Ngày 16-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 của ĐTC Phanxicô
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
15:55 16/05/2018
Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên – B – 2018
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 của ĐTC Phanxicô

Tin Mừng thật

Lời mở

Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên. Trước khi Chúa Giêsu lên trời (x. Cv 1,1-11), Người ra lệnh cho các môn đệ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19; Lc 24,47). Đây chính là mệnh lệnh truyền thông xã hội của Chúa. Vì thế, Giáo Hội thiết lập Chúa Nhật Thăng Thiên là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 52 (2018), ĐTC Phanxicô cũng gửi đến toàn thể tín hữu một sứ điệp, mang tựa đề “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Tin giả và một nền báo chí vì hoà bình.

Quả thật, chúng ta đang sống trong một cộng đồng xã hội bị tàn phá và thiệt hại nặng nề bởi những tin giả đủ loại. Chúng ta rất cần được Đức Giêsu Kitô là sự thật giải thoát, đem lại bình an, đúng như lời Kinh Thánh hôm nay nói rằng: “Người đã cao lên, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người” (Ep 4,8).

1. Tin giả và những hậu quả của chúng

Theo ĐTC, cộng đồng nhân loại đang bàn luận rất nhiều đến sự lan tràn của những thông tin sai lạc trên các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình. Ngày 10/5/2018 vừa qua, Hội nghị các bộ trưởng thông tin lần thứ 14 (AMRI) của 10 nước trong khối ASEAN cùng với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã họp tại Singapore, để bàn cách đối phó với tin giả (x. Báo Thanh Niên, 11/5/2018).

Vậy tin giả là gì?

ĐTC nói: “Chúng là những thông tin sai lệch, những tin đồn thất thiệt dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả”. Đọc báo ở Việt Nam, chúng ta tìm thấy những tin giả như “Nước mắm nhiễm arsen” hoặc “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường ở tỉnh Gia Lai” được nhiều báo đăng và lan nhanh trên mạng xã hội. Nếu vào mạng Youtube, chúng ta thấy đủ loại quảng cáo các thuốc Đông y với lời chia sẻ của những người đã được chữa lành khỏi bệnh tiểu đường, vẩy nến, ung thư, chữa khỏi hôi miệng, hôi nách, giảm cân nhanh chóng… sau một vài lần dùng thuốc. Hầu hết chúng là tin giả, nhưng không ít người vẫn bị lừa và tin theo.

Tại sao lại có tin giả?

ĐTC nói: “Người ta truyền bá tin giả để đạt các mục tiêu cụ thể ảnh hưởng trên các quyết định chính trị và phục vụ lợi ích kinh tế”.

Tin giả có thể bắt nguồn từ chính quyền hoặc các cơ quan, tổ chức nắm giữ quyền thông tin, nhưng cũng có thể phát đi từ những ông chủ tư nhân nắm giữ các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, đài phát thanh, đài truyền hình, máy in, sách báo. Tin giả cũng có thể được loan đi từ những cá nhân đến tiệm photo in những tờ rơi nói xấu người này người nọ, hoặc từ chính những “ông Tám, bà Tám, anh Tám, chị Tám nhiều chuyện” loan tin thất thiệt trong các buổi họp mặt, gửi tin nhắn qua facebook, twiter và các mạng xã hội.

Tôi vẫn còn nhớ đến tin giả đầu tiên mình nhận được là tin từ tờ báo Tin Sáng, tiền thân của báo Tuổi Trẻ hiện nay, phát đi ngày 21/9/1975, để làm an lòng dân chúng là “Nhà nước không có đổi tiền”. Nhưng báo ngày hôm sau, 22/9/1975, lại thông tin: “Người dân chỉ có 12 giờ đổi tiền. Mỗi hộ được 200 đồng bạc mới, bao nhiêu tiền còn lại đều phải ký thác vào ngân hàng”. Tin giả đó đã làm cho tôi và bao người dân miền Nam Việt Nam ngỡ ngàng về độ tin cậy của chính quyền mới mẻ.

Một điều đáng lưu ý là rất nhiều người chúng ta đang bị lạc trong rừng tin giả mà chúng ta không biết. Hoặc chúng ta đang dẫn con cái mình lạc vào đó mà chẳng quan tâm, khi chúng ta để cho chúng tự do xem các phim ảnh, truy cập tin tức, chơi những trò chơi trực tuyến… Những phim ảnh, trò chơi như “Chiến tranh giữa các vì sao”, “Xác sống”, “Võ lâm truyền kỳ”, “Truyện ma lúc nửa đêm”… đều là giả tạo, làm cho người xem, người chơi mất giờ vô ích, căng thẳng thần kinh và rơi vào những ảo tưởng nguy hiểm.

Chúng ta biết rằng: khi xem phim hay chơi các trò chơi đó, mắt của chúng ta thu nhận 1 cử động trong 1 giây, qua 24 hình ảnh liên tục sắp liền với nhau và được ghi nhớ trong bộ não. Các dữ liệu về âm thanh, ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc, chuyển động của những hình ảnh đó được đưa vào những phần khác nhau của bộ não, rồi tổng hợp ở bán cầu não trái, phía trước trán. Chỉ trong một giờ với 3.600 giây, trí não ta đã phải thu nhận 86.400 hình ảnh với hàng tỉ dữ liệu như thế. Vì vậy, nhiều em học sinh và cả người lớn bị kiệt quệ tâm thần do phải tích trữ hàng tỉ tỉ dữ liệu giả tạo đó trong trí nhớ, khiến họ rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, bị trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Việt Nam hiện nay có khoảng 14 triệu người tâm thần, hàng chục triệu người xem phim ảnh đồi truỵ và hàng chục triệu trẻ em nghiện trò chơi trực tuyến. Chúng ta là những nhà truyền thông của Chúa, ta có thể giúp họ nhận thức này để thay đổi đời sống.

ĐTC nói rằng: “Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, xúi giục xung đột, làm lan tràn sự kiêu căng và thù hận, dẫn đến một xã hội xung đột, giả dối, không còn hoà bình, không còn khoan dung, chiều theo lòng tham, khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và hưởng thụ và biến chúng ta tất cả thành nạn nhân của cái ác”.

2. Muốn loại bỏ tin giả chúng ta phải làm gì?

ĐTC nhắc nhở ta phải “giáo dục chân lý”, nghĩa là “dạy cho người ta biết phân định, đánh giá, thấu hiểu những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất cái nhìn hướng thiện khiến ta phải đầu hàng các cơn cám dỗ”.

Ngài dạy chúng ta qua lời của Đức Giêsu rằng: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) “Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất để khử vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý”. Nhưng sự thật không phải chỉ là một sự hoà hợp giữa sự vật với lý trí của chúng ta để nhận thức đúng về sự vật đó. Sự thật không chỉ được định nghĩa là “cái có thật, cái có trong thực tế” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr.1129). Hơn nữa, có những sự thật liên quan đến con người, dù đúng, nhưng chúng ta không thể nói ra vì nó có thể làm tổn thương hay làm mất uy tín của người đó trước mặt người khác. Ca dao Việt Nam vẫn thường nói: “Sự thật mất lòng”.

Theo Kitô giáo, sự thật ở đây là một con người, một Đấng mà chúng ta có thể cậy dựa vào để không bị ngã và đứng vững, như nguồn gốc của từ Aman dẫn đến từ Amen trong ngôn ngữ Phụng vụ. Đó chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người là Đấng Amen (x. 1Cr 14,16; 2Cr 1,20), là Lời Thật của Thiên Chúa, lời yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa nói với loài người và vũ trụ. Như thế, sự thật giờ đây phải hiểu là “cái có thật trong tương quan với Chúa Giêsu” vì mọi sự, mọi loài có được, hiện hữu được là nhờ Người và cho Người.

Nhưng để nói được Lời Thật, Tin Mừng Thật ra thành những dòng tin thật, thành những bài báo, tác phẩm văn hoá, nghệ thuật có giá trị thật sự, “cổ vũ sự hiệp thông giữa con người và điều thiện nơi con người”, thì những nhà truyền thông xã hội hôm nay là chúng ta “phải thở được Thần Khí Sự Thật của Đức Giêsu” (x. Ga 14,16-17). Nhiều người đã hiểu sai về Sự Thật và không có Thần Khí này, nên trong những bài giảng, bài báo, bài viết, tin nhắn của họ, họ chỉ loan báo có “một nửa sự thật”. Họ là những người loan tin giả nhiều khi trong chính ngôi nhà của Chúa, nên gây tổn hại cho xã hội và cộng đồng như tin giả mà quỷ dữ, qua hình ảnh con rắn, đã loan cho Ađam, Evà xưa (x. St 3,1-24 ).

Lời kết

Hôm nay mừng Chúa lên trời, chúng ta hãy tự nguyện trở thành những nhà truyền thông xã hội loan báo Tin Mừng Thật của Chúa cho muôn loài. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta thở hít được Thần Khí Sự Thật của Người như các môn đệ xưa để “chúng ta có thể ra đi rao giảng khắp nơi. Có Chúa cùng hoạt động với chúng ta và dùng những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời chúng ta rao giảng” (x. Mc 16, 19-20).
 
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 2: Chúa Giêsu đổi mới vũ trụ vạn vật
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
16:01 16/05/2018
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 2: Chúa Giêsu đổi mới vũ trụ vạn vật

Lời mở

Chúng ta đã suy niệm về ân sủng tột đỉnh của lòng Chúa Thương Xót là nâng con người chúng ta lên thành con cái Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa giống như Ngài. Lần này, tuần III PS năm B, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc đổi mới toàn thể vũ trụ trong cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, mà mỗi người chúng ta đang được tham dự vào qua những đồ ăn, thức uống, vật chất ta dùng trong đời sống hằng ngày. Vậy Chúa Giêsu đã đổi mới như thế nào và làm thế nào để ta thể hiện cuộc đổi mới đó?

1. Chúa Giêsu đổi mới tất cả

Khi dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự Ngài làm ra đều rất tốt đẹp (x. St 1, 4.10.12.18.21.25.31), vì Ngài chia sẻ cho vạn vật chân thiện mỹ, tình yêu và tất cả những ân sủng của mình. Vì thế, vũ trụ vạn vật cũng như con người đều thật sự tươi trẻ, tốt đẹp, vĩnh hằng. Thế nhưng, con người đã phạm tội, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, với nguồn chân thiện mỹ, với sự sống và tình yêu nên con người không còn sống mãi, trẻ đẹp mãi, tốt lành mãi và yêu thương quảng đại nữa. Con người đâm ra thù hận nhau, trở nên xấu xí, già nua, chết chóc. Vũ trụ, vì liên đới mật thiết với con người, cũng là bụi đất như con người, và làm nên thân xác con người, nên nó cũng bị kéo vào sự hư nát với con người. “Muôn loài thọ tạo cùng rên siết, quằn quại như sắp sinh nở”, mong được cứu độ (x. Rm 8,20-23).

Chúa Giêsu xuất hiện. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã dựng nên tất cả, vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người, nên Người không chỉ muốn cứu độ con người, mà còn muốn cứu độ toàn thể vũ trụ như ý Chúa Cha mong ước. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thế gian là thế giới, là vũ trụ. Vì thế khi Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người xuất hiện, Người yêu thương vũ trụ, nên vũ trụ nghe lời Người: gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, trời đất đã tối sầm lại (x. Mt 27,45). Khi Chúa Giêsu gục đầu tắt thở “Người trao ban Thần Khí” để tạo thành một vũ trụ mới, cả trái đất rung động, nhiều mồ mả mở toang, nhiều vị thánh nhân đã sống lại hiện ra (x. Mt 27,51-54; 28,2) để bày tỏ cho chúng ta thấy vũ trụ cùng thông cảm với cuộc thương khó của Chúa Giêsu và cùng vui mừng khi Người hoàn tất chương trình cứu độ.

Nhờ cuộc sống lại của Chúa Giêsu, vũ trụ không còn bị giam cầm trong cảnh hư nát vì tội lỗi của người anh cả là con người nữa, mà nó đã được giải thoát cùng với con người để tạo nên một trời mới, một đất mới (x. 2Pr 3,13; Kh 21,1) với những con người mới (x. Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10). Đây là niềm vui tuyệt vời cho chúng ta cũng như cho vũ trụ.

Vì thế, Bài đọc II (x. Ga 2,1-5) đã xác định: “Chính Chúa Giêsu là của lễ đền tội không phải chỉ cho con người mà còn đền tội cho cả thế gian”. Cả thế giới và vũ trụ này mong đợi Người đến để “phục hồi vạn vật” (Cv 3,21), như trong Bài đọc I (x. Cv 3,13-21), bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô cho dân thành Giêrusalem.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 24,35-48), Chúa Giêsu minh chứng sự đổi mới của vạn vật khi Người đưa tay chân cho các môn đệ xem trong lần hiện ra vào buổi chiều ngày Chúa sống lại. Người nói: “Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Người muốn cho họ hiểu được rằng thể xác được cấu tạo bởi vật chất trước đây bị đóng đinh, nay đã sống lại, sự chết không còn tác động vào thân xác đó được nữa. Để minh chứng sự giải thoát của vũ trụ, Người ăn trước mặt các ông miếng bánh và mẫu cá nướng rồi đưa phần còn lại cho họ để minh chứng rằng khi vật chất được thân thể phục sinh của Người tiếp nhận, chúng đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát để tồn tại mãi mãi. Chúng không còn nặng nề, bị giới hạn bởi không gian hay thời gian nữa nên dù cửa nhà của các môn đệ đóng kín, Người vẫn hiện đến, đứng giữa họ. Như thế là vũ trụ đã được hoàn toàn đổi mới. Nhưng con người chúng ta có cảm nhận được sự đổi mới không và làm sao thể hiện được sự đổi mới này?

2. Chúng ta sống tinh thần đổi mới này như thế nào?

Nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, thường lặp lại câu hát trong bài Bạc trắng Tình đời của nhạc sĩ Minh Khang: “Thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu. Thà là bỏ đi hết, ta chẳng nợ gì nhau” và thực hiện như một nguyên tắc sống. Mới nghe qua chúng ta thấy hay hay vì người ta muốn xoá đi một quá khứ đen tối để bắt đầu một tương lai tốt đẹp, giống như xoá đi một bàn cờ để chơi lại ván mới. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta không thể cứ làm mãi những điều ác đức, cứ gây khổ đau, bất hạnh, bất công cho người khác rồi lại nhủ thầm: “mình sẽ bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”. Thái độ này có thể chỉ là nguỵ biện của những kẻ lừa lọc, giả dối. Thật ra bất cứ một hành động gian dối, ác đức, bất công nào đối với người khác hay đối với vạn vật, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa, và phải đền bù cho con người.

Thiên Chúa nhìn thấu lòng người và thấy tất cả vạn vật. Ngài không bỏ đi cái gì hết vì Ngài dựng nên tất cả trong sự tốt lành, thánh thiện và đầy yêu thương của Ngài. Với cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thay đổi tất cả những gì xấu xí, cũ kỹ, bất toàn, vô thường của vũ trụ này thành tốt đẹp, mới mẻ, hoàn hảo, vĩnh hằng như một cuộc tạo dựng mới. Vật chất và từng con người chúng ta với thân xác mỏng giòn đã được hoàn toàn biến đổi nên ta không thể giữ mãi thái độ bi quan, yếm thế như được mô tả trong bài Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi…vết mực nào xoá bỏ không hay…”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn một cách tích cực và lạc quan, vì những vật chất đã được Người biến đổi, thân xác của chúng ta, cũng giống như thân xác của Chúa Giêsu, sẽ biến đổi sau cái chết và mang sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa.

Trong đời sống hằng ngày có thể chúng ta coi thường những đồng bạc ta kiếm được, những bát cơm ta ăn, những đĩa rau ta dùng, những vật chất trong môi trường ta sống. Nhưng không có cái gì mà Chúa bỏ đi hết. Chúa đã biến đổi tất cả để chúng tồn tại mãi mãi nếu chúng ta đưa được tình yêu của Thiên Chúa vào trong những vạn vật ấy. Thánh Gioan kết thúc Bài đọc II hôm nay: “Hễ ai giữ lời Chúa Giêsu dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên hoàn hảo” (1Ga 2,5). Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta.

Tình của con người đâu có bạc trắng như nhạc sĩ Minh Khang than thở đâu! Nó bạc trắng là do chúng ta, do những tội lỗi, dục vọng và tham vọng của chúng ta làm hư hoại. Thiên Chúa mời gọi ta đưa tình yêu của Ngài vào để vạn vật tồn tại mãi mãi; đó là tình yêu trong sáng, tốt đẹp, quảng đại của Đức Giêsu. Vì thế khi tôi ăn bát cơm bình thường, nhưng ăn vì tình yêu Thiên Chúa và để có sức phục vụ con người, thì bát cơm ấy tồn tại mãi mãi! Bài học, bài làm của các em học sinh hôm nay có vẻ như sẽ qua đi, nhưng thật ra chúng tồn tại mãi mãi vì chúng đã chuyển thành những kiến thức để làm sáng danh Chúa và phục vụ con người nếu các em đó học hành vì tình yêu.

Lời kết

Chỉ có một tình yêu như thế chúng ta mới thấy rằng cuộc sống của mình và của gia đình nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và bình an vì chúng ta không bỏ đi bất cứ một cái gì và cũng chẳng cần làm lại từ đầu. Tình yêu chân thành sẽ làm cho tất cả tồn tại mãi mãi. “Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48).

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn có cảm nhận được tình yêu của vạn vật đang hy sinh cho bạn không? Bạn đáp lại tình yêu đó như thế nào?

2. Bạn làm gì để bảo vệ môi trường sống cho xanh, sạch, đẹp và những vật Chúa giao cho bạn một cách cẩn thận?
 
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 3: Thánh Thần Tình yêu nối kết con người và vạn vật
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
16:03 16/05/2018
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 3: Thánh Thần Tình yêu nối kết con người và vạn vật

Lời mở

Chúa Thánh Thần là Thần Khí Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau và nới kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Vì thế, vào tuần cuối cùng suy niệm về Chúa sống lại, Giáo Hội muốn đưa ta đến ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất của Đấng Phục Sinh, đó là việc chúng ta được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 15,9-17): "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy". Chúng ta cùng tìm hiểu tình yêu ở đây là gì và phải yêu thương nhau như thế nào?

1. Tình yêu trong ngôn ngữ con người

Tình yêu với biểu tượng trái tim xuất hiện ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Người ta tô vẽ nó lên quần áo, hàng hoá, thực phẩm, xe cộ, tường nhà, rồi gửi nó trong mỗi tin nhắn điện thoại để thúc đẩy con người yêu thương nhau. Người ta vòng hai bàn tay thành hình trái tim để gửi đến những fan của mình từ sân khấu, sân cỏ, sàn đấu. Chủ đề tình yêu được các văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ diễn tả đầy rẫy trong các tác phẩm, nếu bỏ đi tình yêu thì cuộc sống văn hoá của con người sẽ vô cùng nghèo nàn và cằn cỗi. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ta tình yêu là gì thì có lẽ ta cũng không biết giải nghĩa thế nào cho thoả đáng.

1.1. Những người không giải nghĩa được tình yêu

Rất nhiều người hiện nay không giải nghĩa được tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu, từng là Bộ Trưởng Bộ Văn hoá của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã nói rằng: "Làm sao giải nghĩa được tình yêu, - Có nghĩa gì đâu một buổi chiều, - Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, - Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu". Ông cho rằng tình yêu nó mờ ảo, mông lung, bàng bạc trong muôn vật quanh ta nên không thể giải nghĩa được.

Nhiều người theo ý thức hệ Cộng sản duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm của những người theo chủ nghĩa duy tâm, chỉ tin vào tinh thần, chứ làm gì có trong thực tế. Bằng chứng là người ta đã làm cả ngàn thí nghiệm với các máy móc khoa học tiên tiến nhất nhưng vẫn không thấy dấu vết tình yêu ở trong con người hay ở bất cứ nơi nào. Tình yêu mà mọi người đang nói đến chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, mê tín.

Điều này được xác định qua bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, gồm 4 cuốn, do Hội đồng Quốc gia Việt Nam Chỉ đạo biên soạn. Đây là bộ từ điển lớn nhất Việt Nam hiện nay, với hơn 4000 trang sách, khổ lớn 19x27 cm, mà không có mục từ Tình yêu, chỉ có mục từ Tình bạn, Tình cảm, Tình dục. Cuốn từ điển này do hàng trăm vị tiến sĩ hàng đầu của Việt Nam biên soạn trong hơn 10 năm và xuất bản năm 2005. Điều này chứng tỏ rằng rất nhiều người Việt Nam không tin có tình yêu (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, cuốn 4, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 2005, tr. 421-422). Điều nghịch lý là trong khi không tin có tình yêu thì nhiều người trong số họ vẫn đang hô hào “yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu cha mẹ, vợ con…!”.

1.2. Những cố gắng giải nghĩa tình yêu

Nhưng cũng có nhiều người khác đang cố gắng giải nghĩa tình yêu. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo nổi tiếng, đã gửi cho ông Bộ trưởng Xuân Diệu những lời sau đây qua bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,- Để nghe dưới đáy nước hồ reo,- Để nghe tơ liễu run trong gió -Và để nghe Trời giải nghĩa tiếng yêu". Phải! Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu cho con người vì Trời là tình yêu, nhưng nếu con người không tin Trời thì không thể nào giải nghĩa được tình yêu trong trái tim mình. Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong rất nhiều những bản tình ca về tình yêu, đã phải chua xót thốt lên: Tình yêu như trái phá, Con tim mù loà… Tình yêu mà không hiểu đúng nghĩa thì nó sẽ phá nát trái tim con người. Chả trách trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngày nào báo chí cũng đưa tin về những vụ tham nhũng, cướp của, giết người, phá thai, ly dị… Tất cả chỉ vì người ta không giải nghĩa được tình yêu thật sự là gì, nên trái tim mù loà của họ bị phá nát và xã hội họ đang sống cũng tan hoang!

Thật ra, “tình yêu là một mầu nhiệm” mà con người không thể giải nghĩa, nhưng lại có thể cảm nhận được, bởi vì Trời hay Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong muôn loài muôn vật, đúng như lời thánh Gioan quả quyết trong Bài đọc II (x. 1Ga 4,7-10) hôm nay: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Đối với con người có lý trí, tình yêu là một loại tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, làm cho con người gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người hay với vật mình yêu, như ta vẫn nói: tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu cuộc sống. Nghĩa thứ hai của tình yêu mới là tình cảm yêu đương giữa nam nữ (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr. 1284).

2. Thiên Chúa là Tình yêu

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và hơn nữa tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, khi thánh Gioan quả quyết “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). “Thiên Chúa yêu thế gian ” (Ga 3,16), Ngài muốn chia sẻ tình cảm thắm thiết của mình cho muôn loài muôn vật, nên đã đưa bản chất Thiên Chúa vào trong mọi loài để chúng phản ánh tình yêu của Ngài và yêu thương nhau như Ngài.

2.1. Tình yêu Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài

Tuỳ theo bản chất của bậc sống mà mỗi loài diễn tả tình yêu của Thiên Chúa một cách khác nhau. Từ những nguyên tử, phân tử vật chất mà chúng ta tưởng như chúng vô hồn, nhưng thật sự chúng yêu thương nhau: những phân tử mang điện tích âm nối kết với những chất mang điện tích dương để tạo nên chất mới giống như những đứa con của chúng. Thí dụ: Hydro + Oxy tạo ra nước. Ở những thực vật, ta thấy những hoa cái, nhị đực tìm đến nhau để sinh hoa kết trái. Ở loài động vật cao cấp hơn: con đực gắn bó với con cái theo bản năng để sinh con nối tiếp loài giống của chúng.

Cao cả hơn là những loài có tinh thần, như các thiên thần và con người, bởi vì họ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa nên họ có tự do để yêu thương cũng như để từ chối tình yêu Thiên Chúa. Thật sự một số trong họ đã chối từ. Khi cắt đứt với Thiên Chúa là họ làm tổn thương bản chất của chính mình, và khi cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa họ làm mất luôn nguồn sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, và nguồn chân thiện mỹ vô biên mà Thiên Chúa đặt vào trong bản chất của họ. Họ trở nên gian ác, sai lầm, xấu xí, bất hạnh và phải chết.

Nhưng vì bản chất là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Ngài không muốn cho muôn loài bị phá huỷ bởi tội lỗi của con người nên Ngài đã ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để cứu độ chúng ta (x. Ga 3,16). Thánh Gioan trong bài thư hôm nay cũng nói rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Vì thế, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Người đến để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào và chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào.

2.2. Phải yêu thương nhau như thế nào?

Muốn yêu thương thật sự, ta phải giải được hai nghĩa trong tình yêu của Giêsu: đó là hy sinh và nâng cao. Ta thường nói đến hy sinh nhưng không giải được nghĩa nâng cao.

- Hy sinh: yêu cho đến cùng, đến chết và chết trên thập giá như Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người ta có thể hy sinh, tặng cho nhau vật chất, nhưng chết thay cho nhau thì thật là hoạ hiếm. Vì thế chúng ta bái phục tình yêu của những anh hùng đã hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Thật ra, trong bữa ăn hằng ngày, nhiều tôm cá, rau cỏ đã hy sinh sự sống cho ta, chúng bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, còn ta lại coi thường tình yêu của chúng!

- Nâng cao đối tượng mình yêu: tình yêu không được làm cho đối tượng mình yêu bị hạ thấp, sỉ nhục, thiệt thòi, mất mát, nhưng phải nâng nó lên ngang hàng với mình và còn nâng lên bằng Thiên Chúa như Đức Giêsu, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu chia sẻ cho chúng ta những gì Chúa Cha ban cho Người để ta trở thành Thiên Chúa như Người: "Anh em là bạn hữu của Thầy vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Nhiều người đã huỷ hoại nhau khi đồng hoá tình yêu là tình dục, khi biến người yêu thành những vật họ sở hữu.

Lời kết

Chỉ khi biết yêu nhau như Đức Giêsu, chúng ta mới nói cho những con người đang sống trong xã hội này biết đến tình yêu Thiên Chúa, bởi vì ta giải được ý nghĩa hy sinh và nâng cao trong tình yêu của Đấng Phục Sinh.

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn nhận ra tình yêu Thiên Chúa đặt trong vạn vật như thế nào?

2. Bạn hãy tìm ra những hành động nào đang xúc phạm đến tình yêu đối với những người thân trong gia đình hay cộng đồng?

3. Bạn có những hành động hy sinh nào cho những con người ấy? Bạn có những hành động nâng cao nào?
 
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 4: Thần Khí hợp nhất của Đức Kitô
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
16:05 16/05/2018
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 4: Thần Khí hợp nhất của Đức Kitô

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm A) như mời gọi chúng ta suy niệm về làn khí thần thiêng đã quy tụ mọi dân tộc thuộc các ngôn ngữ khác nhau thành Dân duy nhất của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11), quy tụ mọi bộ phận khác nhau thành thân thể duy nhất của Đức Kitô (x. 1Cr 12,4-7.12-13), quy tụ mọi môn đệ thành một gia đình Thiên Chúa (x. Ga 20,19-23). Chúa Thánh Thần là Thần Khí hợp nhất. Vậy Ngài quy tụ như thế nào và chúng ta phải làm gì để sống trong sự hợp nhất ấy?

1. Tình trạng phân hoá và chia rẽ

Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên muôn loài muôn vật và cho mỗi loài có những đặc tính riêng để diễn tả sự tốt lành, đẹp đẽ, vô cùng phong phú của Ngài. Tất cả giống như một khu vườn có trăm hoa đua nở với vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm khác nhau.

Đặc biệt Ngài dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Ngài, ban cho họ tinh thần tự do để họ làm thành một gia đình nhân loại duy nhất với những con người khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo và những điều kiện sống. “Câu chuyện Tháp Babel (x. St 11,1-9) cho thấy con người không thích nghi với sự đa dạng này”. “Con người chúng ta nên chấp nhận một số khác biệt nhất định vì sự đa dạng này được xem là sự phong phú” chứ không phải dẫn đến tình trạng phân hoá, đối kháng và xung đột (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mater et Magistra, số 157; Docat, số 235).

Tuy nhiên, khi con người cắt đứt mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, không còn yêu mến và tin cậy Chúa để chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình, thì con người đã tạo nên sự chia rẽ trong chính tâm hồn mình và lan rộng ra ngoài cộng đồng xã hội. Tình trạng phân hoá và chia rẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới, ăn sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình gây nên những hậu quả tai hại và nghiêm trọng.

Những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên trong suốt dòng lịch sử nhân loại do những xung đột về giai cấp, về ý thức hệ, về tôn giáo, về quyền lợi kinh tế đã làm cho con người đau khổ, chết chóc dù kẻ thắng người thua đều biết rằng mình chẳng mang được những của chiếm đoạt vào cõi vĩnh hằng. Chính cộng đồng Kitô hữu cũng bị phân hoá và chia rẽ thành những Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo. Trong chính nội bộ Công Giáo cũng thấy sự chia rẽ trong các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, tổ chức…

2. Thiên Chúa quy tụ và hợp nhất

Như thế, gia đình nhân loại cũng như Giáo Hội và cộng đồng môn đệ Chúa Giêsu đang rất cần Chúa Thánh Thần để quy tụ và hợp nhất “Vì Thiên Chúa sai Thần Khí của Con Ngài đến, Thần Khí là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm quy tụ và là nguyên lý hợp nhất của toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu” (CĐ.Vat II, Hiến chế Lumen Gentium, số 13).

Bài sách Công vụ hôm nay đã diễn tả việc Thiên Chúa quy tụ muôn dân tộc với những tiếng nói khác nhau, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài hiện xuống và đốt lên ngọn lửa tình yêu trong lòng họ.

Như thế là nhân loại đã vượt qua sự phân hoá và chia rẽ do những khác biệt từ câu chuyện Tháp Babel để quy tụ thành một Giáo Hội của Chúa Kitô. “Giáo Hội quy tụ trong Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hoá. Giáo Hội trở thành dấu chỉ của tình huynh đệ, nhân tố tạo điều kiện và củng cố cho cuộc đối thoại chân thành” (CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 92).

Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ thực hiện được công trình quy tụ và hợp nhất này nếu mỗi Kitô hữu chúng ta gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận được làn khí kỳ diệu của Người thổi trên chúng ta. Chỉ Thần Khí ấy mới có thể biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu như khí oxy ta hít vào buồng phổi để chuyển hoá dòng máu đen tự nhiên của mình. Vậy chúng ta phải thở hít Thần Khí hợp nhất ấy như thế nào?

3. Thần Khí trong nhiệm thể Chúa Kitô

Trong bài đọc II, thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta về Thần Khí hoạt động trong nhiệm thể Đức Kitô cũng giống như các bộ phận hoạt động nơi thân thể con người. Mỗi bộ phận hoạt động khác nhau nhưng phải cùng chung lo cho sự phát triển của toàn thân. Nếu một bộ phận nào đó không hoạt động hay hoạt động yếu kém dẫn đến bệnh tật, người ta phải tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách chữa trị.

Cơ thể chúng ta bao gồm hàng tỉ tế bào. Mỗi tế bào là một đơn vị phức tạp với những hoạt động rắc rối ngay chính bên trong nó. Các tế bào là các khối kết cấu của mô, của cơ quan và cuối cùng của các hệ cơ quan trong một cơ thể hợp nhất, có tác động qua lại với nhau, cho phép chúng ta hoạt động và tồn tại. Cơ thể chúng ta có 11 hệ cơ quan chính: ngoài da, lông, tóc, móng, ta có hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu, hệ sinh sản, hệ nội tiết, hệ bạch huyết và miễn dịch. Tất cả các hệ này liên kết chặt chẽ với nhau dù mỗi hệ có những chức năng riêng (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học 2015, tr.10,37).

Trong kinh nghiệm chữa bệnh, chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân đau tim, đau dạ dày nhưng không phải là quả tim hay dạ dày của họ có vấn đề, mà đơn giản chỉ là do các đĩa phân cách ở cột sống, gọi là đĩa đệm, đã bị đẩy ra khỏi vị trí rồi ép lên các sợi dây thần kinh dẫn ra từ tuỷ sống. Triệu chứng này gọi là thoát vị đĩa đệm. Chỉ cần xoa bóp rồi đẩy đĩa đệm vào đúng vị trí là bệnh nhân sẽ khỏi đau tim, đau dạ dày, tê buốt tay chân… trong khi nhiều bác sĩ lại cho thuốc tim, thuốc giảm đau hay y sĩ châm cứu. Những cách chữa đó sẽ không hiệu quả nếu không giải quyết nguyên nhân gây bệnh và đưa đĩa đệm vào đúng vị trí để không còn chèn dây thần kinh. Thí dụ đó gợi ý cho chúng tôi về sự hợp nhất trong cơ thể vì hệ thần kinh, hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết liên kết với hệ xương cơ.

Chúa Thánh Thần trong nhiệm thể Đức Kitô đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sự hợp nhất của toàn thân thể nhiệm mầu cũng như của gia đình nhân loại vì Ngài là Thần Khí sự thật cũng là Thần Khí tình yêu. Mỗi con người cũng như mỗi môn đệ phải thở hít được Thần Khí sự thật này để biết nhận ra và tôn trọng những khác biệt của nhau đều là biểu lộ sự phong phú của Thiên Chúa với muôn vàn ân sủng khác nhau được Chúa Thánh Thần ban cho. Họ không được để cho những tham vọng, dục vọng của mình loại trừ những sự khác biệt của anh chị em để chỉ nhận những gì của mình là đúng, là tốt, là có giá trị. Chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho tâm trí chúng ta để biết mở rộng đón nhận những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa, về tha nhân, về vạn vật, về chính mình nếu chúng ta chuyên cần học hỏi và cầu nguyện.

Thứ đến, mỗi người chúng ta còn phải thở hít Thần Khí tình yêu để biết yêu những khác biệt nơi anh chị em mình vì hiểu rằng những khác biệt đó sẽ làm cho đời sống chính mình, đời sống của xã hội và Giáo Hội thêm hạnh phúc và tươi đẹp hơn. Chính tình yêu trong sáng và quảng đại do Chúa Thánh Thần ban sẽ lôi kéo mọi người và từng môn đệ Chúa Giêsu hoà nhập thành một trong nhau để làm thành một thân thể nhiệm mầu, khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa như thời các tông đồ xưa khi Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu.

Lời kết

Vì thế, mỗi môn đệ Chúa Giêsu thời nay phải là người thở hít được Thần Khí sự thật và tình yêu để tạo nên sự hợp nhất cho Giáo Hội và xã hội hôm nay.

Câu hỏi gợi ý

1. Trong đời sống thường ngày, bạn có phải là người dễ tiếp xúc và có mối tương quan thân thiện với người khác không?

2. Bạn nghĩ mình phải làm gì để biểu lộ Thần Khí hợp nhất trong cộng đoàn của mình?
 
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 5: Con đường Tình Yêu và Thần Khí Sự Thật
Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
16:07 16/05/2018
Sống theo ơn Chúa Thánh Thần - Bài 5: Con đường Tình Yêu và Thần Khí Sự Thật

Lời mở

Chúng ta đã cùng nhau suy niệm về Đức Giêsu là “con đường sự thật và sự sống”, đi theo con đường này chúng ta sẽ tìm được chỗ tốt nhất trong nhà Cha trên trời. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu con đường Giêsu ấy sẽ dẫn chúng ta đến đích điểm nào cũng như chúng ta sẽ làm thế nào để đạt được đích điểm ấy.

1. Đích điểm của con đường Giêsu

Con đường Giêsu dẫn chúng ta đến cùng đích là Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16), và Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người nên Đức Giêsu cũng chính là tình yêu nhập thể. Như vậy ta có thể xác định rằng: tình yêu nhập thể chính là con đường dẫn đến sự thật và sự sống.

Gọi là tình yêu nhập thể vì đây không phải là một tình yêu mông lung, trừu tượng, theo nghĩa tinh thần nhưng là một tình yêu của một chủ thể yêu rõ ràng, có những đối tượng yêu rõ rệt và những hoàn cảnh, điều kiện yêu cụ thể: “Hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến các con” (Ga 15,12.17). Khi đi trên con đường ấy, hay nói đúng hơn, khi yêu như thế, ta sẽ gặp được Thiên Chúa, sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc, sẽ đạt được những gì chúng ta mơ ước vì Thiên Chúa là nguồn của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của quyền năng vô tận, của chân thiện mỹ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói cho chúng ta hiểu rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Tất cả niềm mơ ước của con người là yêu mến và được yêu thương. Khi yêu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương, Ngài sẽ chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, tuyệt đối của Ngài, chúng ta mới cảm nghiệm được hạnh phúc vô biên và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta.

Chương đầu tiên của cuốn Docat (Nên làm gì) bàn về Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu giúp chúng ta hiểu rằng khởi điểm của con đường Giêsu là tình yêu và đích điểm của nó cũng là tình yêu (x. câu số 1,9,14,15,16). Thiên Chúa vì yêu thương đã dựng nên toàn thể vũ trụ này, dựng nên chúng ta. Ngài đặt chúng ta vào thế giới này để chúng ta sống và khi chúng ta đi theo con đường tình yêu, con đường sự thật và sự sống, chúng ta sẽ trở về với Ngài để hưởng hạnh phúc viên mãn, vĩnh hằng.

2. Phải làm gì để đạt được Thiên Chúa Tình yêu

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng trả lời cho chúng ta biết phải làm thế nào để chúng ta có thể đạt được đích điểm là Thiên Chúa tình yêu qua bài Tin Mừng hôm nay, đó là tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là điều răn yêu thương của Chúa Giêsu. “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thấy và ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 14,10).

Chúng ta nói rất nhiều về tình yêu, về một tình yêu rộng lớn là “bác ái” (caritas). Tình yêu không phải chỉ là tình cảm yêu mến mãnh liệt làm cho ta gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với nhau (x. Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013) theo những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người, cũng không phải chỉ có những giá trị cho đi hay nhận lại trong cuộc sống của con người. Nhưng tình yêu là chính Thiên Chúa, bắt nguồn từ Thiên Chúa nên mang tính vĩnh hằng (số 6) và là “cơ sở để trở thành Kitô hữu” (số 1) như ĐTC Bênêđictô XVI đã viết thông điệp đầu tiên và quan trọng nhất của ngài “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas, 2005).

Tuy nhiên, để người ta không hiểu lầm khi nói đến Thiên Chúa là tình yêu, ĐTC đã phải viết tiếp thông điệp thứ 3, “Tình yêu trong sự thật – Caritas in Veritate” (2009) để nhắc nhở ta hãy để cho Thần Khí Sự Thật hướng dẫn chúng ta yêu thương. Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại cho chúng ta về Thánh Thần Tình Yêu và cũng là Thần Khí Sự Thật rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17).

Khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Người thì chúng ta cần phải thở được Thần Khí Sự Thật để Chúa Thánh Thần biến dòng máu đen tội lỗi của chúng ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn nhớ đến Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta để xin Ngài dạy cho chúng ta về sự thật, vì chỉ có sự thật mới đưa chúng ta đi đúng con đường giải phóng (x. Ga 8,32) của Thiên Chúa.

Đó là sự thật về Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đã ban mọi sự cho ta, đã ban Con Một của Ngài để chúng ta hết lòng yêu mến Ngài. Đó là sự thật về con người, về tha nhân: tha nhân là những con người yếu đuối tầm thường nhưng lại là những người con của Cha Trên Trời nên chúng ta phải yêu thương họ và dám chết vì họ như Đức Giêsu Kitô. Sự thật về vạn vật là những đứa em nhỏ để chúng ta tôn trọng, tìm hiểu chúng qua những khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Khám phá ra sự thật đó chúng ta mới làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Nhất là chúng ta khám phá sự thật của xã hội mà chúng ta đang sống, khám phá sự thật của Giáo Hội mà chúng ta đang thuộc về để chúng ta có thể làm cho xã hội ấy mỗi ngày một phát triển bền vững và toàn diện, cũng như làm cho Giáo Hội mỗi ngày một thánh thiện hơn. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới dạy cho chúng ta biết tất cả sự thật để chúng ta đi theo con đường tình yêu và đạt được tình yêu Thiên Chúa.

3. Thần Khí Sự Thật

Trong bài đọc I (x. Cv 8,14-17), thánh Phêrô và thánh Gioan đã đến xứ Samaria, những người ở Samaria đã nhận được phép rửa của Chúa Giêsu nhưng họ chưa nhận được Chúa Thánh Thần. Khi các ngài đặt tay trên họ, cầu khẩn Chúa Thánh Thần đến với họ thì họ mới nhận được Thần Khí Sự Thật và cuộc sống của họ mới thật sự biến đổi, tràn đầy tình yêu bởi vì Thánh Thần là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau cũng như nối kết họ với Thiên Chúa.

Chúng ta cũng vậy, có thể chúng ta đã lãnh nhận phép rửa, đã chịu bí tích Thêm Sức, nhưng chúng ta chưa hít thở được Thần Khí Sự Thật nên sự sống phi thường của Chúa Giêsu chưa phát huy ở trong ta, dòng máu tinh tuyền của Người vẫn bị những tham vọng và dục vọng của ta làm đen bẩn. Cuộc đời của chúng ta vẫn bị bao phủ bởi bầu khí ô nhiễm, bụi bặm của tội lỗi khiến ta không nhìn rõ được Chúa, nhìn rõ con người, và vạn vật. Nếu không có Thánh Thần Sự Thật hướng dẫn chúng ta có thể đi lạc vào trong sự dối, lừa gạt lẫn nhau. Hậu quả là người khác cũng không nhìn ra Chúa ở trong ta, trong Giáo Hội, trong những bí tích mà chúng ta đón nhận, trong những sự vật mà chúng ta sử dụng.

Xã hội hôm nay đầy những hàng giả, hàng nhái, những lời quảng cáo “có cánh” dối gạt khách hàng, những lời tuyên bố sáo rỗng của những kẻ cầm quyền, những tin tức giả tạo lừa bịp người đọc, những sách vở, phim ảnh, tranh tượng sao chép lại của người khác nhưng lại đề tên mình là tác giả, những luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ sao phỏng lại của người khác nhưng lại không đề nguồn trích dẫn… Khuynh hướng dối trá này cũng len lỏi vào cả trong các cơ cấu của Giáo Hội Việt Nam từ những việc cóp bài thi của một số tu sĩ, chủng sinh cho đến những công trình lớn lao khác của Giáo Hội. Người ta không tìm thấy Chúa Thánh Thần là “Thần Khí Sự Thật ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta”.

Lời kết

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận Thần Khí Sự Thật để giúp ta nghĩ đúng, nói thật và làm thật nếu chúng ta muốn đi trên Con đường Tình yêu là Chúa Giêsu. Khi biết sống thật như thế chúng ta mới có thể làm chứng cách hiệu quả cho Chúa Giêsu Phục Sinh.

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn thường có thái độ nào đối với những lời nói giả dối, tin tức giả, hàng giả,…?

2. Bạn biểu lộ sự thật là chính Chúa Kitô bằng những hành động cụ thể nào?
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống B. 20.5.2018
Lm Francis Lý văn Ca
16:53 16/05/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, ngày lễ Sinh Nhật của Giáo Hội, nhắc nhở chúng ta cách đặc biệt về cuộc sống đức tin. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban Thánh Thần hiện diện sống động trong Giáo Hội và không ngừng canh tân Giáo Hội. Xin Thánh Thần thổi luồng sinh khí mới để cuộc sống của chúng ta luôn được canh tân để sống và thực thi Tin Mừng giữa gia đình và trong cộng đoàn-giáo xứ.

Xin cho mỗi người trong chúng ta, cho dù khác màu da, ngôn ngữ, chủng tộc, chúng ta biết xử dụng sự phong phú của chính mình và đa văn hoá để xây dựng cộng đoàn-xứ đạo thêm phong phú với những sắc thái đặc thù trong sự tôn trọng và hiệp nhất.

Các bài đọc hôm nay - đặc biệt là Sách Tông Đồ Công Vụ - đã làm nổi bậc đặc tính hiệp nhất do Thánh Linh mang xuống. Thánh Linh Chúa hoạt động nơi thánh Phêrô cách tỏ tường đã làm cho nhiều người ngoại quốc đến từ các miền có ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn hiểu được. Câu chuyện của Ngày Lễ Hiện Xuống trái ngược hẳn với câu chuyện tháp Babel với lòng tự cao tự đại đã trở nên lộn xộn, chia rẽ Xin Chúa Giêsu Sống Lại: thổi vào tâm hồn chúng ta một luồng sinh khí mới, để chúng ta có tinh thần mới của Thánh Linh Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng Chúa Sống Lại.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa Thánh Thần đã làm một việc cả thể: Thay đổi các tông đồ từ nhát đảm trở thành những nhà hùng biện đại tài, rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, đã chết và sống lại. Tất cả mọi việc Thiên Chúa có thể can thiệp, điều khiển, sửa đổi theo chương trình quan phòng của Ngài.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khuyên dân thành Galasê - cũng là lời khuyên chúng ta - hãy để Chúa Thánh Thần điều khiển, hướng dẫn mọi hành vi và ước muốn của chúng ta.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Thánh Gioan thuật lại những lời tâm huyết của Đức Kitô trước khi giã từ các môn đệ để vào sự thương khó. Thiên Chúa đã sai Thánh Thần đến để nâng đỡ và hướng dẫn mọi việc chúng ta làm đều sáng danh Chúa.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha sai Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất: Canh Tân Giáo Hội và Thế Giới.

1. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được đầy ơn Thánh Thần, để Ngài hướng dẫn con thuyền Giáo Hội đến bến bờ bình an. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Tổng Giám Mục… hàng Giáo Phẩm… để Các Ngài đầy khôn ngoan chu toàn trách vụ những Đấng Chủ Chăn trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới hiện nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Với ơn Chúa Thánh Thần giúp sức: chúng ta sẽ canh tân cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn xứ đạo để mỗi ngày thêm vui tươi và đầy tràn tình huynh đệ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

4. Với ơn Thánh Linh thúc giục, xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết hăng say trong các công tác tông đồ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

5. Chúng ta cầu nguyên cho thân bằng quyến thuộc đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

Linh mục:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ban cho chúng con niềm tin vững mạnh và hiệp nhất để làm chứng nhân cho Chúa giữa xã hội và môi trường chúng con đang sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đêm Canh Thức Lần Thứ X Tại Nhà Thờ Đức Bà Paris Cầu Nguyện Cho Sự Sống
Lê Đình Thông
07:33 16/05/2018
Tối nay (16/05/2018), Đức TGM Paris Michel Aupetit và bảy vị giám mục các giáo phận ngoại thành : Meaux, Versailles, Créteil, Évry-Corbeil-Essonnes, Nanterre, Pontoise, Saint-Denis đồng chủ sự đêm canh thức lần thứ X cầu nguyện cho sự sống tại Nhà thờ Chính tòa Notre Dame de Paris. Các vị giám mục đưa ra các ý cầu nguyện như sau :

Các kỹ thuật y khoa và sinh học mang lại nhiều khả năng tuyệt vời, đồng thời đưa ra các câu hỏi khiến ta phải đối đầu.

‘‘Làm sao tôn trọng sự sống con người về nhân phẩm, đối với các trường hợp dễ bị tổn thương, cũng như làm sao tránh được rủi ro chế tạo con người theo ý muốn ?

Liệu ta chấp nhận có mặt và giúp đỡ những người trong hoàn cảnh thương đau ?

Chúng tôi vững tin nơi một thế giới đầy tình huynh đệ.’’

Cũng ngày hôm nay, Quốc hội Pháp họp bàn với GS Alain Fischer diễn giảng môn Y học thực nghiệm (médecine expérimentale) tại Collège de France và GS Antoine Magnan, chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều hợp nghiên cứu. Phiên họp này nhằm chuẩn bị cho việc tu chính luật đạo đức sinh học vào mùa thu 2018.

Tháng ba vừa qua, Đức Cha Michel Aupetit, TGM Paris, xuất thân là bác sĩ y khoa, tác giả nhiều cuốn sách về đạo đức sinh học, đã trao đổi với ông François Delfrassy, chủ tịch Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Đạo đức Y khoa. Theo Đức Cha Aupetit, ngài muốn biết quan điểm của ông Delfrassy về vần để thiện, ác. Vị chủ tịch chỉ trả lời là không thể phân định được.

Mặt khác, theo LS Jean-René Binet, chuyên gia về luật đạo đức sinh học, nếu theo dõi tiến trình soạn thảo đạo luật, ta nhận ra hai khuynh hướng đối nghịch:

- Giáo Hội Công Giáo luôn đề cao các nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm và sự sống ;

- và khuynh hướng đối nghịch chủ trương cần thay đổi các nguyên tắc, trong các trường hợp ngoại lệ cần thiết, như việc cho phép nghiên cứu phôi thai.

Trong đêm canh thức, các vị giám mục cùng cộng đoàn cùng cầu nguyện để việc nghiên cứu khoa học được tiến hành trong sự tôn trọng sự sống con người, từ lúc bắt đầu đến giờ phút kết thúc sự sống, trường hợp những người khuyết tật, các bệnh nhân, các người già nua tuổi tác và những thành phần yếu kém trong xã hội.

Lê Đình Thông
 
ĐGH tiếp các vị đại diện Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Đạo Jain và Sikh
Nguyễn Long Thao
09:21 16/05/2018
ĐGH tiếp các vị đại diện Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Đạo Jain và Sikh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm thứ Tư, 16/5/2018 đã gặp một phái đoàn gồm các vị đại diện của Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Đạo Jain, Đạo Sikh, Thiên Chúa Giáo và một số các vị Sư của Phật Giáo Thái Lan đang tham dự hội nghị tại Tòa Thánh Vatican

Vào ngày thứ Ba 15 tháng 5 năm 2018, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh Vatican đã tổ chức hội nghị một ngày về chủ đề “Pháp và Biểu trưng ( Dharma and Logos) - Đối Thoại và Hợp Tác trong thời đại phức tạp”. Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu các tôn giáo thuộc vùng Nam Á Châu.

Trong buổi gặp gỡ dân chúng hàng tuần vào ngày thứ Tư, ĐGH đã gặp gở các vị đại biểu này và bày tỏ sự hài lòng của Ngài đối với hội nghị. Ngài nói “ Đối Thoại và Hợp Tác là rất cần thiết trong thời đại chúng ta vì có những căng thẳng, xung đột và bạo lực”

ĐGH cũng phát biểu thêm rằng chúng ta cần cảm tạ Chúa vì các nhà lãnh đạo các tôn giáo đã tích cực nuôi dưỡng một nền văn hoá gặp gỡ mà kết quả tiêu biểu là đối thoại có kết quả, là làm việc với nhau có hiệu quả trong khi phục vụ cuộc sống, nhân phẩm con người và chăm lo cho sự sáng tạo.

Với các Hòa Thượng Phật Giáo Thái Lan, ĐGH đã có cuộc họp riêng với các vị này. Các Hòa Thượng đã tặng ĐGH một quyển sách thánh ( Sacred Book) do các nhà sư ở Chùa Wat Pho dịch sang tiếng Thái Lan.

ĐGH đã cảm ơn các vị Hòa Thượng và nói rằng đó là dấu hiệu cụ thể biểu lộ tinh thần quảng đại, thân hữu mà các Phật Tử cũng như các Kitô Hữu đã chia sẻ với nhau từ lâu đời.

ĐGH cũng nhắc lại cuộc gặp gỡ của ĐGH Phao Đệ VI với Đại Lão Hòa Thượng Somdej Phra Wanaratana của Thái Lan mà chân dung của Ngài vẫn còn treo tại văn phòng của Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn.

ĐGH cũng khuyến khích các Phật Tử cũng như các Kitô Hữu hãy đoàn kết với nhau hơn, gia tăng hiểu biết, tôn trọng truyền thống tâm linh của nhau và làm nhân chứng cho thế giới về các giá trị công lý, hoà bình và bảo vệ nhân phẩm con người.

Đức Giáo Hoàng thúc giục các Phật Tử và người Công Giáo Thái Lan tiếp tục sống gần gũi nhau hơn, "nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng truyền thống tâm linh của nhau, và làm chứng cho thế giới biết về các giá trị của công lý, hòa bình, và bảo vệ nhân phẩm."

Nguyễn Long Thao
 
Phỏng vấn cha giám đốc AsiaNews, Fides – tiếng nói bênh vực tự do cho Việt Nam tại Giáo Đô Rôma
VietCatholic Network
10:25 16/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em, nhân ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ 52, được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào ngày Chúa Nhật 13 tháng 5, VietCatholic đã có cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera, một vị đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam trong ngành truyền thông.

Để tiện theo dõi, Lan Vy xin được giới thiệu vài nét về ngài.

Cha Bernado Cervellera hiện nay là Giám đốc thông tấn xã Asia News. Ngài nguyên là Giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Trước đó, ngài từng là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh, và đã từng sang Việt Nam trong các phái đoàn của Tòa Thánh. Vì thế, ngài có một hiểu biết rất rộng về đời sống của Giáo Hội Công Giáo dưới ách của một nhà nước cộng sản vô thần nói chung, và hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam nói riêng.

Ngài và Asia News là tiếng nói bênh vực cho Giáo Hội Việt Nam tại ngay giáo đô Rôma, trong tất cả những hoàn cảnh khó khăn như các biến cố Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu, Thủ Thiêm…Ngài thấu hiểu hoàn cảnh và có một trí nhớ phi thường nhiều giáo sĩ tại Việt Nam như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cha Nguyễn Văn Lý và cả các giáo dân như luật sư Lê Quốc Quân; và nhiều câu chuyện tại Việt Nam như vụ Formosa, vụ nhà dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội…

Nữ phóng viên Thảo Ly của VietCatholic đã bay từ Úc sang giáo đô Rôma để có cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở số 11 Via Francesco Domenico Guerrazzi.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em phóng viên Thảo Ly và cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thảo Ly đã hân hạnh có cuộc gặp gỡ với cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở số 11 Via Francesco Domenico Guerrazzi.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngài.

Trước hết, con muốn nhân cơ hội tuyệt vời này để cảm ơn cha rất nhiều vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.

Ngay tại đây, tại Rôma, trung tâm của Giáo Hội Công Giáo, tiếng kêu của chúng con vì những đau khổ vẫn còn đang tiếp diễn do bị bách hại, bị phân biệt đối xử, bị cướp bóc tài sản, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị hạn chế tự do tín ngưỡng trong một cơ chế “xin cho” đã được thế giới nghe thấy nhờ sự giúp đỡ lớn lao của AsiaNews.

Có một câu, người Việt chúng con thường nói “uống nước nhớ nguồn”. Nhiều linh mục và anh chị em giáo dân muốn con chuyển đạt lời cảm ơn và sự đánh giá cao của họ đến cha vì cha và AsiaNews đã là đôi mắt, đôi tai và tiếng nói ủng hộ họ trong suốt những năm qua. Xin cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội tại Việt Nam.

Công bằng mà nói, chúng con, các ký giả đã học được rất nhiều điều ở cha; không chỉ về cách thức trở thành một phóng viên có trách nhiệm, mà còn học được nơi cha tình yêu và sự chăm sóc huynh đệ mà cha và đồng nghiệp của cha tại AsiaNews đã dành cho chúng con, bất kể sự khác biệt của chúng ta về văn hóa và chủng tộc.

Ngày nay, Giáo hội ở Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối con đường hầm quá dài trong một xã hội được đánh dấu bởi quá nhiều những hành vi bất công, bất nhân, phân biệt đối xử và loại trừ. Tuy nhiên, chúng con không cảm thấy cô đơn. Cảm ơn cha rất nhiều.

Thảo Ly: Thưa Cha Bernardo, AsiaNews đã trở thành một điểm tham chiếu cho rất nhiều người muốn có một sự hiểu biết sâu sắc về Giáo Hội tại Á châu. Là một linh mục người Ý, điều gì đã khiến cha trở nên quan tâm đến vấn đề tôn giáo và chính trị xã hội ở châu Á?

Cha Bernado Cervellera:

Trước hết, khi tôi còn trẻ, lúc đó tôi 17 tuổi, tôi muốn làm điều gì đó cho xã hội, cho thế giới. Trong thời kỳ đó có một biến cố gọi là cuộc cách mạng của 68. Mọi người trẻ đều muốn thay đổi thế giới. Đây là một khía cạnh, nhưng khía cạnh thứ hai là điều này, khi đó tôi tái khám phá đức tin của mình sau một thời gian sống, có thể nói, là vô thần trong thực tiễn và khám phá này rất mạnh đến mức tôi muốn dâng hiến đời mình cho việc truyền bá đức tin Công Giáo trên toàn thế giới; và rồi tôi trở thành một nhà truyền giáo PIME, Pontificio Istituto Missioni Estere Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại – rồi tôi trở thành một linh mục; và các sứ vụ truyền giáo của PIME chủ yếu là ở châu Á. Đây là lý do tại sao AsiaNews bắt đầu theo dõi tình hình ở châu Á nói chung và đặc biệt là tình hình truyền giáo ở châu Á.

Giờ đây, chúng ta cũng có thể nói rằng châu Á đã trở thành một lục địa rộng lớn, một lục địa quan trọng, đông dân nhất với hơn một nửa dân số trên thế giới. Thứ hai, nó đã trở thành một điểm trung tâm cho nền kinh tế thế giới và đại lục này cũng là một nơi có những tôn giáo lớn, những dân tộc và những nền văn hóa vĩ đại. Vì vậy, rõ ràng là nếu bạn muốn nắm lấy thế giới trước hết bạn phải nắm được châu Á.

Giáo Hội Công Giáo ở châu Á rất thú vị bởi vì thông thường các cộng đồng Công Giáo, các cộng đồng Kitô hữu là những nhóm thiểu số nhỏ nhoi nhưng rất sống động; và vì thế, sự tăng trưởng của Giáo hội ở châu Á là tuyệt vời, tăng đến bốn, năm phần trăm mỗi năm trong khi ở châu Âu có tình trạng ngưng trệ và ở Úc cũng giảm. Vì vậy, Giáo Hội Công Giáo rất quan tâm đến miền này.

Thảo Ly: Trước năm 2008, là năm được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tại Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, hầu hết các phóng viên Công Giáo Việt Nam đã viết các bài báo bằng tiếng Việt, chứ không bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đối mặt với một nguy cơ của một cuộc trấn áp quyết liệt, có thể là một cuộc đàn áp Thiên An Môn khác, chúng con bắt đầu thấy một nhu cầu cấp thiết để thông báo cho thế giới những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Cha đã từng lãnh đạo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và bây giờ là tổng biên tập của AsiaNews, cha nghĩ gì về sức mạnh của internet và công nghệ mới trong cuộc chiến khó khăn để bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo?

Cha Bernado Cervellera:

Khi tôi là giám đốc của Fides, tôi cũng bắt đầu phiên bản Internet của Fides và đây là lý do tại sao bề trên của tôi, khi tôi kết thúc công việc của mình tại Vatican đã yêu cầu tôi làm như thế cho AsiaNews. AsiaNews trước đây là một tạp chí in trên giấy. Bây giờ, nó là một cơ quan tin tức hàng ngày.

Internet là một công cụ lớn và quan trọng bởi vì nó giao tiếp ngay lập tức trên toàn thế giới bằng các ngôn ngữ, tin tức và sự kiện đa dạng, cũng như các bài suy niệm theo cách mà trước kia là không thể được. Tôi nhớ khi tôi đến Việt Nam vào những năm 90, tôi thường mang theo một số sách. Thật khó để mang theo, để dấu trong khi bây giờ với internet tất cả mọi thứ có thể được gửi, tất nhiên, dưới dạng kỹ thuật số và theo phong cách kỹ thuật số.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải cẩn thận vì internet với tất cả các thông tin và các thông điệp nổi lên từ các mạng xã hội, cũng có thể kèm theo các tin giả là tin tức được thao túng vì mục đích ý thức hệ. Vì vậy, đây là lý do tại sao bất cứ khi nào chúng tôi nhận được tin tức từ một số nước ở châu Á, chúng tôi cố gắng xác minh và yêu cầu phóng viên của chúng tôi xác minh sự thật và cảm ơn Chúa, chúng tôi có phóng viên trên khắp Châu Á, vì vậy họ có thể là nhân chứng, không chỉ là những thông tín viên, họ còn là nhân chứng của tin tức, điều này khá quan trọng.

Thảo Ly: Nhiều phóng viên trẻ ở Việt Nam muốn được nghe lời khuyên của cha về cách chúng con có thể trở thành nhà báo hiệu quả, làm thế nào chúng ta có thể thu hút sự chú ý của quốc tế?

Cha Bernado Cervellera:

Họ có thể làm việc cho AsiaNews (cười). Chúng tôi là một ngôi trường rất tốt. Tôi nghĩ ... Chúng tôi có các nhà báo trẻ ở đây ở Ý, những người muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Những gì tôi luôn nói với họ trước hết là hãy có lòng hiếu kỳ, đừng hài lòng, hay như tôi thường nói, là lười biếng, với những tin tức chúng ta nhận được, nhưng phải luôn cố gắng hiểu nhiều hơn, cố gắng xác minh những điều được người ta nói ra, cố gắng tìm lý do đằng sau tất cả các tin tức. Vì vậy, sự hiếu kỳ là năng khiếu rất quan trọng đối với một nhà báo, cho những ai muốn trở thành nhà báo.

Thứ hai, tôi yêu cầu các nhà báo trẻ của tôi phải biết tôn trọng những người mà chúng ta đang nói hoặc chúng ta đang viết về họ. Tôn trọng họ, những người có lẽ đau khổ hoặc đang làm điều gì đó. Chúng ta phải cố gắng hiểu, trước hết, không phán xét, không kết luận điều đó là tốt hay không tốt, và đừng chế nhạo họ. Hãy cố gắng hiểu. Cố gắng hiểu con người bên trong của họ. Và đối với một nhà báo Công Giáo, chúng ta cũng cần cố gắng hiểu những gì Giáo hội có thể làm cho người này, cho tình trạng này bởi vì báo chí Công Giáo và báo chí truyền giáo Công Giáo cần phải có một giọng nói tiên tri để đề nghị những điều mà Giáo hội, những điều mà người Công Giáo, người Kitô hữu có thể làm để chữa lành tình hình, cố gắng đưa ra câu trả lời cho các vấn đề, cố gắng hỗ trợ cho những người bị vi phạm nhân quyền tự do tôn giáo và vân vân. Đây là một phần của sứ mệnh của Giáo Hội trong những hoàn cảnh đó.

Thảo Ly: AsiaNews rất được ưa chuộng đối với người Công Giáo Việt Nam và những người có liên quan, các bài báo dịch từ AsiaNews đã trở thành một phần của những mục yêu thích hàng ngày của độc giả Việt Nam. Xin cha nói thêm một chút về lịch sử của AsiaNews và viễn kiến của cha dành cho cơ quan này.

Cha Bernado Cervellera:

Tôi có thể nói gì. Asia News đã xuất hiện, như cha đã nói với con trước đây, là từ mong muốn truyền giáo của các cha PIME để cố gắng hiểu Châu Á, cố gắng nhìn thấy một số con đường cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội ở Châu Á, và cố gắng xây dựng một mối quan hệ giữa Đông và Tây. Thông thường Đông và Tây, chúng ta hãy nói, châu Á và châu Âu chẳng hạn, hoặc châu Âu và Mỹ, họ cố gắng chiến đấu với nhau vì lý do thương mại, vì lý do địa chính trị, đôi khi cũng vì những lý do văn minh. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng cố gắng tìm cách để có sự hợp tác giữa các thế giới này với nhau và vì vậy hãy cố gắng hiểu nhau và cố gắng hỗ trợ lẫn nhau cả trên quan điểm kinh tế. Đây là kế hoạch của AsiaNews.

Bây giờ, chúng tôi thực hiện kế hoạch này được bao nhiêu? Đây là kế hoạch có thể được hoàn thành, nhưng tôi không biết khi nào. Nhưng dù sao, mỗi ngày chúng tôi cố gắng hết sức để làm theo những hướng dẫn này. Điều tôi thấy là một sự khẩn cấp nhất định trong sứ mệnh truyền giáo ở châu Á, không chỉ bởi vì người dân ở châu Á có một mong muốn mạnh mẽ về đức tin Kitô, mà còn bởi vì những vấn đề ở châu Á. Bây giờ, có những vấn đề đô thị và toàn cầu hóa, có sự sỉ nhục người dân vì công việc, bởi vì khai thác, vì lương rất thấp, vì những vấn đề môi trường. Tất cả những điều này xảy ra bởi vì con người không được nhìn nhận với một giá trị thích đáng. Giá trị con người ở châu Á không được đánh giá cao trong nền văn hóa nói chung, trong tầm nhìn kinh tế. Đức tin Công Giáo nói rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại cho mỗi người chúng ta. Đây là nền tảng của nhân phẩm con người, vì vậy mọi người đều quan trọng. Và tôi nghĩ đây là lý do tại sao đức tin Công Giáo đang phát triển ở châu Á. Bởi vì người châu Á họ tìm thấy nơi đức tin Kitô nguồn mạch nhân phẩm của mình; và nguồn gốc phẩm giá con người của họ cũng trở thành một hình thức sáng tạo, một dấn thân cho xã hội, cho hạnh phúc của xã hội, cho hạnh phúc của gia đình, cho hạnh phúc của đất nước nơi họ đang sống.

Chúng ta cần tầm nhìn lớn vì nếu không, công việc hàng ngày của chúng ta trở nên quá mù quáng.

Thảo Ly: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cha có điều gì muốn nói với các độc giả Việt Nam của Asia News không?

Cha Bernado Cervellera:

Tôi luôn ngưỡng mộ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Trước hết, bởi vì phong cách của Giáo Hội tại đây khác với những Giáo Hội khác, như Giáo Hội Trung Quốc, chẳng hạn. Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam vẫn thống nhất, luôn đoàn kết, không chia rẽ. Đây là một ân sủng rất quan trọng và là một công cụ rất thiết yếu cho sứ mệnh truyền giáo vì sự hiệp nhất Giáo Hội phải được bảo tồn, sự thống nhất của Giáo Hội là truyền giáo. Tôi đã gặp nhiều linh mục và nữ tu Việt Nam trong cuộc đời tôi và điều rất, rất thú vị là họ rất dấn thân với người nghèo, hướng về gia đình, hướng đến trẻ em, hướng đến những người lao động. Tinh thần truyền giáo này rất cần được hỗ trợ và nhân lên.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải nói lên tình hình của đất nước, tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền, bởi vì đây là cách mà qua đó sự thật có thể được tìm thấy, có thể được nảy sinh trong xã hội. Điều này là quan trọng. Đôi khi, ngay cả trong các cơ cấu của Giáo hội, tìm một cách lịch sự để nói những điều không xúc phạm ai thì tốt hơn là im lặng. Tất nhiên, khi không thể lên tiếng thì chúng ta phải giữ im lặng, nhưng chúng ta có thể giúp người khác nói thay mặt cho chúng ta và đây là một ví dụ về giá trị của AsiaNews. Đôi khi, chúng tôi nhận được tin tức và các thỉnh nguyện từ các Giáo Hội không thể tự gióng lên tiếng nói vì họ bị cấm đoán, vì lý do này lý do khác. Nhưng Asia News nêu lên những tình huống của họ với giọng nói của họ ngay cả khi họ không thể nói một lời nào.

Thảo Ly: Cảm ơn Cha Bernardo đã dành cho con cuộc phỏng vấn này và một lần nữa, cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.
 
Tại buổi tiếp kiến chung: Hãy để cho ân sủng của Bí Tích Rửa Tội sinh hoa trái trong đời sống.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:23 16/05/2018
(Vatican News) Trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, ngày 16 tháng Năm, ĐGH Phanxicô đã kết thúc loạt bài về Bí Tích Rửa Tội. Ngài nói về hoa trái thiêng liêng mà Phép Rửa mang lại cho đời sống người tín hữu và mời gọi chúng ta hãy bước theo ánh sáng của Đức Kitô.

Áo Trắng Rửa Tội.

ĐGH ghi nhận rằng ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, theo truyền thống, những người lãnh nhận nước rửa tội, được mặc cho áo mới, màu trắng tượng trưng cho đời sống mới được biến đổi mà người ấy nhận được qua Đức Kitô và Chúa Thánh Thần.

Thánh Phao-lô đã nhắc nhở các tín hữu thời đầu trong thư gởi tín hữu Côlôsê rằng nếu chúng ta được mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta phải mặc lấy lòng lân mẫn “biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ đại lượng”. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em. Trên hết các điều ấy, hãy có đức yêu thương là giềng mối của sự trọn lành.

Nến Sáng Rửa Tội.

Những người lãnh nhận phép Rửa Tội cũng được trao cho một cây nến sáng, thắp sáng từ cây nến Phục Sinh khi linh mục đọc những lời này “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô”. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là ánh sáng, nhưng đúng hơn chúng ta được kêu gọi để nhận ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết và vượt qua bóng tối của sự dữ.

Cũng giống như nến Phục Sinh thắp sáng tất cả những cây nến trong mỗi người chúng ta, tình yêu của Chúa Phục Sinh cũng bùng cháy trong tâm hồn của tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa tội. Đó là lý do vào những thế kỷ đầu, Bí Tích Rửa Tôi còn được gọi là Bí Tích Soi Sáng.

ĐGH nói rằng đây là ơn gọi của Kitô hữu chúng ta để bước đi như con trai và con gái của sự sáng, kiên trì trong đức tin. Một khi các em được rửa tội, thì các bậc phụ huynh và ông bà có bổn phận để nuôi dưỡng ngọn lửa ơn thánh ấy, giúp các em bền vững trong đức tin. Giáo dục Kitô giáo là quyền của mỗi em để các em có thể dần dần đi đến việc nhận biết chương trình của Thiên Chúa dành cho họ.

Sự hiện hữu sống động của Đức Kitô trong mỗi chúng ta là ngọn đèn chiếu sáng đường chúng ta đi, hướng dẫn chúng ta trong những quyết định và sưởi ấm trái tim khi chúng ta cùng nhau hướng về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Vào ngày đó, sẽ không còn bóng đêm và chúng ta sẽ không cần những ngọn đèn đó nữa bởi vì ánh sáng của Đức Kitô sẽ chiếu sáng trên mọi sự.

Gọi Thiên Chúa là Cha.

ĐGH nói rằng Bí Tích Rửa Tội dẫn đến với Cha của chúng ta, vì những người mới được rửa tội học để gọi Thiên Chúa là “Cha” khi họ nhận được đầy đủ ơn của Chúa Thánh Thần.

ĐGH đã kết thúc loạt bài giáo lý với lời mời gọi trong Tông Huấn mới đây của ngài “ Hãy vui mừng và hân hoan “, khuyến khích mọi người hãy để cho ân sủng của Bí Tích Rửa Tôi sinh hoa kết trái trong đời sống của họ.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Các Giám Mục Liên Giáo Hội tin vào Chúa Kitô mời gọi cầu nguyện cho một giải pháp Hòa bình tại Thánh địa
Thanh Quảng sdb
17:35 16/05/2018
Các Giám Mục Liên Giáo Hội tin vào Chúa Kitô mời gọi cầu nguyện cho một giải pháp Hòa bình tại Thánh địa


Theo Thông tấn xã Fides tại Giêrusalem thì hàng chục người chết và khoảng 3 ngàn người bị thương trong các cuộc biểu tình của Palestine tại biên giới giữa giải Gaza và Israel đã có thể tránh được "nếu các lực lượng Israel xử dụng những công cụ không gây chết người". Các Giám mục Công Giáo tại Đất Thánh phê bình quân đội Israel, và thứ Ba ngày 15 tháng 5 vừa qua các ngài đã đưa ra một tuyên cáo về các sự kiện bi thảm làm đổ máu tại vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh ra, chịu chết và sống lại này.
Trong thông điệp của các ngài được phát tán qua các nguồn truyền thông chính thức của Tổ chức các Giáo hội tin vào Chúa Kitô tại Giêrusalem và được gửi tới cho Thông tấn xã Fides thì Hội đồng Giám mục Công Giáo tại Đất Thánh kêu gọi hãy chấm dứt các cuộc vây hãm áp đặt trên hai triệu người Palestine ở giải Gaza càng sớm càng tốt .

Các Giám mục cho hay rằng việc di dời tòa Đại sứ Hoa Kỳ của Israel từ Tel Aviv về Giêrusalem, không khác nào là một động thái và một quyết định đơn phương về Thành phố Giêrusalem, hành thái này "không góp phần xây dựng hòa bình đã được đợi chờ từ lâu nay giữa Israel và Palestine ". Và các ngài cũng đề cập đến sự cần thiết, đã được Thánh Tòa nhắc nhở là hãy làm cho Giêrusalem trở thành "một thành phố mở rộng cho mọi người, hãy làm cho nó trở thành trái tim tôn giáo của ba tôn giáo tôn lớn", tránh các biện pháp đơn phương có thể làm thay đổi bộ mặt của Thành Thánh này. Các Giám mục Công Giáo tại Đất Thánh tuyên bố rằng: "Chúng tôi tin rằng không có lý do gì có thể ngăn chặn Thành phố này không thể là thủ đô vừa của Israel và của Palestine", điều này nên được thực hiện qua các cuộc "đàm phán và tôn trọng lẫn nhau".

Hội đồng Giám mục Công Giáo tại Đất Thánh là một tập hợp tất cả các Giám mục của các Giáo Hội Công Giáo Latin, Hy Lạp Melkite, Armenia, Maronite, Chaldean và Công Giáo Syria hiện diện tại Đất thánh cùng với Giám mục Thánh địa của Thánh Phanxicô. Ngày thứ Ba 15/5 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa tại Giêerusalem kêu mời "tất cả các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh, và tất cả các tín hữu tại Giêrusalem và những người thiện tâm hãy "tham gia buổi cầu nguyện cho hòa bình sẽ được tổ chức vào chiều thứ Bảy 19/5 này, vào đêm trước Lễ Hiện Xuống, tại nhà thờ thánh Etienne.
Kể từ ngày 30/3, khi các cuộc biểu tình của người Palestine bắt đầu dọc theo biên giới Israel, thì ít nhất đã có 110 người Palestine bị bắn chết và hơn 3.000 người đã bị thương ở giải Gaza. (Agenzia Fides, 16/5/2018)
 
Giới truyền thông quốc tế suy diễn ĐGH Phanxicô đang chuẩn bị từ chức
Nguyễn Long Thao
17:52 16/05/2018
Vào sáng thứ Ba, ngày 15 tháng 5 năm 2018, trong bài suy niệm dựa trên đoạn văn của Thánh Phaolô nói về vai trò của Mục Tử, ĐGH Phanxicô đã nói về thời gian khi nào thì mục tử phải rời bỏ đoàn chiên để nhường công tác mục vụ cho người khác.

Trong bài suy niệm, ĐGH đã nói “Khi đọc đoạn kinh thánh này tôi nghĩ đến bản thân tôi vì tôi cũng là một Giám Mục, tôi cũng phải từ nhiệm. Ngài nói thêm :”Các vị Giám Mục không nên coi ơn gọi của mình là phải thăng tiến trong nghề nghiệp Giáo Hội . Ngài nhắc nhở các vị Giám Mục hãy săn sóc đoàn chiên, và vào một thời điểm nào đó thì phải trao trách nhiệm cho người khác.

Ngài nói thêm đây là điều mà tất cả các vị Giám Mục phải quyết định vào một lúc nào đó trong đời của mình.

ĐGH Phanxicô kết thúc bài giảng:” Tôi nghĩ đến hết tất cả Giám Mục, Xin Chúa ban cho tất cả mọi người chúng ta ơn lành để mạnh dạn theo con đường biết lúc nào phải rời bỏ đoàn chiên.

Tưởng cũng nên nói thêm, phòng báo chí Tòa Thánh thường không công bố toàn văn bài giảng thông thường của ĐTC,mà chỉ trích dẫn những đoạn quan trọng.

Chính vì lý do này,các thông tín viên quốc tế, dựa trên nội dung đoạn văn được phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến, đã suy diễn rằng ĐGH Phanxicô sẽ theo gương ĐGH Bênêđictô XVI từ chức.

Giới truyền thông quốc tế, tiêu biểu là cơ quan truyền thông Fox News của Hoa Kỳ đã nhận xét lời phát biểu trên đây của ĐGH Phanxicô là một bình luận khó hiểu. Tuy nhiên họ vẫn suy đoán là ĐGH Phanxicô đang chuẩn bị cho việc Ngài từ chức.

Nguyễn Long Thao
 
Các phiên xử Đức Hồng Y Pell vì các cáo buộc vi phạm tình dục từ lâu năm có thể được diễn ra trong bí mật
Vũ Văn An
18:33 16/05/2018
Việc Đức Hồng Y George Pell bị cảnh sát điều tra, bị họ điệu ra tòa “điều trần” và dù nhiều lời tố cáo đã bị loại vì thiếu bằng chứng hoặc vì người tố cáo không đủ tư chất ra đối chứng, nhưng vẫn bị quan toà “kết tội” (kết tội chứ chưa kết án, thực tế, ngài đang được tại ngoại hầu tra [bail]) để phải ra tòa hình với đầy đủ bồi thẩm đoàn khiến người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên nọ đối với nền tư pháp Úc. Bất kể ba Tổng Giám Mục Fisher của Sydney, Hart của Melbourne và Coleridge của Brisbane, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, tuyên bố tôn trọng quyết định của tòa án Melbourne và muốn nó đi hết con đường nó phải đi!



Ngạc nhiên thứ nhất là trái với dự đoán của nhiều người rằng với phán quyết “kết tội” ngài, quan tòa sẽ phải nói rõ tội trạng, nhưng trong phán quyết của bà, Thẩm Phán Belinda Wallington đã không nói rõ ngài bị buộc tội chi cụ thể và chuyên biệt.

Không rõ khi ấn định ngày giờ và địa điểm của các phiên tòa, việc này có được làm sáng tỏ hơn không. Nhưng tin tức cuối cùng vào hôm nay cho thấy không những không có chuyện làm sáng tỏ tội trạng mà đến các phiên xử cũng sẽ diễn ra trong bí mật.

Thực vậy, theo ký giả Damien Cave, của New York Times, hôm thứ Sáu vừa qua, các công tố viên đã nạp đơn xin một lệnh “siêu cấm” (superinjunction), không cho báo chí tường trình hai phiên xử dự định đối với Đức Hồng Y Pell. Các chuyên gia luật pháp mô tả đơn xin này như một động thái cực đoan nhằm giữ cho bồi thẩm đoàn trong cả hai phiên xử không biết bất cứ điều gì có thể làm họ thiên tư.

Nhưng một phiên toà được tổ chức kiểu “kín cổng cao tường” như thế cũng có thể hạn chế tính trách nhiệm cho quan tòa, bồi thẩm đoàn và các luật sư.

Jason Bosland, phó giám đốc Trung Tâm Luật Các Phương Tiện Truyền Thông Và Các Hình Thức Truyền Thông tại Trường Luật Melbourne nhận định: “Lệnh đề nghị là một ngăn cấm toàn diện và là một hình thức ra lệnh cực đoan nhất có thể đưa ra”.

Tuy nhiên, các giới hạn tương tự vốn cũng đã được áp dụng nhằm giữ cho các chi tiết và con số cáo buộc Đức Hồng Y Pell được bí mật. Chính vì thế, theo tin The Guardian ngày 16 tháng 5, một nhân viên Toà Án vừa bị sa thải vì đã lục lọi thông tin về phiên xử ngài. Tuy nhiên, lệnh cấm mới được đề nghị này ngăn cấm “bất cứ tường trình toàn bộ hay từng phần nào các phiên xử và bất cứ thông tin nào phát xuất từ các phiên xử này và bất cứ tài liệu nào liên quan tới phiên xử”.

Lệnh cấm này, nếu được chấp thuận, sẽ áp dụng cho “mọi tiểu bang và lãnh thổ của Úc và trên bất cứ trang mạng hay khuôn khổ điện tử hoặc phát tuyến nào có thể truy cập bên trong Nước Úc”.



Điều ngạc nhiên thứ hai là truyền thông Úc nói riêng và công luận Úc nói chung, những người vốn tự hào là “fair” (hợp tình hợp lý), nhưng nhân cơ hội này không ngại “đạp”thêm một vài “đạp” vào con người mà theo tinh thần luật pháp họ nên giả thuyết là vô tội cho đến khi bị kết án.

Họ đã liên kết ngài với những người ăn chơi hoang đàng nhưng tự hào là đấu tranh cho chính nghĩa. Thực thế, Rachel Olding của tờ Sydney Morning Herald, ngày 12 tháng 5, cho chạy một hàng tít lớn “Why George Pell dined with under-fire EPA's Scott Pruitt in secret”.

Scott Pruitt đứng đầu cơ quan quản trị môi trường (Environment Protection Agency, tắt là EPA), của Hoa Kỳ, một cơ quan lập ra nhằm chứng minh tác dụng con người đối với việc thay đổi khí hậu là không đáng kể. Ông ta vốn bị tố cáo và bị điều tra về việc tiêu sài bừa bãi ngân qũi quốc gia. Tóm lại là một người bất hảo nhưng “ta đây”, hàm ý, Đức Hồng Y Pell cũng thế và do đó, bị kết tội là vừa! Bài báo cho rằng bữa ăn sang trọng tại Rôma diễn ra chỉ 3 tuần trước khi Đức Hồng Y Pell bị công tố viện Úc điệu ra tòa. Có lẽ vì thế mà tên ngài bị lấy ra khỏi danh sách khách mời của Pruitt, chứ thực ra, ngài có tham dự!

Một ác ý rõ ràng chỉ để chứng minh rằng ngài đi ngược lại quan điểm của “xếp” là Đức Phanxicô về vấn đề môi trường. Ký giả này không quên trích dẫn các bác bỏ của Đức Hồng Y Pell về lập trường môi trường của một số khoa học gia khi họ liên kết việc thải khí nhà xanh với việc thay đổi khí hậu, gọi nó là “những chủ trương hết sức buồn cười và cực đoan” và là “triệu chứng trống rỗng ngoại giáo”. Ngược hẳn với “xếp” khi “xếp” bảo: “lịch sử sẽ kết án” những kẻ bác bỏ việc khí hậu thay đổi. Quá đáng, sa thải đi là vừa để “người ta” dễ bề lên án.

Chính Damien Cave cũng nhắc đến bữa ăn trên trong bài báo chúng tôi đang trích dẫn. Hai việc không có chi liên quan với nhau, ngoại trừ là “phát súng ân huệ”.

Ký giả này cho rằng theo các chuyên viên luật pháp, việc công chúng chú ý (publicity) đã trở thành một vũ khí được luật sư của cả hai bên sử dụng, tuy cả hai đều gặp nguy cơ. Trong trường hợp Đức Hồng Y Pell, lời yêu cầu của công tố xem ra để loại bỏ mưu toan của luật sư bị cáo khi họ đưa ra luận điểm cho rằng việc quảng cáo vô tiền khoáng hậu khiến cho các phiên xử hợp tình hợp lý (fair) không thể diễn ra được.

Năm 2010, các luật sư đại diện cho một trong những kẻ giết người hàng loạt là Peter Dupas cũng đưa ra một luận điểm tương tự trước Tối Cao Pháp Viện để yêu cầu bãi bỏ phiên toà xử anh ta vì tội giết Mersina Halvagis. Nhưng luận điểm này không thành công.

Tuy nhiên, khuôn mạo Đức Hồng Y Pell, theo Damien Cave, có thể cao hơn, vì ngài vốn có vai trò nổi bật nơi công cộng cả mấy thập niên qua, nên không biết quan tòa sẽ quyết định chọn tư riêng hay trong sáng.

Các siêu lệnh cấm càng ngày càng trở nên thông thường hơn tại các tòa án Victoria, và phạm vi cấm hết sức rộng rãi, bao trùm cả những tin tức vô thưởng vô phạt.

Các cơ quan tin tức, chẳng hạn, có thể không được tường trình phiên xử diễn ra lúc nào và ở đâu, kể cả vì sao không được chia sẻ thông tin này. Theo Giáo Sư Bosland, “bạn không được nêu cả tên chánh án”.

Tại sao cần phải giữ bí mật

Trong một bài trước đó viết chung với Adam Baidawi ngày 30 tháng Tư, Damien Cave đề cập tới một đặc điểm của hệ thống tư pháp Úc, đặc biệt được áp dụng trong vụ xử Đức Hồng Y Pell.

Theo ông, Úc là nơi luật phỉ báng (defamation law) luôn nghiêng về nguyên cáo trong khi luật hình sự che chở bị cáo hơn bất cứ nước nào khác. Úc cũng là nơi một số tiêu chuẩn luật pháp giới hạn các phóng viên trong việc đăng tải tin tức liên quan đến các vụ hình sự.

Thực vậy, luật hình sự của Úc có khuynh hướng bênh vực bị cáo, và các phiên xử có tính bảo mật nhiều hơn ở Hoa Kỳ. Các tiêu chuẩn về xúc phạm (contempt) ngăn cấm, sau khi cáo trạng đã được đệ nạp và trước khi bản án đạt được, những tường trình bị coi như thiên lệch (prejudicial) hoặc chống hoặc bênh một bị cáo.

Tùy theo loại vi phạm, các nhà báo không được đăng tải các tin tức trong một loạt phạm trù rộng rãi, trong đó, có những lời tố cáo chống một cá nhân; bất cứ tội phạm có trước nào của người này, hay thống thuộc nào với các phạm nhân đã bị kết án; và các tư liệu có thể bị coi là có lợi một cách bất hợp lý cho bị cáo.

Mọi cơ quan tin tức của Úc phải chịu các hạn chế này. Bởi thế mà có thể có những dị biệt lớn lao giữa các bài báo viết về một vụ án từ bên trong Úc và các bài báo của các cơ quan có trụ sở ở bên ngoài Úc.

Trong nhiều vụ án, lệnh cấm này còn được sử dụng để giới hạn hơn nữa điều các nhà báo có thể tường trình tại Úc, khiến một số chi tiết ghi trong biên bản của tòa nhưng không ai được đụng tới.

Trong một số vụ hiếm hoi, ngay cả việc nhắc đến sự hiện hữu của lệnh cấm cũng không được; điều này có nghĩa các nhà báo không được nói cho các độc giả hay tại sao một số chi tiết không có trong tường trình của họ...

Jason Bosland, 1 giáo sư luật của Đại Học Melbourne, chuyên nghiên cứu thủ tục tòa án, nói rằng “Lệnh cấm thường được dùng để bảo vệ tính hợp tình hợp lý cho vụ xử bị cáo. Đây là mục đích chính của lệnh”. Nhưng, ông nói thêm: các lệnh này thường được chấp thuận mà không nghiêm ngặt xét xem thực sự chúng có cần thiết hay không.

Trong một tường trình công bố trước vụ xử Đức Hồng Y Pell bắt đầu, ông Bosland viết: “công lý công khai ngày càng bị làm cho suy yếu do việc sử dụng lệnh cấm không đúng đắn của tòa án”.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bosland cho hay “vấn đề ở Úc là các tòa án có khuynh hướng ra những lệnh không phù hợp với các đòi hỏi khắt khe của luật lệ”.

Nói tóm: vụ xử Đức Hồng Y Pell, có rất nhiều chi tiết mù mờ khúc mắc khiến nhiều người bỡ ngỡ. Các mù mờ khúc mắc này, có người cho rằng, không hẳn chỉ về phía tòa án Úc, như trên trình bầy, mà còn cả về phía giáo hội Úc và giáo hội phổ quát nữa, phải chăng đây là một âm mưu nhằm không phải chỉ cá nhân Đức Hồng Y Pell mà còn nhằm một điều lớn hơn như việc cải tổ nền tài chánh của Vatican chẳng hạn mà ngài vốn là người chủ đạo và đã khai quang được phần lớn các mối bòng bong?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Đại hội Thánh Mẫu La Vang kỳ III
Khắc Thái
22:17 16/05/2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ao Nhà
Thérésa Nguyễn
07:54 16/05/2018
AO NHÀ
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm ngày 17/5/2018: Các Giáo hội được mời gọi cùng chung lời cầu nguyện “Nước Cha Trị Đến”
VietCatholic Network
19:44 16/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 16 tháng 5.

2- Đức Thánh Cha nói: “Số phận” của chúng ta là sống trong tình bạn hữu với Chúa Giê-su.

3- Đức Thánh Cha cổ võ chữa trị các căn bệnh tinh thần.

4- Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ quốc tế.

5- Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải pháp.

6- Các Giáo hội được mời gọi cùng chung lời cầu nguyện “Nước Cha Trị Đến”.

7- Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu xác quyết Ấn tín tòa giải tội.

8- Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo.

9- Ban Đại diện Giáo dân thuộc Liên Đoàn Miền Tây Nam Hoa Kỳ họp mặt.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Tràng Hạt Mân Côi.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16/05/2018: Kết cục bất ngờ của những kẻ trộm tượng Đức Mẹ tại Wiscosin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:01 16/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52

Chúa Nhật 13 tháng 5, Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52. Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Trong Sắc Lệnh này, các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng:

“Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm. Giáo Hội nhận thấy mình có bổn phận dùng cả các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.

Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.”

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.

2. Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5

Giáo Hội Công Giáo thường không thêm các lễ kỷ niệm mới vào lịch phụng vụ đã quá dầy đặc của mình, nhưng năm nay Giáo Hội đã thêm một ngày lễ mới, lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

Ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ này không mới. Lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Ba Lan, Á Căn Đình, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và một số dòng tu đã dành riêng Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống để kính nhớ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”

3. Bắc Kinh hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican, tăng cường khủng bố tôn giáo

Bắc Kinh đã trì hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican được dự trù diễn ra trong tháng này, tờ Wall Street Journal đã cho biết như trên.

Bài báo nói rằng, theo những người am tường cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh, một cuộc họp đã được lên kế hoạch diễn ra tại Rôma vào cuối tháng này. Trong cuộc họp đó các quan chức Vatican sẽ đồng ý công nhận bảy Giám Mục bị vạ tuyệt thông nhưng được nhà cầm quyền Bắc Kinh công nhận. Động thái này sẽ buộc hai Giám Mục thầm lặng phải từ chức.

Nhưng Bắc Kinh cho đến nay đã từ chối không đồng ý ấn định một ngày cụ thể nào cho cuộc họp này.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin thông thạo về Vatican, nói các viên chức Tòa Thánh “lên tiếng bày tỏ sự bất bình vì nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục áp đặt những hạn chế đối với hàng giáo sĩ thầm lặng. Một số vị đã bị giam giữ nhiều ngày trong Tuần Thánh hồi tháng Ba vừa qua”.

Theo tờ Wall Street Journal, Vatican “không nhiệt tình” lắm về các thỏa thuận với Trung Quốc nhưng “miễn cưỡng chấp nhận vì coi đó là khả năng tốt nhất trên bàn thương thảo”. Phía Bắc Kinh thì tham gia vào cuộc đối thoại này “vì những lý do đến nay vẫn chưa được rõ”.

Tờ Corriere della Serra, nghĩa là Tin Chiều, tường thuật vào tháng Hai rằng Vatican đã sẵn sàng để ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám Mục. Một nguồn tin từ Vatican nói với tờ báo: “Từ cuối tháng 3 trở đi, ngày nào cũng có thể là ngày để ký thỏa thuận với nhà cầm quyền Trung Quốc về thủ tục bổ nhiệm các Giám Mục Công Giáo.”

Vào cuối tháng Ba lại có tin đồn rằng một thỏa thuận như thế sắp xảy ra. Tuy nhiên, sáu tuần sau, đã chẳng có một thỏa thuận nào như vậy.

Tờ Wall Street Journal nhận xét rằng “Bắc Kinh có lẽ không muốn thiết lập một tiền lệ khi cho một lãnh đạo tôn giáo ở nước ngoài có một thẩm quyền nào đó đối với người Trung Quốc”

Bài báo cũng cho rằng sự đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với các tôn giáo sau khi đưa ra Pháp Lệnh tôn giáo hồi tháng 2 đã làm cho các cuộc đàm phán trở nên phức tạp.

Nữ tu Beatrice Leung, giáo sư tại Đại học Wenzao Ursuline ở Đài Loan, nói: “Đây không phải là thời điểm tốt để thực hiện thỏa thuận.”

4. Các Giám Mục Miến Điện được báo cho biết cuộc đối thoại Vatican – Bắc Kinh đã khựng lại

Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói với Catholic News Agency rằng trong một cuộc trò chuyện 90 phút nhân chuyến thăm ad limina, các Giám Mục Miến Điện đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về công việc hòa giải trong nước, vai trò của Giáo Hội trong quá trình đó, cuộc khủng hoảng Rohingya và xung đột ở bang Rakhine.

Đức Hồng Y Bo nói:

“Nhiều điều đã thay đổi tại quốc gia chúng tôi, người Công Giáo có nhiều tự do hơn, nhưng đất nước của chúng tôi vẫn còn quá mong manh,”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các Giám Mục Miến Điện ngày 8 tháng Năm, và một phần của cuộc hội thoại giữa ngài và các Giám Mục Miến Điện cũng bao gồm chuyến thăm quốc gia này của Đức Thánh Cha vào cuối năm 2017.

Đức Hồng Y Bo nói rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng từ ngày 28 đến 30 tháng 11 năm ngoái đã tạo ra một sự phục hồi tích cực trong đời sống của Giáo Hội.

Các Giám Mục Miến Điện cũng hỏi Đức Giáo Hoàng về “vấn đề Trung Quốc”, vì các ngài nói đã đọc rất nhiều thông tin trái chiều về khả năng có một thỏa thuận với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Các Giám Mục của Miến Điện cho biết các ngài rất quan tâm đến các quan hệ Tòa Thánh - Trung Hoa vì điều này cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội tại Miến Điện. Đức Hồng Y Bo nói Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện có bốn giáo phận dọc biên giới Miến Điện- Trung Quốc, và ngài cũng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở bang Kachin của Miến Điện có thể bị ảnh hưởng bởi một thỏa thuận như vậy.

Đức Hồng Y Bo cho biết vấn đề đối thoại Vatican Trung Quốc cũng đã được thảo luận trong một cuộc họp giữa các Giám Mục Miến Điện với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin nói với các Giám Mục Miến Điện rằng “quan hệ với Trung Quốc đã được bắt đầu”, nhưng tại thời điểm này “họ đang xem xét thêm về các đề xuất và muốn đưa thêm” các điều kiện. Do đó, tại thời điểm này “mọi thứ bị chựng lại”, đặc biệt còn có những lo ngại của Đài Loan về một thỏa thuận có thể có giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.

5. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây ra bởi các gia đình Hồi Giáo

“Lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công tự sát cùng với con cái của họ là một hình thức bạo lực mới. Đó là một bi kịch gia đình”, Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương đã nhận định như trên về cuộc tấn công nổ bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, hôm Chúa Nhật 13 tháng 5.

Sau cái chết của Nathanael, một bé gái Công Giáo tám tuổi, số nạn nhân trong vụ tấn công đồng loạt này đã lên tới 28 người và 57 người khác bị thương.

Những kẻ khủng bố thuộc về cùng một gia đình. Người cha, Dita Oeprianto, là một thương gia giàu có, đã là hung thủ tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Ngũ Tuần, trong khi hai đứa con trai đều ở tuổi vị thành niên đã thực hiện cuộc tấn công từ trên một chiếc xe máy, nhắm vào nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người mẹ và hai cô con gái nhỏ, một đứa 9 tuổi và một đứa 12 tuổi, đã thực hiện cuộc tấn công tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Nam Dương.

Cả gia đình này chết hết. Điều khiến người ta ngạc nhiên là gia đình này thuộc loại giàu có, nhà cao cửa rộng, tại sao họ lại đi tìm cái chết thê thảm như thế.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo “Tôi tin rằng hai đứa bé gái không biết điều gì sẽ xảy ra. Điều này là không thể hiểu nổi và tôi nghĩ những chuyện như thế này không nên xảy ra nữa, nó tạo ra một đám mây trên tình nhân loại của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục tuyên bố rằng cuộc tấn công tại Surabaya “không đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề là sự tồn tại của Cộng hòa thống nhất Nam Dương”.

Ngài nhận xét rằng không chỉ các Kitô hữu, mà cả các nhân viên an ninh cũng bị những kẻ khủng bố nhắm vào. “Cảnh sát thường là những người phá hủy kế hoạch của họ và phát hiện ra âm mưu của họ. Vì lý do này, các nhân viên an ninh nằm trong tầm ngắm của họ”

Một vài giờ sau các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, ba thành viên của một gia đình khủng bố khác đã bị giết trong một vụ nổ bất ngờ trong một căn nhà ở Sidoarjo, gần Surabaya. Các nhà chức trách nói những kẻ này đang chế bom cho một cuộc tấn công khác.

Sáng thứ Hai 14 tháng 5, một gia đình năm người lái hai chiếc xe máy đến cổng trước của trụ sở cảnh sát Surabaya nổ bom tự sát làm bị thương 10 người

Tướng cảnh sát Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng các lực lượng cảnh sát Nam Dương, xác nhận rằng ba gia đình này thuộc cùng một mạng lưới khủng bố và họ biết nhau. Họ nằm trong số 800 người đã từng sang Syria chiến đấu cho bọn IS và nay quay lại Nam Dương.

6. Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Praha

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Tổng Giám phận Praha sau khi nhận được thư từ chức của ngài.

Vào ngày 26 tháng 4 vừa qua, Đức Hồng Y Duka tròn 75 tuổi. Vì thế, ngài đã gửi một lá thư từ chức cho Đức Giáo Hoàng. Tất cả các giám mục đều phải như thế khi đến tuổi này.

Đức Hồng Y Duka đôi khi đã bị giới trẻ Công Giáo tại quốc gia này chỉ trích vì đã quá ủng hộ một số chính trị gia. Ngài gần gũi với cựu Tổng thống Vaclav Klaus và được báo chí tường thuật là có quan hệ tốt với Tổng thống Milos Zeman, là người mà Đức Hồng Y đã chúc mừng khi được tái cử vào tháng Giêng vừa qua.

Tháng Ba vừa qua, một số nhà hoạt động Kitô Giáo đã vận động trình lên Đức Thánh Cha một thỉnh nguyện thư xin ngài bổ nhiệm một người khác thay thế Đức Hồng Y Duka.

Trước diễn biến này, Tổng thống Zeman đã viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, có thể là yêu cầu ngài để Đức Hồng Y tiếp tục cai quản Praha.

Những người chỉ trích nói Đức Hồng Y Duka nghiêng về những người theo chủ nghĩa dân tộc và phe cánh hữu cực đoan. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Tiệp và Liên Đoàn Tù Nhân Chính Trị lại ca ngợi ngài đã phá vỡ các hàng rào nghi ngại trong quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước.

26.8% trong tổng số 10,200,000 dân Tiệp là người Công Giáo.

7. Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu

Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đã bày tỏ mối quan tâm lo lắng sau khi được tin Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu. Vị Thượng Phụ đại kết Chính Thống Giáo đã được đưa đến Bệnh viện Hoa Kỳ ở thủ đô Constantinople vào chiều Chúa Nhật, sau khi ngài cảm thấy chóng mặt dữ dội, có thể là triệu chứng của bệnh viêm thần kinh tiền đình.

Ngài ở lại bệnh viện qua đêm để phòng ngừa các biến chứng và sau các xét nghiệm đã được trả về nhà vào ngày hôm sau và hiện đang ở nhà.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô sinh ngày 29 tháng 2 năm 1940 là tổng giám mục thứ 270 và hiện tại của thành Constantinople và cũng là Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo, kể từ ngày 2 tháng 11 năm 1991. Ngài được coi là vị đứng đầu trong giáo hội Chính Thống, và là nhà lãnh đạo tinh thần của 300 triệu Kitô hữu chính thống trên toàn thế giới.

Đức Thượng Phụ sinh tại Dimitrios Arhondonis trong làng Agios Theodoros trên đảo Imbros, sau khi được thụ phong linh mục, ngài là cha giáo tại Chủng viện Thần học Halki của Tòa Thượng Phụ. Sau đó, ngài đã lần lượt đảm trách các chức vụ Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo tại Philadelphia, Hoa Kỳ và Tổng Giám Mục Chalcedon, Hy Lạp trước khi trở thành một thành viên của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo, và được bầu làm tổng giám mục thành Constantinople, một chức vụ đương nhiên đi kèm với danh xưng Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo.

8. Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ Chính Thống Giáo toàn hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak

Hôm thứ Sáu 11 tháng 5, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Rastislav, là nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo ở cả hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak (trước khi tách ra thành 2 nước cộng hòa độc lập như hiện nay, hai nước này hợp nhất thành quốc gia Tiệp Khắc)

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng và vị Giáo Chủ được bầu vào tháng Giêng, năm 2014.

Ngỏ lời với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Rastislav đã so sánh hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội như là các môn đệ trên đường Emmaus, là những người chỉ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh với họ. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể bẻ Bánh Hằng Sống chung với nhau, chúng ta hãy “tiếp tục là các môn đệ cùng đi với nhau” như những người hành hương trên đường.

Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến di sản của các Tông Đồ người Slav sống vào thế kỷ thứ 9 là hai thánh Cyrilô và Methôđiô, là hai vị đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố là hai vị thánh đồng bảo trợ cho Âu Châu để vinh danh sứ mạng truyền giáo của các ngài.

Đức Thánh Cha nói rằng hai vị, là hai anh em đã cùng nhau dịch sách Phúc Âm từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Slav, nhắc nhớ chúng ta “về di sản bao la chung về sự thánh thiện” của chúng ta. Như cơ man các chứng nhân và các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu, nhiều người đã bị bách hại dưới chế độ cộng sản vô thần và ngày nay vẫn còn bao người tiếp tục bị đau khổ vì đức tin của họ.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có can đảm dịch sách Phúc Âm ra một thứ tiếng quen thuộc để mọi người trong khu vực, thời ấy gọi là vùng Đại Moravia, có thể đọc.

Đối với chúng ta ngày nay, hai vị Thánh tiếp tục là một mô hình truyền giáo, vì chỉ theo cho sát cách thế hành động đã được vạch ra thì chưa đủ đâu, chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, là Đấng truyền cảm hứng cho chúng ta với những cách thế mới để diễn dịch sứ điệp Phúc Âm cho những người nam nữ đương thời, kể cả những người đang sống trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo nhưng quá thường khi lại ghi đậm những dấu ấn thế tục hóa và thờ ơ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có thể vượt qua sự chia rẽ giữa các cộng đồng Kitô có văn hóa và truyền thống khác nhau, để trở thành “những nhà tiên phong đích thực của phong trào đại kết”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, các ngài nhắc nhở chúng ta rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng đúng hơn là hòa hợp sự đa dạng trong Thánh Linh.

Đức Giáo Hoàng nói rằng chớ gì chứng tá của các Tông Đồ người Slav đồng hành cùng với chúng ta trên con đường hiệp nhất toàn diện, thông qua công việc của ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống.

9. Kitô hữu Iran có thể trở thành những con dê tế thần vì Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hôm thứ ba rằng Hoa Kỳ đang rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump gọi thỏa thuận này là “khiếm khuyết ở ngay cốt lõi” và tuyên bố sẽ tái tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Phản ứng quốc tế về lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ rất mạnh mẽ và đa dạng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson bày tỏ cam kết của họ vẫn cố gắng giữ cho thỏa thuận hạt nhân với Iran sống còn và thậm chí đã cố gắng thuyết phục tổng thống Trump đừng rút khỏi thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại ca ngợi quyết định của tổng thống Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong một bài thuyết trình, Netanyahu nói Iran đã nói dối về tham vọng hạt nhân của mình và vẫn có những kế hoạch bí mật xây dựng các đầu đạn nguyên tử.

Mike Ansari, một Mục Sư Tin Lành Hoa Kỳ nói: “Iran chắc chắn đã vi phạm các thỏa thuận đã ký kết. Iran hứa hẹn mọi thứ và sau đó vi phạm mọi thứ vì quốc gia này thực sự muốn có ảnh hưởng trong khu vực.” Tuy nhiên, ông cảnh cáo rằng việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế có thể sẽ có những tác động tiêu cực tại Iran. “Các dân tộc thiểu số và Kitô hữu ở Iran thường được sử dụng làm vật tế thần. Họ thường bị buộc tội phá hoại lợi ích của Iran và làm gián điệp cho phương Tây.”

10. Cha Aaron Huberfeld tin rằng Đức Mẹ chỉ bảo cảnh sát bắt trộm

Linh mục Aaron Huberfeld của nhà thờ St. Mary, Wiscosin đang rầu gần chết vì nhà thờ của ngài bị mất trộm pho tượng Đức Mẹ đúng vào đầu Tháng Hoa, đã vui mừng khi thấy cảnh sát khệ nệ khiêng pho tượng trả lại cho ngài.

Ngài nói với WSAW-TV rằng khi được các nhân viên cảnh sát tại sở cảnh sát Wausau, Wiscosin báo cho biết cách thức họ đã nhanh chóng bắt được ba tên trộm, ngài đã có một trận cười nghiêng ngả.

Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện một vài mảnh vụn thức ăn ở gần nơi vẫn đặt pho tượng. Những mảnh vụn thức ăn đó chắc chắn là của bọn trộm, chứ không thể của người giáo dân vì không ai ăn uống trong nhà thờ. Khám nghiệm chi tiết hơn cảnh sát nhận ra đó là những miếng “corn dog”, tức là một loại xúc xích lăn bột chiên dòn, chỉ có cây xăng gần đó mới có bán món ăn này.

Xem xét những đoạn video thu hình tại cây xăng, cảnh sát phát hiện ra hai phụ nữ là Miranda Lindner và Katie Kelly; và một thanh niên là Brian Yonker. Ba tên này đã vào cây xăng mua corn dog rồi đi thẳng về hướng nhà thờ.

Khi cảnh sát ập vào nhà, ba tên ngơ ngác không biết làm sao cảnh sát phát hiện nhanh chóng như thế, nên lập tức nhận tội và chỉ chỗ dấu tượng Đức Mẹ.

Cha Huberfeld nói ngài cười ngất vì chỉ từ mấy mảnh vụn corn dog tí ti mà cảnh sát phăng ra được cả một đường dây trộm cắp.

Tin rằng Đức Mẹ đã linh hứng cho cảnh sát bắt trộm, cha Huberfeld nói với anh chị em giáo dân: “Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Quan Phòng cũng có khiếu hài hước. Ngài làm cho tất cả chúng ta cười bò lăn bò càng với cái vụ này.”

Cha Huberfeld lên tiếng xin cảnh sát tha miễn hình phạt cho ba tên trộm và nói trên WSAW-TV: “Tôi tha thứ cho họ và không mong họ bị giam cầm tù tội.”

11. Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc mời Đức Thánh Cha thăm Đài Loan

Hôm thứ Năm 10 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên, là Tổng Giám Mục Đài Bắc cho biết ngài sẽ mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Đài Loan nhân dịp Đại hội Công Giáo toàn quốc vào năm tới 2019.

“Chưa có vị Giáo Hoàng nào đến thăm đất nước chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc nói tại buổi tiếp tân tại đại sứ quán Đài Loan cạnh Vatican.

Sau đó, ngài nói với Reuters rằng ngài thích “mơ ước những điều không thể”; và cho biết thêm ngài sẽ trực tiếp ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng trong buổi tiếp kiến Đức Phanxicô dành cho các Giám Mục Đài Loan.

Đức Cha Hồng Sơn Xuyên cho biết ngài cảm thấy Đức Giáo Hoàng nên đến thăm hòn đảo này vì những người ở đó “đã phải chịu đựng”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc về chủ quyền lãnh thổ của họ và coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh bướng bỉnh. Hòn đảo này có khoảng 300,000 người Công Giáo.

Vatican là một trong 19 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập với quốc hiệu chính thức là Cộng hòa Trung Hoa. Bắc Kinh, đến nay không có quan hệ ngoại giao với Vatican, đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu nước nào muốn có quan hệ với họ, thì phải đoạn giao với Đài Loan.

Tháng trước Cộng hòa Dominica trở thành quốc gia mới nhất chuyển đại sứ quán từ Đài Loan sang Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trước đây đã đưa ra mời Đức Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này.

12. “Hồng Y dỏm” xuất hiện đầy Rome

Tờ New York Times số ra ngày 9 tháng 5 cho biết trong những ngày này quanh khu vực Vatican người ta thấy các Hồng Y dường như xuất hiện khắp mọi nơi. Họ săm soi lướt web trên điện thoại di động; có khi lại ngồi vắt chân chữ ngũ trên một chiếc xe gắn máy; có khi lại vuốt ve mấy con chó trong khi mũ áo rất là chỉnh tề với cây thánh giá to đeo trước ngực. Có khi người ta lại thấy họ chờ tới giờ ăn trưa tại một nhà hàng bình dân nằm trên một con phố nhỏ bên ngoài Vatican.

Florence Cooper, một khách hành hương đến từ Vancouver, đã tình cờ gặp được các vị Hồng Y này.

“Chụp tấm hình với ngài được không?” Bà Cooper, 69 tuổi, hỏi. Họ gật đầu, nở một nụ cười thân thiện, khoác tay qua vai bà trong khi chồng bà không bỏ lỡ dịp may bấm máy chụp hình liên tục.

Kinh ngạc trước sự quá may mắn của bà, bà cảm ơn các Hồng Y người Ý vì lòng tốt của họ và cởi sợi dây chuyền có thánh giá mới vừa mua xong ở một tiệm sách gần đó xin các ngài làm phép. Đó là lúc Fausto Maria Rivalta, 64 tuổi, can thiệp.

“Xin bà đi chỗ khác chơi đi. Mấy ông Hồng Y này không biết làm phép đâu, biết đóng phim thôi”, nhà đạo diễn người Ý nói.

Rất nhiều người đã bị ngỡ ngàng vậy.

Đức Cha Paul Tighe, Giám Mục thứ thiệt, và là quan chức cao cấp thứ hai tại Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa của Vatican, bước xuống phố với một cuốn sách cầm trên tay kinh ngạc khi nhìn quanh đâu đâu cũng là những chiếc mũ đỏ.

Ngài thú nhận, “Thoạt đầu, tôi đã cố gắng để xem có nhận ra Hồng Y nào quen trong số các vị này không”

Đạo diễn Fausto Maria Rivalta giải thích các Hồng Y dỏm này đang đóng trong một bộ phim của hãng phim Netflix nói về mối quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, do Jonathan Pryce thủ vai; và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, do Anthony Hopkins thủ vai, trong quá trình chuyển đổi ngôi giáo hoàng vào năm 2013.

13. Vatican mở phiên tòa xét xử nguyên giám đốc ngân hàng Vatican

Vatican đã cáo buộc cựu giám đốc của ngân hàng Vatican và luật sư của ông này tội rửa tiền và tham ô, với số tiền lên đến khoảng 57 triệu euro (khoảng 68 triệu Mỹ Kim) thu lợi bất chính từ việc bán các tài sản của Vatican.

Phiên tòa đã được bắt đầu tại tòa án Vatican vào ngày 9 tháng Năm để xét xử Angelo Caloia, từng là giám đốc Viện Giáo vụ, là tên chính thức của ngân hàng Vatican, và luật sư của ông này, là Gabriele Liuzzo.

Vatican đã công bố vào cuối năm 2014 rằng hai người này - cùng với Lelio Scaletti, cựu tổng giám đốc ngân hàng - đang bị điều tra trong một trường hợp liên quan đến việc bán 29 tòa nhà thuộc sở hữu của Vatican ở Rôma và Milan từ năm 2001 đến 2008. Scaletti đã chết sau đó.

Trong cuộc điều tra, Vatican đã đóng băng tổng cộng khoảng 17 triệu euro (20 triệu đô la) trong tài khoản ngân hàng Vatican của ba người này. Vào lúc mở phiên tòa vào ngày 9 tháng 5, Gian Piero Milano, công tố viên của Vatican, nói rằng theo yêu cầu của Vatican, chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng 10 triệu euro (11.8 triệu Mỹ Kim) trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của Liuzzo.

Phiên họp đầu tiên của phiên tòa kéo dài gần bốn giờ và bao gồm việc đọc chính thức các cáo buộc, việc trình bày danh sách các nhân chứng dự kiến sẽ được gọi và các thủ tục đưa ra các yêu cầu. Toà án chưa xác định chính xác phiên tòa tiếp theo, nhưng yêu cầu các luật sư bào chữa phải nộp danh sách giản lược các nhân chứng trước ngày 18 tháng Năm; danh sách ban đầu do bên bào chữa đệ trình bao gồm hơn 50 nhân chứng, bao gồm nhiều Hồng Y, là các vị đã từng tham gia trong hội đồng giám sát ngân hàng.

Tòa án cũng đã đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn có một bản dịch chính thức bằng tiếng Ý một báo cáo kiểm toán viết bằng tiếng Anh mà ngân hàng Vatican yêu cầu tập đoàn tài chính Promontory của Hoa Kỳ tiến hành. Dựa trên việc kiểm toán, được thực hiện theo yêu cầu của ban lãnh đạo mới của ngân hàng, ủy ban điều tra hình sự của Vatican đã cáo buộc các bị cáo bán tài sản Vatican và báo cáo với mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế họ nhận được, và bỏ túi khoản chênh lệch.

Tòa án Vatican cũng đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn mở một cuộc kiểm toán độc lập về các tài sản liên quan.
 
Thánh Ca
Tràng Hạt Mân Côi - Trình bày: Ca sĩ Thanh Lan
VietCatholic Network
19:52 16/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Thánh ca: Tràng Hạt Mân Côi; Trình bày: Ca sĩ Thanh Lan