Ngày 15-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chỉ trở thành tông đồ khi được Thần Khí ngự xuống
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:12 15/05/2016
CHỈ TRỞ THÀNH TÔNG ĐỒ KHI ĐƯỢC THẦN KHÍ NGỰ XUỐNG

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (2016)

Chính trong Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay, Hội Thánh đã gọi đích danh Lễ Chúa Thánh Thần là ngày khai sinh Hội Thánh : “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin” .

Quả thật, như sách Công Vụ tông đồ tường thuật, chính ngày nầy, những “ngọn lưởi lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên “Nhóm mười hai” để từ đó một thế giới mới chính thức được khai sinh, thế giới của ân sủng và tình yêu, thế giới của yêu thương và hiệp nhất, thế giới hồng ân cứu độ.

Tất cả đó chính là công cuộc của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường : Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm.

Riêng trong Kinh ca Tiếp Liên được hát lên trước khi công bố Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay, Hội Thánh gọi tên Chúa Thánh Thần bằng 10 Danh Hiệu đặc biệt như :

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,…

Và cũng từ những tên gọi đó, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngưỡng dung mạo và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần qua 3 chiều kích sau :

- Chúa Thánh Thánh Thần Đấng ban sự sống (qua biểu tượng Khí và Nước)

- Chúa Thánh Thần Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (qua biểu tượng Lửa).

- Chúa Thánh Thần Đấng quy tụ, hiệp nhất (qua biểu tượng muôn dân cùng đón nhận ngôn ngữ Tin Mừng).

1. Chúa Thánh Thần Đấng ban Sự sống (Khí, Nước)

Chúng ta biết và tin rằng : sự sống chính là kỳ công và tiêu đích của chương trình Sáng Tạo và cứu độ.

Trước hết, sự sống có liên quan đến chính Chúa Thánh Thần mà Kinh Thánh từng bước đã diễn tả qua sức tác động của một năng lực tự nhiên đó là Khí, Gió hay Hơi thở, mà khi tới đĩnh điểm mạc khải, Đức Ki-tô đã chính thức gọi tên là “Thần khí Sự Thật” (Ga 14.17 ; 16,13)

Thật vậy, ngay từ thở ban sơ khi mọi sự còn trong cảnh hổn mang, thì “Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” và sự sống đã phát sinh từ độ ấy. Và còn hơn thế nữa, sự hiện hữu của con người đã khởi sự với bùn đất tầm thường, nhưng một khi nhận “Hơi thở thần linh” của Thiên Chúa đã trở nên “con người mang ảnh hình Thiên Chúa”, một Ađam bằng xương bằng thịt tuyệt vời (St 2,7). Sự tác động của Thần Khí để đem lại sự sống còn được ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả cách sống động qua thị kiến “những bộ xương khô nhờ sức tác động của Thần Khí đã trở nên một đạo binh người sống đông đảo” (Ed 37,1-14). Nhưng có lẽ cụ thể nhất chính là việc Đức Kitô Phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ vào Ngày Thứ Nhất trong tuần tại nhà tiệc lý qua hành vi thổi hơi : Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)

Kinh Thánh còn diễn tả Chúa Thánh Thần chính là “Nguồn Nước ban sự sống”.

Ngay từ trong cựu ước, hình ảnh lụt Đại hồng thủy hé lộ sức mạnh thanh tẩy tội lỗi nhân loại và mang lại sự sống cho dòng tộc Noe là dấu chỉ tiên trưng về dòng nước thanh tẩy mà Đức Kitô sẽ thực hiện qua Bí Tích Rửa Tội để trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống mới.

Cũng chính ngôn sứ Ê-dê-ki-en, người đã nhận được thị kiến về “những bộ xương khô mặc lấy Thần Khí”, cũng đã thấy “Nước từ bên phải đền thờ chảy ra…nước ấy chảy tới đâu thì nó chữa lành ; sông nầy chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống…” (Ed 47,1-12)

Và rồi, đến thời viên mãn, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô nơi dòng sông Giođan, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”( Ga 7,37-38).

Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy.

Phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đang trình bày với chúng ta gương mặt của một nhân loại mới đang hình thành qua cộng đoàn Giáo Hội hiệp nhất và sống động của nhóm Mười Hai và các ki-tô hữu đầu tiên, trong đó Chúa Thánh Thần - Thần Khí của Thiên Chúa chính là nguồn cội và là Đấng ban Sự sống. Thảo nào, Chúa Thánh Thần đã chọn chính dịp lễ Ngũ Tuần để ngự xuống trên Hội Thánh buổi ban đầu, dịp lễ của Mùa gặt mới, dịp lễ của tạ ơn vì những hoa trái đầu mùa hái về để dâng tặng Thượng Đế.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần chính là dịp thuận tiện nhất để chúng ta sống và phát triển hồng ân của bí tích Thanh tẩy, để không ngừng chết đi cho tội lỗi và được tái sinh mỗi ngày trong ân sủng của Thánh Thần.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất…

Trong một thế giới mà nền văn minh sự chết đang lên ngôi, nổi đau thương và thất vọng của con người tràn lan khắp chốn, tội lỗi và những hệ quả của nó đang nhấn chìm nhiều tâm hồn và cơ cấu xã hội…thì cần thiết biết bao lời chứng của đức tin Kitô vào Chúa Thánh Thần, vào sự hiện diện của Thần Khí ban sự sống, vào sự nâng đỡ chở che của Đấng Bảo Trợ, của “nguồn nước sống đang trào vọt” ; lời chứng của những kitô hữu đang “hướng theo Thánh Thần để tiến bước” , để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện.

Phải chăng hình ảnh của ban hợp xướng giới trẻ Công Giáo Hà Nội trong chương trình Vietnam’s Got talent 2016 (Tìm kiếm tài năng Việt Nam), hay chính cậu bé thiếu nhi Công Giáo Trọng Nhân, người đoạt ngôi vị Quán Quân trong chương trình nầy chính là chứng nhân của “Đấng ban Sự Sống”.

Vâng, cùng với những con người bằng xương bằng thịt như thế, suốt 2000 năm nay, nối gót theo Nhóm 12 trong ngày lễ Ngũ Tuần, nối gót các kitô hữu đầu tiên mắt sáng niềm vui môi vang khúc hát tiến vào hý trường Coloseum để bị hành hình, thú dữ xé xác, nối gót những con người âm thầm nhưng vĩ đại sống vì và cho tình yêu như linh mục thánh Maximilien Kolbe, như Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, như người giáo lý viên tân tòng 19 tuổi Anrê Phú Yên, như người nữ tu với giải Nobel hòa bình 1978 Mẹ Têrêsa Calcutta…Hội Thánh luôn mang cho thế giới “Ngọn gió mát của Thánh Thần, Hơi thở của Thần Linh hy vọng và tình yêu, Nguồn nước mát của chân lý tin yêu và phục vụ…”

2. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (Lửa):

Nếu ngày nào Đức kitô đã tuyên bố rằng : “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, sau khi ngọn lửa Thánh Thần được ban xuống trên các Tông Đồ, thì tiếp đó mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu để từ đó có bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác đã được Thánh Thần tác động không ngừng nghỉ trong lịch sử loài người.

Cần thiết biết bao sự thanh tẩy của “lửa Thánh Thần” cho môi trường sống của xã hội hôm nay, một môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề vì bao nhiêu thói hư tật xấu của con người. (Sự kiện cá chết tại bờ biển miền Trung VN là một bằng chứng rõ nét).

Và chính Giáo Hội lại là chứng nhân cho sự thanh tẩy nhiệm mầu đó, khi chính bản thân Giáo Hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần đốt cháy mọi bất hòa chia rẽ, mọi tiêu cực biếng lười, mọi giả hình thối nát.

Chúng ta đừng quên lời cảnh báo của chính Chúa Giêsu : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

3. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Babel. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng”.

Thảm cảnh của một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối, nói và hiểu cùng một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô :

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người...

“Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”(1Cr 12,4-13)

Khẳng định trên đây của thánh Phaolô đặc biệt thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay.

Như vậy, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, một lần nữa chúng ta van nài Đấng Ban Sự sống không ngừng “xuống” trên nhân loại đang có quá nhiều cảnh lầm than đang cần “chỗ nghỉ ngơi”, đang có quá nhiều nước mắt đang cần niềm an ủi, đang có quá nhiều địa chỉ lạnh lùng cần sưởi nóng và đang có quá nhiều tâm hồn tăm tối cần “sự sáng chứa chan hồng phúc” .

Và ước gì ngọn lửa của Thần Khí sẽ thiêu rụi những yếu hèn, sợ hải, hồ nghi, chia rẽ và thất vọng để mọi người chúng ta mở tung mọi cánh cửa, can đảm dấn thân đến mọi vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng.

Chút nữa đây, chúng ta tin rằng, sau lời nguyện cùng Chúa Thánh Thần của chủ tế khi đặt tay trên bánh và rượu cùng với những lời hiến thánh tiếp sau đó, Bánh và Rượu đã trở nên Mình Máu Chúa Kitô. Vâng, chính Thánh Thần sẽ làm cho Chúa Kitô hiện diện mãi mãi giữa chúng ta để nuôi sống chúng ta trên đường trần gian.

Một điều chắc chắn đó là : nếu chúng ta trung thành cầu nguyện với Ngài, để Ngài tác động trên chính cuộc đời mình, Ngài sẽ làm cho chúng ta được sống và sống phong phú hầu trở nên những tông đồ đích thực. Bởi vì, không có một ai có khả năng rao giảng và làm chứng nếu không được “Thần Khí Chúa ngự xuống” (Lc 4,18-19)

LM. Trương Đình Hiền

 
Top Stories
VIETNAM: Catholics urged to live up their faith in the wake of mass fish kill
J.B. Nam Nguyen
18:22 15/05/2016
Dead fish were reported to be washed up on the beach of Ha Tinh province since 6 April and subsequently on the coast of three other central provinces (Quang Binh, Quang Tri and Thua Thien -Hue).

Scientists in Vietnam and South East Asia region have largely agreed that the massive death was caused by toxic waste released into the ocean from illegal pipes of a steel plant built by the Taiwanese corporation Formosa Plastics.

Bishop Paul Nguyen Thai Hop of Vinh Diocese, reports that millions of fishermen and others suddenly found themselves out of work and become disoriented due to the catastrophe. Many of them are among his flock.

“Panicking, impoverishment and indignation are the miseries that these people have to go through as their living have been completely disturbed,” he notes in a pastoral letter dated 13 May, 2016 on the feast of Fatima.

“The residual effect of heavy metal poisoning on people's health is even more devastating,” the prelate warns. “These toxic elements would remain in the seabed for a long haul. The sea water and the currents will dilute the concentration of the toxic waste lower enough not to cause sea creatures immediate death, they, however, would suffer long term harm from their infected foods. When humans consume seafood, fish sauce, sea salt that were poisoned, this harmful element would infiltrate and accumulate more and more in their bodies. When the threshold is reached, the concentration of this poison would cause diseases such as cancer, brain damage...they can cause even deformities, birth defects on fetuses for generations to come.”

Despite the extent of this catastrophe, “for more than a month, the authorities have been dodging to disclose the cause and the culprit who are responsible for this catastrophe,” the chairman of Vietnamese Episcopal commission for Justice and Peace laments. “Besides, there are officials who have been encouraging people to consume seafood (in the affected areas) without any scientific grounds to back up their claims. What one finds hard to understand is the fact that the government is unleashing their iron fist to crack down violently on those who protest in order to demand a restoration of clean environment for the people.”

Facing the government’s willful denial of verifiable realities, the prelate states that: “We cannot keep being indifferent to the disastrous environment pollution which is wreaking havoc not only the Central coastline but also causing a long term risk for the whole nation. Truth be told as we are facing a very important issue, not only involving each and every one of us but also generations to come. If I may say, the ocean is screaming in desperation for being poisoned to death and every humans, every creatures are being gravely affected by this disaster. We need to know that ‘for human beings to contaminate the earth’s waters, its land, its air, and its life – these are sins’. For ‘to commit a crime against the natural world is a sin against ourselves and a sin against God’”. (Pope Francis, Laudato Sí No. 8)

“In accordance with the Holy Father Pope Francis' teaching, we cannot tolerate any insensitive and irresponsible actions against the environment,” Bishop Paul goes on. “Meanwhile, we reserve the right to demand others, while seeking to meet the needs of our generation, must not cause any harm to the future generations. We have the right to ask the authorities to establish a consistent and effective legal system to protect our ecosystem. Not to allow anyone who abuses power structure based on the techno- economic paradigm when sabotaging the country, our freedom as well as social justice. (cf. Pope Francis, Laudato Sí, No 53 and No 59 ).”

“Therefore, I earnestly call on our brothers and sisters to show your Christian nature, which is to be responsible for our homeland and the future generations, to be sharing and in communion specifically with those who are victims of disastrous environmental pollution by doing the followings:

- Be willing to give up our consumer lifestyles that disregard environmental issues. Be determined not to produce ‘tainted food’ which can cause destruction of health, damage to the lives of our fellow citizens; abandon the path of whichever economic development that is not only unstable but also destructive to the environment;

- Helping those brothers and sisters who are victims of this disaster through visits, emotional as well as material support

- Actively destroy, bury as safely as possible, the dead sea creatures to prevent toxic emissions

- Not possessing, selling of seafood and processed foods that came from contaminated or suspected to be contaminated seafood

- Cooperation with individuals and organizations of good will to find out the cause of the disaster, as well as efforts to find measures to overcome this disaster;

- Implementation of the rights of citizens by the Constitution and laws of Vietnam and the International Convention provisions; peacefully express right to require transparency in running the country, as well as disaster management and forced the perpetrators must be tried properly to justice.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa Huấn luyện Chuyên viên Kỹ thuật Truyền hình VietCatholic vào đầu tháng Bẩy năm 2016 tại Sydney, Australia
VietCatholic
17:56 15/05/2016


Khóa Huấn luyện Chuyên viên Kỹ thuật Truyền hình VietCatholic vào đầu tháng Bẩy năm 2016 tại Sydney, Australia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhằm mở rộng các chương trình phát hình hằng tuần của VietCatholic và tiến tới hình thành Đài Truyền Hình Công Giáo, VietCatholic sẽ tổ chức một Khóa Huấn luyện Chuyên viên Kỹ thuật Truyền hình sẽ diễn ra trong 3 ngày từ Chúa Nhật 3 tháng 7 đến hết ngày thứ Ba 5 tháng 7, 2016 tại Sydney, Australia.

Cộng tác viên tại Sydney họp bàn về TV (March 2016)
Cha Nghị và Cha Văn Chi với anh em VietCatholic Sydney
Các cha: Tuyết, Nghị, Văn Chi và Cha Lâm Tuyên úy Trưởng Sydney


Nội dung xoay quanh những kỹ năng như:

• Studio Lighting,
• Sound Recording/Editing,
• Video Recording/Editing,
• Clip Management,
• Video Publishing.


Các chuyên gia của VietCatholic sẽ chỉ dẫn các kỹ thuật phỏng vấn, thu hình, dàn dựng âm thanh và ánh sáng trong điều kiện của một phòng thu hình, sử dụng và tinh chỉnh camcorder, sử dụng các nhu liệu như Adobe Premiere, Adobe Photoshop và Adobe Audition, phát hình trên các mạng xã hội và trên các đài truyền hình.

Khóa Huấn luyện Chuyên viên Kỹ thuật Truyền hình miễn phí nhưng số chỗ chỉ có giới hạn. Anh chị em Công Giáo thuộc thuộc các Cộng Đồng, Cộng Đoàn CG Việt Nam tại Sydney NSW và Canberra muốn ghi danh học khóa này xin liên lạc với chúng tôi: Send email để biết thêm chi tiết.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khởi đi từ Đại Hội Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo nhóm tại Nam California vào tháng 10 năm 2006, một bộ phận của VietCatholic đã được hình thành để nghiên cứu những khía cạnh kỹ thuật liên quan đến tiềm năng sản xuất và phát các videos trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Chưa đầy 2 năm sau, từ trung tâm báo chí của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, chúng tôi đã có thể phát hình hầu hết các biến cố quan trọng trong Đại Hội này.

Sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, được sự hỗ trợ của các cơ quan truyền hình của Tòa Thánh, chúng tôi đã nhanh chóng đi dần đến việc phát hình hàng tuần. Trong suốt 5 năm qua, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican đều đặn truyền đi hàng tuần tiếng nói và hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, những giáo huấn của ngài, và những sinh hoạt tại giáo đô Rôma cũng như những biến cố trọng đại trong đời sống Giáo Hội như các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid và Rio De Janeiro…

Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, chúng tôi đã có khả năng tường thuật rất nhanh các biến cố với những hình ảnh rất đẹp như quý vị và anh chị em có thể thấy trong nhiều dịp khác nhau, mà gần đây nhất là chuyến tông du cuả Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ vào tháng Chín vừa qua.

Bên cạnh chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican, trong hai năm qua, chúng tôi còn có chương trình Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô để gởi đến quý vị và anh chị em những giáo huấn rất thiết thực và cụ thể của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các thánh lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta, cũng như trong các buổi tiếp kiến chung và các buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô. Từ tháng 12 năm 2014, chúng tôi có thêm chương trình Giáo Hội Năm Châu do studio ở Melbourne đảm trách mỗi tuần.

Tháng Giêng 2016, chúng tôi thành hình thêm ba studio mới: một tại Orange County và hai studio tại Los Angeles để đảm trách các chương trình Thánh Ca, Gặp gỡ Đức Thánh Cha trong các buổi triều yết chung hằng tuần, và các buổi đọc kinh Truyền Tin và kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng mỗi Chúa Nhật.

Để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 20 của VietCatholic vào tháng 11, 2016 tới đây, chúng tôi quyết định tiến xa hơn một bước nữa là hình thành thêm một studio mới tại Sydney, Australia, trong nỗ lực tiến tới xây dựng Đài Truyền Hình VietCatholic trực tuyến hầu đáp ứng như cầu Truyền giáo và Mục vụ cho người Việt Công Giáo khắp nơi.

Chúng tôi không có ý định chỉ dừng lại ở chỗ “lồng tiếng” các videos nhưng muốn tiến xa tới chỗ sản xuất các chương trình. Vì thế, chúng tôi rất cần sự cộng tác của các diễn viên, các ca sĩ, các nhà đạo diễn và các chuyên viên kỹ thuật quay phim và edit phim.

Đây là một công việc rất quy mô đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều người: các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân.

Xin chân thành cám ơn,

VietCatholic Network
 
Đại lễ Hành Hương Đức Mẹ Rạch Súc - Cần Thơ
Khắc Minh
09:19 15/05/2016
Đại lễ Hành Hương Đức Mẹ Rạch Súc - Cần Thơ

Đến hẹn lại lên, ngày 13-5-2016 năm nay rất đông, chưa bao giờ đông như vậy, con cái Mẹ về với Mẹ Mảria Rạch Súc- Cần Thơ

Chương trình hành hương Đức Mẹ Rạch Súc năm nay đặc biệt ngay từ 9g00 ban sáng, với giờ khấn Mẹ do Linh mục ca sĩ Nguyễn Sang hướng dẫn với sự cộng tác của các danh ca Hoạ Mi ( về từ Pháp) Thuỳ Dương, Nguyễn Thanh...và nhóm múa giới trẻ của giáo phận Mỹ Tho.

Linh mục ca sĩ Nguyễn Sang và các danh ca đã đem đến cho bà con những giây phút ngất ngây với lời ca tiếng hát qua chủ đề "Mùa Hoa Dâng Mẹ" hoà quyện lời nguyện cầu như nâng tâm hồn mọi người lên với Mẹ Maria để tôn vinh danh Chúa

Chương trình hành hương được tiếp nối lúc 11g00 tại Linh Đài Đức Mẹ Rạch Súc với lời giảng trầm ấm mà thân thương của Cha Phero Lê Quang Phú, giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Quý, linh hướng phân khoa thần học. Cha Phêro đã hướng dẫn mọi người lần chuỗi Môi Khôi, sau mỗi chục kinh cha cầm chuỗi giơ cao tay hướng về Mẹ, mọi người làm theo. Tất cả hoà quyện vào nhau như muốn nói lên với Mẹ rằng: chúng con hiệp một lòng một ý hướng về Mẹ, tung hô Mẹ Maria. Tiếp đến là kinh cầu Đức Mẹ được hát vang lên giữa trưa hè rực nóng nhưng lòng ai cũng phấn khởi vui mừng vì mọi người đang ở dưới chân Mẹ.

Đài Đức Mẹ Rạch Súc được dựng nên vào ngày 13-5-1973, với đoàn người kèn trống rước sách, vừa đi bộ vừa đọc kinh vừa hát, rước kiệu Đức Mẹ từ thành phố Cần Thơ về vùng đất truyền giáo nghèo nàn hoang sơ Rạch Súc, từ đó Mẹ hiện diện tại Rạch Súc cho đến ngày hôm nay, qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua biết bao biến động của hoàn cảnh thời cuộc, Mẹ vẫn đứng đó để chờ đợi con cái đến, Mẹ luôn ở đó để ban ơn cho con cái đến cùng Mẹ. Từ đó biết bao ơn lành đã được tuôn xuống trên vùng đất này và muôn người đến với Mẹ Maria tại Rạch Súc để tạ ơn, xin khấn và cầu nguyện

Chương trình hành hương Đức Mẹ Rạch Súc được tiếp nối với sự hiện diện của cha Carolo Hồ Bặc Xái, Tổng Đại Diện giáo phận Cần Thơ và Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Quý

Đúng 12g00 xe đón cha Tổng dừng chân bên Đài Đức Mẹ, ngài bước xuống cúi chào Mẹ và cùng với cha Phêro Lê Quang Phú ban phép lành hành hương cho giáo dân hiện diện.

Sau đó, cha Tổng qua nhà thờ, được cha sở và mọi người chào đón hân hoan. cha Tổng làm phép ngôi nhà đa dụng mới của họ đạo, do cha phó Micae Nguyễn Khắc Minh cất công lặn lội đi xin tiền với uy danh của cha sở Phanxico, nên ngôi nhà đa dụng rộng rãi khang trang mới được hoàn thành nhanh chóng.

Một hồi trống chào mừng hoành tráng của anh em giáo xứ Lộc Lâm, địa phận Xuân Lộc, được cất lên oai hùng, mở đầu cho cuộc rước kiệu Đức Mẹ chính thức bắt đầu khai mạc ngày hành hương Đức Mẹ Fatima Rạch Súc. Đi đầu là thánh giá nến cao, kiệu Đức Mẹ, cha Tổng và quý cha đồng tế, và sau đó là đông đảo bà con giáo dân. Điều kỳ lạ là giữ trưa hè nắng nóng oi ả 40oC này mà đoàn rước kiệu rất đông, bà con sẵn sàng đội nắng cháy để rước kiệu Đức Mẹ sắp thành một hàng dài... Lý do vì đâu? Chắc chắn họ phải là những người con yêu mến Mẹ, tạ ơn Mẹ và xin khấn với Mẹ. Liền sau cuộc rước kiệu là thánh lễ khai mạc do cha Tổng chủ sự và quý cha đồng tế. Trong bài giảng cha Tổng đã khôn khéo đưa mọi người về với lịch sử việc tôn sùng Đức Mẹ và khuyên nhắc mọi người sám hối, vâng nghe lời Mẹ để siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Mẹ và tránh phạm tội để Mẹ buồn. Cha Tổng từ trước đến nay nổi tiếng giảng tha thiết nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và ý nghĩa. Mọi người thường nhớ bài giảng của cha Toingr rất lâu, nhất là trong những đại lễ hành hương như thế này, những lời giảng súc tích ấy luôn để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong tâm hồn tín hữu và khó phai mờ với thời gian.

Chương trình được tiếp tục với giờ Suy Tôn Lòng Thương Xót Chúa của cha Matheu Lê Ngọc Bửu giáo sư Đại Chủng Viện, Tuyên Uý dòng Chúa Quan Phòng và chầu Thánh Thể do cha giáo sư Emmanuel Nguyễn Công Quận. Đặc biệt lần suy tôn Lòng Thương Xót Chúa này cha Bửu dẫn theo quý soeur dòng Chúa Quan Phòng phụ diễn. Với tài năng của quý soeur và lời hướng dẫn thật đạo đức của cha giáo sư, mọi người như chìm đắm trong Lòng Thương Xót Chúa, và giờ thánh thật ý nghĩa và sốt sắng.

Xen kẻ những giờ cầu nguyện là những hồi trống lúc oai hùng, lúc trầm lắng, lúc vui tươi dồn dập, lúc chậm rãi thảnh thơi như tạo cho bầu khí hành hương thêm phần linh thiêng, như đưa vào lòng người những cung điệu trầm bổng nhắc nhớ mọi người ý thức đang trong bầu khí cầu nguyện trên vùng đất Mẹ đang hiện diện.

Đỉnh điểm của ngày hành hương là Thánh lễ Bế Mạc và phép lành hành hương do Đức Cha Stephano giám mục giáo phận Cần Thơ chủ sự và giờ diễn nguyện Lần Chuổi, Rước Kiệu do cha giáo sư lâu năm nhất Đại Chủng Viện Thánh Quý hiện nay là cha Giuse Nguyễn Bá Long với sự phụ diễn của quý soeur các nhà dòng: dòng Con Đức Mẹ, dòng Chúa Quan Phòng, dòng Mến Thánh Giá và sinh viên Công Giáo Agape. Với kinh nghiệm lâu năm, với sự đạo đức khôn ngoan, với nhiệt tâm phục vụ và với lòng yêu mến Mẹ, cha giáo Giuse luôn hiện diện hướng dẫn trong những chương trình hành hương chính của giáo phận như hành hương Cha Phanxico Trương Bửu Diệp và Đức Mẹ Rạch Súc. Năm nay, cha đưa mọi người trở về với lịch sử Đức Mẹ Fatima bằng những hình ảnh của máy chiếu sinh động, cụ thể và rõ nét. Lời dẫn của cha sâu lắng mà đạo đức, lúc mạnh mẽ, lúc thiết tha...như đưa hồn hàng ngàn người hành hương đang hiện diện hướng về Mẹ Maria.

Giờ cử hành Thánh Lễ Bế Mạc Hành Hương Đức Mẹ Fatima do Đức Giám Mục giáo phận chủ tế đã đến. Lúc này sân trước nhà thờ đã chật kín người, bãi giữ xe đã không con một chổ trống, vậy mà dòng người vẫn còn đang tuôn đổ về Rạch Súc. Đức Cha Stephano còn phải thốt lên với cha sở: " Năm nay hành hương Đức Mẹ đông quá he, ngày càng đông". Cha sở chỉ biết Tạ Ơn Chúa và Đức Mẹ đã thương.

Từ ngày cha Phanxico đi học tập cải tạo người Bắc về. Cố Đức Cha Emmmanuel hỏi cha muốn về đâu? Cha sở khiêm tốn trả lời: Thưa Đức Cha, cả đời con đã dâng cho Chúa và vâng lệnh Đức Cha, Đức Cha sai con đi đâu cũng được, nhưng Đức Cha hỏi con xin thưa con chỉ muốn đi xứ truyền giáo nho nhỏ thôi ạ. Đức Cha Emmmanuel liền sai cha sở đến xứ Rạch Súc, một xứ có lẽ nghèo nhất lúc bấy giờ, giáo dân chỉ khoảng 80 người, dân trí thấp, kinh tế chẳng có gì, chỉ đi làm thuê làm mướn, đường sình lầy lội, không điện, không nước....99% là người mới theo đạo. Đây là điểm truyền giáo trước kia của Linh mục Philliphe Nguyễn Kim Điền khởi sự ( sau ngài làm Giám Mục Cần Thơ và Tổng Giám Mục Huế). Thế mà bây giờ là 2 họ đạo độc lập, cơ sở khang trang. Đặc biệt từ một họ đạo truyền giáo nghèo vùng sâu vùng xa đã trở thành trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima cho muôn người tuôn đến ngày 13 hàng tháng và hàng năm.

Trong bài đáp từ lời cám ơn của cha Sở Phanxico Đinh Trọng Tự cuối thánh lễ, Đức Cha nói: "Tiên vàn chúng ta cảm tạ Lòng Thương Xót Chúa, cảm tạ Mẹ Maria đã ban cho chúng ta lòng kính mến Chúa, yêu mến Mẹ, nên chúng ta mới đi hành hương Rạch Súc ngày càng đông thế này. Nhưng tất ca chúng ta cũng phải cám ơn một người con của Đức Mẹ là cha sở Phãnico đây vì nhờ có Ngài mà chúng ta có chương trình hành hương mỗi 13 hàng tháng và hàng năm, vì nhờ Ngài có lòng yêu mến Mẹ mà Ngài đã tổ chức hành hương cho chúng ta đến với Mẹ. Chúng ta xin cám ơn cha sở, một người con rất yêu quý của Đức Mẹ và của giáo phận Cần Thơ. Không ai trong chúng ta ở đây và cả ở những nơi xa xôi mà không nghe biết đến danh tánh cha Phanxico Đinh Trọng Tự, ai cũng đều biết cha là một vị Linh mục hết sức đạo đức, khiêm hạ và hy sinh rất nhiều. Cha là mẫu gương đạo đức cho chúng ta. Chúng ta cảm ơn cha Phanxico và cầu chúc cha sở Phanxico có sức khoẻ hoài hoài, ở đây hoài hoài, và tổ chức hành hương cho chúng ta hoài hoài để chúng ta được đến với Mẹ hoài hoài hoài luôn". Đức Cha vừa dứt lời, Một tràng pháo tay và tiếng cười giòn giã vang lên như nổ tung bầu trời của buổi hành hương Đức Mẹ.

Xin cảm tạ Chúa, cảm tạ Mẹ Maria và cảm ơn cha sở đạo đức thánh thiện Phanxico cho đến muôn đời.
 
Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
18:30 15/05/2016
Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Mừng Bổn Mạng

Sáng thứ Bảy 14/05/2016 các anh chị em trong Phong Trào Tôn Nữ Vương Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Trung Tâm Hành Hương Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Thăm Viếng là Quan Thầy của Phong Trào. Mọi người đều tập trung trước tượng đài Đức Mẹ và dâng giờ đền tạ Đức Mẹ do Cha Linh hướng Paul Văn Chi điều hợp

Xem Hình

Sau khi chấm dứt giờ đền tạ, kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ rước về hội trường Trung Tâm, cuộc rước kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi mùa Mừng nguyện xin Mẹ chúc lành cho gia đình đặc biệt là Phong Trào Tôn Nữ Vương luôn bền vững và thăng tiến trong Cộng Đồng trong Giáo Hội.

Kiệu Thánh tượng Đức Mẹ an vị trên bàn thờ, quý Cha và mọi người trong Liên Nhóm cùng dâng lên trước bàn thờ Mẹ cành hoa để mừng kính Mẹ. Sau đó Cha Linh hướng Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào và cùng với quý Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Hoàng Dương và Cha Nguyễn Văn Bắc cùng hiệp dâng Thánh lễ và sau bài giảng là nghi thức tuyên thệ, đại diện các Liên Nhóm lên trước bàn thờ dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ và cùng tuyên thệ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Nguyễn Thành Thái thay mặt Ban Thường Vụ Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney và anh Nguyễn Ngọc Thảnh Trưởng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng Bổn Mạng của Phong Trào. đặc biệt cám ơn Ca đoàn La Vang Giáo đoàn Cabramatta và Ban Mục Vụ Trung Tâm đã giúp Phong Trào có phương tiện tổ chức Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng hôm nay. Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng kính Bổn Mạng bên hội trường nhà thờ.

Diệp Hải Dung
 
Đức Mẹ Lavang Thánh Du Giáo Xứ Holy Eucharist
Trần Bá Nguyệt
20:21 15/05/2016
(Melbourne – 15/5/2016)
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm nay là một ngày đặc biệt với cộng đoàn Việt Nam giáo xứ Holy Eucharist. Hôm nay Đức Mẹ Lavang đã đến thăm giáo xứ có số giáo dân người Việt đông nhất vùng phía Tây Melbourne.
Mời xem hình
Sự hiện diện của Mẹ Lavang trong những giây phút đầu tiên được đánh dấu bằng một ơn lạ cho giáo xứ. Trước giờ Mẹ đến, trời âm u và gió lạnh, cái lạnh của mùa thu Melbourne, ai cũng nghĩ rằng hôm nay đoàn rước sẽ co ro bước đi trong gió lạnh và mây đen vần vũ. Nhờ Ơn Mẹ, ít phút trước giờ dâng hoa khai mạc đoàn rước, mặt trời bỗng hiện ra với ánh nắng chan hoà sáng toả giữa sân banh trường học. Trong vòng mười phút các em thiếu nhi nữ trong y phục áo dài màu hồng,màu xanh, màu vàng, và các em thiếu nhi nam trong áo xanh khăn đống đã nhịp nhàng dâng hương, dâng hoa với những sắc hoa tươi thắm đủ màu lên Mẹ.
Sau màn dâng hoa của các em thiếu nhi là đoàn kiệu Đức Mẹ khởi hành lần lượt với đội trống trắc, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Đoàn, Xóm Giáo, Legio, Hội Phụ Nữ, Hội Các BMCG, tiếp theo là Kiệu Đức Mẹ, các em giúp lễ, Cha Sở Tuấn Anh, Cha Phó Trọng Danh và Cha Hải từ VN mới sang, cuối cùng là quan khách và cộng đoàn.
Hôm nay nhà thờ chật kín với hơn 1100 người tham dự. Không còn một ghế nào trống kể cả khu foyer cuối nhà thờ. Sau khi tóm tắt buổi lễ đặc biệt đón Đức mẹ Thánh Du trong khung cảnh Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Bổn mạng Ca Đoàn Thánh Linh, Cha sở đã giới thiệu màn dâng hoa kính Đức Mẹ. Các Bà Mẹ Công Giáo trong đồng phục áo dài trắng đã trình diễn màn dâng hoa với bài hát “Lạy Đức Mẹ Lavang” trong nhịp múa tươi vui và đầy màu sắc trước cộng đoàn, chấm dứt bằng hình chữ S nước Việt Nam rực rỡ trong muôn hoa tươi thắm.
Đức Mẹ sẽ ở lại với giáo xứ trong bốn ngày và mỗi ngày kể từ Chúa Nhật 15/5 vào lúc chiều tối các đoàn thể sẽ tập trung trước Mẹ để lần hạt và đọc kinh viếng Mẹ. Cầu xin Mẹ ban nhiều ơn lành cho cộng đoàn con cái tha hương cũng như cho nước Việt Nam và Giáo Hội quê nhà còn đang chịu nhiều đau khổ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống : Vượt qua nỗi sợ hãi
Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
20:47 15/05/2016
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI

“Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái”.

Các môn đệ sợ. Thầy đã bị bắt, bị đánh đập, bị đóng đinh và chết thảm trên Thánh giá. Các môn đệ Chúa sợ hãi dẫu đã nghe biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Người đã gặp bà Maria Macđalêna. Giờ đây họ tụ họp lại nhau, trong một căn phòng khoá kín cửa, lòng rất hoang mang, sợ hãi. Có lẽ trú ẩn trong nhà họ cảm thấy an toàn hơn, an tâm hơn. Vì sợ hãi, có lẽ họ không dám nói to, chỉ thầm thì với nhau. Họ hồi hộp lắng nghe những tiếng động bên ngoài: phải chăng là tiếng bước chân của những người lính do các thượng tế sai đến để bắt trói họ?

Hình dung tình cảnh như thế, tôi thấy các môn đệ thật ngây thơ. Họ tưởng tập trung trong nhà đóng kín cửa là an toàn à? Họ nghĩ ngôi nhà của họ là pháo đài rất kiên cố chăng?

Hơn nữa, cho dẫu họ nghĩ gì, khi chưa có ai đến bắt nhốt họ, họ đã tự nhốt kín trong nhà, khoá chặt cửa, họ tự cầm tù chính mình. Điều gì khiến họ tự nhốt trói mình? Thưa là nỗi sợ hãi. Suy cho cùng cái nhà tù đáng sợ nhất là cái nhà tù của nỗi sợ hãi.

Giữa không khí sợ hãi đó, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với họ. Đầu tiên Ngài nói: “Bình an cho các con”. Phải rồi, bình an là điều họ cần nhất lúc này. Bình an giải thoát họ khỏi sự sợ hãi đang phủ vây họ. “Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Đúng là Thầy đây rồi, với những dấu vết thương tích đòn roi và dấu đinh. “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa”.

Lúc này họ chưa nhớ ra lời Chúa đã dạy: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Phải đi qua con đường đau khổ thì mới đến vinh quang phục sinh.

Chúa ở giữa họ, ban bình an cho họ, làm họ vui mừng và xua tan sợ hãi đang giam hãm họ. Sau đó, “Người thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại’”. Đúng! Họ cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Ơn huệ của Chúa Thánh Thần không chỉ là sự bình an để vượt thoát sợ hãi, mà còn là sự cản đảm, để các tông đồ dám mở toang cửa, loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, đi đến tận cùng trái đất để loan danh Đức Giêsu, minh chứng bằng chính đời sống, bằng cả máu và mạng sống mình…

Ngày nay, chúng ta rất cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự bình an để thoát khỏi những nỗi sợ hãi trói buộc chúng ta. Người ban ơn can đảm để chúng ta dám bước ra ngoài làm chứng cho Chúa, làm những điều tốt phải làm. Và Người đổ vào lòng chúng ta tràn đầy tình yêu để chúng ta có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ bách hại chúng ta…

Chúng ta sợ hãi điều gì???

Sống trong xã hội hôm nay, một xã hội được dựng nên và cai trị dựa trên bạo lực, một xã hội thiếu an toàn mọi mặt, khiến chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi.

Nỗi sợ hãi nổi hiện rõ nhất là sau biến cố cá chết và biển bị đầu độc, khiến chúng ta giật mình nhìn lại: Không khí ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm, thức uống ô nhiễm, văn hoá ô nhiễm, giáo dục ô nhiễm, y tế ô nhiễm… Nỗi lo sợ đi vào từng gia đình: các bà nội trợ lo lắng khi đi chợ không biết phải mua gì? Không mua cá biển, không mua mắm, muối…

Đối phó với xã hội ô nhiễm mọi mặt này chúng ta co cụm lại, tự phòng thủ che chắn. Mỗi người tìm cách tự bảo vệ mình và gia đình, cũng giống như các môn đệ, chúng ta vào nhà khoá chặt cửa, tử thủ bên trong.

Không khí ô nhiễm à? Ra đường bịt khẩu trang. Đồ ăn ô nhiễm à? Tự trồng rau sạch, nuôi cá, nuôi gà…, nếu giàu có hơn thì vào siêu thị mua rau sạch, thịt sạch… Giáo dục ô nhiễm à? Gởi con em học trường ngoại quốc hay ra nước ngoài…

Nhưng, suy nghĩ kỹ lại đi! Khoá chặt cửa, tử thủ bên trong như thế có an toàn không? Có thoát được bệnh tật không? Có tránh được những ô nhiễm đủ loại đó không?

Người ta tặc lưỡi nói với nhau: ăn cũng chết, không ăn cũng chết. Ăn thì chết từ từ, không ăn thì chết ngay. Thôi thì chấp nhận chết từ từ, trời kêu ai nấy dạ. Người tín hữu thì bảo đó là thánh ý Chúa (!). Mỗi ngày cơ thể chúng ta lãnh đủ nhiều loại hóa chất từ thực phẩm, không khí, nước, các loại mỹ phẩm, những vật gia dụng chúng ta đụng chạm hằng ngày... Chúng ta đang bị giết một cách từ từ.

Người ta bảo, thả con ếch vào nồi nước nóng, nó phản ứng và nhảy ra ngay. Nhưng cho nó vào nồi nước mát, và từ từ đun nóng, nó cứ bình thản bơi lội trong đó, cho đến khi chết bỏng. Thí nghiệm cho thấy chỉ cần sau khoảng 5 tiếng rưỡi tới sáu tiếng, là chú ếch chết không kêu được một tiếng.

Chúng ta đang bị giết chết từ từ. Đi ngoài đường ai ai cũng đeo khẩu trang (liệu cái khẩu trang đó có cản được những thứ độc hại tôi hít vào phổi không?). Hãy nghĩ lại xem, từ bao giờ chúng ta bắt đầu đeo khẩu trang khi ra đường? Và cho tới nay mọi người ra đường đều đeo khẩu trang, bình thản đeo khẩu trang như thể đó là điều dĩ nhiên. Mọi người chấp nhận như thế, không ai thắc mắc. Nếu chúng ta tiếp tục cách phản ứng như thế này, sẽ đến ngày nào đó, cá nhiễm độc là bình thường, muối mắm nhiễm độc là bình thường… Chúng ta cùng chờ chết hay sao???

Ai cũng càm ràm. Ai cũng thấy là nguy hiểm. Mỗi người tử thủ trong nhà mình, bảo vệ bản thân mình, gia đình mình… và im lặng chờ chết. Thế nên mới có bài thơ:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi.

Sáng Chúa Nhật 8.5 vừa rồi, tôi có mặt tại tại nhà thờ Đức Bà. Tôi đã thấy những con người dám vượt qua sợ hãi. Tôi thấy có nhiều người trẻ nam nữ, có cả người già và trẻ nhỏ. Tôi thấy họ cầm những biểu ngữ nói lên nguyện vọng của mình về môi trường. Những tiếng hô rời rạc của họ bị át đi bởi tiếng loa sắt oang oang lặp đi lặp lại yêu cầu giải tán… Họ bắt đầu đứng lên di chuyển từ công viên bên cạnh nhà thờ đến trước cổng trường Hoà Bình và cổng nhà xứ Chánh toà. Họ bước đi trên con đường dành cho người đi bộ, bước sát sát theo nhau. Tôi nhìn thấy những gương mặt sáng nét thư sinh, tôi bắt gặp những nụ cười hiền hoà, cũng có những nét mặt căng thẳng lo âu. Thế rồi vang lên những tiếng kêu: “Bắt người! Bắt người!” Đám đông ùa về phía những tiếng kêu đó, như những làn sóng đổ dồn về phía này, rồi về phía kia ngược lại và nhanh chóng bị chia cắt. Những đám áo xanh, hung hăng nhất là những kẻ không mặc sắc phục, rất thành thục nhuần nhuyễn, họ đẩy người này, họ kẹp cổ người kia, đấm đá… không thương tiếc. Tôi đã nhìn thấy máu chảy, tôi đã chứng kiến cảnh bạo lực từ một phía có cảnh sát bảo kê đứng nhìn. Tôi đau xót đứng yên bất lực. Đám đông tan tác như đàn cừu không có người chăn…

Trong bối cảnh thế giới và cách riêng xã hội Việt Nam hôm nay, Thông Điệp Laudato Si, là chỉ dẫn quý báu và thiết thực cho chúng ta.

“Rất đông người nắm nhiều tài nguyên, quyền lực tài chính và chính trị, xem ra chỉ muốn tập trung vào việc che đậy vấn đề hay giấu nhẹm các hiện tượng, họ cố tìm cách đúc kết vào vài hậu quả tiêu cực của việc biến đổi khí hậu” (26 LS)

“… chỉ có các cá nhân tự cải thiện thì không đủ để giải quyết tình hình cực kỳ phức tạp của thế giới hôm nay….. Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng” (219 LS).

Đứng trước thảm trạng này, chúng ta phải có thái độ như thế nào? “Thư chung của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển miền Trung” (13.05.2016) chỉ dẫn:

Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của người môn đệ Đức Kitô, không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng người Kitô hữu” (CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 1).

Vì vậy, chúng ta không thể nào dửng dưng trước thảm họa ô nhiễm môi trường đang phá hủy không những vùng biển Miền Trung mà còn gây thảm họa lâu dài cho cả dân tộc. Thật vậy, chúng ta đang đối diện với một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến chính mỗi người chúng ta mà còn liên quan đến nhiều thế hệ. Có thể nói rằng, biển kêu gào thảm thiết vì bị bức tử và mọi người, mọi vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa này. Chúng ta cần biết rằng việc phá hoại môi trường, làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những độc tố là tội lỗi, và sẽ gánh lấy hậu quả. Vì "tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 8).

Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxiô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội (x. ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 53 và số 59).

Vì thế, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường bằng những việc làm cụ thể sau đây:

- Biết sẵn sàng từ bỏ lối sống hưởng thụ coi thường môi sinh và cương quyết không sản xuất, chế biến “thực phẩm” gây hủy hoại sức khỏe, tổn thương đến tính mạng của đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn hủy hoại đến môi sinh;

(Xin mở ngoặc: Có soeur mang biếu cha trái sầu riêng và nói: cha an tâm, đây là sầu riêng ở cây riêng dành cho gia đình, chứ không phải là sâu riêng bán đâu cha (!). Cũng vậy, có người giáo dân mang rau và biếu cha: rau này sạch, con trồng luống riêng, chứ không phải là rau bán. Ăn sầu riêng sạch, rau sạch này sao thấy đắng đắng !!!)

- Giúp đỡ những anh chị em đang là nạn nhân của thảm họa này qua sự thăm viếng, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ bằng vật chất;

- Chủ động tiêu hủy, chôn cất một cách an toàn nhất có thể, những sinh vật biển bị chết để ngăn chặn chất độc phát tán; không tàng trữ, buôn bán những hải sản, thực phẩm chế biến từ hải sản đã nhiễm độc hoặc nghi ngờ nhiễm độc;

- Hợp tác với những cá nhân và tổ chức thành tâm thiện chí để tìm ra nguyên nhân gây thảm họa, đồng thời nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục thảm họa này;

- Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý.

Đặc biệt, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em cầu nguyện cho công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự thật và quyền được sống trong một môi trường lành mạnh, hài hòa và bền vững. Rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con? Tin tưởng vào lời hứa của Đức Mẹ Fatima, tôi kêu gọi mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi, để nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ, chúng ta không những biết can đảm bảo vệ non sông đất nước mà còn không để lại hệ lụy cho thế hệ tương lai.

Tôi xin thêm một điều: nếu chưa biết phải làm gì, thì ít nhất trong cuộc bầu cử ngày 22.05 sắp đến, hãy sử dụng quyền tự do của mình với tất cả ý thức và tinh thần trách nhiệm.

Đó là bổn phận của chúng ta, những Kitô hữu. Trong tông huấn Niềm Vui và Tin Mừng, Đức Thánh Cha tỏ bày:

“Tôi muốn có một Hội thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (NVTM 49).

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết phải làm gì. Chúng ta hãy xin ơn bình an để thoát khỏi nỗi sợ hãi đã khống chế chúng ta quá lâu, hãy xin ơn can đảm để dám làm chứng cho sự thật và công lý, và nhất là xin cho chúng ta có con tim yêu thương để đủ bao dung yêu thương cả những kẻ dùng vũ lực đàn áp anh em mình.

Chúa Nhật 15.08.2016

Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô Hữu (8)
Vũ Văn An
01:36 15/05/2016
III. Sứ Điệp Của Cựu Ước

1. Ngôn ngữ Thánh Kinh

Sứ điệp của Thánh Kinh về lòng thương xót có thể phát xuất từ một truyền thống sâu rộng của nhân loại. Nhưng người ta sẽ lầm khi cho rằng Thánh Kinh và cùng với nó, Kitô Giáo, chỉ đơn giản nhắc lại một cách phổ thông những điều các triết gia đã khám phá trong việc họ phân tích lòng cảm thương của con người và những điều các học giả tôn giáo đã gạn lọc từ nhiều tôn giáo khác nhau làm thành một truyền thống chung của con người. Kitô Giáo không phải là “thuyết Platông cho người bình dân” (1) như Nietzsche vốn nghĩ. Kitô Giáo tiếp nhận nhiều điều từ truyền thống nhân bản, nhưng nó cũng phê phán truyền thống này, làm cho nhiều điều trở nên chính xác và làm cho sâu sắc hơn. Điều ấy trở nên rõ ràng khi ta chịu để ý điều này: sứ điệp Thánh Kinh không những nói về lòng cảm thương [Mitleid], mà còn nói tới lòng thương xót [Barmherzigkeit] nữa. Bất chấp mọi điểm tiếp xúc chung về tôn giáo và triết học, ý niệm thương xót vẫn có một ý nghĩa chuyên biệt, mà nay ta cần lưu ý.

Hiện có một ý kiến khá phổ biến cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị Thiên Chúa ưa trả thù và nổi giận, trong khi Thiên Chúa của Tân Ước là một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót. Thực vậy, trong Cựu Ước, có rất nhiều bản văn hỗ trợ ý kiến này. Đó là các đoạn văn nói tới giết chóc và trục xuất toàn bộ dân số ngoại giáo của nhiều thành phố và dân tộc theo lệnh của chính Thiên Chúa (Đnl 7:21-24; 9:3; Gs 6:21; 8:1-29; 1Sm 15). Người ta cũng có thể nghĩ tới các thánh vịnh nguyền rủa (nhất là các Thánh Vịnh 58; 83;109) (2). Tuy nhiên, cách nhìn này không công bằng chút nào đối với diễn trình tiệm tiến qua đó ý niệm Thiên Chúa của Cựu Ước biến đổi một cách hết sức quan yếu. Cách nhìn này cũng không công bằng chút nào đối với việc phát triển nội bộ của Cựu Ước theo chiều hướng Tân Ươc. Cuối cùng, cả hai Giao Ước này cùng làm chứng cho một vị Thiên Chúa duy nhất.

Sự kiện trên đã bắt đầu xuất hiện trong một số nhận xét và suy nghĩ khởi đầu về việc dùng ngôn ngữ trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Cựu Ước có đặc điểm sử dụng thành ngữ rechamin để chỉ lòng cảm thương và cũng để chỉ cả lòng thương xót nữa. Chữ này phát nguyên từ chữ rechem, có nghĩa là “dạ” (womb) và cũng dùng để chỉ “lòng” (ruột). Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, lòng (ruột) được coi như trung tâm của xúc cảm. Trong Tân Ước, lòng (ruột) hay bụng (guts, σπλάγχνα) cũng dùng để diễn tả lòng thương xót phát xuất từ trái tim (3). Cũng vậy, ta thấy oiktirmos (οίκτιρμός) đã được dùng để chỉ lòng thiện cảm và việc sẵn sàng ra tay cứu giúp (4). Và sau cùng, chữ eleos (έλεος) rất quan trọng. Khởi đầu, nó diễn tả tác động của cảm xúc, nhưng về sau, người ta thường dùng nó để dịch các từ ngữ đặc trưng của Hipri là hesedhen, là những từ đặc biệt dùng để mô tả lòng thương xót.

Ta vẫn còn cần phải biết lòng thương xót liên hệ ra sao với công lý và phải chứng tỏ rằng đối với Cựu Ước, hai ý niệm này không đơn giản chỉ đứng cạnh nhau hay đối nghịch nhau, mà đúng hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa phục vụ công lý của Người và đem nó tới chỗ được thể hiện. Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa là chính công lý của Người. Tuy nhiên, trước tiên, ta phải nhấn mạnh một điều khác. Ta chỉ có thể hiểu lòng thương xót khi ta bao gồm ý niệm “trái tim” (leb, lebab, καρδία) vào các xem xét của ta.

Trong Thánh Kinh, “trái tim” không chỉ diễn tả một cơ quan của con người, rất cần cho sự sống; về phương diện nhân học, nó diễn tả cốt lõi của con người nhân bản, trung tâm các xúc cảm của họ cũng như trung tâm khả năng phán đoán của họ. Thánh Kinh dành nhiều chỗ và chú ý cho thế giới cảm xúc con người, cả liên quan tới con người lẫn Thiên Chúa theo nghĩa bóng bẩy. Hãy nghĩ tới các thánh vịnh ai ca của Cựu Ước, các ai ca của Giêrêmia, các than vãn buồn đau của Đavít trước cái chết của con trai Absalon (2Sm 19). Chúa Giêsu đầy giận dữ và buồn khổ trước sự ương ngạnh của những kẻ chống đối Người (Mc 3:5), và đầy cảm thương đối với người ta (Mc 6:34) và đối với bà góa Thành Naim vì mất đứa con trai duy nhất (Lc 7:13). Trước cái chết của bằng hữu Ladarô, Chúa Giêsu hết sức xúc động buồn bã (Ga 11:38). Như thế, trong Thánh Kinh, lòng cảm thương không bị coi là yếu đuối và mềm yếu phản nam tính, không xứng đáng với người anh hùng thực sự. Theo Thánh Kinh, con người được phép biểu lộ các tâm tình của họ, các sầu buồn của họ, các xúc cảm của họ, các niềm vui và đau thương của họ. Họ cũng có thể than thở với Thiên Chúa và không cần phải xấu hổ vì khóc lóc.

Thánh Kinh còn đi xa hơn nữa, khi nói tới trái tim Thiên Chúa về phương diện thần học. Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa chọn người ta theo trái tim của Người (1Sm 13:14; Gr 3:15; Cv 13:22). Thánh Kinh nói tới việc trái tim Người rất bối rối đối với con người và tội lỗi của họ (St 6:6); và Thánh Kinh nói rằng Người hướng dẫn Dân Người bằng một trái tim ngay thẳng (Tv 78:72) (5). Kiểu nói này đạt tới đỉnh cao của nó trong Tiên Tri Hôsê. Vị tiên tri này nói một cách chưa từng ai nói và thực sự cảm kích rằng trái tim Thiên Chúa tự co cụm ở trong Người (*) và lòng cảm thương của Người trở nên ấm áp và dịu dàng (Hs 11:8). Người trở nên sống động nhờ tâm tình yêu thương con người cách cuồng nhiệt (6).

Kiểu nói quan trọng nhất để hiểu lòng thương xót là hesed. Chữ này có nghĩa: lòng tốt, tình bạn, ân huệ đầy yêu thương không đòi công trạng, và cả ân sủng cùng lòng thương xót của Thiên Chúa (7). Bởi thế, hesed vượt quá cảm xúc và đau đớn đơn thuần trước cảnh khốn cùng của con người; nó chỉ hành động Thiên Chúa tự ý và nhân hậu ngoảnh nhìn con người một cách đầy quan tâm. Nó bao hàm ý tưởng liên hệ, chứ không hẳn một hành động riêng rẽ, mà đúng hơn là một thái độ và một cách tiếp cận liên tục. Áp dụng vào Thiên Chúa, ý tưởng này nói lên việc Người ban ơn thánh của Người cách bất ngờ và không đòi công trạng, nghĩa là một việc ân ban vượt lên trên mọi liên hệ trung thành hỗ tương, vượt quá mọi mong ước của con người và phá đổ mọi phạm trù nhân bản. Chỉ cần nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng toàn năng và thánh thiện, đã quan tâm lo lắng đối với tình thế cực kỳ khốn khổ của con người, do chính họ gây ra, rằng Thiên Chúa ấy thấy rõ cảnh khốn khổ của con người khốn cùng và đáng thương, rằng Người nghe thấy tiếng than của họ, nhân từ cúi xuống với họ, tự hạ mình đến với những con người trong cảnh khốn khổ của họ, và bất chấp mọi bất trung của họ, vẫn tỏ ra lo lắng đối với họ không thôi, và rằng Người sẵn sàng tha thứ cho họ và ban cho họ một cơ hội nữa, dù họ chỉ đáng bị trừng phạt, là đủ thấy tất cả những điều này quả vượt quá mọi kinh nghiệm và mong ước bình thường của con người; tất cả những điều này quả đã vượt quá mọi tưởng tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp hesed của Thiên Chúa, một điều gì đó thuộc mầu nhiệm của Người, mà tự trong chính nó vốn khép kín đối với tư duy con người, đã được mặc khải cho họ. Ta chỉ có thể biết được phần nào mầu nhiệm này nhờ mặc khải của Thiên Chúa mà thôi.

2. Đáp ứng của Thiên Chúa đối với sự hỗn mang và tai họa của tội

Ý nghĩa mà chứng từ của Thánh Kinh gán cho lòng thương xót của Thiên Chúa không phát xuất duy nhất từ cách dùng từ ngữ này. Ý nghĩa của lòng thương xót chỉ được xác quyết từ tính toàn vẹn của lịch sử cứu rỗi trong Thánh Kinh. Nó khởi đầu ngay sau trình thuật tạo thế của Thánh Kinh. Khi tạo dựng, Thiên Chúa làm nên mọi sự tốt lành, đúng hơn, rất tốt lành (St 1:4, 10, 12, 18, 20, 25, 31). Thiên Chúa làm nên con người giống hình ảnh của Người; Người làm nên họ có nam có nữ. Người chúc lành cho họ. Họ phải sinh sôi nẩy nở con cháu cho tràn đầy mặt đất. Người ủy thác cho con người trọn bộ tạo thế để họ duy trì và vun xới (St 1:27-30; 2:15). Mọi sự đều tốt; đúng hơn, rất tốt.

Nhưng, câu truyện tốt đẹp trên ngay sau đó tiếp diễn bằng thảm họa. Con người muốn được như Thiên Chúa, được quyền tự quyết định điều gì tốt điều gì xấu (St 3:5). Việc ra xa lạ với Thiên Chúa dẫn tới việc con người ra xa lạ với thiên nhiên và với những con người khác. Thế là từ nay, trái đất sinh gai góc và con người phải đổ mồ hôi và cực nhọc mới cày cấy được nó. Sự sống mới chỉ có thể được cưu mang trong đau đớn; chồng và vợ ra xa lạ đối với nhau (St 3:16-19); rồi Cain giết Abel (St 4). Sự ác tiếp nối sự ác liên tiếp như núi lở và mọi suy nghĩ và cố gắng trong trái tim con người mỗi ngày mỗi trở nên ác hơn (St 6:5).

Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại đơn thuần lao đầu vào tai ương và sa xuống thảm hại. Đúng hơn, ngay từ lúc ban đầu ấy, Người đã đưa ra các biện pháp cứu chữa và liên tiếp thực hiện các phản công mới chống lại cảnh hỗn mang và thảm họa sắp diễn ra. Mặc dù chữ “thương xót” không xuất hiện trong các chương đầu tiên của Sách Sáng Thế, lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự đã rờ mó được và hết sức hữu hiệu ngay từ thuở khởi nguyên này. Cùng với việc xua đuổi con người ra khỏi địa đường, Thiên Chúa đã ban cho họ áo quần để bảo vệ họ khỏi các ác nghiệt của thiên nhiên, giúp họ khỏi xấu hổ trước mặt nhau, và duy trì được phẩm giá của họ (St 3:20). Người đe dọa sẽ trả thù bất cứ ai đặt tay xâm hại Cain và ghi dấu lên trán Cain để bảo vệ ông khỏi bị sát hại (St 4:15). Cuối cùng, sau Hồng Thủy, Thiên Chúa cố gắng tạo một khởi đầu mới với Nôe. Người đoan hứa một hiện sinh và một trật tự liên tục cho vũ trụ, chúc phúc cho nhân loại mới, và đặt sự sống của con người, từng được làm nên giống hình ảnh Người, dưới sự che chở đặc biệt của Người (St 8:23; 9:1-5tt).

Nhưng chưa hết. Lòng tự cao tự đại của con người không có tận cùng; họ đi xây Tháp Babel mà đỉnh cao họ hy vọng vươn tới trời. Lòng tự cao tự đại này dẫn tới việc ngôn ngữ ra hỗn loạn; con người không còn hiểu được nhau và họ bị phân chia tứ tán ra khắp mặt đất (St 11). Nhưng, một lần nữa, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại cho chính số phận của họ, một nhân loại nay đã bị phân chia thành bộ lạc và dân tộc xa lạ và thù nghịch nhau. Thiên Chúa chống hỗn mang và thảm họa. Người làm nên một khởi đầu mới với việc kêu gọi Ápraham (St 12:1-3). Có thể nói: với Ápraham, một phản công lịch sử đã khởi đầu, tức lịch sử hiện thực của việc Thiên Chúa cứu rỗi con người. Nơi Ápraham, mọi thế hệ, mọi gia đình trên trái đất đều được chúc phúc (St 12:3) (9). Với chữ “chúc phúc” này, Thánh Kinh muốn cho hiểu một điều vừa nền tảng vừa hoàn toàn đầy đủ: hạnh phúc, hòa bình, sống viên mãn và nhiều ân sủng của Thiên Chúa (10). Như thế, với Ápraham, một lịch sử mới của nhân loại đã khởi sự, một lịch sử chúc phúc và, nói cách khác, một lịch sử cứu rỗi. Thực vậy, những lời nói về lòng nhân hậu và trung thành của Thiên Chúa đã rải rác khắp trong trình thuật về Ápraham (St 24:12, 14, 27; 32:11).

Như thế, ngay từ thuở đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã bắt đầu phản công chống lại tai ương (11). Ngay từ khởi nguyên, hành động thương xót (Erbarmen) của Thiên Chúa đã có hiệu lực mạnh mẽ rồi. Lòng thương xót của Thiên Chúa là việc Người cung cấp đề kháng để chống lại sự ác, là điều lúc ấy đang ở thế thượng phong. Người không làm thế một cách miễn cưỡng hay bạo động; Người không đơn thuần chiến đấu; đúng hơn, trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa không ngừng tạo ra không gian mới cho sự sống và sự chúc phúc.

3. Sự mặc khải tên Thiên Chúa cũng là sự mặc khải Lòng Thương Xót của Người

Trong Cựu Ước, việc minh nhiên mặc khải lòng thương xót đã được liên kết rất chặt chẽ với việc mặc khải nền tảng về Thiên Chúa trong cuộc xuất hành và giải phóng Dân Do Thái khỏi Ai Cập và với việc mặc khải chính Người lần lượt trên Núi Sinai và Hôrép. Biến cố mạc khải thường xẩy ra trong một tình thế khó khăn và, đúng hơn tuyệt vọng, của dân Do Thái. Dân tộc này bị áp bức tại Ai Cập, phải làm những việc nặng nhọc dành cho các nô lệ. Chính Môsê đã phải trốn chạy khỏi nhà cầm quyền Ai Cập là những người tìm cách kết liễu đời ông. Thiên Chúa mặc khải cho ông như là Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp trong bụi gai bừng lửa trên Núi Hôrép. Do đó, việc mặc khải trên Núi Hôrép có liên hệ với sự khởi đầu của lịch sử cứu rỗi với Ápraham. Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa tự mặc khải như Đấng Thiên Chúa mời gọi và lãnh đạo tiến lên. Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa của lịch sử. Nhưng dù trình thuật về Ápraham cung cấp cho ta một cửa ngỏ dẫn vào toàn thể nhân loại và mọi dân tộc, thì giờ đây, nó chỉ tập chú vào câu truyện của dân Người, Dân Israel.

Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Người và nghe thấy tiếng họ kêu van: “Ta đã nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ta ở Ai Cập và Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng vì những kẻ đốc công tàn ác. Thực vậy, Ta biết rõ các đau khổ của chúng, và Ta đến để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3:7-8; xem 9). Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Chúa câm điếc; Người là Đấng Thiên Chúa sống động, Đấng biết lưu tâm tới nỗi khốn khổ của con người, Đấng biết nói, biết hành động, biết can thiệp, giải thoát và cứu chuộc. Công thức “Giavê, Đấng đem chúng ta ra khỏi Ai Cập” đã trở thành lời tuyên xưng đức tin rất nền tảng trong Cựu Ước (Xh 20:2; Đnl 5:6; Tv 81:1; 114:1; v.v…).

Việc mặc khải Đấng Thiên Chúa hạ mình đến gần dân Người không hề nói lên một sự quen thuộc giả tạo. Việc mặc khải này có liên hệ một cách hết sức mật thiết với việc mặc khải sự thánh thiện của Người, tính ưu việt của Người đối với mọi sự vật trần gian, tính kỳ diệu của Người, và tính tối thượng của Người. Môsê được thấy bụi gai bừng lửa mà không bị thiêu rụi. Vì quá sợ hãi, ông phải che mặt; không dám lại gần hơn; ông phải cởi giầy vì đất ông đứng là đất thánh. Rồi khi Môsê hỏi Thiên Chúa để biết tên Người, ông nhận được câu trả lời mầu nhiệm: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3:14) (**).

Rất nhiều điều khác nhau và trái ngược nhau đã được viết về nguồn gốc, cách phát âm, và ý nghĩa của 4 chữ Hípri viết tắt YHWH (12). Martin Buber và Franz Rosenzweig dịch nó là “Ta sẽ hiện diện như là Đấng sẽ hiện diện ở đó” (13). Nhờ cách dịch này, chiều kích mầu nhiệm, không ai vươn tới và cuối cùng không ai hiểu nổi của tên Thiên Chúa đã được diễn tả. Đối với người Do Thái sùng đạo, bốn chữ Hípri viết tắt này thánh thiêng đến nỗi họ không dám thốt lên thành tiếng. Vì tôn trọng sự nhậy cảm của người Do Thái, năm 2008, Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa đã cấm không được dịch tên YHWH của Người trong phụng vụ Giáo Hội. Như thế, việc mặc khải tên Thiên Chúa đã nói lên tính siêu việt tuyệt đối của Người. Mặt khác, nó chứng tỏ Thiên Chúa đích thân chăm sóc dân Người và việc Người cam kết hiện diện một cách mạnh mẽ trong lịch sử dân Người. Thiên Chúa tự mặc khải Người như là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn và lãnh đạo trong một lịch sử không hề bị trói tay từ trước, một lịch sử trong đó Người sẽ luôn hiện diện một cách không thể suy diễn (nondeducible), tối thượng, nhưng rất bất ngờ, và như Đấng luôn luôn là tương lai mới mẻ của dân Người. Người không phải là Đấng Thiên Chúa của một nơi đặc thù, nhưng đúng hơn, Người biểu lộ quyền năng của Người ở khắp mọi nơi dân Người gặp gỡ trên đường lữ thứ của họ. Do đó, tính phổ quát của Giavê, được các tiên tri minh nhiên công bố, đã được thiết lập ngay từ thuở đầu.

Bản Bẩy Mươi, tức bản Cựu Ước của người Do Thái qua tiếng Hy Lạp, xuất hiện khoảng năm 200 trước CN, đã giải thích việc mặc khải tên Thiên Chúa theo tư tưởng triết học Hy Lạp và đã dịch tên này là “Ta là Đấng hằng hữu” (̓Еγώ εỉμι ὁ ὤυ). Lời dịch này đã làm nên lịch sử và đã lên khuôn cho tư tưởng thần học trong nhiều thế kỷ. Dựa vào lối dịch này, người ta xác tín rằng điều cao nhất trong tư tưởng tức Hữu Thể (Being) và điều cao nhất trong đức tin tức Thiên Chúa, có liên hệ qua lại với nhau. Trong xác tín này, ta thấy có sự xác nhận rằng tin và nghĩ không hề chống đối nhau, mà đúng hơn, tương ứng với nhau. Lối giải thích này đã được tìm thấy nơi triết gia Do Thái theo văn hóa Hy Lạp là Philo (chết năm 40 CN). Tuy nhiên, Tertullianô chẳng bao lâu đã đặt câu hỏi: “Giêrusalem nào có gì liên hệ với Nhã Điển?” (14). Đáng lưu ý nhất là Blaise Pascal; sau khi trải qua một kinh nghiệm thần bí, thần học gia này nhấn mạnh sự khác nhau giữa Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp trong đoạn văn nổi tiếng “Memorial” năm 1654 (15).
Các học giả Thánh Kinh cận đại từng chỉ rõ các dị biệt giữa lối hiểu hữu thể của người Hípri và của người Hy Lạp. Vì, đối với suy tư Hípri, hữu thể không phải là một thực tại bất động (quiescent) mà đúng hơn là một thực tại năng động. Trong tư tưởng Hípri, hữu thể là một hiện hữu cụ thể, hoạt động, và có hiệu năng mạnh mẽ. Thành thử, việc mặc khải tên Thiên Chúa tạo nên lời hứa hẹn của Người: Ta là “Đấng đang hiện diện ở đó”. Ta ở với các ngươi trong cảnh khốn cùng của các ngươi và Ta sẽ đồng hành với các ngươi trên đường các ngươi đi. Ta nghe thấy tiếng kêu của các ngươi và ta đáp lại các van vỉ của các ngươi. Tương ứng với điều này, việc mặc khải tên Thiên Chúa lập tức được nối kết với việc phê chuẩn giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ và với việc lên công thức có tính cổ điển cho giao ước này: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 6:7). Như thế, trong việc mạc khải tên của Người, Thiên Chúa đã nói ra thực tại thâm sâu nhất của chính Người: hữu thể Thiên Chúa là hữu thể hiện diện cho dân Người và với dân Người. “Hữu thể Thiên Chúa là Hữu-Thể-cho-dân-Người; hữu thể của Thiên Chúa trong tư cách Phò Hiện Hữu là mầu nhiệm kỳ diệu của yếu tính Người. Với đức tin của mình, Israel có thể vô điều kiện nương tựa vào chân lý này” (16).

Chữ “thương xót” (Erbarmen) chưa xuất hiện trong cuộc mặc khải ở Hôrép. Tuy nhiên, điều mà lòng thương xót thực sự có ý nghĩa thì vốn đã được hàm chứa ngay trong việc mặc khải thánh danh Người; sau đó, nó đã được tỏ lộ trọn vẹn hơn trong mạc khải ở Sinai. Hoàn cảnh trong đó việc này xẩy ra có tính hết sức bi kịch. Thiên Chúa đã dẫn dân Người ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và đã ban cho họ Mười Giới Răn trên hai phiến đá làm hiến chương của giao ước (Xh 20:1-21; Đnl 5:6-22). Nhưng không bao lâu sau khi giao ước này được chấp thuận, nó đã lập tức bị vi phạm. Dân Thiên Chúa chọn đã nhanh chóng bất trung; họ bỏ đạo, theo các thần ngoại giáo và nhẩy múa quanh con bò vàng. Thiên Chúa lập tức nổi giận đùng đùng chống lại thứ dân cứng đầu này và Môsê đập bể hai phiến đá giao ước ngay ở dưới chân núi làm dấu chỉ quả thực giao ước đã bị đạp đổ (Xh 32). Ngay khi vừa bắt đầu, mọi sự xem như đã không còn, mất hết.

Tuy nhiên, Môsê đã cầu bầu và nhắc Thiên Chúa nhớ tới lời hứa của Người. Ông xin Thiên Chúa ban ơn thánh và lòng thương xót: “Xin cho con thấy dung nhan Ngài”. Và rồi cuộc mặc khải tên Người lần thứ hai đã diễn ra. Thiên Chúa hô lớn tên Người cho Môsê trong lúc đi qua: “Ta sẽ nhân từ (hen) với những ai Ta sẽ nhân từ, và Ta sẽ tỏ lòng thương xót (rachamin) cho những ai Ta sẽ tỏ lòng thương xót” (Xh 33:19). Ở đây, lòng thương xót của Thiên Chúa được hiểu không phải như sự gần gũi với một người bạn thân, nhưng đúng hơn như biểu thức của tính tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa và quyền tự do không thể bị giản lược của Người. Giavê không thích hợp với bất cứ phạm trù nào, ngay cả phạm trù công lý bù trừ (compensatory justice). Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa chỉ phù hợp với chính Người và với thánh danh Người đã tỏ cho Môsê (17). Do đó, Người đã ra lệnh cho Môsê phải chuẩn bị hai phiến đá mới để ghi lại lề luật. Bất chấp sự bất trung và cứng đầu của họ, Người vẫn không để dân Người rơi vào hoang phế và hư không. Thiên Chúa làm mới lại giao ước của Người; Người ban cho dân Người một cơ hội nữa và Người làm thế hoàn toàn vì tự do và ơn thánh nhưng không.

Cuối cùng, vào một sớm mai khác, ta lại thấy việc mặc khải thứ ba về tên Thiên Chúa. Người hiện xuống với Môsê trong đám mây, như dấu chỉ sự hiện diện mầu nhiệm của Người, và nói lớn với ông: “Chúa tể, Chúa tể, Đấng Thiên Chúa hay thương xót (rachum) và nhân từ (henum), chậm nổi giận, và giầu tình yêu bền vững (hesed) và trung thành (emet) (Xh 34:6).

Trong cuộc mặc khải tên Người lần thứ ba này, lòng thương xót không những nói lên tính tối thượng và tự do của Thiên Chúa; nó còn nói lên lòng trung thành của Người nữa. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa trung thành với chính Người và với dân của Người, bất chấp sự bất trung của họ. Trong cuộc mặc khải tên Thiên Chúa lần thứ ba, ta có thể nhận ra lời khẳng định chính của Israel liên quan tới yếu tính của Thiên Chúa họ (18). Sau đó, lời tuyên bố về mặc khải này đã liên tiếp được nhắc đi nhắc lại trong Cựu Ước, nhất là các thánh vịnh, một cách như lên công thức (19). Có thể nói, nó đã trở thành Kinh Tin Kính của Cựu Ước.

Kinh Tin Kính trên không do suy tư của con người mà có; cũng không hẳn do thị kiến huyền nhiệm mà phát sinh. Ngược lại, Môsê được phán bảo một cách không hàm hồ rằng “Ngươi không thể thấy dung nhan Ta vì không ai thấy dung nhan Ta mà còn sống được”. Môsê không thể trực tiếp nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa; ông chỉ có thể thấy lưng của Người khi Người bước khỏi ông. Có thể nói, ông chỉ có thể nhận ra Thiên Chúa một cách hậu thiên (a posteriori), nghĩa là bằng cách nhìn trở lui, nhìn đàng sau việc Người bước qua lịch sử. Thiên Chúa cũng có thể được nhìn thấy dựa vào lời lẽ do Người mặc khải và giải thích, nghĩa là việc hô to thánh danh Người (Xh 33:20-23). Như thế, lời tuyên bố dứt khoát liên quan tới yếu tính nhân từ và thương xót của Thiên Chúa không phải là lời tuyên bố suy lý hay do kinh nghiệm huyền nhiệm mà có. Đúng hơn, nó là lời tuyên bố của đức tin dựa trên sự tự ý mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Trong và xuyên suốt lịch sử, Thiên Chúa mặc khải yếu tính của Người, một yếu tính vốn dấu khuất khỏi con người. Ta chỉ có thể nói về yếu tính này bằng con đường trình thuật, chứ không bằng con đường suy lý. Theo nghĩa này, công thức này chính là bản tóm lược câu Thiên Chúa tự định nghĩa về Người trong Cựu Ước.

Kỳ Sau: Lòng thương xót như phẩm tính khác, vừa khôn dò vừa có tính tối thượng...
________________________________________________________________________________________________________
(*) Tiếng Anh, "recoils within him"; Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là "Lòng Ta đảo lộn trong Ta".
(**) Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “Ta có sao Ta có vậy”.

(1) Friedrich Nietzsche, Beyond Good and Evil, bản tiếng Anh của Helen Zimmern (London: Allen & Unwit), 3.
(2) Muốn hiểu các thánh vịnh nguyền rủa, xem E. Zenger, “Fluchpsalmen” Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder 1993-2001), 3:1335f. Cũng nên xem chương II trên đây, ghi chú 62.
(3) Helmut Koster, “σπλάγχνον” Theologisches Worterbuch zum Neyene Testament, do Gerhard Kittel và nhiều người khác hiệu đính (Stuttgart: Kohlhammer, 1949-79) 7:553-57.
(4) Rudolf Bultmann, “οἰκτίρω”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 5:162f.
(5) F. Baugartel và J, Behm, “καρδία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 3:609-16; Hans Walter Wolff, Anthropologie des Alten Testaments (Munich: Kaiser, 1973), 68-95.
(6) Abraham Joshua Heschel, The Prophets (New York: Harper & Row, 1975); Peter Kuhn, Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen (Munich: Kosel Verlag, 1968); Peter Kuhn, Gottes Trauer und Klage in de rabbinischen Uberlieferung (Leiden, E.J. Brill, 1978).
(7) Rudolf Bultmann, “ἔλεος”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 2: 474-82.
(8) Walther Zimmerli, “χάρις”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament 9:366-77.
(9) St 18:18; 22:18; 26:4; 18:14; Hc 44:21; Gl 3:6-18.
(10) Xem W. Beyer, “εύλογέω εύλογία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament 2:751-63.
(11) Tôi lấy hứng kiểu nói và quan điểm này từ Gerhard Lohfink và Ludwig Weimer, Marianicht ohne Israel:Eine neue Sicht der Lehre von der Unbeflekten Empfangnis (Freiburg i.Br.: Herder, 2008).
(12) Muốn có lời giải thích về tên Giavê, xin xem Walther Zimmerli, “Ich bin Jahwe” trong Gottes Offenbarung:Gesammelte Aufsatze zum Alten Testament (Munich: Kaiser, 1963); Gerhard von Rad, Old Testament Theology, bản tiếng Anh của D.M.G. Stalker (New York: Harper, 1962). Muốn có cuộc nghiên cứu gần đây hơn, xin xem M. Rose, “Jahwe” Theologische Realenzyklopadie, do Gerhard Muller, Horst Balz và Gerhard Krause biên tập (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 16:438-41; R, Brandscheit, “Jahwe”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 5:712-13.
(13) Die funf Bucher der Weisung: Verdeutscht von M. Buber gem.m. F. Rosenzweig (Heidelberg: Schneider, 1981). Xem thêm Martin Buber, Moses: The Revelation and the Covenant (New York: Harper & Row, 1958), 52-55.
(14) Tertullianô, The Prescription of Heretics, cuốn VII, 9.
(15) Blaise Pascal, Pensées, bản tiếng Anh của A.J. Krailsjeimer (Baltimore: Penguin Books, 1966), 309. Về vấn đề thần học hệ thống, xem Chương V, 1.
(16) Wilrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1 (Neukirchen-Vluyyn: Neukirchener Verlag, 2007), 93. Ý niệm Proexistens, như tôi được biết, xuất phát từ nhà giải thích Thệ Phản W. Schmauch và sau đó được các nhà giải thích Tân Ước của Công Giáo tiếp nhận, như H. Schurmann và W, Thusing. Điều rất thích hợp với ý tưởng này là một số tác giả coi không phải hajah (hiện hữu), mà đúng hơn hasah mới là gốc rễ của tên Giavê. Hasah có nghĩa: yêu thương một cách say mê. Theo lối giải thích này, Giavê là người yêu dân Người cách say mê. Xem Edith Olk., Die Barmherzigkeit Gottes-zentrale Quelle des christlichen Lebens (St Ottilien: EOS, 2011), 46.
(17) Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1: 96.
(18) Ibid.
(19) Xem Đnl 4:31; Tv 86:15; 103:8; 116:5; 145:8; Gn 4:2; Ge 2:13.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đôi
Thérésa Nguyễn
18:04 15/05/2016
HOA ĐÔI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Dù cho hoa cỏ cũng cần có nhau…
(tn)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 10 – 16/05/2016: Chuẩn bị Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:20 15/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một cơ hội thánh đố tinh thần thế tục Âu Châu

“Châu Âu có nguồn gốc Kitô giáo sâu sắc, nếu chúng ta cắt đi những cội rễ này, cây sẽ chết,” Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakow, BaLan cho biết như trên trong cuộc họp với các nhà báo đến từ nhiều quốc gia châu Âu trước Ngày Giới trẻ Thế giới, dự kiến vào tháng Bảy tới.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz nói: “Chúng ta đang chiến đấu để bảo vệ các giá trị đạo đức và rễ Kitô giáo, nền tảng của châu Âu. Chúng ta phải bảo vệ mình khỏi những khuynh hướng tiêu cực, thậm chí nếu châu Âu này cáo buộc chúng ta là những kẻ tiêu cực”.

Đề cập đến tình hình chính trị hiện nay ở Ba Lan, Dziwisz nhấn mạnh rằng ngay cả khi có những vấn đề, Giáo Hội Công Giáo không phải là đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Ngài nói:

“Có sự khác biệt giữa Bắc và Nam, ví dụ về khía cạnh số người tham dự thánh lễ. Chúng ta lo ngại về sự suy giảm dân số, không phải vì đói nghèo, nhưng vì cách suy nghĩ. Chính phủ hỗ trợ sự tăng trưởng dân số, ví dụ thông qua các chương trình trợ cấp cho các gia đình mang thai đứa con thứ hai.”

Theo Đức Hồng Y, “Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kích thích thanh niên về phương diện đạo đức và tôn giáo, cả ở Ba Lan lẫn châu Âu.”

Đối với lo ngại của người dân châu Âu về một số chính sách phát triển của chính phủ Ba Lan, Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh rằng “đây là một đất nước tự do, có chủ quyền nhằm bảo đảm tự do của nó cả về đạo đức lẫn chính trị”

2. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow: 1,000 tình nguyện viên và 2 tới 3 triệu bạn trẻ sẽ tham dự Krakow 2016

Số bạn trẻ ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow đã lên đến hơn 600,000 người. Bên cạnh đó còn có hơn 1,000 tình nguyện viên, bao gồm cả những người đã làm việc dài hài hơn một năm nay lẫn những tình nguyện viên vào “phút cuối”.

Các tình nguyện viên sẽ đảm trách việc hướng dẫn các đoàn đi thăm các giáo phận Ba Lan và tìm kiếc các gia đình tại Krakow cho các bạn trẻ tá túc. Mọi người đang làm việc cật lực trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow, mà đỉnh cao là năm ngày từ 20 đến 25 tháng Bảy, với buổi chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Lễ tại ''Cánh Đồng Lòng Thương Xót''.

Trụ sở của các tổ chức chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được đặt tại trung tâm của Krakow trong khu phố dành để kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khoảng 54 tình nguyện viên quốc tế đã nhận nhiệm vụ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow ngay sau lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio vào năm 2013. Tất cả đều rất trẻ, không quá 34-35 tuổi.

Ít nhất 600,000 bạn trẻ từ 180 quốc gia đã đăng ký tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow 2016 trên trang web chính thức. Ba Lan là nhiều nhất, tiếp theo là Italia, nhưng có rất nhiều người thậm chí đến từ Hoa Kỳ. Có cả các nhóm Kitô hữu từ Iraq (250 người) và từ các nước châu Âu lân cận, như Ukraine.

Các hoạt động “Một chiếc vé cho người anh em của mình” đã được thiết lập để giúp đỡ những ai không đủ khả năng tham dự Krakow. Trong số các hoạt động khác, có thể kể đến các hoạt động thông tin liên lạc, thông qua trang web chính thức, bằng chín ngôn ngữ, các mạng xã hội và một kênh Youtube chuyên dụng với bản tin hàng tuần “WYD trong một phút”.

Trong một số thị trấn, nơi cuộc sống thường ngày dường như vẫn yên tĩnh, các buổi cầu nguyện và dạy giáo lý đã bắt đầu để chuẩn bị tinh thần trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, với sự tham dự rất đông.

3. Công Giáo và Chính Thống Giáo Coptic có thể đưa ra chứng tá chung cho phẩm giá của sự sống, hôn nhân và thiên nhiên

Nhắc lại kỷ niệm năm thứ ba cuộc gặp gỡ tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư cho Thượng Phụ Giáo Chủ Tawadros II thành Alexandria, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic.

Giáo Hội Chính Thống Coptic, với 9 triệu thành viên, là một trong những Giáo Hội Chính thống Đông phương đã ngừng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh sau Công Đồng Chalcedon (451).

Đức Thánh Cha viết trong lá thư đề ngày 10 tháng Năm, 2016:

“Mặc dù, chúng ta vẫn đang hành trình hướng tới ngày mà chúng ta cùng ngồi quanh một ở bàn tiệc Thánh Thể, ngay bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy sự hiệp thông hữu hình đoàn kết chúng ta. Các tín hữu Coptic và Công Giáo có thể cùng làm chứng cho những giá trị quan trọng như sự thánh thiện và phẩm giá của mọi sự sống con người, sự thánh thiêng của hôn nhân và cuộc sống gia đình, và sự tôn trọng đối với thiên nhiên được Thiên Chúa tạo ra và giao phó cho chúng ta coi sóc”.

Đề cập đến cuộc bách hại các Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:

Thưa Đức Thượng Phụ, mỗi ngày suy nghĩ và những lời cầu nguyện của tôi đều hướng về các cộng đồng Kitô giáo ở Ai Cập và Trung Đông, nơi rất nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn lớn và những tình huống bi thảm. Tôi cũng nhận thức được mối quan tâm nghiêm trọng cho tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria, nơi anh chị em Kitô hữu của chúng ta và chị em và các cộng đồng tôn giáo khác đang phải đối mặt với thử thách hàng ngày. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban hòa bình và an ủi cho tất cả những ai đau khổ, và truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế để đáp trả một cách khôn ngoan, và công minh cho thứ bạo lực chưa từng có như vậy.

4. Đức Hồng Y Parolin ca ngợi lòng trung thành của các tín hữu Estoni

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ca ngợi lòng trung thành của các linh mục và tín hữu Kitô tại Estoni và mời gọi họ tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa trong hoàn cảnh ngày nay.

Đức Hồng Y đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 10-5-2016 tại nhà thờ chính tòa thủ đô Tallin của Cộng hòa Estoni quốc gia thứ hai vùng Baltique được ngài viếng thăm trong những ngày này.

Estoni chỉ có hơn 5,700 tín hữu Công Giáo, chiếm 0.4% dân số. Tại nước này có nhiều người không tín ngưỡng và vô thần.

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại tấm gương can trường của thánh Phaolô Tông Đồ, trung thành loan báo Tin Mừng giữa bao nhiêu nghịch cảnh, như được trình bày trong lời giã từ của thánh nhân với cộng đoàn Ephêsô đọc trong thánh lễ hôm qua (10-5), Đức Hồng Y nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá trung thành của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đứng trước bách hại, lưu đày và những chướng ngại đủ loại trong những năm Estoni bị chế độ độc tài Liên xô chiếm đóng. Cách đây 25 năm, Estoni đã phục hồi nền độc lập.

Đức Hồng Y nói: “Ngày nay đất nước anh chị em được tự do. Nhưng lời kêu gọi trung thành và can đảm làm chứng nhân vẫn không kém phần quan trọng. Đứng trước trào lưu tục hóa, sự dửng dưng đối với tôn giáo đang lan tràn, và nhiều khi có những thái độ công khai thù nghịch đối với tín ngưỡng tôn giáo đang xảy ra tại nhiều miền ở Âu Châu, cần phải cấp thiết tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cũng trong bài giảng, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng “Tại Estoni này, Cộng đoàn Công Giáo thật là nhỏ bé. Vì thế, điều quan trọng là mỗi phần tử giữ vai trò của mình trong việc loan báo Tin Mừng và làm cho các giá trị Phúc Âm được thấm vào xã hội. Tôi muốn cám ơn các linh mục, những người nam nữ thánh hiến và giáo dân vì sự dấn thân phục vụ Giáo Hội địa phương này và vì tất cả những gì anh chị em đang làm để thăng tiến sứ mạng của Giáo Hội, mưu ích cho toàn thể xã hội.

Đức Hồng Y Parolin đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đại kết trong việc loan báo Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng tại Estoni này, là nơi có truyền thống mạnh mẽ của Chính Thống và Tin Lành Luther... Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cầu nguyện với các tín hữu Kitô khác, thăng tiến đối thoại và cộng tác với nhau qua nhiều sáng kiến để phổ biến đức tin và thăng tiến công ích theo tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cần luôn nhớ rằng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tất cả các môn đệ, cho tất cả những người thuộc về Ngài ở mọi nơi và mọi thời đại”.. Sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là điều trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô. Trong những nỗ lực dấn thân đại kết của chúng ta, những lời của Chúa phải luôn luôn soi sáng tư tưởng và hành động của chúng ta, và khích lệ chúng ta tiếp tục, cho dù chúng ta thấy ít có hoặc không có tiến bộ về phương diện đại kết.”

5. Truyền thống cầu nguyện cho Đức Thánh Cha vào ngày 13/5 tại giáo xứ Thánh Anna, Vatican

Vào lúc 20:30 ngày 13/5 đã có buổi cầu nguyện trọng thể tại giáo xứ Thánh Anna ở Vatican cho Đức Giáo Hoàng.

Truyền thống này bắt đầu từ cách đây đúng 35 năm. Chiều ngày 13/5/1981, khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang trong tình trạng nguy kịch, nửa sống nửa chết tại bịnh viện Gemelli ở Roma, sau khi bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô, thì tại quảng trường này, hàng ngàn người đã tụ họp lại cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Họ đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima. Năm này qua năm khác, buổi đọc kinh này trở thành không thể thiếu được, để cảm tạ phép lai, để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Mỗi lần như thế, cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha lại mở ra và điện được bật sáng lên, dấu chỉ là Đức Thánh Cha, cách âm thầm, cho chúng ta biết lời cám ơn của ngài. Đây là một cuộc đối thoại cầu nguyện, nhẹ nhàng và tinh tế. Giữa các tín hữu cầu nguyện cũng có sự có mặt của Angelo Gugel, người hầu phòng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã trợ giúp ngài vào ngày 13/5 đó, sau khi ngài bị bắn.

Truyền thống này được tiếp tục nhiều năm ngay cả sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Nó không còn là một cuộc rước nữa nhưng là một buổi cầu nguyện trọng thể, cầu cho sức khỏe của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và bây giờ là Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngôi nhà thờ nhỏ thánh Anna.

Năm nay cũng thế. Vào lúc 20:30 ngày 13/5, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản đền thờ Thánh Phêrô và đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, đã chủ sự buổi cầu nguyện, để xin Đức Trinh nữ Maria gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô, cho ngài sức khỏe dồi dào và đức tin sống động, được soi sáng và can đảm để củng cố anh chị em tín hữu và thúc đẩy trên toàn thế giới những giá trị của tình yêu và hòa bình.

6. Tình hình tại Aleppo ngày càng thê thảm

Một linh mục dòng Phanxicô đang coi sóc một giáo xứ tại Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng “chưa bao giờ kể từ đầu cuộc chiến khủng khiếp này tình trạng tồi tệ như bây giờ.”

“Tôi không còn biết dùng những từ nào để mô tả tất cả những đau khổ tôi nhìn thấy hàng ngày,” Cha Ibrahim Alsabagh nói. “Tên lửa và bom dội như mưa xuống trên các nhà thờ, đền thờ, trường học và bệnh viện.”

Cha cho biết ngài đang mang đến sự an ủi cho dân chúng, không chỉ “bằng lời Chúa, mà còn bằng những hành động cụ thể”. Ngài nhận xét rằng “mặc dù thập giá các Kitô hữu địa phương đang phải gánh chịu là rất nặng nề, đau khổ này cũng tạo ra một sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây.”

7. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín hữu Phật Giáo nhân dịp lễ Vesak 2016

Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn đã gởi sứ điệp cho các tín hữu Phật Giáo nhân lễ Vesak 2016 (Phật lịch 2560) vào ngày 21 tháng 05. Sứ điệp năm nay được linh hứng bởi thông điệp Laudeto Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Toàn văn sứ điệp như sau:

Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn

Phật tử và Kitô hữu: Hãy cùng nhau cổ võ giáo dục sinh thái.

Sứ điệp nhân dịp lễ Vesak 2016

Thành phố Vatican

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Nhân danh Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn, chúng tôi một lần nữa lại vui mừng gửi đến các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp lễ Vesak, khi các bạn mừng ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ðức Phật Thích Ca là đản sinh, ngộ đạo và viên tịch. Chúng tôi xin chúc các bạn được thân tâm an lạc, thanh thản và hoan hỉ, trong tâm hồn, trong gia đình và trong đất nước của các bạn.

2. Năm nay chúng tôi viết cho các bạn theo cảm hứng từ Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô, về việc Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Ngài lưu ý rằng “các sa mạc bên ngoài trên thế giới ngày càng mênh mông, vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn. Vì thế, cuộc khủng hoảng sinh thái cũng là lời kêu gọi hoán cải nội tâm sâu sắc” (n. 217). Hơn nữa, ngài còn chỉ ra rằng “những nỗ lực của chúng ta trong việc giáo dục sẽ là thiếu sót và không hiệu quả nếu chúng ta không cố gắng cổ vũ một lối suy nghĩ mới về con người, về cuộc sống, về xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên” (s. 215). “Chỉ khi biết vun trồng những nhân đức lương hảo, con người mới có thể đưa ra những dấn thân vị tha cho môi sinh” (n. 211). Ðể được như thế, cần thực hiện việc giáo dục về môi sinh trong nhiều bối cảnh: nhà trường, gia đình, các phương tiện truyền thông, các lớp giáo lý và những nơi khác nữa (xem n. 213).

3. Các bạn Phật tử thân mến, các bạn cũng đã bày tỏ mối quan ngại về tình trạng suy thoái môi trường, được minh chứng qua các văn kiện như “Bây giờ là lúc hành động: Tuyên ngôn của Phật giáo về tình trạng thay đổi khí hậu và Tuyên bố của Phật giáo gửi các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu”. Những tài liệu này minh chứng cho sự hiểu biết chung của chúng ta rằng trung tâm của cuộc khủng hoảng sinh thái, thực ra, là sự khủng hoảng về cái tôi, thể hiện nơi lòng tham, sân, si và u minh của con người. Vì thế, lối sống và những kỳ vọng của chúng ta phải được thay đổi để khắc chế sự suy thoái môi trường xung quanh. “Khi vun trồng nhận thức về sự phụ thuộc lẫn nhau và lòng từ bi, chúng ta mới có thể hành động xuất phát từ tình yêu, chứ không phải vì sợ hãi, để bảo vệ hành tinh của chúng ta” (Tuyên bố của Phật giáo gửi các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu). Nếu không, “khi Trái Ðất bệnh tật, chúng ta cũng sẽ mắc bệnh, vì chúng ta là thành phần của trái đất này” (Tuyên bố Bây giờ là lúc hành động).

4. Khi cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người, các Kitô hữu và Phật tử chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để đương đầu với nó bằng một nền linh đạo sinh thái. Việc tăng tốc các thảm họa môi sinh toàn cầu khiến cho việc hợp tác liên tôn càng thêm cấp bách. Việc giáo dục trách nhiệm đối với môi trường và xây dựng quyền “công dân sinh thái” đòi hỏi phải có các đức tính hướng đến một nền đạo đức sinh thái tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên. Ðòi hỏi cấp bách đối với tín đồ của mọi tôn giáo là phải vượt ra khỏi ranh giới của mình và chung tay xây dựng một trật tự xã hội có trách nhiệm về phương diện sinh thái dựa trên các giá trị chung. Ở những quốc gia mà Phật tử và Kitô hữu sống và làm việc bên nhau, chúng ta có thể nâng đỡ sức khỏe và sự bền vững của hành tinh thông qua các chương trình giáo dục chung nhằm nâng cao nhận thức về sinh thái và thúc đẩy các sáng kiến chung.

5. Các bạn Phật tử thân mến, xin cho chúng ta biết hợp tác làm việc với nhau để giải thoát con người khỏi những đau khổ do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên, và góp phần vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Trong tinh thần ấy, một lần nữa chúng tôi chúc các bạn một lễ Vesak an bình và vui tươi.

+ Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

+ Đức Giám Mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Thư ký

8. Các Giám mục Ấn độ mạnh mẽ lên án vụ cưỡng hiếp và sát hại nữ sinh viên thuộc giới cùng đinh

Theo bản tin của thông tấn xã Asia News ngày 9 tháng 05, Hội đồng Giám mục Ấn độ đã mạnh mẽ lên án vụ cưỡng hiếp và sát hại một nữ sinh viên luật khoa 28 tuổi, thuộc tầng lớp cùng đinh của Ấn độ, tại quận Ernakulam, bang Kerala, vào ngày 28 tháng 4 năm 2016.

Ủy ban Phụ nữ của Hội đồng Giám mục Ấn đã ra một tuyên ngôn nói rằng: “Chúng tôi lên án hành động dã man và khủng khiếp chống lại một phụ nữ, và bày tỏ sự quan ngại sâu xa về cuộc sống và phẩm giá của phụ nữ ở đất nước này. Có vẻ mỉa mai là phụ nữ bị khinh bỉ, quấy nhiễu và lạm dụng tình dục trên mọi nẻo đường của cuộc sống, và không có sự an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình; và như thế khơi lên những câu hỏi về mức độ an toàn của phụ nữ trong xã hội Ấn độ ngày nay. Các phụ nữ ở trong các hoàn cảnh kinh tế và xã hội lạc hậu lại càng dễ bị tổn thương hơn”.

Các Giám mục Ấn độ đã tham gia vào cuộc phản kháng của xã hội dân sự lên án vụ tấn công tàn bạo chống lại một nữ sinh tên Jisha bị hiếp dâm và giết chết vào chiều tối ngày 28 tháng Tư. Các bác sĩ cho biết tìm thấy 38 nhát đâm trên người cô.

Báo chí Ấn đã gọi trường hợp này là “Nirbhaya tại Kerala”, vì trường hợp này rất giống với một trường hợp bạo lực khác khét tiếng thế giới của Nirbhaya, một sinh viên điều dưỡng bị cưỡng hiếp trên xe bus ở Delhi vào năm 2012. Cô đã qua đời trong một bệnh viện ở Singapore vài ngày sau sự đau khổ kinh hoàng.

Tiến sĩ Pascoal Carvalho, một thành viên của Học viện Giáo hoàng về sự sống, nói với hãng tin Asia: “Bạo lực đối với phụ nữ không chỉ là ví dụ phổ biến nhất về sự vi phạm nhân quyền. Việc chọn giới tính thai nhi, nghĩa là chỉ giữ lại bé trai, và phá thai nếu là bé gái, cũng rất phổ biến ở Ấn Ðộ, gây ra mối lo ngại nghiêm trọng cho sự an toàn của phụ nữ ở nước này. Cuộc tấn công khủng khiếp và tàn bạo này trên người phụ nữ trẻ là một sự xấu hổ về sự an toàn của phụ nữ của chúng ta và cũng là một vết nhơ về cách chúng ta đối xử với phụ nữ tại Ấn Ðộ”.

Theo tiến sĩ Pascoal Carvalho, xã hội và não trạng gia trưởng của người dân là nguồn gốc liên quan đến các tội ác ghê tởm đối với phụ nữ cả trong gia đình cũng như bên ngoài, và cả tại nơi làm việc. Ông cho biết trong các vụ lạm dụng bạo hành trong gia đình, nạn nhân của bạo lực, những cái chết vì của hồi môn và vì bị quấy rối sách nhiễu, không phải là hiếm ở Ấn độ.

Tiến sĩ Carvalho, cũng là thành viên của Ủy ban sự sống của giáo phận, nhận xét rằng: sự tấn công chống lại phụ nữ bắt đầu ngay cả trước khi họ được sinh ra, não trạng chống sự sống chống lại các bé gái - việc thực hành phá thai theo chọn lựa giới tính là hậu quả của những quy định văn hóa trọng nam khinh nữ. Thêm vào đó, việc giết các bào thai nữ tấn công vào chính ngay từ đầu cuộc sống của bé gái sơ sinh. Theo Cục Thống Kê Tội Phạm Ấn Độ, cứ mỗi 3 phút là có một tội ác đối với phụ nữ.

Tiến sĩ Carvalho kết luận: “ngay cả việc đẻ thuê cũng là một hình thức khác của việc khai thác; đó là một ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Ấn Ðộ, được ước tính là cả hơn tỷ đồng. Ngành kinh doanh đẻ thuê không chỉ củng cố thành kiến giới tính trong đó phụ nữ chỉ là thứ cấp, mà còn dẫn đến việc khai thác những người đẻ thuê, những người thường không hiểu những điều họ đang làm.”

9. Tâm tình của Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh

Ngày 7 tháng 5 năm 2016, Tòa Thánh chính thức công bố Ðức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc.

Sau khi nhận được thông báo, Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh đã gửi thư gửi quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và anh chị em giáo hữu trong giáo phận với nội dung như sau:

Tòa Giám Mục Xuân Lộc

210 Hùng Vương, Xuân Bình, Long Khánh, Ðồng Nai

Số 04-2016/TC

Xuân Lộc, ngày 07 tháng 5 năm 2016

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh, và anh chị em giáo hữu giáo phận Xuân Lộc

Anh chị em thân mến,

Tôi xin báo cho anh chị em: vào lúc 12g00 trưa nay, ngày 07 tháng 5 năm 2016, giờ Vatican, tức 17g00 chiều nay, giờ Việt Nam, Tòa Thánh đã chính thức công bố: Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của tôi, theo giáo luật điều 401, triệt 1, và như vậy, Ðức cha phó Giuse Ðinh Ðức Ðạo đương nhiên trở thành Giám mục Chính tòa của Giáo phận Xuân Lộc. Xin Quý Cha từ nay, trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, đến phần cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha và các Ðức Giám mục Giáo phận. sẽ đọc như sau: “...Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Giuse chúng con, Ðức Giám mục Ðaminh...”

Anh chị em thân mến,

Trước nhất, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt trong dịp tôi mừng Kim khánh Linh mục ngày 29.04.2016. Hôm nay, ngày 07.05.2016, tôi muốn gửi tới anh chị em lời cám ơn và chào thăm nhân dịp tôi hết nhiệm vụ coi sóc Giáo phận.

Thưa anh chị em, hơn 11 năm trong nhiệm vụ Giám mục vừa qua, tôi có thể đứng vững và hoàn thành được là nhờ ơn Chúa, nhờ lời bầu cử của Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Thánh cả Giuse và các Thánh, nhờ sự quan tâm ưu ái của các Ðức Thánh Cha, nhờ sự trợ giúp của Quý Ðức Cha, của Ðức ông Tổng Ðại diện, của Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân qua lời cầu nguyện hằng ngày, qua sự hy sinh, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Tôi có thể quả quyết rằng: không có ơn Chúa và sự trợ giúp của mọi người, tôi không thể làm được gì. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa và chân thành tri ân mọi người.

Thứ đến, xin anh chị em cùng hợp ý với tôi cảm tạ Chúa đã thương ban cho Giáo phận Ðức cha Giuse Ðinh Ðức Ðạo, làm đấng thay mặt Chúa dẫn dắt Giáo phận. Ngài có đủ các đức tính của một vị tông đồ: hiền lành, khôn ngoan, thông minh, đạo đức... Tuy nhiên ngài vẫn là con người, nếu không có ơn Chúa sẽ chẳng làm được gì. Vì vậy, xin anh chị em cầu nguyện rất nhiều cho ngài, nâng đỡ trợ giúp ngài mọi mặt, tinh thần, vật chất, nhất là trong thời đại khó khăn hôm nay.

Sau cùng, thưa anh chị em, tôi được Chúa thương chọn làm Giám mục coi sóc Giáo phận, nhưng tôi rất hạn chế về nhiều mặt. Vì vậy trong việc điều hành Giáo phận không thiếu những điều làm anh chị em thất vọng, buồn lòng hoặc vấp phạm. Trong Năm thánh Lòng Thương xót, xin Chúa tha thứ cho tôi; cũng như anh chị em lượng thứ và cầu nguyện cho tôi để những ngày còn lại tôi được sống trong cầu nguyện và đền tạ.

Xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Ðức cha Giuse của chúng ta và cho tôi nữa.

Thân mến chào anh chị em.