Ngày 05-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những Đức Tính Của Người Mục Tử
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
01:26 05/05/2009
Cảm nghiệm Sống # 82: Ga 10, 11-18

NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ

Mục tử là những người Kitô hữu có chức vụ và trách nhiệm trong Gia đình, Giáo hội, và ngoài Xã hội như vị như Tổng thống xuống đến các Bộ trưởng, Giám đốc, Ban, Ngành v..v…

Đức Giêsu Mục là Tử nhân lành, Người nói với tôi bây giờ: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành…và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10, 11-15).

A- Mục tử tốt: là những người lãnh đạo thật sự có ý hướng phục vụ mọi người, chứ không nhằm lợi ích riêng cho mình:

1-Yêu thương, trìu mến (chiên) dưới quyền mình vớí tất cả tâm hồn: Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt. (Is 40, 11)

2- Yêu qúy từng con chiên, cũng như cả trăm con: Ai có một trăm con chiên chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi mà đi tìm con lạc sao?. nếu may mà tìm đuợc, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là 99 con chiên không bị lạc. (Mt 18, 12-13)

3- Tạo những điều kiện tốt cho chiên: Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ màu mỡ. (Êd 34, 14)

4- Làm chiên sống ấm no hạnh phúc: Chúa chăn dắt tôi, tôi, tôi chẳng thiếu thón gì (Tv 23, 1). Làm cho chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ:Dù cho qua thung lủng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 23, 4)

5- Tinh thần trách nhiệm rất cao: Con mào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thưung Ta sẽ băng bó, con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh, on nào mạnh khỏe, Ta sẽ canh chừng. (Êd 34, 16)

B- Mục tử xấu: là những người phục vụ chỉ nhằm để hưởng thụ bản thân hoặc thoả mãn những tham vọng riêng tư:

1- Vô trách nhiệm: Con nào mất nó chẳng quan tâm, con nào thất lạc nó chẳng đi tìm, con bị thương nó không chạy chữa. (Dc 11, 16).

2- Chỉ nghĩ tới hưởng thụ: Sẵn sàng bóc lột: Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt. (Êd 34, 4)

3- Tàn bạo, độc ác: Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc (Êd 34, 3). Các ngươi xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Các ngươi làm cho đàn chiên của ta phải tan tác.(Gr 23, 2)

4- Là lũ chó đói và câm: Những người canh gác It-ra-en đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi! Chúng là lũ cho đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử, thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn - chẳng trừ ai - mạnh ai theo đường nấy, chỉ lo tìm lợi lộc cho riêng mình… (Is 56, 10-12; 57, 1-2)

Vị Giáo Hoàng Benedictô XVI hôm nay, khi còn là Hồng Y, ngài đã nói trong sách Muối Cho Đời của Ngài như sau: Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi: “Kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái, và vì thế để cho nọc độc lan tràn (Muối Cho Đời - trg 85)

* Tôi nói với Chúa: Chúa ơi! Trong bài in Mừng hôm nay Chúa xưng đã tự mình mình là Mục tử nhân lành để yêu thương chúng con và sẵn sàng hy sinh mạng mình vì đàn chiên, để chúng con noi gương bắt chước Người trong việc chăn dắt đàn chiên trong gia đình, hội đoàn, giào xứ và xã hội của chúng con.

Lạy Chúa, chúng con thường chỉ áp dụng câu này cho tôn giáo, nhà thờ, hàng giáo sĩ, mà quên cho mình trong việc lãnh đạo gia đình, nơi sở làm, ngoài xã hội và việc đất nước quốc gia nữa. Ước chi mỗi chúng con đều làm đúng chức vụ mục tử là biết thật sự săn sóc đàn chiên của mình là cha mẹ, vợ chồng, con cái với nhau một cách sáng suốt và tận tình như Chúa đã làm gương.

Ước chi các giáo sĩ sẵn sàng hết lòng hy sinh phục vụ giáo dân của dưới quyền mình. Ước chi các vị lãnh đạo xã hội đất nước biết quên những quyền lợi riêng tư để nghĩ đến dân chúng…

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:48 05/05/2009
QUẢ BÓNG MÀU ĐEN

N2T


Tiểu Hắc Nhân nhìn thấy quả bóng màu đen của người bán hàng trong gian hàng triển lãm, người này rõ ràng là một người đã đi bán hàng khắp nơi. Ông ta cố ý buông dây của quả bóng màu đỏ, quả bóng màu đỏ từ từ bay lên, thu hút rất đông thanh thiếu niên chạy đến vây quanh.

Tiếp theo ông ta thả sợi dây quả bóng màu xanh, sau đó là quả bóng màu vàng, màu trắng, những quả bóng này nhè nhẹ bay lên càng lúc cao cao, mắt thường không nhìn thấy được.

Tiểu Hắc Nhân chăm chú nhìn quả bóng đen, sau đó hỏi:

- “Thưa bác, nếu bác thả quả bóng đen này bay lên, thì nó cũng có thể bay cao như các quả bóng khác không ?”

Người bán hàng cười và trả lời bằng cách cắt dây quả quả bóng đen, quả bóng đen từ từ bay lên cao, ông ta nói:

- “Này em bé, bay cao và màu sắc không ăn nhằm gì với nhau cả, chính hơi chứa đựng bên trong mới làm cho quả bóng bay lên.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Quả bóng bay cao được là do khí ở trong quả bóng chứ không phải là do màu đen hay màu trắng, con người ta trở thành tốt hay xấu là do cái tâm của mình, chứ không phải là do nhà nghèo hay nhà giàu.

Có những người Ki-tô hữu tốt và có người Ki-tô hữu xấu, xấu tốt không phải vì đạo tốt đạo xấu, nhưng chính họ đã không dùng cái tâm chân thành để thực hành những điều mà Chúa dạy qua Hội Thánh, nên trở thành gương mù gương xấu cho người khác.

Cái tâm chân thành thì luôn làm cho con người ta bay bổng trên tất cả vật chất ở đời này, họ “bay lên” khi cái tâm của họ tràn đầy sự ôn hòa với người khác, họ “bay lên” khi họ chân thành phục vụ tha nhân, họ “bay lên” khi màu sắc của vật chất danh vọng và quyền thế tìm cách níu kéo họ lại...

Điều gì làm cho người Ki-tô hữu bay lên cao trong thánh đức, thưa đó chính là đức tin và ân sủng của Chúa vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:49 05/05/2009
N2T


5. Con đường nên thánh là ở tại việc thực hiện thiết thực bổn phận hằng ngày.

(Thánh Josepha Rossello)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:51 05/05/2009
N2T


106. Cần mẫn là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc, cả hai đều có thể đem đến hạnh phúc.

 
Hạnh phúc gia đình
+ GM Perrier
22:58 05/05/2009
Hạnh phúc gia đình dưới cái nhìn của Đức Giám Mục Perrier

Một tâm tình trong Cựu Ước cầu xin Thiên Chúa: « Lạy Chúa, ai sẽ cho chúng con thấy hạnh phúc ? » và thánh giáo phụ Augustinô hoàn toàn không phải là một tác giả hài kịch đã nói rằng ngay cả đối với người sắp treo cổ tự vẫn cũng chỉ tìm một điều, đó là hạnh phúc.

Thế còn quần chúng nghĩ gì về điều này, hạnh phúc như lòng mong ước có thể đến từ đâu ? Những cuộc thăm dò đã thấy câu trả lời được ưu tiên là: từ gia đình. Bất cứ ai thuộc thế hệ nào khi được hỏi đều nghĩ như vậy và đều biết rằng câu định nghĩa về gia đình có phần uyển chuyển.

Ngay khi đề cập đến vấn đề nhà cửa và đồ ăn thức uống, thì trên quảng cáo không thiếu những hình ảnh về gia đình « hạnh phúc ». Những hình ảnh này thường chỉ là cái gì đó mang tính ước lệ và màu mè. Điện ảnh, và trước nó là sân khấu và văn chương kể cho chúng ta toàn là những câu chuyện về gia đình bất hạnh, thậm chí bị chúc dữ rõ mồn một. Có thể những câu chuyện bi hài đó lại đóng một vai trò tích cực: « Gia đình tôi có thể không hoàn hảo nhưng có thể còn tệ hơn như vậy là đàng khác ».

Ngược lại, cần phải nhìn nhận rằng bất hạnh lớn nhất của phần đa đồng loại là thất bại về cuộc sống gia đình. Đó là điều mà giữa các cặp vợ chồng với nhau, hay giữa cha mẹ với con cái thật khó chấp nhận. Một vài tang tóc đôi khi có cảm tưởng kéo dài lê thê suốt một đời, huống chi những tan vỡ, bất hòa, ruồng bỏ còn thật khó chịu đựng hơn rất nhiều.

Về ly hôn, cần phải tìm ra thủ phạm. Rất thường tình do người khác và vì tình cảm bị phản bội có thể chuyển thành thù hận hay vô liêm sỉ. Đôi khi, nạn nhân tự quy kết mình và sống khép kín trong sự giày vò của nỗi ân hận. Để làm rõ đề tại này, chỉ cần đến thăm những người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão để nghe những lời chê trách và những nỗi hối hận.

Tất cả những điều nêu trên muốn nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để có được hạnh phúc gia đình đó là lòng tin. Đó chính là lý lẽ nhìn nhận nơi gia đình tồn tại một thang giá trị hàng đầu. Tôi chờ đợi nơi xã hội một vài sự đảm bảo như: tự do, an toàn, chăm sóc sức khỏe, hưu trí khi về già. Thế nhưng xã hội có thể sẽ bỏ rơi tôi trong trường hợp tôi có đầy dẫy những cơ cực. Trong số những những bạn bè thân thiện, nhưng có được bao mối tình bạn còn bám trụ lại sau sự bào mòn của thời gian và những bất trắc của cuộc sống ? Chỗ nương tựa chính là gia đình. Cho nên ước gì mỗi gia đình tìm được cách sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi gia đình có phong cách riêng và cần có một vài liều lượng hài ước

như là điều không thể thiếu. Nếu các thành viên coi những chuyện không tránh khỏi xảy ra thường nhật là quá nghiêm trọng, thì một bầu không khí ngột ngạt sẽ đến một cách nhanh chóng.

Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin. Cần phải loại bỏ những gì là miệt thị và dối trá. Mỗi người cần biết đặt niềm tin nơi người khác và bên cạnh đó cũng nên kiểm chứng cho người khác thấy để họ có thể tin tưởng nơi mình. Điều đó càng cần thiết giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em với nhau. Thông thường những bậc ông bà còn sống nhận được sự tin yêu dễ hơn nơi những bậc cháu chắt bởi vì họ có lòng bao dung đối với chúng hơn những gì mà họ đã không có được đối với những con cái mình trước đây. Điều đó là một lợi thế, nhưng không thể thay thế cho mối quan hệ tự nhiên tiếp ngay sau: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Nói về niềm tin, cần phải nhắc đến sự tha thứ. Chúng ta không phải lúc nào cũng xứng đáng để cho người khác tin yêu: chúng ta đã tìm những tư lợi, và từ đó chỉ làm những điều mình thích bằng cả công lý và sự thật; chúng ta đã không chu toàn trách nhiệm của mình; chúng ta từ chối lắng nghe bởi vì không muốn bị quấy rầy ảnh hưởng đến những công việc của mình hay những phương thức tư duy… Niềm tin cần phải không ngừng được tái xây dựng.

Với người tín hữu thì điều này được biết ngay từ thời niên thiếu. Tất cả thiên tình sử về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người là một lịch sử của niềm tin và sự tha thứ. Tội lỗi làm gián đoạn mối quan hệ với Thiên Chúa chính là sự tin tưởng vào chính mình nhiều hơn là tin vào Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục tin yêu nhân loại: Ngài tha thứ. Ngài ký lại giao ước. Ngài uốn nắn lịch sử theo chiều hướng của mối quan hệ. Đức Giêsu đã đề nghị chúng ta làm như vậy đối với nhau: « Con phải tha thứ bao nhiêu lần ? 7 lần chăng ? », thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Ngài trả lời: « 70 lần 7 ». Nếu nơi nào mà ở đó lời Chúa Giêsu được áp dụng triệt để theo mặt chữ, thì nơi đó chính là gia đình: tha thứ được lặp đi lặp

lại, tuy nhiên không bao giờ theo cách máy móc tự động cả.

Điểm lưu ý cuối cùng: không được mong muốn chỉ có riêng mình mới được xứng đáng tin yêu. Cần phải nhận ra những giới hạn của mình để biết hướng đến trạm tiếp sức. Áp dụng nguyên tắc này vào trong gia đình: tất cả các thành viên cần phải tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, gia đình cũng phải biết rộng mở ra bên ngoài. Một gia đình khép kín một ngày nào đó sẽ bị xé rách khi mà một trong những thành viên muốn hít thở một bầu khí khác lạ.

(Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng chuyển ngữ từ nguồn: Simples questions sur la vie)
 
Sức mạnh Lời Chúa
Phanxicô Xaviê
23:15 05/05/2009
Bài diễn từ biệt ly thật dài (Ga: 13-17), đầy cảm động nói lên mối quan tâm sâu sắc và lòng ưu tư đặc biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, vốn là đề tài suy niệm phong phú. Chúng ta cùng đọc lại một đoạn (Ga 15, 1-8) và suy gẫm những lời tâm phúc cuối cùng của Chúa như di chúc để lại trước khi Người rời các môn đệ.

Vì sắp xa lìa các ông, Chúa Giêsu không muốn xảy ra cảnh xa mặt thì cách lòng, nên Ngài kêu gọi các môn đệ liên kết chặt chẽ với Ngài, để nhờ sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, các ông mới được thông phần sự sống đích thực của Thiên Chúa và mới hoạt động có kết quả, cũng như mới là môn đệ chính danh của Chúa, giống trường hợp cây và cành nho vậy.

Hình ảnh cây nho thật quen thuộc với dân bản xứ, và thường được dùng trong Kinh Thánh để chỉ về dân Itrael, nhưng vườn nho đó, cây nho đó chưa đủ điều kiện để thành cây nho thật, vì đã bất xứng với lòng thương xót, sự chăm sóc của Gia-vê. Nay chính Thiên Chúa trồng một cây nho khác, cây nho này sẽ là cây nho thực, sẽ sinh hoa kết quả theo ý của Thiên Chúa. Và Chúa Cha đã gửi Đức Giêsu xuống trần gian, đã cắt tỉa bằng cuộc khổ nạn thập giá, cũng như thông ban cho Ngài sự sống dồi dào.

Như cành nho được tỉa để sinh hoa quả dồi dào hơn, Lời Chúa dạy các môn đệ xưa cũng đã sửa sai, đã tỉa sạch nhiều nết xấu nơi các môn đệ. Vì vậy, lời kêu gọi của Chúa với các môn đệ Ngài, cũng là lời khẩn thiết với thế giới hôm nay. Một thế giới, nơi đó nhân loại như đang muốn tách ra khỏi Đấng Tạo Hóa, nguồn sự sống, để rơi dần vào chỗ bế tắc, để rồi phải xử sự với nhau theo ý riêng mình và đi đến hủy hoại, tàn phá lẫn nhau.

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chớ ngày hành quyết, hai phụ nữ làm công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai người phụ nữ này ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mong manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi mà tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật, Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cấu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: "Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: "Đọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài ? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".

Ông Chirgwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo", đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn của một sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của những con người đang dấn thân phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những người phải sống bên lề xã hội...

Đối với Giáo Hội, Lời Chúa vừa như khuyến khích trấn an, vì Giáo Hội đã luôn kết hiệp với Chúa, vừa như cảnh cáo, quở trách những ai muốn tách đời sống thiêng liêng, đặc biệt nơi Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, ra khỏi sinh hoạt của Giáo Hội. Bởi vì, để sinh hoa kết quả dồi dào, thì việc kết hợp với Chúa là thiết yếu, và việc kết hiệp này không chỉ qua trung gian các việc làm trần thế là đủ, mà còn trực tiếp nơi Lời Chúa và các bí tích, để nuôi sống các hoạt động mục vụ và phục vụ: không kết hợp với cây, cành nho sẽ khô héo và tàn lụi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tội ác của Khmer Đỏ trong cuộc diệt chủng tại Camphuchia
Linh Tiến Khải
01:29 05/05/2009
Phỏng vấn ông Vann Nath về cuộc diệt chủng tại Campuchia

Ngày 30-3-2008 tòa án thủ đô Phnom Penh đã bắt đầu vụ xử ông Kaing Guek Eav, biệt danh là ”Duch”, về các tội phạm chống lại nhân loại, giết người và tra tấn. Ông Duch là một trong năm người thuộc lực lượng Khmer Đỏ bị điều tra bởi tòa án đặc biệt của Campuchia, được Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Ông đã chấp nhận các tội của mình, nhưng vẫn nói là đã chỉ thi hành lệnh trên.

Tội ác diệt chủng của cộng sản Pol Pot
Như đã biết dưới thời quân Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia trong các năm 1975-1978 trường trung học ”Tuol Sleng” trong thủ đô Phnom Penh, đã biến thành nhà tù ”S21”. Và nguyên giáo sư toán ”Duch” đã là giám đốc nhà tù này, và đã tham dự vào các vụ tra tấn ít nhất là 12.380 người, gồm nam nữ và cả trẻ em, theo danh sách của lực lượng Khmer Đỏ. Nhưng người ta đoán đã có tới 16.000 người bị tra tấn và sát hại tại đây. Họ bị kết án là ”gián điệp của Hoa Kỳ, Liên Xô và Việt Nam”. Và các chuyên viên điều tra cho biết đã có 196 trại tập trung như trại ”S21”.

Trong số khoảng 500 người tham dự vụ xử án từ một phòng có kính chắn dầy cũng có 3 cựu tù nhân trong số 9 người đã bị nhốt trong nhà tù ”S21”. Trạng sư bào chữa cho ông ”Duch” nói rằng ông muốn xin lỗi về tất cả những gì ông đã làm trong qúa khứ.

Ông Kaing Guek Eav, tức ông Duch năm nay 66 tuổi, đã bị bắt hồi năm 1999 sau khi bị một nhà báo nhận diện. Tuy không phải là một trong các nhân vật chóp bu của lực lượng Khmer Đỏ, nhưng cùng với Nuon Chea, Ieng Thirith và Ieng Sary ông thuộc nhóm người còn lại trong lực lượng hàng chục ngàn Khmer Đỏ đã tiến vào chiếm đóng thủ đô Phnom Penh ngày 15 tháng 4 năm 1975. Chỉ trong hơn 3 năm rưỡi quân Khmer Đỏ đã tàn sát gần 2 triệu người dân Campuchia, bắng cách bắn vào đầu, đập vỡ sọ, chặt đầu hay để cho họ chết vì đói khát, bệnh tật và lao động khổ sai, theo chính sách mao trạch đông cuồng tín, muốn xóa bỏ hết để xây dựng một quốc gia mới. Biến cố Việt Nam chiếm đóng Camphuchia sau đó đã kết thúc cuộc diệt chủng kinh hoàng này tại vùng Đông Nam Á trong thế kỷ XX. Lực lượng Khemer Đỏ tiếp tục chiến đấu cho tới khi Pol Pot qua đời năm 1998 và sau đó tan rã. Cho đến nay ông Duch đã là người Khmer Đỏ duy nhất phải ra trước tòa án.

Lich sử vụ xử án chống lại giới lãnh đạo lực lượng Khmer Đỏ đã bắt đầu hồi năm 1997, khi Liên Hiệp Quốc đồng ý trợ giúp Campuchia thành lập một toà án quốc tế để xử các tay tội phạm Khmer Đỏ. Nhưng Hoàng thân Norodom Sihanouk và chính quyền của tướng Hun Sen đã tìm mọi cách ngăn cản tiến trình. Lý do là vì nhiều nhân vật trong chính quyền của ông Hun Sen và chính ông Hun Sen cũng đã từng là thành viên của lực lượng Khmer Đỏ. Ông Ieng Sary đã được chính quyền tha khỏi phải xử án.

Quân đội của chính quyền do ông Hun Sen lãnh đạo đã mở cuộc tấn công và tiêu diệt được lực lượng Khmer Đỏ. Ông Hun Sen hy vọng cộng đồng quốc tế quên vụ xử án, nhưng dư luận thế giới đã tiếp tục đòi hỏi công lý cho 2 triệu nạn nhân và đất nước Campuchia. Trước áp lực quốc tế tháng 6 năm 2007 chính quyền Campuchia cho thành lập tòa án với sự cộng tác của Liên Hiệp Quốc. Sau khi Pol Pot và Ta Mok qua đời, hàng lãnh đạo Khmer Đỏ bị tù gồm có Nuon Chea, vợ là Ieng Thirith và ông Duch. Phiên tòa đầu tiên được triệu tập ngày 17 tháng 2 năm 2009. Họ bị kết án là đã phạm các tội chống lại nhân loại, các tội chiến tranh, phá hoại tài sản văn hóa, các tội phạm chống lại giới chức ngoại giao quốc tế, tra tấn và bách hại tôn giáo.

Tại Choeung Ek du khách có thể thăm các hố chôn tập thể. Sọ của các nạn nhân đựơc đem từ nhà tù S21 tới đây được chất đống cao trong một cái tháp bằng kính. Nơi nhiều sọ người ta còn trông thấy vết đạn bắn thủng, các sọ khác thì có vết bị đánh bể. Trong trại tù S21 có một tấm hình trắng đen của ông Kaing Guek Eav, tức Duch, giám đốc nhà tù, một cựu giáo sư biến thành kẻ giết người.

Theo ông Chea Mony, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân tự do, vụ xử án xảy ra trong một nước Campuchia hoàn toàn khác biệt với nước Campuchia của người Khmer Đỏ cách đây hơn 30 năm. Nhưng nó là một nước chưa có khả năng bước vào con đường phát triển quân bình. Các vết thương cũ đã được thắng vượt trong qua khứ, nay lại trở về đầy tràn trong cuộc sống của người dân: nạn gian tham hối lộ, mại dâm trẻ em, giết người, trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật, nghiện ngập ma túy, buôn bán khí giới... Tất cả đã đưa một lớp người không đáng tin cậy lên hàng lãnh đạo. Họ nói đến luân lý, công bằng, và sự tái sinh của dân tộc Khmer, nhưng bệnh liệt kháng lan tràn khủng khiếp, ma túy được buôn bán tự do, các bé gái 7, 8 tuổi bị bán để mua dâm cho những tay kinh doanh và người giầu. Quốc Hội là một nơi người ta nhận hối lộ và chia chác quyền bính. Từ năm 1979 tới nay chính quyền vẫn luôn luôn nằm trong tay của một người duy nhất là ông Hun Sen, cựu thành viên Khmer Đỏ, cùng với nguyên hoàng thân Norodom Sihanouk, là đồng minh của ông Pol Pot từ năm 1970.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Vann Nath, một trong 4 nạn nhân còn sống sót của trại tù ”S21”.

Hỏi: Thưa ông Vann Nath, ông đã bị Khmer Đỏ bắt khi nào và tại sao lại bị bắt?

Đáp: Tôi đã bị bắt vào cuối năm 1977, một cách chính thức vì đã xúc phạm đến Angkar, là đảng cộng sản cầm quyền. Tôi nhớ là trong nhiều tuần liên tiếp tôi đã duyệt xét lại từng lời nói cử chỉ của mình để xem mình bị bắt vì tội gì, nhưng tôi đã không tìm ra lầm lỗi nào. Tôi đã là một họa sĩ và chắc chắn điều này đã đủ để bị xếp vào loại kẻ thù khả thể của nhân dân.

Hỏi: Trong số 196 nhà tù tại Campuchia dân chủ, trại tù S21 là trại tù đã có nhiều nạn nhân nhất. Ai vào đó thì chỉ có chết chứ không có ngày ra. Thế mà tại sao ông lại đã có thể sống sót. Cái gì đã cứu ông khỏi chết?

Đáp: Chính ông Pol Pot đã cứu tôi. Vâng, thật thế, chính ông Pol Pot đã khiến cho tôi thoát chết một cách gián tiếp. Ông Duch đã chú ý đến khả năng vẽ khéo léo của tôi, và ông Nuon Chea là lãnh tụ thứ hai của Khmer Đỏ đã ra lệnh cho tôi xây một đài kỷ niệm Pol Pot tiến bước trước một đoàn người cách mạng. Đáng lý ra nó đã phải được xây tại Wat Phnom, là đền thờ cổ trên đồi Phnom Penh. Nhưng trong khi chờ đợi thì tôi phải vẽ các bức chân dung của ông Pol Pot. Tôi đã không bao giờ trông thấy Pol Pot, mà chỉ thấy hình của ông ta thôi.

Hỏi: Chế độ tù đầy đã luôn luôn tàn bạo như thế hay sao?

Đáp: Không, vào cuối năm 1978 các điều kiện trong tù tự nhiên trở thành đễ thở hơn, và hầu như không còn có cảnh tra tấn các tù nhân nữa. Lính canh tù cũng tỏ ra lịch sự hơn. Tôi nghĩ là giới lãnh đạo của Khmer Đỏ đã nhận thấy chiến tranh với Việt Nam sắp xảy ra, nên tìm sự yểm trợ của nước ngoài.

Hỏi: Sau khi được ra khỏi tù, ông đã bắt đầu vẽ các cảnh tả lại cuộc sống thường ngày trong tù. Ông có phải là chứng nhân của tất cả những gì mà các bức tranh diễn tả hay không?

Đáp: Đa số các cảnh tôi vẽ tôi đều đã chứng kiến một cách trực tiếp: người tù nằm dài và bị xiềng xích, những người kiệt lực và đói khát, những người bị rút móng chân móng tay trong các cuộc hỏi cung, những vết bị rắn cắn hay bọ cạp cắn, bị điện giật vv... Tôi đã nghe các tiếng thét đớn đau của các tù nhân, tiếng khóc của các trẻ sơ sinh và mẹ của các em. Tôi đã trông thấy các tù nhân bị đẩy lên xe camion và chở đi Choeung Ek, và các xe đã trở về trống không, và chúng tôi tất cả đều hiểu họ đã kết thúc ra sao. Có những cảnh khác tôi vẽ theo lời kể của các tù nhân còn sống sót, như bức tranh vẽ một tên lính Khmer Đỏ giết một em bé sơ sinh, bằng cách quật em vào một thân cây.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng mình khách quan trong các bức tranh không, hay một cách nào đó đã trình bày với mục đích tố cáo các tội phạm ấy?

Đáp: Đây là câu hỏi mà tôi tiếp tục đưa ra cho chính mình: Tôi có ”liêm chính” khi vẽ các cảnh đó không? Tôi không biết. Nhưng đối với những gì tôi đã chứng kiến, thì tôi tin là mình khách quan, vì tôi đã chỉ vẽ những gì tôi trông thấy.

Hỏi: Ông có bao giờ gặp lại các lính canh tù ngày xưa không?

Đáp: Có. Tôi đã gặp ông Him Huy. Anh ta đã nói với tôi rằng nếu anh đã không thì hành những gì anh được lệnh thi hành, thì chính anh đã bị giết rồi. Nhưng tôi nhớ là tôi đã không trông thấy trong đôi mắt của anh ta một sự xót thương nào đối với các tù nhân bị anh ta tra tấn.

Hỏi: Tháng vừa qua tòa án đã bắt đầu các vụ xử các người lãnh đạo của Đảng Campuchia dân chủ thuộc lực lượng Khmer Đỏ. Khi trông thấy ông Duch là cựu giám đốc nhà tù S21 đàng sau chấn song, ông đã có cảm tưởng gì?

Đáp: Tôi đã không cảm thấy hận thù, hay ước muốn trả đũa. Tôi chỉ muốn hiểu hệ thống máy móc nào đã sản xuất ra một chế độ tàn bạo đến như vậy, một sự thù ghét dữ dằn chống lại một kẻ thù tưởng tượng như thế. Tôi muốn hiểu tại sao, chứ tôi không muốn báo thù. Tôi nghĩ là mình có quyền có một lời giải thích. Đối với tôi cả sự kiện họ bị kết án cũng không quan trọng. Tôi thì tôi sẽ để cho họ sống, miễn là họ giải thích cho tôi tất cả những điều đó. Tôi muốn rằng các thế hệ tương lai không bị tiêm nhiễm các lệch lạc nguy hiểm này. Nhưng cần phải có câu trả lời. Nếu vụ xử án chỉ giới hạn ở việc kết án không thôi, thì tất cả đều vô ích.

(Avvenire 19-3-2009)
 
Đức Thánh Cha lưu ý các vị lãnh đạo thế giới về nạn đói
LM Trần Đức Anh, OP
01:30 05/05/2009
VATICAN -. Trong buổi tiếp kiến 55 thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội sáng ngày 4-5-2009, ĐTC tố giác tình trạng 1 phần 5 nhân loại đang phải chịu nạn đói.

Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội nhóm khóa họp toàn thể lần thứ 15 tại Nội thành Vatican từ ngày 1 đến 5-5-2009 với chủ đề ”Giáo huấn xã hội Công Giáo và các quyền con người”, và dưới quyền chủ tọa của Bà Mary Ann Glendon. Bà là giáo sư luật tại Đại Học Havard Hoa Kỳ và vừa mãn nhiệm 1 năm làm Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến các nhân quyền căn bản bắt nguồn từ chính bản tính của con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, và được biểu lộ qua các luật luân lý tự nhiên vốn là qui tắc hướng dẫn phổ quát mà mọi người có thể nhận thức được. Ngài đặc biệt tố giác một vấn đề xã hội đáng lo âu nhất trong những thập niên gần đây, đó là sự mâu thuẫn tỏ tường giữa sự phân chia đồng đều các quyền và tình trạng nhiều người không được hưởng các quyền đó. Đối với các tín hữu Kitô, vẫn cầu xin Chúa ”cho chúng con lương thực hằng ngày” thật là một thảm trạng ô nhục khi 1 phần 5 nhân loại vẫn còn phải chịu đói.'

ĐTC nói: ”Đảm bảo sự cung cấp lương thực thích hợp, cũng như bảo vệ các nguồn mạch sinh tử như nước và năng lượng, đòi các vị lãnh đạo quốc tế phải cộng tác để chứng tỏ sự sẵn sàng hoạt động trong thiện ý ngay lành, tôn trọng luật tự nhiên và thăng tiến tình liên đới, tinh thần phụ đới (subsidiarity) với những miền và những dân tộc yếu thế nhân trên trái đất, như một chiến lược hữu hiệu nhất để loại trừ những chênh lệch xã hội giữa các quốc gia và xã hội, và để gia tăng an ninh trên hoàn cầu”.

Trước đó, trong lời chào mừng ĐTC, Bà Glendon đã trình bày hoạt động của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội trong khóa họp, đồng thời nói rằng ”Chúng con ý thức về sự kiện trên thế giới hiện nay, một điều nực cười là nhiều đe dọa chống lại phẩm giá con người dưới danh nghĩa các quyền con người. Như ĐTC đã vạch rõ trong diễn văn đáng ghi nhớ tại LHQ hồi năm ngoái, hiện nay đang có nhiều sức ép gia tăng để ”tiến từ sự bảo vệ phẩm giá con người đến sự thỏa mãn những lợi lộc, và thường là những lợi lộc của cá nhân.. Vì thế, trong những ngày này, với sự trợ giúp của các chuyên gia thuộc mọi ngành xã hội, chúng con đã duyệt lại quan hệ hỗ tương từ lâu giữa Kitô giáo và các ý tưởng về các quyền con người. Chúng con đã cứu xét cái vào bảo vệ nhân quyền đang được mở rộng trong nỗ lực phân định xem những đòi hỏi về các nhân quyền mới có thực sự làm cho con người được tiển nở hay không. Chúng con đặc biệt chú ý đến các quyền hiện bị cấn công như quyền sống, quyền lập một gia đình, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, và những quyền đang chờ đợi quá lâu để được thỏa mãn như quyền được sống xứng đáng” (SD 4-5-2009)
 
Cuộc tông du tới Đất Thánh
Vũ Văn An
04:11 05/05/2009
Chỉ còn vài ngày nữa, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ rời Vatican lên đường qua thăm Do Thái. Những xáo trộn do vụ ngài tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục thuộc nhóm Lefèbvre và các phản ứng dữ dội của một số giới chức Do Thái trong những ngày kế tiếp liên quan tới quan điểm bài Do Thái của một trong bốn vị giám mục này nay đã hoàn toàn lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho một thái độ hợp tác hết sức tích cực, dọn đường cho sự thành công của chuyến tông du.

Một trăm giáo sĩ Do Thái chuẩn bị chào đón Đức Giáo Hoàng

Ngày 30 tháng Tư vừa qua, hãng tin Zenit thông báo: hơn một trăm giáo sĩ Do Thái thuộc đủ hệ phái khác nhau sẽ ký tên trên một thông điệp để chào đón Đức Bênêđíctô XVI nhân dịp ngài đặt chân tới Đất Thánh, và để khích lệ cuộc đối thoại giữa người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo.

Các vị Chủ tịch Qũy Quốc Tế dành cho việc Giáo Dục Liên Tôn và Liên Văn Hóa là Adalberta và Armando Bernardini cho hay:sứ điệp này sẽ được công bố trên trang mạng của nhật báo Do Thái "Ha'Arezt". Sáng kiến này được một trong các hội viên của Qũy cổ vũ, đó là Giáo Sĩ Jack Bemporard. Vị này đồng thời cũng là giám đốc Trung Tâm Hiểu Biết Liên Tôn (Center for Interreligious Understanding) đặt tụ sở tại New Jersey.

Từ ngày 8 tới ngày 15 tháng Năm, Đức GH sẽ viếng thăm Đất Thánh, Gio-đăng, Do Thái và lãnh thổ Palestine, trong một cuộc thăm viếng được chính phủ Do Thái mô tả là “cây cầu hòa bình”. Sứ điệp của các giáo sĩ có tên là “Hợp nhất trong Thời Đại ta” được gợi hứng từ văn kiện “Thời Đại Ta” (Nostra Aetate) của Công Đồng Vatican II, tức tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II, công bố ngày 28 tháng Mười năm 1965, nhằm cổ vũ các mối liên hệ gần gũi hơn giữa người Do Thái Giáo và người Công Giáo.

Một cách đặc biệt, thông điệp nói trên trích dẫn đoạn sau đây của tuyên ngôn kia: “Vì gia tài thiêng liêng chung đối với người Kitô Giáo và người Do Thái Giáo hết sức lớn lao, nên thánh công đồng này muốn cổ vũ và khuyến cáo sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau ấy, vốn trước nhất là hoa trái của các cuộc nghiên cứu về thánh kinh và thần học cũng như đối thoại trong tình anh em”.

Ngỏ lời với Đức Thánh Cha, thông điệp trên khẳng định rằng: “Trong tinh thần đó, chúng tôi, các giáo sĩ và các nhà lãnh đạo Do Thái, xin niềm nở chào đón ngài và phái đoàn hòa bình của ngài tới Do Thái. Đồng thanh nhất trí, chúng ta hợp nhất với nhau trong cam kết đối thoại liên tôn, trong việc mở rộng nhiều ngả đường hơn nữa để gia tăng sự hiểu biết, và để liên tục thừa nhận và củng cố mối liên hệ quan trọng giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo khắp nơi trên thế giới.

“Và đâu là chỗ tốt hơn để tái khẳng định mối liên hệ ấy cho bằng Thánh Địa Do Thái, một nơi mà cả hai tôn giáo chúng ta đều trân quí như là một phần trong gia tài chung”.

Tiến bộ đáng kể

Theo tin Zenit ngày 3 tháng Năm, tại Giêrusalem, Ủy Ban Thường Trực Song Phương Giữa Nhà Nước Do Thái và Tòa Thánh đã cho công bố kết của cuộc họp vào ngày thứ Năm vừa qua. Ủy Ban này định kỳ gặp nhau để cố gắng thăng tiến các cuộc thương thảo liên quan tới Thoả Hiệp Căn Bản năm 1993.

Bản tuyên ngôn vừa nói viết rằng: “Phiên họp toàn thể của Ủy Ban đã diễn ra trong bầu không khí rất thân hữu và trong tinh thần hợp tác cũng như thiện chí… Phiên toàn thể ghi nhận rằng Ủy Ban Cấp Làm Việc đã thực hiện được tiến bộ đáng kể, vào thời điểm trước cuộc thăm viếng quan trọng sắp đến của Đức Giáo Hoàng tới Giêrusalem. Hai bên thoả thuận sẽ tổ chức phiên toàn thể sắp đến vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 2009 tại Vatican. Trong khi đó, ủy ban cấp làm việc sẽ gặp nhau để đẩy xa cam kết của cả hai phái đoàn nhằm gia tốc các cuộc thương thảo và kết thúc thoả hiệp vào một lúc sớm sủa nhất”.

Những con mắt lé

Trong khi ấy, không thiếu những người Công Giáo tỏ ra dè dặt đối với cuộc tông du này. Tuần báo Công Giáo Anh là tờ The Tablet số ngày 2 tháng Năm vừa qua liên tiếp có một số bài nhấn mạnh nhiều hơn đến những chuyện tiêu cực. Như bài của Robert Mickens chẳng hạn, chỉ cần nghe cái tựa cũng thấy có mùi không tích cực: “Trước cuộc tông du, căng thẳng đang tích lũy tại Đất Thánh”. Ông này kể ra ba sự kiện: một là địa điểm dựng khán đài chào đón Đức GH khi ngài tới thăm trại tỵ nạn Aida tại Bethlehem vào ngày 13 tháng Năm. Do Thái đang yêu cầu giới chức Palestine ngưng việc dựng khán đài ấy vì nó quá gần bức tường ngăn West Bank với Do Thái, đe dọa tới an ninh của họ. Thị trưởng Bethlehem là Salah Taameri thì cho rằng Palestine cần chào đón Đức GH ở địa điểm ấy, để ngài thấy rõ nỗi thống khổ của họ. Người Palestine vốn lên án bức tường “an ninh” này (được bắt đầu xây năm 2002 và nay đã hoàn thành được 2/3) vì nó trưng thu gần 10% đất đai của họ tại West Bank. Còn người Do Thái thì cho rằng bức tường đó cần thiết để đề phòng những tay súng và đánh bom tự sát của Palestine. Chưa biết kết quả vụ tranh chấp này kết cục ra sao. Nhưng Tòa Thánh từ chối không bình luận chi.

Vấn đề an ninh thứ hai là sự an toàn của Đức GH trong Thánh Lễ ngoài trời tại Nadarét vào ngày 14 tháng Năm. Nhật báo Do Thái Ha'aretz nói rằng sở an ninh Shin Bet yêu cầu không nên chở Đức GH vòng quanh khu hành lễ bằng “giáo hoàng xa” có kiếng vì sẽ không an toàn trong trường hợp bị những nhóm quân sự Hồi Giáo quá khích tấn công. Tuy nhiên, Đại Sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh là Mordechay Lewy, vào tuần này, nhấn mạnh rằng sẽ không có chuyện đó để mà quan tâm. Các Kitô hữu người Ả Rập cũng như người Do Thái hy vọng rằng giáo hoàng xa sẽ được sử dụng để càng nhiều người được nhìn thấy Đức GH càng tốt. Một lần nữa, Tòa Thánh cũng từ chối không bình luận gì.

Một bất đồng khác có thể gây phiền phức cho cuộc tông du là việc nội bộ, liên quan tới phản ứng của Giáo Hội Melkite (thuộc nghi lễ Byzantine), là giáo hội có số người Công Giáo lớn nhất trong vùng, hiện hiệp thông đầy đủ với tòa Rôma. Họ cho rằng họ bị đẩy ra bên lề cuộc viếng thăm, hay đúng hơn, ban tổ chức chỉ muốn họ là một đám đông, chứ không phải là một giáo hội, bởi vì nghi thức phụng vụ dùng trong cuộc tông du này không hề có một nét Byzantine nào cả. Theo họ, các giới chức phụ trách cuộc tông du nên hiểu rằng: “Đức Thánh Cha là giáo hoàng của cả Giáo Hội Công Giáo, chứ không của riêng Giáo Hội La Tinh”.

Đất Thánh, bãi mìn chính trị

Tờ báo này còn đăng bài của Anshel Pfeffer với tựa đề giật gân như trên. Theo Pfeffer, nếu biết nhìn xa, Đức GH không nên nhận lời mời của Tổng Thống Do Thái, Shimon Peres, qua thăm Đất Thánh vào ngay lúc gay cấn nhất của lịch sử sóng gío tại vùng này. Nhiều biến cố đã xẩy ra làm thay đổi khung cảnh chính trị của Do Thái trong khoảng sáu tháng kể từ ngày cuộc tông du được thỏa thuận vào tháng Mười Một năm ngoái. Trong đó, phải kể đến chiến dịch đẫm máu Do Thái tấn công phong trào Hamas tại Giải Gaza vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới vừa qua. Một tháng sau, một chính phủ Do Thái cực hữu nhất trong vòng một thập niên qua đã được bầu lên. Những biến cố ấy có cái nguy biến Đức GH đầy thiện chí thành một trái túc cầu cho các phe địa phương đá qua đá lại.

Tờ báo này còn cho rằng việc Giáo Triều sẵn sàng chấp nhận lời mời của Do Thái khiến chính ông Peres phải ngạc nhiên. Một phụ tá ông Peres thổ lộ: sau khi gặp sứ thần Tòa Thánh là Đức TGM Antonio Franco, ông Peres phát biểu: “chúng tôi không nghĩ là sẽ có cơ may Đức Giáo Hoàng tới thăm trong một tương lai gần. Khi Đức Sứ Thần bảo nếu chúng tôi đặt lời mời thì chắc chắn sẽ có đáp ứng tích cực, điều ấy làm chúng tôi ngạc nhiên”.

Vấn đề chính lúc ấy là cuộc tranh cãi quanh Đức Piô XII. Phía Công Giáo đòi phải thay đổi lời ghi chú liên quan tới Đức Piô XII tại Yad Vashem, là địa điểm toàn quốc tưởng niệm Nạn Diệt Chủng của Do Thái. Phía Do Thái thì phản đối diễn trình phong thánh cho vị Giáo Hoàng này. Thỉnh nguyện viên phong thánh cho Đức Piô XII là linh mục sử gia Peter Gumpel, Dòng Tên, tuyên bố rằng Đức GH sẽ không viếng Do Thái cho tới khi lời ghi chú kia được thay đổi. Mặc dù Tòa Thánh tỏ ra dè dặt đối với lời tuyên bố của Cha Gumpel, nhưng một cuộc viếng thăm thì xem ra chỉ là chuyện sau cùng trên nghị trình. Thế rồi cơ hội xuất hiện, ông Peres đặt lời mời và lời mời ấy mau chóng được tiếp nhận.

Tuy nhiên, dù được chấp nhận, phía Do Thái cũng giữ rất kín việc này sợ tuyên bố sớm, trước khi các chi tiết được giải quyết xong, sẽ làm trật đường rầy cuộc viếng thăm. Họ tự hỏi không biết cuộc tông du này có gây ra phiền toái gì về phương diện ngoại giao hay không.

Nhóm đặt kế hoạch đã vẽ ra cả một bãi mìn chính trị có thể có. Theo thông lệ, việc tới thăm Yad Vashem là một điều bắt buộc đối với các vị nguyên thủ quốc gia và là địa điểm mà vị giáo hoàng người Đức không thể loại khỏi lộ trình của mình, nhưng cuộc tranh cãi quanh Đức Piô XII có thể tránh được bằng cách không để Đức GH tới thăm viện bảo tàng nơi có lời chú giải gây xúc phạm kia, mà chỉ cần ngài tới đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm mà thôi. Còn đối với cuộc tranh chấp Palestine và Do Thái, Đức GH sẽ lập thế quân bình bằng cách dừng lại thăm các thành phố Bethlehem và Ramallah của Palestine.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những cái bẫy ở đầu đường. Dù nhiều người Do Thái muốn cải thiện mối liên hệ giữa hai tôn giáo, nhưng chính phủ Do Thái thì chỉ nhằm cái lợi chính trị. Một viên chức chính phủ, ngay sau khi cuộc tông du được công bố đã cho rằng “Chúng tôi coi cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tới Do Thái là một khích lệ có ý nghĩa đối với thế đứng quốc tế của chúng tôi”. Trưởng phòng thông tin tại phủ thủ tướng, là cơ quan phối hợp các cố gắng giao tế quốc tế của Do Thái, được chỉ định làm thành viên trong ủy ban đặt kế hoạch, để đảm bảo các hình ảnh các nhà lãnh đạo Israel tiếp đón Đức GH được phổ biến khắp thế giới. Vatican dĩ nhiên hiểu rõ phương cách Do Thái mô tả cuộc viếng thăm; đó chính là lý do cho việc đặt tên cuộc hành trình này là “cuộc hành hương Đất Thánh” chứ không phải cuộc thăm viếng một quốc gia.

Ấy thế nhưng không phải chỉ có nhà nước Do Thái chơi trò chính trị. Các lãnh tụ của một cộng đồng nhỏ Công Giáo Ả Rập đang o bế giới báo chí trong những ngày gần đây để họ đừng chỉ dành các cột báo cho duy một mình Đức GH mà thôi, mà còn rao bán họ như một nhóm có hiệu quả tại Israel. “Với Đức Giáo Hoàng tại đây, chúng tôi có thể chứng tỏ cho các anh em Hồi Giáo thấy tuy nhỏ, nhưng chúng tôi có những người bạn rất lớn”.

Ngay trong số người Công Giáo địa phương, cũng không hẳn là hoàn toàn hoà điệu. Hai cộng đồng chính là Haifa và Nadarét từng tranh biện không biết nên chọn nơi đâu làm địa điểm Thánh Lễ bế mạc. Nadarét thì có tính lịch sử. Nhưng Haifa lại tự hào nhờ số người Công Giáo đông nhất trong xứ và đóng góp nhiều nhất cho cuộc tông du lần này. Vả lại, năm 2000, Đức GH Gioan Phaolô II đã viếng Nadarét rồi. Nay hiển nhiên phải đến lượt Haifa. Cũng lại là vấn đề chính trị.

Mối liên hệ giữa người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo tại Haifa có lẽ là mối liên hệ hài hòa nhất tại bất cứ nơi nào thuộc Trung Đông, trong khi tại Nadarét, người Công Giáo đang phải tranh đấu, một cuộc đấu tranh đang thua, chống lại các phong trào chính trị và tôn giáo của Hồi Giáo, nhằm kiểm soát tòa thị chính địa phương. Kế hoạch xây một đền hồi giáo lớn ngay bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin luôn là nguồn gây ra bạo động khôn nguôi. Cuối cùng, Nadarét vẫn được chọn. Một ai đó trong Giáo Triều rất có thể cho rằng sự hiện diện của Đức GH tại đó sẽ khích lệ lòng tự tin của người Công Giáo, nếu không phải là viễn ảnh đang xuống dốc của họ.

Những chạy vạy chính trị ấy không qua được mắt cấp lãnh đạo của nhóm Hồi Giáo lớn nhất tại Do Thái, tức Phong Trào Duy Hồi Giáo (Islamist Movement). Hai tuần trước đây, nhóm này tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Lý do chính đưa ra là Diễn Văn Năm 2006 tại Regensburg của ngài. Nhưng cũng có khía cạnh chính trị trong đó. Nhóm này vốn gần gũi với Hamas, là nhóm đang kiểm soát Giải Gaza và đánh nhau với quân đội Do Thái cách nay mấy tháng, với tổn thất lên tới 1,300 sinh mạng. Nên họ tự hỏi: tại sao Đức GH lại không thăm Gaza? “Nếu ngài nhậy cảm đến thế đối với người Do Thái về nạn Diệt Chủng, thì hẳn ngài cũng phải nhậy cảm như thế đối với nạn diệt chủng của thế kỷ 21, tức nạn diệt chủng tại Gaza. Đàng này, ngài chỉ biết chiều theo đe doạ và yêu sách của Do Thái”. Nhóm này cũng phản đối việc Đức GH viếng Bức Tường Phía Tây hiện đang đặt dưới quyền Do Thái, mà họ cho là một phần của đền thờ Haram al-Sharif. Trong khi tuyên bố không dự tính tổ chức bất cứ cuộc phản đối nào, thì Phong trào này lại cho dán các bích chương và thả truyền đơn nặc danh tại Nadarét kêu gọi người Hồi Giáo gây gián đoạn cho cuộc viếng thăm và tấn công chính Đức Giáo Hoàng. Sở Tổng An Ninh của Do Thái đã cho rằng giáo hoàng xa không nên chạy quanh thành phố này là vì vậy.

Những nhóm Palestine khác thì rất vui vẻ chào đón Đức Thánh Cha. Nhà cầm quyền Palestine và các lãnh tụ Palestine địa phương cũng nôn nóng như chính người Do Thái muốn đầu tư tư bản chính trị trong vụ này. Chính quyền của Mahmoud Abbas, dựa vào phe phái Fatah hiện đang lâm bí, hy vọng sẽ đẩy mạnh được tính hợp lệ của mình bằng cách đón tiếp một nhà lãnh đạo nổi bật của thế giới, trong khi nhóm Hamas ở Gaza hiện đang bị phần lớn các quốc gia Tây Phương xa lánh. Việc bách hại trực tiếp dân số Kitô Giáo đang mỗi ngày một giảm tại Bethlehem phần lớn nằm trong tay các phần tử Hồi Giáo cực đoan, nhưng cấp lãnh đạo Palestine sẽ không để cho một giọng điệu chói tai nào làm hư hình ảnh đoàn kết tôn giáo do chính họ dựng lên. Họ sẽ cố sử dụng cuộc viếng thăm này để làm nổi các khiếu nại của họ chống lại nhà nước Do Thái.

Hiện cũng đang có bàn tán tới việc tẩy chay về phía Do Thái. Các thành phần trong Hội Đồng Thành Phố Giêrusalem đã lên tiếng kêu gọi thị trưởng của họ không tham dự các buổi tiếp tân tại thủ phủ này, để phản đối việc Vatican tham gia hội nghị “Durban 2” về nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève vào tuần rồi, trong đó Tổng Thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad, đã đọc bài diễn văn chính. Đức GH từng ca ngợi hội nghị ấy, gọi nó là “một sáng kiến quan trọng”. Còn các cư dân Do Thái tại Khu Cổ Thành Giêrusalem thì đang dự tính sẽ phản đối ngồi tại Tường Phía Tây để phán đối cảnh sát đã ra lệnh đóng cửa đền thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo trong suốt 12 giờ Đức GH đến thăm.

Hành hương củng cố tín hữu

Thiển nghĩ Tòa Thánh và chính Đức Bênêđíctô XVI biết rất rõ ‘bãi mìn chính trị’ trên đây và những khó khăn do nó tạo ra cho chuyến tông du sắp tới. Nhưng Đức Bênêđíctô XVI, như cả thế giới đã thấy, không phải là người sợ bất cứ bãi mìn nào. Các phản ứng dữ dội của thế giới Hồi Giáo đối với bài diễn văn Regensburg chưa dịu hẳn, ngài vẫn đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, và chiếm được cảm tình của mọi người. Phi Châu là một bãi mìn khác, bãi mìn ‘condom’, bãi mìn của những tay trọc phú làm giầu bằng việc bán ‘áo mưa’ tình dục. Đức Bênêđíctô sẵn sàng tới đó để chính thức ‘lột mặt nạ’ những tên trọc phú kia, bằng cách bảo họ: áo mưa không những không làm giảm bệnh AIDS mà còn làm băng hoại con người. Lần này cũng thế, thiển nghĩ không cần The Tablet, ngài cũng biết rõ tình hình chính trị của Đất Thánh, của Do Thái, của Gio-đăng, và của Palestine.

Theo tin Zenit, ngày 3 tháng Năm vừa qua, trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) với khách hành hương tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cho mọi người hay: mục đích chuyến hành hương tới Đất Thánh của ngài là để cổ vũ đối thoại, hòa giải và hoà bình. Ngài xin họ cầu nguyện cho chuyến hành hương được thành công. Ngài nói thêm: ngài chỉ theo chân Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đến để “củng cố và khích lệ các Kitô hữu của Đất Thánh, những người ngày đêm phải đương đầu với nhiều nỗi khó khăn. Trong tư cách kế nhiệm Tông Đồ Phêrô, cha muốn chứng tỏ (cho họ) sự gần gũi và nâng đỡ của toàn bộ cơ thể Giáo Hội. Mặt khác, cha cũng sẽ là một khách hành hương hòa bình, nhân danh Thiên Chúa độc nhất, là Cha mọi người. Cha sẽ làm chứng cho sự cam kết dấn thân của Giáo Hội Công Giáo đối với những ai đang cố gắng thực hành đối thoại và hòa giải, đạt tới một nền hòa bình ổn định và bền vững trong công lý và lòng kính trọng lẫn nhau”.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói rằng: chuyến tông du này “tất yếu sẽ có một ý nghĩa đại kết và liên tôn đáng ghi nhận. Theo quan điểm này, Giêrusalem là kinh thành có tính biểu tượng tuyệt hảo: tại đây, Chúa Kitô đã chết để tái hợp nhất mọi con cái tản mác của Thiên Chúa”.

Với mục tiêu ấy và với lời cầu nguyện của tín hữu hoàn cầu, “bãi mìn” nào ngài cũng sẽ vượt qua để ban bố 29 bài diễn văn và bài giảng lễ, gặp gỡ các nhà cầm quyền dân sự và đại diện Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo ở đấy.

Không chính trị, vẫn lên đường

Cũng theo tin Zenit (3/5/09), phát ngôn viên Tòa Thánh là Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, tuyên bố rằng cuộc tông du của Đức Thánh Cha tới Đất Thánh đúng là một cuộc hành hương tôn giáo, chứ không phải là một cuộc công du chính trị.

Cha cho hay: cuộc tông du này là cuộc tông du “được chờ mong nhất” xưa nay, và có lẽ là cuộc tông du “kết liên nhất”. Cha minh xác rằng: trước hết đây là một hành trình đức tin, mặc dù các biến cố ở Trung Đông phần lớn được người ta giải thích theo nghĩa chính trị. “Lòng khao khát thiêng liêng của mọi Kitô hữu đã trở thành ưu tiên tự phát cho nhiều vị giáo hoàng kể từ khi việc du hành quốc tế trở thành một khả thể cụ thể… Không phải là tình cờ khi cuộc hành hương của Đức Phaolô VI tới Đất Thánh chính là cuộc hành hương đầu hết trong tất cả các chuyến đi loại này. Nó là thời khắc thực sự có tính lịch sử và là thời khắc của ân sủng đối với Giáo Hội Công Giáo, lúc ấy đang cử hành Công Đồng, vì con đường đại kết qua cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Athenagorus, và vì lời kêu gọi hòa bình giữa các dân tộc trong vùng và trên thế giới’.

Cha Lombardi còn nói thêm rằng: “Đức Gioan Phaolô II phải chờ một thời gian khá lâu trước khi thể hiện được ước muốn hành hương tới đó, nhưng sau đó, ngài đã thực hiện được chuyến đi trong thanh thản, giữa ngay Năm Thánh, lúc cao điểm nhất trong triều giáo hoàng của ngài, bằng những giờ phút cầu nguyện cực kỳ thâm hậu và bằng những cử chỉ thân hữu và gần gũi hết sức đáng nhớ đối với nhân dân Do Thái và nhân dân Palestine, với các thống khổ quá khứ và hiện tại của họ”.

Bây giờ đến lượt Đức Bênêđíctô XVI. Cha Lombardi nhìn nhận rằng: “tình hình chính trị trong khu vực rất bấp bênh, và khả thể hòa bình rất mỏng manh. Nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn lên đường, với một lòng quả cảm đáng khâm phục, đặt căn bản trên đức tin, để lên tiếng cho hòa giải và hòa bình”. Theo cha, “mọi người chúng ta cần tháp tùng ngài không những chỉ bằng lời cầu nguyện bình thường, mà còn bằng một chuyển động tâm linh mà Đức Gioan Phaolô II gọi là ‘lời cầu nguyện vĩ đại’, để Giáo Hội được canh tân ngay ở chính nguồn của mình, để sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu xẩy ra sớm hơn, và để thù hận cuối cùng phải nhường bước cho hòa giải”.
 
Đức Hồng y Trần Nhật Quân được bổ nhiệm làm đặc sứ ở Bangkok, Thái Lan
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:45 05/05/2009
Đức Hồng y Trần Nhật Quân được bổ nhiệm làm đặc sứ ở Bangkok, Thái Lan

Vatican (VIS) – Hôm 02/05/2009, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican đã công bố một Bức thư trong đó Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, SBD, Giám mục danh dự của Giáo phận Hồng Kông, trở thành Đặc sứ Giáo hoàng để cử hành lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm chuyến tông du mục vục của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Thái Lan, diễn ra trong hai ngày 10 và 11/05 ở Băng Cốc, Thái Lan. Bức thư được viết bắng La Ngữ đề ngày 04/04.

Tên của các thành viên phái đoàn tháp tùng Đức Hồng y cũng được công bố: Cha John Bosco Thepharat Pitisant SDB, Bề trên tỉnh dòng Salêdiêng Don Bosco ở Thái Lan; Cha Vincent Ekapong Pongsungnern, linh mục Tổng Giáo Phận Băng Cốc, Trợ lý Tổng thư ký của Ủy Ban Giám Mục về Chăm Sóc Mục Vụ Kitô hữu; Đức Ông Marek Zalewski, Cố vấn Tòa Khâm Sứ ở Băng Cốc, và Đức Cha Dennis Kuruppassery, Thư ký Toà Khâm Sứ Tòa Thánh ở Băng Cốc.
 
Khủng khiếp Trung Cộng: vấn nạn mang thai hộ, nhà cầm quyền buộc phá thai
Trung Thiên
15:48 05/05/2009
Quảng Châu, Trung Quốc (CNA). - Theo các bài báo ủng hộ mù quáng về việc bắt buộc thi hành chính sách một con của Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Cộng được tường trình đã ép buộc các bà mẹ phá thai bỏ đi con họ trong một cuộc đàn áp thẳng tay ngành công nghiệp mang thai hộ ngấm ngầm ở đất nước này.

Một nhà điều tra Hoa Kỳ về chính sách một con của Trung Quốc cho hay việc ép buộc được dẫn ra là "không đáng ngạc nhiên". Trong vụ việc xảy ra mới đây, hãng tin Reuter cho hay ba bà mẹ trẻ mang thai hộ lần đầu tiên bị giới cầm quyền phát hiện ẩn náu trong một căn hộ ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Các công an và cán bộ kế hoạch hóa gia đình quận đã đột nhập vào căn hộ, dồn họ vào một chiếc xe tải và chở họ đến một bệnh viện quận, nơi họ bị cưỡng bách đưa vào khoa sản.

Một phụ nữ 20 tuổi tên Tiểu Hồng cho Reuters hay: "Tôi đã khóc: 'Tôi không muốn làm điều này' ". Cô đã mang thai song sinh bốn tháng tuổi. Cô tường thuật thêm: "Nhưng họ vẫn kéo tôi vào trong và tiêm một mũi vào bụng", cô cho hay rằng vụ việc diễn ra vào cuối tháng Hai. Cô nói rằng các cán bộ chính quyền đã ép buộc cô lăn tay vào một biểu mẫu chấp thuận trước khi thực hiện việc phá thai.

Một bà mẹ mang thai hộ khác, 23 tuổi, đến từ một ngôi làng ở tỉnh Tứ Xuyên cho hay các cán bộ cho cô uống thuốc và sau đó phẫu thuật lấy bào thai ba tháng tuổi trong khi cô mê man. "Tôi thật kinh khiếp", cô nói với Reuters.

Tờ báo chính thức của nhà nước, Nhật Báo Quảng Châu trích lời cán bộ kế hoạch hóa gia đình quận nói rằng người phụ nữ chưa kết hôn và hành động mang thai hộ là "bất hợp pháp". Tờ báo cũng cho rằng các bà mẹ đã đồng ý với các "biện pháp điều trị" phù hợp với quy định của pháp luật. Truyền thông chính quyền đưa tin chỉ trích việc mang thai hộ đã dẫn lời một số quan sát viên nhằm mong muốn chống lại việc làm này trong tương lai.

Theo Reuters, mạng lưới ngầm các nhân viên, bệnh viện và bác sĩ về mang thai hộ đã phát triển trong những năm gần đây khi các cặp vợ chồng giàu có hiếm muộn Trung Quốc thuê những người mang thai hộ sinh ra các trẻ sơ sinh cho họ.

Những người mang thai hộ thường bị giới hạn trong các căn hộ bí mật dành cho hầu hết các thai phụ để tránh bị phát hiện mang thai. Nhân viên y tế tại các bệnh viện công và phòng khám là những người tham gia vào mạng lưới mang thai hộ thực hiện kín đáo các thủ tục về khả năng sinh sản, hộ sinh và sinh nở.

Vấn nạn mang thai hộ đã gia tăng trên toàn cầu, thậm chí Ấn Độ đã trở thành một trung tâm mang thai hội cho các cặp vợ chồng vô sinh và các cặp đồng tính phương Tây.

Ở Trung Quốc, các bà mẹ mang thai hộ về sau được trả từ 50.000 đến100.000 nhân dân tệ (14.460 Mỹ kim) mỗi lần mang thai, nó thu hút nhiều phụ nữ từ các vùng nông thôn nghèo. Thu nhập bình quân các hộ gia đình nông thôn chỉ khoảng 600 Mỹ kim. Ước tính có khoảng 25.000 trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc do mang thai hộ.

Một điều tra vào tháng Ba của Viện Nghiên cứu Dân số (PRI) cho hay rằng chính sách một com và cưỡng bức phá thai có liên hệ với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA). UNFPA khẳng định đã làm nguội đi chính sách một con và đã "đóng vai trò xúc tác trong việc giới thiệu tiếp cận sức khoẻ sinh sản một cách tự nguyện tại Trung Quốc".

Colin Mason, Giám đốc Sản xuất Truyền thông tại PRI, đã tiến hành cuộc điều tra. Vào tháng Ba, ông cho hay rằng các biện pháp chính quyền thực hiện là "hiện nay tồi tệ hơn bao giờ hết". Ông còn cho biết: "Những món tiền phạt biến tướng, áp lực triệt sản khắc nghiệt, sự phô bày trắng trợn thông tin về chỉ tiêu và thậm chí bắt bớ ‘trẻ bất hợp pháp’ của chính quyền trở nên chuyện tầm thường. UNFPA khẳng định rằng sự hiện diện của nó đã dẫn đến việc loại bỏ những biện pháp này".

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Sáu với CNA về cưỡng bức phá thai ở Trung Quốc, ông cho hay ông không đụng phải nhiều trường hợp ép buộc phá thai, nhưng “không có nghĩa là người ta sẵn sàng nói về nó khi họ nghĩ rằng sẽ gặp phiền toáí”. Tuy nhiên, ông nói rằng rõ ràng luật pháp bắt buộc các cặp vợ chồng có hơn một con sẽ bị phạt khoản tiền “gấp năm tới bảy lần lương hằng năm”.
 
Top Stories
Asian And Pacific Catholics To Mark Heritage Month With Marian Pilgrimage To National Shrine In Washington On May 9
Asia-News
14:20 05/05/2009

Asian And Pacific Catholics To Mark Heritage Month With Marian Pilgrimage To National Shrine In Washington On May 9



WASHINGTON
—Asian and Pacific Catholics in the Mid-Atlantic area will hold the Seventh “Asians for Mary Pilgrimage” on Saturday, May 9, at the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception in Washington. The event is co-sponsored by the Office of Asian and Pacific Affairs in the Cultural Diversity Secretariat of the U.S. Bishops Conference.

Held in observance of Asian and Pacific Heritage Month, the annual pilgrimage has grown in size over the years as Asian and Pacific Catholics honor the Virgin Mary with prayers and songs reminiscent of Marian devotions in their homelands observed during the month of May.

This year’s pilgrimage will begin with a Marian procession at noon, led by Indonesian prayer dancers and will bring to the altar images and icons of the Blessed Mother in the tradition of the Bangali, Burmese, Cambodian, Chinese, Filipino, Indian, Indonesian, Japanese, Korean, Laotian, Pakistani, Sri Lankan, and Vietnamese Catholic communities.

Korean Teen Drummers and the Korean Youth Orchestra of the St. Andrew Kim Parish in Olney, an Indonesian Gamelan ensemble and young Bangali and Indian musicians will perform during a colorful Call to Prayer. A multilingual Rosary will follow led by children from various ethnic communities. The afternoon will reach is climax with a Multicultural Mass presided by Bishop Martin D. Holley, Auxiliary Bishop of Washington.

Cecile Motus, assistant director for Asian and Pacific Affairs of the Secretariat for Cultural Diversity in the Church related how in past years the Asians for Mary Pilgrimage has joyfully gathered Asian and Pacific Catholic families, parishes and friends.

“It has been a powerful source of grace, resulting in deeper devotion to our Blessed Mother, increased interest on Asian and Pacific Catholics heritage and their faith practices, a deeper commitment to serving as volunteers in parish evangelization programs, and a greater openness on part of the different cultures to share and dialogue with others,” Motus said.

For information about the Seventh Asians for Mary Pilgrimage, please contact the Office of Asian and Pacific Affairs of the USCCB at 202-541-3384.
 
Vietnamese Police try everything, but in vain, the Thai Ha pilgrimage goes ahead
Asia-News
22:15 05/05/2009
A ban was placed on renting buses to Catholics, documents and driving licenses confiscated, and check posts set up to block buses. But the faithful made it through, including a female musical band, along with their instruments.

The all female brass band from Thai Thuy
Hanoi (AsiaNews) – In the end they made it through, despite police attempts to stop the faithful from Thai Binh diocese 110 km south of the capital Hanoi, from travelling to the parish of Thai Ha, for celebrations to mark the Golden Jubilee of the Redemptorists. The authorities had threatened bus rental companies not to rent to Catholics, they had created dozens of check points along the road, forced other vehicles to turn around, sequestered driving licenses and forced the pilgrims to walk the last 30 km to the parish. But they arrived, including 16 girls who make up a band (see photo) and their instruments.

The episode – which risks judicial “revenge” – all began with the decision of parishioners belonging to Thai Binh diocese to take part in the May 1st celebration to mark 80 years of the Redemptorists in Hanoi. However, police in their home towns applied various measures to deter Catholics from leaving for the capital, citing security reasons. In reality they feared the pilgrims would join the Thai Ha protest against the media defamation of the Redemptorists. Police has also accused Bishop Francis Nguyen Van Sang of being behind the protest and asked him to cancel the pilgrimage, because they believed it to be politically motivated. The bishop rejected all accusations, saying instead that the pilgrimage was exclusively religious and that he would lodge an official complaint against the police. “The announcement I made [to the faithful] about the pilgrimage was legal in the eye of the law and the Church” he said. In fact the pilgrimage was planned months before hand when the Holy See gave its’ permission to the Redemptorists to celebrate their Golden Jubilee.

In the most populated Catholic areas such as Cam Chau, Chau Nhai, and Bong Tien, police threatened bus rental agencies not to allow Catholics to rent their buses. "Police made diligent effort to prevent our leaving. They confiscated all legal documents necessary for bus rental agencies to rent out their vehicles to customers,” said the pastor of Bong Tien parish.

Pilgrims succeeded in finding buses to transport them however they report that on the road to Hanoi via Nam Dinh, police set up dozens of checkpoints where all leaving the province buses were searched for people with rosary beads or any signs showing their Catholic identity. On Friday, at least 20 buses packed with pilgrims had been forced to return to Thai Binh. In a threatening tactic, driver licenses of these buses’ drivers were confiscated and only returned to them on Monday.

Other pilgrims chose to leave on Friday night, by another road via Hung Yen, under less police patrolling, but an extra 60km to the destination. But just short of their destination at around 1:30 am on Saturday, they were stopped outside the capital by police who forced the bus drivers to turn around. Again driver licenses were confiscated returned only after the buses were removed to within 30km from Hanoi city limits. Despite being put under scrutiny, the pilgrims insisted to go on with their trip. They got off their buses to continue the journey on foot and the driver licenses were returned to buses’ drivers after police had pocketed about 30 US dollars in bribes money.

The exhausted pilgrims, most of them were women, helped each other walk all the way back to the city. Some even had to carry elders on their shoulders. Police kept watch preventing any buses on the way to Hanoi from picking them up. Local Catholics on the outskirts of Hanoi were soon informed by passers-by. On their motor bikes and even bicycles they rushed to bring the pilgrims safe and sound to Thai Ha in time for the opening ceremony.

One remarkable story that has emerged from this episode is the story of the all female brass band from Thai Thuy district. Like the rest of Thai Binh pilgrims, all 16 of the brave musicians were on their way to Thai Ha to donate their time and talent to the Golden Jubilee celebration when they were stopped and ordered to go back by the police. They too, had refused and therefore been dumped at a site 16 km from Thai Ha. But this was not enough to deter them and on foot they set off carrying their instruments. Fellow Catholics from nearby parishes on hearing of their plight sent taxis to collect them and their instruments in time for their music to delight the congregation during ceremonies. Their story touched the entire congregation in a profound way for their love of God and His Church.

Their heroic action and their unwavering determination, however, didn't escape the authorities. As the female brass band was still in Hanoi playing music at the celebration, police of Thai Thuy district, their hometown, sent an “urgent summoning order” to the director of the band, Tran Thi Cat. She is now expected to go undergo days of intense interrogation. Also, rumours report that the local police are waiting to confiscate the band's musical instruments when they return home. This would drastically reduce their income, with devastating consequences during this period of economic crisis.
 
La polizia vietnamita ha fatto di tutto, ma invano, per fermare un pellegrinaggio a Thai Ha
Asia-News
22:20 05/05/2009
E’ stato vietato affittare bus ai cattolici, sequestrati documenti e patenti, creati posti di blocco, imposto ai pullman di tornare indietro. Ma i fedeli sono arrivati, compresa una banda musicale femminile, con i loro strumenti.

Le 16 ragazze che compongono una banda


Hanoi (AsiaNews) - Alla fine sono riusciti ad arrivare, malgrado la polizia abbia fatto veramente di tutto per impedire ai fedeli della diocesi di Thai Binh, 110 chilometri a sudest di Hanoi, di andare alla parrocchia di Thai Ha, nella capitale, per partecipare alla celebrazione del Giubileo d’oro dei Redentoristi. Le autorità hanno intimato alle agenzie che affittano i bus di non darli ai cattolici, hanno creato decine di posti di blocco, imposto ai mezzi di tornare indietro, ritirato la patente ai conducenti, in modo che i fedeli dovessero a percorrere a piedi anche 30 chilometri. Ma la gente è arrivata lo stesso, comprese le 16 ragazze che compongono una banda (nella foto), con i loro strumenti.

La vicenda - che rischia di avere “vendette” giudiziarie - è nata dalla decisione dei fedeli di Thai Binh di prendere parte, il primo maggio, alla celebrazione degli 80 anni di presenza dei Redentoristi a Hanoi. La polizia della loro città ha subito cercato di scoraggiarli, adducendo motivi di sicurezza. In realtà temevano che l’obiettivo fosse quello di unirsi alla protesta di Thai Ha contro la campagna di diffamazione lanciata dai media statali contro i Redentoristi. La polizia ha anche accusato il vescovo Francis Nguyen Van Sang di essere uno degli organizzatori e gli ha chiesto di annullare il pellegrinaggio, in quanto motivato, in realtà, da motivi politici. Il vescovo ha respinto l’accusa, dicendo che il pellegrinaggio era un fatto esclusivamente religioso e che stava preparando una protesta contro l’operato della polizia. “L’annuncio del pellegrinaggio - ha affermato - era legittimo sia per la legge che per la Chiesa”. In effetti, il pellegrinaggio era stato pianificato mesi fa, quando la Santa Sede ha concesso ai Redentoristi di celebrare il loro Giubileo d’oro.

La polizia si è comunque impegnata per impedire le partenze. Nelle zone a maggiore presenza di cattolici, come Cam Chau, Chau Nhai e Bong Tienh, gli agenti hanno imposto alle agenzia di trasporti di non affittare i loro bus ai fedeli. “Hanno confiscato tutti i documenti legali necessari all’affitto”, spiega il parroco di Bong Tien.

I pellegrini sono comunque riusciti a trovare dei pullman coi quali si sono messi in cammino lungo la strada che passa per Nam Dinh. Ma la polizia vi aveva istituito decine di posti di blocco, nei quali si controllava se i passeggeri avessero rosari o altre cose che li facessero riconoscere come cattolici. Almeno 20 pullman sono stati individuati e costretti a tornare indietro. Per sicurezza, gli agenti sequestravano le patenti dei conducenti, dicendo che sarebbero state restituite solo il lunedì.

Altri pellegrini, però, sono partiti alle 10 di sera del venerdì e sono passati per Hung Yen, strada meno controllata, ma più lunga di 60 chilometri. Poco prima del loro arrivo, all’1.30 del sabato, sono stati bloccati dalla polizia di Hanoi, che ha imposto ai conducenti di tornare indietro, sequestrando loro le patenti e dicendo che le avrebbero riavute a 30 chilometri dalla capitale. Lì giunti, i pellegrini hanno detto di voler comunque proseguire per Thai Ha e sono scesi dai bus che, grazie a una bustarella di 30 dollari, sono ripartiti vuoti.

I fedeli, già stanchi, e in maggioranza donne, si sono messi in cammino, aiutandosi l’un l’altro, mentre la polizia impediva a qualunque autobus diretto a Hanoi di prenderli a bordo. Ma i cattolici dei dintorni della capitale, venuti a conoscenza dell’accaduto, sono andati loro incontro con motociclette e persino biciclette, per portarli a Thai Ha in tempo per l’inizio della cerimonia.

Un caso a sé, in questa vicenda, è costituito dalla banda femminile di ottoni del distretto di Thai Thuy. Come gli altri pellegrini, le 16 coraggiose musiciste stavano recandosi a Thai Ha, quando la polizia ha fermato il loro bus, ordinando di tornare indietro. Le donne si sono rifiutate e sono state scaricate a 16 chilometri dalla loro destinazione. Per niente intimidite, hanno preso i loro strumenti e si sono avviate a piedi. Le hanno aiutate i parrocchiani della zona, che sono riusciti a procurarsi tre taxi con i quali le hanno trasportate, permettendo loro di arrivare in tempo per allietare la cerimonia con la loro musica. La loro vicenda ha molto colpito i presenti, in quanto dimostrazione del’amore verso Dio e verso la Chiesa.

La loro incrollabile determinazione, tuttavia, non è sfuggita all’occhio delle autorità: mentre ancora stavano suonando, la polizia del distretto di Thai Thuy ha fatto avere un “ordine urgente di comparizione” alla direttrice della banda, Tran Thi Cat. Ora l’aspetta una serie di stressanti interrogatori. Si è anche sparsa la voce che, al rientro a casa della banda, le autorità si preparavano a sequestrare gli strumenti, il che toglierebbe alle musiciste il modo di guadagnarsi il pane, specialmente in questo momento di crisi.
 
PHILIPPINES: Des chrétiens, dont un évêque catholique, dénoncent le plan visant à relancer l’unique centrale nucléaire du pays
Eglises d'Asie
23:14 05/05/2009
Le 13 avril dernier, à San Juan City, dans la banlieue de Manille, des militants chrétiens ont organisé une manifestation pour protester contre la décision du gouvernement de relancer l’unique centrale nucléaire des Philippines, construite entre 1976 et 1984 mais jamais entrée en service. Leur mouvement a reçu le soutien de Mgr Broderick Pabillo, l’un des deux évêques auxiliaires de l’archidiocèse de Manille; en venant se joindre à la manifestation, l’évêque a notamment dénoncé le fait que la relance de la centrale se fasse au prix d’un endettement important – le vote d’un emprunt d’un milliard de dollars est actuellement en discussion au Parlement. Le gouvernement accumule des « dettes immorales » qui n’ont rien à voir avec un véritable développement, a notamment fait valoir Mgr Pabillo, qui a ajouté qu’un tel emprunt « ne fera qu’augmenter la misère et ne devrait pas être payé par le peuple ».

La centrale nucléaire de Bataan, construite à une centaine de kilomètres à l’ouest de la capitale, avait été voulue par le dictateur Ferdinand Marcos en réponse au choc pétrolier de 1973. Financée par un emprunt d’un milliard de dollars, sa construction – qui ne devait initialement pas coûter plus de 600 millions de dollars – débuta en 1976 pour s’achever en 1984, avec une facture totale de 2,3 milliards de dollars. Très rapidement, des doutes furent émis sur le choix de son emplacement – la centrale est construite à proximité d’un volcan éteint mais considéré comme potentiellement instable – et sur sa fiabilité – conçus par une firme américaine, ses plans reprennent ceux de la centrale de Three Miles Island, victime d’un grave accident en 1979. En 1986, peu après avoir accédé au pouvoir, après la chute de Marcos et l’explosion de la centrale de Tchernobyl, la présidente Corazon Aquino décidait de ne pas mettre en service la centrale de Bataan, les emprunts contractés pour sa construction étant néanmoins honorés et la dernière échéance payée en 2007, plus de trente ans après le premier coup de pioche.

A la faveur de la dernière envolée des prix du pétrole – c’était avant l’actuelle crise économique et financière – (1), le gouvernement de Gloria Macapagal-Arroyo avait lancé des études pour évaluer la faisabilité d’une mise en service de la centrale. En juillet dernier, l’influent parlementaire Mark Cojuangco réunissait un cercle de 24 députés de la région de Manille pour demander « le démarrage immédiat » de la centrale et voter le financement nécessaire à celui-ci. Un texte en ce sens a été voté en première lecture à la Chambre des représentants et doit repasser en session avant d’être envoyé au Sénat. Il prévoit de lever la somme d’un milliard de dollars pour mettre aux normes la centrale avant son démarrage, ce montant devant être financé, pour une petite partie, par une taxe sur le prix de l’électricité et, pour la majeure partie, par l’emprunt. Mark Cojuangco affirme que cette solution est moins coûteuse que la construction d’une centrale thermique supplémentaire et que Bataan pourrait ainsi être connectée au réseau d’ici trois ans.

Pour Faith-based Congress against Immoral Debts (FCAID), l’organisme qui a monté la manifestation du 13 avril à San Juan City, la centrale de Bataan a déjà coûté une fortune aux contribuables philippins et ce n’est pas à eux de payer à nouveau pour un site dont la rentabilité et la sûreté ne sont pas certaines. Le P. Juventud Moraleda, membre du comité central de FCAID, rappelle que la dette publique augmente rapidement et n’est pas loin d’atteindre 60 % du PNB. Selon lui, « les responsables publics qui ont contracté ces dettes sont ceux qui doivent les rembourser ».

FCAID, une organisation créée en 2007 à l’occasion d’un « faith-based unity congress » qui réunissait catholiques et évangéliques, a été rejointe dans son combat contre la centrale de Bataan par Lingkod Tao-Kalikasan (‘Servir le peuple et la nature’), une ONG de protection de l’environnement d’inspiration chrétienne, et par Greenpeace Southeast Asia.

(1) En juillet 2008, à son sommet, le baril de pétrole valait 144 dollars.

(Source: Eglises d'Asie, 5 mai 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày ơn Thiên Triệu 2009 tại giáo xứ Tuy Hòa Quy Nhơn
LM. Trương Đình Hiền
03:13 05/05/2009
Ngày ơn Thiên Triệu 2009 tại giáo xứ Tuy Hòa Quy Nhơn

Như truyền thống hằng năm, giáo xứ Tuy Hòa đã cử hành ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục-tu sĩ cách long trọng và sinh động.

Trước thánh lễ, có chương trình giới thiệu khái quát về đời sống tu trì được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Tuy Hòa dàn dựng kịch bản và hướng dẫn thực hiện. Sau lời hiệu triệu hướng về ngày Ơn Thiên Triệu của cha chánh xứ, các em thiếu nhi hân hoan đồng diễn với ca khúc "Tôi chọn Giêsu" để mở đầu cho chương trình diễn nguyện với nội dung học hỏi và cầu nguyện cho ơn gọi tu trì trong Giáo Hội.

Hình ảnh các em thiếu nhi trong các tu phục của các dòng, cùng với ánh nến lung linh trong bài vũ "tôi chọn màu áo đen" đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng các tín hữu. Đặc biệt, hình ảnh đôi bạn trẻ, trước tiếng gọi thiêng liêng của Chúa, quyết định dành thời gian để tĩnh tâm cầu nguyện tìm hiểu thánh ý nhiêm mầu của Thiên Chúa trên chính cuộc đời mình chắc chắn sẽ là một gợi ý tích cực cho các bạn trẻ trong giáo xứ biết ý thức và cẩn trọng hơn trong việc lựa chon bậc sống cho tương lai, nhất là biết mở lòng đáp trả tiếng goi thâm sâu của Thiên Chúa qua những dấu chỉ cuộc đời.

Sau phần giới thiệu và học hỏi về đời sống tu trì là thánh lễ đồng tế gồm có cha chánh xứ, cha phó, cha trưởng ban Văn hóa truyền thông và hai cha thuộc dòng Đồng Công chi nhánh Tuy Hòa. Ngày Ơn Thiên Triệu 2009 kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi và khơi lên niềm hy vọng sẽ có một mùa bội thu ơn goi tu trì trong tương lai.



 
Một Sự Kiện Mới Lạ Cho Giới Trẻ Florida
Sr. Tuyết-Mơ, icm
17:14 05/05/2009
ORLANDO, Florida, 4/5/09 - Cái mẫu iPod trông thật lạ: Chương trình ca nhạc đang phát trên đó là “Almighty Idol” chứ không phải “American Idol”, với hình Chúa Giêsu. Các nút bấm không phải là “play, stop, pause, và forward” nữa mà là “alpha, omega, chén thánh, và Chúa Thánh Thần”. Sao lạ thế! Chúa Giêsu là “Almighty Idol?” Thì ra đây là những biểu tượng của Khóa tĩnh tâm cho giới trẻ của giáo xứ Thánh Philiphê Phan Văn Minh ở Orlando và cho tất cả giới trẻ tại Florida và vùng phụ cận, với cái tên trông cũng “kỹ thuật số” qúa chừng là “inTune with the Holy Spirit”—Hòa Nhịp Với Chúa Thánh Thần. Đây là một điều mới lạ đối với các bạn trẻ tại đây.

Tuần qua các bạn trẻ trong giáo xứ đã nô nức kêu gọi nhau ghi danh tham dự và cả giáo xứ cũng nôn nao mong đón tiếp các bạn trẻ từ chung quanh thành phố Orlando và toàn tiểu bang về tham dự. Có những gia đình đã tỏ lòng quảng đại muốn đón tiếp các bạn trẻ từ xa đến trọ tại nhà họ để khỏi cần tốn tiền thuê khách sạn. Khóa này được tổ chức vào cuối tuần 23-24 tháng 5 năm 2009, nhằm dịp Memorial Day của Hoa Kỳ, do nhóm JamFest thực hiện. Nghe cái tên JamFest là có thể tưởng tượng ra những điệu nhạc sống động của giới trẻ rồi. Nhóm này là ban nhạc trẻ Công Giáo Việt Nam duy nhất được mời trình diễn tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm vừa qua tại Sidney, Úc Châu. Với tầm vóc quốc tế như thế, nhóm JamFest chắc chắn sẽ giúp các bạn trẻ cùng Hòa Nhịp Với Chúa Thánh Thần qua những điệu nhạc sống động và các sinh hoạt ý nghĩa khác như nhóm đã từng làm say mê các bạn trẻ tại Houston, San Diego, Austin, Chicago, New Orleans, Little Rock và Wichita. Theo lời cha Lãm thuộc dòng Chúa Thánh Thần là linh hướng của nhóm cho biết, nhiều người trẻ đã được Chúa Thánh Thần đánh động trong những khóa đó. Có một số sau khi được ơn gắn bó với Chúa rồi, đã hăng say tình nguyện giúp các khóa sau. Đây thật là một tin vui và là một dịp hiếm có cho giới trẻ tại Florida và vùng phụ cận. Các bạn trẻ từ lớp 9 trở lên đừng bỏ qua cơ hội ngàn vàng này. Hãy ghi danh tham dự tại www.philipminhparish.org, hoặc email cho pvmfaithformation@gmail.com, hoặc gọi số điện thoại 407-896-4210. Giáo xứ Phan Văn Minh tin tưởng rằng Chúa sẽ không để các bạn trẻ thất vọng khi tham dự. Xin bấm vào đây để biết thêm về nhóm JamFest: http://www.jamfestministries.com/index.php?option=com_content&task=view&id=14&Itemid=27

An Exciting Event for Young People in Florida.

Orlando, Florida, 5/4/09. The iPod model looks strange. The music video being played on it is “Almighty Idol”, not “American Idol”, with a picture of Jesus. The button icons are not “play, stop, pause, and forward” but “alpha, omega, chalice, and Holy Spirit.” How strange! Jesus is the “Almighty Idol?” Turns out these are symbols of a youth retreat for the youth of St. Philip Phan Văn Minh Church in Orlando and for all young people in Florida and the surrounding area, with a rather “digital” looking name called “inTune with the Holy Spirit.” This is a new thing for the youth here.

Last week young people of the parish were rallying excitingly for the youth to attend and the whole parish community was eager to welcome young people from around Orlando and throughout Florida to attend. Some families have generously offered to host the youth and to provide all their lodging needs to avoid hotel costs. This retreat is set for May 23-24, 2009, during the Memorial Day weekend, given by the JamFest group. The name JamFest already stirs up images of lively youthful music. This group is the only Vietnamese Catholic youth band that was invited to perform at The World Youth Day in Sidney, Australia last year. With that international credential, the JamFest group would surely help young people to be In Tune With The Holy Spirit through lively tunes and other meaningful activities as it has mesmerized the youth in Houston, San Diego, Austin, Chicago, New Orleans, Little Rock, and Wichita. According to Father Lãm of the Congregation of the Holy Spirit, the group’s spiritual leader, many young people have been touched by the Holy Spirit in those past retreats. Some have even volunteered to help subsequent retreats after receiving the gift of being connected with God. This is truly good news and a rare occasion for young people in Florida and the surrounding area. Those who are in ninth grade and above should not pass this golden opportunity by. Register at www.philipminhparish.org, or email pvmfaithformation@gmail.com, or call 407-896-4210. St. Phan Văn Minh parish trusts that God will not let young people be disappointed if they attend. Click here to get a glimpse of JamFest group: http://www.jamfestministries.com/index.php?option=com_content&task=view&id=14&Itemid=27

 
Hành hương tạ ơn Đức Mẹ La Mã - Bến Tre
Anmai, CSsR
23:09 05/05/2009
“Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa. Qua bao tháng năm mong chờ say sưa thánh ân vô bờ, được cùng nhau bên Chúa thỏa lòng con ước mơ. ..” Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Mẹ được cất cao lên như gói ghém tâm tình của đoàn con thảo từ muôn phương về với vùng đất nhỏ bé Bầu Dơi – Bến Tre. Trời và đất hôm nay như hòa mình với lời tạ ơn với tất cả những người con về với Mẹ trong ngày mùng 5 tháng 5 này.

Xem hình ảnh

Như lời mở đầu Thánh lễ của Đức Giám mục Tôma – Giám mục địa phận Vĩnh Long – gợi lên, ngày hôm nay, tất cả mọi người về đây để dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn, lời tri ân với Đức Mẹ vì muôn muôn ơn lành Thiên Chúa đã tuôn đổ qua lời chuyển cầu của Mẹ. Với những ai, hơn một lần đến La Mã, ít nhiều gì đều cảm nhận mình đã được nhiều và thật nhiều ơn lành mà Mẹ đã chuyển ban. Và vì thế, tâm tình tạ ơn ngày hôm nay “thật chính đáng và phải đạo”.

Mẹ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp – Mẹ luôn cứu giúp tất cả những ai chạy đến kêu cầu với Mẹ. Dấu ấn Mẹ đã làm ở vùng đất nghèo này chẳng bao giờ phai nhòa được dẫu cho lịch sử cứ dần trôi. Đến với Mẹ Hằng Cứu Giúp, đến với Mẹ La Mã, chẳng ai về tay không. Kẻ được ít, người được nhiều. Kẻ được ơn về tinh thần, người lại được ơn về vật chất. Ít nhiều không biết nhưng hôm nay, tất cả hội tụ về đây để nói lên lòng tri ân ấy.

Hòa với niềm vui, lòng biết ơn, lòng tri ân Thiên Chúa và Mẹ của nhiều người thì hôm nay, “Hai Lúa Tôma” phải nói là người tri ân Chúa và Mẹ nhiều hơn cả. Vì lẽ, khi đươc Đấng bản quyền giao chăm sóc vùng đất nghèo này thì “Hai Lúa” chỉ có hai bàn tay trắng. Với hai bàn tay trắng ấy vậy mà ngày hôm nay nơi thờ Chúa – kính Mẹ ấy cũng khá tươm tất. Với lòng xác tín vào tình thương của Chúa và Mẹ cộng với sự khiêm hạ trước ơn trời ấy “Hai Lúa” cứ tin tưởng và phó thác. Phải chăng cứ càng khiêm tốn bao nhiêu thì lại càng được ơn bấy nhiêu. Cũng như Mẹ Maria ngày xưa, Mẹ Maria càng khiêm tốn trước mặt Chúa bao nhiêu thì ơn huệ của Chúa tuôn đổ trên Mẹ nhiều như vậy. Nhìn bề ngoài, “Hai Lúa” cũng gần chạm đến “hàng bảy” rồi nhưng ngờ đâu Thiên Chúa cứ sử dụng “Hai Lúa” làm khí cụ bình an trong tay Ngài.

“Hai Lúa” chia sẻ: mình cứ tin tưởng và tín thác mọi chuyện trong bàn tay của Chúa như Mẹ ngày xưa vậy mà hay !

Vâng ! Không hay sao được khi không có tiền mà “Hai Lúa” Tôma dám thay cả dàn mái ngói đỏ chói. Không hay sao được khi không có tiền mà “Hai Lúa” đã làm một hang đá và một cái sân cũng như lễ đài tươm tất để phục vụ cho Thánh Lễ hôm nay cũng như các ngày lễ của Mẹ. Không hay sao được khi không có tiền mà “Hai Lúa” lại mới sắm dàn loa và am-li mới trong ngày mừng Lễ Mẹ hôm nay.

Thật ra mà nói, không có tiền sao mà có thể làm được cái Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã – Bến Tre được như ngày hôm nay. Tất cả những gì có được ngày hôm nay có được là do tấm lòng thơm thảo của con cái Mẹ Hằng Cứu Giúp ở muôn phương cộng với sự tận tâm tận lực của “Hai Lúa” Tôma.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Giám Mục Tôma nhấn đi nhấn lại sự hiện diện của Mẹ ở vùng đất nhỏ bé này. Mẹ Maria vốn dĩ là nữ tỳ khiêm hạ của Mẹ để rồi sự hiện diện của Mẹ chắc cũng chẳng ra ngoài ý muốn của Mẹ.

Như La Vang ngày xưa cũng thế, chốn nước độc rừng thiêng ít người lui tới thì Mẹ đã làm dấu lạ. Nơi nước độc rừng thiêng ấy nay được nhiều người biết đến và chạy đến nhờ sự hiện diện của Mẹ và cũng nhờ biết bao nhiêu ơn Mẹ đã tuôn trào ra từ miền đất “dữ” này. Bầu Dơi - La Mã – Bến Tre cũng vậy, một địa danh thật sự ít có ai biết đế nhưng ngày nay trở thành Trung Tâm Hành Hương của Địa Phận. Gọi là Trung Tâm Hành Hương nhưng sự hiện diện của Trung Tâm này nhỏ bé khiêm hạ như Mẹ hiện diện trước ơn lành vô cùng to lớn của Thiên Chúa trên Mẹ.

Đến với Trung Tâm Hành Hương La Mã – Bến Tre, một lần nữa, mỗi người lại thấy ý nghĩa thật của chuyến hành hương. Với những người quen với cái cảnh “cơm bưng nước rót – kẻ hầu người hạ” thì làm sao mà có thể đến với La Mã – Bến Tre được ? Điều kiện sinh hoạt tối thiểu nó cũng khiêm tốn như vùng đất nhỏ bé này. Chỉ nhớ đến con đường hẹp ba bốn cây số phải “cuốc bộ” không còn là phải là chuyện đơn giản của nhiều người. Ấy vậy mà ngày hôm nay, dù đường sá xa xôi cách trở ấy đã không khuất phục được những tâm tình nhỏ bé. Những người nhỏ bé, những người thiếu thốn lại thấy cần đến tình Mẹ và lại rủ nhau dắt díu nhau về cái nơi nhỏ bé này để gặp Mẹ.

La Mã – Bến Tre nay là “chốn hẹn hò” giữa con và Mẹ cũng như giữa Mẹ và con.

“Chốn hẹn hò” tuy nhỏ bé, tuy cách trở ấy nhưng lại gói ghém một mối tình thật lớn của Mẹ dành cho con. Mẹ thích làm dấu lạ trên những cuộc đời nhỏ bé, đơn sơ.

Tại sao Mẹ lại chọn những nơi nhỏ bé này để làm phép lạ, để ban ơn lành cho con Mẹ ? Nếu chịu khó suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy quả thật đấy là tâm tình của một người Mẹ hiền. Cũng năm, cũng mười đứa con ấy nhưng hễ đứa nào nghèo, đứa nào khổ thì Mẹ lại chăm chút nhiều hơn. Cũng năm, cũng mười đứa con ấy nhưng đứa nào đến nài xin Mẹ nhiều hơn ắt hẳn Mẹ cũng sẽ ban nhiều ơn hơn. Làm biếng không chịu chạy đến với Mẹ thì làm sao Mẹ có thể ban cho ơn được. Làm biếng không thỏ thẻ tâm sự với Mẹ thì làm sao Mẹ bù đắp cho những thiếu thốn trong cuộc đời được.

Thánh Lễ tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ hôm nay đã kết thúc nhưng tâm tình tạ ơn và tri ân còn kéo dài mãi trên cuộc đời của những người đã nhận ơn.

Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã – Bến Tre luôn nghe lời con cái Mẹ đến đây xin Mẹ chuyển cầu muôn ơn lành của Chúa. Chẳng lẽ nào Mẹ lại không nghe lời của con cái Mẹ nài van sao ?

Hẹn gặp Mẹ ngày này sang năm, con cái lại sum vầy bên Mẹ để tạ ơn Chúa tri ân Mẹ.
 
Thanh thiếu nữ Huế tìm hiểu ơn gọi nhân Ngày Chúa Chiên Lành
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
23:12 05/05/2009
Huế, Việt Nam ( 5-5-2009)—Thanh thiếu nữ Công giáo của giáo phận Huế vừa tham dự chương trình Ngày thế giới cầu cho Ơn gọi được tổ chức lần thứ 5 hằng năm tại trụ sở hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế gồm nghe thuyết giảng, dự Thánh lễ, thảo luận, thi đố vui giáo lý và dâng hoa Kính Đức Mẹ.

Hôm Chúa nhật 3-5 Lễ Chúa Chiên Lành, khoảng 570 Thanh thiếu nữ tuổi từ 14-20, đến từ 40 giáo xứ, đã tham dự Ngày Ơn Gọi, Với chủ đề “Cùng Mẹ hân hoan bước theo Đức Kitô trên đường dâng hiến”

Linh mục Phanxicô Nguyễn Minh Thiệu, 42 tuổi, dòng Don Bosco đến từ giáo phận Sài Gòn được mời thuyết trình, sinh hoạt và giải đáp chất vấn của các em.

Qua đề tài ơn gọi ngài lưu ý rằng, “khủng hoảng tài chánh hiện nay, khiến hàng trăm triệu gia đình lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ và mất việc làm, trong khi đó, các nữ tu vẫn còn cần đảm nhận nhiều vai trò trong Giáo Hội và Xã hội như dạy Giáo lý, mục vụ giáo xứ, tham gia y tế, đào tạo giáo dục, bảo vệ môi trường”.

Đã có nhiều nữ tu sống theo ơn gọi của dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong những năm qua, các chị tham gia các hoạt động từ thiện của Giáo hội như dạy mẫu giáo, nuôi trẻ mồ côi người dân tộc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, dạy giáo lý cho người dự tòng, dạy nghề cho thanh nữ. Nữ tu Consolata Bùi Thị Bông, 66 tuổi, bề trên dòng Phú Xuân nói.

Trong ngày hội ơn gọi này, các em đã có dịp chất vấn các nữ tu và linh mục diễn giả tọa đàm, các em viết câu hỏi của mình vào giấy gửi trực tiếp lên các nữ tu để hỏi về linh đạo, đời sống và sứ mạng ơn gọi của đời tu. Ngoài ra, các em còn tham dự thi đố vui giáo lý về 52 câu Kinh thánh nói về ơn gọi Thánh Phaolô Tông đồ.

“Ơn gọi là Chúa gọi”, Đức tổng giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể đã giải thích sau khi tham dự hội thi đố vui giáo lý của các em.Đức cha khuyên các em phải siêng năng cầu nguyện, sống tử tế với mọi người, đừng gian dối, bỏ các tính hư tật xấu, luyện tính thật thà. “dần dần các em sẽ nghe được tiếng Chúa gọi và nhận ra ơn gọi của mình. Ngài nói

Chị Maria Madalena Nguyễn Thị Liên Đễ, 63 tuổi, đặc trách ơn gọi của dòng vui mừng khi thấy chương trình ngày ơn gọi của dòng được hưởng ứng mạnh mẻ. Chị hy vọng trong số các em này, tương lai là những nữ tu của Giáo Hội.

Madalena Ngô Thị Phương Dung,16 tuổi, thuộc giáo xứ Trí Bưu thích đi tu là để truyền giáo, giúp cho mình đạo đức và thánh thiện hơn. Matta, Hoàng Thị Hoa, 17 tuổi, học lớp 12 đã ba lần tham gia chương trình nói rằng chương trình giúp em thay đổi cuộc sống từ cách đi đứng, nói năng nhẹ nhàng thay vì trước đây em thường gắt gỏng với bạn bè’’.

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys và Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon đồng sáng lập ra dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế năm 1920. Hội Dòng hiện có 44 cộng đoàn với 353 thành viên trong 3 Giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Khoảng tháng 9 này, hội dòng sẽ mừng Năm Thánh toàn xá 90 năm thành lập dòng (1920-2010).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thêm bài học cho các linh mục Thái Hà và những người công chính
J.B Nguyễn Hữu Vinh
01:25 05/05/2009
Cảnh giác – bài học không thừa

Nhìn tấm hình linh mục Phê rô Nguyễn Văn Khải đang cầm loa của công an để ổn định trật tự cho bà con giáo dân sau phiên toà Phúc thẩm (khi cả vạn người đang phấn khích bất đồng với bản án, mà cả ngàn cảnh sát đứng bó tay đành phải nhờ linh mục Khải) được đưa lên các báo để vu vạ rằng “linh mục Khải đang kích động giáo dân” (Báo An ninh Thủ đô) hoặc “linh mục Nguyễn Văn Khải đã đi ngược với những gì mà nhà tu hành chân chính cần làm” (Báo Công an nhân dân ngày 30/4/2009), tôi cứ thấy tội nghiệp thay cho mấy ông tu sỹ, linh mục hiền lành cả tin và mất cảnh giác.

Từ khi vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ xảy ra đến nay đã có một thời gian dài, những hành động đê hèn, vu cáo và dựng chuyện, gắp lửa bỏ tay người của báo chí đã quá nhiều, vậy mà mấy linh mục, tu sĩ vẫn cứ… ngây thơ(!)

Chắc không đủ thời gian để viết ra những điều vừa nói, vì nó quá nhiều. Nhiều người đã nói, đã viết, nhưng vẫn chưa đủ, chưa hết. Nhưng việc sử dụng hình ảnh để xuyên tạc với linh mục Khải thì ít nhất đã có vài ba bận.

Chứng cứ: Khi đám “quần chúng tự phát… tiền” là thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được cấp tốc điều động đến linh địa Đức Bà Thái Hà sau khi giáo dân bị xịt hơi cay để gào thét “Như có bác hồ…” thì nguy cơ xung đột bạo lực đã rất lớn vì giáo dân quá bức xúc với việc bị xịt hơi cay và cách làm việc cù nhầy của công an.

Khi đó linh mục Khải đã phải yêu cầu giáo dân ngồi xuống để tránh nguy cơ xung đột bạo lực. Vậy mà hình ảnh đó đã ngay lập tức được sử dụng để cho rằng linh mục Khải “dựng chuyện, kích động giáo dân”

Nhưng khi những hình ảnh, video về người đã cầm bình xịt hơi cay đang cười, đang nói chuyện với công an được đưa ra, thì cả hệ thống im lặng.

Rồi những giáo dân, những người không là giáo dân đã bị màn kịch truyền thông vu cáo, gán ghép để nhằm đạt được những mục đích vu cáo, dối trá đã bị bóc trần. Nhưng rồi báo chí vẫn chứng nào tật ấy.

Chứng cứ: Điển hình gần đây nhất là ông Nguyễn Trọng Tỵ, người đã nhiều lần được đài báo trích dẫn nhiều trên báo chí qua hai vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ đã phải kêu trời rằng “tôi không nói thế, nhưng báo chí nó viết thế” … Với một ông luật sư Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội mà còn bị thế, huống chi những người khác?

Vậy mà mấy ông linh mục, tu sĩ vẫn ngây thơ, vẫn không cảnh giác, dù đã có một vài lần có những cảnh báo “Hãy cẩn thận” .



Thậm chí, tôi còn thấy khi hàng nghìn giáo dân bịt kín lối vào toà án ở đầu đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, khiến các cảnh sát hàng trăm người bất lực, trong việc mở lối cho các bị cáo vào hầu toà, các cán bộ đã phải đến xin linh mục Nguyễn Văn Khải ngồi vào trong cái xe cảnh sát, nói trên hệ thống tăng âm của xe này, mời bà con lên vườn hoa cạnh đó để nhường chỗ cho các cán bộ, các nạn nhân và thân nhân cùng các luật sư và các linh mục vào toà án làm việc... Hành động tốt đẹp và thiện chí đó có thể bị hiểu nhầm bị CA lợi dụng nếu muốn. Họ có thể lấ hình ảnh đó để xuyên tạc rằng: “linh mục Khải đã hợp tác với công an, đang ngồi trong xe cảnh sát giao thông đi kiếm ăn”.

Đó là những bài học cho những người có lòng tốt nhưng không hiểu đối tượng: “Quả thật, bàn tay các ngươi vấy máu, ngón tay các ngươi đầy tội ác tầy trời, môi miệng các ngươi nói lời giả dối, lưỡi các ngươi thốt ra điều bất công” . (Isaia - Chương 59 -3)

Chúa đã phán “Đừng đổ ngọc trai cho lợn, đừng quăng đồ Thánh cho chó, kẻo nó dẫm đạp dưới chân và quay lại cắn xé anh em” . (Mattheu 7-6)

Liên quan đến… chính trị?

Thông cáo của Giáo xứ Thái Hà kêu gọi cầu nguyện cho Sự thật, Công lý, cho đất nước, cho Tây Nguyên và các nhà lãnh đạo đất nước… được báo chí kêu rằng như vậy là liên quan đến chính trị, là can thiệp cả dự án kinh tế, là bôi xấu chính quyền, là “tự tách mình ra khỏi khối đại đoàn kết toàn dân”… với nhiều từ ngữ quy kết, buộc tội.

Chuyện đó thì đã nhiều, đã xưa và mặc nhiên họ coi đó là chuyện bình thường như một quyền riêng của báo chí Việt Nam. Nếu không nói vậy, chẳng lẽ báo chí có thể nói đúng sự thật rằng việc cầu nguyện cho Hoà bình, Công lý, Sự thật, cho Tây Nguyên, cho các nhà lãnh đạo đất nước… là tốt đẹp, vậy thì sao đúng lề phải?

Có một câu hỏi mà các tờ báo như Công an nhân dân, An ninh Thủ đô… luôn luôn đặt ra: “Linh mục Nguyễn Văn Khải muốn gì?” Dù trong bản thông cáo đã nói rất rõ những ý nguyện của Giáo xứ Thái Hà về việc cầu nguyện, vậy nhưng hình như các tờ báo này không thể hiểu được và cứ phải hỏi đi hỏi lại?

Tại sao vậy? Phải chăng họ đã không thể có cách nghĩ thông thường của người bình thường? Phải chăng họ nhìn đâu cũng ra bọn phản động, nhìn chỗ nào cũng thấy các thế lực thù địch nên cứ phải suy diễn, mà suy diễn rồi bắt người khác phải chấp nhận suy diễn của mình là đúng, là trí tuệ? Bởi chỉ có mình họ được nói, được suy diễn mà thôi? Hay bởi những người tu hành, người công giáo đã nói ra là phải cảnh giác?

Muốn gì ư? Đơn giản thôi, đó là Sự thật, Công lý, Hoà bình và bảo vệ đất nước, đồng bào để “đồng hành cùng dân tộc”.

Cũng dễ thông cảm thôi, khi thói dối trá đã được làm kim chỉ nam cho hành động, thì suy nghĩ ngược là chuyện bình thường. Hãy nhìn hình ảnh linh mục Khải cầm loa công an ổn định trật tự, bên cạnh là hàng đoàn cảnh sát còn cả ông Long, Trưởng công an Quận Đống Đa đứng chình ình ra đó, thậm chí một cảnh sát còn đẩy linh mục Khải lên để ổn định trật tự mà còn được gắn nhãn là “kích động” thì có điều gì trừu tượng hơn, sâu kín hơn mà dám chắc rằng họ đã nói thật?

Những vấn đề đó liên quan đến chính trị ư? Liên quan đến chính trị thì sao? Chính trị là độc quyền dành cho một người hay một nhóm người, những ai không được nói, không được liên quan đến chính trị? Những câu hỏi đó chưa được bất cứ một tờ báo, một văn bản nào giải thích. Chỉ có các văn bản rằng: Người dân Việt Nam được tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp, tự do tư tưởng và tự do phát biểu ý kiến… Ôi, biết bao là cái tự do.

Hình LM Khải cầm loa d8ang trên CAND
Phải chăng, nếu linh mục Khải cứ noi gương mấy ông linh mục quốc doanh, được được lòng đảng vào Quốc Hội, mặt trận Tổ Quốc, UB Đoàn Kết… thì mới là “đi xuôi đường lối người tu hành, không liên quan, can thiệp chính trị?”

Đọc lại bài báo có những đoạn như sau: “trên các diễn đàn Internet, các tờ báo, nhiều người dân đã đăng đàn và bày tỏ sự phản đối trước những lời lẽ kích động và mang tính chất hằn học này. Để khách quan, chúng tôi xin đăng tải vài ý kiến của những người lớn tuổi, từng trải và ở tuổi "tri thiên mệnh" họ hiểu hơn ai hết những gì gọi là hòa bình và công lý trên đất nước chúng ta” .

Tôi đã lục khắp các diễn đàn internet, thì ra câu nói đó chỉ được tờ Hà Nội mới đăng lên, những người được chỉ tên, tuổi chỉ là những địa danh chung chung, chẳng hạn ở phố nọ, ở quận kia… có mà tìm cả tháng cũng không thể được. Duy chỉ có ông luật sư Tỵ có thể tìm được, thì ông đã la toáng lên rằng: “tôi không nói thế, nhưng báo chí nó viết thế…”. Đấy là sự “khách quan” của báo Công an Nhân dân và Hà Nội mới? Cái bài mẹ hát con khen này không ai lạ, người xưa đã bảo “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vậy.

Đó là sự dối trá, dối trá hiển nhiên mà không mất mấy thời gian để chứng minh, vậy nhưng ngay trong bài viết này, có đoạn: “Liệu ông có còn tỉnh táo nữa không, hay chỉ vì những hậm hực cá nhân mà ông sẵn sàng nói nhảm, nói những điều dối trá, bịa đặt như vậy” .

Ai bịa đặt, ai dối trá thì qua những hành động và câu chữ ở ngay bài báo này đã chứng minh.

Sự dối trá nào cũng đi đến đường cùng, khi không có chính nghĩa, sự thật trong tay, những hành động, lời nói rất dễ bị vạch mặt, bóc trần mà không thể chối cãi. Đến khi đó họ đánh bài… lờ.

Bài báo có đoạn viết: “Khi ông Nguyễn Văn Khải đưa ra luận điệu "Trước hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước" là ông đã cố tình khái quát hóa, thổi bùng một số việc riêng rẽ, nhằm bôi xấu bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam - một xã hội mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang nỗ lực xây dựng theo phương châm "công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tôi nghĩ người viết câu này đã không hiểu hết ngôn ngữ tiếng Việt. Người này đã lẫn lộn giữa bản chất và hiện tượng, giữa phương châm và hiện thực. Hoặc có thể người này hiểu, nhưng bản chất dối trá nên cố tình lập lờ để suy diễn kết tội người khác với tư duy chỉ họ được quyền kết tội.

Bào báo viết tiếp: “Khi Nguyễn Văn Khải nêu luận điệu "Cho công lý và sự thật được thực thi ở Giáo xứ Thái Hà" - nhiều người thốt lên: Ô hay, thế lâu nay trong Giáo xứ Thái Hà không có công lý và sự thật?...

Điều này mà còn phải hỏi lại, thì quả là người viết bài này quá quan liêu, cán bộ ăn lương nhân dân mà quan liêu như vậy là không ổn. Nếu ai còn ngạc nhiên, xin hãy đến mà xem, chắc chắn họ sẽ ngạc nhiên hơn thế nhiều.

Chứng cứ nhé: Nếu có sự thật, có công lý, khi UBND TP Hà Nội đưa những chứng cứ chiếm đất nhà thờ ra bị bác bỏ, thì phải giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp luật, chứ không thể dùng phương châm lấy thịt đè người để làm bằng được vườn hoa. Điều đó đã hiển nhiên ai cũng thấy. Nếu có công lý, thì không việc gì phải khởi tố và bắt bằng được những người phá mấy mét tường rào một cách khẩn cấp bằng mấy chục công an như bắt giặc, để rồi có một phiên toà lịch sử như xử trùm khủng bố quốc tế và kết bằng được tội phá hoại tài sản khi luật định chưa cấu thành tội phạm.

Bài báo viết: Ông Khải cho rằng: "Trong khi những kẻ phá hoại, gây rối thực sự lại không bị truy tố" - hay là cơ quan pháp luật còn truy tố "sót" mất ai trong vụ đập phá bờ rào Công ty May Chiến Thắng? Nếu ông còn thấy có ai "gây rối, phá hoại" mà chưa bị truy tố, với trách nhiệm của một công dân sống trên đất nước Việt Nam, xin ông đến Cơ quan Công an để trình báo, đưa những kẻ "gây rối" ra để xử lý cho công bằng. Pháp luật thì phải rõ ràng…” “đừng cố tình lôi kéo, đừng cố tình tách những giáo dân lương thiện ra ngoài khối đoàn kết toàn dân như vậy”…

Đến đoạn này, thì báo Công an nhân dân mới công nhận linh mục Khải là công dân?

Ở đây, báo Công an nhân dân đã lập lờ đánh lận con đen, cũng đành rằng là pháp luật thì công bằng, vấn đề là ai thi hành pháp luật cho công bằng mà thôi. Những nạn nhân vụ xịt hơi cay rõ ràng ở đó, hình ảnh, video đầy đủ, đơn từ đã gửi, nhưng cơ quan công an đã có hồi đáp bao giờ chưa? Thậm chí, khi biên bản được lập ngay tại nơi xảy ra vụ việc, chỉ mỗi việc xác nhận biên bản họ cũng đã đánh bài chuồn… Để rồi ngay ngày hôm sau, báo chí đã thi nhau nói ngược, vu cáo.

Và: “Thiết nghĩ, nhà nước ta với chính sách hòa hợp dân tộc, tự do tôn giáo, vẫn luôn xem bà con Thiên Chúa giáo là công dân như bao người khác, mà công dân thì bình đẳng trước pháp luật”… “chẳng lẽ ông không muốn bà con giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà của mình là công dân. Với luận điệu này, một lần nữa Phêrô Nguyễn Văn Khải lại cố tình tách các giáo dân ra khỏi cuộc sống bình thường”.

Công dân bình đẳng trước pháp luật ư? Dẫn chứng nói trên có là bình đẳng không khi mà những trẻ em và phụ nữ bị xịt hơi cay còn đó, ngay trước mặt hàng chục công an nhưng đã không một ai điều tra tội phạm gây ra tội ác này, nhưng những người đập mấy hòn gạch họ cho là bất hợp pháp đã bị bắt như bắt giặc?

Ai đã tách giáo dân ra khỏi cuộc sống bình thường? Những tờ báo của ngành công an hãy tính xem trong số cơ man nào là quân số của ngành này, mấy người công giáo được bước chân vào đó?

Họ có là công dân không? Hãy tự trả lời câu hỏi đó để trả lời xem ai đã tách giáo dân ra khỏi cuộc sống bình thường, được tham gia mọi hoạt động và lĩnh vực xã hội.

Thật buồn cười khi đọc câu này trên báo Công an nhân dân: “bản thân ông Nguyễn Văn Khải đã tự cô lập mình ra khỏi một cộng đồng đang hòa hợp. Và chúng ta cũng dễ dàng hiểu được, một cá thể khi tự tách mình ra khỏi cộng đồng, sẽ tìm cách quay lại phá hoại khối đại đoàn kết của cộng đồng đó”.

Tôi không hiểu linh muc Khải “đã tự cô lập mình khỏi cộng đồng” ở điểm nào, khi chính ông đã và đang dốc sức phục vụ những người nghèo khổ, những người cần chăm sóc mà không có một quyền lợi, địa vị hay tài sản nào? Khi mà chính ông đã cùng toàn thể tu sĩ, giáo dân cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo đất nước được sáng suốt, cầu nguyện cho Sự thật, Công lý, Hoà bình, cho bất công bị đẩy lùi, cho công lý được hiển thị? Phải chăng như vậy là “tự cô lập với cộng đồng”?

Phải chăng nếu ông làm ngược lại, cứ hà hiếp dân lành, cứ mánh mung hối lộ, cứ dối trá bừa bãi, cứ chia chác của công… thì mới được gọi là hoà nhập với cộng đồng? Phải chăng nếu ông kêu gọi nhân dân cứ để cho các tệ nạn dối trá, bất công lan tràn, không quan tâm đến ai ngoài chính bản thân mình… thà vong quốc chứ nhất định phải phì gia thì mới là hoà nhập với cộng đồng?

Xin thưa điều này: đất nước này, cộng đồng này, dân tộc này không phải và không thể mãi là một cộng đồng dối trá, lừa lọc và bất công. Dù hiện tượng dối trá có đang lan tràn, thì cũng chỉ là một phạm trù có tính lịch sử, những thứ đó sẽ qua đi, không ai có thể cưỡng lại đường tiến lên của dân tộc.

Nguyện cầu cùng Thiên Chúa sớm ban cho dân tộc này, đất nước này được đi dưới con đường ánh sáng, sự thật, công lý, hoà bình. Xây dựng tình đoàn kết anh em một nhà. Cùng chung sức, chung tay gây dựng cơ đồ nước Việt hùng mạnh, đủ sức mạnh và lòng tin bảo vệ đất nước này bền vững tiến tới bến vinh quang.

Hà Nội, Ngày 5 tháng 5 năm 2009
 
Thư gửi Bạn: Người Việt Nam không cùng niềm tin có Thiên Chúa
Làng Nghi
03:39 05/05/2009
Tôi và bạn, sinh ra chúng ta đã là người Việt Nam. Là người Việt, dù ít dù nhiều, chúng ta luôn có những điểm tương đồng, cả những niềm vui tương đồng và nỗi buồn tương đồng. Nhưng có một điều khác biệt, dù có thể không là lớn nhất thì cũng là rất quan trọng, đó là tôi tin vào Thiên chúa, còn bạn thì không!

Ở thời đại này, cái thời đại được gắn với hai chữ “tự do”, thì tôn giáo là một thứ tự do vô cùng cần thiết mà tôi cam chắc rằng không một bản Hiến pháp nào trên thế giới phủ nhận nó.

Bạn không tin vào Thiên chúa, đó là cái quyền bất khả xâm phạm của bạn. Nhưng khi bạn được trao cho cái quyền đó, thì bạn cũng nên nhớ rằng…

Thiên chúa là Đấng mà chúng tôi tin, là Đấng mà hơn tám triệu người Việt đã tin. Tám triệu người, đó có phải là một con số nhỏ không bạn? Chắc chắn là không! Bạn đừng nghĩ “người Công giáo chỉ là thiểu số ở Việt Nam” nhé! Và còn hơn 1,2 tỉ người trên khắp thế giới đã tin vào Chúa nữa (tôi chưa tính đến những tôn giáo khác có bắt nguồn từ Thiên chúa giáo nhé!). Rõ ràng, với một số lượng khổng lồ như thế, chắc chắn niềm tin của chúng tôi không đơn lẻ và không cô độc đâu bạn.

Bạn bảo rằng, thần thánh không có ở trên đời. Và bạn không tin. Đó là lý lẽ của bạn thôi. Ngày xưa đất nước này đã từng bị bắt phải suy nghĩ như bạn đấy. Chắc bạn biết, mấy chục năm trước, thời cải cách ruộng đất ý, và những thời kì “cải cách, cải tạo” khác nữa, có biết bao nhiêu đình, chùa, nhà thờ đã bị phá hủy. Để rồi bây giờ, nhìn lại cái thời “mông muội” ấy, người ta nhanh chóng cho tu sửa và xây dựng thêm bao nhiêu đình, chùa, đền đài… Không chỉ có người dân, mà Đảng, Nhà nước cũng tham gia thật là nhiệt tình. Chùa Bái Đính ở miền Bắc, Đại Nam quốc tự ở miền Nam là những ví dụ để bạn thấy. Cái gì không đúng, kể cả suy nghĩ và ý chí, thì sẽ bị đào thải, dù sớm dù muộn…

Tôi là người Công giáo, tôi được dạy phải biết cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời mỗi khi hưởng dùng một cái gì. Tại sao khi tôi làm dấu Thánh trước lúc ăn cơm, bạn lại cười và nhìn tôi bằng ánh mắt thật lạ? Có thể bạn tò mò, có thể bạn chưa hiểu hết những nghi thức Công giáo, nhưng bạn cũng đừng bắt chước theo với một sự cười cợt như thế! Đó là sự xúc phạm người khác đấy. Nếu cứ như bạn, thì tôi cũng có quyền cười cợt và bắt chước khi nhìn thấy một người khấn vái lúc ở trong một đình, chùa ư? Chắc chắn tôi sẽ không làm như thế đâu bạn. Kể cho bạn nghe nhé, hôm trước lúc tôi đi ăn mấy món vỉa hè cùng một đứa em, đó là cô bé không theo đạo và là người tôi rất yêu mến, trước lúc ăn tôi quên làm dấu Thánh, cô bé thấy thế và ngay lập tức nhắc nhở tôi liền. Chỉ là lời nhắc nhở thôi mà tôi trân trọng và ghi nhớ lắm! Bạn có hiểu vì sao không?

Tôi nghĩ bạn biết thế nào là người linh mục. Ấy vậy mà sao bạn lại cười khi nghe tôi bảo rằng, những ai đã làm linh mục hay tu sĩ thì không được lập gia đình. Nụ cười của bạn không phải là mỉa mai, nhưng cũng không nghiêm túc chút nào. Chắc bạn thấy việc không có vợ có chồng là một thiệt thòi? Và sẽ không được hưởng những lạc thú ở đời? Suy nghĩ đó rẻ tiền lắm bạn ạ. Rẻ thực sự ý. Bạn có biết lý tưởng được sống và chết cho đồng loại, cho Đấng thánh mà mình tôn thờ nó cao đẹp như thế nào không? Nếu sống chỉ để hưởng thụ thì hoá ra loài người cũng chỉ như loài vật à? Tôi chỉ ví dụ thật đơn giản cho bạn hiểu nhé, nếu bây giờ một vị chủ tịch huyện hoặc một vị giám đốc sở công an mà chết chẳng hạn, bạn thử đếm xem có bao nhiêu người dân tiếc thương và đến đưa tiễn? Nhưng nếu một vị linh mục, hoặc cao hơn là giám mục mà chết, thì với giáo dân, đó cũng như là một cái tang của chính họ vậy. Nếu linh mục hay giám mục là những người không có gì nổi bật về nhân cách và học vấn, chắc chắn đã chẳng ai yêu mến họ như thế. Tôi không hề nói quá và không hề đánh bóng tên tuổi thay cho họ đâu. Tại sao trong vụ tranh chấp đất đai ở Thái Hà và Toà Khâm Sứ vừa rồi, các linh mục và giám mục của miền Bắc bị báo chí và các cơ quan công quyền “đánh cho tơi tả” như thế mà họ vẫn được giáo dân yêu mến và che chở? Nếu đó không là những tấm gương sáng thực sự thì chắc chắn giáo dân, chắc chắn chính tôi đã mặc kệ họ rồi.

Bạn không là người Công giáo nên bạn không thể hiểu hết được nỗi khổ nhục khi làm một người Công giáo ở Việt Nam. Vâng, tự do tôn giáo là cái vẫn được nghe thấy ở khắp đất nước này. Nó cũng có trong Hiến pháp. Nhưng ở một đất nước mà có những bộ luật còn “ngồi” trên cả Hiến pháp thì tự do tôn giáo là một cái hãy còn xa xôi lắm. Tôi không hề nói quá và không hề vu cáo một ai. Sự thật bắt tôi phải nói như thế! Bạn hãy là người trong cuộc thì bạn sẽ hiểu. Chắc bạn không biết, mấy ngày gần đây người Công giáo ở Thái Bình, chỉ vì muốn đến Thái Hà để hành hương và cầu nguyện mà họ đã bị công an và nhiều lực lượng khác tìm cách ngăn chặn. Chính Đức giám mục Nguyễn Văn Sang của Thái Bình cũng bị ngăn cản. Và nhiều người đã phải đi trong đêm tối, đi bộ hàng chục cây số mới đến được Thái Hà. Buồn và thương lắm bạn ơi! Tại sao người ta phải làm thế với chính đồng bào mình? Không thể có một lời bào chữa nào cho hành động hèn hạ và thiếu tình người như thế! Đó chỉ là một trong rất rất nhiều những nỗi khổ nhục mà người Công giáo đang phải chịu đựng. Nhưng, niềm tin vào Chúa vẫn luôn sáng ngời một cách tuyệt đối. Có lẽ đến muôn đời bạn cũng không hiểu hết được đâu. Và khi bạn không hiểu thì đừng vội phát ngôn bừa bãi, nhé!

Tôi chỉ nói ra một số điều nhỏ nhỏ cho bạn nghe vậy thôi. Còn nhiều cái tôi muốn nói lắm, nhưng nói ra cũng sẽ thành dài dòng và nhàm chán. Nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc và hiểu bài viết này thì tôi cám ơn lắm. Mà bạn không đọc và hiểu được cũng chẳng sao cả. Tôi viết ra để không phải hổ thẹn vì đã im lặng. Tôi viết ra bởi nó là sự thật sống động. Tôi viết ra, vì tôi là người Công giáo. Và với tôi, người Công giáo cũng như một con chó giữ nhà vậy. Dù bị đánh đập đến chết, nó vẫn sẽ sủa để bảo vệ nhà mình…

Hà Nội, 03.05.09
 
Ủy ban Tự do Tôn giáo: 13 nước vi phạm tự do tôn giáo trong đó có Việt Nam
VOA
04:57 05/05/2009
Bản phúc trình thường niên mới nhất của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một cơ quan độc lập, nêu tên 13 quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Dan Robinson, Ủy ban đã bày tỏ mối quan ngại về chủ trương cực đoan ngày càng gia tăng tại nhiều nước. Ủy ban phê phán gay gắt Pakistan và cho rằng chủ trương cực đoan đang đề ra một mối đe dọa đặc biệt đối với tự do tôn giáo tại đây.

13 nước bị nêu danh là Các nước đáng quan tâm đặc biệt, thường gọi tắt là CPC, trong bản phúc trình năm nay là Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Eritrea, Nigeria, Sudan, Iran, Iraq, Pakistan, Ả rập Saudi, Turkmenistan và Uzbekistan.

Theo bản phúc trình, các nước bị liệt vào loại này là những nước mà chính phủ thực hiện hoặc dung túng những vụ vi phạm quyền tư do tôn giáo một cách nghiêm trọng, nghĩa là có hệ thống, liên tục, và thô bạo.

Những nước bị ghi vào danh sách ‘cần phải theo dõi’ là Afghanistan, Belarus, Cuba, Egypt, Indonesia, Lào, Nga, Somali, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Người đứng đầu ủy ban là bà Felice Gaer nói lên một mối quan ngại đặc biệt của mình.

Bà Gaer nói: “Trọng tâm chính của Ủy ban trong thời kỳ phúc trình này là mối đe dọa mà chủ trương cực đoan về tôn giáo đề ra đối với quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới, và đối với nền an ninh toàn cầu cũng như khu vực.”

Bà Felice Gaer nói thêm, tại Pakistan, trong khi lãnh đạo chính quyền nhượng bộ trước sự thống trị của một số phấn tử cực đoan có liên hệ với Taliban tại một số vùng, thì thành viên của xã hội văn minh, đặc biệt là phụ nữ, đã can đảm chống đối.

Bà Elizabeth Prodromou, một thành viên của Ủy ban nói rằng tình hình tại Pakistan, vốn là một nước CPC từ năm 2002, đã trở nên tệ hại vì lý do “có sự gia tăng phần lớn không được kiểm soát” của các nhóm cực đoan liên kết với Taliban.

Bà Prodromou nói: “Chính quyền trung ương Pakistan tại Islamabad đã nhường quyền kiểm soát đất nước thực sự ngày càng nhiều cho các nhóm cực đoan có liên hệ với Taliban, nhất là tại thung lũng Swat và những quận lân cận. Đồng thời, tình hình bạo động giữa các phe phái và có động cơ tôn giáo vẫn tiếp diễn. Đặc biệt nghiêm trọng là những vụ vi phạm đối với các nhóm Hồi giáo Shia, Amhadis, Cơ đốc giáo, Ấn giáo và người Sikh.”

Theo ông Michael Cromartie và với sự nhất trí của toàn ủy ban, trong số những nước vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất có thể kể Bắc Triều tiên.

Ông Cromartie nói: “Đối với Bắc Triều tiên chỉ có thể nói được một điều: đó là nước vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tồi tệ nhất so với bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Điều đó chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tệ hại hơn.”

Vẫn theo bản phúc trình của ủy ban, trong lúc Trung quốc dùng Thế Vận Hội 2008 để phô trương sự lớn mạnh và quyền lực của họ, thì chính quyền lực đó cũng được dùng để bóp nghẹt sự bất đồng chính kiến và áp đặt thêm những hạn chế nghiêm ngặt đối với những sinh hoạt tôn giáo hòa hoãn của Phật tử Tây tạng và người Hồi giáo Uighur.

Tại Việt nam, Ủy ban nêu ra một số sự kiện tích cực, nhưng nói rằng vẫn còn những sự lạm dụng nghiêm trọng và hạn chế, bao gồm việc cầm tù và bắt giam những người quảng bá quyền tự do tín ngưỡng, và tiếp tục việc hạn chế chính thức các sinh hoạt tôn giáo độc lập.

Về vùng Trung đông, Ông Richard Land, cũng là một thành viên ủy ban, đã tóm lược về tình hình sa sút đối với các nhóm thiểu số tại Iran:

Ông Land nói: “Bằng lý thuyết cũng như bằng hành động, chính phủ đã áp đặt các điều kiện tồi tệ đối với gần như tất cả các nhóm tôn giáo không phải Shia, nhất là đối với nhóm Bahai, cũng như nhóm Hồi giáo Sufi, nhóm Cơ đốc giáo và các thành viên thuộc cộng đồng Do thái giáo.”

Ủy Hội đặc biệt chỉ trích một quyết định hồi năm 2008 của chính phủ Iran, nhằm áp dụng một đạo luật hình sự mà theo bản phúc trình, có thể đe dọa gây án tử cho các thành viên của nhiều cộng đồng tôn giáo và thiểu số.

Tại Ả Rập Saudi, ủy ban nói dù đã có một vài sự cải cách hạn hẹp, chính phủ vẫn tiếp tục can thiệp vào những lễ tôn giáo riêng tư, cũng như bắt giữ và cầm tù những người bất đồng chính kiến thuộc nhóm Hồi giáo Shia cùng người Hồi giáo Ismaili.

Bà Felice Gaer giải thích vì sao Ủy Ban muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấm dứt sự miễn trừ đối với Ả Rập Saudi khi rút tên nước này ra khỏi danh sách chính thức những nước vi phạm quyền tư do tôn giáo.

Bà Gaer nói: “Ả rập Saudi vẫn không hoàn tất những điều cam kết của họ với Mỹ hồi năm 2006. Việc cải thiện dự kiến trong những sách giáo khoa vẫn còn dở dang. Các tường trình cho thấy những tư liệu sách động bạo loạn và châm ngòi cho tình trạng bất dung tôn giáo vẫn tồn tại.”

TEXT (THU ) Về Iraq, ủy ban nhấn mạnh lập lại những mối quan ngại đối với việc chính phủ dung túng những lạm dụng nghiêm trọng và thực hiện việc áp bức bạo hành đối với các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương nhất.

Tại châu Phi, ông Leonard Leo, một thành viên khác của ủy ban cho biết một cuộc viếng thăm mới đây của Ủy ban xác nhận rằng chính phủ dung túng những sự vi phạm có hệ thống, liên tục và thô bạo.

Ông Leo nói: “Từ nhiều năm chính phủ Nigeria vẫn trì hoãn việc đưa những kẻ vi phạm bạo hành tôn giáo ra trước công lý. Từ mấy trăm tới 3 ngàn người đã chết tại thành phố Jos hồi năm ngoái. Nhiều vụ giết chóc xẩy ra tại những nơi khác. Ít nhất đã có tới 10 ngàn người phải di dời chỗ ở, trong nhiều năm qua, tất cả vì những vụ bạo động giáo phái và giữa các cộng đồng."

Trong số các nước bị ghi vào danh sách ‘cần theo dõi’, có Venezuela, nơi ủy ban nói rằng Tổng thống Hugo Chavez đôi khi đã dung túng và còn có hành động đối với việc đàn áp các cộng đồng Do thái giáo và Thiên chúa giáo.

Bản phúc trình của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tỏ ý lo ngại rằng, sau 10 năm tới đây, dưới cả 2 Chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa, Bộ Ngoại giao cũng chưa thực hiện được những điều khoản chính của Bộ luật Tự do Tôn giáo Quốc Tế 1998.
 
Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Giáo hội trước các vấn đề xã hội
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
16:50 05/05/2009
“… khi Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không làm chính trị nhưng muốn hợp tác với Nhà Nước để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, cũng không chấp nhận bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị nào, hoặc cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào. Giáo Hội cũng không muốn cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền…”.

“… có thể nói đến tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền dân sự là tương quan trong đó cả hai bên tôn trọng sự độc lập chính đáng của nhau, đồng thời hợp tác với nhau nhằm phục vụ con người cách tốt đẹp nhất”.


QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn


Tháng 6.1989, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố tài liệu mang tựa đề A Time for Dialogue and Healing: A Pastoral Reflection on United States – Vietnam Relations (Thời điểm cho đối thoại và chữa lành: Một suy tư mục vụ về mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam), trong đó các giám mục lên tiếng thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [1]

Năm 2002, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush quyết định tấn công Iraq, một trong những người kiên quyết tìm mọi cách ngăn cản cuộc chiến tranh là Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đến nỗi vào giờ phút chót, ngài vẫn cử một đặc sứ sang tận Washington, D.C., đích thân gặp Tổng thống Mỹ nhằm thuyết phục ông thay đổi quyết định tấn công Iraq.

Nếu theo dõi các tuyên bố của các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tại nhiều quốc gia, sẽ thấy các ngài lên tiếng về hầu hết các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị như chạy đua vũ trang, hoà bình tại Trung Đông, môi sinh… và những vấn đề khác.

Những sự kiện trên khiến nhiều người đặt vấn đề: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Sứ mạng của Giáo Hội lại chẳng phải là sứ mạng thiêng liêng sao? Khi can thiệp vào các vấn đề xã hội như thế, liệu Giáo Hội có thi hành đúng chức năng của mình không? Có gây tranh chấp với chính quyền dân sự không? Phải làm gì để giải quyết?

Bài viết này không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề, chỉ mong trình bày một vài gợi ý và định hướng căn bản, dĩ nhiên là từ quan điểm của Giáo Hội Công giáo. Theo đó, bài viết này sẽ bàn đến (1) mối tương quan giữa sứ mạng của Giáo Hội và trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội, và (2) tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền trong những vấn đề xã hội.

I. TƯƠNG QUAN GIỮA SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, và sứ mạng này có mối liên hệ mật thiết với trách nhiệm xã hội về cả ba mặt: đối tượng, mục đích và nội dung [2].

Đối tượng của việc loan báo Tin Mừng là muôn dân, là những con người cụ thể, cho nên phục vụ con người trở thành con đường quan trọng nhất và căn bản nhất của Giáo Hội[3]. Con người mà Giáo Hội có trách nhiệm phục vụ vừa là một nhân vị độc đáo vừa là hữu thể mang tính xã hội. Một đàng, mỗi con người là một nhân vị độc đáo, không thể thay thế, và vì thế, phải tôn trọng mỗi con người từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời, bất kể sang hèn, trí thức hay bình dân, khoẻ mạnh hay đau yếu. Đàng khác, tự bản chất, con người là hữu thể xã hội, sống trong một mạng lưới phức tạp với vô số quan hệ xã hội, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, và con người chỉ có thể sống và phát triển khả năng của mình trong mối liên hệ với người khác. Tất cả những gì diễn ra trong xã hội đều gây âm hưởng trên con người cũng như trên mọi mặt của đời sống; ngược lại, chính con người là chủ thể và tác nhân của đời sống xã hội, xã hội phát triển hay trì trệ đều do chính con người làm nên [4].

Chính vì thế, để phục vụ con người cách hiệu quả, không thể không quan tâm đến chiều kích xã hội này, cũng có nghĩa là phải quan tâm đến các vấn đề xã hội. Hơn thế nữa, các vấn đề chính trị và xã hội lại liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…, nên Giáo Hội lại càng cần phải quan tâm nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân bản hơn [5]. Xã hội, và cùng với xã hội là chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá, tất cả đều hàm chứa trong nó những giá trị đạo đức, và vì thế, không thể xa lạ với sứ mạng loan báo Tin Mừng [6].

Kế đến, mục đích mà sứ mạng loan báo Tin Mừng hướng tới là dẫn đưa con người đến Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa như Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Mục đích duy nhất của Giáo Hội là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là Giáo Hội tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người” [7]. Thế nhưng Nước Trời mà Giáo Hội loan báo không chỉ là vương quốc thánh thiện và ân sủng trong thế giới mai sau, mà còn là vương quốc của công lý, yêu thương và hoà bình, nghĩa là những giá trị cần được xây đắp và vun trồng trong đời sống xã hội cụ thể, ở đây và lúc này [8]. Đàng khác, Giáo Hội không loan báo Tin Mừng Nước Trời trong cõi thiêng liêng trừu tượng mà là trong bối cảnh cụ thể của lịch sử và thế giới mà con người đang sống, do đó Giáo Hội không thể không quan tâm đến các vấn đề xã hội [9]. Như thế, có mối liên hệ hữu cơ giữa sứ mạng loan báo Tin Mừng và trách nhiệm phục vụ sự thăng tiến con người.

Thiết nghĩ ở đây cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên. Theo quan điểm công giáo, tự nhiên và siêu nhiên không phải là hai lãnh vực tách biệt nhau, lại càng không phải là hai thực thể đối lập nhau; đúng hơn, đó là hai lãnh vực thấm nhập vào nhau. Vì thế, không nên hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm bắt đầu từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên như sự nâng đỡ và lôi kéo tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Hiểu như thế, không có gì trong thế giới tự nhiên, không có gì là của con người mà lại xa lạ hay bị loại trừ khỏi trật tự siêu nhiên của đức tin và ân sủng; trái lại, tất cả đều có mặt trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao [10].

Trung tâm của đức tin Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và trong mầu nhiệm này, toàn bộ con người xét như hữu thể duy nhất xác-hồn và là một hữu thể xã hội – chứ không chỉ riêng linh hồn hay một hữu thể khép kín trong cá tính riêng của mình – đã được nâng lên một trật tự mới, trật tự siêu nhiên và ân sủng. Như thế, con người toàn diện và cả xã hội loài người đã được đưa vào trong nhiệm cục cứu độ của Tin Mừng. Do đó, loan báo Tin Mừng không chỉ có nghĩa là phục vụ linh hồn mà bỏ quên thân xác, cũng không chỉ quan tâm đến ơn cứu độ cá nhân mà lãng quên những thực tại xã hội. Đúng hơn, sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm cho những giá trị của Tin Mừng thấm nhuần đời sống xã hội và phong phú hoá đời sống đó [11].

Như thế, có sự phân biệt giữa hai lãnh vực thiêng liêng và trần thế, nhưng đàng khác, không có tách biệt, lại càng không có đối kháng giữa sứ mạng thiêng liêng của Giáo Hội và mối quan tâm của Giáo Hội về công lý và hoà bình, bởi lẽ siêu nhiên thấm nhập vào tự nhiên và nâng con người lên một bình diện mới: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu độ cá biệt của mình, Giáo Hội không chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, mà còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá của nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và làm cho hoạt động thường nhật của con người được thấm nhuần một định hướng và ý nghĩa sâu xa hơn” [12].

Ngoài ra, trọng tâm của Tin Mừng mà Giáo Hội có sứ mạng loan báo là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Bác ái là điều răn mới và điều răn trung tâm của Kitô giáo. Nhưng làm sao có thể công bố điều răn đó mà lại không quan tâm đến tình trạng công lý và công bằng cho con người? Ở tự nó, tình yêu đã hàm chứa chiều kích xã hội vì yêu thương luôn luôn là hướng đến một tha thể ở ngoài mình. Chiều kích xã hội này càng mạnh mẽ và khẩn thiết hơn trong một thế giới mà tiến trình xã hội hoá đã vươn đến tầm cao. Bác ái không chỉ còn được nhìn trong tương quan giữa cá nhân với cá nhân mà đòi hỏi phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, vì những vấn đề này đụng chạm tới sự sống và hạnh phúc của những con người mà ta yêu thương và phục vụ. Vì thế, phải nói rằng chính điều răn yêu thương – chứ không phải động lực hay tham vọng nào khác – thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân cho công lý và hoà bình, làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc [13].

Nói tóm lại, nhìn vào đối tượng, mục đích hay nội dung của sứ mạng loan báo Tin Mừng, ta đều thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến con người đến nỗi Thượng Hội Đồng các Giám mục thuộc thế giới thứ ba tuyên bố: “Hành động của Giáo Hội nhằm xây dựng công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới nên tốt hơn là một chiều kích cấu thành (a constitutive dimension) trong sứ mạng của Giáo Hội nhằm cứu rỗi nhân loại và giải thoát họ khỏi mọi tình trạng áp bức” [14]. Thực ra, đây không phải là điều gì mới mẻ nhưng là đòi hỏi cắm rễ sâu trong truyền thống lâu đời của Kitô giáo.

Thánh Kinh Cựu ước còn ghi lại những chỉ dẫn cụ thể về Năm sabát, nhất là Năm toàn xá, Năm thánh (x. Lêvi chương 25). Năm thánh là năm thuộc về Chúa là Đấng Thánh, năm tôn vinh Thiên Chúa là chủ của vũ trụ, thế giới và con người, đồng thời là năm tái lập sự công bằng trên trái đất và là năm giải thoát cho cả đất đai: “Trong năm toàn xá, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình… Không ai trong các ngươi được gây thiệt hại cho đồng bào mình, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi… Trong năm đó, các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa, đó sẽ là một năm đất nghỉ” (Đnl 25, 2-17). Như thế, từ rất lâu, những chỉ dẫn về Năm thánh đã phản ánh ý thức cao độ về công bằng xã hội và cả việc bảo vệ môi sinh là những vấn đề mà thế giới hôm nay càng ngày càng ý thức hơn.

Cũng trong truyền thống đó, các tiên tri là những người hết sức nhạy bén trước nỗi đau của con người, do đó cũng nhạy bén trước những bất công xã hội. Tiếng nói của các ngài vừa là tiếng nói thay cho cơn hấp hối câm lặng của người nghèo vừa vọng lại cơn giận của Thiên Chúa[15]. Hãy thử đọc lại một trong nhiều bài giảng của các tiên tri để cảm nhận sự nhạy bén này:

“Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ:
Bao giờ ngày mồng một qua đi cho ta còn bán lúa,
Bao giờ mới hết ngày sabát để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm,
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ,
Cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán.
Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên hành vi nào của chúng.
Há chẳng phải vì vậy mà đất rung chuyển,
Và toàn thể dân cư lâm cảnh tang tóc đó sao?”
(Amos 8,4-8)

Cũng trong truyền thống đó, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người với chương trình hành động là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Như thế, sẽ chẳng có gì khác lạ nếu Giáo Hội ngày nay lên tiếng về các vấn đề xã hội với ước mong góp phần làm cho cuộc sống con người trở thành nhân bản hơn. Giáo Hội chỉ đặt mình trong dòng chảy tự nhiên của truyền thống Kitô giáo và là đòi hỏi nội tại trong chính sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi Giáo Hội can thiệp vào các vấn đề xã hội, đâu là tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền?

II. TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO HỘI VÀ CHÍNH QUYỀN

Bàn về mối tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền, thiết nghĩ trước hết nên có sự phân biệt giữa xã hội dân sự và cộng đồng chính trị. Xã hội dân sự là “tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, và những mối quan hệ cũng như các nguồn lực này độc lập cách tương đối với lãnh vực chính trị và kinh tế” [16]. Từ xã hội dân sự này, phát xuất cộng đồng chính trị là cộng đồng được thiết lập nhằm phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự. Do đó, không nên coi xã hội dân sự chỉ như một thành phần của cộng đồng chính trị. Đúng hơn, Nhà Nước cung cấp khung pháp lý thích đáng để điều hoà các mối quan hệ của mình với xã hội dân sự theo nguyên tắc bổ trợ [17].

Theo đó, có thể nói đến tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền dân sự là tương quan trong đó cả hai bên tôn trọng sự độc lập chính đáng của nhau, đồng thời hợp tác với nhau nhằm phục vụ con người cách tốt đẹp nhất.

Giáo Hội tôn trọng quyền bính hợp pháp và chính đáng của Nhà Nước. Sự tôn trọng này phát xuất từ sự nhìn nhận tính độc lập chính đáng của những thực tại trần thế như Công đồng Vaticanô II minh định: “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế được hiểu là các thụ tạo và các xã hội đều có những định luật và giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hoà, thì đòi hỏi sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng. Đó là điều không những người đương thời đòi hỏi, mà còn phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo hoá” [18]. Cũng vậy, “Giáo Hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp” [19]. Do đó, Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội. Đó không phải là sứ mạng mà Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sự phân biệt giữa Nhà Nước và Giáo Hội như thế là thành phần trong cấu trúc nền tảng của Kitô giáo. Giáo Hội tôn trọng và nhìn nhận sự phân biệt và tự trị này, coi đó là tiến bộ lớn của nhân loại và là điều kiện nền tảng cho sự tự do của Giáo Hội cũng như cho việc Giáo Hội chu toàn sứ mạng cứu độ phổ quát giữa các dân tộc [20].

Đồng thời, Giáo Hội cũng mong muốn Nhà Nước tôn trọng sự độc lập chính đáng của Giáo Hội: “Giáo Hội xét như sự biểu lộ xã hội của đức tin Kitô giáo có sự độc lập của mình và dựa trên nền tảng đức tin, sống hình thức cộng đoàn của mình mà Nhà Nước phải tôn trọng” [21]. Cách cụ thể, Chính quyền tôn trọng sự độc lập chính đáng của Giáo Hội khi tôn trọng sự tự do phát biểu, tự do giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ Giáo Hội; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành của mình; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái [22]. Đồng thời, Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi [23].

Theo đó, khi Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không làm chính trị nhưng muốn hợp tác với Nhà Nước để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, cũng không chấp nhận bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị nào, hoặc cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào. Giáo Hội cũng không muốn cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, “Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã được hưởng cách chính đáng khi thấy rằng việc sử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành muốn làm chứng nhân của mình” [24]. Giáo Hội chỉ muốn hợp tác với Nhà Nước trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Và Giáo Hội thực hiện mục đích này bằng cách đào tạo lương tâm các Kitô hữu và thức tỉnh lương tri của mọi người trong xã hội.

Trước hết, Giáo Hội cố gắng đào tạo ý thức xã hội nơi các Kitô hữu, giúp họ ý thức rằng mình có bổn phận phải phục vụ công ích, đồng thời giúp họ có khả năng sống những giá trị Phúc âm trong mọi lãnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị; hơn nữa, góp phần làm cho các thực tại trần thế mang tính nhân bản và phù hợp với Tin Mừng hơn. Đối với các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực chính trị, Giáo Hội mong muốn giúp họ đào tạo lương tâm chính trị, biết từ bỏ những tiện nghi và lợi lộc vật chất cá nhân để toàn tâm toàn ý lo cho công ích [25].

Ngoài ra, khi lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không chỉ lên tiếng cho con cái mình mà còn vì ích chung của tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt tôn giáo hay giai tầng xã hội. Những can thiệp này nhằm phục vụ và giúp đỡ việc giáo dục lương tâm trong chính trị, giúp nhận thức rõ ràng những đòi hỏi đích thực của công bằng và chuyển nhận thức đó thành hành động, dù phải hi sinh những lợi ích riêng tư. Thật vậy, mục đích của chính trị là thiết lập công bằng nhưng công bằng không phải là ý tưởng trừu tượng mà là vấn đề của lý trí thực tiễn, đồng thời là thực tại cần phải xây dựng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Điều đó đòi hỏi lý trí phải hoạt động cách đúng đắn và trong sáng. Trong khi đó, kinh nghiệm lại cho thấy lý trí rất dễ bị chi phối bởi cám dỗ về lợi nhuận cũng như quyền lực. Chính vì thế, lý trí cần được thanh luyện liên tục để thực sự phục vụ sự công bằng [26]. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội lập luận dựa trên lý trí và luật tự nhiên, có nghĩa là những gì phù hợp với bản tính con người. Đây là cơ sở nền tảng để mọi người trong xã hội – dù khác biệt nhau về tôn giáo, quan điểm chính trị, lập trường xã hội – đều có thể dựa vào mà tiến hành cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề xã hội.

Hiểu như thế, Chính quyền và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội. Tuỳ theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự hợp tác lành mạnh, thì càng phục vụ lợi ích của con người cách hữu hiệu hơn [27].

Trong thực tế, để sự hợp tác có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho mọi người, cần có đối thoại thẳng thắn và cởi mở giữa Chính quyền và Giáo Hội vì các vấn đề xã hội thường phức tạp và luôn biến chuyển. Hơn thế nữa, không thể phủ nhận rằng nhân sinh quan và thế giới quan của hai bên khác nhau, vì thế cũng nhìn nhận và giải quyết vấn đề cách khác nhau. Ngoài ra, những vấn đề xã hội thường không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế hay chính trị nhưng luôn bao hàm chiều kích nhân văn và đạo đức, vì thế cần sự bổ túc cho nhau nhằm hướng đến một giải đáp mang tính toàn diện. Nhờ đối thoại, Giáo Hội và Nhà nước có thể hiểu biết nhau hơn, xác định những hình thức bền vững và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà, ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, bổ túc cho nhau trong cách giải quyết các vấn đề nhằm mưu cầu ích chung. Đây không chỉ là lý thuyết mà còn là kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội Công giáo vốn hiện diện trong nhiều đất nước với những thể chế chính trị khác nhau.

Kết luận

Là những người Việt Nam và là cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam lấy vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt làm vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình, và không có gì là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng Giáo Hội. Trong những năm qua, ý thức đó đã thúc đẩy Giáo Hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép, và còn muốn góp phần nhiều hơn nữa trong tương lai [28].

Đồng thời Giáo Hội cũng ý thức rằng để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, Giáo Hội cần tiến hành cuộc đối thoại đa diện: đối thoại với Chính quyền là những người có trách nhiệm tổ chức, ổn định và xây dựng xã hội; đối thoại với các tôn giáo vốn là nền móng những giá trị đạo đức của dân tộc; đối thoại với văn hoá dân tộc là nguồn của những giá trị nhân văn đích thực và ngày nay đang có nguy cơ bị xói mòn; đối thoại với con người, nhất là người nghèo vốn vẫn chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc.

Cuộc đối thoại đó đòi hỏi Giáo Hội lắng nghe để có thể hiểu được tâm tư khát vọng của người dân, tâm tư được thể hiện bằng lời và nhiều khi bằng cả sự im lặng! Giáo Hội cũng ý thức rằng đây không phải là cuộc đối thoại dễ dàng do những thành kiến của lịch sử cũng như do sự khác biệt trong cách nhìn và cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Giáo Hội xác tín rằng đó là con đường tốt nhất phải đi để xây dựng sự hợp tác chân thành và đích thực nhằm xây dựng một xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn và xứng với phẩm giá con người hơn.

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Chú thích:
[1] Pastoral Letters and Statements of the United States Catholic Bishops, Volume VI (1989-1997), 72-79.
[2] Sứ mạng này phát xuất từ chính mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo (HTXH), Nxb. Tôn giáo, 2007, số 62.
[4] Ibid., số 61.
[5] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh khía cạnh luân lý này trong Sứ điệp cho Ngày Hoà bình thế giới 2009. X. Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the Celebration of the World Day of Peace, 1 January 2009, số 3-7.
[6] HTXH, số 61.
[7] Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (MV) số 45.
[8] Ibid., số 39.
[9] HTXH số 60.
[10] Ibid., số 63.
[11] Ibid., số 62.
[12] MV số 40.
[13] MV số 76.
[14] Third World Synod of Bishops, Justitia in mundo, số 6.
[15] Rabbi Abraham Joshua Heschel xem đây là nét nổi bật của các tiên tri trong Cựu Ước đến nỗi có thể dựa vào tiêu chuẩn đó để phân biệt giữa tiên tri thật và tiên tri giả. X. The Prophets, New York: Harper & Row, 1962.
[16] HTXH số 417.
[17] HTXH số 418.
[18] MV số 36.
[19] Gioan Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, số 47.
[20] Phát biểu của Đức Bênêđictô XVI khi đến thăm Toà Đại sứ Italia tại Toà Thánh (tháng 12.2008).
[21] Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 28.
[22] HTXH số 426, Dignitatis humanae số 4.
[23] MV số 76.
[24] MV số 76.
[25] HTXH, số 530-532.
[26] Thiên Chúa là Tình Yêu, số 28.
[27] X. MV số 76. Cách riêng về phía Giáo Hội, theo cách diễn tả của Hồng y Roger Mahoney, có hai tiến trình: (1) phi chính trị hoá (depoliticization) tức là không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo Hội, (2) tái hoà nhập xã hội (resocialization) tức là quan tâm đến các vấn đề xã hội, coi đó như thành phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo Hội. (X. Mahoney, As I have done for you, Origins 29/46 (May 4, 2000), p. 748.
[28] Giáo Hội tại Việt Nam đã tích cực góp phần trong những chương trình xoá đói giảm nghèo, giáo dục trẻ đường phố, chăm sóc những người có HIV/AIDS… Giáo Hội còn muốn tham gia tích cực hơn nữa vào lãnh vực y tế và giáo dục học đường; tuy nhiên, cho đến nay, khuôn khổ luật pháp vẫn chưa cho phép Giáo Hội tham gia vào những lãnh vực trên.
 
Báo cáo Nhân Quyền về Việt Nam
Đại sứ quán Hoa Kỳ
22:20 05/05/2009
BÁO CÁO NHÂN QUYỀN VỀ VIỆT NAM
Phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Báo cáo về Thực thi Nhân quyền cấp Quốc gia năm 2008


25 tháng 2 năm 2009

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, là một nhà nước chuyên chế do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào tháng Năm 2007 đã không được tự do hoặc không công bằng vì tất cả những ứng cử viên điều được giới thiệu bởi Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) thuộc ĐCSVN, vốn là một cơ quan bao quát chuyên kiểm tra các tổ chức quần chúng trong nước. Chính quyền dân sự nhìn chung đã nắm giữ được việc quản lý các lực lượng an ninh một cách hiệu quả.

Hồ sơ nhân quyền của chính phủ vẫn nằm ở mức độ chưa được thỏa mãn. Người dân không thể thay đổi chính phủ và những hoạt động chính trị đối lập bị cấm đoán. Chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp những người đối lập, bắt giữ các nhà hoạt động chính trị, làm cho nhiều người đối lập phải rời khỏi đất nước. Cảnh sát thỉnh thoảng vẫn ngược đãi nghi phạm mỗi khi bắt giữ, tạm giam và thẩm vấn họ. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành công an, và đôi khi các nhân viên công an được bảo vệ nếu lạm quyền. Điều kiện trong nhà giam thì rất tệ hại. Cá nhân tham gia hoạt động chính trị bị bắt giữ tuỳ tiện và bị từ chối xét xử một cách công bằng và nhanh chóng. Chính quyền tiếp tục hạn chế quyền riêng tư của công dân và thắt chặt việc kiểm tra báo chí và tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình và lập hội. Chính quyền duy trì việc cấm đoán các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn là một vấn đề đáng quan ngại. Nạn buôn người vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Một số nhóm dân tộc thiểu số phải chịu đựng nạn kỳ thị trong xã hội. Chính quyền giới hạn các quyền lợi của người lao động và đã giam giữ hoặc quấy nhiễu các nhà hoạt động công đoàn.

TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN

Phần 1 - Tôn Trọng Quyền Con Người Trọn Vẹn, Bao Gồm Quyền Tự Do Không Bị

a. Cướp Đi Mạng Sống Một Cách Phạm Pháp hoặc Tuỳ Tiện:

Chính quyền hoặc nhân viên của họ không nhúng tay vào bất cứ việc giết người nào mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, đã có báo cáo về một trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ.

Vào ngày 1 tháng 5, Y Ben Hdok, một người dân tộc vùng cao nguyên tỉnh Đắc Lắc, đã chết trong trại giam công an tỉnh ở Ban Mê Thuột. Công an đã bắt giữ ông vào ngày 28 tháng 4 để thẩm vấn việc ông bị tình nghi tham gia xúi giục biểu tình. Các quan chức cho biết nghi can tự treo cổ khi đang nghỉ giải lao trong lúc bị thẩm vấn, nhưng gia đình nạn nhân cho biết có những vết bầm trên thi thể ông ta. Đã không hề có bất cứ cuộc điều tra nào về việc này và có báo cáo rằng gia đình nạn nhân đã bị từ chối không cho khám nghiệm tử thi.

Có những tường trình cho biết một tù nhân người dân tộc khác cũng đã chết không lâu sau khi được công an thả, nhưng nguyên nhân tử vong đã không được kiểm chứng.

Không có bất cứ tình tiết nào mới liên quan đến cái chết của Y Ngo Adrong vào năm 2006.

b. Mất Tích

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không được đăng ký chính thức) cho biết tu sĩ Thích Trí Khải đã bị công an bắt giữ tại nơi ông trụ trì ở Lâm Đồng vào tháng 4 nhưng đến cuối năm vẫn chưa có tung tích.

Theo nguồn tin của các tổ chức phi chính phủ và báo chí, nhà hoạt động chính trị Tim Sakhorn, người bị án tù một năm vào tháng 11 năm 2007 về tội "phá hoại sự toàn vẹn quốc gia" đã được thả ra vào tháng 7 và hiện đang quản thúc tại gia ở An Giang và bị công an theo dõi thường xuyên. Lê Trí (Tuệ), một công dân Việt Nam và nhà hoạt động chính trị, đã mất tích tại Campuchia vào tháng 5 năm 2007 và cho đến cuối năm vẫn không có tung tích.

c. Tra Tấn và Những Đối Xử hoặc Hình Phạt Tàn Ác, Hạ Thấp Nhân Phẩm hoặc Vô Nhân Đạo

Luật pháp cấm đoán việc hành hạ thân thể nhưng công an thường đối xử mạnh tay với nghi phạm trong quá trình bắt giữ hoặc tạm giam.

Những trường hợp bị công an hà hiếp được báo cáo ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hoá, Sơn La, Thái Bình. Những người khiếu kiện về đất đai ở An Giang cũng báo rằng họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

Đã có những báo cáo về việc công an hà hiếp hoặc đánh đập những người dân tộc thiểu số khi họ từ Campuchia quay về lại vùng Cao nguyên miền Trung, mặc dù hầu hết các báo cáo này không có đầy đủ bằng chứng. Các quan sát viên nhận thấy rằng đa số các trường hợp trên thường liên quan đến đất đai, tiền bạc hoặc mâu thuẫn trong gia đình.

Trong suốt cả năm chính quyền đã sử dụng việc ép buộc những nhà hoạt động vào các bệnh viên tâm thần như là một biện pháp để dẹp yên bất đồng chính kiến.

Tình Trạng của Nhà Tù và Trại Tạm Giam

Điều kiện nhà tù tuy tồi tệ nhưng nhìn chung không đe doạ đến mạng sống của tù nhân. Điều kiện sống chật chội, thức ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu nước uống sạch và tình trạng mất vệ sinh vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhiều nhà tù. Tù nhân được hưởng những chăm sóc y tế căn bản cộng thêm những dịch vụ y tế khác từ các bệnh viện cấp huyện và tỉnh. Nhưng trong nhiều trường hợp các nhân viên đã ngăn cản không cho thân nhân được tiếp tế thuốc men cho can phạm. Phạm nhân thường bị bắt phải lao động nhưng không được hưởng lương. Thỉnh thoảng, tù nhân bị giam cách ly và bị tước đi quyền được đọc và viết tài liệu trong thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Các thân nhân đã đưa ra một số thông tin đáng tin cậy rằng tù nhân sẽ được sự đối đãi tốt hơn nếu họ hối lộ cho nhân viên trại giam.

Thân nhân của những người bất đồng chính kiến cho biết điều kiện sống trong tù ở nhà tù Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai có tiến bộ. Trong thời gian viếng thăm nhà tù vào tháng 6, các nhà ngoại giao nước ngoài đã nhận thấy khu vực sinh sống trong tù còn hoang sơ nhưng sạch sẽ và các điều kiện lao động nói chung chấp nhận được. Thân nhân của một nhà hoạt động chống đối bị gãy tay trong một nhà tù ở Kiên Giang cho biết việc vì điều kiện y tế thiếu thôn nên cánh tay ông đã mất đi một số chức năng hoạt động. Thân nhân của linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết ông vẫn tiếp tục bị từ chối việc sở hữu một cuốn Thánh kinh.

Chính quyền nói chung không cho phép Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ hoặc các tổ chức phi chính phủ thăm viếng tù nhân và không hề có bất cứ cuộc thăm viếng nào diễn ra trong toàn bộ năm nay. Tuy nhiên, họ cho phép các nhà ngoại giao và các phái đoàn tôn giáo được phép thăm viếng nhà tù và gặp gỡ các tù nhân một cách có giới hạn. Hầu hết các đề nghị của các nhà quan sát quốc tế để được thăm viếng tù nhân đều bị từ chối.

d. Tuỳ Tiện Bắt Bớ hoặc Giam Giữ

Điều luật hình sự cho phép chính phủ được quyền giam giữ người dân vô thời hạn mà không cần án cáo dưới những điều khoản "an ninh quốc gia" chung chung như Điều luật số 84, 88 và 258. Chính phủ cũng bắt giam vô thời hạn người dân bằng những điều luật khác. Nhà cầm quyền cũng đã bắt một số nhà bất đồng chính kiến trong cả nước vào các trại quản lý hoặc quản thúc tại gia.

Vai Trò của Công An và Hệ Thống An Ninh

Hệ thống an ninh trong nước nằm dưới sự quản lý của Bộ Công An (BCA); nhưng ở những vùng sâu, quân đội là cơ quan chính của nhà nước trong công tác trị an, bao gồm việc giữ gìn trật tự công cộng trong trường hợp nổi loạn. BCA quản lý ngành cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia và những đơn vị nội an khác. Bộ này thiết lập một hệ thống hộ khẩu và tổ dân phố để theo dõi dân chúng. Nhìn chung những hệ thống này không quá xoi mói nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng để theo dõi những cá nhân bị tình nghi đang hoặc có ý đồ tham gia những hoạt động chính trị trái phép. Những báo cáo khả tín cho rằng các lực lượng công an địa phương đã sử dụng những "côn đồ đánh thuê" và "toán dân phòng" để sách nhiễu và tấn công những nhà hoạt động chính trị, những người theo tôn giáo, thường được xem là "phá rối" hoặc "đe doạ" đến an ninh xã hội.

Các cơ quan cảnh sát có mặt ở cấp tỉnh, huyện và địa phương và nằm dưới sự điều hành của hội đồng nhân dân các cấp. Nhìn chung ngành công an làm việc rất hiệu quả trong việc ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhưng khả năng của công an, đặc biệt là trong công tác điều tra thì rất thấp. Phương tiện và việc huấn luyện công an rất lỗi thời.

Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong tất cả mọi tầng lớp của ngành công an và nhân viên công an thường được bao che. Việc thanh tra nội bộ công an cũng có nhưng phải chịu ảnh hưởng chính trị. Trong năm qua chính quyền đã hợp tác với một số quốc gia khác để đề xuất một chương trình cho công an cấp tỉnh cũng như ngành quản lý trại giam nhằm giúp tăng cường tính chuyên nghiệp của các lực lượng an ninh.

Bắt Bớ và Giam Giữ

Luật hình sự đã hướng dẫn quá trình từ lúc bắt giữ, xử lý đối tượng cho đến khi họ được đưa ra toà phán xử. Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra lệnh bắt giữ, thường là do yêu cầu của công an. Nhưng công an cũng có thể bắt giữ mà không cần lệnh, chỉ dựa trên yêu cầu của bất cứ cá nhân nào. Viện Kiểm sát sẽ đưa lệnh có hiệu lực trước trong những trường hợp này. Viện Kiểm sát phải đưa ra quyết định để bắt đầu quá trình điều tra tội phạm chính thức đối với người bị bắt giữ trong vòng 9 ngày; nếu không, công an sẽ phải trả tự do cho người ấy. Trên thực tế thời hạn 9 ngày này thường bị phá lệ.

Thời gian điều tra thường kéo dài khoảng 3 tháng đối với những vi phạm nhẹ (hình phạt lên đến 3 năm tù) đến 16 tháng cho những tội phạm nghiêm trọng (hình phạt lên đến hơn 15 năm hoặc tử hình), hoặc 20 tháng cho những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng đôi khi việc điều tra kéo dài vô tận. Luật hình sự còn cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu giam giữ đối tượng thêm 2 tháng sau khi điều tra để cân nhắc việc khởi tố hoặc để yêu cầu công an điều tra thêm. Những nhân viên điều tra đôi khi sử dụng những phương pháp như cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn hoặc làm thiếu ngủ để bắt đối tượng nhận tội.

Theo luật pháp thì người bị bắt giữ được phép tiếp xúc với luật sư từ khi họ bị giam giữ. Nhưng nhà cầm quyền thường dùng những trì hoãn quan liêu để từ chối quyền tham vấn luật sư. Trong những trường hợp liên quan đến những điều luật khái quát về an ninh quốc gia, nhà cầm quyền thường trì hoãn việc luật sư bào chữa được gặp thân chủ của mình cho đến khi cuộc điều tra đã hoàn tất và nghi can đã chính thức bị truy tố phạm tội. Bên cạnh đấy tình trạng thiếu thốn luật sư chuyên nghiệp và quyền lợi nhằm bảo vệ bị cáo không được đầy đủ dẫn đến việc người bị bắt được gặp luật sư đúng lúc rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế chỉ có những cá nhân đã chính thức bị truy tố những tội sát nhân mới được chỉ định luật sư bào chữa.

Theo luật pháp luật sư phải được thông báo và được phép hiện diện trong những cuộc thẩm vấn của thân chủ. Nhưng trước tiên bị cáo phải yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng việc nhà cầm quyền có luôn cho bị cáo biết quyền lợi này hay không thì không rõ. Luật sư phải được quyền xem xét hồ sơ vụ án và được phép sao chép những tài liệu này. Đôi khi các luật sư đã có thể thực hiện những quyền này.

Công an thường thông báo cho gia đình của người bị bắt rằng họ đang ở đâu, nhưng thân nhân chỉ được quyền thăm viếng khi được phép của nhân viên điều tra nhưng sự cho phép này không hẳn là tự động. Trong quá trình điều tra, nhà cầm quyền thường xuyên không cho phép đối tượng được gặp thân nhân, đặc biệt là trong những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Trước khi có bản cáo trạng chính thức, đối tượng được quyền thông báo cho thân nhân. Nhưng nhiều nghi can trong những trường hợp vi phạm an ninh quốc gia đã bị bắt giữ và không được liên lạc ra ngoài. Vào cuối năm vừa qua đã có một số người bị bắt giữ trong năm vẫn chưa được gặp gỡ thân nhân hoặc luật sư, và họ cũng không chính thức bị truy tố phạm tội.

Không có chức năng bảo lãnh tại ngoại hoặc những hệ thống tương tự. Thời gian tạm giam được tính gộp vào trong thời gian thụ án sau khi bị truy tố và tuyên án.

Toà án có thể gia hạn quản thúc đến 5 năm kể từ sau thời gian thụ án. Ngoài ra công an hoặc các tổ chức quần chúng có thể đề nghị thực hiện một trong năm "biện pháp quản lý" do chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh áp đặt mà không cần xử án. Những biện pháp này bao gồm hình phạt từ 6 đến 24 tháng trong các trại cải huấn thiếu niên hoặc trại giam và thường được dùng cho những trường hợp tái phạm với tiền sự phạm tội không nghiêm trọng như trộm cắp hoặc "hạ thấp phẩm giá người khác". Chủ tịch hội đồng nhân dân cũng có thể sử dụng khung hình "quản lý tạm tha", thường là dưới hình thức cấm đoán việc đi lại. Mặc dù Sắc lệnh 31 đã được bãi bỏ vào tháng 3 2007 nhưng chế độ quản lý vẫn thường được dùng để trừng phạt những người bị tình nghi là chống đối chính trị. Nhà cầm quyền tiếp tục trừng phạt một số cá nhân bằng những từ ngữ mơ hồ trong những điều khoản về an ninh quốc gia của bộ luật hình sự.

Việc bắt giữ tuỳ tiện, đặc biệt là đối với những nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề quan tâm. Nhà nước đã dùng những sắc lệnh, qui định và biện pháp để bắt giữ những người hoạt động khi họ bộc lộ quan điểm đối kháng chính trị một cách hoà bình. Trong năm qua chính quyền đã giữ một số người vì đã vi phạm Điều khoản 88, trong đó cấm đoán việc "tuyên truyền chống phá nhà nước." Những cáo buộc về việc vi phạm Điều khoản 88 thường bị tuyên án đến 5 năm tù. Trong khi một số nhà hoạt động được giảm án tù sau khi kháng cáo, một số khác bị tuyên bố y án với mức phạt ban đầu. Vào tháng 9, một người viết blog đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù khi ông viết về nạn tham nhũng và biểu tình phản đối về hành động của Trung Quốc trong vùng đảo tranh chấp Hoàng Sa/Trường Sa.

Vào tháng 8 và tháng 9, chính phủ đã bắt giữ ít nhất 13 nhà hoạt động mà phần đông có dính líu đến một phong trào chính trị mang tên Khối 8406, và cũng đã tạm giữ trên mười người khác. Vào ngày 7 tháng 11, thành viên Khối 8406 và là người khiếu kiện đất là bà Lê Thị Kim Thu đã bị tuyên án 18 tháng tù vì tội "phá rối trật tự công cộng." Cho đến cuối năm nay những nhà hoạt động còn lại vẫn chưa bị truy tố hoặc tuyên án.

Công an đã dùng vũ lực để xâm nhập vào nhà riêng của một số nhà bất đồng có tiếng trong nước như Nguyễn Khắc Toàn và Đỗ Nam Hải, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động và những tài liệu khác.

Trong năm qua đã có những báo cáo về việc nhân viên chính quyền ở vùng Cao nguyên miền Trung và Tây Bắc đã tạm giữ những người thiểu số vì đã liên lạc với cộng đồng của họ ở nước ngoài.

Những người biểu tình bất bạo động khiếu kiện đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bị tạm giam, theo dõi và một số người cầm đầu bị bắt giữ nhưng chính quyền đã không dùng vũ lực quá đáng khi đối phó với những cuộc biểu tình này. Những cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa cũng đã dẫn đến việc tạm giam và bắt giữ một số nhà hoạt động vì tội biểu tình không có giấy phép. Vào tháng 9 nhà cầm quyền đã bắt giữ bốn nhà hoạt động và tạm giam một số khác với mục đích dập tắt các cuộc biểu tình và làm nản lòng những nhóm này tụ họp công khai.

Vào tháng 11 2007, năm nhà hoạt động chính trị gồm 2 người Việt và 3 người ngoại quốc đã bị bắt giữ, hai người ngoại quốc đã được trả tự do vào tháng 12 2007. Vào ngày 13 tháng 5, ba người còn lại đã bị truy tố và kết án về tội khủng bố với án tù được tính vào thời gian tạm giam; một người Việt được trả tự do ngay, những người ngoại quốc bị trục xuất vài ngày sau đó, người Việt còn lại đã được trả tự do vào tháng 8.

Một số trong khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt giữ trong một chiến dịch của chính phủ trong giai đoạn 2006-07 đã bị tuyên án trong năm qua. Những người còn lại vẫn đang bị điều tra và đang nằm trong diện quản lý mà không chính thức truy tố.

Những nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã phải chịu quản thúc dưới nhiều hình thức tại nơi cứ trú.

Ân Xá

Chính quyền trung ương không chính thức tuyên bố Tết hoặc Quốc khánh là dịp ân xá. Dù vậy, hội đồng nhân dân tỉnh trong cả nước thường thực hiện việc ân xá cho tù nhân trong khu vực của mình vào dịp Tết hoặc Quốc khánh. Những tù nhân có tên tuổi không được hưởng đặc ân này trong năm qua.

e. Từ Chối Xử Án Công Khai và Công Bằng

Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.

Hệ thống pháp lý bao gồm Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC); các toà án nhân dân cấp tỉnh và huyện; các toà án quân sự, hành chính; kinh tế, lao động và các toà án khác được luật pháp thiết lập. Mỗi huyện có một toà án nhân dân có nhiệm vụ là toà sơ thẩm chuyên thụ lý những vụ án gia đình, dân sự và hình sự. Mỗi tỉnh cũng có riêng toà án nhân dân có nhiệm vụ của một toà phúc thẩm cho những kháng cáo từ huyện. TANDTC, do Quốc hội quản lý, là toà án phúc thẩm cao nhất. Toà án hành chính chuyên xét xử những khiếu nại của công dân về những lạm quyền và tham nhũng của nhân viên chính phủ. Còn có những uỷ ban đặc biệt chuyên hoà giải những tranh chấp địa phương.

Số lượng thẩm phán và luật sư chuyên nghiệp đang bị thiếu hụt. Tình trạng lương thấp trong hệ thống pháp lý đã cản trở nỗ lực phát triển đội ngũ nhân viên tư pháp chuyên nghiệp. Một số ít thẩm phán được đào tạo chính qui nhưng thường là đã học tập từ những quốc gia có hệ thống pháp luật cộng sản.

Không có luật sư đoàn hoạt động độc lập. Vào tháng 1 thủ tướng đã phê chuẩn đề xuất thành lập một đoàn luật sư quốc gia nhưng đến cuối năm việc này vẫn chưa thực hiện.

Chính quyền vẫn đang tiếp tục thực thi những chương trình nhằm đối phó với vấn đề thiếu hụt lực lượng thẩm phán và nhân viên pháp luật chuyên nghiệp.

Những toà sơ thẩm cấp huyện và tỉnh gồm có thẩm phán và hội thẩm viên, nhưng toà phúc thẩm tỉnh và TANDTC chỉ có thẩm phán. Hội đồng nhân dân lựa chọn hội thẩm viên từ một nhóm người do MTTQ đề cử. Hội thẩm viên yêu cầu phải có "tư cách đạo đức tốt," nhưng không bắt buộc phải qua đào tạo pháp lý và vai trò của họ đa số chỉ mang tính tượng trưng.

Mặc dù được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng, toà án quân sự hoạt động theo những luật lệ giống như các toà án khác. Hội đồng xét xử đại diện cho bộ và đứng đầu hệ thống toà án quân sự là phó chủ tịch TANDTC. Các thẩm phán và bồi thẩm viên là những người tại ngũ do TANDTC và bộ quốc phòng lựa chọn nhưng chịu sự quản lý của TANDTC. Luật pháp cho phép toà án quân sự quyền pháp lý đối với những vụ án hình sự liên quan đến những thành phần của quân đội, kể cả những doanh nghiệp do quân đội làm chủ. Quân đội có sự lựa chọn trong việc sử dụng các toà án hành chính, kinh tế hoặc lao động cho các vụ án dân sự.

Quá Trình Xét Xử

Hiến pháp qui định rằng người công dân vẫn được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng phạm tội. Nhưng nhiều luật sư đã than phiền rằng các thẩm phán thường quyết đoán tội trạng. Phiên toà thường được xử công khai nhưng trong những vụ án nhạy cảm, thẩm phán thường xử kín hoặc giới hạn chặt chẽ số người tham dự. Toà không sử dụng hệ thống bồi thẩm đoàn. Bị cáo được quyền dùng luật sư đại diện trước toà mặc dù không nhất thiết là luật sư mà họ muốn, và trên thực tế quyền lợi này thường không được tôn trọng. Những bị cáo không có điều kiện mướn luật sư thường được chỉ định luật sư nhưng chỉ trong những vụ án mà họ có thể bị tuyên án chung thân hoặc tử hình. Bị cáo và luật sư bào chữa có quyền thẩm vấn các nhân chứng hoặc phản bác cáo trạng. Luật sư bào chữa thường có rất ít thời gian trước khi xử án để xem xét bằng chứng chống lại thân chủ mình. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các toà án cấp huyện và tỉnh không thông báo trình tự tố tụng. TANDTC tiếp tục thông báo các vụ án được tái xét.

Vẫn tiếp tục có những tường trình khả tín về việc luật sư bị áp lực không nhận bào chữa cho các bị cáo là các nhà hoạt động tôn giáo và dân chủ.

Viện kiểm sát nhân dân đề xuất việc truy tố nghi can và đóng vai trò công tố viên trong quá trình xét xử. Đã có những thay đổi trước đây trong luật xét xử án hình sự nhằm biến quá trình tố tụng từ hệ thống "điều tra", trong đó thẩm phán nắm quyền chất vấn, sang thành hệ thống "đối kháng", trong đó kiểm sát viên và luật sư bào chữa tranh luận quan điểm của hai bên. Việc thay đổi này nhằm tăng cường sự bảo vệ cho bị cáo và ngăn ngừa việc thẩm phán ép cung bắt bị cáo thừa nhận tội lỗi. Cải cách này được áp dụng không nhất quán giữa các tỉnh.

Vào tháng 5, các quan chức của chính quyền đã cho phép các đại diện ngoại giao nước ngoài tham dự vụ án xét xử 3 thành viên của Đảng Việt Tân. Và vào tháng 12, 4 nhân viên ngoại giao nước ngoài được phép tham dự phiên xử án chung của 8 bị cáo trong vụ Thái Hà. Những yêu cầu được tham dự các vụ án khác của những nhà ngoại giao nước ngoài đã bị từ chối.

Tù Nhân và Những Người Bị Giam Giữ Vì Lý Do Chính Trị

Không có ước lượng chính xác về con số tù nhân chính trị. Chính phủ tuyên bố rằng họ không giữ tù nhân chính trị, họ chỉ giữ những người phạm pháp. Cho đến cuối năm, chính phủ giam giữ ít nhất 35 tù nhân chính trị mặc dù nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng con số lên đến vài trăm.

Vào tháng 4, một làn sóng biểu tình mới ở Cao nguyên miền Trung đã dẫn đến vài chục vụ bắt bớ và giam cầm những người bị nghi ngờ tổ chức biểu tình. Những nhà quan sát địa phương kể rằng tham gia những cuộc biểu tình này là những người thuộc sắc tộc thiểu số phản đối chính sách sử dụng đất đai ở địa phương.

Ngày 14 tháng 8, nhà chức trách bắt giam một nhà tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai, bà Lê Thị Kim Thu ở Hà Nội với lý do phá rối trật tự công cộng bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình trong công viên đối diện Văn phòng Chính phủ. Vào ngày 7 tháng 11, bà ta đã bị kết án và bị phạt 18 tháng tù. Trong suốt năm, những người cầm đầu tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai đã tường trình là có khoảng chục người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã bị kết tội từ “phá rối trật tự công cộng” cho đến “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Trong tháng 9 và 10, các nhà hoạt động thuộc Khối 8406 như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc,Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Tinh, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Dương Văn Nam và Lê Thanh Tùng bị bắt vì đã tìm cách tổ chức biểu tình công khai, rải truyền đơn cổ vũ dân chủ, phản đối chính phủ tịch thu đất đai và những hành vi của chính quyền Trung Quốc và treo biểu ngữ phê bình chính phủ. Cho đến cuối năm, tất cả vẫn còn bị giam chờ ngày chính thức bị truy tố và xét xử.

Vào ngày 8 tháng 12, tám người từng tham dự vào những buổi cầu nguyện ở giáo sứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị xử cùng lúc tại Tòa án Nhân dân Đống Đa ở Hà Nội và bị kết án phá rối trật tự và phá hoại tài sản công cộng. Bảy giáo dân bị tù treo từ 12 cho đến 15 tháng; trong số những người này, bốn người bị quản thúc hành chính từ 22 cho đến 24 tháng. Người thứ tám bị cảnh cáo và không ai bị kết án tù thêm.

Sau khi bị kết án vào năm 2007 vì vi phạm Điều khoản 88, một số nhà hoạt động có tên tuổi vẫn còn bị tù đày, họ gồm có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và hai luật sư về nhân quyền Nguyễn v\Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Ông Đài, bà Nhân và ba thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân được giảm án sau khi kháng cáo.

Vào tháng Giêng, nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy đã bị giam từ tháng 4 2007 vì vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị đưa ra tòa, kết án tù bằng thời gian đã bị giam, và được tha vì lý do chữa bệnh.

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bá Đang bị bắt từ tháng Năm 2007 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước,” hình như vẫn còn bị giam trong Trại Kinh Chi ở tỉnh Hải Dương.

Vào tháng 5, một trong bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công nông (HHĐKCN) đã bị bắt và kết án từ tháng 12 2007 và được thả sau khi mãn tù; ba người còn lại vẫn còn trong tù (Xem phần 6.a.)

Vào tháng Giêng, sau 17 tháng bị giam giữ, Trương Quốc Huy, thành viên của Khối 8406 đã bị truy tố và kết án sáu năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Các nhà tranh đấu thuộc đảng Việt Tân gồm Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Quốc Hải bị bắt từ năm 2006, bị xử và kết án vào tháng 5 theo Điều khoản 84 vì tội liên quan đến khủng bố, họ đã được trả tự do sau khi hết hạn tù.

Một số nhân vật chống đối thuộc những tổ chức chính trị bị đặt ngoài vòng pháp luật như Khối 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Nhân dân Hành động, Tổ chức Việt Nam Tự do, Tổ chức Đoàn kết Công nông và những tổ chức khác vẫn còn bị giam trong tù hoặc bị quản thúc tại gia ở nhiều nơi khác nhau.

Những tổ chức phi chính phủ quốc tế ước đoán là có vài trăm người dân thiểu số vẫn còn bị cầm tù vì đã liên quan đến những cuộc biểu tình vào năm 2004 ở Cao nguyên miền Trung.

Thủ Tục Tố Tụng Dân Sự và Bồi Thường

Không có một cơ chế rõ ràng và hiệu quả để sử dụng luật dân sự nhằm đòi hỏi sửa đổi hay đền bù cho những trường hợp bị lạm dụng bởi nhà chức trách. Những vụ kiện dân sự được xử bởi tòa “hành chính,” tòa dân sự và tòa hình sự, tất cả đều giống thủ tục tố tụng của những vụ án hình sự và được xét xử bởi cũng chính những thẩm phán và hội thẩm viên. Cả ba loại toà án này đều mắc phải vấn đề về tham nhũng, thiếu độc lập và không có kinh nghiệm.

Theo luật pháp, một công dân muốn kiện một công chức về tội vi phạm nhân quyền phải làm đơn đề nghị viên chức đương sự cho phép đưa những khiếu nại của mình lên tòa án hành chính. Nếu đơn xin phép bị bác, người dân có thể đệ đơn lên thủ trưởng của viên chức. Nếu viên chức đó hay thủ trưởng đồng ý cho đệ đơn, hồ sơ sẽ được tòa hành chính chấp thuận. Nếu tòa hành chính đồng ý trường hợp nên được tiếp tục, đơn sẽ được đưa sang tòa dân sự cho những vụ kiện dính dáng đến thương tích mà nạn nhân đòi bồi thường dưới 20% phí tổn điều trị gây ra bởi sự lạm quyền, hoặc đưa lên tòa hình sự cho những vụ kiện đòi bồi thường trên 20% của phí tổn. Trên thực tế, hệ thống chuyển đơn và xin xỏ phức tạp này làm cho dân chúng có ít phương tiện hiệu quả để theo đuổi những thủ tục tố tụng dân sự và hình sự để đòi hỏi đền bù cho những vi phạm nhân quyền, và cũng ít có chuyên gia luật pháp đầy đủ kinh nghiệm về hệ thống này.

Bồi Thường Tài Sản

Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.

Vào tháng Giêng, những người Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn trước Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Toà nhà này đã bị chính phủ trưng thu và là đối tượng của tranh chấp hiện nay. Sau khi chính phủ hứa giải quyết vấn đề, những buổi cầu nguyện chấm dứt. Ngày 19 tháng 9, nhà chức trách thành phố thông báo rằng họ sẽ xây một công viên ở khu vực này và lấy Tòa Khâm Sứ làm thư viện. Ngay lập tức, các viên chức thành phố đã bắt đầu việc phá huỷ những căn nhà. Một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra vào ngày 21 tháng 9 với khoảng 15 nghìn giáo dân Công giáo tham dự buổi cầu nguyện và rước lễ đặc biệt do Đức Tổng Giám Mục làm chủ lễ.

Vào các tháng Giêng, tháng 4, và tháng 9, giáo dân Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn cho những khu đất đang bị tranh chấp mà giáo xứ Thái Hà từng sở hữu. Tám người đã bị bắt vào tháng 8 và tháng 9 và đã bị kết án vào tháng 11 vì đã tham gia vào những buổi cầu nguyện tại Thái Hà với tội phá hoại tài sản và phá rối trật tự công cộng. Những tổ chức tôn giáo khác cũng phản đối việc dùng đất bị tịch thu của họ cho mục đích của chính phủ hay thương mại.

Nhiều người thuộc những nhóm sắc tộc thiểu số ở Cao nguyên miền Trung và Tây bắc tiếp tục than phiền rằng họ chưa nhận được bồi thường tương xứng cho đất đai đã bị chính phủ tịch thu để thiết lập những đồn điền cà phê và cao su với qui mô lớn. Một vài người dân cho rằng nguyên nhân của những cuộc biểu tình vào tháng 4 ở Cao nguyên miền Trung là do dân thiểu số đã thất vọng và không hài lòng với những chính sách sử dụng đất đai của chính phủ.

f. Can Thiệp Tùy Tiện Vào Đời Sống Riêng Tư, Gia Đình, Chỗ Ở hoặc Thư Tín

Luật pháp cấm can thiệp tùy tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; tuy nhiên, trên thực tế chính phủ không tôn trọng những cấm đoán này. Hệ thống đăng ký hộ khẩu và dân phòng được thành lập để theo dõi tất cả công dân mặc dù nói chung những hệ thống này ít lạm dụng hơn so với trước đây. Chính quyền đặc biệt chú ý vào những người bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động chính trị hoặc tôn giáo bị cấm.

Không ai được phép dùng vũ lực để đột nhập vào nhà riêng nếu không có lệnh của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, lực lượng an ninh hiếm khi tuân thủ những thủ tục này, thay vì thế họ thường yêu cầu cho phép vào nhà với ngầm ý đe dọa là sẽ phải trả giá nếu không hợp tác. Nhiều người từ chối hợp tác với những "yêu cầu" như vậy. Công an đôi khi bỏ đi khi bị từ chối, nhất là ở những khu vực thành thị.

Chính phủ mở và kiểm duyệt thư từ của các đối tượng đang bị để ý, tịch thu bưu kiện và thư từ, và theo dõi các cuộc điện đàm, điện thư, tin nhắn qua điện thoại di động, và thông tin qua fax. Chính phủ cắt đường dây điện thoại nhà và làm gián đoạn điện thoại di động cũng dịch vụ cung cấp Internet của một số các nhà hoạt động dân chủ và thân nhân của họ.

Việc trở thành đảng viên ĐCSVN vẫn là một điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến đối với những ai làm việc trong chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp của chính phủ. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa kinh tế khiến cho việc trở thành đảng viên ĐCSVN và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo đã bớt quan trọng trong việc được tăng thưởng về tài chính và xã hội.

Chính phủ tiếp tục thi hành chính sách kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích các gia đình không được quá hai con, nhưng chính sách này chỉ nhấn mạnh về việc cổ vũ và giáo dục chứ không ép buộc. Chính phủ có thể từ chối không đề bạt hoặc tăng lương cho những công chức có quá hai con, và đã có vài trường hợp bị từ chối tăng chức hay phạt tài chính, và dường như chính sách này không được áp dụng một cách đồng nhất. Các hình phạt này càng trở nên ít hiệu nghiệm vì phần lớn dân chúng, nhất là ở những nơi thành thị, tiếp tục chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân.

Phần 2: Tôn Trọng Dân quyền, Bao Gồm:

a. Tự Do Ngôn Luận và Báo Chí

Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện.

Cả hiến pháp lẫn bộ luật hình sự bao gồm những điều khoản bao quát về an ninh quốc gia và chống phỉ báng mà chính quyền sử dụng để giới hạn tự do ngôn luận và báo chí. Bộ luật hình sự định nghĩa những tội “phá hoại nền tảng của chủ nghĩa xã hội,” “gieo rắc chia rẽ giữa những người có đạo và không đạo,” và “tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là những vi phạm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự cũng nêu rõ việc cấm “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước và các tổ chức xã hội.”

Nhiều lần khác nhau các nhà hoạt động chính trị và thân nhân của các tù nhân đã bị ngăn cản không được gặp những đại diện ngoại giao nước ngoài. Những cách thức được dùng bao gồm việc xây rào cản hoặc cho người đứng gác bên ngoài tư gia của họ hoặc triệu tập đến trụ sở công an để thẩm vấn tùy tiện và liên tục.

ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu. Vào đầu tháng 3, một chiến dịch “theo lề” của chính phủ đã dẫn đến việc kiểm tra tài chính của nhiều tờ báo và bắt buộc báo chí giới hạn vai trò thực hiện những chương trình đi sâu vào quần chúng như làm việc thiện và phát học bổng. Những người trong giới báo chí hầu hết cho những hành động này là một cố gắng của nhà hữu trách để giới hạn hơn nữa sự độc lập và ảnh hưởng trên báo chí.

Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó.

Ngày 12 tháng 5, công an đã bắt các phóng viên Nguyễn Việt Chiến của nhật báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của nhật báo Tuổi Trẻ vì tội “lạm dụng quyền hành trong khi thi hành chức vụ” liên quan đến những bài viết về vụ tham nhũng PMU-18 của Bộ Giao Thông vào năm 2006. Báo chí của nhà nước và dân chúng lên án mạnh mẽ vụ bắt bớ này. Tuy vậy, hai ngày sau khi báo chí tường thuật đầy đủ, BTTTT đã ra lệnh cho truyền thông ngưng không được viết nữa về vụ này. Báo chí và giới truyền thông tuân theo quyết định nhưng những người viết blog vẫn tiếp tục chỉ trích vụ bắt bớ. Sau đó tội danh của hai nhà báo được đổi thành “lạm dụng quyền tự do dân chủ”, họ bị đem ra tòa xử và kết tội hôm 15 tháng 10. Toà án xử Nguyễn Việt Chiến hai năm tù và Nguyễn Văn Hải hai năm cải tạo không giam giữ.

Vào tháng 7, các tổng biên tập của hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị thay thế. Hai tờ báo này giải thích rằng đây là những thay đổi bình thường mặc dù có nguồn tin cho rằng hai ông bị giáng chức vì đã cho in những phóng sự về tham nhũng. Vào tháng 8, chính phủ thu hồi thẻ hành nghề của 7 nhà báo từ những tờ báo do nhà nước quản lý vì đã “thiếu trách nhiệm” trong những bài tường thuật của họ về vụ PMU-18.

Ngày 19 tháng 9, công an đã tạm giam và hành hung một phóng viên ngoại quốc thuộc chi nhánh hãng tin Associated Press ở Hà Nội và giữ máy chụp ảnh của ông ta trong tám tuần sau khi ông tìm cách chụp ảnh buổi cầu nguyện trước cửa Toà Khâm Sứ cũ.

Ngày 18 tháng 12, chính phủ đã đưa ra luật mới cấm những người viết blog đăng những tài liệu mà chính phủ cho là làm hại đến an ninh hoặc tiết lộ bí mật quốc gia, xúi dục bạo động hay tội ác, hoặc chứa đựng tin tức không đúng sự thật làm phương hại danh dự của cá nhân hay đoàn thể. Luật mới này cũng đòi hỏi các công ty Internet nước ngoài ở Việt Nam có dịch vụ blog phải báo cáo cho chính phủ mỗi sáu tháng và nếu được yêu cầu, họ phải cung cấp tin tức về những người dùng blog.

Trong năm qua chính phủ cũng tiếp tục giới hạn những bài báo chỉ trích hành động của Trung Quốc về vụ tranh chấp đảo ở vùng biển Nam Hải và bài viết được cho là thảo luận về hoặc định quân sự chiếm đánh Việt Nam. Vào tháng 12 2007, tổng biên tập của một tờ báo điện tử lớn bị phạt vì bài bình luận sôi nổi về vụ Hoàng Sa. Ông vẫn còn tại chức mặc dù có những doạ dẫm cách chức.

Luật pháp đòi hỏi phóng viên bồi thường bằng hiện kim cho những cá nhân hay đoàn thể mà bài báo làm tổn thương đến danh dự của họ, ngay cả khi bài đăng đúng sự thật. Những nhà quan sát độc lập cho biết là luật này đã xiết chặt việc tường trình phóng sự. Đã có những bài báo về những chủ đề thường được xem là nhạy cảm như việc xử các đảng viên và nhân viên chính phủ cao cấp về tội tham nhũng, hoặc có những bài thỉnh thoảng chỉ trích nhân viên và các hội đoàn. Thế nhưng tự do chỉ trích ĐCSVN và các lãnh đạo đảng cao cấp vẫn bị cấm ngặt.

Ký giả ngoại quốc phải được giấy phép của trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao và họ phải đặt bản doanh ở Hà Nội ngoại trừ trường hợp một phóng viên chuyên về mảng kinh tế, đã cư ngụ và có một văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh và trên danh nghĩa tường trình từ văn phòng chính ở Hà Nội. Phóng viên, ký giả ngoại quốc phải xin hộ chiếu mới từ ba đến sáu tháng một lần, dù vậy thủ tục này đã trở nên thường lệ, và không có báo cáo về việc bị từ chối hộ chiếu. Số nhân viên báo chí ngoại quốc được phép hành nghề cũng bị giới hạn và nhân viên người địa phương làm việc cho truyền thông nước ngoài phải đăng ký ở Bộ Ngoại giao.

Thủ tục xin và nhận giấy phép đối với các hãng thông tấn ngoại quốc trong việc mướn phóng viên và nhiếp ảnh gia người địa phương vẫn rườm rà. Trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao thỉnh thoảng kiểm tra các hoạt động của ký giả và chấp thuận những yêu cầu phỏng vấn, chụp hình, quay phim, hay di chuyển thì dựa trên từng trường hợp cụ thể, và họ phải nộp đơn ít nhất năm ngày trước. Theo luật, ký giả ngoại quốc phải nộp cho Bộ Ngoại giao tất cả các câu hỏi phỏng vấn các cơ quan chính phủ. Nhưng trên thực tế, đã không có ai làm theo. Ký giả ngoại quốc cũng cho biết là nói chung họ không thông báo cho chính phủ khi di chuyển ra khỏi Hà Nội trừ khi chuyến đi liên quan đến bài tường thuật mà chính phủ cho là nhạy cảm hoặc họ đi đến những vùng được xem là nhạy cảm như Cao nguyên miền Trung.

Vài sách cấm bằng tiếng ngoại quốc được bày bán công khai trên vỉa hè và trong những cửa hàng dành cho du khách. Tạp chí bằng tiếng ngoại quốc cũng được bán rộng rãi ở các thành phố nhưng thỉnh thoảng chính phủ cũng kiểm duyệt các bài viết.

Luật pháp chỉ cho phép sử dụng vô tuyến truyền hình vệ tinh cho các quan chức lớn, người ngoại quốc, khách sạn hạng sang và báo chí, nhưng trên thực tế, trên toàn quốc ai cũng có thể xem những chương trình qua vệ tinh hay qua truyền hình cáp. Những người sống ở thành thị cũng có thể đặt thuê truyền hình cáp trong đó có cả những đài ngoại quốc.

Tự Do Trên Mạng

Chính phủ cho phép dân chúng truy cập vào mạng qua một số ít công ty cung cấp dịch vụ mạng, tất cả đều là những công ty cổ phần của chính phủ. Trong năm qua, số người sử dụng mạng tiếp tục gia tăng. Theo BTTTT, có 24% dân chúng truy cập mạng. Việc viết blog tiếp tục gia tăng nhanh chóng. BTTTT ước đoán là có trên một triệu blogger trên mạng. Ngoài một số tờ báo chính và tin tức trên mạng, nhiều ký giả có trang blog riêng của họ. Trong vài trường hợp, những trang blog của họ nhiều khi còn gây tranh cãi hơn cả những bài họ viết thường tình trên báo. Trong một ít trường hợp, chính phủ phạt tiền hay trừng phạt những người này vì nội dung trang Blog của họ.

Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng.

Chính phủ đòi hỏi các tiệm như quán cà phê mạng phải ghi chép các dữ kiện cá nhân của khách hàng và dự trữ những địa chỉ mạng mà khách hàng đã ghé qua. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của các quán cà phê mạng không lưu giữ các thông tin này. Tương tự, không ai biết những công ty cung cấp dịch vụ mạng chính tuân thủ các luật lệ của chính phủ đến độ nào.

Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm.” Họ bào chữa cho việc kiểm duyệt mạng là điều cần thiết để che chở dân chúng không bị ảnh hưởng từ phim ảnh đồi trụy và những “phần tử xấu” hoặc “phản xã hội.” Họ cũng bào chữa rằng những cố gắng giới hạn truy cập mạng cho trẻ con trong tuổi đi học là để chúng không sao nhãng việc học vì những trò chơi trên mạng.

Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.

Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên. Vào tháng Giêng, nhà văn và ký giả Trần Khải Thanh Thủy đã bị bắt giam về vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị truy tố và tuyên án tù cho thời gian bị giam cầm, và được thả vì lý do sức khoẻ. Vào tháng 4, ông Nguyễn Hoàng Hải (còn có tên là Điếu Cày), một blogger nổi tiếng và chủ tịch của Hội Nhà báo Tự do đã bị bắt giữ; ngày 10 tháng 9, ông ta và vợ bị đưa ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh về tội trốn thuế. Ông bị tuyên án 30 tháng tù và phạt 210 triệu (khoảng $12.730 đô la). Vợ ông Hải cũng bị phạt số tiền tương tự. Ngày 4 tháng 12, tiền phạt và án tù của ông bà Hải được tạm ngưng trong khi chờ kháng án. Tòa phúc thẩm báo tin phiên xử cho luật sư của ông Hải chỉ có chín ngày thay vì 15 ngày trước phiên tòa như luật pháp đòi hỏi.

Vào tháng Chín, giới hữu trách địa phương ở Hà Nội dọa bắt bớ những bloggers và những ai gửi điện thư ra nước ngoài về những tin tức về tranh chấp đất đai nhà cửa của các giáo dân.

Nhà chức trách tiếp tục dùng tường lửa để ngăn chặn những trang mạng được xem là không thích hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm những trang thuộc về Giáo hội Công giáo như vietcatholic.net hoặc những trang của những hội đoàn chính trị của người Việt ở hải ngoại. Chính phủ đã bỏ hầu hết những ngăn chặn truy cập đến trang mạng của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) mặc dù họ vẫn tiếp tục chặn trang của Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia, RFA) trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bài viết dựa theo tin tức của RFA xuất hiện tên các báo chí trong nước.

BTTTT đòi hỏi chủ nhân của các trang mạng trong nước, ngay cả những trang được điều hành bởi người ngoại quốc phải đăng ký với chính phủ và nộp nội dung và chủ trương của trang cho chính phủ để được xét duyệt; tuy nhiên việc kiểm soát thi hành luật lệ vẫn còn chọn lọc.

Intellasia, một công ty truyền thông có bài viết và tin tức đầu tư trên mạng đã bị nhà hữu trách đóng cửa vào tháng 8 2007 vì đã đăng những "nội dung thiếu xác thực và phản động”, hãng này vẫn tiếp tục hoạt động ở ngoại quốc.

Tự Do Nghiên Cứu và Hoạt Động Văn Hoá

Chính phủ xác định quyền hạn chế tự do khảo cứu, các giới chức có thẩm quyền thỉnh thoảng chất vấn và kiểm soát những nhà nghiên cứu trong lãnh vực lạ. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cho phép việc truyền tải thông tin rộng hơn những năm trước, bao gồm cả trong hệ thống đại học. Quản thủ thư viện ở các địa phương càng ngày càng được huấn luyện về kỹ năng chuyên nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ thư viện có tầm vóc quốc tế và trao đổi kiến thức và khảo cứu bao quát hơn. Những chuyên gia khảo cứu ngoại quốc làm việc ở các đại học trong nước được cho phép bàn luận về những vấn đề phi chính trị một cách cởi mở và tự do trong lớp học, nhưng quan sát viên của chính phủ thường thường ngồi dự thính trong lớp do giảng viên ngoại quốc hay địa phương hướng dẫn. Công an thỉnh thoảng chất vấn những người tham dự chương trình được tổ chức ở những khu vực ngoại giao hay sử dụng những cơ sở khảo cứu ngoại giao. Tuy vậy, những thỉnh cầu về tài liệu từ cơ sở khảo cứu ngoại quốc cũng gia tăng. Những sách khảo cứu thường phản ảnh quan điểm của ĐCSVN hay của chính phủ.

Chính phủ kiểm soát triển lãm nghệ thuật, âm nhạc, và những hoạt động văn hoá khác; tuy nhiên, nói chung họ cũng cho các nghệ sĩ quyền rộng rãi để chọn chủ đề cho tác phẩm hơn những năm trước. Chính phủ cũng cho phép các đại học nhiều quyền tự trị về trao đổi quốc tế hay chương trình hợp tác.

b. Tự Do Hội Họp và Lập Hội Một Cách Ôn Hoà

Tự Do Hội Họp

Luật pháp cấm ngặt quyền hội họp và chính quyền cũng cấm đoán và kiểm soát tất cả những hình thức biểu tình hay tụ tập nơi công cộng. Theo luật lệ qui định, những ai muốn tụ tập thành một nhóm phải xin giấy phép và nhà chức trách địa phương có thể tuỳ ý chấp nhận hoặc từ chối. Trên thực tế, dường như chỉ có những ai sắp xếp những buổi họp được nhiều người biết để bàn về những vấn đề nhạy cảm mới cần xin phép, còn những người thường xuyên tổ chức họp mặt thân mật thì không bị chính phủ quấy rầy. Nói chung, chính phủ không cho phép những cuộc biểu tình tuần hành có thể được xem là với mục đích chính trị. Chính phủ cũng giới hạn quyền tụ họp để thờ phượng của vài nhóm tôn giáo không đăng ký (xem phần 2.c.)

Trước cuộc rước đuốc Thế vận hội thế giới vào tháng 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà tranh đấu kể rằng nhà chức trách đã gọi họ lên để thẩm vấn và cảnh cáo họ không nên tổ chức biểu tình.

Nhiều buổi lễ cầu nguyện đông người tham dự xảy ra trong tháng 1, tháng 4 và tháng 9 tại những nơi tranh chấp đất đai của người Công giáo ở Toà Khâm Sứ cũ và tại giáo phận Thái Hà ở Hà Nội. Cảnh sát đã bắt giữ tám người và quấy rối những người dự lễ (xem phần 1.e.). Nhiều cuộc biểu tình nhỏ của những người đòi bồi thường đất đai bị tịch thu thường xuyên xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và thỉnh thoảng ở Hà Nội. Cảnh sát có theo dõi nhưng nói chung họ không quấy rối những người tham gia biểu tình.

Tự Do Lập Hội

Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền.

Chính quyền tiếp tục thực hiện qui chế Dân chủ Cơ sở của năm 2007 để giúp dân chúng nông thôn, với sự tham gia của đại diện MTTQ tại địa phương, triệu tập các buổi họp để thảo luận và đặt ra những giải pháp cho vấn đề địa phương và bổ nhiệm đại biểu vào ban lãnh đạo địa phương. Qui chế này cũng đòi hỏi chính quyền cấp xã phải công bố việc thu chi trong việc phát triển kinh tế địa phương.

Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm. Những thành viên kỳ cựu bị bắt và nhốt vào tù trong một cuộc thanh trừng từ năm 2007. Vào tháng 9, nhà cầm quyền bắt thêm sáu thành viên của Khối 8406 vì họ đã chỉ trích chính sách kinh tế cũng như thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc. Các thành viên khác bị quấy rối thường xuyên vì những hoạt động chính trị bất bạo động. Khối 8406 tuyên bố đã có hơn 2.000 người ủng hộ trong nước mặc dù con số này không thể được kiểm chứng. Đến cuối năm, có ít nhất là 16 thành viên của Khối bị giam giữ.

Một vài thành viên của một nhóm tranh đấu khác, Đảng Dân chủ Nhân dân Việt Nam, và một nhóm liên quan là Tổ chức Công nông Đoàn kết vẫn còn bị giam vào cuối năm.

c. Tự Do Tôn Giáo

Hiến pháp và các nghị định của chính phủ qui định quyền tự do tín ngưỡng và những cải thiện so từ những năm trước về việc tôn trọng tự do tôn giáo nói chung đã tiếp tục trong năm vừa qua. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo; tuy nhiên, về tổng quát những hạn chế này được thi hành bớt khắt khe hơn những năm trước. Nhìn chung việc tham gia vào những hoạt động tôn giáo được tiếp tục gia tăng đáng kể.

Bất cập vẫn tồn đọng trong việc thực hiện Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo ở hầu hết ở cấp địa phương, nhưng trong vài trường hợp chính phủ trung ương cũng trì hoãn áp dụng.

Các tổ chức tôn giáo gặp phải những cấm đoán cao nhất khi họ có những hoạt động được cho là hoạt động chính trị hoặc đối kháng với cho quyền lực nhà nước. Chính phủ tiếp tục ngăn cản việc gia nhập Hội Phật giáo Hòa hảo. Chính phủ cũng hạn chế hoạt động và việc đi lại của ban lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và họ vẫn không công nhận tổ chức này với ban lãnh đạo hiện thời. Chính phủ cũng chú ý đến vài nhóm dân thiểu số ở các vùng Cao nguyên miền Trung đang hoạt động trong hội "Tin lành Dega”, được cho là pha lẫn hoạt động tôn giáo với chính trị và kêu gọi việc ly khai cho dân tộc thiểu số.

Chính phủ giữ một vai trò nổi bật trong việc giám thị những tôn giáo đã được công nhận. Theo luật, các nhóm tôn giáo phải được chính thức công nhận hay đăng ký, và những hoạt động cũng như thành phần trị sự của các giáo phái phải được nhà nước thông qua. Luật pháp đòi hỏi chính phủ phải hành động nhanh chóng và minh bạch, nhưng quá trình chấp thuận cho đăng ký và công nhận những tổ chức tôn giáo đôi khi chậm trễ và không rõ ràng. Tuy vậy, nhiều giáo đoàn mới được đăng ký trong toàn quốc trong năm qua và một số giáo phái đã được đăng ký ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên, các nhà chức trách địa phương vẫn chưa đả động đến nhiều đơn xin đăng ký nộp từ năm 2006 của trên 1.000 giáo đoàn Tin lành với hầu hết giáo dân là các nhóm dân tộc thiểu số.

Nhiều nhà chức trách địa phương tiếp tục đòi hỏi điều kiện đầu tiên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận là phải cung cấp danh sách của tất cả thành viên khi đăng ký mặc dù Khuôn khổ Luật pháp về Tôn giáo không đòi hỏi việc này. Nhiều giáo đoàn ở vùng phía bắc và tây bắc Cao nguyên than phiền là nhà chức trách đã dùng danh sách ấy kể ngăn chặn hoặc sách nhiễu những người không có tên trong danh sách được dự lễ. Hoạt động thường niên của các nhà thờ cũng phải đăng ký với nhà chức trách và những hoạt động nào không nằm trong lịch sinh hoạt đã được chấp thuận trước phải có giấy phép khác của chính phủ.

Cũng giống như những năm trước, quá trình giám sát chính thức các nhóm tôn giáo thay đổi rất nhiều tùy theo từng địa phương, thường thường là do không hiểu chính sách quốc gia hoặc cách hiểu khác nhau về mục đích của chính sách ở mỗi địa phương. Nói chung, những cố gắng của trung ương để phối hợp việc thi hành đúng đắn khuôn khổ tôn giáo của chính phủ đã làm giảm thiểu mức độ và cường độ vi phạm tự do tôn giáo. Tuy vậy, trên phương diện kỹ thuật, hoạt động của những nhóm tôn giáo không được công nhận hay không đăng ký vẫn được xem là không hợp pháp, và những tổ chức này thỉnh thoảng bị sách nhiễu. Nhiều cuộc hội họp của những tổ chức “không đăng ký” này bị giải tán hay ngăn cản ở Hải Phòng hay miền Cao nguyên tây bắc, trong số các cáo buộc của những người theo đạo là đôi khi chính quyền địa phương dùng “côn đồ đánh thuê” để quấy nhiễu hay hành hung họ. Ở Trà Vinh, có báo cáo là một vài nhà thờ tại gia kể cả Nhà thờ Phúc âm đã bị công an quấy nhiễu và “dân quân” mặc thường phục đánh đập liên tiếp. Giới chức trách đã không có hành động kỷ luật nào đối với những người vi phạm. Tuy nhiên, mức độ sách nhiễu có giảm đi so với những năm trước và đại đa số các nhà thờ hay chùa chiền không đăng ký được hoạt động mà không bị trở ngại.

Chính phủ tích cực can ngăn sự tiếp xúc giữa GHPGVNTH, một tổ chức được chính phủ cho là bất hợp pháp, với những người ủng hộ ở ngoại quốc, nhưng những tiếp xúc đó vẫn tiếp tục. Công an thường xuyên thẩm vấn bất cứ ai có một quan điểm tôn giáo và chính trị khác như một số tăng sĩ trong GHPGVNTN và các linh mục Công giáo. Công an vẫn tiếp tục hạn chế việc tự do đi lại của các tăng sĩ thuộc GHPGVNTN.

Trong năm qua đã có vài nguồn tin khả tín về việc bắt rời bỏ tín ngưỡng ở miền Trung và Tây bắc Cao nguyên. Tuy nhiên, những bài viết trong các tờ báo tỉnh khuyến khích nhà cầm quyền địa phương và những nhóm dân tộc thiểu số đi theo thuyết duy linh và tập tục truyền thống và bỏ đạo Tin lành.

Đại đa số tín đồ Phật giáo hành đạo qua Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã được chính thức công nhận, và nói chung, họ có thể tự do thờ cúng. Chính quyền tiếp tục quấy nhiễu tín đồ của GHPGVNTN và ngăn cản họ không được có những hoạt động từ thiện độc lập ở ngoài phạm vi chùa chiền.

Ban lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN vẫn bị công an theo dõi ráo riết tại chùa của họ và việc đi lại trong nước bị giới hạn. Thầy Thích Quảng Độ và Thích Không Tánh đã được phép đi đưa đám tang vị trưởng Tăng thống của GHPGVNTN vào tháng 7, mặc dù một số tăng sĩ của GHPGVNTN ở các tỉnh tường thuật là các nhà hữu trách không cho họ đi. Một tăng sĩ của GHPGVNTN phải chuyển khỏi tỉnh để lên Thành phố Hồ Chí Minh và từ chức khỏi ban lãnh đạo GHPGVNTN vì luôn luôn bị chính quyền theo dõi và quấy nhiễu.

Giáo hội Công giáo tường trình là chính phủ đã tiếp tục giảm bớt việc can thiệp vào quá trình phân bổ các linh mục mới. Khác với những năm trước, không thấy có trường hợp nào chính phủ từ chối việc phân bổ các linh mục. Giáo hội đã thảo luận với chính quyền về thiết lập thêm trường dòng và phát triển chương trình đào tạo mục sư. Giáo hội đang tiến đến việc thành lập một tổ chức chính thức để hợp tác với toà thánh Vatican trong việc đề ra những nguyên tắc và lộ trình cho việc thiết lập mối quan hệ chính thức.

Một số tăng lữ Công giáo tường trình rằng chính phủ tiếp tục giảm dần kiểm soát trên những hoạt động trong vài giáo phận ở ngoại thành Hà Nội. Nhiều nơi chính quyền địa phương cho phép Giáo hội Công giáo dạy những lớp giáo lý (ngoài giờ học) và tiến hành những hoạt động từ thiện. Giới chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giúp hỗ trợ một số hoạt động từ thiện của Giáo hội trong việc chống bệnh HIV/AIDS; tuy nhiên, hoạt động giáo dục và giấy phép hợp pháp cho một vài cơ quan từ thiện Công giáo làm việc như những tổ chức phi chính phủ vẫn còn bị trì hoãn. Vào tháng 10, chính phủ chấp thuận cho Caritas mở cửa lại sau 32 năm vắng mặt.

Chính quyền địa phương can ngăn một cách không chính thức việc đi lại trong nước của các tăng lữ, ngay cả chỉ trong các tỉnh nằm trong khu vực của họ, nhất là khi di chuyển đến những vùng có dân tộc thiểu số. Đức Tổng giám mục của Hà Nội bị giới hạn đi lại vì mục sự đến những vùng dân tộc thiểu số ở phía bắc nhưng lại được phép đến đó với tư cách cá nhân

Mặc dù có những báo cáo về việc kỳ thị các học sinh theo đạo Công giáo, nhà chức trách chối là họ có một chính sách giới hạn giáo dục dựa trên tín ngưỡng.

Ít nhất đã có 10 tín đồ của Giáo hội Hòa hảo vẫn còn bị giam vì được cho là liên quan đến vụ xô xát với công an vào năm 2005. Những tu sĩ và tín đồ trực thuộc Hội đồng Quản trị Giáo hội Hòa hảo được phép hành đạo vì hội đồng này được chính phủ công nhận. Những tăng sĩ và tín đồ nào thuộc về những nhóm bất đồng quan điểm hoặc từ chối công nhận thẩm quyền của Hội đồng sẽ bị hạn chế.

Những tổ chức tôn giáo không được phép tự mở trường riêng. Người truyền giáo nước ngoài không được truyền đạo trong nước, dù vậy nhiều người đã tham gia những hoạt động từ thiện nhân đạo và gặp gỡ với các giáo đoàn có đăng ký sau khi được chính phủ chấp thuận.

Nói chung, chính phủ đòi hỏi các ấn phẩm tôn giáo phải được xuất bản bởi nhà in sách tôn giáo của chính phủ; tuy vậy, một số tổ chức tôn giáo đã có thể sao chép lại tài liệu của chính họ hay nhập khẩu với sự chấp thuận của nhà nước. Chính phủ có phần nào nới lỏng việc hạn chế ấn loát hay nhập khẩu những sách vở tôn giáo, bao gồm những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Cho đến cuối năm, Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa chấp thuận việc in Thánh kinh bằng tiếng Mường mặc dù đơn xin đã được đệ lên cách đây hơn hai năm với lý do là chờ đợi chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d. Tự Do Đi Lại, Dân bị Dời Chỗ, Bảo Vệ Dân Tị Nạn, và Dân Vô Tổ Quốc

Hiến pháp cho phép quyền tự do đi lại trong nước, du lịch và sinh sống ở nước ngoài và hồi hương; tuy nhiên, chính phủ đã áp đặt một vài giới hạn trên việc tự do đi lại của một số cá nhân. Chính quyền nói chung đã hợp tác với Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và những tổ chức nhân đạo khác để giúp dân tị nạn và những người đào tị.

Một vài người bất đồng chính kiến, dù được tạm tha có có quản lý hay bị quản chế tại gia, đã bị giới hạn di chuyển nhưng công an cho phép họ ra khỏi nhà dưới sự theo dõi. Ví dụ hai nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn and Nguyễn Khắc Toàn, đã được phóng thích năm 2006, luật sư Lê Quốc Quân và ký giả Nguyễn Vũ Bình, được phóng thích năm 2006 vẫn còn bị chính quyền quản thúc hành chính dưới hình thức hạn chế đi lại. Mặc dù thỉnh thoảng bị quản chế tại gia, họ cũng được đi lại ít nhiều trong nội vi Thành phố Hà Nội, nhưng sự di chuyển của họ hay những cuộc thăm viếng của những người bất đồng chính kiến khác đều bị theo dõi sát sao. Ngày 1 tháng 9, trên đường đi gặp các nhà nghị viên ngoại quốc, ông Quân đã bị giữ lại ở phi trường Nội Bài. Nhà chức trách hủy thông hành của ông và nói ông không được phép ra nước ngoài. Ông Sơn và ông Toàn cũng bị cấm đi ra nước ngoài. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai nhà hoạt động dân chủ là Nguyễn Đan Quế và Đỗ Nam Hải đã bị quản chế tại gia. Ông Hải bị ngăn cản không cho gặp các nhà ngoại giao nước ngoài ít nhất hai lần.

Hạn chế của chính phủ về việc thăm viếng một số vùng vẫn còn hiệu lực. Công dân trong nước và người nước ngoài phải có giấy phép khi thăm viếng những vùng biên giới, cơ sở quốc phòng, những khu vực kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng, những vùng “dự trữ chiến lược quốc gia,” và những “công trình tối quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.”

Luật Cư trú năm 2007 đã không được thi hành rộng rãi và lượng dân nhập cư từ thôn quê lên thành phố tiếp tục tăng.

Việc đi lại không có giấy phép đã cản trở những người xin giấy thường trú hợp pháp, đi học trường công và nhận phúc lợi y tế. Những người mang thông hành ngoại quốc phải đăng ký khi cư ngụ tại nhà riêng mặc dù chưa thấy có trường hợp nào chính quyền địa phương từ chối để khách ngoại quốc ở nhà của bạn bè hay gia đình. Dân chúng cũng buộc phải đăng ký với công an địa phương khi họ ngủ qua đêm ở bất cứ nơi nào ngoài nhà riêng của họ; dường như chính phủ đã áp dụng khắt khe hơn những đòi hỏi này ở một số khu vực vùng Cao nguyên miền Trung và miền Bắc.

Chính phủ từ chối không cấp hộ chiếu cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Chính quyền các tỉnh ở Cao nguyên miền Trung cho phép việc cấp sổ thông hành và di chuyển cho các cá nhân thuộc sắc tộc thiểu số được đi Mỹ hợp pháp với hộ chiếu đoàn tụ gia đình.

Thỉnh thoảng các viên chức chính quyền đã trì hoãn việc phát sổ thông hành cho dân chúng để đòi hối lộ. Dân di cư ra ngoại quốc ít khi gặp khó khăn khi lấy sổ thông hành.

Luật pháp cho phép việc cưỡng bức đày ải trong ngoài nước, và chính phủ cũng không dùng đến điều khoản này.

Chính phủ thường cho phép những di dân ra ngoại quốc được trở về thăm viếng. Tuy nhiên, chính phủ từ chối không cho những nhà hoạt động chống đối từ ngoại quốc trở về. Những nhà hoạt động chính trị người Việt hải ngoại có tiếng đều bị từ chối chiếu khán nhập cảnh.

Theo luật, chính phủ xem bất cứ ai được sinh ra ở trong nước là một công dân, ngay sau khi đã có quốc tịch khác, trừ khi phải chính thức xin phép từ bỏ quốc tịch và được Chủ tịch nước chấp thuận. Tuy vậy, trên thực tế chính quyền thường đối đãi những người Việt sống ở ngoại quốc như là công dân của nước đã nhận họ. Di dân sống ở nước ngoài không được phép dùng sổ thông hành Việt Nam sau khi họ có quốc tịch khác. Nói chung, chính phủ khuyến khích họ về thăm viếng hay đầu tư nhưng thỉnh thoảng cũng theo dõi họ rất kỹ. Trong năm qua, chính phủ đã nới rộng việc hạn chế đi lại cho người Việt hải ngoại, thực hiện chương trình chiếu khán nhập cảnh nhiều lần cho những người “hội đủ điều kiện,” và trong tháng 11, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép mang hai quốc tịch.

Chính phủ tiếp tục tôn trọng bản liên kết giữa chính phủ Campuchia và Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tạo điều kiện cho những người gốc Việt ở Campuchia không hội đủ điều kiện định cư ở nước thứ ba.

Chính quyền địa phương chỉ theo dõi nhưng không can thiệp vào những chuyến viếng thăm kiểm tra tìm hiểu dữ kiện của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn hoặc những đại diện ngoại giao ở Cao nguyên miền Trung. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn báo cáo là họ đã có thể gặp riêng những người hồi hương. Giống như những năm trước, công an địa phương có mặt trong lúc các nhà ngoại giao phỏng vấn những người hồi hương nhưng bỏ đi khi bị yêu cầu. Chính quyền địa phương nói chung tôn trọng những trách nhiệm nhằm giúp những người gốc thiểu số hồi hương từ Campuchia được tái nhập cư một cách êm thắm

Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn tường trình rằng tình hình ở Cao nguyên miền Trung có vẻ như là một quá trình hoà nhập những người dân tộc thiểu số vào một cộng đồng quốc gia hơn là một nơi làm người dân phải đi tị nạn và không khí thì “cởi mở” trong lúc họ đi thanh tra. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn cũng tường trình là tình cảnh của dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên miền Trung đã khả quan hơn sau những cuộc đàn áp vào năm 2001 và 2004. Ủy ban nói rằng họ “cảm thấy không có dấu hiệu bạc đãi” nào đối với những người dân thiểu số mà Ủy ban đã thanh tra ở Cao Nguyên miền Trung. Làn sóng dân thiểu số vượt biên sang Campuchia, dù lên cao vào đầu năm, đã hầu như ngưng lại vào giữa năm, có thể vì hầu hết những người mới đến đã bị Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn liệt vào thành phần di dân vì kinh tế thay vì tị nạn.

Bảo Vệ Dân Tị Nạn

Chính phủ không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về qui chế Người tị nạn và Nghị định thư năm 1967, và luật pháp không qui định thừa nhận qui chế về nương náu tạm hay tị nạn. Chính phủ chưa thiết lập hệ thống để bảo vệ người tị nạn và không thừa nhận qui chế tị nạn hay nương náu tạm. Chính phủ có biện pháp bảo vệ cho những người bị đuổi hay hồi hương phải quay về những nơi mà tính mệnh hoặc tự do của họ bị đe dọa; tuy nhiên, không có trường hợp nào như vậy trong suốt năm qua.

Người Vô Tổ Quốc

Tập thể những người vô tổ quốc lớn nhất trong nước có khoảng 9.500 người Campuchia đi tị nạn ở Việt Nam trong thập niên 1970 và họ bị chính phủ Campuchia từ chối chấp nhận hồi hương trên lý do là không có bằng chứng để xác nhận họ đã từng là công dân Campuchia. Đa số là người gốc Hoa hoặc gốc Việt. Ban đầu nhóm này định cư trong một số trại tị nạn tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khi trợ giúp nhân đạo cho các trại tị nạn bị chấm dứt vào năm 1994, khoảng 7.000 người bỏ trại đi tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Khoảng 2.200 người khác ở lại trong bốn ngôi làng từng là trại tị nạn. Nhiều người đã sinh con ở Việt Nam nhưng họ và con cháu không được hưởng những quyền lợi như công dân Việt Nam, bao gồm quyền sở hữu nhà cửa, được giáo dục tương đương, và chăm sóc y tế công cộng. Năm 2007 Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn và các chính phủ Campuchia và Việt Nam đã tiến hành một chương trình thống kê tổng quát và nhập tịch Việt Nam cho những người vô tổ quốc này. Nhưng trong năm nay, việc thi hành chương trình đã bị dời lại.

Khi thông qua dự luật cho phép mang hai quốc tịch, chính phủ đã cố gắng giải quyết vấn đề vô tổ quốc trước đó bằng cách tước bỏ quốc tịch công dân, ví dụ như phụ nữ lấy chồng ngoại quốc. Nhóm người này tiêu biểu là những phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trước đó, họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam để xin quốc tịch ngoại quốc. Nhưng trước khi có được quốc tịch ngoại quốc, họ đã ly dị chồng và trở về Việt Nam mà không có quốc tịch hay giấy tờ tuỳ thân. Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn đã làm việc với chính phủ và cộng đồng quốc tế để giải quyết những khía cạnh khác của vấn đề này.

Hội Phụ nữ Việt Nam tiếp tục làm việc với chính phủ Hàn Quốc để giải quyết vấn đề môi giới cưới hỏi người ngoại quốc và tư vấn trước khi cưới, bao gồm việc giáo dục về luật lệ di dân và quốc tịch. Bộ Ngoại giao cam kết làm việc với giới hữu trách về việc di dân để quảng bá hiệu nghiệm hơn những phương cách nhằm giúp các phụ nữ như trên lấy lại quốc tịch Việt Nam, giấy tờ, và phúc lợi cư trú. Tuy nhiên, vì thủ tục tốn tiền và luộm thuộm, những phụ nữ đó thường phải chịu tình trạng vô tổ quốc. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và thế giới cũng đã giúp đỡ họ.

Phần 3: Tôn Trọng quyền Tự Do Chính Trị: Quyền của Công Dân để Thay Đổi Chính Quyền

Hiến Pháp không cho công dân quyền thay đổi chính phủ của họ một cách hoà bình, và công dân không thể tự do lựa chọn việc thay đổi pháp luật và nhân sự của nhà nước đương quyền.

Bầu Cử và Tham Gia Chính Trị

Các cuộc bầu cử gần đây nhất để lựa chọn các thành viên của Quốc hội đã được tổ chức vào tháng 5 2007. Các cuộc bầu cử đã không tự do và cũng không công bằng, do toàn bộ các ứng viên đều do MTTQ lựa chọn và đề cử. Mặc dù ĐCSVN đã thông báo trước đấy rằng một số lượng lớn ứng cử viên "độc lập" (những người không liên kết với một tổ chức hoặc một nhóm nào) sẽ được tham gia ứng cử, tỉ lệ ứng cử viên tự do chỉ hơi cao hơn lần bầu cử năm 2002. ĐCSVN đã đồng ý cho 30 ứng cử viên "tự đề cử", gồm những người không có sự ủng hộ của chính phủ nhưng được phép ứng cử. Đã có báo cáo đáng tin cậy rằng cán bộ Đảng đã gây áp lực để nhiều ứng cử viên tự đề cử từ bỏ ý định tranh cử hoặc viện ra lý do là họ "không đủ điều kiện" để tranh cử.

Theo chính phủ, đã có hơn 99% của 56 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử đã tham gia bỏ phiếu, một con số mà các nhà quan sát quốc tế đã cho rằng quá cao và thiếu cơ sở. Cử tri được chính quyền cho phép bỏ phiếu hàng loạt giùm cho các người khác, và chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đi bầu phải tham gia bằng cách tổ chức bầu theo nhóm và toàn bộ cử tri trong khu vực được ghi nhận là đã bỏ phiếu. Việc làm này được xem là làm mất đi sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.

Trong cuộc bầu cử năm 2007, các nhà lãnh đạo ĐCSVN - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - đã giữ nguyên ghế cũ. Những đảng viên ĐCSVN đã chiếm 450 trong 493 ghế Quốc hội. Chỉ có duy nhất một ứng cử viên trong 30 ứng cử viên tự ứng cử đã thắng cử.

Mặc dù Quốc hội đang bị điều khiển bởi ĐCSVN (tất cả những thành viên cấp cao và trên 90% thành viên của Quốc hội là đảng viên) vẫn tiếp tục từng bước thể hiện chức năng của một cơ quan lập pháp. Quốc hội đã công khai chỉ trích những đường lối kinh tế xã hội, việc đối phó với lạm phát của chính phủ và kế hoạch nới rộng phạm vi của chính quyền Hà Nội. Những cuộc họp của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Vài thành viên Quốc hội còn chỉ trích quyền hành quá lớn của ĐCSVN trong xã hội.

Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm trong tay ĐCSVN, và Hiến pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Những phong trào đối kháng hoặc các tổ chức chính trị đều không hợp pháp. Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan công quyền tối cao mặc dù đúng ra phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Trung Ương ĐCSVN.

Chính phủ vẫn tiếp tục ngăn cản và hạn chế tối đa những chỉ trích và tranh luận công khai. Việc công khai thách thức sự chính danh của chế độ độc đảng thì bị cấm đoán; tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những bức thư chỉ trích chính quyền từ nhân dân, bao gồm từ cả vài cựu đảng viên cao cấp đã lưu hành công khai. Chính phủ vẫn tiếp tục bắt bớ và làm khó dễ những nhóm đối kháng chính trị nhỏ được thành lập năm 2006, và những thành viên của nhóm nay thường phải đối mặt với việc bắt bớ và tù đày vô cớ.

Qui định của pháp luật cho phép phụ nữ và người thuộc sắc tộc thiểu số quyền được tham gia vào chính trị một cách bình đẳng. Đã có 127 phụ nữ trong Quốc hội, chiếm 26%, một tỷ lệ hơi thấp hơn so với nhiệm kỳ trước.

Các dân tộc thiểu số giữ 87 ghế, chiếm 18% trong Quốc hội, vượt quá tỉ lệ dân số của họ trong cả nước, được ước tính khoảng 13%.

Tham Nhũng và Minh Bạch của Chính Phủ

Luật pháp qui định tội hình sự đối với quan chức thức tham nhũng; tuy nhiên chính phủ đã không luôn thực hiện các luật định một cách hiệu quả và đôi khi cán bộ tham nhũng được bao che. Tham nhũng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ cương quyết trong các nỗ lực chống tham nhũng, bao gồm việc công bố ngân sách của các cấp chính quyền, cải tiến Nghị định Công khai Tài sản 2007, và tiếp tục cải tiến các biện pháp thanh tra của chính phủ. Các vụ án quan chức chính phủ tham nhũng đôi khi đã được công bố rộng rãi.

Bộ luật chống tham nhũng cho phép công dân được công khai khiếu nại về sự làm việc thiếu hiệu quả của chính phủ, thủ tục hành chính, tham nhũng, và chính sách kinh tế. Trong những lần trào đổi trực tuyến qua mạng với lãnh đạo cấp cao của chính phủ, công dân đã đặt thẳng những câu hỏi về những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem việc công khai chỉ trích chính trị là phạm pháp, trừ khi những lời chỉ trích đã được kiểm soát bởi chính quyền. Nỗ lực tổ chức những người có khiếu nại để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả đã được xem như là hoạt động chính trị trái phép và và có thể bị bắt bớ. Cán bộ cấp cao của chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng đi về nhiều địa phương để cố gắng giải quyết khiếu nại của công dân. Tham nhũng liên quan đến việc sử dụng đất đã được công bố rộng rãi trên báo chí. Rõ ràng đây là một nỗ lực có hệ thống để tạo áp lực cho cán bộ địa phương giảm bớt nạn lạm dụng quyền hành.

Theo Nghị định 2007, các quan chức chính phủ phải báo cáo hàng năm vào ngày 30 tháng 10 về nhà, đất, kim loại quý, và "các giấy tờ có giá trị" mà họ làm chủ, tiền họ gởi ở các ngân hành nước ngoài và trong nước và thu nhập phải đóng thuế của họ. Nghị định chỉ yêu cầu chính phủ công bố kết quả kê khai tài sản khi một viên chức chính phủ được xem là là "giàu có bất thường", đòi hỏi phải điều tra hoặc truy tố pháp lý. Ngoài các cán bộ đảng và cán bộ cao cấp của chính phủ, nghị định trên còn áp dụng cho Kiểm sát viên, các thẩm phán và những người ở có chức vụ bằng hoặc cao hơn Phó Bí thư Tỉnh, Phó Chủ tịch Tỉnh, Phó Giám đốc các bệnh viện công, và Phó Chỉ huy Quân sự. Do thiếu sự minh bạch, không biết được Nghị định này đã được thực hiện rộng rãi đến đâu.

Trong vụ xét xử cán bộ tham nhũng PMU-18 năm 2007, ban đầu được hoan nghênh như là một bước tiến tích cực, việc truy tố và sa thải của các nhà báo và tổng biên tập đã đưa tin phóng sự về việc này đã tạo ra tâm lý sợ hãi trong công tác điều tra phóng sự các quan chức tham nhũng.

Đầu tháng 4, vị Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã thú nhận rằng có người đã tìm cách hối lộ ông ta 100 triệu đồng (khoảng 6.060 USD) để mua một chức vụ trong tỉnh. Vì ông ta đã từ chối công bố tên của cá nhân đó, ông đã bị cách chức bí thư vào tháng 9.

Trong tháng 9 BCA đã bắt đầu điều tra một vụ án trong đó một cán bộ cao cấp trong Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Mô trường Nước tại Thành phố Hồ Chí Minh bị tố cáo đã nhận hối lộ 90 triệu Yên (820.000 USD) từ quan chức của một công ty tư vấn nước ngoài. Trong tháng 11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm thời đình chỉ công tác của Huỳnh Ngọc Sỹ trong hai chức vụ là Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính kiêm Giám đốc dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường Nước của ông vì đã bị nghi ngờ tham nhũng.

Qui định pháp luật hiện không tạo điều kiện cho công chúng truy cập thông tin của chính phủ, và chính phủ không thường cấp quyền truy cập cho các công dân và người nước ngoài kể các hãng truyền thông ngoại quốc. Chấp hành điều Luật Văn bản qui phạm Pháp luật, Bản Thông tin Chính phủ đã xuất bản hầu hết các văn bản pháp luật trong các số ra hàng ngày. Chính quyền và Quốc hội đã thành lập trang mạng với tiếng Việt và tiếng Anh. Những quyết định bổ xung của Hội đồng Thẩm phán thuộc Toà án Nhân dân Tối cao được truy cập qua trang mạng của ĐCSVN. Những tài liệu của Đảng như những chỉ thị của Bộ Chính trị đã không được công bố trong Thông báo.

Phần 4: Phản Ứng Của Chính quyền Trước Những Điều Tra Về Những Cáo Buộc Vi Phạm Nhân quyền từ Các Tổ Chức Quốc Tế và Phi Chính Phủ

Chính quyền không cho phép các đoàn thể nhân quyền tư nhân hoặc địa phương được tổ chức hoặc hoạt động. Nhà nước đã không nhân nhượng đối những cá nhân hoặc tổ chức nào tìm cách phê bình công khai việc thực thi nhân quyền của mình. Nhà cầm quyền đã dùng nhiều phương pháp rất đa dạng để dập tắt những chỉ trích từ trong nước về các chính sách nhân quyền của họ, bao gồm việc theo dõi, giới hạn sự tự do ngôn luận, lập hội, can thiệp vào các giao tiếp cá nhân, và bắt bớ.

Nhìn chung chính quyền đã cấm đoán công dân không được tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, dù vậy một số nhà hoạt động nhân quyền cũng đã bất chấp. Chính phủ thường cấm đoán các cuộc viếng thăm của các quan sát viên nhân quyền từ các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng chấp nhận các đại diện từ báo chí, Cao ủy Liên hiệp quốc về Người Tị nạn, các chính phủ ngoại quốc, và những cơ quan cứu trợ quốc tế phi chính phủ đến thăm vùng Cao nguyên miền Trung. Chính quyền đã chỉ trích hầu hết các công bố về tình trạng nhân quyền và tín ngưỡng từ các chính phủ ngoại quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Chính phủ đã có ý muốn bàn bạc song phương về các vấn đề nhân quyền với một số chính phủ ngoại quốc. Một ít chính phủ ngoại quốc tiếp tục thảo luận chính thức với nhà nước về vấn đề nhân quyền, cụ thể qua các cuộc thảo luận thường niên.

Phần 5: Sự Kỳ Thị, Ngược Đãi Trong Xã Hội và Nạn Buôn Người

Luật pháp nghiêm cấm việc kỳ thị dựa trên giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các cấm đoán này không được bình đẳng.

Phụ Nữ

Luật pháp nghiêm cấm việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với người không thể tự vệ, hoặc lừa gạt để giao cấu ngoài ý muốn của cá nhân đó. Điều này có nghĩa là các hành động hãm hiếp, cưỡng hiếp người phối ngẫu, và cả một số trường hợp sách nhiễu tình dục đều được hình sự hoá. Tuy nhiên, đã không hề có các vụ tố tụng về việc hãm hiếp người phối ngẫu hoặc sách nhiễu tình dục. Các trường hợp hãm hiếp khác đã bị truy tố cho đến mức tối đa theo luật định. Hiện nay đã không có số liệu khả tín để biết được mức độ của tệ nạn này.

Luật pháp đòi hỏi sự trừng phạt từ cảnh cáo đến hai năm tù giam cho "những kẻ cư xử tàn ác đối với các người lệ thuộc". Đạo Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình ban hành năm 2007 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7. Luật này xác định các hành vi bạo động trong gia đình, giao phó các trách nhiệm cụ thể đến các bộ và cơ quan và qui định mức độ trừng phạt đối với những kẻ vi phạm bạo hành gia đình. Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nạn nhân cho rằng các đề xuất trong đạo luật vẫn còn yếu kém. Trong lúc hệ thống tư pháp và công an chưa sẵn sàng để đối phó với bạo hành gia đình, thì nhà nước, với trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, đã bắt đầu huấn luyện công an, giới luật sư, và nhân viên ngành tư pháp về đạo luật này.

Các quan chức đã nhìn nhận vấn đề bạo hành trong gia đình ngày càng là một vấn dề đáng quan tâm của xã hội và cũng được báo chí nói đến rộng rãi hơn. Nạn nhân đa số là phụ nữ trong các trường hợp bạo hành trong gia đình, tuy nhiên không có số liệu thống kê chính xác mức độ sâu rộng của vấn đề. Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Tại các thành phố lớn, các tổ chức phi chính phủ đã thiết lập đường dây nóng để giúp đỡ nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập một đường dây nóng trên toàn quốc, tuy nhiên số điện thoại này không được phổ biến rộng rãi ở các vùng nông thôn. Trong giai đoạn nông thôn còn thiếu nguồn tài chính để thiết lập các trung tâm giúp đỡ và các đường dây nóng, bộ luật năm 2007 xây dựng các "nhà lánh nạn" cho các nạn nhân phụ nữ đến tá túc trong một gia đình khác trong lúc chính quyền đang xử lý vụ việc và kẻ bạo hành. Theo thống kê của chính phủ, phân nửa các trường hợp ly dị là hệ quả của bạo hành trong gia đình. Tỷ lệ ly dị tiếp tục gia tăng nhưng phần đông phụ nữ vẫn tiếp tục sống với người chồng bạo hành hơn là đối diện với sự chỉ trích của xã hội và gia đình hoặc phải chịu đựng hoàn cảnh kinh tế bấp bênh.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền đã tổ chức các khoá học và hội nghị nhằm giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo hành trong gia đình, cũng như nhấn mạnh vấn đề này với người dân trong các phong trào xã hội. Các các tổ chức phi chính phủ trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn cái vấn nạn của phụ nữ, đặc biệt các trường hợp bạo hành nhằm vào phụ nữ, tệ nạn buôn phụ nữ và trẻ em. Chính phủ hỗ trợ thành lập một trung tâm quốc gia giúp đỡ nạn nhân bị buôn người, bao gồm việc cung cấp nơi cư trú và dạy nghề. Trung tâm này cũng được hỗ trợ một phần từ các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ và những quỹ quốc tế.

Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.

Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.

Trong khi các hành vi lợi dụng tình dục được định nghĩa rất rõ ràng nhưng các văn bản pháp lý đã không qui định rõ các biện pháp phòng chống. Nội qui về đạo đức cho cán bộ chính phủ và nhân viên nhà nước không đề cập đến, dù rằng vấn đề này rất phổ biến.

Nạn nhân sách nhiễu tình dục có thể kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện người vi phạm theo Điều 121 bộ luật hình sự, qui định về hành vi "vi phạm phẩm giá người khác" có thể bị phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hay tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế không có một vụ án nào về sách nhiễu tình dục vì hầu hết các nạn nhân đều không muốn công khai tố cáo kẻ vi phạm.

Hội phụ nữ và Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPNVN ) tiếp tục tuyên truyền phát huy các quyền phụ nữ, bao gồm bình đẳng trong lãnh vực chính trị, kinh tế và pháp lý cũng như bảo vệ phụ nữ không bị chồng ngược đãi. Hội Phụ nữ cũng đã thiết lập những chương trình tín dụng nhỏ và những chương trình khác. VSTBPNVN tiếp tục thực thi chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ của chính phủ vào cuối năm 2010. Những lĩnh vực trọng điểm của chiến lược này chú trọng vào việc đưa thêm phụ nữ vào các chức vụ chủ chốt trong các bộ và Quốc hội. Chiến lược này cũng nhằm vào việc tăng cường tỉ lệ học vấn, tiếp cận giáo dục và y tế.

Trẻ Em

Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.

Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.

Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.

Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.

Theo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.

Tình Trạng Buôn Người

Pháp luật cấm buôn người. Nhưng tệ nạn này vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn đáng quan tâm, đặc biệt là nạn buôn phụ nữ và trẻ cho mục đính mại dâm và buôn nam giới để làm lao động cưỡng bức ở nước ngoài. Không có số liệu thông kê khả tín về số nạn nhân bị bán vào con đường mại dâm. Tuy nhiên có bằng chứng rằng con số nay đang trên đà gia tăng. Trong khi chính quyền cởi mở hơn trong việc phát hiện và trừng phạt các vụ án buôn người, dư luận xã hội trở nên quan tâm hơn về tình trạng này, ghi chú về các vụ án buôn người bị phát hiện, cũng như mức độ xử lý và tuyên án ngày càng nhiều. Trong khi nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, các tổ chức tội phạm chuyên buôn người trong và ngoài nước đã tìm cách lợi dụng sự mở cửa ra thị trường nước ngoài, sự tăng trưởng trong việc sử dụng Internet, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, để dụ dỗ những người nhẹ dạ, từ đó thiết lập những mạng lưới buôn người.

Quốc gia này là nguồn cung cấp đáng chú ý cho các hoạt động buôn người. Phụ nữ chủ yếu bị bán qua Campuchia, Mã Lai, Trung Quốc, Đài Loan, và Nam Hàn để làm mãi dâm. Phụ nữ cũng bị bán sang Hồng Kông, Macau, Thái lan, Indonesia, Anh Quốc, các nước Đông Âu và Hoa Kỳ. Nhiều báo cáo cho rằng các phụ nữ lấy chồng sang Đài Loan, Hồng Kông, Macau, Nam Hàn và Trung Quốc, thực chất ra là nạn nhân của nạn buôn người. Trẻ em và phụ nữ cũng bị mua bán trong nước, thông thường là từ thôn quê lên thành thị. Nam giới thì bị bán trong nội bộ khu vực để làm việc trong lãnh vực xây dựng, nông nghiệp, đánh cá, và những tập đoàn kinh doanh khác.

Có nhiều bản báo cáo tiếp tục cho biết rằng, phụ nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ép làm mãi dâm sau khi lấy chồng nước ngoài, đa phần là ở các quốc gia Á Châu. Có trường hợp phụ nữ bị bán qua Đặc khu Ma Cao với sự tiếp tay của các dịch vụ tại Trung Quốc trá hình là văn phòng giới thiệu hôn nhân, tổ chức lao động quốc tế, hay là trung tâm du lịch. Khi đến nơi, những phụ nữ này bị ép những điều kiện tương tự như lao động khế ước, một số khác thì bị ép làm mãi dâm.

Trẻ em bị bán làm mãi dâm trong nước cũng như ra nước ngoài. Một người hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ ước đoán rằng độ tuổi trung bình của các em gái bị bán vào khoảng 15 đến 17 tuổi. Theo một số báo cáo thì tuổi các em gái bị bán qua Campuchia còn thấp hơn nữa.

Có nhiều trường hợp cá nhân và nhân viên nhà nước bị bắt vì họat động mua trẻ em sơ sinh từ cha mẹ đẻ, sau đó làm giả giấy tờ, rồi chuyển đứa trẻ sang một tỉnh khác, từ đó mang đứa trẻ cho làm con nuôi. Ngoài ra, trong một số trường hợp được ghi nhận, trẻ sơ sinh bị bắt cóc và sau đó bị bán làm con nuôi qua các quốc gia Âu châu, Bắc Mỹ hay Trung Quốc. BCA nhìn nhận rằng tệ trạng bắt cóc và bán trẻ sơ sinh làm con nuôi ngày càng đáng lo ngại, và những trường hợp này được báo chí quan tâm.

Có nhiều trường hợp buôn người làm lao động được ghi nhận. Trong số đó, có người bị bán sang Mã Lai và Thái Lan để làm việc trong các công trình xây dựng, và có người bị bán sang Đài Loan làm lao động đánh cá. Nạn lường gạt và lật lọng trong các hợp đồng lao động ở nước ngoài vẫn còn là một nan giải mặc dù chính phủ đã bắt đầu từng bước điều phối họat động xuất khẩu lao động. LĐTBXH tường trình rằng một số công nhân được các công ty cung ứng lao động quốc doanh tuyển để gửi ra nước ngoài, phải chịu đựng những điều kiện làm việc như những lao động cưỡng bức. LĐTBXH tường trình những trường hợp này xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng ở Mã Lai và Thái Lan (xem phần 6.e).

Trẻ vị thành niên nữ và phụ nữ nghèo, đặc biệt là ở nông thôn, là đối tượng hàng đầu của nạn buôn người. Theo nghiên cứu của BCA và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, những nạn nhân này sống khắp trên cả nước, nhưng tập trung cao ở các tỉnh giáp biên phía bắc và phía nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Thanh Hóa ở miền Trung. Một số bị chính gia đình họ bán làm người giúp việc nhà hoặc bị lạm dụng tình dục. Trong một số trường hợp, kẻ mua người trả cho gia đình vài trăm đô-la để đưa con gái họ sang Campuchia "tìm việc làm". Nhiều nạn nhân bị áp lực mạnh phải kiếm nhiều tiền để phụ giúp gia đình; số khác được hứa hẹn những khoản lương hậu hĩnh. Kẻ buôn người, gia đình, và chủ thường dùng các phương cách như quảng cáo dối, trói nợ, thu giữ giấy tùy thân, hay đe dọa trả về nước.

Những kẻ cơ hội, các đường giây và các băng đảng có tổ chức dụ dỗ phụ nữ nghèo, thường là ở thôn quê với những hứa hẹn cho việc làm hay hôn nhân rồi ép họ phải làm gái mãi dâm. Các vụ buôn người thường liên quan đến những người họ hàng trong gia đình. Chính phủ thông báo là có những nhóm tội phạm có tổ chức đã tham gia việc tìm người, vận chuyển, và các hoạt động buôn người khác.

Luật pháp chỉ định tội bán phụ nữ sẽ bị phạt tù từ 2 đến 20 năm; bán trẻ em phạt tù từ 3 năm đến chung thân cho mỗi vi phạm. Chính phủ đang tiếp tục cố gắng truy tố tội phạm buôn người. Tại Tây Ninh, chính phủ đã phá 4 đường giây buôn người, bắt 11 nghi can, cứu 15 nạn nhân sau hàng lọat những cuộc bố ráp trong khoảng nửa đầu năm. Vào cuối năm, 9 trong số 11 nghi can bị bắt giữ đang chờ ra tòa, và 2 người được thả vì thiếu bằng chứng.

Một ban chỉ đạo trung ương, đứng đầu bởi BCA đã điều phối các nỗ lực của chính phủ trong việc phát hiện, truy tố các vụ án buôn người cũng như giúp đỡ công tác phòng chống và huấn luyện. Cục Cảnh sát Hình sự của BCA, Bộ Tư pháp, Bộ đội Biên phòng và Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội trực thuộc LĐTBXH là những cơ quan chính trong việc chống tệ nạn buôn người, với sự cộng tác quan trọng của Hội Phụ Nữ. Ủy ban này tiếp tục huấn luyện cán bộ trung ương và địa phương phòng chống nạn buôn người. Chính phủ đã phát hành một tài liệu huấn luyên cụ thể để đề phòng và chống nạn buôn người. Tài liệu này được sọan thảo từ góp ý của các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động buôn người, liệt kê những trợ giúp dành cho nạn nhân và giải thích các văn bản pháp lý, luật lệ, chính sách trong và ngoài nước về nạn buôn người. Trong năm nay, lực lượng công an đã chủ động hơn trong công tác điều tra nạn buôn người, bao gồm việc tiếp tục triển khai đội đặc nhiệm về buôn người. Chính phủ báo cáo rằng số lượng vụ án điều ra và xử ly không tăng, nhờ vào sự quan tâm hơn của dư luận cũng như những kẻ buôn người biết rằng chính phủ sẽ truy bắt và đưa ra tòa những ai vi phạm.

Chính phủ tiếp tục áp dụng Chương trình Hành động Quốc gia 2004-10 vào việc phòng chống nạn buôn trẻ em và phụ nữ, cũng như áp dụng luật mới về xuất khẩu lao động và ban hành hướng dẫn về tuyển dụng và minh bạch trong đấu thầu. LĐTBXH ban hành văn bản hướng dẫn cách thức tiếp nhận và giúp đỡ nạn nhân buôn người.

Các tổ chức quần chúng và phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình giáo dục cho những cá nhân có nguy cơ cao để họ cảnh giác về nạn buôn người, và giúp những nạn nhân trẻ em và phụ nữ tái hội nhập vào xã hội. Trong năm qua, các chương trình này đã tiếp tục mục tiêu của chúng là bảo vệ nạn nhân và giúp đỡ nạn nhân tái hội nhập, thông qua các công tác dạy nghề, hỗ trợ tâm lý xã hội, song song với việc củng cố nổ lực phòng chống ở cấp quốc gia và cấp địa phương bằng cách tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao. Các cơ quan chính phủ gồm LĐTBXH và Vụ Gia Đình đã cùng cái tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tiếp tục những chương trình nhằm phòng chống nạn buôn người, nâng cao dư luận xã hội và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chính phủ đã cộng tác với Tổ chức Di trú Thế Giới, Quỹ Á châu, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương, và những tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp cho nạn nhân chỗ tạm trú, giúp đỡ y tế, giáo dục, cho vay, hướng dẫn và giúp tái hội nhập. Những cơ quan an ninh biên phòng được huấn luyện các phương pháp điều tra để phòng chống nạn buôn người.

Chính phủ đã hợp tác với những tổ chức phi chính phủ để bổ sung và củng cố những biện pháp an ninh và các cơ quan chính phủ, đồng thời cộng tác với các chính phủ khác phòng chống nạn buôn người. Họ cũng đã hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia khác trong mạng lưới Interpol, các đối tác trong vùng Á châu, và tổ chức ASEAN. Ngày 24/3, chính quyền đã ký bản ghi nhớ với Thái Lan về chống buôn người, dẫn đến việc gia tăng hợp tác an ninh biên giới, phát hiện và truy tố các vụ án buôn người.

Báo cáo thường niên về tình trạng buôn người của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tại địa chỉ: www.state.gov/g/tip

Người Tàn Tật

Luật pháp yêu cầu nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tàn tật và khuyến khích tạo việc làm cho họ. Những điều khoản phục vụ cho người tàn tật được cải thiện trong năm qua, mặc dù vẫn còn hạn chế.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai việc qui định các công trình giao thông công cộng phải có lối đi cho người tàn tật, đồng thời huấn luyện nhân viên, sinh viên ngành vận tải hiểu rõ những qui định này.

Các kiến trúc công cộng và của chính phủ khi được đại trùng tu hay xây mới, đều phải có lối đi cho người tàn tật. Bộ Xây dựng có những đơn vị giám sát đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Ninh Bình để theo dõi việc thực thi các điều khoản hỗ trợ người tàn tật.

Luật pháp ưu đãi cho những doanh nghiệp tuyển dụng người tàn tật và phạt những doanh nghiệp không hội đủ 2-3% tổng số nhân công là người tàn tật. Tuy nhiên chính quyền đã áp dụng luật này không đồng bộ. Doanh nghiệp có trên 51% nhân viên là người tàn tật sẽ được những khoản vay do nhà nước bảo trợ.

Chính phủ tôn trọng quyền lợi chính trị và xã hội của người tàn tật. Theo luật bầu cử, thùng phiếu sẽ được mang đến nhà những ai không có khả năng đi bầu.

Chính phủ khuyến khích thành lập các hội đoàn giúp đỡ người tàn tật. Việc đánh giá và phát triển các chương trình cấp quốc gia như chương trình giảm nghèo, luật lao động, và hàng loạt chính sách giáo dục khác đều có tham khảo ý kiến của người tàn tật. Ủy ban Phối hợp Quốc gia về Người tàn tật và các thành viên cấp bộ đã hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục và tạo việc làm cho người tàn tật. Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới nhỏ gồm các trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp vật lý trị liệu cho những người tật nguyền. Nhiều địa phương, cơ quan chính phủ, và các trường đại học tổ chức các chương trình đặc biệt dành riêng cho người tàn tật.

Các Nhóm Dân Thiểu Số Về Quốc Tịch/Màu Da/Sắc Tộc

Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.

Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.

Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.

Chính quyền đã tiếp tục giải quyết sự bất mãn của các sắc dân tiểu số bằng một số chương trình đặc biệt nhằm cải thiện các cơ sở giáo dục, y tế, mở rộng đường xá, dẫn điện đến vùng xa và các bản làng. Qua một chương trình đặc biệt, nhà cầm quyền đã cấp đất cho các sắc dân thiểu số vùng Cao nguyên miền Trung. Nhưng có nhiều than phiền rằng những chương trình đặc biệt này không được áp dụng công bằng.

Chính phủ có chương trình giáo dục bằng tiếng dân tộc đến hết lớp 5. Nhà nước đã làm việc với nhân viên địa phương để tiếp tục triển khai giáo trình bằng tiếng thiểu số. Nhưng có vẻ như chương trình này chỉ phổ biến ở Cao nguyên miền Trung và bị bỏ ngõ ở các địa phương miền núi phía bắc và tây bắc. Chính phủ đã mở trường đặc biệt cho người thiểu số ở nhiều tỉnh, bao gồm việc tài trợ các trường chuyển tiếp ở cấp trung và tiểu học, mở các chương trình luyện thi, cấp chế độ tuyển sinh đặc biệt, ưu tiên vào đại học. Cũng đã có một số trường kỹ thuật và dạy nghề do nhà nước tài trợ dành cho các dân tộc thiểu số. Nhưng dẫu vậy, trong nhiều trường hợp khả tín, các nhóm dân thiểu số theo đạo Công giáo vẫn bị phân biệt đối xử, dù rằng luật qui định tất cả trẻ em đều được hưởng hệ thống giáo dục phổ cập, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.

Chính phủ có một số chương trình truyền hình và truyền thanh bằng tiếng thiểu số ở một số địa phương. Chính quyền cũng yêu cầu các nhân viên dân tộc Kinh học tiếng thổ ngữ của khu vực họ làm việc. Các chính quyền địa phương tiếp tục các dự án tạo việc làm cho sắc dân thiểu số, giảm chênh lệnh thu nhập giữa người thiểu số và người Kinh, cũng như nâng cao nhận thức của nhân viên chính quyền về văn hóa và phong tục của các sắc dân thiểu số.

Chính phủ ưu đãi các công ty ngoại quốc và trong nước nếu đầu tư vào các vùng thượng du, nơi tập trung đông đảo các sắc tộc thiểu số. Chính phủ cũng tiếp tục những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nhắm vào các khu vực có nhiều người thiểu số nghèo sinh sống, cũng như mở rộng nông nghiệp vào các vùng sâu.

Những Lạm Dụng và Kỳ Thị Khác Trong Xã Hội

Những cá nhân từng bị đi học tập cải tạo vì có dính líu với chính quyền cũ trước năm 1975, tiếp tục cáo giác rằng trong khi tìm việc làm, nhà cửa, cơ hội học tập, họ vẫn bị chính quyền và xã hội phân biệt đối xử ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù vậy những trường hợp phân biệt đối xử như vậy đã giảm đi đáng kể nhờ những cấm đoán trước đây đang dần được bãi bỏ và tỉ lệ cựu quân nhân trong lực lượng lao động giảm sút.

Không có bằng chứng cho thấy nhân viên chính quyền kỳ thị những người bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng những người này vẫn bị xã hội xa lánh. Theo những báo cáo khả tín, bệnh nhân HIV bị sa thải hay bị kỳ thị ở nơi làm việc hoặc nơi cư ngụ, nhưng tình trạng này ngày càng ít đi. Một số trường hợp cá biệt, trẻ em nhiễm HIV bị cấm đến trường, dù như vậy là trái luật. Với sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân nước ngoài, chính quyền các cấp trung ương và địa phương đã từng bước chữa trị, giúp đỡ và nuôi dưỡng các bệnh nhân HIV, cũng như làm giảm đi ác cảm và kỳ thị từ xã hội. Dẫu vậy nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức tôn giáo đôi khi được cho phép hoạt động trong lãnh vực này.

Có sự hiện hữu của giới đồng tính, nhưng đa phần không công khai. Dư luận ít quan tâm đến sự đồng tính, và hầu như không có dấu hiệu kỳ thị giới tính.
Phần 6: Quyền Lợi của Người Lao Động

a. Quyền Tham Gia Hội Đoàn

Người lao động có thể lựa chọn tuỳ ý tham gia vào công đoàn các cấp (địa phương, tỉnh, hoặc quốc gia) mà họ muốn; tuy nhiên, tất cả các công đoàn đều trực thuộc kiểm soát của một công đoàn duy nhất, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN). TLĐLĐVN là một tổ chức liên kết rộng lớn dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, công nhận và quản lý nhiều chi nhánh công đoàn lao động cho từng địa phương và ngành nghề. Người lao động không được tự do tham gia hay thành lập bất cứ hội nhóm nào ngoài tầm kiểm soát của TLĐLĐVN.

Theo số liệu thống kê tháng 8 2008, TLĐLĐVN có hơn 6,2 triệu thành viên, khoảng 39% của tổng số 16 triệu lao động có lương trong cả nước. Trong 6,2 triệu thành viên này, 36,5% làm việc trong biên chế nhà nước, 33,1% làm việc trong các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, và 30,4% làm việc trong lĩnh vực tư nhân. TLĐLĐVN ước tính liên đoàn đại diện cho 95% người lao động trong biên chế nhà nước, và 90% người lao động trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Khoảng 1,7 triệu thành viên công đoàn làm việc trong lĩnh vực tư nhân, tính luôn hơn 700.000 người trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thành viên công đoàn đóng niên liễm bắt buộc 1% tổng số tiền lương, và người chủ lao động phải đóng góp 2%. Quỹ đóng góp này trên nguyên tắc nhằm hỗ trợ người lao động và các hoạt động công đoàn, nhưng không ai biết rõ thực sự quỹ được sử dụng ra sao. Phần lớn lực lượng lao động không tham gia công đoàn và không đóng niêm liễm công đoàn. Hầu hết 34 triệu trong tổng số 45,3 triệu người lao động sống ở vùng nông thôn, làm ruộng cá thể, hoặc làm việc trong các công ty tư nhân nhỏ cũng không có công đoàn đại diện.

Lãnh đạo của TLĐLĐVN có ảnh hưởng quan trọng trong nhiều quyết định, chẳng hạn như sửa đổi luật lao động, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, và thiết lập tiêu chuẩn y tế, an toàn, mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, TLĐLĐVN cho rằng chính quyền đã không luôn luôn truy tố các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ LĐTBXH đã công nhận thiếu sót trong việc kiểm tra hệ thống lao động, nhấn mạnh rằng Việt Nam không có đủ kiểm soát viên để thanh tra lao động. TLĐLĐVN, với xác nhận của Bộ LĐTBXH, đã cho rằng mức phạt thấp đối với các công ty vi phạm luật lao động đã không có hiệu quả trong việc ngăn chặn các vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công Nông (HHĐKCN) bị kết án vào tháng 12 2007 theo Điều 258 bộ luật hình sự, trong đó nghiêm cấm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân", ông Đoàn Huy Chương đã được trả tự do ngày 13 tháng 5 sau khi mãn hạn giam giữ; ông Nguyễn Tấn Hoành cũng đã được trả tự do trong tháng 5. Ngày 25 tháng 2, tòa phúc thẩm giữ nguyên án ba năm tù treo đối với bà Nguyễn Thị Tuyết. Ông Lê Văn Sỹ nghe nói được trả tự do hồi tháng 3 2007; đến cuối năm rồi vẫn chưa ai biết tình trạng của hai thành viên khác của TNTĐCCVN - ông Nguyễn Toàn và ông Lê Bá Triết - ra sao.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu nhà báo và người sáng lập Liên đoàn Lao động Quốc tế Việt Nam (LĐLĐQTVN), vẫn còn bị theo dõi và quản lý tại gia chặt chẽ. Vào tháng 8 ông bị cấm ra nước ngoài để chữa bệnh. Trong suốt cả năm, công an đã tạm giam ông Nguyễn Khắc Toàn vài lần và đã tịch thu máy vi tính cùng các thiết bị cá nhân khác của ông. Nhà nước vẫn không hợp pháp hóa LĐLĐQTVN, do ông Toàn lập ra trong năm 2006 để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Mọi cuộc đình công nếu không phát sinh từ một tranh chấp lao động tập thể hoặc vì các vấn đề ngoài mối liên hệ lao động đều bất hợp pháp. Trước khi được phép tổ chức đình công hợp pháp, người lao động phải đi khiếu nại đến một hội đồng hòa giải (hoặc hội đồng hòa giải cấp quận/huyện, khi nơi làm việc không có tổ chức công đoàn); khi không đạt được giải pháp, các khiếu nại phải được gửi đến một hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện người lao động khi nơi làm việc không có công đoàn) có quyền kháng cáo các quyết định của Hội đồng trọng tài cấp tỉnh đến các toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc quyết định đình công. Mỗi cá nhân cũng có thể khiếu nại trực tiếp đến hệ thống tòa án nhân dân, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ có thể làm như vậy sau khi đã cố gắng nhưng không hoà giải được. Tu chính án của hiến pháp cũng qui định khi đình công, người lao động sẽ không được trả tiền lương như trong lúc làm việc.

Luật lao động nghiêm cấm đình công trong 54 ngành, nghề nghiệp và các doanh nghiệp phục vụ cho công chúng hoặc chính phủ cho là đóng vai trò trọng yếu cho nền kinh tế quốc dân và quốc phòng. Một nghị định đã định nghĩa các doanh nghiệp bao gồm những công ty sản xuất điện; bưu điện và viễn thông, đường sắt, hàng hải, và giao thông vận tải hàng không, ngân hàng, công trình công cộng, và các ngành công nghiệp dầu khí. Luật pháp cho phép Thủ tướng được quyền chấm dứt các cuộc đình công được cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh công cộng.

Vào ngày 30 tháng 1, nhà nước ban hành một nghị định về đình công "tự phát", tuyên bố rằng các cá nhân tham gia đình công trái với quyết định của tòa án nhân dân phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại do cuộc đình công gây ra cho chủ sử dụng lao động.

Hầu hết các cuộc đình công thường không theo các qui trình hoà giải và trọng tài và đã được coi là đình công tự phát. Số lượng đình công tự phát trong năm qua đã gia tăng đáng kể, với hơn 90% xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận. Theo qui định của pháp luật, các cuộc đình công này không hợp pháp, nhưng nhà nước vẫn để chúng xảy ra và không có hành động gì đối với người đình công. Pháp luật ngăn cấm trả thù người đình công, và hiện nay chưa có báo cáo nào về các việc trả thù này có hay không. Trong một vài trường hợp, nhà nước đã có biện pháp kỷ luật chủ sử dụng lao động vì những vi phạm pháp luật dẫn đến việc đình công, nhất là đối với các công ty vốn nước ngoài.

b. Quyền Tổ Chức Công Đoàn và Thương Lượng Tập Thể

Theo luật định các chi nhánh cấp tỉnh hay cấp thành phố của TLĐLĐVN có trách nhiệm tổ chức công đoàn trong vòng sáu tháng sau khi một doanh nghiệp mới được thành lập, và thành phần lãnh đạo doanh nghiệp phải hợp tác với công đoàn. Trong thực tế chỉ có 85% các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và 30% các doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn.

Luật lao động đòi hỏi doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên tham gia công đoàn và cấm doanh nghiệp phân biệt đối xử đối với nhân viên tham gia vào một công đoàn; nhưng trên thực tế các luật này không được tuân theo đồng bộ.

Pháp luật qui định các công đoàn chi nhánh của TLĐLĐVN có quyền đại diện người lao động để thương lượng tập thể. Tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi phải thông qua hội đồng hòa giải, và khi các hội đồng hòa giải không thể giải quyết vấn đề, tranh chấp được chuyển qua chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để giải quyết. Vào tháng 7 đã có vài sửa đổi luật lao động trong đó phân biệt các vấn đề tôn trọng luật pháp (phù hợp với qui định của pháp luật) và những vấn đề về quyền lợi (ngoài những gì pháp luật qui định), đặt ra thủ tục khác nhau cho cả hai. Luật pháp qui định rõ rệt các bước phải theo trong quá trình hòa giải và phân giải, trước khi người lao động được đình công.

Trong khi pháp luật không cho phép tổ chức công đoàn độc lập, một bản sửa đổi trong năm 2007 khẳng định rằng khi doanh nghiệp đang nói đến không có công đoàn, các thương lượng về các tranh chấp có thể được chỉ đạo và tổ chức bởi "chủ thể có liên quan" bao gồm đại diện của người lao động. Mặc dù qui định của pháp luật cho phép "hoạt động công đoàn," đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như đang đình công, TLĐLĐVN phải thành lập một công đoàn chính thức trong vòng sáu tháng. Có ít bằng chứng cho thấy những người lãnh đạo hoặc các tổ chức hoạt động trong sáu tháng chờ đợi được tiếp tục hoạt động hoặc được công nhận sau đó.

Không có các văn bản pháp luật đặc biệt hoặc văn bản miễn giảm luật lao động hiện hành cho các khu chế xuất, và các khu công nghiệp. Có rải rác vài bằng chứng nhà nước thi hành luật pháp tích cực bên trong các khu chế xuất và khu công nghiệp hơn bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có vài nguồn tin khả tín cho rằng rằng người sử dụng lao động trong các khu vực này thường không tôn trọng quyền người lao động và sử dụng các hợp đồng lao động ngắn hạn nhằm tránh các yêu cầu thiết lập công đoàn luật lệ.

c. Ngăn Cấm việc Cưỡng Bức hoặc Bắt Buộc Lao Động

Qui định của pháp luật ngăn cấm cưỡng bức và bắt buộc lao động, bao gồm đối với trẻ em; tuy nhiên, nhiều báo cáo cho biết tình trạng cưỡng bức và bắt buộc lao động vẫn xảy ra.

Tù nhân thường xuyên bị bắt buộc làm việc không lương hoặc được trả lương rất ít. Tù nhân sản xuất lương thực và hàng hoá được sử dụng ngay trong nhà tù hoặc được bán trên thị trường địa phương, được cho rằng để đổi lại đồ tiêu dùng cá nhân cho tù nhân.

Qua việc tăng trưởng nhanh của ngành xuất khẩu lao động, truyền thông báo chí và các nhóm nhân quyền quốc tế khuyên chính phủ không nên phát triển quá nhanh xuất khẩu lao động mà không có một chương trình hiệu quả bảo vệ người lao động. Các tổ chức này nêu ra việc ngày càng có nhiều người lao động phải đóng hơn 165 triệu đồng (khoảng 10,000 USD) cho một cơ hội làm việc ở nước ngoài. Số lệ phí lớn đến mức hầu hết người lao động chỉ có thể trả hết sau khi làm việc và dành dụm từ một đến hai năm ở nước ngoài. Có nhiều thông tin về tình trạng cầm chân người lao động, tình trạng buôn người liên quan đến hoạt động mãi dâm và việc thiếu giúp đỡ cho người lao động trong lúc khó khăn, và kín đáo chỉ ra tình trạng ăn chia lợi lộc của nhiều cơ quan môi giới hợp pháp của nhà nước. Nhiều ăn chia này đã được phát giác sau này. Quyết định năm 2007 của nhà nước về quản lý lệ phí môi giới lao động cùng với Luật Xuất khẩu Lao động năm 2006, có hiệu lực kể từ tháng 7 năm 2007, được đặt ra để giải quyết các tệ nạn trong môi giới lao động và để giúp đỡ, cung cấp thông tin cho nạn nhân của nạn buôn người. Mặc dù hệ thống tư pháp vẫn chưa đáp ứng đáng kể trong việc cung cấp thông tin hay giúp đỡ cho nạn nhân của nạn buôn người, nhà nước đã có vài hành động đối với các công ty lừa lọc trong xuất khẩu lao động. Trong tháng 6 nhà nước đã thu hồi giấy phép hoạt động của 16 công ty xuất khẩu lao động đã vi phạm qui định của pháp luật.

d. Cấm Sử Dụng Lao Động Trẻ Em và Tuổi Tối Thiểu của Người Lao Động

Sử dụng trẻ em trong lao động còn một vấn đề nan giải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có 72% dân số. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng trẻ em trong lao động, nhưng có vài trường hợp ngoại lệ cho một số loại công việc. Pháp luật qui định tuổi tối thiểu cho tham gia lao động là 18, nhưng các doanh nghiệp có thể thuê trẻ em giữa 15 và 18 tuổi nếu doanh nghiệp được sự chấp thuận của cha mẹ và của bộ LĐTBXH. Trong năm 2006 bộ LĐTBXH báo cáo có khoảng 30% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi đã tham gia một số hoạt động kinh tế, thường là trong công việc đồng áng gia đình hay trong các doanh nghiệp ngoài khuôn khổ của luật lao động.

Theo pháp luật, người chủ sử dụng lao động phải đảm bảo nhân viên dưới 18 tuổi không được làm các công việc nguy hiểm hoặc các công việc có thể gây tổn hại cho sự phát triển về thể chất hay tinh thần. Các ngành nghề bị cấm được ghi rõ trong qui định của pháp luật. Pháp luật cho phép các trẻ em từ 13 tuổi đăng ký ở các trung tâm dạy nghề. Trẻ em có thể làm việc tối đa 7 giờ mỗi ngày và 42 giờ mỗi tuần, và phải được chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

Ở nông thôn trẻ em chủ yếu làm việc trên đất đai của gia đình và các việc đồng áng hay việc nhà. Đôi khi trẻ em bắt đầu làm việc từ khi lên 6 và đến 15 tuổi đã gánh vác công việc như một người lớn. Đặc biệt trong mùa gieo trồng hay mùa thu hoạch, vài cha mẹ giữ không cho trẻ em đi học. Ở thành phố trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu hoặc đánh giày, bán vé số, hay bán báo ngoài đường phố. Tình trạng nhập cư từ nông thôn đến các thành thị làm vấn đề lao động trẻ em càng nan giải, bởi vì người nhập cư trái phép đã không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố. Do vậy, con cái của họ không thể đi học trong hệ thống giáo dục công cộng, và các gia đình này cũng khó vay mượn tiền bạc. Quan chức nhà nước cho biết trong các trung tâm giáo dục và dinh dưỡng, tương đương với các trường đặc biệt hay trại cải huấn trẻ vị thành niên, trẻ em bị giam giữ thường được giao việc làm với "mục đích giáo dục."

Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm về thực hiện pháp luật và các chính sách về sử dụng trẻ em trong lao động. Quan chức chính phủ có thể bắt đóng phạt, hay trong các trường hợp vi phạm hình sự, có thể truy tố người chủ về tội vi phạm luật sử dụng lao động trẻ em. Mặc dù không hỗ trợ đủ nguồn lực để thi hành đầy đủ các văn bản pháp luật qui định về an toàn của trẻ em, đặc biệt là cho trẻ em làm việc tại các hầm mỏ và giúp việc trong nhà, nhà nước cũng đã phát hiện một số trường hợp bóc lột trẻ em, cứu các em ra khỏi tình trạng bị bóc lột, và phạt những người chủ lao động.

Các nhà tài trợ quốc tế đã nhắm đến vấn đề lao động trẻ em. Nhà nước cũng tiếp tục các chương trình nhằm dẹp bỏ vấn nạn về lao động trẻ em, chú trọng vào các gia đình nghèo khổ và trẻ mồ côi.

e. Điều Kiện Làm Việc Hợp Lý

Pháp luật yêu cầu chính phủ thiết lập bản lương tối thiểu, được điều chỉnh theo giá lạm phát và các thay đổi kinh tế khác. Lương tối thiểu chính thức cho lao động không tay nghề ở các liên doanh đầu tư của nước ngoài hay ở các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài là một triệu đồng mỗi tháng (khoảng 61 USD) trong các quận nội thành của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 900.000 đồng (55 USD) trong các huyện ngoại ô của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và ở một số khu công nghiệp, thị xã, và 800.000 đồng (48 USD) ở các nơi khác. Nhà nước có thể tạm thời miễn cho một số doanh nghiệp phải trả mức lương tối thiểu trong vài tháng đầu hoạt động, hoặc miễn cho các doanh nghiệp nằm trong các vùng sâu vùng xa, nhưng lương tối thiểu hàng tháng trong các trường hợp này không được thấp hơn 800.000 đồng (48 USD ). Lương tối thiểu chính thức hàng tháng cho lao động không tay nghề trong lĩnh vực nhà nước khoảng 540.000 đồng (34 USD). Đối với người lao động làm việc cho các công ty quốc gia, làm nông, hoặc giúp việc nhà, lương tối thiểu chính thức khoảng 620.000 đồng (38 USD) ở các vùng đô thị và 540.000 đồng (34 USD) tại các vùng nông thôn. Số tiền này không đủ sống trong tình trạng lạm phát cao trong năm qua.

Nhà nước qui định 40 giờ làm việc trong tuần cho nhân viên của chính phủ và nhân viên của các công ty trong lĩnh vực nhà nước, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp khu tư nhân và các tổ chức quốc tế, nước ngoài có sử dụng người lao động trong nước giảm số lượng các giờ làm việc trong tuần còn 40 giờ, nhưng không bắt buộc phải tuân theo.

Pháp luật qui định giờ làm việc bình thường là tám giờ mỗi ngày, với thời gian nghỉ ngơi bắt buộc 24 giờ mỗi tuần. Giờ làm thêm được trả phụ trội 150% lương căn bản, 200% khi phải làm việc trong ngày nghĩ trong tuần, và 300% khi phải làm việc vào ngày lễ hoặc những ngày nghỉ được trả lương. Pháp luật giới hạn giờ làm thêm bốn giờ mỗi tuần và 200 giờ trong một năm, nhưng đặc cách các trường hợp đặc biệt có thể lên đến 300 giờ làm thêm hàng năm, tùy thuộc vào quyết nghị của nhà nước sau khi đã tư vấn với TLĐLĐVN và đại diện của chủ lao động. Pháp luật cũng qui định thời gian nghỉ hàng năm được hưởng lương cho nhiều loại công việc. Tuy nhiên không ai biết nhà nước đã bảo vệ hay thi hành những qui định trên đến đâu.

Theo pháp luật, lao động nữ không thể bị cho nghỉ việc vì lý do đính hôn, mang thai, nghỉ hậu sản, hoặc phải chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi, trừ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Lao động nữ đang mang thai qua tháng thứ bảy hoặc đang chăm sóc cho trẻ em dưới một tuổi có thể không bị buộc làm thêm giờ, làm ban đêm, hoặc làm ở các địa điểm cách xa nhà của họ. Tuy nhiên không ai biết rõ nhà nước thi hành các qui định này tới đâu.

Pháp luật yêu cầu chính phủ ban hành qui tắc và qui định nhằm bảo đảm an toàn lao động. Bộ LĐTBXH cùng với các ủy ban nhân dân và các công đoàn địa phương chịu trách nhiệm thi hành các qui định, nhưng vì thiếu kinh phí và nhân viên thanh tra chuyên nghiệp, qui định pháp luật không được thực thi đầy đủ. Tai nạn nghề nghiệp do thiếu sức khoẻ và thiếu các điều kiện an toàn tại nơi làm việc là một vấn đề nan giải. Rất nhiều tai nạn nghề nghiệp gây ra bởi máy móc thiết bị như máy quay, máy cán ép.

Pháp luật qui định người lao động có thể từ chối các công việc nguy hiểm mà không sợ bị sa thải, tuy nhiên không ai biết rõ qui định này được thực thi ra sao. Bộ LĐTBXH khẳng định đã không có người lao động nào khiếu nại người chủ lao động không tuân theo qui định của pháp luật.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Bộ LĐTBXH về điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ đến trung bình, hơn 80% chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động, 8% có điều kiện làm việc tồi tệ, và 90% sử dụng máy móc và thiết bị quá hạn sử dụng. Người lao động thường phải làm việc trong môi trường độc hại - 31% làm việc trong điều kiện rất nóng, 24% làm việc trong môi trường ồn quá mức, và 17% trong những nơi nhiều bụi bặm.

Hết
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ
 
So sánh Báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam giữa Bộ ngoại giao VN và Mỹ
Đinh Từ Thức
22:53 05/05/2009
So sánh Báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam
của Bộ Ngoại giao Việt Nam và của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ


Cơ quan đặc trách về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trước đây chỉ là một Ủy hội (Commission), trực thuộc Hội đồng Kinh tế Xã hội. Năm 2005, Đại Hội đồng LHQ đã quyết định sửa Hiến chương, và nâng Ủy hội thành Hội đồng Nhân quyền, HRC (Human Rights Council), gồm 47 quốc gia hội viên, từ ngày 15 tháng 3, 2006.

Sau hơn một năm làm việc, vào ngày 18 tháng 6, 2007, HRC chấp thuận một số biện pháp mới, nhằm mục đích thực thi nhân quyền trên toàn thế giới. Một trong các biện pháp này là thể thức “Kiểm điểm định kỳ”, viết tắt là UPR (Universal Periodic Review). Theo thể thức mới này, bắt đầu từ năm nay, tất cả 192 quốc gia hội viên LHQ, cứ bốn năm một lần, phải báo cáo về thực trạng cũng như các biện pháp để bảo vệ nhân quyền tại nước mình, trước đại hội của Hội đồng họp tại trụ sở chính ở Genève. Trong dịp này, nước báo cáo có thể bị các thành viên của Hội đồng, cũng như các tổ chức ngoài chính phủ trên thế giới hoặc từ nước mình chất vấn.

Đại diện Việt Nam chính thức trình bầy “Báo cáo nhân quyền” của mình vào ngày 8 tháng 5, 2009. Trước đó, theo thể lệ, Hà Nội đã công bố bản báo cáo này vào ngày 23 tháng 4, trên website của Bộ Ngoại giao, để dư luận có đủ thì giờ chuẩn bị phản bác.

Có vài điều đáng chú ý về báo cáo của Việt Nam:

1. Mọi người đều biết, Đảng Cộng sản nắm vai trò độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam, trên cơ sở luật pháp (Điều 4 HP), cũng như trên thực tế. Người dân thường được nghe trong các bài diễn văn “nhờ Đảng và Chính phủ”; các biểu ngữ chăng khắp nơi vào mỗi dip Tết cũng “Mừng Đảng, Mừng Xuân”. Nhưng suốt từ đầu tới cuối bản báo cáo dài 20 trang, không có chữ nào đề cập tới vai trò của Đảng. Tại sao? Người ta thường nói “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, phải chăng vì quá biết mình, nên Đảng lặn kỹ?

2. Hầu như mọi điều trong báo cáo của Việt Nam đều tốt đẹp. Có vài điều khó khăn, được coi là do hậu quả chiến tranh để lại. Tuy nhiên, hai tháng trước, ngày 25 tháng 2, 2009, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về nhân quyền tại tất cả các nước trên thế giới, trong đó, phần nói về Việt Nam dài tới 38 trang, với nhận xét chung là tình trạng nhân quyền tại Việt Nam “chưa thỏa mãn”.

Cùng nói về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, mà hai bản báo cáo nói trái ngược nhau. Sự thật chỉ có một. Vậy, giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chắc chắn có một bên báo cáo láo. Người viết xin nêu ra một số trích dẫn sau đây, để mời bạn đọc đóng vai quan tòa, xem bên nào nói láo:

Việt Nam báo cáo:

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra với các chức năng lập hiến, lập pháp, hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà nước. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và kể cả của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Các cuộc bầu cử gần đây nhất để lựa chọn các thành viên của Quốc hội đã được tổ chức vào tháng 5, 2007. Các cuộc bầu cử đã không tự do và cũng không công bằng, do toàn bộ các ứng viên đều do MTTQ lựa chọn và đề cử. Mặc dù ĐCSVN đã thông báo trước đấy rằng một số lượng lớn ứng cử viên “độc lập” (những người không liên kết với một tổ chức hoặc một nhóm nào) sẽ được tham gia ứng cử, tỉ lệ ứng cử viên tự do chỉ hơi cao hơn lần bầu cử năm 2002. ĐCSVN đã đồng ý cho 30 ứng cử viên “tự đề cử”, gồm những người không có sự ủng hộ của chính phủ nhưng được phép ứng cử. Đã có báo cáo đáng tin cậy rằng cán bộ Đảng đã gây áp lực để nhiều ứng cử viên tự đề cử từ bỏ ý định tranh cử hoặc viện ra lý do là họ “không đủ điều kiện” để tranh cử.

Việt Nam báo cáo:

Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng việc bảo đảm cho mọi người dân quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao (hơn 99%) tại kỳ bầu cử Quốc hội khoá XII, tháng 5/2007, cho thấy người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền của mình và vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Theo chính phủ, đã có hơn 99% của 56 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử đã tham gia bỏ phiếu, một con số mà các nhà quan sát quốc tế đã cho rằng quá cao và thiếu cơ sở. Cử tri được chính quyền cho phép bỏ phiếu hàng loạt giùm cho các người khác, và chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đi bầu phải tham gia bằng cách tổ chức bầu theo nhóm và toàn bộ cử tri trong khu vực được ghi nhận là đã bỏ phiếu. Việc làm này được xem là làm mất đi sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.

Việt Nam báo cáo:

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý tổng thể mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như đảm bảo việc thực thi Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật cũng như mọi lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương thông qua cơ quan chấp hành là Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ra.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm trong tay ĐCSVN, và Hiến pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Những phong trào đối kháng hoặc các tổ chức chính trị đều không hợp pháp. Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan công quyền tối cao mặc dù đúng ra phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Trung ương ĐCSVN.

Việt Nam báo cáo:


Với các chức năng tư pháp, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.

Việt Nam báo cáo:

Tính minh bạch và dân chủ của hệ thống Nhà nước cũng được tăng cường thông qua vai trò phản biện xã hội của hệ thống báo chí, truyền thông và các đoàn thể nhân dân. Báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân và là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam…

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đã có sự đổi mới tích cực. Từ 2006 đến 2008, tỷ lệ giải quyết tố cáo khiếu nại của các cơ quan hành chính đạt 83,2%; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương 92,5%. Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp qui định tội hình sự đối với quan chức thức tham nhũng; tuy nhiên chính phủ đã không luôn thực hiện các luật định một cách hiệu quả và đôi khi cán bộ tham nhũng được bao che. Tham nhũng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng…

Bộ luật chống tham nhũng cho phép công dân được công khai khiếu nại về sự làm việc thiếu hiệu quả của chính phủ, thủ tục hành chính, tham nhũng, và chính sách kinh tế. Trong những lần trao đổi trực tuyến qua mạng với lãnh đạo cấp cao của chính phủ, công dân đã đặt thẳng những câu hỏi về những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem việc công khai chỉ trích chính trị là phạm pháp, trừ khi những lời chỉ trích đã được kiểm soát bởi chính quyền. Nỗ lực tổ chức những người có khiếu nại để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả đã được xem như là hoạt động chính trị trái phép và và có thể bị bắt bớ…

Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền Nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.

Việt Nam báo cáo:

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện…

ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do Đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của Đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu…

Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó…

Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng…

Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm”…

Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự về việc “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.

Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên…

Việt Nam báo cáo:

Quyền lập hội của người dân được bảo vệ bằng các đạo luật quan trọng và nhiều văn bản dưới luật liên quan, cụ thể là tại Điều 69 Hiến pháp 1992, và tại Nghị định số 88/ 2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Ở Việt Nam hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố (so với 115 vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương, và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do Đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền…

Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm.

Việt Nam báo cáo:

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Bên cạnh Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 đang được tích cực triển khai, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em cũng được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho trẻ em ngày càng được hưởng đầy đủ hơn các quyền của mình. Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng đã được triển khai khá hiệu quả (khoảng 8,4 triệu trẻ, chiếm trên 90% trẻ em dưới 6 tuổi, được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí). Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ngày càng cao (năm học 2005 - 2006, tỷ lệ học sinh tiểu học đạt 95,04%, trung học cơ sở đạt 80,3%); tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần; nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi được dành cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em di cư, trẻ em người dân tộc thiểu số… Cơ bản đã tạo được môi trường vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em (có khoảng 40% xã, phường và 80,3% số quận, huyện có điểm vui chơi cho trẻ em; 100% thư viện cấp tỉnh và 30% ở cấp huyện có phòng đọc dành cho trẻ em…). Trẻ em được tạo điều kiện bày tỏ ý kiến, tham gia vào hoạt động văn hóa, xã hội ở trường học và cộng đồng thông qua các diễn đàn quốc gia, quốc tế, Đội Thiếu niên Tiền phong, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ…

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.

Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.

Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.

Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.

Việt Nam báo cáo:

Việt Nam luôn cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một công cụ quan trọng để tiến tới công bằng và phát triển bền vững…

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo các quyền của phụ nữ. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 25,76% (nhiệm kỳ 2007-20011), đứng thứ 4 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 83% nữ giới trong độ tuổi lao động có việc làm. Phụ nữ có mặt ở hầu hết các cơ quan hành chính và doanh nghiệp Nhà nước, với 68,7% cán bộ công chức và 30% chủ doanh nghiệp là nữ. Phụ nữ còn tham gia tích cực trong các tổ chức chính trị-xã hội và chiếm khoảng 30% trong ban chấp hành các cấp. Phụ nữ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/quyền sở hữu nhà ở cùng với người chồng, được hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong vấn đề quốc tịch. Tỷ lệ biết chữ ở người lớn của nữ là 91%; 30% số người có trình độ sau đại học là nữ. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73 trong khi nam giới là 70. Phụ nữ có quyền được nghỉ 4 tháng sau khi sinh con, hưởng nguyên lương và được phụ cấp thêm 1 tháng lương nữa.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.

Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.

Việt Nam báo cáo:

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ…

Việt Nam đang triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình Hỗ trợ Đất Sản xuất, Đất ở, Nhà ở và Nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134) và Chương trình Phát triển Kinh tế-Xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Việc triển khai các chương trình này đã góp phần nâng cao rõ rệt đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa; cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với khoa học, kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, nâng cao ý thức trách nhiệm và đóng góp của người dân trong việc thúc đẩy phát triển và thu hẹp khoảng cách vùng miền. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra các chính sách trợ cước trợ giá, cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ một số dân tộc thiểu số có số dân rất ít người, cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho người dân ở vùng khó khăn.

▬ Hoa Kỳ báo cáo:

Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.

Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.

Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.

***

Trích dẫn bằng đó, xét ra đã quá đủ để quý độc giả có cơ sở ra phán quyết bên nào nói láo. Nếu quý vị thấy Hoa Kỳ nói láo, thì chắc là hơn trăm triệu cử tri Hoa Kỳ cũng thấy như vậy, và trong cuộc bầu cử tới, họ chỉ việc cho ê-kíp Obama về vườn, là xong.

Nếu quý vị kết luận là Việt Nam nói láo, thì hơi phiền. Theo báo cáo của Hoa Kỳ: “Hiến pháp [Việt Nam] không cho công dân quyền thay đổi chính phủ của họ một cách hoà bình, và công dân không thể tự do lựa chọn việc thay đổi pháp luật và nhân sự của nhà nước đương quyền”. Vậy, chỉ còn giải pháp dễ dãi hơn cả, là 86 triệu dân tiếp tục bị tập đoàn nói láo cai trị (?).

Tài liệu tham khảo:
Trích dẫn Báo cáo của Việt Nam lấy từ website của Bộ Ngoại giao Việt Nam; trích dẫn Báo cáo của Hoa Kỳ theo bản của X-Café dịch từ tài liệu trên website của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.


Ngày 05/05/2009
 
Thông Báo
Ghi Danh tham dự Hành Hương Đức Mẹ La Vang 16-20 tháng 6, 2009
LM Nguyễn Đức Vượng
06:01 05/05/2009

Ghi Danh tham dự Hành Hương Đức Mẹ La Vang 16-20 tháng 6, 2009



Hoa Thịnh Đốn ngày 5/5/2009:


Kính gửi quý Cha Xứ, Linh Mục quản nhiệm và quý Cộng Đoàn Giáo Dân,

Chương trình hành hương Đức Mẹ La Vang sẽ có 3 thánh lễ ngày thứ năm 18/6/09, thứ sáu 19/6/09 và thứ bẩy 20/6/09.

  • 1. Xin quý cộng đoàn ghi danh để tham gia vào các công tác sau đây: Đọc Sách Thánh, Dâng Của Lễ, Trật Tự, Thâu Tiền…
  • 2. Xin cho biết tên của các vị được đề cử để cho vào chương trình Phụng Vụ ba ngày nói trên.
  • 3. Xin cho biết số lượng người dự trù sẽ tham dự Hành Hương Đức Mẹ La Vang để tiện việc sắp xếp. Ưu tiên cho các cộng đoàn ghi danh trước. Hạn chót ngày 20/5/09.
  • 4. Xin ghi rõ muốn tham gia vào thánh lễ ngày nào?
  • 5. Xin mang theo bảng hiệu và cờ hiệu của cộng đoàn hay hội đoàn
Chân thành cảm ơn

TM Ban Tổ Chức

LM Nguyễn Đức Vượng (vuongduc@yahoo.com)

GS Bùi Hữu Thư (thumaibui@yahoo.com)
 
Du Ngoạn nhân dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tháng 6 tại Hoa Thịnh Đốn:
Bùi Hữu Thư
06:32 05/05/2009

Du Ngoạn nhân dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tháng 6 tại Hoa Thịnh Đốn:



Các Hang Động Đá Vôi Luray, Virginia Được Xếp Hạng Trong số 10 Hang Động đẹp nhất Hoa Kỳ


Bên trong Giáo Đường của Hang Luray có một đàn Organ độc đáo. Kỹ sư và nhạc sĩ phong cầm Leland Sprinkle đã tỉ mỉ cẩn thận thử âm thanh của 37 thạch nhũ stalactites, rồi gắn các búa bọc cao xu bên cạnh. Khi ông chơi đàn, các búa này gõ vào các thạch nhũ tạo nên các âm thanh tuyệt vời giống như những tiếng chuông.

Chiếm một khu vực rộng 3 mẫu tây rưỡi, Đàn Organ Stalacpipe được sách tuyên dương các kỷ lục thế giới là sách Guinness Book of World Records ghi nhận là chiếc đàn thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Rất nhiều cặp hôn nhân đã ghi danh để được cử hành thánh lễ hôn phối tại nguyện đường sâu dưới đất này.

Được tạo dựng từ 400 triệu năm về trước, hang động này vẫn tiếp tục phát triển mỗi 120 năm rộng thêm 1 inch.

Hang Luray cử hành Lễ kỷ niệm gia tăng 1 inch năm 1998. Giant's Hall, Căn phòng lớn nhất và sâu nhất trong các hang, được đánh dấu bởi một Cột Đôi Double Column—của hai thạch nhũ trên và dưới dính liền vào nhau (xin nhớ chữ “C” là để chỉ trên trần: on the ceiling) và “G” chỉ dưới đất: on the ground). Cao gần 50 feet, cột này cao hơn 10 chiếc xe được dựng đứng chồng lên nhau.

Các dữ Kiện

Mở cửa: quanh năm

Nhiệt độ dưới hang quanh năm 57 độ Fahrenheit

Vị trí: Bắc Virginia, cách Skyline Drive trên rặng núi Shenandoah 10 phút (mùa thu dân chúng kéo đến đây để xem lá vàng.)

Cần thêm tin tức xin gọi cho Luray Caverns ở số (540) 743-6551 hay vào gia trang www.luraycaverns.com

Các thạch nhũ
Đàn Organ trong giáo đường
Hình chiếc đàn đá
Hình một cột thạch nhũ
Cá thạch nhũ phản ảnh trên mặt nước
 
Văn Hóa
Hãy nói cho dân tôi nghe
Bảo Giang
23:25 05/05/2009
Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn giặc Hồ buôn dân bán nước.
Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn Việt cộng bán nước buôn dân.

Chiều đi lên Nam Quan,
Đạp trên những xác thù.
Tôi đã thấy:
Rừng thay lá, đất đổi màu.
Con chim sâu nhỏ, máu trào qua mỏ,
Mắt ngó về Nam, ngã lìa đàn, thất thanh:
Ôi lịch sử nghìn năm Bình Ngô Đại Cáo,
Nay gặp thời chồn cáo,
Thịt Nam Quan không còn liền xương mẹ.
Cánh chim non mất tổ mất nhà.

Chiều đi qua Bản Dốc,
Khóc trên những oán hờn
Tôi đã thấy:
Giòng nước tang thương.
Trong khe đá,
bầy Hồ ly bồng bế nhau nhảy múa,
Chúng reo mừng, reo mừng liếm lông mao!
Ôi Bản Dốc, ôi Lão Sơn,
Thác mốc ngàn xưa Bắc, Nam định phận
Nay rừng tàn phơi khố đỏ.
Máu hoà lệ đổ xuống quê hương.
Người dân Việt nằm chết cô đơn.

Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn giặc Hồ buôn dân bán nước,
Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn Việt cộng bán nước buôn dân.

Chiều đi thăm Trường Sa,
khóc trên những sóng vàng,
Tôi đã thấy
hồn chim Việt than khóc quanh đây.
Chiều đi thăm Hoàng Sa,
đứng trên những xác thù,
Tôi đã thấy,
gió ru hồn tử sỹ,
họ là người, thà chết giữ non sông.
Ôi nắng vàng trong biển sóng quê ta,
Mẹ ôm con trong giấc ngủ ngàn năm trước,
Cha nuôi con bằng dòng máu chảy trong lòng
Nay cuối thời chồn cáo tô son
bọn minh đồng cắt sẻ con ra.
Mẹ dặn con chỉ một lời.
Nhớ nước Nam.

Hãy nói cho dân tôi nghe,
thịt xương này là của mẹ của cha,
Hãy nói cho dân tôi nghe,
đất nước này là của toàn dân ta.

Chiều đi lên cao nguyên,
khóc trên những nấm mồ,
Tôi đã thấy,
bọn tàu cộng cắt thịt dân ta.
Chiều đi lên Đắc Nông,
khóc bên mái nhà Rông
Tôi đã thấy,
bọn Việt cộng chôn sống dân ta.
Việt Nam ơi, ai mừng chiến tranh,
Viêt Nam ơi, ai trông hòa bình.
Cùng đứng lên cho vơi dòng lệ,
Cùng đứng dậy diệt cộng, yên dân

Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn giặc Hồ buôn dân bán nước,
Hãy nói cho dân tôi nghe,
bọn Việt cộng bán nước buôn dân.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News