Ngày 03-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bài giảng Lễ Kim Cương và Lễ Ngọc Khánh Linh mục tại Huế
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
11:15 03/06/2010
Bài Giảng Lễ Kim Cương Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc và Lễ Ngọc Khánh Linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp tại Huế

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục TGP Huế,
Trọng kính Đức Giám Mục Phụ Tá TGP Huế
Kính thưa Cha Kim Cương Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc và Cha Ngọc Khánh Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp
Kính thưa Quý Cha Đồng Tế,
Quý Tu sĩ và Anh Chị Em giáo dân thân mến!

Hôm nay, Cộng Đoàn Phụng Vụ trong ngôi Nhà Thờ của Tòa Giám Mục Huế nầy, tuy không rộng lắm, nhưng lại gồm đủ tất cả mọi thành phần của Tổng Giáo Phận Huế, từ hai Đức Cha, đến các linh mục, tu sĩ và giáo dân, hiệp dâng Thánh lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân Lễ Kim Cương 65 năm linh mục của Cha Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc và nhân Lễ Ngọc Khánh 60 năm linh mục của Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp.

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc, sinh cách đây 91 năm, vào ngày 11.11 năm 1919. Còn linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp, sinh cũng cách đây 91 năm, vào ngày 24.12 năm 1919, sau Cha Lộc một tháng 13 ngày.

Hai linh mục nầy được nhận lãnh hồng phúc chức linh mục cách nhau 5 năm: cha Kim Cương, chịu chức linh mục ngày 08-06-1945, cách đây 65 năm, Cha Ngọc Khánh chịu chức linh mục ngày 03/6/1950, cách đây 60 năm.

Sau Đức Chúa Trời, là đến cha mẹ, thân phụ thân mẫu của chúng ta. Vì thế, Giáo phận Huế, qua cộng đoàn phụng vụ hôm nay, vô cùng biết ơn ông Phêrô Nguyễn Cao Đơn và bà Annà Phan Thị Lành, thân phụ và thân mẫu của Cha Kim Cương Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc, và vô cùng biết ơn ông Alexi Nguyễn Văn Học và bà Isave Lê Thị Ngãi, thân phụ và thân mẫu của Cha Ngọc Khánh Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp.

Cũng hết lòng biết ơn hai giáo xứ đã dâng cho Giáo Phận Huế nhiều linh mục nhiệt thành, trong đó, có hai linh mục Kim Cương và Ngọc Khánh hôm nay, đó là Giáo xứ Dương Lộc, thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị, và Giáo xứ Chính Toà Phủ Cam, thuộc Thành Phố Huế.

Khẩu hiệu của Cha Kim Cương Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc: “Con chỉ xin cho các linh hồn được rỗi” (Da mihi animas) nói lên lòng nhiệt thành tông đồ của ngài: nhiệt thành lo mục vụ giáo xứ (phó xứ Cao Xá (1945-46); quản xứ Mỹ Định, Đồng Hới (1949); quản xứ Vinh Hoà (1956); quản xư Trí Bưu trước Hè 1972; quản xứ Vườn Ngô, Trảng Bom, Xuân Lộc); nhiệt thành lo việc giáo dục, đào tạo (biáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh (1946-49); lập trường Tiểu Trung Học Túy Vân tại Vinh Hoà (1956); lo Tu Hội Bác Ái Fatima Bình Triệu với Cha Bộ sau năm 1972); nhiệt thành lo việc truyền giáo (khi bắt đầu làm linh mục, đã kiêm những giáo xứ tân tòng như Mai Xá, Nhĩ Hạ, Phước Sa (1945-46); năm 1958, đã xin Đức Giám Mục Urrutia cho thành lập giáo xứ Mỹ Á; năm 1969, đã xin Đức Tổng Giám Mục Philiphê Nguyễn Kim Điền cho lập giáo điểm truyền giáo tại Cùa; và khi vào Quảng Thuận, đã xin Bề Trên cho thành lập giáo xứ Quảng Biên năm 1973).

Còn về Cha Ngọc Khánh Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp, lòng nhiệt thành tông đồ hiện nay vẫn còn nung nấu tâm can ngài. Mỗi lần gặp hai Đức Cha đến thăm, ngài vẫn xin cho được ra lại giáo xứ để lo cho các linh hồn. Ngài đã nhiệt thành lo mục vụ giáo xứ (phó xứ Sơn Quả năm 1950-54, quản xứ Đại Lộc năm 1963-1964, quản xứ Tây Lộc năm 1964-1971, quản xứ An Truyền và Nam Phổ cho đến khi về hưu tại Nhà Chung). Ngài đã nhiệt thành lo việc giáo dục (lập trường trung học Tương Lai tại An Lỗ; lo trường học tại Tây Lộc). Ngài đã nhiệt thành lo việc truyền giáo (thành lập giáo xứ Bồ Điền, tại Phong Nguyên năm 1955.)

Lòng nhiệt thành của người môn đệ Chúa, chính là ngọn lửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong Tin Mừng Thánh Luca hôm nay (12,49): “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”

Nhiệt thành là lửa nóng mà Chúa Giêsu đã đem từ trời xuống, giao cho các môn đệ của ngài làm bừng cháy lên để đốt thế gian.

Người môn đệ của Chúa Giêsu làm cho lửa bừng cháy lên để thiêu đốt thế gian: đó là lửa tông đồ bùng cháy lên, không ai dẹp nỗi, ma quỷ và đồng bọn cũng bó tay; đó là lửa tông đồ bùng cháy lên trong trái tim đầy lòng mến Chúa, như có vị thánh đã từng nói: “Trên đời nầy, ai hơn tôi điều gì, tôi cũng chịu được, nhưng ai hơn tôi về lòng mến Chúa, thì tôi không chịu được.”; đó lửa bùng cháy lên để tung chân đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo như một Phao Lô, một Phanxicô Xavie ngày trước, như một Nguyễn Cao Lộc, một Nguyễn Thanh Tiếp ngày nay.

Linh mục sống đời nhiệt thành tông đồ như Thầy mình là Chúa Giêsu đã từng sống nơi Hang Đá: sống khó nghèo bên ngoài (trong nhà ở, trong cách ăn, trong cách mặc, trong các đồ dùng, trong các công việc...), sống khó nghèo bên trong (thật tình khiêm nhượng trong trí, trong lòng; thật tình khiêm nhượng đối với Chúa, đối với chính mình, đối với bề trên, đối với tha nhân).

Linh mục sống đời nhiệt thành tông đồ như Thầy mình là Chúa Giêsu đã từng sống trên Thánh Giá: sống hy sinh bản thân, hy sinh tâm hồn, hy sinh thời giờ, hy sinh của cải, hy sinh sức khỏe, hy sinh mạng sống, hy sinh trong cầu nguyện, hy sinh trong hoạt động, hy sinh trong đau khổ xác hồn, hy sinh đền tội cho tội nhân hối cải, cho lương dân biết Chúa.

Linh mục sống đời nhiệt thành tông đồ như Thầy mình là Chúa Giêsu đang sống trong Nhà Tạm: sống thinh lặng, sống cầu nguyện, sống trao ban chính mình một cách đại độ, vui tươi.

Hôm nay, lễ 60 năm linh mục của Cha Ngọc Khánh Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp, và lễ 65 năm linh mục của Cha Kim Cương Gioan Baotixita Nguyễn Cao Lộc.

Đây là một lễ rất hiếm hoi (hiếm có linh mục sau nầy được phước như hai cha hôm nay! Chúng ta trân trọng, chúng ta hân hạnh, chúng ta chúc mừng!

Đây là một lễ rất hay ho (dạy tất cả chúng ta, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân bài học quan trọng: cuộc đời mỗi người chúng ta phải là một ngọn lửa thắp sáng tình yêu của Chúa để đốt nóng thế gian).

Không những rất hiếm hoi, rất hay ho, mà đây còn là một lễ rất hoành tráng: Thánh lễ vô cùng giá trị, vô cùng hoành tráng: với 60 năm linh mục: 21.900 Thánh Lễ, với 65 năm linh mục: 23.726 Thánh Lễ!

Chúa Nhật vừa rồi, ngày 30 tháng 5 năm 2010, lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, dịp Năm Linh Mục sắp kết thúc trong tháng 6 nầy, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắc nhở mọi người hãy biết ơn linh mục, hãy cầu nguyện cho linh mục. Ngài nhắc lại chính lời của Cha thánh Gioan Maria Vianê, bổn mạng các linh mục, khi cha quản xứ thánh thiện nầy hỏi các con chiên của mình và cha tự trả lời: “Ai đã đón rước linh hồn của anh chị em gia nhập vào cuộc sống mới? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn anh chị em để cung cấp sức lực trên đường lữ hành? Linh mục. Ai đã chuẩn bị linh hồn anh chị em để trình diện trước nhan Chúa, bằng cách rửa sạch nó lần cuối trong Máu Thánh Chúa Giêsu? Vẫn là linh mục”.

Hiệp cùng Hai Vị Linh Mục Kim Cương và Ngọc Khánh đầy hồng phúc nầy, hôm nay, chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn thật sốt sắng! Amen!
 
Đức Giáo Hoàng nói Đức Maria là Mẹ của các Nhà Thừa Sai
Paul Minh Nhật chuyển ngữ
12:05 03/06/2010
Chia sẻ về mầu nhiệm Đức Maria đi thăm viếng bà elizabeth trong buổi canh thức cầu nguyện

VATICAN CITY, JUNE 1, 2010 (Zenit.org): Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói: Các tín hữu luôn được đòi hỏi hãy vượt xa hơn những nơi sung túc tiện nghi để mang Đức Ki-tô đến cho người khác, và công việc đó luôn có Đức Maria làm bạn đồng hành và là "người mẹ đầy ân cần quan tâm" đến những nỗ lực thừa sai của họ.

Đức Giáo Hoàng nói điều này vào tối ngày thứ hai tại khu vườn Vatican trong buổi lễ truyền thống kết thúc tháng Đức Mẹ. Sau buổi rước kiệu và lần hạt mân côi, những người hành hương đã tập trung tại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức để lắng nghe bài suy niệm của Đức Thánh Cha về sự mầu nhiệm của cuộc thăm viếng.

Đức Thánh Cha nói "Trong cuộc viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria người đến thăm bà chị họ Elizabeth, chúng ta nhận ra một gương mẫu rõ ràng và ý nghĩa đích thực nhất của cuộc hành trình của các tín hữu chúng ta và cuộc hành trình của chính Giáo Hội. Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo; Giáo hội được kêu mời ra đi công bố lời Chúa khắp mọi nơi và mọi thời, chuyển trao đức tin cho hết thảy mọi người và cho tất cả các nền văn hóa."

Ngài nói tiếp: "Cuộc hành trình của Đức Maria là một cuộc hành trình thừa sai đích thực. Đó là cuộc hành trình đưa ngài đi ra xa ngôi nhà của mình, dẫn ngài vào thế giới, vào nơi chốn mà hoàn toàn xa lạ với tập quán hằng ngày của mình, làm cho ngài đạt tới, trong một nghĩa cụ thể, những giới hạn của cái mà ngài có thể đạt tới."

Tại điểm này, cũng cho chúng ta, bí mật của cuộc đời chúng ta như là những cá nhân riêng lẻ và như là các tín hữu.(…) chúng ta được kêu gọi hãy ra khỏi bản thân chúng ta, ra khỏi những nơi chốn của sự an toàn, để đến với người khác, những nói chốn khác và những lĩnh vực khác. Đây là điều Chúa đòi hỏi chúng ta."

Đức Benedict XVI nói: và đó là Chúa, người đã trao cho chúng ta "Đức Maria như là một người bạn đồng hành và người mẹ đầy ân cần quan tâm. Mẹ trao cho chúng ta sự an ninh, bởi vì mẹ đã nhắc nhớ chúng ta rằng con của mẹ Đức Giê-su luôn luôn ở với chúng ta."

Phục vụ và truyền giáo

Đức Giáo Hoàng lưu ý làm thế nào mà đức Maria đã phải viếng thăm bà Elizabeth, và ở lại với bà ấy ba thắng. Ngài nói: Elizabeth là "biểu tượng cho tất cả những người già cả và ốm yếu, và còn hơn thế nữa, cho tất cả những ai đang cần sự giúp đỡ và tình yêu thương."

Ngài nói thêm "Và mẹ Maria -- người đã được mô tả như là "nữ tì tôi tớ của Chúa" -- biến ngài thành nữ tì tôi tớ của mọi người, chính xác hơn, ngài phục vụ Chúa đấng mà ngài tìm thấy trong những người anh em của mình."

Đức Thánh Cha giải thích rằng công việc bác ái của đức Maria đã không dừng lại với việc phục vụ, nhưng còn hơn nữa "đạt tới đỉnh điểm trong việc trao ban chính Đức Giê-su"

Khi nghe lời chào của mẹ Maria thai nhi trong dạ bà Elizabeth đã nhảy mừng lên vui sướng, "chúng ta do đó, tại trung tâm và đỉnh điểm của nhiệm vụ truyền giáo, ngài nói, chúng ta đang mang ý nghĩa đúng đắn nhất và mục đích xác thực nhất của các nỗ lực thừa sai: là trao ban cho nhiều người cuộc sống và từng cá nhân Tin Mừng, là chính Chúa Giê-su"

Đức Thánh Cha nói tiếp "Chúa Giê-su là kho báu đích thực và duy nhất mà chúng ta phải trao ban cho nhân loại, Ngài là nỗi khát vọng sâu xa của tất cả mọi người nam nữ trong thời đại của chúng ta, ngay cả khi dường như họ lãnh đạm chối từ Ngài. Ngài là đấng mà xã hội nơi chúng ta đang sống, Châu Âu và toàn thế giới, đang thực sự vô cùng cần.

"Chúng ta đã được tin tưởng giao phó trách nhiệm phi thường này, Chúng ta hãy đảm nhận với niềm vui và với nhiệt tình dấn thân, để nền văn minh của chúng ta thực sự trở thành một nền văn minh nơi sự thật, công lý, tự do và tình yêu thương ngự trị, là những cột trụ nền tảng và vô cùng thiết yếu cho một đời sống chung thật sự trật tự và hòa bình."
 
Hãy cho họ ăn
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:18 03/06/2010
Lễ Mình Máu Chúa Kitô

Ngày bắt đầu tàn, thấy đám đông dân chúng vẫn còn ở lại để nghe Chúa Giêsu giảng dạy và được chữa lành bệnh tật, các tông đồ hiến một diệu kế: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9,12). Một kế sách xem ra khá hợp lý vì không nên bao cấp, bao biện, phải để cho mỗi người tự lo lấy thân. Kế sách này có vẻ như thiếu chút tình, vì thật dễ dàng để hô: “giải tán – khỏe”. Nhưng các tông đồ đã chưng hững trước lời truyền của Thầy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Hạn từ “chính” muốn nhấn mạnh đến điều muốn nói, đó là các tông đồ chứ không ai khác. Hạn từ “hãy” không những có tính mời gọi mà còn hàm ý như một mệnh lệnh cần phải thực thi.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”. Cho họ ăn cái gì đây? Năm chiếc bánh và hai con cá không là gì cả, nhưng đó là tất cả những gì các tông đồ đang hiện có. Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng khi nói “cho” tức là trao cái của mình. Theo Tin Mừng thánh Gioan tường thuật thì năm chiếc bánh và hai con cá là của một em bé (x. Ga 6,9). Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật rằng năm chiếc bánh là của các tông đồ (x. Mt 14,17; Mc 6,38; Lc 9,13). Và các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn!” (x. Mt 14,16; Mc 6,37; Lc 9,13).

Một trong những hành vi yêu thương là trao ban những gì tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và chẳng hề kể công.

Mặc dù không có sự gì tốt đẹp nơi chúng ta mà không phải là do đã lãnh nhận, nhưng chúng ta cũng cần phân biệt những gì được coi là của chúng ta và những gì là của tha nhân. Để phân biệt điều này chúng ta cần dựa vào đức công bằng giao hoán với nội hàm là phần của ai thì trả lại cho người ấy. Trước hết cần xác định rằng những gì không thuộc quyền sở hữu của chúng ta cách hợp pháp thì đều không phải là của chúng ta, chẳng hạn nhân thân, tài sản… của tha nhân. Kế đến cần lưu ý rằng ngay cả những gì thuộc quyền sử dụng của chúng ta, thì có nhiều sự không phải là của chúng ta, chẳng hạn chúng ta có quyền sử dụng khí trời, môi trường sống… nhưng chúng ta chỉ được quyền sử dụng có giới hạn, trong sự tôn trọng quyền sử dụng của người khác và phải biết gìn giữ sự hài hòa bền vững của môi sinh. Lại có những tài sản ta đang có nhưng không thực sự là của chúng ta, vì đó là những tặng vật chúng ta nhận được để thực hiện một mục đích nào đó mà người trao tặng đã minh nhiên hay mặc nhiên cho ta biết. Ví dụ có ân nhân trao tặng chúng ta một triệu đồng để giúp người nghèo thì tiền đó là của người nghèo, hoặc nếu có ai đó dâng cúng một số tiền để lo việc giáo xứ thì tiền ấy là thuộc quỹ chung của giáo xứ chứ không phải của riêng vị quản xứ. Điều này đã được Giáo Hội không chỉ phân biệt rõ ràng bằng lời chỉ dạy mà còn thể chế hóa bằng luật lệ (x. GL Đ. 1267.3 và Đ. 531).

Không một ai có quyền cho đi cái không thuộc quyền sở hữu của mình. Lấy tài sản của tha nhân hay xã hội cách bất công để làm bất cứ việc gì dù đó là một việc thiện thì đều là hành vi xấu. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Nhận cái của người để trao ban theo ý họ thì không phải là cho mà chỉ là phân phát giúp. Lắm khi chúng ta lầm tưởng mình đang cho mà thực sự mình chỉ là người trung gian phân phát. Chưa kể đến chuyện vô tình hay hữu ý chúng ta khôn khéo giữ lại phần này, phần kia cho bản thân cách bất công trong khi đó là phần của tha nhân. Ngoài ra, theo chiều kích công bằng phân phối thì có thể đang có đó nhiều thứ của cải dư thừa nơi chúng ta mà thực sự là của người nghèo.

Các con hãy cho họ ăn đi! Vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta cần trao ban cho tha nhân những gì thực sự là của mình. Abraham đã kính biếu Menkisêđê, vua thành Salem, tư tế của Thiên Chúa, một phần mười tất cả chiến lợi phẩm. Năm chiếc bánh và hai con cá trong hoàn cảnh lúc bấy giờ so với tập thể nhóm Mười Hai và cả Thầy Chí Thánh nữa chứ, thì đúng thực là của các vị. Trao ban cái mình đang cần thì mới thực là trao ban. Chúa Kitô cũng đã từng khen ngợi hành vi dâng hiến của một bà góa nghèo tại đền thờ Giêrusalem. Hai đồng xu của bà mới thực sự là của bà. Trái lại, những phần dư thừa của những người giàu có lúc bấy giờ chưa hẳn là của họ (x. Lc 21,1-4; Mc 12,41-44).

Có thể nói rằng những cái thực sự của mình đó là những gì được xem là chính mình như danh dự, sự sống… Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta về điều này như lời thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,26). Việc mà Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải làm đó là hãy cho tha nhân ăn chính máu thịt của mình, nghĩa là hãy hiến thân gánh lấy tội lỗi của tha nhân, hãy dùng chính máu thịt của mình, sự sống của mình mà giúp nhau nên thanh sạch. Đằng sau một ân huệ chúng ta lãnh nhận luôn có một sứ mệnh được giao phó cho chúng ta. Ân huệ càng cao quý thì sứ mệnh càng hệ trọng. Sau khi được Thầy rửa chân, nghĩa là được thông phần với Thầy, các tông đồ nhận được lệnh truyền là hãy noi gương Thầy mà cúi xuống rửa chân cho nhau (x. Ga 13,1-15). Khi nâng chén để được thông hiệp với sự sống của Đấng Chí Thánh thì chúng ta nhận được lệnh truyền là hãy hiến dâng mạng sống vì người mình yêu, để nhớ đến Người (x. Ga 15,12-15; Lc 22,19-20).

Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu. Các chuyên gia tâm lý cũng như các nhà đạo đức học vốn đồng thuận với nhau khái niệm này: yêu thương là một quá trình đón nhận và trao ban. Mọi sự của con đều là của Cha. Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Bây giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5-7). Và Chúa Kitô thực thi thánh ý Chúa Cha bằng việc hiến dâng trọn xác thân của Người làm hy lễ đền tội, ban ơn giao hòa cho nhân loại. Ước gì Thánh Thể Chúa Kitô giúp chúng ta xác tín rằng mọi sự chúng ta đang là, đang có đều do bởi lãnh nhận, để rồi chúng ta tích cực thực thi lệnh truyền của Người: “Các con hãy cho họ ăn
 
Chính anh em hãy cho họ ăn
Pm. Cao Huy Hoàng
12:23 03/06/2010
Suy niệm nhân lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu

“Cho ăn”, “nuôi sống”, là bổn phận cụ thể nhất nơi những người làm cha mẹ trong gia đình. Thử nhìn một vòng thế gian sẽ thấy không có cha mẹ nào lại được miễn khỏi phải bận tâm về việc nuôi sống những đứa con của mình.

Nhìn về những nước chậm tiến, những vùng sâu, vùng xa, vùng quê nghèo, sẽ thấy việc lo cho con cái có được “cái ăn” và được ăn đầy đủ, quả là một thách đố không nhỏ.

Những ngày sau 1975, những lát khoai cõng lác đác vài hạt cơm trắng, cái củ nần luộc đến bảy nước rồi ăn vẫn còn ngứa cả miệng, những lát mì khô hầm nhừ từ đêm trước rồi quết dẻo với mấy hạt lạc rang cho dễ nuốt qua ngày, vài con cá khô mốc sì tranh mua ở cửa hàng nhà nước…, đã vậy, cha mẹ còn phải bấm bụng nhịn cho con có được bữa no tạm bợ.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Khi cho con cái “cái ăn”, người làm cha mẹ phần nào hiểu ra rằng con cái đang sống chính sự sống của mình, đang ăn chính thịt máu của mình. Và ngược lại, làm con cái, không ai có thể phủ nhận việc mình đã được sinh thành và dưỡng nuôi bằng chính thịt máu của cha của mẹ.

Mẹ đang gầy guộc đi, vì đã hiến mình cho con cái. Cha đang tàn tạ đi, vì một đời tận tụy cho con.

Tôi muốn nói rằng: Bí Tích Thánh Thể đang được cử hành ngay trong nhà bạn, trong nhà tôi đấy. Chính những người làm cha, làm mẹ đang dâng Thánh Lễ hằng ngày, và cũng chính họ là của lễ cho Thiên Chúa để nuôi đàn con của mình. Họ vừa là chủ tế, vừa là chính lễ tế.

Động lực nào đã thôi thúc con người ta không chỉ chu toàn bổn phận làm cha mẹ, mà còn chu toàn một cách hiến tế thánh thiện ? Đối với những gia đình không Công Giáo, ý nghĩa hiến tế có vẻ mơ hồ, hoặc theo một trật tự tự nhiên Chúa đã đặt, nhưng đối với các Kitô Hữu Công Giáo, thì thiết nghĩ, phải vượt lên trên cái tự nhiên ấy, vì động lực thôi thúc họ tự hiến cho con cái chính là:

- Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay: “Chính anh em hãy cho họ ăn”

- Mình Máu Thánh Chúa Giêsu họ đã lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh Thể, để rồi họ ý thức sâu xa rằng, chính mình cũng phải trở nên của ăn cho con cái, cho người khác nữa.

Như thế, thiết nghĩ, mỗi động tác tình yêu và hy sinh trong gia đình của các tín hữu để nuôi sống con cái, sẽ trở nên Thánh Lễ thường nhật của những Tư Tế Cộng Đồng đang hiệp thông với các Tư Tế Thừa Tác trên toàn cầu, cùng trong một Thầy Cả thượng phẩm đời đời là Đức Giêsu Kitô.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Càng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tâm tình hiến tế, càng năng ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu qua việc rước lễ, mỗi người càng khám phá ra được Sức Sống Thần Linh đang linh hoạt trong cuộc sống mình từ lời ăn tiếng nói, đến cả những việc phải làm vì tình yêu, và lại càng khám phá ra những phép lạ kỳ diệu của Thánh Thể và của ơn hiến tế.

Hãy nhìn lại những phép lạ Thánh Thể trong đời sống các gia đình, phép lạ từ những cái ăn:

- Phép lạ từ những củ khoai, củ sắn, củ nần, của những ngày gian khổ nay đã trở nên những cử nhân, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, hoặc giản dị chỉ là những con người bình thường trong xã hội nhưng luôn có ích cho Thiên Chúa, hoặc đã trở nên những Nữ Tu, Linh Mục ngay trong chính gia đình mình.

- Phép lạ từ những Thánh Lễ trên đường bán bong bóng như bán cả hơi thở, bán cháo lòng như bán cả cõi lòng, bán hột vịt lộn như bán cuộc sống luôn sẵn sàng thích nghi, gánh cả hàng rong như gánh cả tương lai con trên đường quê ra phố chợ, nay đã được thấy cái ấm no hiện tại và tương lai ngời sáng của con cái mình.

- Phép lạ từ những Thánh Lễ trên đường ra ruộng, lên nương rẫy, trên sóng nước, vào rừng sâu, trong tiệm ăn, ngoài công trường, và cả bên vệ đường, nay đã thấy con cái thành gia thành thất đúng theo lề luật Chúa.

Vâng, không thể mơ tưởng một sự giàu có vô bổ nào khác, nhưng hãy ngộ ra rằng “Bánh đã hóa ra nhiều” ngay trong gia đình ta, những tấm bánh kết tinh từ những hy hiến đẫm mồ hôi nước mắt của mẹ của cha.

Hãy tạ ơn Chúa luôn luôn và tiếp tục làm cho cơm bánh hóa ra nhiều, để nuôi sống không chỉ người trong nhà mà còn biết bao nhiêu người đang đói. Đó chính là ý hướng Thánh Thể, nếu không nói là một đòi hỏi công bằng của Thánh Thể.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Vì họ đang đói. Có những người đang thực sự đói của ăn phần xác chung quanh chúng ta giữa một xã hội phân cấp càng ngày càng chênh lệch, “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Họ đang cần một sự chia sẻ thực sự, một ổ bánh mì buổi sáng, một gói mì tôm buổi tối, một chén nước sạch, một chút ánh sáng đủ soi căn nhà ẩm thấp tồi tàn, một manh áo, một tấm chăn qua cái lạnh mùa đông…

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Có những người đang đói niềm hy vọng, đang đói tình thương yêu, sự cảm thông. Cũng có những người đang đói công lý, đói tự do, đói nhân quyền, đói nhà cửa, đói gia cư, đói cái chữ...

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Là Kitô hữu Công Giáo, thấp nhất là Giáo Dân, đã không thể đứng về phía những người giàu có quyền lực, giàu có vật chất mà dửng dưng trước những cái đói đang nhan nhản nơi tha nhân, của đồng bào, của các Kitô hữu khác, huống chi là các Đấng các Bậc cao cấp trong Hội Thánh lại có thể làm cho cái đói khát ấy ra tồi tệ hơn, lần hồi mà dẫn đến cái chết lạnh lùng. Dứt khoát tôi sẽ không tin là có thể nào lại ra nông nỗi như vậy được. Vì làm như thế, thì làm sao còn gọi được là sống Bí Tích Thánh Thể trong hành trình Đức Tin của mỗi người tin ?

Thánh Thể Chúa Giêsu phải là nội lực cho tất cả những hy hiến trong đời sống các tín hữu, vừa thôi thúc vừa hỗ trợ, lại còn phát sinh những phép lạ vĩ đại cho mỗi tín hữu và cho cả cộng đồng nhân loại. Từ đó, cuộc sống trở nên Thánh Lễ từng phút giây trong đời người, không chỉ cử hành Bí Tích trên bàn thờ, mà cử hành ngay trên đường ra phố chợ, trên đường tới những đau thương bi đát nhất trong cuộc đời.

Làm sao anh em có thể ăn thịt của tôi, uống máu của tôi nếu tôi không chấp nhận bị nghiền nát và hóa thân nên tấm bánh ngọt ngào, nên ly rượu thơm ngon ?

Làm sao tôi có thể cho anh em ăn những của thần linh, của ăn đem lại sự sống đời đời, khi tôi lại sống chỉ bằng những của ăn hay hư nát ?

Làm sao tôi có thể trở thành Máu Thịt Chúa Giêsu cho mọi người, khi tôi vẫn còn giữ cho mình một ngôi vị phàm tục ở đời cho muôn năm danh vọng, một sự vinh thân phì da, luôn sợ trầy trụa thương tích, cứ mải bận tâm lo cho mình một chỗ an thân, sợ đổi chủ, sợ bị kế vị, sợ phải nhường ngôi ?

Nếu có thật như thế thì chỉ là vì tôi chưa dám đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Thánh Thể, một Đức Giêsu bằng lòng chịu chết cho thế gian chúng ta, trong đó có cả tôi nữa, được sống.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết yêu mến, gắn bó, và luôn khao khát rước lấy Thánh Thể Chúa, làm sức mạnh cho cuộc sống hiến dâng của chúng con, nơi gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội. Amen.
 
Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu là món qùa yêu thương mà Đức Maria tặng cho thế giới
Thiên Phong chuyền ngử
12:45 03/06/2010
RÔMA, thứ Ba, 01 tháng 6, 2010 (Zenit.org) – Món quà Giêsu mà Đức Trinh Nữ trao tặng cho thế giới cho thấy tình thương tột đỉnh của Mẹ. Đức Bênêđictô XVI đã nhắc lại như thế vào chiều 31 tháng 5, lúc kết thúc giờ canh thức bế mạc tháng Đức Mẹ.

Hôm thứ Hai, Vatican đã đón hơn 3000 tín hữu và khách hành hương dịp mừng lễ Đức Mẹ truyền thống cuối tháng 5.

Trước hết, có cuộc rước kiệu theo thông lệ khởi hành từ nhà thờ Santo Stefano – là nhà thờ cổ nhất Vatican, có từ thế kỷ thứ V, tọa lạc gần phía sau Vương Cung Thánh Đường – và kết thúc tại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức, một kiến trúc mô phỏng hang đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernardette Soubirous, được xây dựng hồi đầu thế kỷ XX tại chỗ tiếp giáp với bức tường cổ. Công trình này là tặng phẩm do người Công Giáo Pháp đóng góp.

Trong suốt cuộc kiệu, mọi người đọc kinh Mân Côi, do Đức Hồng Y Angelo Comastri, Đại Diện của Đức Thánh Cha tại Vatican, chủ sự. Thỉnh thoảng có xen vào những bài thánh ca của ca đoàn Vatican, với phần âm nhạc do dàn nhạc Guardia Palatina d'Onore phụ trách.

Trong diễn từ ngắn của ngài vào lúc kết thúc buổi cầu nguyện, Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh hình ảnh Đức Maria như mẫu gương thừa sai cho Giáo Hội, “đáp lại tiếng gọi loan báo Tin Mừng mọi nơi mọi lúc, chuyển đạt đức tin cho mọi người thuộc mọi nền văn hóa.”

Ngài nói: “Sự hiện hữu của chúng ta, trong tư cách từng cá nhân hay toàn Giáo Hội, là một sự hiện hữu được dự phóng hướng ra bên ngoài mình... Chúng ta được mời gọi đi ra khỏi những sự yên ổn của mình, để đến với người khác, đến những nơi chốn và những lãnh vực khác.”

Đức Maria đã đồng hành với người ta trong tư cách là bạn và là người mẹ đầy ân cần, luôn luôn cung ứng sự “giúp đỡ cụ thể,” như những gì Mẹ đã làm với bà chị họ cao niên Êlisabét.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Bà Êlisabét trở thành biểu tượng của vô số những người cao tuổi và đau yếu, cũng như của tất cả những ai đang cần được giúp đỡ và được yêu thương. Đang có biết bao con người như thế trong gia đình, trong cộng đoàn, trong thành phố của chúng ta! Và Đức Maria – Đấng đã quyết chọn làm “nữ tì của Thiên Chúa” (Lc 1,38) – đã trở thành người phục vụ cho những con người ấy. Nói đúng hơn, Mẹ đã phục vụ Thiên Chúa là Đấng mà Mẹ gặp nơi các anh chị em này.”

Và Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích: “Chúa Giêsu là kho tàng đích thực và duy nhất mà chúng ta có để tặng cho con người. Ngài là nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của bao con người nam cũng như nữ ngày nay, ngay cả khi dường như họ lãnh đạm hay tẩy chay Ngài. Xã hội mà chúng ta đang sống, châu Âu và toàn thế giới, đang cần gì nhất nếu không phải là chính Chúa Giêsu?”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha huấn dụ: “Nhiệm vụ phi thường này được ủy thác cho chúng ta. Chúng ta hãy đảm nhận với niềm vui và với nhiệt tình dấn thân, để nền văn minh của chúng ta thực sự trở thành một nền văn minh thượng tôn sự thật, công lý, tự do và yêu thương, là những cột trụ nền tảng và vô cùng thiết yếu cho một cuộc chung sống trật tự và hòa bình.”

Dịch từ Zenit. org, 01-6-2010
 
Chúng con tạ ơn Chúa vì vinh quang cao cả của Chúa.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:19 03/06/2010
Bài suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi của Linh Mục Thomas Rosica CSB

TORONTO (Zenit.org).Trong ngày Chúa Nhật theo sau lễ Hiện Xuống, chúng ta cử hành lễ trọng Ba Ngôi Chí Thánh. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu và hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn, các tín hữu có thể có một kinh nghiệm cá nhân về sự thân mật của chính Chúa, tức là khám phá rằng Chúa không phải là một sự cô đơn vô cùng nhưng là sự hiệp thông ánh sáng và tình yêu, sự sống được ban cho và được nhận lãnh trong một sự đối thoại đời đơi giữa Cha và Con trong Thánh Thần.

Bà Khôn Ngoan, kẻ truyền thông

Bài đọc thứ nhất hôm nay trích từ sách Châm Ngôn (8:22-21) nói về Bà Khôn Ngoan, nhân vật được Chúa tạo dựng trước khi sáng tạo thế giới hầu truyền thông tình yêu của Chúa và hướng dẫn chúng ta trong sự sống bình an. Khôn Ngoan trong nhiều cách sánh với Thánh Thần Tân Ước. Mặc dầu chúng ta không khả năng giải thích cho đúng Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta còn bị bắt buộc tỏ bày Chúa Ba Ngôi bằng những hành động của chúng ta.

Sách Châm Ngôn có tính “trần thế” nhất trong các sách Kinh Thánh. Trong việc sưu tầm những câu nói ngắn, thực dụng, đầy dẩy quyển sách này, có một suy tư đẹp, mầu nhiệm trong Chương 8. “Bà Khôn Ngoan” được nhân cách hóa ( được ban cho những nét nhân bản) trong một cố gắng diễn tả những cách thức trong đó Chúa chọn mạc khải bản tính thần linh.

Khôn Ngoan được trình bày như một sự việc liên quan thân tình với Chúa, và trong những đoạn viết sau Khôn Ngoan được hiểu như phẩm chất mà những con người cần để phân biệt sinh hoạt của Chúa trong thế giới. Tình trạng tốt hơn của Khôn Ngoan trên tất cả mọi sự khác là do nguồn gốc của Khôn Ngoan trước những sự việc. Đang khi Khôn ngan được xem như là phát xuất từ nơi ở mầu nhiệm của Chúa, khôn ngoan còn được hiện hữu hơn hết cho chúng ta, “được thiết lập trên trời,” xuyên qua “biển [và] giới hạn của biển,” trên mặt đất của Chúa.” Khôn ngoan được tuôn ra, được Chúa sinh ra lúc đầu, và cũng như kẻ đồng làm việc của Chúa khôn ngoan đã hướng dẫn sự sáng tạo và tìm được sự vui sướng trong nhân loại.

Kinh nghiệm và sự phân biệt

Thi ca của sách Châm Ngôn nhằm ban cho chúng ta một ý nghĩa của vẻ đẹp và sự lâu dài—thực tế, phẩm chất đời đời-- của khôn ngoan. Trong tất cả những thuộc tính này, khôn ngoan là như Chúa. Đó cũng là ân huệ Chúa ban cho những con người, ân huệ cho con người khả năng thấy bên kia ý nghĩa đen và đi vào trong ý nghĩa sâu sắc hơn của những biến cố sự sống. Khôn ngoan trong nhiều cách sánh được với Thánh Thần Tân Ước. Khôn ngoan không hề sánh được với sự tinh thông trí tuệ hay là một sự tích trữ thông tin hay là những dữ kiện đơn thuần. Ngược lại, Khôn ngoan kết hợp chặc chẻ hơn với kinh nghiệm và sự phân biệt. Trên hết, đó là một hữu thể thiêng liêng, không độc lập với tư tưởng và logic nhưng vượt xa sự đó.

Nhưng hiệu quả của sự công chính hóa

Trong thơ của ngài gởi tín hữu Roma (5:1-5), Thánh Phaolô bắt đầu thảo luận về đức tin Kitô hữu trong Chúa kitô Giêsu, và ngài trình bày chính kinh nghiệm Kitô hữu và giải thích sự cứu rỗi được bảo đảm cho kẻ chính trực. Trong đoạn văn hôm nay, mầu nghiệm Ba ngôi Chí Thánh di chuyển ra ngoài công thức thần học và trở thành một thành tố sống động, một chất men, trong đời sống hằng ngày. Hiệu quả thứ nhất của sự công chính hóa người Kitô hữu cảm nhiệm là sự bình an; sự hoà giải thay thế sự bất hòa. Hiệu quả thứ hai của sự công chính hóa là niềm hy vọng tin tưởng.

Một khi được công chính hóa, người Kitô hữu được hòa giải với Chúa và được một sự bình an những rắc rối và những đau khổ không thể đảo lộn, một hy vọng không biết thất vọng, và một sự tin tưởng ơn cứu độ trong Chúa Giêsu. Việc công bố về hy vọng là một sự nghịch lý điển hình của Thánh Phaolô: Người Kitô hữu nào tự hào thì đặt sự tự hào trong một cái gì hoàn toàn vượt xa những quyền lực con người-trong hy vọng. Câu 5 chứa đựng sự bảo đảm mãnh liệt mà niềm hy vọng (như thế) không làm chúng ta thất vong. Người Kitô hữu không bao giờ bị lúng túng bởi một hy vọng tuyệt vọng; ngụ ý có một sự so sánh vói hy vọng thuần túy nhân bản, có thể phỉnh gạt. Thần Khí Chúa phải hướng dẫn đời sống chúng ta, tạo mẫu và mô hình chúng theo sự sống và những lời của Chúa Giêsu.

Hy Vọng và sự lạc quan Kitô hữu

Câu 5 cũng chứa đựng kiểu nói “tình yêu của Chúa”—không được hiểu như tình yêu của chúng ta đối với Chúa, nhưng tình yêu của Chúa cho chúng ta. Thánh Phaolô nói về tình yêu mà chúa chuyển đến chúng ta. Tình yêu này được diễn tả qua Chúa Giêsu và được tồn tại bởi sự ở lại của Chúa Thánh Thần hầu lôi kéo chúng ta trở về với tình yêu của Chúa. Thánh Phaolô bảo đảm chúng ta rằng cả sự đau khổ có thể cho chúng ta khả năng để chịu đựng, để phát triển đặc tánh và hy vọng chiến thắng, với Chúa Giêsu mẫu mực của chúng ta. Ân huệ của Thần Khí không những là bằng chứng mà còn là phương tiện đổ xuống tình yêu của Chúa. Đó có nghĩa là sự hiện diện của Chúa đối với kẻ được thánh hóa..

Đến một sư hiểu biết thâm sâu hơn

Trong Tin Mừng Gioan (16:12-15), các môn đệ không sức chịu nổi tất cả những gì Chúa Giêsu phải nói với họ. Trước hết các ông cần sự bảo đảm rằng chỉ sự chiến thắng của Người trên sự chết có thể chịu nổi. Ba lần Thần chân lý được nói là tham gia trong Giáo Hội. Thần Khí sẽ “loan báo” cho chúng ta điều gì sẽ xảy ra (v.13). Thần khí sẽ “loan báo” cho chúng ta những gì Người lấy từ Chúa Kitô (v.4). Thần Khí lấy những gì của Chúa kitô và “loan báo” cho chúng ta (v.15).

Ba lần cũng một động từ được sử dụng để diễn tả cũng một sinh hoạt, anaggellein: loan báo hay là công bố lại điều gì. Có nghĩa là Thần Khí sẽ tiếp tục điều đã thực hiện trong Chúa Kitô. Nhưng Thần Khí sẻ giải thích sự đó cho chúng ta, sẽ điều tra ý nghĩa sâu sắc của sự đó, sẽ làm cho sự đó được hiểu trong những văn hóa và những bối cảnh khác nhau. Ý niệm “mạc khải những điều sẽ đến” không có nghĩa là Đấng An Ủi có thể ban cho những mạc khải tiên tri về tương lai, nhưng Đấng An Ủi hướng dẫn cộng đồng trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu như sự hoàn thành mọi sự đã hứa trong Kinh Thánh.

Sứ Vụ và ơn gọi

Thần Khí hướng dẫn Giáo Hội vào trong chân lý nhờ sinh hoạt liên li của Người, nhờ sự giải thích có tích công bố về điều gì trong Chúa Kitô, ngõ hầu kinh nghiệm đức tin có thể dẫn tới một sự hiểu biết hơn về điều gì thuộc Chúa Kitô. Đó là một quan niệm phong phú và sâu sắc diễn tả cách đẹp đẻ ơn gọi và sứ vụ của vị mục tử thật và con người linh mục: Chúng ta được kêu gọi giải thích kinh nghiệm đức tin cho phép sự hiểu và biết sâu sắc hơn về Chúa trong đòi sống của mỗi người và trong sự sống của thế giới.

Sứ vụ của chúng ta là thật sự “lấy những gì thuộc về Chúa Kitô và loan báo điều đó, “ giải thích điều đó, tuyên xưng điều đó, nói đi nói lại điều đó cho thế giới. “Lấy điều gì của Chúa Kitô” chỉ một sự tiếp xúc cá nhân sâu sác với Chúa Kitô qua sự cầu nguyện, sự chiêm ngắm, và sự học hỏi. Trong Thần Khí, chúng ta phải đưa sự gì thuộc Chúa Kitô tới một sự hiểu mói mẻ, tới một sự thực hiện mới mẻ trong trật tự trần thế. Chúng ta được gọi xây dựng một văn minh công lý, tình yêu và hòa bình dựa trên sự hiểu của chúng ta và tương quan của chúng ta vói Chúa Giêsu Kitô.

Kinh nghiệm vinh quang

Vinh quang tăng lên của Chúa là sự mặc khải tiến bộ này của Ba Ngôi. Kinh nghiệm vinh quang là gì đối với chúng ta? Đó không phải là sự phấn khởi, là hạnh phúc trọn vẹn hay là sự xuất thần, mặc dầu những yếu tố này thật tế có thể hiện diện trong những kẻ có những kinh nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của Chúa trong những đời sống của họ. Khi sự hiện diện và ý tưởng về Chúa đến thống trị ý thức và những tình yêu của chúng ta, khi sự đó trở thành hiện diện hầu như sờ mó được với sự mãnh liệt của ý nghĩa và tình yêu sâu sắc hơn, đó là vinh quang.

Khi sự kinh nghiệm về Chúa nâng đở chúng ta giữa sự đau đớn và khổ cực nhức nhối, sự đen tối và trống trơn thiêng liêng, cơn khủng hoảng và hổn loạn, chúng ta có một sự nếm trước về vinh quang của Chúa. Bất chấp điều gì xảy ra cho chúng ta, chúng ta có một ý thức sâu xa là Chúa ở cùng chúng ta, Chúa bao quanh chúng ta, bảo vệ chúng ta và giữ chúng ta trong lòng bàn tay của Người. Thánh Phaolô nói đó là hy vọng được vinh quang trong đó những con người được kêu gọi nhảy mừng. Ơn ban của Chúa lớn như thế nên mỗi Chúa Nhật Giáo Hội cầu nguyện: “Chúng con tạ ơn Chúa vì vinh quang cao cả của Chúa.”

Sự Truyền Thông

Ba Ngôi là sự truyền thông giữa Cha, Con và Thánh Thần. Đó là mầu Nhiệm thâm sâu mà phụng vụ ngày nay cho ngày lễ Ba Ngôi Chí thánh nhắc lại: cả hai, thực tại không nói được của Chúa và cách trong đó mầu nhiệm này được ban cho chúng ta. Dầu chúng ta có thể chiến đấu với Ba ngôi Chí Thánh, chúng ta vẫn cầm điều đó trong chính tay chúng ta mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá trên chúng ta.

Tôi kết thúc với lời trích dẫn này về Ba Ngôi như Mầu Nhiệm từ sự đối thoại “Về Chúa Quan Phòng’ do Thánh Catherine thành Siena (Cap 167, Gratiarum actio ad Trinitatem). Trích dẫn này được sử dụng trong Kinh Thần vụ Roma về các Bài Đọc để kính nhớ trong phụng vụ của bà thánh cả của Giáo Hội, mà ngày lễ được cử hành mỗi năm trong ngày 29/4. Đó là một kinh lộng lẫy kính Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta có thể đọc mỗi ngày.

Lạy Thiên Chúa đời đời, lạy Ba ngôi đời đời, Chúa đã làm cho máu Chúa Kitô nên quí báu dường ấy qua sự chia sẻ của Người trong bản tính thần linh của Chúa. Chúa là một mầu nhiệm sâu sắc như biển; con càng tìm kiếm, con càng gặp, và con càng gặp thì con càng tìm Chúa. Nhưng con không bao giờ được thỏa mãn; điều gì con nhận lãnh sẽ mãi mãi để con ước muốn hơn nữa. Khi Chúa tràn đầy linh hồn con con càng đói hơn nữa, và con trở nên đói ánh sáng Chúa hơn nữa. Con ao ước hơn hết trông thấy Chúa, ánh sáng thật, như Chúa là thật sự.

“Con đã nếm và thấy chiều sâu mầu nhiệm của Cha và vẻ đẹp tạo vật của Cha với ánh sáng sự hiểu biết của con. Con đã mặc chính con với hình ảnh giống như Cha và đã thấy con sẽ là gì. Lạy Cha đời đời, Cha đã ban cho con chia sẻ trong quyền phép của Cha và trong sự khôn ngoan mà Chúa Kitô loan báo là của Người, và Thánh Thần của Cha đã ban cho con sự ao ước yêu mến Cha. Cha là Đấng sáng Tạo của con, Ba Ngôi đời đời, và con là tạo vật của Cha. Cha đã làm cho con thành tạo vật mới trong máu của Con Cha, và con biết rằng Cha xúc động với tình yêu trước vẻ đẹp thuộc tạo vật của Cha, bởi vì Cha đã soi sáng con.”

*****

Cha Thomas Rosica người Basilian, nhân viên điều hành chính Tổ Chức các Phương Tiện Công Giáo Muôi và Ánh Sáng và Mạng Lưới Truyền Hình tại Canada, là một cố vấn viên Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội..
 
Suy niệm ngày Chúa Nhật: Bí Tích bất bạo động xây dựng những vị tử đạo cho chân lý.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:37 03/06/2010
Suy niệm Kinh Thánh Lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô của Cha Thomas Rosica CSB

TORONTO (Zenit.org).- Bốn bài Tin Mừng nói về truyện đầy lạ lùng hóa nhiều những tấm bánh và những con cá, xảy ra theo địa lý tại Tabgha, nơi của bảy mùa xuân trên bờ Đông Bắc Biển Galilê. Bài Tin Mừng hôm nay nhìn lại thần học và linh đạo phong phú của Israel, và cũng nhìn tới để chiêm ngắm ý niệm về sự sống trong nước Chúa như là một bữa tiệc mà chính Đấng Messiah sẽ chủ tọa.

Các độc giả của sách Tin Mừng Maccô coi biến cố này như là một sự báo trước về Bữa Tiệc Cuối (14:22) và như bữa tiệc cứu thế, cả hai được cử hành trong Thánh Thể cộng đồng. Việc Thánh Matthêu nói thêm con số dân chúng hiện diện và được ăn no nê là rất quan trọng, bởi vì con số chung có thể đã lên tới 20,000 hay là 30,000 người. Vì toàn thể cư dân Do Thái tại Palestine thời đại Chúa Giêsu phỏng chừng nữa triệu, CHúa Giêsu được trình bày nuôi ăn 1/10 dân cư. Điều này ban cho những truyện nuôi ăn một đặc tính xã hội, làm cho những truyện này khác với những truyện chữa lành hay là những tường thuật trong các bài Tin Mừng khác.

Thánh Luke, trong tất cả các tác giả sách Tin Mừng, liên kết liền ngay tường thuật cho ăn này với sự báo trước của Chúa Giêsu về sự thương khó của Người và những huấn giáo của Người về việc vác thánh giá hằng ngày của mình (9:18-27). Cử hành Thánh Thể để nhớ Chúa Giêsu (22:19) là không những chia sẻ sứ vụ của Người (9:1-6) mà cũng chia sẻ sự hiến thân và vận mạng của Người, do thánh giá biểu trưng ((:18-27). Thánh Thể nhằm nuôi dưỡng và tăng cường chúng ta hầu tiếp tục cách trung thành trong cách sống của chúng ta.

Nuôi dưỡng Israel mới

Chúng ta hãy đặt đoạn Tin Mừng hôm nay (Luca 9:11-17) trong Tin Mừng Thánh Luca. Chương 9 bắt đầu với sứ vụ của 12 tông đồ: các ông được sai đi rao giảng nước trời, được ban quyền trừ quỉ, để mang tin mừng tới dân chúng và chữa lành những tật bịnh của họ. Chúa Giêsu ban cho các môn đệ Người mới vừa trở về sau khi giảng dạy và chữa lành dân chúng, một nhiệm vụ mới: các ông phải nuôi ăn dân Israel được hoàn nguyên với Thánh Thể.

Thánh Luca dạy chúng ta hai bài học quan trọng trong Tin Mừng hôm nay. Trước hết Chúa Giêsu đón tiếp đám đông thường dân này, cho dầu “Nhóm Mười Hai” muốn giải tán họ. Việc Thánh Luca sử dụng “nhóm Mười Hai” để chỉ một nhóm riêng biệt các môn đệ, là một phản ảnh về ý nghĩa của con số trong những truyền thống giữa dân Israel. Cách riêng, 12 chi tộc Israel. Khi dùng từ “Mười hai,” Thánh Luca chỉ rõ rằng việc được chọn để phục vụ cách đặc biệt không phải là một lý do xa cách mình khỏi quần chúng, khỏi dân thường. Ngược lại, nhóm Mưới hai, giống Chúa Giêsu, phải có lòng hiếu khách.

Hai là, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải chia sẻ điều gì mình có. Trong sự chia sẻ sẽ có nhiều hơn là đủ. Logic và lý trí con người nói, “Chúng ta có không hơn năm cái bánh và hai con cá.” Nhưng Chúa Giêsu xin rằng những dự trữ ít ỏi này, cũng như lòng quảng đại của các môn đệ, phải được căng ra tới giới hạn của các ông. Trong tất cả các tác giả tin mừng, Thánh Luca nhấn mạnh sự kiện việc cứu độ đạt tới những thực tại thực tế của sự sống nhân bản.

Bí Tích không bạo động

Thánh Thể tổng kết mọi huấn giáo, sự thương khó và sự chết của Chúa Giêsu, và cách bất bạo động của Người phải là trung tâm Thánh Thể. Tường thuật sự thương khó theo Thánh Luca nói về Con Chiên, đi đến cái chết của mình bằng cách loại trừ bạo lực, yêu thương kẻ thù, lấy sự lành đáp lại sự dữ, cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Do đó, Thánh Thể là thật sự bí tích bất bạo động. Con đường của Chúa Giêsu chiến thắng sự dữ và bạo lực phải là con đường kitô hữu: con đương bất bạo động, con đường tình yêu và tha thứ. Con đường bất bạo động của Chúa Giêsu là, theo lịch sử, trung tâm giáo huấn của Người, và đồng thời là trung tâm sự thương khó và sự chết của Người.

Con người Thánh Thể và Tử đạo vì Chân lý

Chúng ta xem điều này là cách thức thục tại Thánh Thể được sống trong cuộc đời một linh mục Ba lan trẻ, Cha Jerzy Popieluszko (1947-1984) người sẽ được phong Chân Phước như môt vị tử đạo trong ngày lễ Mình Thánh Chúa, 6 tháng 6, trong Quảng trường Pilsudski thành Warsaw. Tôi muốn nói với các bạn chút ít về vị linh mục danh tiếng này, là một anh hùng và là một mẫu vai trò cho tôi trong 26 năm qua.

Jerzy Popieluszko sinh ngày 14 tháng 9 năm 1947, tại làng Okopy Đông BaLan. Ngài là con một gia đình Công Giáo Roma rất đạo đức. Mãn trung học, Jerzy vào chủng viện tại Warsaw, đúng hơn là chủng việc địa phương tại Bialystok. Cuộc đào tạo của ngài bị gián đoạn hai năm quân dịch, trong thời gian đó ngài bị đánh nhiều lần vì sống đức tin Kitô hữu của mình.

Sau thụ phong, linh mục trẻ, kẻ chẳng bao giờ có sức khỏe tốt, nhận nhiều nhiệm sở trước nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ Thánh Stanislas Kostka tại Warsaw. Ngài làm việc một phần thời gian tại giáo xứ, điều này cho phép ngài làm việc với nhân viên y tế. Như là hậu quả của việc làm gần gũi của ngài với nhân viên y tế, ngài được yêu cầu tổ chức những kíp y tế trong những dịp thăm viếng Ba lan của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô trong năm 1979 và Warsaw trong năm 1983.

Tháng 8/1980 chứng kiến sự bắt đầu của công đoànĐoàn Kết tại Balan. Các công nhân nhà máy thép Warsaw, đình công ủng hộ các xưởng tàu trong Biển Baltic, yêu cầu một linh mục làm lễ cho họ. Bắt thăm nhằm Cha Jerzy. Ngài ở lại với công nhân đêm ngày. Tình liên đới diễn tả cho ngài một quan niệm ngài đã học trước hết với Thánh Maximilian Kolbe: quan niệm về sự tự do thiêng liêng giữa cảnh nô lệ thể lý. Chính quan niệm sự thật này về ơn gọi của mỗi người nam và nữ, mà Cha Jerzy cổ võ giữa những công nhân qua sự hiện diện của ngài.

Ngày 13 tháng 12 năm 1981, các thẩm quyền cộng sản áp đặt thiết quân luật, bắt nhiều hoạt động viên Liên Đới và phát động một chương trình quấy rối và trả đũa chống lại những kẻ khác. Nhiều người đình công mất việc, và như vậy là mất khả năng nâng đở gia đình mình. Cha Popieluszko trở thành môt trung tâm quan trọng trong một chương trình trợ cấp để ủng hộ những gia đình bị ảnh hưởng bởi thiết quân luật.

Ngài tham gia đều đặn những vụ xử án các hoạt dộng viên Đoàn Kết, ngài ngồi công khai tại tòa án với các gia đình của họ nên các tù nhân có thể thấy mình không bị bỏ quên. Chính trong phòng tòa án mà ngài có ý dịnh dâng Thánh Lễ hằng tháng cầu cho quốc gia mình, được cử hành cho tất cả những kẻ bị tù và các gia đình của họ.

Đó không phải là một sự biểu tình chính trị-- Cha Popieluszko xin cách riêng giáo đoàn của ngài đừng có treo cờ hay hát những khẩu hiệu. Những Thánh Lễ của ngài cho Quê Hương trở thành danh tiếng không những tại Warsaw, mà còn khắp Balan, thường lôi kéo 15,000 tới 20,000 người. Cha Popieluszko nhấn mạnh rằng sự thay đổi phải được mang lại cách hòa bình; dấu hòa bình là một của những lúc đau xót nhất của mỗi Thánh Lễ cầu cho quê hương.

Cha Popieluszko không phải là một nhà hoạt động xã hội hay chính trị, nhưng là một linh mục Công Giáo trung thành với Tin Mừng. Cha không phải là một phát ngôn viên sinh động, nhưng là một người có xác tín và sự trung thực sâu sắc. Sự thánh thiện của ngài nằm trong sự chính trực ban cho dân chúng niềm hy vọng cả trong những tình huống ghê tởm. Ngài biết rằng tất cả các hệ thống độc tài dựa trên trên sự khiếp sợ và đe dọa. Những người Cọng sản coi ngài như một kẻ thù là vì ngài giải thoát dân chúng khỏi sự sợ hệ thống. Ngài trình bày sự giả hình của chế độ Cộng sản và ngài dạy các tín hữu cách đương đầ với thuyết độc tài. Bao nhiên lần Jerzy lấy những lời Thánh Phalô làm của mình trong bài giảng của ngài: “Hãy đánh sự dữ bằng sự lành.”

Ngày 19 tháng 10 năm 1984, linh mục trẻ bị bắt cóc bởi những nhân viên an ninh trên con đường ngài trở về Warsaw một khi viến thăm một giáo xứ tại thành lân cận Bydgoszcz. Ngài bị đánh cách man rợ cho tới khi bất tỉnh, và xác ngài bị cột lại theo cách ngài có thể bị bóp nghẹt nếu cử động. Ngườii ta chèn Xác ngài cho nặng và sau đó quăng ra hồ sâu.

Lễ an táng của Cha Jerzy là một cuộc biểu tình công khai đông đảo với hơn 400.000 người tham dự. Các phái đoàn của Công Đoàn Đoàn Kết xuất hiện từ khắp nước lần đầu tiên từ khi ban bố thiết quan luật. Ngài được chôn cất trong sân trước nhà thờ giáo xứ của ngài, nhà thờ Thánh Stanislaw Kostka, và từ ngày này, 17 triệu người đã viếng mộ ngài.

Trên 20 năm qua, tôi được danh dự cầu nguyện nhiều lần tại mộ ngài trong vùng ngoại ô lao động Warsaw, và chứng kiến hiệu quả phi thường linh mục trẻ này đã gây được trên rất nhiều giới trẻ. Ngài cổ võ sự tôn trọng nhân quyền, quyền của những công nhân và phẩm giá con người, tất cả trong ánh sáng Tin Mừng. Ngài thực thi, cho Ba lan và cho toàn thế giới, các nhân đức can đảm, lòng trung với Thiên Chúa, với thánh giá Chúa kitô và Tin Mừng, với tình yêu Chúa và quê hương. Ngài trình bày lòng yêu nước theo nghĩa Kitô hữu, như là một nhân đức văn hóa và xã hội. Ngài có lòng sốt mến sâu sắc dối với Thánh Thể. Hơn 80 con đường và quảng trường tại Balan được đặt tên Cha Jerzy. Hành trăm pho tượnh và những bản kim loại lưu niệm đã được khánh thành cho ngài; một số 18.000 trường học, tổ chức từ thiện, các nhóm trẻ và những câu lạc bộ thảo luận lấy tên ngài.

Bởi vì vị linh mục bị ám sát được công bố là một vị tử đạo vì lòng ghét đức tin, thủ tục phong chân phước cha Popieluszko không cần sự hiển nhiện của một phép lạ. Sự chứng thật theo nghi thức của một phép lạ không cần, dầu có nhiều phép lạ được tường thuật. Việc phong chân phước cho ngài là một gương cho các linh mục, trong ánh sáng của niềm tin hoàn toàn của ngài đối với Chúa Kitô. Cha Jeerzy cung cấp một gương mẫu cho chúng ta, kêu gọi chúng ta cố gắng sao cho điều chúng ta nói và làm bên ngoài sẽ luôn luôn phù hợp với lương tâm bên trong của chúng ta.

Lạy Chân Phước Jerzy Popieluszko, Người Thánh Thể, Vị Tử Đạo vì Chân Lý, sự sống của cha bị tan nát và chia sẻ với nhiều người. Máu tử đạo của cha đã trở nên hột giống đức tin cho quê hương chúng con và cho Giáo Hội. Cha là một linh mục muôn đời, theo phẩm hàm Menkisêđê (Tv 110). Xin cầu cho chúng con.

* * *

Cha Thomas Rosica, nhân viên điều khiển chính Tổ Chức các Phương tiện Công Giáo Muối và Ánh Sáng, và Mạng Lưới Truyền hình tại Canada, là một cố vấn viên Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông xã Hội.
 
Huyền Nhiệm của Tình Yêu
Lm. Anmai, CSsR
18:53 03/06/2010
Chúa Nhật Thứ 10 Thường Niên, Năm C - (St 14, 18-20; 1 Cr 11, 23.26; Lc 9, 11b-17)

Mở đầu Thánh Lễ, lời của một Cha giáo hết sức dễ thương:

“Anh chị em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một với Đức Kitô. Nếu chúng ta tham dự Thánh Lễ mà chúng ta không để cuộc đời chúng ta nên một với Đức Kitô thì Thánh Lễ chúng ta tham dự ra vô ích. Nguyện xin Đức Giêsu Kitô - Đấng đang có mặt ở đây với ta biến đổi cuộc đời của ta nên một với Ngài”.

Hình như Thánh Lễ nào Ngài cũng mời gọi cộng đoàn dân Chúa như vậy. Ai nào đó nghe nhiều sẽ cảm thấy khó chịu và có thể bảo là nhàm. Nhưng không ! Không nhàm. Nếu chúng ta để tâm hồn chúng ta lắng đọng suy nghĩ lời dẫn ấy một chút thì ta thấy lời dẫn ấy hết sức ý nghĩa. Thánh Lễ mà chúng ta tham dự không phải là một bữa tiệc bình thường mà là bữa tiệc của Giao Ước, bữa tiệc của tình yêu. Giao Ước cũ đã bị đỗ vỡ để rồi Giao Ước mới hàn gắn. Tình yêu ngày xưa trao cho con người và con người đã đánh mất. Chính Chúa Giêsu bằng máu và thịt của mình đã lập nên giao ước mới, giao ước của Tình Yêu.

Chính Thánh Phaolô đã chân nhận điều ấy qua dòng thư gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe: Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

“Loan truyền Chúa đã chịu chết”. Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều và cũng chẳng cần phải giải thích nhiều lời về cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không phải chết vô duyên, Chúa Giêsu cũng chẳng chết một cách vô ích. Ngược lại, cái chết của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa vô cùng vô tận đó là cái chết của Tình Yêu. Cũng chỉ vì Tình Yêu mà Chúa đã chết như vậy. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu đã đổ máu đào để minh chứng tình yêu của Ngài cho nhân loại. Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu mà không ai có thể hiểu nổi. Tình yêu ấy là tình yêu huyền nhiệm hay ta có thể nói huyền nhiệm thay với tình yêu của Chúa Giêsu.

Thật thế, khi nhìn lại tất cả các tôn giáo trên thế giới này thì chẳng có đạo nào như đạo Công Giáo cả. Không có đạo nào giống đạo Công Giáo vì lẽ khi người ta đến nhà thờ, đến nhà chùa, đến đền đài để cầu nguyện thì sau khi người ta cầu nguyện, người khấn vái xong thì người ta đi về. Khi người ta đi về thì đường ai nấy đi như cái kiểu “anh đường anh – em đường em”. Công Giáo thì lại khác, mỗi một lần lên Đền, mỗi một lần lên đường đi lên nhà Chúa là mỗi một lần người tín hữu được mời gọi đi dự tiệc. Bàn tiệc mà người Công Giáo tham dự cũng khác với những bàn tiệc khác của người đời. Người đời đi dự tiệc để no thoả thân xác nặng trình trịch năm bảy chục ký đầy mỡ và đầy da. Người kitô hữu, người mang danh Chúa Kitô đi dự tiệc thì chỉ nhận được vỏn vẹn một miếng bánh mà lại là miếng bánh nhỏ bé được làm bởi lúa mì không men. Nhỏ bé ấy, không men ấy nhưng ngược lại nó lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn vì trong cái nhỏ bé ấy lại mang một tình yêu vô cùng to lớn và trong cái không men ấy lại chất chứa một thứ men tuyệt vời đó chính là men tình yêu.

Những ai khi được mời gọi “cầm cùng một bánh và chấm cùng một chén” thì cũng phải chiếu toả Tình Yêu mà mình vừa cầm vừa chấm. Tình Yêu ấy bao la vô cùng, Tình Yêu ấy phân phát cho mọi nước, mọi dân, mọi nhà, mọi người và không bao giờ phân biệt giai cấp địa vị.

Bằng chứng hết sức dễ thương về việc phân phát Tình Yêu ấy ngày hôm nay chúng ta vừa nghe Thánh Luca thuật lại qua phép lạ hoá bánh ra nhiều. Phép lạ hoá bánh ra nhiều này Chúa Giêsu mời gọi con người không nên dừng lại ở cái no thoả vật chất nhưng phải đi một bước xa hơn nữa là no thoả tâm hồn và Chúa thì lúc nào cũng ban dư tràn ân phúc bằng chứng là sau khi ăn mà người ta còn thu được cả đến 12 thúng đầy. Con số 12 là con số tròn đầy muốn biểu lộ một tình yêu bao la không bờ bến của Thiên Chúa.

Thật sự ra không phải chỉ ngày hôm đó Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nhưng chuyện quan trọng là con người không nhận ra. Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn ban cho con người dư đầy tình yêu của Ngài nhưng con người vốn ích kỷ đã không đón nhận, đã khép lòng lại với Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu như người ta yêu Chúa thật thì người ta cũng sẽ biến đổi cuộc đời của người ta nên một với Thiên Chúa vậy. Khi rước Chúa vào lòng, khi rước Tình Yêu vào lòng thì khi ấy người ta và Chúa là một, khi ấy người ta sống trong Chúa và Chúa sống trong người ta. Nếu thật sự là như thế thì tình yêu hết sức tuyệt vời.

Nhớ lại cũng câu chuyện ngày xưa của Cha giáo thật hay. Ngài kể lại như thế này:

“Những ngày ấy, thời còn là sinh viên, chúng tôi ở trọ chung với nhau 6 anh em trong 1 phòng. Tối hôm ấy, anh em chúng tôi không ngủ được với cái anh chàng tên là Hoàng vì anh ta thức khuya thật là khuya. Chúng tôi hỏi tại sao Hoàng lại thức khuya như vậy thì Hoàng mới nói rằng chiều hôm nay, khi đi trú mưa thì Hoàng gặp và quen một nàng tên là Nương. Hoàng nói là Nương thích thơ nên tối hôm nay Hoàng thức để làm thơ mai đi gặp Nương và tặng cho Nương.

Sau ngày ấy, anh em chúng tôi thấy anh chàng Hoàng làm sao ấy. Mọi hôm, anh chàng Hoàng uống nước bằng rô-bi-nê thì từ ngày ấy anh chàng Hoàng uống nước bằng ly. Anh em hỏi sao thế thì Hoàng trả lời: “Nương bảo thế !”. Nương bảo là con trai lớn rồi, uống nước phải uống bằng ly, uống bằng rô-bi-nê xấu lắm !

Rồi đến phiên Hoàng nấu cơm. Hôm ấy Hoàng xào rau muống. Mọi hôm Hoàng đậy nắp cho rau mau chín thì hôm nay Hoàng lại mở nắp. Anh em hỏi tại sao thì Hoàng bảo là: “Nương bảo thế !”. Nương bảo xào rau mà đậy nắp rau nó không có xanh, ăn không có ngon.

Một hôm, một chàng cùng phòng bị đau. Hoàng pha nước chanh cho bạn mình. Thấy Hoàng pha hơi khác khác là bỏ chút muối. Anh em ngạc nhiên hỏi tại sao pha nước chanh lại cho thêm muối ! Hoàng mới nói: “Nương bảo thế !”. Nương bảo là pha nước chanh cho chút muối uống ngon lắm !

Thế đấy ! Từ ngày trú mưa chung với cô nàng tên là Nương về đấy thì Hoàng như người mất hồn. Khi ấy, Hoàng sống trong Nương và Nương sống trong Hoàng. Khi ấy không còn là hai nữa nhưng chỉ là một mà thôi. Trong Hoàng có Nương và trong Nương có Hoàng”.

Câu chuyện Cha giáo kể hết sức hấp dẫn. Vì tình yêu mà Hoàng có Nương và Nương có Hoàng. Từ ngày ấy, tất cả cuộc đời của Hoàng đã thay đổi và cuộc đời của Nương cũng đổi thay. Chẳng ai có thể hiểu được Hoàng bằng Nương và cũng chẳng có ai có thể hiểu được Nương bằng Hoàng. Từ ngày ấy, Hoàng và Nương nên một với nhau.

Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu có lẽ cũng thế ! Khi ta rước Chúa Giêsu Thánh Thể thì ta cũng kết hợp nên một với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ở trong ta và ta ở trong Chúa nhưng chuyện quan trọng là ta có hành xử, có sống như Chúa Giêsu hay không ?

Xem quả thì biết cây ! Chẳng cần phải nhiều lời, chỉ cần nhìn vào lời ăn tiếng nói, nhìn vào lối cư xử của mỗi người, người ta sẽ nhận ra ngay là người ấy có Chúa hay không. Nếu người ấy có Chúa thật thì cả cuộc đời của họ được diễn tả bằng ánh mắt, bằng nụ cười và hơn cả là bằng tình yêu của Chúa.

Tình yêu của Chúa thật bao la, thật huyền nhiệm. Chỉ những ai cảm nghiệm được tình yêu ấy mới có thể sống, mới có thể diễn tả Tình Yêu ấy trong cuộc đời của người đó mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 03/06/2010
HỀ CHÚC MỪNG

N2T


Theo truyền thống trước khi bắt đầu diễn kịch thì nhất định phải có người mang mặt nạ thần vui hoặc thần tài, mình mặc áo quan phủ màu đỏ, chân mang ủng màu đen, trong tay cầm bức liễn màu đỏ có chữ chúc mừng “tăng quan tấn lộc”, “thiên quan từ phúc”, người ấy không nói lời nào, vừa nhảy vừa hướng về khán giả, thì gọi là hề ra mừng, bày tỏ chúc mọi người có thể “tăng quan tấn tước”.

Còn như nguyên nhân của “hề chúc mừng”, theo truyền thuyết thì vào tiết nguyên đán năm thứ nhất đời nhà Đường, trong hoàng cung vì để chúc mừng năm mới, bá quan văn võ vui chơi, mời các nghệ sĩ đến biểu diễn.

Hồi ấy thừa tướng là Địch Nhân Kiệt vừa muốn tham gia diễn xuất, nhưng lại vừa sợ các quan viên khác cười nhạo, thế là mặc áo đỏ của quan phủ, mang mặt nạ và lên sân khấu biểu diễn.

(Nho lâm ngoại sứ)

Suy tư:

Trong các chương trình văn nghệ vui chơi nào cũng có những anh hề làm trò cười cho khán giả, tuy là hề không phải vai chính, nhưng không kém phần quan trọng, bởi vì làm hề giống như gia vị chua ngọt đắng cay thêm vào thức ăn cho thêm mặn mà vậy.

Cuộc sống của người Ki-tô hữu không phải là một trò hề mà là một cuộc lữ thứ về quê trời, nhưng trên đường đi gặp nhiều trò hề của ma quỷ và của thế gian, do đó mà họ luôn cảnh giác với tất cả những gì có thể cản đường họ tiến về quê trời, những trò hề của ma quỷ và thế gian thì luôn mang mặt nạ đẹp rất dễ đánh động người ta:

- Mặt nạ yêu thương nhưng trong lòng đầy những dao găm ghen ghét, chờ cơ hội đâm chém anh em.

- Mặt nạ khiêm tốn, nhưng trong lòng luôn tìm âm mưu để hạ bệ người khác.

- Mặt nạ phục vụ để tìm cách rỉ tai nói xấu đối thủ của mình.

- Mặt nạ thật thà dễ thương, nhưng trong lòng thì ngấm ngầm khó chịu tức tối và tìm cơ hội làm hại tha nhân.

“Hề chúc mừng” vốn là một trò vui tươi có ý tốt lành chúc mừng mọi người, nhưng ma quỷ thì luôn lợi dụng những vui vẻ không đúng chỗ để làm hại linh hồn con người ta.

Người Ki-tô hữu luôn biết điều ấy, cho nên họ luôn cầu nguyện.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 03/06/2010
N2T


20. Càng ít chịu đau khổ thì không cảm nhận được đau khổ.

(Thánh John Berchmans)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:09 03/06/2010
N2T


457. Cuộc sống là một hí trường lớn, dù không thể diễn thử, nhưng có thể dùng tâm để nghiền ngẫm tìm tòi.

 
Lễ Mình Máu Thánh Chúa C - Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
05:18 03/06/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỚI CHÚA

CN Lễ Mình Máu Thánh-C: 06-6-2010

Dành cho Cá nhân, Gia đình, Nhóm, Hội đoàn

“HÃY LÀ TẤM BÁNH BẺ RA CHO ANH EM”

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ với sự thúc đẩy của Thánh Linh:

Bài đọc 1: Sáng thế (14:18-20) Khi ông Áp-ram thắng trận trở về, có ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem mang bánh và rượu ra, ông là tư tế của Thiên Chúa tối cao. (câu 18)

1/ Thánh Vịnh 110, câu 4 Đức Chúa đã thề với vua Đavít thế nào?

2/ Menkixêđê nói đây là người như thế nào và là hình bóng chỉ về ai?

Bài đọc 2: 1 Cor (11:23-26) Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. (câu 24)

1/ Tưởng nhớ đến Thầy, là làm những việc nào cho anh em mình?

2/ Tại sao bạn phải tự xét mình trước khi ăn uống Mình Máu Chúa ?

Tin Mừng: Luca (9:11-17) Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “ Chúng con chỉ vỏn vẹn có năm cái bánh và hai con cá…” (câu 13)

1/ Thầy Giêsu muốn bạn và tôi cho họ ăn là chia sẻ, cho đi, Tại sao?

2/ Vì sao bận cần có tấm lòng cho tha nhân, hơn là của bạn cho họ ?

3/ Nói cách tôi đem Bánh Lời Chúa và Thánh Thể đến cho anh em?

B- Ý Chúa muốn dạy tôi về Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể:

1/ Lãnh nhận rồi truyền lại, là cho đi.: Thầy Giêsu nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1Cor 11, 24).

Đây là một lời nói rất quan trọng, là một Văn kiện Tân Ước, một truyền thống mới của Thầy Giêsu muốn bạn và tôi hãy ghiền nát, chấp nhận, sẵn sàng quên mạng sống mình vì anh em như Chúa vừa làm. 2/ Thống hối, xét mình: Phaolô muốn bạn và tôi không thể lẫn lộn Bánh Thánh với các thức ăn khác, mà cần xét xem mình cần ăn Chúa để làm gì: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn uống án phạt mình.” (1Cor 28-29)

3/ Chính anh em hãy cho họ ăn: Cho họ ăn là việc làm cụ thể là phục vụ, là rửa chân cho nhau, Chúa Giêsu đã làm trước khi lập phép Thánh Thể cho bạn và tôi thấy từng cử động của Người, để bắt chước Người làm mà cho tha nhân như sau:: “Bấy giờ Người đứng dậy,/ rời bàn ăn,/ cởi áo ngoài ra,/ và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu,/ bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13, 4-5).

Qua câu Kinh Thánh trên, bạn thấy cách ăn mặc của Chúa là một công việc riêng biệt của người nô lệ, tôi có làm được không? Vậy bạn và tôi không chỉ tôn thờ Chúa trong nhà tạm, mà cần phải sống Mầu Nhiệm Thánh Thể là rứa chân trong đời là phục vụ nhau.

4/ Đem Mình Thánh Chúa đến với con người: Vì anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, nên Đức Giêsu đã phục vụ con người như là tôi tớ, Ngài đứng dậy - rời bàn ăn - cởi áo ngoài ra - đổ nước vào chậu - rửa chân cho các môn đệ. Như vậy sùng kính Mình Thánh Chúa không phải chỉ ở trong nhà thờ, mà còn ở gia đình, ngoài xã hội với những người bất hạnh, không nhà, cùng khổ. Tôn sùng Thánh Thể mà Chúa muốn là chúng ta hãy gần nhau, giúp đỡ nhau như người trong nhà, mà còn biến người xa lạ, hận thù thành anh em với nhau.

Tóm lại, Chúa Giêsu Thánh Thể muốn như người Mẹ ở gần bên con. Ngài vui thích ở gần bên và tâm sự với tôi ngày đêm, và muốn tôi ra đi vào cuộc sống, để hy sinh vì anh em như Chúa đã làm.

C- Câu Kinh Thánh tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này:

CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN. (Lc 9, 13)

1/ Tôi sẵn sàng chia bớt của cải, vật chất cho người túng thiếu.

2/ Bạn dùng Lời Chúa và gương sáng dẫn dắt người đau khổ…

D- Bạn và tôi dựa vào Lời Chúa Cầu nguyện & Sống Cầu nguyện:

Lạy Cha, Đức Giêsu đã bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Thế mà bấy lâu nay con cứ nghĩ là chịu Mình máu Thánh Chúa là đủ, mà quên rửa chân -phục vụ- hy sinh cho những người đang đói khát của ăn và Lời Chúa. Con quyết Sống mầu nhiệm Thánh Thể là chia sẻ vật chất và tinh thần, là quên mình vì anh em. Con noi gương Mẹ Maria luôn thực hành bác ái như Mẹ là đến thăm những người nghèo khó, bất hạnh đang cần đến con hàng ngày.

Hoa thơm cỏ lạ: TÌNH YÊU GIÚP CHO NGƯỜI KHÁC DÙ PHẢI TỔN THƯƠNG

CHÚA PẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Cha Sở của nhà hôi
Minh Ngọc
09:04 03/06/2010
CHA SỞ CỦA NHÀ (1) TÔI

“Nhập gia tùy tục” là câu nói chúng ta dùng để hình dung một người dễ gần gủi và dễ hòa hợp với hoàn cảnh, nhưng chúng ta rất ít khi nghiên cứu câu “nhập gia tùy tục” này nguyên do là gì ? có lẽ từ trước đến nay chúng ta không nghĩ đến, dù rằng bây giờ muốn nghĩ đến thì cũng không nghĩ ra nguyên do của nó là gì, bởi vì chúng ta thường luôn có thói quen ăn theo (dùng lối cũ).

Một hôm, cha sở hỏi tôi: “Chúng ta thường nói: người này có “khuyết điểm毛病”, cô có biết tại sao người ta dùng “khuyết điểm” để nói một người có “thói xấu” không ?” Hay là, “Tại sao chúng ta nói mua “đông tây東西” mà không nói là mua “nam bắc南北”? Lại còn “Có một loại thuốc bắc gọi là “đương quy”, tại sao gọi nó là “đương quy當歸”...??? Một chuỗi câu hỏi liên tục, những câu hỏi trong đầu- tôi không trả lời được câu nào; đương nhiên, qua nhiều lần khẩn khoản xin câu giải thích chính đáng, cuối cùng, tôi là người Đài Loan chính cống mà phải qua miệng của một linh mục ngoại quốc -mà không giống linh mục ngoại quốc- mới hiểu được câu trả lời. Thật là rất có ý nghĩa, nếu các bạn muốn biết câu giải thích chính xác, thì xin mời lên mạng (2) hoặc mở email hỏi ngài.

Cha sở của nhà tôi rất chú trọng đến phụng vụ thánh lễ và giáo lý, ngài vẫn cứ năm lần bảy lượt khuyên bảo chúng tôi: muốn hiểu ý nghĩa thật của thánh lễ Mi-sa thì nhất định phải hiểu giáo lý và phụng vụ, cho nên cứ mỗi tuần vào ngày thứ bảy lúc ba giờ chiều đều có lớp giáo lý và chủ nhật lúc mười giờ sáng có lớp Thánh Kinh cho giáo dân chúng tôi.

Cha sở của nhà tôi rất lý thú... đối với anh chị em trong Chúa thì vẫn kiến giải nói: trong Chúa Ki-tô chúng ta nhất định phải học tập phục vụ lẫn nhau. Mỗi chủ nhật sau khi thánh lễ xong thì ngài đứng trên hành lang dài nói lớn: “Xin mời, xin mời mọi người đến ăn thức ăn tôi nấu, ngon lắm...” (thật ra, ngài chỉ biết nấu mì gói mà thôi, khà khà...).

Cha sở nhà tôi thật kỳ lạ, ngài là người Việt Nam nhưng lại rất thích văn học Trung Quốc, nào là Tây du ký, tam quốc diễn nghĩa.v.v...lại còn sách lịch sử văn học của các thời đại Trung Quốc, nếu người không có một chút văn học thường thức (Trung Quốc) thì không phải là đối thủ của ngài.

Cha sở của nhà tôi hay lắm, sau khi ngài thay áo dòng trắng (áo su-tan trắng) thì giống như ông vua của trẻ con, các trẻ em trong nhà thờ gọi ngài là “linh mục mì gói” và cũng gọi ngài là “linh mục chuối”, nhưng ngài lại không để bụng, té ra, ngài rất thích ăn mì gói và thích ăn chuối.

Một linh mục rất thích lịch sử văn học các thời đại Trung Quốc và đối với văn học Trung Quốc thì rất hứng thú, nhưng ngài lại là người ngoại quốc chính cống ! Phương cách ngài lãnh đạo chúng tôi rất có ý sáng tạo, ngoài việc bài giảng dùng tâm dùng lực ra, thì thậm chí cứ mỗi chủ nhật ngài đều cung cấp suy tư từ trong một câu chuyện của văn học Trung Quốc để chia sẻ với chúng tôi, khiến chúng tôi có thể nhờ những câu chuyện vui rất thú vị ấy mà đi vào thế giới tâm linh tu đức, ngài không phải là linh mục bản quốc, nhưng “cày sâu bừa kỹ” đất địa phương để dẫn dắt các linh hồn, ngài chính là linh mục của nhà tôi: cha sở giáo xứ Hsinwu Thánh Tâm và giáo xứ Fukang thánh Giu-se (giáo phận Tân Trúc-Taiwan)- Linh mục Giuse Maria Nhân Tài.

A, giáo xứ Thánh Tâm của Shinwu và giáo xứ thánh Giu-se của Fukang, thật là nơi được Chúa chúc lành nhiều ơn đặc biệt. Cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn cha sở ! Amen.

Tiểu Dương
(Minh Ngọc chuyển ngữ từ tiếng Hoa)

(1) Ý nói là giáo xứ. (chú thích của người dịch)
(2) Đã dịch ra tiếng Việt trên vietcatholic.net mục “Mỗi ngày một câu chuyện”. (chú thích của người dịch)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng nói Đức Maria là Mẹ của các Nhà Thừa Sai
Paul Minh Nhật
12:03 03/06/2010
Chia sẻ về mầu nhiệm Đức Maria đi thăm viếng bà elizabeth trong buổi canh thức cầu nguyện

VATICAN CITY, JUNE 1, 2010 (Zenit.org): Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói: Các tín hữu luôn được đòi hỏi hãy vượt xa hơn những nơi sung túc tiện nghi để mang Đức Ki-tô đến cho người khác, và công việc đó luôn có Đức Maria làm bạn đồng hành và là "người mẹ đầy ân cần quan tâm" đến những nỗ lực thừa sai của họ.

Đức Giáo Hoàng nói điều này vào tối ngày thứ hai tại khu vườn Vatican trong buổi lễ truyền thống kết thúc tháng Đức Mẹ. Sau buổi rước kiệu và lần hạt mân côi, những người hành hương đã tập trung tại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức để lắng nghe bài suy niệm của Đức Thánh Cha về sự mầu nhiệm của cuộc thăm viếng.

Đức Thánh Cha nói "Trong cuộc viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria người đến thăm bà chị họ Elizabeth, chúng ta nhận ra một gương mẫu rõ ràng và ý nghĩa đích thực nhất của cuộc hành trình của các tín hữu chúng ta và cuộc hành trình của chính Giáo Hội. Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo; Giáo hội được kêu mời ra đi công bố lời Chúa khắp mọi nơi và mọi thời, chuyển trao đức tin cho hết thảy mọi người và cho tất cả các nền văn hóa."

Ngài nói tiếp: "Cuộc hành trình của Đức Maria là một cuộc hành trình thừa sai đích thực. Đó là cuộc hành trình đưa ngài đi ra xa ngôi nhà của mình, dẫn ngài vào thế giới, vào nơi chốn mà hoàn toàn xa lạ với tập quán hằng ngày của mình, làm cho ngài đạt tới, trong một nghĩa cụ thể, những giới hạn của cái mà ngài có thể đạt tới."

Tại điểm này, cũng cho chúng ta, bí mật của cuộc đời chúng ta như là những cá nhân riêng lẻ và như là các tín hữu.(…) chúng ta được kêu gọi hãy ra khỏi bản thân chúng ta, ra khỏi những nơi chốn của sự an toàn, để đến với người khác, những nói chốn khác và những lĩnh vực khác. Đây là điều Chúa đòi hỏi chúng ta."

Đức Benedict XVI nói: và đó là Chúa, người đã trao cho chúng ta "Đức Maria như là một người bạn đồng hành và người mẹ đầy ân cần quan tâm. Mẹ trao cho chúng ta sự an ninh, bởi vì mẹ đã nhắc nhớ chúng ta rằng con của mẹ Đức Giê-su luôn luôn ở với chúng ta."

Phục vụ và truyền giáo

Đức Giáo Hoàng lưu ý làm thế nào mà đức Maria đã phải viếng thăm bà Elizabeth, và ở lại với bà ấy ba thắng. Ngài nói: Elizabeth là "biểu tượng cho tất cả những người già cả và ốm yếu, và còn hơn thế nữa, cho tất cả những ai đang cần sự giúp đỡ và tình yêu thương."

Ngài nói thêm "Và mẹ Maria -- người đã được mô tả như là "nữ tì tôi tớ của Chúa" -- biến ngài thành nữ tì tôi tớ của mọi người, chính xác hơn, ngài phục vụ Chúa đấng mà ngài tìm thấy trong những người anh em của mình."

Đức Thánh Cha giải thích rằng công việc bác ái của đức Maria đã không dừng lại với việc phục vụ, nhưng còn hơn nữa "đạt tới đỉnh điểm trong việc trao ban chính Đức Giê-su"

Khi nghe lời chào của mẹ Maria thai nhi trong dạ bà Elizabeth đã nhảy mừng lên vui sướng, "chúng ta do đó, tại trung tâm và đỉnh điểm của nhiệm vụ truyền giáo, ngài nói, chúng ta đang mang ý nghĩa đúng đắn nhất và mục đích xác thực nhất của các nỗ lực thừa sai: là trao ban cho nhiều người cuộc sống và từng cá nhân Tin Mừng, là chính Chúa Giê-su"

Đức Thánh Cha nói tiếp "Chúa Giê-su là kho báu đích thực và duy nhất mà chúng ta phải trao ban cho nhân loại, Ngài là nỗi khát vọng sâu xa của tất cả mọi người nam nữ trong thời đại của chúng ta, ngay cả khi dường như họ lãnh đạm chối từ Ngài. Ngài là đấng mà xã hội nơi chúng ta đang sống, Châu Âu và toàn thế giới, đang thực sự vô cùng cần.

"Chúng ta đã được tin tưởng giao phó trách nhiệm phi thường này, Chúng ta hãy đảm nhận với niềm vui và với nhiệt tình dấn thân, để nền văn minh của chúng ta thực sự trở thành một nền văn minh nơi sự thật, công lý, tự do và tình yêu thương ngự trị, là những cột trụ nền tảng và vô cùng thiết yếu cho một đời sống chung thật sự trật tự và hòa bình."
 
Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu là món qùa yêu thương mà Đức Maria tặng cho thế giới
Thiên Phong
12:44 03/06/2010
RÔMA, thứ Ba, 01 tháng 6, 2010 (Zenit.org) – Món quà Giêsu mà Đức Trinh Nữ trao tặng cho thế giới cho thấy tình thương tột đỉnh của Mẹ. Đức Bênêđictô XVI đã nhắc lại như thế vào chiều 31 tháng 5, lúc kết thúc giờ canh thức bế mạc tháng Đức Mẹ.

Hôm thứ Hai, Vatican đã đón hơn 3000 tín hữu và khách hành hương dịp mừng lễ Đức Mẹ truyền thống cuối tháng 5.

Trước hết, có cuộc rước kiệu theo thông lệ khởi hành từ nhà thờ Santo Stefano – là nhà thờ cổ nhất Vatican, có từ thế kỷ thứ V, tọa lạc gần phía sau Vương Cung Thánh Đường – và kết thúc tại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức, một kiến trúc mô phỏng hang đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernardette Soubirous, được xây dựng hồi đầu thế kỷ XX tại chỗ tiếp giáp với bức tường cổ. Công trình này là tặng phẩm do người Công Giáo Pháp đóng góp.

Trong suốt cuộc kiệu, mọi người đọc kinh Mân Côi, do Đức Hồng Y Angelo Comastri, Đại Diện của Đức Thánh Cha tại Vatican, chủ sự. Thỉnh thoảng có xen vào những bài thánh ca của ca đoàn Vatican, với phần âm nhạc do dàn nhạc Guardia Palatina d'Onore phụ trách.

Trong diễn từ ngắn của ngài vào lúc kết thúc buổi cầu nguyện, Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh hình ảnh Đức Maria như mẫu gương thừa sai cho Giáo Hội, “đáp lại tiếng gọi loan báo Tin Mừng mọi nơi mọi lúc, chuyển đạt đức tin cho mọi người thuộc mọi nền văn hóa.”

Ngài nói: “Sự hiện hữu của chúng ta, trong tư cách từng cá nhân hay toàn Giáo Hội, là một sự hiện hữu được dự phóng hướng ra bên ngoài mình... Chúng ta được mời gọi đi ra khỏi những sự yên ổn của mình, để đến với người khác, đến những nơi chốn và những lãnh vực khác.”

Đức Maria đã đồng hành với người ta trong tư cách là bạn và là người mẹ đầy ân cần, luôn luôn cung ứng sự “giúp đỡ cụ thể,” như những gì Mẹ đã làm với bà chị họ cao niên Êlisabét.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Bà Êlisabét trở thành biểu tượng của vô số những người cao tuổi và đau yếu, cũng như của tất cả những ai đang cần được giúp đỡ và được yêu thương. Đang có biết bao con người như thế trong gia đình, trong cộng đoàn, trong thành phố của chúng ta! Và Đức Maria – Đấng đã quyết chọn làm “nữ tì của Thiên Chúa” (Lc 1,38) – đã trở thành người phục vụ cho những con người ấy. Nói đúng hơn, Mẹ đã phục vụ Thiên Chúa là Đấng mà Mẹ gặp nơi các anh chị em này.”

Và Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích: “Chúa Giêsu là kho tàng đích thực và duy nhất mà chúng ta có để tặng cho con người. Ngài là nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của bao con người nam cũng như nữ ngày nay, ngay cả khi dường như họ lãnh đạm hay tẩy chay Ngài. Xã hội mà chúng ta đang sống, châu Âu và toàn thế giới, đang cần gì nhất nếu không phải là chính Chúa Giêsu?”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha huấn dụ: “Nhiệm vụ phi thường này được ủy thác cho chúng ta. Chúng ta hãy đảm nhận với niềm vui và với nhiệt tình dấn thân, để nền văn minh của chúng ta thực sự trở thành một nền văn minh thượng tôn sự thật, công lý, tự do và yêu thương, là những cột trụ nền tảng và vô cùng thiết yếu cho một cuộc chung sống trật tự và hòa bình.”

Dịch từ Zenit. org, 01-6-2010
 
Bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:08 03/06/2010
Hằng ngày chúng ta được gọi mở lòng đón nhận hành động ân sủng

VATICAN (Zenit.org).- Bài huấn đức Đức Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình bày hôm Chúa Nhậng 30 tháng 5, trước và sau khi đọc kinh Truyền Tin Trưa với những người qui tụ trong Quảng Trường Thánh Pherô.

* * *

Các anh chị em thân mến!

Sau mùa Phục Sinh, kết thúc Chúa Nhật cuối với lễ Hiện Xuống, phụng vụ trở về Mùa Thường Niên. Điều đó không có nghĩa là sự dấn thân của các kitô hữu phải giảm bớt, đúng hơn, khi đã bước vào trong sự sống thần linh qua các bí tích, chúng ta được kêu gọi hằng ngày phải mở lòng đón nhân ân sủng, tiến triển trong tình yêu Chúa và anh em. Chúa Nhật này, Lễ trọng Ba Ngôi Chí Thánh, tóm tắt lại, nói được mặc khải của Chúa trong các mầu nhiệm phục sinh: sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, sự Người lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha và sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuông. Trí tuệ và ngôn ngữ nhân bản không thể giải thích tương quang hiện hữu giữa Cha, Con và Thánh Thần, nhưng các Giáo Phụ ra sức minh họa mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống mầu nhiệm đó trong cuộc sống của mình với đức tin thâm sâu.

Trên thực tế, Ba Ngôi Thiên Chúa, đến ở trong chúng ta trong ngày rửa tội: “Cha rửa con,” thừa tác viên nói,” nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta nhắc tới tên Chúa mà chúng ta đã được rửa tội mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá.

Liên quan với dấu thánh giá, thần học gia Romano Guardini nhận xét: “Chúng ta làm dấu ấy trước khi cầu nguyện ngõ hầu… chúng ta đặc mình cách thiêng liêng trong trật tự; dấu ấy tập trung những ý nghĩ, tâm hồn và ý muốn chúng ta trong Chúa. Chúng ta làm dấu thánh giá sau khi cầu nguyện, ngõ hầu điều Chúa đã ban cho chúng ta ở lại trong chúng ta…Dấu thánh gía ôm ấp tất cả hữu thể chúng ta, xác và hồn,…và mọi người trở nên hiến thánh nhân danh một Chúa Ba Ngôi” (“Lo spirito della liturgia. I santi segni,” Brescia 2000, 125-126).

Như vậy trong dấu thánh giá và nhân danh Thiên Chúa hằng sống, chứa đựng sự công bố phát sinh đức tin và linh hứng sự cầu nguyện. Và, như trong Tin Mừng Chúa Giêsu hưa với các tông đồ rằng “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), cũng một sự việc xảy ra trong phụng vụ Chúa Nhật, khi các linh mục phân phát, tuần qua tuần, bánh của Lời và Thánh Thể. Cha sở thánh họ Ars nhắc các tín hữu của ngài về sự này: “Ai đón nhận linh hồn anh em,” ngài nói, “lúc bắt đầu cuộc sống của anh em? Linh Mục. Ai nuôi dưỡng linh hồn anh em và cho nó sức manh đi cuộc hành trình này? Linh mục. Ai sẽ chuẩn bị linh hồn anh em ra trước mặt Chúa, bằng cách tắm nó lần cuối trong máu Chúa Giêsu Kitô? Linh mục. luôn luôn là linh mục” (“Thơ công bố Năm Linh Mục)

Các bạn thân yêu, chúng ta hãy lấy kinh của Thánh Hilary thành Poitiers làm của mình: “Xin Chúa giữ vẹn tòan trong con đức tin công chính này và, cho tới hơi thở cuối cùng của con, cũng xin Chúa ban cho con tiếng nói này của lương tâm con, ngõ hầu con ở trung thành với điều con tuyên xưng trong lần tái sinh của con, khi con được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (“De Trinitate,” XII, 7, CCL 62/A, 627). Khi cầu xin Đức Trinh Nữ Chí Thánh Maria, tạo vật đầu tiên nơi Ba ngôi Chí thánh cư ngụ đầy đủ, chúng ta hãy xin sự bảo hộ của Ngài để đi tốt đẹp trong cuộc hành trình chúng ta dưới thế này.

(ĐGH sau đó chào những người hiện diện trong nhiều thứ tiếng. Trong tiếng Anh, ngài nói

Trong Chúa nhật Ba ngôi này, tôi chào tất cả những người hành hương và thăm viếng hiện diện trong kinh Truyền Tin hôm nay. Tuần này tôi sẽ thực hiện một cuộc Tông Du tới Cyprus, hầu gặp mặt và cầu nguyện với các tính hữu Công Giáo và Chính Thống Giáo tại đó, và để ký thác Instrumentum Laboris cho Đại Hội Đặc Biệt Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình và thịnh vượng của mọi người tại Cyprus, và cũng cầu cho những sự chẩn bị Đại Hội Đặc Biệt. Trên mỗi người trong anh chị em và những kẻ thân của anh chị em ở tại nhà, tôi câu xin những phúc lành của Ba ngôi Chí Thánh.

Trong tiến Y ngài nói:

Sáng nay tại Roma trong Vương Cung Đức Bà Cả, cử hành lễ phong chân phước cho Maria Pierina De Micheli. Bà là một tu sĩ Hội Dòng Con cái Đức Mẹ Vô Nhiễm thành Buenos Aires. Giuseppina—tên rửa tội của bà—sinh ra tại Milan năm 1890, trong một gia đình đạo đức sâu sắc, nơi những ơn gọi khác nhau tới chức linh mục và đời sống thánh hiến được nở hoa. Lúc 23 tuổi ba cũng ra đi trên con đường này, hiến mình say mê phục vụ trong ngành giáo dục tại Argentina và tại Italy. Chúa đã ban cho bà một sự sốt sắng lạ lùng đối với Gương Mặt Thánh của Người, sự kiện này luôn luôn nâng đở bà trong những con thử thách và bịnh tật. Bà chết năm 1945 và hài cốt của bà gởi tại Hội Dòng Chúa Thánh Thần tại Rome.[Translation by Joseph G. Trabbic]
 
Chuyện buồn cười: khi bà Pelosi giảng giáo lý
Trần Mạnh Trác
18:24 03/06/2010
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, trong một diễn văn ngày 06 tháng năm trước một Hội Nghị Công giáo tại Quốc Hội (Capitol Hill), cho biết bà tin rằng người Công giáo phải theo đuổi một chính sách công cộng phù hợp với các giá trị của "Ngôi Lời Nhập Thể" và phải chuẩn bị để trả lời về hành động của mình"

Được biết bà Pelosi, một người Công giáo ủng hộ quyền phá thai, đã từng bị khiển trách vì những hành động của mình.

Lời phát biểu về tôn giáo gần đây của bà đã được đưa ra tại "cuộc hội thảo quốc gia của Cộng Đồng Công Giáo”, tài trợ bởi hội nhà báo Công giáo Quốc gia (National Catholic Reporter) và viện đại học Chuá Ba Ngôi tại Washington (Trinity Washington University).

Bà Pelosi nói:

"Người ta thường hay hỏi tôi, 'Bà ưa thích cái gì? và những việc thế này thế nọ. Và thỉnh thỏang họ lại hỏi, 'bà yêu thích lời gì' Và tôi nói, 'lời tôi yêu thích ấy hả? Điều đó là rất dễ dàng. lời mà tôi yêu thích chính là Ngôi Lời, là Ngôi Lời. Và đó là tất cả mọi thứ. Và đó nói lên tất cả. Nếu các bạn tham khảo Kinh Thánh, các bạn hẳn biết chỗ tham khảo Tin Mừng về Ngôi Lời. "

"Và Ngôi Lời là, chúng ta phải lên tiếng về chính sách công cộng sao cho phù hợp với giá trị của Ngôi Lời. Ngôi Lời. Quả là một từ đẹp khi bạn nghĩ về nó? Nó bao gồm tất cả mọi thứ. Ngôi Lời.

"Bạn có thể điền vào đó bất cứ điều gì bạn muốn. Nhưng, tất nhiên, chúng ta đều biết ý nghĩa là: 'Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta' ", bà tiếp tục với một đoạn trích trong Tin Mừng cuả thánh Gioan.

"Và đó là mầu nhiệm cao cả của đức tin của chúng ta. Ngài sẽ đến một lần nữa. Ngài sẽ đến một lần nữa. Vì vậy, chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta đang chuẩn bị để trả lời trong cuộc đời này, hoặc là, chúng ta sẽ bị đo lường cách cân xứng."

Vị dân biểu Dân Chủ cuả San Francisco này từng có một lịch sử sử dụng lá bài tôn giáo. Trong tháng ba vừa qua, bà nêu đích danh thánh Giuse để xin thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe. (từng bị Hội Đồng Giám Mục HK phản đối)

Bà cũng có một lịch sử chống chọi với thẩm quyền hội thánh vì những hỗ trợ phá thai của mình.

Trong một cuộc họp tháng hai năm 2009 tại Vatican, Đức Giáo hoàng Benedict XVI nhắc lại cho bà lời giảng dạy Công giáo về đời sống thiêng liêng của con người.

Sau cuộc họp, văn phòng báo chí của Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha đã "nắm lấy cơ hội để nói về các yêu cầu của luật luân lý tự nhiên và sự giảng dạy thống nhất của Giáo Hội về phẩm giá của cuộc sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên."

Văn phòng báo chí cũng nói thêm rằng những lời dạy đòi hỏi tất cả mọi người Công giáo, "đặc biệt là những nhà lập pháp, luật gia và những người có trách nhiệm trên lợi ích chung của xã hội" phải làm việc với nhau để tạo ra "một hệ thống pháp luật có khả năng bảo vệ cuộc sống con người ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó."

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với chương trình Meet The Press, trả lời câu hỏi về khi nào thì cuộc sống con người bắt đầu, bà Pelosi nói rằng "như là một người hăng hái thực hành giáo lý Công Giáo, đây là một vấn đề mà tôi đã nghiên cứu trong một thời gian dài. Và những gì tôi biết được thì qua các thế kỷ, các bậc tiến sĩ của hội thánh đã không thể định nghĩa được...Thánh Augustinô thì nói ở tháng thứ ba. Nhưng chúng tôi không biết. Vấn đề là, là nó không nên có ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người phụ nữ. "

Ý kiến phát biểu trên xảy ra ngay trước khi hội nghị cuả Đảng Dân chủ tại Denver bắt đầu, đã bị đức Tổng giám mục Charles J. Chaput sửa chữa lập tức. Ngài nói "những người hăng hái thực hành giáo lý Công giáo sẽ nhanh chóng biết rằng, những ghi chép lịch sử từ thời các tông đồ cho đến nay, và những truyền thống Kitô giáo, đều áp đảo dậy rằng phá thai là điều ác."

Những nhà bình luận Công Giáo đều bỡ ngỡ về những lời tuyên bố “ngộ nghĩnh” cuả bà Pelosi. Có người đặt câu hỏi tại sao bà đã không hề và đã tránh né khẳng định Chuá Giêsu chính là Ngôi Lời. Người khác đặt vấn đề với câu nói “Bạn có thể điền vào đó bất cứ điều gì bạn muốn” như là một bằng chứng lạc đạo mới. Tuy nhiên phần đông đồng ý rằng đây lại là một xảo thuật dùng tôn giáo cuả Pelosi để tìm con đường sống cho đảng Dân Chủ đang gặp phải nhiều khó khăn sau cuộc bỏ phiếu Cải Tổ Y Tế, nhất là trước một cử tri càng ngày càng trở nên thù địch trong cuộc bầu cử Giữa Kỳ sẽ diễn ra cuối năm nay.

Và nếu như thế thì sẽ còn nhiều giáo lý “ngộ nghĩnh” phát ra từ nhân vật đầy tham vọng này.
 
Gioan - Phaolô II, Vị Giáo Hoàng đặc biệt
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ
19:04 03/06/2010
Điều gì làm cho cụ già Karol Wojtyla trở nên một trong những người vĩ đại nhất lịch sử? Có lẽ đó là điều nhiều người muốn biết. Thần học gia nổi tiếng George Weigel, tác giả cuốn Witness To Hope: The Biography Of Pope John Paul II, thuộc loại best-seller quốc tế, kể rằng…

Vào một buổi chiều tháng 1/1997, ĐGH Gioan-Phaolô II mời tôi ăn tối để tiếp tục cuộc nói chuyện của chúng tôi, vì lúc đó tôi chuẩn bị viết tiểu sử ngài. Vẫn như mấy lần trước, ngài gặp tôi tại một phòng nhỏ và dẫn tôi tới phòng ăn đơn sơ, vừa đi ngài vừa hỏi thăm gia đình tôi và một số bạn bè. Phong cách cởi mở tự nhiên của ngài khiến cuộc thảo luận luôn thoải mái. Ngài luôn tìm mối quan tâm của người đối thoại hơn là của mình. Có lần tôi nói với ngài rằng tôi phải tìm hiểu đời tư của ngài để viết tiểu sử. Ngài nhún vai, mỉm cười và đồng ý rằng cả hai chúng tôi đều có việc cần làm. Việc của tôi là chất vấn, việc của ngài là trả lời.

Chiều tối hôm đó, sau khi ăn xong, chúng tôi nói chuyện về Thế chiến II và ảnh hưởng của nó đối với chàng trai Karol Wojtyla. Đức quốc xã đã quyết định xóa tên Ba lan trên bản đồ Âu châu. Tôi muốn biết ảnh hưởng đó thế nào đối với một người trở nên Giáo hoàng.

Đó là những ngày tháng khó khăn nhất đời ngài: Đi bộ nhiều cây số trong giá buốt để đến hầm đập đá, tìm thực phẩm và thuốc men cho người bệnh và cha già (cha ngài mất tháng 1/1941), liều tổ chức nhóm tập kịch, học thần học lén lút ở tòa Tổng giám mục Cracow. Ngài nói rất cởi mở về khoảng thời gian khó khăn của ngài. Tôi hỏi: “Ngài học được gì hồi đó?”. Ngài trả lời ngắn gọn: “Tôi cũng có kinh nghiệm như những người cùng thời là bị kẻ ác hành hạ”.

Người ta phản ứng khác nhau đối với việc bị hành hạ. Một số người tức giận, một số người tự tử, một số người bạo động, và một số người theo các đảng phái. Còn Karol Wojtyla có cách phản ứng rất khác. Bị áp lực, ngài trở nên mạnh mẽ, thậm chí là bất khả khuất phục. Than bị áp lực của trái đất lại trở thành kim cương. Bị áp lực, ngài trở nên cứng rắn và linh hoạt, có thể vượt qua các trở ngại mà người ta tưởng chừng không thể vượt qua.

Khả năng ấy đã được minh chứng trong suốt phần tư thế kỷ trên cương vị Giáo hoàng của ngài. Có lẽ biểu hiện rõ nhất từ tháng 6/1979, khi ngài đến Ba lan lần đầu tiên từ lúc làm Giáo hoàng. Trong 9 ngày, ngài đã thay đổi dòng chảy lịch sử qua 40 bài phát biểu, ngài luôn lặp lại chủ đề: “Bạn không là người mà bạn tự nhận, hãy để tôi nhắc nhở bạn là ai”.

Nhờ chuyến công du đó của ĐGH Gioan-Phaolô II, Ba lan đã thay đổi rất nhiều.Dân Ba lan nhận ra sức mạnh của lương tâm cắn rứt. Sau đó, một sinh viên đã thổ lộ: “Chúng tôi đã có thể sống và chết vì chế độ độc tài, nhưng bây giờ chúng tôi không muốn nói dối nữa”. 14 tháng sau chuyến công du đó của ngài, Phong trào Đoàn kết (PTĐK) được thành lập tại Gdansk và làm thay đổi diện mạo Ba lan.

Không hề dễ dàng. ĐGH Gioan-Phaolô II bị bắn sau khi PTĐK hình thành được 8 tháng. 18 tháng sau, ngài trở lại Ba lan lần thứ hai. Sau đó, tướng Wojciech Jaruzelski xin gặp ĐGH lần cuối. Hai người gặp nhau tại lâu đài Wawel ở Cracow. Những người ở ngoài kể lại rằng họ nghe những tiếng nói lớn và những tiếng đập bàn.

Không lâu sau khi ngài bắt đầu ăn tối, hàng ngàn thanh niên kéo đến và hô to: “Chúng tôi cần ĐGH! Chúng tôi cần ĐGH!”. ĐGH Gioan-Phaolô II đứng dậy, mở cửa sổ và nói chuyện vui vẻ với các thanh niên ủng hộ ngài. Mọi người thấy vậy đều ngạc nhiên. Hồng y Agostino Casaroli, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Vatican đã từng làm việc với Đức cố GH Phaolô VI, đứng dậy nói: “Ngài muốn gì vậy? Ngài muốn đổ máu sao? Ngài muốn chiến tranh à? Hay ngài muốn đảo chính? Hằng ngày tôi phải giải thích với chính quyền là không có gì cả kia mà”.

Dĩ nhiên, ĐGH biết mình muốn gì và đi tới đâu. Quyết định của ngài là nói sự thật khi thúc giục những người nghe nên dùng “vũ khí tinh thần”. Chưa đầy 6 năm sau đêm đó, Ba lan thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, cả thế giới đều biết chính ĐGH Gioan-Phaolô II giữ vai trò chủ đạo, nhưng chưa chắc thế giới hiểu ngài làm điều đó thế nào.

Ngài không làm điều đó với tư cách một chính khách dùng quyền lực như thường. Ngài không làm điều đó với tư cách một nhà ngoại giao, mặc dù ngài khéo ngoại giao. Ngài làm điều đó với tư cách một vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo: Qua giảng thuyết, qua các bài viết, qua việc khuyến khích và tư vần những người lãnh đạo PTĐK. Ngài làm điều đó với tư cách một Giám mục, vì trách nhiệm của ngài là bảo vệ nhân quyền. Khi làm vậy, ngài chứng tỏ rằng tinh thần khả dĩ xoay chuyển lịch sử theo hướng tích cực.

Trong những năm sau đó, ngài cũng áp dụng các bài học tương tự đối với nền dân chủ thế giới. Dân chủ không là một cỗ máy tự vận hành, ngài luôn nói vậy trong những năm cuối đời. Dân chủ cần những con người đạo đức để vận hành, đối với nền kinh tế tự do cũng vậy. Hệ thống thị trường không thể tự vận hành. Có điều gì đó phải theo qui luật và các áp lực trực tiếp được nới lỏng nhờ tự do kinh tế, để điều xảy ra cuối cùng là sự tăng trưởng tốt, không chỉ về của cải.

Quyết định của ĐGH Gioan-Phaolô II không thỏa hiệp các vấn đề nguyên tắc đã làm ngài trở thành một dấu hiệu của sự mâu thuẫn. Ngài kiên quyết rằng “tự do nghĩa là làm những điều đúng theo cách đúng vì những lý do đúng”, đó là vấn đề của thói quen luân lý. Trong thời đại mà các chính khách cố gắng chia cắt những sự khác biệt giữa các vấn đề, ngài cương quyết bảo vệ quyền sống của các thai nhi và phản đối hình phạt thể lý. Một số người tranh luận rằng sự phản đối của ngài về việc tránh thai nhân tạo và việc phong chức linh mục cho phụ nữ là các vấn đề thuộc ý kiến riêng của ĐGH Gioan-Phaolô II. Ngài bình tĩnh và tự tin giải thích rằng đó là các vấn đề đã ổn định của giáo lý Công giáo, không là các vấn đề được thương lượng.

Mặc dù ngài thách thức khuynh hướng hiện đại lan rộng làm giảm các tiêu chuẩn luân lý và văn hóa, ngài vẫn duy trì tính cách rất thu hút cho đến lúc qua đời. Ngài có cách đánh giá riêng và đặc biệt về thế kỷ XX, ngài đã đến với các cộng đồng Do thái trên khắp thế giới. Quan hệ mới giữa Công giáo và Do thái giáo đã chứng tỏ sống động rằng “sự khoan dung” là dung hòa sự khác biệt về văn hóa và nghi lễ. Mối quan hệ này được khuếch đại nhờ cuộc đối thoại giữa ĐGH Gioan-Phaolô II với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, Đức Dalai Lama và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác trên thế giới. Ngài cũng đã đích thân đến tận nhà tù để gặp gỡ và tha thứ cho kẻ đã bắn ngài.

Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của ĐGH Gioan-Phaolô II là một chức năng trong tổng thể trong suốt của ngài. Những người cảm nhận cuộc sống đều biết rằng không có điều gì ĐGH yêu cầu mà ngài lại không đòi hỏi ở chính mình. Ngài không yêu cầu người khác theo con đường mà ngài không đi. Hằng chục triệu người đã được cảm hứng nhờ điều đó, họ đã đi bằng những bước mà họ nghĩ là không thể không có ngài, kể cả các nguyên thủ quốc gia.

Công giáo sẽ học được các bài học ngài đã dạy, bằng lời nói và gương mẫu. Thế giới cũng học được các bài học đó. ĐGH Gioan-Phaolô II đã “chạm” đến cuộc đời xa hơn biên giới của giáo hộ Công giáo. Ngài giúp thay đổi thế kỷ XX bằng vai trò chủ đạo. Qua việc thể hiện niềm tin tôn giáo sâu sắc, dựa trên lòng tôn trọng đối với từng cá nhân mong muốn tìm kiếm chân lý, vị GH đặc biệt xuất thân từ Ba lan đã biểu lộ lòng nhân đạo và giúp mọi người biết cách xử lý các hiểm họa đe dọa thế kỷ XXI. Lúc sinh thời, ĐGH Gioan-Phaolô II đã được coi là vị thánh sống, hiện thân của lòng nhân hậu. Người ta gọi ngài là “Giáo hoàng của mọi thời đại”.

Ngài được Thiên Chúa triệu tập lúc 22 giờ (giờ Rôma) ngày 2/4/2005. Tại đám tang ngài, người ta đã hô vang: “Hãy phong thánh cho ngài!”.

Mỗi lần tháng Tư về, người ta lại nhớ đến ĐGH Gioan-Phaolô II khả ái. Tòa thánh đã mở án phong thánh sớm cho ngài. Phong thánh chỉ là nghi thức của Giáo hội công khai hóa để nêu gương cho người khác, vì dù ngài chưa được phong thánh thì Karol Wojtyla cũng hưởng phúc trường sinh rồi. Xin ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta!
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhỉ Kỳ bị đâm chết.
Ngọc Loan
19:26 03/06/2010
Vatican: Đức Khâm Sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Antonio Lucibello đã loan tin, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Cha Luigi Padovese 63 tuổi, đã bị đâm chết vào ngày 3 tháng 6 tại nhà riêng của Ngài ở Isenderun.

Bà Deniz Kilicer, nhân viên tại Tòa Đại Sứ làm việc cạnh Tòa Thánh cũng đã cho Thông Tấn Xã Công Giáo Hoa Kỳ biết là Đức Giám Mục Padovese đã bị người tài xế và người bạn thân Murat Altun là một tín hữu Kitô đâm chết.

Án mạng đã xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 trưa, và vị giám mục đã được chở ngay đến bệnh viện nhưng 1 tiếng đồng hồ sau đó, Đức Cha đã trút hơi thở cuối cùng.

Bà Kilicer làm việc tại Tòa Đại Sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Vatican, cũng là người đã biết Đức Cha Padovese, cho biết Đức Cha là người “rất hào hoa, rất thông minh. Ngài là một vị chuyên môn về Thánh Phaolô”.

Đài phát thanh Vatican tường thuật theo Thông Tấn Xã Thổ Nhỉ Kỳ nói rằng người giết Đức Cha là người tài xế riêng của Ngài đã từng lái xe cho Ngài 5 năm qua, lý do không phải là chính trị hay tôn giáo, nhưng vì ông ta mắc bệnh tâm thần.

Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, Tổng Giám Mục Lucibello nói với đài phát thanh Vatican rằng, vụ án mạng này “như một tin sét đánh cho chúng tôi”.

Đức Khâm Sứ cho biết Giám Mục Padovese là vị dấn thân để củng cố cuộc đối thoại giữa Đông và Tây qua việc tổ chức các hội nghị chuyên đề hàng năm cũng như qua những khởi xuớng khác.

“Ngài sẽ là một sự mất mát lớn cho chúng tôi”, và Đức Khâm Sứ cũng thêm rằng “kể từ đây coi như chấm dứt nhiều dự án liên tôn mà Ngài đã thi hành trong nhiều năm qua.

Giám Mục Padovese, là vị Giám Mục Giám Quản Tông Tòa tại Anatolia, đã có chương trình sẽ lên đường có mặt tại Cyprus vào ngày 4 đến 6 tháng 6 với Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 và sẽ nhận tài liệu làm việc từ Đức Thánh Cha cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Trung Đông. Đức Cha cũng là thành viên trong Hội Đồng hoạch định cho Thượng Hội Đồng đặc biệt này.

Linh Mục Dòng Tên Federio Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh cũng lên tiếng “những gì đã xảy ra thật ghê tởm và đã để lại cho chúng tôi thật đau buồn, và nhiều đau thương”.

Cha Lombardi nói thêm rằng vụ giết người đã xảy ra trước thềm chuyến tông du Giáo Hoàng tới Cyprus để cống hiến sự can đảm đối với các Cộng Đoàn Kitô tại Trung Đông.

Vụ giết Đức Cha thật sự đã mang đến “sự tuyệt đối khẩn thiết như thế nào và sự đại kết của Giáo Hội hoàn vũ và sự nâng đỡ đối với các Cộng Đoàn Kitô tại đó”.

Cha Lombardi nói Giám Mục Padovese là một chứng nhân Tin Mừng cho đời sống Giáo Hội, ngay cả trong những tình huống khó khăn của Giáo Hội.

“Chúng ta cầu nguyện xin Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho Ngài vì công việc phục vụ cao cả cho Giáo Hội, để tín hữu Kitô không bị nhùn bước, và rồi theo sự chứng nhân mãnh liệt của Ngài, họ sẽ tiếp tục tuyên xưng đức tin trong vùng”.

Đức Giám Mục Padovese cũng từng là chủ tịch Hội Caritas tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ Tịch Hội Caritas Quốc Tế, Đức Hồng Y người Hondura, Oscar Rodriguez Maradiaga tại Tegucigalpa đã nói, Đức Cha Padovese “là người nhân hậu, là một vị lãnh đạo và là vị chủ chăn can đảm và cống hiến đời mình”.

“Cái chết dữ dằn đến với Ngài là một cú sốc. Toàn thể gia đình Caritas cùng kết hợp trong kinh nguyện cầu cho gia đình và những người bạn của Đức Cha Padovese”.

Cậu Luigi Padovese sinh tại Milan, Italia, cậu đã đi tu dòng Capuchin và được thụ phong Linh Mục vào năm 1973. Cha được nâng lên hàng giám mục và làm Giám Quản Tông Tòa tại Anatolia vào năm 2004.
 
Giáo hội tội lỗi?
Vũ Văn An
22:22 03/06/2010
Khi tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Đức Bênêđíctô XVI với các hồng y nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày ngài lên ngôi, tờ L’Osservatore Romano viết rằng “Đức Thánh Cha có ý ám chỉ tới các tội lỗi của Giáo Hội, khi nhắc mọi người nhớ rằng chính lúc bị thương tích và là kẻ có tội, Giáo Hội càng cảm nghiệm được sự ủi an của Thiên Chúa”. Sandro Magister, trên trang mạng www.chiesa.espressonline.it, cho rằng kiểu nói “Giáo Hội Tội Lỗi” mỗi ngày một phổ thông hơn, nhưng nó hoàn toàn xa lạ với truyền thống Kitô Giáo. Đã đành Thánh Ambrose có lần ví Giáo Hội với người bán trôn trong trắng (casta meretrix, chaste whore), nhưng để hiển dương sự thánh thiện của Giáo Hội, một sự thánh thiện mạnh hơn tội lỗi của con cái mình. Cho nên lối tường thuật của tờ L’Osservatore Romano không hẳn nói lên chính xác tư tưởng của Đức Bênêđíctô XVI vì kiểu nói “Giáo Hội tội lỗi” không bao giờ là của ngài, và ngài luôn cho đó là một lầm lẫn.

Chỉ cần đơn cử trong muôn một bài giảng ngày Lễ Hiển Linh năm 2008, trong đó ngài định nghĩa Giáo Hội hoàn toàn khác hẳn: Giáo Hội “thánh thiện và gồm những kẻ tội lỗi”. Và ngài luôn luôn định nghĩa Giáo Hội một cách thận trọng theo lối ấy. Cuối kỳ tĩnh tâm Mùa Chay năm 2007, ngài cám ơn vị giảng thuyết năm đó là Đức HY Giacomo Biffi “Vì đã dạy chúng tôi biết yêu mến Giáo Hội hơn nữa, Đấng “immaculata ex maculatis”, như Đức Hồng Y đã dạy chúng tôi cùng với Thánh Ambrose”.

Theo Magister, thuật ngữ “immaculata ex maculatis” thực sự là thuật ngữ trích từ một đoạn Thánh Ambrose chú giải Phúc Âm Thánh Luca. Kiểu nói này có nghĩa: Giáo Hội thánh thiện và không tì vết, dù sẵn sàng chào đón trong mình những con người bị uế tạp bởi tội lỗi.

Đức HY Biffi, một học giả chuyên nghiên cứu Thánh Ambrose, vị giám mục trứ danh thế kỷ thứ tư của Milan và cũng là người làm Phép Rửa cho Thánh Augustine, năm 1996 có cho xuất bản một cuốn sách chuyên bàn về vấn đề này, với một thuật ngữ còn táo bạo hơn thế nữa ngay trong tựa đề, áp dụng vào Giáo Hội “Ngươi Bán Trôn Trong Trắng”.

Thuật ngữ này, trong nhiều thập niên, vốn là thuật ngữ rất được phe cấp tiến Công Giáo ưa dùng để nói rằng Giáo Hội thánh thiện, ‘nhưng cũng tội lỗi” và luôn luôn phải xin được tha thứ vì các tội lỗi “của chính mình”. Để củng cố cho thuật ngữ này, họ còn gán nó cho các giáo phụ, hiểu như cả một nhóm. Hans Kung chẳng hạn, trong cuốn “Giáo Hội” viết năm 1969, có lẽ là cuốn cuối cùng của ông thực sự có nội dung thần học, viết rằng Giáo Hội “là một casta meretrix như thường được gọi như thế từ thời giáo phụ”.

Thường được gọi? Thực ra không hẳn như thế, trong mọi công trình của các giáo phụ, kiểu nói ấy chỉ xuất hiện có một lần duy nhất: trong chú giải của Thánh Ambrose về Phúc Âm Thánh Luca. Không một giáo phụ Hy Lạp hay La Tinh nào, trước hay sau ngài, đã dùng kiểu nói này.

Phe cấp tiến hình như khá hứng khởi khi Hans Urs von Balthasar cho ra đời tác phẩm thần học của ông về giáo hội học vào năm 1948, tựa là “Casta meretrix”! Tuy nhiên, trong tác phẩm này, Balthasar tuyệt đối không trực tiếp áp dụng hạn từ tội nhân cho Giáo Hội.

Vậy thử hỏi Thánh Ambrose muốn nói gì khi ví Giáo Hội với “Người Bán Trôn Trong Trắng”? Thánh Ambrose đơn thuần chỉ muốn áp dụng vào Giáo Hội hình ảnh của Rahab, cô gái điếm thành Jericho mà theo sách Giosuê từng che chở và cứu sống các người Do Thái đang trốn tại nhà cô mà thôi. Sau đây là đoạn văn của chính Thánh Ambrose: “Rahab, xét về loại hình đúng là một con điếm nhưng xét về mầu nhiệm chính là Giáo Hội, trong huyết quản mình, cô cho thấy dấu hiệu tương lai chỉ ơn cứu thoát phổ quát giữa cơn chém giết trên trần gian. Cô không bác bỏ sự kết hợp với nhiều người ẩn trốn, càng trong trắng khi cô càng kết hợp thân thiết với con số lớn nhất những người như họ; cô là nữ trinh không tì vết, không nếp nhăn, không tì nhiễm trong nết na, người yêu công cộng, người bán trôn trong trắng, quả phụ hiếm muộn, nữ trinh mắn con… Người bán trôn trong trắng, vì nhiều người tình đến với cô để hưởng niềm vui khoái của tình yêu, nhưng cô lại không tì nhiễm vết nhơ” (In Lucam III, 23).

Đoạn văn trên hết sức cô đọng, đáng được phân tích cẩn thận. Nhưng chỉ xin giới hạn vào thuật ngữ “người bán trôn trong trắng”. Đây là lối giải thích của Đức HY Biffi: “Kiểu nói ‘người bán trôn trong trắng’, thay vì ám chỉ một điều tội lỗi và đáng khinh chê, thực ra cố ý nói tới sự thánh thiện của Giáo Hội, không phải chỉ như một tĩnh từ mà còn như một danh từ, một danh thể (substantive). Sự thánh thiện này bao hàm cả việc luyến kết với phu quân mình là Đức Kitô một cách không giao động, không bất nhất quán (casta) lẫn nỗi thèm khát được vươn tới mọi người mong đem họ vào ơn giải thoát (meretrix)”.

Sự kiện dưới mắt trần gian, Giáo Hội xem ra bị tì nhiễm bởi tội lỗi và bị người đời công khai xỉ vả là một số phận khiến ta nghĩ tới số phận của Đấng Sáng Lập là Chúa Giêsu, Đấng cũng từng bị các thế lực trần gian thời của Người coi là một tội nhân.

Đó chính là điều được Thánh Ambrose đề cập một lần nữa trong một đoạn chú giải khác về Phúc Âm Thánh Luca: “Giáo Hội quả mang giáng dấp của một tội nhân, vì Chúa Kitô cũng từng mang giáng dấp của một tội nhân như thế” (In Lucam VI, 21).

Nhưng chính vì mình thánh thiện, một sự thánh thiện không tì vết phát sinh từ chính Chúa Kitô, nên Giáo Hội đã có thể chào đón kẻ tội lỗi gia nhập mình, và có thể cùng họ chịu khổ vì những tội ác của họ và chăm sóc cho họ.

Magister cho rằng trong những thời điểm đầy biến họa như thời nay, càng tố cáo, người ta càng minh chứng cho sự thánh thiện của Giáo Hội. Chân lý này, ta không bao giờ nên quên.

Phản biện

Nhận định trên đây của Sandro Magister được nhiều người tán thưởng, nhưng bị không ít người phản biện, trong đó có Cha Joseph A. Komonchak, một linh mục thuộc tổng giáo phận New York, Hoa Kỳ. Cha Joseph A. Komonchak vốn là một sử gia kiêm thần học gia, từng biên tập ấn bản Hoa Kỳ bộ “Lịch Sử Vatican II” do Đức Ông Giuseppe Alberigo chủ biên. Cha cũng là một tác giả nổi danh của tạp chí Commonweal.

Cha Komanchak cho rằng Đức Bênêđíctô XVI quả có viết: Giáo Hội có tội. Thực vậy, trong cuốn “Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo”, ngài quả có dùng kiểu nói này. Ngài còn trách Công Đồng Vatican II quá “nhát” (timorous) trong kiểu nói của mình rằng Giáo Hội không phải chỉ thánh thiện mà còn tội lỗi nữa, vì “chúng ta đã ý thức sâu xa xiết bao sự tội lỗi của Giáo Hội” (bản dịch Anh Ngữ, tr.262). Ở đây, theo Cha Komamchak, ngài chỉ bước chân theo cái nhìn của Thánh Augustine, một cái nhìn được Thánh Thomas Aquinas lặp lại, khi cho rằng Giáo Hội sẽ không “vô tì vết hay nếp nhăn” cho đến ngày Tận Thế. Cả hai vị đại thánh này cùng trích dẫn Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, chương 1, câu 8: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta”. Vả lại, ngày nào, Giáo Hội khắp nơi cũng cầu nguyện “Xin Cha tha nợ chúng con”. Cha Komanchak nói rằng Đức HY Biffi nhận định đúng về kiểu nói “casta meretrix”, nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đấy. Chính Đức Gioan Phaolô II, nhân một chuyến tới Fatima, cũng nói về Giáo Hội “vừa thánh thiện vừa tội lỗi”.

Magister cho rằng Cha Komamchak trích dẫn rất đúng lời Đức Gioan Phaolô nói tại Fatima năm 1982 rằng ngài tới đây “như một khách hành hương giữa những người hành hương, giữa hiệp đoàn Giáo Hội lữ hành, giáo hội sống động, thánh thiện và tội lỗi”.

Nhưng cần ghi nhận rằng trong muôn vàn lời phát biểu của vị giáo hoàng vĩ đại này, một vị giáo hoàng đi vào lịch sử như đấng đã liên tiếp và công khai xin sự tha thứ cho các tội lỗi của con cái Giáo Hội, đây là lần đầu tiên tĩnh từ “tội lỗi” đã được trực tiếp áp dụng cho Giáo Hội. Tuy nhiên, theo Magister, đối với cả Đức Gioan Phaolô II và vị bộ trưởng về tín lý của ngài là Đức HY Joseph Ratzinger, công thức “Giáo Hội tội lỗi” bị coi là có nguy cơ dẫn người ta tới sai lầm, vì sự mâu thuẫn chưa giải quyết được của nó với lời tuyên xưng đức tin vào “Giáo Hội thánh thiện” trong Kinh Tin Kính.

Người ta có thể đọc thấy chứng cớ của niềm lo ngại này trong tài liệu “Giáo Hội và các lỗi lầm quá khứ” được công bố ngày 7 tháng 3 năm 2000 bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, dưới sự giám sát của Đức HY Ratzinger, như một văn kiện nhận định và minh giải lời yêu cầu xin tha thứ do Đức Gioan Phaolô II đề ra cho Năm Thánh. Trong tài liệu này, có đoạn giải thích lý do tại sao Giáo Hội “theo một nghĩa nào đó, cũng là tội nhân” và đưa ra phương cách làm thế nào để phát biểu quan niệm này mà không gây hiểu lầm. Sau đây, xin trích đoạn thứ nhất của tiết thứ ba trong tài liệu trên, đề cập tới “các nền tảng thần học” của lời yêu cầu xin tha thứ:

“Vì thiên niên kỷ thứ hai của Kitô Giáo sắp sửa chấm dứt, nên quả là thích hợp để Giáo Hội ý thức đầy đủ hơn tính có tội của con cái mình, nhắc nhớ mọi thời điểm lịch sử trong đó họ đi trệch khỏi thần trí Chúa Kitô và Phúc Âm của Người và, thay vì mang đến cho thế giới chứng tá một cuộc sống được các giá trị đức tin linh hứng, thì họ lại dễ dãi buông mình theo các phương cách suy nghĩ và hành động thực sự phản lại chứng tá ấy và gây gương mù gương xấu. Dù thánh thiện nhờ được tháp nhập vào Chúa Kitô, Giáo Hội không ngừng ăn năn thống hối. Trước Thiên Chúa và con người, Giáo Hội luôn nhìn nhận là của mình các đứa con trai con gái tội lỗi” (Tertio millennio adveniente, 33).

Những lời lẽ trên đây cho thấy Giáo Hội bị liên lụy ra sao bởi tội lỗi của con cái mình. Giáo Hội thánh thiện ở điểm đã được làm ra như thế bởi Đức Chúa Cha nhờ hy lễ của Chúa Con và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhưng theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội cũng là một tội nhân, vì thực sự đã tự lãnh lấy tội lỗi của những kẻ được mình sinh ra trong Phép Rửa. Điều này giống hệt như việc Chúa Giêsu Kitô tự gánh lấy tội lỗi thế gian (xem Rm 8:3; 2Cor 5:21; Gl 3:13; 1Pr 2:24).

Hơn nữa, trong ý thức sâu xa nhất về chính mình, Giáo Hội biết rằng mình không những là một cộng đồng những kẻ được chọn, mà còn là một cộng đồng bao gồm trong lòng mình cả kẻ công chính lẫn người có tội, cả hiện tại lẫn tương lai, trong sự hợp nhất với mầu nhiệm đã lập ra chính mình. Thực thế, trong ơn thánh và trong thương tích tội lỗi, người được rửa tội của ngày hôm nay hết thẩy đều gần gũi, đều liên đới với những người đã được rửa tội của ngày hôm qua. Vì lý do này, người ta có thể nói rằng Giáo Hội, lúc này và ở đây, trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, thực sự “cùng một lúc vừa thánh thiện vừa lúc nào cũng cần được thanh tẩy” (Lumen Gentium, 8).

Từ nghịch lý trên, một nghịch lý vốn là đặc điểm của mầu nhiệm Giáo Hội, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để hoà giải hai khía cạnh: một đàng, là việc Giáo Hội tuyên xưng đức tin vào sự thánh thiện của mình, nhưng đàng khác, Giáo Hội lại không ngừng cần phải thống hối và được thanh tẩy.

Đoạn vừa trích dẫn trên đây cũng nhắc ta nhớ tới đoạn văn Công Đồng Vatican II dùng để nói về tội lỗi của con cái Giáo Hội. Đó là đoạn 8 trong hiến chế “Lumen Gentium”, là đoạn cũng tránh không định nghĩa Giáo Hội tự thân (per se) là kẻ có tội: “Như Chúa Kitô, Đấng thánh thiện, vô tội và không tì nhiễm, không biết gì tới tội, đã đến để chỉ xóa tội cho con người thế nào, thì Giáo Hội, Đấng ôm ấp kẻ tội lỗi trong lòng mình, cũng đồng thời vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, luôn phải theo con đường thống hối và canh tân như vậy”.

Như vậy, tại sao nhà thần học Ratzinger trong cuốn “Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo” năm 1968, mà hiện nay vẫn còn là tác phẩm thần học được nhiều người trên khắp thế giới tìm đọc, lại than phiền, như Cha Komanchak nói, là Công Đồng Vatican II “quá nhát” khi nói tới “tính có tội của Giáo Hội”, nói về cảm giác điều mà chúng ta “biết một cách sâu xa xiết bao”? Cách trả lời tốt nhất cho câu hỏi trên, là trở về với chính tác phẩm, ở chương cuối cùng, tức chương dành để giải thích lý do tại sao Giáo Hội “thánh thiện” dù gồm những kẻ có tội.

Thực tế, chính trong mối liên hệ với tội lỗi và bùn nhơ thế gian kia mà sự thánh thiện của Giáo Hội đã ngời sáng hơn cả. Được trước tác cách nay hơn 40 năm, các luận chứng của giáo sư Ratzinger vẫn còn nhiều giá trị liên quan rõ rệt tới ngày nay, kể cả việc chúng gợi ta nhớ tới ý nghĩa và các hạn chế trong các lời tố cáo chống lại Giáo Hội lúc ấy và bây giờ. Sau đây là đoạn văn đó, một đoạn văn không hề nhắc tới công thức “Giáo Hội tội lỗi”.

Tôi tin Giáo Hội Công Giáo Thánh Thiện (Ratzinger)

Sự thánh thiện của Giáo Hội hệ ở sức mạnh thánh hóa mà Thiên Chúa thực hiện trong đó, bất chấp tính tội lỗi của con người. Ở đây, ta giáp mặt với đặc điểm thực sự của “Giao Ước Mới”: Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã trói buộc mình vào con người, đã để cho mình bị họ trói buộc. Giao Ước Mới không còn hệ ở việc hỗ tương duy trì thoả ước; nó được Thiên Chúa trao ban như ơn sủng trói buộc bất chấp sự bất trung của con người. Nó chính là lời phát biểu tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không để cho mình bị đánh bại bởi sự thiếu khả năng của con người, nhưng luôn luôn duy trì thiên hướng tốt đối với họ, chào đón họ hết lần này qua lần khác, chính vì họ tội lỗi, hướng về họ, thánh hóa họ và yêu thương họ.

Nhờ lòng tận tình của Thiên Chúa, một lòng tận tình không bao giờ bị triệu hồi, Giáo Hội là một định chế được Người thánh hóa vĩnh viễn, một định chế trong đó, sự thánh thiện của Chúa Giêsu trở thành hiện diện giữa con người. Nhưng xét về thực chất và tính chân thật, chính sự thánh thiện của Chúa Giêsu đã trở thành hiện diện trong Giáo Hội và mãi mãi, bằng một tình yêu nghịch lý, đã chọn những bàn tay bẩn thỉu của con người để chuyên chở sự hiện diện ấy. Sự thánh thiện ấy rạng rỡ như sự thánh thiện của Chúa Kitô giữa tội lỗi của Giáo Hội. Như thế, đối với tín hữu, khuôn mạo nghịch lý của Giáo Hội, trong đó, hữu thể thần linh thường hiện diện nơi những bàn tay quá bất xứng kia, trong đó, hữu thể thần linh lúc nào cũng chỉ hiện diện dưới hình thức “ấy thế mà” (nevertheless), là dấu chỉ “ấy thế mà” của tình yêu vô cùng cao cả hơn của Thiên Chúa. Tác động qua lại hiện có giữa lòng trung trinh của Thiên Chúa và lòng bất trung của con người, vốn lên đặc điểm cho cấu trúc Giáo Hội, chính là ơn thánh dưới hình thức đầy kịch tính của nó. […] Người ta thực sự có thể nói rằng chính trong tổng thể đầy nghịch lý của thánh thiện và bất thánh thiện, Giáo Hội thực chất là khuôn hình được ơn thánh mặc lấy trên trần gian.

Ta hãy đi thêm bước nữa. Trong giấc mơ của con người về một thế giới hoàn hảo, sự thánh thiện luôn được tượng hình như một điều không thể nào vươn tới vì tội lỗi và sự ác, như một điều không thể hoà lẫn với tội lỗi và sự ác. […] Trong các lời phê phán hiện nay của xã hội và trong các hành động qua đó việc phê phán kia được phát biểu ra, cái khía cạnh tàn nhẫn luôn hiện diện trong các lý tưởng của con người ấy một lần nữa cũng hết sức hiển nhiên. Đó là lý do tại sao sự thánh thiện của Chúa Kitô, một sự thánh thiện từng làm những người cùng thời với Người khó chịu, đã hoàn toàn không có cái cung giọng kết án này: lửa đã không giáng xuống kẻ bất xứng cũng như những kẻ nhiệt thành không được phép nhổ những cỏ lùng mà họ thấy mọc cùng khắp tứ phía. Trái lại, sự thánh thiện ấy đã tự phát biểu mình ra chính lúc hòa mình với những kẻ tội lỗi, những kẻ mà Chúa Giêsu lôi kéo vào vòng thân mật với Người; hòa mình đến độ Người bị coi là “kẻ có tội” và phải mang bản án của luật pháp và bị hành quyết như một tội nhân, hoàn toàn liên hợp với số phận của người hư đốn (xem 2Cor 5:21; Gl 3:13). Người đã kéo tội lỗi vào chính mình, biến nó thành số phận của mình và nhờ thế tỏ lộ đâu mới là “thánh thiện” thực sự. Sự thánh thiện này không hệ ở phân rẽ mà là kết hợp, không hệ ở phê phán mà là yêu thương cứu vớt.

Há Giáo Hội đơn thuần không phải là sự tiếp nối của việc Thiên Chúa cố ý nhào xuống cảnh tồi bại nhân bản đó sao; há Giáo Hội đơn thuần không phải là sự tiếp nối thói quen của Chúa Kitô hay ngồi chung bàn với những kẻ tội lỗi, hoà mình vào sự khốn cùng của tội lỗi đến độ xem ra chính Người cũng oằn lưng dưới sức nặng của nó đó sao; há, trong sự thánh thiện bất thánh thiện (unholy holiness) của Giáo Hội, hiểu như một phản đề đối với hoài mong trong trắng của con người, sự thánh thiện chân thật của Thiên Chúa đã không được mạc khải đó sao, một sự thánh thiện vốn là tình yêu, một tình yêu không quí phái giữ khoảng cách nào, khiến người ta có cảm giác đây là một sự trong trắng không ai với tới được, nhưng hoà mình với bụi bặm trần gian, để nhờ thế mà vượt thắng nó? Như thế, phải chăng sự thánh thiện của Giáo Hội chẳng là gì khác hơn sự hỗ trợ hỗ tương phát sinh từ sự kiện này: tất cả chúng ta đều được Chúa Kitô hỗ trợ nâng đỡ? […].

Ở tận đáy, ta luôn thấy có sự kiêu ngạo dấu mặt, khi những người phê phán Giáo Hội lên giọng chua cay hiềm thù, một cung giọng nay đang bắt đầu trở thành thời thượng. Bất hạnh thay, cái lòng kiêu ngạo ấy rất thường khi lại đi song song với một sự trống rỗng tâm linh, trong đó bản chất đặc thù của Giáo Hội như một toàn thể chẳng còn thấy nơi đâu; trong đó, Giáo Hội chỉ còn được nhìn như một dụng cụ chính trị mà cơ cấu tổ chức bị coi là tồi tệ hay tàn bạo, tùy trường hợp, như thể chức năng thực sự của Giáo Hội không vượt quá việc tổ chức, không nằm ở việc khích lệ của Lời và của các Bí Tích mà Giáo Hội hằng ban bố cả những lúc vui lẫn lúc buồn, thời đen tối cũng như thời vàng son. Những người thực sự có đức tin không bao giờ quá chú trọng tới cuộc đấu tranh để canh tân các nghi lễ của Giáo Hội. Họ sống bằng điều Giáo Hội luôn là; và nếu có ai đó muốn biết Giáo Hội thực sự là gì thì họ cần phải tới với những người này. Vì Giáo Hội hiện diện nhiều nhất không phải ở chỗ việc tổ chức, việc canh tân và việc cai quản đang diễn ra, nhưng ở nơi những con người đơn thuần chỉ biết tin, chỉ biết tiếp nhận nơi Giáo Hội hồng ân đức tin vốn là lẽ sống đối với họ.

Điều ấy không hẳn muốn nói không được đụng tới điều gì và phải chịu đựng mọi sự như hiện trạng. Chịu đựng thực ra cũng có thể là một diễn trình tích cực, một cuộc đấu tranh làm cho Giáo Hội càng ngày càng biết hỗ trợ và chịu đựng. Nhưng dù gì, thì Giáo Hội cũng không sống cách nào khác hơn là sống trong chúng ta; Giáo Hội sống bằng cuộc đấu tranh của những con người bất thánh thiện cố gắng đạt được sự thánh thiện, cũng thế, cuộc đấu tranh này, dĩ nhiên, sống nhờ hồng ân của Thiên Chúa, không có hồng ân này, cuộc đấu tranh kia không thể hiện hữu. Nhưng cố gắng này chỉ mang hoa trái và có tính xây dựng nếu nó được linh hứng bởi tinh thần tự chủ kiên trì, bởi tình yêu chân thực.

Và ở đây, ta đề cập tới tiêu chuẩn phải dùng để luôn luôn phán đoán cuộc đấu tranh mà chủ yếu chỉ nhằm đạt được sự thánh thiện tốt hơn kia, một tiêu chuẩn không những không mâu thuẫn với sự tự chủ kiên trì mà còn được sự tự chủ kiên trì này đòi hỏi. Tiêu chuẩn đó chính là tính xây dựng. Một chua cay nhằm tiêu diệt chỉ là việc tự kết án chính mình. Dĩ nhiên một cánh cửa đập mạnh có thể là dấu chỉ muốn đánh động những người trong nhà. Nhưng ý niệm cho rằng mình có thể xây dựng nhiều hơn nếu làm việc một cách cô lập chứ không phải trong tình hiệp đoàn với người khác, chỉ là một ảo tưởng. Ý niệm đó cũng giống hệt ý niệm Giáo Hội của “những người thánh thiện”, chứ không phải “Giáo Hội thánh thiện”, nghĩa là một Giáo Hội sở dĩ thánh thiện vì Chúa đã ban cho Giáo Hội sự thánh thiện ấy như một hồng ân nhưng không.
 
Cuộc chiến đấu đầy cam go của linh hồn
Lm Nguyễn Hữu Thy
00:32 03/06/2010
Cuộc chiến đấu đầy cam go của linh hồn

Một điều không ai có thể phủ nhận được, đó là ngày nay chúng ta đang phải sống trong một thời đại đầy biến động và mâu thuẩn nhất trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Thật vậy, trong khi người ta không ngừng than trách luật lệ Kitô giáo quá nghiêm khắc và vì thế đã hạn chế và ngăn cản sự phát triển cũng như sự tiến bộ của con người, thì một mặt khác trước sự đe dọa của những hiện tượng giết người một cách điên khùng và vô lý do cũng như các tội phạm khác ở khắp mọi nơi trên thế giới, người ta lại lớn tiếng đòi hỏi phải mau thiếtt lập lại các giá trị luân lý và các luật lệ chân chính.

Cả là một tình trạng vô trật tự và hỗn loạn đầy nguy hiểm, khi từng cá nhân, từng đoàn thể và cả xã hội hoàn toàn tự do hành động theo ý riêng mình, chứ không còn cần phải quan tâm đến lương tâm trách nhiệm của mình cũng như các quyền lợi chân chính của kẻ khác nữa. Nhưng người ta sẽ tìm đâu ra được sự định hướng đúng đắn cho các hành động và cả cuộc sống của mình trong một thế giới không ngừng thay hình đổi dạng một cách quá nhanh chóng và càng ngày càng trở nên phức tạp hóa như thế, nhất là càng ngày càng trở nên duy vật, tục hóa và vô thần, hoàn toàn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng là chân thiện mỹ tuyệt đối, và vì thế là định hướng chân chính duy nhất cho con người?

Nhà thần học người Mỹ William J. Hoye, giáo sự tại phân khoa thần học Công Giáo thuộc đại học Münster/Đức quốc, đã trình bày trong tác phẩm bằng tiếng Đức mà ông vừa cho xuất bản (22.2.2010), với tựa đề: „Tugenden. Was sie wert sind, warum wir sie brauchen“: „Các nhân đức. Giá trị của chúng như thế nào, tại sao chúng ta cần tới các nhân đức“. Trong đó, ông khẳng định các nhân đức truyền thống là con đường dẫn đưa con người ra khỏi sự ích kỷ để bước vào trong sự công chính, ra khỏi sự thỏa mãn các nhu cầu một cách tạm thời để bước vào trong sự khôn ngoan, ra khỏi sự ham muốn chiếm hữu theo bản năng để bước vào trong sự điều độ hợp lý, ra khỏi sự tìm kiếm các sự vật chóng qua để bước vào trong sự hy sinh can đảm cho một cuộc sống hạnh phúc chân thật.

Bởi vì, Hoye viết: „Sự dấn thân can đảm cho một việc ngay chính có thể thất bại; tuy nhiên, con người thực thi sự dấn thân can đảm ấy lại trở nên người thực sự, nghĩa là với tư cách vững vàng của mình, người ấy không hề nao núng trước sự thất bại“.

Dĩ nhiên, giáo sư Hoye cho rằng việc trau dồi và tập luyện các nhân đức cũng như các đức tính nhân bản, không phải là một chuyện dễ dàng. Công việc đó luôn luôn đòi hỏi sự khôn ngoan thận trọng và sự nổ lực can đảm trường kỳ của bản thân. Theo giáo sư Hoye, các nhân đức – ở điểm này ông cũng dựa theo quan niệm của Aristote, Thomas Aquinô và của Josef Pieper về đạo đức – là „sự trưởng thành chín chắn trong những khả năng nội tại của nhân vị“. Hoye cho rằng các đức tính tốt của con người càng trở nên mạnh mẽ sâu sắc hơn khi phải sống va chạm và xung đột với thực tế và với những đam mê (Leidenschaft) của chính bản thân.

Thật ra, tự bản chất, đam mê không hề xấu. Nhưng mục đích nhằm tới và nguyên nhân của một đam mê thì luôn luôn cần phải suy xét kỹ, ông viết: „Phẩm chất luân lý của các đam mê không hệ ở cảm xúc, nhưng tùy thuộc vào nội dung hay vào đối tượng của chúng. Ví dụ: nếu sự nóng giận xảy ra vì do ghen ghét thì xấu, còn khi sự nóng giận là sự phản ứng trước một sự bất công tày trời thì lại tốt“. Chính cách thức luận lý về sự khác biệt và sự lý giải có tính cách phê bình như thế đã khiến cho tập sách nhỏ này của tác giả trở nên hấp dẫn và thích thú đối với các độc giả.

Hoye không hề có cảm tình vơi những lối nói sáo ngữ và những thành kiến bảo thủ, khi ông đề cập đến đề tài dục tính (Sinnlichkeit). Theo ông, việc đơn giản hóa con người lại như là đối tượng của dục tính là một sự „thiển cận đầy kịch tính“. „Giáo huấn của thánh Thomas Aquinô thật chính xác khi ngài cho rằng sự vui sướng khóai lạc trong vườn địa đàng – một nơi tinh thần con người luôn trong sáng – chắc chắn phải mạnh mẽ hơn nơi chúng ta ngày nay, vì lúc bấy giờ bản tính con người còn hoàn toàn tinh tuyền và khả năng cảm xúc của thân thể con người cũng còn hoàn toàn đơn thuần“.

Tiếp đến, dựa vào thế giá thánh Thomas Aquinô, giáo sư Hoye cho việc nhận thức của tinh thần bị cầm chân bởi sự khoái lạc thể xác không phải là vấn đề khả nghi. Ông viết: „Thánh Thomas dạy rằng không có gì đi ngược lại với nhân đức, khi sự tác động của lý trí thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi một điều gì đó thường xảy đến cho lý trí một cách đều đặn ôn hòa“. Nếu không, cả việc ngủ nghỉ cũng là hành động phản lại nhân đức.

Trái lại, Hoye lại nghiêm khắc phê bình chủ nghĩa khoái lạc (Hedonismus), dù hình thức chủ nghĩa ấy trong thời thượng cổ và thời đại tân tiến hôm nay có nhiều khác biệt. Ông viết: „Sự sai lầm của chủ nghĩa khoái lạc, một chủ nghĩa vốn coi một mình sự khoái lạc như là sự thiện hảo tối hậu và điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc, nằm ở chỗ là đã coi chính những đam mê như là đối tượng của luân lý, như thể cảm xúc là mục đích, chứ không phải là „bãi chiến trường“ thuần túy. Điều đó muốn nói rằng người ta đã không quan tâm tới sự tương quan đối tượng của đam mê. Trên thực tế, người ta luôn vui mừng về một điều gì đó. Như thế, những cảm giác dễ chịu hoàn toàn có thể là tốt. Sự chán nản trước một điều gì đó làm cho mình chán nản là thái độ tốt; tác động của triệu chứng về những đau đớn do bệnh viêm ở ruột già gây ra là tốt.“

Người công chính sống trong sự thật

Giáo sư Hoye đã thẳng thắn trình bày một cách rõ ràng rằng cuộc „chiến đấu đầy cam go của linh hồn“ (Platon) đã nói lên trọng điểm của việc làm thuộc phạm vi luân lý đạo đức, trong khi những hành động bên ngoài hoàn toàn chỉ là thứ yếu. Việc nhấn mạnh không chỉ chống lại tinh thần thời đại, nhưng còn chống lại nhiều quan niệm giáo dục tân tiến, những quan niệm giáo dục chỉ đặt giá trị trên cảm giác dễ chịu và trên công việc điều hành, nhưng lại hoàn toàn phủ nhận chiều kích tâm linh của con người hay bỏ qua không nhìn thấy được vì do vô tri. Việc đáng nghi ngờ và sự thiển cận của một khuynh hướng sư phạm xu thời như thế, người ta cũng nhận ra được qua hiện tượng thực tế là nhiều ý niệm về các nhân đức truyền thống hầu như không còn được sử dụng tới, chẳng hạn ý niệm „khôn ngoan.“

Trong khi đó, giáo sư William Hoye cho rằng „Điều làm cho mỗi nhân đức trở thành nhân đức thực sự chính là sự khôn ngoan.“ Theo nghĩa nhân đức thì sự khôn ngoan có thể được định nghĩa là hữu thể của lý trí, điều đó cũng có nghĩa sự phù hợp với thực tại của nhân vị. „Một người công chính – đồng thời cũng là một người khôn ngoan – sống trong sự thật và vì thế người ấy phù hợp với thực tại.“ Qua đó, theo giáo sư Hoye, sự giáo dục luân lý đạo đức là trọng tâm của sự giáo dục nói chung và của sự tự giáo dục nói riêng, và làm thành nhân đức khôn ngoan, nghĩa là có được khả năng có thể nhìn thấy được trọng tâm những thực tại bao quanh hành động của mình và để cho chúng hướng dẫn trong những quyết định về hành động.

Kết luận

Quan điểm của nhà thần học William J. Hoye được trình bày trong tác phảm được đề cập tới có thể được coi là một đóng góp thần học và đạo đức quan trọng trong những tranh luận hiện nay về các giá trị và người ta có thể nói được rằng đó là một sự cố gắng thành công, vì đã làm cho cuộc sống của chúng ta có thể tiếp cận được các nhân đức nền tảng với ý nghĩa đích thực của chúng.

__________________

Sách tham khảo:

William J. Hoye: Tugenden. Was sie wert sind – warum wir sie brauchen. Nhà xuất bản Mathias Grünewald, Mainz 2010, 136 trang.
 
Đối với Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu là kho báu được ban cho nhân loại
Bùi Hữu Thư
08:50 03/06/2010
ROME, Thứ Tư 2 tháng 6, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Gợi lại cuộc viếng thăm người chị họ Elizabeth của Đức Maria như một “hành trình truyền giáo đích thực”, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhắc lại trách nhiệm của các tín hữu là Chúa Giêsu “chính là kho báu đích thực và duy nhất” nhân loại được ban cho.

Ngày 31 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha đã hướng dẫn đêm cầu nguyện truyền thống với Mẹ Maria tại Hang Lộ Đức bên trong Hoa Viên Vatican. Khoảng 3.000 tín hữu và khách hành hương đã tham dự vào buổi tập hợp cuối cùng trong tháng kính Đức Mẹ Maria.

Trong cuộc rước khởi sự từ Nhà Thờ Thánh Stefano degli Abissini cho tới Hang Đức Mẹ Lộ Đức, tín hữu đã lần hạt Mân Côi dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Angelo Comastri, phụ tá giám quản Giáo Đô Vatican.

Trong bài diễn từ, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã giải nghĩa giai đoạn Phúc Âm của cuộc Viếng Thăm, trong đó Mẹ Maria viếng thăm người chị họ Elizabeth, như “mẫu gương trong sáng nhất và là ý nghĩa chân chính nhất của hành trình các tín hữu và của chính hành trình của Giáo Hội nữa.”

Đức Thánh Cha tiếp khi ngài gợi lại cuộc viếng thăm của Đức Mẹ như một “chuyến du hành truyền giáo đích thực.”

Đức Thánh Cha nói “Đây là một hành trình khiến Mẹ phải đi xa nhà, buộc Mẹ phải ra ngoài đời, tới những nơi xa lạ với thói quen hàng ngày, buộc Mẹ một cách nào đó đi tới giới hạn Mẹ có thể đạt được.” Ngài chúc các tín hữu hãy vươn ra khỏi chính mình để đi đến “những người khác tại các nơi chốn và khung cảnh khác nhau.”

Ngài đã khẳng định là trên hành trình, Mẹ Maria là một “bạn đồng hành”, và một “người Mẹ hằng lo lắng.” Cuối cùng Đức Thánh đã nhắc đến “ý nghĩa đích thật nhất” và “mục đích chân chính nhất của mỗi hành trình truyền giáo là: đem đến cho con người Phúc Âm hằng sống và cá biệt, chính là Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh “Chúa Giêsu là kho báu đích thực và duy nhất nhân loại được ban cho. Xã hội trong đó chúng ta đang sống, Âu Châu và toàn thế giới rất cần có Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha mong ước rằng “mang trách nhiệm chúng ta được trao phó, chúng ta sẽ sống hăng hái và vui vẻ, để cho nền văn minh của chúng ta trở nên một nền văn minh trong đó chân lý, công bình, tự do và tình yêu thống trị, và trở nên những rường cột nền tảng và không thể thay thế của một sự sống chung có trật tự và hài hoà đích thực.”
 
Top Stories
Roman Catholic bishop stabbed to death in Turkey
CNN Wire
12:52 03/06/2010
(CNN) -- A Catholic bishop has been stabbed to death in southern Turkey, the Vatican Embassy in Ankara confirmed on Thursday.

The victim was identified by the Vatican as Luigi Padovese, the apostolic vicar of Anatolia. He was assaulted on Thursday in his house in Iskenderun, located in Hatay province, the Vatican said.

Church officials expressed "shock and sorrow" over the death of Padovese, also the president of the Turkey Bishops Conference

"I can only express an immense pain over this violent act that has taken us by surprise," Vatican spokesman Father Federico Lombardi said.

"The tragedy of this event shows the difficulty that the Christian community endures in the Middle East region."

Roman Catholics in Turkey "occasionally have been subjected to violent societal attacks," according to the U.S. Commission on International Religious Freedom, a U.S. government agency.

The group's latest report cites the February 2006 shooting death of "an Italian Catholic priest" in Trabzon by a boy "angered over the caricatures of the Muslim prophet in Danish newspapers."

A 16-year-old boy was charged with murder and sentenced to jail in the act, which drew condemnations from Prime Minister Recep Tayyip Erdogan and other government officials.

In July 2009, a "mentally disturbed young man' killed Gregor Kerkeling, a Catholic German businessman in what has been described as an anti-Christian hate crime. The suspect confessed.

(Source: http://www.cnn.com/2010/WORLD/meast/06/03/turkey.priest.killed/index.html?section=cnn_latest)
 
Indonesie: Les milieux chrétiens intensifient leur pression sur le gouvernement à propos de la construction des lieux de culte
Eglises d'Asie
09:06 03/06/2010
Eglises d’Asie, 3 juin 2010 – Dans un pays à 85 % musulman, où la minorité chrétienne représente environ 10 % de la population, les questions relatives à l’harmonie interreligieuse sont sensibles. Depuis les accès de violence meurtrière qu’ont connus Célèbes (1998-2001) et les Moluques (1999-2002), les relations entre chrétiens et musulmans se sont améliorées mais l’extrême difficulté pour les chrétiens de bâtir ou d’agrandir leurs lieux de culte demeure un vrai problème. Ces dernières semaines, différents acteurs des milieux chrétiens, protestants notamment, ont appelé le président de la République à prendre ses responsabilités et à faire respecter la Constitution.

Le 1er juin dernier, le président Susilo Bambang Yudhoyono s’est exprimé devant l’Assemblée consultative populaire, la Chambre haute du Parlement indonésien. Prenant la parole à l’occasion du 65ème anniversaire du discours par lequel le premier président de l’Indonésie indépendante, Sukarno, avait introduit le concept de « Pancasila » (‘les cinq piliers’), fondement des institutions et du contrat social de l’Indonésie contemporaine, Yudhoyno a notamment déclaré que l’Etat indonésien était « un Etat démocratique (…) garantissant l’existence de tous les groupes, religions et croyances ».

Dès le lendemain, une Eglise protestante et diverses organisations de la société civile le prenaient au mot et lui demandait de garantir le droit des chrétiens d’Indonésie à bâtir les lieux de culte nécessaires à l’exercice de leur religion. Dans un communiqué en date du 2 juin, le Rév. Alexander Paulus, pasteur de l’Eglise chrétienne d’Indonésie (Gereja Kristen Indonesia - GKI) (1), a déclaré: « Nous voulons que l’Etat ainsi que les pouvoirs locaux fassent en sorte que l’Indonésie soit un pays que nous pourrons toujours appeler notre patrie (…). Selon la Constitution de 1945, l’Etat est tenu d’assurer une égalité de traitement entre tous les citoyens indonésiens. » Cette égalité est complétée par la garantie donnée à tout Indonésien de pouvoir librement pratiquer la religion qui est la sienne, garantie qui comprend le droit de construire des lieux de culte, a ajouté le pasteur protestant, soulignant que, ces trois dernières années, au moins 140 églises chrétiennes et temples hindous à travers le pays avaient été attaqués, voire complètement détruits.

A l’appui de son propos, le Rév. Alexander Paulus a cité la fermeture contrainte d’un temple protestant à Bogor, ville située au sud de Djakarta, dans la province de Java-Ouest. Après avoir satisfait aux nombreuses conditions requises par la loi sur les constructions de lieux de culte, la communauté protestante locale avait obtenu un permis de construire en 2006 et commencé la construction de son temple; toutefois, sous la pression de groupes islamistes, les autorités locales étaient revenues sur leur décision et, en 2008, avait annulé le permis de construire, entraînant la fermeture de l’église. Ailleurs, des temples protestants « ont fermé après avoir subi des attaques de la part de groupes extrémistes », alors que la police et les autorités locales ne faisaient rien, voire « soutenaient » ces groupes, a continué le responsable protestant.

Parmi les organisations issues de la société civile qui ont signé le communiqué du 2 juin, on trouve la Conférence indonésienne pour la paix et la religion, le Groupe de travail pour les droits de l’homme, ou bien encore l’Institut Setara pour la démocratie et la paix. Chercheur au sein de l’Institut Setara, Bonar Tigor Naipospos a déclaré que son organisation avait rencontré en mars dernier des représentants de la Commission pour les droits de l’homme des Nations Unies. « Nous leur avons demandé d’envoyer en Indonésie une équipe d’enquêteurs afin de rédiger un rapport officiel sur la liberté religieuse dans notre pays », a-t-il précisé, ajoutant que les chrétiens et les hindous n’étaient pas les seules victimes des extrémistes musulmans et qu’il fallait y ajouter les ahmadi (ou ahmadiyah), tenus comme hérétiques par les courants majoritaires de l’islam.

Quelques jours plus tôt, la sous-secrétaire d’Etat américaine pour la Démocratie et les Affaires mondiales, Maria Otero, était de passage dans la capitale indonésienne. Le 20 mai, elle a rencontré à huis clos une délégation du Comité indonésien des religions pour la paix (IComRP), formée de délégués musulmans, catholiques, protestants, hindous, bouddhistes et confucéens. A l’issue de la rencontre, le secrétaire général de l’IComRP, le catholique Theopilus Bela, a déclaré que toutes les informations relatives aux lieux de culte détruits ou fermés avaient été communiquées à la représentante américaine et que celle-ci avait dit qu’elle informerait le président Barack Obama de la situation. La visite d’Obama en Indonésie aidera « à améliorer les relations entre les musulmans et l’Occident et aura des répercussions positives entre les religions en Indonésie », aurait déclaré Maria Otero, en référence à la visite à Djakarta du président américain, initialement prévue en mars 2010 (2) mais reportée au 14 juin prochain.

(1) L’Eglise chrétienne d’Indonésie (Gereja Kristen Indonesia - GKI) a été formée en 1962 par l’union de trois Eglises protestantes fréquentées principalement par des Sino-Indonésiens, l’Eglise chrétienne de Java-Ouest, l’Eglise chrétienne de Java-Centre et l’Eglise chrétienne de Java-Est, union parachevée en 1988 sous une forme œcuménique.

(2) Voir EDA 526

(Source: Eglises d'Asie, 3 juin 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thiện Lâm Đà Lạt mừng 35 năm hình thành và phát triển
Hữu Phước
08:01 03/06/2010
ĐÀ LẠT - Giáo xứ Thiện Lâm được tách ra từ giáo xứ Đa Thiện vào ngày 25/5/1975 do Đức cha Batôlômệô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục giáo phận Đà Lạt, nên được mang tên Thiện Lâm. Vào ngày 31/5/1975, Đức cha Batôlômêô bổ nhiệm cha Giuse Trần Minh Tiến làm quản xứ Thiện Lâm từ đó đến nay.

Cách đây hơn 40 năm, một nhóm giáo dân từ miền Bắc di cư vào Đà Lạt và chọn vùng đất này để sinh sống, ban đầu nhóm giáo dân này sinh họat chung với giáo xứ Đa Thiện. Sau 35 năm thành lập với biết bao thăng trầm, khó khăn nhờ sự quan tâm giúp đỡ của nhiều linh mục, ân nhân, thân nhân nay Thiện Lâm trở thành một giáo xứ khá bề thế và sinh động khi có thêm nhiều anh chị em nhập cư làm ăn sinh sống, nhiều sinh viên đến học hành. Tháng 12.2007,ngôi nhà thờ mới của giáo xứ được cung hiến, trở thành mái nhà chung cho tất cả mọi người. Đặc biệt nơi đây còn là điểm dừng chân cho nhiều đòan hành hương, các hội đòan từ Bắc chí Nam khi đến Đà Lạt tham quan nghỉ dưỡng.

Đúng 10 giờ sáng Chúa Nhật 30-5-2010, Đức cha Phao lô Nguyễn Văn Hòa ( Nguyên Chủ tịch HĐGMVN- Giám mục Nha Trang) chủ sự thánh lễ tạ ơn. Đông đảo bà con giáo dân, khách mời đến từ nhiều miền khác nhau qui tụ về để cùng hiệp thông trong niềm vui của giáo xứ Thiện Lâm. Mở đầu Thánh lễ Cha quan xứ Giuse đã ngỏ lời cảm ơn Đức cha Phaolô dù đã được nghỉ hưu những vẫn không quản ngại đường xá xa xôi đến với Thiện Lâm trong ngày đặc biệt này. Để đánh dấu 35 năm hình thành và phát triển, trong thánh lễ có 35 em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô chia sẻ với cộng đòan mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, ngài nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần đối với cuộc sống của Hội Thánh và mỗi tín hữu. Với 35 em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức hôm nay sẽ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các em phải trở thành khí cụ của Chúa, phải trở thành chứng nhân của Chúa Kitô ở giữa trần gian.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị đại diện giáo dân đã tỏ bày lòng biết ơn đối với Đức Cha Phaolô lần đầu đến với giáo xứ Thiện lâm và ban Bí tích thêm sức cho 35 con em trong giáo xứ, đồng thời chúc mừng Đức cha Phaolô nhân kỷ niệm 35 năm Giám mục và 50 năm Linh mục của Ngài. Vị đại diện đã nhắc đến công ơn đối với các Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền- người đã cho phép xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên, Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm- người khai sinh ra giáo xứ Thiện Lâm và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- người đồng hành với giáo xứ suốt nhiều năm. Với cha quản xứ Giuse Trần Minh Tiến- vị đại diện đã thay mặt cho cộng đòan giáo xứ bày tỏ lòng tri ân đặc biệt vì “Cha đã dành hết tuổi thanh xuân cho giáo xứ, mặc dù này tuổi đã cao nhưng cha vẫn luôn nhiệt tình thúc đầy giáo xứ lớn lên”… Cha Giuse đã sống đúng với khẩu hiệu “ Phục vụ trong tin yêu” mà cha đã chọn.

Kết thúc thánh lễ, quí cha, quí tu sĩ và quí khách đã chung chia niềm vui trọng đại với giáo xứ Thiện lâm.

Buồi chiều cùng ngày, với sự tham gia của các giáo xứ, tại nhà thờ Thiện Lâm diễn ra buổi dâng hoa kính Đức Mẹ nhân kết thúc tháng hoa. Chiều tối nhiều bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Đà Lạt, dòng tu đã tham gia chương trình văn nghệ mừng giáo xứ Thiện Lâm 35 năm.
 
Thánh lễ Tạ ơn mừng lễ Ngọc khánh và Kim Cương tại Tòa TGM Huế
Trương Trí
08:18 03/06/2010
HUẾ - Sáng ngày 3.6. tại nguyện đường Nhà Chung tòa Tổng Giám mục tổng giáo phận Huế. Đức Giám mục phụ tá F.X. Lê văn Hồng đã chủ sự thánh lễ tạ ơn mừng Ngọc khánh linh mục của cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp (60 năm), và mừng lễ Kim cương linh mục của cha G.B. Nguyễn Cao Lộc (65 năm). Cùng đồng tế có Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đan viện phụ Đan viện Thiên an Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, các linh mục nghĩa tử và linh mục trong giáo phận, các hội dòng cũng như bà con linh tông và huyết tộc của hai cha sốt sắng hiệp dâng lời tạ ơn Chúa.

Hình ảnh Thánh lễ Tạ ơn

Trong ngôi nhà nguyện tuy nhỏ bé, nhưng với bầu khí thánh thiêng đầy nghiêm trang, mọi người vẫn không khỏi xúc động khi hai linh mục mừng lễ tạ ơn hôm nay đều đã 91 tuổi, tuổi đại thọ mà không phải ai cũng có thể mơ tới, hơn nữa lại mừng kỷ niệm 60 năm và 65 năm thụ phong linh mục, một niên kỳ xưa nay hiếm. Dù phải ngồi trên xe lăn, các ngài vẫn rất minh mẫn để cùng với linh mục đoàn đồng tế thánh lễ. Nhất là khi nghe cha giảng lễ nhắc lại quá trình hoạt động mục vụ, các ngài cũng gật đầu tỏ ý đồng tình.

Trong bài giảng chia sẽ niềm vui tạ ơn, linh mục trưởng ban Truyền thông giáo phận Huế Enmanuel Nguyễn Vinh Gioang đã nói: Hai cha cùng sinh một năm, năm 1919. Nhưng cha G.B.Nguyễn Cao Lộc chịu chức linh mục ngày 8.6.1945, còn cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp chịu chức ngày 3.6.1950. Ngài nhấn mạnh: Sau Đức Chúa Trời, là đến cha mẹ, thân phụ và thân mẫu của chúng ta. Vì thế, giáo phận Huế, qua cộng đoàn phụng vụ hôm nay, vô cùng biết ơn quý ông bà thân sinh của cha Kim cương G.B. Nguyễn Cao Lộc và cha Ngọc khánh Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp. Đồng thời hết lòng biết ơn hai giáo xứ đã dâng cho giáo phận Huế nhiều linh mục, đó là giáo xứ Dương lộc của cha Kim cương và giáo xứ chính tòa Phủ cam của cha Ngọc khánh. Là những linh mục nhiệt thành mục vụ giáo xứ, chăm lo việc giáo dục đào tạo. Các ngài đã lập nhiều giáo xứ mới cũng như mở nhiều trường học nhằm giáo dục cho thanh thiếu niên. Lòng nhiệt thành của các ngài chính là ngọn lửa mà Chúa Giêsu nói đến trong tin mừng hôm nay: “Thầy đã đến ném ngọn lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Kết thúc bài chia sẽ, cha Enmanuel nói rằng đây là một lễ rất hiếm hoi và rất giá trị. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy cầu nguyện và biết ơn các linh mục, lời cha Thánh linh mục Gioan Vianey đã nói: “Ai đón rước linh hồn của anh chị em gia nhập vào cuộc sống mới: Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng linh hồn anh chị em để cung cấp sức lực trên đường lữ hành: Linh mục. Ai đã chuẩn bị linh hồn anh chị em để trình diện trước nhan Chúa, bằng cách rửa sạch nó lần cuối trong máu Thánh Chúa Kitô: Linh mục.”

Sau thánh lễ, Linh mục F.X. Lê Văn Cao, nghĩa tử của cha Kim cương G.B.Nguyễn Cao Lộc đã thay mặt Linh tông và Huyết tộc của hai cha ngõ lời cảm ơn hai Đức cha, quý cha đồng tế, các hội dòng và cộng đoàn đã đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho các ngài nhân dịp mừng Ngọc khánh và Kim cương hôm nay. Đức Tổng Giám mục và Đức Giám mục phụ tá cùng ban phép lành cho cộng đoàn, sau đó cùng với các linh mục đồng tế đã chụp hình lưu niệm với hai cha.
 
Lễ Khấn trọn đời tại Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:24 03/06/2010
PHAN THIẾT - Sáng ngày 03.6.2010, Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, đã chủ sự lễ Khấn Dòng tại nhà nguyện Dòng MTG Phan Thiết. Cùng đồng tế có 70 linh mục trong và ngoài Giáo phận, lời cầu nguyện sốt mến của các tu sĩ nam nữ và đông đảo thân nhân ân nhân các tân khấn sinh.

Hình ảnh Lễ khấn

16 Nữ Tu Khấn Trọn Đời như những bông hoa xinh tươi điểm thêm vẻ đẹp của vườn hoa dâng hiến Mến Thánh Giá Phan Thiết. Các Nữ Tu dâng lên Thiên Chúa của lễ trọn một cuộc đời tận hiến cho tình yêu Mến Thánh Giá.

Chúa Kitô cũng Mến Thánh Giá. Không phải Chúa mến nổi cực hình nhục nhã của thập giá mà Chúa mến yêu nhân loại và Chúa chọn Thánh Giá để yêu thương cho đến cùng. Tình yêu của Chúa đang tái diễn lại trên bàn thờ nhân ngày lễ khấn dòng của các Nữ Tu. Thánh Lễ chính là hy tế cứu độ của Chúa Kitô, cộng đoàn Dân Chúa hiệp lời cầu nguyện cho các tâm hồn đang khao khát nhân đức trọn lành được no lòng thoả dạ.

“Khấn Trọn Đời” diễn tả chiều dài của lời đoan hứa dọc theo dòng thời gian “trinh khiết, khó nghèo và vâng phục”.

“Khấn Trọn Đời” cũng bao hàm cả cuộc sống chiều rộng và chiều sâu của mầu nhiệm thánh giá.

“Khấn Trọn Đời” đối với Nữ Tu luôn mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa chiều dài dọc theo thời gian là khấn cho cả cuộc đời còn lại mình. Ý nghĩa chiều rộng và chiều sâu diễn tả toàn bộ cuộc sống hướng tới sự trọn tình vẹn nghĩa với chữ yêu “Yêu như Chúa đã yêu”.

Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Nữ Tu Mến Thánh Giá. Có như vậy cuộc đời của Nữ Tu mới trở thành của lễ tình yêu để hiệp dâng với Chúa trên bàn thờ mỗi ngày.

Đó cũng là tâm tình Đức cha Giuse chia sẽ trong thánh lễ.

Chắc chỉ là tình cờ khi ngày khấn trong Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết lại trùng vào tuần thứ 9 quanh năm, và bài Tin mừng ngày thứ 5 thường niên hôm nay nói về giới luật yêu thương “Mến Chúa yêu người”.

Khi nhìn một cách tổng thể, đây là một sự tình cờ đem đến nhiều gợi ý. Sự tình cờ của một tình yêu. Hôm nay tình cờ hợp với trang Tin mừng tuyệt đẹp để lại cho chúng ta những ý nghĩa nào?

1. Mến Chúa và yêu người là giới răn trên hết.

Trình thuật Tin mừng diễn ra theo kiểu hỏi thưa và lời ông luật sĩ lặp lại lời Chúa Giêsu, giống như trong kinh Mười Điều Răn, nhiều người đã thuộc nằm lòng: “mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ, trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”. Nhưng có một chi tiết ông luật sĩ đã bỏ qua khiến Chúa Giêsu dù có khen ông khôn ngoan đi nữa, Ngài vẫn cứ phải nói thẳng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Đố cộng đoàn, cách riêng các Khấn sinh đó là chi tiết gì? Thưa, những chữ diễn tả về tình yêu và về giới răn ở đây, ta gặp thấy các chữ: hết trí, hết lòng, hết linh hồn, hết sức. Bốn chữ ấy thì ông luật sĩ lại bỏ quên chữ “hết linh hồn”, khiến tình yêu của ông dẫu có cao đẹp đi nữa xem ra vẫn chỉ dừng lại trong cuộc sống nhân sinh. Trí óc, con tim và sức lực dù sao vẫn chỉ thuộc về thân xác, trong khi đó có linh hồn vào nữa mới làm nên con người trọn vẹn. Chính với con người đầy đủ xác hồn này mà người ta sống giới luật yêu thương như là luật Chúa truyền, chứ không đơn thuần như là một nhu cầu của đời sống nhân loại hay là đòi hỏi của những mối tương giao.

Mến Chúa yêu người như vậy đã vượt lên trên cả giới răn để trở thành lý tưởng của đời tín hữu và cũng trở thành tiêu chuẩn để xoa nắn bước đi trên hành trình sống như con cái của Thiên Chúa và như anh chị em với nhau trong cùng một gia đình. Hội Dòng Mến Thánh Giá là hội dòng của tình yêu. Qua việc gắn bó với Thánh giá, chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí và hôm nay 16 chị em cam kết với Chúa Kitô, sống chết với Ngài cho đến trọn đời. Như thế không phải chỉ là 4 tiêu chuẩn mà có lẽ hôm nay phải ghi nhận thêm tiêu chuẩn thứ 5 nữa đó là: hết trí, hết lòng, hết hồn, hết sức, và hết cả cuộc đời. Đó vừa là lý tưởng chọn lựa đồng thời cũng là linh đạo của các chị em Mến Thánh Giá. Có thể nói trước đây, các chị em có thể có tình yêu và diễn tả tình yêu một cách tự do, nói theo kiểu danh xưng của các chị em, thay vì mến Thánh giá thì có thể mến đủ thứ, nhưng một khi đã khấn trọn đời rồi thì chỉ có một lối đi duy nhất là mến Thánh giá bằng “khả năng của khối óc, bằng sức vóc của đôi tay, bằng mê say của trái tim, và cũng bằng nghĩa tín của linh hồn mình”.

2. Mến Chúa và yêu người là hai mặt của cùng một giới răn. Một trong những điều nổi bật làm nên nét mới của thời Tân ước hay là thời kỳ Nước Thiên Chúa đó chính là tập trung vào giới luật yêu thương. Nếu như thời Cựu ước đã có công xây dựng “mến Chúa yêu người” như hai điều luật cận kề, trước sau đi liền theo nhau, thì thời Tân ước, với những lời dạy và việc làm của Chúa Giêsu lại hữu ý trình bày “mến Chúa yêu người” chỉ là hai mặt của cùng một giới răn duy nhất là luật tình yêu. Đã mến Chúa thì phải yêu người, và việc làm âm thầm kín đáo cho một người nhỏ nhất trong gia đình của Chúa cũng như là làm cho chính Chúa vậy. Người ta không còn biết ranh giới phân cách giữa mến Chúa và yêu người nữa, cũng không còn quan tâm tách bạch đâu là lúc mến Chúa dừng lại, và đâu là lúc yêu người khởi đầu nữa. Tất cả dường như tan chảy trong cùng một tình yêu. Thế đó, giới luật mới do Chúa Kitô đem đến và chính Ngài cũng đã chết vì yêu trên Thánh giá. Chết vì mến Chúa, mến thánh ý của Chúa Cha và vì yêu thương người, yêu thương nhân loại, muốn cứu rỗi tất cả mọi người.

Các chị em hôm nay đến với lời vĩnh khấn, đặt bước chân mình trong bước chân của Chúa Kitô, một lần khấn là một lần quyết giữ trung thành, bỏ lại sau lưng tất cả cha mẹ, gia đình máu mủ ruột rà cùng bạn hữu và những ước mơ tuổi đời tươi đẹp để gắn bó tình yêu với Đức Kitô, ôm lấy Thánh giá mà đi suốt nẻo hành trình dâng hiến, đó là mến Chúa. Nhưng chính trong sự từ bỏ nhiều khi thấm đẫm nước mắt này, các chị em lại nhận được phần thưởng gấp trăm, là một đại gia đình cộng đoàn dòng tu rộng lớn, trong đó người này đón nhận người kia bằng tình yêu chân thành và phong phú, để từ nay các chị em chẳng sợ gì gian nan, cho dẫu là gian nan về vật chất hay là gian khó về tinh thần. Vì sao vậy? Vì ở trong cộng đoàn này, trong gia đình này, tất cả đều là chị em, nếu chị ngã thì em nâng, và nếu như em có lâng lâng sắp qụy thì chị vẫn bên em tận tụy ra tay đỡ đần, và đây chính là yêu người.

Đức Cha Nicôla mỗi lần ghé thăm Nhà Dòng rồi về lại Tòa Giám Mục, thấy ngài cứ tủm tỉm cười hoài. Các Cha ở Tòa Giám Mục gặng hỏi, ngài cũng không đáp lời chỉ cười thôi, và cuối cùng chẩn đoán với nhau rằng, chắc là ngài vui vì nhận thấy các con gái của mình đề huề thương mến trong một gia đình đầm ấm.

2. Mến Chúa và yêu người trong đời thánh hiến là một dự báo cho Nước Thiên Chúa.

Người ta bảo: Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Không biết đối với Dòng khác thì sao chứ đối với Dòng Mến Thánh Giá thì thật đúng. Tu là cõi phúc, bởi vì gắn bó với một mối tình thủy chung. Tên gọi Hội Dòng vừa diễn tả vừa cho thấy một tình yêu: Mến Thánh Giá. Có chữ mến với tình yêu ở đó. Nếu gọi dài dòng ra thì người ta phải bảo, đó là Dòng của những người yêu, của những người tình, của những người say mê Thập giá Chúa Kitô. Rõ ràng là Dòng của tình yêu, của mến Chúa, của yêu người. Và nếu như ghi nhận của một văn hào: “Yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trên đời”. Ghi nhận này nếu đúng thì Dòng MTG phải coi là Dòng hạnh phúc nhất. Nhưng hạnh phúc không phải là một điều có sẵn, trái lại phải gây dựng từng ngày, phải đào bới, phải tích lũy, phải sinh lời, phải gọt giũa, phải trui rèn; các chị ở đây hiểu hơn ai hết. Khấn Trọn Đời là điểm đến của cả một quá trình tu luyện lâu dài. Nhiều khi tôi vẫn thích nói đùa với các chị, là phải sinh ra tới 4, 5 lần mới trở thành một Bà Sœur được. Người ta bình thường chỉ cần được sinh ra một lần là đã trở thành người rồi. Còn các chị em, ít ra tôi đếm phải đến 5 lần. Nào là ứng sinh - sinh lần thứ nhất, tuyển sinh - sinh lần thứ hai, tu sinh - sinh lần thứ ba, và tập sinh, rồi đến khấn sinh. 5 lần sinh ra mới thành “sơ sinh”, thành bà sœur. Hạnh phúc nhưng cũng vất vả lắm. “Hạnh phúc như ngọc trong đá, không có cho ai đi qua hững hờ; hạnh phúc như mật trong hoa, không đến với ai không nhọc nhằm tìm kiếm”. Các chị em đã vất vả kiếm tìm, và hôm nay có thốt lên lời hạnh phúc thì cũng chính là điểm đến của cả một quá trình dài lâu tu luyện và mong đợi. Đây cũng là khởi đầu cho một bước đường mới. Dâng hiến hôm nay đã lớn đã cao, dâng hiến của ngày mai vẫn tiếp tục nâng cao hoặc là tiến ở một tầm cao hơn nữa. Vất vả vẫn luôn có, đau khổ vẫn hiện diện. Và xét cho cùng, tình yêu luôn luôn đi liền với đau khổ. Đau khổ chính là biến số để kiểm nhận sự chính xác của tình yêu. Ngày nào còn đau khổ, còn vất vả ngày đó biết rõ rằng mình đang còn sống trong Dòng Mến Thánh Giá với tất cả tâm hồn của mình, cả linh hồn của mình. Có lần tham dự buổi trình diễn ơn gọi tại một giáo xứ, thấy các em nhỏ trong những bộ áo dòng xúng xính, tôi tạm gọi là các “sœur nhí” trông thật dễ thương. Xong lễ, mời một em nhỏ xíu lại hỏi xem em có thích bộ áo dòng không, em trả lời thích lắm. Thế nhưng khi hỏi thêm: lớn lên con có muốn đi tu làm bà sœur, bà phước không? em lắc đầu: không đâu, chán lắm! Đó cũng chính là những gì rất thật của đời dâng hiến. Thế đó, chiếc áo dòng chừng như hạnh phúc nhưng lại là một kiểu hạnh phúc phải đánh đổi một đời, nhưng đây cũng chính là nét đẹp và ý nghĩa của đời dâng hiến. Chẳng thế mà Công đồng Vaticanô II đã bảo: đời dâng hiến hay là đời bước lên đến đỉnh cao trọn hảo theo luật mến Chúa yêu người chính là đời dự báo về Nước Thiên Chúa mai hậu. Đời dâng hiến của các chị em chúng ta đây là dấu chỉ mở về hạnh phúc thiên quốc.

Vâng thưa cộng đoàn, cách riêng các chị em vĩnh khấn thân mến, đó là ba ý nghĩa chia sẻ ngẫu hứng từ trang Tin mừng hôm nay, cho thấy luật mến Chúa yêu người đã trở thành nẻo lối cho tất cả các chị em Dòng MTG chúng ta. Đây là những ý nghĩ gửi gắm nhân dịp các chị khấn trọn đời, cũng là xa gần nói đến lời vĩnh khấn ‘khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục”. Khi các chị em gắn kết mến Chúa và yêu người như là giới răn duy nhất để rồi quyết tâm dấn bước vào con đường sống khiết tịnh. Khi các chị em ghi nhận mến Chúa và yêu người là hai mặt của cùng một giới răn, lúc đó các chị em cách nào đó cũng đang diễn tả sự vâng phục của mình theo thánh ý Chúa. Và nhất là khi biết rằng đời mến Chúa yêu người là diễn tả về một tương lai mai hậu của Nước Thiên Chúa, ở đó các chị em cũng đã sống tinh thần khó nghèo cách trọn vẹn.

Xin cám ơn tất cả các gia đình đã quảng đại đóng góp cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết đây những thành viên tươi trẻ, ưu tú của gia đình mình để bước vào đời dâng hiến.

Xin cám ơn tất cả những ai đã góp phần giáo dục, đã góp phần vun bồi để có những hoa trái hiến dâng cho Thiên Chúa giữa lòng Hội thánh địa phương.

Và cuối cùng, xin cùng với quí cha đồng tế, quí tu sĩ, quí khách, chung lời cầu nguyện cho 16 bông hoa tiến dâng cho Chúa. Hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp. Chúc các tân khấn sinh gặt hái được hạnh phúc trong đời dâng hiến.

Đức Trinh Nữ Maria cũng Mến Thánh Giá. Mẹ đã sống mầu nhiệm thánh giá cách trọn vẹn suốt cuộc đời. 16 Tân Khấn Sinh như những bông hoa thanh khiết dâng kính Mẹ hiền.

Xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn các Nữ Tu như Ngài đã đến trong tâm hồn Đức Mẹ, giúp các chị sống ba chiều: dài,rộng và sâu của tình yêu Thánh Gía Chúa Kitô.
 
Nhật ký ngày thứ hai Cuộc Hội Ngộ Linh Mục tại Sở Kiện
ĐXT lược ghi
10:42 03/06/2010
NHẬT KÝ NGÀY THỨ HAI CUỘC HỘI NGỘ LINH MỤC TẠI SỞ KIỆN NĂM 2010

Sáng Ngày 2/6

Sở Kiện đúng là địa linh, vì hình như các đức giám mục, các cha trong ban giám đốc và giáo sư, các đại chủng sinh của trường lý đoán, các thầy giảng, các cô mụ nhà Mến Thánh Giá và giáo dân đã từng sinh sống, làm việc và thậm chí nằm xuống ở đây hơn trăm năm trước đã được đánh thức dậy, không chỉ bởi bước chân thình thịch của các Huynh Trưởng và các linh mục thuộc 10 giáo phận trong giáo tỉnh miền Bắc, mà còn bởi tiếng cười nói rộn ràng vì được gặp bao khuôn mặt thân quen, nghe bao câu chuyện thú vị, nhất là do những tiếng than thở râm ran của các vị ấy trước cái nóng như thiêu như đốt cả ngày và cả đêm hôm qua. Và đúng là những bậc cha anh có lòng nhân ái với đàn em và con cháu, các ngài đã “linh” tới mức khi mặt trời sắp sửa mọc đã cầu Chúa gởi đến Sở Kiện những làn gió mát, không chỉ để giúp những tấm thân gầy guộc hay bồ tượng vớt vát lại giấc ngủ đã mất đêm qua, mà còn hứa hẹn phe phẩy cho mọi đấng thêm dễ chịu để đi qua hết các lớp học của ngày hôm nay.

Được cha anh giúp đỡ thịnh tình như thế, các giám mục (xin đính chính lại: có cả thẩy là 14 vị, tính luôn cả 2 vị đã được phép nghỉ hưu) và các linh mục lập tức mở đầu một ngày sinh hoạt bằng giờ kinh Sáng hết sức trang nghiêm, rồi thánh lễ kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Từ bài Tin Mừng của thứ tư tuần IX Thường Niên (Mc 12,18-27) xem ra có vẻ không ăn nhập với chủ đề đã được khai triển rất hăng hái từ hôm qua (Hiệp Thông) trình bày câu trả lời của Đức Giêsu với phe Xađốc không tin có sự sống lại, đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, đã khéo léo cho thấy một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự không tin ấy là bởi người ta đã không có cái nhìn chính xác về Thiên Chúa và sự sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết, Thiên Chúa là Đấng chỉ muốn con người được sống mãi, với điều kiện phải hiểu đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống ấy vô hạn vô biên đã đành, mà còn là sự sống hiệp thông sung mãn giữa Ba Ngôi. Giáo Hội của Đức Kitô cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi luôn sống trong hiệp thông. Thật ra, Giáo Hội Đức Kitô phải sống hiệp thông vì không những Giáo Hội ấy xuất phát từ Thiên Chúa hiệp thông giữa Ba Ngôi, được thành lập bởi Đức Kitô luôn rao giảng và tìm cách thực hiện sự hiệp thông giữa loài người, được nảy nở do Chúa Thánh Thần luôn tìm cách tạo sự hiệp thông từ trong tâm hồn con người. Chưa kể Giáo Hội ấy có rất nhiều phương tiện phục vụ sự hiệp thông là các bí tích. Sau cùng, mục tiêu cuối cùng của Giáo Hội này cũng chẳng là gì khác ngoài việc quy tụ muôn loài về một mối. Đức Cha cũng không ngại nêu ra sự thật: sở dĩ có sự phân hóa trong Giáo Hội hôm nay, đó là vì đang có ba nhóm kitô hữu hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội ấy: nhóm thứ nhất gồm những người hiểu sai giáo lý của Đức Kitô, nhóm thứ hai chỉ muốn Giáo Hội hoạt động theo tính toán của nhóm mình, và nhóm thứ ba luôn tìm cách chống phá Giáo Hội. Đứng trước thực tế đáng buồn ấy, các linh mục không nản lòng bỏ cuộc mà vẫn kiên trung với ơn gọi của mình, là tìm cách sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Câu đối treo hai bên cung thánh đền thờ Sở Kiện đã diễn tả quyết tâm của các linh mục giáo tỉnh miền Bắc trước tình thế khó khăn ấy: “Hiệp thông cầu chúc người nên một, Giáo Tỉnh đồng tâm quyết một niềm”.

Bài nói chuyện của đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, trong giờ học tập và hội thảo sau đó, tưởng chừng như không liên quan gì với chủ đề Hiệp Thông, nhưng lại rất có quan hệ chặt chẽ. Khi giúp các linh mục ôn lại giáo lý căn bản của Kitô Giáo về hôn nhân và các quy định của giáo luật liên quan đến vấn đề quan trọng mà phức tạp này, Đức Cha đã gián tiếp cho thấy một cách xây dựng sự hiệp thông bền vững với Giáo Hội chính là nắm vững lập trường và quan điểm của Giáo Hội liên quan đến từng vấn đề. Không phải như một mớ lý thuyết hay luật lệ để thị uy và làm tình làm tội giáo dân, mà là để bảo vệ và phát triển hôn nhân và gia đình Kitô Giáo tới mức tốt nhất. Ý thức rõ điều ấy và nắm vững giáo luật để giúp giáo dân vận dụng vào đời sống sẽ là một cách bảo đảm sự hiệp thông của các linh mục với nhau, với các giám mục và với giáo dân. Có lẽ vì thoáng thấy sự ảnh hưởng sâu xa này nên các cha đã tích cực đặt rất nhiều câu hỏi cho diễn giả (có sự cộng tác của đức cha Gioan Maria Vũ Tất) soi sáng thêm.

Chiều Ngày 2/6

Trong giờ học tập và hội thảo ban chiều, đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa, giới thiệu vắn tắt về mục tiêu, quá trình biên soạn và ảnh hưởng được chờ đợi của bản Ratio cho chương trình đào tạo linh mục của Ủy Ban giáo sĩ và chủng viện thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau đó, thay vì trình bày hết nội dung của tập tài liệu dày ngót 300 trang ấy, ngài giới hạn bài nói chuyện vào đề tài “Linh Mục tự đào tạo trường kỳ”. Trước hết, dựa vào Mc 3,13-15, ngài ôn lại căn tính và sứ vụ của người linh mục. Linh mục là người được Chúa gọi, linh mục là người đáp lại tiếng Chúa gọi, linh mục là người được gọi để làm thành một cộng đoàn, linh mục được gọi trước hết để ở với Chúa, linh mục là người được gọi để được sai đi, linh mục là người được sai đi với năng quyền của Thiên Chúa. Từ cái nhìn về căn tính và sứ vụ ấy của linh mục, đức cha đề nghị một chương trình đào tạo toàn vẹn dựa vào tông huấn “Pastores dabo vobis”: toàn vẹn không chỉ về thời gian (đào tạo trước khi vào chủng viện, đào tạo trong thời gian ở chủng viện, đào tạo khi rời chủng viện), mà còn về nội dung (đào tạo không chỉ về mặt nhân bản, mà còn tâm linh, tri thức và cả mục vụ). Các chiều kích đào tạo này tương ứng với cái nhìn của Giáo Hội Việt Nam về bản thân mình nhân kỷ niệm Năm Thánh 2010 – một Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ hay truyền giáo: các linh mục được đào tạo để trở thành con người mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo. Cũng như tương ướng với cái nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (năm 2000) về người linh mục là con người của sự thiêng thánh, con người trưởng thành, con người của đối thoại và con người khiêm tốn phục vụ. Đức Cha còn cho thấy một số nét diễn tả tính chất của chương trình đào tạo này: đào tạo tiệm tiến, đào tạo biến đổi, đào tạo thích nghi, đào tạo mang tính vừa cộng đoàn vừa cá biệt… Trong một chương trình đào tạo đồ sộ ấy, Chúa Thánh Thần chứ không phải ai khác là nhà đào tạo chính yếu và trên hết, rồi mới đến bản thân người được đào tạo, sau cùng mới đến các thành viên trong ban đào tạo. Để kết thúc, Đức Cha còn giới thiệu một bảng xét mình khá độc đáo: xét mình về việc đào tạo của bản thân mỗi người, theo đó ở mỗi chiều kích đào tạo đều có nhắc tới mục tiêu và phương thức thực hiện. Cũng chính nhờ nội dung súc tích và nhờ ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo – nhất là tự đào tạo trường kỳ của các linh mục – cử tọa chiều nay đã không ngớt đặt câu hỏi với diễn giả, kể cả các giám mục. Thật ra, đào tạo linh mục và linh mục tự đào tạo mình chính là chìa khóa giải quyết các bế tắc trong việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không ai có trách nhiệm nhiều trong việc xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội bằng các giám mục và linh mục. Nhưng cũng không có con đường nào giúp đạt mục tiêu ấy tốt hơn là bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, bắt đầu bằng việc đào tạo bản thân mình trở thành tác nhân của sự hiệp thông.

Buổi sinh hoạt chiều nay kết thúc bằng giờ chầu Thánh Thể, mở đầu là bài hướng dẫn suy niệm Lời Chúa do đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tân giám mục giáo phận Vinh, phụ trách. Cũng theo chủ đề của ngày Hội Ngộ, Đức Cha đã đi từ một đoạn Tin Mừng Gioan đề cập đến tầm quan trọng của sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Kitô – hiệp thông sâu xa tới mức như cành với thân, hiệp thông quan trọng tới mức hoặc hiệp thông và sống hoặc không hiệp thông và chết hay chỉ đem đến những hoa trái giả tạo. Ngài cũng nêu ra bốn “căn cứ” (“lieux théologiques”) mà truyền thống Giáo Hội ưu tiên coi là nơi để hiệp thông với Chúa: lời Chúa, Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội, tha nhân – nhất là người nghèo. Dù đã có nhiều thời điểm trong lịch sử Giáo Hội người ta có thể nhấn mạnh tới căn cứ này và bỏ căn cứ kia, đưa đến chỗ xung đột và chia rẽ - như anh em Cải Cách nhấn mạnh tới lời Chúa mà quên Thánh Thể, anh em Công Giáo thì ngược lại, hoặc ngay chính trong anh em Công Giáo có người đề cao tha nhân và người nghèo tới mức quên cộng đoàn và Thánh Thể, hay ngược lại. Nhưng dần dần nhờ những “quãng lùi” người ta đã bắt đầu lấy lại sự quân bình giữa bốn “căn cứ” hiệp thông với Chúa. Thật vậy, cao điểm của sự hiệp thông – ít là trên đời này – chính là sự hiệp thông của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội với Đức Giêsu, đấng vừa ban lời hằng sống vừa hiến dâng thân mình, để phục vụ thế giới và người nghèo.

Các giám mục và linh mục chúng tôi cũng không quên thể hiện sự hiệp thông của cộng đoàn Giáo Hội – không chỉ giữa người sống với người sống, mà cả với người chết, nhất là những tổ tiên của chúng tôi trong đức tin. Thế nên, sau khi lãnh phép lành Thánh Thể, chúng tôi cùng quây quần trước tượng đài thánh từ đạo Anrê Dũng Lạc để tôn vinh ngài và tất cả các thánh tử đạo Việt Nam. Và như để làm cho những hình thức hiệp thông này không mau rơi vào quên lãng, đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên tổng giám mục Hà Nội – đã ưu ái tặng mỗi linh mục chúng tôi một pho tượng thánh Anrê Dũng Lạc bằng bột đá.

Tối Ngày 2/6

Một điều bất ngờ nhất là ban tổ chức đã có sáng kiến kết thúc ngày học tập vất vả này bằng một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn “bỏ túi”, do các cha học viên trình diễn. Đây chính là một trong những lần hiếm hoi các linh mục phục vụ bà con giáo dân, không phải bằng công việc bổn phận và chuyên nghiệp của mình như giảng dạy, ban bí tích, chỉ huy việc này việc nọ, mà bằng một việc không mấy sở trường hay nếu có, thì cũng đã xếp vào rương hòm từ khi ra trường: đó là chuyển đến cho bà con giáo dân những thông điệp rút từ tâm tư của mình bằng những bài hát, điệu múa, trình tấu, diễn hài…, lấy chất liệu từ chính đời sống mục vụ thường ngày của mình. Linh mục có cao cả tới đâu cũng vẫn là những con người với những sở thích, những đam mê, thậm chí những trò tinh nghịch và ngông cuồng ! Thật ra, theo cái nhìn của các nhà triết học hiện nay, văn hóa và nghệ thuật còn là những loại hình ngôn ngữ rất cao cấp khi diễn tả được những cái tầm thường nhất bằng những cách nhìn tinh tế và cao cả, đưa tâm hồn người ta vượt thế giới eo sèo lên tới cõi uyên. Các linh mục đã học thuộc bài tới mức diễn dịch thành văn thơ, ca nhạc, kịch nghệ… Thông thái đến đó là cùng !

Lại một ngày đầy ắp các bài học – không chỉ từ bài vở biên soạn công phu của các giám mục – mà cả từ những giờ phút phụng vụ linh thiêng và thậm chí từ những vật lưu niệm, từ những hộp sữa giải khát và những bữa cơm thân mật, những buổi tán chuyện không dứt của các linh mục, nhất là từ đêm văn nghệ để thắt chặt tình thân của các linh mục và như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa bà con giáo dân Sở Kiện, Lan Mát, Phủ Lý…! Bài học khô khan và khó nuốt ngày nào về sự hiệp thông giữa các linh mục với nhau, bắt đầu từ sự hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, dẫn đến sự hiệp thông với hết mọi người, bỗng dưng hôm nay trở nên sao mà cụ thể và dễ nhớ là thế !

(Nguồn: tgmhanoi.org)
 
Linh mục tử đạo trường kỳ
+ GM Antôn Vũ Huy Chương
10:48 03/06/2010
LINH MỤC TỰ ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ

Thông Tin Dẫn Nhập:

Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc HĐGMVN đã hoàn thành việc biên soạn RATIO về việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Trong phiên họp HĐGMVN kỳ 1/2010 vừa qua tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, cuốn “ĐÀO TẠO LINH MỤC, Định Hướng và Chỉ Dẫn” đã được tất cả các giám mục tham dự bỏ phiếu chấp thuận, sau đó đã được gửi sang Roma để Bộ Giáo dục và Bộ Truyền giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc phê chuẩn và cho phép áp dụng tại Việt Nam.

Theo Ratio nói trên, công cuộc đào tạo linh mục là trách nhiệm chung của mọi thành phần dân Chúa, là công việc phải làm TRƯỚC, TRONG và SAU thời gian được đào tạo cơ bản tại đại chủng viện theo một định hướng và trình tự thống nhất về mục tiêu và tiến trình đào tạo. Riêng đối với các linh mục, Tông huấn Pastores Dabo Vobis gọi việc đào tạo sau thời kỳ đại chủng viện là “ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ”, huấn luyện thường xuyên (thường huấn). Cũng theo Tông huấn này, vai trò số một trong công cuộc đào tại là Chúa Thánh Thần, vai trò số hai là chính cá nhân mỗi người, vai trò thứ ba là những người đồng hành (toàn thể dân Chúa, cách riêng các nhà đào tạo, chủ yếu là các linh mục). Tuy nhiên, công cuộc đào tạo cuối cùng chính là TỰ ĐÀO TẠO, không có nghĩa là tự hướng dẫn mình, nhưng là cá nhân mỗi người cần chủ động để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biết lắng nghe những người đồng hành.

Trong thời gian có hạn, xin được trình bày vắn tắt vài điểm sau đây:

1. Căn tính và sứ vụ linh mục dưới ánh sáng Lời Chúa

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”. (Mc 3,13-15).

Đoạn phúc âm trên nói lên căn tính và sứ vụ của các tông đồ mà các giám mục là những người kế vị, được hỗ trợ bởi các linh mục “là những cộng tác viên của hàng Giám Mục, để chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ của Chúa Kitô trao phó” (PO 2). Như thế căn tính và sứ vụ của linh mục, dựa trên căn tính và sứ vụ của các tông đồ, được diễn tả qua 6 yếu tố không thể thiếu một yếu tố nào:

(1) Trước hết, ơn gọi tông đồ linh mục là một hồng ân đến từ lời mời gọi của Chúa Kitô. Người “gọi đến với Người những kẻ Người muốn”. Ý muốn của Chúa Kitô chính là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Điều này đã được thánh Luca xác định chi tiết hơn trong cùng trình thuật về ơn gọi các tông đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).
(2) Trước lời mời gọi của Chúa, các tông đồ đã đáp lại: “Và các ông đến với Người”
(3) Tiếp đó, ơn gọi tông đồ không phải chỉ ban một cách riêng lẻ cho cá nhân nhưng được Chúa Kitô ban cho tập thể Giáo Hội để “lập Nhóm Mười Hai”.
(4) Mục đích của ơn gọi đó là “để các ông ở với Người”,
(5) và “để Người sai các ông đi rao giảng”,
(6) “với quyền trừ quỷ”.

Từ 6 yếu tố trên, 2 thuật ngữ truyền thống có thể tóm gọn bản chất và sứ vụ của người linh mục là: “được thánh hiến” và “được sai đi” - “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18; x. PDV 11). Trước hết linh mục là người “được thánh hiến”. Sự thánh hiến của người linh mục tùy thuộc nơi mức độ “ở với Chúa Giêsu, thuộc về Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”. Sự thánh hiến này được thực hiện một cách đặc biệt qua Bí Tích Truyền Chức. Linh mục, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần qua việc đặt tay của giám mục, được thánh hiến, được biến đổi tự bản chất để “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”. Thực vậy, “chức linh mục của các ngài tuy dựa trên những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi các Ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu: như thế các ngài giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động” (PO 2; x. LG 10).

Tiếp đến linh mục là người “được sai đi”. Sau mục đích đầu tiên của ơn gọi là “ở với Chúa Giêsu”, linh mục “được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”. Ở đây linh mục được sai đi rao giảng “trong tư cách đại diện Chúa Kitô là Đầu” (in persona Christi Capitis) với tất cả quyền năng của Chúa Kitô, “với quyền trừ quỉ” (x. Mt 10,1). Như vậy, hai yếu tố “được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” luôn gắn liền và tùy thuộc vào yếu tố thứ nhất “được ở với Chúa Giêsu - được thánh hiến”. Hiệu quả của việc tông đồ rao giảng sẽ tùy vào mức độ thánh thiện của người linh mục, tuỳ vào mức độ “ở với Chúa Giêsu - nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”.

Nói tóm lại, bản chất và sứ vụ của người linh mục chỉ có thể hiểu trong bản chất và sứ vụ của Giáo Hội với 6 yếu tố. Ba yếu tố đầu đến từ nền tảng Bí Tích Thánh Tẩy, như mọi kitô hữu, với chức tư tế phổ quát. Ba yếu tố sau đến từ nền tảng Bí Tích Truyền chức, dãnh riêng cho linh mục, với chức tư tế thừa tác.

2. Mục tiêu đào tạo linh mục

Trên cơ sở thánh kinh và thần học về căn tính và sứ vụ linh mục, có thể xác định mục tiêu đào tạo linh mục là đào tạo những “người rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay, trong tư cách đại diện Chúa Kitô là Đầu, là Mục Tử (in persona Christi Capitis) với 3 sứ mạng: Rao Giảng, Thánh Hóa, Lãnh Đạo” (x. PO 2; PDV 2; PDV 12; 14; 82). Người giáo dân cũng loan báo Tin Mừng, nhưng với tư cách là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. Còn linh mục loan báo Tin Mừng với tư cách là Đầu, là Mục Tử với 3 sứ mạng: Rao Giảng, Thánh Hóa, Lãnh Đạo. Cả 3 nhiệm vụ của Linh mục (thầy dạy Lời Chúa, thừa tác viên các bí tích, người lãnh đạo cộng đoàn) đều hướng đến mục đích Phúc âm hóa – loan báo Tin Mừng.

Tóm lại, ba yếu tố căn bản trong việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay là: “đại diện Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử” “loan báo Tin Mừng” “cho thế giới hôm nay”. Ba yếu tố này diễn tả mối tương quan của linh mục với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với thế giới hôm nay.

Bản chất và sứ vụ của linh mục “loan báo Tin Mừng” chỉ có thể hiểu được trong sứ vụ của Giáo Hội, một Giáo Hội được nhấn mạnh qua 3 đặc tính: “Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ - Truyền Giáo” (x. PDV 12).

Linh mục được đào tạo để trở thành “con người mầu nhiệm, con người hiệp thông và con người truyền giáo”.

Ba đặc tính này được phác họa cụ thể với 4 đặc tính của người linh mục Á Châu. Từ những cuộc hội thảo nhóm của Đại Đại Hội Lần VII – Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), họp tại Thái Lan 3-12/1/2000, các giám mục Á Châu đã đề nghị một hình ảnh sống động của người linh mục Á Châu hôm nay với 4 đặc tính:

Linh mục, con người của sự thiêng thánh (a man of the sacred)
Linh mục, con người trưởng thành (a man of maturity)
Linh mục, con người của đối thoại (a man of dialogue)
Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ (a man of humble service)

3. Các giai đoạn và các chiều kích đào tạo linh mục:

Việc đào tạo linh mục trong đại chủng viện là giai đoạn đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, nếu không có một phương hướng chung cho cả giai đoạn trước và sau đại chủng viện, công cuộc đào tạo không thể gọi được là “đào tạo toàn vẹn” về thời gian.

Ngoài ra, còn phải “đào tạo toàn vẹn” về nội dung, tức là về 4 chiều kích đào tạo xuyên suốt trong cả 3 giai đoạn. Bốn chiều kích đó là: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Tông huấn PDV gọi việc đào tạo về nhân bản là “nền tảng”, về thiêng liêng là “trọng yếu”, về trí thức là “thiết yếu” và về mục vụ là “mục tiêu” hướng tới của cả 3 chiều kích trên đối với các linh mục “triều”, để cuối cùng trở nên những “nhà truyền giáo”. Tất cả 4 chiều kích này liên hệ mật thiết với nhau.

Đào tạo về 4 chiều kích trong 3 giai đoạn, tuần tự nhi tiến, nhưng cùng chung một định hướng, được gọi là “đào tạo tiệm tiến”, “đào tạo thường xuyên” (trường kỳ). Điều quan trọng để biết kết quả của việc đào tạo là bản thân và người khác nhận thấy có biến đổi trong quá trình đào tạo, được gọi là “đào tạo biến đổi”. Công việc đào tạo cũng cần phù hợp với nhu cầu đa dạng, với bối cảnh con người và xã hội đổi thay, được gọi là “đào tạo thích nghi”. Việc đào tạo vừa đuợc thực hiện trong cộng đoàn vừa quan tâm đến từng cá nhân, được gọi là “đào tạo cộng đoàn và cá biệt”.

Trong công cuộc đào tạo, tuy Chúa Thánh Thần là “động lực” và những người đồng hành là “trợ lực”, nhưng bản thân mỗi người phải “chủ lực” tự đào tạo mình. Như thế, việc đào tạo cuối cùng là TỰ ĐÀO TẠO và ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ.

4. Xét mình về mục tiêu và phương thức đào tạo 4 chiều kích:

Bản tóm lược những chỉ dẫn sau đây (theo tông huấn PDV) vừa giúp linh mục xét mình, vừa giúp linh mục định hướng mục tiêu và phương thức khi giúp người khác.

* Chiều Kích Nhân Bản

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Hoàn thiện nhân cách để có thể tương giao chân thành và có trách nhiệm với mọi người.
+ Hướng đến một tình yêu có trách nhiệm và trưởng thành về mặt tâm cảm, để có thể tận hiến trọn vẹn cho Chúa Kitô và Giáo hội.
+ Muốn thế, phải có được tự do nội tâm để có thể tự nguyện tận hiến.
+ Gắn liền với tình yêu và tự do là lương tâm quen lắng nghe và thực hành những đòi hỏi luân lý.

- Phương thức thực hiện:
+ Nói chung: biết mình để phát triển toàn vẹn và hài hoà, trật tự mọi khả năng của con người.
+ Rèn luyện trí năng: phân tích, tổng hợp, nối kết, phán đoán, trí tưởng tượng, trí nhớ.
+ Rèn luyện ý chí: làm chủ bản thân, điều hướng đam mê, tình cảm và bản năng… vào việc đi tìm sự thiện và theo đuổi lý tưởng, cụ thể như tập trung mọi năng lực vào công việc đang làm. Động lực để tập luyện là tình yêu.
+ Rèn luyện thể lý: chơi thể thao và giải trí để duy trì sức mạnh tinh thần và thể lý, gìn giữ sức khỏe và nuôi dưỡng tình bạn.
+ Rèn luyện lương tâm luân lý: thích ứng với những qui tắc luân lý khách quan để phán đoán trước, trong và sau khi hành động; sống những nhân đức luân lý như: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; sự thành thực và lòng biết ơn.
+ Rèn luyện về mặt xã hội: giao thiệp với mọi người với lòng tôn trọng và yêu thương, biết đối thoại, biết quan tâm đến người khác, và thanh tao lịch sự với mọi hạng người

* Chiều Kích Thiêng Liêng

1- Mục tiêu nhắm tới:
+ Ý thức sống ơn gọi làm con Thiên Chúa: sông theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sống đức tin, cậy, mến, để mỗi ngày một nên giống Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: hiếu thảo với Chúa Cha, huynh đệ với mọi người, sống mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu Kitô.
+ Bước theo Đức Giêsu Kitô Linh mục: là Đầu và Tôi tớ, là Mục tử và Hôn phu của Giáo hội. Làm linh mục không vì mục tiêu danh vọng, thống trị, nhưng để phục vụ với con tim hiền hậu và khiêm tốn, tận hiến cụ thể qua việc sống độc thân khiết tịnh, thanh bần và vâng phục.
+ Gắn bó với Giáo hội: tin yêu và vâng lời Giáo hội; làm cho Giáo hội lớn lên bằng việc tông đồ và đời sống thánh thiện. tôn sùng và noi gương Đức Maria là Mẹ Giáo hội và là mô hình của Giáo hội.
+ Phục vụ con người: gặp gỡ mọi người để phục vụ ơn cứu độ mà TC dành cho họ, nhất là đối với những người nghèo hèn.

- Phương thức thực hiện:
+ Rèn luyện đời sống nội tâm: không những mỗi ngày chu toàn việc câu nguyện riêng và chung, mà còn cố gắng sống tinh thần cầu nguyện suốt ngày, nghĩa là, nhờ thinh lặng bên trong và bên ngoài, ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa để dâng hiến Người từng sinh hoạt hằng ngày và tâm sự với Người bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và trong mọi hoàn cảnh.
+ Trung thành suy niệm Lời Chúa và đọc sách thiêng liêng hằng ngày. Tích cực tham dự các buổi tĩnh tâm và linh thao. ĐGK là kiểu mẫu.
+ Hiểu biết và tích cực tham dự PV Giờ kinh và PV các Bí tích, nhất là BT Thánh thể và Sám hối, quan tâm đến việc viếng Thánh Thể và xét mình hằng ngày.
+ Tôn sùng Đức Mẹ qua việc lần chuỗi và sống theo gương nhân đức của Mẹ, nhất là đức tin, cậy, mến, vâng lời, khiêm nhượng và tận hiến trọn vẹn cho công trình cứu chuộc.
+ Theo dõi và hiệp thông với sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội địa phương.
+ Cởi mở và sẵn sáng tiếp nhận sự trợ lực của Giáo hội, cụ thể là các bạn hữu, các nhà đào tạo, đặc biệt là cha linh hướng.
+ Sống bác ái huynh đệ với môi người, nhất là những người nghèo khổ, hèn mọn. Bác aí có từ bên trong, đó là lòng tốt, được biểu hiện ra bên ngoài như nói tốt cho người khác, tôn trọng và phục vụ lẫn nhau.
+ Sống tiết chế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sống khiết tịnh, thanh bần và vâng phục.

* Chiều Kích Trí Thức

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Đào tạo trí thức không chỉ nhằm chu toàn một chương trình học tập, mà là đào tạo một con người linh mục trí thức.
+ Đào tạo những khả năng tinh thần để có được những khả năng và tập quán giúp ứng sinh linh mục nên người trưởng thành về trí thức.
+ Có một kiến thức vững vàng về Triết học, Thần học và văn hoá phổ quát.
+ Phát huy được khả năng truyền thông cho người khác những kiến thức phong phú của mình.
+ Tất cả đều nhằm hướng đến việc hiểu biết ngày càng thâm sâu về các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ mà trung tâm là mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Sự hiểu biết ở đây phải là một sự hiểu biết vừa bằng trí tuệ vừa bằng con tim mở rộng, để có thể vừa có cái nhìn tổng hợp và nhất quán vừa có khả năng thông truyền mầu nhiệm Thiên Chúa cho người khác.

- Phương thức thực hiện:
+ Nắm vững mục tiêu, chương trình và phương pháp của mỗi bộ môn trong chương trình học vấn.
+ Tham dự đầy đủ các giờ lớp một cách tích cực và chủ động.
+ Tận dụng giờ học riêng bằng cách hoạch định thời biểu riêng cho việc học, tạo bầu khí thanh tĩnh giúp cho dễ tập trung tư tưởng, làm quen với các phương pháp học tập. Động lực thúc đẩy việc học riêng là chính sứ vụ linh mục. Việc làm bài kiểm tra và nhận định cá nhân qua thang điểm cũng nhằm thúc đẩy việc học riêng.
+ Tiếp xúc riêng để học hỏi với các giảng viên, với các bạn bè nữa.
+ Sinh hoạt nhóm đúng đắn có thể đem lại những kết quả tuyệt hảo trong lãnh vực giúp đỡ nhau học tập.
+ Tham khảo sách báo liên hệ đến chương trình đào tạo trí thức.
+ Tích cực tham dự những sinh hoạt bổ túc như: những buổi thuyết trình, hội thảo, đi tham quan, xem truyền hình, phim ảnh với mục tiêu học hỏi chứ không chỉ để giải trí.
+ Nhằm thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa, điều quan trọng là liên kết việc nói về Thiên Chúa (học tập) với việc nói với Thiên Chúa (cầu nguyện).

* Chiều Kích Mục Vụ

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Toàn bộ công cuộc đào tạo các ứng sinh linh mục đều qui hướng về mục tiêu mục vụ, nghĩa là đào tạo họ trở thành những mục tử theo gương mẫu Đức Giêsu Kitô là Thầy (tác vụ rao giảng), là Tư tế (tác vụ thờ phượng và thánh hoá) và là Mục tử (tác vụ lãnh đạo ).
+ Mục tiêu hội nhất của đào tạo mục vụ qui hướng về việc hiệp thông với đức ái mục vụ của Đức Giêsu Kitô, với chính tâm tư và cách ứng xử của vị Mục tử tốt.
+ Đào tạo mục vụ còn nhắm giúp ứng sinh linh mục đón nhận những nguyên tắc và tiêu chuẩn hoạt động mục vụ của Giáo hội, làm quen với những phương pháp làm công tác mục vụ qua việc thực tập mục vụ, làm quen với phương hướng làm việc tập thể và khuyến khích giáo dân làm việc.
+ Hiệp thông với sứ vụ Giáo hội, đặc biệt là sứ vụ truyền giáo.

- Phương thức thực hiện:
+ Nhiệt tâm và ý thức về sứ vụ là một ơn thánh của Thiên Chúa, do đó phương cách thứ nhất là cầu nguyện xin ơn thánh trợ giúp ta có đức ái mục vụ. Trong các buổi cầu nguyện riêng, chiêm ngắm mẫu gương của Đức Kitô Mục tử tốt.
+ Có ý hướng tông đồ trong mọi sinh hoạt.
+ Tăng cường đức ái mục vụ bằng theo dõi những sự kiện quan trọng hiện nay của Giáo hội và của thế giới, và tiếp cận với những hoàn cảnh đau khổ và bất công, với những kẻ “bơ vơ như chiên không người chăn”. Học biết phân định tất cả dưới ánh sáng Lời Chúa.
+ Học hỏi các môn về Thần học Mục vụ để đón nhận nhũng nguyên tắc và tiêu chuẩn hoạt động mục vụ.
+ Tích cực thực tập mục vụ trong kỳ học cũng như kỳ nghỉ, đặc biệt trong năm “giúp xứ”, với khả năng hoàn thành công tác vừa theo sáng kiến riêng vừa phối hợp với những người khác.

Lời Cầu Nguyện Với Đức Mẹ Thay Lời Kết:

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa,
Xin Mẹ hãy nhận làm Mẹ các linh mục như đã nhận làm Mẹ Đức Giêsu Kitô.
Chúng con xin dâng lên Mẹ tước hiệu đó,
Để ca tụng lòng từ mẫu của Mẹ,
Để được kề bên Mẹ chiêm ngưỡng chức linh mục của Con Mẹ và các con Mẹ.
Lạy Mẹ là Mẹ Đức Kitô Đấng Cứu Thế,
Được Chúa Thánh Thần ngự xuống xức dầu,
Mẹ đã trao tặng cho Đấng Thiên Sai và là linh mục thân xác của Người,
Để cứu độ người nghèo và những người có lòng hoán cải.
Xin Mẹ hãy giữ gìn các linh mục trong tim Mẹ và trong lòng Giáo hội.
Lạy Mẹ là Mẹ của niềm tin và là Hòm bia giao ước.
Mẹ đã tháp tùng vào Đền Thờ Con Người là sự hoàn thành lời hứa với cha ông,
Xin Mẹ hãy giao phó các linh mục của Con Mẹ cho Chúa Cha để làm vinh danh Người.
Lạy Mẹ là Mẹ Giáo hội và là Nữ vương các Tông đồ.
Mẹ có mặt ở giữa các Môn đồ nơi phòng Tiệc ly,
Mẹ khẩn cầu Chúa Thánh Thần cho Dân Mới và những vị Chủ Chăn,
Xin Mẹ hãy khấn xin cho các linh mục được đầy mọi ân ban.
Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và là Mẹ các Linh mục.
Mẹ đã có mặt với Người ngay từ buổi đầu cuộc đời và sứ vụ,
Mẹ đã đi tìm Người lúc đang giảng dạy cho quần chúng,
Mẹ đã trợ giúp Người lúc bị treo lên cao,
Và lúc Người đã hoàn tất hiến lễ duy nhất và vĩnh tồn,
Mẹ đã có Gioan ở kề bên làm con của Mẹ,
Xin Mẹ hãy đón nhận ngay từ bước đầu những kẻ Chúa gọi.
Xin chở che phù trì cho sự tăng trưởng của những đứa con của Mẹ,
Và xin tháp tùng họ trên đường đời và đường sứ vụ.
Amen
! (Trích từ tông huấn PDV)
 
Hạnh phúc đời tu
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
10:51 03/06/2010
Bài Giảng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Cuộc Hội Ngộ Linh Mục
(Bài đọc I: Is. 61,1-3a.6a.8b-9 (lễ Truyền Dầu), Bài đọc 2 Tm 1,6-12, Tin Mừng: Mc 10,28-31)

Nói theo ngôn ngữ kinh tế hiện nay, thì Đức Giê-su quả là tuyệt vời trong nghệ thuật tiếp thị. Nếu ngày nay, người ta mời chào khách hàng hay đối tác bằng những lời hứa hẹn “một vốn bốn lời”, thì khi gọi các môn đệ đi theo mình cách đây hơn hai mươi thế kỷ, Đức Giê-su đã tuyên bố “một vốn trăm lời”. Không biết các môn đệ nghĩ gì khi nghe Thày mình nói về những lợi lộc họ sẽ được hưởng, nhưng một vài người trong họ đã hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa vật chất. Họ đã băn khoăn tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-37). Họ không chấp nhận những khó khăn thử thách, như trường hợp hai anh em Gioan và Gia-cô-bê. Khi thấy dân thành Sa-ma-ri-a coi thường và trễ nải trong việc đón tiếp mấy thày trò, hai ông đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thày, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54). Cũng chính hai anh em ông này đã mong muốn được một chỗ ngồi bên hữu và một chỗ ngồi bên tả, là hai vị trí sẽ có nhiều bổng lộc, theo quan niệm của các ông (x Mc 10,35-40). Đó cũng là trường hợp của hai môn đệ trên đường E-maus. Hai ông đã trở về với chốn cũ quê xưa trong thất vọng não nề, vì hai ông không thấy những quyền lợi mà hai ông mong đợi.

Các môn đệ của Đức Giê-su cuối cùng cũng nhận ra những cái “gấp trăm” mà Thày mình đã hứa, nhưng họ chỉ nhận ra sau này, khi Thày mình từ cõi chết sống lại. và phần thưởng “gấp trăm” ấy, các ông lại nhận một cách đặc biệt khi các ông lấy mạng sống mình ra để làm chứng cho Đức Giê-su, Đấng đã bị lên án tử, mà hiện đang sống giữa cuộc đời, nhất là giữa cộng đoàn của những kẻ tin.

Kính thưa các Cha,

Chúng ta là những người đã lên đường theo tiếng gọi của Đức Giê-su và của Giáo Hội. Trong thiên chức Linh mục, chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa để làm cho ơn cứu độ đến với muôn người. Những khó khăn thử thách của bậc sống độc thân, những vất vả lo toan của bổn phận, những áp lực công việc từ nhiều phía… có những lúc làm chúng ta không thấy được cái “gấp trăm” mà Thày Chí Thánh đã hứa. Tuy vậy, chắc chắn mỗi chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm đời tu thật ngọt ngào và hạnh phúc. Bởi lẽ lời hứa “gấp trăm” của Đức Giê-su không phải chỉ là một ảo tưởng xa vời, nhưng Người đã nhấn mạnh, đó là những phần thưởng “ngay bây giờ, ở đời này”.

Quả vậy, chúng ta thấy hạnh phúc đời tu khi chúng ta nhận ra mình không đơn lẻ, nhưng có Chúa luôn đồng hành, nhờ đó đời sống độc thân vì Nước Trời sẽ bớt cô đơn.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy sự hiện diện của mình thật có ý nghĩa với cộng đoàn giáo xứ, nơi mình được sai đến phục vụ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta nhân danh Đức Giê-su để chúc lành, tha tội và thảo gỡ biết bao người bị tội lỗi ràng buộc.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi tìm về cho Chúa một con chiên lạc, khi củng cố đức tin một người đang chao đảo mất hy vọng trong cuộc sống.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi góp phần gắn kết những mâu thuẫn chia lìa giữa những cá nhân hoặc những dòng họ trong Giáo xứ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy một cộng đoàn đông đảo được hồi sinh và nuôi dưỡng nhờ những hy sinh phục vụ của mình.

Chính những lúc đó, chúng ta được thưởng “gấp trăm” như lời Đức Giê-su đã hứa. Thật lạ lùng khi chúng ta chỉ mất một mà được một trăm, “một vốn trăm lời”. Tuy vậy, cái “một phần” của chúng ta, cái vốn đầu tư để có được lời gấp trăm kia có những lúc không được “đầu tư” trọn vẹn. Lời tuyên thệ “từ bỏ” ngày được rửa tội, lời tuyên thệ tận hiến hy sinh của ngày thụ phong Linh mục không phải lúc nào cũng được chuyên tâm gìn giữ. Vì lẽ đó mà có những lúc chúng ta giống như những thương gia không chịu bỏ một vốn mà vẫn đòi phải có một trăm lời. Và Thiên Chúa thật là kỳ diệu, Ngài vẫn cho chúng ta nhận phần lời gấp trăm lần mặc dù có những lúc chúng ta vẫn dùng dằng chưa chịu bỏ một phần vốn đầu tư vào đó. Ngài vẫn phủ kín đời ta bằng biết bao hồng ân mặc dù chúng ta bất xứng. Ngài vẫn ban những hiệu quả thiêng liêng khi chúng ta cử hành các bí tích, mặc dù chúng ta còn đầy bất toàn. Như Phê-rô đã quả quyết với Thày mình: “Thày coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày” (c 28), ước chi mỗi người chúng ta cũng quảng đại theo Chúa với tinh thần của Phê-rô để chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Người.

Và, kính thưa các Cha, hôm nay, phần thưởng mà Chúa đã hứa cho những ai sẵn sàng tử bỏ làm môn đệ Người được thực hiện cụ thể nơi chúng ta. Sở Kiện là nơi gặp gỡ của hơn sáu trăm những người anh em con một nhà. Nơi đây chúng ta được sống tình hiệp thông, tình huynh đệ và tình Giáo Hội. Chúng ta không chỉ có một trăm anh em, nhưng sáu trăm những người cùng chung một lý tưởng sống đời phục vụ. Những ngày gặp gỡ này là dịp để chúng ta nâng đỡ nhau trong việc thực thi bổn phận. Hình ảnh ngày Hội ngộ các Linh mục hôm nay chính là bằng chứng sống động về phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su đã hứa.

Trong số những phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su hứa ban cho những ai đi theo Người, có kèm theo “sự ngược đãi”. Các môn đệ đã sớm kinh nghiệm được điều này qua những cuộc bách hại gay gắt của người Do Thái. Các ông cũng nhận ra phần thưởng ngay trong chính sự bắt bớ đó. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại, Phê-rô và Gioan, khi bị gây phiền nhiễu, đã vui mừng vì được chịu đau khổ vì Đức Giê-su (x Cv 5,41). Cũng như thập giá đã gắn liền với Đức Giê-su, thập giá cũng luôn gắn liền với những ai muốn làm môn đệ Người. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).

Cuộc Hội ngộ Linh mục được tổ chức vào thời điểm có nhiều biến cố xảy đến cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, trong đó có những vụ bê bối lạm dụng tình dục mà một số Linh mục là thủ phạm. Trước những biến cố này, đôi lúc chúng ta cảm thấy hoang mang lo sợ. Tuy vậy, thật là bất công nếu chỉ chú ý đến một số trường hợp cá biệt mà quên đi một số đông anh em Linh mục đang tận tâm hy sinh phục vụ Tin Mừng. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: “Một cây lớn đổ xuống gây nhiều tiếng động xôn xao, nhưng biết bao cây trong rừng đang lớn lên mỗi ngày lại rất âm thầm lặng lẽ”. Một số trường hợp cá nhân không thể làm lu mờ hình ảnh biết bao Linh mục thánh thiện đã và đang dấn thân trong mọi môi trường xã hội và Giáo Hội hôm nay. Dẫu sao, chúng ta có thể đón nhận ý Chúa qua những vụ việc đã xảy ra. Phải chăng Chúa muốn các Linh mục hãy nhìn lại chính mình để sống đời chứng tá một cách hữu hiệu hơn. Phải chăng đây là lúc mỗi chúng ta phải nhìn lại cung cách phục vụ của mình. Người Âu châu có câu ngạn ngữ: “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Trong Năm Linh mục cũng như mãi mãi trong cuộc sống, ước chi mỗi Linh mục trong Giáo Tỉnh Hà Nội sẽ là một cây nến sáng để chiếu rọi cuộc đời, mặc dù còn nhỏ nhoi và khiêm tốn, nhưng phần nào góp phần tỏa sáng niềm tin trong xã hội hôm nay.
 
Cha Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh: Mẫu gương đời Linh mục
+ GM Gioan Maria Vũ Tất
10:54 03/06/2010
Bài Giảng Trong Thánh Lễ Bế Mạc Hội Ngộ Linh Mục Tại Vĩnh Trị
(Ngày 03/06/2010)


Kính thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa,

Hôm nay tất cả chúng ta vui mừng phấn khởi vì được nhìn thấy con số đông đảo các linh mục về Vĩnh Trị để bế mạc những ngày Hội ngộ linh mục toàn giáo tỉnh Hà Nội, bằng cuộc hành hương hưởng ứng Năm Linh Mục của Giáo hội toàn cầu và Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam. Sở dĩ hành hương đến đây, vì Vĩnh Trị là nơi có chủng viện đầu tiên đào tạo các linh mục trên đất Bắc Việt. Chủng viện tiên khởi này lại đã có một vị giám đốc, là gương mẫu Linh Mục điển hình của Giáo Hội Việt Nam đó là Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Ngài đã đào tạo các linh mục tương lai không những bằng lời giảng dạy, mà còn bằng gương sáng trọn đời trung tín với sứ vụ linh mục, cho tới đỉnh điểm là cái chết tử đạo, thực hiện từng chữ lý tưởng Tư tế của Tân Ước “Sacerdos et Victima : vừa là Thầy tế lễ vừa là Lễ vật hiến tế”. Về nơi đây để nhìn ngắm những hiện vật và suy niệm những bút tích ngài để lại, thật xứng đáng là bài học sống động cuối cùng cho cuộc hội ngộ linh mục của chúng ta.

Trong tinh thần cử hành Năm Thánh 2010, theo chủ đề Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, ta hãy cùng nhau suy niệm Lời Chúa và nhìn vào gương sống của vị Thánh tiền nhân để rút ra bài học cho linh mục hôm nay.

Như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a tự sự trong Bài đọc I ta vừa nghe, Phao-lô Lê Bảo Tịnh cũng được ơn Chúa kêu gọi từ thuở ấu thơ. Nhận thấy mình trí khôn bình thường, nên để đáp lại hồng ân Chúa, Phao-lô rất chăm chỉ học tập, ham mê đọc sách rất nhiều, nhất là chịu khó luyện tập nhân đức, ham sống thinh lặng cầu nguyện. Sau này Phao-lô đã trở thành “linh mục thánh thiện khôn ngoan nhất trong số các cha thời ấy” như lời Đức Cha Retord (Liêu) địa phận Tây đàng ngoài nhận định (“Sách Truyện các Thánh Tử đạo VN”, Đ.H.Y Giu-se M. Trịnh Văn Căn, Hà Nội 1990, tập II tr. 165).

Dầu đã trải qua nhiều năm sống tù đầy vì đạo và có tiếng là khôn ngoan thánh thiện như vậy, nhưng khi được gọi chịu chức thầy Phao-lô đã nài xin Đức cha tha cho (Sdd tr.147), vì thầy ý thức rất rõ về tính mầu nhiệm thánh thiêng của thiên chức linh mục và thấy mình bất xứng. Thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney nói: “Ôi cao quý thay Thánh chức Linh mục. Linh mục sẽ không thể hiểu được Thánh chức của mình cho đến khi lên thiên đàng. Nếu linh mục có thể hiểu được khi ở thế gian, ngài sẽ chết mất; không phải vì sợ hãi, nhưng chết vì tình yêu” (Bài giảng về chức Linh mục của Thánh G.M. Vianney).

Một khi phải vâng lời bề trên chịu chức linh mục, cha Phao-lô Tịnh luôn thể hiện ý thức về tính chất mầu nhiệm của tác vụ linh mục, để sống xứng với chức thánh. Vì thế ưu tiên số một trong ngày sống của ngài là các việc thiêng liêng. Hằng ngày ngài trung thành dậy sớm nguyện ngắm và suy niệm Lời Chúa. Trước khi đi ngủ, ngài nguyện ngắm lần nữa, và thỉnh thoảng ngài cũng dậy ban đêm mà cầu nguyện (Sdd tr.149). Ngài ý thức rằng cầu nguyện là nguồn ơn sức nhiệm mầu cho tất cả hoạt động mục vụ trong ngày, theo gương Chúa Giê-su sáng sớm đi vào nơi thanh vắng cầu nguyện để tiếp sức cho công việc giảng dạy suốt ngày (Mc 1, 35).

Ngài khuyên dạy các chủng sinh những chi tiết hết sức thực tế mà ngài đã kinh nghiệm khi cử hànhThánh lễ: “Sau này, có ai trong chúng con được bước lên bàn thánh, thì phải làm lễ thật sốt sắng, phải nhịn những chú giúp lễ vì ai cũng có những lúc thiếu sót, lại phải cầm trí mà đọc vào sách lễ cẩn thận, đừng lắp bắp đọc thuộc lòng là điều không xứng đáng, vì Thiên Chúa ban cho ta có hai mắt thì phải dùng mà cầu nguyện tôn vinh Chúa. Khi trời nóng nảy, đừng ai làm lễ vội vàng, sợ rằng bổn đạo tưởng lầm là cụ vội vã cho xong để về nghỉ ngơi uống chén nước trà” (Sdd tr. 150).

Ngài xác tín tất cả những việc mục vụ khác của người tông đồ đều phát sinh hiệu quả từ đời sống cầu nguyện. Ngài nhắc bảo các thày giảng rằng: “Người ta được ơn trở lại phần nhiều là vì nhờ lời cầu nguyện, chẳng phải vì lời giảng dạy. Cho nên dù khi chúng con đã đi giảng đạo thì cũng phải chăm chỉ đọc kinh cầu nguyện xin Chúa soi sáng mở lòng cho kẻ có tội và kẻ chưa biết Chúa được ăn năn trở lại. Phải có ơn Chúa giúp thì những người ấy nghe lời chúng con giảng giải mới động lòng muốn tìm đến với Chúa” (Sdd tr. 151). Phải chăng đó là bài học thiết thực “vị Thánh Linh mục Gio-an M. Vianney Việt Nam” dạy bảo các linh mục chúng ta theo gương ngài sống chiều sâu mầu nhiệm trong cuộc đời mục vụ; lội ngược dòng với trào lưu thực dụng thời buổi hiện đại quá quen với hoạt động ồn ào bên ngoài, có khuynh hướng ngoại giới hóa cả những sự mầu nhiệm thánh thiêng nhất trong đạo.

Trong đoạn trích thư gửi giáo đoàn E-phê-sô công bố trong Bài đọc II, Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên nhủ các tín hữu “hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần”; mỗi người hãy lo “chu toàn chức vụ của mình, xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho tới khi mọi người chúng ta hợp nhất trong Đức Tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa”. Để sống chiều kích hiệp thông Giáo Hội đó, Thánh Tông đồ dạy mỗi người phải “hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái”, nhìn nhận chỉ có một Thân thể duy nhất mà mỗi cá nhân là một chi thể được Đức Ki-tô là Đầu ban cho thi hành một chức năng phục vụ cho toàn thân. Do đó mỗi phần mình phải liên kết chặt chẽ với Đầu, từ đó mới có thể liên kết chặt chẽ với nhau.

Cha Thánh Phao-lô Tịnh đã sống mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô đặc biệt trong Thánh lễ mỗi ngày. Ngài kết hợp với sự thương khó Đức Ki-tô dâng mình làm của lễ hy sinh và hằng trông mong được phúc tử đạo. Ngài còn sống mối dây kết hợp với Đức Ki-tô cụ thể bằng sự vâng lời bề trên đại diện Chúa. Ngài dạy chủng sinh “phải thực lòng cung kính vâng phục các đấng bề trên. Dù khi có lẽ mà nghĩ rằng các đấng bề trên nhầm chăng, thì cũng phải vâng phục, đừng cãi lại; có cần thưa lại điều gì, hãy đợi cho xong lúc ấy mới nên thưa”(Sdd tr. 153). Ngài đã làm gương vâng phục, đã bỏ ý thích riêng muốn đi tu rừng để theo ý Đức Cha về phục vụ tại chủng viện, đã vâng lời liều mạng đảm nhận các việc rất hiểm nguy trong thời sự đạo bị cấm ngặt.

Ngài cũng luôn quan tâm tới sự hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô và tạo mối liên hệ tốt với xã hội dân sự, ngay cả trong hoàn cảnh lưu đầy tù ngục. Khi bị bắt lần thứ nhất và bị kết án đi đầy ở Đàng Trong, Thầy Tịnh đã chữa bệnh làm phúc cho một số vị quan quyền đang hành quyền bắt đạo. Thầy đã cảm hóa được họ sau này đối xử nhân đạo hơn với người Ki-tô hữu (Sdd tr.146). Khi bị bắt lần thứ hai, bị nhốt trong lao tù cực khổ, Cha Tịnh vẫn tích cực tạo mối hiệp thông Ki-tô hữu, thăm hỏi động viên các bổn đạo trong tù vững lòng xưng đạo ra, giúp đỡ những bạn tù thiếu thốn hơn mình. Nhất là ngài đã viết những lá thư trong tù đầy tâm huyết nối kết mối hiệp thông với các học trò của ngài ở chủng viện Vĩnh Trị (Sdd tr. 160).

Ngày nay tình liên đới nhân loại đang bị xâu xé bởi lối sống ích kỷ cá nhân, bởi thành kiến độc đoán, bởi bè phái, bởi kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Đối lại, theo gương Cha Thánh Phao-lô, hàng linh mục chúng ta quan tâm xây dựng hình ảnh một gia đình Giáo Hội hiệp thông, bằng sự vâng phục hiếu thảo với Đức Thánh Cha và các Đức giám mục. Đồng thời người Ki-tô hữu mở rộng quan hệ tốt đẹp với hết mọi thành phần dân tộc, để mở đường thuận lợi cho Tin Mừng thấm nhập môi trường văn hóa xã hội trên quê hương đất nước.

Bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an nhắc đến nguồn gốc sứ vụ của Giáo Hội: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”(Ga 15, 16). Chính Chúa Ki-tô đã tuyển chọn các Tông đồ, và sẽ tiếp tục tuyển chọn những người kế vị Tông đồ trong Giáo Hội, như Thiên Chúa đã tuyển chọn các ngôn sứ trong thời Cựu Ước, để trao cho một sứ vụ phải hoàn thành. Sứ vụ đó thường vượt quá sức con người tự nhiên và làm cho các ông khiếp sợ. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong Bài đọc I là một thí dụ. Nhưng nếu các ông khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa trợ giúp, và thi hành sứ mệnh với niềm xác tín, sẵn sàng đương đầu với mọi thách đố kể cả hy sinh tính mạng, Chúa sẽ cho các ông sẽ đạt được kết quả và hoàn thành xuất sắc sứ vụ được trao.

Thánh Phao-lô Tịnh khi còn ở bậc thày giảng đã dấn thân vào sứ vụ truyền giáo không những cho đồng bào quê hương mà còn vượt rừng thiêng nước độc sang cả đất nước Lào láng giềng (Sdd tr.140). Khi làm linh mục ngài nêu gương tận tâm thi hành sứ vụ tư tế trong việc chu toàn bổn phận thánh hóa đoàn chiên, chuyên cần soạn giảng, chịu khó ngồi tòa giải tội (Sdd tr. 154). Khi gặp hoàn cảnh gian nan cấm cách, ngài vẫn can đảm thi hành sứ vụ rao giảng. Bị bắt vì đạo lần thứ nhất, ngài mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin, lại còn thừa dịp phải ra công đường để giải nghĩa lẽ đạo cho quan quyền (Sdd tr. 143 ), khi bị giam trong ngục thì tích cực truyền giảng cho các bạn tù (Sdd tr. 145). Ngài bị bắt lần thứ hai là do ngài ý thức sứ vụ mục tử, trách nhiệm bảo vệ chủng viện, nên ra mắt quan quân để lựa lời xin cho nhà chung đỡ bị phá phách tệ hại (Sdd tr. 156). Ngài sẵn sàng nộp mình chịu tử đạo để thi hành sứ vụ hy sinh cứu chuộc kết hợp với lễ hy sinh của Đức Ki-tô trên Thánh giá. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Trước khi chịu chém ngài còn giảng đạo cho công chúng lần cuối (Sdd tr. 162).

Anh em linh mục quý mến,

Trong Năm Thánh 2010 này, chúng ta hành hương về Vĩnh Trị này như trở về cội nguồn, để cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhìn về lịch sử sống đạo trong quá khứ, mà dâng lời cảm tạ Chúa vì những gương anh hùng tiền nhân để lại, cách riêng các vị mục tử trong đó có Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Đối chiếu những gương sáng đó với tình trạng hiện tại của hàng ngũ mục tử, mỗi linh mục chúng ta rút ra những bài học áp dụng cho tương lai từ đây về sau.

Là Ki-tô hữu chúng ta cùng điều chỉnh lại sống sâu đậm tinh thần mầu nhiệm hiệp thông với mọi tín hữu trong Giáo Hội tại Việt Nam; nhưng là Linh mục, chúng ta phải lấy sứ vụ mục tử là mục đích của đời mình. Thánh Âu-tinh đã nêu lên nguyên tắc trong câu nói bất hủ: “Cùng với anh chị em tôi là tín hữu Chúa Ki-tô, nhưng để phục vụ anh chị em tôi là giám mục”. Sở dĩ chúng ta được Chúa tuyển chọn làm linh mục là để hết mình phục vụ anh chị em trong sứ vụ mục tử. Tất cả cuộc đời linh mục là để cống hiến cho chương trình mục vụ. Cầu nguyện cho mục vụ, cử hành phụng vụ bí tích vì mục vụ, học tập cho mục vụ, rèn luyện sức khỏe để làm mục vụ, giao tế xã hội nhắm lợi ích mục vụ, sinh hoạt thường ngày cũng theo kế hoạch mục vụ: ăn mục vụ, uống mục vụ, ngủ mục vụ, chơi mục vụ, thăm viếng mục vụ…nhất cử nhất động đều vì mục vụ. Và cuối cùng đến cả cái chết của linh mục cũng mang đầy ý nghĩa mục vụ, như lời Thánh Phao-lô Tông đồ nói: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa”(Rm 14, 7).

Hạnh phúc thay cuộc đời linh mục được kết thúc bằng cái chết tử đạo trong chương trình sứ vụ hy sinh cứu chuộc như Cha Thánh Phao-lô Lê bảo Tịnh. A-men.
 
Bế mạc cuộc Hội Ngộ Linh mục giáo tỉnh Hà nội tại Vĩnh Trị
ĐXT lược ghi
10:59 03/06/2010
VĨNH TRỊ - Ngày 3/6/2010 -- Đúng 7 giờ sáng mọi xe bốn bánh và hai bánh đều xuất phát, tiến thẳng tới giáo xứ Vĩnh Trị, thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay. Như đã nói trong Nhật Ký ngày đầu tiên, không thể nói tới Nhà Chung Kẻ Sở mà không nói tới Nhà Chung Kẻ Vĩnh, hay liên quan tới các linh mục trực tiếp hơn, không thể nói tới Trường Lý Đoán Kẻ Sở mà không nói tới Chủng Viện Vĩnh Trị hay Tràng Vĩnh. Chỉ từ năm 1861 thủ phủ của giáo phận Tây Đàng Ngoài mới chuyển về Kẻ Sở, còn trước đó từ năm 1719 tới 1860 thủ phủ ấy đặt tại Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), một đàng vì địa thế thuận lợi (là một địa phương nằm ven sông Đáy, tiếp giáp các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, có cả đường sông lẫn đường bộ), đàng khác đây là một giáo xứ toàn tòng Công Giáo vừa siêng năng đạo đức vừa tôn quý các đấng. Chả trách là ngay từ đầu đường cái vào thôn đã thấy có người chờ đón rước và tiến vào giáo xứ là cả hai hàng người, nam phụ lão ấu, phất cờ và tung hô, phụ họa với tiếng kèn tiếng trống.

9g kém 15 đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục Bùi Chu – giáo phận cùng chia nhiều phần địa lý nhất với giáo phận Hà Nội về mạn nam (tỉnh Nam Định) – đã tranh thủ từng phút để hướng dẫn các linh mục chúng tôi làm mới lại xác tín: muốn xây dựng sự hiệp thông sâu xa và bền vững trong Giáo Hội như chủ đề xuyên suốt mấy ngày qua, không có con đường nào cụ thể và sống động hơn là trở về với trường lớp của cha ông chúng ta ngày xưa – trường lớp dạy yêu Chúa và phục vụ con người bằng cách sống Tin Mừng một cách trung thực tới mức nếu cần, sẵn sàng tử đạo. Và như để minh chứng con đường tu đức và tông đồ này hoàn toàn đúng đắn, Đức Cha đã mời gọi chúng tôi trở về với biết bao giáo huấn và gương sáng của chính Đức Giêsu được ghi lại rõ ràng trong Tin Mừng, đồng thời dẫn chứng đó cũng chính là cơ sở cho các thánh tử đạo Việt Nam dựa vào để chấp nhận tử đạo. Các ngài không chỉ làm một việc anh hùng, mà còn làm một việc theo gương sáng và lời dạy của Đức Giêsu. Từ đó, ngài hy vọng không còn ai trong chúng tôi mơ tưởng một con đường sống ơn gọi và thi hành sứ mạng nào khác ngoài con đường chính Đức Giêsu đã đi và các bậc tiền bối chúng tôi đã nối gót: con đường đau khổ và tử nạn. Những cuộc hành hương về những linh địa như Sở Kiện hay Vĩnh Trị như để củng cố thêm niềm tin của các linh mục chúng tôi – đặc biệt các thế hệ trẻ sau này – vào giá trị của Thập giá trong công cuộc xây dựng sự hiệp thông của Giáo Hội.

9g30: Sau bài chia sẻ của đức giám mục giáo phận Bùi Chu, anh em chúng tôi cảm thấy giờ tan cuộc Hội Ngộ đã gần đến, nhất là khi đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc Hội Ngộ Linh Mục giáo tỉnh Hà Nội, xuất hiện để hướng dẫn tổng kết Hội Ngộ. Mặc dù ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được những góp ý chính xác hơn trong bản Thăm Dò Ý Kiến mà các linh mục sẽ nộp lại một ít phút nữa, nhưng đức giám mục Thanh Hóa vẫn muốn nghe ý kiến của một vài vị. Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm, cho biết rằng nguyên sự thành hình cuộc Hội Ngộ này hay nguyên sự có mặt của các giám mục và linh mục trong giáo tỉnh tại Sở Kiện và Vĩnh Trị cũng là một cách xác nhận nhu cầu và khả năng hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Đó còn là một cách đáp ứng nguyện vọng không chỉ của các giám mục và linh mục, mà của cả bà con giáo dân khắp nơi: nguyện vọng cho hàng chủ chăn Giáo Hội có nhiều dịp hâm nóng ơn gọi của các ngài, từ đó tôn vinh Đức Kitô, phục vụ Giáo Hội và con người tốt hơn. Một linh mục từ giáo phận Vinh, rồi một linh mục khác từ giáo phận Hải Phòng, cả hai đều nói lên tâm tình hầu chắc là của mọi linh mục tham dự cuộc Hội Ngộ: hạnh phúc vì không những được biết những khuôn mặt lạ, mà nhất là vì được thông cảm – kể cả khi giọng nói hai bên chưa hoàn toàn dễ nghe dễ nắm bắt. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục giáo phận Thái Bình, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đúng là tay chuyên săn bắt như thánh quan thầy của ngài, không bỏ lỡ cơ hội để kêu gọi sự cộng tác giữa các ban truyền thông của các giáo phận trong giáo tỉnh, không phải vì Giáo Hội Việt Nam vừa chứng kiến những tác động tích cực lẫn tiêu cực của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đối với đời sống đức tin của dân Chúa, mà sâu xa hơn còn vì bản thân Thiên Chúa Ba Ngôi đã luôn tham gia hoạt động truyền thông: Trong sự kết hợp mật thiết không ngừng, Chúa Cha truyền thông chính bản thân mình cho Chúa Con, Chúa Con tiếp thu sự truyền thông vô giá ấy và cùng với Chúa Thánh Thần truyền thông cho loài người. Hoạt động truyền thông không phải là một trong các hoạt động của Thiên Chúa mà là tất cả hoạt động của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm gì cũng đều nhằm truyền thông cho con người. Sở dĩ Thiên Chúa tập trung và quan tâm cao độ như vậy đối với việc truyền thông, đó là vì Thiên Chúa không truyền thông điều này việc nọ mà là chính bản thân Ngài, nguồn đem lại sự sáng và sự sống. Giáo Hội, các giám mục và linh mục cũng đang được ủy thác tiếp tục công việc truyền thông này vì ích lợi của con người. Các ngài sẽ không chỉ làm việc này qua bài giảng hay bài viết, mà qua tất cả mọi việc làm, mọi cử chỉ, thậm chí cả y phục, cách trang hoàng nhà thờ, các nghi tiết phụng vụ… vì tất cả đều là các loại hình ngôn ngữ nhằm truyền thông sứ điệp cứu độ cho người khác. Chia sẻ của Đức Cha muốn đưa chúng tôi đi xa hơn để thấy rằng ngay cuộc Hội Ngộ của chúng tôi cũng là một sinh hoạt truyền thông với Chúa, với nhau và với người khác; và từ đó cần phải ý tứ mỗi khi hoạt động vì hoạt động nào cũng ít nhiều mang tính truyền thông.

Kết thúc phần tổng kết là bài tổng kết của đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, phó ban tổ chức cuộc Hội Ngộ. Ngài đi từ một cảm nhận rất rõ về sự phong phú tràn ngập khắp nơi trong cuộc Hội Ngộ, từ phong phú về con người (lai lịch, tuổi tác, chức vụ, trình độ, kinh nghiệm…) tới phong phú về nội dung làm việc (các đề tài chia sẻ của các giám mục, các sinh hoạt phụng vụ, cả những sinh hoạt thư giãn và văn nghệ…), để ghi ơn tất cả mọi người đã góp phần vào cuộc Hội Ngộ, từ các giám mục, đến các linh mục và giáo dân, cách riêng những người tham gia trực tiếp hơn vào việc tổ chức như các linh mục và giáo dân tại Sở Kiện và Vĩnh Trị, và thật bất ngờ ngài cám ơn cả công ty rượu lễ De Missa từ giáo phận Phú Cường đã gởi biếu rượu làm thức uống suốt mấy ngày Hội Ngộ (dù không ai phủ nhận ý đồ quảng cáo rất chính đáng của công ty!). Những nhận xét này của Đức Cha đã làm cân bằng những nhận xét tuy thoáng qua nhưng rất trung thực của đức cha trưởng ban trước đó: không ai phủ nhận ích lợi và giá trị của cuộc Hội Ngộ, nhưng chắc chắn phải phân tích kỹ lưỡng hơn và đánh giá sát sao hơn để có thể cải thiện những cuộc Hội Ngộ, nếu có, trong tương lai như chưa dành thời gian đủ cho việc đối thoại giữa các linh mục và giám mục, chưa có sự phối hợp đồng bộ lắm giữa các ban…

Để kết thúc phần tổng kết, đức ông Hiêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh của giáo phận Thái Bình thay mặt tất cả các linh mục ngỏ lời cám ơn với các giám mục – không chỉ có sáng kiến tổ chức, mà còn đóng vai trò tích cực trong các sinh hoạt của cuộc Hội Ngộ từ thuyết trình đến giảng lễ, từ làm linh hoạt viên (theo thiển ý của người lược ghi nhật ký, xin vỗ hai tay ca ngợi cả hai giám mục trưởng và phó ban tổ chức đã khéo léo dẫn chương trình, không chỉ bằng những bài ca sinh hoạt mà người ta tưởng chừng như các ngài đã cho lùi vào dĩ vãng từ lâu, mà còn bằng những câu pha trò dí dỏm, những điều chỉnh chương trình thật nhanh nhẹn và thích hợp, chứng tỏ các giám mục của chúng ta vẫn còn năng động và giàu tiềm năng lắm: đây chính là một trong những nhân tố làm cuộc Hội Ngộ thành công, khi đã thu hẹp được rất nhiều quãng cách giữa giám mục và linh mục!) đến làm người chủ sự rất gương mẫu các sinh hoạt phụng vụ chính yếu trong ngày. Đức ông cũng thay mặt các linh mục chia sẻ tâm tình vui mừng và hy vọng của mình khi được các bậc tiền bối trong ơn gọi linh mục tại Sở Kiện hay tại Vĩnh Trị nâng đỡ và hướng dẫn qua đời sống và giáo huấn mà các ngài đã để lại. Đức ông kết thúc bài cảm tạ bằng cách cố gắng không để sót một ai đã cộng tác làm nên cuộc Hội Ngộ này.

Đúng 10g30: thánh lễ bế mạc bắt đầu do đức cha trưởng ban tổ chức chủ sự. Ngài đã khéo léo chia việc giảng lễ cho đức cha Giuse Maria Vũ Tất, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, và tuyên bố bế mạc cuộc Hội Ngộ cho đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục tổng giáo phận Hà Nội. Được đứng trên mảnh đất đã từng chứng kiến các hoạt động của chủng viện Vĩnh Trị, dưới sự lãnh đạo một thời của cha giám đốc là cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, đức cha Giuse Maria không thể không khai thác triệt để gương sống và giáo huấn của cha thánh để mời gọi các giám mục và linh mục làm mục tử thế nào cho đẹp lòng Chúa.

Và đúng 12 giờ trưa, thánh lễ kết thúc với bài huấn từ ngắn của đức tổng giám mục Hà Nội. Sau khi không quên cám ơn đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã thúc đẩy việc tổ chức cuộc Hội Ngộ này và xác nhận rằng trong những ngày qua ngài cũng đang tham dự sâu sát diễn biến cuộc Hội Ngộ, đức tổng giám mục Phêrô đã đưa ra một bài huấn từ đóng trọn vai trò của một lời kết luận cho một công trình biên khảo bất kỳ nào: vừa tóm tắt tất cả những trục suy nghĩ và làm việc chính yếu của những ngày Hội Ngộ vừa qua, vừa mở ra một chân trời mới cho các giám mục và linh mục tiếp tục trong những ngày tháng tới. Theo sự đánh giá không phải chủ quan của ngài, cuộc Hội Ngộ vừa qua đã thành công trong ba mặt trận mà cuộc Hội Ngộ nhắm tới: trước hết để các giám mục và linh mục 10 giáo phận trong giáo tỉnh gặp nhau thân tình (Hội Ngộ); kế đến là để mọi người có dịp hành hương về với Cội Nguồn xa nhất là Thiên Chúa và với cội nguồn gần hơn là các thánh tử đạo Việt Nam (Hành Hương); sau cùng là để mọi ngưởi có dịp thực hiện công việc “đào tạo và tự đào tạo mình thường xuyên”, ít là ở một số khía cạnh hay vấn đề (Thường Huấn). Tuy nhiên, ba mặt trận này vẫn còn đang ở phía trước chúng ta: chúng ta sẽ phải tiếp tục gặp nhau trong tình huynh đệ linh mục – thậm chí không phải chỉ trong giáo tỉnh Hà Nội mà cả với các linh mục trong các giáo tỉnh khác của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam (những anh em cũng vừa mới hoàn thành các cuộc Hội Ngộ của mình ); từ nay chúng ta không còn mặc cảm là những người thợ gặt lẻ loi một mình mà đâu đâu, trên cây số nào, chúng ta cũng đều có thể có những bạn gặt. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục hành hương vì Giáo Hội chúng ta vốn là Giáo Hội đang lữ hành trên trần gian để đi về quê hương đích thực, hành hương về cội nguồn không xa chúng ta là mấy nơi các bậc tiền bối trong đức tin để học nơi các ngài bài học đức tin đơn sơ và chân chất nhưng bền vững và anh hùng. Đến đây đức tổng giám mục có phần nghẹn ngào khi hơn 70 năm qua ngài đã từng khao khát tìm được một dấu vết của một Giáo Hội làm chứng trong máu và nước mắt tại mảnh đất ngài từng sinh ra, lớn lên và làm việc, nhưng không được, đang khi tại giáo tỉnh miền Bắc này chằng chịt và chi chít những vết tích của một Giáo Hội như thế. Ngài ước mong chúng ta không nên bỏ phí sự hậu đãi mà Chúa đã dành cho các giáo phận miền Bắc này. Sau cùng, chúng ta cũng phải tiếp tục công việc “thường huấn” hay đào tạo trường kỳ của người linh mục, vì “nghị trường” làm chứng của chúng ta hôm nay ngày càng phức tạp, vì bản thân chúng ta ngày càng yếu kém và nhất là vì chính Tin Mừng chúng ta rao giảng vốn là một đại dương nhiệm mầu mà có dong buồm đi mấy vòng cũng không hết.

Dường như tâm hồn của chúng tôi sau những ngày này đã được Thánh Thần mở rộng tới mức có bao nhiêu giáo huấn rót vào cũng chẳng vừa. Mà không phải chỉ tâm hồn thôi đâu! Cả dạ dày chúng tôi hình như cũng nở ra cho vừa với những thực phẩm đã thơm ngon lại dồi dào mà bà con trong giáo miền Vĩnh Trị chiêu đãi sau thánh lễ.

Chỉ đọc mấy trang nhật ký vừa rồi – chứ chưa được tham dự tận tai và tận mắt – chắc hẳn độc giả cũng đã bắt đầu ghen tị với các linh mục chúng tôi (sic !). Quả chúng tôi đã được Chúa thương là thế! Cuộc Hội Ngộ từ ngày 1 đến 3 tháng 6 vừa qua không hề chỉ là một trạm dừng chân xả hơi sau cả năm làm việc mệt nhọc, cũng không phải là một cuộc họp mặt thật hoành tráng được tổ chức để thị oai hay vì một ý đồ nhân loại đen tối nào, cũng không phải là một việc phải làm cho bằng chị bằng em, mà là một ngày HẠNH NGỘ hay nói như đức tổng giám mục Hà Nội – một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ (tiếng Hy Lạp Thánh Kinh quen gọi là “kairos”), vì trong những ngày ấy chúng ta không chỉ gặp nhau mà chính là gặp Chúa, không phải chỉ để thông tin với nhau những chuyện con người mà chính là để học những bài học của Chúa và về Chúa, không phải chỉ để trở về thăm lại nhà xưa cảnh cũ mà là trở về với chính Đấng là nguồn cội của tất cả mọi sự. Nếu đẹp như vậy, linh mục nào lại chẳng mơ ước có một cuộc HẠNH NGỘ nữa trong cuộc đời mình nhỉ?

(Nguồn: tgphanoi.org)
 
Hội Ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội: Sự trung thành của Linh mục
GP Bùi Chu
11:02 03/06/2010
Gợi ý suy niệm trong Nghi thức Sám hối và Hoà giải:
SỰ TRUNG THÀNH CỦA LINH MỤC
(Ga 15,9-17)


Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ghi lại những lời trăn trối đầy tâm huyết của Chúa Giêsu với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã truyền lại giới răn cốt lõi của đời sống Kitô giáo: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Ngài muốn tất cả các môn đệ thuộc mọi thời đại phải trung thành thực thi giới răn yêu thương ấy. Vì thế, mỗi linh mục chúng ta hôm nay hãy dùng cơ hội thuận tiện này để suy nghĩ và xét mình về lòng trung thành đối với lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu trong đời sống và sứ vụ của mình.

1. Được tuyển chọn bởi tình yêu của Chúa Giêsu

Thánh Gioan Vianney nói: “Thiên chức linh mục là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu” (GLHTCG 1589). Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã muốn không ngừng hiến mình vì nhân loại, nên Ngài đã tuyển chọn các linh mục để tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian. Là linh mục, chúng ta là hiện thân của Chúa Kitô, là Alter Christus, được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, được chia sẻ niềm vui hạnh phúc của Ngài, được thông phần đau khổ với Ngài, cùng uống chén đắng với Ngài qua những gian nan thử thách, và được thừa hưởng gia tài vĩnh cửu dành riêng cho những người Chúa chọn (x. Ep 1,3-14).

Thiên chức linh mục được trao ban không phải vì công trạng, tài năng hay đức độ cá nhân, mà do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã yêu thương tuyển chọn những con người bình thường như chúng ta làm khí cụ biến đổi thế giới. Càng ý thức về thân phận bất xứng của mình, chúng ta càng cảm nghiệm sâu sắc hơn tình thương mà Chúa đã chọn chúng ta trong chức vụ linh mục: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16).

“Chức linh mục là ơn gọi, là nẻo đường, là cách thức mà qua đó Đức Kitô cứu độ chúng ta, với cách thức ấy Người đã kêu gọi chúng ta, và giờ đây lại mời gọi chúng ta sống với Người” (Bộ Giáo Sĩ, Thư gửi các linh mục, 16/03/2009). Là người của Thiên Chúa, các linh mục thuộc trọn về Chúa, chuyên tâm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chính linh mục đã được hiến thánh nên phải nỗ lực nên hoàn thiện như lời thánh Phêrô đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9; 5,6-10).

2. Hiến thân đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu

Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Chúng ta đã được Chúa Giêsu yêu thương và ban dư tràn ân sủng, nên chúng ta phải đáp lại bằng cách hiến mình cho tình yêu của Chúa Giêsu, để chuyển thông ân sủng của Chúa cho tha nhân (x. Mt 10,8).

Hiến mình cho tình yêu của Chúa Giêsu, đời sống linh mục trở nên một hiến lễ liên lỉ dâng lên Thiên Chúa, kết hiệp với hy lễ của Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ mỗi ngày. Thánh Gaudenzio Brescia sánh ví đời sống của các linh mục như những hạt lúa miến được nghiền nát bởi những hy sinh, được nhào nặn trong nước của ân sủng và được nung nấu bằng lửa Thánh Thần, để trở nên tấm bánh bẻ ra trao ban cho mọi người (x. Bài Đọc Kinh Sách, Thứ Năm Tuần II Mùa Phục Sinh). Đó cũng là tâm tình của thánh Ignatio Antiochia ước ao cho thân xác ngài được nghiền tán bởi nanh vuốt thú dữ để trở thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô tiến dâng Thiên Chúa (x. Bài Đọc Kinh Sách, ngày 17 tháng 10).

Hiến mình cho tình yêu của Chúa Giêsu, các linh mục dám thí mạng sống mình vì vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi tha nhân. Các linh mục sẵn sàng chấp nhận đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chảy máu đào để làm chứng cho Chúa Kitô bằng một tình yêu vô vị lợi đối với tha nhân: “linh mục không là linh mục cho mình mà là linh mục cho anh chị em”. Đây chính là con đường nên hoàn thiện mà thánh Gioan Vianney đã chọn: “Bí quyết của tôi rất đơn giản: cho đi tất cả không mà không giữ lại cho mình điều gì” (Bênêđictô XVI, Thư công bố Năm Linh Mục, 16/06/2009).

Hiến mình cho tình yêu của Chúa Giêsu, mỗi linh mục hân hoan bước vào trong trái tim rộng mở của Ngài để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng (x. Lời Tiền Tụng Lễ Thánh Tâm). Ở lại trong tình thương của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta trung thành tuân giữ giới răn yêu thương, sống gắn kết mật thiết với Ngài bằng một tình yêu không hề lay chuyển. Nhờ đó, đời sống linh mục sẽ tìm được điểm tựa vững chắc, giúp chúng ta có đủ nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách trên đường đời.

3. Trung thành trong sứ vụ yêu thương của Chúa Giêsu

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà con người đang dần đánh mất đi cảm thức về tội lỗi (x. Piô XII, Sứ điệp truyền thanh, 26/10/1946). Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, con người ngày nay lại khao khát những giá trị thần thiêng, và họ trông đợi các linh mục đem đến cho họ tình yêu đích thực. Vì thế, các linh mục cần trung thành thực thi sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế đã lãnh nhận từ Chúa Kitô để hướng dẫn lòng người trở về nẻo chính đường ngay.

Trung thành trong tình yêu của Chúa Kitô, các linh mục trung thành loan báo sứ điệp Tin Mừng cho nhân loại, bằng chứng từ sống động của đời sống mình. Chứng từ yêu thương chính là cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất: “con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn các thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy bởi vì đó cũng là những chứng nhân” (Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 41). Mọi công việc chúng ta làm dù nhỏ bé đến đâu, nếu được bao bọc bởi tình yêu thương sẽ mang lại giá trị cứu độ lớn lao. Vì thế, thánh Têrêxa Lisieux khuyên chúng ta “hãy làm những công việc nhỏ với một tình yêu lớn”.

Trung thành trong tình yêu của Chúa Kitô, các linh mục trung thành với nhiệm vụ thánh hoá mà Chúa Giêsu đã uỷ thác. Chúng ta được lãnh nhận chức thánh, được tiếp xúc với các thực tại thánh, được cử hành các mầu nhiệm thánh, và chính chúng ta cũng phải nên thánh. Thánh Gioan Vianney làm gương cho chúng ta trong việc hoà hợp căn tính và sứ vụ thành một. Ngài là vị tông đồ của Toà giải tội, là gương mẫu sáng ngời trong việc cử hành Thánh Thể: “Tất cả nhiệt huyết của đời sống một linh mục phụ thuộc hoàn toàn vào Thánh Lễ. Nguyên nhân sự bê tha của linh mục đó là do ngài không chú tâm vào Thánh Lễ!” (Bênêđictô XVI, Thư công bố Năm Linh Mục, 16/06/2009). Mẹ Têrêxa Calcutta cũng kêu gọi chúng ta: “Hỡi linh mục của Thiên Chúa, xin cha dâng thánh lễ này như thánh lễ mở tay, như thánh lễ sau cùng và như thánh lễ duy nhất đời cha”.

Hiến thân cho tình yêu của Chúa Giêsu, các linh mục tham dự vào chức vụ làm đầu của Chúa Giêsu, khiêm tốn phục vụ mọi người. Chúng ta được mời gọi dấn thân phục vụ qua những hy sinh âm thầm hằng ngày, để làm bùng cháy lên ngọn lửa yêu mến nơi cộng đoàn tín hữu. Đời sống hy sinh của các linh mục giống như những cây nến tan chảy ra để chiếu soi bóng đêm tội lỗi, thắp sáng niềm tin và sưởi ấm niềm hy vọng cho anh chị em mình. Chính tình yêu hiến thân phục vụ sẽ làm cho đời sống và sứ vụ của các linh mục khác biệt với những dịch vụ hay những công tác hành chính xã hội. Phục vụ trong tình yêu như Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi yêu thương đón nhận hết mọi người, không loại trừ một ai kể cả những người đã bách hại mình (x. Mt 5,44). “Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ” (thánh Bênađô).

Về tham dự cuộc Hội Ngộ Linh Mục tại Sở Kiện hôm nay, chúng ta được mời gọi theo chân các thánh Tử vì đạo cha ông, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô trong thiên chức linh mục. Chúng ta có dịp chiêm ngưỡng gương sáng của một người con ưu tú của Sở Kiện là thánh Phêrô Trương Văn Thi. Ngài là một linh mục rất nhân đức, cầu nguyện lâu giờ mỗi ngày, cử hành thánh lễ trang nghiêm, sống khiêm tốn hiền hoà, trổi vượt về các nhân đức thanh sạch, khó nghèo và vâng phục. Ðức Cha Jeantet Khiêm đã làm chứng về cha rằng: “Tôi quen biết cha Thi từ năm 1835 và rất thán phục cha là người phúc độ sốt sắng, trung thành tuân giữ các luật chung, hiền lành và khôn ngoan”. Trước khi chịu xử trảm 21/12/1839, cha đã can đảm làm chứng trước mặt quan quyền về sứ vụ cao đẹp của các linh mục: “Thiên Chúa sai chúng tôi đi để dạy người ta tập tành nhân đức làm việc thiện, tôn kính cha mẹ. Ðạo chúng tôi không dạy điều gì sai trái cả” (x. Thiên hùng sử, 452-453).

Tóm lại, Năm Linh Mục và Năm Thánh 2010 là cơ hội giúp các linh mục nhìn lại đời sống và sứ vụ của mình để hướng về sự hoàn thiện thiêng liêng nhờ việc hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Qua đó, chúng thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Sự trọn lành thánh thiện của linh mục được thể hiện trong tình yêu hiệp nhất với Thiên Chúa và tha nhân, một tình yêu có gương mẫu và thước đo là chính Chúa Giêsu, một tình yêu được minh chứng bởi hàng hàng lớp lớp các vị thánh: yêu như Chúa đã yêu và sẵn sàng thí mạng sống vì nguời mình yêu (Ga 15,13).
 
Hội Ngộ Linh Mục giáo tỉnh Hà Nội: Nghi thức Sám hội và Hòa giải
GP Bùi Chu
11:04 03/06/2010
Hội Ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội
NGHI THỨC SÁM HỐI VÀ HOÀ GIẢI


1. Hát: Lạy Chúa Thánh Thần
ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến canh tân đổi mới, đời sống chúng con. Tăng sức linh hồn bồi thêm lửa mến, soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.
1- Chúa hỡi, khấn xin ngự đến đổ tuôn muôn ơn, phù giúp chúng con. Xin thương soi dẫn nhân tâm nương theo Thần Khí bước trong bình an.
2- Hỡi Đấng chí công quyền phép thấu xuyên tâm tư hồn xác chúng con. Xin thương tuyên án khoan dung ai nương tựa Chúa biết luôn cậy tin.

2. Dẫn nhập: Làm dấu thánh giá và chào chúc
Anh em linh mục thân mến,
Hôm nay, chúng ta quy tụ về đây để sống tình huynh đệ linh mục trong sự bao bọc đầy yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Về bên nhau trong cuộc hội ngộ này, mỗi linh mục chúng ta cảm nghiệm sâu sắc hơn về Giáo Hội mầu nhiệm hiệp thông và sứ vụ. Chính trong Giáo Hội mà chúng ta được lãnh nhận thiên chức linh mục để hiến thân phục vụ Tin Mừng. Sứ mạng của mỗi linh mục là trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, và làm cho khuôn mặt của Ngài được toả sáng trong Giáo Hội bằng một đời sống thánh thiện và hiệp nhất. Tuy nhiên, vì bản tính con người yếu đuối, nhiều khi chúng ta chưa sống xứng đáng là người của Thiên Chúa, chưa thực sự là môn đệ của Chúa Kitô, và chưa chính danh là linh mục của Hội Thánh. Vì thế, trong giờ phút linh thiêng này, chúng ta hãy ý thức về những lầm lỗi thiếu sót, thành tâm sám hối, nỗ lực canh tân đời sống để trở về với căn tính và sứ vụ đích thực của người môn đệ Chúa Kitô.

3. Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã thương nhận chúng con làm nghĩa tử, nhưng chúng con đã không sống xứng đáng với danh nghĩa của mình. Chúng con khiêm tốn nhìn nhận mình có tội và nài van lòng từ bi Chúa. Xin Chúa thương tha thứ và cho chúng con được bình an. Chúng con cầu xin...

4. Tin Mừng (Ga 15,9-17)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

5. Gợi ý suy niệm

6. Thinh lặng xét mình

7. Hát: Trái tim tinh tuyền
ĐK: Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn cao dâng tâm tình kính mến. Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn trung kiên vững một niềm tin.
1- Xin Ngài thương con thứ tha lỗi lầm trong đời. Xin Ngài thương con thanh luyện hồn con Chúa ơi! Xin Ngài thương con rửa sạch hồn con hỡi Ngài. Xin Ngài thương con giữ tâm hồn con trắng trong.
2- Xin Ngài canh tân trái tim bao lần xa Ngài. Xin Ngài canh tân tinh thần nhược suy Chúa ơi! Xin Ngài canh tân để tâm hồn con tinh tuyền. Xin Ngài canh tân để tâm hồn con vững tin.

8. Sám hối chung
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta là vị trạng sư công chính trước toà Chúa Cha. Với lòng khiêm tốn nhìn nhận những lầm lỗi thiếu sót, chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa là Cha nhân từ tha thứ mọi tội lỗi, cho chúng ta được hưởng một đời sống mới nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần: Tôi thú nhận…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian đem Tin Mừng bình an cho nhân loại và ban ơn cứu độ cho những tâm hồn sám hối. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Mục tử nhân hiền đã xả thân tìm kiếm chiên lạc và quy tụ về một đoàn chiên duy nhất. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã để lại cho chúng con giới răn yêu thương như dấu chỉ người môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nêu gương phục vụ như một người tôi tớ khi hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm đời đời và là Chiên Thiên Chúa, Chúa đã chịu sát tế trên thập giá để xoá bỏ tội lỗi trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến mình làm lương thực thần thiêng, để chúng con được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gọi chúng con theo Chúa trong sứ vụ linh mục, để chúng con trở nên khí cụ của lòng Chúa khoan dung. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phục sinh và lên trời vinh hiển ngự bên hữu Chúa Cha, làm trung gian duy nhất chuyển cầu cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cử Thánh Thần đến hướng dẫn, thánh hoá Hội Thánh và giải thoát chúng con khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Xin Chúa thương xót chúng con. Đ/.
Giờ đây, với tâm tình sám hối của người con xa lạc trở về, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha lời kinh mà chính Chúa Giêsu truyền dạy, để khẩn nài ơn Người tha thứ tội lỗi chúng ta: Lạy Cha chúng con…

9. Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa ban ơn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, chúng con nài xin Chúa cho chúng con được vui mừng đón nhận ơn tha thứ của Chúa, và chứng minh hiệu quả ơn ấy bằng một đời sống mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Đ/. Amen.

10. Lời cầu chúc
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng tâm hồn anh em, để anh em tin tưởng xưng thú các tội lỗi và nhận biết lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đ/. Amen.

11. Bí tích Hoà Giải

12. Kết thúc: Linh hồn tôi (Magnificat)

ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í,a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tá. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.
1- Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.
2- Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
 
ĐHY Phạm Minh Mẫn viếng thăm Roma để trao đổi về tình hình Giáo hội tại Việt Nam
LM Trần Đức Anh, OP
12:20 03/06/2010
ROMA - Sáng 3-6-2010, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đã kết thúc 3 ngày viếng thăm Roma để trao đổi với Tòa Thánh.

ĐHY Phạm Minh Mẫn đã đến Roma sáng ngày 31-5-2010. Trong những ngày sau đó, ngài gặp và nói chuyện với Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Dominique Mamberti và Đức Ông thứ trưởng Ernesto Ballestrero; sau đó ngài hội kiến với ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo Ivan Dias. Các cuộc trao đổi xoay quanh tình hình Giáo Hội Việt Nam sau biến cố Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức TGM giáo phận Hà Nội.

ĐHY Gioan Baotixita Mẫn tỏ ra rất hài lòng về các cuộc hội kiến. Ngài cho biết các vị hữu trách tại Tòa Thánh rất am tường tình hình Giáo Hội tại Việt Nam. ĐTC cũng như cả hai bộ liên hệ đều tỏ ra rất tôn trọng ý kiến của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt cương quyết xin từ nhiệm vì lý do lương tâm. Về việc bổ nhiệm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn kế nhiệm Đức TGM Ngô Quang Kiệt trong nhiệm vụ TGM chính tòa Hà Nội, chính Đức Thánh Cha quyết định.

Ngoài ra, Bộ ngoại giao Tòa Thánh cũng nói rõ với Nhà Nước Việt Nam rằng Tòa Thánh tôn trọng ý kiến của Đức TGM Ngô Quang Kiệt khi nhận đơn xin từ nhiệm của Người.

ĐHY Phạm Minh Mẫn cũng tiết lộ rằng trong cuộc hội kiến, ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo đưa ra gợi ý: trước hết cần giúp đỡ nhau và giúp Dân Chúa sống hiệp thông với nhau trên nền tảng đức tin; tiếp đến là cần giúp nhau và giúp mọi người trong và ngoài nước gia tăng cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang, để trong mọi hoàn cảnh luôn tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Chúa, đây là điểm tích cực giúp làm người Công Giáo tốt, và cũng trở thành những công dân tốt.

ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo cho ĐHY Gioan Baotixita Mẫn biết là đã báo cho ĐTC về việc ĐHY đến Roma, để ĐTC hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo Hội tại Việt Nam.

ĐHY Tổng Giám Mục Sàigòn dự kiến sau khi trở về Việt Nam trong những ngày tới đây sẽ có dịp gặp gỡ và trình bày cho các Giám Mục Việt Nam nội dung chi tiết cuộc viếng thăm của ngài tại Roma.

(Nguồn: Radio Vatican)
 
Gương các Thánh Linh Mục Tử đạo Việt Nam
+ GM Giuse Hoàng Văn Tiệm,
12:27 03/06/2010
BÀI THUYẾT TRÌNH VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
TẠI HỘI NGỘ LINH MỤC GIÁO TỈNH HÀ NỘI
Vĩnh Trị, ngày 3/6/2010


1. Vài dòng lịch sử

Ngày 22 tháng 6 năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ toạ phiên họp Cơ Mật Viện của Toà Thánh cho việc phong thánh các vị tử đạo tại Việt Nam. Tham dự phiên họp gồm có 28 hồng y, 70 tổng giám mục và giám mục, 1 người Việt Nam là Đức ông Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của Đức Thánh Cha, là cáo thỉnh viên vụ án phong thánh cho 117 vị anh hùng tử đạo tại Việt Nam. Trong Cơ Mật Viện có một vị hồng y gọi là “hồng y quỉ”, đóng vai trò luật sư phản cung để chống lại biện hộ về các dự án phong thánh, nghĩa là vị hồng y này tìm mọi cách để chống án, nghịch lại với việc phong thánh. Như trường hợp thánh Matthêu Lê Văn Gẫm có hai vợ và thánh Phaolô Hạnh là “hạng đầu gấu” bị gạch tên cả hai. Điều này nói nên rằng Toà Thánh làm việc rất nghiêm chỉnh trong suốt thời gian điều tra phong thánh và đặc biệt là những quyết định cuối cùng, không kể một thời gian rất lâu dài trước khi kết thúc một vụ án phong thánh.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, là ngày phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam. Đây là ngày lễ rất trọng đại. Tại quảng trường thánh Phêrô tại Rôma hôm đó có chừng 60 ngàn người tham dự lễ: 15 ngàn người Việt Nam, 10 ngàn người Tây Ban Nha, 8 ngàn người Pháp là gia đình con cháu các vị tử đạo.

2. Lời Phúc Âm

- Mt 10,17-23: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho hội đồng, và họ sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết”. Không ai thích bị bách hại, nhưng đó là số phận của những người theo Đức Kitô. Họ hãnh diện vì Thầy mình và sẵn sàng làm chứng về Thầy mình trước mặt vua quan.

- Cv 4,7: “Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và hỏi: ‘Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?’ Ông Phêrô được đầy Thánh Thần liền nói: ‘nhân danh Đức Kitô, người Nazareth’…”.

- Cv 5,27-40: “Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa”, lúc đó ông Phêrô và các tông đồ đáp: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.

- 2 Cr 11,24-26: “Phaolô nói: ‘Tôi chịu nhiều vì công khó, nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, ba lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! … Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn, nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng’…”.

- Mt 10,19-20: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em”.

- Cv 4,13: “Họ thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân, nên ngạc nhiên … đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào”.

- Mt 16, 24: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

- Ga 15,18-20: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. … Nếu họ bắt bớ Thầy thì họ cũng bắt bớ anh em”.

3. Kết

- 1 Cr 1,25: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”.

- Ga 12,24: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình… còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

- Tv 125,5-6: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Ra đi trong than khóc, sẽ về trong hân hoan”.

4. Gương thánh nhân

a. Thánh Giuse Diaz Sanjurio An, Giám mục Dòng Đa Minh (1818-1857)

Tâm thư: Là tù nhân trong Chúa, xin giữ lời tạm biệt Đức Cha (Đức Cha Sampetro Xuyên) và các cha cho tới ngày gặp lại nhau trên trời. Xin anh em hãy tha thứ cho những điều lầm lỗi và gương xấu tôi đã làm … gông cùm xiềng xính tôi đang mang được coi là những báu vật Chúa Giêsu gửi cho tôi. Tôi vui mừng khôn tả và chỉ ước ao được đổ máu ra vì Chúa, để máu tôi hoà với Máu Cực Thánh Chúa Giêsu rửa linh hồn tôi sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững vàng đến cùng …

Viết tại Nam Định, ngày 28 tháng 5 năm 1857
Ký tên: Fray José Maria


Tháng 5 năm 1857, Đức Cha Sanjurio An bị ông chánh Mẹo làng Thoại Miên tố cáo với quan Tổng Đốc tỉnh Nam Định, nên Đức Cha bị bắt và bị kết án tử hình. Đức Cha đã đưa 30 quan tiền cho lý hình để nó chém Đức Cha ba nhát thay vì một nhát. Nhát thứ nhất để tạ ơn Chúa đã đưa người sang Viêt Nam. Nhát thứ hai để đền đáp công ơn cha mẹ sinh thành. Nhát thứ ba là di chúc cho bổn đạo giáo phận Bùi Chu để họ bền chí giữ đạo đến cùng.

b. Thánh linh mục Giuse Đặng Đình Viên (1787-1838)

Khi đang làm lễ thì bị lộ. Ngài trốn vào vườn mía. Đứa trẻ nhà đó bị tra tấn nó kêu lên: Giêsu ơi cứu con với! Nghe thấy tiếng đứa trẻ kêu, cha Viên chạy ra với đứa trẻ: Con ơi cha đến cứu con đây! Hãy bắt tôi đi và tha cho đứa trẻ này!

c. Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861)

Đạo đã được nhập vào xương tuỷ tôi làm sao tôi bỏ được?

d. Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự (1796-1838)

Tôi kính Chúa như thượng phụ. Tôi kính vua như trung phụ. Tôi kính cha mẹ như hạ phụ. Vậy không thể vì hạ phụ mà hại vua là trung phụ. Cũng không thể vì trung phụ mà phạm đến Thiên Chúa là thượng phụ.

e. Thánh linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh (1772-1838)

Quan hỏi: Tại sao ông không bước qua thập tự? Thưa thập tự là Thánh Giá tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không ai được chà đạp, vì làm thế là trọng tội. Xem kìa đạo trưởng Duyệt (cha Duyệt) đã bỏ đạo và được tha về, ông cứ làm như thế ta sẽ tha cho. Kẻ trung thành với Chúa Giêsu khi chết sẽ được lên Thiên Đàng. Vậy những người không tôn thờ ông Giêsu khi chết sẽ đi đâu? Xuống hoả ngục thẳng rẵng. Quan nổi giận phạt đánh 15 roi. Một lần quan đưa ảnh Đức Bà để chà đạp thay cho Thánh Giá, nhưng cha Hạnh đa cầm ảnh Đức Bà mà hôn thắm thiết. Cha liền bị phạt 100 roi vì Đức Bà. Cha Hạnh thấy cha Duyệt đạp lên Thánh Giá mấy lần thì tức giận vô cùng: Bớ quân cha kia, hãy xem đầu mình đã bạc rồi còn sống được bao lâu nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình để mong được sống thêm năm ba ngày tháng chóng qua ru? Ông làm ô danh cha đấng bậc mình để được lòng vua dữ ư? Ông làm cực lòng cho Giáo Hội đã cưu mang nuôi nấng ông bấy lâu, mà đi làm bạn với ma quỉ mà làm hại chính đời mình. Cha Duyệt, kẻ phản bội cười nhạo cha Hạnh: Tôi làm khôn, chỉ có ông mới làm sự dại dột. Quân lính nghe thế vỗ tay reo hò đắc thắng. Cha Duyệt đã bỏ đạo và cho đến chết không hề ăn năn. Còn cha Hạnh được phúc tử vì đạo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 1/8/1838. Cha Hạnh là thánh còn cha Duyệt đã chết như một tên phản bội, nó giống như Giuđa đứng dậy, đi vào đêm tối và không thấy trở lại nữa.

f. Thánh linh mục Stephano Vénard Ven (1824-1861)

Suốt đời tôi thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi đạp lên thập giá thế nào được? Tôi nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ phải bỏ đạo mà mua lấy.

g. Thánh linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên (1780-1839)

Khi đang dâng lễ tại làng Hạ Linh ngày 18/8/1839 thì bị quân lính vây bắt. Cha đã vội chịu Mình Thánh Chúa rồi chui xuống hầm. Quân lính biết được lôi cha lên. Quan hỏi: Tên ông là gì? Nguyễn Văn Xuyên. Chỉ vào Thánh Giá quan hỏi: Ông có biết rằng ông Chúa này là ai không? Đây là Chúa Giêsu chúng tôi tôn thờ. Nếu ông có tiền lo liệu thì được về ngay. Tôi không có tiền ngoại trừ tấm thân này. Sau đó dân chúng Hạ Linh chạy tiền chuộc cha về nhưng cha từ chối. Cha sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Không tiền thì phải chết! Và cha Xuyên đã bị giết vì danh Chúa Giêsu.

Vụ án Chúa Giêsu cũng do tiền. Dân chúng vô tội thì hoan hô Chúa Giêsu con Vua Đavid đến cùng chúng tôi. Còn các thượng tế thì tung tiền cho quân dữ hô to: Đóng đinh nó đi! Khi Chúa Giêsu Phục Sinh, các thượng tế cũng chi tiền cho quân lính để chúng tung tin: Môn đệ ông Giêsu đến lấy trộm xác ông chứ không có Phục Sinh!

5. Lý do cấm đạo

Ngày 4/3/1804, Vua Gia Long ra chỉ dụ: “Công giáo là đạo ngoại quốc, dị đoan mê tín làm ngu dân ta”.

Ngày 12/2/1825, Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ: “Đạo Giatô là tà đạo của Tây Phương làm hại lòng người, mê hoặc dân ngu, làm hư phong tục. Như thế chẳng phải là mối hoạ lớn cho nước ta lắm sao? Vậy ta phải ngăn cấm để dân ta qui về chính đạo”.

Lý do sâu sắc bên trong là sự xung đột giữa Thiên Chúa quyền năng với sức mạnh của bóng tối. Là một sự giằng co giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thánh thiện và tội lỗi.

6. Các hình phạt các thánh tử đạo phải chịu

Xuy – Trượng – Đồ – Lưu – Tử

- Xuy: bị đánh bằng roi chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà với cấp bậc 10, 20, 30, 40 hay 50 roi.

- Trượng: bị đánh bằng gậy dành cho đàn ông 60, 70, 80, 90 hay 100 gậy.

- Đồ: đi đày khổ dịch.

- Lưu: phát vãng khỏi nhà xa gần tuỳ theo.

- Tử: Xử giảo là bị cắt cổ; xử trảm là bị chém, bêu đầu gọi là khiêu; xử lăng trì là bị chặt tay chân, bị xẻo; xử bá đao là bị chém 100 nhát; xử cấm cốc là để chịu đói; xử thiêu sống; xử voi giầy.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tôi được yêu nên tôi hiện hữu
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:30 03/06/2010
Tôi được yêu nên tôi hiện hữu

Năm 2010 là năm kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 750 của Meister Eckhard, một nhà thần bí học và triết gia thời danh thuộc Dòng Đa-minh, Hội „Meister-Eckhard“ đã tổ chức vào ngày Chúa Nhật 14.3.2010 một cuộc hội thảo tại đại học München/Đức quốc với chủ đề: „Meister Eckhard im Original. Fakten, Bilder und Legenden nach 750 Jahren“ – Đại sư Eckhard với con người đích thực của ông. Các sự kiện, các hình ảnh và các huyền thoại sau 750 năm. Qua đó, một tài năng nổi bật trong quá khứ của nhân loại nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng lại được làm sống động trước các cử tọa ngày nay.

Thầy Dòng Đa-minh Meister Eckhard sống vào khoảng từ năm 1260 đến năm 1328 sau công nguyên và là một đại diện quan trọng nhất của khoa thần bí học Kitô giáo vào thời trung cổ. Các tác phẩm nổi danh của ông vẫn mang đầy tính cách thời sự và được nhiều người yêu chuộng. Chính nhà thần học Công Giáo Alfred Delp (1907-1945) đã đọc tác phẩm của ông ngay trước khi bị chế độ Hitler xử tử. Các tư tưởng của Meister Eckhard cũng đã đóng vai trò quyết định trong cuộc sống thiêng liêng của nữ triết gia người Pháp Simone Weil(1). Tuy là một người gốc Do-thái, nhưng bà hoàn toàn sống theo tinh thần Kitô giáo.

Theo giáo sư Dietmar Mieth thuộc đại học Tübingen/Đức quốc, chủ tịch Hội „Meister-Eckhard“, thì tuy tư tưởng của đại sư Eckhard được mỗi người tiếp nhận một cách khác nhau tùy quan điểm cá nhân của đương sự, nhưng trọng tâm tư tưởng của vị đại sư luôn vẫn là một, đó là xây dựng một khoa Kitô học (Christologie) khả dĩ tiếp nhận được đối với tất cả mọi người. Qua đó, ông đã khởi xướng và phát triển một sự tri thức sâu sắc về sự tự do của con người. Trước cuộc hội thảo mấy ngày, bà Gisela Kornrumpf, một nhà nghiên cứu chữ viết tay thuộc đại học München, đã thành công trong việc xác định được tác giả của một bài giảng về Thư I của thánh sử Gioan từ một mảnh da thú có ghi chép phần thứ nhất trong khoảng hai phần ba bài giảng đó. Và chính mảnh da thú được ghi bài giảng trên còn sót đã chứng minh cho thấy chính Meister Eckhard là tác giả của bài giảng, và ông đã viết bài giảng ấy vào khoảng một phần tư tiền bán thế kỷ XIV.

Các bản văn của Meister Eckhard bằng tiếng Đức và tiếng La-tinh được lưu truyền lại cho đến ngày nay, đó là các bài giảng, các sách khảo luận, các bài giáo án và các bản viết tay, v.v…, rất đa dạng và vấn đề xuất bản gây tranh cãi của chúng vẫn chưa chấm dứt. Các bài giảng số 2 „Intravit Jesus in quoddam castellum“ – „Đức Giêsu vào thành“, và số 52: „Beati pauperes spiritu“ – „Phúc cho người có tinh thần nghèo khó“, có thể được coi là những tác phẩm nổi danh nhất và đang được tàng trử tại thư viện quốc gia của Tiểu bang Bayern/Đức quốc. Ngoài ra, còn có nhiều loại sách của Meister Eckhard được in bằng đủ cỡ to nho khác nhau với những hình chạm trổ bằng màu sắc sảo do các Nữ Tu làm chủ quyền. Trong số đó, có một số rất lớn, vào khoảng 11.000 bản viết tay, được coi là của Meister Eckhard xuất phát từ Nữ Tu Viện Thánh Quirin ở Tegernsee.

Điều kiện để hiểu được các bài giảng của Meister Eckhard

Tuy nhiên, với những ai muốn hiểu được các bài giảng của ngài, Meister Eckhard có những lời khuyên như sau:

1. Không tranh cãi,

2. Luôn tìm kiếm sự thiện hảo tối thượng, đó là Thiên Chúa,

3. Luôn biết bằng lòng với chính mình và cố đạt tới điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người,

4. Luôn coi mình là người tập sự,

5. Luôn biết „từ bỏ“ chính mình và tự quản lý được chính mình.

Người ta cũng kể lại rằng có lần kia một nữ trí thức lên tiếng ca ngợi Meister Eckhard và cho rằng những bài giảng của vị đại sư rất xứng đáng để ngài giữ một ghế giáo sư tại đại học Paris (Pháp), một đại học rất nổi danh vào thời bấy giờ, tương tự như nhà thần học Thomas Aquinô, một người đã có mặt tại đai học Paris ba lần: lần thứ nhất trong tư cách là sinh viên, còn hai lần sau với tư cách là giáo sư thần học. Tuy nhiên, khi nghe thế, vị đại sư đã trả lời rằng một chân lý được thể hiện ra qua cuộc sống cụ thể thì có giá trị hơn là một chân lý được thể hiện ra qua ghế giáo sư tại đại học. Ngoài ra, theo sách Biên niên Thư mục của thư viện München, người ta còn tìm thấy một câu phát biểu thời danh khác của Meister Eckhard, khi ông nói rằng không phải cục than cháy đỏ, nhưng là một cái gì đó không phải cục than đang cháy đỏ trong tay. Điều ấy muốn nói rằng người ta cần thu hút và thuyết phục được kẻ khác không phải bằng những dáng vẻ loè loẹt hào nhoáng bên ngoài, nhưng bằng chính sự tri thức chân chính, tư cách và các phẩm chất nội tâm sâu sắc và chân chính của mình.

Trong bài phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, giáo sư Mieth nhấn mạnh rằng trọng tâm của tư tưởng đại sư Eckhard là sự tự do. Chúng ta biết rằng theo quan niệm thời trung cổ, sự tự do có nghĩa là sống không có sự sở hữu riêng, không nắm giữ quyền hành và không chiếm giữ của cải. Dĩ nhiên, sự sở hữu riêng ở đây được hiểu là sự sở hữu vật chất, tức sống không lệ thuộc và dính bén vào của cải vật chất. Ở Âu châu vào cuối thế kỷ XIII, khi chọn cuộc sống tu trì, người ta tuyên khấn sống đồng trinh, vâng lời và „không có sở hữu riêng“. Ở Đức, trong cuộc chiến tranh của từng lớp nông dân nổi dậy vào giữa các năm 1524 đến 1526 chống lại sự áp bức của từng lớp quý tộc và đòi hỏi quyền tự do, người ta đã đề xướng chủ trương: Con người cần phải được giải thoát khỏi sự lệ thuộc do chính mình gây ra.

Sự sở hữu vật chất được chính thức loại bỏ vào năm 1525 qua một trong những Điều khoản được gọi là „Điều khoản Memmingen“(2).

Theo giáo sư Mieth, người ta cũng cảm nhận được rằng trong các biên bản ghi lại cuộc đối thoại giữa các cấp chính quyền và từng lớp nông dân vào lúc bấy giờ, Thiên Chúa được coi là lý do và là nền tảng của quyền tự do mà từng lớp nông dân đòi hỏi. Trong ngôn ngữ người ta cũng cần phải tạo điều kiện để cho Ngôi Lời Thiên Chúa xuất hiện. Điều đó muốn nói rằng, vấn đề được đề cập tới ở đây có tương quan với Lời Tựa của bản Phúc Âm theo thánh Gioan: „Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời“ (Ga 1,1). Sự mặc khải, Ngôi Lời và ngôn ngữ có tương quan chặt chẽ với nhau, vì thế, vấn đề được nói đến ở đây là khả năng truyền bá đến người khác (die Durchlässigkeit). Nhưng sự truyền bá lại dẫn tới sự trầm lắng, vì sự truyền bá một ý tưởng như thế không phù hợp với quan niệm của xã hội đương thời. Nếu chúng ta trình bày ngôn ngữ là sự liên tục mang tính cách thời gian, thì ở đây người ta phải chân nhận rằng sự liên tục ấy không thể tồn tại. Thứ tự do mà đại sư Eckhart chủ trương thì người ta có thể diễn giải như là người hướng dẫn, dĩ nhiên như là một „người hướng dẫn do tôi thiết đặt“, nghĩa là hướng đi của mỗi người thì phải do người ấy tự chọn lựa và tự quyết định lấy. Đại sư Eckhart còn đi xa hơn nữa, đến nỗi ông đối xử với những thương gia và hàng quý tộc theo quan niệm và cách tư duy của họ, chứ ông không áp dụng theo bất cứ khuôn khổ hay tiêu chuẩn nào, và ông đã khám phá ra trong những chiều kích này một sự tinh tế mới và đặc thù của sự tự do.

Còn giáo sư Gotthard Fuchs cho rằng theo quan niệm của đại sư Eckhart, Thiên Chúa, con người và vũ trụ lệ thuộc vào nhau tương tự như sự khám phá và lý do. Vì thế, trong bài thuyết trình của ông về đề tài „Lebendiger Eckhart“ (Eckhart sống động), giáo sư Gotthard Fuchs cho rằng ở đây vấn đề của nhà thần bí học thuộc Dòng Đa-Minh là sự cảm nghiệm về sự loại bỏ các biên giới ngăn cách, là một sự siêu việt hóa khỏi tương quan nhân quả.

Giáo sư Fuchs kết thúc bài thuyết trình của ông với câu phát biểu của triết gia Franz von Baader (1765-1841), một câu phát biểu mang ý nghĩa ngược lại với câu định đề của triết gia René Descartes: „Cogito, ergo sum“: „Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“; đó là: „Cogitor, ergo sum“: „Tôi được tư duy, nên tôi hiện hữu“.

Câu phát biểu của Franz von Baader vừa được giáo sư Fuchs nhắc lại như trên đã mang lại cho các tham dự viên buổi hội thảo hôm ấy nhiều suy tư mới. Vì thế, nhiều người khi ra về đã phát triển thêm tư tưởng và biến đổi một cách tương tự như thế từ câu nói: „Amo, ergo sum“: „Tôi yêu, nên tôi hiện hữu“ đổi thành: „Amor, ergo sum“: „Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“.

Thật vậy, mỗi người tự rung cảm nhận chân được rằng vì Thiên Chúa Tạo Hóa yêu thương tôi, nên Người mới dựng nên tôi, nên Người mới để cha mẹ tôi sinh ra tôi trên cõi đời này. Điều đó muốn khẳng định rằng sự hiện hữu của tôi được bao bọc bởi tình yêu, trước hết bởi tình yêu Thiên Chúa, nguồn mạch mọi tình yêu chân chính, và tiếp đến bởi tình yêu của cha mẹ tôi, của gia đình tôi, của làng xóm và bởi tình yêu của xã hội đồng loại.

Vâng, nếu sự hiện hữu của tôi không nằm trong chương trình sáng tạo của Tạo Hóa và nếu tôi không được cha mẹ tôi cũng như xã hội đồng loại chấp nhận, nghĩa là nếu tôi không được yêu thương, thì tôi đã không thể hiện hữu được, ít là cho tới ngày nay. Và vì thế, câu nói: „amor, ergo sum“: „Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“ đã gây được nhiều chú ý và nhiều suy nghĩ không kém câu định đề muôn thủa của triết gia Descartes „Cogito, ergo sum“ – „tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“. Và đó là sự thật khách quan.

Dĩ nhiên, điều đó không có ý phủ nhận ý nghĩa chân chính của câu: „Amo, ergo sum“: „Tôi yêu, nên tôi hiện hữu“, hay nói theo tinh thần Kitô giáo: Tôi yêu, nên tôi là môn đệ Đức Kitô, tôi yêu nên tôi mới thực sự là người Kitô hữu chân chính (x. Ga 13,35). Cả hai câu: „tôi yêu, nên tôi hiện hữu“ và: „tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“ đều ẩn chứa phong phú tính chất nhân bản; hay nói đúng hơn, đều ẩn chứa phong phú tinh thần Kitô giáo.

____________________

1. x. Lm Nguyễn Hữu Thy: Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu trong Lịch Sử Triết Tay, Trier 2010, trang 355.

2. Mười hai Điều khoản Memmingen là những phản kháng và đồng thời là những kiến nghị của từng lớp nông dân đệ trình lên chính quyền thành phồ Memmingen thuộc miền Nam Đức quốc trong chiến tranh Nông Dân 1524-1526.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
22:29 03/06/2010

TRÊN NGÀN



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ngọn nước như từ trời đổ xuống

Cây rừng khép tán nép bên khe

Mảnh trời ngọn tháp thiên thu thủy

Đâu biết nơi đây có nắng hè!

(Trích thơ Hoàng Quang Thuận)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News