Ngày 18-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những vòng tròn Phục Sinh
Lm. Minh Anh
00:34 18/04/2022

NHỮNG VÒNG TRÒN PHỤC SINH
“Hãy về báo cho anh em Thầy, để họ đến Galilê; họ sẽ được gặp Thầy ở đó!”.

Suy niệm về ngôi mộ trống và việc các môn đệ khóc Thầy, một nhà tu đức viết, “Đừng lãng phí thời gian để cố trở thành người bạn tốt nhất của chính mình! Bạn không thể tự vỗ về; và việc khóc trên vai của chính mình cũng không làm bạn thoả mãn. Hãy trở về ‘những vòng tròn phục sinh’ của bạn; ở đó, bạn sẽ tìm được ‘Một Người Bạn’ thực sự, đôi bờ vai Ngài đang chờ bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hãy trở về ‘những vòng tròn phục sinh!’. Lời Chúa hôm nay; đặc biệt với bài Tin Mừng, mời gọi chúng ta xem mình thuộc về những vòng tròn nào, ‘những vòng tròn phục sinh’, hay ‘những vòng tròn giết chóc!’. Thật thú vị, trình thuật các bài đọc được trình bày thành hai phần rất riêng biệt, phần này tương phản với phần kia. Phần đầu ngập tràn một niềm vui và phấn khích của lễ Phục Sinh; phần sau ẩn tàng một âm mưu đen tối, báng bổ lễ Phục Sinh!

Từ ngôi mộ trống, khi nghe thiên thần báo cho biết, Chúa Giêsu đã sống lại, các phụ nữ tràn đầy kinh ngạc và vui mừng chạy về báo tin cho các tông đồ; niềm vui của họ càng sâu sắc khi chính Chúa Phục Sinh đón gặp các cô, uỷ cho họ sứ vụ chia sẻ tin vui cho những người thân yêu của Ngài. Đọc trình thuật này, chúng ta có cảm giác về một niềm vui đang ngày càng nhân rộng ra như những con sóng làm nên những vòng tròn, vượt ra ngoài vòng tròn kết nối của các phụ nữ, đến vòng rộng hơn của các tông đồ; và vượt ra ngoài họ, vòng kết nối tất cả những ai sẽ trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Và cứ thế, ‘những vòng tròn phục sinh’ này rộng mở. Công Vụ Tông Đồ hôm nay mô tả một trong những vòng tròn đó! Phêrô lên tiếng rao giảng về Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, “Hỡi các người Do Thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe!”.

Và cứ như thế, đã hơn 2.000 năm, ‘những vòng tròn phục sinh’ liên lỉ được hình thành, “khởi đi từ Giêrusalem, Samaria cho đến tận cùng trái đất!”. Tất cả chúng ta thuộc về những vòng tròn rộng lớn hơn đó, vốn làm nên những cộng đoàn phục sinh. Chúa Phục Sinh đang ở giữa chúng ta, Đấng mà Đavít đã tiên báo qua Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát này trong phần mộ!”.

Phần thứ hai của Phúc Âm ẩn tàng một âm mưu đen tối và báng bổ, nhằm dập tắt Tin Mừng Phục Sinh. Được lính tráng báo cho biết “tất cả những gì đã xảy ra”, các thượng tế và kỳ lão đã hội nhau, làm nên những ‘những vòng tròn giết chóc’, họ loan truyền một chuyện sai sự thật! Rằng, thi thể Chúa Giêsu, trên thực tế, đã bị đánh cắp! Như “tiền” đã mua được sự phản bội của Giuđa; “tiền” lại được sử dụng để thúc đẩy một lời dối trá tầy đình vốn sẽ trở nên truyền thuyết. Đây là một trong ‘những vòng tròn giết chóc’ đầu tiên làm nên “nền văn minh sự chết” chống lại Kitô giáo mãi cho đến hôm nay; ở đó, báng bổ, vu khống, sỉ nhục và bất khoan dung!

Anh Chị em,

“Hãy về báo cho anh em Thầy, để họ đến Galilê; họ sẽ được gặp Thầy ở đó!”. Chúa Giêsu Phục Sinh trao nhiệm vụ loan báo tin vui trọng đại ấy cho các phụ nữ, những người đầy tình yêu đối với Ngài. Nhờ họ, các tông đồ đã đến Galilê và gặp được Chúa Giêsu. Đấng Phục Sinh vẫn là Thầy của các môn đệ, Ngài hẹn họ dưới ‘mái trường xưa’, nơi tình Thầy trò thuở đầu đã chớm nở. Từ những kinh nghiệm với vị Thầy ‘Thiên Chúa - người’ đó, các ông đã hy sinh thân mình để làm chứng cho Ngài. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được ở trong Hội Thánh, một vòng tròn đồng tâm vĩ đại bao hàm ‘những vòng tròn phục sinh’ của các tông đồ, các thiện nam tín nữ khác, mà tâm của chúng là Chúa Phục Sinh. Điều quan trọng, mỗi người phải biết trở về ‘Galilê nội tâm’ của mình; ở đó lòng kề lòng, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ dạy chúng ta kinh nghiệm tình yêu của vị ‘Thiên Chúa - người’ này. Có như thế, chúng ta mới thật sự dám trở nên những chứng nhân dấn thân; dám sống, dám chết cho Tin Mừng. Và dĩ nhiên, qua đời sống của chúng ta, ‘những vòng tròn phục sinh’ ấy tiếp tục toả lan, vượt không gian và thời gian!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thuộc về ‘những vòng tròn phục sinh’; xin đừng để cách sống của con ngược với nơi con thuộc về. Con thuộc về ‘nền văn minh sự sống’, thuộc về Đấng Phục Sinh!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 19/04: Tìm sẽ thấy, lắng nghe sẽ nhận ra Chúa - Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:50 18/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:07 18/04/2022

11. Địa vị của linh mục thật là cao quý, bởi vì những việc mà các thiên thần không thể làm được thì các linh mục được cử hành.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 18/04/2022
53. SAU KHI TẾ ĐINH

Con của giáo quan và con của huyện (1) thừa đánh nhau.

C
on của giáo quan nhiều lần bị đánh bại, về nhà khóc, bà mẹ hỏi:

- “Họ ngày ngày ăn thịt cá, cho nên tráng kiện nên đánh mạnh. Nhà mình ngày nào cũng ăn đậu hủ đương nhiên phải yếu hơn, làm sao đánh thắng được họ”.

Giáo quan chêm vào:

- “Con trai, đừng vội, đợi tế đinh (2) xong, rồi tìm nó đánh báo thù cũng không muộn”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 53:

Con của giáo quan (quan huấn luyện) thì chắc chắn võ giỏi hơn con của quan huyện, nhưng vì gia đình của giáo quan nghèo nên con trai không đủ khỏe mạnh để thắng con nhà giàu.

Có những người Ki-tô hữu đạo gốc mặc dù họ rất giàu về vật chất, nhưng đời sống đạo đức của họ thì không hơn những người mới theo đạo, bởi vì họ quá nghèo về giáo lý, quá nghèo về cầu nguyện, quá nghèo về Lời Chúa, cho nên trong cuộc sống họ luôn là đối tượng cho người khác chỉ trích và coi thường Giáo Hội, coi thường đạo của mình…

Giáo quan khuyên con trai đợi qua “ngày đinh” rồi đánh phục thù, vì “ngày đinh” có cơm cá và thịt để ăn.

Cũng vậy, những người Ki-tô hữu đạo gốc nhưng nghèo lòng đạo đức cũng tự nhủ mình rằng: đợi đến già thì siêng năng đi nhà thờ tu tâm dưỡng tánh cũng không muộn, đợi gần chết rồi đi xưng tội cũng chưa muộn, đợi hấp hối thì xin linh mục Xức Dầu cũng được, và đợi và đợi….

Cứ đợi đi rồi sẽ thấy…hỏa ngục !

(1) Quan phụ cho quan huyện quản trị về dân chính.

(2) Thời xưa, mỗi năm đến giữa xuân và đinh nhật thượng tuần mùa thu, dùng thịt cá để tế Khổng tử, nên gọi là “đinh tế” hay là “tế đinh”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tiếng của lòng
Lm. Minh Anh
22:46 18/04/2022

TIẾNG CỦA LÒNG
“Tại sao cô khóc?”.

C. S. Lewis nói, “Thiên Chúa thì thầm trong niềm vui của chúng ta; tỉ tê trong lương tâm của chúng ta; nhưng lại nói oang oang trong nỗi đau của chúng ta! Nỗi đau là chiếc loa phóng thanh khuếch đại ‘tiếng của lòng’ Ngài, để khuấy động một thế giới khiếm thính!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với ý tưởng của C. S. Lewis, ‘tiếng của lòng’ người, và ‘tiếng của lòng’ Chúa là những gì được tiết lộ trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đó là câu chuyện thần kỳ được sách Công Vụ Tông Đồ kể lại; và đặc biệt, câu chuyện của Maria Mađalêna bên ngôi mộ trống của Chúa Giêsu mà Tin Mừng tường thuật.

Bài đọc thứ nhất mô tả quang cảnh hàng ngàn người đứng nghe Phêrô giảng, tâm tư họ bị đánh động “đến đau đớn trong lòng” khi biết, “Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”. Nó đánh động đến nỗi ‘tiếng của lòng’ họ phải thốt lên, “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?”. Kết quả là, “Hôm ấy có thêm 3.000 người trở lại”. Ba ngàn người! Quả là, “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên tín; qua đó, quyền năng của Đấng Phục Sinh và sức mạnh của Thánh Thần Ngài được biểu lộ!

Với trình thuật Tin Mừng, những cảm xúc trào dâng của Maria Mađalêna bên mộ Chúa Giêsu xem ra không thuận chiều; bởi lẽ, nước mắt buồn đau của cô hoà chan với nước mắt mừng vui. Tình yêu thường làm cho người ta mù quáng; vì thế, Maria vẫn khóc! Về điều này, Gioan viết, “Họ chưa hiểu rằng, theo Thánh Kinh, Ngài phải sống lại từ cõi chết”. ‘Thực Tại Phục Sinh’ chưa đi vào tâm trí, và chưa đến được với trái tim Maria; cô chỉ mới dừng lại ở ngưỡng tình cảm, nên cô khóc. Tuy nhiên, ở đây, vẫn có một điều gì đó đáng trân trọng! Hãy dành chút thời gian để lặng nhìn cảnh tượng này, nó thể hiện một tình yêu sâu sắc của người môn đệ dành cho Thầy! Nó bộc lộ ‘tiếng của lòng’ Maria, đến nỗi, các thiên thần cũng không thể thuyết phục cô bằng câu hỏi của họ, “Tại sao cô khóc?”. Đó là một tình yêu gây kinh ngạc mà chúng ta cần bắt chước. Hãy muốn những gì cô ấy muốn, cô ấy muốn luôn được ở bên cạnh Chúa của mình!

Tội nghiệp Maria! Nỗi đau cuộc đời của cô thật đáng thương và đáng xấu hổ. Một ngày buồn đã đến với cô, một ngày tuyệt vọng, vốn đã dẫn cô vào một cuộc sống đầy tai tiếng; nhân phẩm không còn, và tâm hồn thì trống rỗng! Và dường như con người đáng thương này chỉ còn thích hợp để làm nơi ẩn náu cho lũ quỷ lang thang; thế giới, xác thịt và tà ma nhìn cô chỉ bằng sự khinh thường và cơ hội chiếm đoạt. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài đã nhìn cô một cách khác; Ngài yêu cô một cách khác! Tuy nhiên, tình yêu Ngài dành cho việc khôi phục cuộc sống của cô giờ đây lại bị chà đạp khi cô hụt hẫng trước ngôi mộ hoang hoác nín thinh. Hãy nhìn trái tim của Maria, một trái tim vốn đã trĩu nặng đau buồn và kinh hãi khi chứng kiến người mình yêu thương bị ngược đãi, đánh đập và đóng đinh. Nỗi đau mất Chúa đối với cô quá lớn khiến cô nhìn Ngài là người làm vườn. Ngài gọi, “Maria”, cô giật mình! Bởi lẽ, nỗi đau như chiếc loa phóng thanh đã khuếch đại trong lòng cô giờ đây đã tắt, cô đã nhận ra tiếng của người Thầy cô yêu, thực sự đây là ‘tiếng của lòng’ Ngài.

Anh Chị em,

“Tại sao cô khóc?”. Cô khóc bởi cô không còn thấy Chúa của cô theo con mắt trần, không còn được ở bên Ngài như cô hằng ước, và theo cách cô nghĩ. Thiên Chúa không ở xa chúng ta! Ngài âm thầm chia sẻ niềm vui của chúng ta; tỉ tê trong lương tâm và oang oang trong nỗi đau của chúng ta. Quả là hạnh phúc, một hạnh phúc không chi sánh tày, nếu chúng ta biết có Ngài luôn đồng hành. Muốn thế, trong ngày sống, thi thoảng, chúng ta hãy có những phút tĩnh lặng để lắng nghe Ngài, ngõ hầu ‘tiếng của lòng’ Ngài thấm nhập vào lòng chúng ta, thúc bách chúng ta. Như Ngài đã gọi tên “Maria” một cách thân thương; cũng thế, Ngài đang gọi tên mỗi người chúng ta. Để từ đó, chúng ta có thể thật sự là những chứng nhân phục sinh của Tin Mừng Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn nghe được ‘tiếng của lòng’ Chúa. Cho con biết rằng, Chúa yêu con từ từng ngã rẽ nhỏ của cuộc đời con, dù hình thức hay tính cách của nó có thể là gì!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phương pháp hữu hiệu để truyền đạt đức tin hôm nay
Lm. Đan Vinh
22:52 18/04/2022

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH ABC – KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31
PHƯƠNG CÁCH HỮU HIỆU ĐỂ TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN HÔM NAY

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 20,19-31

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông : “chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo Ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (29) Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.

2. Ý CHÍNH :

Bài Tin mừng thuật lại hai lần Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin của các ông như sau : Lần thứ nhất (c 19-25) : vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh đã hiện đến đứng giữa các môn đệ đang hội họp mà không có Tô-ma. Người cho các ông xem các vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn để chứng minh Người đã sống lại sau cuộc tử nạn, rồi thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông. Lần thứ hai (c 24-29) : Tám ngày sau, Chúa Giê-su lại hiện ra với các môn đệ và có Tô-ma. Người đặc biệt đáp ứng các đòi hỏi của ông. Rồi khi ông đã đạt đến đức tin, thì Người dạy : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”.

3. CHÚ THÍCH :

- C 19-20 : + Ngày thứ nhất trong tuần : Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế cho Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Người hiện đến trong lúc phòng đang đóng kín. Điều này cho thấy thân xác của Người sau phục sinh có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Qua đó, Người chứng tỏ Người chính là Đấng đã từng bị đóng đinh thập giá trước đó (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Như vậy có sự liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả mọi tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu qua các bí tích. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã tuyên bố có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, để ban quyền tha tội cho các tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.
- C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Mười Hai Tông đồ (x. Mt 10,3). Biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi Đức Giê-su giảng để được Người dạy cho hiểu rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người...: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “... thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng Nhất Lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17); “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14); hoặc Chúa phán: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?” (Lc 24,38)
- C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn những đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Tuy khiển trách tội cứng lòng của Tô-ma, nhưng Đức Giê-su cũng thông cảm và chỉ mời gọi ông hãy bỏ đi sự cứng lòng để tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người.
- C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin Đức Giê-su sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng nội dung đức tin đầy đủ nhất về Đức Giê-su: Người vừa là Chúa (Đấng Mê-si-a), vừa là Con Thiên Chúa (x Mt 16,16). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Qua câu này, Chúa Giê-su muốn nói rằng: Từ nay trở đi, đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh sẽ không được dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng sẽ dựa trên lời chứng của các tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các ông còn sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh này nữa.

4. HỎI ĐÁP :

HỎI 1) Thân xác Chúa Giê-su sau phục sinh có phải là thân xác đã chịu khổ nạn trước đó không?
ĐÁP :
Thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã chứng minh mầu nhiệm Phục Sinh gắn liền với cuộc Tử Nạn trước đó bằng cách : “Cho các môn đệ xem các vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn Người” (c.20). Cho sờ vào Người (x. Lc 24,36-40), và Người còn ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông (x. Lc 24,41-43) để chứng minh Người thực đang sống chứ không phải chỉ là hồn ma.
Tuy nhiên thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh lại có những đặc tính khác thường như : Đi xuyên qua tường mà vào nhà Tiệc ly đang khi các cửa đều đóng kín vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19). Khuôn mặt của Người sau phục sinh biến đổi khác trước khiến bà Ma-ri-a gặp Người mà lầm tưởng là người làm vườn (x. Ga 20.14-15), khiến hai môn đệ làng Em-mau không nhận ra Người trong suốt chặng đường dài Người đồng hành và giải thích Kinh thánh cho họ (x. Lc 24,16). Thân xác Người có đặc tính siêu việt : Dù không có mặt tại chỗ mà vẫn nghe được những đòi hỏi của Tô-ma (x. Ga 20,25).

HỎI 2) Hai lần hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh với các môn đệ cách nhau một tuần giống và khác nhau thế nào?
ĐÁP :
- Về thời điểm : Cả hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra với cộng đòan môn đệ tại nhà Tiệc Ly đều vào buổi chiều Ngày thứ Nhất trong tuần cách nhau một tuần lễ tức 8 ngày. Từ đây Ngày thứ Nhất trở thành Ngày của Chúa (Chúa Nhật) thay thế cho Ngày Hưu Lễ (Sabát) của đạo Do thái.
- Về sĩ số môn đệ hiện diện : Lần thứ nhất sĩ số các môn đệ hiện diện là 10 vị do thiếu Tô-ma và lần thứ hai sĩ số đủ 11 vị.
- Về lời chào đầu tiên : Trong cả hai lần Chúa Phục Sinh đều chào các môn đệ bằng cùng một công thức : “Bình an cho anh em !”.

HỎI 3) Trong lần hiện ra thứ hai với các Tông đồ và có Tô-ma ở đó. Chúa Giê-su đã ra lệnh cho Tô-ma sờ vào các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Vậy Tô-ma có làm như vậy không?
ĐÁP :
Tô-ma tượng trưng cho những người cứng tin, chỉ tin Chúa sống lại dựa vào cảm nghiệm và sự xét đoán theo lương tri của mình, chứ không dựa trên lời nói của người khác kể lại. Nhưng trong lần này, sau khi được gặp Chúa Phục Sinh và được nghe Người ra lệnh xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay, thọc bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy đúng như đòi hỏi trước đó của mình, thì ông đã đạt tới đức tin trọn vẹn, biểu lộ qua lời tuyên xưng : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !”. Tin mừng không đề cập đến việc ông có sờ vào các vết thương ở tay chân và cạnh sườn của Thầy như ông đã yêu cầu trước đó hay không (c. 27-28).

HỎI 4) Đức tin của ông Tô-ma giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu sau này?
ĐÁP :
Chúa Giê-su nói với Tô-ma và qua ông, Người muốn nhắn nhủ các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,29). Thực vậy : có những mầu nhiệm về Thiên Chúa, mà người phàm tuy không thể thấy hay không cảm nghiệm được nhưng vẫn phải tin qua các chứng nhân đức tin. Vì đức Tin là điều kiện để được vào Nước Trời của Chúa Giê-su: "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16,16).
Nên biết rằng cũng nhờ tuyên xưng đức tin, mà Tông đồ Phê-rô đã được Chúa Giê-su đặt làm đá tảng đức tin của Hội thánh, được trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19), được quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17) và quyền củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,23). Các Tông đồ cũng được Chúa Giê-su trao quyền giáo huấn về đức tin : “Ai nghe anh em là nghe Thầy. Ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40; Lc 10,16).
Tóm lại : Việc Tông đồ Tô-ma cứng tin lại thêm sự bảo đảm cho lòng tin của chúng ta hôm nay. Vì niềm tin vào mầu nhiệm Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời rao giảng mà thôi, nhưng trên đức tin của những chứng nhân có đầu óc sáng suốt và thực tế, đã nhìn thấy tận mắt và đã sờ tận tay mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giê-su. Do đó, thánh Grêgôriô đã nói: ”Chính ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật cách chắc chắn, đó là Đức Giê-su đã phục sinh”.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

2. CÂU CHUYỆN : VỀ MỘT PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU
Ngày nay rao giảng về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho người khác có thể chấp nhận không phải dễ. Ngòai việc cần ơn trợ giúp của Chúa, còn cần phải có chứng tích yêu thương cụ thể của người rao giảng. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng :
Một vị linh mục ở nước Bờ-ra-din (Brasin) đã thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Riô đờ Danêrô (Rio de Janeiro), tôi đều thấy một thanh niên ngồi dựa lưng vào tường và chìa chiếc nón ra xin tiền khách qua đường. Anh ta không đi lại được vì đôi chân bị què. Sau đó vì qua lại nhiều lần trên con đường này, nên tôi không còn để ý đến chàng thanh niên hành khất bị què kia.
Rồi một hôm, khi tôi đang đứng nói chuyện với một người quen ở một bên đường, thì thấy có nhiều người đi bộ ngang qua chỗ anh què ăn xin mà như không nhìn thấy anh và không chia sẻ tiền bạc gì để giúp đỡ anh. Tôi liền nghĩ đến thái độ làm lơ của thầy Tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn người Samari nhân hậu. Hai ông này đã tránh sang một bên đường mà đi và chỉ có người Samari ngoại giáo đã tỏ lòng thương xót nạn nhân bằng hành động cụ thể (x. Lc 10,30-35). Tôi quyết định noi gương người Samari nên đã vui vẻ tiến lại gần bắt chuyện: “Này anh bạn, anh có thể đứng dậy được không? Anh có muốn đi đứng giống như mọi người không?...”Lúc đầu, anh ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét, và khi đọc được sự thành thật trên gương mặt của tôi, anh đã trả lời: “Tôi luôn hy vọng sẽ có ngày cuộc đời của tôi tốt hơn và tôi được thoát khỏi cái nghề ăn xin nhục nhã hiện nay. Dĩ nhiên là tôi mơ ước một ngày nào đó tôi có thể tự mình đi đứng được như bao người khác. Nhưng làm sao kiếm ra tiền để lắp một đôi chân giả và mua được một cặp nạng đây?” Sau khi nghe anh tâm sự, tôi đã síết chặt tay anh và nói: “Tôi xin hứa là trong một ngày gần đây, giấc mơ của anh sẽ trở thành hiện thực”.
Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay hôm ấy, tôi đã kể về số phận đáng thương của người ăn xin này cùng với ước mơ nhỏ bé của anh. Rồi tôi đề nghị cộng đoàn cùng nhau làm một cuộc lạc quyên tại chỗ để giúp đỡ anh ta như một cách ăn chay tinh thần. Số tiền lạc quyên thu được hôm ấy đã gần đủ chi phí làm đôi chân giả và cặp nạng gỗ mà người ăn xin cần sử dụng. Tuần sau, khi tôi và hai đại diện cộng đoàn đến gặp và cho biết kết quả thì chàng thanh niên kia rất vui mừng. Ngay lúc đó, anh được chở đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được ráp một đôi chân giả, và tập đi với đôi nạng mới.
Trong lễ Phục Sinh năm ấy, tôi mời anh đến nhà thờ dự lễ và dành cho anh chỗ ngồi đặc biệt cạnh bàn thờ chính. Trong bài giảng, tôi đã đề cập đến trường hợp của anh như sau: “Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su trỗi dậy từ trong cõi chết, bước vào một cuộc sống mới. Người kêu gọi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những anh chị em đang lâm cảnh nghèo khổ để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, nhờ sự quảng đại của cộng đòan mà anh bạn của chúng ta đây đã nhận được một cuộc sống mới”. Nói đến đây tôi mời anh què đứng dậy để giới thiệu anh với cộng đoàn. Sau đó mọi người trong nhà thờ đều phấn khởi khi nghe những lời phát biểu chân thành của anh, và vỗ tay tán thưởng khi nghe anh ngỏ ý xin gia nhập cộng đoàn. Cuối cùng anh què đã được xếp vào đội hình những người lên dâng lễ hôm đó.

3. THẢO LUẬN :

1) Bạn đánh giá thế nào về phương cách truyền giáo của vị linh mục người Bờ-ra-din trong câu chuyện trên?
2) Nhờ phép thêm sức, bạn đã được Chúa Phục Sinh thông ban Thánh Thần và được trao sứ vụ“làm chứng nhân” cho Chúa. Vậy bạn sẽ làm gì để giúp một người lương tin nhận Chúa và phó thác vào tình thương của Người?

4. SUY NIỆM :

1) Dễ tin và cứng tin : Trong đời sống hằng ngày, ngòai việc nhận biết nhờ tai nghe hay mắt thấy, chúng ta còn phải tin vào lời dạy của thầy cô thì mới có thể thăng tiến về học tập và kiến thức, phải tin vào cha mẹ mới có thể nên người được, phải tin vào lời nói của các đối tác làm ăn mới có thể kinh doanh thành công được... Tuy nhiên thực tế cũng có nhiều người đã bị lừa vì dễ tin lời nói ngon ngọt. Vậy về việc tin vào lời nói của người khác chỉ thực sự tốt đẹp nếu người nói là người đáng tin hoặc có bằng chứng đáng tin, điều họ nói hợp lý và người nghe phần nào cảm nghiệm được về điều ấy.
Riêng về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su, các môn đệ không phải là những người dễ tin : Dù các ông đã được nghe Đức Giê-su ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, nhưng các ông vẫn không muốn chấp nhận (x Mt 16,21-23). Rồi sau cuộc tử nạn của Chúa, khi bà Ma-ri-a Mácđala báo tin Thầy Giê-su vẫn còn sống và chính bà đã được nhìn thấy Người, nhưng các ông vẫn không tin (x Mc 16,9-11). Vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến trong phòng cửa vẫn đóng kín thì các môn đệ lại sợ hãi như nhìn thấy ma. Chúa Giê-su đã trấn an và chứng minh Người không phải là ma như sau: “Sao anh em lại hỏang hốt? Sao anh em ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,38-40). Sau đó thấy các ông vẫn chưa tin, Người đã ăn một mẩu cá nướng trước mặt các ông (x Lc 24,41-43).

2) Đức tin của Tô-ma và của các tín hữu chúng ta: Tuy Tô-ma là người cứng tin, nhưng sau khi đã được gặp gỡ Chúa và đã cảm nghiệm về sự phục sinh của Người, ông đã đạt tới một đức tin sâu xa và vững mạnh nhất, thể hiện qua lời tuyên xưng đức tin của ông : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20,28). Chúa Giê-su cũng qua ông Tô-ma chúc phúc cho các tín hữu sẽ tin theo Người sau này như sau: “Vì đã trông thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay người không thấy mà tin”. Ngày nay tuy không ai trong chúng ta được gặp Chúa Phục Sinh, không trực tiếp nghe lời nói của Người, cũng không được ăn uống tiếp xúc với Người như các Tông đồ xưa, nhưng đức tin của chúng ta sẽ có phúc nếu chúng ta tin vào lời rao giảng của các Tông đồ là những chứng nhân đức tin, là những người không dễ tin nhưng đã từng cảm nghiệm về mầu nhiệm phục sinh như ông Tô-ma trong Tin Mừng hôm nay. Do đó, cùng với thánh Grêgôriô chúng ta có thể nói: “Ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn, đó là thân xác Đức Giê-su Ki-tô thực sự đã sống lại”.

3) Sứ vụ cứu độ của Hội Thánh hôm nay là gì? : Đức Giê-su Phục Sinh cũng trao sứ mạng “xóa bỏ tội lỗi và ban ơn tha tội” cho Hội thánh như sau: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội ai thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Việc tha tội này được thực hiện bằng việc rao giảng Tin mừng và ban bí tích rửa tội cho những ai có lòng tin (x. Mt 28,19-20), và ơn tha tội qua bí tích giải tội. Quyền tha tội này chính là quyền “cầm buộc và tháo cởi” đã được Đức Giê-su trao cho Tông đồ Phê-rô (x. Mt 16,19) và trao chung cho Nhóm Mười Hai (x. Mt 18,18).

4) Truyền đạt Đức Tin cho con người ngày nay bằng cách nào? : Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã trao cho Hội Thánh sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x Mt 28,19-20). Sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho con người ngày nay không dễ chút nào. Muốn thuyết phục người ngày nay tin vào Chúa Giê-su, tin vào lời Người rao giảng thì cần những điều kiện như sau:

- Một là phải đón nhận ơn Thánh Thần: Ta hãy noi gương các tông đồ xưa sau khi Chúa lên trời đã cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa, với các môn đệ và đã nhận được ơn Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần. Chỉ khi được Thánh Thần tác động, việc tông đồ truyền giáo mới đạt được thành công: Sau bài giảng đầu tiên của tông đồ Phê-rô đã có ba ngàn người xin theo đạọ (x. Cv 2,41). Thực đúng như lời Đức Giê-su đã tâm sự với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Hai là hiệp nhất với Chúa qua các mục tử trong Hội Thánh: Khi kết hiệp với Chúa Giê-su qua việc vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh, công việc tông đồ của chúng ta mới mang lại kết quả tốt đẹp nhờ ơn Chúa trợ giúp, như ông Si-mon đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Các ông đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới (Lc 5,6). Thánh Phao-lô cũng dạy việc loan báo Tin Mừng cần phải liên kết với các vị mục tử trong Hội Thánh qua việc sai đi như sau: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).

- Ba là phải rao giảng bằng lối sống chứng nhân tình thương: Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất làm cho họ được ơn biến đổi lòng tin là họ có thể “nhìn thấy” Đức Giê-su và “đụng chạm“ vào Người qua lối sống nhân bản vị tha của các tín hữu, qua lời nói thân thiện lễ độ và lối ứng xử khiêm tốn phục vụ như những chứng nhân của Chúa theo lời Đức Thánh Cha Phao-lô VI: “Người đương thời sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là thầy dậy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính các thầy dậy cũng là những chứng nhân”.

- Hôm nay cũng là lễ kính trọng thể “Lòng Chúa Thương xót”: Vào ngày 30/4/2000 Đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên thánh cho Nữ tu Faustina Kowalska và chọn Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm làm ngày kính Lòng Chúa Thương Xót. Ảnh Lòng Chúa thương xót do thánh nữ Faustina Kowalska đã thị kiến và thuật lại như sau : “Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng bí tích Thánh Thể và bí tích Rửa Tội. Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Người !” Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hiệp nhất, chia sẻ tình thương cụ thể cho nhau và nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau”.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tông đồ Tô-ma tuy lúc đầu cứng lòng tin, nhưng sau đó đã đạt đến một đức tin trọn hảo khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Chính sự “cứng lòng” của Tô-ma lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho đức tin của mỗi người chúng con hôm nay. Rồi các tông đồ cũng đã trung thực và khiêm tốn, không chỉ thuật lại những điều tốt lành, mà cả những thiếu sót, chậm tin và hồ nghi của các ngài để đức tin của chúng con hôm nay được vững mạnh. Giờ đây cùng với Tô-ma xưa, chúng con long trọng tuyên xưng: “Lạy Chúa Giê-su. Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa của chúng con. Xin thương xót chúng con”.
- LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT. Xin cho chúng con được ngụp lặn trong đại dương của Lòng Chúa Thương Xót, được tắm gội trong Máu và Nước đã tuôn ra từ Thánh Tâm Con yêu dấu của Cha là Chúa Giê-su. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin hai Thánh: Faustina và Gio-an Phao-lô II cầu bầu cùng Chúa cho chúng con hôm nay và mãi mãi.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:54 18/04/2022

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
CHÚA LÀ ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a. 12-13. 17-19; Ga 20,19-31

1- Chúa Phục Sinh, chuyện có một không hai

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm mà chúng ta đang tưởng nhớ và cử hành hôm nay là câu chuyện Đức Giêsu thành Nadarét chết và sống lại, chuyện thật như bịa, chuyện có một không hai trong lịch sử nhân loại, chuyện quá mới mẻ gây ngạc nhiên đến mức không thể tưởng tượng, không thể tin nổi!

Quả thế, sau khi thấy thầy Giêsu bị treo trên cây thập giá và chết một cách nhục nhã đau đớn, các Tông Đồ trong đó có Tôma thất vọng và bỏ cuộc. Niềm tin của họ bị khủng hoảng. Chỉ có con đường duy nhất là “về vườn” để kiếm sống. Việc Chúa sống lại là chuyện “động trời,” không ai dám nghĩ tới.

Tuy nhiên, chính Đấng Phục Sinh đã hiện ra với các phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, và với nhiều Tông Đồ khác khi họ họp mặt. Trong những lần đó, Tôma (biệt danh là Điđimô) không có mặt. Họ kể lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,22). Nhưng Tôma vẫn không tin nếu không trực tiếp nhìn thấy các dấu đinh của Người (x. Ga 20,24). Tám ngày sau, họ lại họp nhau và có Tôma ở đó. Chúa hiện ra và tỏ cho ông thấy các dấu đinh. Tôma mới tin và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,29).

2- Ý nghĩa của biến cố phục sinh

Qua biến cố phục sinh, chúng ta rút ra những ý nghĩa sau đây:

1) Việc Chúa Giêsu chết bày tỏ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Còn việc Chúa sống lại minh chứng quyền năng cứu độ của Người. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và thần chết. Nhờ sự vâng phục, Đức Kitô được Thiên Chúa Cha siêu thăng, tặng ban danh hiệu là “Đức Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát” của nhân loại. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (x. Cv 4,12).

Vì thế, trong Thông Điệp Dives in Misericordia, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố phục sinh, thập giá không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Người đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa” (số 7).

2) Đức Kitô Phục Sinh củng cố niềm tin cho các môn đệ và cho chúng ta. Như thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả Đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Nếu Chúa không sống lại, sẽ không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta như hôm nay.

3) Đức Kitô Phục Sinh chính là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa. Người mang đến cho các môn đệ và cho chúng ta những ân huệ mới: đó là sự bình an, Chúa Thánh Thần và ơn tha thứ.

Vì thế, mỗi lần Chúa hiện ra đều nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Có Chúa Phục Sinh là có sự bình an. Có bình an là có tất cả. Sự bình an này quý giá, giúp chúng ta vững vàng trước mọi gian nan thử thách.

Đức Giêsu thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúng ta nhớ lại, khi sáng tạo con người, Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam, nhờ đó, ông có sự sống. Cũng vậy, trong những lần hiện ra, Đấng Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, để họ có sự sống mới. Đây quả là cuộc tạo dựng mới. Chúa Thánh Thần là Quà Tặng của Đấng Phục Sinh. Việc Chúa “thổi hơi và ban Thánh Thần” là ban cho Giáo Hội sự sống mới và sức mạnh mới.

Đấng Phục Sinh còn sai Giáo Hội ra đi với quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Tha thứ là dấu chỉ rõ ràng về lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, được thể hiện qua bí tích Hòa Giải.

3- Sứ giả lòng Thương Xót Chúa

Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina Kowalska, sứ giả của Lòng Thương Xót, rằng: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật Ký, 300). Lòng Thương Xót là tặng phẩm mà Giáo Hội nhận từ Đức Kitô Phục Sinh và trao ban cho nhân loại ngay khi khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại.

Thánh nữ Faustina thấy phát ra hai tia sáng từ Thánh Tâm Chúa chiếu tỏa thế gian một cách dịu dàng. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ: “Hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước.” Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, là bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,5; 4,14). Những tia sáng từ lòng nhân từ Chúa ban là niềm hy vọng đặc biệt cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Mỗi Chúa Nhật đều là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Mỗi thánh lễ là nguồn mạch của Lòng Thương Xót. Bởi vì, thánh lễ tái hiện cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô để đền bù tội lỗi của chúng ta và toàn thế giới. Chúng ta được mời gọi hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa. Hãy đến với bí tích Hòa Giải để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nếu có ai cảm thấy mình quá yếu đuối và tội lỗi, thì hãy nhớ đến Lòng Thương Xót Chúa bao giờ cũng lớn lao hơn tội lỗi chúng ta. Chỉ có lòng thương xót Chúa ban cho chúng ta hy vọng chỗi dậy và tiến bước. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa, đừng bao giờ sợ hãi, đừng bao giờ thất vọng!

Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại, Chúa đã mạc khải Lòng Thương Xót Chúa cho loài người. Chúng con tín thác vào Chúa: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2022: Đức Thánh Cha Phanxicô nói thế giới đã chọn con đường của Cain
Đặng Tự Do
04:31 18/04/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Thứ Sáu Tuần Thánh rằng thế giới đã “chọn con đường của Cain.”

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “A Sua immagine”, nghĩa là “Trong hình ảnh của Ngài”, trên kênh Rai 1 của Ý, Đức Giáo Hoàng đã tố cáo các cuộc chiến hiện đang hoành hành trên khắp thế giới.

“Tại thời điểm này ở Âu Châu, cuộc chiến này đang thực sự ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng chúng ta hãy nhìn xa hơn một chút.”

“Thế giới đang có chiến tranh, thế giới đang có chiến tranh! Syria, Yemen, sau đó hãy nghĩ về những người Rohingya bị đuổi ra ngoài, không còn quê hương. Chiến tranh ở khắp mọi nơi. Cuộc diệt chủng ở Rwanda cách đây 25 năm vẫn còn.”

“Bởi vì thế giới đã chọn ⁠— thật khó để nói điều này ⁠— nhưng thế giới đã chọn con đường của Cain và chiến tranh đang bắt đầu những gì Cain đã làm, đó là giết chết em trai của mình.”

Đức Giáo Hoàng thường nhắc đến nhân vật Cain trong Kinh thánh, người đã giết chết em trai Abel của mình, kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Trong cuộc phỏng vấn với “A Sua immagine,” phát sóng vào ngày 15 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã đọc Lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae mỗi ngày.

“Mỗi ngày, tôi cầu nguyện lời cầu nguyện đó với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae vào buổi sáng. Hằng ngày! Lời cầu nguyện ấy có thể giúp tôi chiến thắng ma quỷ,” ngài nói với người phỏng vấn của mình, Lorena Bianchetti.

“Ai đó nghe tôi có thể nói: 'Nhưng, thưa Đức Giáo Hoàng, ngài đã nghiên cứu, ngài là giáo hoàng mà ngài vẫn tin có ma quỷ à?' Vâng, tôi tin có ma quỷ, tôi tin có ma quỷ. Tôi sợ nó, đây là lý do tại sao tôi phải tự bảo vệ cho mình hết sức”.

Trong chương trình đặc biệt Thứ Sáu Tuần Thánh, có tựa đề “Hy vọng khi bị bao vây”, Đức Giáo Hoàng cũng phản ánh về các chủ đề bao gồm bạo lực gia đình, người tị nạn và cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.

“Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, trước mặt Chúa Giêsu bị đóng đinh, hãy để Ngài chạm vào trái tim bạn, để Ngài nói với bạn bằng sự im lặng và bằng nỗi đau của mình”

“Ngài nói với bạn qua những người đang đau khổ trên thế giới: những người bị đói, bị chiến tranh, bị bóc lột như vậy, và tất cả những điều này.”

“Hãy để Chúa Giêsu nói với bạn và xin đừng nói nhưng hãy giữ im lặng. Hãy để Ngài nói với bạn, và xin ân huệ của những giọt nước mắt”.

Sau đó trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã phản ánh về đức cậy, Đức Thánh Cha nói rằng “hy vọng không bao giờ làm bạn thất vọng, nhưng nó khiến bạn phải chờ đợi”.

“Hy vọng là quản gia của đời sống Công Giáo, của đời sống Kitô. Đó thực sự là nhân đức khiêm tốn nhất trong các nhân đức.”

Đức Giáo Hoàng có mối quan hệ lâu đời với chương trình “A Sua immagine”. Ngài đã thực hiện một cuộc gọi trực tiếp bất ngờ đến chương trình khi bắt đầu cuộc khủng hoảng coronavirus vào năm 2020.

Ngài cũng đã đề cập đến chương trình này trong những tháng gần đây, trích dẫn chương trình trong các diễn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào tháng 10 năm 2021 và trong những dịp khác.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi liệu ngài có cảm thấy cô đơn kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013 hay không.

“Không, Chúa đã tốt với tôi,” ngài trả lời. “Tôi không biết. Nếu có chuyện gì không hay, Ngài đã luôn đặt những người ở đó để giúp tôi. Ngài đã có mặt. Ngài đã rất hào phóng. Có lẽ vì Ngài biết rằng tôi sẽ không thể vượt qua được một mình”.
Source:Catholic News Agency
 
Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2022: Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng cầu nguyện tại ngôi mộ tập thể ở Ukraine
Đặng Tự Do
04:33 18/04/2022


Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vị Hồng Y đặc sứ của Đức Giáo Hoàng đã đến Borodianka, một thị trấn cách thủ đô Kyiv khoảng 30 dặm về phía tây bắc.

Đức Hồng Y cho biết trong một thông điệp audio được chia sẻ bởi văn phòng báo chí: “Tôi đang ở đây với Sứ thần Tòa Thánh, chúng tôi đang trở lại Kyiv, từ những nơi khó khăn này đối với mọi người trên thế giới, nơi chúng tôi vẫn còn tìm thấy rất nhiều người chết và ít nhất là một ngôi mộ của 80 người.”

“Cảm ơn Chúa rằng còn có đức tin, và chúng ta đang ở trong Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chúng ta có thể hợp nhất với con người của Chúa Giêsu và cùng Ngài thăng thiên trên Thập tự giá, bởi vì sau Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là Chúa Nhật Phục sinh.”

“Và có thể Ngài sẽ giải thích mọi thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài và thay đổi mọi thứ bên trong chúng ta, nỗi cay đắng và đau khổ này mà chúng ta đã phải gánh chịu trong nhiều ngày qua.”

Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng từ năm 2013, đã thực hiện hai chuyến thăm trước đây đến Ukraine theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong lần đầu tiên, ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước và lần thứ hai, ngài giao xe cấp cứu cho chính quyền ở miền tây Ukraine.

Trong chuyến thăm lần thứ ba, vị Hồng Y 58 tuổi người Ba Lan đã chuyển một chiếc xe cứu thương thứ hai do Đức Thánh Cha Phanxicô tặng đến một bệnh viện tim mạch ở Kyiv.

Một tuần trước chuyến thăm của Đức Hồng Y Krajewski đến Borodianka, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở thành phố Bucha vừa được giải phóng.

Nhiều ngày trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giương cao một lá cờ Ukraine tại một buổi tiếp kiến chung mà ngài nói là được đưa đến từ “thành phố tử đạo” Bucha.

Đức Giáo Hoàng nói: “Những tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang lại sự an ủi và hy vọng, lại cho thấy những hành động tàn bạo mới, chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bucha, những hành động tàn ác ngày càng khủng khiếp đối với dân thường, phụ nữ và trẻ em không có vũ khí”.

“Họ là những nạn nhân có dòng máu vô tội kêu thấu trời cao và cầu xin sự kết thúc cho cuộc chiến này. Chúng ta hãy làm cho vũ khí im lặng, chúng ta hãy ngừng gieo rắc chết chóc và hủy diệt”.
Source:Catholic News Agency
3. Tại sao Sứ Thần Tòa Thánh ở Kyiv tham gia vào việc chống lại 'tin giả'?

Đầu tháng này, Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã công bố một bài “kiểm tra thực tế” những tuyên bố gần đây về Tòa thánh. Đây có thể là lần đầu tiên trong một loạt bài về chủ đề này.

Sáng kiến này - do Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đưa ra - đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chấp thuận. Mục đích của nó là để làm rõ các quan điểm của Tòa thánh đề phòng trường hợp bị thao túng và bác bỏ các “tin tức giả”.

Bài đăng ngày 8 tháng 4 tập trung vào hai điểm. Đầu tiên là làm rõ lập trường của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về vấn đề vận chuyển vũ khí cho Ukraine.

Thứ hai là bác bỏ những tuyên bố cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có tài khoản tại Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, hay “ngân hàng Vatican”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói: “Tôi tin rằng có quyền tự bảo vệ. Đó là nguyên tắc mà Ukraine cũng đang dùng để chống lại Nga. Cộng đồng quốc tế muốn tránh leo thang, và cho đến nay, không muốn đích thân can thiệp, nhưng tôi thấy rằng nhiều người đang gửi vũ khí. Điều này thật khủng khiếp khi nghĩ đến và có thể gây ra một sự leo thang không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng vệ chính đáng vẫn được duy trì”.

Những lời của Hồng Y được hiểu là một phán quyết tiêu cực về việc gửi vũ khí để giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở một số nước Âu Châu vốn coi quan điểm của Tòa thánh là quá thuận lợi đối với Nga.

Đó là cách giải thích không chính xác về lời nói của Đức Hồng Y Parolin. Trên tất cả, nó là một diễn giải chính trị. Tòa thánh không giữ lèo lái, cũng như không tìm cách can dự vào các quyết định của các quốc gia khác. Ngược lại, mục tiêu của Tòa Thánh là trở thành một bên thứ ba, một tác nhân quốc tế đáng tin cậy. Điều này cũng là do Vatican sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu nhiều lần.

Trong bài đăng kiểm tra thực tế của mình, Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đã mời độc giả nghiên cứu nguyên văn những lời của Đức Hồng Y Parolin, được công bố bằng tiếng Ý và được xuất bản lần đầu tiên bởi ACI Stampa.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Trong cuộc phỏng vấn, ba điều riêng biệt được đề cập, cũng được phân cách bằng những dấu chấm câu.”

Đầu tiên là “theo những gì thần học Công Giáo công nhận, mọi quốc gia, và trong trường hợp này là Ukraine, đều có quyền tự vệ.” Thứ hai, rằng “chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng một số quốc gia đã gửi vũ khí của họ”. Thứ ba và cuối cùng, “một thực tế khác là nguy cơ diễn biến của tình hình sẽ gây ra sự leo thang thậm chí nghiêm trọng hơn, với những hậu quả không thể tưởng tượng được.”

Do đó, theo lời của Hồng Y Parolin, không có phán xét nào, thậm chí không ẩn ý, về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sứ thần cũng bác bỏ các tuyên bố công khai ám chỉ rằng Tổng thống Putin giữ tiền của mình trong “ngân hàng Vatican”.

“Sai”, sứ thần viết. “Viện Giáo Vụ chỉ quản lý các tài khoản được giữ dưới danh nghĩa của các cá nhân và pháp nhân có liên hệ với Giáo Hội Công Giáo hoặc với Tòa thánh (chẳng hạn như các đại sứ quán được Tòa thánh công nhận) chứ không bao giờ quản lý các tài khoản của người nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài.”

Cuộc chiến ở Ukraine suy cho cùng cũng là cuộc chiến về thông tin, và thường thì lập trường của Tòa thánh được sử dụng để hợp pháp hóa các quan điểm nhất định với cái giá của những người khác.

Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Giáo hoàng vẫn là một: cổ vũ hòa bình và đối thoại. Tòa Thánh không đứng về phía các quốc gia riêng biệt, cũng như không ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của họ. Nhưng Tòa Thánh cam kết đưa ra những quyết định đầy cảm hứng giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.
Source:Catholic News Agency
 
Tại sao Sứ Thần Tòa Thánh ở Kyiv tham gia vào việc chống lại tin giả?
Đặng Tự Do
04:34 18/04/2022


Đầu tháng này, Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã công bố một bài “kiểm tra thực tế” những tuyên bố gần đây về Tòa thánh. Đây có thể là lần đầu tiên trong một loạt bài về chủ đề này.

Sáng kiến này - do Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đưa ra - đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chấp thuận. Mục đích của nó là để làm rõ các quan điểm của Tòa thánh đề phòng trường hợp bị thao túng và bác bỏ các “tin tức giả”.

Bài đăng ngày 8 tháng 4 tập trung vào hai điểm. Đầu tiên là làm rõ lập trường của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về vấn đề vận chuyển vũ khí cho Ukraine.

Thứ hai là bác bỏ những tuyên bố cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có tài khoản tại Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, hay “ngân hàng Vatican”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói: “Tôi tin rằng có quyền tự bảo vệ. Đó là nguyên tắc mà Ukraine cũng đang dùng để chống lại Nga. Cộng đồng quốc tế muốn tránh leo thang, và cho đến nay, không muốn đích thân can thiệp, nhưng tôi thấy rằng nhiều người đang gửi vũ khí. Điều này thật khủng khiếp khi nghĩ đến và có thể gây ra một sự leo thang không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng vệ chính đáng vẫn được duy trì”.

Những lời của Hồng Y được hiểu là một phán quyết tiêu cực về việc gửi vũ khí để giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở một số nước Âu Châu vốn coi quan điểm của Tòa thánh là quá thuận lợi đối với Nga.

Đó là cách giải thích không chính xác về lời nói của Đức Hồng Y Parolin. Trên tất cả, nó là một diễn giải chính trị. Tòa thánh không giữ lèo lái, cũng như không tìm cách can dự vào các quyết định của các quốc gia khác. Ngược lại, mục tiêu của Tòa Thánh là trở thành một bên thứ ba, một tác nhân quốc tế đáng tin cậy. Điều này cũng là do Vatican sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu nhiều lần.

Trong bài đăng kiểm tra thực tế của mình, Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đã mời độc giả nghiên cứu nguyên văn những lời của Đức Hồng Y Parolin, được công bố bằng tiếng Ý và được xuất bản lần đầu tiên bởi ACI Stampa.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Trong cuộc phỏng vấn, ba điều riêng biệt được đề cập, cũng được phân cách bằng những dấu chấm câu.”

Đầu tiên là “theo những gì thần học Công Giáo công nhận, mọi quốc gia, và trong trường hợp này là Ukraine, đều có quyền tự vệ.” Thứ hai, rằng “chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng một số quốc gia đã gửi vũ khí của họ”. Thứ ba và cuối cùng, “một thực tế khác là nguy cơ diễn biến của tình hình sẽ gây ra sự leo thang thậm chí nghiêm trọng hơn, với những hậu quả không thể tưởng tượng được.”

Do đó, theo lời của Hồng Y Parolin, không có phán xét nào, thậm chí không ẩn ý, về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sứ thần cũng bác bỏ các tuyên bố công khai ám chỉ rằng Tổng thống Putin giữ tiền của mình trong “ngân hàng Vatican”.

“Sai”, sứ thần viết. “Viện Giáo Vụ chỉ quản lý các tài khoản được giữ dưới danh nghĩa của các cá nhân và pháp nhân có liên hệ với Giáo Hội Công Giáo hoặc với Tòa thánh (chẳng hạn như các đại sứ quán được Tòa thánh công nhận) chứ không bao giờ quản lý các tài khoản của người nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài.”

Cuộc chiến ở Ukraine suy cho cùng cũng là cuộc chiến về thông tin, và thường thì lập trường của Tòa thánh được sử dụng để hợp pháp hóa các quan điểm nhất định với cái giá của những người khác.

Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Giáo hoàng vẫn là một: cổ vũ hòa bình và đối thoại. Tòa Thánh không đứng về phía các quốc gia riêng biệt, cũng như không ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của họ. Nhưng Tòa Thánh cam kết đưa ra những quyết định đầy cảm hứng giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.
Source:Catholic News Agency
 
Belarus bắt các nhà lãnh đạo Kitô giáo phản đối bạo lực của chế độ và chiến tranh nhắm vào Ukraine
Đặng Tự Do
16:33 18/04/2022


Những người bảo vệ nhân quyền cho rằng chế độ đang nhắm mục tiêu truy tố các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong cộng đồng địa phương của họ nếu họ công khai phản đối bạo lực của chế độ sau cuộc bầu cử tổng thống gian dối năm 2020 hoặc phản đối vai trò của Belarus trong cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine. Nhà của một số linh mục Công Giáo và những người khác đã bị đột kích vào cuối tháng 3 năm 2022.

Trong số hai linh mục Công Giáo bị nhắm mục tiêu vào tháng 3 ở Vùng phía bắc Vitebsk, cha Aleksandr Baran đã bị kết án tù 10 ngày, trong khi cha Andrzej Bulczak - một công dân Ba Lan đã phục vụ 14 năm ở Belarus - đã bỏ trốn khỏi đất nước trước phiên tòa có thể sẽ bỏ tù ngài dài hạn.

Vào ngày 25 tháng 3, cảnh sát đã đột kích vào nhà của Mục sư Tin Lành Baptist Roman Rozhdestvensky ở Cherikov, và vào nhà Cha Vasily Yegorov, một linh mục Công Giáo nghi lễ Đông phương, ở Mogilev. Cha Yegerov đã bị sách nhiễu vì dán một khẩu hiệu “Ukraine, hãy tha thứ cho chúng tôi” trên xe của mình.

Các cuộc đột kích vào cuối tháng Ba diễn ra khi những người Công Giáo và những người theo đạo Tin lành đang ở giữa Mùa Chay.

Cha Aleksandr Baran, người đã bị kết án tù 10 ngày, nhận xét rằng chế độ đang “can thiệp vào cuộc sống của mỗi người, vào đời sống của Giáo Hội, họ muốn chà đạp nhân quyền và bịt miệng mọi người.” Bình luận sau khi bị bắt, Cha Aleksandr Baran nói: “họ đã chuẩn bị cho việc bắt giữ tôi; đã có hàng đống giấy tờ và một số tài liệu khác về tôi nằm sẵn ở đó.”
Source:Forum 18
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tặng sách cho các linh mục hiện diện trong Thánh lễ Truyền Dầu
Đặng Tự Do
16:34 18/04/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô tặng một cuốn sách viết bằng tiếng Ý cho các linh mục có mặt trong Thánh lễ Truyền Dầu hôm Thứ Năm Tuần Thánh, có tựa đề “Chứng nhân, chứ không phải quan chức”, trong đó Đức Cha François-Xavier Bustillo của Ajaccio đưa ra những hướng dẫn cho các linh mục đang phục vụ trong thế giới luôn thay đổi ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng cuốn sách này như một món quà cho các linh mục tham dự Thánh lễ Truyền dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô, có những trích dẫn Kinh Thánh và triết học, những suy ngẫm về các sự kiện hiện tại và Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, sử dụng ngôn ngữ hiện đại và chia sẻ những giai thoại phong phú.

Cuốn sách đưa ra những ý tưởng cho thừa tác vụ mục vụ, và kêu gọi sự chú ý đến những thách thức cũ và mới: từ sự sa đà trên các phương tiện truyền thông xã hội đến nguy cơ biến giáo xứ chỉ thành một văn phòng hành chính.

Tác giả của cuốn sách cũng trích dẫn một loạt nhân vật, từ Kierkegaard, Camus, Nelson Mandela đến Martin Luther King, cũng như một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình Ý.

Cuốn sách cũng đề cập đến các chủ đề như khiêm tốn và quan hệ cha con, buồn chán và các chiến lược chính trị. Đặc biệt, cuốn sách tập trung vào các sự kiện hiện tại, bao gồm cả những thói quen mới đến từ đại dịch.

Tất cả được làm phong phú thêm với các trích dẫn Kinh thánh, các giáo huấn của Giáo hội, và đặc biệt là huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhằm đào sâu bản chất của chức linh mục và nền tảng, ơn gọi và sứ mệnh của nó. Cuốn sách xem xét những thách thức chính mà thừa tác vụ linh mục phải đối mặt, bắt đầu với thách thức phải luôn là “nhân chứng” và “người mang sự sống”.

Đức Cha François-Xavier Bustillo, một tu sĩ Dòng Phanxicô, đã trở thành Giám mục của Ajaccio, Corsica, vào năm 2021.

Cuốn sách của ngài đưa ra một phân tích thú vị và rõ ràng về thực tế ngày nay, nhấn mạnh rằng tiêu đề cuốn sách đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trở thành những nhân chứng Phúc âm đích thực trong thế giới ngày nay, và phải vượt qua nguy cơ chỉ được dân chúng nhìn nhận như là người có thẩm quyền chính thức hơn là một mục tử.

Với sự tinh tế hiện đại, ngôn ngữ dễ hiểu và vô số giai thoại, Đức Cha Bustillo, một nhà thần học và chuyên gia về mục vụ, đưa ra một bài suy niệm sâu sắc về chủ đề ngày càng phức tạp liên quan đến những thách thức mà chức linh mục phải đối mặt ngày nay dưới ánh sáng của thời hiện đại, những biến đổi, thường mang tính cách mạng, đang diễn ra nhanh chóng trong thế giới ngày nay.
Source:Vatican News
 
Nghị viện Âu Châu lên án nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga
Đặng Tự Do
16:35 18/04/2022


Nghị viện Âu Châu, hội đồng lập pháp của Liên Hiệp Âu Châu, đã thông qua một nghị quyết về việc gia tăng đàn áp ở Nga.

Trong nghị quyết, Nghị viện Âu Châu nói rằng họ “lên án vai trò của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Nga, vì đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine.”

Nghị viện cũng “ca ngợi lòng dũng cảm của 300 linh mục thuộc Giáo hội Chính thống Nga, những người đã ký một lá thư lên án hành động xâm lược, đau buồn trước thử thách của người dân Ukraine và yêu cầu 'ngừng chiến tranh.'

Nhiều quan sát viên cho rằng, không chỉ có Putin, cả Thượng Phụ Kirill cũng có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh do Nga gây ra tại Ukraine.

Trong một hành động báng bổ không thể tưởng tượng nổi, hôm 13 tháng Ba, Thượng Phụ Kirill đã trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ cho quân Nga mau thắng.

Gần đây, tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.

“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.

“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.

Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tức giận.

Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.
Source:Catholic World News
 
Giám mục Đức trả lời thư chỉ trích Con đường Thượng hội đồng
Vũ Văn An
20:33 18/04/2022

Theo bản tin ngày 18 tháng 4 năm 2022 của hãng CNS, người đứng đầu hội đồng giám mục Đức đã trả lời thư ngỏ của hơn 70 giám mục từ bốn châu lục và bày tỏ sự ngạc nhiên về một số điều các ngài nói - và không nói.



Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, cảm ơn các giám mục về bức thư ngày 11 tháng 4 và nói rằng ngài rất vui vì các giám mục coi trọng tiến trình Con đường Thượng hội đồng của Đức. Nhưng ngài bảo đảm với các ngài rằng “Con đường Thượng hội đồng không có cách nào làm suy yếu thẩm quyền của Giáo Hội, kể cả thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như qúy vị viết.”

Trong một lá thư đề ngày 14 tháng 4 và được công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Limburg nhắc nhở Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của Denver và những người khác ký bức thư từ Bắc Mỹ, Phi, Ý và Úc rằng quyết định dấn thân vào Con đường Thượng hội đồng là để đối đầu với các nguyên nhân có hệ thống của việc lạm dụng và việc che đậy nó. Ngài nói rằng đó là “nỗ lực của chúng tôi để làm mới việc công bố Tin Mừng một cách đáng tin cậy.”

“Dịp và bối cảnh này đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi, nhưng, thật không may, nó hoàn toàn không được đề cập trong lá thư của qúy vị. Tuy nhiên, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu qúy vị và những người ký tên trong bức thư ngỏ không thấy tầm quan trọng của việc cần thiết phải đối đầu với vấn đề lạm dụng trong tư cách một Giáo Hội và gây ra những hậu quả cho Giáo Hội và các cấu trúc của Giáo Hội.”

Giám mục Bätzing cho rằng điều quan trọng là phải nói một cách cởi mở về quyền lực và việc lạm dụng quyền lực trong Giáo Hội.

Vị giám mục này nói: “Việc tô điểm hoa mỹ, như qúy vị cố gắng làm trong lá thư của mình, không thực sự giúp ích được gì. Thật không may, sự lạm dụng quyền lực như vậy – của cả các thẩm quyền giám mục - không chỉ là chuyện của quá khứ, mà còn đang xảy ra ở hiện tại và dẫn đến sự vi phạm lớn các quyền và sự liêm chính bản thân của các tín hữu và tu sĩ. Việc tham gia của các tín hữu vào việc ra quyết định ở mọi bình diện hành động của giáo hội (đây là ý của chúng tôi khi nói về sự phân lập quyền lực) sẽ không làm tổn hại đến thẩm quyền của chức vụ phẩm trật, nó sẽ mang lại cho phẩm trật này sự chấp nhận có cơ sở mới nơi dân Chúa, tôi tin chắc điều này.”

Thư ngỏ gửi cho các Giám Mục Đức được ký bởi 49 giám mục từ Hoa Kỳ, 4 giám mục từ Canada, 19 giám mục châu Phi, một giám mục Ý và một Giám Mục Úc, Đức Hồng Y George Pell. Đức Hồng Y người Nigeria Francis Arinze, Đức Hồng Y Nam Phi Wilfred Napier và Đức Hồng Y Hoa Kỳ Raymond L. Burke là những người ký tên. Bức thư lưu ý rằng "các biến cố ở một quốc gia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống giáo hội ở nơi khác."

Nó trình bầy bảy lời chỉ trích, bao gồm việc “không lắng nghe Chúa Thánh Thần và Tin Mừng,” dựa nhiều hơn vào “phân tích xã hội học và chính trị đương thời, bao gồm phái tính, ý thức hệ” hơn là dựa vào Kinh thánh và Truyền thống, và quá tập chú vào “quyền lực” và “quyền tự trị."

“Diễn trình Con Đường Thượng hội đồng, ở hầu hết mọi bước, đều là công việc của các chuyên gia và ủy ban”, lá thư viết, gọi diễn trình này là “nặng nề về bàn giấy, phê phán một cách đầy ám ảnh và nhìn vào chính mình”.

Bức thư viết: “Về hiệu quả của nó, Con đường Thượng hội đồng biểu lộ sự phục tùng và vâng lời đối với thế giới và các ý thức hệ hơn là đối với Chúa Giêsu Kitô trong tư cách là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi”.

Con đường Thượng hội đồng bao gồm các diễn đàn trong đó các câu hỏi được thảo luận và các phiên họp trong đó người từ các diễn đàn báo cáo lại và các đề nghị được thảo luận và biểu quyết. Một số bản văn không những phải nhận được sự tán thành của hơn hai phần ba tổng số đại biểu, giáo sĩ và giáo dân, mà còn phải có sự tán thành của hơn hai phần ba số giám mục.

Giám mục Bätzing cho biết toàn bộ diễn trình thượng hội đồng được tổ chức xung quanh Thánh lễ và cầu nguyện. Ngài lưu ý rằng vì diễn trình này, “đôi khi đòi hỏi sự tập trung vào các bản văn và nghị quyết, được bao gồm trong các cuộc thảo luận, ấn phẩm và các khuôn khổ của các phương tiện truyền thông.”

Ngài nhắc các vị ký tên vào bức thư đọc Bản văn Định hướng trên trang mạng của Con đường Thượng hội đồng.

“Con đường Thượng hội đồng, như được mô tả chi tiết trong Bản văn Định hướng, không hướng đến các lý thuyết xã hội học ngắn hạn hoặc các ý thức hệ thế tục, nhưng hướng đến các nguồn nhận thức chính của đức tin: Thánh Kinh và Thánh Truyền, huấn quyền và thần học, cũng như cảm thức đức tin của các tín hữu và các dấu chỉ của Tin Mừng được diễn giải dưới ánh sáng của Tin Mừng. Định hướng căn bản này, được suy tư thận trọng về mặt thần học, xác định các nghị bàn của Con đường Thượng hội đồng.”

Vì điều đó, ngài nói rằng không ai có thể nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức có nguy cơ trở thành ly giáo.

Các lo ngại về Con đường Thượng hội đồng tạo chia rẽ và đáp ứng với các áp lực của thời đại là một số vấn đề chính được các giám mục Bắc Âu và Ba Lan trưng dẫn; các vị này đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của mình một cách công khai.

Nhưng nhiều lần, Giám mục Bätzing đã nói rằng Giáo Hội Đức đang làm chính những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo Đức vào năm 2019, nghĩa là bắt đầu một “cuộc hành trình tâm linh trong khi kêu cầu sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.

Các giám mục Đức nhận thức sâu xa về mối quan tâm của các hội đồng giám mục khác về phương hướng mà Con đường Thượng hội đồng của họ đang thực hiện. Giám mục Bätzing thừa nhận rằng có rất nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề như các nghi thức chúc lành cho các cặp đồng tính hay việc phong phụ nữ làm phó tế hoặc linh mục.

Hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA đưa tin ngài cam kết rằng các giám mục sẽ đệ trình tất cả các quyết định cải cách của Con đường Thượng hội đồng (vì các quyết định này chỉ có thể được thực hiện ở bình diện giáo hội hoàn vũ) lên diễn trình thượng hội đồng trên toàn thế giới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục năm 2023 về tính thượng hội đồng. Trong lá thư ngày 14 tháng 4 của mình, Giám mục Bätzing nhắc lại rằng một số thay đổi được đề xuất phải được đưa ra trước Giáo Hội hoàn vũ.

Quan tâm của Các Giám Mục thế giới là điều chính đáng

Trong khi ấy, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Hợp nhất Kitô giáo, trong cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng 4, 2022 của EWNT, lên tiếng cho rằng quan ngại của các Giám Mục thế giới đối với Con đường Thượng Hội Đồng Đức là điều chính đáng chỉ vì Con đường này muốn tái thẩm định giáo huấn của Giáo Hội về luân lý tính dục và một số vấn đề chủ chốt khác.

Ngài nói: “tôi rất hy vọng các Giám Mục Đức sẽ không chỉ bênh vực mình nhưng thực sự đi vào đối thoại”.

Hy vọng của ngài dường như đã bị lá thư trả lời của Giám Mục Bätzing bác bỏ. Vì quả thực, vị Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức này đã chỉ tìm cách biện minh mà thôi.

Theo Đức Hồng Y Koch, mấu chốt vấn đề là “Đức Thánh Cha và các Giám Mục Đức mỗi bên hiểu Con đường Thượng hội đồng ra sao” vì hiện nay hai lối hiểu này không đồng qui.

Ngài nói: “tôi không thấy chúng đồng nhất. Với Đức Giáo Hoàng, tính thượng hội đồng là... một biến cố thiêng liêng. Nghĩa là, ngài mời gọi chúng ta lắng nghe nhau và, khi lắng nghe nhau, chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần để biết Người muốn nói với chúng ta điều gì. Trong khi ở Đức, tôi có cảm tưởng tính thượng hội đồng hệ ở việc xử lý cơ cấu, một điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc giục một cách mạnh mẽ trong 'Lá thư Gửi dân Chúa' ở Đức của ngài, rằng trước nhất và trên hết không phải về cơ cấu mà là về linh đạo. Và thứ hai, tính thượng hội đồng xét toàn thể phải phục vụ việc phúc âm hóa...”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhà thờ Tây Ninh: Thánh lễ Vọng Phục sinh
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
09:31 18/04/2022
“Chúa đã sống lại thật và đang ở giữa chúng ta. Hãy vui mừng và cùng nhau hát lên Halêluia đón mừng Chúa Giêsu Phục sinh...”, Cha Đaminh Nguyễn Thành Thái Chánh xứ Giáo xứ Tây Ninh đã chia sẻ như thế với cộng đoàn dân Chúa trong bài giảng lễ đêm Vọng Phục sinh tại Nhà thờ Tây Ninh vào lúc 20g00 tối thứ Bảy, ngày 16.04.2022.

Xem Hình

Giữa thành phố đang hồi phục sau cơn Đại Covid 19, người và xe ngược xuôi, tối Thứ Bảy Tuần Thánh năm nay, bên trong nhà thờ Tây Ninh nằm giửa Trung Tâm Thành phố Tây Ninh tối hơn thường ngày. Các hàng ghế gỗ đã đầy kín người ngồi, phải kê thêm nhiều ghế nhựa phía sau. Họ từ nhiều giáo xứ, giáo hạt quy tụ về ngôi nhà thờ thân yêu của mình để canh thức đêm Vượt qua cùng Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái. Ngài đã chủ sự các nghi thức: Thắp nến Phục sinh, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Phép Rửa và Phụng vụ Thánh Thể.

Phần đầu tiên là nghi thức Thắp nến Phục sinh, gồm việc thánh hóa lửa mới, rước nến Phục sinh và trọng tâm là công bố Tin Mừng Phục Sinh. Đèn nhà thờ tắt hết. Trong bóng tối, các thành phần dân Chúa hướng về phía cửa nhà thờ. Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái làm phép lửa mới. Trong ánh lửa bập bùng, nến Phục sinh được ghi lên chữ Alpha và Omêga là chữ cái đầu và cuối trong bộ mẫu tự Hy Lạp, với ý nghĩa Chúa Kitô là khởi đầu và kết thúc của nhân loại. Con số thời gian năm 2022 ghi bên cạnh 5 dấu đanh nói lên Thiên Chúa đã có, đang có và tồn tại đến muôn đời. Khi đoàn rước từ ngoài cửa đi lên Cung thánh, nến Phục sinh được giơ cao và hát “Ánh sáng Chúa Kitô”, cộng đoàn cùng thưa “Tạ ơn Chúa”. Việc này được thực hiện 3 lần. Đến lần thứ 2, đoạn giữa nhà thờ, lửa sáng từ nến Phục sinh được thắp cho những người đứng đầu dãy ghế và họ chuyền lửa cho hàng của mình. Trong phút chốc, Nhà thờ Giáo xứ lung linh trong hàng trăm ánh nến lan tỏa. Những người vào thánh đường tham dự đêm canh thức cầu nguyện Vượt qua đều mang theo một cây nến kèm với chụp nến bằng giấy.

Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái - tiến đến giảng đài công bố Tin mừng Phục sinh (Exsultet). Đây còn được gọi là bài ca Mừng Vui Lên, được ví như khúc khải hoàn ca, kêu mời tất cả thiên sứ trên trời cũng như muôn người dưới đất hãy vui lên vì đây là một đêm hồng phúc: đêm mà xiềng xích tội lỗi bị bẻ tung và con người được giải thoát khỏi án tội tổ tông.

Phần thứ nhì là Phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: Cựu ước và Tân ước. Bài đọc 1 trích trong Sách Sáng thế, kể lại kỳ công tạo dựng đất trời và muôn vật, muôn loài của Thiên Chúa. Người thấy mọi sự đều tốt đẹp và tạo nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa... Bài đọc 2 trích trong Sách Xuất hành, thuật lại việc con dân Israel đi qua lòng Biển Đỏ được an toàn. Đó là hình ảnh báo trước cuộc giải thoát nhân loại khỏi mọi tội lỗi mà Đức Giêsu Kitô thực hiện. Mọi người hiện diện cùng ca đoàn hồ hởi reo to: “Vang lên muôn lời ca, ta ca ngợi Chúa, vì uy danh Ngài cao cả. Chiến mã với kỵ binh, Ngài đã quăng chìm đáy biển”...

Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái xướng Kinh Vinh Danh, cộng đoàn hân hoan hát vang. Những quả chuông cổ trên nóc nhà thờ đua nhau hòa tiếng, ngân xa trong đêm tối. Các đèn trong nhà thờ được mở sáng. Ngôi nhà thờ lại rực rỡ ngày đại lễ. Bàn thờ được trải khăn, chưng hoa nến.

Các thành phần dân Chúa lắng nghe bài đọc thứ 4: Thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma (Rm 6, 3-11), trình bày rằng Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết không còn quyền chi đối với Người. Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chết do tội lỗi và sống lại trong Chúa Kitô...

Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái xướng Halleluia 3 lần với 3 cấp độ tăng dần. Các thành phần dân Chúa cũng thưa lại 3 lần và bày tỏ niềm hân hoan qua Thánh vịnh 109: “Halleluia. Nào cảm tạ Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Halleluia là tiếng Do Thái, có nghĩa “Hãy ca tụng Giavê Thiên Chúa”. Giáo hội quen dùng từ này để nói lên niềm vui, đặc biệt là trong mùa Phục sinh.

Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái cũng chia sẽ với cộng đoàn, về Nghi thức lễ Vượt qua của Dân Israel xưa kia và thánh lễ vượt qua ngày nay... Ngài chia sẻ niềm vui mừng Chúa sống lại và nhấn mạnh: Là Kitô hữu, là người môn đệ Chúa, mỗi người cũng được thông phần với Chúa Giêsu Phục sinh, được chia sẻ Thần khí và nên một với Người. Chúng ta hân hoan đón mừng Chúa đến với chúng ta. Mầu nhiệm Phục sinh là Mầu nhiệm của sự sáng tạo mới. Lịch sử cứu độ tiếp nối lịch sử tạo dựng và cao điểm là Chúa Tử nạn và Phục sinh. Thiên Chúa là Tình yêu đã sai Con Một xuống thế gánh tội chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa chiến thắng sự chết vĩnh viễn và ban cho ta sự sống mới...

Phần Phụng vụ Thanh tẩy Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Thành Thái làm phép nước mới và đưa đi rảy trên dân chúng. Ngọn lửa từ cây nến Phục sinh đặt cạnh bàn thờ được chuyền xuống cho mọi người tham dự. Với nến sáng trong tay, các thành viên của Hội Thánh địa phương long trọng tuyên xưng Đức Tin và từ bỏ ma quỷ cùng những quyến rũ của chúng.

Sau khi cộng đoàn nhận phép lành trọng thể cuối lễ với chúc: “Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Halleluia. Halleluia”, cả nhà thờ hân hoan đáp lời: “Tạ ơn Chúa. Halleluia. Halleluia”.
 
Thánh Lễ Tạ Ơn Đặt Viên Đá Xây Dựng Nhà Thờ Giáo Họ Lương Mai-Tổng Giáo Phận Huế
Minh Phương
09:43 18/04/2022
Giáo xứ Lương Mai thuộc thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là một Giáo xứ được thành lập từ năm 1960, tuy nhiên đây là một vùng chiến tranh nên nhà thờ bị bom đạn đánh sập bình địa vào năm Mậu Thân 1968, giáo dân ly tán khắp nơi.

Sau năm 1975, số giáo dân trở về không được mấy gia đình, từ đó giáo xứ Lương Mai hoàn toàn bị xóa sổ. Giáo dân phải đi lễ ở những nhà thờ rất xa, thậm chí vào nhà thờ Phủ Cam, Dòng Chúa Cứu thế hoặc ra tận Trí Bưu, Kẻ Văn…Đến năm 1989 thì được sáp nhập vào giáo họ Nhất Tây, năm 1999 lại thuộc về giáo xứ Phú Xuân, Đến năm 2017, giáo xứ Đại Lược được Tòa Giám mục bổ nhiệm linh mục coi sóc thì giáo họ Lương Mai thuộc về giáo xứ Đại Lược. Trải qua bao biến động vì thời cuộc, linh mục Giuse Phạm Đình Luận quản xứ Đại Lược đã hết sức trăn trở cho một giáo xứ có bề dày lịch sử nay bị xóa sổ. Ngài đã tìm mọi cách để phục hồi lại ngôi nhà thờ và giáo xứ. Nhiều năm trôi qua, ước mơ của ngài cũng thành hiện thực, giấy tờ về đất dai được cấp và ngài lập tức xin giấy phép xây dựng nhà thờ.

Xem Hình

Sáng hôm nay: ngày 18 tháng Tư nhằm ngày thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế đã đến dâng Thánh lễ tạ ơn và đặt viên đá xây dựng nhà thờ. Niềm vui được thể hiện trên mỗi nét mặt của người con dân Lương Mai, đã trên 50 năm mới thấy được vị Chủ chăn của Giáo phận đến dâng Thánh lễ trên chính mãnh đất của ngôi nhà thờ đã bị san bằng chỉ còn trơ lại nền móng.

Thánh lễ tạ ơn và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ với sự hiện diện của linh mục Tổng Đại diện và quý linh mục đồng tế. Cùng hiệp thông chung chia niềm vui có đại diện chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phong Điền, xã Phong Chương và họ tộc và tôn giáo bạn thuộc thôn Lương Mai.

Chia sẻ trong Thánh lễ tạ ơn, Đức Tổng Giám Mục đã đặc biệt nhấn mạnh về biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu, mà Thánh Phaolo đã tuyên bố: nếu Chúa Kitô thì ngài cũng không tin vào Tin mừng. Lịch sử của giáo họ Lương Mai cũng giống như lịch sử của Chúa Giêsu, đã phải trải qua biết bao thăng trầm, và hôm qua chúng ta mừng Chúa sống lại thì hôm nay chúng ta mừng cho giáo họ Lương Mai hồi sinh bằng Thánh lễ tạ ơn và làm phép viên đá xây dựng nhà thờ.

Sau bài chia sẻ Tin mừng, Đức Tổng Giám Mục đã long trọng dâng lời nguyện và làm phép viên đá xây dựng nhà thờ.

Kết thúc Thánh lễ, đại diện giáo họ Lương Mai đã nói lời cảm ơn Đức Tổng Giám Mục, quý linh mục đồng tế, cộng đoàn dân Chúa và cách đặc biệt cảm ơn chính quyền các cấp đã đến tham dự Thánh lễ bày tỏ tình liên đới hiệp thông với bà con giáo dân Lương Mai.

Minh Phương
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm canh thức Phục Sinh 2022
Văn Minh
09:54 18/04/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm canh thức Phục Sinh 2022 “Chúa Giêsu Phục sinh đã đem lại cho chúng ta một niềm tin và một hy vọng vào quê hương Nước Trời mai sau”.

Linh mục (Lm) Antôn Nguyễn Thanh Hà SVD, Dòng Ngôi Lời – đã chia sẻ như thế cho cộng đoàn trong Thánh lễ đêm canh thức mừng Chúa Phục sinh – diễn ra lúc 20g thứ Bảy ngày 16-4-2022 tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, Lm Antôn cùng cộng đoàn cử hành nghi thức làm phép lửa trước sân nhà thờ. Sau đó, cộng đoàn lấy lửa từ cây nến Phục sinh thắp sáng cầm trên tay cùng Lm chủ tế tiến vào ngôi thánh đường trong niềm hân hoan chào đón của cộng đoàn dân Chúa.

Theo lịch phụng vụ trong đêm canh thức gồm có bốn phần chính:

Phụng vụ Ánh sáng

Phụng vụ Lời Chúa

Phụng vụ Phép Rửa

Phụng vụ Thánh Thể

Cả bốn phần trên đều nhấn mạnh đến sự sống – sự chết, ánh sáng, tối tăm, sự thánh thiện và tội lỗi của con người. Trong đêm canh thức này, Giáo hội đã diễn tả cuộc đời của Đức Kitô sống giữa nơi trần gian, chia sẻ kiếp phàm nhân cùng nhân loại chúng ta.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Lm Antôn đã gợi lên nét cao đẹp của Thiên Chúa nơi con người: Thiên Chúa tạo nên muôn loài vạn vật, và tạo dựng con người lên giống hình ảnh của Ngài. Theo quan niệm của con người, chết là hết và là lúc buông xuôi đi tất cả. Tuy nhiên, đối với người Công Giáo chết không phải là hết mà là sự thay đổi chứ không mất đi. Quả thật, Chúa Giêsu Phục sinh đã đem lại cho chúng ta một niềm tin và một hy vọng vào quê hương Nước Trời mai sau.

Lm Antôn diễn giảng tiếp: Hôm nay, Đức Kitô sống lại từ cõi chết, xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hãy chiêm ngắm và mang lấy ánh sáng Phục sinh của Ngài, ánh sáng của chân lý, ánh sáng của tình thương. Ước mong mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy đưa ánh sáng đến những nơi tối tăm trong bóng đêm, đến cho những ai còn đang chìm ngập trong say mê cờ bạc, rượu chè, đưa họ đến với ánh sáng của Tin Mừng, của tình thương và cùng nhau bước theo chân lý của Ngài.

Sau bài giảng, cộng đoàn thắp sáng cây nến cầm trên tay và cùng nhau lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Đồng thời, Lm Antôn rảy nước thánh trên cộng đoàn và ca đoàn hát vang bài “Tôi đã thấy nước”.

Thánh lễ được nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ được khép lại lúc 21g45, cộng đoàn lãnh nhận ơn bình an của Chúa Giêsu Phục sinh từ Lm chủ tế ra về mang theo ánh sáng của Đức Kitô Phục sinh.
 
Cộng Đoàn Thánh Linh Tempe Arizona Mừng Chúa Phục Sinh
Phan Hoàng Phú Qúy
12:26 18/04/2022
(Tempe-Arizona) Thứ Bảy ngày 16 tháng 4 năm 2022, vào lúc 8 giờ tối, Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh đã long trọng tổ chức Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh thật trang nghiêm và sốt sáng tại 1800 E Libra Dr. Tempe Arizona.

Thánh lễ hôm nay được cử hành dưới sự chủ tế của Đức Ông Peter Bùi Đại và linh mục Đa Minh Giuse Nguyễn Thiết Thắng thuộc Dòng Biển Đức đến từ New Orleans, bang Louisiana cùng đồng tế.

Xem Hình

Hôm nay cũng là ngày vui vì cộng đoàn đón nhận thêm nhiều thành viên mới vừa được nhận lãnh Bí tích Rữa tội.

Trong phần chia sẽ Lời Chúa, linh mục Đa Minh Giuse nhấn mạnh đến 40 ngày ăn chay hãm mình, 40 ngày cầu nguyện, Chúa đã chịu nộp mình, chịu vác Thập giá, chịu đóng đinh, chịu chết, và Ngài đã chiến thắng sự chết, đã khải hoàn phục sinh vinh hiển.

Chúng ta quy tụ về đây không phải để nhìn, để nghe, nhưng chúng ta đến để tham dự bởi vì: “khắp địa cầu dư đầy ân sủng Chúa, khắp gian trần tràn ngập ơn thánh Ngài, bạn sẽ vui mừng được múc nước tận nơi suối cứu độ”.

Vô Tri Bất Mộ, vì không biết nên chúng ta không tin, không cảm nhận được hồng ân cứu độ và chính chúng ta là người bị thiệt thòi.

Sự Chết không phải là câu trả lời cuối cùng, nhưng sự sống lại của Chúa là câu trả lời cuối cùng, chúng ta mỗi người cần phải đến với Chúa mỗi ngày để đón nhận những hoa trái trực tiếp từ cuộc tử nạn của Chúa Kitô, đến để bắt đầu cuộc sống mới với Chúa, biết chết đi với chính mình, biết hoán cải bản thân, gia đình, cộng đoàn, để chúng ta cùng được sống lại như Ngài.

Được biết trong tuần Thánh vừa qua, linh mục Đa Minh Giuse cũng đã hướng dẫn tĩnh tâm Mùa Chay cho Cộng Đoàn qua các đề tài Bí tích Rữa tội, Bí tích Mình Thánh Chúa, Nhịn và Chấp Nhận nhau trong đời sống hôn nhân gia đình.

Bí tích cần thiết nhất là Bí tích Rữa tội, vì cho chúng ta được ơn làm con Chúa. Và tiếp nhận những ân sủng Chúa

Bí tích quan trọng nhất đó là Bí tích Mình Thánh Chúa, vì MTC là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, như chính Chúa đã phán: “ Ai ăn thịt Ta và uống máu ta thì sẽ được sống đời đời”. Chúa ban cho chúng ta chính Chúa, không chỉ là nhân tính nhưng luôn cả Thiên tính nữa.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cạm bẩy, nhiều lo âu phiền muộn, nếu chúng ta không đến với Chúa thì đến với ai?, không cầu xin Chúa thì cầu xin ai?.

Một sự nhịn, chín sự lành, tha thứ và nhịn nhục người khác đôi khi làm mình bị thiệt thòi, nhưng đó là bí quyết để có được bình an, có được thuận hòa trong gia đình và ngoài xã hội, người mạnh mẽ là người không tranh dành hơn thua, nhưng là người biết kềm chế và làm chủ được cảm xúc của mình.

Vợ chồng biết chập nhận nhau để sống đời hạnh phúc, vì ngoài tình yêu còn có nghĩa vợ chồng, biết phó thác và cậy trông vào tình yêu quan phòng của Chúa, hãy trao hết gánh nặng cho Chúa vì bàn tay Chúa đang giang ra đón nhận.

Nguyện xin tình yêu của Chúa Phục Sinh sống mãi trong tâm hồn mỗi người chúng con Amen.

Phan Hoàng Phú Quý.
 
VietCatholic TV
Bác bỏ tối hậu thư đầu hàng ở Mariupol, Ukraine chiến đấu tiếp, giật sập tượng Nguyên Soái Liên Xô
VietCatholic Media
03:05 18/04/2022


1. Bức tượng bán thân của anh hùng Liên Xô trong Thế chiến II ở Kharkiv bị kéo xuống

Một tượng đài cho vị chỉ huy và anh hùng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, Nguyên soái Georgy Zhukov đã bị kéo xuống ở thành phố Kharkiv của Ukraine.

Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bức tượng bán thân bị giật khỏi bệ của nó.

Quan chức địa phương Tatyana Topchiy nói với đài truyền hình Ukraine Suspilne rằng vụ việc xảy ra rất nhanh vào khoảng 11:00 giờ địa phương, và nói thêm rằng bà không biết ai phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương trong thành phố từ lâu đã phản đối việc tháo dỡ tượng đài.

Konstantin Nemichev, lãnh đạo của một đơn vị quân đội được gọi là Kraken, trực thuộc Quân đoàn Quốc gia, cho biết đơn vị của anh đã thực hiện hành động này.

Đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây được công bố trên kênh Telegram của Nemichev cho thấy bức tượng bán thân sau khi bị giật sập được chở đi trong một chiếc xe tải và bị vứt ở một sở rác.

Nguyên soái Zhukov được coi là chỉ huy quan trọng nhất của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đóng vai trò quan trọng trong các trận chiến Stalingrad và Kursk, đồng thời chỉ huy cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin.

Cách thức dỡ bỏ tượng đài có thể được coi là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với nhiều người Nga.

Georgy Konstantinovich Zhukov sinh ngày 1 tháng 12 năm 1896 và qua đời ngày 18 tháng 6 năm 1974 là một Nguyên soái của Liên bang Xô Viết. Ông cũng từng là Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản, sau này được đổi tên thành là Bộ Chính trị. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Zhukov đã chỉ huy một số chiến thắng quyết định nhất của Hồng quân.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền trung nước Nga, Zhukov đã nhập ngũ vào Quân đội Đế quốc Nga và chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông phục vụ trong Hồng quân trong Nội chiến Nga. Dần dần thăng cấp, đến năm 1939, Zhukov được trao quyền chỉ huy một tập đoàn quân và giành chiến thắng trong trận chiến quyết định trước các lực lượng Nhật Bản tại Khalkhin Gol. Đó là trận đánh đầu tiên trong số bốn trận mang lại cho ông huân chương Anh hùng Liên Xô. Tháng 2 năm 1941, Zhukov được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Hồng quân.

Sau khi Đức xâm lược Liên Xô, Zhukov mất chức tổng tham mưu trưởng. Nhưng bù lại ông tổ chức phòng thủ Leningrad, Mạc Tư Khoa và Stalingrad; và chỉ huy trận chiến Berlin.

Sau chiến tranh, thành công và sự nổi tiếng của Zhukov khiến tượng đài của ông được dựng ở nhiều nơi trên lãnh thổ Liên Xô. Điều này khiến Joseph Stalin coi ông là một mối đe dọa tiềm tàng. Stalin tước bỏ các chức vụ của ông ta và giáng chức ông ta, đưa vào các vị trí chỉ huy quân sự ít có ý nghĩa chiến lược. Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, Zhukov đã ủng hộ việc Nikita Khrushchev giành được quyền lãnh đạo Liên Xô vì thế năm 1955, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Năm 1957, Zhukov lại bị mất ưu ái và buộc phải nghỉ hưu. Ông không bao giờ trở lại vị trí có ảnh hưởng và qua đời vào năm 1974.

2. Ukraine bác bỏ tối hậu thư đầu hàng ở Mariupol. Phản ứng của Nga

Các lực lượng Ukraine bị bao vây ở Mariupol đã bác bỏ tối hậu thư buộc họ phải đầu hàng của Nga và vẫn đang chống trả cuộc tấn công không ngừng vào thành phố cảng phía đông nam, các quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết thành phố bị quân đội Nga bao vây kể từ ngày 1 tháng Ba vẫn chưa thất thủ. Quân đội Ukraine bị bao vây trong thành phố đang cầm cự trước sự tấn công dữ dội của Nga bất chấp bị áp đảo bởi quân số của đối phương.

Một cố vấn của thị trưởng Mariupol cũng đã bác bỏ tối hậu thư của Nga trước đó vào hôm Chúa Nhật. Petro Andriushchenko nói trên Telegram “kể từ hôm nay, binh sĩ phòng vệ của chúng tôi tiếp tục chiến đấu”.

Các bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi các binh sĩ Ukraine vẫn còn ở Mariupol phải đầu hàng trước 1 giờ chiều Chúa Nhật, theo giờ địa phương, cảnh báo bất kỳ ai vẫn chống cự sau thời hạn chót “sẽ bị loại bỏ”. Bộ Quốc Phòng Nga sau đó xác nhận tối hậu thư đã bị các binh sĩ Ukraine phớt lờ.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc Phòng Nga cho biết các binh sĩ Ukraine bị bao vây “đã được đề nghị tự nguyện buông vũ khí và đầu hàng để cứu mạng sống của họ. Tuy nhiên, chế độ dân tộc chủ nghĩa ở Kiev, cấm các cuộc đàm phán về việc đầu hàng”.

3. Ukraine bác bỏ tối hậu thư đầu hàng ở Mariupol. Tuyên bố của phía Ukraine

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết các lực lượng Ukraine ở thành phố cảng phía đông nam Mariupol vẫn đang chiến đấu và chưa đầu hàng.

“Thành phố Mariupol vẫn chưa thất thủ. Vẫn còn các lực lượng quân đội của chúng ta, những người lính của chúng ta vì vậy họ sẽ chiến đấu cho đến cùng và hiện tại họ vẫn đang ở Mariupol “, Shmyhal nói trên ABC News sau thời hạn do Nga đặt ra cho các lực lượng của Ukraine trong thành phố phải đầu hàng

“Không một thành phố lớn nào ở Ukraine bị thất thủ. Chỉ có Kherson nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng quân sự Nga nhưng tất cả các thành phố còn lại đều thuộc quyền kiểm soát của Ukraine “, ông nói tiếp và nói thêm rằng một số thành phố ở các khu vực xung quanh đã bị “bao vây nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine “.

Thủ tướng Shmyhal nói rằng hơn 900 thành phố, thị trấn và làng mạc của Ukraine đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa nắm quyền kiểm soát sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Ông Shmyhal nói: “Chúng tôi vẫn đang chiến đấu và chúng tôi có trận chiến ở vùng Donbas nhưng chúng tôi không có ý định đầu hàng.

Trả lời câu hỏi về tình hình ngoại giao hiện tại, ông nói “Ukraine sẽ chuẩn bị để dừng cuộc chiến này” nếu “một phương thế ngoại giao có thể thực hiện được.”

Tuy nhiên, nếu Nga không sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán, ông nói “chúng tôi sẽ không đầu hàng, chúng tôi sẽ không rời bỏ đất nước, gia đình, đất đai của chúng tôi, chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho đến khi giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Shmyhal cũng cảm ơn Hoa Kỳ và các đối tác khác đã hỗ trợ cung cấp đạn dược, viện trợ nhân đạo và tài chính.

“Chúng tôi thâm hụt ngân sách khoảng 5 tỷ đô la mỗi tháng sau khi chiến tranh diễn ra. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao và chúng tôi rất biết ơn bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ Hoa Kỳ và tất cả các đối tác quốc tế của chúng tôi”

Ukraine sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Bộ Tài chính Mỹ tại các cuộc họp tuần này ở Washington.

4. Những kẻ xâm lược Nga gửi các vật phẩm cướp được từ Vùng Kherson đến Crimea bán

Những kẻ xâm lược Nga đang gửi những vật phẩm cướp được từ người Ukraine ở Vùng Kherson đến Crimea bị chiếm đóng tạm thời.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Ủy viên Nhân quyền Quốc Hội Ukraine là Liudmyla Denisova trên Telegram,

Denisova nói: “Những kẻ xâm lược Nga đang ngăn cản hàng hóa nhân đạo được chuyển đến Khu vực Kherson, và đang gửi các mặt hàng cướp được, bao gồm thực phẩm, máy móc và thiết bị nông nghiệp đến bán tại vùng Crimea bị chiếm đóng.

Denisova đề cập đến các cửa hàng, văn phòng, nhà cửa bị cướp bởi quân xâm lược Nga, cũng như các vụ bắt cóc và tra tấn hàng loạt trong các địa phương bị chiếm đóng, đặc biệt là những người từng tham gia quân đội Ukraine, và các nhân viên thực thi pháp luật.

Theo Denisova, khủng bố, đối xử vô nhân đạo và giết hại dân thường trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là tội ác chiến tranh theo Hiến chương của Tòa án quân sự quốc tế và Quy chế Rôma của Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng như vi phạm Công ước Geneva về bảo vệ dân thường trong thời gian chiến tranh.

Denisova đã kháng cáo lên Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc về các vi phạm nhân quyền trong cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine để điều tra các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân quyền do Liên bang Nga thực hiện ở Ukraine.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra của các lực lượng Nga ở miền đông đất nước, trong một bài phát biểu video hôm Chúa Nhật.

“Quân đội Nga đang chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công ở phía đông đất nước chúng ta. Điều đó sẽ bắt đầu trong tương lai rất gần”, Ông Zelenskiy nói.

“Họ muốn kết liễu và tiêu diệt Donbas theo đúng nghĩa đen. Phá hủy tất cả những gì đã từng mang lại vinh quang cho vùng công nghiệp này. Hệt như quân đội Nga đang phá hủy Mariupol, họ muốn quét sạch các thành phố và cộng đồng khác ở vùng Donetsk và Luhansk”.

Tại thành phố Kharkiv: Zelensky cho biết các cuộc pháo kích của Nga đã khiến 5 cư dân thiệt mạng và 15 người khác bị thương hôm Chúa Nhật. Ông nói thêm rằng trong 4 ngày qua, tổng cộng 18 người đã thiệt mạng và 106 người bị thương do trận pháo kích của Nga vào Kharkiv.

“Đây là một vụ khủng bố có chủ ý. Súng cối, pháo chống lại các khu dân cư bình thường, chống lại dân thường,” ông nói.

Ông Zelenskiy cũng cáo buộc các lực lượng Nga vi phạm các quy tắc nhân đạo ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine.

“Các phòng tra tấn được xây dựng ở đó. Họ bắt cóc đại diện của chính quyền địa phương và bất kỳ ai được cho là có vai trò nào đó đối với cộng đồng địa phương. Họ tống tiền giáo viên. Họ ăn cắp tiền được cung cấp để trả lương hưu. Viện trợ nhân đạo bị phong tỏa và bị đánh cắp. Họ tạo ra nạn đói”

Zelensky cũng nhắc lại lời kêu gọi các đồng minh cắt nguồn cung dầu của Nga trong bài phát biểu của ông.

“Nhu cầu về lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu từ Nga đang tăng lên mỗi ngày. Tất cả mọi người ở Âu Châu và Mỹ Châu đều đã thấy Nga công khai sử dụng năng lượng để gây bất ổn cho các xã hội phương Tây. Ông nói, sự thao túng của Nga vào sự hỗn loạn trên thị trường nhiên liệu sẽ không thành công nếu các quốc gia bớt lệ thuộc vào Nga”.
 
Vị Hồng Y ứa lệ quỳ bên mộ tập thể ở Bucha. Sứ Thần Tòa Thánh ở Ukraine cảnh báo tin giả chống Đức Giáo Hoàng
VietCatholic Media
04:29 18/04/2022


1. Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2022: Đức Thánh Cha Phanxicô nói 'thế giới đã chọn con đường của Cain'

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Thứ Sáu Tuần Thánh rằng thế giới đã “chọn con đường của Cain.”

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “A Sua immagine”, nghĩa là “Trong hình ảnh của Ngài”, trên kênh Rai 1 của Ý, Đức Giáo Hoàng đã tố cáo các cuộc chiến hiện đang hoành hành trên khắp thế giới.

“Tại thời điểm này ở Âu Châu, cuộc chiến này đang thực sự ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng chúng ta hãy nhìn xa hơn một chút.”

“Thế giới đang có chiến tranh, thế giới đang có chiến tranh! Syria, Yemen, sau đó hãy nghĩ về những người Rohingya bị đuổi ra ngoài, không còn quê hương. Chiến tranh ở khắp mọi nơi. Cuộc diệt chủng ở Rwanda cách đây 25 năm vẫn còn.”

“Bởi vì thế giới đã chọn ⁠— thật khó để nói điều này ⁠— nhưng thế giới đã chọn con đường của Cain và chiến tranh đang bắt đầu những gì Cain đã làm, đó là giết chết em trai của mình.”

Đức Giáo Hoàng thường nhắc đến nhân vật Cain trong Kinh thánh, người đã giết chết em trai Abel của mình, kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Trong cuộc phỏng vấn với “A Sua immagine,” phát sóng vào ngày 15 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã đọc Lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae mỗi ngày.

“Mỗi ngày, tôi cầu nguyện lời cầu nguyện đó với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae vào buổi sáng. Hằng ngày! Lời cầu nguyện ấy có thể giúp tôi chiến thắng ma quỷ,” ngài nói với người phỏng vấn của mình, Lorena Bianchetti.

“Ai đó nghe tôi có thể nói: 'Nhưng, thưa Đức Giáo Hoàng, ngài đã nghiên cứu, ngài là giáo hoàng mà ngài vẫn tin có ma quỷ à?' Vâng, tôi tin có ma quỷ, tôi tin có ma quỷ. Tôi sợ nó, đây là lý do tại sao tôi phải tự bảo vệ cho mình hết sức”.

Trong chương trình đặc biệt Thứ Sáu Tuần Thánh, có tựa đề “Hy vọng khi bị bao vây”, Đức Giáo Hoàng cũng phản ánh về các chủ đề bao gồm bạo lực gia đình, người tị nạn và cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.

“Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, trước mặt Chúa Giêsu bị đóng đinh, hãy để Ngài chạm vào trái tim bạn, để Ngài nói với bạn bằng sự im lặng và bằng nỗi đau của mình”

“Ngài nói với bạn qua những người đang đau khổ trên thế giới: những người bị đói, bị chiến tranh, bị bóc lột như vậy, và tất cả những điều này.”

“Hãy để Chúa Giêsu nói với bạn và xin đừng nói nhưng hãy giữ im lặng. Hãy để Ngài nói với bạn, và xin ân huệ của những giọt nước mắt”.

Sau đó trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã phản ánh về đức cậy, Đức Thánh Cha nói rằng “hy vọng không bao giờ làm bạn thất vọng, nhưng nó khiến bạn phải chờ đợi”.

“Hy vọng là quản gia của đời sống Công Giáo, của đời sống Kitô. Đó thực sự là nhân đức khiêm tốn nhất trong các nhân đức.”

Đức Giáo Hoàng có mối quan hệ lâu đời với chương trình “A Sua immagine”. Ngài đã thực hiện một cuộc gọi trực tiếp bất ngờ đến chương trình khi bắt đầu cuộc khủng hoảng coronavirus vào năm 2020.

Ngài cũng đã đề cập đến chương trình này trong những tháng gần đây, trích dẫn chương trình trong các diễn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào tháng 10 năm 2021 và trong những dịp khác.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi liệu ngài có cảm thấy cô đơn kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013 hay không.

“Không, Chúa đã tốt với tôi,” ngài trả lời. “Tôi không biết. Nếu có chuyện gì không hay, Ngài đã luôn đặt những người ở đó để giúp tôi. Ngài đã có mặt. Ngài đã rất hào phóng. Có lẽ vì Ngài biết rằng tôi sẽ không thể vượt qua được một mình”.
Source:Catholic News Agency

2. Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2022: Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng cầu nguyện tại ngôi mộ tập thể ở Ukraine

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vị Hồng Y đặc sứ của Đức Giáo Hoàng đã đến Borodianka, một thị trấn cách thủ đô Kyiv khoảng 30 dặm về phía tây bắc.

Đức Hồng Y cho biết trong một thông điệp audio được chia sẻ bởi văn phòng báo chí: “Tôi đang ở đây với Sứ thần Tòa Thánh, chúng tôi đang trở lại Kyiv, từ những nơi khó khăn này đối với mọi người trên thế giới, nơi chúng tôi vẫn còn tìm thấy rất nhiều người chết và ít nhất là một ngôi mộ của 80 người.”

“Cảm ơn Chúa rằng còn có đức tin, và chúng ta đang ở trong Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chúng ta có thể hợp nhất với con người của Chúa Giêsu và cùng Ngài thăng thiên trên Thập tự giá, bởi vì sau Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là Chúa Nhật Phục sinh.”

“Và có thể Ngài sẽ giải thích mọi thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài và thay đổi mọi thứ bên trong chúng ta, nỗi cay đắng và đau khổ này mà chúng ta đã phải gánh chịu trong nhiều ngày qua.”

Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng từ năm 2013, đã thực hiện hai chuyến thăm trước đây đến Ukraine theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong lần đầu tiên, ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước và lần thứ hai, ngài giao xe cấp cứu cho chính quyền ở miền tây Ukraine.

Trong chuyến thăm lần thứ ba, vị Hồng Y 58 tuổi người Ba Lan đã chuyển một chiếc xe cứu thương thứ hai do Đức Thánh Cha Phanxicô tặng đến một bệnh viện tim mạch ở Kyiv.

Một tuần trước chuyến thăm của Đức Hồng Y Krajewski đến Borodianka, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở thành phố Bucha vừa được giải phóng.

Nhiều ngày trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giương cao một lá cờ Ukraine tại một buổi tiếp kiến chung mà ngài nói là được đưa đến từ “thành phố tử đạo” Bucha.

Đức Giáo Hoàng nói: “Những tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang lại sự an ủi và hy vọng, lại cho thấy những hành động tàn bạo mới, chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bucha, những hành động tàn ác ngày càng khủng khiếp đối với dân thường, phụ nữ và trẻ em không có vũ khí”.

“Họ là những nạn nhân có dòng máu vô tội kêu thấu trời cao và cầu xin sự kết thúc cho cuộc chiến này. Chúng ta hãy làm cho vũ khí im lặng, chúng ta hãy ngừng gieo rắc chết chóc và hủy diệt”.
Source:Catholic News Agency

3. Tại sao Sứ Thần Tòa Thánh ở Kyiv tham gia vào việc chống lại 'tin giả'?

Đầu tháng này, Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã công bố một bài “kiểm tra thực tế” những tuyên bố gần đây về Tòa thánh. Đây có thể là lần đầu tiên trong một loạt bài về chủ đề này.

Sáng kiến này - do Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đưa ra - đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chấp thuận. Mục đích của nó là để làm rõ các quan điểm của Tòa thánh đề phòng trường hợp bị thao túng và bác bỏ các “tin tức giả”.

Bài đăng ngày 8 tháng 4 tập trung vào hai điểm. Đầu tiên là làm rõ lập trường của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về vấn đề vận chuyển vũ khí cho Ukraine.

Thứ hai là bác bỏ những tuyên bố cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có tài khoản tại Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, hay “ngân hàng Vatican”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói: “Tôi tin rằng có quyền tự bảo vệ. Đó là nguyên tắc mà Ukraine cũng đang dùng để chống lại Nga. Cộng đồng quốc tế muốn tránh leo thang, và cho đến nay, không muốn đích thân can thiệp, nhưng tôi thấy rằng nhiều người đang gửi vũ khí. Điều này thật khủng khiếp khi nghĩ đến và có thể gây ra một sự leo thang không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng vệ chính đáng vẫn được duy trì”.

Những lời của Hồng Y được hiểu là một phán quyết tiêu cực về việc gửi vũ khí để giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở một số nước Âu Châu vốn coi quan điểm của Tòa thánh là quá thuận lợi đối với Nga.

Đó là cách giải thích không chính xác về lời nói của Đức Hồng Y Parolin. Trên tất cả, nó là một diễn giải chính trị. Tòa thánh không giữ lèo lái, cũng như không tìm cách can dự vào các quyết định của các quốc gia khác. Ngược lại, mục tiêu của Tòa Thánh là trở thành một bên thứ ba, một tác nhân quốc tế đáng tin cậy. Điều này cũng là do Vatican sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu nhiều lần.

Trong bài đăng kiểm tra thực tế của mình, Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đã mời độc giả nghiên cứu nguyên văn những lời của Đức Hồng Y Parolin, được công bố bằng tiếng Ý và được xuất bản lần đầu tiên bởi ACI Stampa.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Trong cuộc phỏng vấn, ba điều riêng biệt được đề cập, cũng được phân cách bằng những dấu chấm câu.”

Đầu tiên là “theo những gì thần học Công Giáo công nhận, mọi quốc gia, và trong trường hợp này là Ukraine, đều có quyền tự vệ.” Thứ hai, rằng “chúng tôi thấy rằng cộng đồng quốc tế không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, nhưng một số quốc gia đã gửi vũ khí của họ”. Thứ ba và cuối cùng, “một thực tế khác là nguy cơ diễn biến của tình hình sẽ gây ra sự leo thang thậm chí nghiêm trọng hơn, với những hậu quả không thể tưởng tượng được.”

Do đó, theo lời của Hồng Y Parolin, không có phán xét nào, thậm chí không ẩn ý, về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sứ thần cũng bác bỏ các tuyên bố công khai ám chỉ rằng Tổng thống Putin giữ tiền của mình trong “ngân hàng Vatican”.

“Sai”, sứ thần viết. “Viện Giáo Vụ chỉ quản lý các tài khoản được giữ dưới danh nghĩa của các cá nhân và pháp nhân có liên hệ với Giáo Hội Công Giáo hoặc với Tòa thánh (chẳng hạn như các đại sứ quán được Tòa thánh công nhận) chứ không bao giờ quản lý các tài khoản của người nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài.”

Cuộc chiến ở Ukraine suy cho cùng cũng là cuộc chiến về thông tin, và thường thì lập trường của Tòa thánh được sử dụng để hợp pháp hóa các quan điểm nhất định với cái giá của những người khác.

Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Giáo hoàng vẫn là một: cổ vũ hòa bình và đối thoại. Tòa Thánh không đứng về phía các quốc gia riêng biệt, cũng như không ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của họ. Nhưng Tòa Thánh cam kết đưa ra những quyết định đầy cảm hứng giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.
Source:Catholic News Agency
 
Cả tiểu đoàn Nga không may khi đụng độ Thủy Quân Lục Chiến Ukraine. 10 xe tăng Nga ra đi hôm thứ Hai
VietCatholic Media
16:29 18/04/2022


1. Quân đội Ukraine hạ trực thăng Nga trị giá 15 triệu USD bằng hỏa tiễn trị giá 100 USD

Tại khu vực Kharkiv, quân trú phòng Ukraine đã sử dụng một hỏa tiễn phòng không di động thông thường Igla bắn hạ một máy bay trực thăng Ka-52 của Nga trị giá 15 triệu USD.

“Ban đêm, trực thăng địch xuống rất thấp. Họ vòng qua vòng lại trên vị trí của chúng tôi, thậm chí không cho chúng tôi ngóc đầu lên. Và một xạ thủ phòng không đã bắn hai quả hỏa tiễn vào chúng. Tuy nhiên, một chiếc trúng bẫy nhiệt và chiếc còn lại bắn hạ một chiếc Ka-52. Nó rơi xuống. Kẻ thù cố gắng bay qua các vị trí của chúng tôi và bắn hỏa tiễn, nhưng các cuộc tấn công của kẻ thù không thành công… Chúng tôi không muốn lãng phí một khẩu Stinger, vì thế chiếc trực thăng Ka-52 của Nga đã bị bắn hạ bằng một chiếc Igla thông thường”, Bộ Chỉ huy Tác chiến Phía Đông nói.

Những người lính nói đùa rằng họ “đã bắn hạ một chiếc trực thăng của Nga trị giá khoảng 15 triệu đô la bằng cách bắn một hệ thống hỏa tiễn trị giá 100 đô la.”

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 17 tháng 4, các lực lượng phòng thủ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 20,300 quân xâm lược Nga. Ngoài ra, quân Nga cũng mất 773 xe tăng, 2.002 xe bọc thép, 376 hệ thống pháo, 127 hệ thống phóng hỏa tiễn hàng loạt, 66 hệ thống tác chiến phòng không, 165 máy bay, 146 trực thăng, 1.471 phương tiện giao thông, 8 tàu thuyền, 76 thùng nhiên liệu, 148 máy bay không người lái, 27 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Quân phòng thủ Ukraine đẩy lùi 12 cuộc tấn công của quân Nga trong khu vực Donbas.

Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi thành công 12 cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trong khu vực Chiến thuật của Lực lượng Liên hợp ở vùng Donetsk và Luhansk.

Đặc biệt, các đơn vị Ukraine đã phá hủy 10 xe tăng, 5 hệ thống pháo, 15 xe thiết giáp và 5 xe cơ giới của đối phương trên các hướng Donetsk và Luhansk vào ngày 17 tháng 4.

Ngoài ra, các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi 2 trực thăng và 1 máy bay không người lái Orlan-10 trong khu vực JFO.

Các binh sĩ của Lữ đoàn thủy quân lục chiến biệt lập số 35 của Chuẩn tướng Mykhailo Ostrohradsky đã đánh bại một đơn vị khác của quân chiếm đóng Nga.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Tại khu vực Mykolaiv, các binh sĩ của một tiểu đoàn biệt lập của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Odesa đã ngăn cản kế hoạch đánh chiếm lãnh thổ Ukraine của Nga. Một số người trong số họ may mắn sống sót và bị bắt làm tù binh, trong khi một số người sẽ trở về nhà trong một chiếc túi đen.”

Quân Nga thường không đưa xác của các tử sĩ về nước. Vì thế, Thủy quân lục chiến Odesa đã công bố căn cước của các binh sĩ Nga để gia đình họ biết được điều gì đã xảy ra cho con em mình.

3. Thủ tướng Áo cho biết Putin vẫn tin mình cuối cùng sẽ thắng

Hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Áo cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng ông ta đang chiến thắng trong cuộc chiến.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói với đài NBC “Gặp gỡ báo chí” rằng ông không thể giải thích đầy đủ lý do tại sao Putin, nhưng đã nói rằng Putin có “logic chiến tranh của riêng ông ta”, và nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga “đã gửi cho tôi những thông điệp rõ ràng về mối quan tâm của ông ấy” và rằng ông dường như đã nắm được đầy đủ những gì đang diễn ra trên thực địa.

“Tôi nghĩ bây giờ ông ta đang ở trong logic chiến tranh của riêng mình. Ông cho rằng cuộc chiến là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Liên bang Nga. Ông ấy không tin tưởng cộng đồng quốc tế. Ông ấy đổ lỗi cho người Ukraine về cái mà ông ta cáo buộc là tội ác diệt chủng ở vùng Donbas. Vì vậy, ông ta hiện đang ở trong thế giới của mình, nhưng tôi nghĩ ông ấy biết điều gì đang xảy ra ở Ukraine.”

Nehammer nói rằng Putin đã chuyển sang tiếng Đức trong cuộc gặp trực tiếp của họ để cảnh báo rằng chiến tranh kết thúc sớm thì tốt hơn là cứ dây dưa.

Các quan sát viên tin rằng các tướng tá Nga đang đánh lừa Putin về những gì đang diễn ra trên thực địa. Một thành phố nhỏ như Mariupol đánh suốt 6 tuần ròng rã vẫn không làm chủ hoàn toàn được thì nói gì đến việc chiếm cả một đất nước mênh mông như Ukraine.

4. Quân Nga pháo kích dữ dội vào Kharkiv

Theo các quan chức khu vực, thành phố Kharkiv ở đông bắc Ukraine đã phải chịu đựng thêm một ngày pháo kích rất lớn.

Oleg Synegubov, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv, cho biết trên Telegram: “Hôm nay, giữa ánh sáng ban ngày, đã có các trận pháo kích vào khu vực trung tâm của thành phố, khu dân cư Saltivka từ các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và các loại pháo. Đáng tiếc, 20 người bị thương, 5 người thiệt mạng. Các tòa nhà chung cư và các cơ sở hạ tầng dân sự khác đã bị hư hại “.

Ihor Terekhov, thị trưởng thành phố Kharkiv, cho biết các khu dân cư bị tấn công vào buổi sáng và hỏa tiễn đã được bắn vào trung tâm thành phố vào buổi chiều. Ông cho biết hàng chục tòa nhà đã bị hư hại, và con số thương vong bao gồm cả người chết và bị thương.

Terekhov cho biết người Nga đã không từ bỏ “những nỗ lực tiêu diệt dân thường của Kharkiv, gieo rắc sự hoảng sợ trong thành phố và làm suy sụp tinh thần của chúng tôi. Tuy nhiên, ý chí của Kharkiv, ý chí của những người Ukraine chúng tôi, không thể bị kẻ thù làm hại. Hôm nay, tôi đã bị thuyết phục về điều này khi tôi chứng kiến cách một nhân viên cứu thương che chở cho một phụ nữ bị thương trong cuộc pháo kích “.

Viết trên kênh Telegram của mình, Terekhov cho biết lực lượng Nga “tiếp tục bắn phá thành phố một cách dữ dội. Do đó, tôi kêu gọi các bạn một lần nữa, nếu có thể, hãy ở lại hầm trú ẩn và các ga tàu điện ngầm “.

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang cho biết vào chiều Chúa Nhật, “18 địa chỉ ở Kharkiv đã bị trúng đạn do địch pháo kích vào khu vực trung tâm của thành phố. Các căn hộ ở tầng 4 và tầng 5 trong một tòa nhà năm tầng đã bốc cháy “. Cơ quan này cho biết 160 nhân viên cứu hỏa và 33 đơn vị thiết bị đã tham gia dập tắt đám cháy.

Synegubov cho biết bất chấp các cuộc tấn công, các lực lượng Ukraine vẫn đang đẩy lùi quân Nga về phía đông thành phố. Ông tuyên bố một số ngôi làng đã được giải phóng cách Kharkiv khoảng 40 km về phía đông nam.

Các nỗ lực của Nga trong việc tiếp tế các lực lượng đang tập trung ở miền đông Ukraine cho một cuộc tấn công ở Donbas có thể bị cản trở. Tuần trước, các lực lượng đặc biệt Ukraine đã phá hủy một cây cầu trên một tuyến đường tiếp tế ở phía nam Kharkiv.

5. Các tình nguyện viên tiết lộ ba trại dành cho những người Ukraine bị trục xuất ở Vùng Penza của Nga

Tổng cộng 808.000 người Ukraine đã được đưa từ Ukraine đến Liên bang Nga, trong đó có 153.000 trẻ em.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Ủy viên Nhân quyền Quốc Hội Ukraine Liudmyla Denisova trên Telegram

“Hầu như ngày nào, các phương tiện truyền thông của quân xâm lược Nga cũng đều đưa tin về việc trục xuất sang Nga các công dân Ukraine. Tính đến ngày 16 tháng 4 năm 2022, theo họ, đã có tổng cộng 808.000 người phải di dời, trong đó có 153.000 trẻ em.”

Theo Denisova, các tình nguyện viên Nga đã liên lạc với cô vào tuần trước. Họ tiết lộ ba trại dành cho những người Ukraine bị trục xuất ở Vùng Penza của Nga.

“Họ đã đến thăm một trong những trại như vậy. Tại thời điểm đó, có hơn 400 người, chủ yếu là phụ nữ và 147 trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Công dân của chúng tôi đã ở trong tình trạng vô cùng khó khăn và chán nản. Họ không có quần áo, thức ăn, dụng cụ vệ sinh vì họ được đưa trực tiếp từ một hầm trú bom ở Mariupol sang”, Denisova nói.

Với sự hợp tác của các tình nguyện viên Nga, Cơ quan Lãnh sự tại Estonia và phía Estonia, 7 người Ukraine, trong đó có một gia đình có 3 trẻ em, đã được đưa đến Narva của Estonia và hiện đang nhận viện trợ ở đó.

Denisova nói thêm: “Bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ vận tải cho những nhóm người sau.

6. Estonia muốn tránh xa tuyên truyền của Nga

Thật khó để tìm ra những gì đang xảy ra bên trong Nga khi cuộc tấn công của họ vào Ukraine đang diễn ra dữ dội.

Vì vậy, những người đang tìm kiếm tin tức về những gì sẽ xảy ra ở đó đang tìm đến nước láng giềng Estonia, theo Phóng viên Quốc tế của CNN, Scott McLean, báo cáo từ thủ đô Tallinn của nước này.

Estonia, đất nước 1,3 triệu dân, đã tiếp nhận 30.000 người tị nạn Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Giống như Ukraine, nước này cũng từng là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và vẫn có một lượng lớn dân số nói tiếng Nga và nỗi sợ hãi trước sự xâm lược của Nga là có cơ sở. Phần lớn dân số của quốc gia này là người Nga, đặc biệt là ở các thị trấn ngay bên kia sông Narva, ngăn cách Estonia với Nga. Nhiều cư dân lớn tuổi của Narva không nói được tiếng Estonia, nhưng lại nói lưu loát tiếng Nga.

Mclean nói: “Trong bối cảnh không có nhiều phương tiện truyền thông tiếng Nga ở Estonia. Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã bao sân, họ lấp đầy khoảng trống, cung cấp cho mọi người một liều lượng ổn định về tuyên truyền của Điện Cẩm Linh.”

Thấy trước nguy cơ mất ổn định, Estonia đã tìm cách ngăn chặn các nguồn đó từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Estonia đã chặn đứng các kênh tin tức và truyền hình của Nga.

Vladimir Zavoronkov, một chủ tịch hội đồng thành phố ở Narva, thành phố lớn thứ ba của Estonia, nằm trên biên giới với Nga, cho biết: “Nhiều người ở đây đang mua một số hệ thống để thu các kênh của Nga.

Nhiều người đang mua ăng-ten trong các cửa hàng điện tử để thu các kênh của Nga và những người có công nghệ tiên tiến hơn đang thiết lập VPN của riêng họ, ông nói thêm.

7. Trì hoãn 8 giờ tại biên giới Ba Lan-Belarus sau thời hạn trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu

Chính phủ Ba Lan đã ghi nhận một sự ùn tắc giao thông tại biên giới với Belarus. Các xe vận tải rời Liên Hiệp Âu Châu để vào Belarus phải chờ đợi khoảng 8 giờ vào hôm Chúa Nhật tại biên giới Ba Lan-Belarus. Đoạn phim thu từ hôm thứ Bảy cho thấy các xe tải chở hàng đã phải chờ hàng cây số trên đường từ Ba Lan đến Belarus vài giờ trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các nhà khai thác đường vận chuyển hàng hóa của Nga và Belarus làm việc tại Liên Hiệp Âu Châu. Điều này đã được đồng ý như một phần của vòng trừng phạt thứ năm chống lại Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine.

Lệnh cấm có hiệu lực vào thứ Bảy, ngày 16 tháng 4, và bao gồm các ngoại lệ đối với nông nghiệp và các sản phẩm thực phẩm, viện trợ nhân đạo cũng như năng lượng.
 
Bênh Ukraine, các linh mục Belarus bị bắt, một vị nhanh chân chạy thoát. Nghị viện EU lên án Kirill
VietCatholic Media
16:32 18/04/2022


1. Belarus bắt các nhà lãnh đạo Kitô giáo phản đối bạo lực của chế độ và chiến tranh nhắm vào Ukraine

Những người bảo vệ nhân quyền cho rằng chế độ đang nhắm mục tiêu truy tố các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong cộng đồng địa phương của họ nếu họ công khai phản đối bạo lực của chế độ sau cuộc bầu cử tổng thống gian dối năm 2020 hoặc phản đối vai trò của Belarus trong cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine. Nhà của một số linh mục Công Giáo và những người khác đã bị đột kích vào cuối tháng 3 năm 2022.

Trong số hai linh mục Công Giáo bị nhắm mục tiêu vào tháng 3 ở Vùng phía bắc Vitebsk, cha Aleksandr Baran đã bị kết án tù 10 ngày, trong khi cha Andrzej Bulczak - một công dân Ba Lan đã phục vụ 14 năm ở Belarus - đã bỏ trốn khỏi đất nước trước phiên tòa có thể sẽ bỏ tù ngài dài hạn.

Vào ngày 25 tháng 3, cảnh sát đã đột kích vào nhà của Mục sư Tin Lành Baptist Roman Rozhdestvensky ở Cherikov, và vào nhà Cha Vasily Yegorov, một linh mục Công Giáo nghi lễ Đông phương, ở Mogilev. Cha Yegerov đã bị sách nhiễu vì dán một khẩu hiệu “Ukraine, hãy tha thứ cho chúng tôi” trên xe của mình.

Các cuộc đột kích vào cuối tháng Ba diễn ra khi những người Công Giáo và những người theo đạo Tin lành đang ở giữa Mùa Chay.

Cha Aleksandr Baran, người đã bị kết án tù 10 ngày, nhận xét rằng chế độ đang “can thiệp vào cuộc sống của mỗi người, vào đời sống của Giáo Hội, họ muốn chà đạp nhân quyền và bịt miệng mọi người.” Bình luận sau khi bị bắt, Cha Aleksandr Baran nói: “họ đã chuẩn bị cho việc bắt giữ tôi; đã có hàng đống giấy tờ và một số tài liệu khác về tôi nằm sẵn ở đó.”
Source:Forum 18

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tặng sách cho các linh mục hiện diện trong Thánh lễ Truyền Dầu

Đức Thánh Cha Phanxicô tặng một cuốn sách viết bằng tiếng Ý cho các linh mục có mặt trong Thánh lễ Truyền Dầu hôm Thứ Năm Tuần Thánh, có tựa đề “Chứng nhân, chứ không phải quan chức”, trong đó Đức Cha François-Xavier Bustillo của Ajaccio đưa ra những hướng dẫn cho các linh mục đang phục vụ trong thế giới luôn thay đổi ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng cuốn sách này như một món quà cho các linh mục tham dự Thánh lễ Truyền dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô, có những trích dẫn Kinh Thánh và triết học, những suy ngẫm về các sự kiện hiện tại và Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, sử dụng ngôn ngữ hiện đại và chia sẻ những giai thoại phong phú.

Cuốn sách đưa ra những ý tưởng cho thừa tác vụ mục vụ, và kêu gọi sự chú ý đến những thách thức cũ và mới: từ sự sa đà trên các phương tiện truyền thông xã hội đến nguy cơ biến giáo xứ chỉ thành một văn phòng hành chính.

Tác giả của cuốn sách cũng trích dẫn một loạt nhân vật, từ Kierkegaard, Camus, Nelson Mandela đến Martin Luther King, cũng như một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình Ý.

Cuốn sách cũng đề cập đến các chủ đề như khiêm tốn và quan hệ cha con, buồn chán và các chiến lược chính trị. Đặc biệt, cuốn sách tập trung vào các sự kiện hiện tại, bao gồm cả những thói quen mới đến từ đại dịch.

Tất cả được làm phong phú thêm với các trích dẫn Kinh thánh, các giáo huấn của Giáo hội, và đặc biệt là huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhằm đào sâu bản chất của chức linh mục và nền tảng, ơn gọi và sứ mệnh của nó. Cuốn sách xem xét những thách thức chính mà thừa tác vụ linh mục phải đối mặt, bắt đầu với thách thức phải luôn là “nhân chứng” và “người mang sự sống”.

Đức Cha François-Xavier Bustillo, một tu sĩ Dòng Phanxicô, đã trở thành Giám mục của Ajaccio, Corsica, vào năm 2021.

Cuốn sách của ngài đưa ra một phân tích thú vị và rõ ràng về thực tế ngày nay, nhấn mạnh rằng tiêu đề cuốn sách đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trở thành những nhân chứng Phúc âm đích thực trong thế giới ngày nay, và phải vượt qua nguy cơ chỉ được dân chúng nhìn nhận như là người có thẩm quyền chính thức hơn là một mục tử.

Với sự tinh tế hiện đại, ngôn ngữ dễ hiểu và vô số giai thoại, Đức Cha Bustillo, một nhà thần học và chuyên gia về mục vụ, đưa ra một bài suy niệm sâu sắc về chủ đề ngày càng phức tạp liên quan đến những thách thức mà chức linh mục phải đối mặt ngày nay dưới ánh sáng của thời hiện đại, những biến đổi, thường mang tính cách mạng, đang diễn ra nhanh chóng trong thế giới ngày nay.
Source:Vatican News

3. Nghị viện Âu Châu lên án nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga

Nghị viện Âu Châu, hội đồng lập pháp của Liên Hiệp Âu Châu, đã thông qua một nghị quyết về việc gia tăng đàn áp ở Nga.

Trong nghị quyết, Nghị viện Âu Châu nói rằng họ “lên án vai trò của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Nga, vì đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine.”

Nghị viện cũng “ca ngợi lòng dũng cảm của 300 linh mục thuộc Giáo hội Chính thống Nga, những người đã ký một lá thư lên án hành động xâm lược, đau buồn trước thử thách của người dân Ukraine và yêu cầu 'ngừng chiến tranh.'

Nhiều quan sát viên cho rằng, không chỉ có Putin, cả Thượng Phụ Kirill cũng có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh do Nga gây ra tại Ukraine.

Trong một hành động báng bổ không thể tưởng tượng nổi, hôm 13 tháng Ba, Thượng Phụ Kirill đã trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ cho quân Nga mau thắng.

Gần đây, tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.

“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.

“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.

Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tức giận.

Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.
Source:Catholic World News