Ngày 28-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 1/3: Đừng đoán xét hay kết án, hãy tha thứ và cho đi - Suy Niệm của linh mục Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
00:59 28/02/2021


Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 28-February-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Lc 6, 36-38

“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

Ðó là lời Chúa.
 
Lên núi để được biến đổi
Lm. Minh Anh
06:24 28/02/2021
LÊN NÚI ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
“Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ không bất ngờ khi nói, Mùa Chay là mùa cầu nguyện; nhưng sẽ khá bất ngờ khi bảo, Mùa Chay là ‘mùa lên núi’ và bất ngờ hơn khi cho rằng, Mùa Chay còn là mùa biến đổi. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ‘lên núi lòng mình’ để cầu nguyện; ở đó, như các môn đệ, chúng ta sẽ được đổi thay. Và như thế, Mùa Chay là mùa ‘lên núi để được biến đổi’.

Bài đọc Sáng Thế tường thuật cuộc lên núi nghiệt ngã của Abraham; ở đó, vị tổ phụ vâng lời Thiên Chúa, đã chấp nhận hiến tế Isaac con mình. Thế nhưng, ngọn núi này còn có tên là núi ‘Thiên Chúa sẽ liệu’, vì Abraham còn nhận ra khuôn mặt của một Ngôi Vị thần linh có trái tim thương xót vô bờ; Người là Thiên Chúa nhân hậu, đã tha chết cho con ông, cũng là Đấng đã đưa ông ‘lên núi để được biến đổi’. Lòng tin của ông vào Người càng tuyệt đối hơn, ông sẽ là “Cha các kẻ tin”.

Ngôi Vị thần linh có trái tim xót thương vô bờ đó, ‘đã liệu’ cho con của Abraham thoát chết, lại ‘không liệu’ cho Con Một của mình khỏi chết. Thánh Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc ‘Thiên Chúa sẽ liệu’ cho Abraham ấy để nói đến cái chết cần thiết của Chúa Giêsu, một cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng xảy ra trên một ngọn núi ‘Thiên Chúa sẽ liệu’ khác; Phaolô viết, “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con, vì tất cả chúng ta”.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy sự cần thiết việc các môn đệ ‘lên núi để được biến đổi’. Chúa Giêsu biết rõ những ai theo Ngài, cụ thể là các môn đệ, sẽ khó chấp nhận Ngài. Bởi lẽ, yêu kẻ thù, vác thập giá, hy sinh mạng sống và lời kêu gọi nên hoàn thiện, với họ, thật là cay nghiệt; và nhất là, họ sẽ trải qua những gì Ngài đã báo trước về cuộc thương khó và tử nạn của Ngài; cùng lúc, họ sẽ chịu bắt bớ và tan tác như chiên mất chủ. Vì những lý do đó, Chúa Giêsu đã đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan lên núi; ở đó, Ngài biến hình trước mặt họ, tỏ cho họ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh cao cả của Ngài; đó là một mặc khải về Ngôi Vị thật của Con Thiên Chúa, Ngôi Vị Thiên Chúa. Việc chứng kiến sự vĩ đại và vinh quang của một vị Thiên Chúa nơi Thầy mình hẳn sẽ đọng lại trong họ và giúp họ mỗi khi bị cám dỗ dẫn đến nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẩn bách hay những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Tắt một lời, cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là sự ‘chuẩn bị gần’ trước khi họ đi vào thương khó của Thầy và trò; ‘lên núi để được biến đổi’ là thế!

Sau năm 373, muốn biết Chúa nhiều hơn, Thánh Gioan Kim Khẩu đã lên núi, một vùng cao gần Antioch. Mặc dù vì bệnh tật, thời gian cô tịch này không được nhiều năm, nhưng thánh nhân đã học được rằng, có Chúa ở bên, ngài có thể một mình chống lại bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Sau đó, là giám mục Constantinople, ngài đã chống lại những sai lạc của hoàng đế Theodosius, người khiến ngài phải lưu đày. Gioan Kim Khẩu đã để lại những lời bất hủ, “Điều gì khiến tôi có thể sợ hãi? Cái chết ư? Các người biết rằng, Đức Kitô là sự sống của tôi, tôi sẽ có được nó nhờ cái chết! Hay là lưu đày? Trái đất và tất cả sự sung mãn của nó đều thuộc về Chúa! Nghèo khó ư? Tôi không sợ; vì tôi chẳng ước mơ giàu có! Và chết ư? Tôi chẳng chồn chân!”.

Anh Chị em,

Như Thánh Gioan Kim Khẩu, những ngày Mùa Chay, chúng ta được mời gọi ‘lên núi’ không ngừng để biết Chúa Giêsu, hiểu Ngài như các môn đệ hiểu. Một khi đã xác tín Đấng tôi đi theo là ai, chúng ta mới có thể dễ dàng noi gương Ngài, nghĩa là sẵn sàng hiến tế ‘Isaac đời mình’, hiến tế cái tôi của mình. Và đây đích thực là sự biến đổi tận căn mà Thiên Chúa đang chờ đợi mỗi người. Chúng ta ‘lên núi lòng mình’ bằng lời cầu nguyện thầm lặng của trái tim, ra sức tìm kiếm Thiên Chúa, hầu có thể nhìn vào nội tâm của mình, và nhất là để nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giêsu và cho phép ánh sáng Ngài tràn ngập, chiếu sáng và biến đổi cuộc sống của chúng ta. Và như thế, thật ý nghĩa, Mùa Chay này, chúng ta đã ‘lên núi để được biến đổi’ vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con thấu hiểu và cảm nghiệm, con đang bước theo một Giêsu nhân từ và giàu lòng xót thương. Cho con không ngừng hiến tế ‘Isaac đời con’, vươn ra khỏi cái tôi ích kỷ; cho con biết yêu mến việc ‘lên núi để được biến đổi’ hầu nên giống Ngài ngày một hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 28/02/2021

17. Quân tử bị người khác nhục mạ thì không lấy đó làm nhục, chỉ vì tội lỗi mới nhục.

(Thánh nữ Solangia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:18 28/02/2021
75. NGƯỜI MÙ CƯỜI

Có một người mù cùng ngồi chung với mọi người.

Khi mọi người nghe được một câu chuyện tức cười thì cùng cười ha ha, người mù nghe được thì cũng ha ha cười theo.

Có người hỏi anh ta tại sao cùng cười, người mù đáp:

- “Các anh đều là bạn của tôi nên cười cũng như nhau, cho nên tôi cũng cười !”

(Tiếu Tán)

Suy tư 75:

Đã là bạn thân của nhau thì không còn gì phải đố kỵ, không còn gì phải giữ kẽ nữa, ngay cả chuyện cười cũng không hề nghi ngờ nhau, đúng là người mù có lòng tin tưởng nơi bạn bè.

Có những người tội lỗi –nói theo kiểu nhà đạo- tức là tâm hồn bị mù, nhưng họ vẫn cứ trung thành với bạn bè dù trong cơn hoạn nạn hay trong khi thái lai, dù bạn bè trước giàu sau nghèo; trái lại, có những người được gọi là đạo đức thì nhanh chân chạy trước khi bạn bè gặp nạn, tránh mặt bạn bè kẻo sợ mang tiếng xấu lây...

Bạn bè muốn trung thành với nhau thì nên học hỏi nơi Đức Chúa Giê-su, Ngài chính là người bạn thân thiết nhất của chúng ta, Ngài không bao giờ tránh chúng ta khi chúng ta lỗi lầm, Ngài không bao giờ chạy trốn chúng ta khi chúng ta phản bội Ngài, Ngài cũng không hề sợ liên lụy vì đã làm bạn với chúng ta...

Trung thành với bạn bè chính là làm cho cuộc sống của mình có ý vị và giá trị hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:27 28/02/2021

18. Người vong ân bội nghĩa ạ, khi Thiên Chúa ở với ngươi thì ngươi cảm thấy vui vẻ, vậy thì tại sao người vẫn nhẫn tâm đắc tội với Ngài?”

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 28/02/2021
76. TỪ TỪ KHÔNG GẤP

Có một ma men, hể ngửi được mùi thơm của rượu thì để mất cả linh hồn.

Một hôm anh ta đi uống rượu ở nhà của người bạn, uống rất nhiều, đột nhiên mây đen kéo kín bầu trời và lập tức mưa xuống như trút, đầy tớ thúc ông ta, nói:

- “Về nhà sớm một chút đi !”.

Ma men nói:

- “Trời mưa như thế làm sao đi?”

Mưa vừa tạnh, đầy tớ thúc tiếp:

- “Có thể đi được rồi”.

Ông ta nói:

- “Mưa đã tạnh, đi gấp làm gì?”

(Tiếu Tán)

Suy tư 76:

“Từ từ không gấp” là câu nói của người ươn lười, chậm chạp và cố chấp trong tội.

Có người ươn lười không đi tham dự thánh lễ, khi được nhắc nhở thì nói: từ từ không gấp.

Có người làm nhiều tội ác hại người, khi được nhắc nhở khuyên bảo thì nói: từ từ không gấp.

Có người tính nóng nảy thường làm hư việc mình và cộng đoàn, khi được nhắc nhở thì nói: từ từ không gấp.

Thời đại này là thời đại của khoa học phát triển, nên cái gì cũng nhanh: tin tức nhanh, chuyển thư nhanh, tàu lửa nhanh, tàu thủy nhanh, nối mạng nhanh, email nhanh, line cũng nhanh, cái gì cũng nhanh, không nhanh không được, không nhanh là lỗi thời.

Thời đại này cũng là thời đại của ân sủng nên cái gì cũng phải nhanh, bằng không thì ân sủng sẽ bị lấy đi: phải nhanh chân đến nhà thờ trước khi chủ tế ra bàn thờ, phải nhanh chân đi làm hòa với Thiên Chúa không chậm trể, phải nhanh chóng sửa thói xấu và khuyết điểm, phải nhanh chóng phục vụ tha nhân, phải nhanh chóng giúp người lân cận, phải nhanh chóng làm hòa với anh em.v.v...

Không ai biết ngày giờ Thiên Chúa định cho mình phải chết lúc nào, cho nên đừng “từ từ không gấp” mà không muốn bước ra khỏi thói hư tật xấu cũng như vũng lầy tội lỗi của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nhìn xuống và ngước nhìn lên
Lm. Minh Anh
23:03 28/02/2021
NHÌN XUỐNG VÀ NGƯỚC NHÌN LÊN
“Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Nhìn xuống và ngước nhìn lên’, là hai nhịp của một chuyển động mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta. ‘Nhìn xuống’ để thấy mình đã phạm tội, lầm lỗi và thầm thì van xin qua Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”; và ‘ngước nhìn lên’ để cùng Đaniel tuyên xưng, “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con”. Từ đó, hiểu được lệnh truyền của Chúa Giêsu, “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”.

Sách Đaniel cho thấy con người từ đất thấp, xấu xa, bất tuân, yếu hèn và tội lỗi; đang khi Thiên Chúa, chốn trời cao, tốt lành, kính uý, giữ giao ước và từ bi với hết mọi loài. Đaniel mời gọi chúng ta ‘nhìn xuống’ để nhận ra sự đốn mạt của phận người, “Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa”; cùng lúc mời gọi chúng ta ‘ngước nhìn lên’ để luôn hy vọng, “Lạy Chúa, Thiên Chúa cao cả”; “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con”.

Cũng thế, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ‘ngước nhìn lên’ để chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng thấu cảm, xót thương và tha thứ; từ đó, có thể ‘nhìn xuống’ anh chị em mình mà cảm thông, thương xót và thứ tha, “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”; “Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha”.

Trong phần hướng dẫn linh thao ba mươi ngày, Thánh Ignatio Loyola đã dành tuần đầu tiên để tập trung vào tội lỗi, sự phán xét, cái chết và địa ngục. Thoạt đầu, điều này có vẻ rất tẻ nhạt, nhưng sự khôn ngoan của phương pháp này quả là kỳ diệu sau một tuần suy ngẫm; các linh hồn nhận thức sâu sắc rằng, họ cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa đến mức nào. Họ ý thức nhu cầu cấp thiết đó rõ ràng hơn khi ‘nhìn xuống’ để thấy tội mình, và nuôi dưỡng một lòng khiêm nhượng thẳm sâu khi chỉ còn biết ‘ngước nhìn lên’ Thiên Chúa vì Người rất mực xót thương.

Thế nhưng, lòng thương xót lại hoạt động hai chiều; nó chỉ có thể nhận nếu nó biết cho đi. Hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một đòi buộc rất rõ ràng về ‘hai điều đừng làm’ và ‘hai điều phải làm’: phán xét và lên án; xót thương và thứ tha. Về căn bản, nếu muốn nhận được lòng thương xót và sự tha thứ, chúng ta phải ‘nhìn xuống’ tâm hồn mình để biết mình được thương xót và thứ tha; từ đó; chúng ta cho đi xót thương và tha thứ; còn nếu cứ phán xét và lên án, chúng ta sẽ bị phán xét và lên án. Những từ này rất rõ ràng! Một trong những lý do khiến nhiều người phải vật lộn với việc bị người khác phán xét và lên án là vì thiếu ý thức thực sự về tội lỗi mình và nhu cầu được tha thứ của chính họ. Đó là lý do tại sao giáo huấn của Ignatio trở nên quan trọng. Cần phải khơi dậy ý thức về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi nơi chính chúng ta; điều này không đơn giản nhằm chỉ tạo ra một cảm giác tội lỗi và xấu hổ, nhưng nó phải được thực hiện làm sao để mỗi người có thể ‘ngước nhìn lên’, nuôi dưỡng và thúc giục một khát vọng được thương xót và tha thứ. Nhận thức sâu sắc về tội của mình trước mặt Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng ít phán xét và lên án người khác.

Lòng thương xót là gì? Chỉ cần hỏi McAllister, một cựu tù nhân 77 tuổi. 22 năm trước, McAllister bắt cóc Chris Carrier, 10 tuổi, bắn cậu và bỏ mặc cậu ở cánh đồng Everglades. Mặc dù bị mù mắt trái bởi viên đạn nhưng cậu bé vẫn sống sót. McAllister trốn thoát, vụ án đóng kín hơn hai thập kỷ. Năm 1996, khi McAllister quẫn trí, liệt giường trong một viện dưỡng lão ở Miami, ông thú nhận tội ác. Biết được kẻ giết mình, Chris, 32 tuổi, đã đến thăm McAllister. Chris không giận dữ hay cay đắng; thay vào đó, anh đến cầu nguyện với kẻ giết mình, xây dựng một tình bạn và chia sẻ tin mừng về lòng thương xót Chúa đã biến đổi cuộc đời anh, một người nghiện ngập nay trở thành tông đồ. Chris sống nhờ vào lòng thương xót, anh đã biết ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’.

Anh Chị em,

Chris Carrier đã ‘ngước nhìn lên’ để nhận biết Đấng xót thương mình; và đã ‘nhìn xuống’ để sống chiều kích thứ hai của lòng thương xót. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn xuống để thấy tội lỗi mình xấu xí đến thế nào; xấu đến độ muốn loại trừ Thiên Chúa; và rồi ngước nhìn lên Thánh Giá, Con Thiên Chúa đang treo lơ lửng giữa trời và đất. Ngài đã dùng cái chết của mình mà chuộc lấy chúng ta khỏi án chết muôn đời. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’ Đấng bị đâm thâu, để biến đổi lòng mình nên nhân từ, thương xót và bao dung như Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày Mùa Chay, xin cho con biết ‘nhìn xuống và ngước nhìn lên’ nhiều hơn, để con có thể thương xót và nhân ái với anh chị em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay
J.B. Đặng Minh An dịch
08:50 28/02/2021
Hôm Chúa Nhật 28 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế.

Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.

Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Chúa Nhật II Mùa Chay này mời gọi chúng ta chiêm ngắm việc Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước ba môn đệ của Người (x. Mc 9: 2-10). Ngay trước đó, Chúa Giêsu đã loan báo rằng tại Giêrusalem, Ngài sẽ phải chịu đựng rất nhiều, bị chống đối và bị xử tử. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đã xảy ra trong lòng bạn bè của Ngài, những người bạn thân thiết, các môn đệ của Ngài: hình ảnh của Đấng Mêsia mạnh mẽ và khải hoàn bị rơi vào khủng hoảng, ước mơ của họ tan tành, và họ bị bao vây bởi nỗi thống khổ khi nghĩ rằng người Thầy mà họ tin tưởng sẽ bị giết như những kẻ gây ra những chuyện gian ác tồi tệ nhất. Và ngay trong giây phút đó, với tâm hồn sầu khổ, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan và đưa họ lên núi cùng với Ngài.

Phúc âm cho biết: Ngài đã “dẫn họ lên một ngọn núi cao” (câu 2). Trong Kinh thánh, ngọn núi luôn có một ý nghĩa đặc biệt: nó là nơi được nâng lên, nơi trời và đất tiếp xúc với nhau, nơi mà Môisê và các tiên tri đã có trải nghiệm phi thường khi gặp Chúa. Leo lên ngọn núi là phần nào đến gần với Chúa. Chúa Giêsu cùng ba môn đệ leo lên và họ dừng lại ở đỉnh núi. Tại đây, ngài biến hình trước mặt họ. Gương mặt rạng rỡ và trang phục lấp lánh, cho họ hình dung ra trước hình ảnh Đấng Phục sinh, cung cấp cho những người sợ hãi đó ánh sáng, ánh sáng của hy vọng, ánh sáng xuyên qua bóng tối: cái chết sẽ không phải là kết thúc của mọi thứ, bởi vì nó sẽ mở ra cho vinh quang của Đấng Phục sinh. Như vậy, khi Chúa Giêsu loan báo về cái chết của Người; Người đưa họ lên núi và cho họ thấy điều gì sẽ xảy ra sau đó, là sự Phục sinh.

Như Tông đồ Phêrô đã thốt lên (x. câu 5), thật tốt khi tạm dừng với Chúa trên núi, để sống “bản xem trước” đầy ánh sáng này ngay giữa Mùa Chay. Điều cần ghi nhớ, đặc biệt khi chúng ta trải qua một thử thách khó khăn - và rất nhiều người trong anh chị em biết ý nghĩa của việc vượt qua một thử thách khó khăn – là Chúa Phục sinh không cho phép bóng tối có tiếng nói cuối cùng.

Đôi khi chúng ta phải trải qua những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc sống cá nhân, gia đình hay xã hội và sợ hãi rằng không có lối thoát. Chúng ta cảm thấy sợ hãi trước những bí ẩn lớn như bệnh tật, nỗi đau vô cớ hay mầu nhiệm của cái chết. Trên hành trình đức tin, chúng ta thường vấp ngã khi đối diện với tai tiếng của thập giá và những đòi hỏi của Tin Mừng, là những điều kêu gọi chúng ta dành cuộc đời mình để phục vụ và sẵn sàng đánh mất mạng sống mình vì tình yêu, hơn là giữ gìn và bảo vệ nó. Vì thế, chúng ta cần một cái nhìn khác, hướng đến một ánh sáng soi rọi sâu sắc mầu nhiệm của cuộc sống và giúp chúng ta vượt ra ngoài khuôn mẫu của mình, cũng như vượt ra ngoài những tiêu chí của thế giới này. Chúng ta cũng được mời gọi leo lên núi, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh, Đấng đã thắp lên những tia sáng lấp lánh trong mọi mảnh vỡ của cuộc đời chúng ta và giúp chúng ta giải thích lịch sử bắt đầu bằng chiến thắng vượt qua của Người.

Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận: cảm giác của Phêrô rằng “thật tốt khi chúng ta ở đây” không được trở thành sự lười biếng tâm linh. Chúng ta không thể ở trên núi và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ này một mình. Chính Chúa Giêsu đưa chúng ta trở lại thung lũng, giữa anh chị em của chúng ta và vào cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải đề phòng sự lười biếng tâm linh: chúng ta hài lòng, với những lời cầu nguyện và phụng vụ của chúng ta, và điều này là đủ đối với chúng ta. Không! Lên núi không có nghĩa là quên đi thực tại; cầu nguyện không bao giờ có nghĩa là trốn tránh những khó khăn của cuộc sống; ánh sáng của đức tin không phải để mang lại những cảm giác tâm linh đẹp đẽ. Không, đây không phải là thông điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô để được ánh sáng của Người soi sáng, để chúng ta có thể mang ánh sáng ấy đi và làm cho nó tỏa sáng khắp mọi nơi. Thắp ngọn đèn nhỏ trong lòng người; trở thành những ngọn đèn nhỏ của Tin Mừng mang theo một chút tình yêu và hy vọng: đây là sứ mệnh của một Kitô hữu.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ có thể giúp chúng ta đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô với sự kinh ngạc, bảo vệ và chia sẻ ánh sáng đó.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em thân mến! Tôi hợp tiếng với các Giám mục Nigeria lên án vụ bắt cóc tồi tệ đến 317 nữ sinh, đưa họ ra khỏi trường học, đến Jangebe, ở phía tây bắc của đất nước. Tôi cầu nguyện cho những cô gái này, để họ có thể sớm trở về nhà. Tôi gần gũi với gia đình của họ và với chính các cô gái. Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ xin Mẹ bảo vệ họ. Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay là Ngày Thế giới các Bệnh Hiếm. Anh chị em đang ở đây. Tôi chào mừng các thành viên của một số hiệp hội dấn thân trong lĩnh vực này, những người đã đến Quảng trường này. Trong trường hợp bệnh hiếm gặp, mạng lưới hỗ trợ giữa các thành viên trong gia đình, được các hiệp hội ủng hộ, quan trọng hơn bao giờ hết. Nó giúp các bệnh nhân không cảm thấy đơn độc và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và lời khuyên. Tôi khuyến khích các sáng kiến hỗ trợ nghiên cứu và điều trị, và tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với người bệnh, với gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Hãy gần gũi với trẻ em bệnh tật, trẻ em đau khổ, cầu nguyện cho họ, giúp họ cảm nhận được sự âu yếm của Chúa. Hãy chăm sóc trẻ em cùng với lời cầu nguyện. Khi xảy ra những căn bệnh mà không ai biết những bệnh ấy là gì, hoặc khi đối diện với một chẩn đoán tàn bạo, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người mắc những căn bệnh hiếm gặp này; chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những trẻ em đang đau khổ.

Tôi hết lòng chào đón tất cả anh chị em, những tín hữu Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Chúc mọi người có một hành trình Mùa Chay tốt đẹp. Và tôi khuyên anh chị em chay tịnh, một thứ chay tịnh không khiến anh chị em đói: đó là chay tịnh để tránh những lời đàm tiếu và vu khống. Đó là một cách chay tịnh đặc biệt. Trong Mùa Chay này, tôi sẽ không nói xấu người khác; tôi sẽ không nói chuyện phiếm. Và tất cả chúng ta đều có thể làm được điều này, tất cả mọi người. Đây là một cách giữ chay tốt. Và đừng quên rằng sẽ rất hữu ích khi đọc một đoạn Tin Mừng, hãy mang theo một cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong ví của bạn và cầm lên đọc khi có thể, bất kỳ đoạn nào. Điều này sẽ làm cho lòng chúng ta rộng mở đối với Chúa.

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ và một bữa trưa ngon miệng. Xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Các phụ nữ và trẻ em gái Iraq ở Qaraqosh sẽ mặc áo cưới để chào đón Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
16:18 28/02/2021


Cộng đoàn Công Giáo nghi lễ Syria lớn nhất trên thế giới đang chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Qaraqosh, Iraq.

“Không từ ngữ nào có thể diễn tả được chúng tôi hạnh phúc như thế nào,” Cha Roni Momeka của Công Giáo nghi lễ Syria nói với thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Cha Momeka nói: “Mọi người cảm thấy rằng thật là một phép lạ khi Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Họ không chỉ vui vì chuyến thăm, mà họ còn vui vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ đến những người đang đau đớn, những người mất tất cả, nhưng không bao giờ mất niềm tin.”

Cha Momeka cho biết Qaraqosh đang nhộn nhịp với các hoạt động, các đường phố đã ngập tràn cờ và biểu ngữ chào đón Đức Giáo Hoàng để chuẩn bị cho chuyến thăm ngày 7 tháng 3 của Đức Thánh Cha, một phần trong chuyến thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3.

Các giáo dân đã bận rộn dọn dẹp và sơn sửa nội thất của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, biến nội thất bị đen trở lại vẻ rạng rỡ ban đầu cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Nhà thờ do giáo dân xây dựng vào những năm 1930, có sức chứa 2,200 người. Nó đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phá hoại, phạm thánh và đốt cháy.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay ở đó.

Vào tháng Giêng, một bức tượng mới của Đức Mẹ Maria đã được dựng lên trên đỉnh tháp chuông thay cho bức tượng đã bị những kẻ khủng bố phá bỏ. Sự hiện diện của bức tượng khẳng định sự tin tưởng rằng “Đức Trinh Nữ Maria sẽ giữ cho Qaraqosh an toàn,” Cha Momeka nói.

Bên trong, một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội dài gần 2.1m, được thêu bởi một người bản xứ Qaraqosh di cư đến phương Tây, đã được trang trí trên bàn thờ.

Ngày 15 tháng 2, các linh mục và nữ tu đã tập hợp khoảng 1,000 người trẻ để trang bị cho họ cái nhìn tổng quan về những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, họ sẽ rước qua Qaraqosh với nến và cây thánh giá lớn, hát thánh ca.

Vào mùa hè năm 2014, toàn bộ dân số khoảng 50,000 người Công Giáo nghi lễ Syria đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhổ sạch chỉ trong một đêm. Họ nằm trong số hơn 100,000 Kitô hữu bị trục xuất vào mùa hè năm đó khỏi Mosul và Đồng bằng Ninevah của Iraq. Qaraqosh, nằm cách Mosul 32 km về phía đông nam, đã được giải phóng khỏi IS vào năm 2017.

Khoảng 27,000 người - hơn một nửa dân số bị bứng gốc - đã định cư trở lại Qaraqosh từ cuộc sống lưu vong ở vùng Kurdistan. Một số gia đình vẫn ở Kurdistan, và hàng ngàn người đã di cư, tản mác khắp thế giới, mang theo di sản văn hóa của họ.

“Chúng tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chỉ đến Baghdad và ngài sẽ không đến Đồng bằng Ninevah, nhưng khi chúng tôi nghe nói rằng ngài sẽ đến Qaraqosh, trung tâm của Kitô Giáo ở Iraq, và là trung tâm của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ về những con chiên của mình đã bị thương,” Cha Momeka nói. Ngài nói thêm rằng chuyến thăm sẽ khuyến khích những Kitô hữu ở lại Iraq.

Năm 2003, có khoảng 1,5 triệu Kitô hữu ở Iraq. Sự hiện diện của họ có từ thời các thánh Tông đồ. Bây giờ con số đó đã giảm xuống còn khoảng 225,000.

Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syria Younan Đệ Tam đã gọi các tín hữu tại Qaraqosh - còn được biết đến với tên tiếng Aramaic là Baghdeda - là “những viên ngọc trai cho nhà thờ của chúng tôi”.

Cho đến nay cư dân trong vùng vẫn nói ngôn ngữ Aramaic, là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người.

Để chào đón Đức Giáo Hoàng tại Qaraqosh, các phụ nữ và trẻ em gái sẽ mặc trang phục truyền thống của thành phố, cha Momeka nói. Các chiếc váy như vậy - được thêu tinh xảo và có hình kính vạn hoa với màu sắc rực rỡ - thường được dành cho các sự kiện long trọng, chẳng hạn như đám cưới.

Một biểu tượng đặc biệt cũng đã được thiết kế cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới Qaraqosh, mô tả Đức Thánh Cha mặc một chiếc áo truyền thống như vậy. Bên dưới bàn tay dang rộng của Đức Thánh Cha Phanxicô là những cảnh mô tả lịch sử đầy ấn tượng của người dân Qaraqosh và tổ tiên của họ.

Cha Momeka cho biết người Công Giáo Syriac cũng tự hào rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Nhà thờ Đức Mẹ Giải thoát của Công Giáo nghi lễ Syria ở Baghdad vào ngày 5 tháng Ba.

Những kẻ cực đoan Hồi giáo đã xông vào nhà thờ đó vào năm 2010, giết chết hai linh mục và 48 người trong Thánh lễ.

Đức Cha Yousif Abba của Công Giáo nghi lễ Syria ở thủ đô Baghdad - một người gốc Qaraqosh - đã khởi động án tuyên thánh cho 50 vị tử đạo.
Source:Crux

 
Khủng bố tấn công đốt nhà thờ Công Giáo, và nhà của anh chị em giáo dân ở Kaduna
Đặng Tự Do
16:19 28/02/2021


Những tên cướp có vũ trang đã san bằng ngôi nhà thờ Công Giáo Thánh Gia, và hai ngôi nhà, ở làng Kikwari, tại thị trấn Kajuru của bang Kaduna. Samuel Aruwan, Ủy viên, Bộ Nội an và Nội vụ, bang Kaduna, cho biết hôm Chúa Nhật 21 tháng Hai, rằng người dân địa phương đã bỏ trốn khỏi khu vực khi nhận được thông tin rằng một số tên cướp đã được nhìn thấy bên ngoài ngôi làng.

“Khi đến địa điểm, những tên cướp có vũ trang đã đốt cháy nơi thờ tự và hai ngôi nhà”, ông nói. Nhận được báo cáo, Thống đốc El-Rufai đã chia buồn với cộng đồng, và lên án hành động đốt cháy nơi thờ tự và hai ngôi nhà của những tên cướp có vũ trang. Thống đốc đồng cảm với nhà thờ và bảo đảm với họ rằng chính phủ dưới sự giám sát của ông sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ trong cuộc chiến chống băng cướp và các tội phạm khác.

Ông kêu gọi các tín hữu hãy giữ vững đức tin, đồng thời coi vụ tấn công này là hành động do kẻ thù của hòa bình, nhân loại và sự đa dạng gây ra, những kẻ sẽ không thành công nhưng sẽ bị đánh bại. Thống đốc đã chỉ đạo Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp bang Kaduna khẩn trương đánh giá thiệt hại và có biện pháp giải quyết thích hợp. “Các cơ quan an ninh sẽ duy trì các cuộc tuần tra trong khu vực”, thống đốc Aruwan nói.

Ngoài những tuyên bố suông như thế, chính quyền Nigeria hiện nay tỏ ra bất lực trước các cuộc tấn công của quân khủng bố Hồi Giáo.
Source:Vanguard

 
Campuchia - Vĩnh biệt Đức Cha Ramousse, Vị Giám mục đã lãnh đạo và tái sinh Giáo hội Campuchia
Thanh Quảng sdb
17:40 28/02/2021
Campuchia - Vĩnh biệt Đức Cha Ramousse, Vị Giám mục đã lãnh đạo và tái sinh Giáo hội Campuchia
Đức Cha Ramousse & Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2

Phnom Penh (Theo Thông tấn xã Fides) 27/2/2021 - Giáo hội Campuchia đã mất đi một trong những vị tông đồ sáng giá và được toàn dân yêu mến nhất: Đức Giám Mục và nhà truyền giáo người Pháp Yves Ramousse, Đại diện Tông tòa của Phnom Penh từ năm 1962 đến năm 1976 và sau đó, trong giai đoạn thứ hai, từ năm 1992 đến năm 2001, ngài mới qua đời hôm 26 tháng 2, tại Pháp, hưởng thọ 93 tuổi và là nạn nhân của Covid-19. Là thành viên của Hội Truyền Paris (MEP), Ngài đã đi vào lịch sử vì hoạt động mục vụ và truyền giáo ở Campuchia trong bán thế kỷ 20 và trong giai đoạn chuyển tiếp của thể chế "Kampuchea dân chủ mới", thời kỳ Khmer Đỏ.

Bắt đầu từ năm 1975, khi Khmer Đỏ nắm quyền, tất cả các biểu hiện tôn giáo đều bị cấm, tất cả người ngoại quốc đều bị trục xuất, bao gồm cả các linh mục Công Giáo và mọi tôn giáo, và một làn sóng bạo lực, đàn áp bắt đầu trong đó khoảng hai triệu người Campuchia đã chết vì các vụ hành quyết, bỏ đói hoặc chết vì dịch bệnh.

Vào thời điểm đó, chính Giám mục người Pháp Yves Ramousse, người đứng đầu Giáo hội Campuchia, đã có công "vận động cho Giáo hội Campuchia được phục hồi và hồi sinh từ những đổ vỡ tro tàn vào những năm 1990. Nếu ngày nay người dân Campuchia được hạnh phúc và tự do theo Chúa Kitô, họ mắc nợ công đức của Đức Cha Ramousse", Cha Olivier Schmitthaeusler, người cũng ở trong Hội Truyền Giáo Balê MEP, nay đang là Đại diện Tông Tòa của Phnom Penh, nhấn mạnh như thế.

Khi Đức Cha Ramousse, sắp bị trục xuất Ngài đã gọi linh mục Joseph Chhmar Salas về lại quê hương, Ngài phong chức giám mục cho cha và bổ nhiệm cha làm phụ tá của Đại diện Tông Tòa Phnom Penh. Do đó, Đức Cha Salas có thể đảm nhận việc hướng dẫn mục vụ và tinh thần cho người dân, nhưng không may Đức cha đã qua đời vì nạn đói vào năm 1977 và là một trong những người chịu tử vì đạo dưới thời Khmer Đỏ, người mà Giáo hội Campuchia đã bắt đầu tiến trình xin phong thánh tử đạo cho Ngài.

Tham gia vào Hội Truyền giáo Paris khi còn trẻ, Yves Ramousse được thụ phong linh mục năm 1953 và lên đường sang Campuchia năm 1957. Được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa của Phnôm Pênh ở tuổi 35, Ngài đã tham dự Công đồng Vatican II và năm 1968 thành lập Hội đồng Giám mục Lào và Campuchia (CELAC), áp dụng giáo lý của Công đồng vào cuộc sống thực tế ở Campuchia, chẳng hạn như cử hành các bí tích bằng tiếng địa phương và dịch Kinh thánh sang tiếng Khmer. Người bị trục xuất khỏi nơi mà Ngài coi là quê hương thứ hai của Ngài, là "xứ sở hoạt động của ơn gọi truyền giáo của Ngài".

Khi cuộc nội chiến kết thúc và Hiến pháp mới được thông qua (1993), Đức Cha Ramousse đã quay trở lại Campuchia để nhận lấy một Giáo hội đã bị phá hủy: các nhà thờ đều bị san bằng, những người giáo dân đều mất tích, các linh mục và tôn giáo Campuchia đã bị xóa sổ! Được bổ nhiệm một lần nữa vào năm 1992, vị Đại diện Tông Tòa, đã chuyên tâm vào công việc tái thiết tinh thần, mục vụ và xã hội. Năm 1994, sau khi đàm phán với chính phủ hoàng gia Campuchia, Ngài đã nối lại mối liên hệ ngoại giao với Tòa thánh. Năm 1997, Ngài vui mừng khi được chính thức chấp thuận các quy chế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là một cộng đồng tôn giáo pháp lý, chứ không còn là một tổ chức phi chính phủ nữa. Giáo hội Campuchia ngày nay có khoảng 25 nghìn tín hữu trong số 15 triệu người dân, Giáo hội đã và đang đóng góp thiêng liêng, mục vụ và truyền giáo một cách đơn thành và nhiệt tâm trên quê hương xứ Chùa Tháp… (Agenzia Fides, 27/2/2021)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Giuse Người Cha Can Đảm Và Sáng Tạo
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
10:09 28/02/2021
Thánh Giuse Người Cha Can Đảm Và Sáng Tạo

Điểm thứ năm Đức Thánh Cha đề cao nơi Thánh Giuse là : “lòng can đảm và óc sáng tạo”.

Nếu can đảm là đức tính cần thiết của mỗi người, giúp đương đầu với những khó khăn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình... xử lý tốt công việc bất ngờ xảy đến, thì sáng tạo là điều vô cùng quan trọng nhưng không phải là điều dễ dàng trong đời sống mỗi con người.

Thánh Giuse là con người có đầu óc hết hết sức sáng tạo. Bằng chứng là trên đường về làm sổ kiểm tra, tới Bêlem không tìm được chỗ cho Đức Maria sinh con, Giuse đã dùng chuồng bò, biến nó thành ngôi nhà chào đón Con Thiên Chúa giáng trần (x. Lc 2, 6-7). Hay trước nguy cơ sắp xảy ra là Hêrôđê muốn giết Hài Nhi Giêsu, một lần nữa trong giấc mơ, Thánh Giuse đã được báo mộng để bảo vệ Hài Nhi, nửa đêm thanh vắng, ông liền thức dậy lánh sang Ai Cập (x. Mt 2,13-14).

Phúc Âm không cho chúng ta biết Thánh Giuse, Con Trẻ và Mẹ Người ở lại Ai Cập bao lâu. Điều chắc chắn là các ngài cần phải có nơi ăn chốn ở. Hình ảnh Ngài trỗi dậy ban đêm, bồng ẵm Hài Nhi và Mẹ Người, rồi làm như Thiên Chúa đã truyền (x. Mt 1,24; 2,14.21) làm cho chúng ta mường tượng ra một người chồng, người cha xoay sở việc gia đình thế nào. Phải là người can đảm và có đầu óc sáng tạo mới có thể cứu sống gia đình thoát khỏi bất hạnh và đói khát khi phải đối mặt với vấn đề di cư về nơi ăn chốn ở, thực phẩm thiết yếu để sinh sống nơi đất khách quê người.

Thánh Giuse thật là can đảm, nhờ can đảm mà khi đối mặt với thực tế đầy những khó khăn, Ngài đã vượt qua. Đưa gia đình trở về Nagiarét an toàn chứng tỏ bản lĩnh dũng cảm của người chồng, cùng với sức mạnh và đầu óc sáng tạo của người cha. Ngài đã “biết cách biến vấn đề thành cơ hội khi phải đối mặt với nó” (x. Patris Corde, số 5)..

Cuộc sống là chuỗi những bí ẩn đòi hỏi con người phải tìm kiếm một cách có ý thức cần phải vượt khó, cái khó ló cái khôn. Sáng tạo là điều vô cùng quan trọng. Nếu Thánh Giuse không có óc sáng tạo chỉ biết phụ thuộc vào những điều có sẵn có hay đã được đình hình trước thì không hiểu đời sống sống của Chúa Giêsu và Mẹ Người sẽ ra sao.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Cuộc sống của chúng ta vậy, đôi khi xem ra bị phó mặc trong tay kẻ có quyền, nhưng Tin Mừng cho chúng ta thấy điều gì mới là đáng giá. Thiên Chúa luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể hiện lòng can đảm đầy sáng tạo như người thợ mộc thành Nadarét, người có thể biến vấn đề thành khả năng bằng cách luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa” (x. Patris Corde, số 5).

Nếu có lúc dường như Chúa không giúp chúng ta, không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi, mà là chúng ta đang được Chúa tin tưởng để tự mình lên kế hoạch, sáng tạo và tìm ra giải pháp.

Sau khi đề cao “lòng can đảm và óc sáng tạo” của Thánh Giuse, Đức Thánh Cha cũng mời gọi chúng ta bắt chước Thánh Giuse thương người nghèo và yêu Hội Thánh.

Vì tin cậy Thánh Giuse, Thiên Chúa đã trao Thánh Gia cho người coi sóc. Thánh Giuse đã chu toàn trách nhiệm cách tốt đẹp. Con của Đấng Toàn Năng đã đến trần gian trong tình trạng thật yếu đuối mỏng giòn, cần được Thánh Giuse che chở, bảo vệ, chăm sóc và nuôi nấng. Thánh Giuse một người không chỉ cứu mạng Đức Maria mà còn luôn chăm lo cho Đức Maria và Chúa Giêsu nữa. Thánh Giuse không khác gì Đấng Bảo vệ Hội Thánh, vì Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử, cũng như tư cách làm mẹ của Đức Maria được phản ánh trong tư cách làm Mẹ Hội Thánh. Từ nơi Thánh Giuse, chúng ta học được cách chăm sóc và yêu thương Hài Nhi cũng như Mẹ Người, yêu mến các bí tích và đức bác ái. Đức Thánh Cha đồng hóa việc yêu mến Giáo hội và người nghèo là yêu mến Hài Nhi và Mẹ Người (x. Patris Corde, số 5).

Thánh Giuse được coi như Đấng che chở cho người bất hạnh, người túng thiếu, lầm cảnh lưu đày, khổ đau và nghèo đói… Thánh Giuse làm gương cho chúng ta về sự yêu mến Hội Thánh, yêu thương nhân loại, nhất là những người nghèo khổ. Người nghèo khổ phải là đối tượng yêu thương của chúng ta. Vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh hiện diện nơi họ.

Còn tiếp ….

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh Giuse Người Cha Lao Động
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
10:10 28/02/2021
Thánh Giuse Người Cha Lao Động

Thánh Giuse là người lao động là điểm thứ sáu được Đức Thánh Cha đề cao. Khía cạnh này đã được Đức Lêô XIII nhấn mạnh khi ban hành Thông điệp xã hội đầu tiên, Rerum Novarum, nói về mối quan hệ của Thánh Giuse với công việc. Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuối sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình. Giuse nhắc nhở chúng ta rằng : chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc.

Quả thật, ngày nay kinh tế khó khăn, người cha đứng mũi chịu sào nơi đầu ngọn gió phải làm việc cực nhọc, kiếm từng miếng cơm manh áo cho gia đình, họ chỉ muốn gia đình được ấm no, hạnh phúc. Bởi họ là trụ cột, là điểm tựa của mọi người trong gia đình khi gặp khó khăn.

Khi nói Thánh Giuse là người thuộc tầng lớp lao động, Ngài đã gánh vác nặng nề sự thiếu thốn của bản thân và Thánh Gia Thất là vì Đức Thánh Cha thấy xã hội hôm nay vẫn còn nhiều người cha không chịu lao động, không làm hết trách nhiệm, không phát huy được vai trò quan trọng của mình. Một số người say xỉn về đánh đập vợ con khiến gia đình bất hòa, làm cho con cái tổn thương về mặt tình cảm. Một số thì không quan tâm tới gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người, nhất là trẻ em. Những người cha như thế sẽ làm gương xấu cho thế hệ mai sau, không giáo dục được con cái, khiến chúng học theo những điều xấu, trở thành người không có ích cho xã hội.

Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người "khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động" (x. Patris Corde, số 6), khi lao động, con người tham gia vào chính công trình cứu độ của Thiên Chúa, và phẩm giá con người được đề cao. Lao động là cơ hội cho các gia đình; không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán. Với hình ảnh người người thợ mộc, Thánh Giuse như một khuôn mẫu vào thời điểm mà thế giới cũng như Giáo hội đang vật lộn với những thách thức do thời hiện đại đặt ra. Thánh Giuse hiện lên như một nhân chứng cho Giáo hội và thế giới hiện đại.

Con người lao động của Thánh Giuse ảnh hưởng mạnh lên con mình. Trước sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, người làng Nagiarét hỏi nhau: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?" (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào lịch sử của chúng ta, sinh ra từ Ðức Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nhưng sự hiện diện của thánh Giuse, người cha hợp pháp, giữ gìn Chúa và dậy cho Chúa lao động. Trong xưởng thợ Nagiarét, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cha mình sự dấn thân, sự mệt nhọc, hài lòng và cả các khó khăn thường ngày nữa.

Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu lao động như Công đồng Vatican II đã nêu trong Gaudium et Spes: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Đức Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, 22,2).

Ðiều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của lao động. Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ, giao phó cho họ nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở tràn đầy trái đất, khắc phục nó và trông nom nó với công việc của mình (x. St 1,28); 2,15).

Quả thật, lao động là một phần của chương trình tình yêu của Thiên Chúa; chúng ta được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Lao động là yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, là Ðấng đã làm việc và đang làm việc, là Ðấng luôn hành động (x. Ga 5,17). Lao động trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình.

Chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse, con người lao động trợ giúp chúng ta.

Còn tiếp ….

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
VietCatholic TV
Thư ngỏ gửi Ông Biden: các đồng đạo của ông đang bị nhắm dữ dội từ ngày ông làm tổng thống
Giáo Hội Năm Châu
01:02 28/02/2021


1. Lá thư ngỏ thứ nhất gửi Ông Biden: Ông hãy lên tiếng với Cuộc Diễn Hành Phò Sinh

Thưa Tổng Thống Biden, Ông hãy lên tiếng với Cuộc Diễn Hành Phò Sinh

Thưa Tổng thống,

Bài diễn văn nhậm chức của ngài đã trình bày một cách hùng hồn về “điều khó nắm bắt nhất trong một nền dân chủ: sự đòan kết”. Trong một quốc gia kiệt lực vì phân cực và bị đại dịch đánh tả tơi trong gần một năm nay, những lời lẽ gây xúc động này được hoan nghênh chào đón. Không ngạc nhiên bao nhiêu khi bài phát biểu của ngài đã giành được lời khen ngợi ở cả trong nước lẫn khắp thế giới.

Tôi viết thư này yêu cầu ngài mang lời hứa đoàn kết đó vào hành động với một cử chỉ có thể trấn an một nhóm người mà chính ngài đã đơn cử: Những người Mỹ không bỏ phiếu cho ngài. Thưa Tổng thống, ngài có một cơ hội tuyệt vời để vượt quá óc đảng phái, đúng như những gì ngài đã hứa tại lễ nhậm chức. Ngài có thể làm điều mà chưa có tổng thống Đảng Dân chủ nào làm được trước ngài: chia sẻ thông điệp liên đới với Cuộc Diễn Hành Phò Sinh vào ngày 29 tháng 1.

Điều đó có thể gây cho ngài cảm tưởng một đòi hỏi táo bạo. Một mặt, ngài đã nhắc nhở quốc gia trong suốt cuộc đời công khai của mình rằng ngài là người có đức tin — một cách chuyên biệt là đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã nói rằng cá nhân ngài phản đối việc phá thai. Mặt khác, ngài đã nhấn mạnh rằng sự phản đối của cá nhân ngài không chuyển thành chính sách. Sự do dự nước đôi này ngày càng phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ngài đã từ bỏ sự ủng hộ lâu dài của mình đối với Tu chính án Hyde, là tu chinh án cấm sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai.

Thì cứ cho là như thế đi, ít nhất là bây giờ. Ngài không bị yêu cầu bôi bỏ một nét nào khỏi các cam kết chính trị của mình. Thay vào đó, ngài được yêu cầu thực hiện tốt đối với một cam kết khác — cam kết đạo đức đối với sự lịch thiệp và thiện ý mà ngài đã đưa ra trong diễn văn của mình. Không cần phải nói về chính trị trong thông điệp của ngài gửi Cuộc Diễn Hành. Chỉ cần khẳng định trước công chúng rằng những người phò sinh là những người đứng đắn, hành động vì những xác tín đáng kính — cùng những xác tín mà ngài chủ trương trong tư cách một công dân tư.

Một cử chỉ như vậy sẽ có lợi cho đất nước vì ba lý do.

Đầu tiên, hành vi cao thượng đó có thể trấn an các đồng công dân đang mất tinh thần vì việc bầu ngài làm tổng thống. Như ngài đã ghi nhận, “nhiều người Mỹ nhìn tương lai với một nỗi sợ hãi và lo lắng”. Điều đó đúng. Những người phò sinh cách riêng lo sợ rằng nhiệm kỳ tổng thống của ngài sẽ giáng họa xuống các nỗ lực bảo vệ sự sống chưa sinh của họ. Bây giờ là thời điểm để đưa ra một cành ô liu. Thời điểm này quả hết sức đẹp đẽ. COVID-19 gần đây nhắc nhở tất cả chúng ta sự cần thiết phải bảo vệ một số công dân dễ bị tổn thương nhất: người cao niên. Giờ đây, điều rõ ràng hơn bao giờ hết là việc bảo vệ sự sống cũng là điều bắt buộc đối với những hữu thể dễ bị tổn thương ở cuối kia của phổ hệ tuổi.

Thứ hai, ngài hiện là nguyên thủ quốc gia Công Giáo hiển thị nhất trên thế giới. Nói chuyện với Cuộc Diễn Hành có thể làm sáng tỏ sự mơ hồ mới và đang gia tăng đối với giáo huấn của Giáo hội về phá thai — và nhiều điều khác. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ngài đã trích dẫn Thánh Augustinô, vị thánh mà ngài nhận định là “vị thánh của nhà thờ tôi.” Giống như các nhà tư tưởng Công Giáo khác trong một dòng không đứt đoạn kéo dài hai thiên niên kỷ, vị thánh đó đã lên án việc phá thai ở bất cứ giai đoạn phát triển nào. Đây là một giáo huấn nền tảng. Các liên minh chính trị của ngài có thể khiến ngài chần chừ tham gia vào đó. Nhưng nếu ngài muốn tránh dẫn những người Công Giáo, và những người khác, vào một sai lầm sâu xa, ngài phải công nhận giao huấn đó trước công chúng. Cuộc Diễn Hành mang đến một cơ hội hoàn hảo để minh xác.

Dù sao, ngay cả trong tư cách kiến trúc sư của quan điểm “phản đối cá nhân”, Mario Cuomo, đã thừa nhận trong bài phát biểu nổi tiếng năm 1984 tại Đại Học Notre-Dame: “Tôi nghĩ rằng cả cộng đồng, bất kể tín ngưỡng tôn giáo của họ, nên đồng ý về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống – kể cả sự sống trong bụng mẹ, vốn có tiềm năng nhân bản ít nhất và không nên bị dập tắt một cách tùy tiện”. Cựu thống đốc New York đã tuyên bố quan điểm đó - nhưng từ chối hành động theo nó, từ chối tham gia cùng những người đồng phò sinh của mình. Thưa Tổng thống, ngài là một nhà lãnh đạo khác hẳn trong một thời điểm khác hẳn. Nếu sự đoàn kết là mục tiêu của ngài, thì ngai hãy nói trước công chúng với những người mà ngài có thể không đồng ý về chính trị, nhưng với những người mà ngài quả có đồng ý về tính thánh thiêng của sự sống.

Thứ ba, ngỏ lời với Cuộc Diễn Hành có thể thúc đẩy một mục tiêu khác mà ngài đã gợi ý trong diễn văn của mình: cải thiện sự chia rẽ về giai cấp xã hội đang gây họa cho Hoa Kỳ.

Hàng năm, người Mỹ từ khắp nơi trên đất nước tập trung về Khu Mall để làm chứng cho dân quyền của những người chưa sinh. Mặc dù họ sẽ làm như vậy một cách ảo trong khoảng thời gian này, nhưng dàn diễn viên vẫn như cũ. Họ đại diện cho mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt là giới trẻ.

Những người tuần hành phò sinh này trông không giống như dàn diễn viên đẹp đẽ, sẵn sàng với máy quay của những người khá giả — chẳng hạn như những người có mặt tại lễ nhậm chức của ngài. Họ không mặc áo khoác hiệu Burberry hoặc Patagonia. Hầu hết đều tự mang theo đồ ăn và nước uống cho chuyến đi. Họ ngủ trong xe và trên nền đất. Họ hy sinh về tài chính và nhiều mặt khác để làm chứng hàng năm tại Khu Mall. Và họ sát cánh bên nhau trong tháng Giêng băng giá vì một chính nghĩa không mang lại lợi ích cá nhân cho bất cứ ai trong số họ.

Thưa Tổng thống, các đồng minh tự do và cấp tiến của ngài chế nhạo những người này. Họ quấy rối họ từ bên lề, và một cách rất kịch liệt. Nhiều người phò sinh chỉ biết sự khinh miệt từ phía tả. Há ngài không thể thừa nhận trước thế giới rằng các đồng minh chính trị của ngài đã nhầm lẫn, và khẳng nhận những người bảo vệ người không tự bảo vệ được sao? Há đó chẳng phải là một điển hình nổi bật của lời kêu gọi của ngài “hãy bắt đầu lại” và “hãy lắng nghe nhau” hay sao? Thưa Tổng thống, hãy cho những đứa trẻ phò sinh và những người đồng diễn hành của họ thấy rằng ít nhất, ngài không nghĩ họ là “những kẻ tệ hại”.

Một lần nữa, xin trích dẫn từ bài diễn văn nhậm chức của ngài, “Chúng ta phải kết thúc cuộc chiến không văn minh này.... Chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta mở rộng tâm hồn thay vì làm chai cứng trái tim mình”. Xin ngài vui lòng mở rộng tâm hồn của ngài để khẳng định rằng những người Mỹ phò sinh không kém chất Mỹ hơn những người Mỹ phò sự lựa chọn. Chỉ một vài lời nói về các xác tín chung của chúng ta cũng có thể tiến xa hướng tới việc ngài cứu được lời hứa của ngài “tranh đấu hết mình vì những người đã không ủng hộ tôi cũng như những người đã ủng hộ tôi”. Thưa Tổng thống, ngài có một cơ hội độc đáo để chứng tỏ rằng ngài muốn nói điều ngài đã nói về sự khởi đầu mới đó, bắt đầu từ ngày 29 tháng 1.

2. Lá thư ngỏ thứ hai gửi Ông Biden: các đồng đạo của Ông đang bị nhắm dữ dội từ ngày ông làm tổng thống

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ai cũng biết Joe Biden đã không nắm lấy “cơ hội độc đáo” như chúng tôi vừa trình bày. Chính vì thế, hơn 3 tuần lễ sau, Mary Eberstadt, cũng trong mục Ý Kiến của tạp chí Newsweek, lại viết một lá thư khác “Mr. President, Your Allies Are Coming for Your Fellow Catholics”

Thưa Tổng thống, các đồng minh của ngài đang tấn công các người đồng đạo Công Giáo của ngài

Thưa Tổng thống Biden,

Đây là bức thư ngỏ thứ hai của tôi trên Newsweek kể từ cuộc bầu cử ngài, cố gắng đến tai ngài với tư cách là một người đồng đạo Công Giáo Mỹ.

Sau lễ nhậm chức của ngài, lá thư đầu tiên của tôi kêu gọi ngài liên đới với phong trào phò sinh bằng cách gửi thông điệp đến Cuộc Diễn Hành Phò Sinh hàng năm vào tháng Giêng. Tôi giải thích rằng một cử chỉ hào hiệp như vậy sẽ làm nổi bật lời lẽ hoa mỹ cao thượng trong bài diễn văn nhậm chức của ngài, đặc biệt đối với số người mà ngài đã đơn cử để trấn an: Những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ngài.

Nói cho nhẹ nhàng, ngài đã từ chối lời mời bước vào phương thức chính quyền lưỡng đảng. Thay vào đó, các sáng kiến đầu tiên của ngài khi cầm quyền bao gồm các lệnh hành pháp nhằm làm tăng số lượng phá thai không những ở Hoa Kỳ mà trên khắp thế giới. Sự phân cách lâu đời giữa giáo huấn của Giáo hội của ngài một mặt, và mặt kia là các chính sách phò phá thai của ngài, có thể sẽ không bao giờ để ngài dừng lại. Nhưng một sự phát triển mới khác nên khiến ngài làm thế.

Thưa Tổng thống, cuộc bầu cử đã khuyến khích các đồng minh tự do và cấp tiến của ngài thêm dạn dĩ trong việc nhắm mục tiêu tẩy chay và trừng phạt một nhóm “kẻ tồi tệ” mới: các đồng đạo Công Giáo của ngài.

Tang chứng A: Vào ngày 24 tháng 1 năm 2021, Twitter đã khóa tài khoản của Catholic World Report, tạp chí trực tuyến của nhà xuất bản Ignatius Press. Đây là nhà xuất bản Công Giáo lớn nhất trong thế giới nói tiếng Anh. Nó phát hành các bộ sách của các giáo hoàng, Hồng Y, giám mục và các nam nữ tu sĩ khác, cũng như các tác giả giáo dân (kể cả cá nhân tôi). Catholic World Report là chi tin tức của nhà xuất bản này. Giống như các ấn phẩm khác của Ignatius Press, trang mạng này nghiêng về lịch sử và học thuật. Phần tiểu luận của nó gần đây đã giới thiệu một bài về dị giáo Ngộ đạo, một bài khác về tương lai của nền văn minh phương Tây và một bài khác nữa so sánh các bản dịch cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô.

Thưa Tổng thống, ý niệm cho rằng tạp chí trí thức Catholic World Report có thể vi phạm bất cứ “tiêu chuẩn cộng đồng” nào là điều hoàn toàn nực cười. Vậy, làm thế nào cơ quan thông tin Công Giáo này lại lọt vào hệ thống kiểm duyệt bới lông tìm vết cho được? Vì một mẩu tin như sau:

Biden có kế hoạch đề cử Tiến sĩ Rachel Levine, một người đàn ông sinh học tự xác nhận là một phụ nữ chuyển giới, người đã từng là bộ trưởng y tế của Pennsylvania từ năm 2017, làm Phụ Tá Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân bản (HHS). Levine cũng là người ủng hộ mệnh lệnh tránh thai.

Không giải thích gì thêm, Twitter phán rằng Catholic World Report đã vi phạm các quy tắc của họ “chống lại hành vi gây thù hận”.

Vài ngày sau, tài khoản đã được khôi phục. Nhưng sứ điệp họ gửi thì rất lớn tiếng và đầy đe dọa. Nếu một cơ quan văn hóa lâu đời như Ignatius Press mà còn có thể bị trừng phạt trực tuyến vì là Công Giáo, ai sẽ được tha đây?

Điều đó đưa chúng ta đến Tang chứng B. Trong vòng vài ngày sau khi ngài nhậm chức, một đám đông trực tuyến đã cố gắng phế truất một giáo sư khỏi vị trí của ông ta tại một trường đại học Công Giáo.

Đó là David Upham, phó giáo sư chính trị tại Đại học Dallas - một định chế nổi tiếng về tính Công Giáo không bất đồng chính kiến của họ. Tội phạm về tư tưởng được coi là của Upham, giống như tội phạm của Catholic World Report, là đã bình luận về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Levine, bao gồm một nhận xét về việc “tham gia vào những dối trá” về chủ nghĩa chuyển giới.

Và do đó, trong một khuôn mẫu được lặp đi lặp lại đến buồn nôn thời nay, một cuộc tấn công trực tuyến do một cựu sinh viên chuyển giới đứng đầu đã tổ chức một bản kiến nghị và gây áp lực để lật đổ giáo sư. Lần này, chính sách chồng chất ý thức thời thượng (woke) đã không thành công. Các thẩm quyền của Đại học Dallas từ chối khuất phục; thay vào đó, một lá thư chung của viện trưởng và chủ tịch quả quyết rằng “Trường đại học chấp nhận không dè dặt sự phát biểu rõ ràng luật luân lý của Giáo hội”.

Tuy nhiên, một lần nữa, sứ điệp ngầm hết sức đáng lo ngại. Nếu một giáo sư thường nhiệm tại một trường đại học Công Giáo hàng đầu của Mỹ có thể bị đe dọa cách này, ai sẽ là người tiếp theo đây?

Điều đó đưa chúng ta đến Tang chứng C: việc kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông xã hội đối với những người duy truyền thống tôn giáo — đặc biệt là những người đồng đạo Công Giáo của ngài — đã tăng tốc trong thời gian ngắn ngủi ngài tại chức.

Thí dụ, lại một nhà xuất bản Công Giáo khác, TAN Books, đã thấy nhiều quảng cáo cho các cuốn sách của họ đột ngột bị xóa khỏi Facebook và Instagram. Một là bộ sách về Đức Maria có tên là The Anti-Mary Exposed. Một tác phẩm khác là Motherhood Redeemed, một cái nhìn phê phán về chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến. Cuốn thứ ba là cuốn sách về Karl Marx của một giáo sư tại Grove City College. Cuốn thứ tư là một cuốn vỡ lòng về Đường Thánh giá, viết cho trẻ em. Các quảng cáo từ một doanh nghiệp nhỏ khác, nơi bán các ấn phẩm về Thánh Tâm, bị coi là không thể chấp nhận được và đã bị gỡ bỏ.

Vì các công ty kỹ thuật lớn muốn gây chuyện với cả các doanh nghiệp nhỏ, không có gì ngạc nhiên khi Tang chứng D xuất hiện: các mạng xã hội thường xuyên ngăn chặn tiếng nói của người Công Giáo — đặc biệt là những tiếng nói phò sinh có ảnh hưởng.

Vì thế, chẳng hạn, Susan B. Anthony List, do người Công Giáo nổi tiếng Marjorie Dannenfelser, một trong những tiếng nói phò sinh hàng đầu ở Hoa Kỳ, điều hành, đã nhiều lần bị xách nhiễu trên mạng. Trong cuộc bầu cử, Facebook đã từ chối cho phép quảng cáo của nhóm được phổ biến ở Wisconsin và Pennsylvania. Có rất nhiều trường hợp can thiệp khác vào Susan B. Anthony List và các tổ chức phò sinh khác — quá nhiều để có thể kể lại ở đây; xin xem liên kết này.

Thưa Tổng thống, tiếp theo, xin ngài hãy xem xét Tang chứng E: việc bêu xấu các nhóm tôn trọng giáo huấn của Giáo hội bằng những cáo buộc không xác thực về “hận thù”.

Ngày 9 tháng 12 năm 2020, NBC News công bố một câu chuyện để chấp nhận không phê phân việc Southern Poverty Law Center chỉ định một số tổ chức là “các nhóm hận thù”. Giờ đây, những tổ chức này bao gồm các tổ chức Kitô giáo bị đơn cử chỉ vì lòng trung thành của họ... với Kitô giáo. Một tổ chức trong số này là Viện Ruth, mà theo lời của người sáng lập Công Giáo là Jennifer Roback Morse – vốn có sứ mệnh chống đối “lạm dụng tình dục, văn hóa khiêu dâm và ly dị”.

Thưa Tổng thống, về phần nó, Sách Giáo lý cũng phản đối việc lạm dụng tình dục, văn hóa khiêu dâm và ly dị. Theo tiêu chuẩn của Southern Poverty Law Center, mọi người Công Giáo ở Mỹ chấp nhận Huấn quyền giờ đây đều đủ tiêu chuẩn là thành phần của nhóm “hận thù”. Mọi đan viện, tu viện, trường học và tổng giáo phận Công Giáo cũng thế. Các bếp nấu súp Công Giáo, các ngôi nhà dành cho người già, các chương trình tái định cư cho người tị nạn, các cơ quan nhận con nuôi và các hoạt động bác ái khác do Giáo hội điều hành cũng vậy.

Thưa Tổng thống, ông có cùng về phe với Southern Poverty Law Center để gièm pha các đồng đạo của mình không?

Tang chứng F: Việc bầu ngài không những làm dạn dĩ những người giương bắp thịt cấp tiến trên các mạng xã hội. Dường như nó cũng đang khuyến khích nhóm có thể gọi là thanh lịch hợp thời trang (chic) chống Công Giáo – loại xuất phát từ các đồng minh của ngài trong giới báo chí Cánh tả tự do.

Một tiểu luận gần đây trên tờ The New Republic về các nhà thần học Công Giáo và ảnh hưởng được cho là tệ hại của họ đối với ngành tư pháp Hoa Kỳ là một điển hình. Minh họa kèm theo nó là hình của Thẩm Phán Amy Coney Barrett đội mũ giám mục — một mỹ từ pháp tượng hình xấu xí bắt nguồn từ nhóm phản Công Giáo “Không Biết Gì” của những năm 1850 và quá đó nữa. Tiểu luận đó nói về “chuyện dài 50 năm của việc trí thức Công Giáo và thần học thâm nhập vào các đại sảnh quyền lực”.

Ngài hãy thay thế chữ “Công Giáo” bằng bất cứ thống thuộc tôn giáo nào khác, hoặc bất cứ nhóm danh tính nào khác, trong câu đó, và ngài sẽ hiểu những chuyện cuồng tín như vậy nghe ra sao.

Thưa Tổng thống, ngài là nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo hiển thị nhất trên thế giới. Ngài có một cơ hội độc đáo, một lần nữa, để chứng tỏ cam kết của ngài muốn trở thành tổng thống cho tất cả mọi người. Đó là bục giảng bắt nạt. Hãy kêu gọi dẹp bỏ những kẻ tự nhận là có ý thức nhưng hận thù trực tuyến đang rình rập anh em đồng đạo Kitô giáo của ngài. Hãy kêu gọi loại bỏ cái truyền thống xấu xí, phi Mỹ mà họ là một thành phần. Hãy nói với các đồng minh cấp tiến của ngài và mọi người khác, rằng định kiến vẫn mãi là định kiến — ngay cả khi nó nhắm chống lại những người không bỏ phiếu cho ngài.

Là tổng thống đầu tiên có bức ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn phòng của mình, ngài nên là người cuối cùng làm ngơ những gì mà chính vị giáo hoàng đó đã gọi là “thách thức đặt ra bởi các nhà lập pháp, những người, nhân danh một số nguyên tắc khoan dung bị giải thích tồi tệ, kết cục đã ngăn cản các công dân tự do bày tỏ và thực hành các xác tín tôn giáo của họ một cách hòa bình và hợp pháp”.

Thành thực kính chào ngài!

Một người Mỹ đồng Công Giáo
 
Mới nhất: Iraq tưng bừng chuẩn bị. Các phụ nữ Công Giáo Iraq sẽ mặc áo cưới chào đón Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 28/02/2021

1. Các phụ nữ và trẻ em gái Iraq ở Qaraqosh sẽ mặc áo cưới để chào đón Đức Thánh Cha

Cộng đoàn Công Giáo nghi lễ Syria lớn nhất trên thế giới đang chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Qaraqosh, Iraq.

“Không từ ngữ nào có thể diễn tả được chúng tôi hạnh phúc như thế nào,” Cha Roni Momeka của Công Giáo nghi lễ Syria nói với thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Cha Momeka nói: “Mọi người cảm thấy rằng thật là một phép lạ khi Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Họ không chỉ vui vì chuyến thăm, mà họ còn vui vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ đến những người đang đau đớn, những người mất tất cả, nhưng không bao giờ mất niềm tin.”

Cha Momeka cho biết Qaraqosh đang nhộn nhịp với các hoạt động, các đường phố đã ngập tràn cờ và biểu ngữ chào đón Đức Giáo Hoàng để chuẩn bị cho chuyến thăm ngày 7 tháng 3 của Đức Thánh Cha, một phần trong chuyến thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3.

Các giáo dân đã bận rộn dọn dẹp và sơn sửa nội thất của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, biến nội thất bị đen trở lại vẻ rạng rỡ ban đầu cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Nhà thờ do giáo dân xây dựng vào những năm 1930, có sức chứa 2,200 người. Nó đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phá hoại, phạm thánh và đốt cháy.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay ở đó.

Vào tháng Giêng, một bức tượng mới của Đức Mẹ Maria đã được dựng lên trên đỉnh tháp chuông thay cho bức tượng đã bị những kẻ khủng bố phá bỏ. Sự hiện diện của bức tượng khẳng định sự tin tưởng rằng “Đức Trinh Nữ Maria sẽ giữ cho Qaraqosh an toàn,” Cha Momeka nói.

Bên trong, một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội dài gần 2.1m, được thêu bởi một người bản xứ Qaraqosh di cư đến phương Tây, đã được trang trí trên bàn thờ.

Ngày 15 tháng 2, các linh mục và nữ tu đã tập hợp khoảng 1,000 người trẻ để trang bị cho họ cái nhìn tổng quan về những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó, họ sẽ rước qua Qaraqosh với nến và cây thánh giá lớn, hát thánh ca.

Vào mùa hè năm 2014, toàn bộ dân số khoảng 50,000 người Công Giáo nghi lễ Syria đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhổ sạch chỉ trong một đêm. Họ nằm trong số hơn 100,000 Kitô hữu bị trục xuất vào mùa hè năm đó khỏi Mosul và Đồng bằng Ninevah của Iraq. Qaraqosh, nằm cách Mosul 32 km về phía đông nam, đã được giải phóng khỏi IS vào năm 2017.

Khoảng 27,000 người - hơn một nửa dân số bị bứng gốc - đã định cư trở lại Qaraqosh từ cuộc sống lưu vong ở vùng Kurdistan. Một số gia đình vẫn ở Kurdistan, và hàng ngàn người đã di cư, tản mác khắp thế giới, mang theo di sản văn hóa của họ.

“Chúng tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chỉ đến Baghdad và ngài sẽ không đến Đồng bằng Ninevah, nhưng khi chúng tôi nghe nói rằng ngài sẽ đến Qaraqosh, trung tâm của Kitô Giáo ở Iraq, và là trung tâm của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang nghĩ về những con chiên của mình đã bị thương,” Cha Momeka nói. Ngài nói thêm rằng chuyến thăm sẽ khuyến khích những Kitô hữu ở lại Iraq.

Năm 2003, có khoảng 1,5 triệu Kitô hữu ở Iraq. Sự hiện diện của họ có từ thời các thánh Tông đồ. Bây giờ con số đó đã giảm xuống còn khoảng 225,000.

Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syria Younan Đệ Tam đã gọi các tín hữu tại Qaraqosh - còn được biết đến với tên tiếng Aramaic là Baghdeda - là “những viên ngọc trai cho nhà thờ của chúng tôi”.

Cho đến nay cư dân trong vùng vẫn nói ngôn ngữ Aramaic, là ngôn ngữ Chúa Giêsu nói khi xuống thế làm người.

Để chào đón Đức Giáo Hoàng tại Qaraqosh, các phụ nữ và trẻ em gái sẽ mặc trang phục truyền thống của thành phố, cha Momeka nói. Các chiếc váy như vậy - được thêu tinh xảo và có hình kính vạn hoa với màu sắc rực rỡ - thường được dành cho các sự kiện long trọng, chẳng hạn như đám cưới.

Một biểu tượng đặc biệt cũng đã được thiết kế cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới Qaraqosh, mô tả Đức Thánh Cha mặc một chiếc áo truyền thống như vậy. Bên dưới bàn tay dang rộng của Đức Thánh Cha Phanxicô là những cảnh mô tả lịch sử đầy ấn tượng của người dân Qaraqosh và tổ tiên của họ.

Cha Momeka cho biết người Công Giáo Syriac cũng tự hào rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Nhà thờ Đức Mẹ Giải thoát của Công Giáo nghi lễ Syria ở Baghdad vào ngày 5 tháng Ba.

Những kẻ cực đoan Hồi giáo đã xông vào nhà thờ đó vào năm 2010, giết chết hai linh mục và 48 người trong Thánh lễ.

Đức Cha Yousif Abba của Công Giáo nghi lễ Syria ở thủ đô Baghdad - một người gốc Qaraqosh - đã khởi động án tuyên thánh cho 50 vị tử đạo.


Source:Crux

2. Khủng bố tấn công đốt nhà thờ Công Giáo, và nhà của anh chị em giáo dân ở Kaduna

Những tên cướp có vũ trang đã san bằng ngôi nhà thờ Công Giáo Thánh Gia, và hai ngôi nhà, ở làng Kikwari, tại thị trấn Kajuru của bang Kaduna. Samuel Aruwan, Ủy viên, Bộ Nội an và Nội vụ, bang Kaduna, cho biết hôm Chúa Nhật 21 tháng Hai, rằng người dân địa phương đã bỏ trốn khỏi khu vực khi nhận được thông tin rằng một số tên cướp đã được nhìn thấy bên ngoài ngôi làng.

“Khi đến địa điểm, những tên cướp có vũ trang đã đốt cháy nơi thờ tự và hai ngôi nhà”, ông nói. Nhận được báo cáo, Thống đốc El-Rufai đã chia buồn với cộng đồng, và lên án hành động đốt cháy nơi thờ tự và hai ngôi nhà của những tên cướp có vũ trang. Thống đốc đồng cảm với nhà thờ và bảo đảm với họ rằng chính phủ dưới sự giám sát của ông sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ trong cuộc chiến chống băng cướp và các tội phạm khác.

Ông kêu gọi các tín hữu hãy giữ vững đức tin, đồng thời coi vụ tấn công này là hành động do kẻ thù của hòa bình, nhân loại và sự đa dạng gây ra, những kẻ sẽ không thành công nhưng sẽ bị đánh bại. Thống đốc đã chỉ đạo Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp bang Kaduna khẩn trương đánh giá thiệt hại và có biện pháp giải quyết thích hợp. “Các cơ quan an ninh sẽ duy trì các cuộc tuần tra trong khu vực”, thống đốc Aruwan nói.

Ngoài những tuyên bố suông như thế, chính quyền Nigeria hiện nay tỏ ra bất lực trước các cuộc tấn công của quân khủng bố Hồi Giáo.


Source:Vanguard

3. Phụ nữ Công Giáo Pháp ra mắt tuyên ngôn về ơn gọi nữ giới trong Giáo hội

Trong cuộc vận động phong chức linh mục cho phụ nữ của Tiến Trình Công Nghị ở Đức, người ta thường chiếu hình ảnh các nữ tu trẻ buồn phiền và chán nản vì không được phong chức linh mục. Tuy nhiên, một nhóm phụ nữ Công Giáo ở Pháp đã đưa ra tuyên ngôn bác bỏ ý hướng đó và nhấn mạnh “vẻ đẹp của thiên chức chuyên biệt của phụ nữ”.

Ý tưởng cho bản tuyên ngôn nảy sinh ngay sau khi tông thư dưới dạng tự sắc Spiritus Domini của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố vào ngày 10 tháng Giêng. Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Không có gì mới trong việc giao phó cho nữ giới việc rao truyền Lời Chúa trong các cử hành phụng vụ hoặc làm công việc phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ (altar servers, chierichette) hoặc với tư cách là thừa tác viên Thánh Thể (acolytes, accolitato). Ở nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, những thực hành này đã được các giám mục địa phương cho phép từ lâu, đặc biệt là trong trường hợp các bé gái giúp lễ.

Quý vị có thể tìm thấy bản tuyên ngôn trên trang web La Vocation du Feminines (https://lavocationdufeminin.fr/appel-a-approfondir-la-vocation-de-la-femme/). Tính đến chiều thứ Hai 22 tháng Hai, nó đã thu hút được khoảng 540 chữ ký.

Tuyên ngôn nói rằng “đối với chúng tôi, vấn đề về sự hiện diện của người phụ nữ trong đền thờ và sự cố chấp ủng hộ chức tư tế cho những người đã kết hôn hoặc chức tư tế cho phụ nữ, là những triệu chứng của một cuộc khủng hoảng phụng vụ nghiêm trọng bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng nhân học sâu sắc hơn liên quan đến sự bổ sung giữa người nam và người nữ”.

Những người ký tên nhấn mạnh rằng “mọi người Công Giáo nên lo lắng về tình trạng bất ổn sâu sắc này”.

“Trong khi chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của chủ nghĩa giáo sĩ, thì trớ trêu thay chúng ta lại quên rằng việc phụ nữ không nằm trong hàng giáo sĩ của Giáo hội là vì thiện ích của tất cả Giáo Hội.” Tuyên ngôn đặc biệt nhấn mạnh rằng “hơn bao giờ hết, ngày nay ơn gọi của phụ nữ đã được được trình bày như các bức hí họa, một cách quá sức nghèo nàn”

Tuyên ngôn lưu ý rằng “truyền thống tách rời phụ nữ khỏi bàn thờ là rất cổ xưa, hiện diện cả trong truyền thống Đông phương và Tây phương. Tuy nhiên, Kitô Giáo luôn dạy rằng người nam và người nữ bình đẳng về phẩm giá”.

Tuyên ngôn chỉ ra những ví dụ về những phụ nữ có ảnh hưởng trong Giáo hội, như Thánh Catêrina thành Siena và Thánh Joan thành Arc.

Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa “đã ban cho chúng ta Con của Người qua Đức Trinh Nữ Maria”, và “trong Mẹ, tình yêu của Thiên Chúa tìm thấy ngôi nhà không thể thay thế của mình”, và “tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ với tiếng xin vâng đầy nữ tính của Mẹ”.

Những người ký tên đồng ý với nhau rằng “Không nên khuyến khích các cô gái trẻ tham gia vào bầu không khí đấu tranh và đòi hỏi. Họ nên được khuyến khích để phát triển những tài năng phù hợp với đặc điểm của riêng họ. Họ phải nhận chân được một sự thật theo đó được là một người phụ nữ là một ân sủng đáng kể!”

Mặt khác, họ nói, các bé trai phải được giáo dục để “kính sợ Thiên Chúa, biết quên mình vì tha nhân, và lòng kính trọng cơ thể con người”.

“Là những phụ nữ Công Giáo, nhận thức được đặc ân của Đức Mẹ, chúng tôi chọn đặt sức lực và tài năng của mình để phục vụ sự bổ sung hữu hiệu giữa nam và nữ”, tài liệu viết.

Bản tuyên ngôn kết thúc với lời khích lệ các giám mục Công Giáo sẵn sàng đứng lên chống lại áp lực của “ý thức hệ giới tính,” trong Giáo hội.

“Chúng tôi ý thức rằng các mục tử của chúng tôi, để trung thành với lời kêu gọi truyền giáo của các ngài cũng như các truyền thống Kinh thánh và Giáo hội, còn phải trải qua nhiều áp lực, và các ngài sẽ còn phải chịu nhiều đau khổ. Chúng tôi bảo đảm với các ngài về lời cầu nguyện của chúng tôi và tình cảm quý trọng của chúng tôi, để sự độc thân của các ngài được khi được dâng hiến và hợp nhất với Đấng Hy Sinh, càng ngày càng sinh hoa kết quả,” những người ký tên viết.

Trong tông thư “Ordinatio sacerdotalis” năm 1994, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng “Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội tuân giữ một cách chung cuộc”.

Phát biểu với các nhà báo trong cuộc họp báo trên chuyến bay vào năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Về việc phong chức phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng rất rõ ràng, đó là lời của Thánh Gioan Phaolô II và điều này vẫn còn hiệu lực”.

Nếu quý vị và anh chị em ủng hộ truyền thống này Giáo Hội, và lo lắng về tình trạng bất ổn sâu sắc xin ký tên tại địa chỉ này: https://lavocationdufeminin.fr/appel-a-approfondir-la-vocation-de-la-femme/

Cách điền vào form:

Phần 1: Identité - Danh tính

Xin điền vào phần Prénom: Họ của mình

Xin điền vào phần Nom: Tên của mình

Phần 2: Adresse - Địa Chỉ

Xin điền N° et voie: Số nhà và tên đường

Xin điền Ville: Thành phố

Xin điền Code Postal: Mã bưu điện

Xin chọn Pays: Quốc Gia

Xin điền Profession: Nghề nghiệp

Je souhaite être informé(e) des suites données à ce manifeste: Tôi muốn được thông báo về diễn biến tiếp theo của Tuyên ngôn này

J'accepte que mon nom apparaisse sur ce site en tant que signataire:

Tôi chấp nhận rằng tên của tôi sẽ xuất hiện trên trang web này với tư cách là người ký tên.

Oui: Đồng ý – Non: Không đồng ý

J'ai lu et j'accepte les conditions ci-dessous:

Les informations recueillies à partir de ce formulaire font l’objet d’un traitement informatique destiné à “La vocation du féminin” à des fins de traitement de votre signature. Elles sont conservées pour la durée nécessaire à cette finalité. Le défaut de réponse à un champ facultatif n’entraîne aucune conséquence sur le traitement de votre demande. Vous disposez d’un droit d’accès, de rectification, de suppression et de portabilité des informations qui vous concernent ainsi que d’un droit d’opposition et de limitation du traitement que vous pouvez exercer en nous contactant. Pour en savoir plus, veuillez consulter notre politique de respect de la vie privée.

Tôi đã đọc và chấp nhận các điều kiện dưới đây:

Thông tin thu thập từ biểu mẫu này có thể được xử lý bằng máy điện toán nhằm mục đích xác minh chữ ký của bạn cho Tuyên ngôn “La vocation du nữ”. Chúng được lưu giữ trong thời gian cần thiết cho mục đích này. Việc không trả lời một câu hỏi tùy chọn không ảnh hưởng đến việc xử lý yêu cầu của bạn. Bạn có quyền truy cập, chỉnh sửa, xóa và thay đổi các thông tin liên quan đến bạn cũng như có quyền phản đối và giới hạn xử lý bằng cách liên hệ với chúng tôi. Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng xem chính sách của chúng tôi về quyền tư ẩn.

Sau cùng xin nhấn vào nút: Valider ma signature - Xác thực chữ ký của tôi.

https://lavocationdufeminin.fr/appel-a-approfondir-la-vocation-de-la-femme/

https://tinyurl.com/zt0jahvf


Source:Catholic News Agency

4. Đức Cha Crociata nhận định: Âu Châu cần một Mùa Chay của Thần Khí.

Đức Cha Mariano Crociata, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục châu Âu nhận định về bối cảnh tôn giáo và Kitô giáo của lục địa hiện nay: Âu Châu ngày càng giống như một hoang địa, cần một Mùa Chay của Thần Khí cho đại lục này. Hành trình Mùa chay là cơ hội để tái khám phá nguồn gốc Kitô giáo.

Mô tả về tình trạng Âu châu hiện này, Đức Cha Crociata nói: “Gần một năm qua, lục địa này bị chìm đắm trong một Mùa Chay do đại dịch, cần phải được Mùa Chay của Thần Khí, Mùa Chay Kitô canh tân”. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục Âu châu, có một bầu khí dao động giữa sầu buồn và lo lắng cùng với một trạng thái tâm trí tràn đầy nhiệt huyết, một dấn thân đáp ứng tích cực trước những khó khăn.

Đức Cha nhắc lại: “Mùa Chay là một cơ hội để tái khám phá cội nguồn Kitô giáo và Giáo hội có nhiệm vụ làm cho truyền thống kêu gọi này trở nên thực tế và sống động. Từ quan điểm này, tôi muốn đề cập đến hai điều quan trọng: sứ điệp của Ðức Thánh Cha cho Mùa Chay và sáng kiến của Hội đồng Giám mục Âu châu, mỗi ngày của Mùa Chay, đều có một cử hành ở mỗi quốc gia của liên minh”.

Ðể có thể tái khám phá đức tin, đức cậy và đức mến, ba nhân đức hữu ích cho một hành trình Mùa Chay tốt đẹp, Âu châu cần phải thực hiện ba nhiệm vụ. Ðầu tiên là khám phá lại điều cốt yếu: đại dịch đã làm cho mọi người hiểu rằng con người có nguy cơ chạy theo những thứ vô ích. Lời mời cầu nguyện và ăn chay có thể là liều thuốc giải độc hợp lệ. Nhiệm vụ thứ hai là hiểu rằng, hiện tại, chúng ta là một cộng đoàn duy nhất về số phận: điều gì chạm vào một người thì chạm vào mọi người, chúng ta không thể tách rời nhau. Và, cuối cùng, hãy học cách chuẩn bị cho tương lai, bắt đầu từ những người không thể thực hiện Mùa Chay, từ những người yếu đuối nhất. Cần phải khởi đi từ những người nhỏ bé nhất để sống một cuộc sống Kitô xác thực.

Đức Cha kết luận: “Chúng ta phải thay đổi định hướng văn hóa cơ bản, trước hết là chúng ta là những người tin. Chúng ta phải hiểu rằng vấn đề không phải là hành động 'cho' ai đó mà là bắt đầu làm việc bằng cách chia sẻ, thừa nhận ít nhất là sự chia sẻ dấn thân và trách nhiệm. Ðiều cần thiết là quan tâm đến những người rốt hết. Chúng ta không thể tách mình khỏi những người khác”.


Source:Vatican News

5. Các Giám mục Pháp ủng hộ các trường đại học hoạt động bình thường trở lại.

Các Giám mục Pháp ủng hộ các sinh viên trong việc yêu cầu chính phủ cho phép các trường đại học hoạt động bình thường trở lại.

Hôm 19 tháng 02 năm 2021, phát biểu tại buổi trình bày kết quả cuộc khảo sát do các Giám mục thực hiện về tác động của đại dịch đối với sinh viên, nghĩa là một ngày sau cuộc biểu tình của các sinh viên trên khắp nước Pháp, yêu cầu các lớp học trở lại bình thường, Đức Cha Laurent Percerou, Chủ tịch Hội đồng Giám mục về Mục vụ Giới trẻ cho biết, các Giám mục Pháp ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu này. Mặc dù, đây là một quyết định không dễ giải quyết, có những khó khăn về mặt tổ chức, nhưng ít nhất một lần trong tuần sinh viên có thể đến trường một cách bình thường. Đức Cha Percerou cũng yêu cầu các căng tin của trường có thể mở trở lại để các sinh viên có thể mua một bữa ăn với giá 1 euro.

Thực tế, vào tháng 10 năm 2020, các trường đại học đã mở cửa trở lại, nhưng sau đó đã đóng lại ngay lập tức. Các Giám mục hiểu nỗi đau khổ của người trẻ do bị mất tương quan xã hội, các lớp học bị đình chỉ dẫn đến đời sống văn hóa do các trường cung cấp cũng bị ngưng lại. Tại Pháp, các trường đại học là nơi các bạn trẻ được chuẩn bị ngành nghề chuyên nghiệp, mở ra với thực tế của thế giới lao động. Ðó là những nơi mà người trẻ được nuôi dưỡng về văn hóa, qua sân khấu, hòa nhạc, giao lưu văn hóa. Trong thời điểm đại dịch, các bạn trẻ bị tước hết tất cả cuộc sống này. Đức Cha khẳng định: “Chúng ta cũng bị thiệt hại, nhưng người trẻ bị mất rất nhiều, nhiều hơn chúng ta bởi vì họ đang sống trong độ tuổi mà các tương quan xã hội cần được tạo dựng và mở ra với tương lai”.

Cũng tại buổi họp báo trình bày kết quả cuộc khảo sát, Đức Cha Laurent Percerou nói: “Là một Giáo hội, chúng ta không thể không quan tâm đến tình trạng chán nản và căng thẳng mà giới trẻ đang trải qua. Vì vậy, chúng ta được mời gọi đưa ra câu trả lời cụ thể cho phép các bạn trẻ không cảm thấy mình là một thế hệ phải hy sinh trên bàn thờ của Covid. Giới trẻ là cuộc sống và niềm hy vọng của Giáo hội, đặc biệt các sinh viên đang được chuẩn bị cho tương lai trở thành những tác nhân của xã hội”.

Sau đó, Đức Cha đã kêu gọi chính phủ và các Giáo phận hỗ trợ nhiều hơn nữa các mạng lưới trợ giúp người trẻ trong thời điểm khó khăn, cũng như giúp tìm việc làm và thực tập.

Theo kết quả của cuộc khảo sát của Giáo hội Pháp: Ða số (83%) các bạn trẻ yêu cầu mở lại các lớp học ở trường đại học. Với câu hỏi “bạn sẽ đối phó lần thứ ba bị phong tỏa như thế nào?”, 53% trả lời: về mặt tâm lý, tôi không thể chịu nổi. Khảo sát cũng cho thấy một điểm tích cực: trong suốt thời gian đại dịch, hầu như đối với tất cả (94%), đức tin là nguồn nâng đỡ trong thử thách.


Source:SIR