Ngày 05-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:49 05/04/2014
KHỔNG PHU TỬ
N2T

Một hôm Bốc Thương (1) hỏi Khổng Tử:
- “Tại sao thầy nói chính trực của Nhan Hồi hơn cả thầy, về phương diện nói lẽ phải thì Đoan Mộc Tứ mạnh hơn thầy, Trọng Do dũng cảm hơn thầy; Chuyên Tôn thì tôn nghiêm hơn thầy sao ?”
Nói xong ông ta rất nôn nóng nghe câu trả lời xém chút nữa thì đi ra ngồi chiếu bên ngoài, rồi lại nói tiếp: “Nếu là như thế, thì bốn người này sao lại bái thầy làm sư phụ ?”
Khổng Tử trả lời:
- “Con ngồi yên đó thầy sẽ nói cho con biết: Nhan Hồi chính trực nhưng không mềm mỏng, Đoan Mộc Tứ nói lẽ phải nhưng không đủ minh xác, Trọng Do dũng cảm nhưng tâm lại bỏ ngoài tai, Chuyên Tôn uy nghiêm mà lại không hiểu được sự khiêm tốn, cho nên họ rất vui lòng thụ giáo với chúng ta.”

Suy tư:
Người chính trực thì cần phải có sự hiền hòa mềm mỏng, bằng không thì sẽ có nhiều kẻ thù và người ghét; người luôn nói lẽ phải thì cần phải có đủ sự chứng cớ chính xác, bằng không thì sẽ không thuyết phục được người khác; người dũng cảm thì cần phải lưu ý mọi điều nhỏ nhặt nhất để đề phòng bất trắc, bằng không thì sẽ bị kẻ tiểu nhân ám hại; người uy nghiêm mà kiêu ngạo thì người ta sẽ xa lánh và họ sẽ trở thành người cô độc.
Đức Chúa Giê-su không phải đã dạy chúng ta là: “khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu” hay sao ?
Ai hiểu thì hiểu !
(1) Bốc Thương tự là Tử Hạ, sinh năm 507-400 trước công nguyên, người nước Vệ thời Xuân Thu, học trò của Khổng Phu Tử (Khổng Tử).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 5 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:57 05/04/2014
Chúa Nhật 5 MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 11, 3-7,17. 20-27, 33b-45.
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”.


Anh chị em thân mến,
Một ngày nọ, chim cánh cụt hỏi Chúa Tạo Vật :
-“Cái gì là lòng tin ?”
Chúa Tạo Vật trả lời :
- “Đối với sự việc mong đợi mà con vẫn nắm vững, đối với sự việc chưa nhìn thấy mà còn có thể xác định” (1) .

Qua câu chuyện ngắn này, chúng ta có thể thấy đức tin rất mạnh của cô Mác-ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Cô Mác-ta đã trả lời với Đức Chúa Giê-su: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11, 24), cô đã tin dù rằng cô chưa biết người ta sẽ sống lại như thế nào trong ngày sau hết, cô đã nắm vững cái mà cô mong đợi. Đức Chúa Giê-su đã mặc khải cho cô Mác-ta biết: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa...”(Ga 11, 26-27) , cô đã xác định Đức Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, dù cô chưa thấy vinh quang và công việc cứu thế của Ngài...

Mong đợi nhưng đã nắm vững.
Cuộc sống của người Ki-tô hữu là cuộc sống mong đợi trong hy vọng, mong đợi ngày sẽ được sum họp với Cha trên trời, mong đợi ngày được hưởng phần phúc vinh hiển sống lại với Đức Chúa Giê-su trên thiên đàng. Sự mong đợi này chỉ có những người Ki-tô hữu biết và tin tưởng mà thôi, dù rằng cuộc sống có nhiều đau khổ và gian nan, dù rằng cuộc sống có nhiều bất công và áp bức.

Mong đợi ngày Đức Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang, đó chính là đức tin của chúng ta, do đó, dù phải gặp nhiều đau khổ thì chúng ta vẫn mong đợi ngày Chúa lại đến; dù bị đối xử cách bất công thì chúng ta cũng vẫn mong đợi và nắm vững rằng Đức Chúa Giê-su chính là Đấng phải đến mà thiên hạ đợi trông. Nắm vững cái mình mong đợi chính là đức tin của chúng ta, đức tin này sẽ vững mạnh và trưởng thành trong đau khổ khi chúng ta nắm chắc niềm mong đợi và hy vọng của mình.

Chưa nhìn thấy nhưng đã xác định.
Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Ngài không cho họ thấy, từ khi Đức Chúa Giê-su lên trời cho đến nay thì không ai thấy Ngài, nếu Ngài không cho họ thấy, cũng vậy, chúng ta chưa hề thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta xác định rằng có Thiên Chúa hiện hữu trong vũ trụ; chúng ta không thấy Đức Chúa Giê-su chịu khổ hình và bị đóng đinh đến chết trên Thánh Giá, nhưng chúng ta xác tín rằng, thông phần đau khổ với Ngài trong cuộc sống hy sinh của mình, chính là được chia sẻ những đau khổ của Ngài đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Xác tín điều mình chưa thấy chính là đức tin của chúng ta, sống những điều mình chưa thấy là hành động của những người tin và biết phó thác cho Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Cô Mác-ta đã tin và đã xác tín Đức Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian, đó cũng chính là đức tin của chúng ta. Trong cuộc sống đời thường, có những lúc đức tin và sự mong đợi của chúng ta bị lung lay, bởi vì những cám dỗ của trần gian mạnh hơn sự mong đợi, và những hưởng thụ thực tế của thế gian có sức hút hơn đức tin của mình, do đó mà chúng ta bị té ngã trong những cám dỗ ấy.

Mong đợi nhưng nắm vững, chưa thấy nhưng đã xác định, là niềm hy vọng và niềm vui của người Ki-tô hữu.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:01 05/04/2014
N2T

10. Cái khổ trên thế gian thì rất ngắn, là tạm thời; nếu có thể gìn giữ đức tin đến chết, thì Thiên Chúa sẽ thưởng công cho họ vinh phúc vĩnh viễn.

(Thánh nữ Menodora)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:02 05/04/2014
NGỒI TÒA
Giờ ăn cơm, cha sở chia sẻ với cha phó:
- “Những người làm cha làm mẹ đều hết lòng vì con cái của họ, họ làm tất cả để con cái họ được hạnh phúc, cũng vậy, chúng ta là linh mục nên việc dâng lễ ngồi tòa hoặc cử hành các bí tích là bổn phận phải làm của chúng ta. Giáo xứ chúng ta thánh lễ thì có giờ giấc nhất định, nhưng ngồi tòa giải tội thì chúng ta cần phải hy sinh nhiều hơn nữa khi có giáo dân đến xưng tội ngoài giờ quy định, như thế giáo dân sẽ rất tích cực đến tòa giải tội làm hòa với Thiên Chúa, và chúng ta cũng sẽ rất hạnh phúc vì các linh hồn tội lỗi được ơn Chúa hoán cải…”
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
09:05 05/04/2014
Chúa Nhật 5 Mùa Chay A

Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống

Các đây không lâu, trang Thanh Niên Online đưa tin rằng: ông Gerard Lalanne, trưởng ngôi làng Sarpourenx của Pháp có 260 cư dân, đã ban hành một qui định rất lạ đời, với tựa đề là “Cấm Chết”. Trong đó, ông ta còn nói thêm một cách dứt khoát: "Tất cả những ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề". Tác giả của cái văn bản lạ đời này chẳng đùa tí nào: "Thiên hạ có thể cười chứ tôi thì không". Ông than thở rằng mình chẳng còn cách nào khác vì cái nghĩa trang của làng thì đã đầy ứ, mà đơn xin dùng khu đất kế cận để mở rộng nghĩa trang của ông thì không được cấp trên thông qua. Có lẽ quá bức xúc nên ông trưởng làng 70 tuổi này mới ban hành cái quy định lạ đời kia.

Đã làm người thì ai cũng phải chết. Không ai có thể cưỡng lại được sự chết, và cũng không ai có thể cấm người khác chết được. Chết là chuyện tất yếu của con người, ai cũng phải nhìn nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin nhận sự sống lại, hay sự sống đời sau, nhất là đối với người vô thần hay những người không có niềm tin thì sự sống lại là chuyện hoang đường. Ngay như đối với những người Do Thái thời Chúa Giêsu, quan niệm về sự phục sinh cũng còn nhiều bất đồng.

Trước khi đi vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ mà Ngài đã làm: phép lạ phục sinh Lazarô. Phép lạ này không ngoài mục đích báo trước về sự phục sinh của Ngài, đồng thời gia tăng niềm tin cho các môn đệ và những ai đang nghi ngờ về sự sống đời đời mai sau.

Cách riêng đối với những người thuộc làng quê Bêtania, đây là phép lạ hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt.

1. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi tràn niềm vui

Không còn cha mẹ, ba chị em Matta, Maria và Lazarô phải sống nương tựa vào nhau. Đã vậy Lazarô lại lâm trọng bệnh và đột ngột ra đi, khi đang “nửa chừng xuân”, tức là độ tuổi đang còn dồi dào sức sống, để lại vết thương đau sâu hoắm trong tâm hồn hai cô chị. Tin Mừng cho thấy cho dù Ladarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai cô chị, Matta và Maria, vẫn còn sụt sùi khóc thương trước cái chết đoản mệnh của người em trai quý yêu này. Giờ đây, cậu em của họ được Chúa Giêsu cho sống lại, niềm vui vì thế mà như oà vỡ. Người thân và bạn bè của họ cũng hân hoan mừng vui không kém.

Ta thử tưởng tượng, trong gia đình của mình, có một người thân bị đau bệnh thập tử nhất sinh, và rồi được bác sĩ cứu sống, chúng ta có vui mừng không? Chắc chắn là rất vui mừng. Và giả như trong nhà mình có một người thân bị tai nạn chết, nhưng sau đó tự nhiên sống lại, ta có mừng không? Hẳn là phải mừng hết lớn! Đặt mình vào hoàn cảnh của chị em Matta và Maria thì ta mới hiểu được niềm vui của họ và bà con lối xóm của họ hôm nay lớn lao dường nào!

2. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi dậy niềm tin

Niềm tin của những người Do Thái nói chung và cách riêng của chị em Matta, Maria vào nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu xem ra vẫn còn mơ màng lắm. Họ xem Đức Giêsu là một ngôn sứ, một người có uy quyền, nhưng chưa thực sự xác tính Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Hữu.

Nay qua việc làm cho Ladarô sống lại, Chúa Giêsu đã chứng minh cho họ biết là Ngài là ai: Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng có uy quyền trên sự chết. Hơn nữa, việc phục sinh Ladarô sống lại cũng báo trước việc Ngài sẽ từ trong cõi chết sống lại. Chính Ngài đã sống lại thật từ cõi chết, và đó chính là đức tin và sự cứu rỗi của tất cả những ai tin vào Ngài.

Chị em của Lazarô và những người chứng kiến phép lạ đều tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà Matta đại diện đã nói lên: ”Vâng, lạy Ngài, con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Rõ ràng, đây là phép lạ khơi dậy niềm tin nơi chị em Matta, Maria và những người dân làng Bêtania.

3. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi lên niềm hy vọng

Hẳn chúng ta còn nhớ, khi Dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, tâm trạng của họ là rất đỗi chán chường tuyệt vọng. Họ nói: "Xương chúng tôi đã khô. Hy vọng tiêu ma". Nói "xương" nhưng phải hiểu là toàn thể con người. Cho nên câu này có hai nghĩa: thứ nhất, họ đã bị chết về tinh thần, họ hoàn toàn tuyệt vọng rồi; thứ hai, thân xác của họ cũng như chết luôn, vì sống nô lệ thì cũng như chết mà thôi.

Thiên Chúa bảo ngôn sứ Êdêkien an ủi họ: "Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất của Israel... Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống". Câu này là một lời tiên tri hứa ban sự phục sinh và cũng mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, phục sinh tinh thần: họ sẽ được hồi hương; thứ hai, phục sinh thể xác.

Lịch sử sau này cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện ý nghĩa thứ nhất: họ đã được hồi hương vào năm 539. Và Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu sẽ thực hiện luôn ý nghĩa thứ hai: phục sinh thân xác (x. Sợi Chỉ Đỏ).

Một trong những thành tựu y khoa được đánh giá là quan trọng nhất trong thời gian gần đây là sự phát triển mới về tế bào gốc được biến đổi từ tế bào da người. Tế bào gốc được xem là thứ biệt dược cứu tinh của con người trong cuộc chiến chống lại các bệnh nan y, như ung thư, tim mạch, tiểu đường, mất trí nhớ, chấn thương tuỷ sống, sọ não… Bởi vì, nó có thể phát triển thành bất cứ loại nào trong 220 loại tế bào trong cơ thể con người. Hy vọng trong tương lai không xa, y học sẽ đẩy lùi được các loại bệnh tật hiểm nghèo của con người. Tuy nhiên, làm cho người chết được sống lại, thì hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự chết; chỉ có Đức Giêsu mới có khả năng truyền cho một người đã chết chỗi dậy ra khỏi mồ, như lời Ngài khẳng định: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống”.

Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại, kèm theo việc chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.

Hãy kết nối với Chúa Giêsu để nhận được sự sống đời đời, vì Ngài chính là Nguồn ban sự sống. Nói khác đi, muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giêsu.

Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện. Cành nho muốn trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu.

Qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng ta nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng ta.

Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng ta đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa, như cành nho bị chặt lìa khỏi thân nho, như cánh tay bị cắt lìa khỏi thân thể, và như thế chúng ta đánh mất sự sống đời đời.

Xin cho chúng ta sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được kết nối lại với Chúa, nhờ đó sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền nơi chúng ta, và nhờ đó mai sau chúng ta cùng được phục sinh vinh quang với Ngài. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Chúa và Hội Thánh muốn nói gì qua phép lạ cho Lazarô sống lại
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:15 05/04/2014
CN 5A MÙA CHAY

Chúa và Hội Thánh muốn nói gì qua phép lạ cho Lazarô sống lại

Robert Ingersoll một người nổi tiếng của phái Bất khả tri đã chết năm 1899. Hơn một trăm năm trước đây, ông rảo bước khắp Châu Mỹ để tấn công tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Thuộc phái “Bất khả tri” có nghĩa là ông chủ trương (bất : chẳng; khả: có thể; tri: biết) con người không thể biết gì về Ông Trời, về Thiên Chúa, về đời sống mai sau.

Trong một buổi diễn thuyết, ông cố gắng chứng tỏ cho cử toạ thấy trình thuật phép lạ Lazarô sống lại mà ta vừa nghe đọc, chỉ là một phép lạ giả, nhằm quảng cáo cho thầy Giêsu. Đây là một âm mưu tập thể, ông Robert nói. Lazarô thì giả bộ làm cho người ta tin anh bị bệnh, rồi chết. Các chị của Lazaro thì giả bộ giấu anh trong một cái hang, cung cấp đồ ăn vào ban đêm để không ai thấy, đợi đến khi thầy Giêsu đến, “gọi ‘tên’ mới được ra nghe em !”

Muốn củng cố thêm cho lý chứng của mình, ông Robert hỏi cử toạ : “Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây – mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây !” (nếu đã chết rồi, thì có gọi tên cũng vô ích). Cứ làm phép lạ thẳng như biến một cục đá nào đó thành cái bánh bao, một xác chết khô héo nào đó thành con người bảnh bao ! Còn nếu gọi rõ tên như vậy thì chắc là lòi ra chàng kia còn sống. Còn sống thì mới nghe được có ai đó gọi tên mình chứ. Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây, mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây ! Một lời thách thức tuy không hóc búa lắm nhưng cũng có thể thuyết phục được một số người nào đó. Ông Robert chờ đợi, và ông cũng chẳng cần chờ lâu: Một ông già vóc dáng nhỏ bé đứng dậy trả lời :

-Thưa ông Robert, tôi có thể trả lời cho ông hay: Nếu Đức Giêsu không nói rõ tên Lazarô hãy ra đây, mà chỉ nói trống : Hãy ra đây, thì tất cả những người được chôn trong nghĩa địa với Lazarô sẽ trỗi dậy hết để đến gặp Chúa Cứu Thế của họ...

Sau này Robert thú nhận lối phát biểu của cụ già đó thực sự làm ông ta bối rối, ngỡ ngàng. Bởi vì phải tin mạnh lắm, không chút nghi ngờ gì mới có thể trả lời nhanh và gọn như vậy.

Việc làm cho người bạn Lazarô chết 4 ngày sống lại; cho con trai bà goá Naim nằm trong quan tài trở lại với mẹ; cho con gái ông Giairô mới chết rồi còn chỗi dậy …Việc cho 3 người chết sống lại: hồi sinh kẻ đã chết, chắc không phải là mục tiêu của Chúa đâu. Nhưng qua phép lạ này Chúa muốn nói với ta điều gì, và Giáo Hội muốn nói với ta điều gì.

1. Chúa muốn nói với ta điều gì ? - Ngài là sự sống.

Sự sống quan trọng hơn sự sống lại: Câu nói của Chúa cho Matta không phải là câu Ta là sự sống và sự sống lại nhưng là : Ta là sự sống lại và là sự sống. Sống lại mà không có sự sống mãi thì sẽ chết – rồi lại sống lại. Cứ đi vòng vòng như kiếp luân hồi tái sinh. Trong kinh Tin Kính chúng ta cũng kết thúc bằng sự sống mãi chứ không dừng ở xác sống lại thôi. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại – Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Dĩ nhiên niềm tin xác sống lại ngày sau hết khác với việc Lazaro chết rồi sống lại, nhưng dù sao chúng ta cũng thấy cái chính là sự sống.

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta dù chết cũng sẽ sống. Và ai tin ta không chết bao giờ, con có tin điều đó không ?” Chúa đòi Matta tin điều đó: Ngài là sự sống – nơi Ngài không có sự chết (chứ không chỉ tin ở sự sống lại).

Một chỗ khác Chúa Giêsu cũng nói một câu mà nhân Ngày quốc tế giới tre lần thứ 8 tổ chức tại Denver Colorado, ĐGH đã lấy câu đó để làm chủ đề cho Đại Hội, và THNGM Châu Á cũng chọn làm đề tài: Ta đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn (Yn 10,10).

Đức Giê-su không làm phép lạ chỉ vì muốn cho La-da-rô sống thêm một số năm tháng ở trần gian rồi lại chết sau cảnh già lão, yếu đau tự nhiên của một kiếp người. Không. Qua qua phép lạ này, Ngài muốn dạy cho tất cả loài người hiểu rằng : một khi tin Ngài là sự sống lại và là nguồn sự sống, người ta không còn lo sợ cái chết nữa nhưng sẽ được Ngài chia sẻ sự sống dồi dào của Thiên Chúa…

Người ta hay dùng hình ảnh cuộc sống đế vương để chỉ những người dân thường mà giàu có, ăn sung mặc sướng chẳng khác gì khanh tướng đế vương. Tức là người thường mà như được sống kiếp vua. Ta có thể phóng đại hình ảnh đó lên để so sánh ta là người thường phải chết, mà được chia sẻ cuộc sống thần linh bất tử của Chúa hằng sống. Chúa xuống trần chia sẻ kiếp người phải chết để cho chúng ta được dự phần vào mệnh Chúa bất tử.

Vậy Chúa Giêsu muốn nói gì qua phép lạ này: Chúa là sự sống. “Ta đến cho loài người được sống và sống dồi dào,” tức là sống mãi, sống như thần linh bất tử.

2. Giáo Hội muốn nói với ta điều gì khi đặt bài Phúc Âm này vào Chúa Nhật hôm nay ?

Điều Giáo Hội nói thì rõ rệt lắm. Hôm nay là bài Giáo lý cuối cùng về Phép Rửa chuẩn bị cho dự tòng và nhắc nhở chúng ta nhớ lại Phép Rửa của mình. Hai bài trước là :

- CN 3 : Chúa là Nước hằng sống, nước đem lại sự sống qua câu chuyện với phụ nữ Samari bên giếng nước, nhắc ta nước Rửa Tội

- CN 4 : Chúa là Ánh sáng qua trình thuật chữa người mù thuở mới sinh ra. Khi chịu phép rửa là ta được ánh sáng Đức Kitô chiếu soi. Và hôm nay :

- CN 5: Phép Rửa mang lại cho ta Sự Sống mới qua phép lạ cho Lazaro chết 4 ngày sống lại. “Ta đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn.”

Ý của Chúa Giêsu muốn nói qua phép lạ chữa Lazaro : Ta là sự sống được Giáo Hội hiểu và đưa vào Phụng vụ vào những ngày chót của quá trình chuẩn bị cho Phép Rửa. Chúa đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn. Không phải chỉ sống người ra người mà là sống dồi dào hơn, tức cuộc sống của người con Chúa mà chính Phép Rửa mang lại cho ta sự sống dồi dào đó: một cuộc sống thần linh. Nói đổi lời, “sự sống” không chỉ là sự sống của thể xác mà là sự sống trọn vẹn, chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Ladarô đã được Chúa Giêsu trả lại sự sống thể xác nhưng về sau thân xác ông cũng sẽ lại chết như bao người khác. Cho nên sự sống thể xác không quan trọng và quý giá cho bằng sự sống trọn vẹn trong sự kết hợp với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Chính Phép Rửa Tái Sinh mang lại cho ta điều đó.

Trong thư Roma 6, 3-4 , thánh Phaolô sánh ví rất hay rằng chịu phép rửa như cùng chịu chết với Đức Giêsu và cùng sống lại với Người. Dìm xuống nước là chết đi, là mai táng. Lên khỏi nước là sống lại, là sống đời sống mới.

Ý của Giáo Hội rõ như thế, nhưng ít người để ý để triển khai. CĐ Vatican 2, trong Hiến chế đầu tiên, Hc Phụng vụ (năm 1963), số 109, đã xác định rõ hai đặc tính của mùa chay là: (1) sám hối và (2) nhất là nhớ lại hoặc chuẩn bị cử hành bí tích thánh tẩy… CĐ cũng ra lệnh là 2 đặc tính đó phải được đưa vào phụng vụ và giáo lý phụng vụ. Đặc tính của mùa chay là Sám hối thì có nhiều, nhưng đặc tính “nhớ lại Phép Rửa” thì ít được quan tâm. Chỉ có 3 bài cho 3 CN: III: Nước; IV: Ánh Sáng; V: Sự Sống. Ba bài này đọc trong năm A, nhưng Giáo Hội cũng khuyên Năm B và Năm C có thể đọc lại bài Năm A.

Vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, đêm Vọng Phục-Sinh, trong phần Phụng vụ Phép Rửa, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh :

- Đức Kitô là Nước hằng sống : Nước thánh tẩy cho dự tòng khắp nơi và cho ta trước đây.

- Đức Kitô là Ánh sáng : qua phần Phụng vụ Ánh sáng và sau đó thắp sáng nến cho các tân tòng khắp nơi và cho cả ta nữa.

- Đức Kitô là Sự Sống, sự sống dồi dào qua việc các tân tòng cùng với chúng ta có một người Cha toàn năng và giàu lòng thương xót đã ban cho ta một người Anh là Đức Kitô đã đến thế gian “để cho ta sống và sống dồi dào.”

Chúng ta hãy cầu cho các dự tòng khắp nơi và cầu cho cả chúng ta nữa là những hình ảnh của Lazaro được Chúa cho sống lại, sống dồi dào hơn trong địa vị cao trọng của người con cái Chúa, mà Phép Rửa Tái Sinh bằng Nước và Thánh Thần mang lại cho ta quà tặng siêu vời đó.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hôn nhân đồng tính và hai cuộc từ chức tại Google và Mozilla
Vũ Văn An
09:48 05/04/2014
Jessica Chasmar của Washington Times ngày 3 tháng Tư đưa tin: viên chức điều hành của Google là Jacqueline Fuller đã từ chức nhân một vụ thay đổi chính sách của hội đồng thừa tác vụ quốc tế về nghèo đói của World Vision. Hội đồng này vừa quyết định thuê những người “kết hôn” đồng tính để đi truyền giáo. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, hội đồng này đã hủy bỏ quyết định trên do áp lực của các nhà lãnh đạo Tin Lành.

Trong một bản tuyên bố, Hội Đồng này cho rằng “Hội Đồng nhìn nhận mình đã mắc sai lầm và quyết định trở lại chính sách lâu đời của chúng tôi là buộc mọi nhân viên độc thân phải tiết dục và trung thành với giao ước hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà của Thánh Kinh”.

Faithful America, một nhóm các nhà tranh đấu Kitô giáo cho công bằng xã hội, lập tức phát động một kiến nghị đòi cô Fuller và đồng nghiệp Google của cô là John Park phải từ chức khỏi Hội Đồng của World Vision. Hơn 16,000 người đã ký vào kiến nghị này.

Giám đốc Faithful America là Michael Sherrard tuyên bố rằng: “World Vision đã bóp méo đức tin Kitô Giáo khi theo đuổi một nghị trình hữu khuynh chống lại người đồng tính. Trong tư cách một trong các cơ quan bác ái Kitô giáo nổi tiếng nhất thế giới, quyết định của họ nhận các nhân viên nam nữ đồng tính là một bước tiến bộ lớn, nhưng việc họ rút lại quyết định ấy cách nhanh chóng là một cú đấm đau đớn vào tấm lòng của những ai trong chúng ta vốn tin rằng các Kitô hữu có bổn phận phải lên tiếng cho bình đẳng và phẩm giá của mọi người”.

Về cô Fuller, ông Sherrard cho rằng cô “đã làm một việc đúng là rút lui khỏi hội đồng của một tổ chức mà các giá trị không còn phù hợp với cam kết của Google về bao gồm và bình đẳng. John Park thì chưa quyết định trong vấn để tiến lui.

Tin trên gián tiếp cho thấy cô Fuller đứng về phía Google và Faithful America, và do đó ủng hộ quan điểm “hôn nhân đồng tính”. Trái lại, Alistair Barr của Wall Street Journal thì cho hay: tổng giám đốc Mozilla là Brendan Eich cũng đã từ chức nhưng vì sự ủng hộ của ông đối với cuộc bỏ phiếu chống “hôn nhân” đồng tính.

Brendan Eich từ chức chỉ sau khi được thăng chức cách nay hai tuần, vì cuộc phản đối ầm ĩ của các nhân viên Mozilla đối với việc đóng góp chính trị của ông. Họ cho rằng ông chống lại “hôn nhân” đồng tính.

Nguyên do là cách nay 6 năm ông từng hiến tặng 1000 dollars để ủng hộ sáng kiến bỏ phiếu năm 2008 tại California để ngăn cấm “hôn nhân” đồng tính.

Hồ sơ vụ hiến tặng này xuất hiện trên liên mạng ngay sau khi Ông Eich, người từng sáng chế ra JavaScript và giúp Mozilla khởi đầu năm 1998, được cử làm tổng giám đốc vào cuối tháng Ba vừa qua. Ngay sau khi được đề cử, một số nhân viên của Mozilla bèn lên Twitter đòi ông phải từ chức.

Việc ông từ chức gây ra cuộc tranh luận về việc liệu quyền có quan điểm chính trị riêng của ông có bị dẹp bỏ hay không. Matt Galligan, TGĐ của hãng tin vừa mở là Circa, viết trên Twitter như sau: “Đám đông đã trừ được người họ muốn. Dù tôi bất đồng với các niềm tin của ông, nhưng Brendan Eich đã cho ta JavaScript và giúp xây dựng nên Mozilla và Nestcape. Chỉ $1000 tặng cho Prop 8 mà nay lại là di sản của ông”.

Anil Dash của Bloomberg, một đồng sáng lập ra áp dụng ThinkUp, đã đưa ra câu trả lời gay gắt ngay sau đó như sau: “ ‘đám đông’ nào? Nghiêm túc đấy chứ? Phải anh muốn cho rằng một ai đó muốn kết tội cuộc hôn nhân của anh lại đáng lãnh đạo anh hay sao?”

Trong một bài đăng, nữ chủ tịch điều hành của Mozilla là Mitchell Baker đã lên tiếng xin lỗi việc cử nhiệm ông Eich. Bà cho rằng “chúng tôi có các nhân viên với các quan điểm rất khác nhau. Nền văn hóa cởi mở của chúng tôi trải rộng việc khuyến khích nhân viên và cộng đồng chia sẻ niềm tin và ý kiến nơi công cộng… Nhưng lần này, chúng tôi đã không chịu lắng nghe, mời gọi người khác và được cộng đồng của chúng ta hướng dẫn”.

Cuộc tranh cãi chung quanh việc cử nhiệm ông Eich chứng tỏ vấn đề “hôn nhân” đồng tính đã lớn mạnh thành một vấn đề sống mái như thế nào đối với nhiều người. Ở Silicon Valley, nhiều người coi đây là một vấn đề bất thương thảo. Không ủng hộ nó gần như bị coi là âm thầm ủng hộ các đạo luật kỳ thị chủng tộc xưa cũ của các thập niên 1950 và 1960.

Đề Nghị 8 (Proposition 8), là đề nghị nhằm ngăn cấm các cuộc “hôn nhân” đồng tính, đã được thông qua với hơn 52% tổng số phiếu của California. Tại bốn quận hạt đông dân nhất của vùng Silicon Valley, nó chỉ nhận được dưới 38% tổng số phiếu. Biện pháp này sau đó đã bị tòa án lật ngược.

Roger Kay, chủ tịch công ty nghiên cứu kỹ thuật học Endpoint Technologies, cho hay: “Các TGĐ hiện nay bị buộc phải có một tiêu chuẩn cao hơn trước đây nhiều. Một phần lý do là Internet. Mọi tín liệu này đều có ở trên đó và được chia sẻ nhờ truyền thông xã hội”.

Việc chọn Ông Eich làm TGĐ gây tranh cãi vì nhiều lý do. Do việc chọn lựa này, ba thành viên hội đồng Mozilla đã từ chức vì họ muốn có người từ ngoài vào mang theo nhiều kinh nghiệm hơn về kỹ nghệ di động, giúp cơ quan này cổ vũ được hệ thống điều hành di động của họ với các công ty viễn thông. Mozilla nói rằng ba người từ chức vì nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên cuộc tranh cãi chung quanh vụ Đề Nghị 8 vẫn trổi vượt hơn các lý do khác. Thêm vào lời kêu gọi của nhân viên đòi ông từ chức, trang mạng kiếm người hẹn hò trên trực tuyến OkCupid lên tiếng yêu cầu khách hàng của họ tẩy chay không sử dụng Firefox. Credo Mobile, một công ty vô tuyến tự coi mình là cấp tiến đã thu lượm được hơn 50,000 chũ ký đòi ông từ chức.

Ông Kay cho rằng động thái của OkCupid báo cho hội đồng Mozilla thấy “đây không hẳn chỉ là một vấn đề riêng cho Mozilla”. Trong một bài viết trên trang mạng, Bà Baker, nữ chủ tịch của Mozilla, nói rằng “dù gây đau đớn, các biến cố tuần qua cho thấy một cách chính xác lý do tại sao chúng ta cần tới Mạng. Để tất cả chúng ta có thể tự do bước vào những cuộc bàn luận gay go mà ta rất cần trong việc biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.

Các cố vấn về ngành quản trị tai tiếng cho hay việc các TGĐ bị buộc từ chức vì các quan điểm chính trị không còn là chuyện bất thường nữa. Nhưng Eric Dezenhall, người đang điều khiển một công ty quản trị khủng hoảng ở Washington, cho hay ông từng được yêu cầu giúp các TGĐ có quan điểm chính trị cực bảo thủ. Theo ông, hiện đang có một thứ kiểm duyệt ngay trong nội bộ vì trong những năm gần đây những nhà tranh đấu cho giới đồng tính đang mặc những bộ áo quần bảnh bao trong vai trò điều hành cao cấp. Nghĩa là họ sẵn sàng có đó để “kiểm duyệt” các TGĐ cực bảo thủ kia.

Năm 2010, những người ủng hộ quyền đồng tính đe dọa tẩy chay và biểu tình bên ngoài các cửa tiệm để phản đối Target đã tặng 150,000 dollars cho ứng cử viên chống đồng tính tranh chức thống đốc Minnesota.

TGĐ Target là Gregg Steinhafel phải viết một thư xin lỗi các nhân viên và từ đó, công ty này làm nhiều cử chỉ lớn lao để ủng hộ các người đồng tính nam nữ, trong đó, có chiến dịch quảng cáo đăng ký kết hôn cho các cặp kết hợp đồng tính.

Tương tự như thế, những người đề xướng hôn nhân đồng tính đã cố gắng tổ chức một cuộc tẩy chay các nhà hàng Chick-fil-A trong năm 2012 sau khi Viên Chức Trưởng Điều Hành là Dan Cathy tuyên bố mình chống “hôn nhân đồng tính và ủng hộ “cau định nghĩa của Thánh Kinh về đơn vị gia đình”. Ông Cathy nay là TGĐ của liên hợp các công ty này. Dezenhall thì cho rằng Chick-fil-A là loại công ty do gia đình kiểm soát chặt chẽ.

Nhân dịp này, TGĐ Goldman Sachs Group Inc. là Lloyd Blankfein cho hay ngân hàng của ông ít nhất cũng đã mất một khách hàng vì người này ủng hộ hôn nhân đồng tính một cách công khai. Giống nhiều công ty khác, ngân hàng này cho rằng các chính sách thân thiện với người đồng tính là chìa khóa để lôi cuốn và giữ nhân tài.
 
Các tố cáo liên quan tới lạm dụng tình dục xuống thấp nhất
Vũ Văn An
19:55 05/04/2014
Đầu tháng Ba vừa qua, Hội Đồng Toàn Quốc Duyệt Xét Việc Bảo Vệ Trẻ Em và Thiếu Niên, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã cho công bố phúc trình cuộc thanh lý lần thứ 11 của họ. Cuộc thanh lý hàng năm này, do các chuyên viên độc lập thực hiện, cho thấy trong suốt năm 2013 chỉ có 10 lời tố cáo các linh mục lạm dụng được kể là “đáng tin”, trong số 40,000 linh mục thuộc khu vực thanh lý. Đây là con số tố cáo thấp nhất kể từ khi các bản tường trình hàng năm được đệ nạp từ năm 2004.

Hiển nhiên, đây là một tin vui. Nhưng đúng như mọi người dự đoán, giới truyền thông chính dòng đã hoàn toàn im lặng về bản phúc trình đầy tích cực này, trong khi, trong các năm trước đây, họ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để khai thác các dữ liệu không mấy thuận lợi cho Giáo Hội.

Một cuộc điều tra về phong thái tường trình bản phúc trình mới này của Giáo Hội cho thấy không một cơ sở tin tức thế tục chính yếu nào, như New York Times, Boston Globe, Washington Post, Los Angeles Times, Chicago Tribune v.v… đã tường trình về biến cố này.

Các sự kiện không được truyền thông chính dòng tường thuật

Đây là những sự kiện đơn giản về câu truyện lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo mà bạn không thấy được tường thuật ở bất cứ chỗ nào trong truyền thông chính dòng và là những sự kiện, một lần nữa, làm nổi bật sự thật này: câu truyện lạm dụng không còn thực sự là những bản tin ăn khách nữa mà chỉ là nỗi ám ảnh của truyền thông phát sinh từ lòng hận thù đối với một định chế họ không ưa thích:

• 40% tất cả các linh mục bị tố cáo năm 2013 đều đã qua đời từ lâu;

• 78% tất cả các linh mục được nhận diện bị tố cáo năm 2013 một là đã qua đời, đã bị loại ra ngoài thừa tác vụ, đã hoàn tục, hay đơn thuần mất tích; và

• 90% tất cả các lời tố cáo lạm dụng vào năm 2013 đều liên hệ tới các biến cố đã xẩy ra cách nay ít nhất 25 năm.

Sự kiện là sự kiện: những lời tố cáo ma thì nhiều

Và chịu đọc kỹ hơn nữa bản tường trình này, người ta còn khám phá ra điều này nữa: truyền thông chính dòng cương quyết khước từ thường trình rằng: những lời tố cáo ma chống các linh mục Công Giáo thì rất nhiều, và đại đa số các lời tố cáo này một là không đúng sự thật hai là chẳng có chứng cớ gì hết.

Theo các con số trong năm nay, hết 80% các vụ trong năm 2013 được điều tra xong xuôi đã rơi vào loại một là “không thể chứng tỏ được” hai là “không thể chứng minh” được. Chỉ có khoảng 14.6% của mọi vụ trong năm 2013 là được kể là có chứng cớ theo tiêu chuẩn cởi mở của Hội Đồng Duyệt Xét.

Thực vậy, chúng ta đã chứng kiến thật nhiều trường hợp tố cáo ma, rõ ràng nhất là vụ tố cáo Đức TGM John C. Nienstedt của giáo phận St. Paul và Minneapolis hồi tháng Mười Hai vừa qua là đã rờ rẫm một bé trai cách nay 4 năm giữa ban ngày ban mặt trước đám đông bên ngoài một nhà thờ sau nghi thức thêm sức tại đó. Lời tố cáo này đã khiến cảnh sát mải miết mở cuộc điều tra rầm rộ, nhưng đầu tháng ba rồi, cuộc điều tra đã bị hủy bỏ vì vô căn cứ.
 
Chương trình Tuần Thánh tại Vatican
Đặng Tự Do
22:20 05/04/2014
Ngày thứ Sáu 4 tháng Tư, Đức Ông Guido Marini, Chưởng Nghi phụ trách các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng đã ra thông cáo liên quan đến các cử hành trong Tuần Thánh tại Vatican.

Sáng Chúa Nhật 13 tháng Tư, lúc 9h30 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ làm phép lá và đi kiệu lá tưởng nhớ việc Chúa Giêsu vào thành Jerusalem. Đây cũng là Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận với chủ đề "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5: 3 ). Cùng đồng tế trong thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó Chúa diễn ra sau đó là các Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục và Giám Mục đang có mặt tại Rôma.

Sáng thứ Năm Tuần Thánh 17 tháng Tư, lúc 9h30 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức làm phép dầu cùng với Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục trong giáo triều Rôma và các linh mục thuộc giáo phận Rôma. Các loại dầu Thánh, như thường lệ, sẽ được nhận tại phòng thánh của Vương Cung Thánh Đường Latêranô, là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Rôma. Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tiệc ly tại nhà nguyện của nhà tù Casa del Marmo nơi giam giữ các trẻ vị thành niên phạm pháp tại Rôma. Thông cáo của văn phòng đặc trách các cử hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng không nêu là năm nay ngài sẽ cử hành tại cùng địa điểm này hay tại một nơi nào khác.

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 18 tháng Tư, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi Phụng Vụ Lời Chúa, nghi thức tôn kính Thánh Giá và cho các tín hữu rước lễ. Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Lúc 20h30 tối thứ Bẩy 19 tháng Tư, cùng với các vị trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi Rước Nến Phục sinh, công bố Tin Mừng Phục sinh, Rửa tội cho các tân tòng và Phụng Vụ Thánh Thể bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục sinh và đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Tiếp theo đó là nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho Rôma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Lễ Tha Thứ - ''24 giờ dành cho Chúa'' tại giáo xứ Nghi Lộc
BBT: Giáo xứ Nghi Lộc
10:25 05/04/2014
Ngày Lễ Tha Thứ - "24 giờ dành cho Chúa" tại giáo xứ Nghi Lộc

Ngày 23.03.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Ngày Lễ Tha Thứ được tổ chức vào các ngày 28-29 tháng 3 năm 2014, tại giáo phận Roma. Trong tâm tình hiệp thông với vị Chủ chăn đáng kính của Giáo Hội hoàn vũ, đáp lại lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo phận, giáo xứ Nghi Lộc đã cử hành Ngày Lễ Tha Thứ vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần IV Mùa Chay.

Hình ảnh

Lúc 19 giờ 30, thứ Năm 03.04.2014, thánh lễ khai mạc Ngày Lễ Tha Thứ được Cha quản xứ JB. Đinh Công Đoàn cử hành tại nhà thờ Nghi Lộc. Đông đảo bà con giáo dân cùng tham dự thánh lễ. Trong thánh lễ, Cha quản xứ đã diễn giải mục đích, ý nghĩa của Ngày Lễ Tha Thứ để cộng đoàn hiểu rõ, ngõ hầu có thể tham dự thánh lễ và các nghi thức phụng vụ cách sốt sắng, trong tâm tình hiệp thông cùng Giáo Hội hoàn vũ.

Cha quản xứ nói, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm gương, khi chủ sự phụng vụ sám hối vào lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 28.03 tại Vương cung Thánh đường Phêrô. Chính ngài là người đầu tiên vào toà xưng tội trước khi ngồi toà giải tội cho các tín hữu. Hình ảnh đẹp đẽ này đã nêu bật nhân cách và đức tính khiêm hạ của ngài. Trong tư cách là Giáo hoàng, ngài có quyền chỉ định một linh mục giải tội riêng cho mình, hoặc cũng có thể xưng tội tại phòng riêng.

Hình ảnh này gây ấn tượng và rất có ý nghĩa mà chúng ta nhớ mãi trong cử hành phụng vụ này, hình ảnh mở đầu cho “Ngày lễ của ơn tha thứ”, còn gọi là “24 giờ dành cho Chúa”, một sáng kiến của Hội đồng Toà Thánh về Tân Phúc Âm hoá, được cử hành ở nhiều giáo phận trên toàn thế giới.”

Trong thánh lễ khai mạc tại giáo xứ Nghi Lộc, với những gợi ý suy tư của Cha quản xứ, cộng đoàn hiện diện đã cùng đắm chìm vào những phút giây thinh lặng qua nghi thức sám hối cộng đồng. Việc sám hối, đặc biệt trong Mùa Chay Thánh, trở nên cần thiết và đem lại ơn ích sâu xa cho người tín hữu, khi được thực hiện với lòng can đảm và khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm mình đã phạm. Sau thánh lễ, giờ Chầu Thánh Thể đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Chúa Giêsu vẫn đang chờ đợi chúng ta nơi nhiệm tích Thánh Thể. Chúa chờ mong chúng ta tin tưởng, cậy trông và yêu mến Người cũng như dâng lên Người tâm tình cảm tạ, thông hối, đền tạ và bác ái.

Ngày Lễ Tha Thứ - “24 giờ dành cho Chúa” tại giáo xứ Nghi Lộc được tiếp diễn với thánh lễ vào lúc 5 giờ sáng thứ Sáu, ngày 04.04.2014. Lúc 14 giờ chiều cùng ngày, tại thánh đường giáo xứ đã diễn ra buổi Ngắm rằng do giới phụ huynh giáo họ Nghi Nam đảm trách. Sau buổi Ngắm rằng là giờ đọc kinh kính Lòng Thương xót Chúa.

Thánh lễ cao điểm của Ngày Lễ Tha Thứ diễn ra lúc 15 giờ. Sau thánh lễ, cộng đoàn Nghi Lộc tổ chức giờ Chầu Thánh Thể cách trọng thể, diễn ra trong 4 giờ đồng hồ, được chia thành 8 phiên thứ do các giáo họ, các hội đoàn trong giáo xứ đảm trách.

Giờ Chầu Thánh Thể kết thúc cũng là lúc khép lại Ngày Lễ Tha Thứ - “24 giờ dành cho Chúa” tại giáo xứ Nghi Lộc.

Ước mong rằng, ngày lễ này đem lại cho cộng đoàn dân Chúa những giá trị mới mẻ từ những chiều kích niềm tin tưởng chừng đã cũ. Như lời Đức TGM Rino Salvatore, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hoá, đã nói: “Sáng kiến này muốn thực sự là một đại lễ trong đó chúng ta được mời gọi suy tư về chính mình, tìm lại sự thật về đời sống chúng ta, và không quá tìm những lý lẽ biện minh cho những gì không tốt xảy ra, trái lại chân thành đặt mình trước Thiên Chúa, và trong kinh nghiệm ấy, sống kinh nghiệm được tha thứ, và được yêu mến mặc dù chúng ta là người tội lỗi.”

BBT: Giáo xứ Nghi Lộc
 
Giáo phận Long Xuyên có tân Giám Mục Phụ Tá
Nguyễn Long Thao
10:16 05/04/2014
Vatican 5/4/2014.- Văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Long Xuyên, làm Giám Mục Phụ Tá giáo phận Long Xuyên.

Tiểu Sử Ðức Tân Giám Mục Giuse Trần Văn Toản

Sinh ngày 07-04-1955 tại Quảng Nam

1966 - 1970 Học tại tiểu chủng viện Á Thánh Phụng - Châu Đốc

1970 - 1974 Học tại tiểu chủng viện Têrêxa - Long Xuyên

1974 - 1975 Học Triết Học tại Đại Chủng Viện Tôma Long Xuyên

1975 - 1976 Học Triết Học tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, Long Xuyên

1976 - 1977 Học Thần Học tại Tòa Giám Mục Long Xuyên

1977 - 1979 Giúp Xứ Môi Khôi Láng Sen, Thạnh Quới

1979 - 1980 Học Thần Học tại Tòa Giám Mục Long Xuyên

1980 - 1988 Giúp Xứ Môi Khôi Láng Sen, Thạnh Quới

28/11/1988 Chịu chức Phó Tế do Đức Cha GB. Bùi Tuần

1988 - 1992 Thi hành tác vụ Phó Tế tại Giáo xứ Môi Khôi Láng Sen

16/1/1992 Chịu chức Linh Mục do Đức Cha GB Bùi Tuần

1992 – 1999 Phó giáo xứ Môi Khôi Láng Sen, Thạnh Quới

1999 - 2000 Học tại East Asian Pastoral Institute, Manila Philippine

2000 - 2005 Học tại Đại Học De La Salle ở Manila, Philippines và tốt nghiệp với bằng Tiến Sĩ về Giáo Dục

2006 - 2014 Phục vụ tại Tòa Giám Mục Long Xuyên

Phụ trách dự tu giáo phận

Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ giáo phậnLong Xuyên

Điều phối sinh hoạt của các Ủy Ban và các Ban trong giáo phận

Điều hướng các đoàn thể đạo đức hoạt động trong giáo phận

Giáo sư môn Truyền Giáo Học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý
 
Giáo xứ Bột Đà: sự sám hối thật lòng trong ngày lễ Tha Thứ
Phạm Anh
10:14 05/04/2014
Cha quản xứ và HĐMV, các giáo họ và toàn thể bà con giáo dân giáo xứ Bột Đà đã sốt sắng cử hành Ngày Lễ Tha Thứ vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần IV Mùa Chay, tức là các ngày 3-4/4/2014.

Hình ảnh

Tại giáo xứ, nghi thức khai mạc đã bắt đầu vào chiều thứ Năm với các giờ Chầu Thánh Thể do các giáo họ và các Hội đoàn trong giáo xứ đảm nhiệm. Trước đó, các ngày từ thứ ba đến thứ tư, các giáo họ và các Hội Đoàn trong giáo xứ đã triển khai chương trình của HĐMV giáo xứ đề ra: Mỗi người phải đi thăm, xin lỗi và tha thứ cho anh em trong giáo họ và họ tộc mình, trong xóm làng mình, kể cả thăm những người lương dân. Trong ngày thứ năm, sau khi kết thúc các giờ Chầu Thánh Thể của các giáo họ, đến 19h30’: cuộc rước nến từ sân nhà thờ đi qua cửa chính nhà thờ ra đường Trinh Nữ Vương vòng vào sân trường Thánh Phêrô Hoàng Khanh, đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm và sốt sắng. Mỗi người với cây nến sáng trong tay vừa đi vừa suy niệm về những lỗi lầm của bản thân mình đối với người xung quanh và đối với Thiên Chúa. Qua đó giúp họ cảm nhận được những yếu đuối bất toàn của mình và tình yêu, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho mỗi người.

Sau khi đoàn rước nến trở về tập trung nơi sân trường Phêrô Hoàng Khanh và trước lễ đài, cộng đoàn giáo xứ đã tổ chức nghi thức xin lỗi cộng đồng và tha thứ cho nhau.

Đầu tiên, vị đại diện HĐMV giáo xứ tiến lên lễ đài quỳ xuống xin lỗi Chúa và xin lỗi cộng đoàn giáo xứ về những lỗi lầm, những thiếu sót, cũng như những yếu đuối bất toàn của mình đối với Thiên Chúa và với mọi người, và xin mọi người tha thứ. Tiếp sau đó là đại diện của các Thầy cộng đoàn Antôn đang sinh hoạt và phục vụ tại giáo xứ cũng lên nói lời xin lỗi trước Chúa và mọi người. Rồi lần lượt đại diện các giáo họ, trưởng các Hội Đoàn, đại diện các ban ngành lên quỳ xin lỗi trước cộng đoàn và xin cộng đoàn tha thứ. Sau đó giáo dân đã bắt tay xin lỗi và tha thứ cho nhau.

Khi nghi thức xin lỗi cộng đồng đã xong, mọi người tiến vào thánh đường để cùng cha chủ tế Giuse Hoàng Đức Nhân cảm tạ tình yêu Chúa và dâng lên Chúa những lỗi lầm của mình và của anh em mình xin Chúa từ bi nhận lấy nơi chúng con tấm lòng sám hối thật lòng.

Trong thánh lễ này, thay vì đọc kinh cáo mình như thường lệ cha chủ tế đã rảy nước thánh trên giáo dân (để nhớ lại Bí tích rửa tội khởi đầu cuộc hành trình đức tin).

Trong phần chia sẻ, cha chủ tế đã nhấn mạnh đến việc trở về của mọi người trong Mùa chay thánh này. Nói đến trở về nghĩa là có ra đi, đi xa, có lạc đường mới cần trở về. Cũng thế nói sám hối có nghĩa là, có lỗi lầm, nói đến ăn năn là có tội lỗi. Ai trong chúng ta không mang nơi mình sự bất toàn và lầm lỗi. Do đó, chúng ta cần trở về với Chúa, trở về với tha nhân và nhất là trở về với chính mình.Qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, cha đã khác họa cho mỗi người biết mình có thể là một trong hai người con trong dụ ngôn đó. Vậy chúng ta hãy thành thật sám hối và thành tâm trở về với Thiên Chúa, để được Ngài tha thứ, yêu thương và Ngài trả lại cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa.

”Sáng kiến này muốn thực sự là một đại lễ trong đó chúng ta được mời gọi suy tư về chính mình, tìm lại sự thật về đời sống chúng ta, và không quá tìm những lý lẽ biện minh cho những gì không tốt xảy ra, trái lại chân thành đặt mình trước Thiên Chúa, và trong kinh nghiệm ấy, sống kinh nghiệm được tha thứ, và được yêu mến mặc dù chúng ta là người tội lỗi”.

Đức Giáo Hoàng giải thích với đám đông tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô rằng: “Thứ sáu và thứ bẩy tới, chúng ta sẽ sống một thời khắc thống hối đặc biệt, gọi là ’24 giờ dành cho Chúa’. Ngày này sẽ bắt đầu bằng một cử hành phụng vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào chiều thứ sau, rồi đến tối và đêm, một số nhà thờ trong trung tâm Rôma sẽ được mở cửa để người ta cầu nguyện và xưng tội.

“Ngày này sẽ là, chúng ta có thể gọi nó là ngày cử hành sự tha thứ; nó cũng sẽ diễn ra trong nhiều giáo phận và giáo xứ khắp thế giới”.
 
Giáo xứ Nghĩa Thành Cử Hành Ngày Lễ Tha Thứ
Nghiĩa Thành
10:18 05/04/2014
Trong hai ngày 03 và 04 tháng 4 năm 2014, giáo xứ Nghĩa Thành đã sốt sắng cử hành ngày Lễ Tha Thứ.

Từ sự khởi xướng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và đáp lại sự truyền dạy của Đức Giám Mục giáo phận Vinh, giáo xứ Nghĩa Thành đã sốt sắng cử hành ngày Lễ Tha Thứ, hay còn gọi là 24 giờ dành cho Chúa.

Hình ảnh

Chương trình bắt đầu từ 19h30’ – 03.4.2014, với hoạt cảnh Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Liền sau hoạt cảnh, đoạn Tin Mừng nói về câu chuyện này được cả cộng đoàn đọc lại, rồi cha quản xứ Antôn Hoàng Trung Hoa đã có một giờ giảng giải về tình yêu, sự tha thứ của Thiên Chúa. Cha cũng chỉ ra tội lỗi to lớn của con người, và vì tội lỗi của con người mà Đức Kitô đã chịu chết trên cây thập giá.

Vì thế, như để cho mỗi người tham dự khắc ghi sâu xa hơn tình yêu bao la của Thiên Chúa, và để nhắc nhớ luôn mãi, là vì tội lỗi của con người mà Đức Kitô đã phải trải qua đau khổ và sự chết, nên cuối tĩnh tâm có phần tái diễn những giây phút cuối đời của Đức Kitô. Nhưng không phải là đoạn phim hay hoạt cảnh, mà mỗi người đều lên cầm dao chặt một nhát vào cây thập giá và cầm đinh đóng vào tay tượng Chúa Giêsu, như để nói rằng, không phải là người Do Thái hay ai khác, mà chính bản thân mỗi người đã đóng đinh Đức Kitô vào thập giá và đâm vào cạnh sườn của Người.

Sau phần tái diễn giây phút sau cùng của Đức Kitô trên thập giá, giáo xứ đã có một giờ chầu Thánh Thể.

Vì là 24 giờ dành cho Chúa, nên trong suốt ngày hôm sau cửa nhà thờ được mở để đón tiếp các tín hữu kính viếng Thánh Thể và lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Sang buổi chiều ngày 04.4.2014, vào lúc 15h, cha Antôn lại có bài chia sẻ ngắn về hậu quả của tội lỗi, sự thù hận, ghen tương và sự cần thiết của sự tha thứ cho nhau. Sau bài giảng huấn, mỗi người đều cầm viên đá trên tay và đọc kinh Lòng Thương Xót. Viên đá này được Cha thông báo trước cho mỗi người mang theo. Mục đích của Cha quản xứ là muốn cho mỗi người biết, là trong cuộc đời, đã nhiều lần, mỗi tín hữu trong giáo xứ giống các luật sĩ và biệt phái trong đoạn Tin Mừng Ga 8, 2-11, từng kết án và muốn nén đá anh chị em. Mọi người nâng cao hòn đá trước tượng chịu nạn như tỏ bày tội lỗi của mình trước thánh nhan Chúa để xin ơn tha thứ.

Như chứng tỏ đã được đánh động bởi tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa, sau khi tượng Thánh Giá được dựng lên tại khuôn viên giáo xứ, gần với tiền sảnh thánh đường, mỗi người đã tiến đến vứt bỏ viên đá đó dưới chân Thánh Giá.

Trước khi bước vào Thánh lễ xin ơn tha thứ, toàn thể cộng đoàn đã nắm lấy tay nhau đọc kinh Lạy Cha trước Thánh Giá này.

Hy vọng, những hình ảnh cụ thể này làm cho các tín hữu trong giáo xứ chốn cực Tây Bắc giáo phận Vinh được đánh động mạnh mẽ và ghi nhớ lâu hơn, để từ đó họ những hành động chứng tỏ cuộc đổi mới về tâm hồn, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Con người được đổi mới sẽ nói sự thật và khước từ dối trá, không trộm cắp nhưng chia sẻ những gì mình có, không giận dữ và thù hận nhưng hiền lành và đầy lòng thương xót, không vu khống và nói xấu nhưng nhìn ra những gì tốt đẹp nơi người khác”.
 
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Việt Nam
Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt
11:01 05/04/2014
ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO II với VIỆT NAM

“ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO II tại đây,
trước mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tới “Visita ad Limina Apostolorum”,
linh mục va giáo dân Việt Nam tại Roma,
chủ ý thăm viếng Việt Nam, nơi người hằng tha thiết muốn đến,
ngày 22 tháng 6 năm 1980”


Hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II thăm Foyer Phát Diệm ở Roma năm 1980

Đó là nội dung bảng bia nhỏ xinh xắn mà Foyer Phát Diệm tại Roma đặt tại chính nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, ngày 22/6/1980, biểu lộ cử chỉ nói lên lòng ưu ái đặc biệt với Giáo Hội, dân tộc và đất nước Việt Nam.

Đúng vào dịp các giám mục Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Giuse Maria Trịnh Văn Căn tới Roma làm bổn phận viếng mộ các Thánh Tông Đồ theo luật lệ của Giáo Hội Công Giáo buộc các giám mục của mình cứ mỗi 5 năm. Bởi thế tất cả thế giới Công Giáo, đặc biệt Giáo Hội Viêt Nam theo dõi cac vị chủ chăn trong thời gian cư ngụ ở Roma này. Và như thói thường thời đó, các ngài cư ngụ tại Foyer Phát Diệm.

Mặt khác Foyer Phát Diệm từ khi thành lập 1949, với tên “Procura del Vietnam” (Sở Quản Lý Việt Nam), đã từng là nơi các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ gặp gỡ, các sinh viên trọ học và các giáo dân đến dự lễ. Rồi với sự tái thiết tân trang do Cha Phero Maria Vũ Kim Điện, năm 1969, nó đã không những trở thành tựa điểm cho những người Việt tại Roma, mà còn là một trong những trung tâm tiếp đón khách hành hương từ mọi phương trời, nhât là từ Việt Nam đến viếng Kinh Thành Muôn Thuổ.

Mà ĐGH Gioan Phaolo II ưu ái Giáo Hôi Việt Nam là điều ai cũng đã rõ: các bài diễn văn sâu sắc dành cho Việt Nam mỗi dịp thuận tiện, những tiếp đón niền nở dành cho các giám mục Việt Nam đến Roma, chuyện hằng lo cho Việt Nam có giám mục tại mỗi địa phận, có thêm linh mục cho các xư đạo va chủng viện để đào tạo giáo sĩ, các tu viện tu sinh để đời sống tu đức phát triển, có chương trình tiếng Việt tại Đài Phát Thanh Vatican, nồng nhiệt tôn vinh 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, ban mũ Hồng Y liên tiếp cho 4 Đức TGMVN là các Đức Tổng Căn, Tụng, Thuận và Mẫn, quý mến đặc biệt ĐHY Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, đặt đứng đầu Bộ Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh và cách riêng gọi thêm một linh mục Việt Nam vào làm thư ký riêng để có thể gần gũi và dễ dàng liên lạc với Việt Nam.

Vậy gần Vatican đây có nhà Foyer Phát Diệm mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã biết quá rõ. Điều này thât dễ hiểu vì Hàng Giáo Phẩm Viet Nam hồi đó khi đến Roma gặp Đức Giáo Hoàng vẫn thường cư ngụ nhà này, đac biệt là ĐHY Trịnh Như Khuê, ĐHY Trịnh Văn Căn, ĐTGM Nguyễn Kim Diền, ĐTGM Nguyễn Văn Bình, và cách riêng có, như đã nói trên, ĐTGM Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận cùng với Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ là hai người nhiều năm cư trú. Do đó, trong con mắt ngài, Foyer Phát Diệm là tiêu biểu cho đất nước Việt Nam và khi có sự hiện diện của toàn thể giám mục thì quả là Giáo Hội Việt Nam thu gọn.

Thế là hoàn toàn tự phát và gần như đột xuất vì chỉ báo trước ít ngày, ngài lên xe trực chỉ Foyer Phát Diệm. Tới đây, đầu tiên ngài vào nguyện đường cầu nguyện rồi đi theo Cha Giám Đốc Vũ Kim Điện dẫn đường, ngài tới gặp gỡ thân mật mọi người đang chờ sẵn. ĐHY Căn diễn văn, Liên Tu Sĩ Roma hát mừng va Đức Thánh Cha tươi cười phúc đáp.

Cuộc thăm viếng chỉ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, nhưng rất thịnh tình tươi tốt và mọi người lưu ý đặc biệt lời ngài rằng ngài đến đây lúc này là chủ ý thăm Việt Nam, thay cho chính đất nước Việt Nam mà ngài hằng ao ước muốn tới.

Ai nấy hiện diện đều vui mừng rướm lệ, cảm động tột độ trước cử chĩ cao đẹp của Vị Cha Chung, người không nguyên giơ tay lên long trọng với lời kinh sốt sắng mà còn để lại bút tích mà sau đó đã ghi vào bia đá trước cửa Foyer Phát Diệm: “CUM BENEDICTIONE JOANNES PAULUS II PP.” (Cha Chúc Phúc Lành Gioan Phaolo II, Giáo Hoàng)

Theo lời ngài có lần thổ lộ: để không quên sót, thì ngài tự viết vào miếng giấy tên “VIETNAM” mà đặt vào bàn quỳ trong nhà nguyện riêng; như thế hằng ngày hằng giờ quỳ cầu nguyện, ý chỉ dâng lên Chúa hằng được áp dụng cho đất nước thân yêu này.
 
GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: kỹ năng hợp tác làm việc nhóm
Ngô Đức Tình
13:41 05/04/2014
TCV Xã Đoài ngày 29/03/2014 - Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đến chủ tọa lễ kết khóa tập huấn về kỹ năng hợp tác làm việc nhóm (teamwork skills) được tổ chức từ 24 đến 29 tháng 3 năm 2014 tại Tiền Chủng Viện Xã Đoài. Trong phần huấn từ, Đức Cha Phaolô đã chia sẻ với các thầy chủng sinh về sự cần thiết của hợp tác làm việc nhóm và một thực trạng đáng phải suy nghĩ tại Việt Nam. Đức Cha nói: “Điểm yếu của người Việt Nam là làm việc nhóm. Tinh thần đối thoại của chúng ta ngày càng kém.”

Người ta cũng đã nói nhiều về tinh thần làm việc nhóm của người Việt Nam. Người ta cũng phân tích và bàn luận kỹ lưỡng về vấn đề này. Đức Giám Mục gợi lại: Trong chiến tranh, người người đã đồng lao cộng khổ để đưa đất nước ra khỏi vòng đô hộ. Nhưng khi thời bình trở lại, chúng ta lại không thể bắt tay nhau để xây dựng một đất nước hiện đại và văn minh.

Đức Cha đưa ra một lý do nhằm giải đáp cho vấn đề trên: đó là tính ích kỷ, thiếu tinh thần làm việc nhóm của người Việt Nam. Một ví dụ sinh động được Ngài diễn giải: Giỏ cua của người Việt Nam thì không cần đậy nắp, còn giỏ cua của người Mỹ thì ngược lại. Vì giỏ cua của người Việt Nam sẽ không có con nào có thể bò ra được, bởi hễ một con bò lên thì con khác lại kéo xuống. Còn giỏ cua của người Mỹ thì phải đậy nắp vì các con cua biết lần lượt hỗ trợ nhau thoát ra ngoài.

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đăng tải những phản hồi gay gắt, trái chiều về bức tâm thư của một sinh viên người Nhật có bốn năm sống ở Việt Nam. Vị Cha chung của Giáo phận Vinh cũng có những liên tưởng thực tế qua tâm thư này: Một người Việt Nam thi đấu với bốn người Nhật thì người Việt Nam không thua, nhưng khi bốn người Việt Nam thi đấu với bốn người Nhật, thì phần thắng sẽ thiên về người Nhật. Người Việt luôn sợ người khác hơn mình, sợ bị thiệt thòi nên luôn tìm cách kéo người khác xuống. Tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau trong một nhóm, một tổ chức người Việt vì thế dễ bị triệt tiêu.

Để chỉ rõ tầm quan trọng của làm việc nhóm, Đức Cha Phaolô đã đưa ra những chứng minh mang tính chất lịch sử. Thập niên 60 của thế kỷ XX, Việt Nam là một trong những nước mạnh ở Châu Á, không thua kém gì các nước xung quanh. Tại thời điểm đó, chúng ta phát triển hơn Singapore, hơn Thái Lan. Chúng ta ngang ngửa với Đại Hàn, Đài Loan. Nhưng hiện nay vị trí của chúng ta nằm ở đâu, chắc hẳn ai cũng đã biết. Singapore trước đây chỉ là một làng chài, nhưng đã phát triển vượt bậc thành con rồng Châu Á. Đại Hàn trước phải xuất khẩu lao động sang Việt Nam hàng loạt, nhưng nay đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn. Còn chúng ta, mọi thứ vẫn trì trệ. Bài học về khả năng cạnh tranh trên thương trường của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của tinh thần làm việc nhóm.

Nêu ra thực trạng không phải là cách để chúng ta ngồi chê trách, lên án nhau, nhưng là con đường để tìm ra những bài học, những giải pháp cụ thể, khả thi. Và đó là cách làm của Đức Giám Mục Phaolô, khi Ngài đã nêu lên những căn dặn tích cực, gần gũi đối với Tiền Chủng sinh nói riêng và con dân Giáo phận nói chung.

Trước hết, huấn luyện phải có cả lý thuyết và thực hành. Lý thuyết một giờ thì thực hành phải hai giờ hoặc nhiều hơn. Thực hành giúp người học tận dụng và sáng tỏ lý thuyết, đồng thời áp dụng được hiệu quả của mô hình làm việc nhóm.

Trở lại câu chuyện của người Nhật, Đức Giám Mục nêu rõ: người Việt dạy con mình theo lối ru ngủ, an phận: là tự hào về đất nước có bốn nghìn năm văn hiến, rừng vàng biển bạc. Trong khi đó, người Nhật lại dạy con mình tinh thần làm việc bằng cách nhìn nhận thực tế: chúng ta là một đất nước nghèo nàn, nhiều thiên tai. Chúng ta muốn phát triển phải dựa vào chính bàn tay của chúng ta, vào tinh thần đoàn kết hợp tác mọi người. Thành quả của hai lối dạy này qua bức tranh kinh tế xã hội của hai nước đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của tinh thần làm việc nhóm.

Đức Giám Mục giáo phận muốn các Tiền Chủng sinh nói chung và những người trẻ nói riêng triệt để áp dụng cách làm việc nhóm của người Nhật. Ngài căn dặn: Lớp Tiền Chủng sinh nên chia thành 4, 5 nhóm để thực hành kỹ năng làm việc nhóm về các vấn đề như: khoa học, giáo lý, mục vụ, thánh ca. .. Các thành viên giúp nhau thực hiện và thể hiện tinh thần làm việc nhóm đã được học. Thành quả khóa học được đánh giá thông qua kết quả làm việc nhóm đó.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Ngài đòi hỏi các Ứng sinh Linh mục: “Con hơn cha là nhà có phúc. Thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Thế hệ sau nếu không hơn hoặc chỉ bằng thế hệ trước thì nền giáo dục đã thất bại. Chính vì thế, thế hệ anh em phải hơn tôi, hơn Thầy Hiếu.”

Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu đã được Đức Cha mời hướng dẫn khóa tập huấn tại TCV Xã Đoài năm nay. Với 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Hoa Kỳ, thầy đã chia sẻ những lợi ích thiết thực của sự hợp tác làm việc nhóm. Là Giảng viên Trường CĐ Công Tác Xã Hội và là Hiệu trưởng Trường Trung học Nghĩa Việt tại Sàigòn trước ngày du học Mỹ niên khóa 1973-74, Thầy Giuse đã cảm nghiệm được những tinh hoa của hai nền văn hóa Việt Mỹ và đã khiêm tốn đồng hành với các Thầy TCV trong suốt tuần qua.

Những bài học về tinh thần làm việc nhóm không chỉ dành riêng cho các Tiền Chủng sinh, mà có thể được áp dụng sâu rộng nơi tất cả mọi con dân trong Giáo phận, khi Đức Cha Phaolô ưu tư: “Những tỉnh nổi tiếng về đoàn kết tương trợ như Nghệ An, Bình Định thế mà nay tính sinh động đang xuống thấp vì thiếu tinh thần làm việc chung.” Thiết tưởng, không ai nên bỏ qua những bài học về tinh thần làm việc nhóm nầy.
 
GM Giuse Vũ Duy Thống: người làm truyền thông là Thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
15:37 05/04/2014
Khóa Tập huấn “Nâng cao kỹ năng viết bài và thiết kế bản tin nội bộ” do UBBAXH – Caritas Việt Nam tổ chức tại Nhà thờ Kim Ngọc, Giáo phận Phan Thiết.

Hình ảnh

Sáng sớm ngày đầu tiên, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết đã ưu ái đến Nhà thờ Kim Ngọc, chủ tế Thánh lễ khai giảng và chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn. Ngài chúc lành đặc biệt cho khóa học và cầu chúc các Tham dự viên trở nên những Thừa tác viên mới trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Thánh lễ.

Trong bài giảng lễ, ngài suy niệm Tin Mừng Ga 5,1-16, câu chuyện Chúa chữa người bất toại 38 năm.

Trang Tin Mừng hôm nay, xét về phương diện truyền thông, có thể đem đến cho chúng ta những ý nghĩa thật phù hợp.

Truyền thông là truyền đạt một tin tức. Bài Phúc âm dưới bút pháp của Thánh sử, mô tả một sự kiện, Chúa Giêsu chữa lành người bị bại liệt lâu năm. Sự kiện ấy được truyền đạt qua dòng thời gian 20 thế kỷ trong Hội thánh. Hôm nay gặp lại, chúng ta vẫn cảm nghiệm được, vẫn thấy phép lạ vừa mới xảy ra và với tất cả những nét sinh động.

Truyền thông còn là truyền rao một Tin mừng. Trang Tin mừng gợi lên cho mọi tín hữu, cách riêng các anh chị em về họp mặt tập huấn về truyền thông những ý nghĩa tích cực.

Đó là hình ảnh một vị Thiên Chúa rất gần gũi với nhịp sống con người. Lề luật quy định, tất cả mọi người Do thái trưởng thành đều phải lên Giêrusalem vào những dịp lễ trọng. Chúa Giêsu hiện diện ở Giêrusalem đồng hành với mọi người.

Đó là hình ảnh Thiên Chúa cúi xuống với nỗi đau của con người. Người bại liệt nằm đó những 38 năm, ước mong khi nước sục lên trong hồ, anh có thể xuống nước đón nhận hồng ân chữa lành, nhưng bại liệt làm sao dễ dàng di chuyển. Vì thế, anh mãi mãi là kẻ đến sau, trâu chậm bao giờ cũng phải uống nước đục. Anh ta đành cam chịu không bao giờ được chữa lành.

Nhưng hôm đó, Chúa Giêsu đã đến với anh và hỏi: “anh có muốn được chữa lành không?”. Chúa bảo: Hãy chỗi dậy, vác chõng và đi. Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi. Đó là hình ảnh Thiên Chúa quan tâm chăm sóc con người.

Thưa cộng đoàn, Thánh Gioan viết một tin tức trần thuật lại sự kiện Chúa chữa lành người bại liệt. Các đọc giả sau 20 thế kỷ đọc lại vẫn còn cảm nhận sứ điệp của Tin mừng. Rõ ràng, tác dụng của truyền thông đã để lại nơi tâm hồn của những tín hữu theo nghĩa là truyền rao Tin mừng.

Hôm nay chúng ta hiệp thông cầu nguyện trong niềm vui cùng tất cả các thành viên làm việc trong lãnh vực truyền thông Công Giáo. Xin Chúa chúc lành và tôi cầu chúc cho việc bồi dưỡng khóa tập huấn để lại những hiệu quả tích cực. Mong rằng tất cả các anh chị em dấn thân trong lãnh vực này là những thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới.

Huấn từ

Khởi đầu ngày học, Đức Cha Giuse ưu ái dành thời gian quý báu ban huấn từ cho lớp học. Ngài nói về mục vụ truyền thông và gọi anh chị em làm công tác truyền thông là Thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới.

A. Mục vụ truyền thông

Truyền thông chính là gặp gỡ, và đây có lẽ là điều cần nhấn mạnh trong mục vụ truyền thông. Một cách dễ hiểu, khi nhắc đến mục vụ truyền thông, cũng nên ghi nhận vài động từ liên hệ được khởi đầu bằng chữ “truyền”.

1. Truyền đạt

Lần giở mục từ “truyền thông” trong các bộ tự điển phổ thông, người ta được biết một cách tổng quát đó là hành trình của một sứ điệp có điểm phát và điểm nhận, giống như nhịp cầu có một đầu nơi bờ bên này và đầu khác ở bờ bên kia. Cầu chỉ thông khi để cho kẻ qua người lại, tương tự như thế, sứ điệp chỉ gọi là truyền thông khi người ta nhận được nội dung đã phát đi. Vấn đề đặt ra ở đây trước hết thuộc lãnh vực đạo đức truyền thông, cần phải truyền đi chân lý và làm sao để chân lý đạt đến đối tượng đang chờ đón. Tất cả tùy thuộc vào con người, vừa là chủ thể vừa là đối tượng của truyền thông.

Nếu chân lý được phóng đại tô mầu hoặc bị sàng lọc gọt giũa khi truyền đi thì rõ ràng tính khách quan đã bị thương tổn, có nguy cơ bóp méo sự thật hoặc làm biến dạng chân lý. Một nửa chiếc bánh mì vẫn còn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã đồng nghĩa với sự lừa dối. Đó là ở phía “truyền đi”. Còn ở đầu “nhận về”, chân lý dầu tùy thuộc vào nhiều yếu tố hoặc chủ quan của người nhận hay tương quan của môi trường, nhưng tựu trung vẫn tùy thuộc khuôn định của phía “truyền đi”. Qua hành trình truyền đi như thế mà chân lý vẫn đến được người nhận một cách tròn đầy, thì phải nói: đó là sự truyền đạt thành công hay truyền thông đồng nghĩa với truyền đạt.

Hiệu quả trái chiều của truyền thông cũng lẩn khuất ngay giữa những công đoạn truyền thông, như bóng tối ở ngay dưới chân đèn, nên xin hết sức tỉnh táo để việc truyền đi được trọn vẹn thì việc nhận về mới mong được vẹn tròn. Về khía cạnh khách quan của chân lý truyền đạt, xin lấy trường hợp “tin đồn” như một kinh nghiệm: từ “đồn” khó đứng một mình, mà thường đi kèm với một từ nữa cho thấy sự chủ quan tệ hại: “đồn đoán”, đồn vì đoán thế thôi; “đồn đại”, đồn không cần biết đến trách nhiệm; “đồn thổi”, khi đồn còn thổi phồng sự kiện thêm lên.

2. Truyền tải

Nếu động từ truyền đạt gợi lên trách nhiệm của người làm việc truyền thông đối với chân lý, thì động từ truyền tải lại hướng tới những yếu tố kỹ thuật nhiều hơn. Trước Công Đồng Vatican II, truyền thanh chiếm ưu thế; sau Công Đồng truyền hình từ từ lên ngôi, và hôm nay nhiều phương tiện truyền thông mới mẻ kỹ thuật số đã ra đời, từ hình dạng nhỏ xíu đến mô hình vĩ đại hoành tráng khiến ở đầu “nhận về” người ta cảm thấy choáng váng. Kỷ nguyên số đã khởi đầu và thời kỳ bùng nổ thông tin đã phát huy tầm ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra tiếp theo là phải sử dụng phương tiện nào và phải sử dụng ra sao để áp dụng vào lãnh vực mục vụ truyền thông.

Thực ra, Giáo Hội rất nhạy cảm với việc vận dụng các phương tiện kỹ thuật để thực thi sứ mạng của mình. Từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, thế giới Công Giáo đã biết đến những thông điệp truyền thanh, sang thời của các Giáo Hoàng cận đại, người ta lại được xem chương trình truyền hình trực tiếp về những biến cố hay những cử hành trong đời sống Giáo Hội năm châu. Và cũng không lâu, nhất là vào dịp đại hội giới trẻ thế giới, đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng có cả địa chỉ email cá nhân hay trang tweeter để gặp gỡ giao lưu với những con người thế hệ số hóa và cũng để truyền tải đến họ những giáo huấn khích lệ hợp thời.

Ngày xưa người ta phải vất vả để tra cứu hoặc xác minh một điều gì thuộc Giáo Hội Công Giáo toàn cầu hay địa phương, ngày nay xem ra nhẹ nhàng hơn nhiều, với những phương tiện lớn nhỏ trong tầm tay, như người ta nói, “chỉ cần nhắp chuột” là mọi sự được phơi bày ra trước mắt. Vấn đề xem ra đã dịch chuyển, không phải lo lắng kiếm tìm nữa mà là biết định hướng những chọn lựa của mình sao cho phù hợp. Trong hướng truyền tải này, lãnh vực của mục vụ truyền thông thật mênh mông rộng lớn, vừa đáp ứng đòi hỏi của phương tiện kỹ thuật mỗi ngày mỗi nâng cao, vừa thỏa mãn nguyện vọng của tín hữu cũng mỗi ngày mỗi đa dạng.

3. Truyền rao

Không phải vô tình mà ngày truyền thông thế giới lại rơi vào ngày lễ Thăng Thiên, nhưng do một sự chọn lựa có chủ ý. Khi Chúa Giêsu lên trời, Người để lại cho các môn đệ lệnh truyền “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), để khởi đi từ đó, các tông đồ lên đường truyền giáo, cộng đoàn Giáo Hội được thiết lập và những bước chân không mệt mỏi của người loan báo Tin Mừng đã làm nên lịch sử Giáo Hội. Có truyền giáo là có truyền thông, và bởi vì có truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi.

Sứ điệp mùa Phục Sinh vắn tắt chỉ là một lời vừa loan báo vừa làm chứng “Chúa đã sống lại thật”, đã trở thành khuôn mẫu cho mục vụ truyền thông, một mặt cho thấy khi làm việc truyền thông cũng canh cánh bên lòng sứ mạng phải truyền rao chân lý Chúa Kitô, và mặt khác kêu gọi duy trì một sự quân bình giữa tin tức và Tin Mừng để đời được dẫn đến với đạo và cũng để đạo luôn có cơ hội để lan tỏa vào đời. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông Công Giáo. Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông Công Giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.

Ước mong mỗi người khi tham gia mục vụ truyền thông cũng quan tâm hơn nữa đến kênh truyền rao Tin Mừng vốn thuộc bản chất của Giáo Hội và là ưu tư cấp bách trong mục vụ của mỗi địa phương.

B. Thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới

Dựa vào bài Phúc âm sáng nay, tôi chia sẻ ba điều liên quan đến vấn đề truyền thông.

1. Tự nguyện

Chúa Giêsu tự nguyện đến với bệnh nhân. Không ai xin cả, không luật lệ nào bắt buộc và chính người đau yếu cũng không có nét gì bộc lộ qua lời thỉnh cầu. Nhưng Chúa Giêsu đọc được ước nguyện của anh và Chúa rất tâm lý: “anh có muốn được khỏi bệnh không? muốn được chữa lành không?”. Tất nhiên là câu trả lời có.

Yếu tố tâm lý nói lên sự gần gũi và niềm vui của người làm công tác truyền thông. Làm sao chân lý mình truyền đi, cái tin mà mình truyền đi phải là tin gây được hiệu quả tích cực trong nhịp sống của những người lắng nghe phần truyền tải của mình. Đây là một kỹ năng cần phải trau dồi. Truyền thông cũng cần tôn trọng và gặp gỡ con người mà mình phục vụ. Trong thông điệp truyền thông lần thứ 48, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, truyền thông phải là cơ hội để gặp gỡ để thăng tiến đối tượng mà mình làm việc, ở đây không phải chỉ là yếu tố máy móc, kỹ thuật mà chính là yếu tố con người.

2. Không điều kiện

Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân không điều kiện. Không có chữ nếu, nếu anh tin hay là nếu thế nọ thế kia …không có một điều kiện nào hết. Ngài cho anh ta khỏi bệnh ngay lập tức, khỏi một cách ngoạn mục, chỉ bằng mấy động từ chuyển động: hãy đứng lên, hãy vác chõng, hãy đi. Ba động từ chuyển động, làm khởi phát lên một cái gì mới lắm so với tình trạng trước của anh ta. Đứng dậy, bởi vì trước đây anh ta nằm. Vác chõng, bởi vì cả đời trước đây 38 năm anh gắn liền với chiếc chõng của mình. Đi, bao nhiêu năm không đi được giờ đây bỗng nhiên đi là cả một cái gì mới mẻ xuất hiện, làm thay đổi vận mạng cuộc đời, anh ta đón nhận một tình trạng mới.

Đức Giêsu Kitô là dung mạo của Thiên Chúa ở với con người. Ngài chữa lành cho bệnh nhân không điều kiện. Đây là hình ảnh đẹp cho những người làm công tác truyền thông. Không chỉ là yếu tố tâm lý theo tình cảm thuở ban đầu nhưng là những gì đụng chạm đến nỗi đau của con người hôm nay. Những chân lý chúng ta truyền đạt phải là những chân lý mang tính tích cực, bồi bổ những điều tốt, những định hướng từ trong Giáo lý Công Giáo, trong Giáo lý Phúc âm, và nhất là nó phải mang tính đồng hành với con người thời đại.

3. Dịu hiền

Chúa Cứu Thế thật dịu hiền khi chữa lành cho anh bại liệt. Chúa không tỏ uy quyền một chút nào cả, không chống đối lại những người rình rập mình. Gặp lại anh ta trong đền thờ, Chúa Giêsu rất dịu hiền nói như là một lời chào hỏi sởi lởi: thôi nhé, hôm nay đã khỏe rồi, chúc mừng anh và nhớ trong tương lai đừng phạm tội nữa…Khuôn mặt Đấng Cứu Thế thật dịu hiền làm sao. Chúa mở toang cánh cửa tương lai để mời anh ta bước vào.

Sở dĩ tôi gọi anh chị em là những thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới là bởi vì anh chị em là những người gắn bó với một phương tiện mới. Đó chính là phương tiện truyền thông với tất cả những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm anh chị em đạt được đó đây qua những khóa bồi dưỡng hay qua những tháng ngày mình thực thi tác vụ. Xem như là một tác vụ là muốn định hình tất cả anh chị em ở trong sinh hoạt của Giáo Hội, nhất là Giáo Hội hiện nay trong công cuộc truyền giáo mới.

Là thừa tác viên như thế, anh chị em cũng được mời gọi để bộc lộ một khuôn mặt dịu hiền, có thể với máy tính, có thể với ống kính, có thể với tất cả những phương tiện hiện đại anh chị em có trong tay.

Từ mẫu gương dịu hiền của Đấng Cứu Thế, anh chị em hãy nhạy cảm với những nhu cầu của cuộc sống hôm nay và biết đáp ứng với tất cả trái tim mình. Người nào làm việc với trái tim thì sẽ có khuôn mặt khác lắm với những người chỉ làm việc với những khuôn thước lề luật.

Tôi gọi anh chị em là thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới. Giáo Hội luôn luôn mở rộng cánh cửa để anh chị em đi đến với lĩnh vực truyền thông, đáp lại lời kêu gọi của Giáo Hội để phục vụ Giáo Hội trong một lãnh vực hoàn toàn mới. Để loan báo Tin mừng, truyền thông góp phần quan trọng. Một mẩu tin được anh chị em đúc kết lại, viết lại với kỹ thuật của mình, đăng tải… rồi một cộng đoàn, một gia đình, một cá nhân khác đọc được, họ cũng cảm nhận được tất cả những cái gì anh chị em trao gởi trong đó. Nếu đó Tin mừng Phúc âm, là niềm vui, họ chia sẻ đồng cảm và sống sứ điệp ấy.

Truyền thông là cơ hội gặp gỡ giữa con người với nhau và đồng thời là dịp xây dựng tình cận thân trong ý nghĩa của Tin mừng. Đó là hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu. Anh chị em phục vụ trong lãnh vực truyền thông, bằng ý nghĩ, bằng tư tưởng, bằng ngòi bút, viết một bản tin tạo nên hiệu ứng gặp gỡ, gieo trồng niềm hy vọng.

Cầu chúc cho lớp học thành công và cũng cầu nguyện với anh chị em để tất cả những gì chúng ta đạt được như thành quả của lớp học này sẽ trở thành những vốn liếng giúp anh chị em phục vụ công tác truyền rao Tin mừng cách tích cực trong nhịp sống Giáo Hội Công Giáo tại địa phương mình.

Tập huấn

Khóa tập huấn trải dài từ sáng thứ Ba 01-04 đến trưa thứ Năm 04-04-2014. Các tham dự viên đến từ Caritas 10 Giáo phận miền Nam và 4 Giáo phận miền Trung: Nha Trang, Ban Mê Thuột, Kontum, Quy Nhơn, mỗi Caritas giáo phận 2 người, ưu tiên cho những người đã tham dự khóa Kỹ năng Truyền thông cơ bản, người chuyên viết các bản tin hoạt động, phóng sự. Ban truyền thông Giáo phận Phan thiết cũng gởi thêm 22 thành viên đến tham dự.

Đây là khóa Truyền thông II do Caritas Việt Nam tổ chức, với mục tiêu nâng cao kỹ năng viết bài và cung cấp những kỹ năng cần thiết để làm một bản tin nội bộ. Khóa học lần này có sự hướng dẫn của 3 Giảng viên: Giuse Hoàng Văn Hòa, Joachim Phạm Hữu Tâm và Phêrô Ngô Huấn Anh Tuấn, là những chuyên viên trong lãnh vực báo chí và thiết kế.

Ý thức tầm ảnh hưởng của truyền thông trong thời đại hôm nay, Caritas Việt Nam tổ chức bồi dưỡng những kỹ năng truyền thông cho các thành viên trong Gia đình Caritas, để thúc đẩy hoạt động bác ái xã hội và khơi dậy tinh thần liên đới trong cộng đồng dân tộc cũng như thế giới.
 
Văn Hóa
Sinh hoạt giáo xứ : ''Súp chiều''
Đoàn Thị
09:11 05/04/2014
Súp Chiều

Mùa đông năm nay kéo dài đến mùa chay, cha xứ bèn có sáng kiến trong bốn tuần đầu mùa chay, sau thánh lễ 18 giờ chiều thứ bảy, giáo dân được mời vào nhà xứ « húp súp » ban chiều, ngoài súp còn có cả bánh mì trét bơ, phô mai, paté ... ăn kèm.

Nhà thờ tây thường làm tôi ngạc nhiên, cha xứ luôn tìm mọi cách để níu kéo giáo dân dự thánh lễ chiều thứ bảy.

Thánh lễ gia đình hàng tháng, đông vui nhờ dàn nhạc hùng hậu của giới trẻ, sau lễ có bữa ăn nhẹ, tất cả được mời dự tiệc, có cả rượu của giáo dân mang vào chung vui.

Trước khi nghỉ hè, có lễ hội trong xóm cho giáo dân từ sáng thứ bảy cho đến giờ lễ và kết thúc bằng bữa ăn tối.

Rồi đến lễ mùa « Hạt Dẻ » của cộng đồng Bồ Đào Nha đãi giáo dân món cá mòi nướng và đặc sản xứ Bồ không thể thiếu rượu khai vị Porto, đã bảy giờ chiều trời chưa tắt nắng.

Lễ rửa tội tập thể cho con nít, nhà xứ lại mở tiệc ăn mừng, ai thích xin mời vào dù nhà mình chả có ai rửa tội.

Trong những bữa tiệc, ngoài nhóm hậu cần, nhân vật chính dính líu đến sự kiện hôm đó, phần còn lại là những gương mặt cũ xì, người gìa neo đơn, gia đình đông con có thu nhập kém, người tò mò như tôi, đi cho biết cái gì phía sau tiệc mời chiều thứ bảy.

Không khí rất thân tình, các cụ cứ tự nhiên lấy chén đĩa giấy chọn thức ăn, ra một gốc ăn no rồi về nếu không thích nói chuyện với ai, hoặc no bụng rồi nói chuyện cũng không muộn.

Có cụ cô đơn cả tuần nên vào đây để nói chứ không cần ăn, đến tàn tiệc mà đĩa thức ăn của cụ vẫn chưa vơi.

Gia đình đông con chộn rộn hài lòng lắm, chiều nay đở bữa chợ, con nít ăn thoả thích, có coca, xi rô, nước cam, bánh kẹo, ăn không hết cầm về nhà ăn tiếp.

Giới trẻ nhộn nhịp vây lấy cha khách mà « phỏng vấn », cha con cười đùa như bạn bè ngang hàng.

Tôi ăn cho có lệ, vì tôi không hảo thức ăn tây, kem bơ béo ngậy, gìa rồi ăn ít cho bao tử được nhờ, mục đích của tôi là bạ đâu bắt chuyện đó xem thiên hạ nghĩ gì về nhà thờ.

Ai cũng thừa nhận, tiệc nhà thờ cứ như bánh cá của Chúa ngày xưa, kẻ đói được no, người dư thừa chia sẻ với đồng loại, dù nhà xứ phải chi tiêu tất cả, nhưng đó cũng là tiền của « bá tánh », tiền giúp Giáo Hội để con Chúa được nhờ.

Đồng tiền xoay vòng rồi cũng trở về điễm xuất phát, tiền chỉ là phương tiện để giáo dân thắt chặt tình thân với nhau và tha thứ cho nhau nếu ai đó hờn ai, ai kia kỵ ai vì cái chức hờ trong công tác phụng vụ.

Ngày Chúa Nhật linh đình hơn, trước thánh lễ gia đình 10 giờ 30 hàng tuần, nhà xứ dọn sẳn bữa điễm tâm, vợ chồng con cái ngủ đầy giấc, mặc quần áo đẹp đến nhà thờ ăn sáng rồi bước qua nhà thờ dự lễ.

Tôi chưa bao giờ ăn sáng ở đây nhưng tôi tin nhờ bữa điễm tâm đó mà nhiều người trở lại nhà thờ, nói theo bài phúc âm « Gõ cửa », dù họ chỉ đến vì bữa điễm tâm nhưng cuối cùng họ đã vào nhà thờ dự lễ.

Chiều hôm qua cha khách nhắc nhở, hết lễ các em hướng đạo sẽ bán bánh để gây quỹ đi Frat sắp tới dưới Lộ Đức, quý vị rộng tay giúp đở, mua bánh thật nhiều để tôi được ăn ké đi theo các em.

Cha làm tôi nhớ đến quày bánh mì thịt của đoàn TNTT Giáo Xứ Ta đã nuôi đoàn thiếu nhi từ bao nhiêu năm nay.

Trước khi kết lễ, ban mục vụ nhà thờ báo cáo tài chính năm ngoái, số lượng người giúp nhà thờ có giảm nhưng thu nhập thì tăng, năm đầu tiên nhà xứ bội thu sau sáu năm thất thu và xin mọi người tiếp tục rộng tay.

Cái vụ bội thu cũng hao hao Giáo Xứ ta, nhân kỷ niệm ba mươi năm tái bản, chủ bút điều trần, báo giáo xứ suýt thất thu, số người đóng góp chỉ được một phần ba, nhưng họ đóng tiền gấp đôi, gấp ba nên báo còn sống sót.

Nhà thờ là vậy, là phục vụ dù có thua lỗ, dù phải chạy vạy khắp nơi nhưng nhờ ơn Chúa rồi đâu lại vào đấy.

Năm đầu tiên đồng euro bắt đầu lưu hành, các cha giải thích rát họng để giáo dân rộng tay thả hai euros vào rổ trong thánh lễ để chi tiêu điện nước, may mà có người mạnh dạn bỏ tờ năm, mười euros để nhà thờ sinh tồn.

Tiền rổ cũng cần, nhưng điều cần thiết hơn là đến nhà Chúa, chính vì thế mà cha xứ nặn óc bày đủ trò để chiêu dụ giáo dân, tội nghiệp cha thầy đi tu thời khoa học tiến bộ, đức tin loạn lạc, mới khổ như rứa.

Giáo dân chúng ta nghĩ gì khi mỗi tuần quần áo chỉnh tề đến nhà thờ có người bật đèn, mở máy sưởi, cha thầy ban phụng vụ lo toan tất cả để chúng ta rảnh ranh nghe lời Chúa.

Qua bữa súp chiều hôm nay tôi chợt thương các cha, và thầm trách, chúng mình tu không nỗi thì cũng đừng làm khó người đi tu, đã đến cửa thiền thì lòng phải rộng mở, đừng than phiền trách móc nếu có điều chi không ưng ý.

Mình chỉ có một gia đình để chạy gạo, cha có đến hàng lố con chiên lành, chiên ghẻ để lo toan, ngài phải thích ứng và vào vai từng trường hợp để đem Chúa đến với họ.

Hết mùa chay, tiệc súp ban chiều sẽ chấm dứt, nhưng vị ngọt của khoảng thời gian chia sẻ kia chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng mọi người.

Từ nay mỗi lần khó ở trong người phải húp cháo, tôi lại nhớ đến chén súp nghĩa tình xuất phát từ mùa chay, thời điễm để mỗi người tìm về cùng đích đời mình.

Mùa Chay 2014 / Đoàn Thị