Ngày 28-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mắt các ngài mở ra
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
02:42 28/03/2008
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH, năm A

Lc 24,13-35


Biến cố Chúa Giêsu bị bắt, bị treo trên thập giá đã làm cho các môn đệ hoàn toàn hoang mang, thất vọng. Hai môn đệ hôm nay trở về Emmau cũng đang rơi vào tâm trạng não nùng ấy. Chúa Giêsu đã chết làm cho hai ông không còn gì để hy vọng. Tương lai của cac môn đệ thật đen tối. Do đó, họ trở về với nghề nghiệp cũ của mình…

CÂU CHUYỆN THẬT CÒN ĐÓ NHƯNG HAI MÔN ĐỆ CHƯA NHẬN RA:

Trên đường trở về quê sống lại nghề nghiệp họ đã làm từ trước, hai môn đệ vẫn canh cánh trong lòng câu chuyện về Thầy Giêsu mà họ hết lòng tôn kính, mến yêu và đặt tất cả kỳ vọng, đặt tất cả niềm tin vào đó, nay đối với họ quả thực tiêu tan. Họ đi về làng với tâm trạng ê chề, buồn chán. Hai môn đệ này: ông Cơ-lê-ô-pát và một môn đệ khác vừa đi vừa trò truyện với nhau về việc vừa xẩy ra cách đây vài ngày liên quan tới Chúa Giêsu.Tin Mừng Luca cũng cho biết rõ, đang khi họ trò chuyện với nhau, Chúa Giêsu hiện ra và cùng đồng hành với họ. Thân xác Chúa Giêsu phục sinh quả không còn giống lúc Ngài còn sống, vì thế hai môn đệ dù đã sống với Chúa, nghe Chúa nói hằng ngày vẫn không nhận ra Chúa đang đi với mình. Chúa đã hỏi hai môn đệ:” Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về việc gì vậy ?”. Hai môn đệ vẫn còn bị che phủ, chưa nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh.Chúa luôn dành cho họ, cho con người những gì là tốt nhất nhưng đầy bất ngờ. Trước những điều thắc mắc của các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi họ quay trở về với Kinh Thánh từ các ngôn sứ, rồi ông Môisê, Ngài giải thích cho họ tất cả những gì Kinh Thánh đã nói về Ngài.

Ở đây, Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh và mời họ tin vào Bí Tích Thánh Thể để nhận ra Người vẫn còn hiện dịện và cùng đồng hành với họ trong cơn hốt hoảng họ đang phải trải qua. Chúa Phục Sinh đã khơi lên sự ấm áp trong họ, chứng minh rằng:” Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người “ ( Lc 24, 26 ). Nhờ lời giải thích của Chúa Giêsu sống lại mà lòng trí các môn đệ bừng cháy lên ( Lc 24, 32 ). Mặc dầu các môn đã cảm thấy ấm áp trong lòng nhưng mắt họ vẫn chưa nhận ra vì lúc đó đức tin tinh khôi của họ còn lu mờ…

PHẢI NHÌN VÀO VIỆC LÀM CỦA CHÚA, CÁC MÔN ĐỆ MỚI NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH:

Đã sống với Chúa Giêsu trước khi Ngài chịu chết nhưng lúc này lòng trí các môn đệ vẫn tối tăm. Tâm hồn các môn đệ vẫn còn bị đóng lại. Chính phải đợi lúc các môn đệ xin Chúa vào nhà trọ với họ vì trời đã xế chiều nghĩa là trời đã tối, khi đồng bàn với các môn đệ với các cử chỉ quen thuộc của Chúa sống lại như cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Lúc đó các môn đệ mới nhận ra Chúa Giêsu ( Lc 24, 31 ). Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất, thất vọng nhất, Ngài vẫn hiện diện, đồng hành và đồng bàn với các môn đệ của Người. Các môn đệ chỉ trong tích tắc họ đã có cái nhìn của đức tin tinh khôi. Họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh, Đấng họ luôn tin tưởng, tôn kính và yêu thương. Đấng Phục Sinh đã biến khỏi họ khi họ nhận ra Người và lúc đó họ đứng dậy, không sợ sệt, không lo âu dù trời đã tối, họ trở về Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các anh em bạn bè đang tụ họp nhau bàn tán. Họ kể lại sự việc và thuật lại họ đã nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh khi họ đồng bàn với Người thế nào. Thật là niềm vui vỡ òa giữa họ. Họ đã vui mừng, niềm hy vọng đa trở về với họ khi nỗi thất vọng dâng tràn.

Trong cuộc đời lữ hành trần thế, đã rất nhiều lần chúng ta gặp Chúa như hai môn đệ trên đường về làng Emmaus nhưng chúng ta đâu có nhận ra Ngài. Chúa vẫn có đó mọi chỗ, mọi nơi, Chúa có đó trong anh em của ta, trong những người nghèo, trong những người neo đơn, đói khổ.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con mau mắn nhận ra Chúa đang hiện diện trong anh em của chúng con. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
 
Phúc thay những ai không thấy mà vẫn tin!
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:13 28/03/2008
Chúa Nhật II sau Phục Sinh

Phúc thay những ai không thấy mà vẫn tin !


(1Pr 1,1-3; Ga 20,19-31)

Thú thật mỗi khi đọc lại bài tường thuật trong Tin Mừng về cuộc đời Ðức Giêsu, thường nẩy sinh trong tư tưởng tôi một chút ganh tỵ nào đó: Giá như như tôi được sống cùng thời xa xưa với Chúa, được trực tiếp sống với Người, được nghe những lời Người giảng dạy, v.v…! Vâng, có lẽ mọi sự sẽ đơn giản cho tôi, nếu tôi được tận mắt nhìn thấy Ðức Giêsu mở mắt cho người mù và anh ta bỗng nhiên được nhìn thấy; cho người đang bị què quặt và lê lết dọc đường, bỗng nhiên đứng dậy và chạy nhảy reo mừng, hoặc khi Người gọi ông Gia-kêu thấp lùn từ một cây cao trèo xuống, để ông đón tiếp Người vào nhà, v.v… Có lẽ chính các bạn cũng đã có lần từng nghĩ một cách tương tự: Ðức tin sẽ trở nên dễ dàng cho chúng tôi biết chừng nào, nếu như chúng tôi cũng được sống bên Chúa như những người Do-thái xưa kia, để có thể tận mắt chứng kiến sự kiện: Người đã dùng một vài chiếc bánh để có thể làm cho hàng ngàn người ăn no nê, hay chúng tôi được đồng hành với Người, được nói chuyện với Người và được cùng ăn với Người. Hoặc: mọi sự sẽ trở nên đơn giản biết bao, nếu chúng tôi có được một tấm hình chụp Người thực sự.

Đức Giêsu nói cùng môn đệ Tô-ma: Con hãy xỏ ngón tay vào cạnh sườn Thầy
Vâng, tư duy của chúng ta thường là như thế! Nhưng có lẽ chúng ta cũng đã đọc và nghe Kinh Thánh không đến nơi đến chốn, nên đã bỏ sót những sự thật trong đó. Vì chính Kinh Thánh cũng đã tường trình cho chúng ta hay rằng các bạn hữu của Ðức Giêsu đều có mặt khi Người làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, và chúng ta chắc chắn rằng Tông đồ Tô-ma cũng có mặt lúc đó, lúc những chum nước lã biến thành rượu ngon hảo hạng. Ông ta cũng có mặt khi một người mù bỗng chốc có thể nhìn thấy lại được; ông cũng có mặt khi một người què bỗng vất bỏ cặp nạng và nhảy xổm lên, và ông ta cũng có mặt chứng kiến tận mắt khi ông La-da-rô đã chết chôn trong mồ mấy ngày rồi, nhưng sau khi Ðức Giêsu hô lớn tiếng: La-da-rô, hãy ra khỏi mồ, thì bỗng nhiên người chết đã bước ra khỏi mồ. Hơn nữa, chính Tô-ma cũng đã nghe bài giảng Tám Mối Phúc Thật của Chúa, đã nghe Ðức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha của Người như thế nào; ông ta cũng đã nghe Thầy mình rao giảng lòng nhân hậu của Thiên Chúa ra sao. Và chính Tô-ma cũng đã từng nói chuyện với Chúa, ăn uống với Người và cùng Người đi khắp nơi trong suốt ba năm trời!

Thế nhưng, bỗng nhiên tất cả đều tan biến đâu hết, đều bị bỏ quên: Tô-ma đã nghi ngờ do dự trước đức tin vào Chúa Phục Sinh, ông ta đòi phải có bằng chứng cụ thể, bằng chứng cho riêng mình ông. Lẽ ra tất cả những gì Tô-ma đã được đích thân tai nghe mắt thấy và tay sờ mó được đã giúp cho ông dễ dàng chấp nhận và tin theo những sự thật về cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô chứ. Theo thiển ý, tôi nghĩ như vậy, và có lẽ các bạn cũng nghĩ như vậy.

Nhưng trong thực tế, Tô-ma đã vô cùng khó khăn vất vả mới tìm gặp được đức tin vào Ðấng Phục Sinh, khiến chúng ta hầu như thương hại cho ông! Nhưng ngay trước khi chúng ta đối diện với một Tô-ma cứng tin như thế trong Phúc Âm, thì chúng ta đã phải nghi nhận một điều cao quí trong bài đọc Thư I của Thánh Phêrô mà chúng ta đã nghe qua. Hẳn đây, chẳng những là điều vinh dự mà còn là điều nêu gương cho chúng ta, một điều phát xuất từ một cộng đoàn Kitô giáo cách đây đã trên 2000 năm, và đồng thời cũng là điều ngày nay đang là điểm nóng của chúng ta. Trong viễn tượng đó, chúng ta đang trong một tình trạng tương tự như những tín hữu xưa kia được thánh Phêrô đề cập đến trong Thư: «Tuy anh chị em đã không nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô, nhưng anh chị em vẫn yêu mến Người; tuy bây giờ anh chị em không thấy Người, nhưng anh chị em vẫn tin ở Người» (1Pr 1,8). Ở đây tôi cũng ghi nhận điều này, là trong bản văn: thánh Phêrô không viết là «anh chị em cần phải yêu mến Người», nhưng là «anh chị em yêu mến Người», cũng như không phải: «chị em cần phải tin vào Người», nhưng là «anh chị em tin vào Người». Như vậy, điều đó có nghĩa là không cần ai phải đòi chúng ta yêu và tin tưởng, nhưng đời sống Kitô giáo của chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta đã làm điều đó rồi. Về vấn đế đó, tôi nghĩ rằng thánh Phêrô, tác giả lá thư, đã có lý. Vâng, quả thực chúng ta yêu mến Ðức Giêsu Kitô; dù rằng trong thực tế, đôi khi chúng ta cảm thấy rất dễ dàng tin yêu Chúa, rồi thỉnh thoảng có những lúc chúng ta lại cảm thấy khó khăn, nhưng điều trọng yếu là chúng ta tin kính Thiên Chúa và yêu mến Người. Ðúng thế, nếu chúng ta không tin kính Ðức Giêsu, chúng ta đã không có mặt ở đây và trong giờ phút này để cử hành việc tưởng niệm sự chết và sự Phục Sinh của Người và cùng với Người tham dự Bàn Tiệc Thánh.

Tôi xin được phép nhắc lại là tình yêu và niềm tin của chúng ta đối với Thiên Chúa không luôn luôn là điều đơn giản. Vì có những trường hợp mà chúng ta cảm thấy rất khó để có thể giữ trọn được tình yêu và đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa được. Thí dụ:

• Khi chúng ta bị một người làm xỉ nhục và xúc phạm quá nặng đến danh dự của mình. Một vết thương quá sâu, đến nỗi không bao giờ có thể chữa lành được. Và chúng ta có bổn phận phải tha thứ cho người đó, bởi vì Ðức Giêsu đòi hỏi chúng ta như thế và bởi vì chính Người cũng đã sống như thế trước chúng ta.

• Khi một đứa bé kháu khỉnh dễ thương, con của một gia đình bên cạnh nhà chúng ta, bị một chiếc xe hơi cán chết cách thê thảm ngay khi em vừa cùng ba mẹ đi xem lễ về. Và chúng ta có bổn phận phải nhận ra trong tai nạn đó thánh ý của Thiên Chúa.

• Khi một người thân yêu trong đám bà con họ hàng của chúng ta đang trong tuổi thanh xuân mà phải chết, và chúng ta có bổn phận phải tin Thiên Chúa là Chúa duy nhất của sự sống.

Vâng, đúng thế, tình yêu và đức tin vào Thiên Chúa không luôn luôn là những vấn đề dễ dàng có thể hiện thực được. Nhưng chúng ta cũng đã nghe đọc trong Thư thánh Phêrô rằng nhiều khi chúng ta phải chấp nhận đối mặt với những thử thách như thế. Những thử thách đó không phải là một thứ định mệnh mù quáng, nhưng là sự luyện lọc đức tin và tình yêu của chúng ta. Tương tự như vàng chỉ đạt tới độ tinh ròng, khi nào nó đã được nung chảy, được gạn lọc và tinh luyện qua lửa. Tuy nhiên loại kim loại quý báu đó chỉ là một thứ chóng qua, nay còn mai mất, trong khi đó đức tin và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là một cái chi mang tính chất vĩnh cửu. Miệng dân gian cũng hay nói: «Của rẻ là của hôi, của đầy nồi là của thối». Vâng, bởi vì đức tin của chúng ta quá quí báu, nên chúng ta cần phải trả giá bằng cách nào đó; bởi vì tình yêu của chúng ta quá cao cả, nên nó cũng cần được chứng minh bằng sự kiên trì trong gian nan thử thách. Và chính Chúa cũng đã phán: «Ai kiên tâm bền vững đến cùng sẽ được cứu thoát.">/i>
 
Vết thương
Lm Vũđình Tường
03:26 28/03/2008
Cách đơn giản, phổ thông và chính xác nhất để nhận biết Đức kitô Phục Sinh là hãy nhìn bằng con mắt đức tin và lắng nghe tiếng vang vọng trong tâm hồn.

Đức Kitô đến với những tâm hồn đơn sơ, hèn mọn cho nên tìm kiếm Ngài cũng phải tìm nơi tâm hồn đơn sơ, hèn mọn.

Phương pháp tìm Ngài cũng phải đơn sơ, khiêm nhường. Khó có thể nhận biết Ngài qua phân tích khoa học hay lí giải triết học chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Càng cầu kì phức tạp càng khó gặp Ngài.

Dù yêu nhau mấy đi nữa trí tưởng tượng con người không hiểu thấu tình yêu. Vì ngôn ngữ không đủ diễn tả trọn vẹn Thiên Chúa là tình yêu. Để diễn tả tình yêu trọn vẹn Đức Kitô tự nguyện chết treo thập tự.

Mọi cố gắng định nghĩa về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại đều bất toàn và giới hạn, nên càng phân tích về tình yêu càng bế tắc, thiếu chính xác vì dựa vào một định nghĩa bất toàn để suy rộng ra. Càng suy càng sai lạc, xa rời thực tế đến độ chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà vẫn tự nhận là đúng, là phải.

CAO NGẠO

Con người là tạo vật sao thấu hiểu để định nghĩa Đấng tạo dựng và làm chủ cuộc đời. Tâm hồn đơn sơ, hèn mọn không bao giờ dám nghĩ đến việc chứng minh Đấng Tạo Hoá tồn tại bởi vì họ ý thức việc làm đó vừa ngoài khả năng, ngoài phạm vi. Họ tìm tòi, học hỏi để biết về Thiên Chúa nhiều hơn, thờ phượng chân thành hơn và yêu mến thiết tha hơn.

TỰ NGUYỆN

Chứng minh được điều gì thì có thể lợi dụng hoặc xử dụng được điều đó. Chứng minh được có nghĩa là có ngày điều khiển được, mà điều khiển được thì sai bảo được. Sai bảo được chính là bắt nó phục vụ mình. Hầu hạ, phục vụ là công việc của đầy tớ. Không ai đi thờ phượng đầy tớ bao giờ. Có chăng đầy tớ phục vụ chủ thì có. Đức Kitô đã hạ mình làm đầy tớ phục vụ mọi người, không phải vì khoa học hay triết học.

Đức Kitô vâng lời Chúa Cha.

AI ĐÚNG AI SAI

Mắt đức tin không đòi bằng chứng cụ thể để giảo nghiệm, khảo cứu, sưu tra. Trọng tâm của mắt đức tin là tình yêu, lòng mến và thực thi đức ái.

Mắt thường cần có sự vật cụ thể để mắt nhìn thấy, tay sờ được, từ đó trong đầu hiện ra hình ảnh đã nhìn. Cảm xúc có được do hình ảnh mang lại.

Mắt khoa học cần phân lượng, cân đo, thử đi, thử lại nhiều lần, trong hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, trước khi đưa ra lời kết luận về một sự kiện.

Mắt triết học cần lí luận vững chắc, giải thích sự kiện hợp lí và đưa đến kết quả do suy luận sau khi loại bỏ hết nghi vấn.

Như thế mỗi loại mắt cần có những yếu tố khác nhau để nhìn và cách nhìn cũng khác nhau. Vấn đề nhìn đúng sai không phải sự kiện đó đúng sai mà là nhìn bằng loại mắt nào và cách nhìn đưa đến kết quả cuối cùng.

Nhìn bằng các loại mắt khác nhau, cách nhìn cũng khác nhau đưa đến kết quả khác nhau là điều dễ hiểu.

Kinh nghiệm cho thấy khi yêu nhìn với con mắt thiện cảm.

Không yêu nhìn với con mắt dửng dưng.

Ghét bỏ nhìn với con mắt thiếu thân thiện.

TIN LÀ CÕI PHÚC

Có nhiều cái nhìn khác nhau, cái nhìn nào cũng tự nhận là đúng. Vấn đề của chúng ta là chọn cái nhìn chính xác nhất. Đây là vấn nạn cho nhiều người. Tự do chọn lựa dẫn đến hậu quả kẻ chọn đúng, người chọn sai.

Đức Kitô đề ra lối chọn lựa đơn giản là chọn nhìn bằng con mắt đức tin, trông cậy vào sự linh ứng của Thánh Thần. Phúc cho ai không thấy mà tin. Vấn đề thuộc thần linh nhờ thần linh hướng dẫn thì không thể sai lầm. Khoa học, triết học hướng dẫn tất có sai lầm vì chính các khoa này có giới hạn của chúng. Trông cậy vào Thần Linh hướng dẫn tránh được sai lầm. Thần linh nói trực tiếp trong ta và nói qua đại diện của Giáo Hội. Hiện nay có quá nhiều giáo hội và mỗi giáo hội lại đưa ra tiếng nói khác nhau. Như thế lại phải chọn giáo hội. Tiếng nói chính xác nhất của Giáo Hội phải là Giáo Hội do chính Chúa Kitô thiết lập vì trong Giáo Hội này có thần linh hướng dẫn.

CỦA TA CŨNG LÀ CỦA CON

Trước khi được Chúa Cha tôn vinh và vì yêu thương nhân loại Đức Kitô thiết lập bữa Tiệc Li và ban bữa tiệc này cho Giáo Hội như là phương tiện gặp gỡ Chúa. Mỗi khi chúng ta tham dự bữa tiệc là chúng ta nhớ đến Chúa. Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy hy sinh vì anh em. Vì anh em Chúa đổ máu ra nên Kitô hữu nhận biết vết thương của Chúa qua vết thương của anh em.

Tiếng kêu cầu cứu của anh em chính là tiếng kêu cầu cứu của Chúa trên đường lên núi Sọ.

Nước mắt của anh em chính là nước mắt Chúa đổ ra thương nhân loại.

Băng bó vết thương của anh em chính là băng bó vết thương của Chúa do đòn vọt, mạo gai gây nên.

Cần gì phải tìm bằng chứng lỗ đinh nơi tay, vết đâm bên cạnh sườn. Cuộc đời chứng kiến nhiều cảnh máu chảy, thịt rơi, người ẵm xác người lạnh giá, người sống ngồi cạnh xác nằm co vệ đường. Hình ảnh Đức Kitô năm xưa ngã quỵ trên đường được lập lại mỗi ngày. Còn cần bằng chứng gì nữa. Cuộc thương khó tái diễn đó đây, khắp nơi. Ngài không sống lại sao có cảnh Ngài chết lần thứ hai, thứ ba, thứ tư.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Trường phái nghi ngờ
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
08:14 28/03/2008

Trường phái nghi ngờ



Phục sinh, Ảnh Nguyễn Trung Tây
...Nghi ngờ xuất hiện khi tôi nghi ngờ, không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ, qua thiên nhiên, đặc biệt qua nhân diện của anh chị em đồng loại...

Hồi còn nhỏ học lớp Giáo Lý Thêm Sức trong giáo xứ, tôi không có thiện cảm với thánh Tôma Tông đồ, bởi ý nghĩ tại sao trên đời lại có những người cứng lòng tin đến như thế. Chúa đã phục sinh ba năm rõ mười như thế kia, người người xôn xao bàn tán về bản tin Phục Sinh, thế mà thánh Tôma lại bướng bỉnh khăng khăng không chịu tin vào chứng từ của Phêrô, của Maria Mađalêna, của hai môn đệ trên đường Emmau, và bao nhiêu người khác. Trong giờ Giáo Lý Thêm Sức của ngày hôm đó, chán nản với ông Tôma cứng lòng đá sỏi, tôi mơ màng gật gù ngủ quên mơ tưởng tới hình bóng của Đức Giêsu Phục Sinh. Giá mà Đức Giêsu hiện ra với tôi bây giờ. Chắc chắn tôi sẽ tin liền, và tôi sẽ vòng tay cung kính xin Chúa cho con bánh sô-cô-la, kẹo dừa, kem chuối ướp lạnh. Tôi cũng sẽ xin Chúa làm phép lạ để tôi khỏi phải đi học nữa, nhưng sẽ ở nhà để đá dế, thả diều, tạt loong... Đức Giêsu Phục Sinh chưa kịp hiện ra thì ông Quản bất ngờ xuất hiện ngay trước mặt. Giơ cao tay, ông Quản yêu quý của giáo xứ không đánh khẽ, mà thật thà quật tôi mấy cái roi mây đau điếng về tội ngủ gật trong giờ Giáo Lý! Giời ạ! Tôi tỉnh giấc mơ!

Lớn lên một chút xíu, vào mỗi mùa Phục Sinh, lắng nghe bài Phúc Âm nói về niềm tin cứng cỏi của Tôma, tôi lại càng cảm thấy thương hại cho thánh Tôma tông đồ nhiều hơn. Tôi chép miệng tiếc cho Tôma, bởi vào những giây phút hệ trọng cần phải có mặt trong cả một cuộc đời ba năm bỏ hết tất cả để đi theo Chúa thì thánh Tôma lại vắng mặt! Từ thương hại, tôi lại chuyển đổi sang thương cảm, bởi ý nghĩ tại sao trên đời này lại có những người chậm lụt đến như thế. Trong khi thiên hạ bao nhiêu người đã có cơ hội chiêm ngắm, tâm sự, và chuyện trò với Đức Giêsu Phục Sinh, trong khi tin mừng Phục Sinh tưng bừng nổ tung chiếu sáng trên vòm trời đêm đen nhân loại còn hơn cả pháo bông cháy rực rỡ trên cầu Harbor vào phút Giao Thừa, thế mà ngài tông đồ yêu quý lại cứ ngây nga ngây ngô như người ngủ trưa mới thức dậy. Lại một lần nữa tôi chép miệng,

— Rõ là chán!

Không cần phải đoán già đoán non, tôi tin rằng nếu thánh Tôma mà sống bên Úc, chắc chắn không sớm thì muộn ngài cũng sẽ mất việc, bởi thánh tông đồ có vẻ hơi chậm lụt. Mà những người rùa bò, vô trễ về sớm thì thường được anh cai xếp, bà chủ hãng nhìn ngó với ánh mắt thiếu thiện cảm. Trong hãng, có chuyện chi xảy ra, cần phải giảm bớt con số nhân công, thánh Tôma của thiên niên kỷ 2000 sẽ cầm đơn gõ cửa văn phòng chính quyền liên bang xin tiền trợ cấp thất nghiệp là cái chắc.

Tôi biết lịch sử nhân loại cũng có nhiều nhân vật kỳ tài xuất thân từ trường phái nghi ngờ như thánh Tôma. Thời trước Công Nguyên, thiên hạ có Trang Tử, nằm ngủ mơ thấy mình hóa bướm. Khi thức dậy, Trang Tử thắc mắc đi ra đi vô gãi đầu gãi tai nghi ngờ không biết là Trang Tử đã ngủ mơ, hóa ra bướm, hay là bướm ngủ mơ, hóa ra Trang Tử.

Tới thời của Đức Giêsu, xuất hiện thánh Tôma.

Tới thời Trung Cổ, trường phái nghi ngờ xuất hiện thêm một nhân vật nữa làm nổi danh rạng rỡ gia tông, đó là, René Descartes. Cũng tương tự như Trang Tử, như thánh Tôma, Descartes cũng ưa nghi ngờ, hay đặt vấn đề. Có một lần, Descartes nằm ngủ mơ thấy mình đang ngồi trước lò sưởi bập bùng vào một đêm giá lạnh. Khi thức dậy, Descartes nghi ngờ không biết là Descartes đang ngồi trước lò sưởi rồi ngủ mơ là mình đang ngồi trước lò sưởi, hay là thực sự ra là Descartes đang ngủ và nằm mơ là mình đang ngồi trước lò sưởi.

Trong thiên hạ, nghi ngờ cỡ như Trang Tử và Descartes là một trong những cái nhất của đệ nhất thiên hạ nghi ngờ. Trong niềm tin, nghi ngờ cỡ như Tôma là một trong những cái nhất của đệ nhất niềm tin nghi ngờ.

Tôi tưởng là trường phái nghi ngờ đã tuyệt tích giang hồ, trưởng môn nhân Trang Tử, Tôma, và rồi Descartes đã viên tịch, cửa môn đã rêu xanh u tịch sau khi Descarte nằm xuống, nhưng không ngờ có một ngày tôi nhận ra mình đang đứng ngay trên sân gạch của môn phái nghi ngờ. Quay sang nhìn chung quanh, tôi giật mình nhận ra thiên hạ cũng vẫn còn nhiều kẻ nghi ngờ y như mình.

Nghi ngờ xuất hiện khi tôi nghi ngờ, không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ, qua thiên nhiên, đặc biệt qua nhân diện của anh chị em đồng loại. Trong trường hợp này, tôi đích thực là đệ tử chân truyền của thánh Tôma tông đồ thủa xưa.

Cho nên mới có chuyện kể rằng trong một giáo xứ, nhận ra giáo dân ngày càng gặp nhiều khó khăn với đời sống chứng nhân Kitô, cha xứ lên tòa giảng ngày Chúa Nhật Phục Sinh, ngài nói,

— Tối qua, trong giấc mơ, Chúa hiện ra, báo cho tôi biết, Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện ở ngay giữa chúng ta. Tôi năn nỉ nói với Chúa xin cho con biết ai trong số những người giáo dân trong giáo xứ mà Chúa trao cho con săn sóc chính là Đức Giêsu Phục Sinh, để con nghênh tiếp và chào đón Người. Nhưng rất tiếc, mặc cho tôi năn nỉ, Chúa tiếp tục lắc đầu từ chối không nói cho tôi biết ai trong số các ông bà, anh chị em trong giáo xứ của chúng ta chính là Đức Kitô Phục Sinh.

Ngay sau thánh lễ của ngày hôm đó, không ai còn nhận ra hình dạng giáo xứ của một thời khó khăn chật vật với đời sống niềm tin, bởi vì người người trong giáo xứ hoàn toàn thay đổi cung cách đối xử với nhau. Ai ai cũng nhẹ nhàng lời ăn tiếng nói với người đối diện, bởi họ nghĩ biết đâu nhân vật mà mình đang đối diện chuyện trò chính là Đức Kitô Phục Sinh. Bắt đầu từ đó giáo xứ trên trần gian của ông cha xứ hiện thành một thiên đàng dưới thế. Ngay khi vừa mới bước chân vào cổng làng, du khách có thể ngửi thấy hương thơm thiên đàng bốc cao ngào ngạt trong bầu không gian.

Thời gian trôi qua, người người trong giáo xứ vẫn thất bại, chưa kiếm ra được ai chính là Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện giữa họ. Nhưng thật là lạ kỳ, sau bài giảng của ngày Chúa Nhật Phục Sinh hôm đó, giáo dân trong xứ tự dưng khỏe mạnh, thôi đau ốm, có những người xấp xỉ sáu chục mà nhìn như bốn mươi. Tin đồn về giáo xứ lạ kỳ với nhiều người khỏe mạnh, ít bệnh tật, nhìn trẻ hơn tuổi thật rất nhiều cuối cùng cũng lan rộng khắp vùng. Phóng viên truyền hình ồn ào kéo tới phỏng vấn ông cha xứ. Trước một dàn phóng viên với ống kính chĩa về mình, cha xứ nói,

— Một trong những bí quyết khiến cho chúng tôi ít khi đau ốm bệnh tật, nhìn trẻ hơn tuổi thật là bởi vì mỗi khi bắt đầu chớm nổi cơn giận với ai, chúng tôi thường thường cầu nguyện bằng một lời kinh rất ngắn:

“Lạy Chúa, xin cho con không nghi ngờ nhưng nhận ra đây chính là Đức Kitô Phục Sinh mà con đang kiếm tìm”.

www.nguyentrungtay.com
 
Nhạc bản: Tôn vinh Chúa
Khổng Vĩnh Thành & Phạm Xuân Thu
08:58 28/03/2008
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
11:33 28/03/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (28)

271. “Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi.”

Đức Giêsu chết trên thập giá. Trên đầu, có tấm bảng đề “Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái” bằng ba ngôn ngữ: Hy Bá, Hy Lạp và La Tinh.

Đức Giám mục Bossuet suy niệm như sau:

“Vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được phổ biến bằng tiếng Hy Bá là tiếng của Dân Chúa, bằng tiếng Hy lạp là tiếng của các nhà bác học, các triết gia, các bậc khôn ngoan; bằng tiếng La Tinh là tiếng của đế quốc thế giới, tiếng của các nhà chinh phục và của các nhà chính trị.

Vậy, ớ những người Do Thái, những người được thừa hưởng những lời Chúa hứa, cũng như những người Hy Lạp, phát minh ra các nghệ thuật, cũng như các người Roma, những kẻ làm chủ thế giới, hãy đến gần đây. Hãy đến và đọc tấm bảng lạ lùng nầy. Các người hãy quỳ gối xuống để thờ lạy Vua trên hết các vua!”

Thật như lời Chúa Giêsu đã nói tiên tri: “Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi.”

272. Bằng an trong lương tâm vì được Chúa tha tội trong Bí Tích Giải Tội

Năm 1927, chính quyền nước Na Uy ban tặng huy chương bạc cho nhà khoa học danh tiếng Lars Eckeland.

Trong một bữa tiệc được tổ chức mừng ông Lars Eckeland, có người hỏi vì sao ông từ bỏ Đạo Tin lành để theo Đạo Công Giáo. Sau đây là câu trả lời của nhà khoa học Na Uy nầy.

- “Lúc đó, tôi muốn nhận lãnh Bí Tích Giải Tội làm cho tôi chắc chắn rằng những tội của tôi đã được tha. Tôi đã tin rằng những tội của tôi đã được tha, và như vậy, tôi đã giải quyết được vấn đề lớn nhất của đời tôi.”

273. Các Đức Giáo Hoàng và nền hòa bình thế giới

Năm 1889, ĐGH Lêô XIII khen ngợi và khuyến khích Hội Nghị đầu tiên về Hòa Binh, và năm 1896, ngài chúc lành cho Hội Nghị Hoà Bình họp tại Budapest, nước Hungary.

Năm 1906, ĐGH Piô X chúc lành cho Hội Nghị Quốc Tế thứ 15 về Hòa Bình, và năm 1911, ngài khen ngợi Tổ chúc Trợ Cấp Carnegie có mục đích lo cho hòa bình thế giới.

ĐGH Bênêđictô XV luôn suy nghĩ về nền hòa bình kitô-hữu. Ngài ngõ lời an ủi những chiến binh năm 1915. Ngài nhắc nhở những vị lãnh đạo của các quốc gia lâm chiến (1.8.1917), và thông điệp của ngài, tháng 8 năm 1917, vẫn còn trong đầu óc của mọi người. Nước Thổ đã dựng bia kỹ niệm ngài tại Istanbul. Sau đó, ngài còn cho công bố thông điệp Pacem Dei (1920).

ĐGH Piô XI, khi lên ngôi giáo hoàng, ra thông điệp đề cao nền hòa bình của Đức Kitô.

ĐGH Piô XII chống lại chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách thúc giục mọi người tham gia vào công việc xã hội và bác ái để lo cho các tù nhân, các người chạy trốn, các người tỵ nạn, các trẻ em, những người nghèo khổ, người người bị thiên tai. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngài gởi những sứ điệp đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh để kêu gọi hoà bình.

ĐGH Gioan XX III ra thông điệp Pacem in terris (1963) kêu gọi nhân loại hãy hãy sống bình an huynh đệ với nhau. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến ''tất cả những người thiện chí''. Nhà lãnh đạo Sô viết Khrouchtchev từng tuyên bố trong tờ Izvestia là ông đã đọc thông điệp ấy ''một cách thích thú, vì Đức Gioan XXIII lắng nghe được tiếng nói của lẽ phải''. Và đây cũng là lần đầu, một vị lãnh đạo Sô viết biết khen Giáo hoàng! Thông điệp nầy tạo nên một biến cố quan trọng và gây chú ý đến giáo huấn của Giáo hội về hòa bình.

Năm 1968, Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Hòa bình thế giới. Ngày nầy được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng giêng.

274. Những chuyện nhỏ làm nên sự trọn lành

Một người bạn đến thăm nhà họa sĩ và điêu khắc lừng danh nhất thế giới, Michelangelo, người Italia. Khi vào thăm, ông thấy Michelangelo đang làm việc trước một pho tượng.

Một tháng sau, khi đến thăm lại, ông cũng thấy Michelangelo đang làm việc trước pho tượng nầy. Và ông cũng thấy pho tượng nầy không khác gì mấy cách đây một tháng. Ông ngạc nhiên và hỏi tại sao một tháng rồi mà pho tượng vẫn chưa xong. Nhà họa sĩ và điêu khắc lừng danh nhất thế giới nầy trả lời một cách say sưa:

- “Anh xem kìa, tôi đã làm việc không ngưng nghỉ, dầu vậy tôi vẫn làm chưa xong. Anh hãy quan sát cho kỹ: tôi đã làm cho pho tượng nầy được diễn tả sống động thêm, tôi vẽ đi vẽ lại các bắp thịt, tôi làm cho các đường gân nổi lên, tôi tô đi tô lại các móng tay, móng chân,. ..

Nghe vậy, người bạn liền cười và góp ý:

- “Những chuyện đó là chuyện nhỏ!”

Michelangelo nghiêm nghị trả lời:

“Tuy là chuyện nhỏ nhưng anh hãy nhớ rằng những chuyện nhỏ làm nên sự trọn lành và sự trọn lành không phải là một chuyện nhỏ!”

275. Nhờ lời cầu nguyện, tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh Giá và hôn ba lần.

Lời cầu nguyện của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu lúc 14 tuổi đã làm cho một tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh giá và hôn ba lần.

Chúng ta hãy đọc câu chuyện nầy trong nhựt ký của Têrêxa: “Truyện Một Linh Hồn.”

Số là năm 1887, tên tội phạm khét tiếng dữ tợn là Pranzini bị kết án tử hình. Trước khi bị điệu đi ra pháp trường xử tử, anh ta vẫn khăng khăng không chịu ăn năn. Biết được như vậy, Têrêxa rất đau buồn. Chị quyết nhận anh ta làm người con thiêng liêng đầu tiên. Chị cầu xin với Chúa như sau:

- “Lạy Chúa con, con tin hết sức chắc chắn rằng Chúa muốn tha thứ cho Pranzini bất hạnh nầy. Mặc dầu anh ta không chịu xưng tội và không tỏ ra dấu gì ăn năn, nhưng con vẫn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Vì anh ta là người tội lỗi đầu tiên của con, con xin Chúa cho con một dấu chỉ chắc chắn, cốt là để nâng đỡ con.”

Trong khi đó, ngoài pháp trường, Pranzini bị dẫn lên đoạn đầu đài để bị chém đầu. Trước khi chém đầu Pranzini, lý hình cởi trói cho anh ta. Được tự do hai tay, anh chụp lấy Cây Thánh Giá của vị linh mục đang đứng gần đó và hôn Thánh Giá ba lần.

Têrêxa vô cùng sung sướng khi biết được tin nầy. Chị hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành.

276. “Đây là vấn đề lương tâm của tôi.”

Nhà thi sĩ và trí thức người Pháp, Francoçois Coppée, cọng tác cho tờ báo Journal de Paris. Mỗi bài của ông đăng, được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19).

Khi thấy tờ báo nầy cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin ông giám đóc tờ báo cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc, liền nói:

- “Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn quan tiền Pháp mỗi năm.”

Francois mĩm cười và trả lời:

- “Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề lương tâm của tôi.”

277. Một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia đã trở lại thế nào?

Thế kỷ thứ 18, tại Rôma, có một thanh niên chỉ biết ăn chơi, không màng gì đến giáo lý và đạo đức.

Một ngày kia, vì tọc mạch, anh ta ghé vào một nhà thờ và nghe được một câu của linh mục giảng: “Đời đời sẽ không bao giờ chấm dứt!”

Lạ thay, câu nầy cứ ám ảnh anh ta mãi.

Chịu không nổi, anh ta quyết đi xưng tội.

Sau khi chịu Phép Giải Tội, anh ta được bằng an vui vẻ, không còn bị ám ảnh bởi câu đó nữa. Từ đó, anh ta quyết sống một cuộc đời mới.

Anh ta xin đi tu, và sau đó, làm linh mục.

Linh mục nầy về sau, được chọn làm giám mục. Đó là một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia: Đức Cha Đôminicô Mansi, tổng giám mục thành Lucca (+1769)

278. Ảnh hưởng của giáo lý kéo dài...

Các thanh thiếu niên ở Ars ngu dốt về giáo lý.

Ngay từ sáu, bảy tuổi, các em đã phải ra đồng ruộng làm việc.

Chỉ có những ngày mùa đông lạnh lẽo âm u, các thanh thiếu niên nầy mới rãnh được. Lại thêm một vấn đề rất bất lợi cho giáo lý: không ai biết đọc, biết viết.

Linh mục quản xứ mới của Ars, cha Vianê, liền đưa ra thời khoá biểu thuận lợi cho đàn chiên của mình về việc đi học giáo lý: mỗi ngày, học một giờ giáo lý từ lúc 6 giờ sáng; mỗi ngày Chúa nhựt, học một giờ giáo lý từ lúc 13 giờ trưa.

Và linh mục quản xứ Vianê nầy giữ giờ giáo lý nầy một cách đều đặn trong vòng 27 năm.

Về sau, từ giám mục đến linh mục trong giáo phận Lyon, ai ai cũng công nhận rằng giáo dân Ars hiểu biết giáo lý và được dọn mình rất kỹ trước khi lãnh nhận các Phép Bí Tích.

279. “ Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Mẹ Maria đã chiến thắng!”

Sau khi chiến thắng Farnace, vua của Ponto, tại Zela, Cesar kiêu căng gởi về Rôma bản tin danh tiếng: “Tôi đã đến, tôi đã thấy, và tôi đã chiến thắng!” (Veni, vidi, vinci!)

Ngược lại với sự kiêu căng nầy, Sobieski, vua nước Ba Lan, sau khi chiến thắng quân Thổ để giải phóng thành Vienna, kinh đô của nước Áo, đã khiêm nhượng gởi về cho Đức Giáo Hoàng tại Rôma, bản tin sau đây: “Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Maria đã chiến thắng!” (Venni, vidi, Maria vinse!”

280.Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ

Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Khi yêu thương, thông cảm và giúp đỡ người nghèo, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa, chúng ta nếm được sự vui vẻ thanh cao, chúng ta hưởng được sự bình an quý giá.

Mẹ Têrêsa, người đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đưa ra nhận xét đầy kinh nghiệm sau đây:

"Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi yêu cầu một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến và khi họ ra về, nhận xét chung của họ là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được 5 người đang chết, trong đó, có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với bà trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay của bà. Bệnh nhân tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, chỉ miệng cười và nói 'cám ơn' trước khi nhắm mắt lại từ giã cuộc đời."

280. Đời hạnh phúc là do chúng ta quyết định

Chúng ta được hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh, điều nầy không do Thiên Chúa định đặt, nhưng do chúng ta quyết định: chính chúng ta quyết định chúng ta có hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh.

Một người kia sống rất hạnh phúc. Được hỏi, ông nói:

- “Thật quá đơn giản! Mỗi sáng mở mắt ra, tôi có hai lựa chọn trong ngày sống hôm đó: một là tôi sống vui vẻ hạnh phúc, hai là tôi sống buồn phiền, bất hạnh. Tôi xin Chúa cho tôi chọn điều thứ nhất. Và tin tưởng vào Chúa thương tôi, ban ơn giúp sức cho tôi, tôi chọn điều thứ nhất, và tôi quyết sống theo điều nầy trong ngày sống hôm đó của tôi.”
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 28/03/2008
MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG

N2T


Có một người đến nhà người khác làm khách, nhìn thấy ống khói nhà bếp của chủ nhân xây thẳng đứng, lại còn đối diện với đống củi bên cạnh, thì nói với chủ nhân: “Tiên sinh, tôi cảm thấy ngài nên đem ống khói xây lại thành cong cong, rồi đem đống củi ra xa một chút, như thế mới có thể tránh được nạn cháy nhà.”

Bởi vì ống khói và đống củi trong nhà để như thế đã lâu rồi, và từ trước đến nay chưa xảy ra chuyện gì, cho nên chủ nhân cũng không làm gì cả và cũng không nghe ý kiến của anh ta.

Sau đó không lâu, gia đình ấy quả nhiên bị cháy. Người nhà, hàng xóm, bạn bè đều chạy đến giúp chữa lửa, không ít người vì đó mà bị lửa cháy tóc và da mặt, tất cả mọi người đều tận lực mới dập tắt được ngọn lửa. Để biểu lộ lòng biết ơn nên chủ nhân của nhà ấy làm một bữa tiệc rượu, và chiếu theo công lao lớn nhỏ của mỗi người mà sắp xếp chỗ ngồi.

Trước khi nhập tiệc, có người nói với chủ nhân: “Nếu lúc trước đây ông mà nghe theo lời của người khách ấy, thì hôm nay không cần phải giết bò mua rượu để đãi khách. Rốt cuộc, người có kiến nghị anh mất bò mới lo làm chuồng ấy không được mời đến, ngược lại người sém đầu dập trán lại được mời lên bàn nhất.”

Chủ nhân chợt tỉnh ngộ, lập tức đi mời người khách ấy đến, để anh ta ngồi ghế thượng khách.

(Ban cổ, Hán thư, Hoắc Quang Truyền)

Suy tư:

Nếu con người ta ai cũng có lòng khiêm tốn biết nghe lời ngay lẽ phải của người khôn ngoan, thì tránh được rất nhiều chuyện xấu, tiêu cực; nếu ai cũng biết khiêm tôn kiểm điểm công việc mình làm trong một ngày, thì đời sống tâm linh ngày càng hướng thượng, và cuộc sống sẽ tràn đầy những hy vọng và vui tươi hơn; nếu mỗi một người Ki-tô hữu biết nghe và thực hành Lời Chúa, thì không những cuộc sống của họ sẽ đổi mới, mà những người chung quanh họ cũng vì thế mà được thoải mái và hạnh phúc hơn.

Mất bò mới lo làm chuồng thì cũng còn có thể chấp nhận được, bởi vì họ biết suy tư và kiểm điểm lại cuộc sống của mình, nhưng tệ hại nhất chính là những người mất bò rồi mà cũng không lo làm chuồng, họ hoặc là người kiêu ngạo và tự tôn, hoặc là người tự ti mặc cảm không muốn người khác biết cái dở cái xấu của mình.

Chỉ có những ai có lòng khiêm tốn thật sự mới có lòng tự trọng và không tự ti, chỉ có những ai biết nghe lời nhắc nhở của người khác với lòng khiêm tốn mới không sợ mất bò rồi mới làm chuồng.

Mà người Ki-tô hữu thì luôn luôn biết lắng nghe Lời Chúa, nên cuộc sống của họ luôn vui tươi, vì họ không phải lo vì chuyện mất bò, nhưng họ biết phó thác tất cả vào tình yêu của Thiên Chúa...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 28/03/2008
CHỦ NHẬT II PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 19-31.

“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Bạn thân mến,

Chủ nhật hôm nay, Giáo Hội gọi là chủ nhật Lòng Thương Xót của Chúa, do đó, mà cách đặc biệt nào đó mà bạn và tôi trong ngày hôm nay cảm thấy mình phải làm một cái gì đó, để cảm tạ lòng thương xót của Chúa đối với mình và với nhân loại, chẳng hạn như chầu Mình Thánh Chúa, giúp đỡ bạn bè và tha nhân.v.v...

Nhưng bạn thấy lòng thương xót của Chúa đối với bạn chưa, chắc là bạn nói bạn biết rồi, nào là Chúa đã ban cho bạn có công ăn việc làm, nào là Chúa cho bạn có sức khỏe, nào là Chúa thương cho bạn có một gia đình hạnh phúc. Tất cả những điều ấy đều đúng là Chúa thương bạn, nhưng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương xót cách đặc biệt qua lời nói của Ngài: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Đó chính là lòng thương xót đích thực của Thiên Chúa dành cho bạn và tôi, cũng như dành cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Bạn có biết, mỗi giây phút trong cuộc sống, bạn đã xúc phạm đến Chúa bao nhiêu lần, bạn đã xúc phạm đến tha nhân bao nhiêu lần, tất cả những lần xúc phạm ấy đều giống như bạn đánh vào thân thể Chúa, giống như bạn đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá, chỉ chừng tội ấy thôi, bạn và tôi đều phải bị án công thẳng của Chúa phán xét, và chắc chắn là phải đời đời xa cách Chúa.

Bạn thân mến,

Nơi bí tích Giải Tội bạn thấy rất rõ lòng thương xót của Chúa đối với bạn, nơi bí tích này, bạn thật sự nếm được mạch nước trường sinh mát mẻ tưới gội và rửa sạch linh hồn của bạn, để bạn trở thành con người mới hơn, xứng đáng với lòng thương xót của Chúa hơn.

Luôn đến với bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể thì bạn sẽ thấy đời sống tâm linh của mình ngày càng kết hợp với Chúa Giê-su hơn, và nhờ đó mà bạn sẽ càng thấy lòng thương xót của Chúa đối với bạn thật to lớn không gì sánh bằng.

Bạn thử tưởng tượng xem sao: nếu Chúa Giê-su không lập bí tích Giải Tội, nếu Chúa Giê-su không lập bí tích Thánh Thể, thì cuộc sống của bạn và tôi cũng như của mọi người sẽ như thế nào ? Chắc chắn sẽ sống trong đau khổ và thất vọng triền miên, và chắc chắn thế giới sẽ là một lò lửa chiến tranh và hận thù...

Bạn và tôi hãy cám ơn Thiên Chúa từng giây từng phút vì lòng thương xót của Ngài thật bao la và vĩ đại.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com

taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:34 28/03/2008
N2T


6. Trước khi lãnh nhận Chúa Giê-su Ki-tô, con phải dẹp bỏ tất cả những lưu luyến trong lòng khiến Ngài không vui thích. Người muốn lãnh nhận Thánh Thể thường phải loại bỏ tạp niệm của thế tục.

(Thánh Augustine)
 
Cộng Đoàn Phục Sinh
LM Giuse Nguyễn Hữu An
23:18 28/03/2008
Chúa Nhật 2 Phục Sinh

CỘNG ĐOÀN PHỤC SINH.

Cả bốn Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh với những cá nhân (Ga 20,14-17; Mt 278,5-7; Lc 24,25-31; Mc 16,9-13) và những nhóm môn đệ khác nhau (Mt 28,16-20;Lc 24,36-49;Ga 21,1-23).

Tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày thứ nhất trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành nền tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người ( x. CV 4,20).

Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào chiều ngày thứ nhất trong tuần thì Tôma vắng mặt. Các Tông đồ đã nói với ông: ”Chúng tôi đã được thấy Chúa”(Ga 20,25). Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là lời làm chứng về Chúa Phục Sinh. Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy đức tin đã phai lạt nơi Tôma.

Tôma đã không tin vào lời của họ. Không tin như thế không phải chỉ vì Tôma cứng lòng, nhưng cũng vì khi đó các môn đệ khác vẫn chưa có những dấu chứng tỏ họ là những người đáng tin. Thực vậy, làm sao Tôma có thể dễ dàng tin vào lời nói của những người mà chẳng bao lâu trước đó, khi Thầy lâm nạn, không một ai trong họ dám lên tiếng bênh vực cho Thầy. Ai cũng sợ bị vạ lây nên tất cả đã lánh mặt hay bỏ chạy. Phêrô đã không ngượng ngùng ba lần chối không biết Đức Kitô là ai. Họ đã bỏ Đức Kitô, và Ngài đã chết đau thương tủi nhục trên thập giá. Như vậy thì làm sao bây giờ Tôma có thể tin lời của những người yếu hèn nhát đảm đó?

Để xoá tan nghi nan của Tôma, Chúa Phục Sinh hiện đến và tỏ cho Tôma xem thấy những vết thương của Ngài. Trong cộng đoàn Phục Sinh, Tôma tìm lại được đức tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người anh em. Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương:” Tôma,hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh,hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng nhưng hãy tin” thì lập tức Tôma được biến đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng niềm tin “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28).

Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Tôma là ông đã tự tách rời khỏi các Tông Đồ khác, khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng váng, thất vọng, chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt mình trong sự cô đơn xa lánh anh em,tìm quên lãng trong sự phiền muộn nên đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với cộng đoàn, thì ông mới gặp gỡ Ngài và nhờ đó ông đã tìm lại được lòng tin mạnh mẽ, kiên trung. Truyền thống Giáo hội kể lại, Tông đồ Tôma qua Ấn độ truyền giáo và chịu tử đạo ở đó.

Đức tin của người tín hữu được trao ban và nhận lãnh nơi cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn giáo xứ. Nơi cộng đoàn này, người tín hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình.

Đức tin Kitô giáo vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Đức tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho đức tin cá nhân phong phú và độc đáo.

Lời Chúa được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là Lời Phục sinh, mỗi người tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người, nhờ lòng tin và lòng mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.

Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng đoàn Thánh Thể, mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ đức tin khác nhau. Người tín hữu phải đủ đức tin khi rước Thánh Thể của Đấng đã chết và sống lại.Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục Sinh như Tôma vậy.Trong cuộc gặp gỡ riêng tư này, người tín hữu được đón nhận sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.

Đời sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín hữu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.

* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ: mọi người được đón tiếp chân thành,được sống trong bầu khí bác ái,được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở,ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.

* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin: Mọi người được bồi dưỡng đức tin,được kêu gọi sống đức tin,được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giao lý,các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng để người tín hưũ hiểu biết những biến cố cuộc đời.

* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức: Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự,có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.

* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo: Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất,hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.

Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu.Không nên lỗi hẹn với Chúa trong các cuộc họp cộng đoàn ( x.Dt 10,25), trái lại cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Ngài luôn có mặt để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí cho các tín hữu hiểu Lời Ngài (x.Lc 24,32.45) và hiến ban chính mình để nuôi sống người tín hữu chúng ta.

Tôma đã nhờ cộng đoàn yêu thương nâng đỡ mà tìm lại được niềm tin.Nơi Tôma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng tin nhưng lại dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng đoàn.

Nhờ Tôma mà ta có được mối phúc thứ chín: “Phúc cho ai không thấy mà tin”(Ga 20,29).Mối phúc này nghe như có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin. Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình tin để nói được rằng:”Tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,18), nhờ đó cả cộng đoàn cũng đều nói lên: ”Chúng tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,25).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân Phước sớm hết sức có thể
Nguyễn Việt Nam
08:01 28/03/2008
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nói rằng cũng như nhiều người trên thế giới, Tòa Thánh hy vọng việc phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ mau chóng xảy ra nhưng đàng khác tiến trình bình thường cũng phải được tuân giữ nghiêm nhặt.

Thánh lễ bên trong hầm mộ Đức Gioan Phaolô II
Xếp hàng kính viếng Đức Gioan Phaolô II ngày 2/4/2007
Sơ Marie Simon-Pierre người được ơn lạ
Trong những ngày gần kề lễ giỗ 3 năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Saraiva nhắc lại rằng: “Tất cả chúng ta đều nhớ rõ là trong thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng Wojtyla, dân chúng đã hô vang ‘Santo subito!’ (phong thánh ngay). Những lời hô đó tại quảng trường Thánh Phêrô biểu hiện điều dân chúng suy nghĩ. Điều đó nghĩa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thật sự đã có một tiếng tăm thánh thiện giữa các tín hữu. Và chúng ta biết rằng đó là một điều kiện thiết yếu cho tiến trình phong thánh”.

“Nếu một tiếng tăm thánh thiện như thế không tồn tại, tiến trình phong thánh đã không thể bắt đầu”. Đức Hồng Y giải thích như trên trong khi nhấn mạnh tiến trình phong thánh phải đi qua nhiều giai đoạn.

“Mỗi tiến trình phong thánh gồm 2 giai đoạn cơ bản. Giai đoạn một là tại cấp giáo phận – địa phương và giai đọan thứ hai mà chúng ta thường gọi là giai đoạn tại ‘Rôma’. Giai đoạn giáo phận đã kết thúc ngày 2/4 năm ngoái. Một khi giai đoạn giáo phận xong thì liền đó giai đoạn Rôma bắt đầu ngay không chần chờ chút nào với việc các viên chức giáo phận trao các tài liệu thu thập được cho bộ của tôi”.

“Một khi nhận được tài liệu này, chúng tôi lập tức phê chuẩn một cáo thỉnh viên cho giai đoạn Rôma. Đó chính là vị cáo thỉnh viên ở cấp giáo phận. Chúng tôi cũng chỉ định một liên lạc viên, người được hướng dẫn bởi vị cáo thỉnh viên, để gom lại thành tài liệu gọi là ‘positio’, một hợp tuyển của những tài liệu đã được tổ chức có hệ thống và có quan hệ hữu cơ với nhau. ‘positio’ này sẽ được in ra và được nghiên cứu bởi các cơ quan hữu quan trong bộ”.

Đức Hồng Y Saraiva nói thêm: “Vị cáo thỉnh viên trong án phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang sơ thảo ‘positio’”. Ngài lưu ý rằng những tài liệu liên quan có thể gồm nhiều phần “Nó không tùy thuộc vào bộ chúng tôi mà tùy thuộc vị cáo thỉnh viên này cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành công việc của mình. Tôi không biết là bao nhiêu tháng nữa hay một năm nữa. Tôi không biết và có lẽ chính ngài cũng không biết luôn”.

“Nhưng mà điều tôi có thể bảo đảm với anh chị em là một khi chúng tôi nhận được ‘positio’ này, chúng tôi lập tức nghiên cứu ngay không chần chờ gì cả. Vì bộ chúng tôi nhất định là muốn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tôn kính trên bàn thờ sớm hết sức có thể và sớm được gọi là ‘Chân Phước’ để đáp lại những tiếng kêu tại quảng trường Thánh Phêrô ‘phong thánh ngay’”

Tưởng cũng nên nhắc lại, tảng sáng ngày 2/4/2007, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakôvia và khoảng 40 linh mục đã cử hành lễ giỗ hai năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời bên trong hầm mộ của ngài. Trong khi đó, bên ngoài đền thờ thánh Phêrô hàng dài người đã xếp hàng để chờ đến lượt vào kính viếng mộ phần Đức Cố Giáo Hoàng.

Trưa ngày 2/4, giáo phận Rôma đã chính thức hoàn tất việc điều tra ở cấp giáo phận về cuộc đời, các nhân đức và danh thơm tiếng tốt của vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II trong một nghi lễ long trọng diễn ra tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô. Việc kết thúc cuộc điều tra cấp giáo phận này là bước đầu trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Khi công bố việc kết thúc điều tra ở cấp giáo phận, Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản giáo phận Rôma thay cho Đức Thánh Cha đã suy tư về những phẩm chất tinh thần cao cả của Đức Gioan Phaolô II: “Ở buổi đầu, ở trung tâm, và ở đỉnh cao của hình ảnh này chúng ta không thể không đề cập đến quan hệ mật thiết với Thiên Chúa của Đức Karol Wojtyla, một mối quan hệ đã rất mạnh mẽ, đằm thắm và sâu xa từ thời niên thiếu, và không ngừng phát triển và lớn mạnh, sản sinh nhiều hoa trái trong mọi chiều kích cuộc đời của ngài”.

“Ở đây, chúng ta đứng trước một Mầu Nhiệm. Trước hết, mầu nhiệm của tình yêu đặc biệt trong đó Chúa Cha đã yêu thương cậu trẻ Ba Lan này, kết hiệp cậu trẻ với chính Ngài và rồi duy trì sự kết hiệp này; không phải để cứu cậu thoát khỏi những thử thách của cuộc đời – trái lại, kết hiệp cậu mãi mãi và mới mẻ với thánh giá của Con Ngài – đồng thời ban cho cậu ơn can đảm để yêu mến thánh giá, và một trí tuệ tinh thần để thấy, qua thánh giá, thiên nhan của Cha”.

“Trong niềm xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương và trong niềm vui đáp trả tình yêu này, Karol Wojtyla tìm thấy ý nghĩa, sự nhất quán và mục đích của đời mình. Những ai đã biết ngài, gần gũi hay chỉ từ xa, đều bị đánh động bởi sự phong phú về nhân bản, bởi sự hoàn chỉnh nơi con người của ngài. Nhưng sự kiện này còn rạng rỡ và quan trọng hơn, đó là sự hoàn chỉnh của nhân tính này, tối hậu, trùng hợp với quan hệ của ngài với Thiên Chúa, nói cách khác, với sự thánh thiện của ngài”.

Việc điều tra ở cấp giáo phận đã bắt đầu bằng thánh lễ cử hành tại cùng đền thờ này vào ngày 28/6/2005, chưa đầy 3 tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời nhờ Đức Thánh Cha Bênêđíctô chước cho thông lệ phải chờ 5 năm sau cái chết của một vị Tôi Tớ Chúa.
 
Vua nước Saudi Arabia đề nghị cuộc đối thoại liên tôn giáo
Phụng Nghi
10:14 28/03/2008
New York (CNA) – Theo tường thuật của hãng thông tấn AP, một đề nghị đối thoại liên tôn do Vua Abdullah nước Saudi Arabia trình bày đã gây được những phản ứng nồng nhiệt từ các nhà lãnh đạo Do thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, và đó có thể là một bước phát triển lớn trong mối quan hệ giữa các tôn giáo.

Vua Abdullah gặp ĐGH Benedictô XVI tại Vatican ngày 11/06/2007
Hôm thứ Hai vừa qua, trong cuộc hội thảo tại Riyadh về “Văn hóa và sự Tôn trọng các Tôn giáo”, Vua Abdullah nói: “Ý kiến là yêu cầu các đại diện của các tôn giáo độc thần cùng ngồi lại với các anh em, trong niềm trung tín và thành thực, của mọi tôn giáo vì chúng ta cùng tin vào một Thượng đế.”

Vị Vua nói rằng ông đã trình bày ý kiến này lên Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khi ông thăm Tòa thánh Vatican hồi tháng 11 năm ngoái. Vì Đức giáo hoàng đã “nồng nhiệt đón tiếp” ông trong “một cuộc gặp mặt giữa một con người với một con người mà tôi sẽ không bao giờ quên được”, hoàng đế nói ông nhằm “tìm kiếm sự chấp thuận của đức Allah theo điều Ngài đã truyền dạy trong các tôn giáo: đó là Ngũ kinh, Thánh kinh và Thiên kinh Koran.”
Vua Abdullah nước Saudi Arabia


Theo thông báo đăng trêm website của Bộ Ngoại vụ nước Saudi Arabia, Vua Abdullah nói:“Tôi cầu xin đức Allah cho chúng tôi được gặp gỡ nhau dựa trên một từ ngữ.” Nhà vua nói ông dự trù tổ chức các hội nghị để thu thập ý kiến của người Hồi giáo từ những vùng khác trên thế giới, sau đó ông sẽ gặp với “các người anh em của chúng ta” ở Thiên Chúa giáo và Do thái giáo “để chúng ta có thể cùng thoả thuận về một số điều nhằm bảo đảm bảo tồn được nhân loại chống lại những kẻ phá hoại đạo đức, hệ thống gia đình và sự lương thiện.”

Các chi tiết về đề nghị này vẫn chưa được làm sáng tỏ, chẳng hạn Israel có được tham dự vào sáng kiến này hay không, hoặc các hạn chế về tự do tôn giáo tại Saudi Arabia có được nới lỏng không. Nước này cấm mọi nghi thức phụng tự không phải Hồi giáo và cấm các biểu tượng được các tôn giáo khác kính trọng như thánh giá và sách Tin Mừng.

Theo luật của Saudi, người theo đạo Hồi khi cải sang tôn giáo khác phải bị phạt tử hình.

Sáng kiến của vua Abdullah đưa ra vào lúc các cuộc thương thảo hoà bình bị bế tắc và mối căng thẳng đã lên cao ở Trung Đông. Người Hồi giáo giận dữ vì những bức biếm họa tại Âu châu phỉ báng Thiên sứ Mohamet. Việc Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI mới rửa tội cho một người Hồi giáo tân tòng có thế giá cũng gây nên những tranh cãi.

Tuy nhiên, tin cho biết Vua đã được sự thỏa thuận của hàng giáo sĩ cao cấp ở Saudi Arabia.

Một số nhà phân tích gợi ý rằng đề xuất của nhà vua là kết quả của cuộc đối thoại liên tôn càng ngày càng gia tăng giữa các nhà lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới kể từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9.

Theo hãng AP thì ông John Esposito, giám đốc sáng lập Trung tâm Tìm hiểu Hồi giáo–Thiên chúa giáo Prince Alwaleed bin Talal tại trường Đại học Georgetown, có nói rằng tổ chức tôn giáo tại Saudi đã rất tích cực trong vấn đề đối thoại liên tôn kể từ cuộc tấn công tháng 9.

Esposito cho biết lời kêu gọi của nhà vua như thế là điều có ý nghĩa đặc biệt.
 
Cộng sản Trung quốc giết hại người biểu tình ở Lhasa, Tây Tạng
Peter Nguyễn Minh Trung
11:39 28/03/2008
LHASA - Một loạt các hình ảnh minh chứng hùng hồn những nạn nhân người Tây Tạng bị bạo lực đến chết do chính quyền cộng sản Trung Quốc thực hiện nhằm chống lại những cuộc biểu tình gần đây tại Lhasa. Thế giới đòi nơi chính quyền Bắc Kinh sự tự do đích thực cho dân tộc Tây Tạng.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh liên tục phủ nhận những cáo buộc rằng họ đã đàn áp bằng bạo lực những cuộc biểu tình và các nhà sư tại Tây Tạng, tuy nhiên một loạt các hình ảnh bạo lực đẫm máu đã được những người dân sống tại Tây Tạng phản đối chính quyền Trung Quốc gửi cho báo chí phương Tây. Sau đây là chùm những hình ảnh đàn áp đặc biệt nghiêm trọng được gửi đi từ Tu viện Phật giáo tại Kirti.

Các tấm ảnh này được chụp vào ngày 16/03/2008 vừa qua trong tỉnh Amdo thuộc Tây Tạng tự trị mà giờ đây đã trở thành một phần của Miền Nam tỉnh Sichuan - Trung Quốc. Theo "Free Tibet Campaign", cuộc tàn sát bắt đầu sau khi những người sùng đạo ở tu viện tại Kirti cầu nguyện xin ban ơn để "Tây Tạng được tự do" và cầu cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cuộc biểu tình với các nhà sư và sự tham gia của hơn 400 nữ tu sĩ Phật giáo cùng những sinh viên trong các trường Trung học ở Tây Tạng.

Quân đội Trung quốc đã bắt đầu canh chừng tu viện kể từ khi bắt đầu có sự đối kháng nhỏ ấy xuất hiện (10/03/2008) và đã mở màn cho bạo động. Theo thông tin từ chính phủ lưu vong Tây Tạng, khoảng 20.000 người Tây Tạng thuộc tỉnh Sichuan đã cùng với các nhà sư Phật giáo nổi dậy chống lại Trung Quốc. Trong số 20 nạn nhân bị đàn áp đã được nhận dạng thì có đến 9 người trẻ tuồi từ 15 đến 17.
 
Tình hình bất ổn ở Tây Tạng như mây mù bao phủ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008
Peter Nguyễn Minh Trung
11:42 28/03/2008
Bắc Kinh (MSN) - Tình hình tại Tây Tạng giăng mây mờ bao quanh ánh hào quang của Trung Quốc tại Thế vận hội Olympics Bắc Kinh 2008 sắp tới. Chính quyền Trung Quốc đang phô trương bộ mặt đã bị nhân dân chính nghĩa Tây Tạng ném sình cho thế giới sau những sự kiện đang xảy ra tại đây.

Những cuộc bạo động trong suốt 2 tuần qua đã trở thành thách thức lớn nhất cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính chế độ cộng sản tại Trung Quốc đã quyết định sử dụng quân đội, vũ lực đối với nhân dân Tây Tạng và việc ngăn cấm giới truyền thông đưa tin từ Lhasa đã tạo nên bóng đen dày đặc bao phủ những hy vọng cho một thế vận hội Olympics thành công vào mùa hè năm nay.

Bạo động tại vùng hẻo lánh xa xôi dưới chân dãy Himalaya này đã kéo dài chính thức hơn một ngày nhưng cũng đủ lôi kéo sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới. Thế vận hội Olympics 2008 vào tháng 08 sắp tới từng được dự đoán là mùa đại lễ hội cho toàn thể nhân dân Trung Quốc, nhưng giờ đây nó có thể trở thành sự chỉ trích sâu sắc dành cho Đảng cộng sản nước này. Một đảng vẫn duy trì thể chế dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin với sự kiểm soát gay gắt hòng độc tài về quyền lực.

Li Datong, biên tập viên cao cấp của một tờ báo tại Trung Quốc, người đã bị xử bắn năm 2006 sau bài luận văn của ông đọc trước công chúng nhằm thách thức lịch sử Đảng Cộng Sản đã nói: "Tự do đích thực cho nhân dân chính xác là điều mà đảng cầm quyền không hề muốn. Điều này trở thành một cơn đau đầu thực sự cho họ."

CƯỜNG ĐỘ MẠNH MẼ CỦA NHỮNG LỜI KÊU GỌI TẨY CHAY THẾ VẬN HỘI OLYMPICS 2008

Ảnh hưởng sau cuộc nổi dậy từ Tây Tạng không hề giảm đi. Thứ 2 đầu tuần này, tại buổi lễ khai mạc rước đuốc thế vận hội trên đỉnh Olympia cổ đại ở Hy Lạp, những người Tây Tạng đã làm gián đoạn nghi lễ thắp sáng ngọn đuốc thế vận hội. Vào thứ 3, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi cần phải có sự tẩy chay khi bắt đầu nghi thức khai mạc tại thế vận hội. Đến thứ 5, nhà cầm quyền Trung Quốc đã hướng dẫn một phái đoàn các phóng viên, ký giả quốc tế đến Tây Tạng hòng nỗ lực chứng minh rằng tất cả mọi chuyện đã lắng xuống. Nhưng một nhóm các nhà sư đã xuất hiện trước các ký giả quốc tế, họ than khóc, la hét rằng họ đã bị khước từ tự do tôn giáo.

Một nhà phân tích đã cho biết những lời chỉ trích về nhân quyền tại Trung Quốc luôn là đề tài được các nhà tranh đấu vì nhân quyền quốc tế cũng như nhiều chính phủ các quốc gia quan tâm. Thế nhưng cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng vừa qua đã nâng sự quan tâm đặc biệt đối với họ lên tầm vóc thế giới chỉ ngay trước thềm thế vận hội Olympics. Chính điều này thúc đẩy mạnh mẽ thông điệp về nhân quyền tại Trung Quốc. Những người chống đối cộng sản Trung Quốc đã làm gián đoạn nghi lễ khai đuốc tại Hy Lạp, xa hơn nữa là họ đã lôi kéo được sự chú ý ở tầm vóc mà họ không hề dám mơ tới trước ngày 14/03 vừa qua.

David L.Shambaugh, giám đốc chương trình hoạch định chính sách với Trung quốc tại Đại học George Washington và cũng là tác giả của cuốn sách mới nói về Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã phát biểu: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cưỡi trên lưng "con hổ dữ Tây Tạng", bất chấp những chỉ trích quốc tế. Rất nhiều những nhà hoạt động nhân quyền phi chính phủ đã nếm mùi đẫm máu, và tất cả họ sẽ sử dụng Tây Tạng như một đòn bẩy để đánh vào cộng sản Trung Quốc. Đây sẽ là áp lực quốc tế lớn nhất chưa từng có đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, ít nhất là đối với tình liên đới chung."

NGUY CƠ RẤT CAO CHO NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC

Là lãnh đạo Đảng cộng sản, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ là người thất bại nặng nề nhất nếu như ánh sáng của ngọn đuốc thế vận hội tắt ngấm từ Olympics Bắc Kinh 2008. Tiếp theo ông là bí thư đảng cộng sản tại Tây Tạng, ông Zhang Quili. Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị kiêm luôn Ủy viên Ban bí thư, ông Xi Jinping, được coi là nhân vật tiềm năng kế vị Hồ Cẩm Đào có thể cũng sẽ bị cuốn vào dòng xoáy bê bối chính trị lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Xi Kinping vinh dự được Hồ Cẩm Đào giao cho trọng trách vào tháng trước là giám sát toàn bộ sự chuẩn bị cho Olympics, còn Liu Qi là chủ tịch ủy ban tổ chức thế vận hội 2008, ông ta cũng là bí thư đảng cộng sản.

(Nguồn: theo MSN News)
 
Popemobile (xe hơi giáo hoàng) đang được chuyển tới Hoa Kỳ
Peter Nguyễn Minh Trung
11:49 28/03/2008
VATICAN (CNS) - Xe hơi Giáo Hoàng (Popemobile - Một thuật ngữ được báo chí dùng để chỉ những chiếc xe bọc kính chống bomb của tập đoàn Mercedes tặng Đức Thánh Cha) sẽ được chuyển tới Hoa Kỳ bằng đường hàng không và dự tính đến Hoa Kỳ vào đầu tháng 04.

Trước khi Đức Thánh Cha Benedict XVI chuẩn bị hành lý cho chuyến tông du Hoa Kỳ 15-20 tháng 04 tới thì ngay sau Lễ Phục Sinh Tòa Thánh đã "gói" sẵn một "bưu kiện khổng lồ" của Đức Thánh Cha.

Ông Alberto Gasbarri, giám đốc tổ chức các chuyến tông du Giáo Hoàng nói: "Chiếc Popemobile của hãng Mercedes-Benz màu trắng 2002 được thiết kế đặc biệt cho vị Giáo Hoàng đã rời khỏi Vatican và sẽ được một công ty vận tải hàng không chuyển đến Hoa Kỳ vào đầu tháng tư."

Hiện tại Vatican đang dùng 3 chiếc Popemobile:

-- Một chiếc vừa mới được "bốn tháng tuổi", công nghệ mới của Mercedes dựa trên những tính năng chiếc xe thể thao series-G500. Nó được dành riêng hầu như cho việc di chuyển của Đức Thánh Cha trên quãng trường Thánh Phêrô. Chiếc xe có kính chắn gió cong nhằm bảo vệ Đức Thánh Cha khỏi mưa, gió. Hãng Mercedes mô tả màu sắc của chiếc xe như là "màu trắng Vatican huyền bí".

-- Hai chiếc còn lại cũng màu trắng, có khoang kín, là một phiên bản sửa đổi của chiếc Mercedes-Benz ML430. Kính chắn là một khối kính cao cấp được làm từ nhựa chống bom đạn. Cả hai chiếc đều có điểm nổi bật là một ghế ngồi cao phía sau để người ta có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha.

Ông Gasbarri nói: "Một trong 2 chiếc Popemobile thuộc model ML430 sẽ được dùng cho chuyến tông du tại Mỹ."

Xuyên suốt các chuyến tông du Giáo hoàng qua những thành phố khác nhau đòi hỏi những chiếc Popemobile phải được vận chuyển đến đó rồi lại chở bay đến trạm dừng tiếp theo của Đức Thánh Cha sao cho đảm bảo sự liên tục. Ông Gasbarri nói: "Nhưng lần này ngài chỉ tông du 2 thành phố, vậy thì cần một chiếc Popemobile là đủ rồi."

Một viên chức về xe cộ tại Vatican cho biết thực sự không có chọn lựa nào khác giữa 2 chiếc đời ML430 từ khi "một chiếc đang được sửa chữa bảo trì."

Viên chức ấy nói tiếp: "Mercedes-Benz đã tặng Tòa Thánh thêm một chiếc xe trong số những chiếc được dùng làm Popemobile với màu ngọc trai. Tuy nhiên Tòa Thánh cho rằng màu của nó quá tối và cần phải được sơn lại trước khi dùng làm Popemobile."
 
George Weigel đề cập những hệ quả của việc Đức Thánh Cha rửa tội cho một người Hồi Giáo
Đặng Tự Do
13:57 28/03/2008
George Weigel, một học giả Công Giáo và là người đã viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một cuộc phỏng vấn dành cho National Review Online đã đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI rửa tội cho nhà báo Magdi Allam, một ký giả Ý xuất thân từ Hồi Giáo.

Ông Magdi Allam sau khi được rửa tội
Weigel cũng thảo luận sự liên quan với việc Đức Thánh Cha rửa tội cho Magdi Allam với những mối quan hệ giữa các nước Hồi Giáo và không Hồi Giáo và cuộc tranh luận về tự do tôn giáo trong thế giới Hồi Giáo.

Weigel cho biết “Magdi Allam đã can đảm bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của tất cả trong khi chỉ trích sâu sắc những dòng tư duy trong Hồi Giáo trong đó phủ nhận quyền cải đạo của người Hồi Giáo. Giờ đây, anh tiếp tục cuộc chiến của các ý tưởng từ một hố cá nhân khác, có thể nói thế”.

Theo Weigel, những đồng minh Hồi Giáo hữu hiệu nhất trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo là “những người Hồi Giáo muốn làm cho Hồi Giáo trở nên khoan dung, văn minh và đa nguyên”.

Phiên bản Hồi Giáo của Osama Bin Laden, theo Weigel, không chỉ là kẻ thù của hầu hết thế giới không Hồi Giáo, nhưng cũng là kẻ thù của những người Hồi Giáo không chia sẻ khái niệm về những đòi buộc Hồi Giáo do Bin Laden đưa ra.

Trong khi đề cập đến những chủ đề đã được đề cập trong cuốn “Đức Tin, Lý Trí và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo”, Weigel nói rằng bài thuyết trình tại Đại Học Regensburg của Đức Thánh Cha đã “xác định những vấn nạn liên kết với nhau tại trung tâm của hàng loạt những rối ren trong thế giới chính trị ngày nay”. Những vấn nạn này bao gồm cả sự tách rời giữa đức tin và lý trí như trong trường hợp của chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo, lẫn sự đánh mất đức tin trong lý trí như được thể hiện nơi “những nền văn hóa cao” của Âu Châu và Mỹ Châu. Sự tách rời trên phương diện thần học giữa đức tin và lý trí cổ vũ khái niệm cho rằng Thiên Chúa có thể và đang đưa ra những lệnh truyền vô lý, chẳng hạn như giết hại những người vô tội. Sự thiếu tự tin trong lý trí của người Tây phương “dẫn đến Tây phương bị tước khí giới về tri thức trước thách đố của chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo”.

Tại Regensburg, Đức Giáo Hoàng đã mang lại cho thế giới một “kho từ vựng dùng để đương đầu với những vấn nạn này”, đó là “kho từ vựng của sự hợp lý và sự vô lý”.

Theo Weigel, Hoa Kỳ sẽ khó lòng đạt được một chiến thắng trong cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan nếu vị tổng thống tương lai không hiểu “bản chất của kẻ thù hay của cố gắng đa diện trong đó chúng ta phải dự phần”.
 
Tây Tạng: Gậy ông đập lưng ông qua lời kêu gào ''Tibet không có tự do!“
Hà Long
17:38 28/03/2008
TIBET- "Tibet không có tự do! Tibet không có tự do!“ Sau lời kêu gào này vị tăng sĩ trẻ Tây Tạng đã trào nước mắt trên khuôn mặt. Tại đền thờ Jokhang Temple - một nơi thờ phượng thiêng liêng nhất của dân tộc Tây Tạng - 30 tăng sĩ trẻ Tây Tạng với sự căm phẫn và tuyệt vọng đã tạo nên cuộc biểu tình ngoạn mục ngay trước các máy thu hình làm cho nhà cầm quyền Bắc Kinh rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Vietcatholic đã đưa tin nhanh chóng trong vòng 1 giờ sau khi nguồn tin nóng bỏng này được phát hành trên toàn thế giới.

Trên 700 nhà báo của giới Tây phương đang hiện diện tại Trung cộng thì chỉ có 26 phóng viên được tuyển chọn do nhà cầm quyền Bắc Kinh tổ chức kỹ lưỡng và dàn dựng công phu đưa vào thăm thủ đô Lhasa ngày thứ năm, 27/3/2008. Trung cộng đã ban đặc ân này cho 26 phóng viên và nghĩ rằng dùng họ làm tuyên truyền cho chính sách ổn định tại Lhasa. Những số nhà báo còn lại không được mời với một lý do rất đơn giản là Bắc Kinh không đủ sức lo được an toàn tính mạng cho họ. Bắc Kinh đóng kịch như một trò hề nhưng bị bể hũ và tự bôi nhọ nhem nhuốc trên khuôn mặt của mình.

30 tăng sĩ trẻ Tây Tạng này đang tuyệt vọng nhưng thật dũng cảm kiêu hùng, họ sẵn sàng chấp nhận hậu quả khi các nhà báo rời khỏi Lhasa. Tuy vậy họ đã làm cho nhãn quang của thế giới tự do được mở rộng và nhìn rõ hơn sự tuyên truyền độc hại một chiều của Bắc Kinh.

Ngay hôm sau, ngày 28/3/2008 thế giới tự do đã có phản ứng thật rõ rệt:

- Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk, người thủ tướng đầu tiên của phương Tây lên tiếng không tham dự ngày khai mạc Olympia Bắc Kinh. Ba Lan là một nước bình thường không có ý đẩy mạnh chủ đích này. Tuy nhiên sự hiện diện của các nhà chính trị nơi tổ chức Olympia đối với ông Tusk không phù hợp lắm, ông Donald Tusk phát biểu với báo chí.

- Tổng thống Tiệp, ông Vaclav Klaus cũng tuyên bố tương tự như thế.

- Chiều cùng ngày chính phủ Đức thông báo cho biết nữ thủ tướng Angela Merkel và bộ trưởng ngoại giao Đức, ông Frank-Walter Steinmeier sẽ không đến tham dự ngày khai mạc Olympia Bắc Kinh. Các thành phần nội các Đức cũng không đến tham dự, ngoài bộ trưởng nội vụ và thể thao, ông Wolfgang Schäuble sẽ đến Bắc Kinh thăm phái đoàn Đức vào ngày tranh tài thứ 10 sau lễ khai mạc.

- Văn phòng của tổng thống Đức cho biết thông thường những ngày khai mạc và bế mạc của các Thế Vận Hội Olympia thường có sự hiện diện của tổng thống Đức. Tuy nhiên tại Olympia 2008 này người ta sẽ không thấy tổng thống Horst Köhler trong hàng ghế khán giả.

- Nhiều dân biểu Quốc hội Âu Châu đã mặc áo T-shirt màu đen và 5 chiếc còng vào họp tại quốc hội Âu Châu ngày 26/3/2008.

- Quốc hội Âu Châu quyết định mời Đức Dalai Lama đến nói chuyện tại Quốc hội Âu Châu vào tháng 12/2008.

Thế cờ domino đang ngả dần gây nên bất lợi to lớn cho Bắc Kinh. Nhìn lại thời gian biểu tình của người Tây Tạng vừa đúng 2 tuần thì dân tộc này đang đạt được nhiều hậu thuẫn quan trọng của Tây phương như chưa bao giờ Tibet được chú ý như thế trong giai đoạn này.

Như thế 30 tăng sĩ trẻ Tây Tạng quả cảm tại đền thờ Jokhang Temple đã góp phần không ít vào việc gây thiện cảm nơi thế giới tự do cho dân tộc Tây Tạng.

Bắc Kinh đã dùng gậy ông đập lưng ông vào ngày thứ năm, 27/3/2008 khi đang diễn tuồng trước ống kính thu hình tại thủ đô Lhasa.
 
Đức Dalai Lama: Trung quốc cần chấp nhận thực tại là những lời xảo trá không còn tác dụng nữa
Thúy Dung
19:48 28/03/2008
Ngày 27/3, một nhóm nhà sư Tây Tạng đã bất ngờ nhào tới trước mặt một nhóm 26 ký giả ngoại quốc đang được các viên chức trong chính quyền Trung quốc dẫn đi tham quan vòng quanh Lhasa để tuyên truyền. Các nhà sư nước mắt đầm đìa nói với các ký giả nước ngoài rằng Tây Tạng không hề có tự do tôn giáo. “Đừng tin những gì họ nói. Họ lừa dối các anh – Họ toàn nói xạo”.

Các nhà sư vừa khóc vừa trả lời các ký giả
Các nhà sư khóc trước các ký giả
Hình ảnh các nhà sư trẻ nước mắt đầm đìa đã làm xúc động lương tâm nhân loại trên thế giới. Từ thành phố Dharamsala, một thành phố nhỏ thuộc Ấn Độ ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn, nơi đặt tổng hành dinh của chính phủ lưu vong Tây Tạng, Đức Dalai Lama nói với các ký giả: “Trung quốc cần phải chấp nhận một thực tại. Tôi muốn nói điều này. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi. Những trò vờ vĩnh hay những lời xảo trá không còn tác dụng nữa”.

Trong khi đó Coca-Cola, và Samsung Electronics bày tỏ lo ngại về việc quảng cáo tại Thế Vận Hội. Tại lễ rước đuốc Thế Vận ở Hy Lạp tuần qua, những người biểu tình đã phá ngang bài diễn văn của đại diện Trung quốc và trương lên những biểu ngữ phản đối. Những hình ảnh chiếu sau đó liên quan đến việc các giới chức an ninh nhào tới đấm đá và bắt giữ những người biểu tình đã làm Coca-Cola, và Samsung Electronics lo ngại là quảng cáo của họ có nguy cơ gây tác dụng ngược. Các công ty này cho biết có 3 công ty đã tài trợ cho việc rước đuốc Thế Vận là Coca-Cola, Samsung Electronics, và Lenovo – một công ty ráp máy vi tính của Trung quốc. Mỗi công ty Coca-Cola, và Samsung Electronics đã phải bỏ ra 15 triệu Mỹ Kim.

Các cố vấn quảng cáo và các nhà khoa học chính trị bày tỏ kinh ngạc về “mạng lưới ủng hộ Tây Tạng”. Người ta thấy người Tây Tạng biểu tình ở khắp mọi nơi trên thế giới một cách rất có hệ thống và được tổ chức chặt chẽ, đánh vào những thời điểm và những hoàn cảnh hết sức nhạy cảm. Họ có mặt ở Sydney Úc Châu, ở New York trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, Washington, San Francisco Hoa Kỳ, ở Paris, ở Brussels trước nghị viện Châu Âu, ở Seoul và cả ở những nơi bất ngờ nhất như tại Thánh Địa Giêrusalem cũng có họ. Và họ toàn là những sinh viên còn rất trẻ nói tiếng Anh rất lưu loát.. Có rất nhiều điều những nhà tranh đấu Việt Nam có thể học được nơi người Tây Tạng.

Dan Parr, giám đốc Trung Tâm Á Châu – Thái Bình Dương của công ty Brand Rapport cố vấn marketing trên phạm vi toàn cầu nhận định: “Điều bắt đầu tưởng như một nhóm nhỏ của một tổ chức tầm thường không đáng quan ngại đang trở thành một mối quan tâm rất rất đáng kể. Những người đứng ra bảo trợ các hoạt động Olympic với dụng ý quảng cáo đang bày tỏ quan ngại sâu xa với chúng tôi”.

Dan Parr cho biết ở nhiều nơi, các cuộc biểu tình của người Tây Tạng đã được sự tham gia nồng nhiệt của những người địa phương, những người mà có lẽ trước đây vài tuần “không biết nước Tây Tạng ở đâu trên bản đồ thế giới”.

Đuốc thế vận sau khi đưa về Bắc Kinh sẽ được đưa đến Almaty, Kazakhstan; Istanbul; St. Petersburg, Russia; London; Paris; San Francisco; và Buenos Aires, trước khi trực chỉ Phi Châu và vùng Trung Đông. Sau đó xuyên qua Á Châu, Australia, trước khi đưa về các tỉnh của Trung quốc trong đó có Tây Tạng. Dan Parr lo lắng rằng tại khắp các nơi sẽ có những cuộc biểu tình phản đối. Đuốc càng rước đến đâu làn sóng phản đối Trung quốc sẽ lan tới đó.
 
Top Stories
Pope meets with UN leader
CWNews
12:03 28/03/2008
Vatican, Mar. 27, 2008 (CWNews.com) - Pope Benedict XVI received the president of the United Nations General Assembly, Srgjan Kerim of the former Yugoslav Republic of Macedonia, in an audience on March 26.

The two discussed plans for the Pope’s April 18 visit to UN headquarters in New York City. The Pontiff's speech at the UN is a central focus of the plans for his April visit to the US.
 
Le grand séminaire de Nha Trang est autorisé à recruter des candidats chaque année et n’est plus astreint au numerus clausus
Eglises d'Asie
12:53 28/03/2008
Le grand séminaire de Nha Trang est autorisé à recruter des candidats chaque année et n’est plus astreint au numerus clausus

Désormais, trois des sept grands séminaires fonctionnant actuellement au Vietnam ont obtenu du gouvernement l’autorisation de procéder à un recrutement annuel d’étudiants. Après Hanoi en 2005 et Saigon en 2007, c’est au tour de la maison de formation sacerdotale interdiocésaine Etoile de la mer de Nha Trang d’obtenir cette autorisation, depuis longtemps demandée par la Conférence épiscopale du Vietnam. Le P. Pierre Pham Ngoc Phi, directeur du séminaire, a informé l’agence catholique d’information Ucanews que son établissement était, depuis le 28 septembre 2007, habilité à accueillir, chaque année, une nouvelle classe de candidats au sacerdoce. Le prêtre y voit le signe d’une ouverture plus grande du gouvernement, une ouverture favorisée par l’adhésion du Vietnam à l’Organisation mondiale du commerce (OMC) à la fin de l’année 2006.

L'ordination à Hưng Hóa
Dans les années qui ont suivi le mois d’avril 1975, tous les séminaires du Vietnam ont progressivement fermé leurs portes. La situation s’est débloquée à la fin des années 1980 et s’est améliorée peu à peu. En 1987, le grand séminaire de Hanoi ouvrait ses portes, suivi par celui de Hô Chi Minh-Ville. Plusieurs autres étaient autorisés à fonctionner: Cân Tho et Vinh Thanh en 1988, Nha Trang en 1992, Huê en 1994 et, plus récemment, Xuân Lôc, considéré par le gouvernement comme une annexe du grand séminaire de Saigon. Les premières années, les grands séminaires devraient attendre six ans pour recruter une nouvelle promotion. En 1991, ce délai fut ramené à trois ans, puis, à partir de 1993, le recrutement eut lieu tous les deux ans. C’est encore, en principe, la règle dans quatre des grands séminaires vietnamiens (Vinh Thanh, Huê, Can Tho et Xuân Lôc). En 2005, le grand séminaire de Hanoi a été autorisé à recevoir une nouvelle classe au début de chaque année scolaire. Après l’obtention de cette même autorisation par Saigon et Nha Trang en 2007, les responsables des divers séminaires espèrent que cette réglementation sera, sans tarder, étendue à tous les autres établissements de formation sacerdotale.

A leur réouverture, à la fin des années 1980 et au début des années 1990, outre le recrutement à long intervalle, les séminaires étaient aussi soumis à la règle du numerus clausus. Lorsque que le séminaire de Nha Trang ouvrit ses portes en 1991, il ne pouvait recevoir que 30 séminaristes (10 du diocèse de Ban Mê Thuôt, 10 de Nha Trabg et 10 de Quy Nhon). Chaque année, le diocèse proposait une liste de 40 ou 45 candidats aux autorités gouvernementales qui n’en retenaient que 30. Le P. Phi a fait remarquer que désormais les autorités locales ne fixent plus de limites au nombre de candidats accueillis. En septembre dernier, la nouvelle classe du séminaire Etoile de la mer comptait 44 séminaristes, au lieu de 30 dans les années précédentes. Selon les prévisions, ce nombre devrait encore augmenter lors la prochaine année scolaire. A ces séminaristes réguliers, il faut ajouter de nombreux étudiants âgés n’ayant pu terminer leurs études à cause des circonstances. Ils viennent parachever leur formation au séminaire de Nha Trang dans le cadre d’un recyclage théologique. Ils sont cette année 84, issus de neuf diocèses.

Selon un rapport présenté à Rome par une délégation de directeurs de séminaire récemment venus en stage de formation en cette ville, l’Eglise du Vietnam comptait, en 2005, 1 070 séminaristes. Leur direction et leur enseignement étaient assurés par 50 prêtres résidents et 103 enseignants non résidents.

Légende photo: 14 février 2006, Son Tay: l'évêque de Hung Hoa ordonne 11 prêtres venant de terminer leurs études au séminaire Etoile de la Mer de Nha Trang

(Source: Eglises d'Asie)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Việt Nam Công Giáo: Dân Chúa Việt Nam (13)
Hà Minh Thảo
17:35 28/03/2008
NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO:

CHƯƠNG X: DÂN CHÚA VIỆT NAM


I.- VĂN BẢN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Để mở đầu Chương nầy, chúng tôi xin đề nghị về những điều căn bản sau đây với ước mong được chúng ta cùng chia sẻ:

1. Tin Mừng Đức Kitô cần được chấp nhận như là ĐẠI HIẾN CHƯƠNG của những Kitô-hữu hợp thành Giáo Hội Công giáo.

Bốn sách đầu tiên của Tân Ước là những sách Tin Mừng (hay Phúc Âm) theo các Thánh Sử Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tin Mừng có tính ưu việt trên hết, vì những sách đó là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Công đồng Vaticanô II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các Tông Đồ hay của những vị đã sống bên các Tông Đồ ghi chép lại do ơn linh hứng của Thánh Thần. Những chứng từ Đức Tin này mang hai đặc điểm:

a.- được viết lại sau những biến cố nền tảng của Kitô giáo: phục sinh, thăng thiên và hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu, khiến cho các Tông Đồ có một hiểu biết thâm trầm hơn về các việc làm và lời nói của Người;

b.- đậm nét đặc thù của từng tác giả: khi viết sách Phúc Âm, từng tác giả đã phải chọn lựa những yếu tố đã được truyền khẩu hay được ghi lại thành văn, cộng thêm những hiểu biết riêng của mình mà ghi chép một tác phẩm Tin Mừng.

Công đồng Vaticanô II đã long trọng khẳng định lịch sử tính của các sách Tin Mừng vì trung thành truyền lại những gì Đức Giêsu thực sự đã làm và đã dạy, luôn được truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Đức Giêsu. Phúc Âm vừa là chứng từ về Đức Giêsu lịch sử, vừa là chứng từ về niềm tin của các Tông Đồ sau phục sinh, và cũng là công trình soạn thảo của các tác giả thánh.

2. Tất cả các VĂN KIỆN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO đều phải căn cứ vào Tin Mừng vì các Phúc Âm trung thành truyền lại những gì Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh, thực sự đã làm và đã dạy. Thí dụ:

a. Công Đồng Chung Vatican II đã công bố 4 Hiến chế:

Về phụng vụ, về cơ cấu và bản chất của Giáo Hội, về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và về mặc khải của Thiên Chúa. Công đồng đã đưa ra 9 Sắc lệnh: về phương tiện truyền thông xã hội, Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, hiệp nhất, nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, canh tân thích nghi đời sống dòng tu, đào tạo linh mục, tông đồ giáo dân, hoạt động truyền giáo, chức vụ và đời sống linh mục. 3 bản Tuyên Ngôn: liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, giáo dục Kitô giáo và tự do tôn giáo. Trong đó, có:

- Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes):

Hy vọng và lo âu. Để chu toàn phận vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy… (Số 4)

- Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium)

Giáo Hội, bí tích trong Đức Kitô. Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Đồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. (Số 1)

… Thực thế, Giáo Hội là chuồng chiên mà Chúa Kitô là cửa vào duy nhất và cần thiết (x. Ga 10,1-10). Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x. Is 40,11; Ez 34,11 tt). Tuy được các mục tử phàm nhân chăn dắt, những chiên ấy luôn được chính Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành và Thủ Lãnh các mục tử, dẫn dắt và nuôi dưỡng (x. Ga 10,11; 1P 5,4). Người đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10,11-15). (Số 6)

… Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến "rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng... cứu chữa các tâm hồn đau khổ" (Lc 4,18), "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất" (Số 8)

b. Tông Hiến "Sacrae Disciplinae Leges",

Đức Gioan Phaolô, Giám Mục, Tôi tớ của các Tôi tớ Chúa, đã ký ngày 25.01.1983, vào năm thứ năm của chức nhiệm Giáo Hoàng, để ban hành Bộ Giáo Luật hiện hành. Bộ Giáo Luật ngày 25.01.1983 ghi hai nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo:

- Nhiệm Vụ Giáo Huấn (Quyển III);

- Nhiệm Vụ Thánh Hóa (Quyển IV).

… Thực vậy, Chúa Kitô không muốn phá hủy gia sản kỳ cựu của lề luật và các tiên tri đã được thành hình dần dần qua giòng lịch sử và kinh nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước. Đúng ra, Ngài đã kiện toàn nó (xem Mt 5,17), để cho gia sản ấy trở thành, dưới một hình thức mới mẻ và cao thượng hơn, một phần của gia sản Tân Ước…

… Bộ Giáo Luật này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo Hội, cách riêng đã được trình bày do giáo huấn chính thức của Công Đồng Vatican II xét trong toàn bộ và nhất là trong học thuyết về Giáo Hội. Thực vậy, phần nào Bộ Giáo Luật mới có thể được coi như một cố gắng phi thường để diễn dịch đạo lý của Công Đồng về Giáo Hội ra ngôn từ pháp lý…

c. Thông điệp của Đức Thánh Cha.

c1. - Ngày 25.12.2005, Lễ trọng Sinh nhật của Chúa ngày Lễ Kính Thánh Anrê Tông Đồ, tại Đền Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành thông điệp đầu tiên có tên ‘Deus Caritas Est’ (Thiên Chúa là Tình Yêu).

… Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa: người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Là Kitô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định. Phúc Âm Thánh Gioan mô tả biến cố này trong những từ sau: « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì... được sống muôn đời. » (Ga 3:16). Khi nhìn nhận vị thế trung tâm của tình yêu, đức tin Kitô giữ lại phần nòng cốt của niềm tin Do Thái, đồng thời cho đức tin này một chiều sâu và một chiều rộng mới. Những tín hữu Do Thái Giáo nhiệt thành thường cầu nguyện hàng ngày với những lời trong sách Đệ Nhị Luật diễn tả trọng tâm cuộc sống của họ: « Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. » Chúa Giêsu đã kết hiệp vào một giáo huấn duy nhất lề luật mến Chúa và yêu người được tìm thấy trong sách Lê Vi « Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình » (Lv 19:18; x. Mc 12:29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x Ga 4:10), tình yêu giờ đây không chỉ là một ‘giới răn’; nhưng là lời đáp trả cho hồng ân tình yêu qua đó Thiên Chúa gần gũi với chúng ta. (Số 1)

Đó là một phần trong sự vươn lên đến những cấp độ cao hơn của tình yêu, và trong sự thanh luyện bên trong mà tình yêu giờ đây đang tìm kiếm hầu trở nên một chọn lựa dứt khoát, trong một ý thức gồm hai mặt: cả tính độc quyền (chỉ một người cụ thể mà thôi) lẫn sự ‘vĩnh viễn’. Tình yêu bao gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn. Tình yêu thật sự là ‘một trạng thái ngây ngất’, không phải trong ý nghĩa của một thoáng mê say, nhưng hơn thế nó như là một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình, và như thế hướng đến sự khám phá đích thật chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa: « Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống » (Lc 17:33), như Chúa Giêsu đã nói trong suốt các sách Tin Mừng (x. Mt 10:39; 16:25; Mc 8:35; Lc 9:24; Ga 12:25). Trong những lời này, Chúa Giêsu vẽ ra con đường của chính Ngài, qua Thập Giá dẫn đến Phục Sinh: con đường của hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, để sinh nhiều hoa trái. Bắt đầu từ những chiều kích thâm sâu trong lễ hy sinh của Ngài và trong tình yêu đạt đến mức viên mãn sau đó, Ngài vẽ ra cho chúng ta thấy qua những lời này đâu là yếu tính của tình yêu và thực sự đâu là yếu tính của chính cuộc sống. (Số 6)

... Nguyên tắc này là điểm khởi hành để hiểu những dụ ngôn lớn của Chúa Giêsu. Người nhà giàu (x Lc 16:19-31) van xin từ chốn ngục hình của mình để anh em ông được biết về những gì xảy đến cho những ai bỏ mặc người nghèo trong cùng bách. Chúa Giêsu xem lời kêu cầu này như một lời cảnh cáo để giúp chúng ta quay về chính lộ. Dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành (x Lc 10:25-37) đưa ra hai điều minh bạch hóa hết sức quan trọng. Cho đến lúc đó, khái niệm ‘anh em’ được hiểu là ám chỉ đặc biệt đến những người đồng hương và những khách ngoại kiều cư trú trên đất Israel; nói cách khác, đến một cộng đoàn khép kín của một đất nước hay một dân tộc chuyên biệt. Giới hạn này giờ đây bị hủy bỏ. Bất cứ ai cần đến tôi và bất cứ ai tôi có thể giúp đều là anh em tôi. Khái niệm ‘anh em’ giờ đây được hoàn vũ hóa, tuy thế nó vẫn giữ nguyên tính cụ thể. Dù được nới rộng ra tới toàn nhân loại, nó không bị giản lược thành một biểu thị tình yêu khái quát, trừu tượng và không đòi hỏi, nhưng là những lời mời gọi cho dấn thân thực tiễn của tôi ở đây và ngay bây giờ. Giáo Hội có nghĩa vụ diễn dịch luôn mới mẻ quan hệ này trong mối tương quan với đời sống của các tín hữu ở mọi nơi mọi lúc. Cuối cùng, chúng ta phải đặc biệt nhắc đến dụ ngôn Ngày Phán Xét Sau Cùng (Mt 25:31-46), trong đó tình yêu trở thành tiêu chuẩn cho quyết định chung cuộc xem cuộc sống của một con người là xứng đáng hay không. Chúa Giêsu đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những người đang trong vòng lao lý. "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40) Mến Chúa và yêu người đã trở thành một: trong những người anh em bé nhỏ nhất, chúng ta tìm thấy chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa. (Số 15)

Thánh Augustinô đã viết: « Nếu bạn thấy tình bác ái thì bạn nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi ». Trong những giòng suy tư trên, chúng ta đã hướng về Đấng bị đâm thâu (x. Ga 19,37; Dcr 12,10), để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa Cha, Đấng do tình yêu thôi thúc (x. Ga 3,16), đã sai Con yêu dấu duy nhất của mình đi vào thế giới để cứu chuộc con người. Khi chết trên Thập giá - như thánh Gioan kể lại - Đức Giêsu đã ‘trao Thần Khí’ (x. Ga 19,30), báo trước quà tặng là Chúa Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi phục sinh (Ga 20,22). Như thế đã ứng nghiệm lời hứa về ‘những dòng sông mang nước hằng sống’ sẽ tuôn chảy từ tâm hồn các tín hữu, qua việc đổ tràn của Chúa Thánh Thần (Ga 7,33-38). Quả thế, Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh bên trong làm hoà nhập trái tim của họ với trái tim của Đức Giêsu và thúc đẩy họ yêu thương anh em mình như Đức Giêsu đã yêu thương họ, khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1; 15,13) và nhất là, khi Người trao ban mạng sống Người cho chúng ta (Ga 13,1; 15,13). (Số 19)

c2. Ngày 30.11.2007, ngày Lễ Kính Thánh Anrê Tông Đồ, tại Đền Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành thông điệp thứ hai mang tên ‘Spe Salvi’ (Được cứu rỗi nhờ Đức Tin).

… Thật vậy, “Đời đời” gợi cho chúng ta ý tưởng về điều gì đó không chấm dứt, và điều đó làm chúng ta lo sợ; “sự sống” khiến chúng ta nghĩ đến cuộc sống mà chúng ta biết và yêu mến nó, cũng như không muốn đánh mất đi, dù rằng thường khi nó mang lại nhiều phiền nhiễu hơn là thỏa mãn, đến mức một mặt chúng ta muốn, một mặt chúng ta lại không muốn cuộc sống đó. Hãy tưởng tượng chúng ta đang được đứng bên ngoài cõi tạm đang giam cầm chúng ta và ở một mức nào đó cảm thấy được rằng đời đời không phải là một chuỗi vô hạn những ngày tháng kế tiếp nhau của thời gian, nhưng là điều gì đó giống giây phút tột cùng của thỏa mãn hơn, trong đó tổng thể ôm lấy chúng ta và chúng ta ôm lấy tổng thể - chúng ta chỉ có thể thử nghĩ như vậy. Nó giống như là nhào vào đại dương của tình yêu vô hạn, một thời khắc trong đó thời gian – trước và sau - không còn hiện hữu nữa. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt ý tưởng là một thời khắc như vậy là cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, một sự nhận chìm mới mẻ chưa từng có vào trong cõi bao la của nhân sinh, trong đó chúng ta ngập tràn niềm vui. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã diễn tả trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:22). Chúng ta cần suy tư theo những dòng này nếu chúng ta muốn hiểu đối tượng của niềm hy vọng Kitô Giáo, muốn hiểu về điều mà đức tin của chúng ta, chất Kitô hữu của chúng ta, khiến chúng ta trông mong. (Số 12)

Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên - những người đang chiếu rõi ánh sáng của Chúa và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao của hy vọng cho chúng ta? Khi Mẹ “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới của chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một con người như chúng ta, và dựng lều ở giữa chúng ta (xem Ga 1:14)

… chúng ta phải làm hết sức chúng ta để vượt thắng đau khổ, nhưng loại trừ hoàn toàn đau khổ khỏi thế giới này là việc vượt quá tầm tay chúng ta. Đơn giản là vì chúng ta không thể loại bỏ sự giới hạn của chúng ta và vì không ai trong chúng ta có khả năng loại trừ quyền lực của sự dữ, của tội lỗi, như chúng ta thấy, vốn là nguồn mạch thường hằng của đau khổ. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm điều ấy: chỉ mình một Thiên Chúa đã tự ý đi vào lịch sử khi làm người và chịu đau khổ trong lịch sử. Chúng ta biết rằng vị Thiên Chúa ấy hiện hữu, và vì thế chúng ta biết rằng quyền năng “xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29) đang hiện hữu trong thế giới. Nhờ đức tin vào sự hiện diện của quyền năng ấy, hy vọng về một thế giới được chữa lành đã nổi lên trong lịch sử. Tuy nhiên, đó là hy vọng—chưa được hoàn thành; hy vọng đem lại cho chúng ta sự can đảm để đặt mình vào phía sự thiện dù sống trong những hoàn cảnh dường như vô vọng, với niềm xác tín rằng, bao lâu giòng lịch sử bên ngoài được đề cập đến, quyền lực tội lỗi vẫn tiếp tục hiện diện cách kinh hoàng. (Số 36)

d. Văn kiện của các Thánh Bộ, Hội Đồng Giáo Hoàng.

Ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, với trách vụ Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Công Lý và Hoà Bình, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, đã ký ban hành ‘Sưu Tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành « Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội ».

Qua ‘Lời Giới Thiệu’ của Đức Hồng Y Angelo Sodano, cựu Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gởi Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Công Lý và Hoà Bình, đã viết: « … 2. Tài liệu này cũng trình bày giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng (x. Centesimus Annus, số 54), vì tài liệu này đặt con người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nần tảng trên luật tự nhiên, vì thế được xác nhận và cũng cố trong niềm tin của Giáo Hội nhờ Tin Mừng của Đức Kitô… »

3. THƯ CHUNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC.

Hội đồng Giám Mục Việt-Nam đã họp Đại hội từ ngày 24.04 đến 01.05.1980 tại Hà nội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ ‘Venerabilium Nostrorum’ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam ngày 24.11.1960, các Đức Giám Mục Việt-Nam (thiếu Đức Cha P.X Nguyễn văn Thuận) mới có dịp họp chung. 33 Đức Giám Mục đã có thư gởi toàn thể Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân cả nước ngày 01.05.1980. Trong đó, Hội đồng Giám mục Việt-Nam xác định Đường Hướng Mục Vụ được xây dựng dựa trên căn bản:

A.- Một Hội Thánh vì Loài Người. Sứ mạng của Hội Thánh:

a) không những là đem Phúc Âm và ân sủng của Chúa Kitô đến cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân 1)

b) là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp ‘Đấng Cứu chuộc con ngườĩ’ (Redemptor Hominis) rằng: ề Con người là con đường của Hội Thánh Ừ, nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người (Đấng Cứu chuộc con người, 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, giữa sứ mạng của Hội Thánh và xã hội trần thế, vì ‘dù có tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựỉng thế giới cho hợp lý, vì họ cần chung sống trong thế giới này (Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui Mừng và Hy Vọng, 21, 6).

B.- Hội Thánh trong Lòng Dân Tộc.

a)- Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt-Nam nghĩa là:

- Gắn bó với Chúa Kitô và hợp nhất với Hội Thánh toàn cầu;

- Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm ‘chăn dắt đoàn chiên của Nguời’ (Gioan 21,15-18), và ‘làm cho anh em vững mạnh’ (Luc 22,32).

- Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội Thánh thời sơ khai: « Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung» (Cv. 4,32, 2,42).

- Trung thành với tinh thẩn của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hòa mìnhvới cộng đồng xã hội mình đang sống.

Để đạt được mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mọi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội thánh ở Việt-Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn.

b)- Sự gắn bó và hòa mình với Dân Tộc và Đất Nước đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc;

- Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp với truyền thống Dân Tộc.

C.- Các Giám Mục cũng đã loan báo việc thông qua ‘Qui chế Hội đồng Giám mục Việt-Nam’

Trong Chương này, chúng ta sẽ có dịp nhắc đến Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt-Nam năm 2007 về ‘Giáo Dục Kitô Giáo’

Chúa Con và Tin Mừng Cứu Độ.

Đường lối sư phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định mình “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 6, 14). Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

4. THƯ MỤC VỤ GIÁM MỤC.

Trong Chương này, chúng ta sẽ có dịp nhắc đến bài ‘Hiệp Nhất để Xây Dựng Hiệp Nhất và Loan Báo Tin Mừng’ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài-gòn, đăng trong ‘Hội Đồng Mục Vụ’, phát hành nhân dịp ‘Hội Ngộ Niềm Tin Rôma 2003’ và Thư Mục vụ 2002-2003 của Đức Cha Emile Marcus, Tổng Giám mục Toulouse (Pháp quốc), về đề tài: ‘Linh mục và Giáo dân trong Giáo phận’.

- Ghi Chú: Các đoạn được trích trong các văn bản để chứng minh căn bản Tin Mừng mà các tác giả đã dựa vào khi viết các văn bản này.

(Còn tiếp)
 
Tin Đáng Chú Ý
Ba Vận động viên môn thi vật Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc
Minh Hải
23:21 28/03/2008
NAM HÀN - Trong hai ngày (23 và 24/3), ba tuyển thủ đội vật quốc gia là Dương Đình Nam, Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Doãn Dũng đã tìm cách bỏ đội ở lại Hàn Quốc. Trong khoảng 10 năm qua, đã có tới 8 đô vật VN trốn ở lại nước ngoài làm việc.

Sau khi giải vô địch vật châu Á kết thúc, đội tuyển vật quốc gia lên đường từ đảo Jeju về sân bay Incheon (Hàn Quốc) trước khi trở lại Việt Nam. Tại đây, ban huấn luyện phát hoảng vì hai học trò là Dương Đình Nam và Nguyễn Văn Phong đã “biến mất”. HLV Nguyễn Quang Long phải đi báo cảnh sát Hàn Quốc để nhờ sự giúp đỡ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 tiếng đồng hồ chờ đợi tại sân bay, đô vật Nguyễn Doãn Dũng, đoạt HC vàng SEA Games 24, lại trốn tiếp.

HLV Nguyễn Quang Long kể: “Trong những chuyến đi như thế này, chúng tôi rất cảnh giác nhưng khi mải lấy hành lý ở sân bay Incheon thì không thấy Dương Đình Nam và Nguyễn Văn Phong đâu. Ban huấn luyện một mặt đi báo công an và một mặt là quản số VĐV còn lại. Tôi đã kèm Nguyễn Doãn Dũng rất sát, kể cả khi đi vệ sinh vì Dũng bảo với tôi rằng nếu em muốn trốn thì đã trốn với hai anh kia rồi vả lại làm việc ở Hàn Quốc mà không có giấy tờ thì khổ lắm. Nhưng đến 3 giờ sáng hôm sau, Dũng lại bỏ trốn. Các em sẽ rất khó khăn ở Hàn Quốc vì toàn bộ hộ chiếu của họ, tôi vẫn đang cầm”.

Ngay sau khi về Hà Nội, Trưởng đoàn Lê Ngọc Minh đã gọi điện cho lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao I báo cáo sự việc. Vụ đã đề nghị ông Minh và các HLV làm bản tường trình, chuẩn bị cho cuộc họp kiểm điểm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ phó Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT, thì cả 3 VĐV trên đều có trình độ chuyên môn tốt, tập luyện và thi đấu nghiêm túc, nên BHL mới quyết định cho đi thi đấu nước ngoài.

Trong khoảng 10 năm qua, đã có 8 VĐV vật bỏ trốn và 7 trong số đó là VĐV của Hà Nội. HLV Nguyễn Quang Long giải thích cho hiện tượng này: “Chế độ đãi ngộ cho các em ở đội tuyển Vật quốc gia chẳng đáng bao nhiêu. Phần lớn các VĐV vật đều xuất phát từ nông thôn và họ dễ bị cám dỗ về kinh tế, lợi ích trước mắt đánh gục. Chúng tôi không thể làm gì được để ngăn chặn các tuyển thủ bỏ trốn. Chẳng lẽ, phải còng số tám tay VĐV vào với HLV cả ngày, cả đêm sao?”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm Nắng
Nguyễn T. Hoà
00:30 28/03/2008

TẮM NẮNG



Ảnh của Nguyễn T. Hoà.

Nắng tháng ba hiền lành như cây cỏ

Lòng nhẹ tâng chẳng còn chút gợi buồn

Tôi chợt ước mình sẽ là ngọn gió

Cùng với người dạo bước du xuân..

(Trích thơ của CV)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News