Ngày 18-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lậy Chúa, Con sai rồi!
Thiên Phong
15:58 18/03/2011
Dạo gần đây, có những cuộc biểu tình tranh đấu làm nức lòng hàng triệu người trên thế giới. Người ta nắm tay nhau xuống đường và nói: “Chúng tôi muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các ông sai rồi. Các ông có vấn đề. Các ông phải thay đổi.” Để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, không bao giờ là điều dễ dàng. Dù chỉ là biểu tình bất bạo động, như ở Tunisia, Ai Cập, thì giá phải trả cũng đến hàng chục, hàng trăm sinh mạng. Ở Lybia, người ta đi đến dùng súng đạn, nên máu me chết chóc càng tràn lan và chồng chất nhiều hơn. Đôi khi tôi mơ giấc mơ rất trẻ con, mơ rằng bất chợt sau một đêm thức dậy, tất cả các nhà lãnh đạo độc tài, tham nhũng, các tổ chức tội phạm, các kẻ gian manh, táng tận lương tâm trên toàn thế giới này bỗng cùng nhau nắm tay, xuống đường, hừng hực khí thế biểu tình và hô lớn: “Vâng, mọi người có quyền có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vâng, chúng tôi sai rồi. Chúng tôi có vấn đề. Chúng tôi cần thay đổi!”

Giấc mơ trẻ con. Vì đó là điều không tưởng. Nhìn nhận rằng “tôi sai rồi, tôi có vấn đề, tôi phải thay đổi” là điều rất khó, nếu không nói là khó nhất trần đời. Thường, tôi thích (thậm chí có năng khiếu) săm soi người hơn là truy xét chính bản thân mình. Tôi khen người này, trách người kia, đôi khi là có lý và xuất phát từ lòng quan tâm của mình. Nhưng rất ít khi những hay, dở của người thực sự đem lại một thay đổi đáng kể trong đời tôi. Tôi vẫn dậm chân, vẫn ì lại đó, mặc bao tháng năm trôi, chỉ vì.. . tôi chưa đủ nghiêm cẩn nhìn lại chính mình. Xem chừng như nơi tôi mọi sự đều ổn cả, tôi không có vấn đề gì, và không có gì cần phải thay đổi!

Đọc báo, thấy bao điều đáng nản. Người ta rùm beng về những vụ án giựt gân, những xì căng đan, những “sao” lộ hàng, những xe đụng, người đâm, rùa bệnh... Gần đây, loạt tin về lạm phát, bão giá, đáng gọi là “tin” hơn, thì lại cũng chỉ là tin gây thêm rầu. Tôi ước gì mình có khả năng để xắn tay áo lên dàn xếp lại tất cả, chấn chỉnh, đổi thay tất cả – không chỉ đất nước và Giáo Hội địa phương mình, mà cả thế giới này – cho được tốt hơn hay ít ra là bớt buồn bớt tệ hơn. Nhưng rồi bỗng giật mình: Ai cần thay đổi trước, thế giới này, những người xung quanh tôi, hay là.. . chính tôi? Và liệu có ý nghĩa gì cho tôi, nếu mọi sự xung quanh mình trở nên tốt hơn còn chính mình thì không hề nhúc nhích? Và còn nữa, một dấu hỏi vỗ thẳng mặt mình mà tôi không thể ỡm ờ hay ấm ớ: Phải chăng cuộc sống này, đất nước này, thế giới này ngổn ngang bao vấn đề như thế cũng bởi vì tôi chưa thật sự thay đổi chính tôi? Phải chăng điểm bắt đầu cho mọi cuộc thay đổi không ở nơi ai hay nơi đâu khác ngoài chính bản thân mình?

Một mùa sám hối nữa lại về. Tiếng gọi mời hoán cải, đổi đời lại đi vào lòng mình, giục giã. Thứ Tư Tro, tôi bước tới, lặng lẽ cúi mình để được rắc lên đầu một chút tro, với lời nhắn gửi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Cử chỉ đơn sơ mà đầy hàm nghĩa. Càng là một hình ảnh cảm kích, vì mọi người cùng làm cử chỉ ấy, chứ không chỉ mình tôi. Tất cả mọi người đồng đạo với tôi – già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ, giàu, nghèo, trí thức, ít học, quí phái, bình dân, từ Giáo Hoàng, Giám Mục, cho tới những người tín hữu bé nhỏ vô danh và lẩn khuất nhất, tất cả đều thinh lặng nhận rắc tro trên đầu, một cách công khai, để muốn nói lên rằng: “Tôi sai rồi. Tôi có vấn đề. Chính tôi cần thay đổi!” Ai bảo đây không phải là một cuộc biểu tình trong mơ, một cuộc biểu tình thắp lên hy vọng cho mọi người về một Giáo Hội dấn bước vào hoán cải, nên xứng đáng là “Giáo Hội thánh thiện” hơn, và qua đó trở thành nhân tố cho một thế giới tốt đẹp hơn?

Có gì phải ngại khi nhận mình là tội nhân đâu nhỉ, bởi lẽ đơn giản: vì đó là sự thực.

Hôm kia, động đất và sóng thần kinh hoàng dập vùi một phần nước Nhật. Tất cả đều tan hoang. Hàng vạn người chết. Hàng chục vạn chịu màn trời chiếu đất. Đau thương ngút trời. Có phải là vô tình trùng hợp khi biến cố xảy ra vào đầu Mùa Sám Hối và Hoán Cải của năm nay? Ai đó nhắc về lời cảnh báo của Đức Mẹ ở Akita mấy chục năm trước, lời cảnh báo về những thảm họa có liên quan đến tội lỗi của con người, cách riêng tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội.

Và lời cảnh báo này, cách đây gần hai ngàn năm, càng khả tín hơn nữa: “Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,4-5).

Lạy Chúa, con sai rồi, con có vấn đề, xin Chúa giúp con thay đổi!

(14.3.2011)
 
Chúa Giêsu biến hình
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:49 18/03/2011
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY, năm A

Mt 17, 1-9

Cuộc đời ngắn ngủi của Chúa Giêsu ở trần gian nói lên sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha của Ngài. Bởi vì đã là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể kéo dài cuộc sống của Ngài đến vô cùng vô tận. Nhưng ở trần thế chóng qua này, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái mong manh, chóng qua của thân phận con người. Đó là, sau khi Chúa Giêsu chấp nhận sự đau khổ theo ý Thiên Chúa Cha để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã được “ biến hình đổi dạng trên núi cao “ và được Cha Ngài long trọng khen ngợi: ” Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người “ ( Mt 17, 2 ).

Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê để cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang của Ngài. Sự biến hình là phần thưởng cao quí, tuyệt vời Thiên Chúa Cha trao tặng cho Chúa Con, Đức Giêsu Kitô.Chúa biến hình trước mặt các môn đệ để các Ngài cảm nghiệm trước sự sáng láng sống lại của Chúa Giêsu. Biến hình hôm nay, Chúa chuẩn bị các môn đệ dễ dàng đón nhận sự đau khổ, cái chết thương đau của Chúa Giêsu trên thập giá. Bởi vì có đau khổ mới có vinh quang. Miêu tả biến cố biến hình, thánh sử Máccô viết: ” Áo người trở nên trắng như tuyết, trắng hơn bất cứ thứ vải nào mà các thợ tẩy có thể tẩy được “. Thánh Matthêu diễn tả: ” Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng “ ( Mt 17, 2 ). Đây là cuộc biến hình đổi dạng sau khi Chúa Giêsu đã một mực tuân hành ý Thiên Chúa Cha chấp nhận cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là chấp nhận vâng lời thánh ý Thiên Chúa Cha. Chính vâng phục ý Cha, Chúa Giêsu đã trút bỏ vinh quang, mang thân phận làm người, sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã chịu đau khổ trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, gánh tội cho con người, mặc dù Người hoàn toàn vô tội.

Chính vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu luôn phải thốt trên môi miệng lời của Chúa Giêsu: ” Lạy Cha nếu có thể được thì xin Cha cất chén đắng này xa con, nhưng đừng theo ý Con mà là theo ý Cha “ ( Mt 26, 39 ). Vác thập giá đi theo Đức Giêsu Kitô, người môn đệ Chúa sẽ được thấy sự vinh quang của Chúa. Chúa đã nói: ” Mỗi lần anh em cho một trong những kẻ nhỏ mọn này ăn, uống, mặc là các con làm cho chính Ta “. Giúp đỡ, thăm viếng những kẻ tù tội, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những kẻ khó khăn là chúng ta nhận ra khuôn mặt sáng láng của Chúa Giêsu. Người môn đệ Chúa sẽ họa lại được khuôn mặt của Chúa khi họ luôn có bộ mặt an bình, hân hoan vì có Chúa ở cùng họ.

Vinh quang của núi Tabôrê quả thực mau qua vì Chúa chỉ cho các môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy sự sáng láng, chói lòa của Ngài trong chốc lát. Người Kitô hữu, môn đệ của Chúa thấy vinh quang thì ít mà đau khổ thì nhiều, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận vì họ cảm nghiệm được Chúa đang có mặt trong cuộc đời mình và như thế, họ sẵn sàng hy sinh vác thập giá để đi theo Chúa.

Vâng, người Kitô hữu luôn phải vượt thắng tội lỗi, bản thân để chiếm lấy vinh quang là Nước Thiên Chúa.

Cả cuộc đời của người Kitô hữu là một cuộc phấn đấu không ngừng. Người Kitô hữu phải bước đi trong cuộc hành trình đức tin. Cuộc hành trình đức tin đòi hỏi con người luôn phải mặc lấy Đức Kitô. Mà đã mặc lấy Đức Kitô, người Kitô hữu phải sống như Ngài. Do đó, người Kitô hữu phải sống khiêm nhượng, sống hiền lành để bộ mặt của Đức Kitô được nổi bật trong đời sống của mình.

Mùa chay là cơ hội tốt, là dịp thuận tiện cho chúng ta ăn năn sám hối, quay về với Chúa, với anh em, sống thánh thiện và đạo đức để hướng về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô.

Canh tân đời sống, ăn chay, bố thí và cầu nguyện là ba phương thế tốt nhất để người Kitô hữu thực hiện việc sám hối…

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con để mỗi lần thực thi việc bác ái, mỗi lần cầu nguyện, mỗi lần dâng thánh lễ là mỗi lần gương mặt chúng con bừng sáng vì Chúa đang khơi lên trong trái tim chúng con ngọn lửa mến, ngọn lửa tình yêu cứu độ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Tại sao Chúa lại biến hình trên núi Tabôrê trước mặt ba môn đệ thân tín ?

2.Cuộc biến hình của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì ?

3.Thập giá gợi gì cho chúng ta ?

4.Tại sao chúng ta lại phải sám hối ?

5.Canh tân là gì ?
 
Thánh Giuse, vị thánh tuyệt vời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
16:30 18/03/2011
LỄ KÍNH THÁNH GIUSE ngày 19/3

Tháng thánh Giuse năm nay nằm trong mùa chay. Thực vui và hạnh phúc vì lúc nào trong đời sống của tôi cũng có thánh Giuse đồng hành. Suy nghĩ về thánh Giuse, một con người thinh lặng, trầm lắng, một con người hết mực làm theo ý Thiên Chúa. Điều ấy giúp tôi hiểu rõ hơn và mộ mến một Đấng Thánh cao cả, tuyệt vời, một vị thánh hay làm phép lạ và một vị thánh đã để lại mẫu gương khiêm nhượng và hiền lành.

Vâng, đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta thấy các thánh sử rất ít đề cập tới Ngài. Nếu không suy nghĩ và thiếu lòng tin, chúng ta sẽ khó hiểu về một Đấng Thánh cao cả, đã được Thiên Chúa chọn lựa làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria và là Cha nuôi của Chúa Giêsu.

Tôi luôn yêu mến, tôn kính thánh cả Giuse vì Người là Đấng có uy quyền, thần thế trước mặt Đức Giêsu Kitô và triều thần thánh trên trời. Tôi còn nhớ rất rõ lời của thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila viết: ” …Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bàu của Vị Thánh vinh phúc này “. Thánh Têrêsa Avila viết tiếp: ” Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này, việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Người với quyền làm Cha và làm Giám Quản, thì nay ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý muốn của Người, mà nhận mọi lời Người cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên chạy đến cùng Vị Bảo hộ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm “.

Thánh nữ Têrêsa Avila, một vị thánh có lòng sùng kính đặc biệt thánh cả Giuse. Thánh nữ cũng như thánh Bênađô, Bà đã nhìn thấy trong một thị kiến. Thánh Têrêsa Avila viết: ” Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, tôi được xuất thần…Tôi được mặc một chiếc áo thật trắng và chói sáng. Thoạt đầu tôi không biết ai đã mặc cho tôi. Nhưng rồi, tôi thấy Đức Mẹ ở bên hữu và Cha tôi, Thánh Giuse, ở bên tả đã mặc cho tôi. Và tôi được nghe: từ đây tôi được rửa sạch mọi tội lỗi của tôi. Sau việc mặc áo, tôi cảm thấy đầy hạnh phúc và sung sướng, và tôi thấy Đức Mẹ cầm tay tôi và nói: ” Mẹ rất vui thích khi thấy Con tôn sùng Thánh Cả Giuse vinh hiển,. Tôi có thể tin rằng ý định lập dòng của tôi sẽ thành tựu. Chúa Kitô và Hai Đấng sẽ được tôn vinh “.

Riêng tôi, khi sống với người Dân tộc Kơho đã lâu, tôi luôn cảm nghiệm tình thương và sự can thiệp của Thánh Giuse. Sống với người Dân tộc là một niềm vui và hạnh phúc bởi vì theo tôi:” người Dân tộc rất chân thành, đơn sơ và chất phác, nói một cách dân dã hơn là người Dân tộc còn chân chất núi rừng dù rằng cuộc sống hôm nay với đà văn minh tiến bộ, họ đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tấm lòng của họ vẫn luôn tốt đẹp. Họ đã theo Chúa thì tôn kính Chúa và nhiệt tâm với đạo. Tôi vẫn nói với họ về vai trò của Thánh Giuse và Đức Mẹ. Nhiều người Dân tộc có lòng sùng kính Hai Đấng một cách rất đặc biệt. Tôi luôn khuyên nhủ họ chạy đến với Thánh Giuse, xin Ngài an ủi, đỡ nâng trong mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch. Người Dân tộc đã được rất nhiều ơn lạ và họ cũng như tôi luôn tin tưởng cậy trông Hai Đấng: Mẹ Maria và Thánh Giuse. Mùa nào, tháng nào kính Mẹ và kính Thánh Giuse, chúng tôi đều có những giờ, những giây phút cầu nguyện và lòng tôn kính đặc biệt “. Tôi còn nhớ, một hôm tôi đang ngồi đọc Kinh Nhật Tụng trong phòng, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy một chị Dân tộc vai đeo một đứa con nhỏ và tay dắt một đứa khác đang đứng ngoài sân Nhà xứ, tôi làm dấu, gấp sách lại và ra gặp chị, tôi chào chị và hỏi chị:

-Chị ở đâu tới đó ?

-Chị chào tôi ( Niam să Bap – chào Cha ).

-Tôi chào chị và nói:

-Chị đi đâu đấy ?

-Chị thưa: con xin Rửa tội cho con của con ( An dăn Bap rào tis oh ăn dê ).

-Tôi hỏi: ” Sao chị sinh hai đứa gần nhau thế ? “.

-Chị thưa: Chúa, Mẹ và Thánh Giuse cho.

-Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi chị nói tới cả Thánh Giuse và thán phục về đức tin của chị.

-Tôi thầm cám ơn Chúa vì Ngài đã cho những người nhỏ bé, những người ít học, ít chữ biết Thánh Giuse.

-Tôi mời chị vào nhà thờ, rồi tôi Rửa tội cho đứa con trai bé của chị mới sinh được hơn một tháng.

Trước ảnh Đức Mẹ Ban Ơn và Thánh Giuse, tôi đã tạ ơn hai Đấng và nói với chị cám ơn Mẹ và Thánh Giuse. Chị đã cúi đầu rất sốt sắng cầu nguyện tạ ơn Đức Mẹ và Thánh Giuse. Chị đã trao, đã dâng đứa con trai bé nhỏ cho Thánh Giuse. Tôi rất cảm động về thái độ, cử chỉ cung kính của chị dân tộc Kơho đối với Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Tháng Thánh Giuse, người Dân tộc thường có thói quen hái bông rừng dâng kính Thánh Giuse. Hôm nay, tháng 3 đã đi được một nửa, mùa chay đã về, ngồi đây, tôi nghĩ lại những tháng ngày ở vùng truyền giáo Dân tộc Kơho. Tập tục, nhân sinh quan, vũ trụ quan của họ như: Ù dùl kơnắc ( đất một cục ). Rắc dùl nơm rơsòn ( chim một tổ ). Tê kăc kòe ( tay suốt lúa ). Yơng lot gùng ( chân để đi ) bơr rắc Yàng, dơschờ ( miệng để cầu nguyện, để hát ) vv…giúp tôi càng hiểu người Dân tộc hơn.

Trong niềm vui mừng kính Thánh Giuse, một Đấng Thánh tuyệt vời, một Đấng Thánh hay làm phép lạ, luôn truyền lệnh hơn là van xin ( lời Thánh Têrêsa Avila).Tôi và anh chị em dân tộc Kơho đang sống hạnh phúc bên núi rừng, bên bản làng Cao nguyên để chuẩn bị mừng kính Thánh Cả Giuse ngày 19/3.

Xin Thánh Cả Giuse, giúp mọi người chúng con biết khiêm nhường, hiền hậu như Thánh nhân để chúng con luôn noi gương bắt chước Ngài làm theo Lời Chúa. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ 16 Đến 31.3.2011
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
17:26 18/03/2011
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 16 đến 31-03-2011

Ngày 16-03-11: Miễn là chúng ta mặc áo, chứ không phải trần trụi. (2Cor 5, 3) * - Có mặc áo là có sự công phúc, việc làm công chính, trần trụi là không nhà, không áo, không có công phúc, việc làm trong ngày Chúa quang lâm. Tôi tu thân, tích đức ngay từ bây giờ.

Ngày 17-03-11: Thật thế, bao lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên siết, khổ tâm vì không muốn cởi bỏ cái này; nhưng lại muốn trùm thêm lên mình cái kia, để cho cái phải chết tiêu tan trong sự sống. (2Cor 5, 4) * - Bạn chưa muốn cởi bỏ cái này là cái lều tạm thân xác, để trùm lên ngôi nhà Thiên Quốc là sự sống vĩnh cửu. Bạn cần tự do biến đổi ngay trong Chúa Thánh Linh để tránh tình trạng trần trụi.

Ngày 18-03-11: Đấng đã tạo thành chúng ta vì mục đích ấy chính là Thiên Chúa, Người đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng. 2Cor 5, 5) * - Tôi đã lãnh nhận Thánh Thần từ khi chịu phép rửa tội, nên tôi được hy vọng cuộc sống thần linh luôn dẫn dắt và bảo chứng.

Ngày 19-03-11: Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. (Gl 3, 25) * - Bạn bị lề Luật giam giữ và thành người giám hộ, nên cớ cho bạn phạm tội, Chúa Kitô đã đến tháo gỡ. Nhờ lòng tin và phép rửa, người Tín hữu đã được tha thứ.

Ngày 20-03-11: Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. (Gl 3, 26) * - Nhờ lòng tin, mọi tín sẽ hữu kết hợp với Đức Kitô, họ có Thánh Linh ngự trong mình, nên tôi được gọi Thiên Chúa là Cha, và tôi là con cái Thiên Chúa.

Ngày 21-03-11: Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. (Gl 3, 27) * - Phép rửa dìm trong nước để bạn chết với Đức Kitô, được chia sẻ trách nhiệm cứu thế với Người, làm cho bạn có đời sống mới, chiến thắng sự dữ.

Ngày 22-03-11: Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta mạnh dạn và tin tưởng tới gần Thiên Chúa. (Êp 3,12) * - Nhờ tin vào Chúa, tôi can đảm vượt thắng mọi cám dỗ, để đến với Người.

Ngày 23-03-11: Bởi vậy, tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian chuân vì anh em: những gian chuân ấy là vinh quang của anh em. (Êp 3, 13) * - Phaolô muốn cho tôi biết sự kiên trì của ông là có lợi cho chúng ta. Tôi quyết sống hiệp nhất xứng với đời sống mới, và kết hợp với Đức Kitô bằng những sự hy sinh cho nhau.

Ngày 24-03-11: Vì lý do đó, tôi quì gối trươc mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. (Êp 3, 14-15) * - Thánh Phaolô cầu nguyện cho đời sống tâm linh của Tín hữu được thăng tiến. Bạn dành hết thì giờ để suy niệm Lời Chúa và đem ra thi hành.

Ngày 25-03-11: Vả lại nhờ ơn Chúa, tôi tin tuỏng sắp được đích thân đến thăm anh em. (Pl 2, 24) * - Tôi bắt chước Phaolô luôn khiêm tốn nói “nhờ ơn Chúa giúp,” vì có thể hy vọng mình sắp chịu tử đạo.

Ngày 26-03-11: Tôi nghĩ cần phải trả anh Êpaprôđitô về cho anh em. Anh ấy đã từng là một người anh em, một cộng sự viên, một chiến hữu của tôi…(Pl 2, 25) * - Ông Êpaprôđitô là người sứ giả phục vụ thánh Phaolô đang ở trong tù, là đại diện cho anh em Philipphê. Tôi quên mình khi phục vụ tha nhân luôn có mục đích hướng về Chúa.

Ngày 27-03-11: Thật vậy, anh ấy ốm nặng gần chết,; nhưng Thiên Chúa đã thương xót anh…để tôi khỏi buồn phiền vì hết chuyện này đến chuyện khác. (Pl 2, 27) * - Phaolô cũng buồn phiền vì tù đày và người anh em sắp chết. Tôi luôn cầu nguyện để gặp gỡ Chúa an ủi.

Ngày 28-03-11: Chính vì làm việc cho Đức Kitô mà anh đã suýt chết, đã liều mạng sống để thay thế anh em, khi anh em không đến giúp tôi được. (Pl 2, 30) * - Phaolô muốn nhắc đến ông Êpaprôđitô đã quên mạng sống mình vì mọi người. Tôi hy sinh mỗi ngày để phục vụ Tin Mừng.

Ngày 29-03-11: Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (Cl 3, 18) * - Đây là những lời khuyên tôi về luân lý giữa vợ chồng. Là Kitô hữu cùng làm cho nhau

là lẽ bình thường, là vợ tôi được ví như Hội Thánh yêu Đức Kitô.

Ngày 30-03-11: Người làm chồng hãy thương yêu vợ, chứ đừng cay nghiệt với vợ. (Cl 3, 19) * - Người chồng được ví như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh. Bạn yêu mến và tôn trọng vợ với tình yêu của Chúa, vì vợ là thân thể của mình, nên hãy nâng nui và săn sóc vợ.

Ngày 31-03-11: Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. (Cl 3, 21) * - Ngày nay các bậc cha mẹ cần đọc kỹ câu này là: “đừng cậy quyền thế để bắt buộc, áp đặt con cái phải theo ý mình. Tôi nhớ là bạn của con, gần con, cảm thông với con, giúp con vượt thắng những khó khăn, khắc khoải của tuổi trẻ.”

Ptế: JB. Maria Định Nguyễn
 
Con yêu dấu
Lm Vũđình Tường
16:25 18/03/2011
Dấu chỉ ân sủng đặc biệt Chúa ban thường đi chung với sứ mạng đặc biệt. Hai lần các tông đồ là những chứng nhân nghe Chúa Cha đàm đạo với Chúa Con. Lần thứ nhất xảy ra sau khi Đức Kitô chịu phép rửa. Khi vừa lên khỏi bờ liền có tiếng từ trời phán ra

Đây là Con yêu dấu của Ta,Ta hài lòng về Người Mat 4,17

Người Con yêu dấu được Chúa Cha hài lòng vì Người Con sống không phải để làm theo ý riêng mình nhưng để hoàn thành ý muốn của Cha mình. Đức Kitô nói

Vì tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai Tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Gioan 6,38-39

Sứ vụ Con yêu dấu gắn liền với rao giảng về nước Thiên Chúa và sự sống trường sinh cho toàn thể nhân loại.

Lần thứ hai các tông đồ chứng kiến trên núi thánh. Chúa Con biến hình, mặt Ngài sáng chói như hừng đông và y phục trắng như tuyết. Ngài đàm đạo với tổ phụ Môsê và ngôn sứ Elia. Các tông đồ hoảng sợ khi nghe có tiếng như tiếng sấm từ trời cao phán ra

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người Mat 17,5

Trên đường xuống núi Đức Kitô cho các tông đồ biết Ngài sẽ chịu đau khổ, bị bắt, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại từ cõi chết. Người Con yêu dấu hằng làm đẹp lòng Chúa Cha thực hiện việc làm hài lòng bằng cách thi hành ý muốn của Cha. Lần đầu ý của Cha là cho mọi người được nhận biết Con Thiên Chúa để nhận ơn cứu chuộc. Lần thứ hai ý của Chúa là hiến chính Con một mình làm chiên sát tế, đổ máu đào ra chuộc tội toàn thể nhân loại. Người Chúa yêu dấu là người Chúa tin tưởng giao phó cho sứ mạng chứng nhân Tin Mừng. Nhân chứng nếu cần sẵn sàng đổ máu đào ra làm sáng Danh Chúa. Đức Kitô cũng không loại trừ giải pháp đổ máu ra để nhân loại được giao hoà cùng Thiên Chúa.

Sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Mữ Maria thụ thai làm mẹ Đấng Cứu thế xác nhận Mẹ là người Chúa yêu dấu.

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà Lc 1,29

Mẹ Maria được đầy ân sủng vì có Đức Chúa ở cùng. Có Đức Chúa ở cùng để trở thành Mẹ Đức Kitô. Một ân huệ tuyệt vời và cũng là một sứ mạng cao cả. Sứ mạng mà tiên tri Simeon tuyên sấm

Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. Luca 2,35

Được đầy ân sủng Chúa luôn kèm theo một sứ vụ cao cả. Sứ vụ đó đòi hy sinh đến độ rỉ máu con tim. Hai ngàn năm qua biết bao chứng nhân Tin Mừng đi con đường Chúa đã đi qua, đổ máu mình ra làm nhân chứng. Xã hội hiểu đơn giản chết là hết, không còn gì để lo. Mọi sự trở thành quá khứ. Với tôn giáo đổ máu đào ra, thân xác bất động biến thành nhân chứng sống động. Nhân chứng đức tin không bao giờ chết. Bởi vì người ta có thể giết được thân xác mà không giết được linh hồn.

Thực ra một khi nhà cầm quyền phải dùng đến giải pháp giết chết là họ chấp nhận bất lực, đầu hàng. Người ta tự hào có thể cải hoá con người, làm thay đổi lối sống, niềm tin, cách suy nghĩ của con người. Thực tế cho thấy lao tù, hành hạ thân xác đã không làm cho lòng tin lu mờ; trái lại mọi hình thức bắt bớ, giam cầm, đánh đập, thù nghịch càng làm cho lòng tin ra sắt son. Chết, nhân chứng đức tin trở thành hào quang chiếu sáng.

Hợp lòng hợp ý

Hợp lòng, hợp ý chính là mối giây liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Khi hợp lòng, hợp ý liên kết thì hai ý nên như một. Cha vẫn là Cha; Con vẫn là Con nhưng tấm lòng, trí tưởng trở nên một. Nói rõ hơn là ý Chúa Cha hướng dẫn cuộc đời Đức Kitô. Câu tâm đầu, ý hợp diễn tả mối liên kết này. Đức Kitô luôn để cho ý Cha được thể hiện vì trong ý Cha có kết hợp mật thiết ý Con. Thi hành xong ý Cha cũng là lúc ý Con được thể hiện, kiện toàn.

Người Kitô hữu liên kết với Đức Kitô bằng cách kết hợp ý mình với ý Chúa. Vì thế Kitô hữu có thể nói Thiên Chúa đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh, tình huống khi con liên kết ý con với Chúa, để Ngài hướng dẫn đời con. Thánh Phaolô diễn tả mối tình này là

Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa sống trong tôi.Gl.2,20.

Đức Kitô diễn tả tâm tình liên kết một lòng, một ý qua hình ảnh của chính Ngài. Ta và Cha Ta là một. Ai thấy Ta là thấy Cha Gn 14,9

Đức Kitô còn thánh hiến mối giây liên kết bằng cầu nguyện. Lậy Cha xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta Gn 17,21
.

Liên kết chặt chẽ với Đức Kitô, cõi lòng người Kitô hữu luôn hướng về trời vì Thiên Chúa từ trời đến nên sau khi hoàn thành sứ vụ cứu độ Ngài sẽ về trời. Liên kết với Đức Kitô chính là liên kết với nước trời, với Đấng từ trời mà đến. Thế gian bách hại Kitô hữu, phần vì ghen tức; phần khác Kitô hữu không thuộc về thế gian. Kitô hữu trải qua đau khổ, hoạn nạn trên trần thế nên nhận thức rõ ràng sứ mạng chứng nhân Tin Mừng của mình. Được ân phúc cùng Chúa luôn kèm theo đau khổ và qua đó Danh Chúa được cả sáng hơn.
 
Cậy trông vào Thiên Chúa và Người sẽ dẫn dắt chúng ta
Jos. Tú Nac, NMS
07:21 18/03/2011
Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A (Geneses 12: 1-4; Psalm 33; Timothy 1: 8-10; Matthew 17: 1-9)

Thế giới có thể là nơi đáng sợ khi mà tất cả những mốc giới quen thuộc và những điểm tham chiếu biến mất. Khoa học viễn tưởng đã đầy rẫy những câu chuyện về những cá nhân mà tài sản, nhân dạng và nguồn gốc của họ được xóa sạch bởi một số quyền lực hoặc sức mạnh nham hiểm. Rồi sau đó điều duy nhất là sự bất lực và dễ bị tổn thương của con người trở thành chứng cứ đầy thương đau.

Có một số điểm tương đồng về câu chuyện Abraham – nhưng đó là Thiên Chúa thay vì một sưc manh tội ác ẩn phía sau nó và Abraham đã được ban cho một sự lựa chọn. Ông được yêu cầu để giũ bỏ mọi thứ - quê nhà, thần thánh, văn hóa, thân nhân và mọi thứ khác mà đã dành cho con người trong thế giới cổ đại một bản sắc và ý thức phụ thuộc nhau. Ông phải bắt đầu lên đường tới một nơi mà chỉ Thiên Chúa biết. Ông không biết điểm đến, điều gì sẽ xảy ra trên đường hoặc thậm chí mục đích tiếng gọi và sứ mệnh này. Hầu hết mọi người sẽ phải dừng ngay tại đó. Chúng ta sợ hãi trước những điều chưa biết và những gì không thể kiểm soát. Sự sợ hãi là những gì thuộc qui luật sống của con người. Nhưng để đổi lấy sự tin tưởng phi thường đó, Thiên Chúa hứa tạo cho ông trở thành người sáng lập một quốc gia vĩ đại và nguồn ơn phúc cho tất cả mọi người thuộc hành tinh Trái Đất.

Đức tin của Abraham không bao hàm giáo điều hoặc tín điều – lúc đó chúng không tồn tại – nhưng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và một lòng tự nguyện nhiệt thành để bỏ đi mọi thứ. Thiên Chúa cũng có thể cho chúng ta đầy phúc lạ. Nhưng điều này khó khăn nếu chúng ta bám víu vào những gì chúng ta đã có hoặc nơi kiểm soát và an ninh đặt lên hàng đầu bảng liệt kê giá trị của chúng ta. Tiếng gọi của Abraham cùng một tiếng gọi mà chúng ta lãnh nhận một cách riêng lẻ và như một Thánh Đường. Đó là tiếng gọi để xóa đi sợ hãi tương lai hoặc những gì chưa biết mà để tin tưởng vào Thiên Chúa và chúng ta tự cho phép mình được dẫn dắt. Nhưng một mối quan tâm quá mức để bảo mật và khả năng dự báo không chỉ bóp ngẹt sự phát triển mà còn dẫn đến những thảm họa như những sự kiện của những năm mới đây được xác nhận.

Đức tin phi thường này cũng được mô tả trong đời sống của Chúa Giê-su. Người đã sẵn sàng chịu khổ nạn và tử nạn trong lúc duy nhất chỉ dựa vào quyền năng và độ trung thực của Thiên Chúa. Qua sự tin tưởng vào Thiên Chúa Cha mà Chúa Giê-su đã mang lại cuộc sống và sự bất tử cho nhân loại qua cuộc sống gương mẫu và trung tín của Người. Tác giả 1Timothy đã khuyến khích cộng động của mình chia sẻ trong sứ mệnh Tin Mừng này. Phạm vi mà Thiên Chúa có thể sử dụng chúng ta như những công cụ còn tùy thuộc vào mức độ tin tưởng tuyệt đối mà chúng ta biểu hiện.

Trong thế giới tôn giáo cổ đại là nơi mà con người bất ngờ gặp gỡ Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ bất ngờ thiêng liêng thuộc con người tan biến trên Sinai hiện lên trong tâm trí. Sự biến hình của Chúa Giê-su không chỉ là một biểu hiện rực rỡ của quyền lực thiêng liêng. Trải nghiệm của sự biến hình này tồn tại hòa hợp với mong muốn của Thánh Mat-thêu để khắc họa chân dung chúa Giê-su như một Moses mới và là nhà làm luật. Cường độ ánh sáng cùng sự hiện diện của những hình ảnh tuyệt trần đã phản ảnh vô vàn trải nghiệm tôn giáo của Địa Trung Hải cổ đại. Moses và Elijah đã kết hợp một mối liên kết bền vững giữa Chúa Giê-su và lịch sử tôn giáo của Israel cổ đại. Moses là một nhà làm luật, Elijah tiên tri làm phép lạ và Chúa Giê-su người mà đã hứa hẹn sẽ mang lại tất cả để hoàn thành.

Với Chúa Giê-su những điều đó phô diễn những phản ứng thuộc con người bình thường. Trước hết, Thánh Phao-lô muốn xây dựng ba đền thờ tôn giáo để tưởng niệm cuộc gặp gỡ li kỳ với thần thánh thiêng liêng. Nhưng những trải nghiệm này không thể được nắm bắt và chúng ta không thể tiếp tục sống trong chúng, chúng chỉ được kinh qua. Và pha lẫn với điều này là sự sợ hãi tràn ngập mà chúng ta cảm nhận. Những phản ứng nhân loại trước những cuộc gặp gỡ luôn luôn mơ hồ: sự tò mò, trông mong và thích thú – nhưng bị dằn vặt bởi kinh hoàng và khiếp sợ. Nhưng cả hai phản ứng đều bị loại trừ bởi Chúa Giê-su.

Nhưng có lẽ chúng ta nên tập trung vào tiếng nói của Thiên Chúa truyền đi từ đám mây (như trên núi Sinai). Tiếng nói ấy lệnh truyền chúng ta lắng nghe Con Yêu Dấu – và nghe những ngụ ý vâng lời và tuân chỉ. Bài Tin Mừng này chất chứa châu báu trong vương miện của Tân ước – Bài Giảng trên Núi và những lời này xác định thẩm quyền của Chúa Giê-su và cung cấp mô hình cho nhân loại tràn đầy cậy tin Thiên Chúa. Chúa Giê-su không đến để tự tạo mình biến thành một đối tượng phụng thờ, mà là một mẫu gương cho chúng ta noi theo.

Cậy trông vào Thiên Chúa và người sẽ dẫn dắt chúng ta trên con đường chúng ta tiến bước.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Lần Chuỗi với Gia Trưởng
PM. Cao Huy Hoàng
12:56 18/03/2011
HD. Thật là ý nghĩa và hạnh phúc khi cả gia đình lần chuỗi Mân Côi với suy gẫm Năm Sự Thương, trong tháng 3 nầy, và nhất là quanh những ngày mừng Lễ Thánh Giuse, bổn mạng các Gia Trưởng.

Ý nghĩa là vì chúng ta đang được mời gọi sống mùa chay thánh.

Hạnh phúc là vì chúng ta được chiêm ngưỡng tấm gương chay tịnh của Mẹ, của Thánh Giuse và nhất là của Chúa Giêsu, trong gia đình thánh.

Chúng ta cùng suy niệm về chay tịnh, để gắn bó đời mình, không chỉ với một đoạn đường chay tịnh, mà cả cuộc đời trong tinh thần chay tịnh của Thánh Gia Thất đã đi qua.

Nếu đường chay tịnh của Chúa Giêsu đã bắt đầu từ con đường vui lòng “nầy con xin đến” làm theo ý Cha là bỏ ngai trời xuống làm người thế, thì con đường của Mẹ bắt đầu từ tiếng “xin vâng”, và của Thánh Giuse là âm thầm làm theo ý Chúa “đón nhận Maria trinh nữ mang thai” về bảo dưỡng, chăm sóc.

Cả ba trong gia đình thánh đều bắt đầu bằng sự vâng phục tuyệt đối để ý định của Thiên Chúa được thực hiện.

Cũng vậy, trước khi suy gẫm Năm Sự Thương, tượng trưng cho con đường chay tịnh cuộc đời, chúng ta cùng nguyện xin cho được biết nói lời xin vâng như Ba Đấng

Hát: XIN VÂNG

THỨ NHẤT

X. Năm sự thương

Thứ nhất thì gẫm, Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu.

Đ. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

HD. Chúa Giêsu, Đấng Vô Tội, đang lo buồn đổ mồ hôi máu. Ngài lo nỗi lo của Thiên Chúa Cha, là thực hiện chương trình cứu độ. Ngài buồn nỗi buồn của Thiên Chúa Cha, là tội lỗi nhân loại quá nhiều, quá nặng đến nỗi cái giá phải trả, phải đền, đến mức quá đắt. Trong khi đó, ma quỷ vẫn luôn cám dỗ thân phận con người yếu hèn của Con- Thiên-Chúa-làm-người để may ra Ngài quyết định trì hoãn, thối lui. Sự giằng co mỗi lúc mỗi găng go đến nỗi Chúa Giêsu đổ mồ hôi rươm rướm máu hồng.

Chúa Giêsu đang tái hiện nỗi lo buồn của Mẹ Maria khi nhận cộng tác với Thiên Chúa. “Làm sao có chuyện như vậy được. Tôi không hề biết đến người nam”.

Chúa Giêsu cũng đang tái hiện nỗi lo buồn của Thánh Giuse, làm sao chấp nhận được Maria và bào thai trong dạ.

Nhưng rồi cả ba, đều đã chiến thắng nỗi lo buồn, để chương trình của Thiên Chúa được thực hiện, để con người được thứ tha, và được cứu độ.

Lạy Chúa, mỗi gia trưởng chúng con có quá nhiều chuyện lo buồn về đời sống kinh tế vật chất, đã vậy, đôi khi còn lo buồn vì những ham muốn hư hèn tội lỗi.

Xin cho con đường chay tịnh của chúng con phải bắt đầu bằng việc lo buồn chính đáng, đó là: lo buồn vì những tội lỗi mình đã phạm, và quyết tâm không phạm tội nữa.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con. Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

(đọc kinh lạy Cha - mười kinh kính mừng - kinh sáng danh)

THỨ HAI

X. Thứ hai thì gẫm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn.

Đ. Ta hãy xin cho đặng hãm mình chịu khó bằng lòng.

HD. Đi sâu vào con đường chay tịnh của Chúa Giêsu là chấp nhận những nỗi đau tàn tạ thân xác, vì những lằn roi của cuộc đời. Chấp nhận mà không kêu than, không oán trách. Chấp nhận để tình yêu và trách nhiệm tròn trĩnh ý nghĩa hiến thân cho người mình yêu, chu toàn trách nhiệm với người mình yêu. Những tên lính kia vẫn tha hồ đánh đập mà không thấy một sức kháng cự, chống trả. Chúa Giêsu đau đớn, tàn tạ nhưng vẫn tiếp tục con đường tình yêu và trách nhiệm: để cứu người tội lỗi, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi của con người như những lằn roi lún vào da thịt đau thấu xương tủy, thấu tâm can con người.

Mẹ Maria bước theo chân Chúa trên đường tử nạn, không la lên kêu oan, nhưng đau đáu trong lòng mà vẫn phải lúc khóc lóc thảm thiết, rồi lúc nín thinh thút thít cho Con chu toàn Thánh ý.

Chúa Giêsu đang tái hiện nỗi đau thân xác trên dọc dài cuộc đời của Thánh Giuse vất vả, xuôi ngược cho Mẹ và Con Thiên Chúa. Những lằn roi cuộc đời vẫn luôn là tội lỗi nhân loại, chắc chắn cũng in hằn vào thân người Thánh Giuse, thành những dấu vết của hãm mình hy sinh chịu đựng vì chương trình cứu chuộc.

Lạy Chúa, mỗi gia trưởng chúng con, vẫn nhân danh tình yêu và trách nhiệm với gia đình với con cái, nhưng vẫn từ chối những hy sinh hãm mình, những đớn đau cực nhọc, cho hạnh phúc gia đình, thật là vô lý.

Xin cho con đường chay tịnh của mỗi gia trưởng chúng con phải được cụ thể hơn bằng những hy sinh, cực nhọc và chấp nhận tàn tạ đời mình để gia đình được hạnh phúc.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con. Xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

(đọc kinh lạy Cha-mười kinh kính mừng- kinh sáng danh)

THỨ BA

X. Thứ ba thì gẫm, Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai,

Đ. Ta hãy xin cho được chịu sự sỉ nhục bằng lòng.

HD. Nỗi đau thân xác Chúa Giêsu đã nên kinh khủng thế nào, thì danh dự Con Thiên Chúa của Ngài bị sỉ nhục càng kinh khủng hơn nữa. Triều thiên, vương miện Con Thiên Chúa bây giờ là một vòng gai nhọn hoắc sắc bén gắn lên đầu. Máu trên đầu chảy tràn xuống khuôn mặt để xóa nhòa đi chân dung “Con Yêu Dấu” của Ngôi Thiên Tử.

Tội càng nặng, gai càng sắc, đâm càng sâu, máu tươi càng phun vọt, khuôn mặt Con Thiên Chúa càng nhòa đi vì đầy lên những dòng máu khô cứng.

Con Thiên Chúa chịu sỉ nhục để chuộc lại cho nhân loại vinh dự làm con cái Thiên Chúa.

Mẹ Maria cùng chịu sỉ nhục với con trên đoạn đường nầy. Lòng dạ nào được chúc phúc hôm xưa “phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú”, bây giờ, cũng lòng dạ ấy tan nát như tương khi nhìn đứa con đội vòng gai của tên tử tội. Sỉ nhục của con cũng là sỉ nhục của Mẹ vậy.

Thánh Giuse hẳn cũng đã trải qua những phút tủi nhục trong cuộc đời làm chồng làm Cha, đem danh dự uy tín mình mà đổi lấy bát cơm manh áo và cuộc sống cho vợ con và gia đình, nơi đất khách quê người, nơi mái tranh nghèo nàn ở thôn xưa Nagiaret…

Lạy Chúa, xin cho con đường chay tịnh của mỗi gia trưởng chúng con phải tiến vào sâu hơn để chạm cho được Đấng Cứu Thế bị sỉ nhục. Và noi gương ấy, chúng con vui vẻ hy sinh cả quyền hạn, danh phận gia trưởng của mình để vui lòng phục vụ vợ con.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con. Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

(đọc kinh lạy Cha-mười kinh kính mừng- kinh sáng danh)

THỨ BỐN

X. Thứ bốn thì gẫm: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá.

Đ. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

HD. Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Ngài đang gánh tất cả tội lỗi của nhân loại trên vai mình, trong đó có tội của mỗi người chúng ta.

Con đường cứu chuộc luôn đi đôi với Thánh Giá. Không có Thánh Giá không có ơn cứu chuộc. Thánh Giá của Chúa Giêsu nặng làm Chúa ngã xuống mấy lần. Tình yêu thương và trách nhiệm cứu rỗi nhân loại đã là động lực thôi thúc Ngài đứng lên, vác tiếp và bước tiếp cho trọn hành trình lên đỉnh đồi tử nạn. Tình yêu thắng vượt những thách đố, những nặng nề của tội lỗi. Trách nhiệm bởi tình yêu và vâng phục Thiên Chúa Cha, và tình yêu đối với nhân loại thắng vượt những lần ngã quỵ vì thân xác yếu hèn.

Cũng vậy, Mẹ Maria đang vác nỗi buồn đau cùng con đi lên tế hiến. Sự tế hiến mà Thánh Giuse đã cảm nếm suốt một đời gia trưởng.

Tình yêu và trách nhiệm của Ba Đấng mở ra cho mỗi gia trưởng chúng con một bước tiếp trong hành trình chay tịnh: vác thánh giá theo chân Chúa.

Lạy Chúa, Thánh Giá trong đời gia trưởng của chúng con có thể là những lỗi lầm thiếu sót của gia đình, của con cái, của xã hội, mà chúng con phải chấp nhận thứ tha với tinh thần khoan dung hiền dịu. Nhưng Thánh Giá còn là gánh nặng trong cuộc đời rong ruỗi với cái mưu sinh, thấp thỏm với chuyện ăn học, và nhất là gương mẫu trong việc giáo dục đức tin cho con cái.

Xin cho chúng con biết làm gương trong việc vác thánh giá Chúa hằng ngày, để chu toàn trách nhiệm chính yếu cho con cái, là con cái của chúng con và là con cái của Thiên Chúa.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con. Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

(đọc kinh lạy Cha-mười kinh kính mừng- kinh sáng danh)

THỨ NĂM

X. Thứ năm thì gẫm, Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá.

Đ. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

HD. Thiên Chúa Cha không tàn nhẫn với Con mình, nhưng tội lỗi nhân loại thì tàn nhẫn khủng khiếp đến độ có thể đóng đinh một con người mang bản tính Thiên Chúa vào cây gỗ của phàm trần. Cây gỗ ấy, chính Thiên Chúa đã tạo sinh ra. Thật trớ trêu. Nhưng sợ trớ trêu khó hiểu ấy lại là sự thật kinh hoàng. Rồi chính Ngài đã chết trên cây gỗ ấy, là cái giá phải trả cho Thiên Chúa để nhân loại được cứu rỗi.

Chỉ có cái chết của Chúa Giêsu mới xóa được tội lỗi trần gian. Chỉ có cái chết của Chúa Giêsu mới đủ sức giao hòa tội nhân với Thiên Chúa. Chỉ có cái chết của Chúa Giêsu mới trả lại cho con người đặc quyền là con cái Thiên Chúa mà nguyên tổ đã đánh mất.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, có cái chết của Mẹ Maria và cả một đời thánh Giuse chết đi cho hạt mầm cứu rỗi lớn lên.

Lạy Chúa, đường chay tịnh của mỗi gia trưởng chúng con phải kết thúc bằng tế lễ cho Thiên Chúa, mà lễ tế chính là cả linh hồn và thân xác chúng con. “không có tình yêu nào quí hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”. Và để được chết đi, được hiến mạng sống mình cho gia đình, xin cho mỗi gia trưởng chúng con bằng lòng đóng đinh những tính hư tật xấu, đóng đinh những ước muốn thấp hèn, đóng đinh con người cũ của tội lỗi.

Xin Mẹ Maria giúp chúng con. Xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

(đọc kinh lạy Cha-mười kinh kính mừng- kinh sáng danh)

10-3-2011
 
Lòng kiên tâm mạnh mẽ
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:08 18/03/2011
Lòng kiên tâm mạnh mẽ

Trong dân gian có câu ngạn ngữ: „ Lửa thử vàng. Gian nan thử đức!“.

Trong đời sống, những ai đã phải sống trải qua bước đường gian nan khó khăn, sau này họ là người lớn lên kiên tâm vững mạnh trong những cơn lốc thử thách.

Sau đệ nhị thế chiến 1939-1945, dân tộc Nhật Bản đã phải sống trải qua trong đau thương đổ nát. Vì bị chiến tranh tàn phá, nhất là bị hai trái bom nguyên tử tàn phá bình địa hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Rồi lại thêm quốc nhục phải thất trận đầu hàng. Coi như mất hết tất cả!

Từ đống đổ nát tan hoang đó, họ không buông xuôi đầu hàng. Nhưng họ đã từ từ bằng những bước nhỏ nhất xây dựng lại đời sống riêng bản thân, cũng như quê hương đất nước của họ.

Từ tinh thần ý chí tự trọng về bản chất của mình, họ xây dựng gìn giữ nề nếp cách sống văn hóa riêng của mình, không để bị chìm mất theo đổ nát tan hoang.

Từ con số không, họ đã khởi đầu lại và vươn tiến lên hàng cường quốc trên thế giới. Họ đã xây dựng lại ngôi nhà quê hương của họ trên nền tảng văn hóa dân tộc đất nước của họ. Ngôi nhà đó góp phần làm giầu, làm đẹp kho tàng của nền văn minh thế giới.

Là một đất nước gồm nhiều đảo, lại nằm trong vùng hay bị động đất do những tảng mảnh địa cầu nằm sâu dưới lòng biển va chạm vào nhau, nên hay có những thiên tai động đất, núi lửa phun, sóng thần xảy ra.

Trận động đất, sóng thần hôm 11.03.2011 rất mạnh xảy ra ở nước Nhật Bản gây ra cảnh đổ nát tan hoang thiệt hại về người và cơ sở cấu trúc nhà cửa rất nhiều.

Người dân Nhật Bản lúc này, dù sống trong hoang mang lo âu sợ hãi vì sống trong đổ nát hoang tàn, bị đe dọa chất phóng xạ của máy nguyên tử Fukushima nổ bay lan tỏa trong không khí, vẫn giữ kỷ luật, kiên tâm khắc phục vượt qua khó khăn đau khổ, không tạo ra cảnh hỗn loạn.

Điều này làm cho mọi người trên thế giới không chỉ chạnh lòng thương cảm với họ, mà còn khâm phục nể trọng họ hơn nữa.

Trong đời sống đức tin đạo giáo nhìn vào Thánh Giuse, ông cũng không để lại một lời than phiền, kêu than nào, hay dấu vết cảnh hốt hoảng sợ hãi nào. Như Kinh Thánh thuật lại, thánh nhân nghe Thiên Thần báo mộng nói cho biết, rồi âm thầm chỗi dậy thi hành, tìm cách làm điều gì tốt nhất nhằm bảo vệ gìn giữ nếp sống gia đình cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu.

Theo con mắt nhận xét của con người, đó là cách lối sống khôn ngoan cẩn trọng của một người trưởng gia đình, vừa nghe theo nghe ngóng suy nghĩ của lý trí, vừa nghe theo tiếng nói của trái tim.

Vì thế, Giáo Hội trong kinh cầu Thánh Giuse đã ca tụng Thánh Giuse là đấng „cực khôn cực ngoan“. Nhưng sự khôn ngoan của Ông là sự yên lặng âm thầm làm việc. Vì thế, có thể suy luận tìm biết sự khôn ngoan của thánh Giuse căn cứ trên những điều Ông đã nghe học được trong dân gian thời đó là: lấy ý của Thiên Chúa làm khuôn thước cho đời sống „ Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời“

(Sách Huấn Ca 1,1).

Lối sống âm thầm tìm cách vượt qua những khó khăn hoang mang thử thách, như tìm mãi mới có hang chuồng xúc vật ngoài cánh đồng giữa đường cho gia đình trú ngụ lúc Đức Mẹ hạ sinh hài nhi Giêsu, đi đường xa tỵ nạn sang Ai Cập sinh sống nơim quê hương xứ lạ, trở về quê nhà Galilea làm thợ mộc nuôi sống gia đình sau nhiều năm xa quê nhà, đòi hỏi thánh nhân nhiều suy nghĩ, chịu đựng nhẫn nhục kiên nhẫn mới thích ứng được với khung cảnh môi trường mới.

Vì thế, Giáo Hội trong kinh cầu cũng ca tụng „ Thánh Giuse là đấng kiên tâm mạnh mẽ mọi đàng.

Sự kiên tâm chịu đựng đã rèn luyện thánh Giuse trở nên người mạnh mẽ không chỉ về sức khoẻ thể xác mà nhất là về phần tinh thần thiêng liêng là luôn đặt hy vọng vào nơi Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khi nhìn thấy những hy sinh kiên tâm chịu đựng của người tín hữu Chúa Kitô trong đời sống, đã viết lên tâm tư cảm phục, và nhận ra ý nghĩa dấu vết tinh thần đạo đức ẩn hiện qua đó: „ Những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng yêu mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta đức Giêsu Kitô. (1. Thessalonica 1,3).

Đời sống nhân đức anh hùng nào cũng đòi hỏi lòng kiên nhẫn chịu đựng. Và nhờ thế trở nên người mạnh mẽ cả thể lực lẫn trí lực tinh thần.

Lễ Thánh Giuse 19.03.
 
Thánh Giuse: Mẫu gương của việc sống lời khấn vâng phục
Anmai, CSsR
18:04 18/03/2011
Mt 1, 18-25

Trình thuật truyền tin cho ông Giuse kể lại rằng: “Bà Maria đã thành hôn với ông Giuse” nghĩa là về mặt pháp lý mà nói, hai ông bà đã thành vợ thành chồng với nhau. Ngày đón dâu tuy chưa đến nhưng sớm muộn gì cũng sẽ đến và hạnh phúc trong tầm tay. Thế nhưng, một biến cố đã xảy ra, hoàn toàn trái ngược với kế hoạch hạnh phúc riêng tư của hai ông bà. Đó là: trước khi hai ông bà về chung sống với nhau thì “bà Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Đứng trước biến cố đó, các sách Tin mừng không ghi lại một mảy may băn khoăn thắc mắc nào của ông Giuse về tiết hạnh của người bạn đời, cũng không nói gì đến một sự thất vọng, chán nản buồn phiền hay giận dữ nào của ông đối với Bà Maria.

Biết được bà Maria người bạn đời yêu quý, thụ thai một cách lạ lùng, ông Giuse tôn trọng công trình của Thiên Chúa nơi Bà Maria. Ông tự nhủ: mình không được quyền đem về nhà mình một kẻ mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Người, mình cũng không được phép để cho người đời nghĩ rằng: mình là cha của đứa trẻ siêu phàm.

Trước mầu nhiệm ấy ông Giuse muốn âm thầm rút lui vì tế nhị đối với Thiên Chúa và vì không muốn tiết lộ mầu nhiệm thần linh nơi người bạn đời của ông. Thế nhưng khi được sứ thần báo mộng: “Này ông Giuse là con cháu vua Đavid, đừng ngại đón Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi bị tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21).

Được sứ thần báo mộng, ông Giuse không còn thụ động nữa, thức dậy ông tuân hành răm rắp lệnh truyền “rước vợ về nhà”, và khi bà Maria đã sinh con, ông đặt tên cho con trẻ là “Giêsu”, đưa con trẻ vào dòng tộc vua Đavit và đóng vai trò là người bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria, là dưỡng phụ của Đức Giêsu.

Ông Giuse là một con người thầm lặng, ông hành động chứ không nói. Ông luôn lắng nghe và vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vắn và triệt để. Có thể nói cả cuộc đời của ông Giuse là luôn tỉnh thức trước thánh ý của Thiên Chúa. Ông tỉnh thức cả trong giấc ngủ nữa. Do đó, ông có thể nghe được tiếng Chúa trong giấc mộng. Tin mừng Matthêu kể lại rằng: ngoài lần nằm mộng ở Nazaret “đừng ngại đón Maria vợ ông về” thì còn ít nhất ba lần nữa ông đã nghe được tiếng Chúa trong giấc mộng. Tại Bêlem, trong một đêm đông rét mướt ông Giuse đã được sứ thần báo mộng “Dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (Mt 2, 13-14). Tại Ai cập, khi những ngày đầu gian khổ khó khăn đã qua, cuộc sống nơi đất khách quê người xem như đã tạm ổn thì đang đêm lại được sứ thần báo mộng: “Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi, ông liền chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel” (Mt 2, 20-22). Tại đất Israel khi nghe biết Ac-khê-lao lên kế vị vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê nên “ông sợ. .. thế là vừa được sứ thần báo mộng ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trở về Galilê định cư tại Nazaret, một làng quê nghèo ít ai biết đến”.

Qua một vài nét chấm phá về con người và cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta nhận thấy rằng Ngài gặp rất nhiều truân chuyên, hết truân chuyên này đến truân chuyên khác. .. Thế nhưng Thánh Giuse luôn vượt khó, chu toàn sự mệnh được uỷ thác: đó là bảo vệ Hài Nhi Giêsu mà trong một lần báo mộng nào đó Ngài được biết là “Đấng Cứu Tinh nhân loại”.

Thánh Giuse đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu và mẹ Ngài trong thầm lặng nhưng rất hữu hiệu, bởi vì Ngài luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đến nỗi Ngài có thể nhận ra thánh ý của Thiên Chúa trong mộng báo và thi hành thánh ý ấy một cách triệt để, không do dự, không chần chờ, không sợ hãi gì cả.

Thánh tổ An-phong cho rằng: “Sự trọn lành Kitô giáo thiết yếu được thể hiện trong việc yêu mến và sống theo thánh ý của Thiên Chúa”. Nếu ta muốn thánh hoá chính mình thì tất cả những công việc ta phải làm chỉ là: “đừng bao giờ làm theo ý riêng mà chỉ thực hiện thánh ý của Thiên Chúa”. Sống theo thánh ý của Thiên Chúa đó là làm đẹp lòng Người, đó là bản chất của đức vâng phục. Nhưng để sống được nhân đức này điều kiện tiên quyết là phải từ bỏ ý riêng của mình để toàn tâm toàn ý sống điều Thiên Chúa muốn. Vậy, theo Thánh An-phong: “Kẻ vào Dòng chúng ta phải từ bỏ hẳn ý riêng và hoàn toàn hy sinh nó cho đức vâng phục”.

Nếu hiểu bản chất của đức vâng phục Kitô giáo là tuân phục thánh ý của Thiên Chúa thì thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho chúng ta, cho mọi tu sĩ, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế nhất là cho các sinh viên đang trong giai đoạn đào tạo huấn luyện về việc sống lời khấn vâng phục.

Có thể nói: cả cuộc đời của Thánh Giuse là tìm thánh ý Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Người một cách chóng vắn, dứt khoát và triệt để, dù đó là chén đắng đi chăng nữa.

Ước gì mỗi một sinh viên chúng ta trong giai đoạn đào tạo và tự đào tạo này hãy để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta trở nên những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế như lòng Chúa mong muốn, bằng việc chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua các Bề Trên, qua Ban Giám Đốc, qua các cha giáo, qua các cha các thầy trong Dòng, qua các giáo dân mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống, qua việc chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Hiến pháp và Quy luật, của nội quy Học Viện, của ý kiến tập thể. ..

Chúng ta càng khiêm tốn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa bao nhiêu thì càng đón nhận được nhiều ân huệ Chúa ban cho chúng ta bấy nhiêu, qua những con người tuy còn nhiều giới hạn nhưng đã được Thiên Chúa ủy thác cho công việc đào tạo huấn luyện chúng ta. .. hầu ngày mỗi ngày chúng ta thành quà tặng cao quý Chúa ban cho tha nhân nhất là cho những người nghèo đói túng cực, những người tất bạt mà chúng ta đã chọn như là đối tượng ơn gọi của Hội Dòng chúng ta.

Thánh Giuse mãi mãi là mẫu gương cho chúng ta sống lời khấn vâng phục.
 
Chúa biến đổi và biến đổi để theo Chúa!
Anmai, CSsR
18:09 18/03/2011
Chúa Nhật Thư 2 Mùa Chay - Năm A - St 12, 1-4a; 2 Tm 1, 8b-10; Mt 17, 1-9

Thiên Chúa chọn mỗi người, mỗi dân tộc mỗi cách; Thiên Chúa gọi mỗi người mỗi dân tộc mỗi cách cách tùy theo Thánh ý của Ngài. Ngài gọi, Ngài chọn để cho cho người ấy, dân tộc ấy trở thành con cái, trở thành dân riêng để thừa hưởng sản nghiệp của Ngài.

Hôm nay, qua sách Sáng Thế, chúng ta được nghe trình thuật Thiên Chúa đã chọn và gọi Áp-ram. Quả thật là một lối chọn, lối gọi sốc vì lẽ Thiên Chúa bảo Áp-ram lên đường đi theo lời Chúa chỉ vẽ. Sốc vì lẽ đang sống nơi quê cha đất tổ an bình nhưng giờ phải ra đi. Đứng trước lời mời gọi ấy Áp-ram cũng hết sức đắn đo vì không biết rằng mình đi như vậy không biết cuộc đời, tương lai mình sẽ đi về đâu. Tin vào lời Chúa, Áp-ram đã lên đường. Thiên Chúa hứa sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho Áp-ram và nguyền rủa những ai nguyền rủa Áp-ram.

Nếu chúng ta tiếp tục đọc lại lịch sử Israel và đọc lại cuộc đời của Áp-ram thì thử thách lên đường đi đến xứ sở khác chỉ là một trong những muôn vàn thử thách của Thiên Chúa thôi. Chắc chúng ta không thể nào quên được thử thách cay nghiệt nhất trong cuộc đời Áp-ram đó là việc sát tế đứa con trai duy nhất, đứa con trai đầu lòng mà ông bà có trong khi tuổi già hết sức mong manh khi có con. Thế nhưng, vẫn một niềm tín thác vào Thiên Chúa, Áp-ram đã hiến tế luôn cục cưng I-sa-ác. Sau thử thách ấy, Thiên Chúa đã đổi tên ông thành Áp-ra-ham và cho ông luôn cả một cái tên là “cha của những kẻ tin”.

Thế đấy ! Áp-ra-ham đã xác tín và đã tin vào Thiên Chúa. Áp-ra-ham lên đường và lên đường dẫu rằng không biết mình đi đâu và đời mình sẽ ra sao.

Khi Áp-ra-ham tin theo Chúa, đi theo Chúa thì cuộc đời của ông hoàn toàn thay đổi. Ông không còn sống cho mình nữa nhưng ông sống cho Thiên Chúa, trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, qua trình thuật của Matthêu, chúng ta cũng được thấy được sự biến đổi, được thay đổi khi bước theo Chúa.

Các môn đệ, chẳng ai biết Chúa Giêsu là ai cả, chỉ là những ngư phủ hết sức bình thường, đang vá lưới bên bờ biển và sau khi nghe tiếng gọi của Chúa các ông đã bỏ cha mẹ, vợ con và đi theo Chúa. Thật ra mà nói, quyết định của các ông là quyết định liều. Cuộc sống đang ấm êm bên cha, bên mẹ, bên gia đình, bên vợ bên con bỗng dưng đi theo cái con người mà ngay cả “chim có hang – chồn có tổ” còn Con Người không có chỗ tựa đầu. Bấp bênh chưa từng có, mông lung hết sức tưởng tượng.

Quen nhau, ở với nhau một thời gian và rồi hôm nay Chúa Giêsu “mời” bốn môn đệ thân tín đi theo Ngài. Hôm nay không phải lang thang đây đó ở bờ biển này, đồng bằng kia mà hôm nay lại đi lên núi. Bảo đi thì đi chứ có biết gì đâu vì đi theo Thầy là lẽ hết sức bình thường. Thế nhưng, hôm nay lại là một ngày hết sức đặc biệt. Như Matthêu thuật lại, chúng ta thấy hôm nay Chúa Giêsu cho các môn đệ thân tín thấy vinh quang của Ngài, Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ thấy về mình: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "

Thật kinh khủng ! Mọi ngày thì thầy Giêsu của mình hết sức bình thường nhưng hôm nay dung mạo bỗng khác, y phục khác và có cả Mô-sê và Ê-li-a hiện ra để đàm đạo nữa. Một cảnh tượng không thể tưởng tượng được và trong cái vinh quang ấy Phêrô đã nhanh nhảu nói với Chúa Giêsu để ông dựng lều cho Thầy mình ở đây để ông cùng các môn đệ chiêm ngưỡng cái vinh quang tuyệt vời này.

Sau biến cố hết sức đặc biệt này, Thầy và trò xuống núi, trở về với cái đời thường loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu hé lộ cho các môn đệ thấy về con người thật của mình, hé cho các môn đệ thấy vinh quang thật của mình.

Trong hành trình theo Chúa, trong hành trình loan báo Tin mừng, vốn dĩ mang trong mình là phận người mỏng dòn yếu đuối, ắt hẳn các môn đệ cũng ngã lên té xuống vì đức tin mỏng dòn non yếu. Thế nhưng, được ở gần Chúa Giêsu, được ở bên Chúa Giêsu và đặc biệt qua Thánh Thể và qua Phục Sinh các môn đệ ở trong Chúa Giêsu nữa. Ở bên, ở trong để rồi cuộc đời của các môn đệ khác với những người không tin. Cuộc đời các môn đệ khác với những người không tin. Dù gặp khó khăn, dù gặp thử thách nhưng các môn đệ đã lấp lánh, đã chiếu sáng cuộc đời của các Ngài ở giữa vòm trời đen tối như Thánh Phaolô mời gọi “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao giữa thế gian”.

Chiếu sáng giữa thế gian như Phaolô mời gọi không phải là tẩm xăng vào người để đốt cho người sáng lên để mọi người được thấy ! Chiếu sáng giữa thế gian không phải là mua dầu, mua đèn gắn vào trong người để mình tỏa sáng cho thế gian. Chiếu sáng giữa thế gian có nghĩa là chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng của Tin mừng ở giữa cuộc đời này.

Ánh sáng mà Chúa Giêsu muốn, mà Thánh Phalô mời gọi còn phảng phất trong I-sa-i-a chương 58. Chúng ta đọc I-sa-i-a chương 58 sẽ gặp tâm tình như thế này:

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:

mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,

trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,

rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;

thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,

vết thương ngươi sẽ mau lành.

Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,

vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.

Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,

ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây! "

Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở

gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,

nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,

làm thoả lòng người bị hạ nhục,

thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,

và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. (Is 58, 6-10)

Thế đấy ! Những lời mời trên đây của I-sa-i-a cho chúng ta biết thế nào là ánh sáng của những ai mang trong mình danh Kitô hữu.

Chúng ta đang sống trong mùa Chay Thánh, I-sa-i-a vừa nhắc cho chúng ta cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích, mà Thiên Chúa mời gọi: rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;thấy ai mình trần thì cho áo che thân,không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông…

Xin cho chúng ta biết bắt chước như Áp-ra-ham biến đổi cuộc đời khi bước theo Chúa, xin cho chúng ta cũng biết bắt chước như các môn đệ cũng biến đổi con người hèn kém của mình để bước theo Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:39 18/03/2011
CÂY NGÃ CHI BẰNG BAY

N2T


Có một người trong nhà có một người khách ở trọ, ở lâu mà không đi. Chủ nhà chán ngán lộ ra mặt, thế là dẫn người khách ra ngoài cổng, chỉ những con chim trên cây cho ông ta thấy rồi nói:

- “Ông ở thêm vài ngày nữa đi, đợi tôi lấy rìu đốn cây này ngã xuống, đem mấy con chim ấy nướng lên rồi đãi ông”.

Người khách nghe xong, đang còn bán tín bán nghi, nói:

- “E rằng không được, đợi khi cây bị đốn ngã xuống, thì những con chim kia đã sớm bay mất rồi”.

Chủ nhà cười cười nói:

- “Ông đừng lo, tôi đã nhìn rõ rồi: đây là một con chim ngu, cây ngã rồi mà cũng không biết bay !”

Suy tư:

Tế nhị là việc cần thiết trong đối xử với nhau giữa người với nhau.

Tế nhị theo đại từ điển tiếng Việt định nghĩa là: khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử. Người tế nhị là người biết ứng xử trong mọi hoàn cảnh để không làm người khác buồn phiền vì mình hoặc mất mặt vì lời nói của mình.

Tế nhị là một trong những điểm căn bản của bài học nhân bản, cho nên khi người ta đối xử lịch sự tế nhị với nhau, thì người ta đã bày tỏ một nếp sống văn minh lành mạnh, ở xã hội khi mà mọi người đều đối xử tế nhị bình đẳng với nhau, thì xã hội ấy sẽ là xã hội văn minh tiến bộ, bởi vì ai ai cũng muốn mọi người sống tốt với mình, cũng như muốn mình sống tốt với họ.

Người Ki-tô hữu có một sự tế nhị vượt trên sự tế nhị trong cách đối xử của con người, sự tế nhị đó không phải là để làm hài lòng nhau, nhưng là làm vui lòng Chúa Giê-su nơi người ấy, tức là khi họ đối xử tế nhị với người khác là đối xử tế nhị với Chúa Giê-su nơi người ấy. Bởi vì Chúa Giê-su đã dạy: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”(Mt 7, 12) . Nhân bản Ki-tô giáo nằm gọn trong lời dạy ấy của Chúa Giê-su, tất cả những lời nói tế nhị, thái độ tế nhị, đều năm trong lời dạy ấy.

Ở lâu ngày trong nhà người ta mà không thấy băn khoăn áy náy, mà không thấy thái độ khó chịu của chủ nhà, là người không có sự tế nhị nhạy bén. Khi người khác nói bóng nói gió đến mình mà không để ý hoặc không hiểu, thì cũng thiếu đi sự tế nhị, đến nổi người ta mắng là ngu mà cũng không hiểu, thì quả là...ngu thật. Ha ha ha...

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 MC A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:40 18/03/2011
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

Tin mừng: Mt 17, 1-9.

“Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời”.


Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã mặc khải cho ba tông đồ biết chính Ngài là Đấng Mes-si-a, là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ trần gian bằng sự biến hình chói sáng của Ngài, cũng vậy, chúng ta cũng đã lắm lúc làm cho người khác không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, và tệ hơn, đã làm cho họ hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong niềm tin của chính chúng ta –người Ki-tô hữu.

Do đó mà chúng ta cần phải biến đổi trong cách nhìn, trong cách đối xử của chúng ta, để họ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong vũ trụ này, và nhất là trong cuộc sống của chính chúng ta.

1. Biến đổi trong cách nhìn.

Thánh Phê-rô và hai thánh tông đồ Gia-cô-bê và Gioan đã nhìn thấy sự biến hình của Chúa Giê-su, và các ngài đã nhìn thấy quang cảnh trên núi Ta-bo-rê này sao mà đẹp, không những đẹp mà còn cảm thấy hạnh phúc dễ chịu, bởi vì cái nhìn của thánh Phêrô cũng như hai tông đồ kia, đã được ánh sáng huy hoàng của Chúa Giê-su biến đổi, đặc biệt là biến đổi từ trong tâm hồn của các ngài.

Cuộc sống của người Ki-tô hữu chúng ta cũng cần phải được biến hình, biến hình từ cái nhìn tiêu cực với anh chị em thành cái nhìn tích cực; biến hình từ cái nhìn bi quan với cuộc sống thành cái nhìn lạc quan, để đời sống hôm nay của chúng ta trở thành cuộc sống chứng nhân cho Chúa Giê-su. Và khi chúng ta đã biến đổi cách nhìn của mình, thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và cuộc sống sao mà đẹp lạ lùng...

2. Biến đổi trong cách đối xữ.

Không một ai có thể tự biến đổi mình nếu không có ơn của Chúa giúp đỡ, cũng không ai có thể trở thành người có ích cho mọi người, nếu không được Lời Chúa chiếu soi và dẫn đường, bởi vì như thánh Phê-rô đã nhìn thấy mọi sự chung quanh mình đều đổi mới vì có Chúa Giê-su hiện diện.

Người Ki-tô hữu có Chúa Giê-su là ánh sáng soi dọi, nên cuộc biến hình của họ rất dễ dàng nếu họ biết đi trong ánh sáng của Ngài.

Đã nhiều lần chúng ta có những thái độ không mấy đẹp khi đối xử với tha nhân, vì chúng ta chưa thấy được sự biến hình sáng láng của Chúa Giê-su; đã nhiều lần chúng ta coi nhẹ tình thân của tha nhân đối với chúng ta, vì chúng ta cứ chuộng vẻ bên ngoài để đối xử với nhau, nên không nhìn thấy sự biến hình của Chúa Giê-su nơi người anh em chị em của mình.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su biến hình sáng chói như mặt trời để củng cố đức tin của các tông đồ, và cũng là một biến cố to lớn đối với ba thánh tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan.

Chính Ngài –ngày hôm nay- cũng biến đổi thân mình nơi những người mà chúng ta gặp gỡ: Ngài biến hình thành người ăn xin bên vệ đường; ngài biến hình thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa; Ngài biến hình thành anh công nhân dưới quyền của chúng ta, và biến thành người anh em chị em đang ở trong cộng đoàn với chúng ta, nhưng chúng ta chưa biến đổi cách nhìn của mình để nhìn thấy Ngài, chưa biến đổi thái độ trong cách đối xử, để đối đãi Ngài cho xứng đáng trong cuộc sống hàng ngày của mình...

Nếu không tích cực biến đổi cách nhìn và nếu không mau biến đổi thái độ cư xử của chúng ta với tha nhân, thì cho dù chúng ta tham dự thánh lễ hằng ngày và rước lễ thường xuyên, thì cũng không nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mùa Chay: Mùa sám hối - Mời gọi hoán cải
Lm. Thái Nguyên
16:07 18/03/2011
Mùa Chay mời gọi ta sám hối. Không thể có sám hối mà không có hoán cải. Thật ra, ý nghĩa sự “hoán cải” đã nằm trong từ ngữ “sám hối”. Định nghĩa Sám Hối trong Nho giáo là: "Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá." (Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau). Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn đó.

Tuy nhiên, “hoán cải” trong Kitô Giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, không chỉ đòi ta nỗ lực diệt trừ tội lỗi, nhưng điều quan trọng trước tiên là qui hướng hay trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài trên cuộc đời mình, và để thấy rõ hơn điều mình phải hoán cải, và hoán cải như thế nào. Từ đó, ta còn phải định hướng lại toàn bộ cuộc sống, chỉnh đốn lại những hướng sai lạc đang làm lệch lạc cuộc sống tâm hồn và ơn gọi của mình. Hoán cải là ơn Chúa ban cho những tâm hồn mong mỏi được giải phóng khỏi tội lỗi để đón nhận ơn cứu độ.

1. Ý nghĩa hoán cải

Hoán (換): Đổi, thay đổi. Cải (改): sửa đổi. Hoán cải là thay đổi theo chiều hướng tốt.

Hoán cải (conversion) được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nói chung, hoán cải là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định hay đổi mới cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần Đấng là nguồn mạch thiện hảo, và cũng là đích điểm của đời sống con người. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn toàn mang tính tôn giáo.

Hoán cải theo từ Hy Lạp (metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là đổi ý hướng, đổi tâm tình, đổi não trạng. Sự thay đổi này không chỉ trên bình diện tâm trí, mà còn là có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi đường xưa lối cũ, để quay về với Thiên Chúa, để ta được kết hợp và dự phần vào sự sống của Ngài.

Hoán cải theo quan niệm của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), hoán cải có tính cơ bản là chiều kích thần học. Thiên Chúa mới là nền tảng và mục đích của việc hoán cải. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình, mà cơ bản là sự hiệp thông với Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài.

Hoán cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông Ðồ. "Hãy sám hối", "Hãy hoán cải" là những lời đầu tiên Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến chương của Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là "phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội" (Lc 24,47).

Sự hoán cải mang tầm vóc quan trọng nhất của đời người, vì không có hoán cải thì không có đổi mới bản thân, không muốn trở về với Chúa, nên cũng không thể đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ (x.Lc 13,3.5).

2. Tâm tình hoán cải

Hoán cải được thể hiện trên hai mặt, tiêu cực và tích cực: tiêu cực là hướng về quá khứ để hối hận đau buồn vì những lầm lỗi đã phạm; tích cực là hướng về Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Ðấng đang đến.

♥ Trước hết là nhìn lại những tội lỗi đã phạm. Ðây là lúc sám hối, khởi điểm chủ yếu cho sự hoán cải. Hoán cải gắn liền với ăn năn hối lỗi (paenitentia), đau buồn vì tội đã phạm, muốn đền bù và xa tránh dịp tội. Tội càng nặng, quá khứ càng đen tối, khiến tâm tình hoán cải càng gia tăng. Điều này thể hiện rất rõ nơi các thánh.

- Thánh Inhaxiô Loyola đề nghị với các người tĩnh tâm như sau: "Tôi sẽ nhìn tất cả sự hư hoại và thối tha của thân xác tôi. Tôi sẽ nhìn tôi như nhìn một vết lở loét và ung nhọt, từ chỗ đó phát sinh bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là điều ác, bao nhiêu là nhơ bẩn đáng xấu hổ.".

- Thánh Luy Gonzaga đã ngất xỉu trong toà giải tội khi xưng những tội mà đối với chúng là quá nhẹ. Nhẹ đối với ta, nhưng vẫn là nặng đối với những người thực sự ý thức về tội.

- Thánh Têrêxa Giêsu là người dâng hiến hoàn toàn cho Chúa, hầu như không bao giờ phạm tội gì nặng. Vậy mà trong cuốn sách tự thuật, thánh nữ vẫn bộc bạch tình cảm về thân phận tội lỗi của mình, và nói lên sự cần thiết phải sám hối.

♥ Hướng về quá khứ đen tối chỉ là bước đầu để đi tới một tương lai tươi sáng. Chính lúc sám hối là lúc chúng ta hướng tới lòng thương xót Chúa, qua việc Ngài tha thứ tội ta và không ngừng đưa ta trở lại với Ngài. Nhưng sau khi sám hối, chính là một sự tái sinh, một sự thay đổi để trở lại hoàn toàn với Thiên Chúa.

- Trong Cứu Ước. Các ngôn sứ luôn kêu gọi dân hoán cải với tâm tình như thế. Các ngài cũng thường nhắc cho Israel tội lỗi của họ (Gr 35,15), nhưng thường xuyên là những lời mời gọi trở về với Thiên Chúa (Is 45,22; Ge 2,12, v.v..). Qua việc hoán cải, lời cầu nguyện của dân Chúa cũng luôn như vậy: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Đức Chúa” (Ac 5, 21).

- Trong Tân Ước. Gioan Tẩy Giả đã làm nổi bật khía cạnh tích cực khi ông kêu gọi người Do Thái hoán cải. Ông không muốn làm cho họ đau buồn trong tình cảm bệnh hoạn về tội của họ, nhưng nhấn mạnh đến viễn tượng vinh quang của Nước Thiên Chúa đã đến (Mt 3,2). Ông muốn họ nhìn về phía trước, hướng về Ðấng Cứu Thế đang đến. Bởi vậy, lời rao giảng hoán cải của ông không nhằm đưa họ trở lại với Giao ước cũ, mà hướng họ đi gặp Ðấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông, đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài (Lc 3,16).

- Lời rao giảng đầu tiên của Ðức Kitô cũng đã xác định điều đó. Lý do sám hối cũng vì Nước Thiên Chúa đã gần kề. Tuy vậy, nội dung này còn có thêm một yếu tố mới là Tin "Hãy sám hối và tin" (Mc 1,15). Tin vào lòng thương xót Chúa là nền tảng của việc hoán. Chính khi tin vững vàng vào ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện, mà ta được tham dự vào sự sống linh thiêng của Ngài.

3. Tính cách hoán cải

• “Trở lại nên như trẻ nhỏ" (Mt 18, 1-3)

Con người và tính cách của trẻ nhỏ toát lên một một vẻ ngây thơ, trong trắng, một nét đẹp còn tinh khôi, chưa bị hoen ố bởi ảnh hưởng của thế tục. Trong Thánh Kinh, trẻ nhỏ được Thiên Chúa ưu đãi, tiêu biểu cho những ai thuộc về Nước Trời (x. Mc 10,15). Trẻ nhỏ đơn sơ lãnh nhận Nước Trời như một ân huệ Chúa ban, không hề nghĩ đến công trạng của mình.

Bí quyết trở nên cao trọng là “coi mình như trẻ nhỏ” (Mt 18, 4). Những đức tính của trẻ nhỏ như đơn sơ, khiêm nhường, hiền hoà, trong sáng, thật thà, dễ thương… là những đức tính của người môn đệ đích thực. Tuy nhiên, khi mời gọi ta phải hoán cải nên như trẻ nhỏ, Ðức Giêsu không đặt nặng trước tiên những đức tính của chúng cho bằng một tấm lòng không tham vọng, và sống lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Tâm lý chung, chẳng ai thích sống bé nhỏ, ai cũng ham làm lớn, có quyền cao chức trọng. Con đường danh lợi quả là một cám dỗ tự nhiên và dai dẳng, dù trong tôn giáo hay ngoài xã hội. Cái bả vinh hoa phù thế dễ làm ta loá mắt và có sức hút lạ lùng. Con đường công danh lợi lộc và tham vọng quyền hành luôn làm đảo điên lòng người, đánh mất sự chân thật và vẻ đẹp thiện hảo tự thâm tâm. Đang khi đó, "Con đường bé nhỏ là một sự năng động của đức cậy, được gợi hứng bởi đức tin, dấn thân trong đức mến. Nó là sự diễn tả điều cốt tuỷ của Phúc Âm…”. Nói vắn tắt, đó là con đường tình yêu. Ai chưa cảm nghiệm được tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa trên đời sống mình, thì việc trở nên như trẻ nhỏ là điều xa lạ, buồn cười (x. Ga 3, 4).

Sự thành công và giá trị của con người không phải là lên cao trên bậc thang danh vọng mà là xuống thấp trong tình yêu khiêm nhu phục vụ. Bình an và hạnh phúc của con người không phải là mở rộng tầm ảnh hưởng và thế lực của bản thân mình, mà là mở rộng tâm hồn để đón nhận mọi sự, và phó thác tất cả cho Thiên Chúa, Ðấng giầu lòng thương xót. Sự nhận biết này quả là ngoại thường, vì nó giúp ta vượt lên những tầm thường, phá tan bóng tối của cuộc đời vô thường, để sống cuộc đời phi thường trong Chúa, Đấng mạc khải chân lý sống cho những tâm hồn bé nhỏ. Chính nhờ đó mà thánh Têrêsa Giêsu đã khám phá ra con đường bé nhỏ thiêng liêng từ chính Lời Chúa. Mọi kiến thức và hiểu biết khác chẳng đưa ta tới đâu, có khi còn khiến ta bành trướng thêm cái “tôi” của mình. Sự nhận biết nền tảng cho mọi hiểu biết là biết rằng mình thuộc về Chúa, và đó cũng chính là căn cơ cho việc hoán cải.

Ta cũng cần phân biệt việc nên như trẻ nhỏ hoặc con đường thơ ấu thiêng liêng với cách sống ấu trĩ về phương diện thiêng liêng (infantilisme spirituel). Khi người lớn mà còn có những cách suy nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động như trẻ con, người ta gọi đó là người ấu trĩ. Ấu trĩ về phương diện nhân bản hay thiêng liêng thì cũng thế. Ngày xưa, các Tông Ðồ đã từng cảnh giác các tín hữu về tình trạng này, khuyên họ vươn lên để tiến tới sự trưởng thành trong nhân cách của người Kitô hữu (x.1Pr 2,2; 1Cr 3,2). Thành Phaolô nói rõ “Thưa anh em, về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành” (1Cr 14,20). Còn hơn thế nữa, tình trạng trưởng thành đó phải đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4, 13).

• Giã từ quá khứ (Lc 19,1-10)

Sự hoán cải đích thực khi người ta hoàn toàn giã từ một quá khứ hay một lối sống lầm lạc, để mở ra một lối sống mới. Câu chuyện hoán cải của Giakêu cho ta thấy thế nào là niềm vui lớn lao trong ơn cứu độ của Đức Kitô. Không biết tên ông ta có phải là Giakêu không, hay Luca có ngụ ý khi đặt tên đó cho ông. Vì Giakêu có nghĩa là “người trong sạch”. Một người tội lỗi, làm giầu bất chính bằng nghề thu thuế, làm tay sai cho ngoại bang, là người bị “hư mất”, bị loại trừ trong xã hội Do Thái, mà lại gọi là người trong sạch, nghe có vẻ khôi hài. Nhưng rồi lạ thay, đó là điều mà ông sẽ trở thành, nhờ sự chân thành hoán cải.

Sự hoán cải có lẽ đã manh nha trong tâm hồn ông ngay từ lúc ông nghe biết về Đức Giêsu, và tha thiết muốn gặp Ngài. Điều đó chưa thể hiện bằng lời lẽ công khai, nhưng bằng hành vi công khai khi trèo lên cây cao bên vệ đường để nhìn Đức Giêsu đi qua. Phúc Âm cho biết vì ông thấp người nên phải làm thế. Nhưng đường đường là một quan chức thuế vụ, chức tước đâu phải nhỏ mà làm như thế. Nếu không có một ước muốn hoán cải mãnh liệt thì ông đã không dám táo bạo trèo lên cây như vậy. Đó là chuyện của trẻ con, không phải của người lớn, càng không phải của người có chút ít địa vị. Trèo lên cây xem Chúa đi qua, tức là ông coi trọng Chúa hơn danh giá của mình. Quả thật, Giakêu đã muốn "nên như trẻ nhỏ" ngay từ bước đầu, dù có thể ông chưa nghe biết giáo huấn này của Chúa.

Với cái nhìn tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất, Đức Giêsu luôn đi bước trước để khai mở. Ngài nhận ra tâm trạng và ước muốn hoán cải của Giakêu qua tính cách bên ngoài của ông, nên Ngài cất tiếng gọi: “Giakêu xuống mau đi, vì hôm nay Ta đến trọ nhà ông”. Giakêu thật sự náo nức, ngỡ ngàng: “Ông vội vàng tuột xuống và mừng rỡ đón rước Ngài”. Trong khi đó thì dân chúng xì xầm phê phán Đức Giêsu: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”. Dân chúng nói cũng phải thôi, một con người cao cả như Đức Giêsu mà lại đến cư ngụ trong nhà người tội lỗi. Phán đoán và nhận định của của con người thường thiển cận, hẹp hòi, kết án hơn là khoan dung, cản trở hơn là mở đường. Hơn nữa, họ đâu biết rằng người tội lỗi là đối tượng số một của Đấng cứu độ.

Thế rồi Đức Giêsu vào nhà Giakêu với thái độ thân thiết, chẳng đòi hỏi ông điều gì, cũng chẳng bắt ông phải hoán cải hay bỏ nghề thu thuế. Nhưng ánh mắt, lời nói, thái độ của Đức Giêsu đã thổi bùng lên ngọn lửa leo lét nơi Giakêu, và khiến lòng ông tan chảy. Bỗng chốc Giakêu thấy mình được tự do thanh thoát. Những gì xưa kia trói buộc ông, làm ông say mê, bây giờ trở nên vô vị. Vui mừng và sung sướng vì sự hiện diện của Chúa, ông tự động đáp lại bằng tất cả tấm lòng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo, và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Quả thực, hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu.

Lời tuyên bố của Giakêu khiến ta nhớ lại lời của một người Biệt Phái lên đền thờ cầu nguyện: "Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con" (Lc 18,12). Tuy nhiên, giữa hai lời đó, một là của người khoe khoang làm tròn nhiệm vụ, một là của người quảng đại vì được ơn Chúa tác động, có sự khác nhau xa về động lực và ý hướng. Nơi Giakêu là một sự hy sinh từ bỏ to lớn, vì đã cảm nhận được ơn thương xót, tha thứ, cứu độ.

Việc gặp gỡ Chúa khiến Giakêu bị mất mát nhiều, trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông cũng được bình an và hạnh phúc hơn xưa nhiều. Đức Bênêđictô khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Verbum Dei 11). Có lẽ bất cứ sự gặp gỡ đích thực nào với Chúa cũng khiến người ta muốn buông bỏ những điều trái lẽ, muốn đền bù, muốn chia sẻ và trao dâng nhiều hơn nữa. Những mất mát bên ngoài chẳng là gì. Nếu không dám mất đi cái gì, thì cũng chẳng thêm được cái gì. Những cái mất đó là những cái đáng phải mất, đáng phải trút bỏ, để sau khi trống trải thì Chúa mới có thể đổ vào sự sống mới. Đó là sự trao đổi giữa con người với Thiên Chúa, không có sự trao đổi này thì sẽ không có sự biến đổi nơi ta. Hơn nữa, Thiên Chúa còn “làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3, 20).

4. Trọng tâm hoán cải

• Hoán cải và những lựa chọn lớn nhỏ

Con người thành hình và triển nở trong thời gian qua rất nhiều lựa chọn. Có những lựa chọn quan trọng, căn bản, làm nền tảng cho cuộc sống. Tôi sống cho ai? Tôi sống để làm gi? Ai làm chủ trái tim và cuộc đời tôi? Những lựa chọn căn bản này lại có một liên hệ chặc chẽ với những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Những lựa chọn nho nhỏ này cho thấy tính cách của ta có phù hợp với những lựa chọn căn bản không, hay lại nghịch lý và mâu thuẫn theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Một người đã chọn một lý tưởng sống cho mình hoặc cam kết sống lý tưởng đó cách công khai, nhưng trong cuộc sống hằng ngày có những hành động và lối sống trái nghịch, thì sự lựa chọn đó chỉ là một ảo ảnh, có vẻ thật nhưng không thật. Mọi suy nghĩ và hành động trong mọi sinh hoạt thường ngày biểu lộ các ước muốn đích thực của mình: “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. (Mt 6, 21). Theo thánh Tôma: “Nhìn kỹ vào bất cứ hành động của một người, chúng ta sẽ khám phá ra người đó đang định hướng cuộc sống trước mặt Chúa và đời sống vĩnh viễn như thế nào”.

Sự hoán cải chỉ đích thực và sâu xa hơn khi ta có kinh nghiệm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình, qua những hoàn cảnh và biến cố, để từ đó lựa chọn Ngài là cùng đích, làm nền tảng cho mọi lựa chọn khác trong đời mình.

Cũng cần xác định lại rằng: Kitô hữu là người mang hình ảnh và sự sống của Đức Kitô, nên phải luôn nhìn ngắm Đức Kitô để khám phá ra mầu nhiệm cuộc sống làm người và làm con Thiên Chúa của mình. Hoán cải đối với người Ki-tô hữu là tự hỏi: “Tôi đã thực sự lựa chọn Đức Ki-tô? Tôi đã khám phá ra nơi Ngài tình thương, kế hoạch và lối sống Chúa Cha dành cho tôi?” Câu trả lời sẽ được minh chứng qua hành động và cách sống của mình hằng ngày.

• Hoán cải là một biến đổi từ trái tim do Thánh Thần tình yêu

Hoán cải không chỉ là quyết định thêm giờ cầu nguyện, phụng vụ hay các việc đạo đức, hoặc chỉ thêm việc bác ái và sửa chữa vài tính xấu. Điều hoán cải quan trọng là sự biến đổi tận gốc, là sự tái sinh, là đổi mới trái tim (x. Ed 36, 25-29).

Khi tâm hồn còn mờ tối và trái tim chưa được biến đổi, thì sợ rằng những việc lành bên ngoài chỉ là những hành động nhất thời, và lối sống cũ lại bắt đầu. Tuy nhiên, dù chưa cảm mến được gì thì những thay đổi tích cực bên ngoài cũng là bổn phận phải làm, và rất cần thiết để trợ lực cho sự biến chuyển bên trong.

Chính Thánh Thần mới biến đổi chúng ta tận thâm tâm. Khi thánh hóa con người, Ngài biểu lộ những khả năng, tính cách cao đẹp nhất của mỗi người. Quyền năng đổi mới của Ngài làm ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức ki-tô, nghĩa là ngày càng có tinh thần nghèo khó, trái tim trong sạch, tấm lòng thương xót, khao khát sự công chính, biết xây dựng hòa thuận, can đảm chịu đựng sự bách hại.

Mọi sự cao đẹp của con người đều là hồng ân của Thánh Thần tình yêu, không ai có thể tự ban cho mình. Cần phải nỗ lực hết mình, nhưng không phải vì thế mà có thể nên công chính. Sự công chính không hệ tại vào việc tuân giữ một số các luật lệ hay một số những hoạt động bác ái, đạo đức, nhưng là đặt toàn thể cuộc sống mình hay buông mình dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần trên mọi phương diện.

5. Thời gian hoán cải

Hoán cải là để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”. Đây là một cuộc hành trình thiêng liêng kéo dài suốt đời. Ta không thể hiểu và sống sứ điệp Phúc Âm liên tục, nếu không có một sự thay đổi tư tưỏng và hành động mỗi ngày cho phù hợp với ý Chúa hơn. Nhìn lại đời sống các môn đệ, ta thấy sau khi Chúa sống lại rồi mà các ông vẫn chưa hoàn toàn hoán cải. Ngay cả lúc Chúa sắp về trời, các ông vẫn còn hỏi Chúa đây có phải là lúc tái lập vương quốc Israel chăng (x. Cv 1, 6). Não trạng xưa kia của các ông vẫn còn. Sự biến đổi sâu xa con người tôn giáo của các ông chưa kết thúc. Nơi chúng ta cũng thế, chỉ có thể trở thành người môn đệ Đức Kitô, khi không ngừng giũ bỏ những gì làm ta xa lạc, để hướng lòng trọn vẹn về Ngài.

Sự hoàn thiện cũng giống như ta xây một ngôi nhà nhiều tầng. Xây tầng nào là xong tầng đó, dù chưa hoàn bị vẫn là một thành quả. Nhưng việc hoán cải không chỉ dành cho những tầng tiếp theo, mà vẫn phải bao trùm tất cả những gì ta có, những gì ta là. Đó là hình ảnh xây nhà thiêng liêng bảy tầng mà thánh Têrêxa Giêsu nói lên. Tuy vậy, thánh nữ vẫn cho thấy chính giá trị hoán cải cho phép ta đi vào từng tầng một.

Còn thánh Bonaventura lại chia hành trình nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa thành bảy cấp, cấp cuối cùng lại là Thập giá. Cứ tưởng là đạt tới chín tầng mây, ai ngờ thánh nhân lại lôi ta trở lại, bắt ta nhìn vào Thập giá. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tất cả đều do sáng kiến yêu thương của Chúa. Hoán cải vừa là ân huệ của Thiên Chúa, vừa là nỗ lực của con người.

Trong Năm Phụng vụ, thời kỳ sám hối khá dài, chiếm cả hai Mùa Vọng và Chay, và nhiều dịp khác. Hằng tuần, ngày thứ sáu cũng mang ý nghĩa là ngày sám hối. Kinh nguyện kitô giáo, nhất là kinh nguyện Phụng vụ, thường hay trở lại đề tài hoán cải. Ðầu Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội mời gọi ta sám hối. Cuối mỗi ngày, đầu Giờ Kinh Tối, chúng ta cũng được kêu gọi sám hối. Ðó là những tiếng chuông theo nhịp thời gian nhắc nhở cho ta hành vi quan trọng này. Sám hối và hoán cải phải trở thành những việc làm thường xuyên trong suốt cuộc đời ta thì mới mong thấy ngày hồng ân cứu độ.
 
Hãy sám hối ăn năn!
Tuyết Mai
16:15 18/03/2011
(Tâm Tình Cầu Nguyện Gởi Đến Anh Chị Em Bên Nhật)

Bắt đầu từ chiều thứ sáu khoảng 4g chiều bên Nhật Bản, đã xẩy ra trận động đất thật khủng khiếp nhất từ trước đến nay, ở tầm độ của Richard Scale là 8.9. Nước Nhật Bản nổi tiếng là nơi xẩy ra rất nhiều trận động đất, nên dân họ cả nước đã được dậy dỗ rất tường tận và thật bình tĩnh khi có động đất xẩy ra. Nhà cửa và tòa lầu cao của họ cũng phải được xây cất để có thể chống những trận động đất khi xẩy ra. Tòa nhà cao thì thế! Còn nhà ở thường thì bằng những thanh gỗ thật nhẹ để ghép vào nhau hình thức như cái hộp gỗ vậy! Bên dưới nền nhà cũng chỉ là những miếng ván được ghép lại.

Trận động đất xẩy ra bên Nhật vừa qua, tôi thiết tưởng chẳng một ai bên Nước họ có thể ngờ được để mà ngừa trước hoặc để di tản trước. Thật là một sự việc xẩy ra quá bất ngờ!. Không ai có thể chống đỡ được. Tôi được nhìn thấy tất cả những hình ảnh được cập nhật trên internet mà chính tôi cảm thấy thật bàng hoàng và thật xúc động. Không xúc động và giao động sao được khi tưởng tượng chính mình đang ở trong tình cảnh mỏng dòn và yếu đuối như thế!. Chỉ động đất một mình thôi đã là thấy bao nhiêu cái chết và bao nhiêu thiệt hại, đằng này ôi lậy Chúa tôi! Cái lắc của động đất đã làm cho bao nhiêu con người ta sợ hãi và chết trong cái lắc suốt 5 phút của đồng hồ. Chỉ một lát sau là sóng thần ập vào thành phố, lôi theo biết bao nhiêu tàu, thuyền, bè, nhà cửa, và tất cả mọi thứ trên còn đường đi của nó. Lậy Chúa! Con còn được chứng kiến cảnh mấy chiếc tàu đang trên con đường bị nhận chìm vào cơn lốc xoáy ngoài biển khơi gần đó!. Con còn được nhìn thấy cảnh một chiếc xe van đang còn cháy đèn và còi nhấn tin tin chắc có ai đang trên chiếc xe van ấy và đang bị cơn nước trôi đi cùng với tất cả những thứ rác rưởi khác.

Tôi thiết tưởng không ai trên thế giới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng xẩy ra trước mắt chúng ta mà không cầm được nước mắt, mà không cầu nguyện, mà không run sợ, mà không muốn bay qua liền để mà giúp đỡ được gì cho anh chị em chúng ta bên đó!. Anh chị em có ai đặt câu hỏi là tại sao rất gần đây thế giới chúng ta đã xẩy ra biết bao nhiêu biến loạn, thiên tai, và chết chóc nhiều đến độ chúng ta phải quan tâm và phải tự hỏi vì sao không?. Hay đây là dấu hiệu ngày Thiên Chúa sắp quang lâm?. Ngày nay internet đã cho chúng ta thật nhiều hình ảnh để chứng kiến mọi biến cố xẩy ra trên toàn khắp thế giới, giúp chúng ta điều gì?. Có phải giúp chúng ta thật nhiều trong sự suy nghĩ, trong cách sống từng ngày của chúng ta. Bởi ai biết được ngày mai ta sẽ ra sao?. Bởi ai biết được ngay ngày hôm nay đây, sóng thần tràn vào bờ cũng càn quét đi tất cả những gì thân thiết nhất của chúng ta, hay ngay chính chúng ta cũng sẽ bị trôi theo giòng nước mà chết bất thình lình?. Ai trong chúng ta có phù phép gì để mà biến thể như Tề Thiên Đại Thánh?. Ai trong chúng ta giỏi dang gì mà đoán biết trước được?. Ngay cả thời nay chúng ta có đủ mọi khí cụ máy móc để mà dự đoán thời tiết đấy chứ, nhưng tất cả khi mọi việc đã được xẩy ra, thì máy móc tân tiến nhất cũng đã chịu thua hay không?. Cho nên con người chẳng nên cậy dựa được gì trong trần gian đầy tội lỗi này!. Nhất nhất chúng ta phải luôn biết cậy dựa vào một Thiên Chúa duy nhất mà thôi!. Vì chỉ có Ngài mới có thể giúp chúng ta thoát được sự nguy hiểm và chỉ có Ngài mới giúp chúng ta thoát được cái chết, nếu Ngài chưa muốn chúng ta chết.

Tôi và tất cả mọi anh chị em ai đang sống trong bang Cali. Đều phải hiểu và phải luôn chuẩn bị cho một trận động đất thật lớn có thể xẩy ra, còn có thể hơn cả Nước Nhật Bản nữa!. Vì bang chúng tôi có những lằn nứt chạy dài đến biển. Nếu động lớn như Nhật thì chắc có rất nhiều mảng đất sẽ trôi ra ngoài biển khơi mà đắm, chìm, rồi biến dạng dưới biển; mang theo tất cả những gì trên mảng đất lớn ấy! Rồi thì sóng thần cũng sẽ ập vào mà càn quét tất cả mọi thứ đi theo y như Nước Nhật ngày hôm nay chúng ta được chứng kiến.

Ôi lậy Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng con! Xin cho tất cả chúng con nhận thức được những gì quý giá những gì là không quý giá, nhất là cho linh hồn đời đời của chúng con. Khủng hoảng nhất là cho những ai trước giờ chết mà chưa dọn lòng chưa chuẩn bị để mà về trước Tòa Thiên Chúa. Đã là lúc mà chúng con tất cả mọi người trên thế giới kịp thời mà trở về làm hòa cùng Thiên Chúa là Thiên Chúa Tối Cao, Ngài là Đấng quyền uy trên mọi tạo vật trên trời và đất. Để chúng con biết sống quan tâm cho nhau. Để chúng con biết sống thương yêu nhau như Chúa dậy bảo. Để chúng con xứng đáng được làm con Thiên Chúa, và để được Thiên Chúa luôn chúc lành. Hình ảnh đang xẩy ra bên Nhật, giúp chúng con nhận thức rất nhiều là tất cả mọi thứ trên trần gian chẳng có nghĩa lý gì khi chúng con đột xuất lìa trần. Anh chị em chúng con bên Nhật, những người đã lìa trần, ai trong số đó được Chúa chấp nhận và ai không được Chúa chấp nhận???. Xin Thiên Chúa của lòng Thương Xót! Xin thương ban cho tất cả được ăn năn dọn lòng trước khi họ giã từ trần gian. Vâng, chúng con hợp lời cầu nguyện cùng tất cả mọi anh chị em trên khắp cùng thế giới xin Chúa ban cho mọi linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, và thương ban cho những anh chị em còn đang sống nhưng bị chôn vùi ở những đống rác vụn được tìm thấy và trở về an toàn bên gia đình bình an vô sự. Chúng con xin tạ ơn Thiên Chúa là Thiên Chúa muôn đời của toàn thể nhân loại chúng con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 18/03/2011
THỊT MẶN

N2T


Có một người rất là hà tiện, không nỡ để người trong gia đình ăn rau hoài, nên ngâm một miếng thịt muối và treo trên xà nhà, khi ăn cơm thì để mọi người nhìn miếng thịt mặn ấy rồi và một miếng cơm.

Đứa con trai của ông ta bưng chén cơm, cứ nhìn miếng thịt mặn nhiều lần, ông ta bèn chửi nó:

- “Nhìn mãi nhìn hoài, lẽ nào mày không sợ mặn sao ?”

Suy tư:

Trong bảy mối tội đầu, mà mối thứ hai là hà tiện, mối này chỉ đứng sau mối kiêu ngạo mà thôi, cho nên nó cũng là nguyên nhân lớn, làm cho con người ta trở nên dửng dưng trước những thiếu thốn và bất hạnh của tha nhân.

Mối tội kiêu ngạo là mối lớn nhất xúc phạm trực tiếp đến quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa, bởi vì nó –tội kiêu ngạo- làm cho con người ta nâng mình lên hơn cả Thiên Chúa, và như thế sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt như đã trừng phạt ma quỷ trong hỏa ngục.

Mối tội hà tiện là mối lớn nhất xúc phạm trực tiếp đến tha nhân và đến bản thân của mình, bởi vì Thiên Chúa không hề hà tiện với con người, nhưng con người lại hà tiện với anh chị em của mình.

Khi mình có thể chăm sóc thân xác mình cho xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa, thì lại hà tiện bủn xỉn để cho thân xác gầy còm ốm yếu bệnh hoạn; khi mình có thể giúp đỡ tha nhân, thì lại hà tiện đem những gì Thiên Chúa ban cho mình cất trong kho khóa kín, mà không thay mặt Chúa giúp đỡ cho người người anh em chị bất hạnh đang cần mình giúp đỡ…

Hà tiện thì khác với tiết kiệm.

Hà tiện thì bo bo giữ của cải mà không dám sử dụng cho mình hay giúp cho tha nhân, còn tiết kiệm thì cái gì đáng dùng thì mua, không đáng dùng thì không cần mua, và có thể giúp đỡ người khác khi họ cần.

Hà tiện là mối tội, còn tiết kiệm là mối phúc. Ai hiểu thì hiểu.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:42 18/03/2011
N2T


10. Tội nhẹ giống như mụn nhọt người ta không lưu ý đến, khi vết thương từ từ lở loét, cuối cùng thì dẫn đến cái chết.

(Thánh John Chrysostom)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:47 18/03/2011
NHÁT GAN

Những đứa em bà con chú bác và học trò bên Mỹ cứ mời cha qua chơi cho biết nước Mỹ, mọi phí tổn các em sẽ lo, nhưng cha chần chờ có nên đi hay không, bởi vì cha nghèo, sợ mang tiếng qua Mỹ là để đi xin tiền...

Đúng là cha nhát gan thật !

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Grignion de Montfort và Têrêsa thành Lisieux tại Vatican
Bùi Hữu Thư
07:43 18/03/2011
Tĩnh tâm do Linh Mục François-Marie Léthel, OCD hướng dẫn

ROME, ngày 15 tháng 3, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Cuộc tĩnh tâm tại Vatican đã được đặt dưới chủ đề về thần học các thánh, và ngày thứ ba này, linh mục François-Marie Léthel, OCD, đã bàn đến thần học của hai vị thánh người Pháp: thánh Louis Marie Grignion de Montfort, mà hồ sơ tuyên phong “tiến sĩ hội thánh” đang được duyệt xét, và thánh Têrêsa thành Lisieux, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên dương là tiến sĩ hội thánh với tước hiệu chuyên viên về “khoa học tình yêu.”

Đài Radio Vatican cho hay: Linh mục P. Léthel đã trình bầy trong ngày thứ ba của cuộc tĩnh tâm “thần học Thánh Mẫu” của một thánh và “Kitô học” của vị thánh kia.

Bài suy niệm thứ nhất đã được dành cho tu đức Thánh Mẫu của thánh Louis-Marie như được trình bầy trong “Luận án về sự sùng kính đích thực” và đã được tóm lược trong tác phẩm “Bí Mật của Mẹ Maria” được lưu giữ trong thư viện trên mạng của Thánh Bộ Giáo Sĩ, chúng ta có thể bấm vào các nối kết để có thể tải xuống.

Bài suy niệm thứ hai được dành cho nhật ký của thánh Têrêsa thành Lisieux – “Lịch Sử một Tâm Hồn” – và các tài liệu khác của vị tiến sĩ Giáo Hội cuả thiên niên kỷ thứ ba, và bổn mạng của việc truyền giáo trên toàn thế giới.

Bài suy niệm thứ ba được dành cho “Kitô học của Têrêsa: trong Thánh Danh Giêsu và Tình Yêu của Giêsu, ôm ấp tất cả mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa và con người.”

Chúng ta cũng có thể tìm thấy trên mạng www.clerus.org một bài viết cuả Đức Cha Guy Gaucher về “thuyết duy thực” của thánh Têrêsa, và trên mạng của Vatican một bài thuyết trình của Đức Hồng Y Paul Poupard về “học vĩ tiến sĩ” của thánh Têrêsa. Cũng tại đây chúng ta cũng có thể thấy bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về “học vị tiến sĩ” ngày 16 tháng 10, 1997, trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo Quốc Tế.

Chủ đề của ngày thứ hai, ngày 14 tháng 3, theo Radio Vatican, luôn luôn theo trường phái của Gioan Phaolô II: “Khoa học cao cả của các thánh” (Thánh Louis Marie Grignion de Montfort): khoa học thánh thiện, khoa học của đức tin, khoa học của tình yêu (từ « Fides et Ratio » đến « Tertio millennio ineunte »).

Bài suy niệm thứ hai về « Totus tuus », quan niệm của Karol Wojtyla-Gioan Phaolô II, vừa “”quy hướng Kitô” và “thánh Mẫu”, và là đường hướng trong suốt cuộc đời của ngài (xem Ga 19, 25-27, và lá thư gửi các nam và nữ tu sĩ các Dòng Monfort ngày 8 tháng 12, 2003.)

Bài suy niệm thứ ba dựa trên “sự huy hoàng của đức ái, đức tin và niềm hy vọng” của đời sống Đức Gioan Phaolô II cùng với Đức Trinh Nữ Maria.
 
Chiara Lubich, nữ tông đồ của sự hiệp thông và hiệp nhất
Linh Tiến Khải
07:37 18/03/2011
Ngày 14-3-2008 cách đây 3 năm chị Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào Focolari Tổ Ấm, đã qua đời tại Rocca di Papa, cách Roma 30 cây số, hưởng thọ 88 tuổi (1920-2008).

Chiều ngày 13-3-2011 Đức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình đã chủ sự thánh lễ tạ ơn tại vương cung thanh đường 12 Tông Đồ ở Roma. Cùng đồng tế thánh lễ đã có 2 Giám Mục và 20 Linh Mục, trước sự hiện diện của đông đảo các thành viên Phong trào Tổ Ấm Roma.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Antonelli đã nhắc lại các cột trụ trong linh đạo của chị Chiara Lubich và Phong trào Tổ Ấm: đó là dấn thân sống Lời Chúa và chu toàn thánh ý Người, cũng như cùng nhau nên thánh và đối thoại với tất cả mọi người.

Phong trào Tổ Ấm đã được chị Chiara Lubich khởi sự tại Trento đông bắc Italia năm 1943, sau đó lan dần trong toàn nước Italia và nhiều nước Âu châu. Bắt đầu từ năm 1958 Phong trào lan sang các đại lục khác và hiện nay Phong trào có hơn 1 triệu thành viên hoạt động tại 183 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phong trào Tổ Ấm là một phong trào giáo dân, nhưng tinh thần của phong trào cũng được nhiều Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ Nam Nữ yêu thích. Do đó, phong trào cũng có thêm bốn nhánh: các Giám Mục bạn của phong trào Tổ Ấm, các linh mục, các nam tu sĩ và các nữ tu. Ngoài ra cũng có hàng trăm ngàn cảm tình viên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của anh Roberto Catalano, đặc trách văn phòng đối thoại liên tôn của Phong trào Tổ Ấm về linh đạo của Phong trào. Anh Catalano đã từng hoạt động nhiều năm bên Ấn Độ.

Hỏi: Thưa anh Catalano, phong trào Tổ Ấm là một đặc sủng trong lòng Giáo Hội hoàn vũ. Anh có nhận xét gì về đặc sủng này?

Đáp: Đặc sủng của chị Chiara Lubich là đặc sủng của sự hiệp thông và hiệp nhất, và như thế nó không thể là ý thức hệ. Thật ra, mục đích chuyên biệt của Phong trào Tổ Ấm là đối thoại 380 độ trong toàn Giáo Hội công giáo: tức là đối thoại đại kết với các Giáo Hội Kitô khác, đối thoại liên tôn với các tôn giáo khác, đối thoại với các người thiện chí mà không quy chiếu về tôn giáo.

Hỏi: Diễn tả trong thực hành điểm gặp gỡ trên lý thuyết có khó khăn lắm không thưa anh?

Đáp: Nó không là điều dễ dàng, trước hết bởi vì ý tưởng về Thiên Chúa mà chúng tôi là kitô hữu có không phải là ý tưởng về Thiên Chúa mà các tín hữu Hồi có. Nó cũng không phải là ý tưởng mà tín đồ các tôn giáo khác có. Một cách nền tảng, đó là biết rằng chúng ta không biết, và vì thế chúng ta phải có thái độ lắng nghe, học hỏi, và đây không bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng nếu làm được, thì sẽ có những lúc trao đổi, trong đó chúng ta nhận ra nhiều điều chung và nhiều điều khác biệt. Và sự khác biệt không làm lẫn lộn, trái lại giúp duy trì căn tính của chúng ta, đồng thời cũng đặt để chúng ta vào trong sự tiếp xúc và hiệp thông.

Hỏi: Việc đối thoại đa diện mà Phong trào Tổ Ấm thăng tiến đã đem lại các thành qủa nào?

Đáp: Trước hết, chúng tôi sống kinh nghiệm một sự hiệp nhất nội tâm sâu xa với Thiên Chúa, và sau đó chúng tôi gặp gỡ nhau như anh chị em. Chúng tôi sống kinh nghiệm như một gia đình bên trong nhân loại, không phải vì có ai đó đã nói với chúng tôi, nhưng bởi vì chúng tôi đã sống kinh nghiệm ấy. Thế rồi, còn có nhiều khía cạnh cụ thể khác nữa. Chẳng hạn như việc chấp nhận sự khác biệt như nó là, với kết qủa là các thành kiến rơi rụng, rồi có sự cộng tác với nhau. Có thể chúng ta không tin vào cùng một điều, hay không nghĩ cùng một điều, nhưng chúng ta có thể làm việc cho các mục đích chung.

Hỏi: Làm thế nào để hòa giải sự kiện chúng ta các tín hữu kitô tin rằng chỉ có một chân lý duy nhất với biết bao nhiêu tôn giáo khác nhau như vậy?

Đáp: Chân lý là một là một sự kiện rồi, nhưng nó không duy nhất. Chân lý là một có nghĩa là nó chung cho tất cả mọi người, thuộc bất cứ tôn giáo nào. Còn một chân lý duy nhất là một sự thật loại trừ vài sự thật khác. Kitô giáo có một Thiên Chúa và Người là ba ngôi; Người không là một Thiên Chúa duy nhất, Người là một Thiên Chúa một; và đây là hai sự kiện khác nhau. Đây là việc khởi hành tự ý thức này: chân lý là một và được mặc khải một cách tràn đầy nơi Đức Giêsu, nhưng điều này không có nghĩa là các người khác không thể đến với chân lý này, không thể hiểu biết chân lý này, bởi vì chân lý này đã hiện hữu trong các tôn giáo khác trong một cách thức nào đó và trong nhiều cách thức khác nhau, và cả bởi vì sự mạc khải chân lý nơi Đức Giêsu là cho toàn nhân loại.

*** Chiều ngày 14-3-2011, đã có buổi lễ tưởng niệm chị Chiara Lubich về đề tài: ”Chiara Lubich, một phụ nữ đối thoại. Các điểm đối thoại liên tôn và với một thế giới của nền văn hóa hiện đại”. Tham dự buổi lễ tưởng niệm đã có nhiều nhân vật thuộc thế giới công giáo, do thái và hồi giáo. Nhân địp này nhà xuất bản Città Nuova của Phong trào Tổ Ấm đã cho ấn hành cuốn tiểu sử chính thức đầu tiên của chị Chiara Lubich tựa đề ”Hãy đem thế giới trong vòng tay. Chiara Lubich”. Sách thu thập các chứmg từ của những người đã từng quen biết chị và nhiều tài liệu chưa từng được phổ biến. Tác giả là ông Armando Torno, nhà phát hành nhật báo ”Người đưa tin chiều”. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông về cuốn sách nói trên.

Hỏi: Thưa ông Torno, tại sao ông lại chọn tựa đề cho cuốn sách là ”Hãy đem thế giới trong vòng tay”?

Đáp: Tựa đề sách ”Hãy đem thế giới trong vòng tay” là một câu tóm tắt tốt đẹp nhất lý tưởng cuộc sống của chị Chiara Lubich, và hiển nhiên cũng là quan niệm của chị về Kitô giáo.

Hỏi: Ông đã không bao giờ gặp chị Chiara Lubich một cách cá nhân, nhưng đã gặp chị qua cuốn tiểu sử của chị. Từ đó ông rút tỉa ra được kinh nghiệm nào?

Đáp: Tôi đã không bao giờ biết chị một cách cá nhân, tuy nhiên tôi nhận ra rằng lý tưởng của chị Chiara Lubich đi trước các lý tưởng của Công Đồng Chung Vaticăng II và chị đã thực hiện trước điều Công Đồng sẽ làm. Thế rồi, dĩ nhiên có một lý tưởng cuộc sống kitô nữa: ”Tất cả chúng ta là một” đã là một câu hay được chị lập đi lập lại. Tôi đã biết chị qua các trang sách này: một gương mặt không dễ gì để cho nó bị nắm bắt một cách dễ dàng, nhưng là gương mặt vô cùng hấp dẫn, vô cùng cách mạng, và có lẽ tân tiến hơn là các gương mặt bên trong Giáo Hội, với biết bao thinh lặng và biết bao tận tụy.

Hỏi: Theo ông thì tính cách tân tiến ấy của chị Chiara Lubich hệ tại điều gì?

Đáp: Chị Chiara đã thách đố vài đề nghị của sự tân tiến và có lẽ đã chiến thắng một cách khác với hàng ngàn giải pháp chính trị đã được đưa ra trong thế kỷ XX. Đề tài kinh tế lớn đã khiến cho bao nhiêu con sông nước mắt và đại dương mực chảy ra, Chiara đã giải quyết một cách đơn sơ qua Kitô giáo, trong một cộng đoàn. Ngoài ra, chị Chiara cũng đã thành công là người tân tiến trong cuộc đối thoại không biên giới và không loại trừ trước, nhưng sống nó nhân danh tình yêu thương đối với tất cả mọi người và mọi sự, bằng cách tiếp nhận lấy những gì tốt nhất nơi mỗi người. Nguyên tắc nền tảng này của Phong trào Tổ Ấm là môt trong các khía cạnh được chị để lại và cần được liên tục thực hiện. Chị Chiara rộng mở cho tất cả mọi người, bằng cách gắn chặt cái nhìn vào Chúa Giêsu, là điểm khởi hành của mọi sự. Đàng khác, đây cũng là là điều được chứng minh trong cuốn sách mới xuất bản của Đức thánh Cha Biển Đức XVI, trong đó gương mặt của Chúa Kitô luôn luôn rất thời sự và rất kích thích. Có những người, các cơ cấu, các hoàn cảnh đã đọc gương mặt ấy rồi bỏ vào một xó. Nhưng Chúa Kitô là người rộng mở một cách gây vấp phạm nhất chưa từng thấy. Chị Chiara cũng đã là một người rộng mở một cách gây gương mù gương xấu trong một xã hội còn có nhiều khép kín.

Hỏi: Theo ông, đây là một cuốn sách mà ai cũng có thể đọc được, có phải thế không?

Đáp: Tuyệt đối rồi. Cuộc sống của chị Chiara là một cuộc sống thẳng băng, một cuộc sống được dệt bằng những sự tầm thường, một tình yêu trọn vẹn, như đầu hàng trước Phúc Âm. Mọi ý thức hệ đều đã thất bại, chính trị thì gặp khủng hoảng, kinh tế đã không có các bảo đảm lớn lao nào: vậy thì chúng ta phải hướng tới các giá trị nào đây? Theo thiển ý tôi, đánh cá duy nhất đó là quy hướng tất cả về Chúa Kitô: không có các con đường nào khác giúp đưa ra các giải pháp lớn cho thế giới tân tiến ngày nay. (RG 14-3-2011)
 
Các giám mục Nhật thiết lập trung tâm điều động công tác cứu trợ tại Sendai
Bùi Hữu Thư
11:47 18/03/2011
ROME (CNS) – Các giới chức Giáo Hội Nhật đang thiết lập một trung tâm cứu cấp để phối hợp các công tác trợ giúp nhân bản tại Sendai, là khu vực bị tàn phá nhiều nhất bởi trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3.

Cơ quan thông tấn của Giáo Hội Công Giáo Á Châu UCA News cho biết: Đức giám mục Martin Tetsuo Hiraga ở Sendai và linh mục Peter Shiro Komatsu, chưởng ấn sẽ là giám đốc và phó giám đốc trung tâm, và một nhân viên Caritas cũng sẽ làm việc tại đây để phối hợp các công tác cứu trợ.

Các linh mục và giáo dân thuộc các giáo phận khác cũng có thể sẽ tham gia vào công tác này. Trung tâm được dự trù hoạt động trong 6 tháng, theo hãng thông tấn UCA News.

Linh mục Komatsu nói xăng là sản phẩm tiêu thụ cần thiết nhất. Ngài nói: “Vì thiếu xăng dầu và đường xá bị ngăn chặn bởi các sự đổ nát, chúng tôi gặp khó khăn trong việc đến được những khu vực ngoại ô của Thành phố Sendai.”

Cha Komatsu nói gày 17 tháng 3 là ngài đã bắt đầu liên lạc với nhiều giáo xứ tại trung tâm thành phố để tìm chỗ trú ngụ cho các nạn nhân bị di tán vì trận động đất, và thêm rằng giáo hội có thể cung cấp chỗ cư trú cho các nhân viên cứu trợ.

Giáo phận chưa nhận được tin tức về các giáo xứ miền duyên hải vì truyền thông viễn liên bị gián đoạn. Linh mục Daisuke Narui, giám đốc điều hành của Caritas Nhật Bản cũng đã tham dự buổi hội trung tuần tháng 3. Ngài nói: “Những tòa nhà to lớn nhất tại Sendai đã đứng vững sau trận động đất mạnh mẽ này. Nhưng thiệt hại lớn lao nhất là do sóng thần gây nên. Hình ảnh bao quát của sự tàn phá hết sức khủng khiếp. Bây giờ chúng tôi phải sắn tay áo lên để làm việc. Người dân đang mong đợi sự giúp đỡ của chúng tôi.”
 
Trung Quốc: người Công Giáo đổ xô đi mua muối.
Tiền Hô
13:02 18/03/2011
Tây An (Trung Quốc), 18 Tháng Ba 2011 (UCANEWS) - Cuộc khủng khoảng nguyên tử của Nhận Bản đã khiến người Công Giáo ở Trung Quốc cũng chạy theo hành động của một số người, khi thấy họ hoảng loạn đua tranh nhau để dự trữ muối ăn.

Sau vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở Nhật Bản, người ta bắt đầu đi gom mua muối trong các siêu thị và cửa hàng trên khắp Trung Quốc, Hồng Kông và Macau. Hành động này trở nên cao trào sau khi có khi tin đồn lan truyền rằng, muối ăn có I-ốt (Iodine) có thể giúp bảo vệ con người khỏi bị ngộ độc phóng xạ. Cũng có tin đồn rằng, nguồn muối cung cấp về sau sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển bị nhiễm phóng xạ.

Tuy nhiên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã ban hành một tuyên bố nói rằng, họ đã tiếp nhận các báo cáo cho biết là đã có người phải nhập vào các viện giải độc trên toàn thế giới sau khi họ uống các viên I-ốt.

Lo ngại về mức độ gây hại của chất phóng xạ tại nhà máy Fukishima, các nhân viên cứu hỏa vấn tiếp tục cố gắng để xử lý rò rỉ phóng xạ, còn người dân ở nhiều nước thì hoảng sợ nên mua thuốc có chứa I-ốt. Một số giáo dân cũng làm theo, mặc dù họ không nghĩ ra lí do tại sao mọi người lại tranh nhau mua muối như vậy. Một số giáo dân hỏi thăm nhau: "Anh chị đã mua được muối chưa?" khi họ gặp nhau trên đường phố.
 
Đạo đức kinh doanh
Tiền Hô
13:04 18/03/2011
Tại miền nam Trung Quốc, ông Giuse (một chủ siêu thị) nói rằng, muối bán rất chạy và người ta đã lái xe một chặng đường xa để mua duy nhất mặt hàng này. Ông nói rằng ông không bị cám dỗ để kiếm lợi như một số nhà bán lẻ khác, khi khách hàng chịu trả giá gấp 10 lần bình thường cho một gói muối 500 gram. "Tôi không thể kiếm lợi cách bất chính như vậy, lương tâm tôi không cho phép", ông Giuse nói. "Tất cả các kho muối trong các siêu thị đã bán hết chỉ trong một ngày. Nhiều người tuyệt vọng vì không mua được, họ chuyển sang mua xì dầu".

Ông hy vọng các linh mục Công Giáo nhắc nhở giáo dân không tăng giá bán để thực hiện theo đạo đức kinh doanh và giáo lý của Giáo Hội.

Một số phòng thảo luận Công Giáo trên mạng (internet chat room), giáo sĩ và giáo dân đã lên án việc tăng giá bán. Cô Maria (một thành viên phòng chat) nói, "Vì hoảng loạn nên mọi người đã quên đi thực tế rằng, Trung Quốc là một quốc gia lớn về sản xuất muối, và hầu hết các mỏ muối lớn nhỏ đều sản xuất rất ít muối làm từ nước biển".

"Vụ việc này cho thấy tâm lý yếu kém của người dân Trung Quốc, có lẽ hầu hết trong số họ không có sự bổ trợ tinh thần của Thiên Chúa", cô nói.

Micae (một kỹ sư Công giáo về hưu ở Sơn Tây) cho biết, ông xấu hổ khi nhìn thấy đồng bào trở nên hoảng loạn trước những tin đồn bởi các nhà buôn không trung thực, trong khi đó Nhật Bản đối mặt với thảm họa một cách rất bình tĩnh.

Còn Cha Phêrô Peng Jiandao của Hàm Đan (tỉnh Hà Bắc) thì than thở rằng, quốc gia này không còn một nền tảng của đức tin. "Không chỉ Kitô giáo, ngay cả những truyền thống của Nho Giáo cũng dạy chúng tôi phải chăm sóc cho người yếu bệnh kiệt sức. Điều này nhắc nhở chúng ta nhiều hơn về tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng".

Dùng quá nhiều muối sẽ có hại cho cơ thể, một quan chức y tế Hồng Kông đã cảnh báo.
 
Cô đơn và Lo sợ
Giuse NQT
13:53 18/03/2011


Nguyện xin Chúa nhân từ ủi an và ban sức mạnh cho người đàn bà này và tất cả những nạn nhân trong trận động đất-sóng thần bên Nhật

Tôi muốn ngước mặt lên để thấy mặt trời vẫn còn soi sang thế gian, để thấy dẫy núi xanh mờ ảo sau làn khói. Nhưng làm sao mắt tôi có thể không chăm chú đến thành phố đổ nát đang chìm dưới dòng nước lũ. Làm sao để mắt tôi ngưng tìm kiếm dấu tích của căn nhà nơi trú ẩn của tôi và làm sao để lòng tồi không cảm thấy những cơn đau tê tái vì những người thân yêu của tôi giờ này đang rét mướt nơi đâu hay thân xác họ đang lẫn lộn dưới biển nước trước mặt tôi.

Nỗi lo sợ trong lòng bỗng chuyển sang cô đơn và đen tối. Bao nhiêu tuổi đời trôi qua bỗng chiều nay một mình đứng đây nhìn cảnh tàn phá giữa ban ngày. Sợ hãi và cô đơn to lớn hơn núi Phú Sĩ và lòng tôi tan nát như bối cảnh trước mắt tôi. Tôi đã may mắn được sống xót hay đang bị đày đọa trong biển khổ. Tôi đang giận Trời hay đang nhận ra thân phận bé nhỏ của mình?

Houston 18-3-2001
 
“Chúa Giêsu Nadarét”: phản bội, luận tội và buộc tội
Vũ Văn An
20:07 18/03/2011
Trước khi cuốn “Chúa Giêsu Nadarét” Phần 2 được chính thức phát hành vào ngày 10 tháng 3 năm nay, Nhà Xuất Bản Vatican đã cho công bố 3 trích đoạn có ý nghĩa lấy từ tác phẩm này. Khỏi cần nhắc, ai cũng thấy đây là một tác phẩm có giá trị của một nhà thần học đã dành cả đời mình suy niệm về chủ đề trung tâm này của niềm tin Công Giáo. Vì ba chủ đề này đụng tới cốt lõi tư tưởng bác học và mục vụ của Đức Bênêđíctô XVI, rất có liên quan tới Tuần Thánh là tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng tôi xin lược dịch cả 3 trích đoạn này.

Phản bội

Trích đoạn đầu là Chương 3, tiết 4, tựa đề là “Mầu nhiệm về người phản bội” với việc nhấn mạnh rằng sự phản bội này vượt quá sự giải thích của tâm lý học. Đức Giáo Hoàng viết như sau:

Trình thuật rửa chân trình bày cho ta hai đáp ứng nhân bản khác nhau đối với hồng ân này, được điển hình hóa bởi Giuđa và Phêrô. Ngay sau lời khuyên bảo hãy bắt chước gương của Người, Chúa Giêsu bắt đầu nói về Giuđa. Về vấn đề này, Thánh Gioan cho ta hay: Chúa Giêsu “xao xuyến trong tinh thần” mà nói: “quả thực, quả thực, Thầy cho các con hay, một trong các con sẽ phản bội Thầy” (13:21).

Thánh Gioan 3 lần nói tới việc Chúa Giêsu “xao xuyến”: bên mộ Ladarô (11:33,38), “Chúa Nhật Lễ Lá” sau khi nói về hạt lúa mì chết đi trong một màn nhắc ta nghĩ tới Diệsimani (12:24-27), và sau cùng ở đây. Đây là những thời điểm Chúa Giêsu giáp mặt với uy quyền của cái chết và chạm trán với sức mạnh của bóng tối, mà Người có nhiệm vụ phải chiến đấu và chiến thắng. Ta sẽ trở lại với sự “xao xuyến” trong tinh thần này của Chúa Giêsu khi sét đến đêm Chúa ở trên Núi Cây Dầu.

Bây giờ, ta hãy trở lại với bản văn của ta. Điều dễ hiểu là lời tiên đoán của Chúa về sự phản bội đã gây ra giao động và tò mò nơi các môn đệ. “Một trong các môn đệ, người mà Chúa Giêsu yêu thương, nằm gần ngực Chúa Giêsu: nên Ximong Phêrô làm hiệu cho ông và nói: ‘hỏi xem Thầy muốn nói về ai’. Môn đệ này bèn nghiêng mình vào gần ngực Chúa Giêsu, và thưa với Người: ‘Thưa Thầy, người nào vậy?’ Chúa Giêsu trả lời: ‘Đó là người Thầy sẽ đưa mẩu bánh đã chấm” (13:23-26).

Để hiểu đoạn văn này, trước nhất ta cần biết rằng khi dùng bữa Vượt Qua, người ta phải nằm nghiêng cạnh bàn ăn. Charles K. Barrett giải thích câu vừa trích này như sau: “Các người tham dự bữa ăn nằm nghiêng trên tay trái của họ; cánh tay trái của họ dùng để dỡ thân mình, còn cánh tay phải thì thong dong. Người môn đệ ở phía phải Chúa Giêsu, vì thế, thấy đầu mình ở ngay phía trước Chúa Giêsu cho nên được kể là tựa vào lòng Người. Hiển nhiên, ông ở vị trí có thể nói chuyện thân mật với Chúa Giêsu, dù vị trí của ông không phải là chỗ vinh dự nhất; vị trí này ở phía trái của chủ tiệc. Tuy thế, vị trí mà môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương chắc chắn là vị trí của một bạn hữu được tin cậy”; Barrett, sau đó, nhắc tới đoạn văn trích từ Pliny (Phúc Âm theo Thánh Gioan, tr.446).

Câu trả lời của Chúa Giêsu, như đã được đưa ra ở chỗ này, hoàn toàn không có chút mơ hồ nào. Ấy thế nhưng soạn giả Tin Mừng lại cho hay môn đệ trên vẫn không hiểu Chúa muốn chỉ ai. Bởi thế, ta buộc phải giả thiết rằng Thánh Gioan đã, một cách hồi cố (retrospectively), gán cho câu trả lời của Chúa một sự rõ ràng vốn thiếu đối với những người hiện diện lúc ấy. Gioan 13:18 đem ta vào đúng hướng. Ở đây, Chúa Giêsu phán: “Sách Thánh phải được ứng nghiệm: ‘kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ chân chống lại Ta’” (xem Tv 41:9; Tv 55:13). Đây là cách nói cổ điển của Chúa Giêsu: Người dùng các lời trong Sách Thánh để ám chỉ số phận của Người, do đó đã định vị số phận ấy bên trong luận lý của Thiên Chúa, bên trong luận lý của lịch sử cứu rỗi.

Phải đợi một giai đoạn nữa, những lời trên mới trở nên trong sáng dễ hiểu; người ta mới thấy rõ Sách Thánh thực sự mô tả con đường Người phải đi qua, còn lúc này, sự khó hiểu vẫn còn đó. Và người ta chỉ có thể suy diễn là một trong những người cùng bàn sẽ phản bội Chúa Giêsu; rõ ràng là Chúa sẽ phải chịu đựng cho đến chót và cho đến chi tiết cuối cùng sự đau đớn của người công chính, sự đau đớn mà các thánh vịnh đã đặc biệt cung cấp nhiều cách phát biểu khác nhau. Chúa Giêsu phải trải nghiệm việc ngay những bạn hữu thân tín nhất của mình cũng không hiểu mình và không trung thành với mình. Người được mạc khải như chủ thể đích thực của các thánh vịnh, như “Đavít” mà từ đó các thánh vịnh đã phát sinh và nhờ đó mà chúng có ý nghĩa.

Tin mừng Gioan đem lại một sự sâu sắc mới cho câu thánh vịnh mà Chúa Giêsu đã dùng để nói tiên tri về điều sẽ xẩy ra, vì thay vì dùng kiểu nói mà Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp vốn chỉ về “ăn”, ngài đã chọn động từ trogein, là động từ Chúa Giêsu dùng trong diễn từ vĩ đại về “bánh sự sống” để chỉ việc “ăn” thịt máu Người, nghĩa là lãnh nhận bí tích Thánh Thể (Ga 6:54-58). Bởi thế, thánh vịnh đã trải một cái bóng tiên tri lên trên Giáo Hội của thời kỳ soạn giả Tin Mừng, trong đó Thánh Thể đã được cử hành, và cả trên Giáo Hội mọi thời: sự phản bội của Giuđa không phải là sự bất trung cuối cùng mà Chúa Giêsu phải chịu. “Ngay người bạn lòng của Ta, người mà Ta tin cậy, người ăn bánh của Ta, cũng giơ chân chống lại Ta” (Tv 41:9). Sự phản bạn này nối dài tới tận cộng đồng bí tích của Giáo Hội, nơi người ta tiếp tục ăn “bánh của Người” mà vẫn phản bội Người.

Cơn hấp hối của Chúa Giêsu, cuộc vật lộn của Người với cái chết, tiếp diễn cho tới tận cùng thế giới, như Blaise Pascal nói, dựa vào cùng một xem sét tương tự (xem Pensées VII, 553). Ta cũng có thể diễn tả cách khác rằng: vào giờ phút này, Chúa Giêsu vẫn phải mặc lấy cho mình sự phản bội của mọi thời đại, nỗi đau do sự phản bội của mọi thời đại gây ra, và Người vẫn phải chịu cơn thống khổ của lịch sử cho tới cuối cùng đầy đắng đót.

Thánh Gioan không đưa ra bất cứ sự giải thích tâm lý học nào về tác phong của Giuđa. Ngài chỉ để lộ một gợi ý cho rằng Giuđa từng biển thủ ngân qũi của các môn đệ mà hắn là thủ quĩ (12:6). Trong ngữ cảnh chương 13, soạn giả Tin Mừng này chỉ nói vắn tắt: “Sau khi ăn mẩu bánh ấy, Xatan đã nhập vào hắn” (13:27).

Đối với Thánh Gioan, điều xẩy ra cho Giuđa vượt quá bất cứ giải thích tâm lý nào. Anh ta đã rơi vào ách thống trị của một người khác. Bất cứ ai phá vỡ tình bạn với Chúa Giêsu, vứt bỏ “cái ách nhẹ nhàng” của Người, đều không đạt được tự do, đều không trở nên tự do, nhưng rơi vào nhiều quyền lực khác. Nói cách khác, anh ta phản bội tình bạn này vì anh ta đã rơi vào gọng kìm của một quyền lực khác, quyền lực mà anh ta đã tự mở ra cho chính mình.

Đúng là ánh sáng mà Chúa Giêsu rọi vào linh hồn Giuđa đã không hoàn toàn tắt ngúm. Anh ta quả có thực hiện một cố gắng tiến tới hồi tâm: “tôi đã phạm tội”, anh ta nói thế với những người thuê anh ta. Anh ta ráng cứu Chúa Giêsu, và đã trả lại tiền (Mt 27:3-5). Mọi điều trong trắng và lớn lao nhận được từ Chúa Giêsu vẫn còn đậm nét trong linh hồn anh, anh làm sao quên được.

Nhưng sau cuộc phản bội, thảm kịch thứ hai của anh ta là: anh ta hết khả năng tin vào sự tha thứ. Sự ân hận của anh ta đã trở thành tuyệt vọng. Giờ đây anh ta chỉ còn thấy mình và bóng tối của mình; anh ta không còn nhìn ra ánh sáng của Chúa Giêsu, thứ ánh sáng có thể chiếu sáng và chinh phục được bóng tối. Anh ta cho ta thấy thứ ân hận sai lầm: thứ ân hận thiếu khả năng hy vọng, thứ ân hận chỉ còn nhìn thấy bóng tối của riêng mình, một thứ ân hận phá hoại và không hề chân thực. Lòng ân hận chân thực luôn được đánh dấu bằng niềm hy vọng chắc chắn phát sinh từ đức tin vào sức mạnh lớn hơn của ánh sáng vốn trở thành xác thân nơi Chúa Giêsu.

Thánh Gioan kết luận đoạn văn về Giuđa bằng những lời đáng chú ý sau đây: “Sau khi ăn mẩu bánh, anh ta ra ngoài ngay; và lúc đó trời đã tối” (13:30). Giuđa ra ngoài, theo một nghĩa sâu xa hơn. Anh ta bước vào bóng tối; anh ta từ ánh sáng đi vào bóng tối: “quyền lực bóng tối” đã xâm chiếm anh ta (xem Ga 3:19; Lc 22:53).

Luận tội

Rồi Chúa bị bắt tại địa điểm do Giuđa chỉ đường, bị hành hạ và tra hỏi, cuối cùng bị dẫn tới trước đại diện Rôma. Trích đoạn thứ hai là Tiết 3, Chương 7, tựa là “Chúa Giêsu Trước Philatô”. Đức Giáo Hoàng đề cập tới khá nhiều chi tiết với những nhận định thông sáng như sau:

Song song với việc qui định phạm vi rõ ràng cho ý niệm vương quốc của Người (không chiến tranh, không quyền hành trần thế), Chúa Giêsu cũng đã dẫn khởi một ý niệm tích cực để giải thích bản chất và đặc tính riêng của quyền lực vương quốc này, đó là sự thật. Trong khi cuộc đối đáp đang tiếp diễn, Philatô đưa vào một ý niệm khác, một ý niệm xuất phát từ chính thế giới của ông ta và thường cũng liên hệ với “vương quốc”, tức uy quyền (exousia). Thống trị đòi uy quyền; có khi còn xác định ra uy quyền nữa. Còn Chúa Giêsu, Người lấy việc làm chứng cho sự thật làm yếu tính cho vương quyền của mình. Sự thật có phải là một phạm trù chính trị hay không? Hay “vương quốc” của Chúa Giêsu có liên quan gì tới chính trị hay không? Nó thuộc trật tự nào? Nếu Chúa Giêsu đặt căn bản cho ý niệm vương quyền và vương quốc của Người trên sự thật như một phạm trù nền tảng, thì ta hoàn toàn hiểu được tại sao một người thực tiễn như Philatô đã hỏi Người: “Sự thật là cái quái gì?” (18:38).

Đây là câu hỏi mà các lý thuyết chính trị hiện đại cũng năng đặt ra: Liệu chính trị có chấp nhận sự thật như một phạm trù cơ cấu hay không? Hay phải chăng, vì là điều không thể đạt tới, nên sự thật cần được hạ xuống lãnh vực chủ quan, thay vào đó, là cố gắng xây dựng công lý và hòa bình bằng bất cứ phương tiện nào có trong tay uy quyền? Khi dựa vào sự thật, phải chăng chính trị, vì không thể nào đạt được sự nhất trí về nó, nên đã trở thành khí cụ của những truyền thống đặc thù mà trên thực tế chỉ là những hình thức ham quyền cố vị? Ấy thế nhưng, xét theo một phương diện khác, điều gì sẽ xẩy ra khi người ta coi sự thật như không? Lúc ấy, còn có thể có thứ công lý nào? Há ta lại không cần những tiêu chuẩn chung để bảo đảm công lý cho mọi người đó sao, những tiêu chuẩn độc lập với tính võ đoán của những ý kiến luôn luôn thay đổi và của những nhóm áp lực quyền thế? Há không đúng hay sao việc các nền độc tài hạng nặng luôn được nuôi dưỡng bằng sức mạnh dối trá có tính ý thức hệ và chỉ có sự thật mới có khả năng đem lại tự do?

Sự thật là cái quái gì? Tuy là câu hỏi của người duy thực tiễn, được nói lên với một giọng đầy hoài nghi, nhưng thực ra vẫn là một câu hỏi rất nghiêm túc, gắn liền với số phận của nhân loại. Vậy, sự thật là gì? Ta có khả năng nhận ra nó hay không? Liệu có thể dùng nó làm tiêu chuẩn cho tri thức và ý chí của ta, cả trong các chọn lựa cá nhân lẫn trong đời sống cộng đồng hay không?

Định nghĩa cổ điển của triết học kinh viện cho thấy sự thật là “sự phù hợp hay cân bằng giữa tri thức và sự vật” (adaequatio intellectus et rei) (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae I, q. 21, a. 2c). Nếu tri thức con người phản ảnh một sự vật như nó có thật trong nó, thì họ đã tìm ra sự thật: nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của thực tại, không phải là sự thật trong sự cao cả và toàn bộ tính của nó. Ta sẽ tiến gần hơn với điều Chúa Giêsu muốn nói khi đọc một giáo huấn khác của Thánh Tôma: “Trong tri thức của Thiên Chúa, sự thật hiện hữu đích thực và trước nhất (proprie et primo); trong tri thức con người, nó hiện hữu một cách đích thực nhưng một cách phái sinh (proprie quidem et secundario)" (De Verit., q. 1, a. 4c). Và để kết luận, ta có công thức súc tích sau: Thiên Chúa là “chính sự thật, sự thật tối cao và sự thật đầu hết” (ipsa summa et prima veritas) ( Summa Theologiae I, q. 16, a. 5c).

Công thức trên đem ta tới gần điều Chúa Giêsu muốn nói khi Người đề cập tới sự thật, khi Người bảo rằng mục đích Người vào trần gian là để “làm chứng cho sự thật”. Trên thế giới, ngày lại ngày, sự thật và sai lầm, sự thật và sự giả vẫn thường quện lẫn vào nhau gần như không còn phân rẽ được nữa. Sự thật trong mọi vẻ cao cả và tinh ròng của nó không còn xuất hiện nữa. Thế giới chỉ “thật” theo mức độ nó phản ảnh Thiên Chúa: Người là luận lý sáng tạo, Người là lý trí vĩnh cửu đã cưu mang nó tới sinh hạ. Và càng gần lại Thiên Chúa, nó càng trở nên thật hơn. Con người trở nên thật, con người trở nên chính mình, khi họ càng ngày càng giống Thiên Chúa. Lúc ấy, họ đạt tới chính bản chất đích thực của mình. Thiên Chúa là thực tại, một thực tại ban bố hiện sinh và tính khả niệm.

“Làm chứng cho sự thật” là dành ưu tiên cho Thiên Chúa và cho thánh ý Người chứ không cho quyền lợi thế gian và các quyền lực của nó. Thiên Chúa là tiêu chuẩn của hiện hữu. Theo nghĩa này, sự thật là “vua” thực sự, một vị vua ban bố ánh sáng và sự cao cả cho mọi loài. Ta cũng có thể nói rằng làm chứng cho sự thật là làm cho sáng thế trở thành khả niệm và làm cho sự thật của nó được mọi người nắm được theo cái nhìn của Thiên Chúa, tức cái nhìn của lý trí sáng tạo, nắm thế nào để có thể dùng nó làm tiêu chuẩn và cột mốc cho thế giới chúng ta, nắm thế nào để cả những người quan trọng và quyền thế cũng phải chạm trán với sức mạnh của sự thật, với luật chung, luật của sự thật.

Ta hãy nói một cách thẳng thắn: tình trạng vô cứu rỗi của thế gian hệ ở chính việc nó không hiểu ý nghĩa của sáng thế, không nhận ra sự thật; kết quả là: luật duy thực tiễn đã được áp đặt, qua đó, cánh tay đầy sức mạnh của kẻ quyền thế đã trở thành thượng đế của trần gian. Trong ngữ cảnh này, con người hiện đại chắc chắn sẽ nói: Sáng thế trở thành khả niệm đối với chúng ta là nhờ khoa học. Thực vậy, Francis S. Collins, chẳng hạn, người đã lãnh đạo Dự Án Hệ Di Truyền Nhân Bản (Human Genome Project), phát biểu với một nỗi vui mừng đầy ngạc nhiên rằng: “Ngôn ngữ của Thiên Chúa đã được mạc khải” (The Language of God, tr. 122). Quả thế, trong khoa toán học diệu kỳ của sáng thế, mà nay ta có thể đọc thấy trong hệ di truyền nhân bản, ta quả nhận ra ngôn ngữ của Thiên Chúa. Nhưng không may, đó không phải là toàn bộ ngôn ngữ của Người. Sự thật thực dụng (functional truth) về con người đã được khám phá ra. Nhưng còn sự thật về chính con người, họ là ai, họ từ đâu tới, họ nên làm gì, điều gì đúng, điều gì sai, thì bất hạnh thay ta không thể đọc thấy cùng một cách như vậy được. Song song với việc người ta càng ngày càng biết sự thật thực dụng nhiều hơn, thì hình như càng ngày họ càng mù lòa hơn đối với chính “sự thật”, tức với câu hỏi về bản sắc và mục đích thật của ta.

Sự thật là cái quái gì? Philatô không phải là người duy nhất gạt câu hỏi này qua một bên, coi nó như không thể trả lời được hay chẳng ăn nhập gì tới các mục tiêu của ông ta. Vì cả hôm nay nữa, trong các biện bác chính trị và thảo luận về nền tảng luật pháp, câu hỏi này vẫn bị người ta cảm nhận như là rắc rối. Ấy thế nhưng, nếu con người sống mà không có sự thật, thì cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi qua; cuối cùng, họ sẽ trao đời họ cho bất cứ ai mạnh hơn. Theo nghĩa đầy đủ nhất, “sự cứu chuộc” chỉ có thể hệ ở việc người ta có thể nhận ra sự thật. Và người ta chỉ nhận ra sự thật, khi họ nhận ra Thiên Chúa. Mà người ta chỉ nhận ra Thiên Chúa nơi Chúa Giesu Kitô mà thôi. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa bước vào trần gian và định ra tiêu chuẩn cho sự thật giữa lòng lịch sử.

Bề ngoài, sự thật không có quyền lực trong thế giới, giống như Chúa Kitô, Người cũng không có quyền lực gì theo tiêu chuẩn của thế giới: Người không có những đạo quân; Người bị đóng đinh. Nhưng chính trong sự vô quyền lực ấy, Người đã đầy quyền năng: bởi chỉ như thế, sự thật mới trở thành quyền năng. Trong cuộc đối đáp giữa Chúa Giêsu và Philatô, vấn đề chính là vương quyền của Chúa Giêsu và do đó, là vương quyền, “vương quốc” của Thiên Chúa. Trong diễn trình cuộc đối đáp này, người ta thấy hết sức rõ ràng rằng không hề có sự gián đoạn giữa giáo huấn của Chúa Giêsu tại Galilê, tức việc công bố vương quốc Thiên Chúa, và giáo huấn của Người tại Giêrusalem. Trung tâm của sứ điệp, cho tới tận Thánh Giá, cho tới tận bảng đề trên Thánh Giá, chính là vương quốc Thiên Chúa, vương quyền mới do Chúa Giêsu đại diện. Và vương quyền này có tâm điểm là sự thật. Vương quyền được Chúa Giêsu công bố trước nhất bằng dụ ngôn và sau đó, về đoạn cuối, một cách công khai trước các thẩm phán trần gian, không là gì khác hơn vương quyền sự thật. Ngày khai mở vương quyền này cũng là ngày giải phóng thực sự của con người.

Buộc tội

Tòa đại sứ Do Thái tại Vatican, ngày 4 tháng 3, khi vừa đọc các trích đoạn của cuốn “Chúa Giêsu Thành Nadarét” của Đức Bênêđíctô XVI, đã ra tuyên bố “hoàn toàn hoan nghênh” tác giả. Lý do: tác giả quả quyết người Do Thái không phạm tội giết Chúa Giêsu. Đây không hẳn là điều mới lạ. Tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Vatican II năm 1965 từng minh nhiên nói rõ rằng: “Điều xẩy ra trong cuộc khổ nạn của Người không thể đổ lên đầu mọi người Do Thái, một cách không phân biệt, cả lúc đó cũng như các người Do Thái bây giờ”. Cuốn sách chỉ nhất quán với “chính sách chính thức của Giáo Hội”, tòa đại sứ Do Thái nhận định như thế, và viết thêm: “Cuốn Chúa Giêsu Nadarét đã xác nhận quan điểm tích cực cố hữu của Đức Giáo Hoàng đối với Dân Tộc Do Thái và Quốc Gia Israel”. Trích đoạn về vấn đề này cũng vẫn là Tiết 3, Chương 7 “Đứng Trước Philatô” khi Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi: Một Cách Chính Xác, Ai Là Người Buộc Tội Chúa Giêsu? Ngài phân tích:

Giờ đây ta cần đặt câu hỏi: Một cách chính xác, ai là người buộc tội Chúa Giêsu? Ai nằng nặc đòi cho được Người bị kết án tử hình? Ta cần lưu ý tới những câu khác nhau mà các Tin Mừng đã dùng để trả lời câu hỏi này. Theo Thánh Gioan, câu trả lời đơn giản là “người Do Thái”. Nhưng cách sử dụng kiểu nói này của Thánh Gioan không hề có ý chỉ toàn bộ dân tộc Do Thái nói chung, như các độc giả ngày nay thường nghĩ, càng không có tính cách kỳ thị chủng tộc. Vì dù gì, Thánh Gioan cũng là người sắc tộc Do Thái, cũng như chính Chúa Giêsu và toàn bộ các môn đệ của Người. Toàn bộ cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi cũng gồm toàn người Do Thái. Trong tin mừng Gioan, kiểu nói này có một nghĩa chính xác và được xác định rõ ràng: ngài muốn chỉ giai cấp quí tộc của Đền Thờ. Cho nên, trong Tin Mừng Thứ Tư, nhóm buộc tội mang tới cái chết cho Chúa Giêsu đã được chỉ định chính xác và được giới hạn rõ rệt: đó chính là giai cấp quí tộc của Đền Thờ, với một vài luật trừ như trường hợp Nicôđêmô (7: 50-52).

Trong Tin Mừng Máccô, qua ngữ cảnh cuộc ân xá nhân lễ Vượt Qua (ân xá Baraba hay ân xá Chúa Giêsu), nhóm buộc tội được mở rộng hơn: ta thấy “ochlos” xuất hiện và yêu cầu phóng thích Baraba. Trước tiên, “ochlos” chỉ có nghĩa là đám đông, quần chúng. Nó thường mang theo âm hưởng khinh bỉ với nghĩa đám người hỗn tạp (mob). Dù gì, nó cũng không chỉ dân tộc Do Thái nói chung. Cũng như những cuộc ân xá khác, trong trường hợp ân xá nhân lễ Vượt Qua (một ân xá không thấy được một nguồn nào khác chứng thực, nhưng không vì thế mà nên hoài nghi), đám đông được quyền đưa đề nghị bằng cách đồng thanh “hô to”.

Việc đồng thanh hô to của quần chúng trong trường hợp này có tính pháp lý (xem Pesch, Markusevangelium II, tr. 466). Thực tế ra, “đám đông” này gồm các đồ đệ của Baraba, là những người được huy động để bảo đảm cho anh ta được ân xá: là một người nổi loạn chống lại uy quyền Rôma, dĩ nhiên anh ta muốn dựa vào đám đông để được ủng hộ. Bởi thế, nhóm của Baraba, hay “đám đông” của anh ta, đã nổi bật trong trường hợp này, trong khi các môn đệ của Chúa Giêsu thì lẩn trốn vì sợ; điều này có nghĩa: tiếng dân, mà luật Rôma dựa vào, chỉ được đại biểu có một chiều. Như thế, trong trình thuật của Máccô, thêm vào số “người Do Thái”, tức giới chủ yếu là giáo sĩ, ta còn thấy có sự tham gia của “ochlos” tức đám đông những người ủng hộ Baraba, chứ không phải là dân Do Thái nói chung.

Trình thuật của Mátthêu (27:25) còn mở rộng “ochlos” của Máccô hơn nữa với một hậu quả chết người. Trình thuật này nói tới “toàn dân” và gán cho họ yêu sách đòi đóng đinh Chúa Giêsu. Ở đây, chắc chắn Thánh Mátthêu không thuật lại sự kiện lịch sử: Làm thế nào có việc toàn dân hiện diện vào thời điểm này để đòi cái chết của Chúa Giêsu cho được? Thành thử hiển nhiên là thực tại lịch sử chỉ được mô tả chính xác trong các trình thuật Gioan và Máccô. Các nhóm người thực sự buộc tội Chúa Giêsu chính là các nhà cầm quyền Đền Thờ lúc đó, có sự tham dự thêm của “đám đông” ủng hộ Baraba trong ngữ cảnh cuộc ân xá lễ Vượt Qua.

Ở đây, ta có thể nhất trí với Joachim Gnilka, người từng cho rằng Thánh Mátthêu, vượt ra ngoài các xem sét lịch sử, chỉ cố gắng tìm nguyên nhân thần học để giải thích số phận tàn khốc của dân tộc Do Thái trong cuộc Chiến Tranh Do Thái, khi mà lãnh thổ, thành phố, và Đền Thờ đều bị tước khỏi tay họ (xem Matthausevangelium II, tr. 459). Ở đây, Thánh Mátthêu nghĩ tới lời tiên tri của Chúa Giêsu liên quan tới ngày chung cục của Đền Thờ: “Hỡi Giêrusalem, hỡi Giêrusalem, ngươi đã giết các tiên tri và ném đá các sứ giả được gửi tới với ngươi! Biết bao lần Ta đã tụ tập con cái ngươi lại như gà mẹ tụ tập gà con dưới cánh, nhưng ngươi không chịu! Thì này, nhà ngươi sẽ bị bỏ hoang…” (Mt 23:37–38: xem Gnilka, Matthausevangelium, trọn tiết nói về Gerichtsworte", II, các tr. 295–308).

Như đã thảo luận trước đây, những lời lẽ trong chương nói về bài diễn văn cánh chung của Chúa Giêsu này nhắc ta nhớ đến sự tương tự nội tại giữa sứ điệp của Tiên Tri Giêrêmia và sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngược với sự mù quáng của nhiều giới có ảnh hưởng hồi đó, Giêrêmia tiên báo sự hủy diệt của Đền Thờ và việc Israel đi lưu đày. Nhưng ông cũng nói tới một “giao ước mới”: trừng phạt không phải là lời sau cùng; nó dẫn tới chữa lành. Cũng thế, Chúa Giêsu cũng nói tiên tri về “ngôi nhà bị bỏ hoang” rồi quay qua nói tới việc lập Giao Ước mới “bằng chính máu mình”: kết cục, đây cũng là vấn đề chữa lành, chứ không hủy diệt và rẫy bỏ.

Trong trình thuật Mátthêu, khi “toàn dân” hô: “Hãy để máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (27:25), thì Kitô hữu phải nhớ rằng máu Chúa Giêsu nói một ngôn ngữ khác hẳn máu Aben (Dt 12:24): nó không đòi trả thù và trừng phạt; nó mang lại hoà giải. Nó không đổ ra để chống lại bất cứ ai; nó đổ ra vì nhiều người, vì mọi người. “Mọi người đều phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa… Thiên Chúa đã đặt Người (Chúa Giêsu) làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3:23, 25). Lời lẽ của Caipha về cái chết cần thiết của Chúa Giêsu phải được đọc dưới một ánh sáng hoàn toàn mới theo nhãn quan đức tin thế nào, thì việc Thánh Mátthêu đề cập tới máu cũng thế, phải được đọc dưới ánh sáng đức tin, nghĩa là tất cả chúng ta đều cần đến quyền lực thanh tẩy của tình yêu là chính máu của Người. Những lời lẽ ấy không phải là lời chúc dữ, mà là lời cứu chuộc, cứu rỗi. Chỉ khi nào được hiểu theo nền thần học Tiệc Ly và Thánh Giá, rút ra từ trọn bộ Tân Ước, câu trên của Tin Mừng Mátthêu mới có được ý nghĩa chuẩn xác của nó.

Chúa Giêsu lịch sử dưới ánh sáng đức tin

Kết luận trên đây của Đức Bênêđíctô XVI đã khai sáng ra một lối tiếp cận mới, hoàn toàn thông sáng cho cuộc tranh luận về Chúa Giêsu lịch sử. Nguyên cái nhìn lịch sử mà thôi, ta khó có được một kết luận nào khác ngoài kết luận mà 20 thế kỷ qua, người Kitô hữu đã vướng vào và vùng vẫy thế nào cũng chưa thoát ra hẳn: người Do Thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu.

Kevin M. Clarke, hiện dạy môn tôn giáo tại Học Viện Thánh Giuse ở San Marcos, California, và là tác giả một chương trong khảo luận Thánh Mẫu Học Của Đức Bênêđíctô XVI tựa là "De Maria Numquam Satis: The Significance of the Catholic Doctrines on the Blessed Virgin Mary for All People" (Về Đức Maria Không Bao Giờ Đủ: Ý Nghĩa Học Thuyết Công Giáo Về Trinh Nữ Diễm Phúc Maria Dành Cho Mọi Người, University Press of America, 2009), và là cộng tác viên của bộ New Catholic Encyclopedia (Tân Bách Khoa Từ Điền Công Giáo), mới đây, trên bản tin Zenit, có bài nhận định về tác phẩm mới của Đức Giáo Hoàng, tựa là “Tìm Chúa Kitô trong Cuốn ‘Chúa Giêsu Nadarét’ của Đức Giáo Hoàng”. Theo Clarke, người đọc không phải chỉ tìm thấy một cuốn sách nữa về Chúa Giêsu, mà là tìm thấy chính Chúa Giêsu. Lý do: Đức Thánh Cha đã phối hợp được phương thức giải thích theo đức tin (faith hermeneutic) và phương thức giải thích theo lịch sử (historical hermeneutic). Nói cách khác, nhờ lối giải thích theo đức tin các mầu nhiệm thể hiện trong lịch sử, Đức Bênêđíctô XVI đã tìm thấy Chúa Giêsu lịch sử, và nhờ tìm thấy như vậy đã khai sáng ra một mô thức dứt khoát cho mọi tìm kiếm trong tương lai.

Chúa Giêsu lịch sử được hiểu dưới ánh sáng Đức Tin ấy có những nét hết sức đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ về linh đạo, được Clarke tóm lược dưới ba chủ đề: hai ý chí nơi Chúa Kitô, cuộc phục sinh và lên trời của Người. Vấn đề ý chí của Chúa Giêsu là một trong các sự thật ít được hiểu nhất trong Kitô học. Vậy đâu là mối tương quan giữa ý chí Chúa Giêsu với ý chí Chúa Cha? Về điểm này, Clarke cho hay Đức Bênêđíctô XVI đã đề cập tới một cách hết sức phong phú, cho ta thấy rõ cuộc tranh luận gần đây nhất về Kitô học.

Thánh Maximus Hiển Tu, vào thế kỷ thứ 7, đã khẳng định: Chúa Kitô có ý chí Thiên Chúa và ý chí con người, không phải một mà là hai ý chí. Phải chăng Người thuộc loại tâm thần phân liệt (schizophrenic)? Thánh Maximus bảo không phải thế, vì lúc hấp hối ở Diệtsimani, ý chí con người và ý chí Thiên Chúa đã được tái lập trong một synergy, cùng hành động. Các ý chí, vì tội nguyên tổ, bị đặt ở thế chống đối đã được biến đổi từ kình chống thành hợp nhất (tr. 157). Nhưng Chúa Cha có nghe lời cầu của Chúa Giêsu không? Tác giả thư Do Thái xem ra quả quyết là có: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (5:7). Adolf von Harnack và Rudolf Bultmann cho rằng có lẽ chữ “không” (không được nhậm lời) đã bị gạch bỏ khỏi bản văn, vì Chúa Giêsu đã chết. Nhưng Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng biến đổi bản văn thành phản nghĩa không thực sự là chú giải. Ngài đưa ra lối giải thích thấm đượm mầu nhiệm từ toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu. Thực vậy việc đáp ứng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu xẩy ra ở việc giải phóng khỏi cái chết bằng sự phục sinh không những của Chúa Giêsu mà còn của mọi tín hữu (tr.165). Chúa Giêsu sống trong một trạng thái “hiện hữu cho” người khác hay nói cách khác, một hiện sinh vì người khác (pro-existence). Ý tưởng này cũng liên hệ tới việc Chúa Giêsu tự hiến mình trong Phép Thánh Thể: “Nếu ta nắm được điều ấy, ta thực sự tới gần mầu nhiệm Chúa Giêsu, và đã hiểu được việc làm môn đệ phải như thế nào” (tr. 134).

Về sự phục sinh, nhiều học giả đã thảo luận các chứng minh cho sự kiện này: chứng cớ của các phụ nữ (nếu tạo hoẹt, thì sao lại không gán việc tạo hoẹt này cho đàn ông?), sự biến đổi nơi các Tông Đồ, việc truyền bá đức tin nhanh chóng. Nhưng đối với Đức Bênêđíctô XVI, “chứng minh” nổi bật chính là việc chuyển đổi việc thờ phượng, từ ngày Sabát qua ngày Của Chúa, tức ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Nhật.

Ngài viết: “Với tôi, việc cử hành ngày của Chúa, vốn được coi như đặc điểm của cộng đồng Kitô Giáo ngay từ đầu, chính là một trong những chứng minh có tính thuyết phục hơn cả cho thấy một điều gì ngoại thường đã xẩy ra vào ngày này: khám phá ra ngôi mộ trống và gặp gỡ Chúa sống lại” (tr.259).

Về cuộc gặp gỡ này, Đức Giáo Hoàng dựa vào kinh nghiệm và lời chứng của các môn đệ để đưa ra 3 kết luận: 1) Chúa Giêsu không sống lại trong thân xác hay chết như Ladarô; 2) Chúa Giêsu không phải là “ma” hiện ra cho người sống trong khi vẫn ở trong thế giới người chết như Samuen; 3) những cuộc gặp gỡ này rất khác với các trải nghiệm thần bí trong đó, trạng thái ý thức con người bị thay đổi (tr.273).

Tương tự như thế, việc Phục Sinh tự nó là một giây phút lịch sử nhưng đồng thời cũng là một giây phút siêu việt, mở toang lịch sử và khai mở thời đại cánh chung. “Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu hướng quá bên kia lịch sử nhưng để lại một dấu chân trong lịch sử. Bởi thế, nó được các nhân chứng chứng thực như một biến cố hoàn toàn thuộc loại mới” (tr.275). Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vừa có tính thể lý vừa có tính siêu việt. Một đàng, các soạn giả Tin Mừng chú trọng tới việc chứng minh tính thể lý của Chúa Giêsu, nhưng đàng khác, họ lại chỉ nhận ra Chúa Giêsu dưới ánh sáng đức tin. Bởi thế, Đức Giáo Hoàng kết luận: có một điều gì đó thực sự mới mẻ và siêu việt về Chúa Giêsu phục sinh.

Theo Clarke, phần nói về việc Chúa lên trời đã được viết bằng một lời văn tuyệt vời nhất và đã trả lời thật nhiều câu hỏi mà người Công Giáo vốn nêu ra về Chúa Giêsu: tại sao các môn đệ không buồn về sự ra đi của Người? Người đi đâu? Người có còn ở với họ cách nào đó hay không? Đức Giáo Hoàng cũng không quên thay mặt người hoài nghi đặt câu hỏi: Chúa Giêsu hiện nay đang ở chỗ nào ngoài tầng không gian?

Việc Chúa lên trời hình như nêu ra một vấn nạn: Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, nhưng nay Người lại ra đi. Mọi người hiện diện vui vì điều gì? Ở đây, Đức Giáo Hoàng cho thấy: Việc lên trời này không đưa Chúa Giêsu tới một ngân hà xa cách hàng năm ánh sáng. Trong việc hiển dương này, dù ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn gần gũi các tín hữu của mình. Nhưng nơi Người ngự hiện nay ở đâu? “Nó không phải là một không gian xa xôi trong vũ trụ, nơi, như người ta tưởng, Thiên Chúa đã thiết lập ngai tòa của Người và ban cho Chúa Giêsu một chỗ ngự ở bên phải. Thiên Chúa không ở tại một không gian bên cạnh những không gian khác. Thiên Chúa là Thiên Chúa, Người là tiền đề và là cơ sở cho mọi không gian, nhưng không phải là thành phần của không gian này. Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Hóa Công của mọi không gian. Sự hiện diện của Người không có tính không gian, nhưng có tính thần linh. ‘Ngự bên hữu Thiên Chúa’ chỉ có nghĩa là dự phần vào quyền thống trị của Thiên Chúa trên không gian” (tr.282-283).

Vì Người dự phần vào quyền thống trị của Thiên Chúa trên không gian, nên trong biến cố lên trời, việc Chúa Giêsu ra đi cũng là việc Người ngự đến, như trong diễn từ tạm biệt của Tin Mừng Gioan (Xem 14:28) từng gợi ý. Đức Bênêđíctô XV bảo rằng: Nếu ta muốn đụng tới Người, như Maria Mađalêna từng muốn, chính ta phải “bước lên” (ascend). Nhưng Kitô hữu phải nhớ rằng Chúa Giêsu chỉ được tôn vinh lên ngôi khi Người bước lên Tthánh Giá. Khi ta bước lên cao để được đụng đến Người, “thì đường lên này không phải là chuyện du hành không gian thuộc bản chất địa dư vũ trụ: mà là chuyện du hành không gian bằng trái tim” (tr.286).

Cuối cùng, trong giáo huấn cánh chung của mình, Đức Giáo Hoàng nhắc tới không phải hai mà là ba lần “tới” của Chúa Giêsu. Lần tới qua Mẹ Maria, lần Tới Thứ Hai (Tái Lâm) và lần tới ở giữa ('adventus medius'). Lần tới ở giữa là dựa vào lối giải thích của Thánh Bernard về câu 14:23 trong Tin Mừng Gioan, “Ai yêu Ta, hãy giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và Chúng Ta sẽ tới với người đó và cư ngụ nơi họ”. Lần tới này của Chúa Cha và Chúa Con chính là căn bản cho cái hiểu của Thánh Bernard về "adventus medius" vốn đem lại ý nghĩa cho khoảng thời gian giữa hai lần tới kia của Chúa Kitô.

Như thế, theo Clarke, dù cuộc tranh luận về Chúa Giêsu lịch sử (historical Jesus) không được rộng dài đề cập ở đây, nhưng Đức Bênêđíctô XVI đã thành công một cách vô tiền khoáng hậu trong việc trình bày cho độc giả khắp nơi Chúa Giêsu thực sự của lịch sử, Đấng đã vượt quá lịch sử nhưng để lại dấu chân của mình trong lịch sử.
 
Top Stories
Vatican's Ecumenism Leader Meets With Russian Patriarch
Zenit
08:31 18/03/2011
Note Points of Catholic-Orthodox Unity

MOSCOW, Russia, MARCH 17, 2011 (Zenit.org).- On his first official trip to Russia, the president of the Pontifical Council for Promoting Christian Unity met Wednesday with Patriarch Kirill of Moscow and All Russia.

A note from the Moscow Patriarchate described Cardinal Kurt Koch's meeting at the patriarch's working residence as focused on "major areas of cooperation" between the two Churches.

The two noted the issues under discussion by the Joint International Commission for Theological Dialogue.

The statement added that despite theological difference, "both Churches can already now come into close cooperation in areas where their positions coincide, namely, defense of traditional Christian values in Europe, advocacy of the Christian position in the socio-economic sphere and in the ethics of scientific research and bioethics."

On this basis, it is "possible to develop cooperation in international organizations, such as the U.N., OSCE, and the E.U. structures," the note continued.

It added that the patriarch and cardinal also spoke of the problem of Christianophobia, "which has affected not only the regions where Christians are subjects to open persecution but also the European countries with their age-old Christian tradition."

"Cardinal Koch expressed satisfaction at the fact that Pope Benedict and Patriarch Kirill have a shared position on this problem and underscored that these shared views help to further inter-Church cooperation," the statement added. "Patriarch Kirill said he respected the position taken by Pope Benedict who defends the Christian tradition in spite of sometime sharp criticism from liberal circles."

Cardinal Koch has also visited the Sts. Cyril and Methodius Postgraduate and Doctoral School, as well as the Laura of the Holy Trinity and St. Sergius and the Moscow Theological Academy.

(Source: http://www.zenit.org/article-32048?l=english)
 
Malasie: «Le gouvernement a défiguré et profané la Bible», dénoncent les chrétiens
Eglises d'Asie
13:55 18/03/2011
Eglises d'Asie, 18 mars 2011 - Ce vendredi 18 mars, la Fédération chrétienne de Malaisie, la plus importante organisation chrétienne du pays, par la voix de son président, Mgr Ng Moon Hing, évêque du diocèse anglican de West-Malaysia, a publié une déclaration dans laquelle elle s’indigne des conditions imposées par le gouvernement pour autoriser la remise des 35 000 bibles bloquées depuis près de deux ans dans les ports de Kuching et de Klang.
La joie et le soulagement des chrétiens de Malaisie ont en effet été de courte durée, après avoir reçu le 16 mars dernier la nouvelle de la restitution de ces milliers de bibles en malais, confisquées en raison du fait qu'elles utilisaient le mot 'Allah' pour dire 'Dieu' (1). Quelques heures plus tard, les sociétés importatrices des bibles, dont la Bible Society of Malaysia, recevaient une note de Datuk Zaitun ab Samad, secrétaire du Bureau des textes coraniques et du contrôle des publications, au ministère de l’Intérieur, les informant des deux conditions sous lesquelles l’al-Kitab (la Bible, en malais) pouvait être distribuée.

La première était que soit imprimée sur chaque ouvrage la mention: « Attention: cette al-Kitab est à l’usage des chrétiens uniquement. Par ordre du ministère de l’Intérieur ». La deuxième demandait qu'à des fins de traçabilité, chaque exemplaire soit estampillé par le ministère, avec mention de la date, du port d’origine, et un numéro de série.

Selon la Bible Society of Malaysia, tout un stock d’ouvrages consignés dans le port de Klang aurait déjà été marqué selon les directives du ministère, sans qu’elle ait accordé son autorisation. Les médias locaux ont rapporté que le ministère de l’Intérieur avait légitimé sa décision en déclarant que la Bible était « préjudiciable à l’intérêt national et à la sécurité de la Malaisie ».

Par sa déclaration du 18 mars 2011, la Christians Federation of Malaysia (CFM) a exprimé « l’indignation » des chrétiens face à ce qu’elle qualifie « d’outrage inacceptable ». « La communauté chrétienne de Malaisie a toujours fait preuve de bonne foi et d’une grande patience, cherchant des solutions à l’amiable tout en ne faisant pas de compromis avec sa foi. Mais il n'y a pas eu de réciprocité de la part du gouvernement ».

Ajoutant qu’elle n’accepterait jamais les conditions imposées par les autorités, la CFM a déclaré que « la communauté chrétienne avait été profondément blessée que le gouvernement ait ainsi défiguré et profané la Bible ». Mgr Ng Moon Hing, directeur de la CFM, qui signe cette déclaration, incite ainsi « tous les Malaisiens » à « rejeter de telles violations de la liberté de religion dans [leur] pays bien-aimé », avant d’inviter les chrétiens à « garder leur calme et rester dans la prière ».

Le Conseil des Eglises de Malaisie (CCM), s’est également exprimé par la voix de son secrétaire général, le Rév. Hermen Shastri, qui a déploré: « La situation empire chaque jour, il n’y a plus aucun respect pour les autres religions [que l’islam]. » Soulignant que le ministère de l’Intérieur « traitait la Bible comme un livre communiste », il a fait remarquer: « C’est un livre saint ! De quel droit peut-il faire marquer dessus que c’est "l’ordre du ministère !"(...) Imaginez que ces conditions soient imposées à l'al-Quran (Coran); je me demande comment les musulmans le prendraient ? »

Parmi ceux qui font connaître également leur ferme opposition au « marquage » des bibles, Baru Bian, président du PKR ( People’s Justice Party ou Keadilan Rakyat), chrétien militant, a insisté dans différentes interviews accordées aux médias locaux, sur le caractère inconstitutionnel de cette décision gouvernementale, qu’il qualifie « d’abus de pouvoir » et de « violation des libertés ».
Selon lui, le « geste en faveur de la paix religieuse », comme l’a présenté le gouvernement le 16 mars dernier, n’est rien d’autre qu’une manoeuvre politique pour ne pas s’aliéner le vote des chrétiens, relativement nombreux dans les régions de Sabah et de Sarawak, où vont bientôt se tenir des élections, et auxquelles la plus grande partie des bibles saisies était destinée.

Les chrétiens de Sabah et Sarawak, Etats situés sur l'île de Bornéo, sont pour la plupart des peuples aborigènes, qui pratiquent la langue malaise et l’utilisent dans la liturgie et l’enseignement du catéchisme. La mention « pour chrétiens seulement » imposée par le ministère de l’Intérieur sur les bibles, inquiète fortement les communautés chrétiennes. Comme l’expliquent leurs représentants religieux dans la déclaration du 18 mars, les familles de ces chrétiens comprennent souvent des membres appartenant à d’autres religions et elles vivent au milieu des non-chrétiens avec lesquels elles entretiennent des relations amicales. Comment dans ce cas, ne pas être accusé de commettre un délit si l’un d’entre eux est surpris chez une personne qui possèderait l’ouvrage ou le regarderait ?

(1) Voir dépêche EDA du 15 mars 2011. Au sujet de la controverse sur l’utilisation du mot Allah par les non-musulmans, voir également EDA 477, 500, 503, 510, 521, 522
(2) L’un des partis d’opposition, le PKR (Parti Keadilan Rakyat), formé en 2003 de la fusion entre le National Justice Party et le Malaysian People’s Party, se situe au centre de l’échiquier politique, avec un fort accent en faveur de la justice sociale et contre la corruption et pour une approche de la politique économique qui ne tienne plus compte de l’appartenance ethnique.
(3) Free Malaysia Today, 18 mars 2011; Herald, 18 mars 2011, The Malaysian Insider, 18 mars 2011; Ucanews, 17 mars 2011

(Source: Eglises d'Asie, 18 mars 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc - Trường Việt Ngữ Đắc Lộ phát hành Sách “Công Dân Đức Dục''
Quang Bình & Jos. Vĩnh SA
03:25 18/03/2011
Trường Việt Ngữ Đắc Lộ Phát Hành Sách “Công Dân Đức Dục” và Khai Giảng Niên Học 2011

Thứ Bảy ngày 05/3/2011, trường Việt Ngữ Đắc Lộ đã chính thức Khai Giảng niên học năm 2011.

Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng CGVN – Nam Úc đã đến từng Chi Nhánh để ban huấn từ và phát hành cuốn sách Công Dân Đức Dục.

Sách Công Dân Đức Dục (CDĐD) do trường Đắc Lộ soạn thảo gồm có: 4 chương, dầy 150 trang, 40 bài học, in theo khổ giấy A5, hình bìa được in màu sắc rất đẹp. Nhà trường đã chính thức áp dụng giảng dạy môn Công Dân Đức Dục, từ đầu niên học 2011, cho các cấp lớp: Từ lớp 3 đến lớp 12.





Môn học CDĐD đã được trường Đắc Lộ cho dạy thử từ niên học 2010. Trường Việt Ngữ Đắc Lộ là trường sắc tộc đầu tiên ở hải ngoại đưa môn học Công Dân Đức Dục vào chương trình giảng dạy, sau gần 40 năm bị biến mất tại VN.

Kể từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, bộ giáo dục CS Việt Nam đã hủy bỏ môn CDĐD và thay thế bằng chương trình giảng dạy khác theo đường hướng Xã Hội chủ nghĩa CS.

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ ngoài mục đích Bảo Tồn và Phát Huy nền văn hóa Việt, nhà trường còn chủ trương đào tạo các em học sinh trở nên những người con hiếu thảo trong gia đình, biết kính trên, nhường dưới, những người công dân tốt, hữu dụng cho đất nước và xã hội, biết tôn trọng luật pháp.

Vì thế, học sinh của trường Đắc Lộ không những được học về ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng còn phải trau dồi về luân lý và đạo đức của con người nữa.

Hiện nay, sĩ số học sinh đã ghi danh theo học tiếng Việt là trên 1000 học sinh và vẫn còn tiếp tục tăng không ngừng.

Một điều ưu tư của Ban Tuyên Úy, Ban Mục Vụ và của Ban Giám Hiệu nhà trường, đó là 2/3 nhân viên giảng huấn của trường, không phải là những tín hữu của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc. Nhưng họ vẫn thích tham gia giảng dạy cho trường Việt Ngữ Đắc Lộ. Vì trường Đắc Lộ là một trường có tổ chức qui củ, kỷ luật nghiêm minh, học sinh tiến bộ. Mặc dù trong thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc có tới 6 trường Việt Ngữ khác nhau, cùng dạy tiếng Việt.

Hàng năm trường Đắc Lộ có sĩ số học sinh thi Tú Tài môn tiếng Việt là ngoại ngữ, nhiều nhất trong tiểu bang.

Năm 2010 học sinh Đắc Lộ thi Tú Tài đã đạt điểm top 20/20 môn Việt Ngữ và được chính quyền tiểu bang Nam Úc trao giải thưởng học sinh xuất sắc.

Kể từ năm nay 2011 trở đi, trường Black Friars College Adelaide đã hứa tặng cho học sinh trường Việt Ngữ Đắc Lộ mỗi năm 3 học bổng toàn phần, có giá trị tổng cộng trên 35,000 dollars /1 năm.

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ là trường của mọi người trong Cộng Đồng Công Giáo VN – Nam Úc. Vì thế chúng ta hãy cùng nhau góp sức xây dựng nhà trường, cho ngày một tốt đẹp hơn.

Muốn được như vậy, quí vị có rất nhiều cách để cộng tác:

- Đưa con em đến theo học tiếng Việt tại các chi nhánh của trường Đắc-Lộ.

- Tham gia vào Ban Giảng Huấn / Ban Điều Hành (nếu có khả năng).

- Tham gia vào sinh hoạt của các Chi Hội Phụ Huynh của trường.

- Sẵn sàng giúp đỡ nhà trường trong mọi công việc, tùy theo khả năng của mỗi cá nhân.

Nhà trường luôn tiếp nhận những đóng góp ý kiến và những cộng tác quý báu của tất cả mọi người.

Xin quý vị hãy liên lạc với nhà trường qua điện thư:

truongvietngudaclo@gmail.com

Hay điện thoại BGH - Mob: 0425 242 933

Hoặc gặp trực tiếp đến quý vị trong Ban Điều Hành của nhà trường.

Trường Việt Ngữ Đắc Lộ hiện có 3 chi nhánh, tọa lạc trên các vùng có đông người Việt định cư trong thành phố Adelaide:

-Chi nhánh Pooraka –Mob: 0416 352 916

-Giờ học: Mỗi sáng thứ Bảy từ 09 giờ đến 11 giờ 30’

-Dạy từ lớp Vỡ Lòng cho đến lớp 6

-tại trường tiểu học Pooraka, 11 South Terrace, Pooraka 5095

-Chi Nhánh Salisbury – Mob: 0403 970 912

-Giờ học: Mỗi sáng thứ Bảy từ 09 giờ đến 11 giờ 30’

-Dạy từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 8

-tại trường Thomas More College – 23 Amsterdam Cr. Salisbury 5108

-Chi Nhánh Woodville – Mob: 0418 841 971

-Giờ học: Mỗi chiều thứ Bảy từ 01 giờ 30’ đến 4 giờ 00’

-Ngoại trừ hai lớp 11 & 12, học từ 01 giờ 15’ đến 04 giờ 15’ chiều

-Dạy từ lớp Vỡ Lòng đến lớp 12

-tại trường Woodville High School -11 Actil Rd. Woodville 5011
 
Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng mừng kính Thánh Giuse
Giuse Trần ngọc Huấn
07:13 18/03/2011
LANG SƠN - Sáng ngày hôm nay, 18 tháng 03 năm 2011, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, đã quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa để hiệp ý với Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận, dâng thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Giuse, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.

Xem hình ảnh

Thánh lễ được cử hành với sự chủ tế của Đức cha Giuse, cùng đồng tế với ngài có Cha Đại diện Giuse Nguyễn Ngọc Thể, cũng là cha sở Nhà thờ Chính Tòa, quý Cha. Giữa tiết trời mùa đông buốt giá, mưa rả rích, nhưng có khá đông anh chị em giáo dân tham dự trong thánh lễ này.

Bước vào Thánh lễ, được cử hành vào 6h00 sáng, Đức cha Giuse đã chào thăm cộng đoàn hiện diện để cùng với ngài mừng kính vị Thánh cả của Giáo hội – Thánh Giuse. Ngài mời gọi cộng đoàn sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ, để tôn vinh Thiên Chúa, ca mừng Thánh Giuse, và xin Thánh Giuse bầu cử cho mỗi người nhận được muôn phúc lành của Thiên Chúa trong suốt hành trình cuộc đời với ơn gọi riêng của mình.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse đã chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về ý nghĩa của ngày lễ kính Thánh Giuse, về những gương sáng trong đời sống của vị Thánh. Thánh Giuse được ơn cao trọng là dưỡng nuôi Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người, nhưng người đã phải trải bao thử thách, bao chiến đấu nội tâm, bao giằng xé giữa những chọn lựa, để rồi kiên tâm chọn việc thực thi Thánh ý của Thiên Chúa. Để có thể chu toàn thánh ý Chúa, Thánh Giuse luôn một niềm tín thác cho Chúa, để Chúa dẫn đưa hành trình cuộc đời mình theo sự quan phòng của Người, dầu có phải trải qua những thử thách ngặt nghèo, dù có phải đi giữa đêm trường không một tia hy vọng. Sự tín thác của Thánh Cả Giuse được tỏ hiện qua việc lắng nghe và thực thi Thánh ý của Thiên Chúa cho dù Lời Thiên Chúa mời gọi ngài chỉ qua giấc mơ, ngài không thắc mắc, cũng chẳng dùng dằng, không than vãn và đưa ra ý kiến riêng, nhưng luôn mau mắn, từ bỏ ý riêng, xin vâng và thực hiện theo thánh ý của Thiên Chúa. Giữa lúc hoàn cảnh xã hội cũng như Giáo hội đang có nhiều biến động, có những điều thậm chí khó hiểu, khó chấp nhận, nhưng với niềm tín thác vào Thiên Chúa, mọi người cần học theo gương thánh Giuse, không tìm ý riêng mình nhưng chỉ tìm ý Chúa, không tìm lợi ích cho mình nhưng tìm lợi ích chung, như thánh Giuse khiêm nhường và âm thầm bước đi trong hành trình ơn gọi của mình. (…).

Đức cha Giuse mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy noi gương nhân đức của Thánh Giuse, có tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ trong bổn phận với Chúa và với nhau, từ bỏ ý riêng của mình để luôn mau mắn thực thi Thánh ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc đời, trung tín, cần cù trong công việc, trở nên người gia trưởng gương mẫu trong vai trò người chồng, người cha trong gia đình, người phụ trách và dẫn dắt cộng đoàn.

Trong ngày lễ kính Thánh Giuse, Đức cha cũng mời gọi mọi người, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận hướng về Giáo hội và đất nước Nhật Bản, nơi vừa trải qua những sóng gió tàn phá nặng nề của thiên tai động đất, sóng thần. Cầu nguyện cho người dân Nhật Bản sớm vượt lên nỗi đau mất mát để đứng vững và phục hồi. Cầu nguyện cho mọi người vững niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, không có gì xảy ra mà đi ngoài đường lối thánh ý Người.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị chủ tịch Hội đồng mục vụ của Giáo xứ Chính Tòa, thay mặt mọi thành phần Dân Chúa nói lên tâm tình chúc mừng Đức cha Giuse, cha Đại diện, quý Cha và mọi người nhận thánh Giuse làm bổn mạng, nhân ngày lễ trọng kính Người. Nhờ lời Thánh Giuse bầu cử, xin Thiên Chúa ban trên Đức cha muôn ơn lành và Thần Khí để vững tâm dẫn dắt giáo phận ngày một thăng tiến theo thánh ý Chúa, cho quý Cha và mọi người được dồi dào sức khỏe, bình an và ơn phúc.

Đức cha Giuse bày tỏ sự cảm ơn tới lời chúc tốt đẹp của mọi thành phần Dân Chúa, nhất là quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa này để cùng với ngài dâng thánh lễ mừng kính Thánh Bổn Mạng Giuse. Ngài cầu chúc mọi người được ơn bình an và hồng ân của Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse. Lễ Thánh Giuse năm nay, giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng có niềm vui khi nhà thờ giáo xứ Tà lùng được cắt băng khánh thành và cung hiến. Đức cha Giuse mời gọi mọi thành phần Dân Chúa thêm lời cầu nguyện cho giáo phận, cách riêng giáo xứ Tà Lùng ngày một phát triển, gia tăng đời sống đạo đức, kiên trì giữ vững đức tin và luôn biết sống tâm tình phó thác, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Giáo xứ Đồng Đăng chúc mừng bổn mạng Đức cha Giuse

Nhân dịp đại lễ mừng kính Thánh Giuse – Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria – sáng ngày 18 tháng 03, giáo xứ Đồng Đăng đã đến chào thăm và chúc mừng Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, nhân ngày lễ bổn mạng của ngài.

Đoàn của giáo xứ Đồng Đăng do cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Thảo dẫn đầu, cùng với thầy xứ, các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ và đại diện giáo dân. Đức cha Giuse đã đón tiếp đoàn tại phòng khách của Tòa Giám mục, trong sự ấm cúng và thân thiện đầy tình gia đình.

Đại diện cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Đồng Đăng, ông Hứa Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội đồng mục vụ, đã nói lên tâm tình chúc mừng Đức cha Giuse nhân dịp mừng kính Thánh Giuse là bổn mạng của ngài. Ông đã nói lên sự quan tâm và ưu ái mục vụ mà Đức cha dành cho giáo xứ Đồng Đăng, nhất là trong năm qua với ngôi nhà thờ mới được khánh thành, cung hiến và nhiều cơ sở vật chất, tinh thần trong giáo xứ được xây dựng, nhờ đó làm cho bà con giáo dân thêm phấn khởi, sống đạo tốt hơn và nhất là tham dự thánh lễ hay các giờ kinh nguyện được thường xuyên.

Cha xứ cùng mọi người trong đoàn đã chúc Đức cha luôn mạnh khỏe, bình an, nhờ lời chuyển cầu của vị thánh bổn mạng, xin Thiên Chúa ban trên Đức cha nhiều hồng ân và hướng dẫn, đồng hành, nâng đỡ Đức cha trong sứ vụ mục tử trên miền đất giáo phận truyền giáo này. Những bó hoa tươi thắm và những món quà đơn sơ được dâng tặng, gói ghém trọn bao tình nghĩa và lòng yêu mến của giáo xứ Đồng Đăng với vị mục tử của Giáo phận.

Đức cha Giuse bày tỏ niềm vui và sự cảm động, khi giữa trời mưa rét giá buốt này, cha xứ cùng Hội đồng mục vụ và anh chị em giáo xứ Đồng Đăng đã đến thăm và dành cho ngài những tâm tình thật đáng trân trọng trong dịp mừng kính vị Thánh bổn mạng. Ngài nói lên những sự phát triển của giáo xứ Đồng Đăng, nhưng ngài cũng nhấn mạnh: bên cạnh sự hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là ngôi thánh đường, mọi thành phần trong giáo xứ cũng cần nâng cao hơn đời sống đạo đức, xây dựng tình huynh đệ, liên đới và hiệp nhất giữa mọi thành phần trong giáo xứ. Đức cha Giuse chúc cha xứ và mọi người được bình an, dồi dào sức khỏe và lãnh nhận muôn phúc lành của Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse.
 
Caritas Hải Phòng với Đêm nối kết yêu thương
Caritas Hải Phòng
07:25 18/03/2011
HẢI PHÒNG - Vừa qua, tại Giáo xứ Lãm Hà Giáo Phận Hải Phòng, Caritas Hải Phòng đã tổ chức đêm nhạc Kết nối yêu thương đúng dịp mùa Chay Thánh 2011 để giới thiệu những hoạt động Bác ái trong Giáo Phận, đồng thời kêu gọi tinh thần chia sẻ với những người đau khổ, nghèo khó và bệnh tật.

Xem hình ảnh

Đêm nhạc Kết nối yêu thương có sự đóng góp của các Ca sĩ nổi tiếng như Hiền Thục, Phi Nguyễn, Duy Tân… cùng vũ đoàn thiên thần nhỏ cung văn hóa Việt Tiệp, các em Thiếu Nhi Nhà Thờ Chính Tòa và Nhóm sinh viên Công Giáo Hải Phòng.

Trong buổi trình diễn hôm nay có sự hiện diện của Cha Quản hạt Hải Phòng, Quý Cha, Quý quan khách, đại diện thành hội Phật Giáo và đông đảo khán giả vùng nội thành Thành Phố Hải Phòng.

Cha Giám đốc Caritas đã khai mạc đêm Kết nối yêu thương, ngài nhấn mạnh đến thời buổi kỹ thuật số, người ta có thể gần gũi nhau về kỹ nghệ thông tin như điện thoại, email, chat….nhưng người ta lại xa nhau về khoảng cách giàu – nghèo; Khỏe mạnh- bệnh tật; Hạnh phúc - bị bỏ rơi, vì thế đêm nhạc hôm nay như kết nối mọi tấm lòng, mọi con tim hướng về tình liên đới, tình bác ái Kitô giáo.

Đan xen những khúc ca tình Chúa tình người của các ca sĩ là những hình ảnh sống động được trình chiếu về hoạt động của Caritas đã làm, chăm sóc HIV- AIDS, Nhóm Ve chai nhân ái Hải Phòng, Nhóm bảo vệ sự sống và Quỹ khuyến học cho trẻ em nghèo…

Qua việc truyền thông này đã có rất nhiều bạn trẻ xin tình nguyện tham gia những công việc từ thiện của Giáo Phận, và đã có nhiều người cộng tác chung tay trong đêm nhạc kết nối yêu thương hôm nay với số tiền thu được là hơm một trăm triệu đồng.

Sau phần cầu nguyện, cuối cùng Cha Giám đốc đã dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn vì Chúa đã làm phép lạ cho thời tiết thuận lợi, Cha cám ơn Đức Cha Giáo Phận đã cho phép giới thiệu và cổ võ mọi người chung tay với Caritas Hải Phòng, cám ơn Cha Xứ Lãm Hà, Quý cha, Quý vị ân nhân đã chung tay cộng tác trong công việc bác ái này. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai cộng tác trong chương trình này.

Đêm nhạc kết nối yêu thương đã khép lại, nhưng âm vang vẫn đọng lại nơi khán giả, nơi những con tim rộng mở, tiếp tục trao ban tình yêu thương cho những mảnh đời đang gặp đau khổ, bệnh tật, cô đơn và nghèo khổ, đêm nhạc kết nối yêu thương cũng như kết nối những bàn tay của chúng ta hãy chung tay để mang hơi ấm bình an đến cho nhưng người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
 
Họp mặt Ngày Truyền Thống Legio Mariae Phan Thiết
Hồng Hương
14:03 18/03/2011
Sáng ngày 18.3.2011, 120 ủy viên các Hội đồng Curiae trên khắp Giáo phận Phan Thiết đã quy tụ về Tòa Giám Mục để mừng Ngày Truyền Thống Legio Mariae và chúc mừng Bổn Mạng Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo phận.

Xem hình ảnh

Sau những giây phút trao đổi trong niềm vui hội ngộ, Legio Mariae Phan Thiết bước vào chương trình với giờ cầu nguyện khai mạc sốt sắng. Hiện diện trong ngày họp mặt, anh chị em vui mừng đón tiếp Cha Phêrô Nguyễn Viết Hiền, Linh giám gia đình Legio Mariae Phan Thiết.

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo phận, dù bận rộn công việc, nhưng vẫn ưu ái đến với Hội Legio Mariae ngày họp mặt. Trong bài huấn từ, Đức Cha rất lưu tâm và nhấn mạnh đến công tác truyền giáo là thao thức hiện nay của Giáo Hội và cũng là nhiệm vụ của từng thành viên Legio. Theo đề cương của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 13 với chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để truyền bá đức tin Kitô”, 3 điểm mà Đức Cha nhắc đến là: Công cuộc truyền giáo mới; Nhu cầu truyền giáo; và các Bí tích khai tâm. Ý niệm “tái truyền giáo” được hiểu là đem đạo thánh Đức Kitô trở về lại niềm tin đích thực của người Kitô hữu bằng phương cách hoán cải những người đã được rửa tội, đồng thời cùng với Giáo hội đặt lại hướng đi của mình. Để làm được như vậy, có những yếu tố giúp mỗi người hành động hiệu quả là phải có nhiệt tình mới, phương thế mới (cách thức truyền giáo), ngôn ngữ truyền giáo mới và địa chỉ mới (không co cụm trong địa phương, đoàn thể của mình mà biết mở ra với tất cả mọi người, dấn thân trong mọi lãnh vực). Đức Cha trích dẫn lời của Đức cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận là “Giáo hội tại gia, hãy truyền giáo ngay trước cửa nhà mình”.

Sau bài huấn từ, Đức Cha đã trao bằng khen cho các đơn vị và cá nhân đã đặt thành tích hoạt động xuất sắc trong năm qua gồm: bằng khen cá nhân thuộc về Phêrô Trần Quang Nam, UV Thư ký HĐ Comitium; bằng khen tập thể gồm: 3 Đơn vị Curia: 1 Curia Võ Đắt, 2 Curia Hàm Trung 1, 3 Curia Bắc tuy; Các đơn vị Praesidia trực thuộc: 1 Đức Mẹ Thông ơn Thiên Chúa, 2 Đức Mẹ Mông Triệu, 3 Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm (thuộc giáo xứ Vinh Tân); 2 đơn vị đóng góp HĐ Comitium (về phát triển) là Pr, Đức Bà Bàu chữa kẻ có tội (Thanh Xuân) và Pr, Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm (Vinh Tân).

Tiếp sau đó, là phần phúc trình định kì của Curiae Bắc Tuy. Cha Linh giám Legio Mariae Phan Thiết trong bài phát biểu một lần nữa nhấn mạnh đến việc nâng cao tinh thần và đẩy mạnh ý thức tái truyền giáo của từng hội viên. Các hội viên cũng trình bày những khó khăn và thuận lợi trong sinh hoạt của mình và tích cực đóng góp nhiều ý kiến cho Hội đồng trong định hướng mới.

Buổi họp mặt truyền thống Legio Mariae Phan Thiết kết thúc sau bữa cơm trưa huynh đệ.

Theo báo cáo Tổng kết một số Hoạt động của LEGIO MARIAE GP Phan Thiết năm 2011 thì sau 16 năm, địa bàn hoạt động của Lêgio Mariae tại giáo phận Phan Thiết trải đều trên 5/5 Giáo hạt và 60/70 Giáo xứ có Legio hoạt động. Về tổ chức cấp giáo phận gồm: 01 Comitium: Tại 60 Nguyễn Ngọc kỳ, Phường Phước Hội Thị Xã LaGi (GX Thanh Xuân), Email: hdcomitiumphanthiet@gmail.com. 14 Curiae: 12 Senior Curiae, có 153 Senior Praesidia (tăng 1). 02 Junior Curiae, có 75 Junior Praesidia (tăng 2) và 17 Senior Praesidia trực thuộc Comitium, có 12 Junior Praesidia. Số nhân sự hiện nay gồm: 1978 HV hoạt động (Tăng 50), trong đó: 572 nghĩa sĩ (tăng 162); 3270 HV tán trợ (tăng 166), trong đó 98 bảo trợ tu sĩ (giảm 16), 197 bảo trợ giáo dân (tăng 13), 1595 HV Junior (tăng 51).

CÁC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ ĐÃ THỰC HIỆN TRONG NĂM 2010:

a) Trưởng thành (Senior):

1. Thăm gia đình công giáo bình thường: 41079 lần
2. Thăm gia đình tôn giáo bạn & Không tôn giáo: 27919 lần
3. Thăm gia đình có phép chuẩn hôn phối: 521 lần
4. Thăm gia đình trễ nại khô khan: 1477 gia Thăm gia đình rối: 1020 gia Thăm gia đình bất thuận: 350 gia đình
5. Thăm gia đình hội viên (HĐ + TT): 3779 gia Thăm bệnh nhân tại bệnh viện: 10512 người
6. Thăm bệnh nhân tại tư gia: 3098 người
7. Dạy giáo lý dự tòng: 225 người
8. Dạy giáo lý tân tòng: 55 người
9. Dạy giáo lý hôn nhân: 137 người
10. Dạy giáo lý trẻ em: 1272 em
11. Thăm nhà hưu dưỡng, cơ sở từ thiện xã hội: 524 người (08 cơ sở)
12. Thăm viếng chăm sóc gia đình nhập cư, di dân: 408 gia đình
13. Thăm công nhân, học sinh, sinh viên tạm trú: 67 người
* Tổng số giờ công tác: 243.700 giờ

b) Thiếu niên (Junior):

1. Dạy giáo lý trẻ em và đưa đi học giáo lý: 609 em
2. Thăm trẻ em ốm đau tại tư gia: 91 em
3. Thăm trẻ em và người lớn ốm đau tại bệnh viện: 605 người
4. Thăm và chăm sóc người khuyết tật, mù loà: 212 người
5. Thăm trẻ em thất học văn hoá, gia đình túng cực: 47 em
6. Thăm trẻ em bỏ học giáo lý: 35 em
7. Phát ảnh phép lạ, sách báo đạo: 152 lần
8. Dẫn các em đi dâng lễ và lãnh các bí tích: 72 em
9. Giúp lễ: 98 em
10. Cùng đi công tác với hội viên Senior: 37 em
* Tổng số giờ công tác: 84.379 giờ

KẾT QUẢ:

1. Rửa tội hối tử: 09 người
2. Giúp rửa tội người lớn: 157 người
3. Giúp rửa tội trẻ em: 132 em
4. Giải hoà: 88 gia đình
5. Giúp gỡ rối, hợp thức hoá hôn phối: 102 đôi
6. Đem trẻ em Xưng tội rước lễ lần đầu: 617 em
7. Đem người nhận Bí tích Thêm sức: 129 người
8. Đón Cha xức dầu bệnh nhân: 39 người
9. Đưa số người bỏ phục sinh đến toà hoà giải: 165 người (từ 02 năm – 60 năm)

Về sinh hoạt: Hội đồng Comitium họp hàng tháng vào lúc 8h30 Chúa nhật đầu tháng, tại hội trường Giáo Xứ Thanh Xuân. Dự hợp Hội Đồng Senatus Việt Nam tại Tp. HCM mỗi tháng 01 lần, vào thứ 7 đầu tháng. Tổ chức hàng năm ngày truyền thống 17/3 tại Toà Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.

Qua các chặng đường đi lên không ngừng và phát triển đều đặn, từ khi Comitium được thành lập hoạt động năm 1995 đến nay. Gần 16 năm qua, Hội đồng Comitium và Hội đồng các Curiae trực thuộc đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhiều anh chị Uỷ Viên, Hội viên các cấp để hoạt động đúng theo Thủ bản, cũng như các kỹ năng cần thiết trong công tác tông đồ, đặc biệt về chất lượng được đặt lên hàng đầu. Sự hướng dẫn, chăm sóc, đào tạo các Uỷ Viên, Hội viên các cấp còn nhằm nâng cao về mặt đạo đức, lòng nhiệt thành, ý thức trách nhiệm, bền đỗ trong ơn goi tông đồ, nhất là tinh thần truyền giáo luôn được nuôi dưỡng, động viên nhau không ngừng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hội Đồng Qúy Chức- Chương VII: Hội Đồng Qúy Chức Dưới Ánh Sáng Của Công Đồng Vatican II
Lm. Mai Đức Vinh
15:27 18/03/2011
HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHƯƠNG VII: HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II


Trong chương này chúng tôi sẽ trình bày hai mục chính:

I. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với vai trò và sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay.
II. So chiếu Hội Đồng Quý Chức với Hội Đồng Giáo Xứ hiện nay ở Việt Nam


MỤC I

SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC VỚI
VAI TRÒ VÀ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ
CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN NGÀY NAY


Bằng cách dựa vào những dữ kiện đã được trình bày trong các chương trước và vào các tài liệu của Công Đồng Vatican II, chúng tôi sẽ trình bày trong tiết nầy những điểm tương đồng và dị biệt giữa sứ vụ tông đồ của các quí chức công giáo Việt Nam ngày trước so với sứ vụ tông đồ của người giáo dân ngày nay. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ không quên trưng dẫn những điểm dị biệt hay đúng hơn những hình thái bất toàn về mặt tổ chức của Hội Đồng Quí Chức so chiếu với những huấn thị của Công Đồng về sứ vụ tông đồ của người giáo dân.

I. Trong Họ Đạo hay trong Giáo xứ.

Chính từ trong họ đạo, bởi họ đạo và cho họ đạo mà Hội Đồng Quí Chức được thành lập (I). Những kỳ mục được chọn từ các tín hữu và giữa họ với nhau. Vì thế sứ vụ tông đồ của một quí chức không cách xa với sứ vụ tông đồ của một người giáo dân hay của một tín hữu. Họ đạo là nôi sinh và môi trường hoạt động tông đồ của quí chức. Chính trong môi trường này các quí chức được tuyển chọn và hình thành Hội Đồng Quí Chức. Hội Đồng Quí Chức không hiện hữu nếu không có họ đạo. Người giáo dân luôn phải gắn bó với cộng đồng giáo xứ của mình. Đó là điểm rõ ràng trong các tài liệu đề cập đến Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam.

Trước hết, rất đúng rằng: đối với quí chức, họ đạo là một "gia tộc" (tự nó, chữ 'họ đạo' đã mang ý nghĩa này rồi), là một cộng đoàn với ý nghĩa tròn đầy

1) Cộng đoàn huynh đệ

Nơi đó các quí chức phải lo làm sao cho các tín hữu thân quen nhau, tương trợ lẫn nhau, hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ. Vì thế, mỗi khi có một biến cố xảy ra, một em bé mới chào đời, một người đau ốm hoặc khuất đi, thì toàn thể họ đạo đều được thông báo.

2) Cộng đồng của đức tin và phụng vụ

Cộng đồng đức tin và phụng vụ biểu hiện qua việc mọi tín hữu đồng tâm sống đạo; Mọi người đều giữ đạo, mọi người đều đến nhà thờ ít nhất là trong ngày chúa nhật. Các quí chức hiện diện ở đó và thay phiên nhau chủ trì việc xướng kinh cầu nguyện. Mọi người đều tuân giữ lề luật của Giáo Hội và dưới sự chăn dắt của linh mục và các chức việc.

3) Cộng đồng truyền rao Phúc Âm

Các chức việc không chỉ lo cho những người đã được rửa tội bền vững sống đức tin, mà họ còn phải quan tâm đến cả những người lương sống trong cùng một làng chung đụng với người công giáo hoặc trong các thôn ấp láng giềng có nhiều triển vọng xin theo đạo. Chúng tôi muốn gợi lại các hoạt động rao truyền Phúc Âm và nhất là việc lo rửa tội cho các trẻ em hay những người cao niên lâm bệnh nặng hay nguy cơ tử vong. Dưới sự chăn dắt của linh mục, và với sự nhiệt thành của các chức việc, tất cả các tín hữu trong họ đạo đều được kêu gọi chia sẻ mối bận tâm rao giảng Tin Mừng; hầu biến họ đạo trở nên một cộng đồng thừa sai truyền giáo.

4) Cộng đồng sống động và có tổ chức

Đời sống của họ đạo được biểu hiện xuyên qua tất cả những hoạt động tập thể của các tín hữu tại nhà thờ, nơi trường học của họ đạo, trong các đoàn thể, trong các việc làm công cộng, trong những ngày lễ hội… Nhưng tất cả đều phải tiến hành một cách quy củ. Và sự hiện diện cùng với lòng nhiệt thành của các chức việc sẽ bảo toàn sự quy củ đó.

Theo Công Đồng Vatican II, họ đạo hay giáo xứ là hạt nhân tế bào của giáo phận(3), là thành phần vững chắc của giáo phận(4), là một nhóm của đàn chiên Thiên Chúa (5), là cộng đồng công giáo (6), là cộng đồng Giáo Hội mà trong đó những người giáo dân có tinh thần tông đồ tìm đến, quả thật, để giúp đỡ những người anh em của họ và trợ lực không những cho các chủ chăn mà còn cả cho mọi thành viên dân Chúa. Họ sốt sắng dấn thân vào các công trình tông đồ; họ lôi kéo những người còn xa cách đến với Giáo Hội. Họ cộng tác một cách nhiệt tình vào công cuộc trao truyền Lời Chúa. Nhờ các tín hữu ưu tú, giáo xứ trở nên một mẫu mực phi thường cho sứ vụ tồng đồ tập thể. Chính từ giáo xứ mà giáo dân tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ, để phát triển không ngừng đường hướng mục vụ của giáo phận mà giáo xứ được xem như là hạt nhân, là tế bào, để cung ứng sự đóng góp của họ vào mọi công trình tông đồ và thừa sai trong gia đình Giáo Hội địa phương(7)... Tóm tắt một câu, theo Công-Đồng thì giáo xứ là một trong những bước khởi đầu, mộ trong những nơi, một trong số các môi trường chính yếu và thuận lợi hơn hết cho sự thành lập, hoà nhập và phát triển sứ vụ tông đồ của người giáo dân, nhất là của những người giáo dân được tuyển chọn giống như các chức việc họ đạo. Sứ vụ tông đồ này được thực hiện dưới nhiều hình thức.

II- Các hình thức của sứ vụ tông đồ

Như đã được trình bày, sứ vụ tông đồ hay đúng hơn, sự tham gia của quý chức vào thừa tác vụ của các linh mục được biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau mà câu tóm lược tuyệt hảo hất, là sự tham gia tích cực vào thừa tác vụ thánh hóa, thừa tác vụ giáo huấn và thừa tác vụ quản trị của linh mục.

Khi nói về sứ vụ tông đồ của người giáo dân trong bối cảnh của giáo xứ, Công-Đồng nhấn mạnh vào các khía cạnh sau đây:

1) Đối với thừa tác vụ thánh hóa

Được nuôi dưỡng nhờ tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ trong cộng đoàn giáo xứ, người giáo dân nhiệt thành góp phần vào các công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn: họ đem những con người đang xa lạc trở về với Giáo Hội(8). Một các mạnh mẽ, Công Đồng quả quyết rằng người giáo dân làm việc tông đồ bằng cách dấn thân lo việc thánh hóa anh chị em của mình (9). Bằng nhiều phương cách, họ tham gia vào việc thánh hóa nhân loại và làm cho thế gian sống động trong Đức Kitô (10). Từ bên trong, họ được kêu gọi thánh hoá anh chị em mình (11). Và họ cần được chuẩn bị dấn thân vào công việc tông đồ này (12). Về đời sống bí tích, Công Đồng đã có huấn dụ vắn tắt rằng 'các bí tích và nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng người tín hữu đức bác ái vốn là linh hồn của mọi công việc tông đồ (13). Bởi vì đức bác ái công giáo bao trùm lên tất cả loài người (14), bằng cách giúp họ tương trợ lẫn nhau (15) và gìn giữ họ khỏi những cạnh tranh nguy hại (16) Chính từ đức bác ái thần linh mà người giáo dân có khả năng biểu lộ những điều chân phúc trong cuộc đời của họ hầu thực hiện những điều tốt lành cho cả nhân loại (17), và làm vinh danh Đức Kitô bằng một đời sống đức tin, hy vọng và bác ái (18). Hơn nữa, nhờ có đức bác ái công giáo lôi cuốn, người giáo dân hoạt động để canh tân trật tự trần thế (19) xuyên qua các hoạt động cho công bằng, cho hòa bình và cho bác ái (20). Nói tóm lại qua đức bác ái, nguồn lực của sứ vụ tông đồ (21), người giáo dân trở nên mọi sự cho mọi người, là chất men thánh hóa anh chị em của họ (22).

2) Đối với thừa tác vụ giáo huấn

Càng ao ước thánh hóa loài người và biểu dương đức bác ái, người giáo dân càng được thúc đẩy làm việc vì vinh danh Thiên Chúa và mở rộng vương quốc của Ngài (23). Vì vậy, người giáo dân cộng tác nhiệt tình vào công cuộc rao truyền Lời Chúa, đặc biệt bằng việc dạy giáo lý (24) và tham dự sốt sáng các nghi lễ phụng vụ (25). Họ hiểu rõ rằng nhờ trau dồi giáo lý, đức tin trở nên sống động, hiển nhiên và linh hoạt (26), rằng việc dạy giáo lý là bổn phận giáo huấn đầu tiên của Giáo Hội (27), không chỉ là bổn phận của hàng giám mục( 28), của các cha sở (29), của các linh mục (30) nhưng còn là bổn phận của các bậc cha me (31) và cả những người giáo dân nữa (32) nhất là trong các Giáo Hội non trẻ (33). Họ hy sinh thời giờ để theo học các lớp giáo lý do các linh mục phụ trách (34), rồi tiếp theo đó, họ hy sinh thời giờ để phụ giúp cha sở (chủ chăn) và các bậc cha mẹ uốn nắn con cái và giúp chúng học giáo lý. Công Đồng tuyên bố rằng hàng giáo phẩm có thể trao gởi cho người giáo dân một số trách nhiệm xưa nay vốn gắn liền với trách nhiệm của các chủ chăn: trong sự giảng huấn học thuyết của Giáo Hội, trong việc cử hành nghi thức phụng vụ và trong việc chăm sóc các linh hồn (35).

3) Đối với thừa tác vụ quản trị

Để điều hành giáo xứ của mình, vị chủ chăn có thể và cần phải kêu gọi sự cộng tác của những người giáo dân (36). Trong những họ đạo ở xứ truyền giáo, chính nhờ có những người giáo dân cộng tác mà vị chủ chăn có thể thấu rõ tình trạng đoàn chiên của mình, thấu rõ những ý nghĩ thầm kín của các tín hữu về Thiên Chúa, đồng thời quan tâm đến những thay đổi gây ra bởi phong trào đô thị hóa, hiện tượng di dân và tâm trạng lãnh đạm tôn giáo (37). Một trong những công việc quan trọng của thừa tác vụ quản trị giáo xứ là việc quản thủ tài sản. Về điểm nầy, Công Đồng lưu ý các linh mục rằng: "Về những của cải của Giáo Hội nói riêng, các linh mục phải quản trị chúng theo bản chất của chúng và đúng như tiêu chuẩn của Giáo Luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể".(38) Công Đồng mong mỏi giáo dân đem hết khả năng của mình trợ giúp việc quản trị giáo xứ, việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sao cho có nhiều hiệu quả".(39).

Để tổ chức, nuôi dưỡng và phát triển Công Giáo Tiến Hành hay những hội đoàn trong giáo xứ, các Nghị Phụ Công Đồng mong muốn rằng: các linh mục phải tạo thuận lợi cho những mối liên hệ tốt giữa người giáo dân và hàng giáo phẩm, để khi đối thoại kiên trì với giáo dân, các ngài sẽ tìm thấy những hình thức khả dĩ giúp cho Công Giáo Tiến Hành gặt hái nhiều kết quả, đồng thời phát huy tinh thần hợp nhứt ngay trong nội tình của các đoàn thể (40). Ngược lại, người giáo dân có thể hoạt động theo đề xuất riêng của mình(41), bởi vì sự cộng tác giữa nhiều đề xuất khác nhau cho sứ vụ tông đồ luôn là điều cần thiết (42). Vậy, người giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm theo kiểu cách riêng của họ, họ mang đến kinh nghiệm và đảm nhận trách nhiệm của họ theo đường hướng của tổ chức, trong sự tìm tòi những điều kiện thuận lợi để thực hiện công trình mục vụ của Giáo Hội, cũng như soạn thảo và theo đuổi một chương trình hoạt động. (43)

Cuối cùng, sau khi đã chứng tỏ rất chi tiết rằng hoạt động bác ái là dấu ấn của sứ vụ tông đồ kitô giáo, Công Đồng mời gọi người giáo dân, tùy theo hoàn cảnh khả dĩ, đánh giá cao và nhiệt tâm trợ giúp các công trình từ thiện và những sáng kiến bảo trợ xã hội bất kể đó là sáng kiến của tư nhân hay của nhà nước (44).

Chúng ta còn phải thêm rằng khi hợp tác để kiến tạo hòa bình và hòa giải cho những thành viên trong giáo xứ, người giáo dân không quên rằng giáo xứ là một gia đình, một huynh đoàn 'chỉ có một linh hồn mà thôi’ (45). Thật vậy, phải kính trọng và yêu thương cả những người có những suy nghĩ và hành động khác với chúng ta: chỉ mình Thiên Chúa mới là quan án xét xử và là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn. Do đó, Ngài cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ ai. (46).

Để kết luận, chúng ta có thể nói được rằng khi tham gia một cách tích cực vào các thừa tác vụ của linh mục, quí chức đã thực sự tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Và đây là một trong những quan điểm mới mẻ và căn bản của thần học giáo dân đã được Công Đồng Vatican II trình bày và nhấn mạnh. (47).

III. Tất cả cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm

Sứ vụ truyền bá Phúc Âm thâm nhập trong mọi trách vụ của quí chức đến độ chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng họ được tuyển chọn trước tiên với mục đích thiêng liêng: Mở rộng thêm vương quốc của Thiên Chúa (48).

Điều nầy cũng rõ nét trong các huấn dụ của Công Đồng khi nói về các bổn phận của người giáo dân: Trước hết, Công Đồng xác quyết rằng: ơn gọi kitô hữu theo bản chất là ơn gọi làm tông đồ và truyền bá Phúc Am (49). Vì vậy người giáo dân, ngay cả trong công ăn việc làm và trong những âu lo trần thế, họ có thể và cần phải thực hiện những hoạt động cao quý có lợi cho sứ vụ truyền bá Phúc Âm (50). Mặt khác, truyền bá Phúc Âm chính là sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội được thiết lập là để mở rộng nước Đức Kitô trên khắp địa cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: Tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ được quy hướng về Chúa Kitô: Đó là sứ mệnh truyền giáo mà mọi hoạt động của các chi thể trong Nhiệm Thể phải quy hướng về (51). Là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội, người giáo dân không thể đứng ngoài lề sứ vụ này hay chỉ giữ thái độ tiêu cực, nhưng họ cần phải tham dự vào đó một cách tích cực, năng động, toàn vẹn, suốt cả cuộc đời của họ. Trong Giáo Hội có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng tất cả đều quy hướng về một sứ mệnh, sứ mệnh của toàn thể dân Chúa. Bởi lẽ ấy, người giáo dân thi hành sứ mạng tông đồ của họ một cách cụ thể bằng việc dấn thân truyền bá Phúc Âm. Họ cố gắng làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào trật tự trần thế và họ hoạt động cho tinh thần Phúc Âm mỗi ngày một thăng tiến. Như vậy, hoạt động của họ rõ ràng là tuyên chứng Đức Kitô và phục vụ phần rỗi nhân loại (52).

Công trình truyền bá Phúc Âm phải được phổ cập trong mọi cộng đồng công giáo nhất là trong các Giáo Hội non trẻ: Bằng chứng tá về đời sống đạo, mỗi tín hữu và tất cả cộng đồng phải là một dấu chỉ của Đấng Cứu Thế.(53). Mặt khác, vì dân Chúa sống trong các cộng đoàn, nên các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, phải là những cộng đoàn cầu nguyện, hiệp nhât, cùng hoạt động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng nầy: chức vụ rao truyền Phúc Âm (54).

Để kết luận, chúng ta nói một cách ngắn gọn rằng, sống trong một cộng đồng giáo xứ, người giáo dân thi hành một cách nhiệt tình sứ mệnh tông đồ của mình. Họ mang về cho Giáo Hội những người từ lâu đã xa tránh Giáo Hội; họ hăng say cộng tác trong việc phổ biến Lời Chúa. Và đó là sứ vụ rao giảng Phúc Âm. Chính nhờ có họ mà giáo xứ trở thành một mẫu mực tuyệt vời trong lãnh vực tông đồ cộng đoàn, mà chủ yếu là làm chứng tá (55).

IV. Sứ Vụ Tông đồ Chứng nhân.

Ngay từ buổi đầu, điều kiện tiên quyết để được lựa chọn làm quí chức trong họ đạo là lòng trung thành với Chúa, có đức tin bền vững, hạnh kiểm tốt và uy tín… nói khác, phải là người gương mẫu (56). Ngoài ra, khi đề cập tới những nghĩa vụ của quí chức, người ta đòi hỏi "họ phải là chứng nhân" trước mọi người. Làm chứng tá là một phương cách để hoàn tất mọi bổn phận và đạt đến mục tiêu. Đó là điều mà đức cha Hồ Ngọc Cẩn đã nhắn nhủ các chức việc họ đạo: "Trong Giáo Hội, các chức việc của họ đạo phải xử dụng chức năng của mình vào mục đích làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi các linh hồn, và chỉ như thế, họ mới được tín nhiệm. Để đạt được hai mục tiêu đó cách hoàn hảo và tốt đẹp, chính họ phải quí trọng chức năng cao trọng của họ và nêu gương tốt lành cho giáo dân, trước hết về đức tin và đức mến, trong lời nói và việc làm, trong cả nếp sống riêng tư cũng như trong đời sống chung giữa cộng đoàn và xã hội (57).

Tuy nhiên phải nhận rằng chính các văn kiện của Công Đồng mới nhấn mạnh đầy đủ về tầm quan trọng, sức hữu hiệu và sự cần thiết của việc tuyên chứng trong đời sống đạo.

Qua Bí tích Rửa Tội, người tín hữu đã được thánh hiến để tuyên chứng về Đức Kitô trên khắp thế gian (58), để nên nhân chứng của Đức Kitô (59), qua họ, Chúa tiếp tục tỏ hiện (60). Điều hiển nhiên là ơn gọi hay sứ mệnh của mọi tín hữu là làm chứng về Chúa Kitô giữa cộng đồng nhân loại (61), làm chứng về sự phục sinh và về đời sống của Ngài, và nên dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống: "Tóm lại, người kitô hữu hãy làm cho thế giới sống, giống như linh hồn làm cho thân xác sống (62)".

Bởi thế, bổn phận chính yếu của người giáo dân, nam cũng như nữ là tuyên chứng về Đức Kitô bằng đời sống và bằng lời nói ngay trong gia đình, trong hội đoàn xã hội hay giữa môi trường làm việc (63). Hoạt động tông đồ để nêu cao đời sống kitô hữu, người giáo dân cũng là những chứng nhân của Giáo Hội. Họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay trong những thực tại trần thế (64). Khi chu toàn bổn phận như vậy, họ là những chứng nhân đích thực và những công cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội: Người giáo dân được mời gọi một cách đặc biệt để bảo đảm sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội ở những nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội không thể nào trở thành muối trong thế gian được. Như vậy, mỗi người tín hữu là chứng nhân và đồng thời là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội (65).

Với ơn gọi tập hợp giáo dân lại, giáo xứ hay cộng đồng kitô phải làm chứng về Đức Kitô (66) và làm chứng về đức bác ái (67). Chính từ việc tụ hợp tín hữu thành những nhóm nhỏ mà dấu chỉ của Cộng đồng Giáo Hội luôn tỏ hiện trước mắt mọi người như một chứng tá đích thực về tình yêu (68). Chính bởi đời sống chứng tá của mỗi tín hữu và của cả cộng đoàn trên một lãnh thổ, nhất là tại một Giáo Hội non trẻ thuộc các xứ truyền giáo mà Giáo Hội trở thành một dấu chỉ của Chúa Kitô cho những người không tin Ngài (69). Nhưng làm sao có thể tuyên chứng về Đức Kitô nếu các tín hữu không ấp ủ đời sống thánh thiện kitô giáo, và nếu cộng đồng giáo xứ không rực sáng sự thánh thiện?

V. Bằng chứng của Sự Thánh Hóa Công Giáo

Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ mới được 444 năm (1533-1977). Giáo Hội nầy đã phải gánh chịu nhiều cuộc bách hại đẫm máu trong suốt 300 năm, và kể từ năm 1945 một phần của Giáo Hội ở dưới chế độ cộng sản trở thành im hơi lặng tiếng và tê liệt. Cũng cần phải đề cập đến chiến tranh khủng khiếp và không dứt nữa. Trong những trạng huống khó khăn triền miên như thế, may thay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn luôn đứng vững. Làm sao có thể giải thích được điều đó ? Sau hồng ân của Chúa thì một trong những yếu tố chính mà chúng ta cần phải nhận thức đó là nếp sống tôn giáo chân thực của phần lớn các tín hữu công giáo Việt Nam. Ngay cả trường hợp chưa phải là hoàn toàn sống vì phúc âm, thì nếp sống nầy cũng ít nhiều biểu hiện được một số hình thái của sự thánh hóa công giáo. Và trong số các tín đồ công giáo Việt Nam thì các chức việc là những thành phần nồng cốt! Chúng ta có thể nói như thế qua sự trình bày khúc chiết nơi các chương trước, chúng ta thấy rõ được nếp sống công giáo và kể cả sự thánh thiện kitô giáo của họ nữa.

Chúng ta lại sẽ thấy sự thánh thiện kitô giáo này được nêu bật trong các văn kiện của Cộng Đồng Vatican II: chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh và Đấng Thánh hóa (70); Ngài kêu gọi tất cả chúng ta phải nên thánh trong Giáo Hội (71). Sự thánh thiện của Giáo Hội được biểu hiện một cách liên tục và biểu hiện như những hoa quả của ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm trổ sinh nơi các tín hữu; Sự thánh thiện được tỏ hiện dưới mọi hình thái (72), Trong những hình thái khác biệt về đời sống và phận vụ khác nhau, đó là sự thánh thiện duy nhất mà tất cả những ai được Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn đều vun trồng và đi theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm tốn và vác Thập giá (73).

Vì vậy, tuỳ theo ân sủng và nhiệm vụ riêng của mình, mỗi tín hữu phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ bác ái (74). Người tín hữu được mời gọi và có bổn phận tìm kiếm sự trọn lành, và sự thánh thiện trong bậc sống của mình, (75) trong những phận vụ, hoàn cảnh của đời sống thường ngày (76).

Con đường và phương thế chính yếu khai mở mọi con đường và phương thế khác, chính là đức bác ái hay tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong người ấy (1Jn,4.16). Đức bác ái là động lực thúc đẩy cho chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài, là ân huệ thứ nhất và cần thiết hơn cả. Tuy nhiên để đức bác ái, như một hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và trổ sinh hoa quả dồi dào, mỗi tín hữu phải tình nguyện mở lòng mình ra tiếp nhận Lời Chúa, và với hồng ân của Ngài ban cho, thi hành thánh ý của Ngài, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, đồng thời tham dự các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, nhiệt thành phục vụ anh chị em và thực hành các nhân đức. Như vậy, bác ái là mối dây liên kết sự trọn lành và là sự toàn mãn của đức tin (77).

Mối liên hệ gắn bó giữa sự thánh thiện kitô giáo và sứ vụ tông đồ của giáo dân đã được khẳng định mạnh mẽ bởi lời tuyên bố sau đây của Công Đồng: "Sứ vụ tông đồ mà mỗi cá nhân phải thi hành bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực kitô giáo. Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế sứ vụ tông đồ được (78). Và một nếp sống công giáo đích thật không gì khác hơn là một nếp sống nhân chứng hùng hồn của đức tin, của hy vọng và bác ái! Kế tiếp, là nhân chứng từ nếp sống theo phúc âm, người thế tục chu toàn thành sứ vụ tông đồ của họ về truyền bá phúc âm, về thánh hóa, về sự thay đổi công giáo của trật tự thế gian và luôn cả thế giới nữa (79).

Sự thánh thiện của mỗi tín hữu kiến tạo sự thánh thiện của cộng đồng giáo xứ. Vì là tế bào của Giáo Hội (80), giáo xứ trở thành cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái (81), cộng đoàn của những người được tuyển chọn (82). Trong cộng đoàn giáo xứ nầy, việc cử hành Hy Lễ Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống các tín hữu và của sự thánh thiện họ theo đuổi (83); nhờ đó, người giáo dân ý thức mình là phần tử sống động và hành động của dân Chúa (84) thì họ góp phần vào việc xóa bỏ những cạnh tranh nguy hại (85), góp phần vào việc xây dựng đức bác ái huynh đệ (86) và sự hợp tác trong sứ vụ tông đồ (87).

VI. Sự hợp tác làm việc tông đồ.

Khi đề cập đến mối tương quan giữa các quí chức và cha sở, các văn bản chính thức đã nhấn mạnh rằng "các chức việc phải luôn làm vệc theo sự hướng dẫn và dưới quyền điều khiển của các linh mục" (88), "giữ mối liên hệ tốt đẹp với các ngài" (89), "phải báo cáo cho linh mục biết mọi việc xảy ra trong họ đạo, mọi việc họ đã làm trong khi vắng mặt các linh mục" (90), chỉ hành động với sự đồng ý hoàn toàn của cha sở (91). Những văn bản đó còn nhấn mạnh rằng: chỉ các linh mục mới là những người chịu trách nhiệm về việc điều hành tốt đẹp của họ đạo đã được trao phó (92); rằng ngần nào có thể, linh mục phải hỗ trợ quyền hành của quí chức (93); rằng cha sở phải là người đầu tiên lo hoàn thành mọi trách vụ với sự trợ giúp của các quí chức (94), và sau cùng, cha sở có bổn phận huấn luyện các chức việc và hướng dẫn họ hoàn thành trách nhiệm đã trao phó cho họ (95).

Về những mối liên hệ giữa các chức việc và các tín hữu trong họ đạo, thì tất cả các văn kiện đều yêu cầu các chức việc phải nêu gương tốt về đời sống đạo đức và luân lý cho giáo dân; và cụ thể là các quí chức phải tận tâm trong những công việc thiêng liêng hay vật chất của họ đạo, phải sẵn sàng giúp đỡ giáo dân: như rửa tội cho một trẻ sơ sinh hoặc cho một người dự tòng; dạy giáo lý cho các trẻ dọn mình xưng tội rước lễ lần đầu hoặc chịu phép thêm sức; hướng dẫn về giáo lý hôn nhân cho các người trẻ; thăm viếng kẻ liệt lào ốm đau, mời linh mục đến xức dầu hay trao Mình Thánh Chúa cho họ; hòa giải các sự tranh chấp xảy ra giữa các tín hữu với nhau… Ngược lại, các tín hữu phải kính trọng và vâng lời các chức việc (96). Hơn nữa, quí chức là những người trung gian tốt lành giữa linh mục với họ đạo hay với mỗi tín hữu.

Một điều đáng nêu lên ở đây, khi nói về những tương quan giữa cha sở và quí chức, người ta không bao giờ dùng đến những từ "cộng tác", "đồng lao", "liên đới" trong các văn bản về việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo tại Việt Nam. Có thể là vì vấn đề tâm lý của thời đại. Dù thế, qua dòng lịch sử và các hoạt động tông đồ của các quý chức họ đạo Việt Nam như đã trình bày, thì tinh thần cộng tác và liên đới giữa các linh mục với giáo dân hoặc giữa giáo dân với nhau đã được thể hiện ở mức độ cao. Không có ai có thể phủ nhận điều đó. Tinh thần cộng tác và liên đới đó ăn khớp với những huấn dụ của Công Đồng Vatican II. Chúng ta trích dẫn ra sau đây những nét chính yếu:

1) Các cha sở cần đến sự cộng tác của giáo dân

Việc chăm sóc linh hồn luôn luôn phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo làm sao để lan rộng cách thích đáng tới mọi người sống trong giáo xứ. Trong trường hợp các cha sở không thể đến được với một số nhóm người, các ngài phải kêu gọi những người khác kể cả giáo dân, giúp đỡ đặc biệt các ngài trong công việc tông đồ (97), bởi lẽ người giáo dân được kêu gọi cộng tác gần gũi với công việc tông đồ của hàng giáo phẩm (98), và trở thành những người cộng tác của chân lý (99).

2) Bổn phận cộng tác của giáo dân

Giáo dân phải dấn thân cộng tác với các linh mục cũng như với mọi anh em trong giáo xứ. Thực vậy, những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực sẽ tìm đến trợ giúp những anh chị em thiếu thốn, và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác nữa. Người giáo dân cần phải tập quen làm việc trong giáo xứ theo tinh thần cộng tác chặt chẽ với các linh mục, cũng như tùy khả năng, họ đóng góp vào công tác tông đồ và truyền giáo của đại gia đình Giáo Hội (100).

3) Giáo dân hiệp nhất với nhau trong sự hợp tác tông đồ

Vì có những đoàn sủng khác nhau, nên mỗi giáo dân phải cộng tác vào việc rao truyền Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng, đoàn sủng và tác vụ của mình. Do đó, tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt, kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau, để khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự, họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội (hay giáo xứ) (101).

4) Sự hợp tác tông đồ là điều thực sự cần thiết

Giáo Hội (hay giáo xứ) không được xây dựng thực sự, không sống đầy đủ, cũng không là dấu chỉ toàn vẹn của Đức Kitô giữa loài người nếu không có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm sẽ không thâm nhập vào tâm hồn, đời sống, và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi được thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hạng giáo dân kitô giáo trưởng thành' (102). Tóm lại, người giáo dân đóng góp phần chủ động riêng của họ vào cuộc sống và sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Sự hợp tác của họ hết sức cần thiết đến độ nếu không có sự hợp tác đó thì thừa tác tông đồ của các cha sở hầu như không thể nào thâu được kết quả toàn vẹn. Ngược lại, nếu có sự hợp tác đó, giáo xứ sẽ trở thành khuôn mẫu đáng chú ý về hoạt động tông đồ tập thể có tính cách cộng đoàn, bởi vì giáo xứ là nơi hội tụ trong hiệp nhứt mọi khác biệt của nhân loại' (103).

VII. Tổ chức tông đồ công vụ

Vậy, Hội Đồng Quí Chức của họ đạo đáng được coi như một hệ thống rao truyền Phúc Âm hay một tổ chức tông đồ vững chắc và hữu hiệu nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhất là trong hơn 300 năm bị bách hại. Như chúng tôi đã đề cập, Hội Đồng Quí Chức đã trải qua một quá trình lịch sử hình thành tốt đẹp. Và Hội Đồng Quí Chức đã hiện hữu ngay từ lúc khởi thủy của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, được hợp pháp hóa bởi Công Nghị Nam Định năm 1670 và Công Nghị Hội An (Faifo) năm 1672; đã được tổ chức từ cuốn Chức Sở Mục Lệ của giám mục Colombert ấn hành năm 1884, và đã được thừa nhận bởi Công Đông Dương (Indochine) năm 1934. Chính từ những sinh hoạt của các họ đạo mà người ta nhận ra sự gia tăng, phát triển và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên sinh hoạt của các họ đạo sẽ không thể tiến hành được nếu không có Hội Đồng Quí Chức. Đã nhiều lần lịch sử cho thấy rằng, nhờ vào công việc tông đồ của các chức việc mà các họ đạo ở Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ đã giữ được lòng tin bền vững và số lượng các tín hữu đã gia tăng nhiều ngay cả trong thời kỳ bị bách hại và trong những năm thiếu vắng các linh mục (104).

Vì nhìn thấy rõ hiệu quả đó, các giám mục, sau những cuộc bách hại, đã khởi sự tái thiết các họ đạo bằng việc tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức. Phải nói rằng phần lớn các chức việc là "những người giáo dân thừa sai" tận tâm của các giám mục, là đôi tay, đôi mắt, là những người cộng tác thân tín của các linh mục; là mẫu mực đức tin và luân lý của các tín hữu trong mỗi họ đạo; và sau hết, họ là những chứng nhân của lòng tin, của bác ái trước dân ngoại. Nói tóm lại, Hội Đồng Quí Chức là một tổ chức tông đồ trong mỗi họ đạo Việt Nam.

Hiện nay, tổ chức tông đồ giáo dân nầy không có gì xa lạ đối với điều mà các nghị phụ trong Công Đồng Vatican II đã truyền dạy:

1) Tính cách thích hợp của hoạt động tông đồ có tổ chức

Với tư các cá nhân, người kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính, và Thiên Chúa đã vui lòng tập họp những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa và kết hợp họ thành một thân thể. Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: "Nơi nào có sự tề tựu hai hoặc ba người vì danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ"(105).

2) Tính cách quan trọng của hoạt động tông đồ có tổ chức

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng, vì các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ. Trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó (106).

3) Mục tiêu của hoạt động tông đồ có tổ chức

Mục đích trực tiếp của việc tông đồ có tổ chức phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống. Người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức tông đồ, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn. Người giáo dân hoạt động tông đồ dưới sự điều khiển của chính hàng giáo phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân hay được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm (107).

4) Công giáo tiến hành là kiểu mẫu mực hoạt động tông đồ có tổ chức

Từ mấy chục năm nay, ở một số lớn các quốc gia, nhất là ở Việt Nam, người giáo dân có lòng nhiệt thành với công việc tông đồ đã quy tụ lại dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau hoặc trong các hội đoàn. Họ liên kết chặt chẽ với hàng giáo phẩm hầu theo đuổi những mục tiêu tông đồ thuần túy, đúng như các đức giáo hoàng và các vị giám mục truyền dạy và cổ húy. Các ngài đã đặt tên cho những hình thức hoạt động tông đồ đó là Công Giáo Tiến Hành. Những hoạt động tông đồ như vậy thường được miêu tả như một sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (108).

VIII. Trong phạm vi trần thế

Chúng ta biết rằng trách nhiệm của các quí chức không chỉ giới hạn trên bình diện tinh thần và tôn giáo nhưng còn mở rộng ra trên lãnh vực trần thế: họ trông chừng những điều liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống cao đẹp và trật tự chung của họ đạo (109); họ hợp tác với các linh mục để phát triển đời sống văn hóa của giáo dân, nhất là việc giáo hóa các con em, để xướng xuất và nuôi dưỡng các phong trào xã hội và từ thiện (110). Nói cho đúng, qua hoạt động tông đồ hoặc qua cách sống đức tin của họ, Giáo Hội được biểu dương giữa lòng đời sống và giữa nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; Phúc Âm được bén rễ sâu vào tâm trí người đồng hương của họ. Đồng thời, họ thích ứng những giáo huấn công giáo vào nền văn hóa và vào phong tục của xứ sở, họ đổi mới những thói quen, những lối sống và cả những luật lệ của làng xã Việt Nam cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Nhờ có họ, Phúc Âm hoàn thành những trách nhiệm: tinh luyện, nâng cao và biến đổi nền văn hóa của một quốc gia. Đó là ý nghĩa đầy đủ và đúng đắn của cụm từ "Truyền bá Phúc Âm". Tất cả mọi điều đó giúp chúng ta hiểu được tại sao các quí chức được người dân trong làng kính trọng vì đức trung thực, lòng nhiệt thành và vì chí hướng thiện ích chung của họ (111); cũng như tại sao các bề trên trong Giáo Hội mong muốn các chức việc của họ đạo, đồng thời cũng là các chức sắc uy tín trong làng xã dân sự (112).

Vui mừng thay khi nhìn theo góc cạnh của những giá trị trần thế, chúng ta thấy trách nhiệm của quí chức luôn gắn liền với những giáo huấn của Công Đồng Vatican II về 'hoạt động tông đồ giáo dân'.

1) Lãnh vực tông đồ của người giáo dân

Công trình cứu độ của Chúa Kitô. chủ yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế, Người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Tuy khác biệt, hai phạm vi liên kết với nhau trong ý định duy nhất của Thiên Chúa. (113).

2) Canh tân trật tự trần thế

"Người giáo dân phải đảm nhiệm việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng: Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để, vẫn tôn trọng toàn vẹn toàn thể định luật riêng của nó, mà làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống kitô giáo cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc (114). Trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó, người giáo dân đứng hàng đầu (115).

3) Nhân tố thực tế của giá trị trần thế

Người giáo dân nhất trí xây dựng những thực tại trần thế và không ngừng hoàn hảo hóa các thực tại ấy: mọi phúc lợi của đời sống (116), của gia đình (117), của văn hóa xứ sở (118), của những thực tại đạo đức (119), xã hội (120) và kinh tế (121); những thực tại khác với phát triển và tiến bộ của chúng (122).

IX. Những điểm tiêu cực

Trên đây là những điểm tương cận hoặc tương đồng giữa các hoạt động tông đồ của các quí chức trong họ đạo Việt Nam ngày xưa so chiếu với các giáo huấn của Công Đồng về hoạt động tông đồ của người giáo dân hiện naỵ Những điểm đó cho thấy được tính cách liên tục của đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó, chúng ta cũng thấy có những điểm dị biệt hay nói khác, có một vài điểm bất toàn trong sứ vụ tông đồ của các chức việc so chiếu với sứ vụ tông đồ do Công Đồng đề ra cho người giáo dân. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây năm điểm chính:

1) Quá hạn chế trong mỗi họ đạo

Các họ đạo Việt Nam được tổ chức theo khuôn mẫu các làng dân sự và truyền thống. Các họ đạo có một đời sống tự trị. Nhưng nhiều khi mỗi giáo xứ tự thu hẹp và khép kín mình lại. Và lúc đó Hội Đồng Quí Chức cũng bị hạn chế và đóng khung trong một họ đạo. Ngoại từ dịp tỉnh tâm thường niên được tổ chức (trên lý thuyết) ở cấp giáo phận (123), thì không có một hoạt động nào của các quí chức trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, giáo tỉnh hay quốc gia được dự trù. Ngược lại, Công Đồng mong muốn rằng người giáo dân cần phải được guấn luyện để quy hướng về sinh hoạt của giáo phận mà trong đó giáo xứ được coi là tế bào; họ phải luôn sẵn sàng đáp ứng những lời kêu gọi của các chủ chăn để tham dự những đề xuất của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu của các thành thị và các vùng quê, họ không thể chỉ giới hạn sự hợp tác trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận của mình mà thôi, nhưng họ còn phải cố gắng mở rộng ra trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Họ không được phép là thành viên của một xã hội co rút và khép kín (124).

2) Thiếu sự thích ứng và đổi mới

Tuy đồng ý về tính cách bền vững và hiệu lực của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo, chúng ta cũng nhận rằng: cấu trúc tổ chức của họ đạo hay của Hội Đồng Quí Chức đã không được canh tân đủ, không được thích ứng đủ theo nhu cầu mục vụ tân tiến và theo những biến chuyển trong xã hội Việt Nam. Những dự kiện thích ứng của Công đồng Đông Dương chỉ đem lại một sự canh tân hời hợt: Người ta bỏ qua tất cả để tiếp tục nếp sống truyền thống. Cấu trúc khiếm khuyết canh tân bởi vì nó còn nặng trĩu nhiều tục lệ địa phương. Sự kiện ấy trái ngược với những khuyến cáo của Công Đồng Vatican II: "Mọi hình thức và phương pháp của sứ vụ tông đồ phải được thích ứng một cách phù hợp với các hoàn cảnh hiện tại (125); Ngày nay có nhiều phương thế để huấn luyện tông đồ giáo dân: chẳng hạn những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi hội họp thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách thủ bản… Tất cả đều là những phương thế giúp giáo dân làm việc tông đồ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và xử dụng những phương pháp thích ứng nhất (126).

3) Thuyết phụ đạo của các cha sở

Chúng ta đã đề cập đến sự hợp tác giữa các chức việc với các cha sở: Sự hợp tác này cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo, hơn nữa, nó nêu bật những khía cạnh tích cực và đáng khích lệ (120'). Nhưng đối lại với những khía cạnh tích cực và đáng khâm phục, lại nổi bật ít ra một điểm tiêu cực, là các linh mục thường nghiêng quá đà về thuyết phụ đạo. Đối xử với quí chức như những người giúp việc trong nhà, xem họ như những dụng cụ làm việc hơn là những người cộng tác, những người giáo dân trợ tá, những người trung gian giữa linh mục và giáo dân. Quả thật, các linh mục quên rằng: "Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn đi rao giảng, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô (120''); Các linh mục quên rằng: nghĩa vụ và quyền hạn làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín ữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các linh mục phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tinh thần huynh đệ. Các ngài còn phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ (120''').

4) Thái độ quan liêu của quí chức

Rất nhiều trường hợp, các quí chức quá chú tâm về vị thế trọng vọng và áp đặt những ý kiến riêng của mình lên các tín hữu mà không tham khảo gì với họ; nhiều khi các chức việc ngồi chờ người ta đến tìm mình chứ không chịu khổ công đi đến với những người giáo dân hèn mọn hay những lương dân! Tất cả những điều đó là trái ngược với huấn dụ của Công Đồng định rằng: "Nhất là thời nay, người giáo dân có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình (127). Họ phải giúp đỡ những người cùng trong một thời đại với mình (128), họ được các linh mục mời gọi và huấn luyện để không chỉ sống cho mình, nhưng để hoạt động theo những đòi hỏi của luật bác ái, mỗi người phải tuỳ theo ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau (129); Vì thế họ cần sống khiêm tốn và dịu dàng khi phục vụ anh chị em mình (130). Chính với lòng khiêm nhu, chí kiên trì và đức nhiệt thành, họ có thể hướng dẫn anh em mình nhất là những kẻ nghèo khó đến với vị Quân Vương mà ai phụng sự Ngài đều là tôi trung (131). Tóm lại, trong mọi phục dịch, người giáo dân phải làm sáng tỏ trước mọi người lòng bác ái của Thiên Chúa (132).

5) Thái độ thụ động của quí chức

Trước tiên là ngay các chức việc cũng thiếu sự tin tưởng và quý mến phẩm giá và vai trò của họ. Họ trở thành những con người thụ động, chỉ ỷ lại vào cha sở và tục lệ, mà không cần có sáng kiến. Từ đó, đời sống của họ đạo trở nên ứ đọng, nếu không nói là bị tê liệt. Đó vẫn còn là một yếu điểm của rất nhiều họ đạo ở Việt Nam. Phương dược cứu chữa là giáo huấn của Công Đồng sau đây: "Phần các chủ chăn phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội. Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài còn nên khuyến khích họ tự đảm nhiệm công việc. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Đàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận cách thận trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế (133).


MỤC II

SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC
VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ HIỆN NAY


Ngày nay, nhiều giáo phận (134) ở Việt Nam đã ấn hành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ (135) phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II, đặc biệt về với le motu proprio "Ecclesae Sanctae" (Tự sắc 'Giáo Hội') ra ngày 6 tháng 8 năm 1966 (136). Tất cả các bản quy chế đều công bố rằng "Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức". Vì thế, trong tiết II nầy, chúng tôi căn cứ trên những quy định của Công Đồng, của các thượng phụ về Hội Đồng Giáo Xứ và những qui chế mới về Hội Đồng này mới được tổ chức ở Việt Nam để đưa ra một cách tóm lược những điểm tương đồng và dị biệt giữa Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước với Hội Đồng Giáo Xứ ngày naỵ

I. Hội Đồng Giáo Xứ và Hội Đồng Mục Vụ

Sắc lệnh về 'Trách nhiệm mục vụ của các giám mục' (Chritus Dominus) cho rằng cần phải được khuyến khích thành lập trong mỗi giáo phận, một hội đồng mục vụ riêng do chính giám mục chủ tọa và thành viên sẽ là các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được chọn lựa một cách đặc biệt; nhiệm vụ của hội đồng là thăm dò những gì liên hệ đến công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những vấn đề mục vụ' (137)

Rồi trong sắc lệnh 'Tông Đồ Giáo Dân' (Apostolicam Actuositatem) người ta cũng đề cập tới nhiều hội đồng tương tự nhưng không nói rõ về một hội đồng và các chức năng của các hội đồng thì rộng rãi. Nhiệm vụ của những hội đồng này là 'yểm trợ mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội cả trên bình diện truyền giáo và thánh hóa cũng như trên bình diện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác… Những hội đồng này sẽ có thể giúp phối hợp hoạt động giữa những hội đoàn khác nhau hay giữa những công việc tông đồ của giáo dân mà vẫn tôn trọng bản chất cá biệt và quyền tự trị của mỗi hội đoàn. Sắc lệnh còn nói thêm rằng 'nếu có thể, nên lập những hội đồng tương tự như vậy ở cấp giáo xứ, liên giáo xứ, giáo phận và cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế' (138).

Những quy định của Công Đồng đều được xác định trong tự sắc 'Giáo Hội' của đức giáo hoàng Phaolo VI ban hành năm 1966. Tuy nhiên những qui định này không áp dụng một cách rõ ràng vào Hội Đồng Mục Vụ của giáo phận, trong khi đó thì hội đồng giáo xứ lại mặc nhiên qui về một quyền hạn duy nhất là quyền thích ứng của các giám mục bản quyền.

1) Những quy định căn bản

Sau đây là những qui định căn bản liên hệ trực tiếp đến Hội Đồng Mục Vụ và gián tiếp đến Hội Đồng Giáo Xứ đã được nêu lên trong những văn kiện trên:

a) Ước nguyện của các nghị phụ là Hội Đồng Mục Vụ được thiết lập trong mỗi giáo phận (139) và ngần nào có thể trong các giáo xứ (140).

b) Các thành viên của những hội đồng này đều thuộc về 3 đẳng trật trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân (141).

c) Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo phận là đức giám mục (142) và cũng tương tự như thế, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ là cha sở với tư cách người đứng đầu cộng đoàn địa phương và là người đại diện của đức giam mục(143).

d) Nhiệm vụ của những hội đồng này là nghiên cứu và cân nhắc mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động mục vụ, phụng vụ, và từ thiện của giáo phận hay của giáo xứ, rồi sau đó đưa ra những đúc kết thực tiễn, đề nghị những chương trình hoạt động thế nào để cho phù hợp với Phúc Âm (144). Mặt khác, những hội đồng đó có thể phụ giúp phối hợp hổ tương những hội đoàn khác nhau hay phối hợp những sáng kiến của người giáo dân (145).

e) Các hội đồng đó chỉ giữ vai trò cố vấn mà thôi (146).

2) Những đặc điểm cụ thể của các Hội Đồng Giáo Xứ ở Việt Nam

Như vậy, không có một quy định nào rõ rệt từ các tài liệu của Công Đồng hoặc từ tự sắc "Giáo Hội" của đức giáo hoàng Phaolo VI, đã đề cập một cách trực tiếp về Hội Đồng Giáo Xứ. Tất cả đều để cho các giám mục và các linh mục tùy nghi xướng xuất. Do đó, khi khảo xét các bản quy chế của các Hội Đồng Giáo Xứ đã có từ trước ở Việt Nam, chúng tôi thấy được một vài đặc điểm của Hội Đồng Giáo Xứ như sau:

a) Cơ quan có tính cách đại diện nhất của giáo xứ không phải là ban mục vụ nhưng là Hội Đồng Giáo Xứ (147). Bởi vì bên trong Hội Đồng Giáo Xứ, sau ban thường vụ gồm có chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ, thì còn có những đại diện của các khu, các xóm và các hội đoàn của giáo xứ (148).

b) Thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ là những tín hữu giáo dân, không phải là người tu trì (nam hoặc nữ) (149).

c) Hội Đồng Giáo Xứ làm việc bằng cách cộng tác với cha sở và dưới sự hướng dẫn của ngài, tuy nhiên chủ tịch hội đồng là một giáo dân được tuyển chọn bởi cộng đoàn giáo dân chứ không phải do cha sở (150).

d) Môi trường hoạt động của Hội Đồng Giáo Xứ có tính cách thực tiễn và sâu rộng hơn là môi trường của Hội Đồng Mục Vụ (151).

e) Thực tế chỉ có một ban mục vụ trong mỗi giáo xứ mà những người trách nhiệm là các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ.

f) Các Hội Đồng Giáo Xứ địa phương cũng quy tụ lại trong một tổ chức trung ương trên bình diện giáo phận (152).

g) Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ một trật là đầu não hoạch thảo chương trình mục vụ, là trung tâm phối hợp các sinh hoạt và các hội đoàn hiện hữu trong giáo xứ để công việc chung được tiến hành và thăng tiến tốt đẹp hơn; sau hết đó là điểm gặp gỡ và hiệp thông giữa những con người thuộc nhiều giai tầng xã hội, thuộc nhiều văn hóa khác nhau; là nơi mà người ta có thể bày tỏ mọi vấn đề, mọi nhu cầu, mọi mong ước của cộng đoàn; là nơi người ta có thể tham dự vào việc hình thành các dự án và vào bất cứ vụ việc gì tương quan tới đời sống của giáo xứ (153).

h) Về chức năng, phần hành của Hội Đồng Giáo Xứ là hợp tác với cha sở để nghiên cứu và thẩm định tình trạng hiện hữu của giáo xứ, nhất là trình độ hiểu biết về giáo lý, về đời sống đức tin, về sự gắn bó với giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội, về đời sống bí tích, đời sống phụng vụ, về hoạt động bác ái từ thiện… đồng thời tìm kiếm và đề nghị các biện pháp thực hành với những hoạt động cụ thể, nêu ra những phương tiện tương xứng để thực hiện cách hiệu quả các dự án mục vụ của giáo xứ hay của giáo phận (154).

II. Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ

Sau khi đã trình bày mọi điều về Hội Đồng Quí Chức, và sau khi đã đọc những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ khởi hứng từ tinh thần và những qui định của Công Đồng Vatican II, chúng tôi xin nêu bật dưới đây một số điểm đối chiếu giữa hai loại Hội Đồng.

1) Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức

Trong thư ban hành qui chế Hội Đồng Giáo Xứ, ngày 29 tháng 6 năm 1969, đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết rằng: "Chúng ta đã biết: trải qua hơn 300 năm, hàng Chức Việc các Họ Đạo, chung ở Việt Nam và riêng ở địa phận nhà, đã góp phần rất hữu hiệu bên cạnh các vị giám mục và linh mục, trong việc coi sóc, giữ gìn và phát triển các xứ đạo. Chúng ta cũng đã ghi nhận: đây là một trong những hình thức tông đồ giáo dân tốt đẹp nhất, đã làm cho Giáo Hội Việt Nam vẻ vang vững mạnh, vượt qua nhiều gian lao, nhất là trong các thời kỳ cấm cách, để trường tồn cho đến ngày nay.

Nhưng chúng ta cũng thấy: thế giới luôn luôn biến chuyển các cơ cấu xã hội trong đó chúng ta đang sống, và trong đó Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mỗi ngày một đổi thay; các họ đạo chúng ta cũng không thể để các cơ cấu tổ chức của mình bất di bất dịch, nếu họ đạo muốn tồn tại, muốn chu toàn nhiệm vụ của mình.

Chính trong tự sắc 'Giáo Hội Công Giáo Của Chúa Kitô' (Catholicam Chriti Ecclesiam) ban hành ngày 06.01.1967 về việc thành lập tại Roma Hội Đồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đức giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nói: "Giáo Hội cần phải luôn luôn canh tân nội bộ và thích ứng những cơ cấu của mình với thời đại để chu toàn sứ mệnh Cứu Thế".

Do đó, mặc dầu Hội Đồng Quí Chức đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong quá khứ, ngày nay, xem đã có phần: lỏng lẻo và không đáp ứng được các nhu cầu hiện tại.

Vì thế, cách đây hai năm, tôi đã cử một Ủy ban nghiên cứu và soạn lại một bản QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ và cho đem ra áp dụng thử tại một vài nơi, năm nay lại giao cho văn phòng HỘI ĐỒNG MỤC VỤ địa phận san định theo các kinh nghiệm của các nơi đã đem thực hành, cũng như dựa theo Qui Chế của một vài giáo phận bạn, để đưa ra cho các Hội Đồng Hạt và Hội Đồng Mục Vụ Địa Phận thảo luận trong khóa họp tháng tư 1969. Kết quả là việc hoàn thành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ này.

Với nguyện vọng đáp ứng lại nhu cầu của họ đạo trong thế giới hiện đại, với sự tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của anh chị em giáo dân, thành phần quan trọng trong Dân Thiên Chúa, với mục đích canh tân đồng đều các giáo xứ theo tinh thần và mệnh lệnh của Công Đồng Vatican II, tôi, tổng giám mục địa phận Huế, công bố bản QUY CHẾ mới của HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ địa phận Huế (155). Ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Hội Đồng Quí Chức (156).

Rồi tuy vắn nhưng rõ ràng, một câu viết trong phần nhập đề của Qui chế Hội Đồng Giáo Xứ của địa phận Xuân Lộc: "Mục đích của Qui Chế Hội Đồng Giáo Xứ là dung hòa và đúc kết hai tổ chức 'Hội Đồng Quí Chức' và 'Công Giáo Tiến Hành', hầu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại" (157).

2) Mục đích và những chức năng tổng quát

Một cách tổng quát và cốt yếu, Hội Đồng Giáo Xứ có cùng một mục đích và những chức năng giống như của Hội Đồng Quí Chức ngày trước: Hợp tác với cha sở để điều hành giáo xứ và phục vụ cho các tín hữu về mặt đạo đức cũng như về mặt đường đời (158). Vì vậy, các chức việc ngày trước hoặc các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, tất cả đều phải trung thành, tiết nghĩa, ưu tú, thông thạo (159), là một người cộng tác với cha sở (160), là những người phục dịch cho giáo xứ, làm trung gian giữa cha sở và giáo dân (161), chăm sóc tài sản chung của giáo xứ (162), nhiệt tâm với việc rao truyền Phúc Am (163) và là những người đại diện có tư cách của tín hữu và của toàn thể giáo xứ (164).

Tuy nhiên với tinh thần của Công Đồng Vatican II, mối liên hệ giữa Hội Đồng Giáo Xứ với cha sở thì rõ ràng cởi mỡ hơn và ít tính cách phụ quyền hơn (165), việc cắt đặt các chức năng cho mỗi thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ hợp lý hơn, chức năng của chủ tịch hội đồng mục vụ không quá bề bộn. Như thế chúng ta có thể nói rằng sự khác biệt về các chức năng của Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ chỉ rõ nét trong việc cắt đặt và thi hành các chức năng đó.

3) Các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ

Số thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay có vẻ đông hơn số thành viên của Hội Đồng Quí Chức của một họ đạo ngày trước. Lý do là: ngày trước, một giáo xứ có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ lại có các đại diện trong Hội Đồng Quí Chức, nhưng không các đại diện của các phong trào chuyên biệt về Công Giáo Tiến Hành. Một giáo xứ ngày nay có ít họ lẻ hơn, tuy nhiên nhu cầu của sứ vụ tông đồ đòi hỏi rằng Hội Đồng Giáo Xứ không phải chỉ có một ban điều hành hay ban thường vụ nhưng còn thêm một số đông những người trách nhiệm các khu xóm và các ban ngành chuyên biệt hoặc các hội đoàn, các phong trào Công Giáo Tiến Hành…

Tất cả những quy chế mà chúng ta đã tìm hiểu, đều xá định tương tự rằng: Hội Đồng Giáo Xứ phải có:

a) Ban Cố Vấn, không Qui chế nào xác định số thành viên.

b) Ban Thường Vụ gồm có một chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, một thư ký, một thủ quỹ.

c) Ban Điều Hành (Ban Đại Diện) cho mỗi họ lẻ. Một cách tổng quát, trong mỗi giáo xứ đều có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ được quán xuyến bởi một ban điều hành gồm có một trưởng ban, một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ.

d) Các ban điều hành của các khu xóm mỗi họ đạo được chia ra nhiều khu xóm. Mỗi khu xóm có một người trách nhiệm cùng với một phụ tá.

e) Những người phụ trách các ban ngành chuyên biệt (phụng vụ, tiếp tân, thánh nhạc v.v…) và những phong trào khác nhau (xã hội, từ thiện, công lý hòa bình v.v…) và các hội đoàn (Đạo Binh Đức Mẹ, Hướng Đạo v.v…) (166).

4) Điều kiện để được ứng cử.

Trước tiên, đây là những khác biệt giữa cuốn Chức Sở Mục Lệ ngày trước của Hội Đồng Quí Chức so với các qui chế ngày nay của Hội Đồng Giáo Xứ; và giữa những quy chế ngày nay cũng có nhiều khác biệt.

a) Cả 3 quy chế Hội Đồng Giáo Xứ của Huế, Xuân Lộc và Đà Lạt đều chấp nhận ứng viên phái nữ (167). Quy định nầy không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức và trong các qui chế của các giáo phận khác.

b) Theo các quy chế của Xuân Lộc, Đà Lạt và Long Xuyên, những giáo dân nào hiện là cán bộ (cadres) của một đảng phái chính trị thì không được ứng cử (168). Quy định này không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và trong qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay ở các gíáo phận khác. Tuy nhiên, quy luật của Hội Đồng Quí Chức lại khuyến khích rằng các chức việc công giáo đừng ngại gánh vác những chức vụ dân sự (169), trong khi đó thì các quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay giữ yên lặng về điểm nầỵ Chúng tôi nghĩ 'yên lặng tức ở đây có nghĩa là chấp nhận'

c) Cuốn Chức Sở Mục Lệ của Hội Đồng Quí Chức xác định rằng: ứng cử viên vào chức trùm cả (hay chánh trương) và trùm phó (hay phó trương) trong Hội Đồng Quí Chức chỉ dành rêng cho các thành viên đương nhiệm; cũng tương tự như thế, chỉ có những thành viên đã hay đang đảm trách một khu xóm (giáp, biện phái, trưởng khu, trưởng xóm) mới được ứng cử vào các chức vụ cao hơn trong họ đạo và trong giáo xứ (170). Quy định nầy có khi bị từ khước, có khi chỉ được chấp nhận một phần trong các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ. Quy chế của giáo phận Xuân Lộc xác định rằng: "Ứng viên phải là thành viên trong một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành (171); qui chế của giáo phận Cần Thơ để dành quyền ứng cử chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ trong ban chấp hành (Ban Thường Vụ) cho các ứng viên ít nhất đã đảm trách (172) chức vụ trong khu xóm; quy chế của địa phận Long Xuyên cũng quy định như thế, và còn chấp nhận cho tất cả các cựu thành viên có đủ điều kiện được ra ứng cử (173); theo quy chế của địa phận Đà Lạt, thì ứng cử vào các chức vụ chủ tịch hay phó chủ tịch phải đã là thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ hay thành viên của các Hội Đồng tương tự (như Hội Đồng Mục Vụ) hay là thành viên trong ban chấp hành của một hội đoàn công giáo (174). Các qui chế của các giáo phận Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Phú Cường không đề cập đến. Và trong trường hợp này, 'yên lặng lại có nghĩa là không chấp nhận'.

Những điều kiện khác thì không đồng nhất: tuổi thấp nhất của ứng viên là 25 tuổi tròn, nhưng ứng cử chủ tịch và phó chủ tịch thì phải từ 40 tuổi trở lên; ứng viên phải là một cá nhân đức hạnh, có uy tín, có khả năng chu toàn trách vụ được giao phó, không bị ngăn trở gì về đời sống dân sự và đời sống tôn giáo v.v…

5) Bầu cử:

a) Cử tri: Tất cả đàn ông, đàn bà thuộc giáo xứ từ 20 tuổi theo quy luật của Hội Đồng Quí Chức và 18 tuổi theo quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ, có quyền bầu cử.

b) Phương thức bầu cử: Có ba hình thức để chọn: bầu cử phổ thông và trực tiếp, bầu cử gián tiếp, chỉ định của cha sở. Qui luật của Hội Đồng Quí Chức và thông lệ ngày trước chọn hình thức thứ nhì và thứ ba (176); Các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ chọn hình thức thứ nhứt và thứ nhì, nhưng dành cho cha sở làm chủ tọa các cuộc bầu cử. Hơn nữa, ngoại trừ quy chế của 2 giáo phận Sài Gòn và Phú Cường, tất cả các nơi khác đều chọn một cách kỹ càng theo hình thức trực tiếp và gián tiếp:

Bầu cử trực tiếp: Tất cả các tín hữu từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử các thành viên của ban điều hành khu vực của mình và các thành viên ban điều hành giáo xứ của mình. Tất cả thành viên của một hội đoàn, của một phong trào hay của một hội thân hữu thì bầu cử những người trách nhiệm cho các tổ chức đó.

Bầu cử gián tiếp: Tất cả thành viên đã được chọn bầu vào các các ban chấp hành và các ban quản trị và tất cả các viên chức đã được chọn vào ban điều hành của các hội thân hữu, các phong trào và các đoàn thể hiệp hội có quyền bầu cử để tuyển chọn các thành viên của ban thường vụ (177).

c) Những người được trúng cử: Tất cả các qui chế đều dành cho cha sở quyền chuẩn nhận kết quả của cuộc bầu cử. Không có sự đồng ý của cha sở thì cuộc bầu cử không có giá trị. Cha sở phải đệ trình lên giám mục bản danh sách của những người vừa mới được trúng cử vào ban thường vụ để được chuẩn phê chung quyết kết quả bầu cử và để cấp phát văn bằng chứng nhận cho mỗi người (178). Quy định này đã ghi trong cuốn Chức Sở Mục Lệ và cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội(179). Sau cùng, lễ ra mắt của các viên chức mới của ban thường vụ phải được tổ chức một cách trọng thể và nhân dịp nầy cha sở chính thức công bố cho giáo dân biết tên tuổi và chức vị của các thành viên mới được bầu cử. Các tân chức lên đứng trước cộng đoàn và cha sở hay đức giám mục (quy chế của Huế), tuyên thệ trung thành với bổn phận của mình, hợp tác chân thật với cha sở và với các thành viên khác của Hội Đồng Giáo Xứ, đem hết khả năng của mình phục vụ cho giáo xứ, cho vinh danh Thiên Chúa và cho phần rỗi các linh hồn. Tất cả các quy chế ngày nay đều chấp nhận nghi lễ ra mắt này (180), còn cuốn Chức Sở Mục Lệ thì chỉ quy định: sau khi cấp phát văn bằng chứng nhận, cha sở, trong buổi lễ ngày chúa nhật tiếp theo, sẽ công bố danh tánh của tân chức cho các tín hữu biết (181).

6) Giá trị đại diện và năng lực

Sau khi đọc các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ, chúng tôi nhận thấy rằng: quả thật, khi chú trọng vào những tư cách cá nhân, năng lực, tài cán và uy tín cộng đoàn, người ta đã không quên tư cách đại diện và cộng đồng tính của cơ chế nầy. Nét khác biệt rõ ràng giữa những thành viên trong Hội Đồng Quí Chức ngày xưa so với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, là đa số các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức đều lớn tuổi, vì thế nhiều người muốn dịch từ 'notable' là "kỳ mục" "kỳ lão", "cao niên". Ngược lại, trong Hội Đồng Giáo Xứ thì những người đại diện trẻ trung, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của họ đạo, bao gồm cả phái nữ. Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ là một tổ chức đại diện trung thực cho cả một cộng đồng. Và cũng chính là nhờ hình thức bầu cử khiến cho 'tính cách đại diện' được bảo đảm. Hơn thế nữa, trên nhiều môi trường hoạt động tông đồ của giáo dân hôm nay thì tính cách đại diện cho cộng đồng bảo đảm với chúng ta về năng lực của mỗi thành viên và của cả Hội Đồng Giáo Xứ.

Chúng ta không thể chối bỏ thiện chí, nhiệt tình và đức độ của các quí chức già nua, tuy nhiên những nhận định của chúng ta cũng không khác với những điều đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết sau đây: "Ngày nay, Hội Đồng Quí Chức không đáp ứng được các nhu cầu của thời đại" (182). Một trong những lý do chính yếu là vì hội đồng nầy thiếu năng lực trong nhiều lãnh vực hoạt động của sứ vụ tông đồ: "Họ là những người đức hạnh, có uy tín, nhiệt thành nhưng bao nhiêu đó không đáp ứng đủ cho các nhu cầu và những vấn đề của giáo phận và của xã hội; quan điểm và nhận thức của họ quá khác biệt với những quan điểm và nhận thức của những giáo dân trẻ trung và của trào lưu tiến bộ hiện nay trên thế giới. Hậu quả là, những hoạt động của họ trở thành vô hiệu quả và họ trở thành vô năng lực trong khi thi hành chức vụ của mình. Tình trạng càng trở nên xấu thêm nếu cha sở quan niệm rằng Hội Đồng Quí Chức chỉ là một công cụ thừa hành và là chỗ 'ký gởi' quyền uy của mình".

Chúng tôi còn muốn thêm rằng: Hội Đồng Giáo Xứ được tạo phác bởi các qui chế là khí cụ tông đồ được tổ chức vừa rất hoàn mỹ, vừa rất chuyên biệt, trong khi Hội Đồng Quí Chức chỉ phản ảnh một phương pháp được cơ cấu hóa. Theo Công Đồng Vatican, người ta phải đề xuất những phương cách mục vụ thích hợp để yểm trợ đời sống tinh thần và giải quyết những vấn đề thúc bách của mọi tầng lớp tín hữu (183), người ta phải tạo dựng công trình hoạt động tông đồ tùy theo những môi trường cần phải đạt tới (184).

7) Những kỳ hội họp.

Trong những văn bản cũ viết về Hội Đồng Quí Chức không thấy nói tới các phiên họp định kỳ ngoại trừ những ngày mà thành viên thủ quỹ đệ trình sổ chi thu cho cha sở và các quí chức(185). Như thế có nghĩa là các quí chức chỉ được mời đi hội khi nào trong họ đạo có việc cần thiết. Ngược lại, tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều xác định rõ ràng những ngày tháng cho những kỳ hội họp khác nhau. Những kỳ hội họp này được phân ra thành 3 loại khác nhau: hội thường lệ, hội bất thường và đại hội. Những buổi hội thường lệ của ban thường vụ và của những ban điều hành đặc biệt khác được quy định vào mỗi tháng hoặc mỗi hai tháng một lần (185). Kỳ hội đặc biệt hay hội bất thường, được tổ chức khi nào giáo xứ có nhu cầu đặc biệt (186); đại hội (còn gọi là đại hội thường niên) sẽ được tổ chức vào ngày lễ Quan Thầy của giáo xứ (187).

Chỉ riêng quy chế của giáo phận Huế trình bày chương trình tổng quát cho các buổi hội họp: buổi họp gồm 3 phần: trước tiên, học hỏi về một đề tài do một thuyết trình viên hướng dẫn; kế đến, bá cáo tình hình của giáo xứ hoặc của mỗi lãnh vực hoạt động, sau cùng, thảo luận về những đề nghị và thiết lập các phương án mới v.v… (188)

Thời gian của mỗi kỳ nhóm họp thường lệ hay đặc biệt sẽ là một giờ ba mươi phút theo qui chế của giáo phận Sài Gòn và Phú Cường (189). Không thấy đề cập đến giờ giấc cho các kỳ nhóm họp trong các qui chế của các giáo phận khác.

8) Giá trị của những quyết định từ những kỳ hội họp

Cha sở (cha xứ) là người trước hết chịu trách nhiệm về sự tiến triển tốt đẹp của họ đạo được trao phó cho ngài. Vì thế trước kia, Hội Đồng Quí Chức luôn luôn hoạt động dưới quyền điều khiển của cha sở và phải vâng theo chỉ thị của ngài. Điều nầy rõ ràng trong các văn kiện cũ (190). Khi nói về Hội Đồng Mục Vụ (và những hội đồng tương tự). Tự sắc về 'Giáo Hội' tuyên bố rằng 'hội đồng nầy chỉ có tiếng nói tư vấn' (191). Tất cả các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ đều công nhận một cách minh nhiên qui định nầy: Tất cả các quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ trong ba hình thức hội họp nói trên, chỉ có giá trị khi được cha sở chấp nhận (192). Ngoài ra, qui chế của giáo phận Long Xuyên còn tuyên bố thêm rằng: cha sở hay cha phụ tá của ngài mới có quyền chủ tọa các buổi hội thường lệ hay đặc biệt và buổi đại hội thường niên của Hội Đồng Giáo Xứ (193).

Theo thiển ý của chúng tôi, việc xem Hội Đồng Giáo Xứ như một cơ cấu chỉ có quyền tư vấn, là phù hợp với bản chất phẩm trật trong Giáo Hội và trong cộng đoàn giáo xứ. Thật vậy, các cha sở là những người cộng tác của giám mục. Các ngài là những chủ chăn đúng nghĩa được trao phó việc chăm sóc các linh hồn trong một phần đất nhất định của giáo phận, dưới quyền của giám mục (194). Vì là chủ chăn, các ngài cũng có những trách nhiệm riêng đối với giáo xứ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cha sở có thể quyết định ngược lại hay coi thường những nguyện vọng (recommandations) của cộng đoàn đã được biểu quyết bởi đa số phiếu của Hội Đồng Giáo Xứ. Với tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn, cha sở chủ trì Hội Đồng Giáo Xứ, nhưng chủ trì không có nghĩa là ban ra những quyết định độc đoán không có sự đồng thuận với các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ. Vì thế, ngoại trừ những quyết định có tính cách trái ngược rõ ràng với qui luật của Giáo Hội hay với chỉ thị của giáo phận, một cha sở khôn ngoan sẽ không cố tình phủ nhận những ý kiến của đa số thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ.

9) Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng

Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, nhiệm kỳ của thành viên chủ tịch (trùm cả) là suốt đời, còn nhiệm kỳ của những thành viên khác trong hội đồng là 5 năm (195). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội ấn định một nhiệm kỳ là 6 năm áp dụng cho tất cả các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và tất cả thành viên đều được quyền tái cử (196). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các thành viên thuộc một gia đình hay một gia tộc, họ thay phiên nhau đảm nhận các chức vị quan trọng trong giáo xứ hay họ đạo. Trong trường hợp này, họ đạo sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngày nay các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ chấp nhận một nhiệm kỳ từ 3 đến 5 năm cho tất cả thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ và họ có thể tái cử vào chức vị cũ trong Hội Đồng Mục Vụ hoặc một chức vị mới (197).

10) Những khó khăn

Chuyển tiếp từ Hội Đồng Quí Chức sang Hội Đồng Giáo Xứ là một bước tiến lớn lao trong việc thích ứng mục vụ của các giám mục, linh mục và giáo dân công giáo Việt Nam. Tất cả đều ý thức sâu xa về những nhu cầu mục vụ rộng lớn của các giáo xứ trong thời hậu Công Đồng (Vatican II), về những sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội bị xáo trộn quá nhiều vì chiến tranh, bị phân hóa bởi những ảnh hưởng khác nhau đến từ Âu Mỹ, bởi những khuynh hướng chính trị quốc gia và cộng sản… Tất cả đều muốn đáp ứng lời kêu gọi của Công Đồng 'Các Hội Đồng giám Mục phải biết thích nghi thỏa đáng với những phương pháp và những cơ chế thích hợp theo những hoàn cảnh về thời gian, không gian và nhân sự (198); ‘lời kêu gọi của đức giáo hoàng Phaolô VI' Giáo Hội phải tự canh tân nội tình và thích ứng các cơ cấu của Giáo Hội theo nhu cầu của thời đại hầu chu toàn sứ mệnh cứu thế (199); và sau cùng, những nguyện vọng tha thiết về việc canh tân các giáo xứ và các họ đạo của Dân Chúa (200). Do đó, đa số các giám mục Việt Nam đã thiết lập trong giáo phận của mình một ủy ban soạn thảo quy chế Hội Đồng Giáo Xứ, rồi đích thân, đức giám mục đã trân trọng phổ biến và cho áp dụng qui chế đó trong tất cả các họ đạo thuộc giáo phận, hay ít ra áp dụng tạm thời trong 3 năm (aggiornamento). Có thể nói, các qui chế đã được tiếp nhận nồng nhiệt bởi đa số hàng linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, khi các qui chế được đem ra áp dụng thì gặp phải rất nhiều trở ngại! Trở ngại từ não trạng của các linh mục và giáo dân, trở ngại từ sự thiếu thốn nhân sự trong giáo xứ, trở ngại vì tình hình xã hội và chính trị trong nước.

a) Tâm lý bảo thủ của nhiều linh mục: Thông thường các linh mục đã được đào tạo và được bổ nhiệm để hành động đơn độc một mình như là những cấp chỉ huy độc nhất có trách nhiệm điều hành tốt một giáo xứ. Các linh mục thường hay tự đặt mình lên trên cộng đoàn theo bổn phận phục vụ các nhu cầu tinh thần cho giáo dân trong các họ đạo và chỉ chịu trách nhiệm trước giám mục giáo phận mà thôi. Vì thế, các ngài không muốn chia sớt gánh nặng mục vụ cho giáo dân trong họ đạo, sợ rằng quyền uy cá nhân của mình bị mất mát. Mặt khác, có nhiều linh mục sợ canh tân không phải vì họ thiếu khả năng thực hiện, nhưng vì họ nghĩ rằng những canh tân sẽ xáo trộn tính cách hài hòa truyền thống của họ đạo. Do đó, các ngài ưa chuộng Hội Đồng Quí chức cổ xưa hơn là Hội Đồng Giáo Xứ mới mẻ ngày nay. Kết quả là tập qui chế mới mẻ đức giám mục gửi tới, chỉ nằm ngủ trong góc văn phòng giáo xứ với những lớp bụi mỗi ngày thêm dầy cộm.

b) Tâm lý tiêu cực của giáo dân: Có những họ đạo mà trong đó giáo dân đã nhiễm thói quen tiêu cực. Hầu như theo bản năng, họ không thể chấp nhận cho giáo dân đảm trách những chức vụ mà từ trước đến nay vốn chỉ dành riêng cho các hàng linh mục. Họ dễ dàng phê phán hoặc bài bác các việc làm của cha sở và của các tín hữu khác, nhưng họ lại cho rằng không tội vạ gì phải dây mình và việc điều hành cộng đoàn. Đó là việc của cha sở. Hậu quả là họ lạnh lùng trước mọi vấn đề trong họ đạo. Họ chỉ có việc đi xem lễ, mỗi cuối năm họ đóng góp tiền bạc một cách tượng trưng. Như thế là đủ rồi. Hội Đồng Giáo Xứ với qui chế hiện nay, đối với họ, là tân thời và cấp tiến quá !. Họ không tìm thấy điều gì liên hệ mật thiết với cuộc sống của họ !

c) Thiếu thốn nhân sự hoạt động: Chiến tranh đã xảy ra từ lâu và gây bao thảm hại, nhất là vùng nông thôn. Những người trẻ bị động viên vào quân đội, những tín hữu được đào tạo và có khả năng đều phải lẩn trốn đi nơi khác để mưu sinh và tránh né sự bách hại của những kẻ thù hằn. Nơi họ đạo chỉ còn lại những người già nua, đàn bà và trẻ nít! Tất cả đều nghèo khốn và sống trong sợ sệt hãi hùng. Trong tình huống như thế, sự thiết lập một Hội Đồng Giáo Xứ thật là khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Thiếu nhân lực và mọi phương tiện để hoạt động! Họa may mà thiết lập được, thì sự hữu hiệu của Hội Đồng Giáo Xứ cũng không hơn gì Hội Đồng Quí Chức. Đã có dư luận cho rằng chỉ có danh xưng của Hội Đồng được thay đổi thôi, mọi thứ còn lại vẫn như cũ! Rõ thật là nhân định bất thắng thiên'.

d) Dưới chế độ cộng sản: Chiến tranh 30 năm qua nay đã chấm dứt. Đất nước đã thống nhất và dưới quyền cai trị của Nhà Nước cộng sản. Tuy không có những cuộc bách hại kiểu thời vua chúa, ngược lại quyền tự do tôn giáo đã được long trọng công bố nhiều lần bởi chính quyền và được ghi ra trong hiến pháp. Nhưng trên thực tế, giống như Giáo Hội Công Giáo ở miền Bắc, Giáo Hội Công Giáo miền Nam đã từ lâu ở trong tình huống bị chèn ép một cách tinh vi và đời sống của các giáo phận và các giáo xứ đang rơi vào tình trạng tê liệt. Trong một tình thế bi thảm như vậy, việc áp dụng các qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ tất nhiên là rất khó khăn. Dù sao thì mọi việc qua đi trong sự quan phòng của Thiên Chúa và từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta mới luôn luôn có đầy tràn hy vọng.

Chúng tôi muốn chấm dứt phần trình bày của chương này bằng một lời ca ngợi thán phục gởi đến các vị thừa sai ngày trước đã thích ứng cơ cấu các chức sắc trong các làng xã dân sự cổ truyền vào Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo Công Giáo Việt Nam. Hội đồng này rõ thật không phải là một hệ thống hoàn hảo về tông đồ giáo dân, nhất là theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Dù sao, theo trào lưu lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam thì Hội Đồng Quí Chức đã tạo dựng những hoạt động tông đồ rất tích cực. Những hoạt động này, mặc dù đã được thực hiện từ hơn 400 năm qua, luôn thực sự rất gần với các giáo huấn của Công Đồng về tông đồ giáo dân ngày naỵ

Vì vậy, đối chiếu Hội Đồng Quí Chức ngày xưa với Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, chúng tôi không muốn nói rằng Hội Đồng Quí Chức đã bị thay thế bởi Hội Đồng Giáo Xứ, mà chỉ muốn nói một cách công bình rằng Hội Đồng Quí Chức đã được trau chuốt thêm cho thích hợp với các nhu cầu hiện nay của các giáo xứ và của Giáo Hội Việt Nam.


--------------------------------

Chú thích

1 Mục đích việc thiết lập Hội Đồng Quí Chức, xem CSML 2,5,
2 Bầu cử các Chức việc, xem CSML 6-9.
3 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
4 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.688
5 GH, 28 trg AAS 57 (1965) tr.35
6 ĐT, 2 trg AAS 58, (1966) tr.714
7 TĐ,10 trg AAS 58, (1966) tr.847
8 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
9 TĐ, 2, 21 trg AAS 58 (1966) tr.839,63
10 TĐ, 16 trg AAS 58 (1966) tr.851
11 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.37
12 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.863
13 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
14 TĐ, 120 trg AAS 58 (1966) tr.960
15 HN, 7 trg AAS 578 (1965) tr.97
16 TĐ, 23 trg AAS 58 (1966) tr.856
17 TĐ, 4 trg AAS 58 (1966) tr.840
18 GH, 31 trg AAS 57 (1965) tr.38
19 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
20 GH, 36 trg AAS 57 (1965) tr.41
21 TĐ, 8 trg AAS 58 (1966) tr.844
22 TĐ, 31 trg AAS 58 (1966) tr.862
23 TĐ, 3 trg AAS 58 (1966) tr.839
24 TĐ, 10 tg AAS 58 (1966) tr.846
25 TĐ, 4, 10 trg AAS 58 (1966) tr.840,846
26 GM, 14 trg AAS 58 (1966) tr.679
27 GD, 4 trg AAS 58 (1966) tr.728
28 GM, 2-4 trg AAS 58 (1966) tr.687-679
29 GM, 30 trg AAS 58 (1966) tr.689
30 LM, 4,6 trg AAS 58 (1965) tr.996; 999-1000
31 GH, 41 trg AAS 57 (1965) tr.47
32 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
33 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.965
34 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.861; TG,17 trg. AAS 58 (1966) tr.967-968
35 GH, 37 trg AAS 57 (1965) tr.42-43; TĐ, 24 trg AAS 58 (1966) tr.856;LM, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1005-1006
36 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.869
37 TG, 20 trg AAS 58 (1966) tr.970-971
38 LM,17 trg AAS 58 (1966) tr.1017
39 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
40 TĐ,25 trg AAS 58 (1966) tr.858
41 TĐ,24 trg AAS 58 (1966) tr.856-857
42 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
43 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
44 TĐ,8 trg AAS 58 (1966) tr.846
45 GH,28 trg AAS 57(1965) tr.34
46 MV,28 trg AAS 58 (1966) tr.1048
47 GH,34-36 trg AAS 57(1965) tr.39-41; TĐ,2,10 trg AAS 58 (1966) tr.838-846
48 CSML I
49 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
50 GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.41
51 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.839
52 TĐ,2 trg AAS 58 (1966) tr.838
53 TG,20 trg AAS 58 (1966) tr.970
54 TG,37 trg AAS 58 (1966) tr.984
55 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.846
56 CSML 7
57 SI 3 (1929) tr.122
58 TĐ,3 trg AAS 58 (1966) tr.839
59 GH, 35 trg AAS 57 (1965) tr.40
60 GH,34 trg AAS 57 (1965) tr.39
61 MV,43 trg AAS 58 (1966) tr.1063
62 GH,38 trg AAS 57 (1965) tr.43
63 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
64 TĐ,29 trg AAS 58 1966) tr.860
65 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
66 TG,15 trg AAS 58 (1966) tr.964
67 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
68 TĐ,17 trg AAS 58 (1966) tr.852
69 TG,20, 21 trg AAS 58 (1966) tr.970,973
70 LM,5 trg AAS 58 (1966) tr.997
71 GH,40 trg AAS 57 (1965) tr.44-45
72 GH,39 trg AAS 57 (1965) tr.44
73 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.46
74 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
75 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.49
76 GH, 41 trg ĂS 57 (1965) tr.47
77 GH,42 trg AAS 57 (1965) tr.48
78 TĐ,16 trg AAS 58 (1966) tr.851
79 TĐ,1 trg AAS 58 (1966) tr.862
80 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
81 GH,8 trg AAS 57 (1965) tr.11
82 GH,65 trg AAS 57 (1965) tr.64
83 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688-689
84 TĐ,30 trg AAS 58 (1966) tr.851
85 TĐ,23 trg AAS 58 (1966) tr.856
86 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
87 GH,35 trg AAS 57 (1955?) tr.40; TG, 29 trg AAS 58 (1955) tr.979-980); AA, 20 trg AAS 58 (1966) tr.855
88 CSML,2,28; DHN 150
89 CSML, 17,21
90 CSML, 30; AD tit.IV cap.I I n.1/1 p.112; Cf Louvet E, 'LA COCHINCHINE RELIGIEUSE', I tr.357
91 DNQ 115, DH 101
92 DNQ 112, DH 98
93 AD tit,IV cap. III n 1/1, tr.112
94 CSML 29
95 CSML 61
96 Cf Louvet E. op.cit. I, tr.357
97 GM,30 trg AAS 58 (1966) tr.688
98 GH,33 trg AAS 57 (1965) tr.39
99 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) tr.843
100 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
101 TG,28 trg AAS 58 (1966) tr.979
102 TG,21 trg AAS 58 (1966) tr.972
103 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr. 846
104 Xem NGUYỄN-HỒNG, 'LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM', I, tr.206-210)
105 TĐ,18 trg AAS 58 (1966) tr.853
106 TĐ,18 trg AAS 58 (196) tr.854
107 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.855
108 TĐ,20 trg AAS 58 (1966) tr.854
109 Đọc lại chương VI, các tr.120-122, 328-337, 337-346
110 Đọc lại chương V các tr. 285-307
111 CSML 3; đọc lại chương. III các tr.147-148; chương IV các tr.236-245
330 Hội Đồng Quý Chức
112 CSML 3,4
113 TĐ,5 trg AAS 58 (1966) tr.842
114 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844
115 GH,36 trg AAS 57 (1965) tr.41
116 MV,26 trg AAS 58 (1966) tr.1046
117 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; GH,35 trg AAS 57 (1965) tr.40; MV, 52 trg AAS 58 (1966) tr.103
118 TG,21, 22 trg AAS 58 (1966) tr.972-973; GH,36 trg AAS 57 (1965) P. 41; MV, 61,62 trg AAS 58 (1966) tr.1082-1083.
119 TĐ,6 trg AAS 58 (1966) p. 843
120 MV,25 trg AAS 58 (1966) tr.1045; TG, 22 trg. AAS 58 (1966) tr.973
120' Đọc lại chương VI các tr.310-320
120'' GH,32 trg AAS 57 (1965) tr 38
120''' TĐ, 25 trg AAS 58 (1966) tr.857
121 TĐ,7 trg AAS 58 (1966) tr.844; MV, 9 trg AAS 58 (1966) tr.1030 TĐ, trg AAS 58 (1966) tr.844
122 TĐ, 7 trg AAS 58 (1966) tr.844
123 CSML 61
124 TĐ10 trg AAS 58 (1966) tr.847
125 TĐ,38 trg AAS 58 (1966) tr.693
126 TĐ,32 trg AAS 58 (1966) tr.863
127 MV, 27 trg AAS 58 (1966) tr.1047
128 MV,93 trg AAS 58 (1966) tr.1114
129 LM,6 trg AAS 58 (1966) tr.9997
130 HN,7 trg AAS 57 (1965) tr.97
131 GH,36 trg AAS 57 (1966?) tr.41; TG, 20 trg AAS (1966) tr.971
132 GH,41 trg AAS 57 (1965) tr.47
133 GH,37 trg AAS 57 (1965) tr.43
134 Từ năm 1960 Toà Thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam qua sắc lệnh "VENERABILIUM NOSTRORUM" ban hành ngày 2 tháng 11 năm 1960, trg AAS 53 (1960) tr.340-325. Như vậy, tất cả các toà Giám Quản Tông Tòa trở thành địa phận và các vị Giám Quản Tông Tòa trở thành các giám mục chính tòa và các 'chuẩn giáo xứ' trở thành những giáo xứ.
135 Xin lưu ý rằng những trang kế tiếp sau đây chỉ đề cập tới Giáo Hội Công Giáo ở miền Nam Việt Nam mà thôi. Ở miền Bắc Việt Nam thì tổ chức Hội Đồng Quí Chức vẫn còn luôn trong tình trạng tiền công đồng. Và sau đây là các giáo phận Việt Nam có ban hành 'Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ': NhaTrang (1968), Huế (1969), Sài Gòn, Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc (1971), Đà Lạt (1973), Cần Thơ (1974).
136 TĐ 10 trg AAS 58 (1966) tr.757-787
137 GM,27 trg. AAS 58 (1966) tr.687: "Valde optandum est ut in unaquaque diocesi peculoaire instutuatur Concilium pastorale, cui episcopus diosesanus ipse praesit et in quo clerici religiosi et laici, specialiter delecti, partes habeant. Hujus Conciliieriea quae ad pastoralia opera spectant investigare, perpendere atque de eis practicas expromere conclusions.
138 TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858
139 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
140 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
141 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/3 trg AAS 58 (1966) tr.766
142 GM,27 trg AAS 58 (1966) tr.686
143 PV, 42 trg AAS 56 (1964) tr.III
144 GM, 27 trg AAS 58 (1966) tr.687; TĐ, 26 trg AAS 58 (1966) tr.858; ES, 16/1 trg AAS 58 (196) tr.766
145 TĐ,26 trg AAS 58 (1966) tr.858
146 ES,16/2 trg AAS 58 (1966) tr.766
147 Quy chế của giáo phận Sài Gòn ấn định: "Tại mỗi giáo xứ có một trung tâm đầu não duy nhứt, đó là Hội Đồng Giáo Xứ ' QCHĐGX/SG 3.
148 QCHDGX/SG, PC, 4; - H.I /ĐL/27- CT.2 - XL.2LX.I
149 Tất cả các quy chế đều có chung một định nghĩa: "Hội đồng giáo xứ là một tổ chức gồm những giáo dân ưu tuyển" (Le conseil paroissal est l'organisme comprenant des fidèles d'élite) QCHDGX/SG et PC.4, QCHDGX/H.I /ĐL,27/CT.2.2/XL.2/LX.I /NTI
150 'Sự cộng tác với cha sở đặc biệt được xem như là bản chất, định nghĩa và là mục tiêu của Hội Đồng Giáo Xứ’ ham chiếu những trích dẫn ở trên (chú thích 149)
151 Xem: QCHDGX/SG et PC.7-10 /H.10-17/ ĐL,50-56/ XL.21-30/ CT.9-16/ LX.40-49.
152 Trong giáo phận Nha Trang, đức giám mục là chủ tịch Hội Đồng Giáo Dân cấp địa phận. Hội đồng này có ba phó chủ tịch mà một trong 3 người đặc trách về các vấn đề hành chánh của các Hội Đồng Giáo Xứ, QCGD, III, tr.79
153 QCHDGX/XL, 21: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để hướng dẫn và điều hành tất cả các ban ngành hoạt động của giáo xứ". / SG et PC.7: "Hội đồng giáo xứ hợp tác với cha sở để phục vụ giáo xứ qua các hoạt động nhằm mục tiêu bảo tồn một cách đồng nhứt và phát triển toàn vẹn những giá trị tinh thần và vật chất của giáo xứ"; - "Ban thường vụ, đại diện cho hội đồng giáo xứ, cộng tác với cha sở, điều hành mọi công việc của giáo xứ và huy động các ban ngành, các hội đoàn v.v... để cùng chung nhau thực hiện các dự án thích hợp" Xem 'Mazzoli A. La Pastorale nella Parrochia moderna', tr.107-108.
154 Xem QCHDGX/LX.40-49 /XL,21-30 /ĐL.50-58 /CT. 9-16 /H. 10-17.
155 QCHDGX/H (1969) tr.3-4
156 QCHDGX/H. 1
157 QCHDGX/SX, tr.21
158 CSML 1,2; ĐQN 112; ĐH.98; QCH ĐGX/SG và PC. 7 /XL.21 /CT.2 /LX.1
159 CSML.7;/QN.114,/DH.100,/DHN.150/QCHĐGX/SA và PC.21/LX.43/ ĐL.37 /XL.II
160 CSML 2,28,30 ĐQN 112 ĐH 98; QCHĐGX/SG và PC 4,7 / ĐL.27,50/ LX. 1,40 /XL. 1,21
161 CSML 14-16, 34, 43, 45-46, QCH ĐGX/SG và PC.9 / ĐL.51
162 CSML 21-22, 26-27, 51, QCHĐGX/XL.21 / CT.16 / LX.40
163 CSML 1,38, QCHĐGX/XL.21-22 /SG và PC.7 / LX.43
164 CSML 3-4 QC ĐGX/CT.10 /SG và PC.9 / ĐL.51
165 Tuy nhiên, tất cả các quy chế đều quy định rằng: "những quyết định của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ có giá trị với sự chuẩn nhận của cha sở" QCHĐGX/ LX.36 ? /SG và PC.16 /XL.34 /CT.19 /H.13.
166 Chẳng hạn, mỗi giáo xứ thuộc giáo phận Huế có 9 người đặc trách về các ngành chuyên biệt: Phụng vụ, thánh nhạc, lễ nghi, trật tự chung, giáo dục, tài chánh, xây dựng, hoạt động bác ái, thông tin. Trong một giáo xứ lớn, trách nhiệm của mỗi người đặc trách ngành chuyên biệt còn có thể thiết đặt thêm một ban điều hành riêng cho môi trường hoạt động của mình, tuy nhiên ban này chỉ là một thành phần của Hội Đồng Giáo Xứ mà thôi" QCHĐGX/H.4
167 QCHĐGX/H.21: ứng viên vào Hội Đồng Giáo Xứ có thể là nam hay nữ"; XL.12: "ứng viên có thể là một người phái nữ, nhưng đương sự phải hội đủ điều kiện luật buộc và được chấp nhận bởi tục lệ địa phương" /ĐL.37; "Mọi tín hữu nam hoặc nữ, nếu hội đủ điều kiện đều có thể ứng cử và được bổ nhiệm vào hội đồng mục vụ hay vào ban điều hành ban ngành"
168 "Ứng viên không thể là thành phần lãnh đạo (/XL.9), mà cũng không thể là một cán bộ nồng cốt (/ LX.II /ĐL.32) của một đảng phái chính trị"
169 Những ai tham gia vào những chức vụ quan trọng trong giáo xứ cũng có thể là chức sắc trong làng xã hay trong các cơ quan hành chánh dân sự. Chúng ta cũng mong ước rằng, trong các làng xã công giáo người ta nên chọn lựa một số chức sắc trong làng để bảo vệ sự hài hòa chung" GSML 4; ĐHN 150
170 CSML 6-7
171 QCHDGX/ XL. II
172 QCHDGX/CT.21
173 QCHDGX/LX.16
174 QCHDGX/SSL.37
175 CSML.6; QCHDGX/H22 / ĐL36 /LX.24 /XL.16 /SG, PC.20
176 CSML.6. ĐQN 113, ĐH 99. Chính vì lý do lạm dụng này mà các giáo phận Qui Nhơn và Huế đã khuyến cáo các cha sở: "Việc tuyển chọn một ứng cử viên nào đó bằng một cuộc bầu phiếu là để người đó trở thành đại diện của các tín hữu chứ không phải là người bảo vệ quyền lợi của cha sở" ĐQN 114, ĐH 100).
177 QCHDGX/SG,PC.20 /XL.15-27; /ĐL.39-45 /H.22-24
178 QCHDGX/ĐL.42 /XL.18 /LX.18
179 CSML 6; ĐHN 150
180 QCHDGX/LX.19 và phụ lục tr.27 /XL.20 và phụ lục tr.119-128 /ĐL.43 /H.24
181 CSML.6
182 QCHDGX/H. tr.3
183 GM,18 in AAS 5891966) tr.682
184 AA,326 trg AAS 58 (1966) tr.863
185 Vào ngày lễ các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô (CSML,27), vào dip lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh (ĐHN,150), một ngày lễ hội sau mùa gặt lúa (ĐQN.323)
186 Vào mỗi tháng: QCHDGX/ĐL.57 /H.H30 /XL.32 /SG,PC.15. Vào mỗi 2 tháng: /LX.33 /CT.43 /NT.56
187 QCHDGX/SG,PC.15 /LX.34 /XL.32 /H.30 /ĐL.57
188 QCHDGX/H.30
189 QCHDGX/SG và PC.15
190 CSML 2,14,22,28 ĐQN 112,115; ĐH 98,101; ĐHN 150
191 ES, 16/2 rg AAS 58 (1966) tr. 766
192 QCHDGX/XL.34 /LX.36 /CT.19 /SG và PC.16
193 QCHDGX/LX.35
194 CD,30 trg AAS 58 (1966) tr. 688
195 CSML.3
196 ĐHN.150
197 Ba năm: QCHĐGX/SG và PC.24 /LX.28 /H.H25; Bốn năm /XL.39; năm năm /ĐL.46
198 CD,18 trg AAS 58 (1966) tr.682
199 'SUMMI PONCTIFICIS PAULI VI ALLUCATIO SECUNDA SS CONCIL II PERIODO INEUNTE', die 29 sept.1963, trg 'IL CONCILIO VATICANO II', sesta edizione,1967 tr.102.
200 Xem, Nguyễn-Văn Vi, 'Họ Đạo Của Chúng Ta' Scerdos (1971) s6' 120, các tr. 739-76; Tân Yên, 'Hiện Tình Các Họ Nhánh tại Lục Tỉnh', Sacerdos (1969) số 89 các tr.279-282; Phạm Bá Tước, 'Đi Thăm Cha Sở Họ Đạo Miền Quê', Sacerdos (1971) số 120 các tr.747-750; Nguyễn Ngọc Thụ, 'Họ Đạo Của Ngày Mai', Sacerdos (1970) số 103 các trang 454-458; Nguyễn Văn Thung, 'Mục Vụ Đối Với Giới Trẻ' (1970) số 101 các tr. 275-280; Nguyễn Văn Tuyên, 'Chuẩn Bị Sứ Mệnh Tuyên Giảng Lời Chúa' Nhà Chúa số 3 (1970) tr. 7-13.


 
Thông Báo
Thông báo: Thời biểu tạm ngưng nối mạng để tân trang hệ thống VietCatholic Server
LM Gioan Trần Công Nghị
18:24 18/03/2011
Kính thưa qúi vị độc giả của VietCatholic,

Chúng tôi đang tân trang hệ thống máy chủ của VietCatholic Network vào đầu tuần tới. Do vậy Hệ thống servers của VietCatholic sẽ không hoạt động và qúi vị sẽ không truy nhập vào trang mạng của chúng tôi được theo thời biểu ấn định như sau:

  • 12g nửa đêm thứ Hai 21/3 tới 12 nửa đêm thứ Ba 22/3/2011 (giờ New York, Hoa Kỳ)
  • 9:00 chiều Chúa Nhật 20/3 tới 9:00 chiều thứ Hai 21/3/2011 (giờ Los Angeles, Hoa Kỳ)
  • 12g trưa thứ Hai 21/3 tới 12g trưa thứ Ba 22/3/2011 (giờ Hà Nội, Saigòn)
  • 4g chiều thứ Hai 21/3 tới 4g chiều thứ Ba 22/3/2011 (giờ Sydney, Úc châu)
  • 1g chiều thứ Hai 21/3 tới 1g chiều thứ Ba 22/3/2011 (giờ Perth, Tây Úc)

Hệ thống các servers mới sẽ mạnh và nhanh hơn hầu đáp ứng nhu cầu của toàn thể qúi vị độc giả thân mến từng yêu mến và ủng hộ Liên Hiệp Truyền thông Công giáo chúng tôi.
Trong thời gian tạm ngưng này, qúi vị cũng có thể truy nhập VietCatholic qua mạng vietcatholic.com

Cũng trong thời gian nêu trên, xin các cộng tác viên của VietCatholic Network tạm ngừng đưa bài lên trên mạng.

Xin thông báo và xin qúi vị độc giả thông cảm.

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam
 
Tin Đáng Chú Ý
Tình hình chánh trị nước Pháp
Hà-Minh Thảo
13:57 18/03/2011
TÌNH HÌNH CHÁNH TRỊ NƯỚC PHÁP

I.- NHỮNG CUỘC THĂM DÒ DƯ LUẬN.

Đầu tháng 03.2011, hai cuộc thăm dò dư luận (sondages) cho thấy ứng cử viên kiêm Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (Front national), bà Marine Le Pen, về đầu nếu cuộc Tuyển cử Tổng thống Pháp, vòng một, được tổ chức vào ngày Chúa nhật 06.03.2011:

A.- Cuộc thăm dò dư luận của viện Harris Interactive.

Viện Harris Interactive thực hiện cuộc thăm dò này cho báo ‘Le Parisien’ đăng tải trên số báo phát hành ngày 06.03.2011. Theo đó, bà Marine Le Pen về đầu với 23% tổng số những người được phỏng vấn trả lời có ý định bầu (intentions de vote) Tổng thống Pháp ở vòng một. Hai ứng cử viên đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) đương kiêm Tổng thống, ông Nicolas Sarkozy, và ứng cử viên dự tuyển đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) Martine Aubry đều thu được 23% tổng số ý định bầu.

Nếu biến cố ngày 21.04.2002 khi ứng cử viên Jean-Marie Le Pen (thân phụ của Marine) đạt được số phiếu cao hạng nhì, loại ứng cử viên Lionel Jospin (PS, đương kiêm Thủ tướng) và vào tranh vòng hai với đương kiêm Tổng thống Jacques Chirac được mệnh danh là ‘động đất’ (tremblement de terre), thì hiện tượng lần này phải gọi là ‘sóng thần’ (tsunami) vì Marine Le Pen về đầu.

Tuy nhiên, đây chỉ là một cuộc thăm dò dư luận qua internet, được thực hiện với một số mẫu (échantillon) chỉ có 1618 người gồm mọi thành phần nam nữ, từ 18 tuổi trở lên, nghề nghiệp, xã hội và địa dư, từ ngày 28.02 đến 03.03.2011. Ngày tuyển cử thật sự sẽ xảy ra vào hạ tuần tháng 04.2012 tương đương với một ‘cuộc thăm dò dư luận’ bằng phiếu bầu bởi nhiều triệu cử tri gồm mọi thành phần như trên.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận này, các ứng cử viên khác về tiếp sau đó là ông Franẫois Bayrou (MoDem, trung hữu, 8%), ông Dominique Villepin (UMP) và bà Eve Joly (đảng Xanh) được 7%, ông Olivier Besancenot (Nouveau Parti Anti-capitalisme, đảng mới chôùng tư bản) và ông Jean-Luc Mélenchon (Parti de gauche) chỉ nhận được 5%. Một điểm đáng lưu ý đặc biệt là đảng Cộng sản không còn ‘tài’ (theo cả hai nghĩa: tài năng lẫn tiền tài) buộc phải chấm dứt ‘chạy đua’ bầu Tổng thống. [Bởi vậy, tại Việt Nam, người cộng sản đang tìm cách tổ chức bầu cử không dân chủ để các đại biểu Quốc hội chỉ 10–20% không là đảng viên cộng sản. Trong đó, có vài ba ‘linh mục’ được vào Quốc hội để ‘ngậm miệng ăn tiền dân đóng thuế’ thì còn giảng gì về Công bình cho ai nghe.]

Nếu bà Marine Le Pen đắc cử Tổng thống (xác xuất cực nhỏ), nước Pháp sẽ rời khu vực Euro.

B.- Cuộc thăm dò dư luận của viện CSA (Conseils-Sondages-Analyses).

Cuộc thăm dò dư luận của viện CSA được phổ biến trên báo ‘La Dépêhe du Midi’ ngày 12.03.2011, với ông Dominique Strauss-Kahn (chưa tuyên bố ứng cử vì đang giữ chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế) là ứng cử viên đảng Xã hội. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy ông Dominique Strauss-Kahn thâu được 30% tổng số ý định bầu và bỏ xa bà Marine Le Pen 21% và đương kiêm Tổng thống Nicolas Sarkozy chỉ được 19%, bị loại ngay ở vòng một và nước Pháp sẽ có một ‘ngày 21 tháng tư lật ngược’ (lật ngược vì, ngày 21.04.2002 ông Jean-Marie Le Pen được vào vòng nhì, loại ứng cử viên PS khỏi vòng hai. Lần này, ứng cử viên hữu phái UMP bị loại).

Trong trường hợp, đảng Xã hội được đại diện bởi bà Martine Aubry như ứng cử viên Tổng thống thì bà sẽ bị loại vì chỉ thu được 22% số phiếu hợp lệ. Chính ông Nicolas Sarkozy về nhất với bách phân 24%, trước bà Marine Le Pen thu được 23% số phiếu hợp lệ.

Nếu đảng Xã hội đưa bà Ségolène Royal (năm 2007, đã vào vòng nhì) ứng cử Tổng thống, ông Nicolas Sarkozy vẫn về đầu với 24% tổng số ý định bầu, trước bà Marine Le Pen 22% và ứng cử viên đảng xã hội chỉ thu được 19% ý định bầu từ những người trả lời phỏng vấn.

Cuối cùng, nếu đảng Xã hội ‘xiết chặt hàng ngũ’ sau ông François Hollande như ứng cử viên Tổng thống của mình, ông Nicolas Sarkozy cũng về đầu với 24% ý định bầu của những người trả lời phỏng vấn. Bà Marine Le Pen với 22% và bước vào vòng hai. Ông François Hollande chỉ đạt được 18% và bị loại.

Cuộc thăm dò dư luận của viện CSA được thực hiện bằng điện thoại trong hai ngày 9 và 10.03.2011 với số mẫu toàn quốc với 1.003 người đã ghi tên trên danh sách cử tri gồm mọi thành phần nam nữ, nghề nghiệp và xã hội.

Ghi chú: Các cuộc thăm dò dư luận thực hiện tại Pháp không cho biết mực độ sai lạc.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những dự đoán cho cuộc tuyển cử Tổng thống nước Pháp chỉ được tổ chức vào mùa Xuân năm 2012. Chúng ta không thể để một cuộc bầu cử nầy che khuất một cuộc bầu cử khác.

Chúa nhật ngày 20.03.2011, khoảng phân nửa cử tri người Pháp được tham gia đầu phiếu bầu: nghị viên Tỉnh (conseiller général và conseillers généraux, số nhiều).

II. TUYỂN CỬ HỘI ĐỒNG TỈNH.

Nước Pháp được chia thành 101 départements (tạm dịch là ‘Tỉnh’) từ ngày 01.01.2011, gồm 95 départements métropolitaines (chính quốc) và 5 départements d’outre-mer (hải ngoại: Guadeloupe, Martinique, Guyane, La Réunion và Mayotte (từ năm 2011).

Các Tỉnh được chia thành nhiều đơn vị bầu cử, gọi là Tổng (Canton) và mỗi Tổng cử và gởi một nghị viên Tỉnh (conseiller général) để họp thành Hội đồng Tỉnh (Conseil général).

A. Ngày bầu cử.

Vòng một được tổ chức vào ngày Chúa nhật 20.03.2011 và, nếu cần, vòng hai vào ngày Chúa nhật 27.03.2011.

B. Thể thức bầu cử.

Nghị viên Tỉnh từng Tổng được bầu theo thể thức đầu phiếu đơn danh đa số, phổ thông, trực tiếp, kín và hai vòng.

Vòng 1.
Để được tuyên bố đắc cử ở vòng một, ứng cử viên phải đạt được:
- ít nhất đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ (50% phiếu bầu cộng một),
- và số phiếu đạt được phải bằng ít nhất 25% số cử tri ghi danh.

Vòng 2.
Để được tham dự vòng hai, ứng cử viên phải đạt được, ở vòng một, số phiếu bầu bằng ít nhất 10% số cử tri ghi danh. Tuy nhiên, nếu chỉ có một ứng cử viên hội đủ điều kiện này, thì ứng cử viên có số phiếu cao thứ nhì được tham dự vòng hai. Ứng cử viên đạt được số phiếu nhiều nhất (đa số tương đối) sẽ được tuyên bố đắc cử.

C. Nhiệm kỳ.

Nhiệm kỳ của nghị viên Tỉnh, cho đến nay, là 6 năm. Cứ mỗi 3 năm, phân nửa số nghị viên của Hội đồng Tỉnh được bầu lại.

Sau khi bầu cử vòng hai ngày 27.03.2011, tại mỗi Hội đồng Tỉnh gồm có:
- những nghị viên Tỉnh đã đắc cử năm 2008 có nhiệm kỳ 6 năm;
- những nghị viên Tỉnh vừa đắc cử năm 2011 có nhiệm kỳ 3 năm
vì, kể từ năm 2014, chức vụ ‘nghị viên Tỉnh’ sẽ bị bãi bỏ và được thay thế bằng các nghị viên lãnh thổ (conseillers territoriaux), chiếu theo Luật số 2010-1563 ngày 16.12.2010.

Trong cuộc tuyển cử ngày 20.03.2011, khoảng 12.300 ứng cử viên đủ các màu sắc chính trị và độc lập sẽ tranh 2023 ghế nghị viên Tỉnh tại 101 Hội đồng Tỉnh. Hiện nay, hữu phái (UMP hay thân chính phủ) đang giữ chức Chủ tịch tại 43 Hội đồng Tỉnh và tả phái (PS, Xanh, cộâng sản) đang kiểm soát tại 43 Hội đồng Tỉnh khác. Khoảng 14 Hội đồng Tỉnh có thể thay đổi màu vì số cách biệt quá nhỏ, từ 5 ghế trở xuống.

Chúng ta cũng đừng lấy làm lạ khi nghe giới truyŠền thông Pháp nói đến ‘vòng ba'. Sau khi có kết quả đầy đủ của từng Hội đồng Tỉnh, ngày thứ sáu sau vòng nhì (năm nay là ngày 01.04.2011, coi chừng ‘cá tháng Tư’), các nghị viên sẽ họp phiên khoáng đại để bầu Chủ tịch và các viên chức Văn Phòng.

Sau cùng, theo giới quan sát tuyển cử, dựa vào nhiều kết quả thăm dò dư luận, số nghị viên Tỉnh thuộc phe tả phái có thể gia tăng. Do đó, số đại cử tri (grand électeur) đi bầu Thượng nghị viện vào tháng 09.2011 đông hơn và, hậu quả, viện Lập pháp này có khả năng đổi màu xanh thành hồng, với một Chủ tịch thuộc đảng Xã hội.
 
Văn Hóa
Nhìn về Can-ve
Jos. Tú Nac, NMS
07:20 18/03/2011
Không bạn bè thân thương và ngất xỉu,
Những bước chân chậm chạp đọa đày,
Ngất xỉu cho xác thân, mà tinh thần thanh thản,
Nhói buốt nỗi đau đám nhạo báng xua tay
Đến và cùng nhau chỉ trỏ,
Đấng Quyền Năng lê bước tới Can-vê,
Chúng con chế giễu Người, niềm hân hoan đê tiện, khi Người bước,
Cho đến lúc ánh mắt Người sập tối
Vì chúng con bao tội lỗi lê thê,
Chúng con làm đau đôi tay không thù oán gấp ba lần khốn khổ,
Và nỗi đau này đã hai ngàn năm tăm tối u mê.
Nhưng sau hai ngàn năm hổ thẹn
Vẫn bám chặt, chúng con không làm điều lành đã mất
Báng bổ đức tin đã gặm nhấm Danh Người
A, khi trở nên can đảm của tình yêu sao mạnh mẽ!
Hãy nói với con, Ôi lạy Chúa -
Hãy nói với con, Ôi lạy Chúa -
Còn bao lâu
Chúng con để Người quằn quại trên thập giá thương đau!
(Mùa Chay 2011)
 
Em bé Fukushima
Một dòng sông
08:35 18/03/2011
Đọc bức thư gởi tự phương xa
trời ơi sao xúc động lòng ta
mây trắng chiều nay giăng sương khói
có giống mây chiều Fukushima

tháng ba mà gió lại heo may
Việt Nam Sapa tuyết rơi đầy
chắc hẳn xứ người không nhà cửa
sẽ là lạnh lắm với tuyết bay

… chin tuổi thơ ngây đứng cuối hàng
mẹ cha mất lúc sóng dâng ngang
em chờ phần ăn qua cơn đói
tiến sĩ người Việt hồn mang mang

sẵn tấm áo trận anh khoác lên
cho đôi vai bé được ấm thêm
sẵn phần lương khô đưa luôn thể
bé ơi chú mới ăn …hồi đêm

nào ngờ bé cầm gói lương khô
lên thùng thực phẩm và đặt vô
chú ơi còn nhiều người đang đói
con đợi tới phiên cũng được rồi

… trời ơi tôi đã ngần này tuổi
đường đời muôn nẻo từng rong ruổi
vạn quyển thiên kinh luôn ngâm đọc
mà tấm lòng lại thua bé tôi

vội vã quay đầu dấu lệ tuôn
khi thấy tình người ước muôn muôn
nằm ẩn trong người một đứa bé
còn triệu thằng to lại mất khôn

xin hỏi dân tộc nào nuôi em
xin hỏi đạo đức nào em rèn
xin hỏi lý tưởng nào em sống
tôi hỏi mà ngàn xấu hổ chen

… chiều nay lìa cành chiếc lá rơi
rơi xuống chân ta hay chân người
ngọn gió vô tình ngàn năm thổi
buốt lạnh hồn ta ơi người ơi …

(Tặng TS Hà Minh Thành)
 
Ngôn sứ Giona và cầu xin
Ngô xuân Tịnh
16:38 18/03/2011
Ngôn sứ Gio-na

.

Mi-ni-vê tội lỗi tràn trề

Sống đời thác loạn đam mê lăng loàn

Giảng về thống hối ăn năn

Đây là sứ vụ khó khăn vô cùng

Trao cho ngôn sứ tôi trung

Gia-vê truyền lệnh sẵn sàng ra đi

Gio-na run sợ một khi

Lệnh truyền nhưng lại ra đi ngược dòng

Trong lòng canh cánh ước mong

Tránh xa sứ vụ khó lòng thực thi

Nhưng rồi sóng gió tức thì

Nổi ên vùi dập thuyền đi giữa dòng

Trưởng thuyền khấn nguyệc cầu mong

Sóng to gió cả sẵn lòng im ngay

Gio-na lòng quyết tỏ bày

Sẵn sàng để bị ném ngay khỏi thuyền

Sóng to gió cả lặng yên

Kình ngư lập tức đớp liền Giona

Nuốt ngay vô bụng chẳng tha

Nằm trong bụng cá suốt ba ngày tròn

Gio-na hơi thở vẫn còn

Ra ngoài bụng cá sắt son vâng lời

Thi hành sứ vụ bởi trời

Ăn năn sám hối mở lời truyền rao

Gio-na sửng sốt biết bao

Toàn dân thống hối dạt dào lắng nghe

Bỏ đường tội lỗi tràn trề

Đương ngay nẻo chính trở về thực thị...

Cầu xin

.

Con xin bánh cho hòn đá

Xin con cá mẹ giở trò

Đem cho con rắn thật to bao giờ ? (Mt 7,8a)

Điều tốt lành cho con thơ

Thế gian người xấu biết lo làm liền

Phương chi Cha của anh em

Cao sang Người ngự ở trên Nước Trời

Lại không cho con cái Người

Tốt lành điều đã van nài được sao (Mt &,11)

Tìm sẽ thấy như ước ao

Xin sẽ được gõ mở vào ai ơi

Chuá Giêsu hứa thế rồi

Đức tin làm đẹp lòng Người biết không ?(Dt 11,6)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Ngày Đẹp
Đặng Đức Cương
21:25 18/03/2011
MỘT NGÀY ĐẸP

Ảnh của Đặng Đức Cương

Bao la vũ trụ rộng dài

Ngàn hoa tươi nắng ban mai dịu dàng….

(Trích thơ của Minh Tuấn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News