Ngày 08-05-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ
Lm. Trần Đức Anh OP
08:57 08/05/2016
VATICAN. Sáng 7-5-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các vệ binh Thụy Sĩ, đặc biệt là 23 tân vệ binh vừa làm lễ tuyên thệ chiều ngày 6-5 trước đó. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có đại diện chính quyền Thụy Sĩ và thân nhân của các tân vệ binh.

Ngỏ lời trong dị
p này, ĐTC nhắn nh các vệ binh hãy tăng trưởng trong đức tin, coi công việc của mình như một sứ mạng được Chúa ủy thác, tận dụng thời gian ở Roma như một cơ hội để đào sâu bình bạn với Chúa Giêsu, vì thế cần nuôi dưỡng tinh thần của mình bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và vun trồng tình con thảo đối với Mẹ Maria.

ĐTC cũng nhắc đến cơ hội của các vệ binh Thụy sĩ được cảm nghiệm đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội, qua sự hiện diện của các tín hữu từ các nơi về Roma hành hương. Sau cùng ngài đặc biệt nhắn nhủ các vệ binh hãy cảm nghiệm đời sống huynh đệ, quan tâm và nâng đỡ nhau trong công việc thường nhật, biết đề cao đời sống chung, chia sẻ những lui vui mừng và những khó khăn, để ý đến những người lân cận, nhiều khi chỉ cần một cử chỉ khích lệ, một nụ cười và tình thân hữu. Ngài nói: ”Khi có những thái đọ như thế, anh em sẽ được nâng đỡ để chuyên cần và kiên trì chu toàn những công tác lớn nhỏ trong việc phục vụ hằng ngày, chứng tỏ lòng tử tế và tinh thần hiếu khách, vị tha và nhân bản đối với tất cả mọi người”.

23 tân vệ binh Thụy Sĩ đã tuyên thệ sẵn sàng bảo vệ ĐTC, dù có phải hy sinh tính mạng, trong buổi lễ do Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tọa tại sân Damaso trong nội thành Vatican, và trong số các quan khách hiện diện cũng có tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Trước đó, vào ban sáng cùng ngày 6-5-2016, các vệ binh Thụy Sĩ đã tham dự thánh lễ do ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, ĐHY nhắc nhở các vệ binh rằng ”Ơn gọi của mỗi tín hữu được chịu phép rửa là sống như chứng nhân của Chúa Kitô mỗi ngày, trong cuộc sống cụ thể.. Các bạn là những chứng nhân của Chúa Kitô tại Roma này, cũng như tại quê hương Thụy Sĩ và tại bất kỳ nơi nào các bạn đi tới, và trong một thế giới mong ước ánh sáng và sự sống, nhưng nhiều khi người ta không có can đảm đón nhận. Các bạn hãy làm chứng nhân cho Chúa giữa những người đồng lứa tuổi, họ khao khát ý nghĩa và sự sung mãn. Các bạn hãy nói với họ rằng thật là bõ công khi theo đuổi những điều cao cả và tươi đẹp, dù có phải dấn thân vất vả”.

ĐHY Quốc vụ khanh cũng nhắc đến biến cố ngày 6-5 năm 1527, trong vụ Roma bị cướp phá, 147 vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh tính bảng để bảo vệ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. ”Họ thực là những anh hùng cần noi theo không chút do dự”.

Và ĐHY Parolin kết luận rằng: ”Các vệ binh thân mến, các bạn đừng chờ đợi, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, làm chứng tá, qua sự trung thành phục vụ ĐTC, với tình huynh đệ và quan hệ tốt đẹp giữa các bạn với nhau, và với gương sống đức tín của các bạn, trong niềm xác tín Chúa hằng sống và cảm thương, Chúa gần gủi con người và muốn ban cho họ an bình, vui tươi và sự sung mãn đích thực để chữa lành mọi vết thương”.

Đoàn vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican có 110 người, các vệ binh thường đăng ký phục vụ 2 năm. (RG 6,7-5-2016)
 
50 ngàn người đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha
Lm. Trần Đức Anh OP
08:58 08/05/2016
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, trưa Chúa Nhật 8-5-2016, ĐTC mời gọi mọi người hướng nhìn trời cao, nhưng không quên dấn thân làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa trong đời sống thường nhật.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh

ĐTC nói: ”Hôm nay, tại Italia và các nước khác, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, diễn ra 40 ngày sau khi sống lại. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu ra khỏi không gian trần thế của chúng ta để đi vào vinh quang sung mãn của Thiên Chúa, mang theo nhân tính của chúng ta. Tin Mừng theo thánh Luca tỏ cho chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ trước Chúa ”Ngài tách rời khỏi họ và được đưa lên trời” (24,51). Các môn đệ không cảm thấy đau khổ và ngỡ ngàng, nhưng ”họ phủ phục trước Chúa; rồi trở về Jerusalem rất vui mừng” (v.52). Đó là sự trở về của những người không còn sợ thành thị đã phủ nhận Thầy của họ, thành ấy đã thấy sự phản bội của Giuda và sự chối thầy của Phêrô, sự phân tán các môn đệ và bạo lực của nhà cầm quyền cảm thấy bị đe dọa.

”Từ ngày ấy, đối với các Tông Đồ và mỗi môn đệ Chúa Kitô, họ có thể ở lại Jerusalem và trong tất cả các thành thị trên thế giới, cả trong những thành bị chao đảo vì bất công và bạo lực, vì trên mỗi thành có cùng một bầu trời và mỗi người dân có thể ngẩng lên nhìn trời trong niềm hy vọng. Trong bầu trời ấy có Thiên Chúa ngự trị, Ngài đã tỏ ra gần gũi đến độ đã nhận lấy khuôn mặt của một người, Đức Giêsu thành Nazareth. Ngài vẫn luôn là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta và không để chúng ta lẻ loi! Chúng ta có thể nhìn lên cao để nhận ra trước mặt tương lai chúng ta. Trong biến cố Chúa Giêsu lên trời, Đấng đã Chịu Đóng Đanh sống lại, có lời hứa chúng ta được tham dự vào cuộc sống sung mãn nơi Thiên Chúa.

”Trước khi rời các bạn hữu của Ngài, Chúa Giêsu, nhắc đến biến cố Ngài chịu chết và sống lại, và nói với họ: ”Các con sẽ là chứng nhân về biến cố ấy” (v. 48). Thực vậy, sau khi thấy Chúa lên trời, các môn đệ trở về thành phố như những chứng nhân vui mừng loan báo cho mọi người sự sống mới đến từ Chúa Chịu đóng đanh và sống lại, nhân danh Ngài, sự hoán cải và tha thứ tội lỗi sẽ được rao giảng cho mọi dân tộc” (v.47). Đó là chứng tá, được thực hiện không những bằng lời nói nhưng còn bằng đời sống thường nhật - mà mỗi Chúa Nhật phải xuất phát từ các thánh đường của chúng ta để, trong tuần, đi vào các nhà ở, các công sở, trường học và những nơi nghỉ ngơi, giải trí, trong các nhà thương, nhà tù, các nhà dưỡng lão, các nơi đầy người di dân, trong các khu ngoại ô, v.v..

”Chúa Giêsu cam kết với chúng ta rằng trong lời loan báo và trong chứng tá ấy ”sẽ có quyền năng từ trên cao” (v. 49), nghĩa là với quyền năng của Chúa Thánh Linh. Bí quyết của sứ mạng ấy là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi chúng ta, với ơn của Thánh Linh, Chúa tiếp tục mở tâm trí chúng ta, để loan báo tình thương và lòng thương xót của Ngài cả trong những môi trường khô cằn nhất trong các thành thị của chúng ta. Chính Chúa Thánh Linh là người thực sự thực hiện chứng tá đa dạng mà Giáo Hội và mỗi tín hữu đã chịu phép rửa đang thi hành trên thế giới. Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể lơ là việc mặc niệm trong kinh nguyện để chúc tụng Thiên Chúa và cầu xin ơn của Chúa Thánh Linh. Trong tuần này, chúng ta hãy để tâm hồn mình ở trong Nhà Tiệc Ly, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, để đón nhận Chúa Thánh Linh. Và giờ đây, hiệp với các tín hữu tụ họp tại Đền Thánh Đức Mẹ Pompei nhân lễ khẩn nguyện theo truyền thống, để cầu xin các ơn ấy.

Nhắc nhở và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc nhở rằng: ”hôm nay là ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50 do Công đồng chung Vatican 2 mong muốn. Thực vậy, khi suy nghĩ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, các Nghị Phụ đã hiểu tầm quan trọng cốt yếu của truyền thông, chúng có thể bắc những nhịp cầu giữa các cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội, các dân tộc. Điều này diễn ra trong môi trường thể lý cũng như trong môi trường kỹ thuật số” (sứ điệp 2016). Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả những người hoạt động trong ngành truyền thông và cầu mong sao cho cách thức truyền thông trong Giáo Hội luôn có đặc tính Tin Mừng rõ rệt, một kiểu thức liên kết chân lý với lòng thương xót.

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma và các nơi, đặc biệt là ở Ba Lan, cũng như những ngừơi tham dự cuộc tuần hành bênh vực sự sống.

Ngài không quên nhắc đến lễ các bà mẹ hôm qua, và mời gọi mọi người với lòng biết ơn hãy nhớ đến các bà mẹ, phó thác các bà mẹ cho Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu. Trong ý hướng đó ngài mời gọi mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng với ngài.

Cũng nên nhắc lại rằng Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay có chủ đề là: ”Truyền thông và lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ phong phú”.

Sứ điệp của có đoạn viết: ”Chúng ta được kêu gọi đả thông với tất cả mọi người trong tư cách là con cái Thiên Chúa, không loại trừ một ai. Đặc biệt chính ngôn ngữ và hoạt động của Giáo Hội thông truyền lòng thương xót, đến độ đánh động tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn là Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người... Thật là đẹp dường nào khi thấy những người dấn thân cân nhắc kỹ lưỡng những lời nói và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành ký ức đã bị tổn thương, và kiến tạo an bình và hòa hợp. Những lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa con người, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số (digital). Vì thế, những lời nói và hành động phải làm sao để giúp chúng ta ra khỏi những vòng lẩn quẩn lên án và báo thù tiếp tục đưa các cá nhân và quốc gia vào những cạm bẫy, khiến họ biểu lộ bằng những sứ điệp oán ghét nhau”.
 
Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 08 tháng 05, 2016
VietCatholic Network
22:47 08/05/2016
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật, 08 tháng 05, với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hướng nhìn trời cao, nhưng không quên dấn thân làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa trong đời sống thường nhật.

Ngài nói:

Hôm nay, tại Italia và các nước khác, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, diễn ra 40 ngày sau khi sống lại. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu ra khỏi không gian trần thế của chúng ta để đi vào vinh quang sung mãn của Thiên Chúa, mang theo nhân tính của chúng ta. Tin Mừng theo thánh Luca tỏ cho chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ trước Chúa “Ngài tách rời khỏi họ và được đưa lên trời” (24,51). Các môn đệ không cảm thấy đau khổ và ngỡ ngàng, nhưng “họ phủ phục trước Chúa; rồi trở về Jerusalem rất vui mừng” (v.52). Đó là sự trở về của những người không còn sợ thành thị đã phủ nhận Thầy của họ, thành ấy đã thấy sự phản bội của Giuda và sự chối thầy của Phêrô, sự phân tán các môn đệ và bạo lực của nhà cầm quyền cảm thấy bị đe dọa.

“Từ ngày ấy, đối với các Tông Đồ và mỗi môn đệ Chúa Kitô, họ có thể ở lại Jerusalem và trong tất cả các thành thị trên thế giới, cả trong những thành bị chao đảo vì bất công và bạo lực, vì trên mỗi thành có cùng một bầu trời và mỗi người dân có thể ngẩng lên nhìn trời trong niềm hy vọng. Trong bầu trời ấy có Thiên Chúa ngự trị, Ngài đã tỏ ra gần gũi đến độ đã nhận lấy khuôn mặt của một người, Đức Giêsu thành Nazareth. Ngài vẫn luôn là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta và không để chúng ta lẻ loi! Chúng ta có thể nhìn lên cao để nhận ra trước mặt tương lai chúng ta. Trong biến cố Chúa Giêsu lên trời, Đấng đã Chịu Đóng Đanh sống lại, có lời hứa chúng ta được tham dự vào cuộc sống sung mãn nơi Thiên Chúa.

“Trước khi rời các bạn hữu của Ngài, Chúa Giêsu, nhắc đến biến cố Ngài chịu chết và sống lại, và nói với họ: “Các con sẽ là chứng nhân về biến cố ấy” (v. 48). Thực vậy, sau khi thấy Chúa lên trời, các môn đệ trở về thành phố như những chứng nhân vui mừng loan báo cho mọi người sự sống mới đến từ Chúa Chịu đóng đanh và sống lại, nhân danh Ngài, sự hoán cải và tha thứ tội lỗi sẽ được rao giảng cho mọi dân tộc” (v.47). Đó là chứng tá, được thực hiện không những bằng lời nói nhưng còn bằng đời sống thường nhật - mà mỗi Chúa Nhật phải xuất phát từ các thánh đường của chúng ta để, trong tuần, đi vào các nhà ở, các công sở, trường học và những nơi nghỉ ngơi, giải trí, trong các nhà thương, nhà tù, các nhà dưỡng lão, các nơi đầy người di dân, trong các khu ngoại ô, v.v..

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúa Giêsu cam kết với chúng ta rằng trong lời loan báo và trong chứng tá ấy “sẽ có quyền năng từ trên cao” (v. 49), nghĩa là với quyền năng của Chúa Thánh Linh. Bí quyết của sứ mạng ấy là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi chúng ta, với ơn của Thánh Linh, Chúa tiếp tục mở tâm trí chúng ta, để loan báo tình thương và lòng thương xót của Ngài cả trong những môi trường khô cằn nhất trong các thành thị của chúng ta. Chính Chúa Thánh Linh là người thực sự thực hiện chứng tá đa dạng mà Giáo Hội và mỗi tín hữu đã chịu phép rửa đang thi hành trên thế giới. Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể lơ là việc mặc niệm trong kinh nguyện để chúc tụng Thiên Chúa và cầu xin ơn của Chúa Thánh Linh. Trong tuần này, chúng ta hãy để tâm hồn mình ở trong Nhà Tiệc Ly, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, để đón nhận Chúa Thánh Linh. Và giờ đây, hiệp với các tín hữu tụ họp tại Đền Thánh Đức Mẹ Pompei nhân lễ khẩn nguyện theo truyền thống, để cầu xin các ơn ấy.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “hôm nay là ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50 do Công đồng chung Vatican 2 mong muốn. Thực vậy, khi suy nghĩ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, các Nghị Phụ đã hiểu tầm quan trọng cốt yếu của truyền thông, chúng có thể bắc những nhịp cầu giữa các cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội, các dân tộc. Điều này diễn ra trong môi trường thể lý cũng như trong môi trường kỹ thuật số” (sứ điệp 2016). Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả những người hoạt động trong ngành truyền thông và cầu mong sao cho cách thức truyền thông trong Giáo Hội luôn có đặc tính Tin Mừng rõ rệt, một kiểu thức liên kết chân lý với lòng thương xót.

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma và các nơi, đặc biệt là ở Ba Lan, cũng như những ngừơi tham dự cuộc tuần hành bênh vực sự sống.

Ngài không quên nhắc đến lễ các bà mẹ hôm qua, và mời gọi mọi người với lòng biết ơn hãy nhớ đến các bà mẹ, phó thác các bà mẹ cho Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu. Trong ý hướng đó ngài mời gọi mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng với ngài.

Cũng nên nhắc lại rằng Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay có chủ đề là: “Truyền thông và lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ phong phú”.

Sứ điệp của có đoạn viết: “Chúng ta được kêu gọi đả thông với tất cả mọi người trong tư cách là con cái Thiên Chúa, không loại trừ một ai. Đặc biệt chính ngôn ngữ và hoạt động của Giáo Hội thông truyền lòng thương xót, đến độ đánh động tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn là Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người... Thật là đẹp dường nào khi thấy những người dấn thân cân nhắc kỹ lưỡng những lời nói và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành ký ức đã bị tổn thương, và kiến tạo an bình và hòa hợp. Những lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa con người, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số. Vì thế, những lời nói và hành động phải làm sao để giúp chúng ta ra khỏi những vòng lẩn quẩn lên án và báo thù tiếp tục đưa các cá nhân và quốc gia vào những cạm bẫy, khiến họ biểu lộ bằng những sứ điệp oán ghét nhau”.
 
Đức Phanxicô: Đường hay Pháo Đài
Vũ Văn An
22:04 08/05/2016
Trong buổi lễ nhận giải thưởng Charlemagne tại Sala Regia ở Tông Điện vừa qua, Đức Phanxicô đã đọc một bài diễn văn rất hùng hồn vẽ nên một viễn kiến tuyệt vời cho một Âu Châu Làm Mẹ, chứ không phải một Âu Châu đang có nguy cơ trở thành bà già xấu xí, hết đường sinh nở.

Trong bài diễn văn trên, ngài đưa ra một công thức gồm “ba món” căn bản: khả năng hội nhập, khả năng đối thoại và khả năng phát sinh. Nói cách khác, Âu Châu cần tìm lại linh hồn của mình, “vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ của nhiều nền văn minh và của nhiều dân tộc”, không như lời cảnh cáo của một trong “những cha già” của Âu Châu là Konrad Adenauer: “Tương lai Phương Tây đang bị đe dọa không phải bởi các căng thẳng chính trị cho bằng bởi nguy cơ của chủ nghĩa duy hợp, độc dạng hình thức về tư tưởng và cảm quan: nói tắt, bởi toàn bộ hệ sống, bởi việc trốn chạy trách nhiệm, chỉ quan tâm tới chính mình”. Âu châu cần dạy cho con cháu mình không phải nghệ thuật vũ khí mà là nghệ thuật đối thoại, “chiến đấu trong cuộc chiến gặp gỡ và thương thảo tốt đẹp”. Nhờ nghệ thuật này, chúng sẽ có khả năng “thiết kế ra các chiến lược sống, chứ không chết, bao gồm chứ không loại trừ”. Sau cùng, khả năng phát sinh đòi phải mang lại cho giới trẻ một tương lai, tránh làm họ đánh mất giấc mơ của họ, cụ thể qua nhân dụng, không thể để 48.9 phần trăm người trẻ Hy Lạp thất nghiệp như hiện nay. Tóm lại, Âu Châu phải tạo ra một chủ nghĩa nhân bản mới nhằm cổ vũ công bằng kinh tế, chào đón người mới, tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và đối thoại với mọi người.

Đấy cũng là quan điểm của Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu Martin Schulz, của Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Jean-Claude Juncker và của Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu Donald Tusk. Cả ba người này cùng tham dự buổi lễ trao giải thưởng tại Vatican và cùng phát biểu trước bài diễn văn của Đức Phanxicô. Schultz phê phán việc các nước Âu Châu có chiều hướng xây tường kiểu Bức Màn Sắt cách nay 25 năm, phản lại bài học lịch sử, bài học liên đới.

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô cũng cho rằng Âu Châu đang cảm thấy không thoải mái “bên trong những bức tường của căn nhà chung”. Ngài phê phán việc “các quyền lợi ích kỷ” đang “lập các hàng rào” đây đó.

Nhận định về bài diễn văn của Đức Phanxicô, Andrea Riccardi, sáng lập viên của Cộng Đồng Sant’Egidio, cho rằng Đức Phanxicô coi thách đố chính tại Âu Châu ngày nay không giống Đức Bênêđíctô XVI: thách đố này không phải là chủ nghĩa duy tục và các bất bình đối với nó, mà là việc canh tân nền văn hóa đối thoại và hội nhập, cổ vũ “nền kinh tế xã hội” thay cho nền kinh tế “lỏng”, một nền kinh tế có khả năng cung cấp việc làm và niềm hy vọng, nhất là cho người mới tới và người trẻ.

Riccardi cho rằng mấy năm trước đây, “đối thoại” không phải là nhận định hàng đầu phát sinh từ Vatican đối với Âu Châu. Thực thế, trong các thập niên 1990 và 2000, cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều đã phát động các chiến dịch “dữ dằn” nhằm kéo Âu Châu trở về với gốc rễ Kitô Giáo của nó. Trong số nhiều điều, các ngài nhấn mạnh tới việc phải có những bản tân hiếp pháp với “điều khoản nói về Thiên Chúa” hay invocatio Dei.

Khi việc đó không thành, đôi khi người ta cảm thấy có điều gì đó ra xa lạ rõ ràng. Năm 2007 chẳng hạn, khi tiếp một phái đoàn chính khách và giám mục nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp Ước Rôma, Đức Bênêđíctô XVI thẳng thừng kết án Âu Châu đã “bác bỏ chính mình”.

Đối với một số người Công Giáo Âu Châu, Đức Bênêđíctô XVI trở thành lời kêu gọi phòng thủ, rút vào pháo đài, ngay cả trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Như việc ngài sử dụng thuật ngữ của sử gia Anh Arnold Toynbee để nói về tư thế Kitô Giáo trong thế giới hiện nay: “thiểu số sáng tạo” (creative minority). Trong một bài diễn văn năm 2004, lúc còn là Hồng Y Ratzinger, ngài hô hào “Các tín hữu Kitô Giáo nên tự coi mình như một thiểu số sáng tạo, và giúp Âu Châu giành lại điều tốt nhất trong di sản của nó và nhờ đó, tự đặt mình vào việc phục vụ toàn thể nhân loại”.

Dù Đức Hồng Y Ratzinger không có ý gì tiêu cực trong lời kêu gọi trên, nhưng các người Công Giáo trên vẫn coi nó như phát lệnh phòng thủ nền văn hóa phụ (subculture) đang bị đe dọa, cố thủ những ổ đức tin khép kín giữa một môi trường duy tục thù nghịch. Người ta lưu luyến nhắc tới tinh thần contemptus mundi, hay “khinh miệt thế gian”, của các phong trào đơn tu thuở đầu Kitô Giáo.

Theo Riccardi, Đức Phanxicô đã phá vỡ não trạng pháo đài nói trên. Trong bài diễn văn gần 3,000 chữ của ngài nói trên, các chữ như “thế tục” (secular) và “duy tục” (secularism) không bao giờ xuất hiện. Nói cách khác, các bóng ma của cuộc chiến đấu đòi có “câu nói về Thiên Chúa” hoàn toàn vắng bóng một cách đáng ghi nhận.

Thay vào đó, Đức Phanxicô phác thảo vai trò tác nhân gặp gỡ và hội nhập để các Kitô hữu, và nói chung, các người có đức tin, đóng trong Âu Châu ngày nay. Khi nói tới các “gốc rễ” của Âu Châu, ngài không nói tới Thế Giới Kitô Giáo thời Trung Cổ, mà đúng hơn tới viễn kiến hậu Thế Chiến II về một lục địa vốn là thành lũy của hòa bình, của nhân quyền và của khoan dung, luôn thắng vượt chủ nghĩa duy quốc gia đầy bạo lực từng châm ngòi cho hai cuộc thế chiến.

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô biết rõ dự án Âu Châu hậu chiến nói trên của các chính khách được ngài nêu tên như Alcide de Gasperi, Robert Schuman và Konrad Adenauer, về căn bản, vốn dựa trên di sản và các giá trị Kitô Giáo của họ. Schuman hiện còn là ứng viên được phong thánh nữa. Và ngài cho rằng gốc rễ này cần được “dẫn thủy nhập điền bằng nước Tin Mừng”.

Tuy nhiên, theo Riccardi, Đức Phanxicô chủ trương rằng đức tin trong hành động mới đáng kể. Ngài tin rằng Kitô Giáo được bảo vệ tốt nhất không phải bằng đánh trận đánh biểu tượng và ngôn từ mà bằng cách đem các xác tín của mình ra thực hành vào các thời điểm khi thế giới cần đến chúng nhất.

Riccardi viết rằng: “các chính trị gia tìm thấy nơi Đức Giáo Hoàng một nhà lãnh đạo thiêng liêng biết tin vào Liên Hiệp Âu Châu, bao lâu nó còn có khả năng mở rộng và hội nhập”. Ông nghĩ: “theo Đức Giáo Hoàng, Âu Châu… ngày nay đang sa sút do nỗi sợ phải gặp gỡ các dân tộc và các tôn giáo khác, nấp mình đàng sau các biên giới và căn tính bị pha lê hóa”. Theo ông, trong xương thịt Âu Châu, các chính khách nam nữ hiện nay cũng biết như thế, nhưng không tự ý điều chỉnh gì được.

Trước đây không lâu, số lớn trong giai cấp chính trị và các nhà văn hóa ưu tú của Âu Châu coi ngôi vị giáo hoàng, và Giáo Hội nói chung, như trở lực đối với xã hội giải phóng và đa nguyên mà họ muốn xây dựng. Ngày nay, hình như gió đã đổi chiều, nhiều người trong số họ coi ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội như nguồn tài nguyên để đạt được mục tiêu vừa nói, có lẽ còn như hy vọng sau cùng và tốt đẹp nhất của họ nữa.

Tất cả đều nhờ vị giáo hoàng Á Căn Đình, nhưng có gốc gác Âu Châu này. Và đây có lẽ là thành quả đáng kể nhất trong triều giáo hoàng của ngài, một triều giáo hoàng trong đó càng ngày “điều đáng kể” càng trở thành điều thông thường mới.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Xứ Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Dâng hoa và tặng hoa Mother’s Day
Trần Văn Minh
04:20 08/05/2016
Melbourne, Thánh lễ đặc biệt dành cho Thiếu Nhi Thánh Thể lúc 8.45 sáng Chúa Nhật, lễ Chúa Thăng Thiên, Tháng Hoa và Mother’s Day, đã được các em Thiếu Nhi và Ca đoàn Belem trong cộng đoàn tổ chức, trước là dâng hoa lên Mẹ Maria kính yêu và sau đó tặng hoa cho những người mẹ trong cộng đoàn đang hiện diện mang thật nhiều ý nghĩa trong Ngày Mẹ.

Mời xem hình

Sau Thánh lễ, Linh mục quản nhiệm đã ban phép lành cho những bông hoa và chúc mừng đến các bà Mẹ hiện diện trong nguyện đường. Sau đó là phần chính là đội dâng hoa của Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em đủ mọi độ tuổi trong các ngành nhanh chóng xếp đội hình theo các lối đi, tay cầm hoa tươi với năm mầu tiêu biểu cho muôn hoa, theo tiếng nhạc bước lên trước bàn thờ nơi có ngai tòa Đức Mẹ.

Thật nhuần nhuyễn, nhờ các phụ huynh và huynh trưởng đã công phu tập luyện, các em đổi đội hình để các mầu hoa tiêu biểu đỏ, vàng, trắng, xanh, tím thứ tự làm mầu hoa chính dâng lên Mẹ. Những bông hoa tươi thắm, và cả các em cũng là những bông hoa với đầy sức sống, xin Mẹ nhận lấy giữ gìn nâng đỡ trong ơn nghĩa, để các em luôn là các bông hoa tươi thắm mãi trong bàn tay Mẹ.

Sau phần dâng hoa lên ngai tòa Mẹ nhân dịp tháng Hoa. Các em trở về chỗ ngồi. Linh mục quản nhiệm đã cầm hai bông hoa, một dâng lên Đức Mẹ và một tặng cho bà cụ cao niên nhất trong cộng đoàn. Các em Thiếu Nhi cũng có một bó hoa nhỏ để dâng lên Seour Luật, trợ úy của đoàn để tỏ lòng biết ơn. Các huynh trưởng ôm những bông hoa tươi đến các hàng ghế, nơi các bà Mẹ đã được mời đứng lên để các em có dịp tỏ lòng hiếu thảo dâng những đóa hồng tươi đến tận tay các mẹ, trong lúc một đại diện của Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Vinh Sơn Liêm đọc lời chúc mừng.

Kết thúc buổi dâng hoa, mọi người ra về sau khi chào kính Đức Mẹ, trong niềm vui hiện rõ là những lời chúc mừng lẫn nhau Happy Mother’s Day vui vẻ.
 
Gặp mặt Truyền Thông Giáo phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
11:21 08/05/2016
Nhân ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền thông xã hội.

Từ 9 giờ sáng thứ 7 ( 7. 5.2015 ), tại Tòa Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận và các Ủy viên truyền thông các Giáo xứ trong Giáo phận đã gặp gỡ, chia sẻ học hỏi Sứ điệp và các giáo huấn của Giáo Hội; Đề xuất các kế hoạch, giải pháp, cách cộng tác và tương tác trên trang tin giaophandanang.org của Giáo phận và học hỏi trao đổi các kỷ năng viết tin-bài, xử lý hình ảnh minh họa cho bài viết, và nhiều vấn đề học hỏi khác.

Mở đầu chương trình, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng- Phó Ban Tuyền thông ( Quản xứ Trà Kiệu) trình bày và hướng dẫn học hỏi Sứ điệp truyền thông xã hội lần thứ 50- năm 2016 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ( ĐTC). Nội dung Sứ điệp xoáy vào trọng tâm “ Truyền thông và Lòng Thương xót: Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa trái”. Trong Sứ điệp, ĐTC mời gọi mọi người Tín hữu truyền thông cách đặc biệt bằng ngôn ngữ, ánh mắt, hoạt động…. bắc những nhịp cầu thông cảm giữa các cá nhân, giữa các tổ chức xã hội và các dân tộc với nhau… để mọi người thấy rõ nét đặc trưng của Giáo Hội là Lòng Thương xót. Truyền thông nhắm tới 2 khía cạnh là Mục vụ và Loan báo Tin Mừng.

Tiếp đó, anh Phê-rô Nguyễn Toàn- chuyên viên kỷ thuật trang tin giaophandanang.org trình bày về giao diện và các tính năng vượt trội của trang tin hiện nay. Anh đã hướng dẫn Cộng tác viên kỹ thuật tải bài, xử lý hình ảnh sự kiện của bài ….

Thánh lễ “ nội bộ “ lúc 11 giờ, do Cha Phê-rô Hoàng Gia Thành- Trưởng Ban Truyền thông (Quản xứ Tam Tòa- Gp Đà Nẵng) Chủ lễ và cùng đồng tế với Cha Phó Ban, với ý lễ cầu nguyện cho công cuộc truyền thông mục vụ và loan báo Tin Mừng của Giáo Hôi, Giáo phận, Giáo xứ và mỗi người để mỗi người luôn là đối tượng của lòng thương xót Chúa và truyền thông lòng thương xót Chúa đến với mọi người.

Lúc 14 giờ 30, Đức Giám Mục Giáo phận - Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đã đến chia sẻ và huấn từ với anh chị em truyền thông về “ Sắc lệnh về các phương tiện Truyền thông xã hội – INTER MIRIFICA “ của Công đồng Vat II do Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI ký ngày 4. 12. 1963. Và nhiều chứng từ trong nhiều giai đoạn khác nhau mà Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt về truyền thông. Đức Cha đã phân tích và chứng minh: từ nguyên thủy và qua mọi thời đại, truyền thông của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Sứ điệp tình yêu Đức Giê-su Ki-tô là truyền tải lớn nhất, trong Thánh Thần đã chạm đến con tim …. Ngài khẳng định tầm quan trọng của truyền thông và các công cụ truyền tải thông tin ( sách báo, mạng Internet…) trong công cuộc loan báo Tin Mừng ngày nay. Ngài cũng nhắc nhở anh chị em Truyền thông cẩn trọng trong những mặt trái, mặt xấu, những vấn nạn về luân lý…. Có thể đi ngược lại điều tốt, của Internet.

Sau huấn từ, Đức Cha và anh chị em truyền thông chụp hình lưu niệm tại tiền sảnh Tòa giám mục, đây là lần đầu tiên Ban Mục vụ Truyền thông và ủy viên truyền thông các giáo xứ gặp và “ra mắt” Đức Tân Giám mục.

Chương trình được tiếp tục với phần hướng dẫn của Cha Trưởng ban: Cách viết tin-bài, những yếu tố, cấu trúc, hoàn cảnh sự kiện, nội dung, đòi hỏi đạo đức, tính trung thực và chính xác…. Đây là những điều cần thiết để viết một bản tin – bài. Những ví dụ minh họa cụ thể, cho mọi người học, thực tập …. Cha đã cung cấp nhiều kỹ năng và hiểu biết bổ ích cho các thành viên truyền thông.

Ước mong của Đức Giám Mục, Ban truyền thông và mỗi Ủy viên truyền thông: tất cả các Giáo xứ và Giáo họ biệt lập có nhân sự đảm trách việc truyền thông tại địa phương của mình, nhằm phản ánh cách trung thực sinh động các hoạt động mục vụ sống động tại Giáo xứ, Giáo họ của mình, làm phong phú khuôn mặt Thiên Chúa, nhằm chia sẻ động viên cho các giáo xứ khác, và quan trọng hơn hết là loan báo Tin Mừng.

Xin Chúa Thánh Thần tác động nâng đỡ mỗi người, để mỗi người nhận ra mình là đối tượng Lòng Thương xót của Chúa, và trở thành nhân chứng hăng say truyền thông loan báo Tin Mừng tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em xung quanh.
 
Giáo phận Mỹ Tho, Phú Cường và TGP Sàigòn mừng ngày Thế Giới Truyền Thông
Phượng Nguyễn
20:34 08/05/2016
Hòa nhịp hân hoan với Giáo phận Sài Gòn, Giáo phận Mỹ Tho và Phú Cường mừng ngày Thế giới Truyền Thông lần thứ 50. Rạng sáng ngày 7-5-2016, Giới Truyền Thông Giáo phận Phú Cường do cha Tađêô Lý Nguyễn Anh Thy, và Phaolô Hoàng Mạnh Huy đặc trách- lên đường đến Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh mừng Lễ Chúa Thăng Thiên- Bổn Mạng Giới Truyền Thông.

Xem Hình

Ban tổ chức đã chia thành viên các giáo phận thành 5 nhóm sinh hoạt liên nhóm, tạo niềm vui giao lưu gặp gỡ, nối kết mọi người trong tình yêu Giêsu- nhà Truyền Thông tuyệt hảo- để cùng thông chuyển niềm vui, sự bình an Lòng Thương Xót Chúa đến với mọi người.

Sau tiếng kèn uy hùng bản nhạc "Nữ Vương Hòa Bình" - của cố nhạc sĩ Hải Linh- thôi thúc mọi người mau bước đến Hội trường vì cuộc lễ sắp bắt đầu. MC Đại hội- ông Nguyễn Công Oánh giới thiệu Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm- Giám Mục GP Mỹ Tho, Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài, linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền- đặc trách Truyền thông GP Sài gòn, quý cha đặc trách Truyền thông giáo phận Phú Cường và Mỹ Tho, cùng quý Thầy, quý Sơ, quý ân nhân, quý khách, và các thành viên Truyền thông hiện diện trong buổi lễ hôm nay.

Sau bài ca chủ đề, phần Cung nghinh Lời Chúa thật long trọng với những trái tim nhiệt huyết trong sứ mạng Truyền Thông, hăng say Loan Báo Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo, cho Nước Chúa rộng lan khắp nơi.

Vào lúc 9g, Đức Cha Giuse Tuyên bố Khai mạc ngày Thế giới Truyền Thông lần thứ 50, trong tràng pháo tay mừng vui của cộng đoàn dân Chúa.

Sau phần báo cáo hoạt động của các giáo phận qua một năm, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm nói về Sứ Điệp Truyền Thông của Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc gặp gỡ sinh nhiều hoa trái.

Phần ca múa, trình bày tiểu phẩm của quý Sơ và quý Thầy thuộc GP Sài Gòn làm không khí bừng bừng sức sống. Thánh lễ đồng tế được bắt đầu vào lúc 10g, do Đức Cha Giuse chủ tế, quý cha cùng đồng tế; mọi người cất cao lời vinh danh Thiên Chúa trong bầu khí thánh thiện, sốt sắng.

Đức Cha Giuse nhấn mạnh trong bài giảng:

Hình ảnh Chúa Giêsu thăng thiên, bay lên, cho ta thấy Ngài đi vào sự tôn vinh Thiên Chúa là Cha- Đấng chúng ta hằng tin tưởng đã lên trời; cũng như Ngài đã từ trời xuống thế, để diễn tả dung mạo của Lòng Thương Xót Chúa, nay đã hoàn thành sứ mệnh cách mỹ mãn nơi trần gian. Cả trái tim, cả cuộc đời Ngài dành cho nhân loại. Ngài đã tạo dựng vũ trụ, cho con người hưởng dùng, và vì con người bội phản nên Chúa Giêsu đã Nhập Thể làm người, rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh tật, và đã chết vì yêu nhân loại- một tình yêu yêu đến tận cùng. Ngài chứng tỏ quyền năng qua sự Phục sinh vinh hiển và đã lên trời. Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay xin cho các thành viên Truyền Thông mặc lấy tâm tình của Ngài trong sứ mạng trọn đầy, để kết nối Lòng Thương Xót Chúa đến với mọi người, bằng các phương tiện truyền thông.

Đặc biệt Thánh Lễ hôm nay có nghi thức tuyên hứa, thành viên các giáo hạt thuộc GP Sàigòn đã hoàn thành Khóa Truyền thông tổng quan và chính thức hoạt động.

Sau phần hiệp lễ, Đức Cha Giuse Ban phép lành Toàn Xá, mọi người hoan hỉ đón nhận. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g15, cùng lúc ấy Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến ban huấn từ, cùng chia vui với anh chị em Truyền thông trong ngày mừng Lễ Chúa Thăng Thiên. Sự hiện diện của Đức Hồng Y là một vinh dự lớn lao cho Giới Truyền Thông 3 giáo phận: Sàigòn, Mỹ Tho và Phú Cường. Các Thành viên lặp lại lời Tuyên hứa, trao hành trang, chụp ảnh lưu niệm; dùng cơm trưa, và ra về bình an.

Các anh chị em Truyền Thông giáo phận Phú Cường với nét mặt rạng rỡ, đáng yêu trong ngày lễ Chúa lên trời, cùng say sưa bên nhau ca hát, giao lưu với các anh chị em GP Mỹ Tho và Sài Gòn, hứa hẹn một ngày không xa cùng hội ngộ. Khi mang trên mình chiếc thẻ Truyền thông đi công tác, mọi người dấn thân phục vụ, cùng lên đường với Đức KiTô- người Thầy Truyền thông- trong sứ mạng và ơn gọi mà Thiên Chúa trao gửi cho từng thành viên; nguyện hứa sẽ phục vụ hết mình cho danh Chúa cả sáng.
 
Tiễn Mẹ Hiền: Bà cụ Lucia Đặng Thị Hòa thân mẫu anh Đặng Minh An, Phó Giám Đốc Việtcatholic
Người Giồng Trôm
20:50 08/05/2016
TIỄN MẸ HIỀN

(Bà Cụ Lucia Đặng Thị Hòa - thân mẫu Anh Đặng Minh An, Phó giám đốc VietCatholic)

Sáng hôm nay trời nhẹ hơn với những ngày nắng nóng tột đỉnh của Sài Gòn nhưng lòng của con cháu, người thân quen của bà cụ Luxia nặng trĩu bởi phải chia tay với người mẹ, người bà, người cô của gia đình. Và, mới ngày hôm qua mọi người nhớ đến Mẹ trong ngày của Mẹ nay lại chia xa với Mẹ.

Xem Hình

Mở đầu Thánh Lễ an táng cho bà cụ Luxia, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn: Kính thưa cộng đoàn, với 90 tuổi đời và 7 năm dài nằm trên giường bệnh, bà Luxia đã vác thập giá theo Chúa đến cùng và trong niềm tin tưởng giờ này bà đã được thưởng công ra đi với Chúa như Chúa đã hứa. Ngài đã về trời dọn chỗ cho bà. Chúng ta không đau buồn, chúng ta vui mừng. Thế nhưng chúng ta buồn về mặt con người nhưng với đức tin, bà được về với Chúa, ở bên Chúa … chúng ta cùng ăn năn sám hối để dự Thánh lễ.

Trong bài chia sẻ (video bài chia sẻ), Cha chủ tế kể về hình ảnh hay nói khác đi là con người của bà cụ Luxia là một con người hết sức đặc biệt. Bà Luxia nếu sống lại bà rất vui mừng, rất an tâm. Có lẽ chỉ có mấy bà sơ an tâm nhất vì đi tu nên được Chúa dành cho một chỗ. Thế nhưng, Thánh Phaolô nói “coi chừng té đấy !”. Mọi sự đều ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa chứ không ỷ mình được, đừng vỗ ngực xưng tên làm gì, đừng nghĩ mình tu lâu năm. Như tôi đây này ! Đến giờ phút này không biết có đứng vững được hay không ? Mọi sự đều trong sự quan phòng của Chúa. Bà Luxia có thể nói Bà vững tin cho đến giây phút cuối cùng. Và lời hứa của Chúa Giêsu chắc chắn bà được thưởng. Chúng ta tin vào điều này.

Nhìn lại lịch sử của bà Luxia Hòa tôi ngạc nhiên lắm. Nguyên cái công trình Thiên Chúa trao cho bà là mẹ, là vợ là một anh hung. Bà đã sinh ra được 17 người con và giờ này còn lại 7 người. Như vậy, cả một công trình gánh nặng lớn lắm ! Đau khổ, vất vả, cực nhọc sinh 17 lần …

Cha kể lại như vậy để mời gọi cộng đoàn nhìn lại nỗi vất vả của người mẹ, người cha. Đây là gánh nặng cả cuộc đời ! Vậy mà có những người con không thương cha thương mẹ mà lỗi đạo hiếu bất hiếu với cha mẹ. Tội đó là tội lớn nhất và không thể tha. Khi mất cha mất mẹ chúng ta mới thấy. Một người thân của chúng ta là Luxia Hòa ra đi để chúng ta nhìn lại đời sống mình …

Trước khi tiễn bà ra nhà thờ, đại diện gia đình đã ngỏ đôi lời cảm ơn đến Cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh – chánh xứ xóm chiếu, cha phó và quý sơ dòng Đaminh hát Lễ trong Thánh Lễ hôm nay. Gia đình xin cảm ơn đặc biệt đến quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cộng đoàn dân Chúa thân quen Xóm Chiếu và cách đặc biệt giáo họ Antôn … Và hẳn nhiên vị đại diện gia đình không quên xin cộng đoàn niệm tình tha thứ cho những thiếu xót của gia đình trong những ngày tổ chức tang lễ cho bà cụ Luxia.

Và rồi, cộng đoàn cùng lặng thầm tiễn bà ra xe để đưa bà đến nơi An Táng tại nghĩa trang Giáo Xứ Bùi Môn, Hóc Môn để chờ ngày phục sinh. Trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, mọi người, đặc biệt là người thân thương và nhất là người con yêu quý Đặng Minh An ở phương trời xa phó thác bà cụ Luxia trong tay Chúa và xin cho bà cụ Luxia mau hưởng nhan Thánh Chúa.
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên 2016
Văn Minh
21:46 08/05/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên 2016

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo".

Câu Lời Chúa trên đây được cha GioanKim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, chia sẻ trong Thánh lễ mừng Chúa Giêsu lên trời. Đồng thời, ngài cũng mời gọi cộng đoàn mỗi người là một Truyền thông viên ra đi loan báo Tin Mừng của Đấng cứu độ đến cho muôn dân giữa lòng thế giới hôm nay.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể mừng Chúa Giêsu lên trời – bổn mạng Ban Kèn đồng (kỷ niệm 12 năm thành lập) và ban Truyền thông của giáo xứ Vĩnh Hòa được diễn ra lúc 17g30, Chúa Nhật, ngày 08.05.2016, do cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, Dòng linh mục Thánh Tâm, cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, quý cha, các em Ban Lễ sinh, quý vị HĐMVGX, cùng đông đảo cộng đoàn cung nghinh tượng Chúa Giêsu xung quanh ngôi thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Khải hoàn ca”.

Trong bài giảng lễ, cha Vinh sơn Nguyễn Văn Định chia sẻ: Hôm nay, Giáo Hội chúng ta mừng biến cố của Chúa Giêsu lên Trời, từ đây, khơi dậy cho chúng ta một niềm tin, một hy vọng vào quê hương đích thực trên thiên quốc mai nầy. Trong cuộc sống gia đình, người làm con phải biết vâng lời bố mẹ, còn đấng sinh thành thì luôn mong cho con mình được niềm vui và hạnh phúc.

Cha Vinh Sơn nói, mừng lễ Chúa về Trời hôm nay, cộng đoàn chúng ta, cách riêng, đối với Ban Kèn đồng và Ban Truyền thông trong giáo xứ "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo". Không phải chỉ bằng lời nói, mà phải dấn thân hy sinh phục vụ, và cùng nhau làm sáng Danh Chúa trong tình yêu thương, hiệp nhất. Có như vậy, mai sau nầy chúng ta mới được hưởng niềm vui trên Thiên quốc cùng Ngài.

Sau bài giảng, vị đại diện trong Ban Kèn đồng lên đọc lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ cùng cha chủ tế lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau phần hiệp lễ, anh Gioan Baotixita Lê Hoàng Tiến, trưởng ban, thay mặt lên cảm ơn quý cha, quý vị trong HĐMVGX, quý vị trong các hội đoàn, quý vị ân nhân, thân nhân, và mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Đặc biệt, quý vị ân nhân đã âm thầm giúp đỡ cho Ban Kèn đồng cách này cách khác trong những năm tháng qua. Nhân đây, anh trưởng ban cũng mời gọi các bạn trẻ cũng như những ai có lòng hy sinh tham gia vào Ban Kèn đồng để cùng nhau phục vụ cho cộng đoàn giáo xứ qua giai điệu ngân vang từ tiếng kèn làm sáng Danh Chúa. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn chúc mừng Ban Kèn đồng và Ban Truyền thông cũng như gia đình anh em được nhiều hồng ân của Chúa, và mỗi ngày một thăng tiến hơn nữa trong sứ vụ của mình.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, quý cha cùng anh em trong Ban Kèn đồng cùng nhau chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Được biết, hiện nay, Ban Kèn đồng trong giáo xứ có trên 10 anh em và đủ mọi lứa tuổi. Song với lòng nhiệt thành cùng với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, anh em đã tìm được tiếng nói chung, cùng nhau luyện tập vào mỗi tối thứ Hai hằng tuần tại tư gia và hội trường giáo xứ, để cùng nhau ca tụng Chúa qua tiếng kèn âm vang trong các Thánh lễ trọng, cùng các ngày lễ bổn mạng của các giáo họ và các hội đoàn, cũng như trong giáo xứ, khi có người qua đời, anh em đến đọc kinh cầu nguyện dâng lên Chúa qua giai điệu ngân vang từ tiếng kèn của mình.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (5)
Vũ Văn An
01:05 08/05/2016
II. Những Chủ Trương Xấp Xỉ

1. Cách tiếp cận triết học

a/ Các xem xét sơ khởi liên quan tới ngôn ngữ và chủ đề

Đối với nhiều người ngày nay, lòng thương xót là một chữ khó hiểu. Thường thường những người quyết đoán, muốn gì được nấy tạo được nhiều ấn tượng hơn những người hay thương xót. Đàng khác, lòng thương xót thường bị coi là yếu đuối xét theo nhiều cách. Do đó, bước đầu tiên, ta phải cố gắng khám phá trở lại nghĩa nguyên thủy và hoàn toàn mạnh mẽ của chữ này. Triết học có thể cung ứng cho ta sự trợ giúp trong lãnh vực này và có thể mở ra nhiều cách tiếp cận mới đối với chủ đề.

Thực vậy, sứ điệp Kitô Giáo về một vị Thiên Chúa hay thương xót là một sứ điệp nội tại đối với Thánh Kinh. Tuy nhiên, truyền thống thần học từ rất sớm đã dựa vào kinh nghiệm nhân bản nói chung và lối giải thích triết học để giải thích sứ điệp thương xót của Thánh Kinh (1). Trên hết, cảm nghiệm nhân bản ban sơ của việc cảm thương (Mitleid) những người đau khổ là điểm phát xuất. Hai chữ “cảm thương” và “thương xót” (Barmherzigkeit) thực sự không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau, nhưng theo nghĩa hoàn toàn ngữ học, cả hai ý niệm này đều hòa lẫn vào nhau, trong tiếng La Tinh, để nói về misericordia. Điều này cũng đúng, khi Thánh Kinh sử dụng chữ này, tuy nhiên việc này còn cần được chứng minh (2).

Theo nghĩa chiểu tự, chữ misericordia của La Tinh có nghĩa: có lòng (cor) với người nghèo (miseri) hay có lòng dành cho người nghèo. Chữ tiếng Đức Barmherzigkeit cũng chỉ theo hướng này. Nó có nghĩa có lòng thương xót (3). Trong nghĩa nhân bản phổ quát này, Barmherzigkeit/Misericordia là tên của thái độ biết vượt quá lòng vị kỷ của mình và việc lấy tôi làm trung tâm, và có lòng không phải với chính mình, mà đúng hơn với người khác, nhất là người nghèo và người thiếu thốn đủ loại. Việc tự vượt quá mình này hướng về người khác và việc tự quên mình này không hề là yếu đuối; nó là sức mạnh. Nó là tự do thực sự. Vì nó hơn lòng yêu mình nhiều lắm, một lòng yêu trở thành nạn nhân cho chính cái tôi của ta; nó là lòng tự quyết hoàn toàn tự do và, do đó, là chính sự tự thể hiện. Nó tự do đến nỗi có thể tự thoát ra khỏi chính mình. Nó có thể thắng vượt được mình, quên mình, và, có thể nói, thay được cả các vết đen của mình.

b/ Các nền tảng trong thế giới cổ thời và thời trung cổ

Triết học cổ thời tiếp cận chủ đề cảm thương [Mitleid] rất sớm. Ngay từ đầu, các ý kiến về nó cũng đã gây tranh cãi rồi. Ngay Platông cũng đã dự ứng nhiều phê phán sau này. Ông tương phản xúc cảm do lòng cảm thương gây nên với tác phong lên khuôn bởi lý trí và công lý. Vì là một xúc cảm, nên lòng cảm thương đối với bị cáo có thể khiến quan tòa không đưa ra được một bản án đúng đắn (4).

Ngược với Platông, Aristốt có một cái nhìn tích cực đối với lòng cảm thương. Thực vậy, ông là người đầu tiên đưa ra câu định nghĩa cho lòng cảm thương. Ông giải thích rằng cảm nghiệm về nỗi đau khổ không đáng bị của người khác tác động đối với ta vì ta biết rằng một cái ác như thế cũng có thể rơi xuống đầu ta. Thiện cảm, theo nguyên nghĩa của nó [nghĩa chiểu tự: đau với người khác], và liên đới đều bao hàm trong kinh nghiệm cảm thương đối với nỗi đau khổ của người khác (5). Như thế, nỗi đau khổ không đáng bị của người khác tác động đối với ta về phương diện hiện sinh. Vì nỗi đau khổ của họ cũng có thể rơi xuống đầu ta, nên phần nào đó, ta đồng hóa ta với họ trong cảm thương. Trong cuốn Thi Ca Học của mình, Aristốt chứng minh việc trình bầy số phận người anh hùng trong một bi kịch gây nên lòng cảm thương (ἔλεος) và sự sợ hãi (φόβος) trong ta như thế nào và dẫn ta tới sự hồi hộp phấn chấn nội tâm (χάθαρσις) của người xem (6) ra sao.

Điều trên hoàn toàn khác với các triết gia Khắc Kỷ. Theo các triết gia này, tâm tình cảm thương bất tương hợp với Stoa, tức ý niệm đạo đức hàng đầu của phái này, một ý niệm cho rằng lý trí phải bá chủ xúc cảm, và cũng bất tương hợp với việc tự trị và bình an trong tâm hồn. Do đó, đối với phái Khắc Kỷ, lòng cảm thương chỉ là một xúc cảm phi lý; nó là sự yếu đuối và là một căn bệnh của linh hồn. Ngược lại, lý tưởng khôn ngoan của Khắc Kỷ là hoàn toàn bình thản trong tâm hồn khi đứng trước số phận của mình hay của người khác và cố gắng loại bỏ mọi xúc cảm (ἀπάθεια). Người Khắc Kỷ khôn ngoan phải là người không có xúc cảm và không giao động khi phải đối diện với các bất hạnh của mình cũng như các đau khổ của người khác. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn không loại người Khắc Kỷ ra khỏi việc biết và trân quí thái độ khoan nhân (clementia), thương người (humanitas), và sẵn lòng (benignitas) giúp đỡ (7).

Dựa trên Thánh Kinh, các giáo phụ không ủng hộ lý tưởng Khắc Kỷ. Thánh Augustinô (8) và sau đó, Thánh Tôma Aquinô (9), giải thích chữ misericordia theo nghĩa ngữ học của nó: có lòng (cor) với người bất hạnh (miseri), với những người nghèo và buồn khổ, theo nghĩa rộng rãi nhất của chữ này. Cùng với Aristốt, các ngài định nghĩa lòng cảm thương như là cảm nhận hay đau khổ với (compassion): miserum cor habens super miseria alterius (có trái tim không vui vì nỗi thống khổ của người khác) (10). Đối với Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô, lòng cảm thương ấy và lòng thương xót ấy không phải chỉ là một cảm xúc dấy lên vì kinh nghiệm đau khổ nơi người khác. Chúng không những chỉ là cảm tính, mà đồng thời còn là những thiên hướng hữu hiệu, cố gắng chiến đấu và vượt thắng thiếu thốn và đau khổ. Điều này rất quan trọng nếu ta muốn hiểu chính xác lòng cảm thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không thể thụ động chịu tác động từ bên ngoài bởi sự đau khổ của người khác. Lòng thương xót chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa theo nghĩa đệ nhị đẳng là tích cực và hữu hiệu chống lại và vượt thắng thiếu thốn và đau khổ (11).

Linh mục Yves Congar đã dựng lại một cách sâu rộng dòng tư tưởng của Thánh Tôma (12). Ngài chứng minh rằng đối với Thánh Tôma, lòng thương xót nói lên tính tối thượng (sovereignty) của Thiên Chúa. Thiên Chúa không giống như một quan tòa hay một viên chức công, chỉ biết áp dụng luật đã được một thẩm quyền cao hơn thiết lập. Thiên Chúa là chúa tể tối thượng, không lệ thuộc luật lệ nào của người khác, nhưng đúng hơn là Chúa Tể ban phát ơn huệ của Người một cách đầy chủ quyền. Trong diễn trình này, Người không diễn tiến một cách độc đoán; đúng hơn, Người hành động theo lòng nhân lành đầy yêu thương của Người (13). Bởi thế, lòng thương xót không chống lại công lý. Lòng thương xót không “treo chén” công lý; đúng hơn, lòng thương xót vượt quá nó; lòng thương xót là việc nên trọn của công lý (14).

Khác với thế giới Hy Lạp và La Mã, Kitô Giáo sơ khai đã khai triển một hệ thống phúc lợi dành cho người nghèo không những trên bình diện tư riêng mà còn trên cả bình diện thị xã nữa. Bằng cách này, việc chăm sóc có tính định chế đối với người nghèo và người bệnh đã xuất hiện rất sớm (15). Đây là trách vụ của các giám mục; các ngài ủy thác việc này cho các phó tế. Từ thế kỷ thứ tư trở đi, các nhà thương, các nhà cho khách hành hương, hay nơi trú ẩn cho người nghèo đã được thiết lập; chúng trở nên mẫu mực cho các nhà thương thời trung cổ, nhằm chăm sóc ngừơi nghèo và người bệnh. Các dòng tu khác nhau hiến mình cho việc chăm sóc người bệnh cũng đã được thiết lập. Bằng cách này, Kitô Giáo đã gây một ảnh hưởng lâu dài lên văn hóa Âu Châu và lên văn minh nhân loại nói chung. Ảnh hưởng này vẫn tiếp tục hữu hiệu cho tới nay, thường dưới hình thức tục hóa. Không có đà thúc đẩy của Kitô Giáo này, người ta khó mà hiểu thích đáng cả lịch sử văn hóa xã hội của Âu Châu lẫn lịch sử con người nói chung.

c/ Phổ quát hóa lòng cảm thương và việc phê phán nó thời cận đại

Việc khai triển phúc lợi thời cận đại dành cho người nghèo và người bệnh không phát sinh như thể từ số không. Nó được xây dựng trên nền văn hóa xã hội của thế giới cổ xưa và thế giới trung cổ; mà nền văn hóa này vốn được tinh thần Kitô Giáo lên khuôn. Tuy nhiên, thời cận đại đã biến lòng cảm thương, vốn luôn hướng về những con người cụ thể, thành tình yêu nhân loại nói chung. Trên hết, Jean-Jacques Rousseau đã đóng một vai trò quyết định trong cuộc triển khai này. Đối với ông, lòng cảm thương là một cảm nhận đến trước mọi suy nghĩ; nó là nguồn gốc của mọi nhân đức xã hội. Vì khả năng để ta có thể xỏ chân vào giầy người khác nằm ở chính gốc rễ của lòng cảm thương. Như thế, chính lòng cảm thương giúp một cá nhân có khả năng đặt mình vào tương quan xã hội với người khác (16). Nhờ cách này, từ lòng cảm thương, hiểu như việc chăm sóc những con người cụ thể đang gặp đau khổ, Rousseau đã khai triển được ý niệm từ thiện và yêu nhân loại phổ quát.

Tình yêu đối với những người ở xa ta nhất thường phát xuất từ tình yêu đối với những người ở gần ta nhất. Ta có thể đặt câu hỏi: phải chăng việc phổ quát hóa lòng cảm thương này há không dẫn ta tới một cảm thức quá trớn về nghĩa vụ hay sao (17). Ngày nay, câu hỏi này được đặt ra nhất là khi truyền hình, trong một số trường hợp cá biệt, có khả năng chuyển đến ta một cảm thức như mình đang có mặt ở đó, và vì thế gợi lên cả một đợt cảm thương dào dạt và thu được cả hàng tấn tặng dữ hậu hĩnh, một việc, tự nó, rất đáng hoan nghinh. Tuy nhiên, tính cận kề này vẫn là vô ngã vì nó được thông truyền qua kỹ thuật truyền thông.

Nơi Gottfried Ephraim Lessing, ta cũng thấy một chủ trương tương tự như chủ trương của Rousseau. Lessing nhìn lòng cảm thương chủ yếu theo viễn tượng thẩm mỹ. Đối với ông, một nhân vật của Phong Trào Ánh Sáng, chức năng chính của văn chương hệ ở việc tải đạo (giáo dục). Ông kể khả năng cảm thương người khác vào số các nhân đức quan trọng nhất của người công dân. Đối với ông, lòng cảm thương đã trở thành đức tính tích cực, tinh tuyền và đơn giản nhất của con người. Trong đồng văn Aristốt, lý thuyết của Lessing về bi kịch quan tâm tới hiệu quả giáo dục của bi kịch, vì nó gợi lên lòng thương xót và sự sợ hãi nơi người xem (18).

“Con người có lòng cảm thương hơn hết là con người nhân bản tốt đẹp nhất, con người có thiên hướng nhất hướng tới mọi nhân đức công dân và hướng tới mọi loại hào hiệp. Do đó, bất cứ ai khiến chúng ta cảm thương, thì cũng làm chúng ta tốt hơn và có nhân đức hơn. Và bi kịch nào làm được điều ấy thì cũng làm được điều này, hay, nó làm điều ấy để có thể làm được điều này’ (19).

Frederic Schiller tiếp nhận tư tưởng trên trong lý thuyết của ông về bi kịch và khai triển thêm. Ngay tựa đề bản văn của ông, Kịch Trường Như Một Định Chế Luân lý, cũng cho thấy rõ: đối với ông, bi kịch đã trở thành một định chế giáo dục (20).

Ngay với Hegel, cũng nhân khi bàn về Aristốt, lòng cảm thương không phải chỉ là vấn đề cảm nhận xúc cảm. Như chính ông nhận định một cách châm biếm: “với lòng cảm thương loại này, các mụ tỉnh lẻ cũng luôn sẵn có”. Theo Hegel, điều nội tại trong lòng cảm thương không phải chỉ là cảm nghiệm điều tiêu cực, tức xúc cảm do đau khổ của người khác gợi lên, mà còn “cùng một lúc, có thiện cảm với việc biện minh cho người chịu khổ về luân lý, một biện minh phải hiện hữu ngay trong họ”. Đối với Hegel, lòng cảm thương, hơn một xúc cảm đơn thuần, nói lên việc thừa nhận phẩm giá vốn phải có đối với hữu thể nhân bản chịu khổ (21).

Một cách khác hẳn và chắc chắn do Phật Giáo kích thích, lòng cảm thương đã trở thành tiêu điểm của đạo đức học nơi Arthur Schopenhauer. Theo triết gia này, lòng cảm thương là một “hiện tượng chung”. Nó là việc trực tiếp tham dự vào sự đau khổ của một hữu thể khác. Nhờ tâm tư cảm thương này, bức tường trước đây không thể nào vượt qua giữa “tôi” và “anh” nay càng ngày ngày càng được tháo gỡ. Nhờ thế, Schopenhauer đã có thể mô tả lòng cảm thương như là tìm được nơi người khác điều vốn là của mình. Ông đã có thể biến lòng cảm thương thành nguyên lý cho mọi luân lý tính. Với Schopenhauer, lòng cảm thương không là gì khác hơn chính huyền nhiệm đạo đức học (22). Do đó, ông đã trở thành triết gia đích thực của lòng cảm thương trong kỷ nguyên cận đại.

Giống như toàn bộ lịch sử các ý niệm và triết học cận đại, việc khai triển cái hiểu cận đại về lòng cảm thương và lòng thương xót cũng có nhiều khúc khủyu. Giống các quan điểm cổ xưa, các lý thuyết cận đại về lòng cảm thương và lòng thương xót cũng mâu thuẫn nhau, tùy theo chúng lấy hướng từ các cảm nhận tự nhiên, nhân bản hay từ nền đạo đức học dựa vào lý lẽ.

Đại biểu cổ điển của nền đạo đức học lý lẽ là Immanuel Kant, một triết gia cận đại rõ ràng quan trọng nhất và gây ảnh hưởng nhất. Ông phê phán hệ thống đạo đức phổ quát đặt căn bản trên các cảm quan như lòng cảm thương chẳng hạn. Ông muốn phát huy thứ đạo đức học thuần lý về nghĩa vụ. Không phải động lực xúc cảm, mà đúng hơn, chỉ có các lý lẽ khả niệm, thuần lý mới có thể thôi thúc tác phong đạo đức của mỗi hữu thể thuần lý. Do đó, mệnh lệnh tuyệt đối (categorical imperative) của Kant quả quyết rằng “anh hãy hành động theo phương châm qua đó, anh có thể, cùng một lúc, muốn nó trở thành luật phổ quát” (23).

Vì hành động luân lý chỉ có thể đặt cơ sở trên lý lẽ, chứ không thể đặt cơ sở trên các sức mạnh thúc đẩy của cảm quan như kinh nghiệm hoặc xúc cảm, kể cả lòng cảm thương, nên Kant liên kết ông với giáo huấn Khắc Kỷ về khôn ngoan, và ông bác bỏ lòng cảm thương, coi nó như hạ cấp. Vì một đàng, cảm thương một ai tôi không thể giúp ích chỉ tổ gia tăng sự đau khổ cho họ, và đàng khác, là “một loại làm phúc có tính nhục mạ” theo nghĩa “nó nói lên lòng nhân từ đối với kẻ bất xứng, gọi là lòng thương xót, vốn không có chỗ đứng trong các liên hệ của con người với nhau; vì con người không được phép khoe khoang về sự xứng đáng được hạnh phúc của mình” (24). Tuy nhiên, Kant khá thực tiễn khi nói thêm rằng: mặc dù có lòng cảm thương và cả chia sẻ niềm vui của người khác, tự chúng, không phải là một bổn phận, nhưng ta vẫn có một nghĩa vụ gián tiếp “phải vun sới trong ta” các cảm quan như thế vì, nếu không có những đà đun đẩy này, “ý tưởng bổn phận mà thôi chưa đủ” để gây hứng cho ta tích cực chia sẻ số phận người khác (25).

Kant sẽ không bao giờ là triết gia vĩ đại mà ông vốn là nếu ông đã không nhìn ra các giới hạn của nền đạo đức học lý lẽ một cách hoàn toàn căn để. Ở cuối cuốn Phê Bình Lý Trí Thực Tiễn của mình, ông đưa ra các định đề, nghĩa là các yêu cầu và tiền giả thiết tri thức, mà giá trị của chúng không thể chứng minh được, tuy nhiên, việc chấp nhận chúng là điều cần thiết đối với sự khả niệm và sự khả hữu của luân lý tính. Đối với ông, định đề đáng lưu ý nhất trong các định đề này là sự hiện hữu của Thiên Chúa (26). Với Kant, Thiên Chúa không phải là cơ sở tạo ra tính bó buộc của luật luân lý, mà đích thực là tiền giả thiết để đạt được mục tiêu của luân lý tính, tức hạnh phúc. Vỉ chỉ có Thiên Chúa mới bảo đảm được sự tương đẳng (congruence) của luân lý tính con người với thiên nhiên và do đó với hạnh phúc mà thôi. Hơn nữa, Kitô Giáo biết tới ý niệm nước Thiên Chúa, một ý niệm chỉ có nó mới thoả mãn được đòi hỏi mạnh mẽ nhất của lý trí thực tiễn. Chỉ có tôn giáo mới làm khả hữu niềm hy vọng về một hiện hữu có ý nghĩa và thành công như là một hữu thể nhân bản (27).

Trong thủ bản nói về tôn giáo, Tôn Giáo Bên Trong Các Ranh Giới Của Một Mình Lý Trí, Kant còn đi một bước xa hơn. Ông thấy: thế giới đang gặp rắc rối và mọi hữu thể nhân bản đều có khuynh hướng nghiêng về sự ác, có một trái tim tồi bại và đảo ngược. Do đó, luân lý tính đòi phải có một cuộc cách mạng thiên hướng, tái sinh và thay đổi cõi lòng (28). Không ai có thể làm được việc này hoàn toàn bằng sức riêng của mình (29). Nên, đối với Kant, ơn thánh, trên thực tế, trở thành một định đề của lý trí thực tiễn. Vì lý do này, theo Kant, Kitô Giáo là tôn giáo luân lý duy nhất. Nó cung hiến sự trợ giúp cao hơn cho bất cứ ai làm điều họ có thể và phải làm, bổ xung điều không có trong khả năng của họ (30).

Theo quan điểm thần học, ta phải phê phán các tuyên bố trên là không thoả đáng vì đây là lối giải thích kiểu Pêlagiô (tự sức mình) về học lý ơn thánh của Kitô Giáo. Nhưng ta phải nói thêm rằng ta không thể chờ mong nơi triết học một học lý đúng đắn về ơn thánh. Triết học không thể làm gì khác hơn là giữ cho tư tưởng con người luôn cởi mở đối với thực tại ơn thánh và cho câu hỏi về một Thiên Chúa từ nhân. Kant đã làm được việc này và, trong diễn trình làm việc ấy, ông đã đưa ra được một dự thảo triết học sơ khởi liên quan tới ơn thánh, hay đúng hơn, một tiếp cận đối với học lý ơn thánh, khá có ý nghĩa. Nhờ đó, Kant đã báo trước nhiều xem xét tương tự, các xem xét đã được tìm thấy một lần nữa trong các ngữ cảnh mới của thế kỷ 21 và là những xem xét giúp chúng ta thấy rằng nói về ơn thánh và lòng thương xót của Thiên Chúa là điều khả niệm về phương diện nhân bản và có trách nhiệm về phương diện thuần lý (31).

Kỳ sau: d/Các tiếp cận mới trong thế kỷ 20 và trong thế kỷ 21

_________________________________________________________________________________________

(1) Trong những dòng sau đây, chỉ có thể nhắc đến một số tham chiếu. Có thể tìm thấy một trình bầy toàn diện, sử học và triết học trong L. Samson, “Mitleid”, Historische Worterbuch der Philosophie, Joachim Ritter, Karlfried Grunder và Gottfried Gabriel hiệu đính (Basel: Schwabe Verlag, 1971-2007), 5: 1410-16; R. Hauser và J. Stohr, “Barmherzigkeit”, Historische Worterbuch der Philosophie 1:754f. Dirk Ansorge cung cấp một trình bầy toàn diện: Gerenchtigkeit und Barmherzigkeit Gottes: Die Dramatik von Vergebung und Versohnung in bibeltheologischer, theologiegeschichtlicher und philosophiegeschichtlicher Perspektive (Freiburg i. Br.: Herder, 2009).

(2) Xem ch.III, 1.

(3) Friedrich Kluge và Elmar Seebold, Etymologisches Worterbuch der deutschen Sprache, ấn bản 23 (Berlin: De Gruyter, 1999).

(4) Plato, Apology, 34 c ff; Republic, 415 c.

(5) Aristotle, Rhetoric, 1385 b.

(6) Aristotle, Poetics, 1449 b.

(7) Seneca, On Clemency, II, 6.

(8) Thánh Augustinô, Kinh Thành Thiên Chúa, IX, 5.

(9) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a. 3; pt II/II, q.30 a.1 ad 2, a.2 và 3; Super Joannem 2, lect.1, n. 3.

(10) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. II/II, q.30 a.1 c.a.

(11) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a.3. Xem Bertrand de Margerie, Les perfections du Dieu de Jésus Christ (Paris: Cerf, 1981), 255-57.

(12) Yves Congar, “La miséricorde: Attribut souverain de Dieu”, Vie spirituelle 106 (1662): 380-95; Xem Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 301-26; Edith Olk, Die Barmherzigkeit Gottes als zentrale Quelle des chrislichen Lebens (St. Ottilien: EOS, 2011), 97-102.

(13) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt.I, q.21 a.1 ad 2 và 3.

(14) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21 a.3 ad 2. Muốn biết thêm chi tiết, xem ch.V, 1.

(15) Xem ch. VII, 4

(16) Xem cuốn IV Émile: Jean-Jacques Rousseau, Émile or on Education, bản dịch tiếng Anh của Allan Bloom (New York: Basic Books, 1979), 221-24.

(17) Henning Ritter, Nahes und ferns Ungluck: Versuch uber das Mitleid (Munich: C.H. Beck, 2004). Cũng nên xem Norbert Bolz, Diskurs uber die Ungleichheit: Ein Anti-Rousseau (Munich: Wilhelm Fink, 2009).

(18) Gotthold Ephraim Lessing, Hamburg Dramaturgy, bản dịch tiếng Anh của Helen Zimmern với lời dẫn nhập mới của Victor Lange (New York: Dover, 1962). Đặc biệt nên xem tiểu luận #74, 175-78.

(19) Thư Lessing gửi Friedrich Nicolai, Tháng Mười Một 1756 trong Lessings Briefwechsel mit Mendelssohn und Nicolai uber das Trauerspiel, Robert Petsch hiệu đính (Leipzig: Durrsche Buchhandlung, 1910), 50-57.

(20) Friedrich Schiller, “Was kann eine gute, stehende Schaubuhne eigentlich wirken?” (1784) trong Schillers Werke (Frankfurt a. M.: Insel, 1966), IV:7-19; “Uber den Grunddes Vergnugens an tragischen Gegenstanden” IV:60-73. Xem Schiller, “The Stage Considered as a Moral Institution” trong Friedrich Schiller: An Anthology for Our Time, bản dịch tiếng Anh của Frederick Ungar (New Yrok: Frederick Ungar, 1959), 263-83.

(21) G.W.F. Hegel, Aesthetics: Lectures on Fine Art, bản dịch tiếng Anh của T.M. Knox, 2 cuốn (New York:Oxford University, 1975), 2:1198.

(22) Arthur Schopenhauer, The Basis of Morality, bản dịch tiếng Anh của Arthur Brodrick Bullock (London: Swan Sonnenschein, 1903), 170.

(23) Immanuel Kant, Groundwork of the Metaphysic of Ethics, trong The Metaphysic of Ethics, ban dịch tiếng Anh của J.M. Semple (Edingburgh: T & T Clark, 1871) 51.

(24) Immanuel Kant, The Metaphysic of Morals, Part II trong Immanuel Kant: The Doctrine of Virtue, bản dịch tiếng Anh của Mary J. Gregor (Philadelphia: University of Pennsylvania, 1964), 126.

(25) Kant, Metaphysic of Morals, 126.

(26) Immanuel Kant, Critique of Practrical Reason, and Other Writings in Moral Philosophy, Bản tiếng Anh của Lewis White Beck, (Chicago: University of Chicago, 1949), 236, 244 ff.

(27) Kant, Critique of Practrical Reason, and Other Writings in Moral Philosophy, 245-246.

(28) Immanuel Kant, Religion within the Boundaries of Mere Reason, bản tiếng Anh của Allen Wood và George DiGiovanni (New York: Cambridge Uni versity, 1998) 58-59.

(29) Kant, Religion within the Boundaries of Mere Reason, 67-73.

(30) Kant, Religion within the Boundaries of Mere Reason, 71. Xem Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 435f. Helmut Hoping, Freiheit im Widerspruch: Eine Untersuchung zur Erbsundenlehre im Ausgang von Immanuel Kant (Wien: Tyrolia Verlag, 1990).

(31) Trong bối cảnh này, chúng ta không cần trở lại với lời phê bình của Nietzsche về lòng thương hại và thương xót. Xem chương I, 4.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đồng Cỏ Nội
Richard Drysdale
18:02 08/05/2016
HOA ĐỒNG CỎ NỘI
Ảnh của Richard Drysdale
Hoa đồng cỏ nội Chúa ban
Long lanh dưới nắng, lụa vàng cũng thua.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 03 – 09/05/2016 : Hội nghị y học về phát triển tế bào gốc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:02 08/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tâm tình của một Giám Mục Mỹ khi hay tin một Giám Mục Ấn bị bắt cóc và đánh đập tàn tệ

Trước tin tức một giám mục Công Giáo ở Ấn Độ phục vụ một giáo phận nghèo chủ yếu gồm toàn những người “Dalits”, hay “cùng đinh”, đã bị bắt cóc và đánh đập dã man, hầu hết người Công Giáo Mỹ cảm thấy thật khủng khiếp, nhưng về cơ bản cảm giác đau buồn trước tin này cũng nhanh chóng trôi qua.

Đối với Đức Cha Michael Pfeifer, Giám Mục nghỉ hưu ở San Angelo, Texas, thì không phải như thế bởi vì vị giám mục Ấn Độ ở trung tâm của câu chuyện này là một người bạn thân và đã từng là linh mục của giáo phận.

Đức Giám Mục Prasad Gallela bị bắt cóc vào ngày 25 tháng Tư, cùng với người tài xế của mình, và bị đánh đập dữ dội suốt đêm trước khi được thả ra cách giáo phận Cuddapah của ngài hơn 50 dặm.

Đức Cha Pfeifer nói hôm thứ Sáu 29 tháng Tư rằng nạn nhân trong vụ tấn công này là “một một nhà lãnh đạo Giáo Hội rất ưu tú”, là người xứng đáng với sự quan tâm và hỗ trợ của người Công Giáo Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Crux, Đức Cha Pfeifer cho biết:

“Tôi đã nhận được tin này từ các nguồn khác nhau, và tôi email cho ngài ngay lập tức. Ngài trả lời ngày hôm qua, và tôi rất vui khi được biết ngài vẫn còn có thể gửi email được. Đó là một cái gì đó rất tích cực, xét vì những vết thương trầm trọng trên người của ngài. Tôi đã bị sốc khi thấy một người tốt như vậy, một nhà lãnh đạo Giáo Hội lớn như thế lại bị đánh đập tàn tệ ... thậm chí có thể mất mạng.

Ngài là một người bạn thân của tôi. Tôi biết ngài có lẽ khoảng 12 năm trước đây, khi ngài lần đầu tiên đến Giáo Phận San Angelo. Tôi mời ngài, và ngài đã phục vụ như một linh mục ở đây nhiều năm. Ngài là một trong những linh mục tốt nhất từ bên ngoài đất nước tôi từng nhận được. Ngài rất có khả năng, có một sự nhạy cảm mục vụ rất đặc biệt, và thích nghi rất tốt với nền văn hóa của Tây Texas.

Khi các linh mục quốc tế đến đây, thường có một cuộc xung đột giữa các nền văn hóa, nhưng ngài thích nghi tốt hơn so với bất kỳ linh mục khác từng phục vụ ở đây. Chúng tôi trở thành những người bạn tốt, và tôi nhìn thấy những phẩm chất và khả năng của ngài. Khi ngài được gọi trở lại Ấn Độ để dạy thần học trong các chủng viện, tôi đã thất vọng, nhưng tôi hiểu tại sao, vì ngài rất có năng khiếu về lãnh vực này và một người thích suy tư.

Tôi cũng không ngạc nhiên khi ngài được bổ nhiệm giám mục, vì tôi nhìn thấy những phẩm chất của một giám mục trong linh mục tốt này. Kể từ đó, ngài đến gặp tôi nhiều lần, và tôi đã ủng hộ ngài. Tôi dành sự ngưỡng mộ cao nhất cho ngài.”

2. Đức Thánh Cha gặp vị Giám Mục Ý giáp giới với Áo về tình trạng người tị nạn

Trong một cuộc trò chuyện với một giám mục Ý có giáo phận giáp giới với Áo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ người tị nạn.

Đức Cha Ivo Muser là Giám mục giáo phận Bolzano-Bressanone, trước đó đã chỉ trích quyết liệt một quyết định của Áo muốn xây dựng các rào cản và các cấu trúc khác tại Brenner Pass.

Một thông cáo báo chí từ giáo phận Giám mục Muser cho biết rằng trong cuộc nói chuyện vào ngày 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã nói về tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người tị nạn ... nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giúp đỡ những người đang phải lánh nạn”.

Ngày hôm sau, 28 tháng Tư, Italia, là nước vẫn duy trì lập trường phản đối việc đóng cửa Brenner Pass, và Áo đã đạt được một thỏa thuận hủy bỏ kế hoạch đóng cửa này.

3. Công việc cải tổ các cơ quan truyền thông Vatican cần phải mất 2 năm nữa

Vị lãnh đạo Viện Truyền thông Vatican cho biết việc củng cố các cơ quan truyền thông của Vatican không thể hoàn thành trước năm 2018.

Đức Ông Dario Edoardo Viganò, là người được bổ nhiệm hồi tháng Sáu năm ngoái để lãnh đạo Viện Truyền Thông tân lập, đã mô tả quá trình cải tổ các cơ quan truyền thông của Vatican trong một bài diễn văn tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá. Ngài nói rằng những cải tổ liên quan đến việc tinh giản các văn phòng và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.

Đức Ông Viganò thừa nhận rằng những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo trên tờ Quan Sát Viên Rôma -- mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican.

Cho đến thời gian gần đây, cả Radio Vatican lẫn tờ Quan Sát Viên Rôma đều tham gia tường trình các bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ sáng tại nhà nguyện Santa Marta với những bài tường trình và cách phiên dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh đôi khi khá khác biệt.

Hiện nay, có 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.

4. Đức Giáo Hoàng lo ngại vì giao tranh bùng nổ dữ dội tại Aleppo, Syria

Sau một thời gian tạm thời yên ắng nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ có hiệu lực từ hôm 27 tháng Hai, chiến cuộc đã bùng lên dữ dội từ hơn một tuần qua tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Đức Tổng Giám Mục Antoine Audo của Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, vẫn còn đang coi sóc tổng giáo phận này, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng người dân trong thành phố kinh hoàng thất đởm trong 10 ngày qua trước những cuộc pháo kích của phiến quân Hồi Giáo do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi và các nước khác yểm trợ; và những trận dội bom từ máy bay của quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.

Ít nhất 252 người đã chết trong hơn một tuần qua.

“Tình hình của người dân thật là thảm họa”, Đức Cha Antoine Audo nói. “Trước chiến tranh, chúng tôi có hơn 150,000 Kitô hữu của các nghi lễ khác nhau ở Aleppo. Hôm nay, khoảng hai phần ba đã trở thành người tị nạn ngay tại đất nước của họ hoặc đã tìm cách lánh nạn ở các nước khác, chẳng hạn như Li Băng, và cả ở phương Tây.”

Đức Cha Antoine Audo âu lo rằng cuộc chiến kinh hoàng đang diễn ra từ mấy ngày qua có thể là giọt nước làm tràn đầy ly. Những người còn lại có lẽ sẽ ra đi bằng mọi giá.

Theo Đức Cha Audo, quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo Aleppo thường là tốt và thậm chí đã được cải thiện kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011.

Đức Cha nhấn mạnh rằng các lực lượng chiến đấu chống lại chế độ Assad tại Aleppo “là những nhóm đang được tài trợ từ bên ngoài của đất nước. Họ không đến từ Syria.”

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 01 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi nhận được một tin hết sức đau buồn đến từ Syria: Các hình thức bạo lực tiếp tục làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh nhân đạo đã đến bờ tuyệt vọng của đất nước này, đặc biệt là tại thành phố Aleppo. Họ tiếp tục giết hại các nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, những người đau yếu, bệnh tật và ngay cả những người đã có những hy sinh rất lớn trong việc dấn thân giúp đỡ người khác. Tôi tha thiết kêu gọi các bên xung đột hãy tôn trọng việc đình chiến và tăng cường việc đối thoại đang được diễn ra. Đó là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.

Ngày mai tại Roma, Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề ‘Sự phát triển bền vững và những hình thức công việc dễ bị tổn thương nhất’. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể khuấy lên mối bận tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị và kinh tế, cũng như xã hội dân sự, để từ đó chúng ta có thể thúc đẩy một mô hình phát triển nhấn mạnh đến phẩm giá con người, hết sức tôn trọng những tiêu chuẩn về lao động và môi trường sinh thái.”

5. Các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo Đông phương mừng Chúa Phục Sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng đến các tín hữu Chính Thống Giáo và Công Giáo nghi lễ Đông Phương, nhân dịp Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật mùng một tháng Năm theo lịch Julian.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi xin gởi những tâm tình chân thành tới những anh chị em của chúng ta thuộc Giáo Hội Đông Phương, ngày hôm nay, đang mừng lễ Phục Sinh. Xin Thiên Chúa Phục Sinh mang đến cho tất cả mọi người những ân sủng của ánh sáng và bình an. Christos anesti! (Đức Kitô đã phục sinh!)”

Trước đó, trong một tweet trên account @Pontifex của mình, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi gởi lời chào thân ái đến các tín hữu của Giáo Hội Đông Phương, đang cử hành Lễ Vượt Qua ngày hôm nay. Χριστὸς ἀνέστη!”

Trong khi đó, một cuộc đàm phán tại Minsk đã dẫn đến một thỏa thuận theo đó các lực lượng chính phủ Ukraine và ly khai do Nga hậu thuẫn thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện ở phía đông nam Ukraine, nơi cả người Chính thống giáo lẫn anh chị em tín hữu Công Giáo Đông phương đang mừng lễ Phục sinh.

Hiệp ước đình chiến có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Bảy 30 tháng Tư, nhưng theo nguồn tin chính phủ Ukraine một người lính đã thiệt mạng và nhiều người bị thương vào ngày Chúa Nhật ở miền Đông Ukraine trong một trường hợp chính phủ Ukraine cáo buộc là các thành phần ly khai đã vi phạm hiệp ước đình chiến.

Trong một thông điệp, Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople, là Bácthôlômêô I, kêu gọi các tín hữu làm chứng cho tình yêu với những người láng giềng của họ giữa sự tàn bạo của một thế giới đương đại, đang bị sâu xé bởi chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và đau khổ.

Các giám mục Chính thống Ý, Malta, và Gennasius, cũng đã ban hành những lời kêu gọi “thanh tẩy con tim” để có thể “cảm nhận đầy đủ sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”.

Trong khi đó, Thượng Phụ của Giáo Hội Chính thống Serbia, là Irinej, đã gửi một thông báo yêu cầu các tín hữu hãy tha thứ, “đừng phán xét người khác” và “đừng sợ hãi thế giới bất chấp những hệ tư tưởng thế tục, sự chia rẽ, hận thù và bạo lực.”

6. Hôn nhân là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa trong xã hội cạnh tranh Singapore

“Trong hôn nhân chúng ta có khuynh hướng dựa trên chính sức của mình, nhưng rồi chúng ta trở nên mệt mỏi và bị làm cho mệt mỏi. Điều này xảy ra vì chúng ta quên rằng Thiên Chúa có thể làm tất cả và luôn ở bên cạnh chúng ta.” Đó là lời của bà Ramona Olsen, một bà mẹ của gia đình, đã kể lại các khó khăn bà đã gặp trong cuộc sống với chồng của bà trong một buổi gặp gỡ để giúp các đôi hôn nhân do Ủy ban gia đình của Tổng giáo phận Singapore tổ chức.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ diễn đàn về các thách thức mà các gia đình Singapore gặp phải trong một xã hội cạnh tranh quá mạnh, hầu như người ta chỉ tập trung vào công việc và sản phẩm. Buổi đầu tiên diễn ra vào ngày 19 tháng 3 vừa qua và chương trình sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 5 tới đây. Trong dịp này, nhiều cặp vợ chồng sẽ mừng kỉ niệm hôn phối và một số Linh mục cũng kỉ niệm ngày thụ phong Linh mục.

Cyrine Gregory, điều phối viên của sáng kiến này, giai thích vai trò của các tín hữu Công Giáo đối với người trẻ, những người luôn luôn ít được các bậc cha mẹ hỗ trợ trong việc chọn lựa kết hôn và có con. Bà nói: “chúng tôi được mời gọi là một tiếng nói khác trong xã hội, đi ngược lại với văn hóa. Chúng tôi cần phải mang tình yêu Thiên Chúa, tình yêu chữa lành, đến với tất cả các cuộc hôn nhân và tất cả các gia đình đang đau khổ.”

Buổi họp mặt ngày 16 tháng 4 do cha Terence Pereira, đại diện Giám mục về Loan báo Tin Mừng, hướng dẫn. Cha đã nói về tầm quan trọng của sự gặp gỡ cá nhân của mỗi người với Chúa Ki-tô như là một nền tảng giúp các gia đình đang gặp khó khăn. Cha đã lưu ý đến tình trạng hôn nhân ở Singapore mà từ vài năm nay đã trở nên ngắn ngủi với số vụ ly dị gia tăng. Theo cha, có tới 7000 vụ ly dị trên tổng số khoảng 21 ngàn đám kết hôn hàng năm. Để thay đổi tình trạng này, các Ki-tô hữu phải trở nên giống như “bụi gai trong sách Xuất hành, bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi.”

Có trên 200 ngàn tín hữu Công Giáo ở Singapore, chiếm 5% dân số. Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội tăng triển và năng động.

7. Phó tổng thống Mỹ ca ngợi Đức Giáo Hoàng

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì lòng từ bi của ngài trong một bài diễn văn hôm 29 tháng Tư tại một cuộc họp tại Vatican. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mang lại hy vọng cho nhiều người. Đối với cá nhân ông, ngài đã an ủi ông khi con trai ông là Beau Biden qua đời hôm 30 tháng Năm 2015. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có 3 người con và Beau Biden là người con cả. Ông Beau Biden, từng là Tổng Chưởng Lý của bang Delaware, đã qua đời ở tuổi 46 vì bị ung thư não bộ.

Phát biểu với cử tọa về y học tái tạo, Biden dành nhiều thời gian của mình để trình bày sáng kiến “Moonshot” do ông đưa ra để đánh bại bệnh ung thư, và nói rằng nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào nỗ lực này. Ông nói rằng hối tiếc lớn nhất của ông là quyết định không tranh cử làm tổng thống Hoa Kỳ, như thế ông đánh mất cơ hội có thể thúc đẩy kế hoạch này trong tư cách tổng thống Mỹ.