Ngày 10-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Liên kết trong Chúa
Lm Vũdình Tường
00:10 10/05/2018
Mấy tuần qua Phúc âm nhắc đi nhắc lại lời Đức Kitô mời gọi hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Liên kết với Đức Kitô để qua Đức Kitô, Kitô hữu được liên kết với Chúa Cha. Đức Kitô về cùng Chúa Cha, thường được biết đến như là lễ mừng Đức Kitô về trời. Dù Đức Kitô về cùng Chúa Cha, tình liên kết Chúa dành cho Kitô hữu không gặp bất cứ ngăn trở nào. Kitô hữu vẫn có thể liên kết với Đức Kitô qua tình yêu Ngài. Điều này không có chi lạ bởi chính tình yêu Chúa liên kết Kitô hữu nên một. Đức Kitô ở trần gian hay về cùng Chúa Cha, tình yêu Chúa dành cho nhân loại không thay đổi. Liên kết trong tình yêu Chúa để được trổ sinh hoa trái, không phải hoa trái thường, mà là hoa trái có phẩm chất đặc biệt, cùng phẩm chất hoa trái khi Ngài còn ở trần thế bởi hoa trái đó trổ sinh nhờ vào tình yêu Đức kitô.

Thứ hai, liên kết với Đức Kitô để mối giây liên kết liên tục đón nhận ân sủng Chúa, tránh cô đơn khi gặp nguy khó. Ai cũng có người thân và bạn thân, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp người thân đó bó tay, dù ước ao, mong muốn nhưng không đủ khả năng giúp đỡ, hoàn cảnh không cho phép. Đức Kitô Phục Sinh là Đấng duy nhất có khả năng vượt mọi rào cản, cấm đoán hay hàng rào hạn chế bởi Ngài không bị ảnh hưởng bởi điều kiện không gian và thời gian. Vì thế liên kết với Đức Kitô sẽ luôn nhận được ơn Chúa dù trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, Ngài cũng hiện diện, kề bên, cùng dìu ta đi.

Thứ ba, liên kết với Đức Kitô sẽ nhận được ơn can đảm và sức mạnh nội tâm để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Chính Đức Kitô đã trải qua cảm nghiệm cô đơn, môn đệ sợ hãi bỏ chạy, một mình Ngài đối diện với thập giá. Giờ phút kinh hoàng cuối đời của Ngài là giây phút cô đơn. Nó thể hiện trong câu nói 'linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết'. Nó thể hiện trong lời than: không thể cùng thức với Thầy được một giờ sao? Thức để làm chi? Thức để liên kết với Chúa trong cầu nguyện; liên kết với Chúa để tránh được cơn cám dỗ. Sa ngã vì thiếu kiên tâm cầu nguyện, vì tự tin vào khả năng riêng mình, vì đời sống cầu nguyện nghèo nàn. Môn đệ vì mệt mỏi, nửa tỉnh, nửa mê và đã bỏ chạy khi Thầy bị bắt. Dẫu thế tình yêu Chúa dành cho các ông không thay đổi.

Thứ tư, liên kết với Đức Kitô để cảm nghiệm Đức Kitô luôn giữ trọn lời thề. Lời Ngài hứa chắc chắn sẽ được thực hiện cách tốt đẹp, hoàn hảo. Đức Kitô hứa, Ngài sẽ thực hiện. Làm sao, thời gian nào do Ngài quyết định.

Thứ năm, mục đích cuối cùng và là mục đích chính và là việc cao cả của việc liên kết. Bởi liên kết với Đức Kitô sẽ được liên kết với Chúa Cha. Liên kết một cách vững bền cùng mối liên kết Đức Kitô dành cho Chúa Cha. Điều này được thực hiện bởi nhờ Đức Kitô liên kết với Chúa Cha trong mọi sự. Vì thế qua Đức Kitô mà Kitô hữu được kết liên với Chúa Cha. Chúng ta biết điều này qua lời cầu của Đức Kitô. Đức Kitô cầu xin Chúa Cha liên kết Kitô hữu trong Ngài để tất cả được nên một trong Chúa.

Lậy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, đệ họ nên một như chúng ta. Gn 17,11

Thứ sáu, liên kết cùng Đức Kitô sẽ vượt thắng, tránh được hãm hại của ác thần bởi chính Chúa Cha ban ơn bảo vệ giúp Kitô hữu chống lại ác thần. Ác thần ghét Kitô hữu vì Kitô hữu sống nơi trần thế nhưng không thuộc về trần thế, lòng luôn hướng về quê thật là nước trời. Vì không thuộc về chúng nên chúng tìm cách ám hại. Sa đoạ, hay sa chước cám dỗ bởi đời sống cầu nguyện nghèo nàn, bởi liên kết với Chúa một cách hời hợi, mở cửa cho ác thần lợi dụng, hãm hại.

Cuối cùng liên kết cùng Đức Kitô để cuối cuộc lữ hành trần thế cũng sẽ được liên kết, chung sống trong nhà Chúa. Đức Kitô đi trước mở đường chuẩn bị đón nhận Kitô hữu vào trong nhà Chúa. Kitô hữu được thánh hiến trong sự thật để trở thành chứng nhân đích thực, sống động trong Đức Kitô, loan bố Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô, Người hiến thân chịu khổ hình chết, ban sự sống trường sinh cho nhân loại. Vì thế châm ngôn của Kitô hữu tóm gọn trong thánh lễ với lời Chúc tụng:

Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Lễ Thăng Thiên
Lm Đan Vinh
16:48 10/05/2018
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH
Cv 1,1-11 ; Ep 1,17-23 ; Mc 16,15-20

CHÚA VỀ TRỜI TRAO SỨ MỆNH LOAN BÁO TIN MỪNG CHO HỘI THÁNH

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 16,15-20.

(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này cũng được mạnh khỏe. (19) Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao gảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su trước khi về trời đã trao cho các Tông đồ tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, để ai tin và chịu phép rửa thì được trở nên con Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Còn những kẻ không tin thì sẽ bị kết án là bị loại khỏi Nước Trời. Chúa còn hứa hỗ trợ các tông đồ bằng việc ban quyền làm phép lạ Sau đó Chúa Giê-su đã được rước lên trời. Còn các Tông đồ thì đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi với sự trợ giúp của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-16: +Anh em hãy đi: Lệnh truyền này chỉ được công bố sau biến cố Phục Sinh cho thấy: mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. +Khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. Nhưng sau khi Phục Sinh, Người lại trao sứ mạng phổ quát “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. +Loan báo Tin Mừng: Theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Eu-ag-ge-li-on) là một “tin vui, tin mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là “chính Tin Mừng được Đức Giê-su công bố. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. +Cho mọi loài thọ tạo: Mọi loài thọ tạo mang ý nghĩa cánh chung, nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19), Chúa sẽ biến đổi mọi tạo vật nên Trời Mới Đất Mới vào ngày Tận Thế (x. Kh 21,1). +Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép Rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên con người mới và nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhờ đó họ sẽ được sống đời đời.+ Còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên bị khô héo và sẽ bị quăng vào lửa hỏa ngục đời đời (x. Ga 15,5-6). +Còn những người không tin Đức Giê-su nhưng không do lỗi của họ thì có được ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình theo phe ma quỷ làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc chắn sẽ phải xuống hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra để dành cho ma quỷ và những kẻ đi theo chúng (x. Mt 25,41).
- C 17-18: +Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. +Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), Thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông đồ thực hiện. Chẳng hạn: Vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông đồ (x. Cv 5,12). Tông đồ Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). Còn tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Lýt-ra (x. Cv 14,8-10); Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay và cắn mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông đã mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).
- C 19-20: +Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Chúa Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. +Và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh (x Đn 7,13-14), được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22).
+ Thiên Đàng là gì? Thiên Đàng ở đâu? Ta phải làm gì để được lên Thiên Đàng?:
** Thiên Đàng hay Địa Đàng (Hy ngữ là Pa-ra-dei-sos) có nghĩa là Hoa viên hay vườn đầy hoa tươi cỏ lạ (x St 2,8). Địa đàng là một khu vườn hoan lạc nơi mà con người được sống trong hạnh phúc. Nhưng nguyên tổ lòai người là ông Ađam và bà Evà đã liên kết với nhau phạm tội kiêu ngạo, cãi lệnh Chúa mà ăn quả cây bị cấm, nên hai ông bà đã bị đuổi ra khỏi Địa đàng, bị lọt vào trần gian là thung lũng đầy nước mắt, gai góc và đau khổ (x. St 3,7.16-19). Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến khôi phục lại tình trạng nguyên thủy cho con người (x. St 3,15). Ngài sẽ biến nơi đau khổ lưu đầy này thành Thiên đàng hoan lạc và hạnh phúc như thuở ban đầu (x. Ed 36,35 ; Is 51,3).
+ Ra đi rao giảng khắp nơi: Các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + Có Chúa cùng hoạt động với các ông...: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần cho Hội thánh để tha tội cho người ta giống như Người đã làm (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa ban cho Hội thánh làm được những việc lớn hơn Người là đi rao giảng cho các dân tộc nhờ Thánh Thần (Ga 14,12).

4. CÂU HỎI:

1) Mầu nhiệm Phục Sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông đồ được Chúa sai đến với những ai?
2) Tin Mừng Đức Giê-su có những nghĩa nào?
3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su?
4) Những ai chắc chắn sẽ bị kết án sa hỏa ngục? Những người chưa có đức tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không?
5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền nào?
6) Trước khi về trời, Đức Giê-su đã trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ kèm theo những dấu lạ nào?
7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo lời rao giảng của các Tông đồ đã ứng nghiệm thế nào thời Giáo Hội Sơ Khai?
8) Thời Cựu Ước, ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc mông triệu của Đức Ma-ri-a ra sao?
9) Một người lương dân luôn ăn ngay ở lành mà chết thì có được hưởng ơn cứu độ không?
10) So sánh lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”(x Mt 28,19) với Lời Chúa được ghi trong sách Công Vụ “Hãy nên chứng nhân của Thầy...” (x Cv 1,8) giống và khác nhau ra sao?
11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn ở với Hội thánh nữa không?
12) Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh để làm gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Chúa Giê-su được rước lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19):

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ CỦA NIỀM TIN VÀO MỘT CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG ĐỜI SAU:

Một vị Tù trưởng của một bộ tộc Phi Châu đau nặng gần chết. Ông cho gọi ba người con có khả năng nắm giữ chức vụ tù trưởng của ông đến bên giường và nói:
- Một trong ba người chúng con sẽ kế vị ta. Để biết xem ai xứng đáng, các con hãy lên đỉnh núi thiêng của bộ tộc chúng ta tìm mang về một linh vật nào quý giá nhất.
Mấy ngày sau người con thứ nhất trở về mang theo một bức tượng bằng vàng ròng.
Người con thứ hai cũng mang về một viên ngọc to quý có giá trị lớn.
Còn người con thứ ba thì trở về với hai bàn tay không.
Ngạc nhiên, viên tù trưởng hỏi anh ta: “Linh vật quý giá nhất con mang về đâu?”
Anh ta bình tĩnh trả lời:
- Thưa cha. Khi leo lên tới đỉnh núi thiêng và đi tìm kiếm báu vật như cha căn dặn, thì con đã khám phá ra phía sau rặng núi thiêng có một rặng núi khác. Con vượt qua thì đã tìm thấy một miền đất mới rất phì nhiêu mầu mỡ, có suối nước trong, cây cỏ xanh tươi với nhiều loài thú sinh sống. Theo con nghĩ nếu bộ tộc chúng ta sống ở miền đất này thì sẽ trở nên hùng cường.
Nghe vậy viên tù trưởng rất vui và nói:
- Cha rất mừng khi đã tìm ra người thừa kế chức vị tù trưởng bộ tộc là con. Con đã đem về cho chúng ta báu vật vô giá chính là niềm hy vọng vào một tương lại tươi đẹp về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Không ai biết trước cuộc sống của mình ra sao sau khi chết. Chỉ mình Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa từ trời xuống thế làm người, mới mạc khải cho chúng ta biết quê hương thực sự của chúng ta là nước trời đời sau: Một Trời mới Đất mới như sau: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất." (Kh 21,1-4).

2) THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?

Ngày 5-9-1961, Liên Xô đã phóng một phi thuyền mang theo một người lên không gian và bay được ba vòng chung quanh trái đất. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev đã nói với ký giả của tờ New York Time của Mỹ như sau: " Để điều tra trên trời có Thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung là: YOURI GARARINE. Anh ta đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không thấy Thiên đàng ở đâu cả. Sau đó chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: GERMAN TITOV. Chúng tôi đã bảo anh ta: "Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ". Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine là sự thật: "Hư vô! Chỉ có Hư vô!" Rồi sau đó Krouchev kết luận: "Vì thế chúng tôi không tin có đời sau".

Đó là cái nhìn của một người vô tín theo chủ nghĩa duy vật. Cái nhìn đó không phải là cái nhìn của người có đức tin như chúng ta.

Trong kinh Tin Kính các tín hữu chúng ta cũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su và cuộc sống Thiên đàng, về một Nước Trời hằng sống như sau: “Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

3) THIÊN ĐÀNG Ở NGAY TRONG CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG:

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17,20-21).

Thời Trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ chép rằng: ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước giao điểm ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của mình. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.

4) TRUYỀN GIÁO LÀ THẮP LÊN NGON ĐÈN YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI:

Mẹ Têrêxa Can-quýt-ta vốn là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy những người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ờ ngoài lề đường. Sau khi chết xác liền bị quẳng vào đống rác như một con vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình sống chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người sống đói khát không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày. Mẹ Tê-rê-sa đã lăn xả vào việc phục vụ người nghèo.

Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: “Ô, cây đèn đẹp quá”. Ông già nói: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa”. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa liền đề nghị: “Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không?” Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn cháy sáng ấm áp trong căn lều. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đến thăm mọi người và được mọi người đến thăm. Cuộc đời của ông đã vui trở lại.

Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.

Hôm nay Hội Thánh cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ đi soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận ra nhau là anh em.

3. SUY NIỆM:

1) Đức Giê-su nhiều lần nói đến trời cao: Trời hay Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự. Chẳng hạn : Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha là Đấng ngự trên trời (x. Mt 6,9) ; Người cũng dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16.45).

2) Đức Giêsu đã từ trời mà đến: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống để rồi lại trở về trời (x. Ga 3,13 ; 6,62). Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, là bánh đem lại sự sống cho thế gian (Ga 6,33).

3) Đức Giê-su đã được rước lên trời: Sau khi sống lại, Đức Giê-su tuyên bố Người đã được ban “mọi quyền năng trên trời dưới đất” (x. Mt 28,18), “Người là vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25). Qua hình ảnh được rước lên trời, Chúa Phục Sinh sẽ không còn hiện ra với các tông đồ như trong thời gian 40 ngày qua. Từ đây, Người sẽ hiện diện cách thiêng liêng, không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian như Người đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

4) Niềm hy vọng lên Trời của chúng ta: Chúa Giê-su lên trời là để dọn chỗ cho các môn đệ và Người sẽ trở lại lần thứ hai để đem họ về với Người (x. Ga 14,2-3). Thiên đàng là nơi trú ngụ của Thiên Chúa mà thánh Phao-lô đã cảm thấy vui thoả khi được chiêm ngắm những thực tại khôn tả (x 2 Cr 12,4); Là Vương Quốc dành cho những người công chính được hưởng hạnh phúc muôn đời (x. Mt 25,34.46). Đây là Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập ở trần gian và sẽ phát triển cho tới tầm mức viên mãn vào ngày Tận Thế khi Người tái lâm, trở lại lần thứ hai trong uy quyền vinh quang. Thiên Đàng còn là nơi dành cho tội nhân có đức tin vào Chúa Giê-su và có lòng sám hối cậy trông vào lòng thương xót của Đức Giê-su, như kẻ trộm lành cùng chịu chết với Chúa trên cây thập giá khi xưa (x. Lc 23,43).

5) Để được vào Thiên đàng với Đức Giê-su sau này, các tín hữu phải làm gì ngay từ hôm nay?

-MỘT là tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa và được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trong phép rửa tội.
-HAI là phải ăn năn sám hối tội lỗi, từ bỏ các đam mê bất chính và quyết tâm chừa cải các thói hư tật xấu.
-BA là phải sống giới răn yêu thương là mến Chúa yêu người bằng cách năng nghĩ đến tha nhân, khiêm tốn phục vụ, quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người bệnh tật nghèo đói để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
-BỐN là phải đi con đường hẹp và leo dốc, từ bỏ ý riêng mình để vâng phục ý Thiên Chúa, sẵn sàng vác thập giá là các tai nạn gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
-NĂM là phải biết dùng của cải vật chất Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân hầu mua lấy Nước Trời đời sau.
-SÁU là phải chu toàn sứ mệnh tông đồ truyền giáo, nghĩa là làm chứng cho Chúa bằng đời sống gương sáng ngay từ trong gia đình và ra ngoài xã hội.

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Hôm nay chúng con mừng đại lễ Thăng Thiên. Chúng con thật vui mừng và hãnh diện tuyên xưng Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa để mở đường về trời cho chúng con, để dọn chỗ cho chúng con và đến ngày tận thế Chúa sẽ trở lại để đem chúng con lên trời với Chúa.
Xin cho chúng con ý thức rằng: “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con”, để dù đang sống giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về trần gian.
Xin cho chúng con biết dùng của cải đời này để sắm cho mình kho báu thiêng liêng trên trời, bằng việc chia sẻ cơm bánh cho những người đói khát, quần áo cho những kẻ rách rưới, chữa lành các bệnh nhân đau liệt, thăm viếng an ủi những người đau khổ thể xác cũng như tâm hồn, giúp tội nhân ăn năn sám hối trở về với Chúa... như kinh “thương người” đã dạy.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Giảng tĩnh tâm
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:54 10/05/2018
Giảng tĩnh tâm 3 ngày (08/05/2018 – 10/05/2018)
cho các Tiểu Đệ
hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả
chuẩn bị tiến chức linh mục.


Chủ đề

NIỀM VUI TRUYỀN GIÁO
DƯỚI GIÁO HUẤN CỦA CHA VINCENT LEBBE
VÀ ĐỐI CHIẾU VỚI
TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG CỦA
Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ



Ngày thứ nhất:

TINH THẦN TU ĐỨC CỦA CHA VINCENT LEBBE

Cha Vincent Lebbe (19/08/1887 – 24/06/1940) nhà truyền giáo người Bỉ, là tu sĩ của dòng Vincent de Paul (dòng Vinh Sơn) đã qua truyền giáo tại Trung Hoa và để phục vụ việc truyền giáo cho được tốt hơn, nên ngày 16 tháng 12 năm 1928 cha Vincent Lebbe đã lập ra dòng “khổ tu Trung Hoa” với tên gọi “dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả” với 15 thầy đầu tiên vào nhà tập.
Tinh thần tu đức này được thực hành nhiều trong cuộc sống của đời truyền giáo tại Trung Hoa, với nhiều kinh nghiệm phục vụ tại các vùng truyền giáo mà cha Vincent Lebbe đã có một tinh thần tu đức rất sống động và thích ứng với thời đại, ngài đã đem kinh nghiệm rất hiệu quả này vào trong luật dòng của hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: “Để đạt tới tôn chỉ của Hội Dòng, tất cả các thành viên phải có tinh thần “thích ứng thời đại”, “hội nhập văn hóa địa phương” và “dũng cảm kiên nghị bền bỉ chịu đựng gian khổ”.
Từ trong kinh nghiệm truyền giáo này, cha Vincent Lebbe đã chọn cho mình và cho hai hội dòng mà ngài đã sáng lập, đó là hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội Thánh Tê-rê-xa một con đuong linh đạo tu đức, rất dễ nhớ và rất dễ thực hành trong đời sống tu trì và trong cuộc đời truyền giáo, con đường linh đạo tu đức đó là: “Toàn hy sinh, Thật yêu người và Luôn vui vẻ”.
Cha Vincent Lebbe là nhà truyền giáo của mọi thời đại, vì tinh thần tu đức của ngài không những phù hợp với con người của mọi thời đại, mà chính cuộc sống của ngài đã chứng minh điều đó khi những đau khổ mà ngài phải chịu không phải đến từ những tác nhân bên ngoài, mà trước hết là đến từ trong hội dòng Vinh Sơn bởi bề trên và các anh em tu sĩ trong dòng của ngài, qua việc ngài quá tích cực truyền giáo và quá yêu thương người Trung Quốc, tất cả cho người Trung Quốc, nên bề trên giám tỉnh dòng Vinh Sơn ở Trung Hoa đã cấm ngài không được cộng tác với báo chí nào cả và khuyên ngài nên lo cho người nghèo, và vì cha giám tỉnh chưa bao giờ đọc một bài báo nào của cha Vincent Lebbe viết, cũng chưa bao giờ nghe cha Vincent Lebbe diễn thuyết cả, cho nên đã lập tức cấm cha Vincent Lebbe tiếp xúc với giới báo chí, và điều quan trọng là ngài không biết nói tiếng Trung Hoa để hiểu được tâm tình con người và văn hóa Trung Hoa.
Cha Vincent Lebbe đã làm cho người Trung Hoa cảm phục và yêu mến rồi kinh trọng, bởi vì tinh thần truyền giáo của ngài đặt trọng tâm vào người Trung Hoa, và tất cả vì người Trung Hoa, cho nên ngay từ khi còn là đại chủng sinh được bề trên phái đi truyền giáo ở Trung Hoa, thì ngài đã tiếp xúc với các thầy người Trung Hoa mà không đùa giỡn với các thầy Âu châu, ngài kiếm sách tiếng Hoa đọc và xin các thầy người Trung Hoa cắt nghĩa những chữ mà ngài không biết. Khi bập bẹ nói được vài tiếng Trung Hoa thì ngài đi đến công trường xây cất nhà thờ để nói chuyện với thợ ...
Ngay từ ban đầu Chúa đã mời gọi cha Vincent Lebbe làm tông đồ cho người Trung Hoa, nên đã trang bị cho ngài những đức tính cần có để ngài làm công tác truyền giáo, những đức tính đó là: cương nghị, dũng cảm, ham học hỏi và một tấm lòng yêu thương người Trung Hoa.
Tinh thần tu đức của cha Vincent Lebbe được hình thành trong những năm tháng khi vừa bước chân xuống mảnh đât Trung Hoa, và các tinh thần tu đức này ngày càng được cha Vincent Lebbe thực hành, cảm nghiệm mà thành.

NIỀM VUI LUÔN LUÔN MỚI MẺ CỦA TIN MỪNG

NIỀM VUI ĐƯỢC CHIA SẺ CỦA CHA VINCENT LEBBE


Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã thấy trước mối đe dọa thế giới do vật chất và sự hưởng thụ, ngài nói: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ.”
Niềm vui của Tin Mừng không phải bằng vật chất và sự hưởng thụ nó, nhưng chính là làm thế nào để mỗi linh mục, phó tế và những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa thấy được rằng, chính Chúa là niềm vui trong đời sống thánh hiền của họ. Bởi vì khi nhận Chúa làm gia nghiệp đời mình -thì cũng giống như người con có cả gia tài đồ sộ do cha mẹ để lại- không những hân hoan vui sướng hưởng thụ những ơn lành Chúa ban cho mà còn làm sinh lợi ra nhiều nơi các linh hồn.
Khi chọn vật chất làm thỏa mãn cuộc sống tu trì của mình, thì chính các linh mục, phó tế và các tu sĩ nam nữ đã về cùng với ma quỷ và thế gian để chống lại Thiên Chúa, đó không phải là niềm vui của Tin Mừng nữa, mà là tin mừng của sự chết nơi họ và lây lan qua người khác. Lúc đó họ như những công cụ truyền bá một mối nguy hại cho Giáo Hội và mỗi người giáo dân, nhất là những giáo dân mà linh hồn của họ được giáo phó cho các linh mục, phó tế và các tu sĩ ấy.
Khi chọn Chúa là gia nghiệp của mình, thì ân sủng của Chúa sẽ làm cho chúng ta được đổi mới hằng ngày, được tắm gội hằng ngày không phải bởi toan tính vật chất, mà là bởi những ân huệ mà Chúa ban cho chúng ta qua những hy sinh tìm tòi để công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình được thăng hoa trưởng thành và cắm sâu vào trong tâm hồn của các tín hữu.
Cha Vincent Lebbe là một người như thế, đối với ngài tất cả đều là người Trung Hoa và người Trung Hoa thuộc về Chúa Ki-tô. Thấm nhuần tình yêu “người Trung Hoa thuộc về Chúa Ki-tô” nên khi vừa bước vào cửa ngõ Bắc Kinh, ngài rất ngạc nhiên khi thấy các giáo sĩ ngoại quốc đối xử phân biệt với các giáo sĩ người Trung Hoa, và tự trong tâm của ngài, ngài thấy rằng chúng ta -những giáo sĩ ngoại quốc- đến Trung Hoa là để truyền giáo, là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho người Trung Hoa, nên ngài đã phá bỏ luật lệ bất thành văn là chỉ nói chuyện với các giáo sĩ ngoại quốc, vì các giáo sĩ người bản địa thì chỉ được coi là hạng thứ- cha Vincent Lebbe đã quan tâm đến các thầy người Trung Hoa trong nhà dòng, và lấy làm vui khi được chia sẻ với họ những gì mình có, mà cái có lớn nhất của ngài là một trái tim yêu mến người Trung Hoa hơn cả người Trung Hoa yêu mến tổ quốc mình.
Vì tự mãn mình là giáo sĩ hạng nhất (ngoại quốc) nên các giáo sĩ trong dòng Vinh Sơn (Vincent de Paul) của cha Vincent Lebbe đã sống xa rời thực tế và xa lạ với người Trung Hoa ngay cả khi sống trên đất nước Trung Hoa, đây là mối nguy hiểm khôn lường cho việc truyền bá Phúc Âm giữa các dân tộc, là sự tự mãn làm hủy diệt những con người có tâm hồn hưởng thụ và ích kỷ, họ đã như những chủ nhân ông trên cánh đồng truyền giáo trung Hoa như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói ở trên.
Niềm vui chia sẻ khi sống giữa xã hội, giữa con người với nhau, rất cần đến những con người can đảm chặt sợi xích vàng đang ràng buộc đôi chân của mình trong hưởng thụ và sự đi tìm kiếm vật chật, để “đôi chân tâm hồn” của họ thong dong tiến bước về phía trước và đến với mọi người. Bởi vì niềm vui của Tin Mừng thì luôn đổi mới, luôn làm cho tâm hồn của chúng ta mới bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần; bởi vì khi chúng ta dấn thân ra đi thì mỗi bước chân của chúng ta đều là những dấu chân mới mẽ trên con đường truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói tiếp: “Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu. Nhiều người rơi vào mối nguy này, và kết cục là cảm giác bực bội, tức giận và chán nản. Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh.”
Linh mục Jacques Leclercq cũng đã nói về sự từ bỏ tất cả để theo Chúa và truyền giáo của cha Vincent Lebbe: “Ngài yêu thương tất cả những cái gì tốt đẹp, sẵn sàng hy sinh tất cả: hai điểm rất trái ngược này hòa hợp nơi con người cha Vincent Lebbe một cách thật tự nhiên; đó là một đặc tính của đạo Công Giáo. Yêu thương tha thiết và cắt đứt dễ dàng tất cả liên lạc ràng buộc khi Chúa đòi hỏi, nhưng không từ chối những liên hệ cao quý đó...”
Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học vật chất và hưởng thụ, bởi vì những phát minh hiện đại đang có là để con người hưởng thụ và hưởng dùng, và đó cũng là nằm trong ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng con người thay Ngài làm chủ thế giới và làm cho thế giới có bộ mặt ngày càng tốt đẹp hơn: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất.” Nhưng con người bởi tội nguyên tổ đã không còn nguyên vẹn hình hài thánh thiện của Thiên Chúa nơi họ nữa, bởi vì đã bất tuân lệnh Chúa mà phạm tội, nên tâm hồn luôn hướng về điều xấu xa của ma quỷ.
Thế kỷ 21 là thế kỷ chói lọi của khám phá vũ trụ cao tít trên xa và sâu tận cùng đáy biển, nhưng khoa học chưa khám phá ra tâm hồn của con người cao và sâu bao nhiêu. Chỉ có những tâm hồn biết đón nhận Tin Mừng làm niềm vui của mình thì mới có thể thấy rõ tình trạng của tâm hồn mình.
Và một tờ báo trong vùng Thiên Tân đã viết về cha Vincent Lebbe như sau: “Vị linh mục đó có một đức tin nhiệt thành, làm công tác tông đồ không biết mệt, cả Thiên Tân mến phục và tôn kính.” Đến nỗi người ta nói rằng : Tôi không thấy Chúa, nhưng đã thấy cha Vincent Lebbe.”
Người ta không thấy Chúa nhưng người ta thấy Chúa nơi con người của cha Vincent Lebbe. Ngài không để cho mọi sự ở đời làm ảnh hưởng đến việc truyền giáo của ngài, ngài đã sống như một con người thời đại của thế kỷ 21, nghĩa là ngài đã đi ra khỏi bốn bức tường bảo thủ cô độc giam hãm lời của Thiên Chúa nơi những người truyền giáo, ngài đã dấn thân đưa tay ra trước để cho người khác nắm và lôi kéo họ về với Chúa cách nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt. Bí quyết thành công của ngài như linh mục Jarques Leclercq nói: “Ngài yêu thương người Trung Hoa.”
Ngài sung sướng khi được hòa mình vào cuộc sống với người Trung Hoa, ước mơ từ tuổi thơ ấu đã muốn qua Trung Hoa truyền giáo của ngài đã thành hiện thực, giờ đây ngài đang sống như một người Trung Hoa chính hiệu dù cho đôi mắt xanh, da trắng cái mũi cao của ngài cũng không làm cho người Trung Hoa coi người là linh mục ngoại quốc.
Được đổi mới bằng niềm vui của Tin Mừng, cha Vincent Lebbe đã chia sẻ niềm vui này cho những ai tiếp xúc hoặc làm việc với ngài, niềm vui chia sẻ này đã trở thành một trong ba đường hướng tu đức của ngài và của hai hội dòng là hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa Hài Đồng do ngài sáng lập, đó chính là “Luôn Vui Vẻ”. Một người quảng cáo sản phẩm bột giặt của công ty mình mà mặc bộ áo quần nhơ bẩn thì không ai tin vào sản phẩm quảng cáo trắng tin của mình. Cũng vậy, cha Vincent Lebbe với “ba sản phẩm” tu đức được rút ra từ trong Phúc Âm là “Toàn Hy Sinh, Thật Yêu Người và Luôn Vui vẻ” vẫn cứ luôn luôn đổi mới trong cuộc sống của các tiểu đệ và tiểu muội.
Cha Vincent Lebbe luôn tươi cười trong mọi hoàn cảnh, ngài chia sẻ niềm vui này với mọi người dù tâm hồn ngài nặng nề đau buồn với những lo âu của người lãnh đạo với nhiều trong trách. Niềm vui chia sẻ này đã làm cho những người ngoại giáo nhận ra được một Đức Chúa Giê-su nơi con người của cha Vincent Lebbe.

KẾT:
Tĩnh tâm để lãnh nhận chức thánh (linh mục) là một cuộc tĩnh tâm đúng nghĩa với việc cầu nguyện cho ơn gọi và sứ mạng của mình, hai là suy tư đến những trách nhiệm và bổn phận của mình sau khi chịu chức linh mục. Bởi vì đây là cuộc tĩnh tâm để đón nhận ơn Chúa chứ không phải là một cuộc kiểm điểm lại những chặng đường ơn gọi của mình đã đi qua. Bởi vì những chặng đường ơn gọi là chúng ta phải suy tư và cầu nguyện, phận biện, lựa chọn mỗi ngày trong đời sống tu trì, chứ không phải đợi đến tĩnh tâm để khấn dòng hoặc để chịu chức thì mới suy tư đến ơn gọi của mình...
Để tài niềm vui truyền giáo của đấng sáng lập dòng chúng ta là cha Vincent Lebbe và đối chiếu lại tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, thì chúng ta mới thấy được viễn ảnh truyền giáo ngày mai của mỗi người. Cho nên các anh em hãy lợi dụng những ngày tĩnh tâm này, đề nói chuyện tương lai -chứ không nói chuyện quá khứ- với Chúa, hãy luôn sẵn sàng mở rộng tâm hồn của mình ra để đón ngọn gió niềm vui chia sẻ, để dựa vào niềm vui của Tin Mừng mà chúng ta biết phải đem đi những gì và bỏ lại những gì khi thành lễ tạ ơn (mở tay) đã kết thúc, và con đường trước mặt đã mở ra để các tiểu đệ hăng hái ra đi chia sẻ Niềm Vui Tin Mừng cho mọi người.

Câu hỏi gợi ý:
1. Đối với các tiểu đệ: Niềm Vui Tin Mừng là gì ?
2. Các tiểu đệ có kế hoạch gì sau này cho mình khi được sai đi truyền giáo ?



Ngày thứ hai:

NIỀM VUI CHIA SẺ CỦA CHA VINCENT LEBBE
VÀ TÂN PHÚC ÂM HOÁ
ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN CỦA TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG


1/ Tân Phúc Âm hóa giữa đời thường.
Không một nhà truyền giáo thành công nào mà không yêu mến Thiên Chúa, càng không có một người truyền giáo nào lại khước từ mình với nơi chốn mà mình đến giàng Tin Mừng cho họ, bởi vì khi chúng ta -những nhà truyền giáo- không cách tân đổi mới từ suy nghĩ cho đến hành động, thì chắc chắn sẽ không đem lại kết ảu nào. Nhưng cha Vincent Lebbe đã làm được điều ấy: “Cha Vincent Lebbe thật sự sống cho tất cả mọi người, từ trẻ con đến người lớn, cho cả người lớn cũng như cho cả trẻ con...ngài mặc áo vải bông màu xanh như người dân thường Trung Hoa, đi giữa dân chúng trông như một người Trung Hoa, không có gì khác biệt ngoài chiếc xe đạp...Chiếc xe đạp này của ngài được chứng kiến nhiều chuyện ! Chính ngài đã khởi xướng dùng xe đạp ở Trung Quốc, khi nào có thể là ngài tránh không ngồi xe kéo, đi gần ngài dùng xe đạp, đi xa cũng dùng xe đạp...” cha Vincent Lebbe đã thực hành lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ: vui với người vui, buồn với người buồn, ngài không cam tâm làm một giáo sĩ chỉ truyền giáo ở trong nhà thờ với phạm vị nhà cha sở, nhưng ngài đã đi ra khỏi nhà thờ, ra khỏi nhà xứ để mở rộng cửa tâm hồn đón nhận những người Trung Hoa muốn tìm Chúa.
Cha Vincent Lebbe đã trở thành người Trung Hoa để Phúc Âm hóa người Trung Hoa, ngài đã cổ vũ mọi người đi xe đạp để được như người nghèo khó Trung Hoa, chứ không ngồi xe kéo như một chủ nhân ông, và ngài sẵn sàng chia sẻ với tất cả những ai có nhu cầu tìm đến ngài.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong tông huấn “Niểm Vui Tin Mừng” đã nhấn mạnh: “Tất cả những điều này có tầm quan trọng lớn đối với việc rao giảng Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự quan tâm làm cho vẻ đẹp của Tin Mừng được mọi người nhận ra rõ hơn và đón nhận. Đương nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm cho giáo huấn của Hội Thánh được mọi người hiểu một cách dễ dàng và sẵn sàng chấp nhận. Đức tin mãi mãi vẫn là một thứ thập giá; nó luôn luôn hàm chứa một mảng mờ tối bất chấp sự ưng thuận vững vàng. Một số điều chỉ có thể được hiểu và chấp nhận từ cơ sở của sự ưng thuận này, người chị em với đức ái, vượt lên trên các lý do hay lập luận rõ ràng. Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.”
Đối chiếu giữa tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” và “Luôn Vui Vẻ” một trong ba linh đạo tu đức của cha Vincent Lebbe thật hài hòa, bởi vì một sự hội nhập luôn luôn cần có yếu tố từ bỏ: từ bỏ cái tôi của mình, từ bỏ những thiên kiến của mình để được xã hội mà chúng ta đang truyền giáo chấp nhận chúng ta như những người con người Trung Hoa thật thụ. Cha Vincent Lebbe đã làm được điều đó khi ngài hòa nhập vào cuộc sồng nghèo khổ của người Trung Hoa, học văn hóa và những phong tục tập quán của người trung Hoa để trở thành người Trung Hoa. “Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.” Chính cha Vincent Lebbe đã làm được việc này trong thời đại của ngài của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cuộc sống của cha Vincent Lebbe phản ảnh lại những gì ngài đã nói đã dạy, để niềm vui chia sẻ của ngài được người dân Trung Hoa đón nhận.
Tân phúc âm hóa không có nghĩa là tìm ra những giáo điều khác nhưng là thích ứng với cuộc sống và truyển giáo hiện tại, nghĩa là -ngay tự trong tâm hồn- cần phải chuyển biến theo đả phát triển của xã hõi, mặc khác nắm bắt thời cơ và dấu chỉ để việc truyền giáo được như mong ước.

2/ Niềm vui chia sẻ giữa đời thường.
Truyền giáo là một nghệ thuật, tuy nó không phải là một môn hay một ngành học như các ngành học về kiến thức chuyên môn khác, nhưng nó đúng là một nghệ thuật mà chỉ có những ai yêu mến và từ bỏ những gì mình có thì mới có thể trở thành nhà truyền giáo, hay nói đúng hơn, trở thành công cụ truyền giáo của Thiên Chúa.
Cha Vincent Lebbe quá nhiệt thành với Đức Chúa Giê-su, nhân từ, hăng say, đón nhận tất cả những ý tưởng đại lượng và các sáng kiến hoạt động tông đồ, ngài cững thật khiêm tốn và siêu thoát, nghĩa là ngài đã không bảo thủ khép kín tâm hồn và trí óc của mình, nhưng đã mở ra đế đón nhận tất cả, đó là thái độ của người muốn tân Phúc Âm hóa cho kịp với thời đại, với cha Vincent Lebbe mà nói thì bất kỳ ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có thể trở thành tân Phúc Âm hóa để loan truyền niềm tin cứu độ của Đức Chúa Giê-su.
Cha Vincent Lebbe phân vân giữa vâng lời và bác ái. Vâng lời theo luật dòng là một nhân đức siêu nhiên tuyệt đối và cha Vincent Lebbe đã chọn vâng lời dù như thế nào đi nữa, và vì vâng lời mà ngài đã bỏ tất cả những gì là thân yêu nhất không một phút do dự.
Giáo Hội không được xem như là một tổ chức xa lạ cho một khu vực hay một dân tộc, một quốc gia riêng rẽ. Bởi vì Giáo Hội là hoàn cầu, là ơn cứu độ cho toàn thể thế giới, mọi dân tộc, cho nên bất kỳ dân tộc nào cũng đều có thể cung cấp giáo sĩ để làm cho dân tộc mà họ được sai đến biết lề luật của Thiên Chúa và hướng dẫn họ trên con đường cứu rỗi. Đó chính là niềm vui và sứ mạng của Giáo Hội và cũng là niềm vui của người ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người.
Niềm vui trong đời truyền giáo không phải bắt tay là thành công là thành tựu, nhưng như trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã nói: “Thật vậy, “hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh” và “nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu”. Sự thách thức này trước hết từ quan điểm của những con người bảo thủ trong một cộng đoàn truyền giáo, cho nên việc huấn luyện cho các giáo sĩ bản địa là việc cấp thiết, bởi vì một ngày kia họ sẽ là những người chịu trách nhiệm gánh vác công việc truyền giáo của xứ sở mình. Cha Vincent Lebbe đã thấy được điều đó cách đây cả thế kỷ, và ngài bằng mọi cách vận động để thành lập hàng giáo phẩm địa phương . Qua những năm tháng vận động trong đau khổ, bị hiểu lầm, bị chê cười.v.v...cuối cùng cũng có Đức Giám Mục người Trung Hoa. Đây là niềm vui to lớn và là thành quả của sự suy tư chín mùi và thực tế của cánh đồng truyền giáo Trung Hoa.
Cha Vincent Lebbe có những niềm vui nho nhỏ trong đời truyển giáo tại Trung Hoa của ngài: ngài thích mặc y phục Trung Hoa, (khác với những thừa sai khác cũng mặc y phục Trung Hoa, nhưng râu tóc thì lại theo kiểu Âu châu) ngài cạo râu, để tóc đuôi dài như người Trung Hoa chính hiệu, dùng đũa khi ăn cơm và ăn những món ăn trung Hoa. Niềm vui này ngài chia sẻ cho em trai của mình ở trời Âu: “Robert nhỏ của anh, nếu em biết được có những ngày tốt đẹp, những cuộc trở lại đạo tuyệt diệu, những buổi chiều tốt ngồi giữa những giáo dân của những thế kỷ đầu tiên; ngồi dưới mái tranh của nhà người Trung Hoa nào đó, nhìn làn khói ánh bạch lạp lung linh, ngồi dựa tay trên thành ghế, thưởng thức hương vị và hít hơi thuốc ngon lành của Mãn Châu; (có lúc người ta sống hưởng thụ chút xíu) trẻ con quây quần chung quanh, chúng thật ngoan ngoãn hiền lành và ngây thơ, các người nông dân có đạo tâm hồn can đảm như những hòn đá gắn chặt vào đức tin thánh thiện của chúng ta...” Niềm vui của Tin Mừng được chia sẻ là như vậy, được người bản địa đón nhận như người nhà của mình là một hạnh phúc lớn cho người truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã có rất nhiều sáng kiến để việc truyền giáo của mình ở mảnh đất Trung Hoa có hiệu quả, đó chính là tân Phúc Âm hóa cuộc sống của cá nhân cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương, đó chính là không ngừng làm việc tiếp xúc và học hỏi văn hóa của người bản xứ...

3/ Tân Phúc Âm hóa của các Tiểu Đệ.
Với cương lĩnh tinh thần tu đức của đấng sáng lập dòng (cha Vincent Lebbe), với sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” chúng ta thấy rất rõ việc cấp bách của Giáo Hội trong thế giới ngày nay là truyền giáo, Giáo Hội không ngừng canh tân công việc truyền giáo của mình, và mời gọi tất cả những ai là con cái của Giáo Hội mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng.
Các tu sĩ của hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả cũng sẽ ra đi và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong xã hội hiện nay. Cương lĩnh tinh thần tu đức đã được cha Vincent Lebbe sống và thực hành, và ngài đã thành công trong việc truyền giáo tại trung Hoa, ngài vẫn luôn là thầy dạy là mẫu gương truyền giáo cho con cái của Ngài là các tu sĩ của 2 hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa Hài Đồng.
“Toàn hy sinh, Thật yêu người và Luôn Vui Vẻ” là ba bảo bối được cha Vincent Lebbe đúc kết từ những kinh nghiệm truyền giáo, và cũng là ba câu vè rất chính xác nói lên công việc của các anh em tiểu đệ và tiểu muội. Là ba bước tu đức nhảy vọt, là kim chỉ nam để nên thánh của các tiểu đệ, tiểu muội và là hướng dẫn mẫu mực để chúng ta sống.
Tân Phúc Âm hóa của các tiểu đệ là gì, nếu không phải là nên đồng hình đồng dạng với những con người mà chúng ta muốn đem Chúa và Giáo Hội đến cho họ. Thử đề nghị như sau:
Toàn hy sinh:
- Không thay đổi hiện trạng, nhưng điều chỉnh tâm hồn theo hoàn cảnh hiện trạng.
- Không đứng xa xa nhưng hội nhập vào cuộc sống của người dân.
Không đứng bên ngoài nhưng trở thành men trong bột.
Thật yêu người:
- Vui với người vui, khóc với người khóc.
- Đưa tay ra và nắm bắt con tim của người khác.
- Là gương mẫu trong cuộc sống như lời mình rao giảng.
Thật yêu người:
- Hy sinh thời gian cá nhân của mình.
- Luôn tỉnh thức (sẵn sàng) để mau lẹ thực hành đức ái.
- Không phân biệt người có đạo hay không có đạo.
Chắc chắn việc rao giảng Lời Chúa trong xã hội ngày nay sẽ không dể dàng, bởi vì ai cũng có thể tiếp cận với những khoa học, ai cũng có thể tra cứu dữ liệu trên trang mạng xã hội, và giữa rất nhiều thắc mắc cũng như giải đáp, thật có giả có, làm cho tin h thần con người thời nay hoang mang không phận biệt đâu là lời của Giáo Hội và đâu là lời của thế gian và ma quỷ...

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu được sai đi truyền giáo trong hoàn cảnh phồn vinh, thì bạn nghĩ sao ?
2. Tân Phúc Âm hóa, theo bạn có cần thiêt không ?


Ngày thứ ba:

“NIỀM VUI TIN MỪNG”: TRUYỀN GIÁO LÀ HÒA NHẬP.
CHA VINCENT LEBBE: PHẦN CON, CON PHẢI LÀM VIỆC.


Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” đã chỉ ra các nguyên nhân khó khăn trong việc truyền giáo của thế kỷ này.“Đồng thời, những thay đổi văn hoá sâu rộng và nhanh chóng hôm nay đòi chúng ta không ngừng tìm kiếm những cách thức diễn tả các chân lý bất biến bằng một ngôn ngữ làm nổi bật sự mới mẻ vững bền của chúng. “Kho ký thác đức tin là một chuyện... cách diễn tả nó lại là chuyện khác”. Có khi người Kitô hữu nghe một ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, nhưng lại hiểu về một cái gì xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, bởi vì ngôn ngữ kia khác với cách họ dùng để nói với nhau và hiểu nhau. Với ý hướng thánh thiện muốn thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người, chúng ta đôi khi [vô tình] cống hiến cho họ một vị thần giả tạo hay một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo. Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó”.
Cha Vincent Lebbe thụ phong linh mục ngày 28/10/1901, trên ảnh kỷ niệm thụ phong linh mục ngài đã cho in lời của thánh Phao-lô nhắn nhủ ông Ti-mô-tê: “Về phần con, con hãy lảm việc” (Tu, vero. Labora). Chính câu châm ngôn này đã đi suốt cuộc đời của ngài trong công cuộc truyền giáo cho người Trung Hoa.
Hòa nhập vào một cộng đồng xa lạ với tất cả ngôn ngữ bất đồng, văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí ngay cả việc ăn uống cũng có cá biệt, thì thật là khó khăn, nhưng lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su cho giáo hội là phải ra đi và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân vẫn còn đó, và giáo hội phải tiếp tục sư mạng cứu thế của Thầy Chí Thánh cho đến tận bờ cõi trái đất.
Ngôn ngữ truyền giáo sống động nhất và hiệu quả nhất là ngôn ngữ của yêu thương, là hành động tích cực chứ không chỉ nói suông, do đó mà người truyền giáo cần phải suy tư nhìn ngắm khuôn mặt và những hành động của Đức Chúa Giê-su khi Ngài rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái, Ngài làm việc không ngừng, ngay cả giờ ăn cũng không có.
Đức Chúa Giê-su giảng dạy không theo một phương pháp cứng nhắc nào, nhưng phương pháp tạo ra hiệu quả và ứng dụng “dây chuyền” tuyệt vời nhất là “tùy tâm隨心”, tức là để cho con tim rung động đập theo hoàn cảnh của cuộc sống nơi những người đau khổ và bất hạnh. Đức Chúa Giê-su hòa nhập vào môi trường thiên nhiên nên mới có dụ ngôn “chuồng chiên” và “con chiên lạc”; Đức Chúa Giê-su hòa nhập với những người được coi là tội lỗi nên đã có một tông đồ Mat-thêu, mới có thêm người phụ tá là Ma-ri-a Mác-đa-la, và có thêm những dân ngoại tin vào ơn cứu chuộc mà Ngài đem tới. Sự hòa nhập này không phải phối cảnh tình tiết như sân khấu hay như một chương trình đại chúng, mà là do sự nhiệt tình truyền giáo của Đức Chúa Giê-su, tức là luôn luôn làm theo ý Cha trên trời, bởi vì như Ngài nói: Cho đến bây giờ Cha Ta vẫn đang còn làm việc , Tôi và Cha là một .
Cha Vincent Lebbe đã làm việc không ngừng như Đức Chúa Giê-su đã làm, con người của ngải như con thoi của người thợ dệt, thoăn thoắt lên rồi thoăn thoắt xuống để dệt ra cho Chúa những tấm vải tuyệt diệu là linh hồn của những người ngoại giáo quy y về với Chúa. Phương pháp làm việc của cha Vincent Lebbe vẫn cứ là không có phương pháp, mà chỉ có một bầu nhiệt huyệt truyền giáo đầy tình thương đối với người Trung Hoa.

1. Vấn đề truyền giáo của cha Vincent Lebbe.
Cha Vincent Lebbe rất có kinh nghiệm truyền giáo, nhưng sau này ngài đã hối hận với cách truyền giáo kiểu Tây Ban Nha của ngài, nghĩa là ngài bị lôi cuốn theo phương pháp dùng sức mạnh để đưa người ta vào giáo hội, và ngài nói có lẽ đây là lỗi lầm hồi còn trẻ và đôi lúc ngài nhắc lại. Cũng như chúng ta bây giờ, người dân Trung Hoa không phản đối cách truyền giáo này, bởi vì họ thường quy phục quyền bính của giáo hội, mà cụ thể là qua các linh mục chính xứ, các ngài độc đoán, độc tài uy quyền.v.v...từ lỗi lầm đó, ngài đã thay đổi lại cách thức truyền giáo của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và phù hợp với những giáo huấn của giáo hội. Năm 1883 thánh bộ truyền giáo lại nhắc nhở các giáo phận ở Trung Hoa: “Mục đích chính yếu của việc truyền giáo là đem người ngoại trở về với Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta !nhận biết người là được sống đời đời, vì vậy các giám mục phải tận tâm lo lắng...”

Phương pháp truyền giáo của cha Vincent Lebbe
a/ Cứng nhắc.
- Ngài chăm lo cho tân tòng khi họ đến nhà xứ học giáo lý.
- Đào tạo các thày giảng có chất lượng.
Ưu điểm: các tân tòng không lo việc ăn uống, mà giáo xứ lo cho họ.
Khuyết điểm: Chỉ quan tâm trước hết những người trở lại, còn những người tân tòng có thiện ý hay không, cũng không đáng trách.
b/ Hòa nhập.
- Cùng làm việc, tham gia sinh hoạt với mọi lứa tuồi.
- Học hỏi cách ứng xử của người Trung Hoa (mặc y phục Trung Hoa, dung2 đũa khi ăn cơm, hút thuốc lào.v.v...)
- Suy nghĩ như người Trung Hoa.
- Hoàn toàn vì người Trung Hoa.
Ưu điểm: Có nhiều người lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và tinh thần giáo dân rất nhiệt tình với tín ngưỡng của họ.
Khuyết điểm: Các đồng nghiệp không thích và chống đối.

2. Sự đòi hỏi hòa nhập của tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”.
“Bản thân Hội Thánh là một người môn đệ truyền giáo, cần phải học phát triển việc giải thích lời mặc khải và sự hiểu biết của mình về chân lý.” Khi nói đến “bản thân hội thánh” thì Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhắm đến mỗi một phần tử trong hội thánh, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đặc biệt là những nhà truyền giáo cần phải học phát triển việc giải thích lời mặc khải.
Đương nhiên ngoài nghĩa đen là phải học cách giải thích Lời Chúa cho người nghe, mà quan trọng hơn là tự bản thân của người truyền giáo cũng là cách giải tích lời mặc khải, tức là qua cách sống của họ mà người ta hiểu ra được lời mặc khải không xa lạ gì với họ, mà gần gủi bên cạnh họ, đó là những nhà truyền giáo vậy.
Không ai cho cái mà mình không có, cũng như không ai đi buôn mà không có vốn.
Hòa nhập vào một cộng đồng xã hội (lớn hay nhỏ) cũng đều bắt buộc người truyền giáo phải đem cả tâm hồn và sức lực của mình “ném” vào trong cộng đồng ấy, để cộng đồng ấy bùng cháy lên lửa yêu thương của Đức Chúa Giê-su. Khi tinh thần và thể xác được cống hiến cho một tình yêu cứu rỗi, thì người truyền giáo sẽ cảm nhận và hiểu được “men và bột” “bóng đêm và ánh sáng” của Đức Chúa Giê-su đã nói.
a/ Hòa nhập:
- Tâm hồn và thân xác.
- Quên đi cái tôi và thân phận của mình (như CGS đã quên mình đồng bản tính với Chúa Cha).
- Đón nhận cộng đồng mới như là gia đình của mình.
- Biết thao thức cho cộng đồng và cùng với cộng đồng thao thức.

Cuối cùng, xin mượn lời nói của cha Vincent Lebbe để kết thúc ba ngày tĩnh tâm của chúng ta:
“Nếu tôi cứ sống như người Âu châu, thì tôi sẽ mãi mãi là một tử thi.”
--------
Taiwan, ngày 10/05/2018
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô thăm Loppiano: Các thành viên của phong trào Focolari hãy trung thành với cội nguồn của mình và tin tưởng ở tương lai.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:49 10/05/2018
(Vatican News) Tại Loppiano thuộc vùng Tuscany của Ý, hôm nay Thứ Năm ngày 10 tháng Năm, hơn 7000 thành viên của Phong Trào Focolare đã chào mừng ĐGH Phanxicô trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài.

Không những chỉ có 850 dân cư của thị xã nhỏ bé Loppiano mới nô nức chờ đón ĐGH Phanxicô, mà cả những thành viên của Phong Trào Focolare trên khắp miền nước Ý đang tề tựu về đây để chờ đón ngài, và hàng ngàn người trên khắp thế giới đang chăm chú theo dõi sự kiện này qua trực tuyến trên mạng.

ĐGH đã tới Loppiano sau khi thăm cộng đồng Nomadelfia cũng thuộc khu vực Tuscany.

Phong trào Focolare là một thực thể đa dạng thực hiện ưu tiên đối thoại và một lối sống để góp phần xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình trên thế giới. Hai triệu người trên khắp thế giới cùng chia sẻ lối sống và hoạt động của phong trào; có nhiều người đến từ các Giáo Hội Kitô, nhưng cũng có những người khác tuyên xưng những niềm tin khác. Hiện nay có vào khoảng 1,000 dự án xã hội trong các quốc gia trên toàn thế giới và 800 cơ sở thương mại mà hoạt động của họ dựa trên những nguyên tắc về Kinh Tế Hiệp Thông (Economy of Communion).

Loppiano được mô tả như là “một mô hình của đời sống cộng đồng theo nguyên tắc đoàn kết và tình huynh đệ”, ĐGH Phanxicô đã có dịp trao đổi qua lại với mọi người hiện diện sau khi cầu nguyện tại nhà thờ cung hiến Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trước một bức họa biểu tượng cho đối thoại liên tôn giáo.

Tầm quan trọng của ‘ký ức’.

Một trong các các câu hỏi mà người dân Loppiano muốn chất vấn là làm thế nào để thích ứng với mọi thời đại mà không phản bội lại nguồn gốc và di sản của mình, ĐGH Phanxicô đã nói rằng ‘ký ức’ là khung căn bản của cuộc sống: “Cũng giống như một cây có nhiều trái bởi vì cây có nhiều rễ, nếu con không có ký ức, con sẽ bị bật rễ và sẽ không có thể sinh hoa trái được.”

Ở Loppiano không có vùng ngoại biên.

Đề cập đến thực tế giáo dục ở Loppiano nơi mà các trường học và các đại học được điều hành theo luật của tình yêu hỗ tương, ĐGH đã khen ngợi quá trình thăm dò từng bước và làm việc để cùng nhau phục vụ cho mọi người với một cái nhìn như muốn ôm ấp tất cả nhân loại và một nơi như ở Loppiano, một “thành phổ mở rộng” không có rào cản, không có ngoại biên, những người thường bị coi là thấp kém đối với những vùng còn có biên giới, tìm lại mình tại trung tâm của đời sống cộng đồng.

Gần gũi.

Nhân dịp này, ĐGH Phanxicô nói thêm về ý niệm gần gũi của người Kitô hữu và cũng vì sự gần gũi đó mà Thiên Chúa đã thực hiện khi Người sai Con Một của Người đến với chúng ta.

Thách đố của sự trung thành sáng tạo.

Một câu hỏi khác liên quan đến chủ đề “truyền giáo” trong giai đoạn truyền giáo mới và sự cần thiết để đối phó với những thách đố của thời đại chúng ta, ĐGH Phanxicô đã nhắc nhở và khuyến khích những người có mặt hãy nhìn về tương lại với “lòng trung thành tín thác” và với “sự sáng tạo cởi mở”qua một thực tế là chính Loppiano đã được sinh ra từ “một hạt giống nhỏ bé gieo vào những luống đất của lịch sự “ và rồi tiếp tục “sinh ra những hoa trái thiêng liêng, phục vụ sứ mạng truyền giáo để loan báo và sống Tin Mừng của Chúa Giê-su trong chiều hướng mà Giáo Hội được mời gọi để sống hôm nay.”

Ngài nói rằng “điều này đòi hỏi lòng khiêm nhường, tinh thần cởi mở, sức mạnh hợp tác và khả năng chấp nhận rủi ro.”

ĐGH giải thích rằng cái thách đố là giữ lòng trung thành với ý hướng ban đầu và đồng thời mở cửa để nhận thần khí của Chúa Thánh Thần và can đảm thực hiện những con đường mới mà Chúa Thánh Thần linh ứng cho.

Trước khi kết thúc, ĐGH mời gọi mọi người hiện diện hãy hướng về Mẹ Thiên Chúa và rằng đền thánh cung hiến cho Mẹ ở Loppiano là một lời mời gọi để chúng ta học hỏi nơi Mẹ:

“Mẹ Maria đã nhận Lời xin vâng và tiến bước, bởi vì Mẹ là người phụ nữ của đức tin, người phụ nữ sáng tạo, người phụ nữ can đảm, người phụ nữ kiên nhẫn và chịu đựng mọi sự. Hãy nhìn lên Mẹ, một người giáo dân, người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, bắt chước Mẹ lối cư xử trong mọi lúc khó khăn và qua cuộc sống của con Mẹ. Tất cả những điều ấy sẽ giúp chúng ta rất nhiều.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Bo của Myanmar phát biểu: Chống chủ nghĩa cực đoan, Giáo Hội Công Giáo đang gióng lên tiếng nói thay cho những kẻ cùng đinh.
Thanh Quảng sdb
19:38 10/05/2018
Đức Hồng Y Bo của Myanmar phát biểu với Thông tín viên Fides nhân chuyến viếng mộ thánh Phêrô và Phaolô tại Roma rằng: Với chủ nghĩa cực đoan, Giáo Hội Công Giáo đang gióng lên tiếng nói thay cho những kẻ cùng đinh.

Ngày 10/5/2018 vừa qua bà Deborah Lubovin đã phỏng vấn Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar. Sau đây là cuộc phỏng vấn:
Xin đánh lời chú thích vào đây rồi nhấn nút Thêm

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của Thông tấn xã Zenit, Đức Hồng Y Bo đang có mặt tại Vatican nhân chuyến viếng thăm và gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô trong tuần này. Nhân dịp này Zenit đã hỏi Đức Hồng Y Bo về chuyến viếng thăm với Đức Giáo Hoàng năm 2017 vừa qua và những dư âm của chuyến thăm này cũng như tình trạng đối thoại liên tôn trong nước và nhiều vấn đề khác nữa.
Myanmar khét tiếng về nền cai trị quân sự độc đoán trong nhiều thập kỷ qua cho tới khi đảng Liên Hợp Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2015 vừa qua.
Người Hồi giáo thiểu số Rohingyas được LHQ coi là một trong những người bị bức hại nhiều nhất. Theo dữ liệu từ Dự án Arakan, một tổ chức nhân đạo bảo vệ quyền lợi người Rohingyas thì từ năm 2010, có khoảng 100.000 người thiểu số này đã trốn chạy khỏi Miến Điện (Myanmar) bằng đường biển. Bạo lực giữa những nhóm Phật giáo cực đoan và người Rohingyas từ năm 2012 đã cướp đi hơn 200 sinh mạng con người và làm cho 140.000 người phải di tản.

ZENIT: Thưa Đức Hồng Y, chuyến viếng thăm Ad limina của Hội đồng Giám mục Myanmar tại Vatican này chỉ diễn ra sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Myanmar mới vài tháng. Thưa Đức Hồng Y, ngài có đề cập tới chuyến viếng thăm này trong các cuộc thảo luận của ngài với Đức Thánh Cha không?
Đức Hồng Y Bo: Chúng tôi đã đề cập tới nhiều lần. Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì chuyến viếng thăm lịch sử này, đặc biệt sự quan tâm của Ngài đối với toàn dân Myanmar, không loại trừ một ai. ĐTC đã gặp vị tướng tối cao của quân đội, tiếp kiến với các nhân viên trong chính quyền và đặc biệt với bà Aung San San Suu Kyi, gặp gỡ các thiền sư, các vị lãnh đạo các tôn giáo, tiếp xúc với những người trẻ và mọi thành phần dân chúng. Ngài đã để lại một thông điệp hòa bình, một sứ điệp tình thương và hoà giải. Đức Thánh Cha cảm ơn chúng tôi trước sự tiếp đón nồng hậu và hiếu khách của dân nước chúng tôi.

ZENIT: Đức Giáo Hoàng đã để lại những dấu ấn, hoa trái nào cho Giáo hội Myanmar, trong những năm dẫy đầy thương đau vừa qua?
Hoa trái ngay lập tức mà chúng tôi có thể nói tới là chúng tôi đã thực hiện được một tình liên đới trực tiếp giữa chính quyền và quân đội. Sự liên đới này dẫn tới con đường đối thoại. Đức Thánh Cha đã để lại cho chúng tôi rất nhiều chương trình hành động cho quê hương đất nước chúng tôi nhất là chương trình hòa bình và hoà giải. Mặc dù tình hình vẫn còn phức tạp, nhưng chúng tôi tin chắc rằng chúng tôi đang tiến bước trên con đường hướng tới hòa bình.

ZENIT: Hôm nay, mới sau một vài tháng, làm thế nào Đức Hồng Y có thể chứng minh cho Đức Giáo Hoàng thấy được những thành quả qua một vài con số của người dân của đất nước của Đức Hồng Y?
Trước chuyến viếng thăm của ĐTC rất nhiều người không Công Giáo trong đất nước chúng tôi không hề hay biết hay nghe về Đức Thánh Cha. Bây giờ thì ngược lại. Người dân Myanmar có đầy sự tôn kính và mến yêu dành cho Đức Thánh Cha cũng như sự tương kính và tôn trọng dành cho Giáo Hội Công Giáo. Họ ngưỡng mộ các nỗ lực kiến tạo hòa bình và xây dựng đất nước của Giáo hội.
 
Bắc Kinh hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican, tăng cường khủng bố tôn giáo
Đặng Tự Do
22:08 10/05/2018
Bắc Kinh đã trì hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican được dự trù diễn ra trong tháng này, tờ Wall Street Journal đã cho biết như trên.

Bài báo nói rằng, theo những người am tường cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh, một cuộc họp đã được lên kế hoạch diễn ra tại Rôma vào cuối tháng này. Trong cuộc họp đó các quan chức Vatican sẽ đồng ý công nhận bảy giám mục bị vạ tuyệt thông nhưng được nhà cầm quyền Bắc Kinh công nhận. Động thái này sẽ buộc hai giám mục thầm lặng phải từ chức.

Nhưng Bắc Kinh cho đến nay đã từ chối không đồng ý ấn định một ngày cụ thể nào cho cuộc họp này.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin thông thạo về Vatican, nói các viên chức Tòa Thánh “lên tiếng bày tỏ sự bất bình vì nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục áp đặt những hạn chế đối với hàng giáo sĩ thầm lặng. Một số vị đã bị giam giữ nhiều ngày trong Tuần Thánh hồi tháng Ba vừa qua”.

Theo tờ Wall Street Journal, Vatican “không nhiệt tình” lắm về các thỏa thuận với Trung Quốc nhưng “miễn cưỡng chấp nhận vì coi đó là khả năng tốt nhất trên bàn thương thảo”. Phía Bắc Kinh thì tham gia vào cuộc đối thoại này “vì những lý do đến nay vẫn chưa được rõ”.

Tờ Corriere della Serra (Tin Chiều) tường thuật vào tháng Hai rằng Vatican đã sẵn sàng để ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục. Một nguồn tin từ Vatican nói với tờ báo: “Từ cuối tháng 3 trở đi, ngày nào cũng có thể là ngày để ký thỏa thuận với nhà cầm quyền Trung Quốc về thủ tục bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.”

Vào cuối tháng Ba lại có tin đồn rằng một thỏa thuận như thế sắp xảy ra. Tuy nhiên, sáu tuần sau, đã chẳng có một thỏa thuận nào như vậy.

Tờ Wall Street Journal nhận xét rằng “Bắc Kinh có lẽ không muốn thiết lập một tiền lệ khi cho một lãnh đạo tôn giáo ở nước ngoài có một thẩm quyền nào đó đối với người Trung Quốc”

Bài báo cũng cho rằng sự đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với các tôn giáo sau khi đưa ra Pháp Lệnh tôn giáo hồi tháng 2 đã làm cho các cuộc đàm phán trở nên phức tạp.

Nữ tu Beatrice Leung, giáo sư tại Đại học Wenzao Ursuline ở Đài Loan, nói: “Đây không phải là thời điểm tốt để thực hiện thỏa thuận.”
Source: Catholic Herald Vatican-China talks: Beijing is ‘holding up the process for unknown reasons’
 
“Hồng Y dỏm” xuất hiện đầy Rôma
Đặng Tự Do
22:44 10/05/2018
Tờ New York Times số ra ngày 9 tháng 5 cho biết trong những ngày này quanh khu vực Vatican người ta thấy các Hồng Y dường như xuất hiện khắp mọi nơi. Họ săm soi lướt web trên điện thoại di động; có khi lại ngồi vắt chân chữ ngũ trên một chiếc xe gắn máy; có khi lại vuốt ve mấy con chó trong khi mũ áo rất là chỉnh tề với cây thánh giá to đeo trước ngực. Có khi người ta lại thấy họ chờ tới giờ ăn trưa tại một nhà hàng bình dân nằm trên một con phố nhỏ bên ngoài Vatican.

Florence Cooper, một khách hành hương đến từ Vancouver, đã tình cờ gặp được các vị Hồng Y này.

“Chụp tấm hình với ngài được không?” Bà Cooper, 69 tuổi, hỏi. Họ gật đầu, nở một nụ cười thân thiện, khoác tay qua vai bà trong khi chồng bà không bỏ lỡ dịp may bấm máy chụp hình liên tục.

Kinh ngạc trước sự quá may mắn của bà, bà cảm ơn các Hồng Y người Ý vì lòng tốt của họ và cởi sợi dây chuyền có thánh giá mới vừa mua xong ở một tiệm sách gần đó xin các ngài làm phép. Đó là lúc Fausto Maria Rivalta, 64 tuổi, can thiệp.

“Xin bà đi chỗ khác chơi đi. Mấy ông Hồng Y này không biết làm phép đâu, biết đóng phim thôi”, nhà đạo diễn người Ý nói.

Rất nhiều người đã bị ngỡ ngàng vậy.

Đức Cha Paul Tighe, giám mục thứ thiệt, và là quan chức cao cấp thứ hai tại Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa của Vatican, bước xuống phố với một cuốn sách cầm trên tay kinh ngạc khi nhìn quanh đâu đâu cũng là những chiếc mũ đỏ.

Ngài thú nhận, “Thoạt đầu, tôi đã cố gắng để xem có nhận ra Hồng Y nào quen trong số các vị này không”

Đạo diễn Fausto Maria Rivalta giải thích các Hồng Y dỏm này đang đóng trong một bộ phim của hãng phim Netflix nói về mối quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, do Jonathan Pryce thủ vai; và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, do Anthony Hopkins thủ vai, trong quá trình chuyển đổi ngôi giáo hoàng vào năm 2013.




Source: New York Times ‘Extra’ Cardinals Invade the Vatican (Blessings Not Included)
 
Trí khôn nhân tạo sẽ giúp Văn Khố Mật của Tòa Thánh trở thành hữu dụng
Vũ Văn An
22:50 10/05/2018
Theo ký giả Sam Keam, Văn Khố Mật của Tòa Thánh (VKMTT) là một sưu tập lịch sử vĩ đại nhất trên thế giới. Nhưng hiện nó cũng là một sưu tập vô dụng nhất.

Sự vĩ đại của nó là điều hiển nhiên. Nằm bên trong các tường thành Vatican, cạnh Thư Viện Tông Tòa và ngay phía bắc Nhà Nguyện Sistine, Văn Khố Mật của Tòa Thánh chứa 53 dặm (nếu chải dài) các kệ tài liệu có từ hơn 12 thế kỷ nay. Nó chứa những tài liệu qúy giá như sắc chỉ phạt tuyệt thông Martin Luther và lời cầu khẩn của Nữ Hoàng Mary, Tô Cách Lan, gửi Đức GH Sixtô V trước khi bà bị xử tử. Về tầm và cỡ, sưu tập này gần như không có đối thủ.

Nói thì nói thế, nhưng Văn Khố Mật của Tòa Thánh không mấy có ích đối với các học giả ngày nay, vì nó rất khó với tới. Trong số 53 dặm tài liệu nói trên, chỉ có khoảng vài milimét đã được chụp bằng máy rọi (scanned) và sẵn sàng được sử dụng trực tuyến. Tuy nhiên, nếu nói đến việc chuyển thành bản văn vi tính để có thể tìm tòi, thì số này còn ít hơn nữa. Nếu muốn sử dụng bất cứ điều gì khác, bạn phải xin một phép đặc biệt, tự tới tận Rôma, và tự tay mở từng trang giấy.

Tin vui là một dự án mới sắp sửa thay đổi tất cả các phiền toái trên. Được biết dưới tên In Codice Ratio, nó sử dụng một phối hợp giữa trí khôn nhân tạo (artificial intelligence) và phần mềm Nhận Biết Ký Tự Quang Học (optical-character-recognition [OCR]) để lục lạo các bản văn bị quên lãng này và biến việc ghi chép chúng thành sẵn sàng được sử dụng lần đầu tiên. Nếu thành công, kỹ thuật này cũng sẽ mở được man vàn các tài liệu khác tại các văn khố khắp thế giới.

Nhận Biết Ký Tự Quang Học đã từng được sử dụng để rọi chụp các cuốn sách và các tài liệu khác trong nhiều năm qua, nhưng nó không thích hợp bao nhiêu đối với các tư liệu tại Văn Khố Mật của Tòa Thánh. Nhận Biết Ký Tự Quang Học truyền thống tách các chữ thành một loạt các hình mẫu tự (letter-image) bằng cách nhìn vào khoảng cách giữa các mẫu tự. Sau đó, nó so sánh từng hình chữ này với kho mẫu tự trong ký ức của nó. Sau khi quyết định mẫu tự nào xứng nhất đối với hình, phần mềm sẽ phiên dịch mẫu tự thành mã số vi tính (ASCII) và nhờ thế, biến bản văn thành tìm tòi được.

Tuy nhiên, diễn trình trên thực sự chỉ hoạt động được trên bản văn thuộc loại sắp chữ (typeset text). Nó tỏ ra lười lĩnh đối với bất cứ điều gì viết bằng tay, như đại đa số tài liệu xưa của Vatican. Sau đây là một thí dụ thuộc đầu thập niên 1200, viết bằng loại chữ gọi là chữ thường Caroline, trông giống như một phối hợp giữa thư pháp (calligraphy) và chữ thảo (cursive):





Vấn đề chính trong thí dụ trên là thiếu khoảng cách giữa các mẫu tự. Nhận Biết Ký Tự Quang Học không thể nói chỗ nào một mẫu tự chấm dứt và một mẫu tự khác bắt đầu, và do đó, không biết có bao nhiêu mẫu tự. Kết quả là máy điện toán không làm việc được, đôi khi người ta gọi sự kiện này là nghịch lý Sayre: phần mềm Nhận Biết Ký Tự Quang Học cần phân một chữ thành các mẫu tự cá thể trước khi có thể nhận ra chúng, nhưng trong các bản văn viết tay với các mẫu tự nối liền nhau, phần mềm cần nhận ra các mẫu tự để có thể phân đoạn chúng. Đây là một vòng luẩn quẩn.

Một số khoa học gia vi tính đã cố gắng giải quyết bế tắc này bằng cách làm cho Nhận Biết Ký Tự Quang Học nhận ra trọn các chữ thay vì mẫu tự. Điều này có thể thành công về phương diện kỹ thuật: các máy vi tính đâu có “lưu ý” là chúng phân tích các chữ hay các mẫu tự. Nhưng thiết lập và cho chạy các hệ thống này đâu phải chuyện lơ mơ, vì chúng đòi một kho ký ức khổng lồ. Thay vì ít chục mẫu tự a,b,c, các hệ thống này phải nhận diện hình ảnh của hàng ngàn hàng vạn các chữ thông thường. Điều này có nghĩa bạn cần cả hàng trung đội học giả có chuyên môn về tiếng La Tinh thời Trung Cổ để rà xét các tài liệu cổ và chụp hình ảnh của từng chữ. Thực vậy, bạn cần một vài hình ảnh của từng chữ vì có thể có những nét chữ kiểu cách (quirks) trong lối viết tay hay ánh sáng không đủ và nhiều biến tố khác. Đây quả là một nhiệm vụ ghê gớm.

Dự án In Codice Ratio vượt qua các nan đề trên nhờ cách tiếp cận mới với Nhận Biết Ký Tự Quang Học viết tay. Bốn nhà khoa học chính phía sau dự án này: Paolo Merialdo, Donatella Firmani, và Elena Nieddu của Đại Học Roma Tre, và Marco Maiorino của Văn Khố Mật của Tòa Thánh, đã vượt qua nghịch lý Sayre bằng một cải tiến có tên là phân đoạn ráp hình (jigsaw segmentation). Diễn trình này phân các chữ không phải thành các mẫu tự nhưng thành một thứ gần như nét bút (pen stroke) cá thể hơn. Nhận Biết Ký Tự Quang Học thực hiện việc này bằng cách chia mỗi chữ thành một loạt giải dọc và ngang và tìm những điểm tối thiểu (minimum): những phần mỏng hơn, nơi có ít mực hơn. Lúc ấy, phần mềm sẽ lách tới các mẫu tự ở những điểm này. Kết quả là một loạt các mảnh của trò chơi ráp nối:





Tự chúng, các mảnh ráp nối chẳng hữu dụng bao nhiêu. Nhưng phần mềm có thể tạo khối (chunk) chúng nhiều cách khác nhau để làm ra các mẫu tự. Nó chỉ cần biết nhóm khối nào đại diện cho các mẫu tự thực sự và nhóm nào không.

Để dạy phần mềm điều trên, các nhà nghiên cứu đã nhờ một nguồn giúp đỡ không bình thường: các học sinh trung học. Nhóm đã tuyển các học sinh tại 24 trường ở Ý để thiết lập các kho ký ức (memory banks) cho dự án. Các học sinh vào một trang mạng, nơi họ thấy một màn hình với ba phần:



Vạch xanh ở trên cùng chứa thí dụ các mẫu tự rõ ràng, sạch sẽ lấy từ một bản văn La Tinh thời Trung Cổ, trong trường hợp này là mẫu tự g. Vạch đỏ ở giữa chứa các thí dụ không xác thực của mẫu tự g, điều mà các nhà khoa học của Codice gọi là “các người bạn giả mạo” (“false friends”). Khung phía cuối cùng là phần cốt lõi của chương trình. Mỗi hình ở đấy được hợp thành bởi một ít các mảnh ráp nối mà Nhận Biết Ký Tự Quang Học đã tạo khối với nhau, tức được nó đoán là các mẫu tự có giá trị. Các học sinh sẽ phán đoán các cố gắng của Nhận Biết Ký Tự Quang Học, bằng cách cho nó hay dự đoán nào tốt, dự đoán nào không tốt. Các em làm thế bằng cách so sánh mỗi hình với các mẫu tự tuyệt hảo ở vạch xanh và “click” một hộp kiểm soát khi thấy một mẫu tự xứng hợp.

Với từng hình và từng cú “click” như thế, các học sinh đã dạy phần mềm điều mà mỗi một trong 22 mẫu tự của chữ La Tinh Trung Cổ (a-i, l-u, và một vài hình thức thay thế nhau của sd) trông giống như.

Việc thiết lập đòi phải có nhập lượng chuyên môn: các học giả phải chọn các thí dụ hoàn hảo ở vạch xanh, cũng như các người bạn giả mạo ở vạch đỏ. Nhưng một khi họ đã làm được việc này, thì không cần phải làm thêm nữa. Thậm chí các học sinh không cần phải biết đọc chữ La Tinh. Các em chỉ cần ghép các mẫu hình. Thoạt đầu, “ý tưởng mời các em học sinh trung học tham gia bị coi là điên rồ”, Merialdo nói thế; ông vốn nghĩ ra In Codice Ratio. “Nhưng nay, máy học được là nhờ các cố gắng của các em. Tôi rất thích điều này: sự đóng góp nhỏ nhoi và đơn giản của nhiều người quả thực đã có thể góp phần giải quyết một vấn đề phức tạp”.

Dĩ nhiên, cuối cùng, các học sinh cũng đã đứng qua một bên. Khi các em đã “bỏ phiếu ‘yes’” cho đủ các thí dụ, phần mềm sẽ bắt đầu tạo khối cho các mảnh ráp nối một cách độc lập và tự phán đoán lấy các mẫu tự ở đấy. Phần mềm đã trở thành một chuyên viên, nó trở thành trí khôn nhân tạo.

Ít nhất, cũng được kể như một thứ trí khôn đó. Nhưng việc tạo khối các mảnh ráp nối để trở thành các mẫu tự có giá trị chưa đủ. Máy tính vẫn cần những dụng cụ phụ trội để gỡ rối các khúc mắc của bản văn viết tay. Hãy tưởng tượng bạn đang đọc một lá thư rồi bỗng gặp hàng chữ này:





Với chúng, đây là chữ “clear” hay chữ “dear”? Khó mà nói được, vì các nét viết tạo thành chữ “d” và “cl” gần như giống nhau. Phần mềm Nhận Biết Ký Tự Quang Học phải đối đầu với cùng một nan đề, nhất là với kiểu viết kiểu cách như chữ Caroline nhỏ xíu. Bạn hãy ráng giải mã chữ này:





Sau khi lượt qua các kết hợp ráp nối khác nhau, Nhận Biết Ký Tự Quang Học đành bó tay. Các dự đoán là aimo, amio, aniio, aiino, và thậm chí cả bài hát Old MacDonald’s Farm, aiiiio nữa. Nhưng thực ra, đây là chữ anno, tiếng La Tinh có nghĩa là “năm” và phần mềm chỉ nắm được hai mẫu tự ao. Còn 4 cột song song ở giữa, nó bỏ cuộc!

Để giải quyết nan đề trên, nhóm In Codice Ratio phải dạy phần mềm một số hiểu biết thường thức, thứ trí khôn thực tiễn. Họ thành lập một bộ gồm 1 triệu rưỡi các chữ La Tinh đã được kỹ thuật số hóa, và khảo sát chúng trong những kết hợp từng hai hay ba mẫu tự một. Từ việc này, họ xác định kết hợp mẫu tự nào là thông thường, và kết hợp nào không. Phần mềm Nhận Biết Ký Tự Quang Học sau đó có thể sử dụng các thống kê này để gán các khả thể cho các dây mẫu tự khác nhau. Kết quả, phần mềm học được rằng nn chắc chắn đúng hơn iiii nhiều.

Với những cải tiến trên được đưa vào, Nhận Biết Ký Tự Quang Học nay sẵn sàng tự đọc được một số bản văn. Nhóm quyết định nạp cho nó một số tài liệu từ Danh Bộ Vatican, tức tiểu bộ 18,000 trang của Văn Khố Mật của Tòa Thánh gồm các thư từ của các nhà vua ở Âu Châu về các vấn đề luật lệ và nhiều vấn đề khác.

Kết quả ban đầu khá lẫn lộn. Trong các bản văn được sao chụp cho tới nay, trọn 1 phần 3 các chữ chứa một hay nhiều lỗi in ấn, ở những chỗ Nhận Biết Ký Tự Quang Học đoán sai mẫu tự. Nó đại khái đọc như thế này trong tiếng Anh: “If yov were tryinj to read those lnies in a bock, that would gct very aiiiioying” (nếu bạn cố gắng đọc những giòng này trong một cuốn sách, thì bạn có thể rất bực mình). (những lỗi in ấn thông thường nhất bao gồm sự lẫn lộn m/n/i và một cặp thường bị lẫn lộn nữa là mẫu tự f và hình thức xưa và viết dài ra của mẫu tự s). Tuy thế, phần mềm đã có thể lấy đúng đến 96 phần trăm các mẫu tự viết tay. Thậm chí “ngay những sao chép thiếu sót cũng cung cấp đủ tư liệu và ngữ cảnh về bản chép tay đang có” để có thể hữu ích, Merialdo quả quyết như thế.

Giống mọi trí khôn nhân tạo khác, phần mềm sẽ được cải tiến với thời gian, với đà nó ngấu nghiến nhiều bản văn hơn. Điều đáng lưu ý hơn nữa là chiến lược tổng quát của In Codice Ratio rất dễ thích ứng để đọc các bản văn bằng các ngôn ngữ khác. Điều này có thể thực hiện cho các tài liệu viết tay điều mà Google Books làm cho các tài liệu in ấn: mở được các lá thư, các tập san, nhật ký, và các văn bản khác cho các nhà nghiên cứu khắp thế giới, làm cho cả việc đọc các tài liệu này lẫn việc tìm tòi các tư liệu có liên quan trở thành dễ dàng hơn nhiều.

Nhưng, theo Rega Wood, một sử gia về triết học và là 1 nhà chuyên môn về cách viết tay ngày xưa ở Đại Học Indiana, việc dựa vào trí khôn nhân tạo luôn có các giới hạn của nó. Bà cho biết: “vấn đề lớn là việc các thủ bản do các vị chuyên nghiệp viết nhưng được các vị không chuyên nghiệp sao chép lại” vì việc viết tay và hình dáng các mẫu tự thay đổi rất nhiều trong các tài liệu này, làm việc dạy Nhận Biết Ký Tự Quang Học trở thành khó khăn hơn. Ngoài ra, trong các trường hợp chỉ có một số nhỏ mẫu tư liệu để làm việc, “thì không dùng kỹ thuật này, không những việc sao chụp sẽ chính xác hơn mà còn nhanh hơn”.

Xin lỗi Dan Brown, chữ “mật” trong danh xưng Văn Khố Mật của Tòa Thánh không hề có nghĩa là giấu giếm hay thông đồng chi. Nó chỉ có nghĩa văn khố là tài sản riêng của vị giáo hoàng mà thôi; “văn khố riêng” có lẽ thích đáng hơn để dịch danh xưng nguyên thủy Archivum Secretum. Tuy nhiên, mới gần đây, Văn Khố Mật của Tòa Thánh cũng có thể mật đối với hầu hết thế giới, vì bị khóa kín và phần lớn chẳng mấy ai với tới. Theo Merialdo, “điều kỳ diệu đối với chúng tôi là đem các bản viết tay này trở lại sự sống và làm cho việc thấu hiểu chúng sẵn có đó đối với mọi người”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Lm. Vũ Hải Đăng nhân Đại Hội Thánh Mẫu La vang, Melbourne, Australia
VietCatholic Network
00:52 10/05/2018
 
VietCatholic phỏng vấn Cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở giáo đô Rôma
Đặng Tự Do
02:34 10/05/2018
Cha Bernado Cervellera, Giám đốc thông tấn xã Asia News, nguyên là Giám đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Trước đó, ngài từng là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh, và đã từng sang Việt Nam trong các phái đoàn của Tòa Thánh. Vì thế, ngài có một hiểu biết rất rộng về đời sống của Giáo Hội Công Giáo dưới ách của một nhà nước cộng sản vô thần nói chung, và hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam nói riêng.

Ngài và Asia News là tiếng nói bênh vực cho Giáo Hội Việt Nam tại ngay giáo đô Rôma trong tất cả những hoàn cảnh khó khăn trong thập niên qua như các biến cố Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu, Thủ Thiêm…Ngài thấu hiểu hoàn cảnh và có một trí nhớ phi thường về nhiều giáo sĩ tại Việt Nam như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cha Nguyễn Văn Lý và cả các giáo dân như luật sư Lê Quốc Quân; và nhiều câu chuyện tại Việt Nam như vụ Formosa, vụ nhà dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội…

Nữ phóng viên Thảo Ly của VietCatholic đã bay từ Úc sang giáo đô Rôma để có cuộc phỏng vấn với cha Bernado Cervellera tại trụ sở thông tấn xã Asia News ở số 11 Via Francesco Domenico Guerrazzi.

Toàn bộ cuộc phỏng vấn sẽ được dịch sang Việt Ngữ trong một video được phát hình trong những ngày tới. Dưới đây là những câu Thảo Ly đã hỏi ngài.

Trước hết, con muốn nhân cơ hội tuyệt vời này để cảm ơn cha rất nhiều vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.

Ngay tại đây, tại Rôma, trung tâm của Giáo Hội Công Giáo, tiếng kêu của chúng con vì những đau khổ vẫn còn đang tiếp diễn do bị bách hại, bị phân biệt đối xử, bị cướp bóc tài sản, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị hạn chế tự do tín ngưỡng trong một cơ chế “xin cho” đã được thế giới nghe thấy nhờ sự giúp đỡ lớn lao của AsiaNews.

Có một câu, người Việt chúng con thường nói “uống nước nhớ nguồn”. Nhiều linh mục và anh chị em giáo dân muốn con chuyển đạt lời cảm ơn và sự đánh giá cao của họ đến cha vì cha và AsiaNews đã là đôi mắt, đôi tai và tiếng nói ủng hộ họ trong suốt những năm qua. Xin cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội tại Việt Nam.

Công bằng mà nói, chúng con, các ký giả đã học được rất nhiều điều ở cha; không chỉ về cách thức trở thành một phóng viên có trách nhiệm, mà còn học được nơi cha tình yêu và sự chăm sóc huynh đệ mà cha và đồng nghiệp của cha tại AsiaNews đã dành cho chúng con, bất kể sự khác biệt của chúng ta về văn hóa và chủng tộc.

Ngày nay, Giáo hội ở Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối con đường hầm quá dài trong một xã hội được đánh dấu bởi quá nhiều những hành vi bất công, bất nhân, phân biệt đối xử và loại trừ. Tuy nhiên, chúng con không cảm thấy cô đơn. Cảm ơn cha rất nhiều.

Câu thứ nhất: Thưa Cha Bernardo, AsiaNews đã trở thành một điểm tham chiếu cho rất nhiều người muốn có một sự hiểu biết sâu sắc về Giáo Hội tại Á châu. Là một linh mục người Ý, điều gì đã khiến cha trở nên quan tâm đến vấn đề tôn giáo và chính trị xã hội ở châu Á?

Câu thứ hai: Trước năm 2008, là năm được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng tại Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, hầu hết các phóng viên Công Giáo Việt Nam đã viết các bài báo bằng tiếng Việt, chứ không bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đối mặt với một nguy cơ của một cuộc trấn áp quyết liệt, có thể là một cuộc đàn áp Thiên An Môn khác, chúng con bắt đầu thấy một nhu cầu cấp thiết để thông báo cho thế giới những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Cha đã từng lãnh đạo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và bây giờ là tổng biên tập của AsiaNews, cha nghĩ gì về sức mạnh của internet và công nghệ mới trong cuộc chiến khó khăn để bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo?

Câu thứ ba: Nhiều phóng viên trẻ ở Việt Nam muốn được nghe lời khuyên của cha về cách chúng con có thể trở thành nhà báo hiệu quả, làm thế nào chúng ta có thể thu hút sự chú ý của quốc tế?

Câu thứ tư: AsiaNews rất được ưa chuộng đối với người Công Giáo Việt Nam và những người có liên quan, các bài báo dịch từ AsiaNews đã trở thành một phần của những mục yêu thích hàng ngày của độc giả Việt Nam. Xin cha nói thêm một chút về lịch sử của AsiaNews và viễn kiến của cha dành cho cơ quan này.

Câu thứ năm: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cha có điều gì muốn nói với các độc giả Việt Nam của Asia News không?

Cảm ơn Cha Bernardo đã dành cho con cuộc phỏng vấn này và một lần nữa, cảm ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho Giáo Hội ở Việt Nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhà Thờ và Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có bị cưỡng chế và bị diệt vong hay không?
Đồng Nhân
11:01 10/05/2018
Ngày Chúa Nhật 6/5/2018 vừa qua tôi có đọc một bài viết mang tựa đề "Người ở Thủ Thiêm" của tác giả Khải Đơn đăng trên VnExpress.net. Tác giả có những nhận định về những đổi thay hiện nay một cách rất tinh tế và sâu xa như sau:

Khu đất Dòng Thủ Thiêm
"Những người chịu tái định cư đã hóa thành hình thái khác so với cuộc sống của chính họ trên bán đảo này trước đó. Những căn nhà dần khép kín cửa. Mọi người lặng lẽ và xa cách hơn, như biết bao cư dân đô thị, ở cạnh nhau cả đời và không hề biết mặt. Nhưng phòng khám của các soeur thì khác. Họ vẫn rộng cửa, kê bàn ghế và mời nước ở khoảng sân chung. Nhiều bệnh nhân đến đây để được săn sóc và chữa bệnh. Họ hầu hết là cư dân cũ sau cuộc giải tỏa trắng ở Thủ Thiêm hoặc không còn tiền đi chữa bệnh chỗ khác. Một anh lái xe ba gác bán trái cây dưới sân chung cư bị tông xe, anh không thể đi lại bình thường khi vết thương đã liền nên cần vật lí trị liệu. Một bà lão nghèo bị đau cột sống không ngủ được. Cậu giang hồ dáng vẻ hùng hổ bị tai nạn lao động, hàng tuần cũng đạp xe tới tập trị liệu...

Những soeur già đó đã sống cả đời ở Thủ Thiêm. Họ biết anh lái xe ba gác là con ai, cậu giang hồ là em người nào, những đứa trẻ đang chạy trong hành lang là con cháu gia đình nào. Họ trò chuyện với người già, canh chừng trẻ con chơi và chỉ dạy những cô cậu mới lập gia đình về lễ nghĩa ở đời. Họ là nhân chứng và bằng chứng cho thấy rằng từng tồn tại một cộng đồng dân cư có linh hồn ở Thủ Thiêm này.

Dù đã bước lên những tầng cao chung cư đầy lạnh nhạt và tươm tất, Thủ Thiêm chính là sinh cảnh khiến họ trở về bên nhau, gần gũi thân quen như thuở còn sống dọc những con đường đi thẳng ra bờ sông gió lộng.

Các Sơ kiên trì phản đối di dời và cướp đất
Giờ đây, đằng sau câu hỏi về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm mới dấy lên, với tôi còn là chuyện số phận của hơn 15.000 cư dân đã bị “quét” khỏi những ngôi nhà bị giật sập. Trong khi câu trả lời chưa thành hình, từng đoàn người vẫn chờ đợi trước cổng cơ quan chức năng để khiếu nại tìm câu hỏi về mái nhà của họ."


Tôi không biết tác giả là ai, nhưng như chính chị bộc bạch là: "Tôi sống ở một chung cư tái định cư dành cho dân Thủ Thiêm về suốt ba năm. Đối diện tòa nhà là phòng khám cho người nghèo của những soeur là bác sĩ, điều dưỡng Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm." Nghĩa là dù chỉ có 3 năm biết về hoạt động của các Soeurs Thủ Thiêm nhưng chị đã cảm nhận được một điều rất quan trọng là các nữ tu này là: "linh hồn cho cộng đoàn dân cư ở Thủ Thiêm này".

Với quá trình gần 200 năm hiện diện nơi này, nhưng nay những người quy hoạch thành phố mới muốn dẹp bỏ không những là cơ sở vật chất với biết bao dấu vế về lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo... và cả ngay linh hồn của Thủ Thiêm thì không biết họ quy hoạch kiểu nào? Chỉ có thể nói đó hoàn toàn là vì lợi ích và tư lợi cá nhân của nhóm trục lợi của những người cầm quyền mà thôi, vì đất sau khi quy hoạch đã đẩy giá từ 1 ngàn lên đến cả triệu đồng!

Trong vài ngày qua tình hình giải tỏa quy hoạch dự án Thủ Thiêm trở nên sôi động vì những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố hay tổ đại biểu quốc hội VN với nhữn người dân bị di dời... Càng giải thích càng rối mù. Nào là bản đồ quy hoạch thành phố đã mất tích, nào là ranh giới quy hoạch dự án lúc thế này lúc thế kia; bất cập trong công tác bồi thường, chậm giải quyết đơn thư khiếu nại… Theo báo diện tử VnExpress tường trình thì những vấn đề nêu trên "khiến người dân bức xúc, thậm chí gay gắt khi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội. Họ khiếu nại đã 20 năm qua, ra cả trung ương phản ánh, song đây là lần đầu tiên chính quyền lắng nghe họ".

Báo này viết như sau: "Ông Nguyễn Phước Hưng (Chủ tịch UBND quận 2) cho biết: "Đơn nào gửi cho UBND quận 2, chúng tôi đều kiểm tra và giải quyết khiếu nại. Bà con không đồng tình có thể khiếu nại lên trên. Riêng về mặt pháp lý xác định ranh đất, UBND quận 2 không trả lời được, chờ kết luận của UBND thành phố. Chủ tịch quận 2 vừa dứt lời, cả hội trường vang tiếng phản ứng: "UBND quận 2 là đơn vị triển khai thu hồi đất của dân mà không xác định được ranh, thu hồi kiểu gì".

Dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin liên quan tới Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm trong những ngày tiếp theo đây sẽ bị cưỡng chế di dời hay không? Hoặc vì Nhà thờ và Nhà Dòng thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm nên sẽ được bán đấu giá?

Dư luận và nhiều người Công Giáo tại Việt Nam bày tỏ sự hoang mang trước thông tin, được báo chí truyền tải vào ngày 1 tháng 5, về Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.

Trong tuần qua, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn về tình hình Thủ Thiêm, Giáo dân là ông Giuse-Cao Thăng Ca, người người phụ trách pháp lý của Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm, khẳng định với RFA rằng không có việc di dời xảy ra vì:

Ông Nguyễn Thiện Nhân tới thăm Dòng
“Thực chất nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm theo quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh đến giờ phút này vẫn còn được phép tồn tại. Hiện nay vấn đề pháp lý về quy hoạch đối với hội dòng và nhà thờ không thể chối cãi và phủ nhận được. Nếu bất kỳ một người nào muốn tìm thông tin về quy hoạch về Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm chỉ cần vào trang web ‘Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh’ thì thấy bản vẽ cho đến năm 2018 nhà thờ và nhà dòng vẫn tồn tại. Mới nhất đây, ông Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho công ty của Hàn Quốc là Công ty Lotte để đầu tư làm khu lõi trung tâm thành phố-khu thành phố văn minh, thì trong bản vẽ này vẫn vẽ nhà thờ và nhà dòng tồn tại.”

Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm có khoảng 3000 giáo dân tại giáo xứ Thủ Thiêm và hiện chỉ còn khoảng 400 đến 500 giáo dân vì số còn lại đã bị giải tỏa, di dời. Tuy nhiên, các gia đình giáo dân vẫn kiên trì đòi công lý, bảo vệ đất đai nhà cửa của họ và Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

“Hiện nay Cha xứ là Cha Lê Đăng Niêm, mặc dù sức khỏe của Ngài rất kém do bị tai biến nhưng Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tài sản, bảo vệ đoàn chiên. Ngài là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo. Thành ra, chúng tôi cũng cương quyết gìn giữ và bảo vệ được nhà thờ, không cho bất kỳ một thế lực hay nhóm lợi ích nào xâm hại đến nhà thờ.”

Trước sự kiện có tính cách sống còn của Nhà thờ và Nhà Dòng Thủ Thiêm, và qua đó là sự tôn trọng tự do tôn giáo, chúng tôi kêu gọi toàn thể người Công Giáo Việt Nam khắp nơi hãy lên tiếng mạnh mẽ phản đối Nhà cầm quyền Việt Nam có ý đồ chiếm đoạt và tiêu diệt di sản văn hóa và tôn giáo không những của các nữ tu mà còn cả của người dân Thủ Thiêm. Xin những vị hữu trách thuộc Tòa TGM Saigòn và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hãy làm mọi cách để ngăn chặn ý đồ chính quyền địa phương muốn phá sản truyền thống văn hóa và tôn giáo của các cơ sở Tôn giáo ở Thủ Thiêm.

Đồng Nhân

Lịch sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
(Trích trang Web MTG Thủ Thiêm)

1. Lịch sử khai sinh Hội dòng:

Thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, nhất là trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833, chính quyền bắt hại đạo dữ dội hơn, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều Tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các Tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840. Nhưng chẳng được bao lâu, chị em lại phải đi lánh nạn, tá túc ở Xóm Chiếu, Rạch Chông,... vì tình hình an ninh quá bất ổn, quân Pháp chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, bên cạnh đó, vùng Thủ Thiêm lại bị cọp beo hoành hành dữ dội.
Năm 1859, sau khi Pháp chiếm đánh Sài Gòn, tình hình tương đối ổn định, Đức cha Lefèbvre đã nhờ một số linh mục đi tìm và quy tụ các chị em nữ tu đang lánh nạn khắp nơi trong địa phận của ngài về Thủ Thiêm để tiếp tục sống Ơn gọi tu trì.

2. Địa chỉ Hội dòng:

76 khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố HCM.

Các hoạt động của Hội dòng tại Việt Nam (sau năm 1975):

a. Đức Tin:
- Phụ trách Giáo lý các cấp: Rước lễ lần đầu, Thêm sức, Thiếu nhi Thánh Thể, Tân Tòng, Giáo lý Hôn nhân,... Giáo Lý Viên.
- Làm việc mục vụ: phục vụ phòng thánh, cắm hoa, giặt áo lễ,.. .
- Trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ và cho bệnh nhân tại nhà họ.
- Phụ trách ca đoàn và một số đoàn thể khác trong Giáo xứ
- Tập hoạt cảnh, dâng hoa, văn nghệ trong giáo xứ
- Thăm viếng, an ủi và nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, người nghèo, gia đình rối.
- Phụ trách Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế tại một số Giáo xứ: gồm anh chị em giáo dân sống tinh thần Mến Thánh Giá.

b. Giáo dục
- Dạy Văn hóa, giáo dục nhân bản: Mẫu giáo, dạy kèm học sinh cấp I (nội trú)
- Dạy học trong trường nhà nước
- Nhà Nội trú: chăm sóc, hướng dẫn và dạy kèm các em học sinh (cấp I. II. III)
- Dạy ngoại ngữ (Anh, Pháp), đàn, cắm hoa, trang trí và vi tính.

c. Y tế:
- Tai Nhà Mẹ Hội dòng và một số cộng đoàn có phòng khám (điều trị kết hợp Đông y và Tây y): châm cứu, bấm huyệt và phát thuốc chữa bệnh, ưu tiên phục vụ người nghèo miễn phí.
- Một số chị em phục vụ trong các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương

d. Xã hội:

* Lớp học Tình thương:
- Tại Hội dòng và một số cộng đoàn mở lớp tình thương cho trẻ em nghèo thất học, không đủ điều kiện (giấy tờ) để vào trường nhà nước. Các em được giáo dục nhân bản, được trợ cấp sách vở, dụng cụ học tập, học văn hoá và được bồi dưỡng nhẹ trong các buổi học.
Hằng năm, sau khi các em học một năm tại lớp Tình Thương của Hội dòng, nếu còn trong độ tuổi lớp 1 các em sẽ được chuyển ra trường để học chương trình phổ thông. Còn các em học hết lớp 4, đều được chuyển ra trường ngoài học tiếp theo.
Hội dòng cũng liên hệ chính quyền làm giấy khai sinh cho nhiều em trễ hạn, để các em có hồ sơ hoàn chỉnh vào trường chính quy.

* Cấp học bổng
- Tại Nhà Mẹ: Thường có ba dạng học bổng: có những em nhận tiền từ đầu năm, mỗi năm 200.000-300.000 đồng; số khác nhận học bổng Nhật: mỗi tháng 200.000-250.000 đồng; phần còn lại lãnh học bổng phát sinh, mỗi tháng 50.000 đồng. Nhờ có học bổng, gia đình các em có thể đóng tiền đầu năm, duy trì việc học cho trẻ. Một số các em chuyển ra trường phổ thông cũng phải đóng hàng tháng 50.000 đồng.
Hội dòng liên hệ với các hội từ thiện và cha mẹ đỡ đầu giúp học bổng cho một số học sinh nghèo có đủ điều kiện để theo học chính quy từ lớp 01 cho đến khi hoàn tất chương trình phổ thông; những em có khả năng vào Đại học, vẫn được tiếp tục nhận học bổng cho đến khi ra trường.

* Huấn nghệ
Mở lớp huấn nghệ miễn phí dạy tại Hội dòng: thêu, may, vi tính, đàn, Anh văn, vẽ và giới thiệu học nghề miễn phí ở nơi khác (sửa xe, điện lạnh, điện tử...).
Nghề thêu, sau khi mãn khoá học, tổ thêu của Hội dòng giao hàng đến các nơi tiêu thụ, giúp các em có việc làm. Có những em có thể nhận hàng thêu cao cấp.

* Quán cơm Tình Thương
Được sự giúp đỡ của Hội Huynh đệ Việt Nam - Canada, quán cơm tình thương ra đời ngày 01-4-1992, phục vụ cơm trưa miễn phí cho người nghèo; bán với giá đặc biệt (chỉ bằng một nửa so với bên ngoài) cho các công nhân viên, học sinh, người lao động nghèo... Hàng ngày, chị em phục vụ cơm trưa cho khoảng 30-40 người với giá mỗi phần ăn từ 1.500 đến 3.000đ. Quán cơm duy trì cho đến cuối năm 2006 thì ngưng hoạt động, vì người dân phải di tản đến nơi khác, vùng Thủ Thiêm đang trong chính sách giải toả.
Hàng tháng, khoảng 70 gia đình già yếu, neo đơn, tàn tật, mồ côi đến nhận tiền (=10 kg gạo).

* Giúp bệnh nhân nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS
- Từ năm 2002 đến 2004, Hội dòng giúp các em trong giáo xứ cai nghiện ma tuý theo phương pháp tâm linh và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh AIDS giai đoạn cuối. Tổ chức cho các phụ huynh của các em bệnh cũng tham gia cầu nguyện hàng tuần. Hội dòng cùng hỗ trợ bằng lời cầu nguyện.
- Có một chị em đang phục vụ bệnh nhân AIDS tại Trọng Điểm (Cộng đoàn Mai Linh)

* Mục vụ di dân
Lập nhà Trọ Di dân Lâm Bích tại Búng. Mục đích nhà trọ này là tạo điều kiện cho các thiếu nữ nghèo từ các nơi xa (Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Nghệ An, Vinh, Bắc Cạn,...) có nơi trọ an toàn. Đây không chỉ là nơi trọ, hằng tuần, Hội dòng cho chị em đến giúp các thiếu nữ về nhiều phương diện: nâng cao kiến thức về nhân bản, chăm sóc sức khoẻ và những vấn đề xã hội; dạy nghề, cụ thể là mở lớp huấn nghệ thêu may.
* Phục vụ dân tộc thiểu số (Có 2 cộng đoàn tại Pleiku và Di Linh)

Điều kiện gia nhập Hội dòng:

- Tuổi từ 17 đến 23, trên 23 tuổi cần có phép chuẩn của chị Tổng Phụ trách;
- Trình độ học vấn: hết cấp III.
- Được Cha Xứ giới thiệu;
- Không bị sa thải từ một Dòng khác;
- Nếu ứng sinh mới gia nhập Giáo hội, tính từ lúc rửa tội đến khi gia nhập Thanh Tuyển tối thiểu là ba năm, cần Xem xét mức độ trưởng thành về đời sống đức tin của ứng sinh;
- Có sức khỏe thể lý và tâm lý bình thường;
- Gia đình không có người mắc bệnh thần kinh.

3. Địa chỉ liên lạc về Ơn gọi:

- Nhà Mẹ Hội dòng:
76 khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh
Tel: (08) 7400455 - (08) 7400029

- Cộng đoàn Anna:
L 44/11 phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai
Tel: 0613 877592 - 0613 241882

- Cộng đoàn Bảo Lộc:
2 Bế Văn Đàn, Phường B’Lao, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Tel: 063 864954

4. Cộng tác về chuyên môn của Hội dòng trong công việc phục vụ chung:

- Từ năm 1980, chị em cộng tác với Tòa soạn Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1991, chị em phục vụ tại Trung Tâm Công Giáo Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 1992, chị em cộng tác với Nhóm Giáo Lý Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1999, chị em cộng tác với Ban Điều Hành Lớp Thần Học Liên Hội dòng Mến Thánh Giá.
- Từ năm 2000, chị em làm việc trong Nhà Sách Giáo phận Xuân Lộc.
- Từ tháng 11-2000, chị em cộng tác trong lớp nhạc Quê Hương do cha Giuse Nguyễn Xuân Thảo (OFM) tổ chức để dạy xướng âm cho tu sĩ và giáo dân
- Từ tháng 12-2003, chị em làm việc cho Văn phòng “Bài Giảng Chúa Nhật” tại Toà tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 2004, chị em cộng tác với Giáo phận Tp. HCM làm việc tại Trọng Điểm giúp bệnh nhân AIDS.
- Từ tháng 8-2006, chị em làm việc cho báo “Hiệp Thông” của Hội đồng Giám mục, văn phòng đặt tại Toà tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ tháng 10-2006, chị em cộng tác với các cha Dòng Tên trong việc "Huấn luyện tác viên Tin Mừng", cầu nguyện với Lời Chúa.
- Từ tháng 02-2007, chị em cộng tác với Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh huấn luyện Giáo lý viên. Đồng thời làm việc với nhóm Giáo lý thuộc Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 2007, chị em cộng tác với Ủy Ban Bác Ái Xã Hội làm việc tại Trung Tâm Công Giáo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bổ túc tài liệu về Thánh Anê Lê Thị Thành, giáo dân giáo phận Phát Diệm
Kim Ân
17:31 10/05/2018
THÁNH ANÊ LÊ THỊ THÀNH[1], GIÁO DÂN

1781-1841


Cuộc đời người phụ nữ Công Giáo có tên Anê Lê Thị Thành, quen gọi bà Đê, hẳn đã chìm vào quên lãng, nếu không có những cuộc bách hại đạo Công Giáo dưới thời các vua nhà Nguyễn. Thiên Chúa đã muốn cho tấm gương đạo hạnh của bà được muôn đời biết đến, nên đã xếp đặt để dung mạo một phụ nữ bình dị trở nên gương mẫu đức tin cho nhiều người. Phần cuộc đời bà Đê được thuật lại dưới đây là những chắp nối từ những ký ức thủa ấu thơ của bà Luxia Nụ và Anna Năm, hai người con của bà Đê.

Tuổi trẻ nhiều biến động

Anê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại Bái Đền[2], cũng còn gọi là Gia Miêu[3], thuộc trấn Thanh Hoa nội. Cha mẹ bà đều thuộc các gia đình đã theo đạo từ lâu và sinh được hai con gái, bà Thành là chị, bà Thuộc là em. Thân phụ bà Thành là người khô khan, lại buồn vì không có con trai, nên đi lấy vợ lẽ. Vì sợ rằng ở lại quê nhà trong tình trạng gia đình như thế sẽ dễ mất đức tin, thân mẫu bà Thành đưa hai con trốn đi đến cư ngụ tại thôn Đồng, thuộc làng Phúc Nhạc, huyện Yên Khang, trấn Thanh Hoa ngoại. Mấy mẹ con buôn bán trầu cau, chè thuốc độ nhật.

Năm 17 tuổi, Anê Lê Thị Thành kết hôn với một nông phu cũng thuộc thôn Đồng, ông Nguyễn Văn Nhật[4]. Ông bà sinh con đầu lòng, đặt tên là Đê, từ đó, dân làng quen gọi ông bà theo tên người con trưởng. Ông bà sinh hạ được hai con trai, Đê và Trân[5], và bốn con gái, Thu, Năm, Nhiên và Nụ[6].

Gia đình đạo đức

Cả hai ông bà Đê đều hiền lành, sống rất hòa thuận với nhau. Không giống đa số các gia đình miền quê, ông bà không cãi cọ nhau, cũng không bao giờ lăng xăng xen mình vào chuyện của người khác. Bà Đê rất siêng năng các việc đạo đức, chăm chỉ đọc kinh tối sáng, thường xuyên đi nhà thờ, xưng tội rước lễ đều đặn. Bà thường xưng tội hai tháng một lần.

Cô Luxia Nụ kể rằng:

- Thân mẫu chúng tôi rất để tâm dạy dỗ chúng tôi. Chính bà dạy chúng tôi tập đọc và dạy chúng tôi học giáo lý. Khi chúng tôi đã lớn khôn, bà dạy chúng tôi cách dự lễ, rước lễ. Không ai trong các anh chị em chúng tôi được phép lơ là xưng tội. Khi chúng tôi tỏ ra hơi chần chừ, bà không để cho chúng tôi được yên cho tới khi nào chúng tôi đến với tòa giải tội. Thân mẫu chúng tôi cũng để tâm cả đến lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà không chịu nổi sự xao lãng của con cái đối với những việc đọc kinh tối sáng ngày thường. Thân mẫu cũng cho chúng tôi gia nhập nhóm các trinh nữ và tham gia nhóm các thiếu nữ thưa kinh.

Cô Anna Năm cũng kể lại rằng:

- Cha mẹ chúng tôi lo gả chúng tôi cho những người đạo hạnh. Sau khi chúng tôi lấy chồng, thân mẫu chúng tôi thường đến thăm, khuyên nhủ những điều tốt lành. Tôi nhớ thân mẫu từng nói rằng: “Con lấy chồng theo thánh ý Chúa, đó là một gánh rất nặng. Con phải sống tốt lành, đừng cãi lại bố mẹ chồng. Hãy quảng đại đón nhận thánh giá Chúa gửi đến”. Thân mẫu cũng bảo vợ chồng tôi: “Các con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe thấy các con cãi cọ nhau.”

Vốn thương người bất hạnh, bà Đê hay bố thí cho họ. Lòng bác ái của ông bà Đê biểu lộ rõ nét nhất đối với các linh mục người Việt cũng như người ngoại quốc. Trong thời cấm đạo, nhà ông bà là nơi ẩn trốn cho nhiều vị như cha Khoan, cha Kim, cha Ngân, cha Thành. Các vị này thường ở chỗ riêng trong nhà. Mỗi đêm, các vị âm thầm dâng thánh lễ, thường có bà Đê tham dự. Chính việc bác ái này đã khiến bà Đê bị bỏ tù, sau đó chịu chết rũ tù.

Liệt nữ kiên trung

Vào tháng 3-1841, bốn linh mục ẩn trốn tại xứ đạo Phúc: hai vị là những thừa sai người Pháp vừa đặt chân tới Việt Nam, cha Berneux và cha Galy, hai vị kia, cha Thành và cha Ngân, là người Việt. Các tín hữu đã đưa cha Berneux tới trốn trong Dòng Mến Thánh Giá tại Yên Mối[7]. Nơi trú ẩn của cha vừa thấp, vừa tối, khiến cha phải khốn khổ. Cha Berneux viết cho cha Thành như sau: “Con chẳng thể ra ngoài cả ngày lẫn đêm. Cả ngày con phải ngồi gò người xuống. Chỉ đôi khi mới có vài tia sáng lọt vào qua khe cửa. Con xin Cha liệu cho con một chỗ trú ẩn tiện lợi hơn”.

Cha Thành lúc đó đang ở nhà ông Phaolô Thức[8], liền nhường chỗ trú của mình cho vị thừa sai và đến xin trú ở nhà bà Đê. Bà Đê nhận lời ngay.

Tai họa ập tới theo cách không ai ngờ tới. Cha Thành có người giúp việc cũng là một thầy giảng[9] tên Để, không hiểu vì quá giận hay tham tiền, đã tố cáo với quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh rằng có linh mục Tây dương trú ẩn tại Phúc Nhạc. Quan tổng đốc liền dẫn đông đảo quân lính bất ngờ ập tới Phúc Nhạc đúng vào sáng ngày Lễ Phục Sinh. Quân lính bao vây làng, từ phía tây đến nhà một trong những thân hào trong làng là ông Tịch[10]. Cha Berneux và cha Galy bị lọt giữa vòng vây. Cha Thành và cha Ngân ẩn trốn ở những nơi nằm bên ngoài vòng vây.

Quan truyền cho mọi người đàn ông ở trong vòng vây phải ra trình diện và phải lên tiếng khi được gọi tên. Lúc này cha Berneux đang dâng lễ ở nhà ông tổng Thức. Ông Thức tới báo cho cha:

- Cha ơi, các quan đem quân đến bao vây kín rồi, cha con ta không thể thoát được.

Cha Berneux vẫn bình tĩnh tiếp tục dâng lễ, gương mặt ngời sáng niềm vui siêu nhiên. Xong thánh lễ, ông tổng Thức thận trọng dẫn cha tới nhà lẻ của Dòng Mến Thánh Giá tại Phúc Nhạc. Ông đưa cha lên trốn ở gác bếp. Chẳng may, gấu quần của cha thò xuống. Khi quân lính đến khám xét, họ phát hiện ra gấu quần của cha và lôi cha ra. Mặt mũi và quần áo cha nhọ nhem đầy bồ hóng. Hai chị Dòng Mến Thánh Giá, chị Khiêm và chị Thanh, núp ở bụi tre trong vườn nhà dòng, òa lên khóc khi thấy cha Berneux bị bắt. Quân lính liền bắt cả hai chị và giải cả ba người đến chỗ quan tổng đốc.

Cha Galy lúc đó trốn ở nhà ông trùm Cơ[11]. Ông trùm dẫn cha chạy đôn chạy đáo tìm chỗ trú ẩn, nhưng nhà nào cũng từ chối. Ông trùm Cơ lại dẫn cha trở về nhà, rồi đưa cha sang vườn nhà bà Đê vốn ở gần nhà ông. Bà Đê chỉ cho cha một cái rãnh và nói:

- Xin cha ẩn ở đây. May ra chỉ có phép lạ mới cứu cha thoát khỏi tay quân lính. Nếu họ bắt được cha, họ cũng sẽ bắt cả con nữa.

Rồi bà Đê và cô Nụ lấy chà rào và rơm rạ che chỗ cha ẩn núp. Thế nhưng quân lính đã nhìn thấy vị thừa sai. Họ ào tới bắt cha và bắt luôn cả bà Đê, vì tội đã cho vị thừa sai ẩn trốn trong đất nhà bà. Những đầu mục ngoại giáo trong làng như ông tư Phác, ông chánh tổng Cơ, ông phó tổng Dư, ông khán Lễ và những người đứng đầu họ đạo như ông trương Oai, ông Khán Hiếu, ông trùm Cơ và ông xã Tuệ cũng cùng bị bắt với ông bà Đê[12]. Tất cả bị giải ra đình làng. Quân lính trói tất cả lại, đàn ông hai tay bị trói trước ngực, đàn bà tay bị trói giật ra sau lưng. Tất cả bị đóng gông. Quân lính tràn vào cướp phá nhà bà Đê. Họ lấy đi lúa gạo, quần áo.

Khi hay tin bà Đê bị bắt, hai người con gái lấy chồng ở làng bên tìm cách tiếp tế chút lương thực cho bà. Họ bị quân lính đánh đập giã man. Hai cô lại tìm cách chuyển thức ăn cho ông Đê và ông lén lút đưa cho bà.

Đoàn người bị giải đi Nam Định. Họ phải đi bộ hầu như suốt đêm. Vì gông quá nặng, bà Đê không mang nổi, nhiều lần những người khác phải đỡ cho bà.

Khi tới Nam Định, bà Đê bị giam chung với hai chị Dòng Mến Thánh Giá, chị Anna Khiêm và Anê Thanh, ở phòng giam gần dinh quan án sát.

Ít ngày sau, bà Đê bị dẫn ra công đường. Trước những lời đe dọa, những lệnh truyền chối đạo của các quan, bà Đê trả lời:

- Bẩm quan lớn, tôi tôn thờ Thiên Chúa, tôi chẳng bao giờ chối bỏ đạo của Chúa Cả vạn vật.

Các quan truyền đánh bà rất tàn bạo. Quân lính còn làm quá những gì các quan truyền cho họ khi dùng khúc củi đánh bầm tím chân tay bà. Bà Đê không hề lùi bước. Khi gặp ông trong nhà giam, bà giải thích với ông như sau:

- Đúng là họ đánh tôi tàn bạo quá lẽ. Ngay cả đàn ông có lẽ cũng không đủ sức chịu đựng những cực hình như thế, nhưng tôi được Đức Mẹ thêm sức nên tôi chẳng cảm thấy đau đớn gì cả.

Trong cuộc thẩm vấn thứ hai và thứ ba, bà Đê vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ. Các quan truyền cho quân lính lôi bà qua thập giá, trong khi những tên quân khác vẫn đánh đạp bà. Nghe lệnh này, bà Đê nằm lăn ra đất và nói:

- Lạy Chúa, con nài xin Chúa giúp con. Con không muốn chối bỏ đức tin vào Chúa, nhưng con chỉ là đàn bà yếu đuối, mà họ lôi con qua thập giá.

Các quan lại truyền đánh bà dữ hơn, rồi giải bà vào trong ngục. Những trận đòn đã bào mòn sức lực của bà Đê. Bà không đi nổi mà phải có người dìu đi. Ông Đăng[13], một người chứng kiến những cảnh này kể lại:

- Bà Đê đã chịu biết bao nhiêu cực hình, đến nỗi khắp thân thể bà chỗ nào cũng đầy máu me sưng tấy. Tuy vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, lại còn muốn chịu khổ nhiều hơn.

Thế nhưng, vì bà đã nhiều tuổi, các quan không dám đối xử với bà tàn bạo như đối với hai chị Dòng Mến Thánh Giá. Chị Thanh và chị Khiêm đã bị lột quần áo giữa công đường. Một chị đã nói thẳng với quan:

- Quan làm thế là sỉ nhục chúng tôi, quả đúng như vậy, nhưng quan cũng sỉ nhục cả vợ quan nữa.

Quan nghe thế lại cho các chị mặc quần áo vào, rồi sai lính túm ống tay áo và ống quần lại và thả rắn vào người các chị. Những bản tường thuật không cho chúng ta biết bà Đê có phải chịu kiểu hành hạ này hay không. Bà Đê và hai chị dòng lại bị dẫn vào ngục. Lúc đó, cô Luxia Nụ, con gái bà Đê tới thăm, tới thăm bà. Thấy áo quần thân mẫu bê bết máu, cô Nụ òa lên khóc. Bà Đê liền an ủi con gái rằng:

- Con ơi, làm sao con lại khóc? Mẹ được mang những bông hoa hồng đấy.

Bà Đê còn nói thêm với cô rằng:

- Con về coi sóc cửa nhà, đừng lo cho mẹ. Mẹ biết tự lo cho mình.

Khốn cực chốn lao tù và những đòn roi dữ dội đã khiến bà Đê kiệt sức, thêm vào đó, bà còn bị căn bệnh kiết lỵ hành hạ.

Các vị thừa sai gửi đến cho bà thuốc trị bệnh. Hai chị Dòng Mến Thánh Giá cũng hết lòng tận tụy săn sóc bà. Một vị linh mục tới cho bà lãnh nhận bí tích hòa giải và giúp bà dọn mình đón nhận cái chết. Vị linh mục này cho rằng thực ra mình đến để được chiêm ngưỡng thái độ sẵn sàng đầy thánh thiện của bà. Các bạn tù thường nghe bà lặp đi lặp lại như sau:

- Lạy Chúa, Chúa đã chịu đóng đinh vì con, con xin bằng lòng vâng theo ý Chúa. Con xin phó linh hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa tha thứ tội lỗi con.

Cái chết thánh thiện

Khi bà lâm cơn hấp hối, ông Đê và hai chị dòng tới đọc kinh cầu nguyện và phó linh hồn bằng công thức quen dùng: “Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu linh hồn Anê!” Bà Đê cũng thầm đọc theo những lời này. Rồi ba mở miệng lẩm nhẩm lời cầu nguyện mà bà ưa thích: “Lạy Chúa, con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa. Xin cho con được ơn vâng theo thánh ý Chúa mọi nơi mọi lúc”. Cứ như thế, bà Đê trút hơi thở sau cùng vào ngày 12-7-1841.

Mộ các vị tử đạo tại nhà thờ Phúc Nhạc GP. Phát Diệm
Theo thông lệ triều đình lúc đó, để nhận thật phạm nhân đã chết, các quan truyền lấy lửa đốt bàn chân bà, xác bà không hề động đậy. Các quan liền tuyên bố bà đã chết thật. Quân lính đặt xác bà trong quan tài do Nhà Chung mua, rồi đưa quan tài đến pháp trường Năm Mẫu và chôn cất bà ở đó. Sau này, một người dân Nam Định kể lại rằng:

- Sau khi nhận thi hài bà Anê Đê, chúng tôi đem thi hài tới trại lính, ở đó, chúng tôi đã dọn sẵn một cỗ quan tài. Từ thi hài bà tỏa ra hương thơm dễ chịu, gương mặt bà còn đẹp đẽ và tươi tỉnh hơn lúc còn sống.

Một thời gian sau, giáo dân đã lén lút đào xác vị chứng nhân anh hùng và đưa về chôn cất ở vườn nhà bà tại Phúc Nhạc. Ký ức về cái chết thánh thiện của bà đã mãi in sâu trong lòng giáo dân Phúc Nhạc. Nhiều người vẫn luôn lặp lại rằng: “Xin Chúa cho con được chết như bà Anê Đê!” Những người khác nhận xét rằng: “Dù bà Anê Đê đã không bị chém đầu, nhưng rõ ràng bà đã chết vì đức tin. Vậy phải kể bà vào số những đấng tử đạo”.

Năm Tự Đức thứ 30, 1881, cha thừa sai Bản đưa di cốt bà Anê Đê đặt chung với bẩy vị tử đạo khác trong một ngôi mộ nằm ở khuôn viên nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc.

Ngày 2-5-1909, Đức Piô X tuyên bố bà Anê Đê thuộc bậc chân phúc. Ngày 19-6-1988, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên thánh bà Anê Đê.

Kim Ân

[1]Phần về thánh Anê Lê Thị Thành, chúng tôi phỏng dịch theo Adrien Launay, Les trente-cinqvénérables serviteurs de Dieu, Paris 1907. Chúng tôicó tham khảothêm một sốtài liệu khác, trong đó có cuốn Quan Quang Nam Việt – II, truyện sáu thánh tử vì đạo địa phận Hanoi, Hà Nội 1931; và cuốn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam. Tập I-II. Hà Nội 1990.

[2]Tên địa danh xuất hiện trong bản tiếng Pháp đã ghi trên đây là Bai-den. Chúng tôi ghi tên gọi Bái Đền theo bản văn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Chúng tôi cũng xin ghi nhận thêm rằng A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin. Documents Historiques. I. 1658-1717. Paris 1927, 441, khi nói đến các giáo xứ ở trấn Thanh Hoa nội do các cha Dòng Tên phụ trách, vào năm1701, có nhắc đến Bai-dien. Xem thêm Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Hà Nội 2008, 380-381.

[3]Theo bộ Đồng Khánh địa dư chí, tổng Thượng Bạn thuộc huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tổng Thượng Bạn có trang Gia Miêu Ngoại, Gia Miêu Nội, và Gia Miêu Thượng.

[4]Tên gọi trong bản văn tiếng Pháp là Nguyen-van-Nhat, chúng tôi ghi thành Nhật theo bản văn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, dẫu biết rằng đôi Đức Hồng Y chuyển sai tên tiếng Việt, do bản văn tiếng Pháp không có dấu.

[5]Bản tiếng Pháp là Tran.

[6]Adrien Launay, Les trente-cinq, 274 ghi tên bốn người con gái là Thu, Nam, Nhien, Nu. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, sđd, 218 cho biết ông bà sinh được ba trai và ba gái, nhưng không ghi rõ tên. Chúng tôi ghi tên các con bà thánh Đê theo trang điện tử https://dongten.net/2018/03/06/nguoi-phu-nu-viet-nam-la-thanh/, tra cứu ngày 9-5-2018.

[7]Thời đó Dòng Mến Thánh Giá được gọi là Dòng chị em mến câu rút. Yên Mối xưa hiện là giáo xứ Gia Lạc, giáo phận Phát Diệm.

[8]Bản tiếng Pháp ghi “Paul Thuc”, chúng tôi dựa theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “ông tổng Thức”.

[9]Bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “chú Để”. Chúng tôi dựa theo bản tiếng Pháp “domestique ou catéchiste un certain De”.

[10]Bản tiếng Pháp ghi “Tich”, chúng tôi tạm ghi là Tịch.

[11]Bản tiếng Pháp ghi “le chef de la chrétienté, Co”, chúng tôi dựa theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “ông trùm Cơ”.

[12]Tên những người bị bắt được ghi theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

[13]Bản tiếng Pháp ghi “Dang”, chúng tôi tạm ghi là Đăng.

[14]Bốn chữ Hán lớn: “Thiện đạo thủ tử”, tạm dịch “chết vì đạo lành”. Các ô nhỏ có các chữ Hán lần lượt như sau: “Gioan cụ Đạt – Bảolộc cụ Khoan – Gioan Baotixita Văn Thanh – Inê bà Đê”. Dòng chữ Latinh với những phỏng đoán có thể được đọc như sau: “HIC JACENT VEN. SERVI DEI JOANNES ĐẠT, SACERDOS. PAULUS PHẠM KHẮC KHOAN, SACERDOS. J. B. ĐINH VĂN THANH, CATECHISTA.”, tạm dịch “Nơi đây an nghỉ những tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa Gioan Đạt, linh mục – Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục – Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy giảng”. Nếu ngôi mộ này có di cốt của tám vị tử đạo, chúng tôi cho rằng ở những mặt bên còn ghi danh tính của các vị khác nữa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bầu Sữa Mẹ
Tấn Đạt
21:08 10/05/2018
BẦU SỮA MẸ
Ảnh của Tấn Đạt
Từ khi con mới lọt lòng
Mẹ nuôi con tự bao dòng sữa thơm
Sữa từ ngô lúa quê hương
Từ lời ru, tiếng yêu thương thầm thì
(Trích thơ của Nghệ Sỹ)