết.

Tháng 8 năm ngoái, Đức Phanxicô đã nâng Đức Tổng Giám Mục Giorgio Marengo, người Ý, lên hàng Hồng Y. Hiện nay ngài là Giám Quản Tông Tòa của Miền Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaatar

Đức Hồng Y Marengo đã ở Rôma vào tháng trước và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để thảo luận về chuyến đi.

Lần đầu tiên Đức Phanxicô nói về khả năng đến Mông Cổ trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên trên máy bay trở về sau chuyến đi đến Phi Châu vào tháng Hai.

Theo Fides, cơ quan thông tấn về hoạt động truyền giáo của Vatican, có khoảng 1300 người Công Giáo đã được rửa tội ở Mông Cổ trong tổng dân số khoảng 3,3 triệu người.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 60 phần trăm dân số được xác định là có tôn giáo trong khi phần còn lại không có bản sắc tôn giáo.

Trong số những người thể hiện bản sắc tôn giáo, 87,1% xác định là Phật tử, 5,4% là người Hồi giáo, 4,2% là người theo đạo Shaman, 2,2% là Kitô hữu và 1,1% là tín hữu của các tôn giáo khác.

Mặc dù số lượng người Công Giáo ở Mông Cổ ít hơn so với hầu hết các nhà thờ giáo xứ riêng lẻ ở nhiều quốc gia, nhưng quốc gia này rất quan trọng đối với Vatican.

Nước này có đường biên giới dài và quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nơi Vatican đang cố gắng cải thiện tình hình của người Công Giáo ở quốc gia cộng sản này.

Mông Cổ, từng được gọi là Ngoại Mông, là một phần của Trung Quốc cho đến năm 1921, khi nước này giành được độc lập với sự giúp đỡ của Liên Xô khi đó.

Nội Mông vẫn là một phần của Trung Quốc.

Đến thăm những nơi mà người Công Giáo là thiểu số cũng là một phần trong chính sách của Đức Giáo Hoàng nhằm thu hút sự chú ý đến con người và các vấn đề trong những gì ngài gọi là vùng ngoại vi của xã hội và thế giới.

Ngài vẫn chưa viếng thăm hầu hết các thủ đô của Tây Âu trong 10 năm với tư cách là người đứng đầu Giáo hội có 1,3 tỷ tín hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Bồ Đào Nha từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon và viếng thăm Đền thờ Fatima.

Đức Thánh Cha nói ngài có thể sẽ đến Ấn Độ vào năm tới.


Source:newcastleherald.com.au
 
Báo cáo: Đức Tổng Giám Mục Gänswein được lệnh rời Vatican, trở về giáo phận quê hương mà không có vai trò mới
Đặng Tự Do
17:19 05/06/2023


Theo một báo cáo của Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein rời Vatican và trở về Đức vào cuối tháng Sáu.

Thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã được yêu cầu trở về giáo phận Freiburg, Tây Nam nước Đức, nhưng không được giao bất kỳ vai trò hay nhiệm vụ nào, tờ báo Welt đưa tin hôm thứ Sáu.

Theo CNA Deutsch, cơ quan đối tác tiếng Đức của CNA, báo cáo khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho Gänswein, 66 tuổi, về quyết định của ngài trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày 19 tháng Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã không trả lời yêu cầu của CNA Deutsch vào thời điểm xuất bản và Vatican đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào về vấn đề này.

Vai trò tương lai của thư ký của cố Bênêđictô đã trở thành chủ đề của tin đồn và bàn tán khắp Rôma và Giáo hội ở Đức trong nhiều tháng. Những suy đoán trước đây bao gồm tuyên bố rằng Đức Cha Gänswein sẽ phục vụ với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh ở Costa Rica. Vị Giám Mục có tài hùng biện thông thạo nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Đức và tiếng Ý.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã đề cập đến phong tục rằng các cựu thư ký riêng của các Đức Giáo Hoàng đã qua đời không ở lại Rôma”.

Là thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô, Đức Cha Gänswein cũng từng là chủ tịch Phủ Giáo hoàng cho cả Đức Bênêđictô và người kế nhiệm ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến tháng 2 năm 2020.

Đức Cha Gänswein đến từ vùng Black Forest của Đức, là con trai của một người thợ rèn đã được Đức Tổng Giám Mục Oskar Saier ở Freiburg truyền chức linh mục vào năm 1984 và có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Ludwig-Maximilian ở Munich.

Đức Cha Gänswein đã đến Đức vào cuối tuần này để chủ sự Thánh lễ vào Chúa nhật, ngày 4 tháng 6, cho cuộc hành hương hàng năm đến tu viện Xitô Stiepel gần Bochum, miền Tây nước Đức.


Source:Catholic News Agency
 
Chế độ độc tài Nicaragua tiếp quản trường Công Giáo; ba nữ tu có thể sớm bị trục xuất
Đặng Tự Do
17:20 05/06/2023


Chế độ độc tài Nicaragua đã tiếp quản một trường Công Giáo vào rạng sáng ngày 29 tháng 5 và có lẽ sẽ sớm trục xuất ba nữ tu nước ngoài thuộc cộng đoàn quản lý trường này.

Theo hãng truyền thông địa phương Mosaico, cảnh sát của chế độ đã tiếp quản các cơ sở của Học viện Kỹ thuật St. Louise de Marillac, là trường trung học duy nhất ở thị trấn San Sebastián de Yalí thuộc khu hành chính Jinotega.

Ngôi trường có khoảng 100 học sinh đang theo học, được quản lý bởi Dòng Nữ tử Thánh Louise de Marillac trong Chúa Thánh Thần, được thành lập vào năm 1992.

“Đó là một ngôi trường nhỏ, nhưng có lịch sử lâu đời và rất có uy tín,” một cư dân của San Sebastián de Yalí nói với Mosaico.

Theo các phương tiện truyền thông Nicaragua, các viên chức cảnh sát đã biện minh cho việc tiếp quản trường bằng cách tuyên bố rằng họ phải xem xét tài liệu của trường.

“Có khoảng sáu nữ tu, trong đó có một sơ lớn tuổi bị mù. Họ rất tốt, cũng rất hay giúp đỡ những người nghèo trong khu phố, và họ chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề gì với bất kỳ ai, bởi vì họ luôn phục vụ Chúa và tha nhân,” người dân kể lại.

Ba trong số các nữ tu là người nước ngoài có thể bị trục xuất trong vài ngày tới.

Vào ngày 31 tháng 5, Martha Patricia Molina, một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua sống lưu vong, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng việc phong tỏa và khám xét ngôi trường sẽ là bước trước khi chế độ độc tài tịch thu nó.

Cô cảnh báo: “Trong vài ngày tới, chúng ta sẽ có thể thấy lệnh tịch thu nó tới từ văn phòng tổng chưởng lý.

“Đối với chế độ độc tài, vốn luôn hành động tùy tiện, thì một văn bản xác lập việc tịch thu là không cần thiết, bởi vì tất cả những hành động mà họ thực hiện đều đã nằm trong luật của họ”

Báo cáo nêu chi tiết rằng trong 5 năm qua đã có ít nhất 529 cuộc tấn công của chế độ Ortega chống lại Giáo hội, 90 vụ đã xảy ra từ đầu năm 2023 cho đến nay.

Cô đặc biệt ghi nhận việc bỏ tù oan Đức Giám Mục Rolando Álvarez, người đã bị kết án 26 năm 4 tháng vì tội phản quốc; 32 nữ tu bị trục xuất khỏi đất nước; bảy tòa nhà Giáo hội bị chế độ tịch thu; và các phương tiện truyền thông khác nhau bị đóng cửa.


Source:Catholic News Agency
 
Hồng phúc bất ngờ, câu chuyện cảm động của một linh mục về mẹ ngài
Vũ Văn An
17:43 05/06/2023

Cha John Daly, cha sở Nhà thờ Chính thống Thánh Nicholas ở Southbridge, Massachusetts, trên tạp chí mạng First Things, ngày 23 tháng 5, 2023, kể lại câu chuyện cảm động về người mẹ của ngài, mắc bệnh tâm thần đến quên cả ngài, một hôm bỗng nhớ ra ngài và thốt lên câu bà đã thốt lần đầu tiên khi hạ sinh ngài “You’re mine!” (con là con của mẹ!):



Mẹ tôi lê bước vào phòng, dựa vào cánh tay của một phụ nữ trẻ mà tôi không biết tên; không còn nghi ngờ gì nữa, bảng tên của cô ấy đã quay sai hướng, chắc chắn là do sự hối hả và nhộn nhịp của buổi sáng. Tôi muốn cảm ơn đích danh nhân viên khi họ đưa mẹ tôi, người mắc chứng mất trí nhớ, xuống thăm, và tôi biết khá nhiều người trong số họ cho đến giờ. Nhưng có rất nhiều người tôi chưa biết vì họ là nhân viên mới hoặc chưa được chỉ định giúp mẹ tôi vào những ngày tôi đến thăm.

“Má ơi, đây rồi. Con sẽ quay lại đón má sau cuộc thăm viếng má. Chúc má khoảng thời gian vui vẻ bên con trai”.

Những công nhân gốc nói tiếng Tây Ban Nha ở nhà dưỡng lão thường gọi mẹ tôi là “Má”. Họ nói như thể đang nói với mẹ ruột của mình vậy. Tôi cảm động trước lòng tốt và sự kiên nhẫn của họ. Rất nhiều người dưới sự chăm nom của họ có thể khó tính, thậm chí còn ti tiện nữa, mẹ tôi không ít như thế trong số này.

Tôi khoác tay mẹ và dẫn mẹ đến một chiếc ghế ở một trong những chiếc bàn tròn trong phòng, hướng mẹ về phía một bản sao bức Water Lilies của Monet. Ai đó đã dán một con ếch ba chiều vào bức tranh một cách khó chịu - tôi đoán là để mua vui cho những người trong nhà - nhưng mẹ tôi luôn cho rằng bức tranh đẹp làm sao, có ếch hay không có ếch cũng thế. Quay mặt vào tường giúp mẹ không nhìn thấy những chiếc xe hơi đậu bên ngoài cửa sổ và giúp chúng tôi không ngừng lặp đi lặp lại những câu hỏi xem chiếc nào là của tôi. Nó có nghĩa là chúng tôi có thể nói về những gì đang xẩy ra trong gia đình và hồi tưởng về những ngày xưa cũ. Thường thì tôi là người kể chuyện và cập nhật tình hình gia đình cho mẹ, trong khi mẹ đáp lại bằng những câu chuyện rời rạc của riêng người.

Thoạt đầu, việc mẹ tôi sa sút đến mức không mạch lạc nữa thật khó chịu đựng được. Mẹ vốn luôn có một trí nhớ tốt, và mẹ là một người kể chuyện tuyệt vời. Mẹ thích hồi tưởng về quá trình lớn lên ở Oklahoma và cuộc sống của mẹ với cha tôi và lũ trẻ chúng tôi khi chúng tôi lớn lên ở New England. Nhưng, theo thời gian, tôi thấy những cuộc trò chuyện này ngày càng trở nên thoải mái hơn. Nào có ai quan tâm nếu mẹ trộn lẫn tên và liên tục hỏi cha tôi, người đã rời xa thế giới này hơn hai thập niên, bây giờ ra sao và liệu cuối cùng ông có ngừng uống rượu hay không? Hồng phúc thực sự là chúng tôi vẫn còn có thể kết nối. Chúng tôi vẫn còn có thể tận hưởng sự ấm áp khi ở bên nhau. Nói chuyện với mẹ bây giờ giống như một giấc mơ, nhưng tôi bắt đầu tin rằng cuộc sống, theo nhiều cách, là một giấc mơ được chia sẻ tốt nhất khi trôi dạt trên những dòng chảy nhẹ nhàng dẫn chúng ta đến đại dương rộng lớn kia.

Tuy nhiên, vào ngày đặc thù này, có điều gì đó khác biệt. Mẹ vui vẻ đón nhận nụ hôn của tôi và rất vui khi thấy cà phê và chiếc bánh rán cắt sẵn mà tôi đã chuẩn bị cho mẹ, nhưng tôi có thể nói rằng mẹ không chắc tôi là ai.

Tôi hỏi mẹ: “Má ơi, má có biết con là ai không?”

"KHÔNG. Nhưng tôi biết ông đến thăm tôi rất nhiều,” mẹ trả lời với một nụ cười mơ hồ.

“Con là Johnny đây. Con là con trai của má đây."

Mẹ nhìn tôi vài giây, bối rối nhưng không phiền lòng. Sau đó, vẻ mặt của mẹ thay đổi, như thể mẹ tỉnh thức và nhận ra mình đang ở đâu. Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi, và một giọt nước mắt lăn dài trên má.

"Con là con của mẹ?" Mẹ trả lời, vươn tới và nắm lấy tay tôi. "Của má? Con là con của má?"

“Đúng, thưa má, con là con của má. Con đã là con của má trong sáu mươi bảy năm nay. Con sẽ luôn là con của má, và má sẽ luôn là má của con,” tôi trả lời. Trong lòng tôi nặng trĩu, nhớ rằng ngày đó đã đến, ngày đầu tiên của sự lãng quên thực sự.

Nhưng khi tôi nhìn vào mắt mẹ, và mẹ một lần nữa thốt lên: “Con là con của má,” tôi thấy sự thuần khiết của tình yêu tuyệt đối và không thể lay chuyển. Và vào lúc đó, tôi nhận ra rằng tôi đã nhìn thấy điều này trước đây, vào một buổi sáng tháng Sáu cách đây gần bảy mươi năm, khi mẹ tôi lần đầu tiên nhìn thấy đứa trẻ mà bà đã mang trong mình chín tháng trong cơ thể của chính mình. Câu hỏi thẹn thùng về việc không tin rằng một điều như vậy có thể đã xảy ra, tiếp theo là lời khẳng định đắc thắng rằng nó đúng là như vậy. "Con là con của mẹ!"

Sức nặng của việc biết rằng sự bắt đầu của kết thúc đã đến được thay thế bằng sự ngạc nhiên về điều đang là và sẽ luôn luôn là. Rằng tôi là con của người và người là mẹ của tôi và không có gì, kể cả chứng mất trí nhớ hay chính cái chết, có thể xóa bỏ điều đó. Người sẽ luôn là mẹ của tôi, và tôi là con trai của người.

Thật lạ lùng và đẹp đẽ xiết bao khi được tặng một hồng phúc bất ngờ như thế, vào một ngày đáng sợ mà tôi đã mong đợi từ lâu.
 
Tìm kiếm lợi ích chung là điều tối quan trọng
Thanh Quảng sdb
15:26 05/06/2023
Tìm kiếm lợi ích chung là điều tối quan trọng

Phát biểu trước các thành viên của Tổ chức “Bước vào Thiên Niên Kỷ” (Centesimus Annus Pro Pontefice) nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt để “cộng đồng” vào trung tâm của mọi sự phát triển kinh tế xã hội.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn các thành viên của Tổ chức “Bước vào Thiên Niên Kỷ” (Centesimus Annus Pro Pontefice) đã cam kết không ngừng trong việc phát huy vào trọng tâm của con người là lợi ích chung, tình đoàn kết và sự hỗ trợ trong công việc và sứ mệnh, và ngài nhắc lại niềm tin của mình rằng “không ai được cứu rỗi một mình”.

Phát biểu trước các đại diện của Tổ chức tại Vatican, ĐTC khuyến khích họ tiếp tục “suy nghĩ và hành động về cộng đồng”, tạo nên không gian cho tha nhân và làm việc vì “một tương lai mà mọi người có thể tìm thấy vị trí của mình và có chỗ đứng của mình trên thế giới”.

“Một cộng đồng biết cách mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói là điều tất cả chúng ta cần làm.”

Hoạt động vì cộng đồng

Tổ chức “Bước vào Thiên Niên Kỷ” (Centesimus Annus Pro Pontefice) kỷ niệm 30 năm thành lập với một hội nghị mang tên “Ký ức để xây dựng tương lai: Suy tư và hành động cho cộng đồng.”

Nhắc lại việc thành lập Tổ chức có tên và sự ra đời của thông điệp Ngàn Năm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được viết vào dịp kỷ niệm 100 năm Thông điệp “Đổi Mới Địa Cầu” (Rerum Novarum) lịch sử của Đức Lêô XIII, Đức Thánh Cha nói rằng Tổ chức đã đặt lý tưởng đường hướng dẫn dắt Tổ chức là nghiên cứu và phổ biến Học thuyết xã hội Giáo hội, “cố gắng chứng tỏ rằng đây không chỉ là lý thuyết, mà có thể trở thành một lối sống đạo đức để làm cho các xã hội xứng hợp với con người phát triển.”

Tính trọng tâm của con người là công ích, tình đoàn kết và hỗ trợ, trong ba mươi năm qua đối với anh chị em đã được biến thành những hành động cụ thể và thúc đẩy trái tim và hành động của rất nhiều người.

Đức Thánh Cha cảm ơn những người có mặt vì nhiều năm làm việc cho các giá trị, đặc biệt vì đã nhận và khởi động lại những đóng góp mà ngài đã “cố gắng thực hiện để phát triển Học thuyết Xã hội trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium).

Giải thích và cảnh báo về nguy cơ “một nền kinh tế không lành mạnh” bằng cách chỉ ra rằng nền kinh tế hiện tại “hủy diệt” bằng cách “lên án mô hình kinh tế tạo ra sự lãng phí và thúc đẩy cái có thể được gọi là 'toàn cầu hóa của sự lãnh cảm' ”, ĐTC kêu gọi những người hiện đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế hãy cam kết tạo điều kiện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

ĐTC cho hay: Các bạn biết đấy, mọi người có thể mang lại lợi ích như thế nào khi đặt con người vào trung tâm, không coi thường người lao động và tìm cách tạo ra điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của ngài trong thông điệp Laudato si' liên quan đến “sự nguy hại do mô hình kỹ thuật thống trị gây ra” và lời kêu gọi của ngài đối với hệ sinh thái toàn diện, “nơi mà 'mọi thứ đều phải được kết nối', 'mọi thứ đều có liên đới với nhau' và vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi các vấn nạn xã hội.”

“Mọi thứ đều được kết nối, mọi thứ đều có liên quan và vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi vấn đề xã hội.”

Không ai được cứu một mình

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại niềm tin của ngài rằng việc chăm sóc môi trường và chăm sóc người nghèo luôn song hành với nhau, chúng “đứng vững hoặc gục ngã cùng nhau.”

“Xét cho cùng, không ai được cứu rỗi một mình và việc khám phá lại tình huynh đệ và tình bạn xã hội là điều quyết định để không sa vào chủ nghĩa cá nhân khiến con người mất đi niềm vui sống!”

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đánh giá cao về tiêu đề của hội nghị mà theo ngài, phát xuất từ thông điệp “Tất cả là anh chị em” (Fratelli tutti) của ngài và từ bài phát biểu năm 2014 trước những người tham dự viên cuộc họp thế giới của các Phong trào Bình dân.

ĐTC nói: “Nhân dịp này, tôi nhấn mạnh Đoàn kết là một từ không phải lúc nào cũng được ưa chuộng; nhưng đó là một từ thể hiện nhiều hơn các hành động riêng lẻ. Đó là suy tư và hành động về mặt cộng đồng, ưu tiên cuộc sống của tất cả mọi người hơn là chiếm đoạt của cải của một số ít. Nó cũng là việc đấu tranh chống lại các nguyên nhân làm cho nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, chiếm hữu đất đai và nhà ở, từ chối các quyền xã hội và lao động. Đó là những tác động hủy diệt của một thể chế tiền bạc: buộc phải di dời, di cư, buôn người, ma túy, chiến tranh và bạo lực.”

“Đoàn kết, hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất, là cách làm nên lịch sử.”

Tập trung vào vai trò quan trọng của cộng đồng, ĐTC dẫn lời một luật gia người Ý, Paolo Grossi, người đã phát biểu “Cộng đồng luôn là nơi giải cứu cho những người cô thân yếu thế và mang lại tiếng nói cho những người thấp cổ bé miệng!”

Kiến tạo không gian

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “để cộng đồng thực sự trở thành một nơi mà những người yếu đuối và không có tiếng nói có thể cảm thấy được chào đón và lắng nghe, điều cần thiết là mọi người hãy góp sức kiến ‘tạo không gian’.”

“Mọi người hãy rút lại cái tôi của mình một chút, để cho phép tha nhân tồn tại.”

ĐTC nói đạo đức là “quà tặng” chứ không phải “là một vật trao đổi”. ĐTC cho biết công việc có giá trị của Tổ chức “Bước vào Thiên Niên Kỷ” Centesimus Annus có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của một cộng đồng nơi có không gian cho người khác, một tương lai nơi mọi người có thể tìm thấy vị trí của mình, một cộng đồng biết cách đưa ra tiếng nói cho những người không có tiếng nói.

“Một cộng đồng mà chúng ta có thể cùng nhau bước đi trên con đường hòa bình.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vấn Nạn Quyền Bính Dân Sự
Lm. Nguyễn Văn Nghiã
08:29 05/06/2023
Vấn Nạn Quyền Bính Dân Sự

“Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Con người là hữu thể có tính xã hội. Có thể nói rằng tính xã hội là một trong những yếu tố nền tảng làm nên con người. Quyền bính có ra là do yêu cầu của tính xã hội. Đã là hai người thì tất yếu có kẻ trên, người dưới. Đã là tập thể thì phải có người đứng đầu để lãnh đạo. Một tập thể mà không có người chỉ huy thì chuyện tan rã là chuyện không sớm thì muộn cũng xảy ra. Không có người lãnh đạo thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn độn, cá lớn nuốt cá bé. Chính vì thế sự hiện hữu của quyền bính là điều tất yếu cần thiết. Vị trí quan trọng và thiết yếu của quyền bính được nhìn nhận do bởi vai trò của nó. Quyền bính có ra là để gìn giữ xã hội ổn định trong trật tự, công bằng; xây dựng công ích; bảo vệ kẻ cô thân, yếu thế, người bất hạnh; tạo điều kiện cho mỗi người và mọi người hoàn cảnh thuận lợi để tồn tại, phát triển và nên hoàn thiện.

Theo viễn kiến này và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa muốn có sự hiện hữu của quyền bính trong xã hội dân sự. Và sự hiện hữu của quyền bính là trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, khi Người dựng nên nhân loại có tính xã hội. Như thế chúng ta có thể nói không sợ sai lầm rằng quyền bính là một trong những công trình của Thiên Chúa, nghĩa là do Thiên Chúa làm nên.

Những gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa. Xêda là một hình thức quyền bính của xã hội dân sự thời phong kiến xưa. Xêda là hoàng đế của La mã hoặc bất cứ vị hoàng đế của nước nào cũng đều thuộc về Thiên Chúa. Ngày nay, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Quốc Hội, Tòa án…cũng là quyền bính xã hội và chúng đều thuộc về Thiên Chúa. Vì thuộc về Thiên Chúa thì những người nắm giữ quyền bính ấy phải hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Hoàng đế Kyrô khi ra sắc chỉ cho dân Do Thái bị lưu đày trước đây được hồi hương và tái thiết Đền thờ thì đã được ngôn sứ Isaia nhìn nhận như là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Hoàng đế Kyrô còn được gọi là người được xức dầu vì ông đã thực thi thánh ý Thiên Chúa (x.Is 45,1).

Chúng ta cần phân biệt sự hiện hữu của quyền bính với người nắm quyền bính. Sự hiện hữu của quyền bính là chính đáng, hợp pháp và phải đạo vì do Thiên Chúa làm nên. Tuy nhiên không phải bất cứ ai nắm quyền bính cũng đều chính đáng, vì có thể họ chiếm lấy quyền bính cách không hợp pháp hoặc họ thực thi quyền bính cách không phải đạo. Lich sử minh chứng có trường hợp người ta đã chiếm lấy quyền bính cách “ma đạo” và hành quyền kiểu độc tài, phi nhân và phi luân. Như thế chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi thực thể quyền bính với những người nắm quyền để khỏi nhầm lẫn.

Xét quyền bính như là một cơ cấu tổ chức điều hành một tập thể xã hội hay tôn giáo thì nó thật chính đáng và hợp lý. Tuy nhiên hình thức quyền bính này cũng cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển của con người và xã hội để phục vụ cách hữu hiệu ngày mỗi hơn. Chẳng hạn như cơ cấu quyền bính loại hình quân chủ chuyên chế không thể nào thích hợp với con người và xã hội hôm nay. Nhiều hình thái cơ cấu, tổ chức không chỉ cần phải được đổi mới mà thậm chí còn phải bị thay thế bằng hình thái khác. Có thể nói rằng với đà phát triển của nhân loại như hôm nay thì những hình thái quyền bính mang tính độc tài, chuyên chế không còn lý do để hiện hữu.

Xét những con người nắm quyền bính thì trước hết chúng ta cần xem xét cách thức họ nắm giữ quyền hành có hợp pháp không, nghĩa là có minh bạch và công bằng không. Chúng ta dễ nhận ra cách thức xem ra được gọi là khá công bằng hiện nay để xây dựng công quyền đó là “phổ thông đầu phiếu”. Và dù được tổ chức bầu bán công khai thì cũng cần phải xét xem việc bầu bán ấy có tiến hành trong sự tự do và công bằng hay không. Thực tế đã có đó những cuộc bầu bán tuy là công khai những chỉ là một thứ hình thức hợp pháp hóa sự độc quyền, vì chưa bầu mà thiên hạ đã biết những ai sẽ đắc cử và sẽ đảm nhận vai vế gì trong hệ thống công quyền.

Kế đến chúng ta cần xem xét những người cho dù đảm nhận quyền bính cách hợp pháp và công minh nhưng họ có hành quyền cách công tâm và đúng mực không, dĩ nhiên là ở một mức độ nào đó khả dĩ có thể chấp nhận. Nếu đang nắm quyền mà không thực thi vai trò của quyền bính như đã nói trên, đó là xây dựng công ích, gìn giữ trật tự, bảo vệ người cô thế…, thì chắc chắn những người ấy đang đi ngoài đường lối của Thiên Chúa. Như thế họ không chỉ không đáng được tôn trọng mà thậm chí còn cần phải bị thay thế.

Giáo Hội không làm thay việc của Chính quyền. Đây là một lời khẳng định đúng. Thế nhưng cần hiểu hai từ Giáo Hội ở đây xét như là một thực thể tôn giáo mang tính xã hội có cơ cấu tổ chức và cả quyền bính. Còn những con người có tôn giáo thì chắc chắn phải thực thi nghĩa vụ “con người mang tính xã hội” của mình. Họ phải tích cực tham gia và xây dựng quyền bính xã hội để làm cho nó ngày càng thuộc về Thiên Chúa hơn, nghĩa là được vận hành cách chính đáng và phải đạo. Giáo Hội Công Giáo chỉ cấm hàng giáo sĩ và tu sĩ không được tham gia vào các chức vụ công quyền, trừ khi có lý do thật khẩn thiết và được ban phép (GL Đ.287.2; Đ.672). Còn với tín hữu giáo dân thì việc trực tiếp hay gián tiếp tham gia công quyền và xây dựng công quyền ngày càng trở thành “chính quyền” là một nghĩa vụ khẩn thiết, không thể xao nhãng hay bỏ qua vì bất cứ lý do gì.

“Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Có thể khẳng định rằng thể chế nào, nền công quyền nào hay người nắm quyền lực nào mà không “thuộc về Thiên Chúa” thì đang bị Thần dữ chi phối. Thần dữ vốn là tên sát nhân và là cha của sự gian dối thì “thành quả” của nó chính là sự chết chóc, bạo lực và hận thù (x.Ga 8,44). Chính vì thế để làm phát triển nền văn minh tình thương và sự sống thì mọi Kitô, dù là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, theo cách thế của mình, đều có bổn phận làm cho các cơ chế công quyền và những người nắm quyền “thuộc về Thiên Chúa”, nghĩa là hiện hữu, vận hành và thi hành quyền bính phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Để được vậy, thiết nghĩ không gì hơn chúng ta cần tích cực can đảm bảo vệ công lý và làm chứng cho sự thật trong tình yêu. “Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo” đã từng được Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên chương trình phổ biến và học tập. Mong sao chương trình này không dừng lại ở phạm trù truyền đạt kiến thức nhưng thiết nghĩ cần phải được hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể, rõ ràng.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
VietCatholic TV
Putin hết thời: Prigozhin bắt được Trung Tá Nga tập kích Wagner. Lính Nga bắt lính Nga nộp cho Kyiv
VietCatholic Media
16:34 05/06/2023


1. Video cho thấy sĩ quan cấp tá Nga thừa nhận tấn công Tập đoàn Wagner vì thù hận

Một sĩ quan cấp tá thuộc Lữ Đoàn Cơ Giới biệt lập đã nổ súng vào quân Wagner. Theo các quan sát viên, anh ta chắc đã nhận được lệnh từ bên trên chỉ đạo không cho quân Wagner được trở về Nga. Có một mối lo là các chiến binh từng là cựu tù nhân hình sự có thể gây nguy hiểm cho xã hội Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Russian Colonel Admitting To Attack on Wagner Group Amid Feud”, nghĩa là “Video cho thấy sĩ quan cấp tá Nga thừa nhận tấn công Tập đoàn Wagner vì thù hận.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Yevgeny Prigozhin, chỉ huy Tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, đã công bố một đoạn video mà theo ông là cho thấy một Trung tá người Nga bị bắt thừa nhận đã nổ súng vào các chiến binh của ông ta trong lúc say xỉn.

Prigozhin đã rút đơn vị bán quân sự của mình khỏi thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine vào tuần trước sau khi liên tục cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga cố tình tước đoạt đạn dược của các chiến binh của ông.

Prigozhin cũng tuyên bố trong một video khác rằng con đường mà các chiến binh của ông ta rút khỏi thành phố đã bị quân đội Nga cố tình đặt mìn.

Những diễn biến mới nhất diễn ra trong bối cảnh mối thù công khai giữa Prigozhin và một đồng minh hàng đầu khác của Tổng thống Nga Vladimir Putin, là lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov. Đã có sự rạn nứt sâu sắc trong những tháng gần đây giữa Prigozhin và lãnh đạo quân đội Nga.

Trong video do dịch vụ báo chí của Prigozhin công bố, người đàn ông tự giới thiệu mình là Trung tá Roman Venevitin, chỉ huy lữ đoàn bộ binh cơ giới số 72.

Anh ta nói rằng cùng với từ 10 đến 12 cấp dưới của mình, anh ta đã tước vũ khí của một nhóm chiến binh Tập đoàn Wagner và “nổ súng vào một chiếc xe Wagnertrong khi say rượu.” Anh ta nói rằng đã thực hiện điều này vì “thù hận”.

Khi được hỏi liệu kiểu oán giận này có chỗ đứng trong chiến tranh hay không, Venevitin, người có sống mũi bị tổn thương rõ ràng trong video, đã nói “không”.

Người hỏi cung đặt câu hỏi với Venevitin: “Anh mô tả hành động của mình như thế nào đây?”. Sau một lúc lâu, anh ta trả lời: “Có tội.”

The Insider, một hãng tin độc lập của Nga, đưa tin rằng họ có thể xác nhận danh tính của người trong video là Venevitin Roman Gennadievich, sinh năm 1978—một sĩ quan cấp tá Nga tốt nghiệp học viện quân sự.

“Có vẻ như mối thù giữa công ty quân sự Wagner và quân đội chính quy của Nga đã lên một tầm cao mới,” Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết trên Twitter về đoạn video.

Prigozhin cũng tuyên bố rằng vào ngày 17 tháng 5, quân đội Nga đã gài các quả mìn trên các tuyến đường quân Wagner rút khỏi thành phố Bakhmut, cố tình nhắm vào các chiến binh của ông ta. Ông cho biết các lực lượng Nga đã nổ súng vào binh lính của ông khi họ cố gắng rà phá bom mìn.

“Hiện tại, một cuộc điều tra đang được tiến hành. Nhiều sự thật không được công khai. Tuy nhiên, tôi có thể công bố báo cáo ban đầu và bằng chứng video về những gì đã xảy ra ở đó,” ông nói qua dịch vụ báo chí của mình, đồng thời công bố một đoạn clip ngắn dường như cho thấy các quả mìn được đào lên từ mặt đất.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

2. Các đơn vị Nga thuộc phe đảo chính Putin nói rằng họ sẽ bàn giao những người lính bị bắt cho Ukraine

Hai đơn vị quân đội Nga thuộc phe đảo chính Putin tuyên bố họ đã bắt được binh lính Nga nói rằng họ sẽ chuyển các tù nhân cho quân đội Ukraine.

Quân đoàn Tình nguyện Nga và Quân đoàn Tự do cho Nga đã yêu cầu một cuộc gặp với thống đốc Belgorod, khu vực biên giới Nga, nơi họ nói rằng họ đã bắt được các chiến binh. Tuy nhiên, mặc dù tỏ ra cởi mở với cuộc họp, các nhóm cho rằng Thống đốc Vyacheslav Gladkov đã không dám tới dự cuộc thương lượng.

Theo cập nhật video từ Quân đoàn tình nguyện Nga, các nhóm hiện đã quyết định giao những người lính bị bắt “cho phía Ukraine để làm thủ tục trao đổi”.

Quân tình nguyện Nga tuyên bố họ có “nhiều binh sĩ bị bắt hơn bây giờ” mà không đề cập đến con số bao nhiêu.

Quân đoàn tình nguyện Nga và Quân đoàn Tự do cho nước Nga chiến đấu bên cạnh quân Ukraine. Họ đã thực hiện một số cuộc xâm nhập gần đây vào Belgorod.

Hôm thứ Năm, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Nga đã đánh đuổi các đơn vị thuộc phe đảo chính Putin về phía bên kia biên giới Ukraine. Bản thân Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, cũng đưa ra tuyên bố nói rằng quân Ukraine chỉ pháo kích xuyên biên giới vào các thị trấn của khu vực Belgorod nhưng không hiện diện trên đất Nga.

Từ hôm thứ Sáu, ông mới thừa nhận có các cuộc giao tranh tại thị trấn Shebekino.

Các đơn vị của phe đảo chính Putin cho biết hôm Chúa Nhật rằng họ đã bắt giữ hai binh sĩ Nga ở vùng Belgorod và yêu cầu gặp thống đốc địa phương Vyacheslav Gladkov.

Gladkov ban đầu đã tỏ ra đáp ứng yêu cầu của phe đảo chính Putin trong một tin nhắn video trên kênh Telegram của ông ta vào hôm Chúa Nhật, nói rằng ông ta sẵn sàng nói chuyện với các đơn vị bất đồng chính kiến Nga nếu hai người lính mà họ tuyên bố đã bắt giữ vẫn còn sống.

“Điều duy nhất ngăn cản tôi đàm phán với họ là những người của chúng ta đang ở trong tay họ đã qua đời. Rất có thể họ đã giết họ, thật khó để nói lên điều này. Nhưng nếu họ còn sống, từ 17:00 đến 18:00 tại Trạm kiểm soát xe hơi quốc tế Shebekino. Tôi bảo đảm an toàn. Thế là xong,” Gladkov cho biết như trên, ý nghĩa câu ông ta nói có vẻ mơ hồ, nhưng nhiều người tin dường như là sẵn sàng đáp ứng đề nghị gặp mặt.

Phát ngôn nhân của phe đảo chính Putin nói rằng giờ chót ông ta không đến.

Người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã tuyên bố trong một bài đăng trên Telegram vào Chúa Nhật rằng ông ta sẵn sàng cử một trong những cấp phó cấp cao của mình đến đón những người lính Nga bị bắt nếu không có ai đến giải cứu họ.

Prigozhin, người thường xuyên kích động cơ sở Điện Cẩm Linh, đã thách thức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov cũng đến giải cứu những người lính.

3. Thống đốc Belgorod báo cáo nhiều vụ pháo kích hơn từ Ukraine, khi những người bất đồng chính kiến Nga đang gia tăng áp lực

Thống đốc cho biết trong một đoạn video được đăng vào sáng Chúa Nhật, trong một video được đăng tải vào sáng Chúa Nhật, các cuộc pháo kích mới từ Ukraine đã làm rung chuyển Belgorod trong đêm, khi những người bất đồng chính kiến Nga gia tăng áp lực lên khu vực biên giới phía tây.

Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết đã có các cuộc tấn công của Ukraine ở một số địa điểm dưới chính quyền của ông.

“Một đêm khá hỗn loạn,” Gladkov nói. “Có rất nhiều sự tàn phá. Không có thông tin về thương vong.”

4.000 người đang ở trong những nơi ở tạm thời. Gladkov cho biết thêm, trẻ em trong khu vực đang được chuyển đến một trại ở Crimea để bảo đảm an toàn cho chính chúng.

Cũng vào Chúa Nhật, Quân đoàn Tự do cho Nga, một trong hai đơn vị bất đồng chính kiến của Nga chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ukraine, đã đăng một đoạn video mà họ nói cho thấy các chiến binh của họ trên đường phố của một ngôi làng ở ngoại ô Shebekino, một trong những những khu vực mà Gladkov nói đã bị tấn công.

Đoạn phim dường như cho thấy quân đoàn ở Novaya Tavolzhanka, theo vị trí địa lý của CNN, và các nhóm người di chuyển qua các đường phố như một đơn vị.

Việc phát hành video sẽ được coi là một nỗ lực tiếp theo nhằm gây bất ổn cho Nga trong không gian thông tin, cũng như phá vỡ các kế hoạch quân sự của nước này.

4. Số lượng các cuộc tấn công ngày càng tăng mang chiến tranh đến lãnh thổ Nga

Các quan chức Nga đã báo cáo các cuộc tấn công chết người tại ít nhất bốn địa điểm ở khu vực Belgorod và các đơn vị Nga thuộc phe đảo chính Putin liên kết với Ukraine đang tăng cường các cuộc xâm nhập của họ, đưa cuộc chiến đến lãnh thổ Nga.

Thống đốc khu vực Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết ít nhất bảy người đã thiệt mạng do pháo kích ở các khu vực biên giới Nga kể từ thứ Sáu.

Hai người đàn ông và một phụ nữ đã thiệt mạng trong một loạt 18 quả rocket bắn vào làng Sobolevka, Gladkov cho biết trong một loạt bài đăng trên kênh Telegram của mình. Một đường ống dẫn khí đốt và một đường dây điện cũng bị hư hại trong cuộc tấn công.

Sobolevka, nằm ở khu vực thành phố Valuisky, là địa điểm cực đông bị tấn công trong hai tuần qua. Một tuyến đường sắt chạy qua làng và đi vào lãnh thổ Ukraine do Nga xâm lược ở phía nam cuộc tấn công, cho thấy các cuộc tấn công có chủ ý nhắm vào các tuyến tiếp tế của Nga.

Ông Gladkov cho biết, ở phía tây bắc dọc theo biên giới của Nga với Ukraine, hai phụ nữ đã thiệt mạng tại làng Maslova Pristan khi xe của họ bị bốc cháy. Hai phụ nữ khác đã thiệt mạng trong các vụ pháo kích riêng vào các ngôi làng gần đó.

Hai đơn vị chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công gần đây ở các khu vực biên giới – Quân đoàn Tự do cho Nước Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga – được tạo thành từ các binh sĩ Nga chống lại Tổng thống Vladimir Putin. Mặc dù không chính thức là một phần của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nhưng người ta tin rằng họ nằm dưới sự chỉ huy của lực lượng an ninh Ukraine và được trang bị hùng hậu với các vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe thiết giáp và các hệ thống pháo tiên tiến.

Trong khi các cuộc tấn công xuyên biên giới có tác động quân sự, buộc Nga phải xem xét triển khai lại các nguồn lực để bảo vệ biên giới, chúng dường như cũng được thiết kế để tác động đến tinh thần của quân đội Nga.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khẳng định trong phản đối mới nhất rằng Bakhmut không bị mất vào tay Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Bakhmut Not Lost, Ukrainian Defense Minister Insists In Late Rallying Cry”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khẳng định trong phản đối mới nhất rằng Bakhmut không bị mất vào tay Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các lực lượng Nga không hoàn toàn kiểm soát thành phố Bakhmut bị tàn phá của Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết như trên, bác bỏ những tuyên bố lặp đi lặp lại của Mạc Tư Khoa về việc chiếm được khu định cư ở chiến trường phía đông.

“Chúng tôi sử dụng Bakhmut như một thành trì để giảm khả năng tấn công của Nga,” Oleksii Reznikov nói với Channel News Asia bên lề hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Thành phố tranh chấp Bakhmut đã chứng kiến nhiều tháng giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine cho đến nay. Một khu định cư có ít giá trị chiến lược, cả hai bên đã tranh giành quyền kiểm soát vì tầm quan trọng mang tính biểu tượng của nó. Nhưng các cuộc đụng độ liên tục đã khiến Mạc Tư Khoa và Kyiv phải trả giá đắt, với việc cả hai bên đều tin rằng đã gây ra số thương vong cao ở Bakhmut. Vào cuối tháng 3, Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley cho biết thành phố này đã trở thành một “lễ hội tàn sát” đối với các lực lượng Nga.

Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự chiến đấu ở Ukraine, đã khẳng định trong nhiều tuần rằng lực lượng Nga đã chiếm được Bakhmut, là điều đã bị Kyiv nhiều lần phủ nhận.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết các chiến binh của Nga tiếp tục “các hoạt động tấn công” trong khu vực. Hôm thứ Bảy, Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết “tình hình ổn định” ở Bakhmut, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine kiểm soát các lãnh thổ ở ngoại ô phía tây nam của thành phố.

“Đối phương tiếp tục chịu tổn thất đáng kể theo hướng Bakhmut,” Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết như trên hôm thứ Bảy. Tin tức này càng củng cố quan điểm rằng cuộc chiến giành Bakhmut vẫn chưa kết thúc.

Các lực lượng của Kyiv vẫn kiểm soát Bakhmut, Reznikov nói với các phóng viên báo chí, nhưng mô tả nó “không còn là một thành phố nữa” và nói thêm rằng các lực lượng Nga “đã quét sạch mọi thứ.”

“Không có gì cả, họ đã phá hủy mọi thứ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các phóng viên ngay sau khi Nga tuyên bố chiếm được Bakhmut vào giữa tháng Năm. “Bakhmut chỉ còn trong trái tim của chúng tôi.”

Chiến đấu ở Bakhmut phần lớn được thực hiện bởi lính đánh thuê Wagner do nhà tài phiệt Nga và người sáng lập Yevgeny Prigozhin lãnh đạo. Tuy nhiên, quân đội Nga “có khả năng đã thay thế phần lớn lực lượng của Tập đoàn Wagner ở Bakhmut”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, viết trong bản đánh giá hôm thứ Bảy.

Hôm thứ Sáu, Prigozhin cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng 99% máy bay chiến đấu của Wagner đã rời Bakhmut và được thay thế bằng quân đội thông thường của Nga. Ông ta cũng phàn nàn rằng quân chính quy Nga, theo lệnh Bộ Quốc Phòng Nga, đã đặt mìn trên đường rút lui của quân Wagner, trong một hành động cố ý trả thù những lời chỉ trích của ông ta.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một cập nhật tình báo trên Twitter hôm thứ Bảy rằng Nga đã gửi các đơn vị quân đội chính quy tới Bakhmut trong khi quân đội Wagner rút về các khu vực phía sau. Bộ Quốc phòng Nga trước đây cho biết các đơn vị Dù của họ, còn được gọi là VDV, đã được triển khai tới Bakhmut để hỗ trợ các chiến dịch của Wagner.

Bộ Quốc phòng cho biết thêm: “ Các thành phần của sư đoàn 76 và 106 và hai lữ đoàn Dù biệt lập khác hiện đã được triển khai tới khu vực này”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

6. Thụy Điển đã thực hiện các bước để giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul vào hôm Chúa Nhật khi họ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm con đường để Thụy Điển gia nhập liên minh.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến cả Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ nhiều thập kỷ trung lập và tìm cách gia nhập liên minh, là điều được coi là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã tìm cách làm suy yếu NATO. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối việc gia nhập của Thụy Điển vì nhiều lý do, chủ yếu là cáo buộc Stockholm cho phép các tổ chức khủng bố ở lại nước này.

Ông Stoltenberg xác nhận các quan chức Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan sẽ gặp nhau vào tuần lễ bắt đầu vào ngày 12 tháng 6 để thảo luận về việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO.

Hôm thứ Năm, Thụy Điển đã thông qua luật chống khủng bố mới, và sửa đổi hiến pháp, chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí và đẩy mạnh các hoạt động chống khủng bố bao gồm chống lại Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK. Trước các diễn biến này, Tổng Thư Ký Stoltenberg cho biết, “Thụy Điển đã thực hiện các bước cụ thể quan trọng để đáp ứng các mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ” và rằng họ đã “hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

Stoltenberg cho biết ông tin rằng vẫn còn thời gian để Thụy Điển trở thành thành viên trước hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay tại Vilnius trong hai ngày 11 và 12 tháng 7, một mục tiêu được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Madrid.

Các lực lượng vũ trang của Thụy Điển rất phù hợp và thân thiết với NATO. Thụy Điển còn có một phái đoàn thường trực tại NATO và được coi là một đối tác thân cận của liên minh, có nghĩa là việc gia nhập sẽ tương đối đơn giản.

Vậy tại sao Thụy Điển chưa thể tham gia vào NATO? Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý ở cả Trung Đông và Âu Châu, đồng thời là cường quốc quân sự lớn thứ hai của liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ đang ngăn cản việc gia nhập của Thụy Điển vì một số lý do.

Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Thụy Điển cho phép các thành viên của các nhóm khủng bố người Kurd được hoạt động ở Thụy Điển. Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố vào đầu năm nay, coi việc tham gia vào các nhóm này là tội phạm, mặc dù vẫn chưa rõ liệu điều này có thể coi là đủ đối với Ankara hay không.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính phủ Thụy Điển đồng lõa trong các cuộc biểu tình cực hữu, nơi những người biểu tình đốt các bản sao của Kinh Qur'an bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Cuối cùng, có những lo ngại về việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẵn sàng mô tả mình là bạn bè thân thiết của Putin. Ngay trước khi tái đắc cử vào tuần trước, ông đã nói với CNN rằng ông và Putin chia sẻ một “mối quan hệ đặc biệt”.

Các quan chức NATO đang lo ngại rằng việc bỏ lỡ hạn chót ngày 11 tháng 7 sẽ gửi một thông điệp nguy hiểm tới các đối thủ của liên minh.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Trong suốt tháng 5 năm 2023, Nga đã triển khai hơn 300 máy bay không người lái tấn công một chiều Shahed của Iran nhằm vào Ukraine: đây là đợt sử dụng hệ thống vũ khí này mạnh mẽ nhất cho đến nay.

Nga có lẽ đang tung ra rất nhiều máy bay không người lái tấn công một chiều trong nỗ lực buộc Ukraine phải khai hỏa kho hỏa tiễn phòng không tiên tiến, có giá trị cao.

Nga dường như không thành công đáng kể: Ukraine đã vô hiệu hóa ít nhất 90% số máy bay không người lái tấn công một chiều đang bay tới, chủ yếu sử dụng vũ khí phòng không cũ hơn và rẻ hơn cùng với hệ thống gây nhiễu điện tử.

Nga cũng có khả năng đang cố gắng xác định vị trí và tấn công các lực lượng Ukraine ở phía sau chiến tuyến. Tuy nhiên, Nga vẫn rất kém hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu năng động như vậy ở tầm xa do quy trình nhắm mục tiêu rất dở.

8. Mỹ tin cuộc phản công của Ukraine sẽ chứng kiến Kyiv lấy lại “lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược”

Hoa Kỳ tin rằng cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine sẽ dẫn đến việc Kyiv lấy lại các “lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược”.

“Chính xác là bao nhiêu, ở những nơi nào, điều đó sẽ tùy thuộc vào diễn biến trên thực địa khi người Ukraine tiến hành cuộc phản công này,” Sullivan nói. “Nhưng chúng tôi tin rằng người Ukraine sẽ đạt được thành công trong cuộc phản công này.”

Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là ông mong đợi một số hình thức đàm phán vào cuối năm nay hay không, Sullivan không cung cấp bất kỳ loại thời gian biểu nào nhưng nói rằng những diễn biến trên chiến trường sẽ có “tác động lớn” đến bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.

“Nhưng điều tôi sẽ nói là: Chính Tổng thống Zelenskiy đã nói rằng cuộc chiến này cuối cùng sẽ kết thúc thông qua ngoại giao,” Sullivan nói.

9. Zelenskiy cảm ơn từng người lính cho những trận chiến khó khăn phía trước

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã sử dụng bài phát biểu hàng ngày của mình vào để cảm ơn các binh sĩ ở tiền tuyến hoặc chiến đấu để kiểm soát bầu trời phía trên họ - những chiến binh sẽ đặc biệt quan trọng trong cuộc phản công mà Kyiv dự kiến sẽ sớm phát động.

Zelenskiy thường cảm ơn các đơn vị cụ thể trong các bài phát biểu của mình, nhưng hôm qua, ông đã điểm danh hơn chục cá nhân, trong số đó có các chỉ huy, xạ thủ, Thủy Quân Lục Chiến và lính bộ binh.

“Tất cả chúng ta nên nhớ rằng quốc phòng của chúng ta, các hành động tích cực của chúng ta và nền độc lập của Ukraine không phải là điều gì đó trừu tượng. Đây là những người rất đặc biệt, những hành động cụ thể của những anh hùng cụ thể, nhờ đó Ukraine tồn tại và Ukraine sẽ tồn tại”, Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách kêu gọi tất cả người dân Ukraine đích thân cảm ơn các quân nhân nam nữ.

Bài phát biểu của Zelenskiy được đưa ra trong bối cảnh tiếp tục có suy đoán rằng cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine, dường như sắp xảy ra trong nhiều tuần, có thể được phát động trong những ngày tới. Tổng thống Ukraine cho biết Kyiv đã sẵn sàng thực hiện chiến dịch trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal xuất bản hôm thứ Bảy.

“Tôi nghĩ rằng, kể từ hôm nay, chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó. Chúng tôi muốn có một số thứ nhất định, nhưng chúng tôi không thể đợi nó trong nhiều tháng,” Zelenskiy nói.

Tháng trước, Zelenskiy nói rằng Ukraine cần “thêm một chút thời gian” - có khả năng cho phép cung cấp thêm viện trợ quân sự của phương Tây, bao gồm cả các hệ thống phòng không rất cần thiết.

Zelenskiy đã dành nhiều tháng vận động các cường quốc phương Tây cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu và vũ khí để giúp kiểm soát bầu trời, vì chúng sẽ giúp hạn chế số thương vong cho các chiến binh Ukraine trong bất kỳ cuộc phản công tiềm năng nào.

Trong cuộc phỏng vấn, Zelenskiy thừa nhận rằng Nga vẫn giữ được ưu thế trên không ở tiền tuyến. Ông nói rằng việc thiếu sự bảo vệ từ sức mạnh không quân của Nga có nghĩa là “một số lượng lớn binh sĩ sẽ thiệt mạng.”

“Mọi người đều biết rất rõ rằng bất kỳ cuộc phản công nào trên thế giới mà không có sự kiểm soát trên bầu trời đều rất nguy hiểm,” Zelenskiy nói.

10. Quan chức do Nga bổ nhiệm nói rằng các lực lượng đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine ở Zaporizhzhia

Các lực lượng Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công ở miền nam Ukraine bị tạm chiếm, Vladimir Rogov, một quan chức do Nga chỉ định ở vùng Zaporizhzhia, tuyên bố hôm Chúa Nhật.

Rogov cho biết cuộc tấn công diễn ra vào khoảng nửa đêm như một phần trong nỗ lực “trinh sát chiến đấu” của quân đội Ukraine nhằm chọc thủng chiến tuyến ở khu vực phía nam.

Rogov cho biết phần lớn cuộc giao tranh diễn ra ở một loạt khu vực phía đông thành phố Zaporizhzhia thuộc vùng Donetsk lân cận.

Theo quan chức được Nga hậu thuẫn, lực lượng Ukraine đã tiến được tới 400 mét (khoảng một phần tư dặm), nhưng sau đó bị đẩy lùi. Ông đã báo cáo về “các hành động thù địch tích cực” trong khu vực và cho biết người Ukraine “không ngừng các nỗ lực tấn công của họ”.

Nhiều blogger quân sự thân Nga cũng đưa tin về các cuộc đụng độ trong khu vực.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã không đề cập đến bất kỳ cuộc giao tranh nào ở khu vực Zaporizhzhia trong bản cập nhật hàng ngày của họ vào Chúa Nhật.

Ivan Fedorov, thị trưởng thành phố Melitopol của Ukraine, nói với CNN hôm Chúa Nhật rằng ông “không thể bình luận” về chuỗi các cuộc tấn công gần đây ở vùng Zaporizhzhia, ngụ ý rằng nó có thể “gây hại” cho một cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine..
 
ĐTGM Gänswein được lệnh rời Vatican, trở về quê quán, không được bổ nhiệm. ĐTC sẽ tông du Mông Cổ
VietCatholic Media
17:16 05/06/2023


1. Đức Thánh Cha viếng thăm Mông Cổ, nơi chỉ có 1300 người Công Giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị đến thăm Mông Cổ, một trong những nơi xa xôi nhất mà ngài từng đến và chỉ có khoảng 1300 người Công Giáo nhưng có ý nghĩa chiến lược đối với Giáo Hội Công Giáo vì gần Trung Quốc.

Vatican đã thông báo về chuyến đi, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Bảy, nói rằng chuyến đi được thực hiện theo lời mời của tổng thống và các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước.

Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong vài tuần tới, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết.

Tháng 8 năm ngoái, Đức Phanxicô đã nâng Đức Tổng Giám Mục Giorgio Marengo, người Ý, lên hàng Hồng Y. Hiện nay ngài là Giám Quản Tông Tòa của Miền Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaatar

Đức Hồng Y Marengo đã ở Rôma vào tháng trước và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để thảo luận về chuyến đi.

Lần đầu tiên Đức Phanxicô nói về khả năng đến Mông Cổ trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên trên máy bay trở về sau chuyến đi đến Phi Châu vào tháng Hai.

Theo Fides, cơ quan thông tấn về hoạt động truyền giáo của Vatican, có khoảng 1300 người Công Giáo đã được rửa tội ở Mông Cổ trong tổng dân số khoảng 3,3 triệu người.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 60 phần trăm dân số được xác định là có tôn giáo trong khi phần còn lại không có bản sắc tôn giáo.

Trong số những người thể hiện bản sắc tôn giáo, 87,1% xác định là Phật tử, 5,4% là người Hồi giáo, 4,2% là người theo đạo Shaman, 2,2% là Kitô hữu và 1,1% là tín hữu của các tôn giáo khác.

Mặc dù số lượng người Công Giáo ở Mông Cổ ít hơn so với hầu hết các nhà thờ giáo xứ riêng lẻ ở nhiều quốc gia, nhưng quốc gia này rất quan trọng đối với Vatican.

Nước này có đường biên giới dài và quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nơi Vatican đang cố gắng cải thiện tình hình của người Công Giáo ở quốc gia cộng sản này.

Mông Cổ, từng được gọi là Ngoại Mông, là một phần của Trung Quốc cho đến năm 1921, khi nước này giành được độc lập với sự giúp đỡ của Liên Xô khi đó.

Nội Mông vẫn là một phần của Trung Quốc.

Đến thăm những nơi mà người Công Giáo là thiểu số cũng là một phần trong chính sách của Đức Giáo Hoàng nhằm thu hút sự chú ý đến con người và các vấn đề trong những gì ngài gọi là vùng ngoại vi của xã hội và thế giới.

Ngài vẫn chưa viếng thăm hầu hết các thủ đô của Tây Âu trong 10 năm với tư cách là người đứng đầu Giáo hội có 1,3 tỷ tín hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Bồ Đào Nha từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon và viếng thăm Đền thờ Fatima.

Đức Thánh Cha nói ngài có thể sẽ đến Ấn Độ vào năm tới.


Source:newcastleherald.com.au

2. Báo cáo: Đức Tổng Giám Mục Gänswein được lệnh rời Vatican, trở về giáo phận quê hương mà không có vai trò mới

Theo một báo cáo của Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein rời Vatican và trở về Đức vào cuối tháng Sáu.

Thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã được yêu cầu trở về giáo phận Freiburg, Tây Nam nước Đức, nhưng không được giao bất kỳ vai trò hay nhiệm vụ nào, tờ báo Welt đưa tin hôm thứ Sáu.

Theo CNA Deutsch, cơ quan đối tác tiếng Đức của CNA, báo cáo khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho Gänswein, 66 tuổi, về quyết định của ngài trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày 19 tháng Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã không trả lời yêu cầu của CNA Deutsch vào thời điểm xuất bản và Vatican đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào về vấn đề này.

Vai trò tương lai của thư ký của cố Bênêđictô đã trở thành chủ đề của tin đồn và bàn tán khắp Rôma và Giáo hội ở Đức trong nhiều tháng. Những suy đoán trước đây bao gồm tuyên bố rằng Đức Cha Gänswein sẽ phục vụ với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh ở Costa Rica. Vị Giám Mục có tài hùng biện thông thạo nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Đức và tiếng Ý.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã đề cập đến phong tục rằng các cựu thư ký riêng của các Đức Giáo Hoàng đã qua đời không ở lại Rôma”.

Là thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô, Đức Cha Gänswein cũng từng là chủ tịch Phủ Giáo hoàng cho cả Đức Bênêđictô và người kế nhiệm ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến tháng 2 năm 2020.

Đức Cha Gänswein đến từ vùng Black Forest của Đức, là con trai của một người thợ rèn đã được Đức Tổng Giám Mục Oskar Saier ở Freiburg truyền chức linh mục vào năm 1984 và có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Ludwig-Maximilian ở Munich.

Đức Cha Gänswein đã đến Đức vào cuối tuần này để chủ sự Thánh lễ vào Chúa nhật, ngày 4 tháng 6, cho cuộc hành hương hàng năm đến tu viện Xitô Stiepel gần Bochum, miền Tây nước Đức.


Source:Catholic News Agency

3. Chế độ độc tài Nicaragua tiếp quản trường Công Giáo; ba nữ tu có thể sớm bị trục xuất

Chế độ độc tài Nicaragua đã tiếp quản một trường Công Giáo vào rạng sáng ngày 29 tháng 5 và có lẽ sẽ sớm trục xuất ba nữ tu nước ngoài thuộc cộng đoàn quản lý trường này.

Theo hãng truyền thông địa phương Mosaico, cảnh sát của chế độ đã tiếp quản các cơ sở của Học viện Kỹ thuật St. Louise de Marillac, là trường trung học duy nhất ở thị trấn San Sebastián de Yalí thuộc khu hành chính Jinotega.

Ngôi trường có khoảng 100 học sinh đang theo học, được quản lý bởi Dòng Nữ tử Thánh Louise de Marillac trong Chúa Thánh Thần, được thành lập vào năm 1992.

“Đó là một ngôi trường nhỏ, nhưng có lịch sử lâu đời và rất có uy tín,” một cư dân của San Sebastián de Yalí nói với Mosaico.

Theo các phương tiện truyền thông Nicaragua, các viên chức cảnh sát đã biện minh cho việc tiếp quản trường bằng cách tuyên bố rằng họ phải xem xét tài liệu của trường.

“Có khoảng sáu nữ tu, trong đó có một sơ lớn tuổi bị mù. Họ rất tốt, cũng rất hay giúp đỡ những người nghèo trong khu phố, và họ chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề gì với bất kỳ ai, bởi vì họ luôn phục vụ Chúa và tha nhân,” người dân kể lại.

Ba trong số các nữ tu là người nước ngoài có thể bị trục xuất trong vài ngày tới.

Vào ngày 31 tháng 5, Martha Patricia Molina, một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua sống lưu vong, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng việc phong tỏa và khám xét ngôi trường sẽ là bước trước khi chế độ độc tài tịch thu nó.

Cô cảnh báo: “Trong vài ngày tới, chúng ta sẽ có thể thấy lệnh tịch thu nó tới từ văn phòng tổng chưởng lý.

“Đối với chế độ độc tài, vốn luôn hành động tùy tiện, thì một văn bản xác lập việc tịch thu là không cần thiết, bởi vì tất cả những hành động mà họ thực hiện đều đã nằm trong luật của họ”

Báo cáo nêu chi tiết rằng trong 5 năm qua đã có ít nhất 529 cuộc tấn công của chế độ Ortega chống lại Giáo hội, 90 vụ đã xảy ra từ đầu năm 2023 cho đến nay.

Cô đặc biệt ghi nhận việc bỏ tù oan Đức Giám Mục Rolando Álvarez, người đã bị kết án 26 năm 4 tháng vì tội phản quốc; 32 nữ tu bị trục xuất khỏi đất nước; bảy tòa nhà Giáo hội bị chế độ tịch thu; và các phương tiện truyền thông khác nhau bị đóng cửa.


Source:Catholic News Agency
 
Không đội trời chung: Prigozhin tố Lính Dù Nga đặt mìn diệt Wagner. Căn cứ không quân Nga nổ tung
VietCatholic Media
03:07 05/06/2023


1. Căn cứ không quân Nga ở Dzhankoy thuộc bán đảo Crimea bị tấn công

Các blogger quân sự Nga cho biết căn cứ không quân Dzhankoy đã bị tấn công vào chiều Chúa Nhật 4 Tháng Sáu. Cho đến nay vẫn chưa rõ thiệt hại ngoại trừ các báo cáo cho thấy các cột khói bốc lên cùng với những tiếng nổ rất lớn làm rung chuyển thị trấn Dzhankoy.

Theo Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, một cuộc tấn công vào buổi sáng Chúa Nhật dường như đã thất bại. Ông nói: “Năm máy bay không người lái đã bị bắn hạ và bốn chiếc bị kẹt và không bắn trúng mục tiêu ở Dzhankoy thuộc bán đảo Crimea.” Bán đảo Crimea đã Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine năm 2014.

CNN không thể xác minh các báo cáo của Sergei Aksyonov.

Ông nhấn mạnh rằng: “Không có thương vong nhưng cửa sổ nhiều ngôi nhà đã bị vỡ.”

Ông nói thêm rằng một máy bay không người lái chưa phát nổ đã được tìm thấy trên lãnh thổ của một ngôi nhà dân cư, buộc khoảng 50 người trong khu vực phải di tản tạm thời.

Các quan chức Ukraine từ lâu đã nói rằng thành phố và các khu vực xung quanh đã bị biến thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mạc Tư Khoa ở Crimea.

Dzhankoy, một trung tâm đường sắt và đường bộ ở phía bắc Crimea, cách lục địa Ukraine 50 dặm về phía nam, là một nút quan trọng trong mạng lưới cung cấp của Nga trước tháng 9, khi các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc phản công mà cuối cùng đã giải phóng phần lớn miền nam Ukraine do Nga chiếm đóng.

Giờ đây, khi quân đội Nga trên chiến trường tái định vị ở tả ngạn sông Dnipro, ngay phía nam thành phố cảng Kherson mới được giải phóng, Dzhankoy thậm chí còn quan trọng hơn đối với nỗ lực chiến tranh của Nga. Điện Cẩm Linh đang tổ chức lại mạng lưới tiếp tế cho mặt trận phía nam. Dzhankoy là trung tâm của mạng lưới mới.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine biết điều này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Dzhankoy hiện là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch phản công kéo dài của Ukraine.

Với dân số trước chiến tranh chỉ 39,000 người, Dzhankoy không phải là một thị trấn lớn. Nhưng nó nằm trên tuyến đường sắt chính chạy từ miền nam nước Nga, băng qua cây cầu bắc qua eo biển Kerch và vào miền bắc Crimea và miền nam Kherson trên bờ phiá Đông của sông Dnipro. Các đường E105 và E97 cũng giao nhau ở Dzhankoy.

Con kênh dẫn nước ngọt từ Dnipro vào Crimea chạy qua thị trấn này. Ngoài ra còn có một sân bay ở Dzhankoy.

Dzhankoy rõ ràng là một địa bàn hoạt động cho rất nhiều tiểu đoàn Nga tập hợp tại Crimea cho cuộc tấn công rộng lớn hơn vào miền nam Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai. Người Nga nhanh chóng chiếm được phần lớn miền nam Ukraine, đưa Dzhankoy vượt ra ngoài tầm bắn của hầu hết các loại vũ khí của Ukraine.

Điều đó bắt đầu thay đổi vào tháng 6 năm ngoái 2022, khi các lực lượng Ukraine tái trang bị Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất và các loại pháo mới nhất của Âu Châu—và bắt đầu bắn phá các tuyến tiếp tế của Nga. Cho đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Dzhankoy chủ yếu là bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, Dzhankoy cũng như toàn bộ bán đảo Crimea đã nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Storm Shadow, và kể cả HIMARS nếu như quân Ukraine chiếm được hải cảng Briansk mà trong các ngày qua họ đang ráo riết tấn công.

Trong khi đó, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy mọi thứ đang phóng tới thành phố vào hôm Chúa Nhật.

Toàn bộ Ukraine đã được báo động không kích trong gần ba giờ.

Có các báo cáo chưa được xác minh trên mạng xã hội Ukraine về các vụ nổ đã nghe thấy ở Kryvyi Rih ở miền nam Ukraine, gần thành phố trung tâm Kropyvnitskyi và ở vùng Sumy phía đông bắc.

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ ở khu vực Kyiv, nhưng không phải trong thành phố, các âm thanh này giống như hệ thống phòng không đang tấn công các mục tiêu.

2. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tố cáo Bộ Quốc Phòng Nga đặt mìn để tiêu diệt quân Wagner trên đường rút ra khỏi thành phố Bakhmut

Trong một diễn biến bất ngờ, trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố rằng một số chiến binh Wagner của ông ta đã đạp phải mìn tử trận. Tuy nhiên, đó không phải là mìn của quân Ukraine mà là mìn do quân chính quy Nga đặt trên đường ra vào của quân Wagner nhằm trả thù ông ta.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Head Provoking 'Open War' With Kremlin Forces: Ex-Russian Commander”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga nhận định: Trùm Wagner Kích động 'Chiến tranh công khai' Với Lực lượng Điện Cẩm Linh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin hôm Chúa Nhật tiếp tục cáo buộc Tập đoàn Wagner đang tiến tới xung đột với các lực lượng Nga.

Girkin đã trở nên nổi tiếng với tư cách là chỉ huy của lực lượng ly khai ở vùng Donbas của Ukraine và hiện là một blogger quân sự nổi tiếng ủng hộ các nguyên tắc dân tộc chủ nghĩa của Nga. Trong các bình luận được đưa ra vào tuần trước, ông cáo buộc Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của tập đoàn lính đánh thuê Wagner Group, âm mưu đảo chính chống lại Điện Cẩm Linh sau khi ông này đưa ra một số bình luận chỉ trích lực lượng Nga ở Ukraine.

Lực lượng của Prigozhin, vào thời điểm đó, đã hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực đang diễn ra của quân đội Nga nhằm giành quyền kiểm soát Bakhmut, một thành phố ở miền Đông Ukraine. Sau khi thông báo rằng lực lượng của mình sẽ rút lui về Nga, Prigozhin đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích gay gắt lực lượng Nga về cách họ giải quyết xung đột Bakhmut và tuyên bố rằng toàn bộ cuộc chiến ở Ukraine đã phản tác dụng.

Newsweek đã liên hệ qua email với Defense Priorities, một nhóm chuyên gia cố vấn với các chuyên gia quân sự.

Girkin đã cáo buộc Prigozhin âm mưu tổ chức một cuộc binh biến chống lại chính phủ Nga bằng lực lượng của ông ta khi họ trở về nhà.

“Nếu Prigozhin vẫn là người đứng đầu Wagner, cuộc binh biến sẽ diễn ra nhanh chóng và triệt để,” Girkin nói trong một video được chia sẻ bởi nhóm theo dõi WarTranslated. “Một âm mưu đảo chính đã được tuyên bố... Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, tôi không biết, đặc biệt là khi Wagner đang khẩn cấp rút về căn cứ phía sau... Nguy cơ đảo chính đang rình rập là rất rõ ràng.”

Hôm thứ Sáu, Prigozhin đã đưa ra những tuyên bố chống lại các lực lượng quân sự Nga, lần này cáo buộc họ đặt mìn trên các tuyến đường mà lực lượng Wagner của ông đã sử dụng để rút lui khỏi Bakhmut.

“Ngay trước khi rời khỏi Bakhmut, chúng tôi đã phát hiện ra các hoạt động đáng ngờ dọc theo các lối ra vào của chúng tôi,” Prigozhin nói. “Chúng tôi đã gọi cho các cơ quan thực thi pháp luật và tìm thấy xung quanh hàng chục địa điểm với hàng chục thiết bị nổ: hàng trăm quả mìn chống tăng cho đến hàng tấn chất nổ dẻo... Không cần phải đặt những thiết bị đó để kìm chân đối phương, vì tất cả đều ở phía sau tiền tuyến. Do đó, chúng tôi có thể cho rằng những chất nổ đó được dành cho quân Wagner.”

Đáp lại, Girkin đã sử dụng tài khoản Telegram chính thức của mình để một lần nữa cáo buộc Prigozhin âm mưu chống lại Nga với những bình luận của anh ta, bác bỏ các quả mìn bị cáo buộc là “hỏa lực thân thiện” không cố ý.

“Một bước nữa dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Ngay cả khi - rất có thể - chúng ta chỉ đang nói về 'hỏa lực thân thiện' và hành động không nhất quán nhưng rất phổ biến ở tiền tuyến- tuyên bố này của Prigozhin là sự khiêu khích về một cuộc chiến tranh công khai giữa các đơn vị trước đây đã chiến đấu cùng một phía trên mặt trận... Prigozhin phải bị bắt ngay lập tức vì tội này và đưa ra xét xử trước tòa án quân sự.”

3. Quân Kadyrov tiếp tục thảm bại tại Marinka, cắm đầu chạy bỏ lại 22 hệ thống pháo và 2 hệ thống phòng không

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 5 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Wagner có rút khỏi thành phố Bakhmut nhưng không hoàn toàn. Một số vẫn còn ở lại để huấn luyện cho lính Dù Nga là những người thay thế cho họ.

Trong các thành phần lính Dù đang cố gắng giữ có các đơn vị của sư đoàn 76 và 106 Dù và hai lữ đoàn Dù biệt lập, nằm trong thành phần dự bị của quân đội. Họ chỉ được tung vào chiến trường khi thực sự cần thiết. Thứ trưởng Hanna Maliar nhấn mạnh rằng điều này cho thấy Nga rất trọng mặt mũi vì thành phố Bakhmut thực ra chẳng có giá trị chiến lược bao nhiêu.

Trong ngày qua, đối phương đã tiến hành 30 cuộc không kích và 56 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu định cư đông dân cư.

Thứ trưởng Hanna Maliar nói: “Trong ngày qua, đối phương đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào khu vực Donetsk và Dnipropetrovsk, đặc biệt là sử dụng hệ thống hỏa tiễn Iskander. Một hỏa tiễn Iskander-K đã đánh trúng vùng ngoại ô của thành phố Dnipro – một tòa nhà dân cư hai tầng bị hư hại, hơn 20 dân thường, bao gồm cả trẻ em, bị thương. Ngoài ra, đối phương đã tiến hành 30 cuộc không kích và 56 cuộc tấn công MLRS vào các vị trí của quân đội chúng tôi và các khu định cư đông dân cư”.

Cũng trong cuộc họp báo, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết máy bay của lực lượng phòng không đã tiến hành 11 cuộc không kích vào các khu vực tập trung nhân sự của đối phương, cũng như 6 cuộc không kích vào hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân xâm lược trong 24 giờ qua.

Tại Marinka, quân Chechnya trong cái gọi là Lữ Đoàn đặc biệt “Akhmat” đã mở 11 cuộc tấn công vào quân Ukraine. Cũng như trong 2 ngày trước, chỉ đánh được một lúc là họ cắm đầu chạy. Một binh sĩ nói với tờ Kyiv Post rằng trong các lực lượng Nga mà anh ta đã từng đụng độ, quân Kadyrovites là dễ thắng nhất.

Cộng hòa Chechnya là một khu vực ở Bắc Caucasus của Nga. Kadyrov, một đồng minh nổi bật của Tổng thống Nga Putin, đã gửi nhiều binh sĩ của mình đến chiến đấu cho Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Điều đáng chú ý là người Chechnya chiến đấu cho cả hai bên trong cuộc chiến tại Ukraine. Chechnya đã bị Nga xâm lược và Ramzan Kadyrov được nhiều người Chechnya coi là bù nhìn của Nga. Chính cha của Ramzan Kadyrov là ông Akhmad Kadyrov đã bị Putin ra lệnh giết chết vào ngày 9 tháng 5, năm 2004. Kadyrov biết điều đó nhưng sẵn sàng làm tay sai cho giặc để hưởng vinh hoa phú quý.

Những người Chechnya kháng chiến chống Nga, đang tình nguyện chiến đấu giúp cho quân Ukraine. Trong khi quân đội Chechnya do Kadyrov lãnh đạo chiến đấu cho quân Nga và được gọi là Kadyrovites để phân biệt với quân Chechnya kháng chiến.

Quân Kadyrovites thường được giao làm nhiệm vụ quân cảnh hơn là trực tiếp chiến đấu. Trong vai trò này, họ thường mâu thuẫn với quân Nga, vốn thường đánh giá thấp người Chechnya. Giao tranh giữa hai bên không phải là hiếm.

Trong 24 giờ trước đó, 470 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 10 xe thiết giáp, 22 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không, và 16 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 4 Tháng Sáu, 209.940 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.837 xe tăng, 7.512 xe thiết giáp, 3.555 hệ thống pháo, 583 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 344 hệ thống phòng không, 313 máy bay chiến đấu, 298 máy bay trực thăng, 3.175 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 1.132 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.305 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 479 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

4. Nga đe dọa Pháp và Đức khi hai nước đang chuẩn bị cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine

Điện Cẩm Linh đã nói rằng bất kỳ việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa nào cho Kyiv bởi Pháp và Đức sẽ dẫn đến một vòng “căng thẳng xoáy trôn ốc” hơn nữa trong cuộc xung đột Ukraine.

Anh tháng trước đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa cho Ukraine.

Kyiv đã yêu cầu Đức cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus, có tầm bắn 500 km, trong khi Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cho biết Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn có tầm bắn cho phép nước này thực hiện cuộc phản công đã được dự đoán từ lâu.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với một phóng viên của kênh truyền hình Rossiya-1: “Chúng tôi đã bắt đầu thấy các cuộc thảo luận về việc Pháp và Đức chuyển giao hỏa tiễn có tầm bắn từ 500 km trở lên”.

Ông nói: “Đây là một loại vũ khí hoàn toàn khác sẽ dẫn đến một vòng xoáy trôn ốc căng thẳng mới”.

5. Thi thể bé gái 2 tuổi được tìm thấy trong đống đổ nát ở thị trấn nhỏ sau cuộc tấn công của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai mùng 5 tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết các nhân viên cấp cứu đã tìm thấy thi thể của một bé gái 2 tuổi từ đống đổ nát của một tòa nhà sau cuộc tấn công của Nga vào thị trấn nhỏ ven sông Pidhorodne, phía đông nam Ukraine.

Cô nói thêm rằng số người bị thương trong vụ tấn công đã tăng lên 22 người, trong đó có 5 trẻ em. Mười ngôi nhà dân, một số đường ống dẫn khí đốt, một tòa nhà hai tầng và một cửa hàng đã bị hư hại.

Ở phía nam, thành phố Nikopol cũng bị pháo binh Nga tấn công, mặc dù không có báo cáo thương vong. Bên cạnh đó, một tòa nhà ba tầng, đường ống dẫn khí đốt và một nhà hàng đã bị hư hại.

Cô nói thêm rằng quân đội Ukraine đã đánh chặn hai hỏa tiễn hành trình và một máy bay không người lái trong khu vực.

6. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nói rằng cuộc chiến của Nga, hiện đang ở tháng thứ 16, đã giết chết ít nhất 500 trẻ em Ukraine.

Vài giờ sau khi các nhân viên cứu cấp tìm thấy thi thể của một đứa trẻ hai tuổi chết trong một trong những cuộc không kích mới nhất của Nga, Tổng thống Zelenskiy đã có một bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào.

Tổng thống cho biết “Vũ khí và lòng thù hận của Nga, những thứ tiếp tục cướp đi và hủy hoại cuộc sống của trẻ em Ukraine mỗi ngày, đã giết chết hàng trăm trẻ em kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022”.

Ông nói thêm: “Nhiều người trong số các em này có thể sẽ trở thành học giả, nghệ sĩ, nhà vô địch thể thao nổi tiếng, đóng góp cho lịch sử Ukraine.”

Zelenskiy cho biết không thể xác định chính xác số lượng trẻ em thương vong vì giao tranh vẫn tiếp diễn và vì một số khu vực nằm dưới sự xâm lược của Nga.

Ông nói: “Chúng ta phải cầm cự và chiến thắng trong cuộc chiến này. Tất cả Ukraine, tất cả người dân của chúng tôi, tất cả con cái của chúng tôi, phải thoát khỏi sự khủng bố của Nga.”

7. “Không một mục tiêu trên không nào” tới được Kyiv trong đêm

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết các báo cáo ban đầu cho thấy “không một mục tiêu trên không nào đến được” thủ đô Kyiv của Ukraine trong đêm mặc dù Nga đã phóng các hỏa tiễn bay với tốc độ cao.

“Lực lượng phòng không của chúng tôi đã bắn hạ mọi thứ đang tiến về thành phố ở vùng ngoại ô xa xôi của nó. Trong đêm thứ hai liên tiếp, người dân Kyiv không nghe thấy tiếng nổ trên đầu”, Popko nói.

8. Hai hỏa tiễn của Nga đã tấn công một sân bay đang hoạt động ở miền trung Ukraine

Hai hỏa tiễn của Nga đã tấn công một sân bay đang hoạt động gần thành phố Kropyvnytskyi, miền trung Ukraine, phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết 4 hỏa tiễn hướng tới sân bay đã bị đánh chặn.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trước đó vào Chúa Nhật rằng họ đã tấn công một sân bay quân sự của Ukraine bằng cách sử dụng “vũ khí phóng từ trên không dẫn đường chính xác tầm xa”, mặc dù Điện Cẩm Linh không cho biết vụ tấn công diễn ra ở đâu.

Đại Tá Ihnat không cho biết hậu quả của vụ tấn công, nhưng cho biết vụ việc cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường phòng không trên khắp Ukraine. Ông cho biết Kyiv cần nhiều hơn hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến Patriots do Mỹ sản xuất, kể cả các hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm trung và tầm ngắn.

Lời kêu gọi của Đại Tá Ihnat về nhiều hệ thống phòng không được đưa ra trong bối cảnh những lời cầu xin tương tự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Zelenskiy đã liên tục kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây cung cấp cho Ukraine các thiết bị phòng không để bảo vệ các thành phố của họ khỏi máy bay không người lái và các cuộc tấn công của Nga. Người đứng đầu chính quyền quân sự thủ đô Ukraine, Serhiy Popko, cho biết các hệ thống này đã bắn hạ thành công tất cả các hỏa tiễn hướng tới Kyiv trong đêm Chúa Nhật.

“Đêm thứ hai liên tiếp, người dân Kyiv không nghe thấy tiếng nổ trên đầu”, Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết như trên

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Một số quan chức an ninh địa phương của Nga thường giải thích luật thời chiến hà khắc của Nga theo đường hướng là việc trưng bày công khai các vật phẩm màu xanh và vàng là ngoài vòng pháp luật vì nó có thể chứng tỏ sự ủng hộ kín đáo đối với Ukraine.

Vào ngày 09 tháng 5 vừa qua, một nhân viên viện dưỡng lão được cho là đã bị bắt sau khi mặc áo khoác màu xanh và vàng đi làm. Trong những ngày gần đây, lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga đã bắt giữ một người thanh niên 22 tuổi ở Volkhov gần St Petersburg vì trưng bày thứ mà cuối cùng được xác định là lá cờ màu xanh và vàng của Lực lượng Hàng không vũ trụ của chính Nga.

Cuộc đàn áp làm nổi bật sự không chắc chắn trong giới quan chức Nga hoang tưởng về những gì đang và được coi là được phép trong một hệ thống ngày càng chuyên chế.

Sự chỉ trích các vụ bắt giữ đến từ một bộ phận hết sức bất ngờ: đó là đảng Dân chủ Tự do theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ủng hộ chiến tranh. Thương hiệu riêng của đảng này có màu vàng trên nền xanh lam.

10. Tuyên truyền viên trên TV phò Điện Cẩm Linh cảnh báo người xem hãy làm quen với các cuộc tấn công bên trong nước Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pro-Kremlin TV Host Warns Viewers to 'Get Used' to Attacks Inside Russia”, nghĩa là “Tuyên truyền viên trên TV phò Điện Cẩm Linh cảnh báo người xem hãy làm quen với các cuộc tấn công bên trong nước Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Người dẫn chương trình truyền hình ủng hộ Điện Cẩm Linh Olga Skabeeva cảnh báo người xem “hãy làm quen” với việc chứng kiến các cuộc tấn công bên trong nước Nga sau khi hàng chục hỏa tiễn được cho là đã tấn công khu vực Belgorod của nước này vào tuần trước khi các lực lượng Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn.

Skabeeva đã đưa ra nhận xét của mình trong một phân đoạn truyền hình nhà nước Nga, được đăng với phụ đề tiếng Anh vào Chúa Nhật lên Twitter bởi Julia Davis, một chuyên mục của The Daily Beast và người tạo ra chương trình Giám sát phương tiện truyền thông Nga.

“Trong khi đó trên CNN, họ công khai nói rằng các cuộc tấn công chống lại Nga là chiến lược mới của Ukraine. Họ gợi ý rằng bạn và tôi nên làm quen với trải nghiệm này,” Skabeeva nói trong video clip.

Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov đã viết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu rằng khoảng 850 hỏa tiễn và các loại đạn khác đã tấn công Shebekino, một quận ở khu vực gần biên giới Nga với Ukraine. Thống đốc cho biết các vụ tấn công làm 16 người bị thương và 2 phụ nữ ở làng Maslova Pristan thiệt mạng. Gladkov nói thêm rằng các lực lượng Ukraine đứng sau vụ pháo kích, nhưng Ukraine không bình luận về cáo buộc này, theo CNN.

Thống đốc của Belgorod cũng viết rằng các cuộc tấn công đã làm hư hại 10 công trình công nghiệp và kinh doanh, ba tòa nhà văn phòng và một ký túc xá, tất cả đều nằm trong khu vực. Ngoài ra, 65 cuộc tấn công bằng súng cối đã được tung ra gần đây tại Grayvoron, một thành phố biên giới khác ở Belgorod, cách Shebekino khoảng 70 dặm về phía tây, nhưng không có thương tích nào được báo cáo.

Trong khi đó, các đơn vị Nga thuộc phe đảo chính Putin gần đây cho biết họ đã tiến vào Belgorod, mặc dù trước đó Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi thành công các đơn vị này. Gladkov cũng phủ nhận rằng có bất kỳ nhóm ủng hộ Ukraine nào ở Belgorod. Ilya Ponomarev, một chính trị gia người Nga lưu vong, người nói rằng ông là đại diện chính trị của một trong các nhóm, Quân đoàn Tự do Nga, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng nhóm này, cùng với Quân đoàn tình nguyện Nga, gọi tắt là RVC, đã chiếm được Shebekino.

Quân đoàn Tự do của Nga được thành lập ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, và bao gồm những người đào thoát khỏi lực lượng vũ trang Nga cũng như các tình nguyện viên Nga và Belarus. RVC cho biết các thành viên của họ bao gồm những người Nga chiến đấu bên phía Ukraine và chống lại chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các nhóm thuộc phe đảo chính Putin đứng sau các vụ tấn công ở Belgorod.

“Trong một tình huống chiến trường phức tạp, những thứ dường như là máy bay không người lái cũng đã tấn công thành phố Belgorod (35 km bên trong nước Nga), trong khi chính quyền di tản dân thường khỏi thị trấn biên giới Shebikino sau cuộc pháo kích của Ukraine”, Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết.

Tháng trước, cựu chỉ huy Nga Igor Girkin nói rằng các cuộc tấn công vào Belgorod là không thể tránh khỏi. Ông dự đoán rằng quân đội Ukraine có thể tiến hành một loạt các cuộc tấn công “nghi binh” khiến Nga phải phản ứng “nghiêm trọng” chẳng hạn như tấn công các lãnh thổ của Nga.

“Quân đội Ukraine khó có thể đặt ra nhiệm vụ đánh chiếm các thành phố của Nga như Belgorod.... Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gấu Nga sẽ thực sự ngừng chống trả một cách uể oải. Anh ấy sẽ tức giận, nhảy ra khỏi hang và bắt đầu chiến đấu thực sự,” Girkin nói vào thời điểm đó.

Belgorod là nơi quyền lực của Liên Xô được thành lập vào năm 1917, nhưng thành phố đã bị Đức xâm lược vào tháng 4 năm 1918. Cuối năm đó, Belgorod trở thành một phần của Ukraine cho đến khi nó bị quân đội Liên Xô chiếm lại vào năm 1943.

Nga đã chứng kiến một số cuộc tấn công nhắm vào các lãnh thổ của mình trong những tuần gần đây, bao gồm hai máy bay không người lái đã đâm vào Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa vào tháng trước. Hôm thứ Ba, Nga đổ lỗi cho Ukraine về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào Mạc Tư Khoa và tuyên bố rằng ít nhất 8 máy bay không người lái đã gây ra thiệt hại nhỏ, nhưng Ukraine phủ nhận rằng họ phải chịu trách nhiệm.

Newsweek đã liên hệ qua email với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

11. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan nói cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là một “thất bại chiến lược”

Theo Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski, việc Phần Lan gia nhập NATO nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là một “thất bại chiến lược”.

Ông nói với các phóng viên báo chí rằng: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự thất bại hoàn toàn được khuếch đại từ phía Putin liên quan đến quyết định xâm chiếm Ukraine nghèo nàn và yếu ớt hơn. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã không cải thiện cuộc sống và tương lai của người dân Nga, mà ngược lại đang gây ra những khó khăn chồng chất cho xã hội Nga”

Nhận xét của ông giống với nhận xét của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã đến thăm Phần Lan vào hôm thứ Sáu. Blinken cũng gọi cuộc chiến của Nga là một “thất bại chiến lược”, nói rằng nó đã làm giảm ảnh hưởng và lợi ích của đất nước “trong nhiều năm tới”.

Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào đầu tháng Tư. Cuộc xâm lược của Nga đã khiến Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ vị trí trung lập của họ và tìm cách gia nhập liên minh.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ hy vọng nào cho một cuộc đàm phán hòa bình hay không, Brzezinski nói:

“Mỗi phút mỗi ngày, chính phủ Mỹ luôn sẵn sàng thúc đẩy con đường ngoại giao. Nhưng thay vào đó, Nga đang tiến vào con đường xâm lược. Điều tôi nghĩ là đặc biệt quan trọng mà Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh vào ngày hôm qua rằng chúng ta sẽ bảo đảm rằng không chỉ người dân Ukraine chiến thắng cuộc chiến này và sống sót, mà còn phát triển thịnh vượng.”

“Chúng ta cam kết đi theo con đường bảo đảm một nền hòa bình lâu dài bao gồm việc tái thiết hoàn toàn Ukraine và đưa nước này - như họ muốn - vào quỹ đạo thể chế phương Tây.”

Brzezinski cũng cho biết ông tin rằng phần lớn các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn cam kết hỗ trợ và thể hiện tình đoàn kết với Ukraine. Ông lưu ý rằng ông đã tiếp đón hơn 150 thành viên Quốc hội từ cả hai đảng, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch hiện tại Kevin McCarthy.
 
Tòa Thánh bày tỏ nỗi buồn trước tai nạn kinh hoàng. Vatican có thể đem lại hòa bình cho Ukraine?
VietCatholic Media
05:06 05/06/2023


1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn xe lửa ở Ấn Độ khiến 275 người thiệt mạng

Hôm Chúa Nhật Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật cho các nạn nhân của vụ tai nạn xe lửa ở Ấn Độ khiến ít nhất 275 người thiệt mạng.

“Tôi gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ. Cầu mong Cha trên trời của chúng ta chào đón linh hồn của những người đã khuất vào vương quốc của Ngài,” ngài nói trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 4 tháng Sáu.

Hàng trăm người bị thương trong vụ tai nạn ở quận Balasore của bang Odisha, là vụ tai nạn hỏa xa tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hơn hai thập kỷ qua, theo Reuters.

Vụ tai nạn xảy ra do lỗi trong hệ thống tín hiệu điện tử của một đoàn tàu chở khách khiến nó chuyển hướng và đâm vào một đoàn tàu khác khiến đoàn tàu này bị trật đường ray. Hai đoàn tàu chở tổng cộng 2.296 người khi va chạm.

Đức Giáo Hoàng cũng đã gửi một bức điện chia buồn tới Sứ thần Tòa Thánh ở Ấn Độ, là Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, một ngày sau vụ tai nạn.

Bức điện do Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Pietro Parolin gửi thay mặt Đức Thánh Cha cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết về thiệt hại to lớn về nhân mạng do vụ tai nạn tàu hỏa ở bang Odisha, và ngài bảo đảm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này về sự gần gũi thiêng liêng của ngài.”

“Phó thác linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót yêu thương của Đấng Toàn năng, Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn chân thành đến những người đang thương tiếc cho sự mất mát của họ. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho nhiều người bị thương và cho những nỗ lực của các nhân viên dịch vụ khẩn cấp, và Ngài cầu khẩn họ những ân sủng thiêng liêng cho lòng can đảm và ơn an ủi.”

2. Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The Vatican as Peacemaker in Ukraine?”, nghĩa là “Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một vài ngày sau khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi được bổ nhiệm làm người đứng đầu “sứ mệnh hòa bình” của Vatican để “giúp xoa dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine” (như Vatican News đã đưa tin), một bức ảnh gây sửng sốt xuất hiện trên trang nhất của tờ Washington Post. Hình ảnh đồ họa đó minh họa một nhiệm vụ khó khăn như thế nào mà Đức Hồng Y Zuppi và Phủ Quốc vụ khanh Vatican phải đối mặt. Đó là một bức ảnh vệ tinh chụp Bakhmut, một thành phố ở miền đông Ukraine dưới sự tấn công không ngừng của Nga trong nhiều tháng, và bức ảnh ấy mô tả sự tàn phá một đô thị tương đương với sự tàn phá của Berlin vào tháng 4 năm 1945.

Thêm vào đó là vụ bắt cóc trẻ em Ukraine của Nga, các vụ hãm hiếp, giết người và các tội ác chiến tranh khác do quân đội Nga gây ra, cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái bừa bãi của Nga vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine, và bất kỳ phân tích nghiêm túc nào về cuộc chiến đều dẫn đến một kết luận: Đây không phải là một “xung đột” đối xứng trong đó có thể hòa giải giữa các bên tranh chấp (như đã xảy ra ở Mozambique, nơi Zuppi và Cộng đồng Thánh Egidio đã làm việc để chấm dứt nội chiến). Đây là một tình huống hoàn toàn bất cân xứng, trong đó một kẻ xâm lược diệt chủng đang bị chống cự lại bởi những người dân tự do quyết tâm bảo vệ quốc gia và chủ quyền của họ.

Nói một cách đơn giản cho dễ hiểu là thế này: Nếu Nga thua, họ chỉ thua một cuộc chiến. Nếu Ukraine thua, dân tộc này sẽ diệt vong.

Chúng ta không chắc sự bất đối xứng cơ bản này và những tác động của nó đối với một nền hòa bình sau chiến tranh đã được Tòa thánh hiểu một cách đầy đủ hay chưa. Làm việc tại Rôma vào đầu tháng này, tôi đã nghe thấy tiếng vang về những lo ngại của Vatican rằng yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về việc rút tất cả các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm sẽ khiến cho một thỏa thuận thương lượng trở nên khó khăn. Phân tích đó dường như đã bỏ sót điểm chính trị quan trọng, đó là Tổng thống Zelenskiy, với tất cả tài hùng biện của mình, đang làm theo ý muốn của người dân, và không hề khuyến khích họ thực hiện những yêu cầu vô lý. Người ta cũng nghe thấy những tiếng vang tương tự về những lo ngại của Vatican đối với lập trường được cho là cực đoan trong cuộc chiến của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic - như thể không có mối lo ngại hợp lý nào rằng bất kỳ hình thức chiến thắng nào của Nga ở Ukraine sẽ đặt các quốc gia đó (và cả Moldova) vào vị trí tiếp theo trong danh sách mua sắm của Vladimir Putin, nhằm đảo ngược phán quyết của Chiến tranh Lạnh.

Một số giới chức ở Vatican dường như cũng quyết tâm duy trì các mối liên hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Nga, bất chấp sự thật hiển nhiên rằng ban lãnh đạo của Giáo hội đó thuộc quyền sở hữu của Điện Cẩm Linh - do đó tạo ra một sự bất đối xứng khác, trong đó các viên chức của Giáo Hội Công Giáo “đối thoại” với các đặc vụ đầy quyền lực của nhà nước Nga và là tài sản của các cơ quan an ninh Nga, những người xuất hiện dưới vỏ bọc của các giáo sĩ. Mối quan tâm này vượt ra ngoài Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, là một đặc vụ KGB tại trụ sở của Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Geneva khi còn trẻ, và “bộ trưởng ngoại giao” mới của ông, Đức Tổng Giám Mục Anthony, người hoàn toàn là sản phẩm của Kirill. Mối quan tâm này tiếp tục bao gồm người tiền nhiệm của Tổng Giám Mục Anthony, là Tổng Giám Mục Hilarion, hiện đã được triển khai tới Budapest, người đã nhân chuyến thăm kéo dài 20 phút của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng tới Hung Gia Lợi để đăng một video trên YouTube quảng bá cho điều hư cấu hết sức báng bổ rằng nước Nga của Putin là một người bảo vệ cho nền văn minh Kitô giáo.

Không điều nào trong số những điều này báo hiệu tốt cho một “sứ mệnh hòa bình” của Vatican. Nó thậm chí còn làm dấy lên khả năng rằng chính sách ngoại giao của Vatican, nếu không thừa nhận những bất cân xứng cơ bản về đạo đức và chính trị trong cuộc chiến tàn khốc này, có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, với một “sứ mệnh hòa bình” bị hiểu sai và thực hiện kém cỏi góp phần vào sự dối trá rằng có những bên tương đương trong xung đột này, những người phải được tập hợp lại với nhau trong một cuộc “hòa giải.” Sự sai lệch thực tế đó, được bảo trợ bởi cái mà một số người sẽ coi là thẩm quyền đạo đức của Tòa thánh, có thể làm suy yếu quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ bên bị hại trong cuộc xung đột này—là Ukraine—vì mục đích đạt được một điều chắc chắn sẽ chỉ là một nền hòa bình tạm thời với người Nga, là những người chắc chắn sẽ tiếp tục xâm lược sau đó.

Nếu không muốn điều này xảy ra, một số động thái nhất định của Vatican dường như là bắt buộc.

Đầu tiên, các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội nên nói rõ rằng họ hiểu tính chất sống còn của cuộc xung đột: Đây không phải là một cuộc cạnh tranh đối xứng giữa các “diễn viên” bình đẳng về mặt đạo đức và chính trị. Thay vào đó, cuộc chiến của Nga với Ukraine là một cuộc xâm lược không chính đáng, bất hợp pháp và mang tính diệt chủng, mà Ukraine phải tham gia vào như một hành động tự vệ cần thiết và chính đáng.

Thứ hai, Vatican nên đình chỉ tất cả các liên hệ đại kết chính thức với Chính thống giáo Nga cho đến khi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa chứng minh rằng đó là một cơ quan giáo hội, chứ không phải là một công cụ của quyền lực nhà nước Nga.

Nếu Nga, để đáp lại những lời giải thích rõ ràng như vậy (hoặc vì bất kỳ lý do nào khác), cản trở hoặc từ chối hợp tác với các nỗ lực nhân đạo được hoan nghênh của Vatican nhằm đưa trẻ em Ukraine trở lại Ukraine, thì bản chất xâm lược của Putin sẽ trở nên không thể phủ nhận. Và triển vọng về một “sứ mệnh hòa bình” của Tòa thánh có thể thực sự góp phần vào việc kiến tạo hòa bình cũng trở nên tỏ tường.
Source:First Things

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 Tháng Sáu

Chúa Nhật 4 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, Tin Mừng được trích từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (x. Ga 3,16-18). Nicôđêmô là thành viên của Hội Đồng Công Tọa, và ông say mê mầu nhiệm Thiên Chúa: ông nhận ra nơi Chúa Giêsu một vị Thầy thiêng liêng và đến nói chuyện bí mật với Người trong đêm. Chúa Giêsu lắng nghe ông, hiểu ông là một người đang tìm kiếm, và rồi trước tiên Người làm ông ta ngạc nhiên, trả lời rằng để vào Nước Thiên Chúa, người ta phải tái sinh; sau đó, Người tiết lộ tâm điểm của mầu nhiệm cho ông, nói rằng Thiên Chúa yêu nhân loại đến nỗi đã sai Con của Người đến thế gian. Vì thế, Chúa Giêsu, là Chúa Con, nói về Chúa Cha và tình yêu bao la của Người.

Cha và Con. Đó là một hình ảnh quen thuộc mà nếu chúng ta nghĩ về điều đó, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc những hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa. Thật vậy, chính từ “Thiên Chúa” gợi cho chúng ta một thực tại lớn lao, hùng vĩ và xa vời, trong khi nói về Chúa Cha và Chúa Con lại đưa chúng ta trở về nhà. Vâng, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa theo cách này, qua hình ảnh một gia đình quây quần bên bàn ăn, nơi cuộc sống được chia sẻ. Bên cạnh đó, cái bàn, cũng là một bàn thờ, là một biểu tượng mà một số tượng ảnh mô tả về Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh nói với chúng ta về một Thiên Chúa hiệp thông. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: đó là sự hiệp thông.

Nhưng điều đó không chỉ là một hình ảnh; đó là một thực tế! Điều đó là thực tại bởi vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí mà Chúa Cha tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Giêsu (x. Gl 4,6), làm cho chúng ta nếm được, làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa luôn gần gũi, từ bi và dịu dàng. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta những gì Chúa Giêsu làm cho ông Nicôđêmô: Người giới thiệu cho chúng ta mầu nhiệm tái sinh, khai sinh đức tin, đời sống Kitô hữu, Người mặc khải cho chúng ta trái tim của Chúa Cha, và Người cho chúng ta được chia sẻ chính sự sống của Chúa Cha.

Chúng ta có thể nói rằng lời mời gọi mà Người dành cho chúng ta là hãy ngồi cùng bàn với Thiên Chúa để chia sẻ tình yêu của Người. Đây sẽ là hình ảnh. Đây là điều xảy ra trong mọi Thánh Lễ, tại bàn thờ của bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha và hiến mình cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, chính là như vậy, Thiên Chúa của chúng ta là sự hiệp thông của tình yêu: và Chúa Giêsu đã mạc khải Ngài cho chúng ta như vậy. Và anh chị em có biết làm thế nào chúng ta có thể nhớ điều này không? Thưa: Với cử chỉ đơn giản nhất mà chúng ta đã học khi còn nhỏ: đó là làm dấu thánh giá, đúng thế đó là làm dấu thánh giá. Với cử chỉ đơn giản nhất, với dấu thánh giá này, bằng cách vẽ dấu thánh giá trên cơ thể mình, chúng ta nhắc nhở mình rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết bao, đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta; và chúng ta lặp đi lặp lại với chính mình rằng tình yêu của Người bao bọc chúng ta hoàn toàn, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, như một vòng tay không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đồng thời, chúng ta dấn thân làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu, tạo nên sự hiệp thông nhân danh Người. Có lẽ bây giờ, mỗi người chúng ta, và tất cả cùng nhau, chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên chính mình…

Vì thế, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu không? Hay Thiên Chúa là tình yêu đã trở thành một khái niệm, một điều gì đó mà chúng ta đã nghe nói, nhưng không còn khuấy động cuộc sống nữa? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, cộng đồng của chúng ta có làm chứng cho điều này không? Họ có biết yêu không? Cộng đồng của chúng ta có biết yêu thương không? Và gia đình chúng ta… chúng ta có biết yêu thương trong gia đình không? Chúng ta có luôn mở rộng cửa không, chúng ta có biết cách chào đón mọi người – và tôi nhấn mạnh, tất cả mọi người – chúng ta có chào đón họ như anh chị em không? Chúng ta có cống hiến cho mọi người lương thực tha thứ của Thiên Chúa và niềm vui Tin Mừng không? Liệu một người có hít thở không khí như ở nhà, hay chúng ta lại giống như một văn phòng hơn hoặc một nơi dành riêng mà chỉ những người được bầu mới có thể bước vào? Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta, cho thập giá này.

Và xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống Giáo hội như ngôi nhà mà người ta yêu mến một cách thân thuộc, để tôn vinh Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi bảo đảm lời cầu nguyện của mình cho nhiều nạn nhân của vụ tai nạn hỏa xa xảy ra hai ngày trước ở Ấn Độ. Tôi gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ. Xin Cha trên trời đón linh hồn những người đã khuất vào vương quốc của Người.

Tôi chào anh chị em người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu từ Villa Alemana, Chí Lợi, và các ứng viên chịu phép Thêm sức từ Cork, Ái Nhĩ Lan. Tôi chào các nhóm từ Poggiomarino, Roccapriora, Macerata, Recanati, Aragona và Mestrino; cũng như các bạn trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và Rước Lễ Lần Đầu, từ Santa Giustina ở Colle.

Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến các đại diện của đoàn hiến binh Carabinieri, những người mà tôi cảm ơn vì sự gần gũi hàng ngày của họ với người dân; xin Thánh Nữ Vergo Fedelis, Đấng bảo trợ của anh chị em, bảo vệ anh chị em và gia đình của anh chị em. Chúng ta hay xin phó thác cho Mẹ là Mẹ ân cần, những dân tộc đang bị đau khổ bởi tai họa chiến tranh, đặc biệt là Ukraine thân yêu và đang bị bao vây.

Tôi xin chào tất cả anh em, cũng như các bạn trẻ thuộc Nhóm Immacolata tốt lành, và tôi chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana