Ngày 06-04-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gửi điện văn cho tân thượng phụ Chính Thống Syria
Bùi Hữu Thư
02:09 06/04/2014
Sáng thứ Sáu mùng 4 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một điện văn cho Tân Thượng Phụ Chính Thống Syria, là Ingnatius Aphrem II, để chúc mừng ngài nhân dịp đắc cử Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Syria tại thành Antiôkia và toàn Đông Phương.

Đức Thánh Cha gửi đến Đức Thượng Phụ, các giáo sĩ và các tín hữu của Giáo Hội Chính Thống Syria “những lời cầu chúc tốt đẹp” và “tình liên đới trong kinh nguyện”. Ngài nói ngài đã cầu xin “Chúa Thánh Thần ban tràn đầy ân sủng xuống cho sứ vụ cao cả của Đức Thượng Phụ.”

“Tôi cảm tạ Đấng Tối Cao về tình liên kết huynh đệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Syria, tôi hy vọng và cầu xin rằng tình bạn và việc đối thoại liên tục giữa chúng ta sẽ được phát triển và đào sâu nhiều hơn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc cho Đức Thượng Phụ “có thể trở nên người cha thiêng liêng cho tất cả mọi giáo dân của ngài, và là một người liên lỉ xây dựng hòa bình và công chính, luôn luôn phục vụ cho ích lợi chung của toàn vùng Trung Đông giữa bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn hiện nay.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc điện văn như sau: “Xin Cha Trên Trời của chúng ta ban cho ngài ơn bình an và sức mạnh để ngài có thể đảm trách sứ vụ cao quý đang chờ đợi ngài.”
 
Các linh mục có hạnh phúc không? Nghiên cứu của một tâm lý gia
Đặng Tự Do
01:12 06/04/2014
Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 413.000 linh mục Công Giáo, cho nên câu hỏi thường được đặt ra là đời sống của một linh mục như thế nào và các ngài có hạnh phúc không?

Đức Ông Stephen Rossetti, tác giả cuốn “Why Priests are Happy?” (Tại sao các linh mục hạnh phúc?) cho biết “Mỗi nghiên cứu được thực hiện, và được lặp lại nhiều lần, không chỉ bởi những người trong Giáo Hội nhưng bởi cả những người thế tục đều cho thấy tỷ lệ các linh mục hạnh phúc là rất cao, ít nhất là 90 phần trăm và thực sự là cao hơn giáo dân rất nhiều."

Trong cuốn sách của mình, Đức Ông Stephen Rossetti đã thực hiện nghiên cứu riêng của mình. Ngài là một linh mục trong gần 30 năm qua. Ngài cũng là một nhà tâm lý học có giấy phép hành nghề, và là giáo sư Đại Học, và thậm chí ngài đã từng phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ vào thập niên 1970. Đức Ông Stephen Rossetti khẳng định rằng có sự liên kết mạnh mẽ, trực tiếp giữa tác vụ linh mục và hạnh phúc.

Ngài nói:

“Chức tư tế có tất cả các yếu tố cần thiết của một cuộc sống hạnh phúc cho bất cứ ai. Trước hết, những người có đức tin có xu hướng là những người hạnh phúc hơn. Trái ngược với quan niệm vô thần, đức tin giúp bạn, đức tin mang lại cho đời bạn một ý nghĩa và mục đích và nó giúp bạn đón rước Thiên Chúa vào cuộc sống của mình. "

Hơn thế nữa, chức tư tế làm cho con người trở nên hoạt bát và cảm thấy mình là một phần của một cộng đồng nơi người ta có thể tự do sống đức tin. Điều này là thiết yếu và các chủng sinh và linh mục phải ghi nhớ điều đó.

"Điều quan trọng là linh mục có thể tạo ra những mối quan hệ hay không? Ngài có thể kết bạn, có thể xây dựng một cộng đồng đức tin hay không? Các linh mục ngày nay cần phải được như Đức Gioan Phaolô II đã từng gọi các ngài: đó là những người của hiệp thông. "

Nhưng một cuộc sống hạnh phúc không có nghĩa là một cuộc sống không có bất kỳ thách đố nào. Cũng giống như bất kỳ ơn gọi nào khác trong cuộc sống, nó có những thăng trầm của nó. Nhưng Đức Ông Rossetti nói những hình ảnh tiêu cực được miêu tả bởi các phương tiện truyền thông thế tục là không chính xác .

Ngài nói:

"Đáng tiếc là rất nhiều tường thuật cho công chúng về đời sống linh mục đã cố tình tạo ra một cảm thức tiêu cực, bất hạnh, bị cô lập, rối loạn chức năng. Nhưng những điều ấy không đúng sự thật."
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hai linh mục và một nữ tu bị bắt cóc tại Cameroon.
Đặng Tự Do
01:53 06/04/2014
Hai linh mục người Ý thuộc phong trào "Fidei Donum" (Hồng Ân Đức Tin) của giáo phận Vicenza, là cha Giampaolo Marta và Gianantonio Allegri và một nữ tu người Canada đã bị bắt cóc vào đêm thứ Sáu 4 tháng Tư. Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng một giải pháp nhanh chóng và tích cực có thể tìm được. Ngài đã được thông báo về vụ bắt cóc và vẫn thường xuyên liên lạc với Tòa Sứ Thần tại Yaoundé, là thủ đô của Cameroon.

Hai linh mục và nữ tu trên đã bị bắt giữ bởi một nhóm vũ trang khi đang ở tại nhà của họ tại Maroua, ở miền Bắc Cameroon.

Thủ phạm của vụ bắt cóc có thể thuộc lực lượng dân quân Hồi giáo, Boko Haram. Đức Cha Beniamino Pizziol là Giám Mục giáo phận Vicenza giải thích rằng đây là một tình huống rất tế nhị.
 
Cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha dành cho các bạn trẻ người Bỉ
Đặng Tự Do
03:21 06/04/2014
Trong một cuộc phỏng vấn với những câu hỏi không được biết trước dành cho các bạn trẻ người Bỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng "người nghèo là trung tâm trong Tin Mừng của Chúa Giêsu."

Trả lời một câu hỏi về mối quan tâm của mình đối với người nghèo, Đức Giáo Hoàng nói :

“Một vài tháng trước, tôi nghe ai đó nói: Giáo Hoàng này phải là một người cộng sản, ông ta đề cập đến người nghèo rất nhiều! Không phải, những người nghèo là một biểu tượng của Tin Mừng, sự nghèo đói không có ý thức hệ.”

Đức Giáo Hoàng đã đồng ý trả lời một cuộc phỏng vấn với giới trẻ Bỉ theo yêu cầu của Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Bỉ và của Đức Giám Mục Lucas Van Looy Ghent. Những câu hỏi và trả lời đã diễn ra tại Điện Tông Tòa hôm 31 tháng Ba, ban đầu được dự kiến trong 20 phút, nhưng Đức Giáo Hoàng đã dành gấp đôi thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Khi được hỏi Đức Giáo Hoàng có hạnh phúc không, Đức Thánh Cha đã khẳng định mạnh mẽ ngài rất hạnh phúc. Ngài nói rằng "đó là một thứ hạnh phúc bình thản bởi vì ở độ tuổi này không còn có thứ hạnh phúc sôi nổi như của một người trẻ tuổi; có sự khác biệt. Chắc chắn có một sự bình an nội tâm nhất định."

Khi được hỏi liệu có bất cứ điều gì làm ngài sợ, Đức Thánh Cha cười lớn đó chính là “bản thân mình!” Ngài nói thêm rằng trong các sách Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nói với những người theo Ngài đừng sợ. Đức Thánh Cha nói với người trẻ hỏi ngài câu đó rằng "sợ hãi không phải là một cố vấn tốt, bởi vì nó sẽ cho bạn lời khuyên xấu." Ngài nói tiếp về sự phân biệt giữa "nỗi sợ xấu và sự sợ hãi tốt, ". Sự sợ hãi tốt cảnh báo về mối nguy hiểm thật sự nhưng nỗi sợ xấu phải bị khước từ thẳng thừng. Ngài nói rằng ngài đã học được rất nhiều trong cuộc sống từ những sai lầm của chính mình. Người ta nói rằng con người là động vật duy nhất rơi vào cùng một cái giếng hai lần. Ngài nhận xét rằng trong cuộc sống của tôi, tôi đã học được và tôi vẫn học được - rằng những sai lầm là những thầy dạy tốt nhất . "

Đức Thánh Cha đã lên án mạnh mẽ "nền văn hóa loại bỏ" của thế giới đương đại, và kêu gọi những người trẻ tuổi khước từ nó. Quá thường xuyên, "con người bị đẩy ra khỏi trung tâm. Bị xếp thành những thứ ngoại vi. . Ở trung tâm là tiền bạc và quyền lực thống trị

Liên hệ đến một nền văn hóa đang có những đảo lộn, Đức Thánh Cha nói:

Những người trẻ tuổi ngày nay không còn muốn có con cái. Gia đình đang trở nên nhỏ hơn, những gia đình không muốn con cái. Người cao tuổi bị đẩy sang một bên. Nhiều người già chết vì một loại trợ tử vô hình, bởi vì không ai còn quan tâm đến họ và thế là họ chết. Và bây giờ cả giới trẻ cũng bị gạt ra ngoài lề.

Khi được hỏi liệu ngài có một câu hỏi nào cho các bạn trẻ người Bỉ , Đức Thánh Cha trả lời: "Kho báu của các con ở đâu ... Bởi vì cuộc sống của các con sẽ là nơi kho báu của các con được lưu giữ?".
 
Lòng thương xót của Chúa dành cho tất cả mọi người!
Bùi Hữu Thư
08:49 06/04/2014
Trong Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha giải thích: Sự sống lại đã bắt đầu

Rome, 6 tháng 4,l 2014 (Zenit.org)

Đức Thánh Cha đã nói câu này ba lần, và yêu cầu cử tọa lập lại trước Kinh Truyền Tin, và một lần nữa sau Kinh Truyền Tin: "Lòng thương xót của Chúa vô bến bờ và được dành cho tất cả mọi người!". Ngài mời gọi các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, và những ai theo dõi Kinh Truyền Tin bằng các phương tiện truyền thông là hãy luôn ghi nhớ mãi mãi điều này.

Đức Thánh Cha đã dành bài giảng của ngài trước Kinh Truyền Tin để bình giải Phúc Âm Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay về phép lạ làm cho Lazarô sống lại.

Chúng ta cùng sống lại với Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha đã nhắc lại về đức tin Kitô về sự sống lại của thân xác khi ngài nói: “Theo Lời Chúa, chúng ta tin rằng đời sống của những ai tin vào Chúa Giê-su và tuân theo các giới răn của Người, sau cái chết, sẽ được biến cải thành một đời sống mới, sung mãn và vĩnh cửu. Cũng như Chúa Giêsu đã sống lại trong thân xác, nhưng không trở lại với một đời sống trần thế, chúng ta cũng được sống lại với một thân xác đã được biến đổi thành thân xác vinh quang.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta bên Chúa Cha, và quyền năng Chúa Thánh Thần đã làm cho Chúa sống lại, cũng sẽ phục sinh chúng ta cùng với Người.”

Sau đó ngài đã nhắc đến lời Chúa Giê-su lớn tiếng la: “Trước ngôi mộ được người bạn niêm phong, Chúa Giêsu đã lớn tiếng la lên: ‘Lazarô! Hãy bước ra!’. Người chết đã đứng giậy, bước ra, chân tay còn bị quấn băng vải, và mặt còn bị khăn liệm che phủ.”

Đức Thánh Cha đã kể lại câu chuyện và khẳng định: “Tiếng la này Chúa gửi đến cho tất cả mọi người, vì tất cả chúng ta đều bị đánh dấu bởi thần chết. Đây là tiếng nói của Đấng làm chủ đời sống và muốn tất cả chúng ta “cũng có được đời sống viên mãn”. Chúa Ki-tô không chấp nhận rằng tại nấm mồ, chúng ta bị tạo dựng bởi lựa chọn của chúng ta về sự dữ và cái chết. Người mời gọi chúng ta, ra lệnh cho chúng ta phải ra khỏi mồ nơi các tội lỗi đã chôn vùi chúng ta. Ngài tha thiết kêu gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối của ngục tù trong đó chúng ta bị giam hãm, vì chấp nhận một đời sống giả tạo, ích kỷ và tầm thường.”

Chúng ta hãy tự cởi trói khỏi các “băng quấn” của sự kiêu ngạo

Ngài nhấn mạnh: “’Hãy bước ra ngoài!’ Hãy để cho chúng ta được đánh động bởi những lời Chúa Giêsu lập lại ngày hôm nay với mỗi người trong chúng ta. Chúng ta hãy tự cởi trói khỏi “những khăn quấn” của sự kiêu ngạo. Vì sự tự kiêu làm cho chúng ta trở thành nô lệ (…).”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh về sự kiện việc sống lại đã khởi sự cho tất cả các tín hữu: “Sự sống lại của chúng ta bắt đầu khi chúng ta quyết định vâng theo các giới răn của Chúa Giêsu, khi chúng ta bước ra chỗ có ánh sáng, có đời sống, khi tất cả các mặt nạ rơi khỏi gương mặt chúng ta (…).”

Đức Thánh Cha tiếp: “Nếu nhiều khi chúng ta bị tỗi lỗi ghi dấu, thì các mặt nạ phải rơi xuống”, và cho phép chúng ta “tìm lại được niềm can đảm của gương mặt nguyên thủy của chúng ta, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hành động của Chúa làm cho Lazarô sống lại, chứng tỏ rằng quyền năng của ân sủng Thiên Chúa bao la biết bao, và việc hoán cải của chúng ta cũng có thể lớn lao thế nào, các bạn nghe đây: “Lòng thương xót của Chúa vô bờ bến và được dành cho tất cả mọi người! Lòng thương xót của Chúa không có giới hạn!”

Lòng thương xót dành cho tất cả mọi người!

“Các bạn hãy nhớ câu này! Chúng ta hãy cùng nhau lập lại: “Lòng thương xót của Chúa không có giới hạn!” Hãy cùng nhau lập lại: Lòng thương xót của Chúa không có giới hạn!” Chúa luôn luôn sẵn sàng nhấc lên phiến đá che mồ của tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta xa cách Chúa , là Ánh sáng của những kẻ đang sống.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chúc mừng sự sống lại của thành phố Ý Aquila, đang dần dần phục hồi sau trận động đất ngày 5 tháng 4, sự hòa giải tại Rwanda, hai mươi năm sau vụ diệt chủng, và ngài đã ban phát hàng vạn cuốn Phúc Âm bỏ túi và nói rằng khi đọc Phúc Âm, chính là Chúa Giê-su” đang nói với độc giả.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Sinh viên Công Giáo Thiên Ân kỷ niệm 10 năm thành lập
Giuse Nguyễn Quốc Bảo
11:35 06/04/2014
Sài Gòn – Sáng ngày 06 tháng 4, tại Giáo xứ Minh Đức, nhóm Sinh Viên Công Giáo Thiên Ân đã tổ chức mừng lễ bổn mạng thánh Gioan Lasan, đặc biệt hơn là năm nay nhóm kỷ niệm 10 năm thành lập (7/4/2004 - 7/4/2014). Hôm nay quả là một ngày trọng đại của nhóm khi có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Chủ tịch Ủy ban Giáo Dục Công Giáo. Ngài đã chủ tế thánh lễ diễn ra lúc 9 giờ 30, đồng tế với Đức Cha còn có quí cha và quí thầy phó tế. Bên cạnh đó là sự hiện diện của Quí tu sĩ, các thân nhân, ân nhân, các nhóm sinh viên Công Giáo bạn và toàn thể thành viên gia đình Thiên Ân đã qui tụ đông đủ để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho nhóm.

Hình ảnh

Thánh lễ đã diễn ra long trọng, sốt sáng. Xen kẽ trong thánh lễ sau khi Đức Cha chia sẻ lời Chúa là nghi thức kết nạp các thành viên mới vào nhóm.

Cuối thánh lễ, Đức Cha có chia sẻ với nhóm và cộng đoàn phụng vụ: Hoa đẹp rồi vài ngày sau cũng tàn, những cuộc vui rồi cũng chóng qua, quan trọng là còn lại gì? Chúng ta mắc nợ nhau, Cha mắc nợ chúng con, các Cha, các Thầy, các Soeur mắc nợ chúng con, và chúng con cũng mắc nợ lại. Đó là nợ ân tình, ân tình là điều cao quí đọng lại sâu sắc trong mỗi người, trên hết chúng ta nợ ân tình với Chúa là nguồn mạch sống mọi sự.

Và ngài cầu chúc tất cả luôn được tươi trẻ, trẻ trong tâm hôn, sống đến 100 tuổi vẫn trẻ!

Sau thánh lễ, Gia đình Thiên Ân có tổ chức buổi tiệc trong tình thân mật, ấm áp tình huynh đệ và kết hợp với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, cũng như trao học bổng cho một số thành viên có hoàn cảnh khó khăn cố gắng vươn lên trong học tập.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người, cách riêng cho Gia đình Thiên Ân và các bạn trẻ sinh viên, luôn hăng say nhiệt thành dấn thân hòa vào thế giới hôm nay, là những chứng nhân, muối men cho đời.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Đức ông Chủ tịch Liên Đoàn CGVN/HK thăm Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng GMKH tại Louisville, Kentucky
Lm Peter Võ Sơn
08:09 06/04/2014
KENTUCKY: Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 4 năm 2014, Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN Hoà Kỳ đã đến thăm Đức Tổng Giuse E. Kurtz, Chủ Tịch HĐGMHK tại Tòa Tổng Giám Mục Louisville, TB Kentucky. Tháp tùng Đức ông chủ tịch có Cha Antôn Ngô Đình Chính, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn, và Cha Phêrô Võ Sơn, Tổng Thư Ký Liên Đoàn. Nhân dịp này đức ông và cha thư ký cũng thăm Giáo Xứ Thánh Gioan Vianny nơi Cha phó chủ tịch làm chính xứ cũng ỡ tại thành phố Louisville.

Xem hình

Đức Ông Giuse, Lm Antôn và Lm Phêrô tường trình sinh hoạt của Liên Đoàn trong các năm qua. Ngài vui mừng được biết sự lớn mạnh, cách tổ chức của Liên Đoàn Công Giáo. Ngài hỏi thăm sức khỏe Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương. Ngài nói, Đức Ông Chủ Tịch ở Miền Đông Hoa Kỳ, Cha Phêrô ở Miền Tây Hoa Kỳ, và Cha Antôn ở Miền Trung nói lên sự liên đới, và rất vui có được Cha Antôn trong Tổng Giáo Phận của Ngài làm Phó Chủ Tịch Liên Đoàn.

Liên Đoàn tặng Đức Tổng Giuse tượng Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu làm bằng gỗ, được điêu khắc theo văn hóa Việt Nam. Ngài vui mừng đón nhận và đặt tượng trên bàn làm việc của Ngài. Đức Tổng Giuse nhắc nói nếu Liên Đoàn cần gì thì đừng ngần ngại cho Ngài biết để giúp đỡ. Ngài ủng hộ có thêm Giám Mục Việt Nam nơi có đông người Việt - Houston, Texas. Ngài hỏi thăm Đức Hồng Y Gioan Baotixia Phạm Minh Mẫn, về Giáo Hội Việt Nam và Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN. Hy vọng có dịp Ngài sẽ đến thăm Việt Nam.

Các sinh hoạt trong tương lại của Liên Đoàn cũng được trình lên Ngài: Đại Hội Phó Tế (4-6 tháng 7, 2014, Seattle, Washington State; Liên Dòng Nữ Tu Việt Nam từ ngày 22-26 tháng 4, 2014, tại Philadelphia, Pennsylvania; Đại Hội Giáo Dân Việt Nam vào mùa hè năm 2016 tại Orange County, California; Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam VYC 5 (Vietnamese Youth Convention V) vào mùa hè 2015 tại Seattle, Washington State; Đại Hội Linh Mục Việt Nam - Emmaus VI, cuối tháng 10, 2015 tại Atlanta, Georgia. Đức Tổng Chủ Tịch đã nhận lời mời và vui mừng sẽ tham dự Đại Hội Linh Mục - Emmaus VI, 2015.

Ngài cho biết, công việc hằng ngày bận rộn nhưng Ngài luôn làm việc chặt chẽ với Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo (Tổng Giám mục Galveston-Houston, Taxes) Phó Chủ Tịch HĐGMHK, Đức Ông Ronny Jenkins Tổng Thư Ký HĐGMHK, và các Ủy Ban trực thuộc HĐGMHK. Chúa ban cho Ngài có trí nhớ rất tốt, Ngài nhớ tất các các Giám mục đang làm việc của mỗi Giáo Phận/Tổng Giáo Phận, kể cả cá Giám mục về hưu.

Tiếp theo công việc của vị tiền nhiệm Đức Hồng Y Timothy Dolan, viết thư kêu gọi giúp nạn nhân bão Super Hyain và Giáo Hội Philippines vào tháng 11, 2013, Đức Tổng Chủ Tịch đã đến Phillippines từ ngày 2-7 tháng 2, 2014 giúp nạn nhân và Giáo Hội Phillippines. Cùng đi với Ngài có: Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Oklahoma City, tân Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn CRS (Catholic Relief Services/Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo), Bà Carolyn Woo, Chủ Tịch CRS, Bà Carol Keehan, Chủ Tịch và Giám Đốc Điều Hành Hiệp Hội Y Tế Công Giáo, Đức Ông Ronny Jenkins, Tổng Thư Ký HĐGMHK, và Đức Ông J. Brian Bransfield, Phó Tổng Thư Ký. Tính đến ngày 27 tháng 1, 2014, CRS đã nhận trên 50 triệu đô la bao gồm các các nhân, tổ chức để giúp nạn nhân thiên tai Supper Hyain. Tất cả số tiền này dùng mua thực phẩm, nước, y tế, xây 20 ngàn chổ ở tạm thời... số tiền này cũng được dùng để xây dựng lại các Nhà Thờ và cơ sở tôn giáo. Ngài cám ơn sự cầu nguyện và lòng hảo tâm của Anh Chị Em đã cùng bước với người dân Phillippines trên con đường khó khăn.

Đức Ông Chủ Tịch và Lm Tổng Thư Ký thăm Cha Antôn Ngô Đình Chính và Giáo Xứ Thánh Gioan Vianny; dâng Thánh Lễ cầu bình an cho Giáo Xứ. Đồng tế với Ngài, có Lm. James Nguyễn Quốc Văn, đến từ Thành Phố Tulsa, Oklahoma. Nhân dịp này, Cha Sở đã trao tặng Liên Đoàn $6500 (Giáo Xứ $2000 và một số cá nhân $4500). Đức Ông Giuse cám ơn Giáo Xứ Thánh Gioan Vianny và Cha Sở Antôn về sự cầu nguyện và những đóng góp cho Liên Đoàn Công Giáo.

Cảm tạ Chúa có chuyến viếng thăm Đức Tổng Chủ Tịch HĐGMHK, Lm Antôn Ngô Đình Chính và Giáo Xứ St Gioan Vianney vui vẻ và tốt đẹp.
 
Tin Đáng Chú Ý
Kết quả bầu cử nghị viên thành phố tại Pháp 2014
Hà Minh Thảo
18:37 06/04/2014
KẾT QUẢ BẦU CỬ NGHỊ VIÊN THÀNH PHỐ TẠI PHÁP 2014

Đúng 20 giờ ngày 30.03.2014, tất cả các phòng phiếu bầu cử nghị viên các thành phố lớn đóng cửa, các cơ quan truyền thông lập tức công bố các dự đoán tỷ lệ vắng mặt (hay tham gia) đầu phiếu. Tiếp theo, kết quả các khảo sát ý kiến những cử tri đầu phiếu xong được loan truyền và chính khách từ các đảng phái tranh luận về các kết quả này: đảng xã hội (PS) cầm quyền thất bại, các đảng Liên minh vì một Phong trào Nhân dân (UMP), Liên minh Dân chủ và Độc lập (UDI) và Mặt trận Quốc gia (FN) chia nhau thắng lợi.

I.- NGƯỜI DÂN KHIỂN TRÁCH CHÍNH PHỦ.

Trong chế độ đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, quyền Hành pháp được hành xử bởi Tổng thống và Chánh phủ, Thủ tướng và các Tổng, Bộ trưởng. Ngày 06.05.2012, cử tri Pháp đã bầu ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017. Ngày 15.05.2012, ông cử Dân biểu Trưởng khối PS, Jean-Marc Ayrault, vào chức vụ Thủ tướng và thành lập Chánh phủ. Theo Hiến pháp, khi cùng một đảng phái (ở đây là PS), Tổng thống hoạch định chính sách, đúng nguyên tắc, phải phù hợp với những điều đã hứa với cử tri khi tranh cử, và Chánh phủ thực thi.

Trong những tháng vận động tìm sự tín nhiệm nơi đồng bào, điều quan trọng nhất ông Hollande hứa sẽ tăng sức mua của người tiêu thụ để gia tăng kinh tế hầu giảm bớt số người thất nghiệp. Đây là niềm ước muốn của mọi người, nên cử tri đã ‘dè dặt’ bầu phiếu cho ông với 51,90% số phiếu hợp lệ. Ông chê Tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy phung phí Ngân sách quốc gia như mua và xài phi cơ ‘sang trọng’ mà nay ông vẫn tiếp tục sử dụng…

Do đó, công chi vẫn gia tăng mà tăng trưởng kinh tế không thấy, nên buộc phải ngày càng gia tăng thuế khiến mãi lực (hay sức mua, Pouvoir d’achat) người dân ngày càng giảm. Trích nạp bắt buộc (prélèvements obligatoires) tức tiền thuế các loại và trính nạp các quỹ an ninh xã hội mà các xí nghiệp và tư nhân phải nộp cho Ngân sách quốc gia và các Quỹ này (năm 2011 : cư dân ở Pháp phải đóng 32% số tiền trích nạp bắt buộc cho Ngân sách, 14% cho địa phương, 53% cho các Quỹ an ninh xã hội và khoảng 1% cho Ngân sách Liên hiệp Âu châu). Số bách phân tiền trích nạp bắt buộc này năm 2011 là 43,90% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ). Điều này có nghĩa là khi cư dân ở Pháp lãnh lương nguyên (salaire brut) 100 euro thì phải đóng các loại thuế và trích nạp các quỹ an ninh xã hội hết 43,90 euro. Số còn lại gọi là sức mua. Bách phân Trích nạp này tăng lên 44,90% năm 2012 và là 46,30% năm 2013. Tính thành tiền, những số tiền trích nạp bắt buộc hàng năm lần lượt là 876,3 tỷ euro cho năm 2011, 913,9 (2012) và 966,9 (2013). Sang năm 2014, Chính phủ dự trù giảm 0,30% so với năm 2013, theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ngày 01.01.2014, chánh phủ, do sự chỉ đạo của Tổng thống và ủng hộ của phe đa số tại hai viện Lập pháp), đã tăng Thuế Trị giá Gia tăng (TVA, Taxe sur Valeur Ajoutée) với các thuế suất như sau :
- 19,60% lên tròn 20% ;
- 7% lên 10% ;
- 5,50% không thay đổi (Hành pháp đề nghị làm tròn thành 5%, nhưng các Dân biểu thân chính không đồng ý).

Người dân không có khả năng để mua thì xí nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ không sản xuất vì ‘cung’ chỉ để đáp ứng ‘cầu’ (trừ sản xuất cho mức ‘tồn kho an toàn’). Khi không sản xuất, nhà kinh doanh buộc phải ‘cám ơn’ công nhân. Mức tăng trưởng kinh tế nước Pháp năm 2012 là 0% so với năm 2011 và, năm 2013 chỉ là 0,3% so với năm trước. Do đó, tỷ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng : 10,2% số người trong tuổi lao động năm 2012 và 10,9% vào cuối tháng 12.2013. Trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa thứ thật như Pháp, hiện tượng thất nghiệp cao là một nguy hiễm chính trị, kinh tế và xã hội. Về chính trị, sự bất lực của cánh hữu lẫn tả phái, để lên tiêÙng chống đôi bên, cử tri bất mãn bầu các đảng mà đôi khi họ nuôi ít nhiều hy vọng. Ngày xưa, đảng cộng sản hô hào chống ‘chủ bóc lột’, nay chủ không thèm bóc lột mà chỉ mời ‘thôi việc’, cử tri hết tín nhiệm… Ngày nay, Pháp gặp khủng hoảng, một phần thực sự do Khu vực Euro, nên Mặt trận quốc gia (Font National, FN) nêu cao lá cờ ‘chống Euro’ và hứa sẽ bắt đầu bằng giảm thuế địa phương (impôts locaux) và tăng cường bảo vệ an ninh khi các ứng cử viên FN đắc cử Thị trưởng tại các thành phố.

Nước Pháp bảo đảm cư dân ở Pháp (kể cả ngoại kiều với những điều kiện nhiều hơn về lưu trú) một số tiền thu hàng tháng không thấp hơn mức Lợi tức Tương trợ Sinh động (Revenu de Solidarité active, RSA) : độc thân (499,31 euro), vợ chồng (kể cả đồng phái) hay độc thân với 1 con (748,97), vợ chồng với 1 con hay độc thân với 2 con (898,76), vợ chồng với 2 con hay độc thân với 3 con (1.048,55). Từ đây, mỗi con tăng thêm thì số tiền được tăng tương ứng là 199,79 euro. Số tiền này còn được tăng thêm một khoản cô đơn (tức cho cha hay mẹ nuôi con một mình, majoration pour isolement). RSA được tài trợ bởi Thuế Tương trợ trên Tài sản (Taxe de Solidarité sur la Fortune) đánh hàng năm trên những tài sản có trị giá từ 1,3 triệu euro. Đây là một biện pháp ‘lấy của nhà giàu chia cho người nghèo’, chủ trương của xã hội chủ nghĩa thứ thật. Tại nước ‘ngụy XHCN’ như Việt Nam thì đánh thuế đồng bào để nuôi những kẻ tự cho mình là ‘đầy tớ nhân dân’, kể cả những linh mục, sư sãi quốc doanh. Người dân khổ sở chỉ được ăn ‘bánh vẽ’ :

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh khơng cịn cĩ khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu cịn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như khơng cĩ gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thơi
Nhai ngồm ngồm...
Chế Lan Viên 8-1991

Trở lại nước Pháp. Một thành quả duy nhất để biện minh cho sự ‘có giữ lời hứa’, Chính phủ PS đưa ra dự luật ‘Mariage pour Tous’, nhưng ‘cấm’ những tranh luận công khai vì ‘khi bầu ông Hollande làm Tổng thống’ người Pháp đã đồng thuận đề nghị này. Những cuộc biểu tình với nhiều trăm ngàn hay triệu người không được lắng nghe. Nhiều cử tri coi như nguyên tắc dân chủ bị nhà nước vi phạm. Ngoài ra, luật này tạo ra bất công vì chỉ bình quyền (hưởng tiền trợ cấp gia đình) mà không đồng nghĩa vụ (mang nặng đẻ đau để sinh tạo thế hệ mới dân Pháp) đã đẩy cả triệu người xuống đường gây bao đỗ vở cho tình đoàn kết đồng bào. Khi phán quyết tính cách hợp hiến của đạo luật, Hội đồng Hiến pháp ghi nhận đạo luật chỉ do ý muốn của các nhà lập pháp, chứ đâu phải do nguyện vọng toàn dân Pháp. Do đó, trong cuộc tuyển cử này, nhiều cử tri đã từ chối sử dụng lá phiếu của mình.

Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều chính trị gia cả hai phe tả - hữu bị tai tiếng. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị nghi ngờ từng lạm dụng quyền thế. Bên PS, Tổng trưởng Tư pháp Christiane Taubira bị tố cáo nói dối khi tuyên bố không được báo cáo về chuyện thẩm phán điều tra ‘nghe lén điện thoại’ cựu Tổng thống Sarkozy với luật sư để tìm bằng cớ.

II.- KẾT QUẢ TUYỂN CỬ TOÀN QUỐC.

Trong năm nay, số ứng cử viên từ khoảng 270.000, lần tuyển cử trước vào năm 2008, tăng đến 928.901 vì, trước khi, chỉ buộc nộp đơn ghi danh tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên. Từ năm nay, con số này đã đem xuống chỉ còn 1.000. Tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên, số ứng viên cũng đã tăng 12%, từ 8.578 liên danh năm 2008 đã tăng lên thành 9.630 cho năm 2014.

Tính về tuổi, tuổi trung bình ứng cử viên là 50. Ứng cử viên trẻ nhất là nột người nữ vừa đúng 18 tuổi vào ngày 22.03.2014, ghi danh tại thành phố Mémont (Doubs) có khoảng 300 cư dân. Ưùng viên cao tuổi nhất cũng là người nữ gần 103 tuổi (sinh ngày 14.05.1911), ứng cử tại Marseille.

A.- Vòng Một ngày 23.03.2014.

1./ Số cử tri :
- ghi danh : 45.773.248 ;
- tham gia đầu phiếu : 29.088.710 ;
- vắng mặt : 16.684.538 tức 36,45% so với số ghi danh (lần trước 2008 : 33,46%) kỷ lục.

2./ Kết quả :
- cực tả : 3,83% ;
- tả phái : 33,91% ;
- EELV xanh : 1,16% ;
- độc lập : 9,16% ;
- trung phái : 3,38% ;
- hữu phái : 43,48% ;
- mặt trận quốc gia : 4,76% ;
- cực hữu : 0,12%.

Tại vòng này, 30.136 thành phố (trong tổng số 36.682 đơn vị hành chánh này ở Pháp) đã chọn được các nghị viên lãnh đạo. Một thành phố duy nhất, Hénin-Beaumont, thắng bởi Mặt trận quốc gia.

B.- Vòng Hai ngày 30.03.2014.

1./ Số cử tri :
- ghi danh : 18.336.841 ;
- tham gia đầu phiếu : 11.393.287 ;
- vắng mặt : 6.943.287 tức 37,87% so với số ghi danh (lần trước 2008 : 34,90%) kỷ lục.

2./ Kết quả :
- cực tả : 1,89% ;
- tả phái : 39,25% ;
- EELV xanh : 0,47% ;
- độc lập : 5,87% ;
- trung phái : 2,01% ;
- hữu phái : 43,64% ;
- mặt trận quốc gia : 6,75% ;
- cực hữu : 0,12%.

Sự thất bại nặng nề của Chính phủ và PS đem lại thắng lợi lớn cho FN và đảng này trở thành lực lượng chánh trị thứ ba tại Pháp với sự điều hành 12 thành phố và tham gia sinh hoạt chính trị trong các thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên với 1.546 nghị viên thành phố. Đảng này chỉ tham gia tranh cử tại 597 thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên (gần 50% các thành phố này có trên 10.000 dân).

Khi kết quả được công bố, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ngỏ lời với đồng bào chấp nhận sự thất bại và giải thích những khó khăn Chính phủ đã gặp phải và đã cố gắng giải quyết. Ông sẽ có quyết định…

III.- ẢNH HƯỞNG TỪ KẾT QUẢ TUYỂN CỬ.

Quyết định toàn dân qua lá phiếu tín nhiệm, tiến trình truyền thống dân chủ bắt buộc mọi công dân phải chấp hành, dù ai cũng biết kết quả các cuộc tranh cử giữa kỳ thường rất khó cho Chánh phủ tại chức.

A.- Thủ tướng từ chức để Tổng thống đề cử Thủ tướng mới.

Trưa thứ hai 31.03.2014, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault vào Điện Elysée gặp Tổng thống Francois Hollande để hội kiến và đưa đơn từ chức. Tổng thống chấp nhận. Sau đó, từ Điện Matignon, Phủ Thủ tướng loan báo Thủ tướng và Chính phủ từ chức đã xuất nhiệm. Sau đó, ông cùng phu nhân đáp xe hỏa về Nantes và chờ ngày nhận lại nhiệm vụ Dân biểu Quốc hội. Trong chế độ ‘tam quyền phân lập’, nhân viên hành pháp không thể kiêm nhiệm chức vụ lập pháp hay tư pháp để tránh cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi.

Đến tối, chiếu kết quả cuộc tuyển cử nghị viên thành phố mà cử tri trừng phạt mình, Tổng thống François Hollande đã ngỏ lời cùng đồng bào qua các hệ thống truyền thông về việc bổ nhiệm ông Manuel Valls, Tổng trưởng Bộ Nội vụ, 51 tuổi, gốc Tây ban nha, từng là Thị trưởng Evry, ngoại ô Paris năm 2001 và Dân biểu Quốc hội, một năm sau đó, vào chức vụ Thủ tướng để thành lập một ‘Chính phủ chiến đấu và nhất quán’ với nhiệm vụ ‘đem lại sinh lực mới cho kinh tế Pháp’. Oâng trấn an giới doanh nhân qua ‘ khế ước trách nhiệm’ (pacte de responsabilité), giảm phần đóng góp xã hội, đổi lại tăng sức tuyển dụng nhân viên. Đồng thời, ông cũng đề nghị ‘khế ước liên đới’ (pacte de responsabilité) với kế hoạch giảm thuế cho dân từ nay đến 2017.

B.- Thành phần chính phủ mới.

Sự bổ nhiệm ông Manuel Valls (có người gọi ông là ‘Sarkozy tả phái’), chính khách được đồng bào mến mộ nhất hiện nay, vẫn không làm vừa lòng nhiều người như bà Cécile Duflot, đảng Xanh, Tổng trưởng xuất nhiệm Bộ Gia cư. Do đó, đảng này không tham chính và đe dọa không bỏ phiếu thuận khi Thủ tướng trình bày chính sách tổng quát trước Quốc hội ngày 08.04.2014.

Ngày 02.04.2014, Chính phủ Manuel Valls với 16 Tổng trưởng (8 ông và 8 bà) được thông báo đến quốc dân. Ngoài Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, ba Tổng trưởng khác đã rời nội các. Bên cạnh những vị thay đổi Bộ quản nhiệm và hai vị mới, sự tham chính của bà Ségolène Royal, người bạn đời cũ của ông Hollande với 4 con và đã chia tay sau khi thất cử vòng hai Tổng thống năm 2007 và đã tham gia nhiều lần các nội các. Sự ngạc nhiên nhất dịp này được dành cho bà Christiane Taubira vẫn còn là Tổng trưởng Tư pháp.

Thành phần chính phủ mới chưa hoàn tất vì ông Manuel Valls còn phải bổ nhiệm khoảng 12 Bộ trưởng vào thứ tư 09.04.2014.

IV.- TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ TIẾP TỤC.

Dân biểu Clade Bartolone, Chủ tịch Quốc hội, sáng hôm 02.04.2014, cho biết Thủ tướng Manuel Valls sẽ đọc Diễn văn về Chánh trị tổng quát (Discours de politique générale) trước Quốc hội vào ngày 08.04.2014 và hứa sự tín nhiệm của Viện cho tân Chánh phủ. Sau đó, quyết định này đã được sự chấp thuận của Hội đồng Tổng trưởng trong phiên họp ngày 04.04.2014.

Đây là một tập tục tốt thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp để Thủ tướng tân cử trình bày long trọng trước các Dân biểu những đường hướng mà Chính phủ sẽ thực thi trong việc điều khiển quốc sự. Vượt hẳn tính cách giới thiệu của diễn văn, Chính phủ, sau đó, còn cần được sự biểu quyết tín nhiệm của Viện Lập pháp này, chiếu Điều 49.1 Hiến pháp.

Nói đến việc biểu quyết thì cần nhớ phải biết có đủ Đa số tuyệt đối hay không. Quốc hội gồm 577 Dân biểu, tức Đa số tuyệt đối là (577+1)/2 = 288. Nhóm PS hiện có 290, nhưng chỉ có 289 vào tháng sau khi bà Cécile Duflot (Tổng trưởng vừa xuất nhiệm, đảng Xanh) nhận lại ‘ghế’ Dân biểu từ tay bà Danièle Hoffman-Rispal, dự khuyết thuộc PS. Tuy nhiên, hiện đang có khoảng 80 Dân biểu xã hội đang dọa không bỏ phiếu thuận cho Thủ tướng Valls nếu ông không đồng ý giảm bớt giúp đở cho giới chủ để dành nhiều trợ cấp hơn cho giới nghèo và lao động. Chúng ta nghĩ đó chỉ là những tự ‘quảng cáo’ bằng bênh vực chiếu lệ và mị dân mà thôi.

Trong thực tế, họ phải hiểu rằng chống Thủ tướng Valls có nghĩa là không thuận với Tổng thống Hollande và ông này còn vũ khí chánh trị khác là : Giải tán Quốc hội. Khi đó, họ phải đối mặt với cử tri và, chẳng may, những ‘chủ’ này không đồng ý việc làm của đảng họ trong gần hai năm qua, với lá phiếu, họ tín nhiệm người khác. Nếu điều xấu đến cho tả phái, Quốc hội đổi màu ‘xanh thay hồng’, đảng UMP cử người ra làm Thủ tướng và Tổng thống ngồi chơi chờ năm 2017 tái ứng cử. Người Pháp mau quên như cố Tổng thống François Mitterand đã thắng Thủ tướng Jacques Chirac năm 1988. Hơn nữa, từ đó tới nay, có Thủ tướng nào tại chức thắng Tổng thống đâu, chưa kể Thủ tướng Lionel Jospin còn bị loại ngay vòng một.

Đặc tính siêu việt của chế độ đa đảng là khi người dân thực sự làm chủ thì họ có thể thay người giỏi vào thay họ điều hành quốc sự và cho kẻ ‘hồng hơn chuyên’ nghỉ. Nghĩ thật thương hại đồng bào chúng ta.
 
Văn Hóa
Trên Sân Đền Thờ
Nguyễn Trung Tây, SVD
17:08 06/04/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Trên Sân Đền Thờ (Gioan 8:3-11)


□ Đức Giêsu ngẩng mặt lên. Ngài nói chậm nhưng rõ từng chữ, "Ai trong các ông nghĩ mình là người vô tội, hãy ném đá người đàn bà này đi..."


Trời bừng sáng. Vươn vai ngáp ngắn ngáp dài, mặt trời che miệng nhìn xuống nhân gian. Trời hừng đông. Thành phố Giêrusalem ồn ào thức giấc. Từng hồi tù và từ những ô cửa tò vò trên đỉnh ngọn tháp cao của ngôi Đền Thờ đều đặn ngân vang bốn hồi dài ba nhịp ngắn. Trời bình minh. Những cánh cửa sơn mầu bạc, điểm chấm mầu vàng của ngôi Đền Thờ cổ kính thoạt tiên ngập ngừng he hé nhìn ra, sau cùng chầm chậm mở rộng chào đón một ngày mới.

Đức Giêsu đặt những bước chân đầu tiên vào sân Đền Thờ. Sáng sớm, sân đất mênh mông bát ngát lơ thơ thấp thoáng một vài bóng người. Đó đây tho áng hiện thoáng mất những thầy thượng phẩm, khoác áo choàng dài, dáng vẻ đăm chiêu. Đi ngược hướng lại với đoàn người đang tiến vào sân Đền Thờ, hai ba ông thầy Lêvi, mặt còn trẻ măng, nhanh nhanh bước tới, khuôn mặt ẩn hiện lo lắng.

Đức Giêsu lơ đãng nhìn xuống sân Đền Thờ. Cỏ dại cụt ngủn xơ xác như đang ngơ ngác dõi nhìn những bàn chân. Lủng lẳng treo trên những trụ cột chống đỡ mái hiên ngôi Đền Thờ là những bình hương mầu đồng đo đỏ, đang đong đưa khói trắng hiền lành, hương thơm ngào ngạt bốc cao một khoảng không gian. Hít vào buồng ngực hương thơm thiên đàng, Đức Giêsu nhìn quanh. Bước thêm mấy bước, né bụi cỏ dại, Ngài ngồi xuống bậc thềm. Dựa lưng vào bờ tường đá của ngôi Đền Thờ, Đức Giêsu nhắm mắt lại. Trong yên lặng, bất chợt Ngài nhận ra những bước chân rón rén đạp lên trên nền đất đen. Tiếng bước chân thoạt tiên nhẹ nhàng, rồi chuyển đổi cung bậc biến sang âm vang khua động. Một, hai, ba, bốn, và rồi rất nhiều người tiếp tục bước tới gần chỗ Ngài đang ngồi. Bao nhiêu tiếng chào cất cao cùng một lượt,

— Chào Thầy.

— Con chào Thầy.

Đức Giêsu mở mắt, miệng tươi cười chào lại,

— Chào cụ. Chào bà.

Và Đức Giêsu bắt đầu nói về tình thương của Thiên Chúa. Ngài nói, Giavê Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, cho nên Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người, không phải để luận phạt, nhưng mà là để cứu rỗi. Đức Giêsu cũng nói về một Thiên Chúa của từ bi, của nhân hậu; một Thiên Chúa không bao giờ lên án kết tội, cho dù con người tội lỗi trăm đàng! Đức Giêsu cũng nói, từ những ngày đầu tiên của vạn vật, Giavê Thiên Chúa đã dựng nên trái đất màu xanh lơ với biển cả sông ngòi, với cây cối xanh tươi, với trái chín đỏ ửng. Tất cả những điều này Thiên Chúa đã làm bởi con người, vì con người, và cho con người. Bởi Thiên Chúa yêu, Ngài đã dựng nên con người. Từ bùn đất, con người đã được tạo dựng giống như hình ảnh đẹp đẽ của Trời cao.

Bất chợt, Đức Giêsu ngưng tiếng nói, bởi Ngài nhận ra đất đen trên sân Đền Thờ lay động khua vang. Ngẩng mặt nhìn lên, Ngài nhận ra đám đông chen lấn, ồn ào, xô đẩy ngay chỗ hai cánh cửa sơn bạc điểm vàng đang rộng mở. Mọi người trong ngôi Đền Thờ dương cao cặp mắt dõi nhìn. Tiếng la, tiếng hét, và tiếng khóc hòa trộn vang vang từ đám đông đã phá tan bầu không khí trang nghiêm của ngôi Đền Thờ cổ kính. Mọi người nhíu mày nhận ra đám đông tiếp tục kéo nhau đi thẳng tới chỗ Đức Giêsu đang ngồi. Tới trước mặt Đức Giêsu, đám đông ồn ào dừng lại thanh âm. Trong yên lặng, người ta đẩy tới một người phụ nữ. Trong yên lặng, người ta hằn học nhìn cô gái té lăn ra trên nền đất. Trong yên lặng, cô gái chầm chậm đứng dậy, dáng vẻ chịu đựng, ánh mắt mệt mỏi cúi nhìn đất đen. Mái tóc nâu dài của người con gái rối quăn xơ xác vì bụi cát rớt xuống che kín nửa khuôn mặt.

Đức Giêsu nhìn cô gái. Ngài liếc nhìn đám đông với những cục đá sần sùi sắc nhọn trên hai bàn tay nắm chặt, hậm hực nhìn thẳng vào mặt Ngài. Khuôn mặt trầm tĩnh không một thoáng lay động, Ngài tiếp tục ngồi dựa lưng vào bức tường của ngôi Đền Thờ. Tiếng ồn ào la hét của đám đông ngưng bặt, khi một người đàn ông cất tiếng hỏi Đức Giêsu,

— Người phụ nữ này đã bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đúng theo luật pháp Môisen, cô ta sẽ bị ném đá. Thầy nghĩ chúng tôi phải làm sao đây?

Đức Giêsu nhìn khuôn mặt xanh xao của người phụ nữ đang đứng lẻ loi giữa vòng tròn lô nhô đầu người. Ngài đưa mắt nhìn tất cả những người đang bao vây cô gái. Cuối cùng Đức Giêsu nhìn thẳng vào khuôn mặt của người Biệt Phái vừa cất giọng hỏi. Bốn cặp mắt nhìn nhau. Ánh mắt Đức Giêsu ôn hòa, nhưng cương quyết. Ánh mắt của người Biệt Phái thách thức pha trộn khó hiểu. Không nói chi, Đức Giêsu cúi xuống, ngón tay trỏ viết lên trên nền đất những nét chữ nguệch ngoạc. Mọi người cúi xuống nhìn. Không ai nhận ra Đức Giêsu đang viết những chi.

Trên sân Đền Thờ, yên lặng tiếp tục che miệng nín thở, yên lặng liếc mắt dõi nhìn Đức Giêsu, yên lặng e ngại nhíu mày nhìn đám đông. Thêm một phút, rồi hai phút. Sau cùng yên lặng vỡ tan thành từng mảnh vụn thủy tinh sắc nhỏ khi người Biệt Phái một lần nữa cất tiếng nói. Ông lập lại cùng một câu hỏi,

— Người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Theo như lề luật của Môisen, cô ta sẽ bị ném đá. Thầy dạy chúng tôi phải làm sao đây?

Đức Giêsu ngẩng mặt lên. Ngài nói chậm nhưng rõ từng chữ,

— Ai trong các ông nghĩ mình là người vô tội, hãy ném đá người đàn bà này đi.

Nói xong, Đức Giêsu lại cúi mặt xuống, lấy ngón tay tiếp tục viết lên trên nền đất đen.

Sau câu nói của Đức Giêsu, đám đông khựng lại. Khuôn mặt của người Biệt Phái tái xanh. Những sợi gân xanh lè hai bên thái dương căng cứng chuyển động. Quay lại nhìn đám đông, người Biệt Phái mím môi, hít mạnh, hồi hộp bởi ông nhận ra những ngón tay to cứng nắm chặt những hòn đá sần sùi bất chợt xiết thật mạnh, xiết chặt cứng, xiết oằn cong. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, những ngón tay gồng cứng dần dần lơi ra, buông lỏng, nhẹ tênh. Sau cùng những hòn đá của những người có tuổi trong đám đông buông rơi, rớt thẳng xuống đất. Tiếng đá rơi nghe khô khan, lạnh lùng, và cụt ngủn. Đá tròn sần sùi lăn lăn trên nền đất điệu bộ lạnh lùng, không hối tiếc. Đá rớt xuống, hình thể tròn đều của đám đông xôn xao chuyển động. Những người cao niên tóc bạc da mồi bỏ đi đầu tiên. Những người trung niên, tóc mầu muối tiêu, buông rơi hòn đá, nối tiếp theo sau. Những người thanh niên, cuối cùng, rồi cũng quay lui. Những người lắng nghe Đức Giêsu giảng dạy từ sáng sớm cũng yên lặng từ từ bỏ đi, miệng họ mỉm cười.

Đức Giêsu ngẩng đầu lên nhìn. Ngài nhận ra nắng buổi sáng đang lung linh nhảy múa mời gọi trên bậc thềm. Ngài nhìn người con gái. Với giọng nói ngọt ngào, ấm áp, Đức Giêsu cất tiếng,

— Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay sao?

Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới bực thềm, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Nàng nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu. Nhìn thẳng vào cặp mắt của người đàn ông trước mặt, người con gái nhận ra cặp mắt đó chứa chan tình người, ánh mắt đó không phải là căm hận, nhãn tuyến đó không phải là hận thù, tròng mắt mầu nâu đó long lanh ánh sáng thiên đàng, đôi mắt to tròn đó thiết tha bao la mời gọi, cặp mắt hiền dịu đó sáng ngời thấu hiểu rạng rỡ cảm thông. Cô gái bưng mặt, giọng nói nghẹn ngào,

— Thưa Thầy, không còn ai nữa. Họ bỏ đi hết rồi.

Ngọt ngào ấm áp trên sân Đền Thờ lại ngân vang,

— Thôi chị về đi. Và đừng bao giờ phạm tội nữa nhé.

Bình minh chiếu sáng rực rỡ khuôn mặt của Đức Giêsu. Một vài cánh bướm mầu vàng đậm đặc điểm chấm mầu đen nhánh chao đảo buông mình bay nhảy trên bờ vai của Ngài. Những con chuồn chuồn sa mạc mầu đỏ như ớt chín ngập ngừng dừng lại trên mái tóc nâu đậm của Đức Giêsu. Dưới chân cột trụ chống đỡ mái hiên, hai ba chú chuột nhắt tiếp tục thập thò, xô đẩy, tranh nhau cửa hang để nhìn mặt Đức Giêsu. Ngưng chui xuống nền đất đen, chú cuốn chiếu giơ cao hai sợi râu trên đầu mỉm cười nhìn Con của Trời. Mặt trời bỗng dưng sáng rực rỡ hơn. Ánh sáng trời cao ngập tràn trên sân Đền Thờ.



Lời Nguyện

Lạy Chúa! Bao nhiêu lần rồi con đã mang người phụ nữ tới ngôi Đền Thờ. Đã bao nhiêu lần rồi con quyết định chọn lựa không đứng với Chúa, nhưng nghiêng hẳn về phía của đối diện, phía của kết án, và phía của chỉ ngón tay. Lạy Chúa! Xin dạy con thôi không kết án ai nữa, nhưng mở miệng nói với chính con và với anh chị em con là, “Thôi, chúng ta đi về. Và không bao giờ phạm tội nữa”.
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Lá thư truyền giáo Paraguay - Suy gẫm về cuộc sống và cái chết
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
20:27 06/04/2014
PARAGUAY – SUY GẪM VỀ CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Mùa Chay được Thánh Sử Gio-an tường thuật về việc Chúa Giê-su đã phục sinh người ban thân là La-gia-rô sau khi đã được chôn trong mồ 4 ngày (Xc Ga 11,1-45). Một chi tiết đáng quan tâm là “Khi thấy bà Martha khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng La-gia-rô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" (Xc Ga 11, 30tt). Đây là thái độ rất người, rất nhân bản của Chúa Giê-su trước nỗi đau của một người thân. Tuy là Thiên Chúa nhưng Chúa Giê-su lại rất người nên rất dễ đồng cảm với thân phận người của chúng ta.

Chiều thứ Năm ngày 3 tháng 4 vừa qua, anh bạn linh mục cùng lớp, cùng Dòng và cùng làm việc truyền giáo tại Paraguay với chúng tôi đã điện thoại và báo tin rằng Bố của anh vừa trút hơi thở cuối cùng bên Việt Nam. Dịp Tết vừa rồi, anh được ở bên Bố của mình trong dịp anh về phép sau nhiều năm truyền giáo tại Paraguay. Bố anh bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối nhưng vẫn vui vẻ bên anh trong những ngày sum họp này. Anh vừa mới trở lại Paraguay hơn 1 tháng thì nay nghe tin Bố mất, anh đã thổn thức và khóc thành tiếng như một em bé dù đã 44 tuổi đời khiến chúng tôi cũng bùi ngùi với anh và hồi tưởng lại những ngày tháng xưa còn ở Việt Nam khi đến thăm gia đình anh và ngồi chơi cờ tướng với Bố của anh. Anh khóc về sự ra đi của Bố, anh khóc vì từ nay trở đi không còn gặp Bố nữa dù trong ‘Ai Tín” có viết rằng : “Trong Niềm Tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh… linh hồn Gioan Baotixita được Chúa gọi về…” Chúa gọi về thì vui chứ sao lại khóc. Dẫu biết như thế nhưng cái “chất người” vẫn luôn làm chúng ta thổn thức như Chúa Giê-su đã từng thổn thức trước sự ra đi của La-gia-rô dù sau đó Ngài đã phục sinh cho người xấu số này.

Trong một lần phỏng vấn cố Nhạc Sỹ Phạm Duy trong một cuốn Album hát chung với Khánh Ly trong nhạc phẩm : “Những Gì Sẽ Mang Theo Vào Cõi Chết”, cố Nhạc Sỹ họ Phạm đã tâm sự với Khánh Ly rằng có 3 vấn đề luôn khiến ông suy nghĩ là tình yêu, đau khổ và cái chết. Ông tâm sự rằng tình yêu thì người ta nói rất nhiều, còn đau khổ thì ai mà không đau khổ. Nhưng ít người dám nói đến cái chết, và ông kết luận rằng dù chúng ta có cố gắng tích lũy mọi cái nhưng khi chết chúng ta sẽ chẳng mang theo được gì ngoài những niềm vui của chúng ta. Dù ông không là người Công Giáo nhưng trong tận đáy lòng của vị Nhạc Sỹ tài hoa này phảng phất đâu đó những lời dạy của Chúa Giê-su khi nói về dụ ngôn những người hay lo tích trữ của cải mà không lo hậu sự cho mình.

Ngày 27 tháng 4 năm 2014 tới đây Giáo Hội Công Giáo sẽ long trọng Tuyên Thánh hai vị Giáo Hoàng hiện đại là Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II. Trong tiến trình Phong Thánh cho một người đã qua đời, ngoài những gì người đó đóng góp cho Giáo Hội cách tỏ tường, Giáo Hội luôn xét đến sự thánh thiện và danh thơm thiếng tốt của người đó khi họ còn sống để lưu truyền cho hậu thế. Người ta không chỉ biết đến một người lúc còn sống với quyền cao, chức trọng nhưng lại có đời sống nội tâm chẳng ra gì. Người ta sẽ chẳng biết đến một Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II với những Thông Điệp, Tông Thư, Tông Sắc… nhưng họ chỉ biết đến các ngài là các Vị Giáo Hoàng nhân lành và thánh thiện mà thôi.

Một chuyện vui kể rằng có một giáo xứ mà phần đông giáo dân ở đó là người di cư từ nhiều nơi khác đến. Một bữa sáng nọ, sau lễ Chúa Nhật, cha xứ có việc nên đi gấp, các ông Trùm ông Chánh ngồi lại nhà xứ uống cà phê, cà pháo và tán gẫu. Các ông bắt đầu kháo nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, nào là chuyện máy bay mất tích ở Malaysia chưa có manh mối gì, nào là chuyện Nga vừa chiếm đóng bất hợp pháp một khu tự trị của người Ucraina, nào là chuyện mấy ông cha truyền giáo bên Paraguay, Nam Mỹ… Bỗng nhiên có một ông Trùm nổi hứng kể chuyện về giáo xứ gốc của ông với niềm kiêu hãnh. Ông này nói : “Các ông biết không, giáo xứ ngày xưa tôi có rất nhiều ơn gọi và hiện giờ có 25 Nữ tu, gần 30 Nam tu thuộc các Dòng tu nổi tiếng và 6 Phó tế chuẩn bị tiến chức linh mục”. Ông Trùm khác lớn giọng : “Tưởng chuyện gì, xứ tôi có hàng tá linh mục. Các ông có nghe người ta nói chưa! Rươi Mỹ Dụ, Cụ (Linh mục) Thổ Hoàng. Linh mục xứ tôi hiện giờ đang làm việc khắp nơi từ Việt Nam đến châu Âu, Từ Hàn Quốc đến Nam Mỹ”. Một ông khác lại chen vào: “Tưởng vậy mà ngon à! Ngoài Tu sĩ và Linh mục, Xứ tôi còn có 2 Đức Ông, 1 Giám Mục Phụ Tá và một Tổng Giám Mục”. Ông Chánh Trương từ tốn nói : “Xứ tôi không có nhiều linh mục và Tu Sĩ như các Ông, nhưng xứ tôi có 3 Giám Mục Chính Tòa và một Hồng Y”. Tất cả đều có vẻ tự hào với nguồn gốc của mình. Bỗng nhiên, anh trưởng ban trật tự vào Nhà Xứ để gặp Cha Xứ liền bị các ông Trùm và Chánh Trương chặn lại hỏi: “Anh kia, giáo xứ gốc của anh có ai đi tu hay làm chức lớn gì không?”. Anh trưởng ban trật tự rụt rè trả lời: “Dạ thưa các Bác, xứ của con chẳng có ai làm lớn cả, chỉ có “2 thằng” được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II Phong Thánh năm 1988 mà thôi”. Khi vừa nghe đến đó, tất cả mọi người đều yên lặng. Chuyện vui này cũng là để nhắc chúng ta đừng nên quá khoác lác về nguồn gốc của mình vì chúng ta đâu biết rằng có thể có người khác hơn mình và mình sẽ bị một vố thật đau khi nhận ra rằng mình chẳng là gì so với họ cả.

Người Paraguay cảm thấy hãnh diện dù là một nước có dân số ít (khoảng 7 triệu dân) nhưng có một Thánh Tử Đạo và hình của vị Thánh này được in vào tờ giấy bạc lớn nhất của Paraguay là tờ một trăm ngàn Guaranies. Tuy nhiên có những lúc họ khoe khoang thái quá và cho rằng họ là một quốc gia gần 90% Công Giáo thì chúng tôi “sửa lưng” ngay khi các anh em linh mục bản xứ khoác lác. Chúng tôi nói với họ rằng quốc gia Việt Nam chúng tôi số phần trăm Công Giáo không tới 10% nhưng chúng tôi có đến 117 Vị Thánh Tử Đạo thì họ tịt ngòi ngay.

Mùa Chay chuẩn sắp kết thúc và năm nay chúng tôi nhận thấy đời sống đạo của giáo dân ở đây khá lên rất nhiều. Họ đã biết ăn chay, cầu nguyện và bố thí ngay từ đầu Mùa Chay. Người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cũng tăng nhiều nhưng vẫn còn nhiều tệ nạn cờ bạc, hút xách ở những thành phố lớn. Một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng vừa đặt chân đến Paraguay và đang trong chương trình học ngôn ngữ để chuẩn bị cho hành trình truyền giáo. Tỉnh Dòng Paraguay vừa có tin vui là đón mừng anh em linh mục người Việt vừa mới đến, nhưng lại có tin buồn là một anh em linh mục người Parauay sau gần 20 năm linh mục đã xin “nghỉ tu” để về sống với gia đình. Mỗi người đều có tự do lựa chọn nhưng chúng tôi cảm thấy tiếc cho anh em này sau một thời gian dài sống trong đời tu, nay lại chuyển hướng. Chúa Nhật tuần tới là bước vào Tuần Thánh với việc cử hành trọng thể Lễ Chúa Giê-su vào Thành Thánh mà quen gọi là Lễ Lá. Xin mọi người hiệp lời cầu nguyện cho chúng con, những linh mục truyền giáo yếu đuối và thiếu kinh nghiệm nơi đất khách. Xin cũng hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita là thân phụ của linh mục G.B Huân đang làm việc truyền giáo ở Paraguay trong lễ an táng vào sáng thứ Hai ngày 7 tháng 4 được hưởng phúc Thiên Đàng trong Nước Chúa.

Paraguay, 6/4/2014 – Chúa Nhật V Mùa Chay A

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Hải
Tấn Đạt
21:08 06/04/2014
BẾN HẢI
Ảnh của Tấn Đạt
Bến Hải bây giờ lắng đọng buồn vui
Qua năm tháng Hiền Lương đã mấy lần bắc lại
Ai đợi, ai về, ai người xa mãi
Kẻ trong, đàng ngoài giờ tay bắt mặt vui
Xuôi dưới ấy cửa Tùng sóng dào dạt mãi không thôi.
(Trích thơ của Đoàn Văn Nghiêu)
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News