Ngày 24-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khả năng cảm nghiệm
+GM JB Bùi Tuần
05:07 24/02/2008
KHẢ NĂNG CẢM NGHIỆM

Mùa Chay là thời gian hồi tâm.
Tôi thấy mình có nhiều lầm lỗi phải ăn năn.
Tôi nhận ra mình có nhiều thua kém phải tự hạ.
Tôi nhớ lại nhiều nhận lãnh phải tạ ơn.
Tôi nhìn thấy nhiều bài học phải tiếp tục học.

Mùa Chay của tuổi 82 này dẫn tôi vào nội tâm sâu hơn. Tôi tự hỏi:

Với tuổi này, tôi có thể lớn thêm hơn về chiều kích thiêng liêng không?
Tôi có thể sống thực hơn với một đức tin vượt trên những vẻ bề ngoài không?
Tôi có thể cho đi những gì là tốt hơn không?

Những câu hỏi trên đây được đặt ra cho riêng bản thân tôi, cho riêng chặng đường lịch sử hiện tại của tôi, cho riêng ơn gọi lúc này của tôi.

Dưới đây là vài chia sẻ cụ thể.

1/ Cần giữ mãi được khả năng cảm nghiệm nhạy bén những gì là chân thiện mỹ

Càng đi xa vào tuổi tác và vào lịch sử, tôi càng thấy mỗi tuổi có những vẻ đẹp riêng, mỗi chặng đường lịch sử có những giá trị riêng. Tôi thấy được những cái đẹp đó, những cái tốt đó, không phải do sách vở nào, do thầy nào đã dạy, nhưng do khám phá. Khám phá này là một gặp gỡ nội tâm. Nội tâm có một cảm quan riêng hướng về chân thiện mỹ. Khi cảm quan này giữ được sự khao khát khách quan và mãnh liệt, nó sẽ rung động trước những xuất hiện của mọi chân thiện mỹ bất cứ dưới hình thức nào.

Thí dụ một lời trong Kinh Thánh: "Con hãy thảo kính cha con và mẹ con, để được sống lâu trên mặt đất" (Xh 20,12).

Khi còn trẻ, tôi đọc lời khuyên dạy đó với lòng vâng phục Kinh Thánh. Nhưng nay đã già, tôi đọc lời đó với cả một kinh nghiệm sống động của người cha tuổi già về hưu.

Bây giờ, tôi mới thấy rằng: Để thảo kính cha mẹ, nhất là cha mẹ già bệnh tật, người con không những phải vận dụng tình cảm tự nhiên, mà còn phải nhờ ơn Chúa. Bởi vì người cha tuổi già bệnh tật thường có những lẩm cẩm, những thất thường, những yếu đuối. Các ngài cần được thông cảm và tha thứ. Những người con thảo cảm nghiệm điều đó. Nhờ vậy, cha mẹ mới được sống lâu hạnh phúc với con cháu.

Như thế, cả con cả cha đều cần có những cảm nghiệm cần thiết.

Tói đây, tôi xin nói tiếp là: Khả năng cảm nghiệm chân thiện mỹ không những cần nhạy bén, mà cũng rất cần trưởng thành, biết phân định cái gì là chân thiện mỹ thuộc dạng nào, có hợp cho ơn gọi của mình hay không.

Để được thế, con người rất cần được giáo dục về tự do nội tâm.

2/ Cần một khả năng cảm nghiệm được giáo dục về trưởng thành trong phân định

Cảm nghiệm nhạy bén là điều tốt. Nhưng cảm nghiệm trưởng thành về phân định là điều rất cần.

Một người không còn biết rung động với chân thiện mỹ sẽ rơi vào một cõi chết vô hình. Nhưng một người không biết phân định về những gì mình cảm thấy, sẽ dễ mù quáng trong phán đoán chọn lựa.

Kinh Thánh nói: "Về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành" (1 Cr 14, 20).

Theo tôi, để trưởng thành trong phán đoán, con người cần có một sự tự do nội tâm thực sự. Sự tự do nội tâm thực sự sẽ có được, nhờ giáo dục nhân bản và Kitô giáo.

Mỗi người sẽ là chính mình và mang Đức Kitô. Điều nên làm là mỗi người biết dùng sự tự do của mình. Một tự do biết trách nhiệm. Biết tự chọn với sự tự do trưởng thành là điều rất cần. Cho dù hậu quả của nó đôi khi sẽ là cái bóng đen không tách rời bản thân mình, nhưng bản thân mình vẫn chấp nhận nó một cách lương thiện, và nhờ đó biết phấn đấu với chính mình.

Tất cả những giáo dục trên sẽ chuẩn bị, để con người biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta ơn kiên nhẫn với chính mình, ơn mở rộng lòng trí về phía sự thực, ơn biết luôn bắt đầu lại, để đi theo ý Chúa, một ý Chúa không luôn hợp với ý ta.

Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong ta, nhưng Người không chuẩn chước cho ta học hỏi từ kinh nghiệm của ta và của những người khác.

3/ Cần một khả năng cảm nghiệm sáng suốt

Người có khả năng cảm nghiệm nhạy bén và trưởng thành rất cần sáng suốt, nhất là về các lựa chọn.

Sáng suốt, vì họ luôn dựa trên nền tảng tu đức của Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Đấng có sự sáng suốt khôn ngoan rất khác người đời.

Sáng suốt, ở chỗ họ biết đưa ra những lý do Phúc Âm giải thích cho lựa chọn của mình, trong tinh thần khiêm nhường, bác ái, tôn trọng sự thực.

Sáng suốt, vì họ biết: Trên đời, không lựa chọn nào là dễ dàng. Một vấn đề kéo theo nhiều vấn đề. Không được phép đơn giản hoá lựa chọn một cách ngây thơ.

Sáng suốt, vì họ khiêm tốn không dám quả quyết: Lựa chọn của mình phải thắng trên lý thuyết và trên thực tế. Thắng thua là việc phức tạp. Có thể thắng mà là thua, thua mà lại thắng.

Vì thế, dám nhận mình mang nhiều giới hạn, có thể không luôn sáng suốt, biết đâu cảm nghiệm đó lại rất là sáng suốt.

Tới đây, ta thấy: Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mà ta sẽ có được khả năng cảm nghiệm sáng suốt của người môn đệ Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 24/02/2008
MẶC TỬ CHẾ DIỀU HÂU BẰNG GỖ

N2T


Mặc tử là một tư tưởng gia và thực tiễn gia vĩ đại, đồng thời ông ta cũng có tài nghệ khá tinh xảo, ông ta đã bỏ ra thời gian ba năm nghiên cứu, chế tác ra một con diều hâu bằng gỗ để có thể tự bay lượn.

Đệ tử của ông ta nhao nhao tán thưởng, nói: “Kỷ thuật của thầy thật là quá kỳ diệu, có thể làm cho con diều hâu bằng gỗ bay lên.”

Nhưng con diều hâu bằng gỗ ấy chỉ bay một ngày rồi thì hư mất tiêu, Mặc tử nói: “Cái thứ này thực ra không giống như làm thanh gỗ chắn ngang của xe ngựa, vật liệu dù chỉ bằng một thanh gỗ ngắn, nhưng có thể phát sinh sức mạnh rất lớn, mang được hơn ba ngàn trọng lượng, đi được mấy ngàn dặm, thời gian sử dụng cũng dài, dùng được mấy năm đều không hư.”

(Hàn Phi tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng)

Suy tư:

Mặc tử làm con diều hâu bằng gỗ ba năm mới xong, nhưng chỉ dùng có một ngày, là bởi vì khoa học thời đó chưa cao, và người tiên phong thì lúc nào cũng bị hạn chế về mọi mặt, và ngày hôm nay sự phát triển của khoa học thật đáng khâm phục, từ đi bộ cho đến bay vào không gian lên đến mặt trăng, sao hỏa và xuống tận đáy đại dương, đó là do công góp sức của nhiều người qua từng thời đại.

Người Ki-tô hữu thì hiểu và biết rằng Chúa Giê-su là người đầu tiên rao giảng Phúc Âm của Nước Trời, chỉ ba năm rao giảng, nhưng Ngài đã chuẩn bị đến ba mươi năm ở Na-da-rét; chỉ ba năm rao giảng, nhưng có rất nhiều người tình nguyện đi theo Ngài, không phải chỉ những người Do Thái xưa kia, mà trên toàn thế giới; chỉ ba năm rao giảng, nhưng không dừng lại ở năm thứ tư, mà còn kéo dài cho đến ngày “mặt trăng không còn chiếu sáng”, tức là ngày tận thế...

Nếu Mặc tử sống lại trong thời đại chúng ta thì chắc sẽ phải ngạc nhiên mà...chết lại, bởi vì tư tưởng thực tiển của ông cũng không bao giờ dám nghĩ đến cái a lô di động, không bao giờ nghĩ đến cả tấn sắt thép bay lên tới cung hằng...

Nếu những người đã chết được Chúa cho sống lại, thì họ sẽ phải ngạc nhiên vì những người còn sống trên thế gian sao không tin có Thiên Chúa, và nhứt định họ sẽ từ bỏ tất cả mọi sự của thế gian để sống cho Chúa và với Chúa mà thôi !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 24/02/2008
N2T


9. Mục đích duy nhất cuộc sống của tôi ở trần gian này chính là để sửa soạn rước Thánh Thể.

(Thánh John Vianney)
 
Mùa Chay: Trở về bên Chúa
Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng
19:31 24/02/2008
MÙA CHAY: TRỞ VỀ BÊN CHÚA

Mẫu tự "ST"

Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự "ST", có nghĩa là quân trộm cắp ( viết tắt từ chữ stealer ).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ "ST" đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: " Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi". Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự "ST" vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời " Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện ( saint )

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

Sai lầm là thường tình của con người. Chính vì thế không ai là hoàn hảo. Tôi nhớ ngày xưa còn đi học, tôi nghe có bản nhạc nào đó, có câu: “ Ai chiến thắng không từng chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần…”

Trong cuộc đờI, chắc chắn ai cũng đã có lần vấp ngã. Khi té ngã, ai cũng phảI đứng lên nếu muốn tiếp tục cuộc hành trình.

“ Thất bạI là mẹ thành công ”. Thất bại tinh thần cũng vậy. Chính những lỗI lầm ta vướng phảI, giúp ta nhận ra sự giới hạn của mình, vị trí của mình, và ta chuẩn bị một hành trang mới để tiến bước. Bước đường thăng tiến đòi hỏI nghị lực và lòng can đảm.

Biết bao ngườI lỡ lầm, bước vào vòng sa đoạ, nhưng vẫn cố chấp lao vào như những con thiêu thân. Hủy hoại cuộc đời mình, bất chấp những lời khuyên răn và những đau khổ củ những người thân mến.

Có một xóm đạo kia, có một “ông biện ” đam mê cờ bạc, vỡ nợ hàng chục triệu, đất ruộng lớp cầm cố, lớp bán đi. Không ai khuyên can được. Nợ ngày một chồng chất. Việc đánh bài càng lúc càng ăn thua lớn hơn, ông ôm chiếu mền vào mồ mã của cô gái đồng trinh nào đó mớI chết nghe nói “ linh ” lắm, để nhờ cô ta kêu số đề về đáng để “ gỡ nợ ” ! Cuộc sống ngày một lụn bạI, thù ngườI này, oán ngườI kia sao không ai giúp mình, tuyên bố bỏ đạo, thờ Chúa thì thờ trong lòng chứ chẳng cần nhà thờ, Giáo hộI, cha thầy gì cả !

Cuộc đờI như vậy liệu có còn cơ hộI thăng hoa được không ?

Sự lỗI lầm bao giờ cũng làm cho con ngườI hổ thẹn. Nhưng sụp đổ cả cuộc đờI chỉ vì sự hổ thẹn thì mớI thật sự đáng hổ thẹn gấp vạn lần !

Thân xác không thể nào giữ sạch mãi mãi, có lúc dơ bẩn, cần phảI tắm rửa. Tâm hồn con ngườI cũng không thể mãi mãi trong trắng, nó cũng cần phảI “ tắm rửa ” để tẩy sạch những tộI lỗI, những sai lầm.

Những tộI lỗI, những sai lầm làm ta ô nhục, ta hổ thẹn. Dư luận đè nặng trên ta, những lời chê trách châm biếm cứ nghe văng vẳng bên tay ta, những ánh mắt tò mò cứ pha chiếu ngay ta. Đúng là ta rã rờI và cô độc.

Nhưng, khi mà có vẻ như không còn bàn tay nào giúp sức cho ta đứng dậy, chính lúc ấy mớI chứng tỏ nghị lực và bản lĩnh của ta. Sức mạnh tiềm ẩn trong ta bừng dậy. hãy lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm tâm hồn ta !

Biết bao ngườI đã góp công góp sức để ta nên người. Cha mẹ ta, bạn bè ta, những người thân yêu ta !

Có thật bạn cô đơn ? Có thật mọi người lánh xa bạn ?

Trong nhiều trường hợp, “ dư luận ” là chỉ là thứ “ luận dư ”,, chúng không là ánh sáng dẫn đường cho ta, soi thấu con tim ta, thấu suốt tâm hồn ta. Lẽ nào bạn hủy diệt cuộc đờI bạn chỉ vì thứ ánh sáng mù mờ vàng vọt đó ?

Hãy làm lại cuộc đời trong Chân Lý !

Bạn vừa đọc câu chuyện “ MẪU TỰ ST ” rồI phảI không ? Mà bạn đọc kỹ chưa ? Bạn thấy gì nơi “ngườI anh ” ?

“ Không chịu nổI sự nhục nhã này, ngườI anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗI khi có ai đó hỏI anh về ý nghĩa hai chữ “ ST ” đáng nguyền rủa này. ”

Bạn thấy chưa ? Chữ ST không phảI chỉ khắc trên trán tộI nhân, mà nó khắc vào tâm hồn của họ ! Cho dù tộI nhân có xoá được dấu khắc ấy ở trên trán, vẫn không thể xoá được dấu khắc ấy trong tâm hồn !

Người anh đã không biết xoá dấu khắc ấy ở trên trán, càng không biết cách xoá dấu khắc ấy trong tâm hồn anh. “ Anh chẳng bao giờ quên được sự nhục nhã ”. TộI nghiệp, anh đau khổ cả đờI ! Anh không thể tìm lại được tháng ngày bình yên ! Anh không thể làm lại cuộc đờI theo đúng ý nghĩa của nó: Một cuộc đời an vui hạnh phúc !

Thế còn “ ngườI em ” thế nào ?

Còn “ ngườI em ”, anh tự nói với bản thân mình: “ Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những ngườI chung quanh và của chính tôi ”. Thế là anh tiếp tục ở lạI xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một ngườI nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ ngườI khác vớI tất cả những gì mình có thể ”.

Bạn thấy gì lớn lao nơi ngườI em ? - Đó là ngườI em biết cách xóa dấu khắc ST trong tâm hồn anh ấy ! Anh xoá bằng “ lòng bác ái ”, bằng “ tình yêu thương nhân hậu ” dành cho tha nhân.

Anh không để tâm đến dấu khắc ST còn in trên trán anh ! Mặc kệ nó ! –“ Tuy nhiên, cho dẫu thờI gian có qua đi, hai mẫu tự ST vẫn còn in dấu trên vầng trán anh ”.

Nhưng, như bạn thấy đó, khi người em đã xoá được dấu khắc trong tâm hồn, thì cũng có nghĩa là anh đã xoá được dấu khắc trên trán anh ! Và còn hơn nữa, như một phép mầu, dấu khắc ấy lại trở nên “ một chứng từ ” cho cuộc “đổI đờI ” của anh ! Nó là dấu chứng của một con người thuộc về thế giới chân thiện !

Ngày kia, có một ngườI lạ mặt hỏI một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồI trả lờI: “ Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là NgườI Thánh Thiện ( saint ).

Viết đến đây, sao bổn dưng tôi nhớ đến “ Tên Trộm ” bị đóng đinh một ngày với Chúa Giêsu trên đồI Can-vê. Chúng ta hay gọI là “ Tên Trộm Lành ”.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ NgườI: “Ông không phảI là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi vớI ”. Nhưng tên kia mắng nó: “ Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng vớI việc đã làm. Chứ ông này có làm gì trái ! “. RồI anh ta thưa vớI Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi ! ”, và NgườI nói vớI anh ta: “ Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở vớI tôi trên Thiên Đàng ” (Lc 23,39-43 ).

“ Tên trộm lành ” đã nhìn nhận tộI lỗI, tuyên xưng niềm tin, và cầu nguyện với Chúa. Anh từ một “ Tên Trộm ” trở thành “ NgườiThánh Thiện ”.

Bạn đọc thân mến !

Mùa Chay là mùa chúng ta “ Trở Về Với Chúa ”. Chứng ta ăn năn sám hốI những lỗI lầm chứng ta đã phạm ! Chúng ta quay về nẻo thiên lương. Chúng ta làm lại cuộc đời.

Chúng ta đã bị khắc nhiều dấu khắc tộI lỗI, và chúng ta hãy xoá những dấu khắc ấy bằng một cuộc đổI đờI ngoạn mục trong nỗ lực của mình vớI sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria phù giúp chúng ta.

Nếu câu chuyện trên đây xảy ra ở Việt Nam, và nếu bạn có lần lầm lỗI và ngườI ta khắc vào trán bạn hai chữ TT, nghĩa là Tên Trộm, bạn hãy làm lạI cuộc đờI và biến hai chữ TT là Tên Trộm thành hai chữ TT là “Thánh Thiện ”. Phép mầu của sự biến đổI này là của chính bạn.

Với ơn Chúa giúp, điều gì cũng có thể, bạn ạ !

Đồng Tháp, ngày 24/02/2008
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (23)
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
19:35 24/02/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (23)

221. Người mẹ: nhà giáo dục tuyệt vời nhất!

Trên đời nầy, một trong những sự nghiệp cao quý nhất, là sự nghiệp của người mẹ.

Nhà họa sĩ vẽ cái đẹp lên bức tranh, nhà điêu khắc chạm vẻ đẹp trên đá gỗ, nhà văn sĩ, nhà thi sĩ diễn cái đẹp ra trong lời nói, nhà nhạc sĩ ghi cái đẹp ra trong nốt nhạc, còn người mẹ tạo nên những con người đẹp đẽ, tạo nên lịch sử tốt đẹp của loài người.

Một nhà giáo dục danh tiếng kia hỏi một bà góa:

- “Bà có 10 đứa con. Khi chồng chết, đứa con lớn nhất của bà chưa đầy 15 tuỗi. Khi chồng bà chết, tiền của trong gia đình của bà lúc đó rất eo hẹp. Vậy sao bây giờ, các con trai của bà đều làm nên sự nghiệp, các con gái bà đều sống hạnh phúc vui vẻ. Cứ sự thường, giữa bao nhiêu khó khăn, buổn phiền, đau khỗ, túng thiếu như vậy, tôi chắc bà đã phải thất vọng nhiều lần lắm chứ?”

Bà góa nầy trả lời đơn sơ: “Tôi tin vào Chúa. Tôi cầu nguyện với Chúa. Tôi thấy tôi phải tu chỉnh đời mình, phải cải tạo đời sống tôi cho đạo đức hơn, phải tập cho có nhiều đức tính. Nnói tóm lại, tôi phải tự sữa mình.”

Nhà giáo dục kia hỏi tiếp:

- “Thế bà có làm gì khác nữa không, mà con cái bà nên tốt như vậy?”

Bà góa nầy cũng trả lời lại một cách đơn sơ:

- “Tôi tự cố gắng sửa mình, tôi cố gắng nên tốt, và tôi cũng không ngờ rằng con cái tôi cứ bắt chước tôi mà tốt theo lên.”

Bà góa nầy, người mẹ nầy truyền những đức tính tốt cho các con trai con gái của bà. Bà truyền mà bà không biết. Và bà nầy cũng không biết mình là một nhà giáo dục tuyệt vời nhất, một nhà giáo dục hết sức vĩ đại, đã tạo cho con cái mình có những đức tính và sức mạnh cần thiết để chúng trở nên những con người đáng phục.

222. Bí quyết thắng trận của đại tướng Eiseinhower

Bí quyết nầy nằm trong câu bí mật mà đại tướng có lần đã tiết lộ: “Trù tính tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất, rồi đánh kịch liệt.”

Tôi thấy bí quyết nầy của đại tướng Eiseinhower thật thấm thía: nhiều khi đại sự của chúng ta thất bại vì những chi tiết nhỏ mà chúng ta không chịu lưu ý. Tôi xin đan cử một ví dụ: chúng ta dùng người cho mục đích tốt của chúng ta, nhưng nếu có một vài cộng sự viên của chúng ta ăn nói thô lổ, thái độ thô bạo, thì đại sự của chúng ta có thể vì thế mà bị hỏng.

Người lãnh đạo không nên tỉ mỉ, không nên để tâm quá mức vào những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng không một chi tiết nhỏ nhặt nào có thể qua mặt được người lãnh đạo.

223. Hãy làm thay Chúa!

Sau khi cuộc thế chiến lần thứ hai kết thúc, có một toán lính đồng minh đi giúp những người dân xây dựng lại cuộc sống trên đống gạch hoang tàn đổ vỡ. Họ làm lại nhà cửa cho dân.

Sau khi làm nhà cửa cho dân chúng xong rồi, họ quyết định sửa lại ngôi nhà thờ trong làng. Nhưng đến khi dựng tượng Chúa thì toán lính không tìm đâu ra hai bàn tay của pho tượng đã bị bom đạn cắt cụt.

Thấy toán lính của mình tìm kiếm suốt một ngày trong đống gạch đá mà không thấy gì, viên sĩ quan ra lệnh dừng lại và cho phép dựng bức tượng Chúa cụt tay lên ngay.

Sau khi dựng bức tượng lên, viên sĩ quan dạy ghi lại một hàng chữ dưới bức tượng như sau: “Dân làng sẽ thay Chúa làm những công việc mà đáng lẽ hai bàn tay Chúa sẽ làm.”

Vì không thể nào làm được gì hơn cho bức tượng nầy, viên sĩ quan đã đưa ra lời như trên. Không ngờ, lời nầy dạy cho dân làng một bài học quá hay: tay Chúa toàn làm những việc yêu thương, tay Chúa đưa lên để tha tôi, tay Chúa đưa ra để ôm lấy những ai đau khổ, tay Chua nâng lên những ai ngã quỵ, tay Chúa chúc lành cho mọi người, không trừ ai, ngay cả kẻ thù của Ngài.

Không những dân làng đó, mà bạn và tôi cũng phải ghi khắc câu nầy trong trái tim: “Giờ đây, hãy thay Chúa mà làm những công việc của hai bàn tay Chúa đã làm!”

224. “Nầy anh yêu dấu, tôi tha cho anh nhé!”

Năm 1936, một linh mục Tây Ban Nha bị quân nghịch đạo dẫn đi giết. Khi đến gần nơi xử bắn, ngài hỏi họ:

- “Ai trong các anh là người sẽ đứng ra bắn chết tôi?”

Một tên nghịch đạo hách dịch nói:

- “Chính ta.”

Linh mục Tây ban Nha nầy liền mĩm cười, âu yếm nhìn anh ta và nói:

- “Nầy anh yêu dấu, tôi tha cho anh nhé!”

225. “Tôi tìm được thiên đàng!”

Lúc bấy giờ, quân Hồi giáo lan tràn khắp nước Tây Ban Nha. Một người công giáo bị quân Hồi giáo bắt. Họ giam chàng dưói hầm sâu và trói chàng trong một cột đá.

Khi chàng chết, người ta thấy nơi cột đá có khắc hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh và có câu: “Tôi tìm được thiên đàng.”

Giữa muôn vàn đau đớn vì đức tin, chàng tin chắc Chúa Giêsu chịu đóng đinh sẽ đem chàng về trời.

226. Một hình ảnh của loài người vô ơn đối với Chúa Cứu Chuộc

Để nói lên sự vô ơn của loài người đối với Chúa Giêsu, thánh Anphongsô dùng một tỷ dụ sau đây.

Có một con trùn sắp chết vì nó nằm trên đống đất bùn khô, thiếu nước cho nó sống.

Vua đi ngang qua, thấy vậy, động lòng thương, truyền đi kiếm nước cho con trùn nhưng kiếm không có nước. Vua liền cho máu mình chảy ra để tưới đám bùn khô đó cho ướt hầu cứu sống con trùn. Nhờ vậy, con trùn được sống. Về phần vua, vì máu ra quá nhiều, nên vua phải chết.

Sau khi vua chết, con trùn lên tiếng ngạo mạn, mắng chửi vua thậm tệ.

Đó là một hình ảnh vô ơn của loài người đối với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc của họ.

227. Cái ngạo mạn của tàu Titanic: “No God! No Pope!”

Ngày 10/4/1912, nhiều kẻ vô thần và nhiều kẻ giàu sang không tin Chúa lấy làm sung sướng và hãnh diện vì họ đã đóng xong một chiếc tàu thủy lớn nhất thế giới: trọng tải 56.000 tấn, chứa được 2201 hành khách, dài gần 100 thước, ngang 21 thước.

Nơi mạn tàu của con tàu Titanic nầy – tên họ đặt cho con tàu - họ cho đề những câu rất ngạo mạn: Ngay cả ông Kitô cũng không thể làm chúng ta chìm! - Dù trời dù đất cũng không thể làm chìm tàu chúng ta được! - Đả đảo Thiên Chúa (No God!)! Đả đảo Giáo Hoàng (No Pope!)!

Tàu nhổ neo tại Ái-Nhĩ-Lan với ý định vượt biển Đại Tây Dương mà qua Mỹ.

Tàu đi bốn ngày ngon lành: hân hoan, tiệc tùng, vui chơi trên tàu!

Bổng đêm 14, rạng ngày 15/4/1949: rầm rầm, tàu đâm vào một tảng băng tuyết lớn, từ trên Bắc Cực trôi về.

Tàu chìm lần lần trong vòng hai giờ bốn mươi phút.

Mọi cái trên con tàu “ngạo mạn” nầy đều mất hết và chìm xuống tận đáy biển sâu.

Về số phận những hành khách trên con tàu “không có Chúa, không có Giáo Hoàng” nầy: trong số 2201 người, người ta chỉ cứu được 451 người, còn 1750 người phải chết tất tưởi trong hoảng sợ kêu la, tuyệt vọng!

Không tin có Chúa, con tàu đời của chúng ta sẽ thế nào nhỉ!

228. “Tôi chỉ làm vì Chúa!”

Bác sĩ Cronin kể câu chuyện của mình trở lại với Chúa như sau.

Khi làm việc trong một bệnh viện, ông thấy một cô y tá rất tận tâm, rất yêu người bệnh, hầu như đêm nào cô cũng thức thật khuya để lo cho bệnh nhân. Dù vậy, ông biết rằng tiền lương của cô rất ít, chỉ vừa đủ để sống thôi.

Ngày kia, gặp cô y tá nầy, ông đề nghị:

- “Cô có công nghiệp lắm! Rất đáng được tăng lương.”

- “Tiền lương của tôi như vậy cũng đủ rồi.”

- “Nhưng cô đáng được nhiều hơn nữa. Chúa biết cô có nhiều công nghiệp.”

- “ Nếu Chúa biết … thì tôi còn muốn gì hơn nữa. Tôi chỉ làm vì Chúa!”

Và bác sĩ Cronin thú nhận:

- “Nghe cô nói như vậy, tôi rất cảm phục.Tôi thấy tâm hồn tôi bừng sáng lên. Tôi thấy cô y tá nầy có một tâm hồn quá cao trọng, còn tôi thì quá nghèo nàn. Và nhờ thế, tôi đã trở lại với Chúa.”

229. Luôn nhớ cầu nguyện cho kẻ có tội trong nơi mình ở

Bà thánh Mađalêna Pazzi không để trôi qua một giờ nào mà không cầu nguyện cho các linh hồn người tội lỗi. Bà than thở:

- “Lạy Chúa, con đau đớn khi con thấy con có thể có ích cho các linh hồn bằng cách hiến thân cho họ, nhưng con lại không thể làm được.”

Vì thế, trong các giờ thiêng liêng, bà luôn nhớ cầu nguyện cho kẻ có tội, và không co giờ nào trôi qua mà bà không trình lên Chúa những người tội lổi trong nơi bà ở.

230. “Con xin cám ơn Chúa….Amen!”

Một vị giám mục già kia mang ba bệnh: đui, đíếc và bại.

Những ai đến thăm ngài thì được nghe ngài nói:

- “Cha đau thật nhưng cha có một lời cầu nguyện làm cho cha được an ủi: Lạy Chúa, con đui, con xin cám ơn Chúa. Lạy Chúa, con điếc, con xin cám ơn Chúa. Lạy Chúa, con bại, con xin cám ơn Chúa. Amen!”
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (20)
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
19:36 24/02/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (20)

201. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn có lòng hăng hái

Chúng ta phải luôn đề phòng sự quá hăng hái của mình và đừng bao giờ để cho cái gì đi đến chỗ quá đáng hoặc đến chỗ bất cập.

Sự hăng hái quá đáng của chúng ta có thể phản lại chúng ta và làm cho chúng ta lạc lối như chúng ta thường thấy trong những phong trào hăng hái một cách quá đáng: trước thì phồng thật to và rầm rộ, sau thì xẹp lép như một cái lốp lẹt đẹt. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng phần đông vì quá hăng hái mà bỏ cuộc hoặc thất bại, giống như con thỏ bắt đầu chạy hết sức, rồi nằm lại một chỗ trước khi đến đích, trong khi đó, con rùa cứ bò và bò mãi, cho đến khi đạt đích.

Chúng ta phải luôn có một tâm hồn hăng hái bình tĩnh, điềm đạm, có đắn đo suy nghĩ, có ý chí mạnh mẽ. Như vậy, chúng ta mới có thể luôn hăng hái, ngay cả những khi chúng ta phải đối đầu với những công việc nhàm chán hoặc tầm thường nhất.

202. Khi hỏi, ta đem lại nhiều ích lợi cho người được hỏi

Sự hỏi đem lại nhiều ích lợi cho người được hỏi: làm cho người được hỏi mở mang trí nhớ (nhớ lại nhiều ký ức, nhiều kỷ niệm), mở mang óc phán đoán (suy nghĩ để tìm câu trả lời cho chính xác), mở mang đức tự chủ (tìm cách diễn tả ra bên ngoài một cách lớn tiếng và rõ ràng để cho người khác hiểu mình), mở mang sự hiệp thông (tìm cách đi vào tư tưởng và tâm tình của người khác để hai bên điều hiểu nhau hơn), mở mang đức khiêm tốn (chấp nhận sự thiếu sót của mình khi câu trả lời của mình không được đầy đủ), vân vân và vân vân…

203. Giáo dục niềm vui

Trẻ em cũng như người lớn vẫn thường có những sự căng thẳng, những bực bội trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác.

Vậy các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ hãy thông cảm với chúng: hãy khuyến khích chúng, hãy động viên chúng, đừng la rầy chúng, nhất là đừng la rầy chúng một cách vô lý. Hãy giúp chúng luôn có nụ cười trên môi và luôn có sự vui vẻ trong lòng.

204. Người chồng và người vợ phải tự hỏi mình hằng ngày về điều gì?

Muốn gia đình mình được đầy tràn hạnh phúc, muốn có một người bạn đời lý tưởng, điều quan trọng là người chống cũng như người vợ phải luôn cố gắng sồng đời người chồng lý tưởng, sống đời người vợ lý tưởng, và hằng ngày phải năng tự hỏi mình: “Tôi đã là một người chồng lý tưởng chưa?”, “Tôi đã là một người vợ lý tưởng chưa?”

205. Người chồng và người vợ bê bối từ khi nào?

Họ bê bối từ khi chưa lấy nhau: một thanh niên vô trách nhiệm sẽ trở thành một người chồng bê bối; một thanh nữ vô trách nhiệm sẽ trở thành một người vợ bê bối.

206. Điều kiện của hạnh phúc thật, là phải hy sinh và quên mình.

Thánh Têrêxa Hài Đổng Giêsu tâm sự: “Từ khi tôi biết quên mình, tôi sống đời hạnh phúc nhất, chưa ai từng thấy.”

Không ai hạnh phúc bằng người mẹ vì người mẹ chỉ biết hy sinh và quên mình vì con.

Không ai bất hạnh bằng những kẻ sống bê tha, tội lổi, rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm, trộm cắp vì những hạng người nầy quá ích kỷ, chỉ lo cho mình sướng, chỉ lo cho mình được lợi một cách hèn hạ. Sống như vậy, họ làm sao hưởng được sự hạnh phúc thật, là sự hạnh phúc sâu lắng, êm đềm, bền bĩ và càng ngày càng tăng thêm.

207. Tình yêu rất quan trọng

Khi yêu ai, ta trở nên giống như người ta yêu. Khi yêu cái gì, ta trở nên giống như cái đó. Ta hãy hết sức bình tĩnh và sáng suốt trong vấn đề quan trọng nầy. Thánh Augustinô nhắc nhủ chúng ta: “Con người yêu thế nào thì trở nên thế đó: bạn yêu đất, bạn thành đất; bạn yêu Chúa, bạn thành Chúa.”

208. “Xin cho kẻ nghịch cùng con đăng mọi sự lành!”

Nếu bạn muốn biết một lời nào đó không thể nào từ óc con người nghĩ ra được, không thể nào từ miệng con người phát ra được, thì đây là một trong những lời đó: “Xin cho kẻ nghịch cùng con đặng mọi sự lành!”

Đây là một trong những lời cầu nguyện tối sớm của người công giáo, đặc biệt là trong Mùa Chay Thánh của họ (thường xảy ra trong vào tháng hai đến đầu tháng tư dương lịch hằng năm).

Tối sớm, khi đọc lời cầu nguyện nầy, tôi thườn liên tưởng đến câu sau đây:”Nếu bạn chỉ có một kẻ thù mà thôi trong đời bạn, thì bạn cũng đã mất mát quá nhiều rồi đó!” Vì thế, tôi thường cầu xin Chúa cho tôi, trong cuộc đời của mình, không bao giờ xem một người nào đó như một kẻ thù của mình.

209. Hãy siêng năng làm việc

Sống mà không siêng năng làm việc thì như giống như một xác chết trong nhà chưa chôn.

Bạn hãy siêng năng làm việc vì ở trên đời nầy, khồng có thành công nào mà không đòi hỏi sự siêng năng làm việc.

210. Trên đời nầy, sống và chết thế nào?

Ai đi đường mà không biết chỗ mình sẽ đến, là người dại.

Rất nhiều người sống trên đời nầy cũng dại như vây. Trong khi họ biết rõ đường nầy đưa đến chỗ nầy chỗ kia rất dễ, nhưng họ lại không biết mình sống để làm gì và cũng không biết mình chết rồi sẽ đi đâu.

Đức tin trả lời cho chúng ta một cách rõ ràng: đời sống là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta để tìm kiếm Ngài; cái chết là ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta để về với Ngài hầu được hưởng hạnh phúc đời đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn của Cha Bề Trên Cả Adolfo Nicolas, S.J. Chào Mừng Đức Thánh Cha
LM Nguyễn Hai Tính, S.J
00:01 24/02/2008
Diễn Văn của Cha Bề Trên Cả Adolfo Nicolas, S.J. Chào Mừng Đức Thánh Cha

Trọng kính Cha rất diễm phúc,

Tân Bề trên Dòng Tên Cha Aldolfo Nicolas
Lời đầu tiên con muốn nói lên, nhân danh bản thân con và nhân danh tất cả những anh em của con đang hiện diện nơi đây, là lời “cám ơn” nồng nhiệt tới Đức Thánh Cha. Hôm nay, Ngài đã tiếp kiến nồng hậu các đại biểu của Tổng Hội họp mặt ở Rôma, sau khi đã gởi cho họ một món quà quí giá là Lá Thư gởi Tổng Hội. Lá thư này, với nội dung cao quí và giọng văn tích cực, khích lệ và thân ái, chắc chắn đã được toàn thể Dòng chúng con trân trọng đón nhận.

Vâng, với lòng biết ơn và một cảm nghiệm hiệp thông mạnh mẽ, chúng con cảm thấy mình được cổ võ và xác tín hơn trong sứ mạng hoạt động trên các làn ranh tách biệt đức tin và khoa học, đức tin và công lý, đức tin và tri thức, cũng như trong lãnh vực đầy công phu của việc suy tư và nghiên cứu thần học cách nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm. Chúng con rất biết ơn Đức Thánh Cha đã khuyến khích chúng con thêm một lần nữa trong việc bước theo truyền thống I-nhã, phục vụ ở chính những nơi mà Tin Mừng và Giáo Hội đang chịu những thách đố lớn nhất. Sứ mạng đó đôi khi đòi hỏi chúng con phải liều mình đánh mất sự yên tĩnh, danh dự và an toàn của chính bản thân. Chúng con được an ủi rất nhiều khi biết chắc rằng Đức Thánh Cha thấu hiểu những nguy hiểm có thể xảy ra cho chúng con trong sứ mạng đó.

Trọng kính Đức Thánh Cha, con muốn trở lại với Lá Thư tốt lành và quảng đại mà Ngài đã gởi cho vị tiền nhiệm của con, cha Kolvenbach, và qua ngài, gửi đến tất cả chúng con. Chúng con đã tiếp nhận lá thư đó với tất cả tấm lòng rộng mở, chúng con đã chiêm niệm, đã suy tư về lá thư này, đã trao đổi những suy tư của chúng con với nhau, và chúng con đã quyết định chuyển sứ điệp và việc đón nhận lá thư ấy cách vô điều kiện đến toàn thể Dòng Tên.

Chúng con cũng muốn đem tinh thần của sứ điệp này đến tất cả các cơ cấu huấn luyện và – khởi đi từ sứ điệp đó – tạo ra các cơ hội để suy gẫm và trao đổi. Tất cả nhằm để giúp các anh em chúng con đang dấn thân trong nghiên cứu và trong phục vụ.

Tổng Hội của chúng con, mà Đức Thánh Cha đã luôn bày tỏ sự khuyến khích thân thương, đang tìm kiếm, trong cầu nguyện và nhận định, những đường hướng cho một cuộc tái thiết sự dấn thân của Dòng vào việc phục vụ Giáo Hội và nhân loại.

Điều gợi hứng và thúc đẩy chúng con chính là Tin Mừng và Thần Khí của Đức Kitô: nếu Đức Giêsu Kitô không ở trung tâm của đời sống chúng con, thì không hoạt động tông đồ nào của chúng con sẽ có ý nghĩa nữa, chúng con sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Từ Đức Giêsu Kitô, chúng con học được một điều là chúng con phải đến gần với người nghèo, người đau khổ, và người bị loại trừ của thế giới này.

Linh đạo của Dòng Tên bắt nguồn từ Linh Thao của thánh I-Nhã. Và chính dưới ánh sáng của Linh Thao – vốn đã gợi hứng cho Hiến Luật của Dòng – mà Tổng Hội đã khảo sát trong những ngày này các chủ đề về căn tính và sứ mạng của chúng con. Trước khi là một khí cụ tông đồ quí giá, Linh Thao là viên đá nền tảng, là tiêu chuẩn để đo lường sự trưởng thành thiêng liêng của người Giêsu-hữu.

Hiệp thông với Giáo Hội và dưới sự dẫn dắt của Huấn Quyền, chúng con tìm cách cống hiến đời mình cách sâu xa vào việc phục vụ, nhận định và nghiên cứu. Sự quảng đại của nhiều Giêsu-hữu làm việc cho Nước Chúa, ngay cả đến mức hiến mạng sống mình cho Giáo Hội, không làm vơi đi cảm thức trách nhiệm mà Dòng có đối với Giáo Hội. Tinh thần trách nhiệm mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong Lá Thư, khi khẳng định rằng: “Công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trông chờ rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm huấn luyện của Dòng trong các lãnh vực thần học, thiêng liêng và sứ mạng”.

Cùng với tinh thần trách nhiệm, chúng con cũng thấy cần khiêm tốn nhìn nhận rằng mầu nhiệm về Thiên Chúa và về con người cao cả hơn khả năng hiểu biết của chúng con rất nhiều.

Chúng con rất buồn, thưa Đức Thánh Cha, khi những thiếu sót và hời hợt không thể tránh khỏi của một số anh em chúng con đôi khi được dùng để bi kịch hoá và được trình bày như là những mâu thuẫn và đối kháng; trong khi đó thường chỉ là biểu hiện của những giới hạn và bất toàn của con người, hoặc chỉ là những căng thẳng không thể tránh khỏi của đời sống thường nhật. Nhưng tất cả những điều đó không làm cho chúng con nản chí, cũng không làm vơi đi nhiệt huyết của chúng con, không chỉ để phục vụ Giáo Hội, mà còn để yêu thương Giáo Hội phẩm trật và Đức Thánh Cha, Đại Diện của Đức Kitô, một cách triệt để hơn nữa, theo tinh thần và truyền thống I-nhã,

“Yêu mến và phục vụ trong mọi sự”. Đó là bức chân dung của thánh I-Nhã. Đây là tấm thẻ xác định căn tính của một Giêsu-hữu đích thực. Và giờ đây, thưa Đức Thánh Cha, chúng con chú tâm, sẵn sàng và ước ao được lắng nghe lời của Ngài.

(Bản dịch Việt Ngữ từ nguyên bản tiếng Ý của Linh mục Nguyễn Hai Tính, S.J.)
 
Bài diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI chào mừng Tổng Hội Dòng Tên lần thứ 35
LM Nguyễn Hai Tính, S.J
00:07 24/02/2008
Bài diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

trong buổi tiếp kiến các Đại Biểu tham dự Tổng Hội 35 Dòng Tên ngày 21.02.2008


Quí Cha tham dự Tổng Hội Dòng Tên thân mến,



Tôi rất vui mừng được đón tiếp quí cha ngày hôm nay khi các công việc bận rộn của quí cha đang đi vào giai đoạn kết thúc. Tôi xin cám ơn cha Bề Trên Cả mới, cha Adolfo Nicolas, đã làm phát ngôn viên chuyển đạt tình cảm và sự dấn thân của quí cha, đáp ứng các mong đợi mà Giáo Hội đặt để nơi quí cha. Tôi đã nói về các mong đợi đó trong sứ điệp gởi cho cha Kolvenbach và – qua ngài – cho toàn thể quí cha khi Tổng Hội mới khai mạc. Một lần nữa, tôi xin cám ơn cha Peter-Hans Kolvenbach vì quá trình phục vụ quí báu của ngài trải dài gần một phần tư thế kỷ trong vai trò lãnh đạo Dòng. Tôi cũng gởi lời chào tới các thành viên mới của Ban Tổng Cố Vấn và các vị Phụ Tá, những người sẽ giúp đỡ cha Bề Trên Cả trong trách nhiệm hết sức tinh tế của ngài là định hướng đời tu và tông đồ của toàn Dòng.

Tổng Hội của quí cha diễn ra trong một giai đoạn có nhiều biến động lớn về xã hội, kinh tế, chính trị; nhiều vấn đề nổi cộm về luân lý, văn hoá và môi trường; nhiều loại xung đột; mà cũng có nhiều giao lưu truyền thông sâu rộng giữa các dân tộc; nhiều khả thể mới về tri thức và đối thoại; nhiều khát vọng sâu xa hướng về hoà bình. Những tình huống đó mời gọi toàn thể Giáo Hội Công Giáo vận dụng hết khả năng của mình để loan báo cho người đương thời Lời của hy vọng và cứu độ. Vì thế, tôi nhiệt liệt cầu chúc toàn thể Dòng Tên, nhờ các kết quả của Tổng Hội, có thể sống sứ mạng của mình với một sức bật và nhiệt huyết mới. Chính vì sứ mạng đó mà Thần Khí đã khơi dậy Dòng Tên trong Giáo Hội và trong suốt hơn bốn thế kỷ rưỡi, đã bảo tồn Dòng Tên với một sự phong phú lạ thường của các hoa trái tông đồ. Hôm nay, tôi muốn khuyến khích quí cha và các anh em của quí cha hãy tiếp tục bước đi trên con đường sứ mạng này, trung thành trọn vẹn với đặc sủng ban đầu, trong bối cảnh giáo hội và xã hội đặc thù của thời kỳ đầu thiên niên kỷ này. Như các vị tiền nhiệm của tôi đã nói với quí cha nhiều lần, Giáo Hội rất cần quí cha, trông chờ vào quí cha, và tiếp tục hướng về quí cha với lòng tin tưởng, đặt biệt là để vươn đến những lãnh vực thể lý và thiêng liêng, nơi mà những người khác không đến hoặc khó mà đến được. Những lời của ĐGH Phao-lô VI đã được khắc ghi vào tâm huyết của quí cha: “Ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, ngay cả những nơi khó khăn và nhạy cảm nhất, ở những giao lộ của ý thức hệ, ở những tuyến đầu của xã hội, ở những nơi đã và đang có sự đối kháng giữa những nhu cầu bức thiết của con người và sứ điệp ngàn đời của Tin Mừng, ở đó đã và đang có các Giêsu-hữu” (3.12.1974, nói với Tổng Hội 32).

Như Bản Định Thức nói, Dòng Tên được thiết lập chủ yếu “là để bảo vệ và truyền bá đức tin”. Vào thời mà các chân trời địa lý mới đang được khám phá, các bạn đường đầu tiên của I-Nhã đã đặt mình dưới sự sai khiến của Đức Giáo Hoàng chính là để “Ngài sai họ đi đến bất cứ nơi nào Ngài xét thấy vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn” (Tự Thuật, số 85). Như thế, họ đã được sai đi rao giảng về Chúa cho các dân tộc và các nền văn hoá chưa biết Ngài là ai. Họ làm điều đó với một lòng dũng cảm và nhiệt tâm vốn trở thành gương mẫu và hứng khởi suốt cho tới thời đại chúng ta: tên của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã trở thành tên tuổi lẫy lừng nhất, nhưng còn tất cả các vị khác, họ đã làm được biết bao nhiêu điều! Ngày nay, còn nhiều dân tộc chưa biết Chúa, hoặc biết Ngài cách sai lạc, nên không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Các dân tộc đó không ở xa chúng ta về mặt địa lý cho bằng về mặt văn hoá. Trở ngại và thách thức đối với người loan báo Tin Mừng ngày nay không còn là các đại dương hoặc các khoảng cách xa xôi, mà là các giới tuyến vốn vì một cái nhìn sai lạc hoặc hời hợt về Thiên Chúa và về con người mà tách biệt đức tin với tri thức nhân loại, đức tin với khoa học hiện đại, đức tin với sự dấn thân cho công bình.

Vì thế, Giáo Hội rất cần những con người có một đức tin vững chắc và sâu xa, một văn hoá nghiêm túc và một sự nhạy bén chân chính về nhân bản và xã hội. Giáo Hội cần những tu sĩ và linh mục hiến dâng đời mình, đứng vào chính những giới tuyến đó để làm chứng và giúp người ta hiểu rằng thực ra có một sự hài hoà sâu xa giữa đức tin và lý trí, giữa tinh thần Tin Mừng, khát vọng công lý và thực thi hoà bình. Chỉ như thế, khuôn mặt đích thực của Chúa, vốn còn bị ẩn giấu và chưa được nhiều người thời nay nhận ra, mới có thể được tỏ lộ cho họ. Vì thế, Dòng Tên cần phải dấn thân cách ưu tiên cho công việc này. Trung thành với truyền thống ưu việt của mình, Dòng cần phải tiếp tục chăm chú huấn luyện các thành viên của mình trong khoa học và trong nhân đức, không tự hài lòng với mức tầm thường nửa vời. Bởi lẽ nhiệm vụ giáp mặt và đối thoại với những bối cảnh xã hội văn hoá đa dạng và với những não trạng khác nhau của thế giới ngày nay là một trong những nhiệm vụ khó khăn và nặng nhọc nhất. Và việc đi tìm phẩm chất và sự vững chãi nhân bản, thiêng liêng và văn hoá này phải là đặc điểm nổi bật của toàn hoạt động huấn luyện và giáo dục đa dạng của các tu sĩ Dòng Tên, hướng đến những loại người khác nhau mà họ gặp gỡ.

Trong lịch sử của mình, Dòng Tên đã sống những kinh nghiệm xuất chúng trong việc loan báo và nối kết Tin Mừng với các nền văn hoá của thế giới – chỉ cần nghĩ đến Matthêô Ricci ở Trung Quốc, Roberto De Nobili ở Ấn độ, hay những “khu dân cư tự trị” ở Châu Mỹ La-tinh – quí cha thật đáng tự hào về những điều đó. Hôm nay, tôi cảm thấy cần khuyến khích quí cha tiếp tục bước theo dấu chân của các bậc tiền nhân, với cùng một lòng dũng cảm và trí thông minh như thế, nhưng cũng với cùng một động lực đức tin sâu xa và nhiệt tâm phục vụ Chúa và Giáo Hội của Ngài như thế. Tuy nhiên, trong khi quí cha tìm cách nhận ra các dấu chỉ của sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ở mọi nơi trên thế giới, ngay cả bên ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình, trong khi quí cha nỗ lực xây những cầu nối của cảm thông và đối thoại với những người không thuộc về Giáo Hội hay cảm thấy khó có thể chấp nhận được các quan điểm và sứ điệp của Giáo Hội, thì đồng thời quí cha cũng cần phải nhận lấy trách nhiệm nền tảng của Giáo Hội là trung thành với lệnh truyền phải hoàn toàn phục tùng Lời Chúa, quí cha cũng phải nhận lấy bổn phận của Huấn Quyền là bảo tồn chân lý và tính nhất quán của toàn bộ đạo lý công giáo. Đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân của mỗi Giêsu-hữu: bởi vì khi quí cha hoạt động với tư cách là thành viên của một thân thể tông đồ, quí cha cũng phải lưu tâm làm sao cho các công việc và thể chế của quí cha luôn bảo toàn một căn tính sáng sủa và rõ ràng, sao cho mục đích của hoạt động tông đồ của quí cha không trở nên hàm hồ hoặc mờ tối, và sao cho nhiều người có thể chia sẻ cùng một lý tưởng với quí cha và cùng cộng tác với quí cha một cách hiệu quả và đầy nhiệt huyết vào công cuộc phục vụ Thiên Chúa và con người.

Như quí cha đã biết rất rõ, vì đã chiêm niệm nhiều lần bài “Hai Cờ Hiệu” trong Linh Thao của Thánh I-Nhã, thế giới của chúng ta là sân khấu của một cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu. Có những thế lực tiêu cực đang hoạt động, gây ra những tình huống bi kịch, đẩy đưa anh chị em chúng ta vào vòng nô lệ thiêng liêng và vật chất. Quí cha đã nhiều lần tuyên chiến chống lại các thế lực đó bằng cách dấn thân vào hoạt động phục vụ đức tin và thăng tiến công bình. Ngày nay, các thế lực đó thể hiện dưới nhiều hình thức, mà đặc biệt là ngang qua những khuynh hướng văn hoá đang ngày càng thống lĩnh: duy chủ quan, chủ nghĩa tương đối, duy khoái lạc, duy vật thực hành. Vì thế, tôi đã xin quí cha hãy tiếp tục dấn thân vào việc thăng tiến và bảo vệ đạo lý công giáo “đặc biệt là những điểm nhức nhối ngày nay đang bị văn hoá thế tục công kích mạnh mẽ”. Tôi đã nêu ra vài điểm nhức nhối đó trong Lá Thư tôi gởi Tổng Hội. Những chủ đề như ơn cứu độ của tất cả mọi người nơi Đức Kitô, luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình vẫn đang tiếp tục được tranh cãi và đặt thành vấn đề. Những chủ đề đó cần phải được đào sâu và soi sáng trong bối cảnh thực tại đương thời, nhưng luôn giữ được sự hài hoà với Giáo Quyền, tránh gây ra xáo trộn và bối rối trong cộng đồng Dân Chúa.

Tôi biết và hiểu rằng đây là một điểm đặc biệt tế nhị và khó khăn đối với quí cha và anh em của quí cha, đặc biệt là những hoạt động trong nghiên cứu thần học, đối thoại liên tôn và đối thoại với các nền văn hoá đương thời. Nhưng chính vì sứ mạng đặc thù này mà tôi đã mời gọi và đang mời gọi quí cha ngày hôm nay, hãy suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa trọn vẹn hơn của “lời khấn thứ tư” đặc thù của quí cha là vâng phục Đấng Kế Vị Phê-rô. Lời khấn đó không chỉ liên quan đến việc sẵn sàng được sai đi trong sứ mạng tại những miền đất xa xôi, mà còn – trong tinh thần chính thực của thánh I-Nhã “đồng cảm với Giáo Hội và trong Giáo Hội” – liên quan đến việc “yêu mến và phục vụ” Đấng Đại Diện Đức Kitô trên trần gian với một lòng quý trọng “thiết thực và trìu mến”. Lòng quý trọng đó làm cho quí cha trở thành những cộng tác viên quí giá và không thể thay thế được của Đấng Đại Diện Đức Kitô trong sứ mạng phục vụ Giáo Hội hoàn vũ của Ngài.

Đồng thời tôi cũng khuyến khích quí cha tiếp tục và canh tân sứ mạng của quí cha giữa người nghèo và với người nghèo. Đáng tiếc là vẫn không thiếu những nguyên nhân mới xuất hiện, gây ra đói nghèo và tha hoá trong một thế giới mang nặng những bất bình đẳng sâu xa về kinh tế và môi trường, những tiến trình toàn cầu hoá được thúc đẩy bởi lòng ích kỷ hơn là bởi tình liên đới, những xung đột vũ trang khốc liệt và vô lý. Như tôi đã khẳng định với các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh họp mặt tại Đền thánh Aparecida, “việc lựa chọn ưu tiên cho người nghèo có sẵn trong niềm tin kitô giáo vào một Thiên Chúa, Đấng đã vì ta mà trở nên nghèo khó, để làm cho ta trở nên giàu có nờ sự nghèo khó của Ngài (2Cor 8,9)”. Vì thế, điều dễ hiểu là ai muốn trở nên bạn đường đích thực của Đức Giêsu thì cũng chia sẻ thực sự tình yêu thương người nghèo của Ngài. Đối với chúng ta, lựa chọn người nghèo không phải là một ý thức hệ, mà phát sinh từ Tin Mừng. Trong thế giới ngày nay, còn vô số tình huống bi thảm của bất công và nghèo khổ. Và nếu chúng ta cần phải dấn thân để hiểu và chống lại các cơ cấu gây ra chúng, thì chúng ta cũng cần phải biết đi vào tận trái tim của con người để chống lại các gốc rễ thâm sâu của sự ác và của tội lỗi là cái tách lìa con người khỏi Thiên Chúa. Chúng ta cần làm điều đó trong khi không quên đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết nhất của anh chị em trong tinh thần bác ái của Đức Kitô. Tiếp nhận và phát huy một trong những trực giác sâu rộng vào lúc cuối đời của cha Arrupe, Dòng của quí cha tiếp tục dấn thấn một cách xứng đáng vào việc phục vụ người tị nạn. Họ thường là những người nghèo nhất giữa những người nghèo, họ không chỉ cần những viện trợ khẩn cấp về vật chất, mà còn cần sự đồng hành gần gũi và sâu xa về mặt thiêng liêng, nhân bản và tâm lý vốn là những công việc đặc thù chuyên môn của quí cha.

Cuối cùng tôi xin quí cha chú ý đặc biệt đến sứ vụ giúp Linh Thao vốn từ ban đầu đã là đặc điểm của Hội Dòng. Những bài Linh Thao là nguồn của linh đạo và là khung sườn của Hiến Luật của quí cha, nhưng cũng là quà tặng của Thần Khí Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội: quí cha phải tiếp tục làm cho Linh Thao trở thành khí cụ quí báu và hiệu quả cho việc thăng tiến thiêng liêng của các linh hồn, cho việc đưa dẫn họ vào cầu nguyện và chiêm niệm trong thế giới trần tục hoá này, nơi mà Thiên Chúa dường như vắng mặt. Mới tuần trước đây thôi, chính tôi đã được làm Linh Thao, cùng với những cộng sự viên gần gũi nhất của tôi trong Giáo Triều Rô-ma, dưới sự hướng dẫn của một người anh em đáng kính của quí cha, Hồng Y Albert Vanhoye. Vào thời buổi này, sự mông lung rối loạn, việc người nói thế này người nói thế kia, và các thay đổi nhanh chóng đã làm cho anh chị em đương thời của chúng ta rất khó có thể thiết lập một trật tự cho đời sống của mình và đáp trả một cách xác quyết và vui vẻ lời mời gọi của Chúa. Chính Linh Thao đã vạch ra một con đường và một phương pháp đặc biệt quí báu để tìm kiếm Thiên Chúa, ngay trong ta, xung quanh ta và trong mọi sự để nhận ra ý Ngài và đem ra thực hành.

Cũng trong tinh thần này, tinh thần của sự vâng phục ý Chúa, vâng phục Đức Kitô, vốn cũng là sự vâng phục khiêm tốn đối với Giáo Hội, tôi mời gọi quí cha hãy tiếp tục và hãy hoàn thành các công việc của Tổng Hội. Và tôi xin hiệp thông với quí cha trong lời kinh mà thánh I-Nhã đã dạy chúng ta ở cuối các bài Linh Thao – lời kinh này đối với tôi luôn quá lớn lao, đến nỗi dường như tôi không dám đọc, nhưng tuy nhiên, chúng ta luôn phải lấy lại can đảm mà đọc: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và toàn thể ý muốn của con, cùng tất cả những gì thuộc về con; mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa; tất cả là của Chúa, xin hãy sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa; chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa; thế là đủ cho con” (LT 234).

(Bản dịch Việt Ngữ từ nguyên bản tiếng Ý của Linh mục Nguyễn Hai Tính, S.J.)
 
Kinh Truyền tin Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay
Bình Hòa
12:54 24/02/2008
Như chúng ta đã biết, từ thời các giáo phụ, một trong những mục tiêu của mùa Bốn Mươi là chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm vào Đêm Vọng Phục sinh. Các bài Sách thánh ngày Chúa Nhật được lựa chọn nhằm mục tiêu đó. Chúa nhựt thứ nhất trình bày khởi điểm của hành trình cải hoán, đó là từ bỏ ma quỷ và tội lỗi. Chúa nhựt thứ hai trình bày đích điểm của hành trình, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô là Con Thiên Chúa. Ba Chúa Nhật kế tiếp giải thích ý nghĩa của bí tích rửa tội: nước mang lại sự sống, ánh sáng đức tin hướng dẫn cuộc đời, và sự sống bất diệt nhờ sự phục sinh. Hôm qua, đức thánh cha đã có hai cơ hội diễn giảng về đề tài các bài Sách Thánh của thánh lễ: một lần, trước khi đọc kinh Truyền tin lúc 12 giờ trưa tại quảng trường thánh Phêrô, dành cho các tín hữu và các khách hành hương; một lần khác trong Thánh lễ cử hành lúc 9 giờ sáng tại một giáo xứ ở trung tâm thành phố nhân dịp kỷ niệm 100 năm cung hiến nhà thờ của họ đạo. Trước hết, xin kính mời qú vị theo dõi bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến

Vào Chúa nhựt thứ ba của Mùa Bốn Mươi, năm nay phụng vụ trưng bày cho chúng ta một trong những bản văn đẹp nhất và sâu sắc nhất của Thánh Kinh, đó là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari (Ga 4,5-42). Thánh Augustinô đã bị thu hút bởi đoạn văn này và đã viết ra bài chú giải nổi tiếng. Không thể nào tóm tắt sự súc tích của bài Tìn mừng được; cần phải đọc và suy gẫm cá nhân thôi, bằng cách đồng hoá mình với người phụ nữ đi ra giếng để múc nước, và chị ta đã gặp Chúa Giêsu ngồi trên bờ giếng, mệt lả vào một buổi trưa nồng nực, mệt nhọc sau một chuyến đi. Chúa nói với chị: “Chị cho tôi chút nước uống”. Chị ta sửng sốt bởi vì chưa từng xảy ra chuyện một người Do thái ngỏ lời với một phụ nữ Samari không quen biết. Sự ngỡ ngàng của chị ta lại càng tăng thêm khi nghe Chúa Giêsu nói đến một “nước hằng sống” có khả năng cho chị hết khát, và sẽ trở nên “nguồn mạch vọt ra sự sống trường sinh”. Người biết được tông tích đời tư của chị. Người tỏ cho chị biết rằng đã đến giờ thờ lạy Thiên Chúa duy nhất chân thật trong thần khí và chân lý, và sau cùng Người bộc lộ cho chị biết rằng mình là Đấng Mesia.

Tất cả những chuyện này khởi đầu từ kinh nghiệm cụ thể của sự khát nước. Đề tài khát được khai triển xuyên suốt Tin mừng thánh Gioan: từ cuộc gặp gỡ người phụ nữ Samaria tới lời tuyên bố vào dịp lễ Lều (Ga 7,37-38), cho đến Thập giá, khi Chúa Giêsu trước khi tắt thở đã thốt lên lời “Tôi khát” (Ga 19,28) ngõ hầu hoàn tất Kinh Thánh. Cơn khát của Chúa Giêsu là một cánh cửa mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã trở nên khát để giải khát chúng ta, cũng như Người đã trở nên nghèo nàn để cho chúng ta được nên phú quý (xc 2Cr 8,9). Thật thế, Thiên Chúa khát lòng tin và tình yêu của chúng ta. Như một người cha tốt lành và nhân hậu, Người ước ao cho chúng ta được mọi sự tốt lành, và Người chính là sự tốt lành ấy. Phụ nữ Samaria tượng trưng cho sự khắc khỏi của kẻ không gặp thấy điều mà mình kiếm tìm: bà đã có “năm người chồng” và bây giờ bà đang sống với một ông khác. Việc đi đi lại lại tới giếng để múc nước nói lên một cuộc sống nhàm chán. Tuy nhiên mọi sự thay đổi từ hôm ấy, nhờ cuộc đàm đạo với Chúa Giêsu làm xáo trộn tất cả, khiến cho chị để lại vò nước và chạy đi loan báo với người trong làng rằng: “Hãy đến mà xem một người đã nói cho tôi hết những chuyện đã làm. Biết đâu là vị Mêsia chăng?” (Ga 4,28-29).

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy mở tấm lòng để tin tưởng lắng nghe lời Chúa, ngõ hầu, cũng như người phụ nữ Samaria, gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng bày tỏ cho chúng ta tình thương của Người, và nói với chúng ta rằng: Đấng Mêsia, vị cứu tinh của con “chính là Ta đây, Đấng đang nói với con” (Ga 4,26). Xin Đức Maria, người môn sinh tiên khởi va tuyệt vời nhất Ngôi Lời Nhập thể, cầu cho chúng ta được ơn đó.

Sau khi ban phép lành Tòa thánh, ĐTC còn thêm một lời kêu tình liên đới quốc tế đối với nhân dân nước Ecuador (Nam Mỹ Châu) vừa bị những cơn lụt lội tiếp theo thiên tai của núi lửa. Ngoài ra ngài cũng mời gọi các sinh viên tham dự buổi đọc kinh Mân côi vào chiều thứ bảy sắp tới, được nối mạng với các quốc gia châu Âu và châu Mỹ

Như đã nói trên đây, vào buổi sáng, Đức Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm một giáo xứ ở Testaccio, ở chân đồi Aventinô, nơi mà ngài đã khai mạc Mùa Bốn mươi cách đây non ba tuần lễ. Cơ hội viếng thăm là kỷ niệm 100 năm cung hiến thánh đường giáo xứ được uỷ thác cho các cha dòng Don Bosco phụ trách. Ngoài những lời chúc mừng nhắn nhủ theo hoàn cảnh, phần lớn bài giảng được dành để chú giải các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhật thứ ba Mùa 40, với chủ đề chính là “nước” được nhắc đến trong bài đọc thứ nhất và thứ ba. Bài đọc thứ nhất kể lại việc dân Do thái vào lúc thiếu nước đã nổi lên chống lại ông Moisen và Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của những lần mà chúng ta bắt Thiên Chúa phải chiều theo thị hiếu của mình, thay vì tín thác vào chưong trình của Ngài. Bài đọc thứ ba thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với phụ nữ Samaria muốn nói lên cơn khát tinh thần của con người, khát Thiên Chúa, khát cái gì vô tận. Đồng thời Phúc âm cũng cho thấy rằng Chúa Giêsu cũng khát: Người khát lòng tin và lòng yêu mến của chúng ta; Người chờ đợi chúng ta cởi mở tấm lòng để đón nhận ân huệ mà Người muốn trao cho chúng ta.

Ngoài ra, người phụ nữ Samaria, biểu tượng cho các dự tòng đang chuẩn bị gặp gỡ Chúa Giêsu qua các bí tích, cũng trở nên mẫu gương cho chúng ta. Nhờ cuộc đối thoại với Chúa, chị đã được biến đổi, và sau khi con tim đã được Chúa thu hút, chị ta trở về làng để thuật lại tình thương mà chị đã nhận được: chị đã trở nên một nhà truyền giáo cho đồng bào của mình.
 
Người Công Giáo Cuba lưu vong hiệp thông với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone
Đặng Tự Do
14:57 24/02/2008
Miami. Cộng đồng Công Giáo Cuba tại nam Florida đã hiệp thông trong chiến dịch cầu nguyện do Đức Tổng Giám Mục Dionisio Garcia Ibanez của tổng giáo phận Santiago, Cuba mời gọi nhân chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone tại giáo phận này hôm thứ Bẩy vừa qua.

Trong một lá thư mục vụ, Đức Tổng Giám Mục Garcia cho biết tổng giáo phận Santiago sẽ chào đón Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh “như một người hành hương đến Đền Đức Mẹ là Nữ Vương Cầu Bầu, là Đức Trinh Nữ Bác Ái. Đó là một giây phút cầu nguyện sâu xa. Những người trẻ từ các giáo phận lân cận và từ các cộng đoàn trong tổng giáo phận sẽ hiệp ý với ngài trong Kinh Mân Côi cho sự hòa giải và tình huynh đệ giữa những người Cuba”

“Do đó, tôi mời gọi tất cả những ai không thể hiện diện tại Đền sẽ cùng với chúng tôi hiệp thông trong lời cầu nguyện và trong những ý chỉ, dù ở nhà với gia đình và chòm xóm, hay ở nơi các nhà nguyện và nhà thờ, qua việc đọc Kinh Mân Côi hay tham dự Thánh Lễ”.

Tại Miami, cộng đoàn Công Giáo Cuba lưu vong “CRECED” đã đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục Garcia bằng cách tập trung tại Đền Đức Mẹ Đầy Lòng Bác Ái tại Miami cùng với Đức Cha Phụ Tá Felipe Estevez của tổng giáo phận Miami.

CRECED cũng đã mời gọi những người Công Giáo Cuba không đến được Đền Đức Mẹ Đầy Lòng Bác Ái hiệp thông với họ trong thánh lễ lúc 5:45 giờ địa phương.
 
Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor giải tán toàn bộ Ban Giám Đốc một nhà thương ở Luân Đôn
Thúy Dung
15:16 24/02/2008
Luân Đôn - Trong một quyết định rất quyết liệt, Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, Tổng Giám Mục Westminster, đã giải tán toàn bộ Ban Giám Đốc một nhà thương ở Luân Đôn sau hai năm thường xuyên xung đột với họ.

Đức Hồng Y O'Connor đã yêu cầu toàn bộ Ban Giám Đốc nhà thương St. John & St. Elizabeth ở Luân Đôn từ chức, và chỉ định một giám đốc mới sau khi không thông qua được những quy định luân lý theo những nguyên tắc luân lý Công Giáo.

Quyết định của Đức Hồng Y được đưa ra trong lúc có những tin đồn cho rằng nhà thương St. John & St. Elizabeth sắp được bán ra. Tuy nhiên, phát ngôn viên nhà thương cho biết đó chỉ là tin đồn nhảm và nhà thương này sẽ tiếp tục được điều hành “dưới sự hướng dẫn của luân lý Công Giáo”.

Xung đột giữa Đức Hồng Y và Ban Giám Đốc đã khởi đầu từ những phàn nàn của anh chị em giáo dân theo đó các nhân viên y tế tại nhà thương đã cấp phát thuốc ngừa thai và giới thiệu một số phụ nữ đến các trung tâm phá thai. Một cuộc điều tra độc lập về hoạt động của nhà thương đã được tiến hành theo đề nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng định những phàn nàn này là đúng sự thật.

Tháng 4/2007, Đức Hồng Y yêu cầu nhà thương ngưng cung cấp thuốc ngừa thai, và những hoạt động liên quan đến thụ thai trong ống nghiệm, đổi phái tính và giới thiệu phá thai. Đức Cha George Stack, Giám Mục Phụ Tá Westminster đã được chỉ định theo làm việc cụ thể với Ban Giám Đốc nhà thương nhưng tình hình không được cải thiện bao nhiêu.

Dr. Martin Scurr, một thành viên trong Ban Giám Đốc đã chống tới cùng tất cả mọi nỗ lực của Đức Hồng Y trong việc buộc nhà thương hành xử theo các nguyên tắc luân lý Công Giáo.
 
Chiến thuật Nội thù (1)
Vũ Văn An
17:46 24/02/2008
Chiến Thuật Nội Thù

Công đồng Vatican I và Công đồng Vatican II có một điểm chung về hậu quả lịch sử. Tuy nhiên, hậu quả lịch sử của Vatican I có vẻ tức khắc hơn. Thực vậy, ngay tháng 9 năm 1870, nghĩa là trước ngày Công đồng Vatican I (1869-1870) tạm chấm dứt vào ngày 20 tháng 10, gần 1 ngàn rưỡi người Đức đã ký một tuyên ngôn bác bỏ học thuyết vô ngộ do Công đồng này công bố ngày 18 tháng 7 cùng năm, coi nó như một ‘thứ đổi mới đi ngược lại đức tin truyền thống của Giáo Hội’.

1. Những Người Công Giáo Xưa

Nhóm này được rất nhiều học giả, chính trị gia, chính khách cũng như báo chí theo khuynh hướng tự do ở khắp nơi
TGM Gerardus Gul của Giáo Hội Xưa
ủng hộ. Cùng với tuyên ngôn ấy, là việc tách ly khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã của những người tự xưng là Công Giáo Xưa (Old Catholics), mặc dù trước đó, ngày 30 tháng 8 cùng năm, tại Fulda, đại đa số các giám mục Đức đã ra một thư mục vụ chung ủng hộ học thuyết vô ngộ. Những người Công Giáo Xưa tổ chức thành công Đại Hội lần đầu tiên tại Munich từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 9 năm 1871, dù trước đó, ngày 17 tháng 4 cùng năm, Tổng Giám Mục Munich đã phạt vạ tuyệt thông Dollinger, một trong các thủ lãnh của nhóm này (sau đấy đã từ bỏ nhóm nhưng vẫn không quay về với Giáo Hội). Tham dự Đại Hội này có 300 đại biểu từ Đức, Áo, và Thụy Sĩ; ngoài ra, còn có thân hữu đến từ Hòa Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Tây, Ái Nhĩ Lan các đại diện của Giáo Hội Anh Giáo, và Thệ Phản Đức cũng như Mỹ.

Đại hội lần hai được tổ chức tại Cologne từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9 năm 1872 có sự tham dự của 350 đại biểu các Người Công Giáo Xưa và sự hiện diện của một giám mục Jansenist, 3 giám mục Anh Giáo, một số giáo sĩ Nga, và khá nhiều mục sư Anh Giáo và Thệ Phản. Đại hội lần này quyết định bầu chọn giám mục cho giáo hội và vận động các chính phủ nhìn nhận giáo hội Công Giáo Xưa. Cảm quan chính trị hồi ấy rất thuận tiện cho giáo hội này, nên chẳng bao lâu các chính phủ Phổ, Baden, và Hesse đã chính thức nhìn nhận họ. Giáo sư Reinkens của Bonn được bầu làm giám mục ngày 4 tháng 6 năm 1873 và được nhà nước Phổ chính thức nhìn nhận là “Giám Mục Công Giáo” và trợ cấp 4,800 đức mã một năm. Đức Piô IX phạt vạ tuyệt thông đích danh Reinkens ngày 9 tháng 11 năm 1873…

Đề án do von Schulte đệ trình chứng minh rằng Người Công Giáo Xưa quả là Người Công Giáo Thật đã mau chóng được một số chính phủ tại Đức và Thụy Sĩ công nhận và khá nhiều nhà thờ Công Giáo đã được chuyển giao cho nhóm này. Họ phát triển khá nhanh, nhưng xuống cũng gần như cùng một tốc độ. Trong đế quốc Đức, năm 1878, họ có 122 cộng đoàn với 52,000 tín hữu, nhưng đến năm 1890, số ấy chỉ còn lại 30,000. Ở Thụy sĩ, năm 1877, con số là 73,000 người, nhưng năm 1890, con số ấy chỉ còn là 25,000 người. Tại Áo, lúc thịnh, giáo hội này có đến 10,000 tín hữu, nhưng đến đầu thế kỷ 20, con số ấy chỉ là 4,000. Bách Khoa Từ Điền Công Giáo cho hay vào đầu thế kỷ 20, trên toàn Âu Châu, con số những người Công Giáo Xưa chỉ là 40,000 người, đến nỗi trên thực tế, nhóm này không còn hiện diện nữa, hay ít nhất cũng không còn tầm quan trọng gì trong đời sống công.

Tuy nhiên, theo các tài liệu trên các trang mạng hiện nay, nhóm Công Giáo Xưa vẫn còn hoạt động mạnh, dù không có một tổ chức quốc tế bao trùm nào. Đúng hơn, họ sinh hoạt theo từng quốc gia, trong hiệp thông với Liên Hiệp Utretch (Hòa Lan). Con số tín hữu trên khắp thế giới của họ hiện nay ước chừng trên dưới 250,000 người, trong đó, riêng tại Hoa Kỳ là khoảng 70,000. Theo những người Công Giáo Xưa này, thì đức tin của họ vẫn đơn thuần chỉ là đức tin của Giáo Hội Công Giáo đã được Giáo Hội truyền dạy từ thời các thánh Tông Đồ cho tới ngày nay. Họ nhắc lại lời của Tổng Giám Mục Willibrord van Os của Utretch rằng; “Chúng tôi thừa nhận, không luật trừ nào bất cứ, mọi Điều trong Đức Tin Công Giáo Thánh Thiện. Chúng tôi sẽ không bao giờ chủ trương hay giảng dạy, lúc này cũng như sau này, bất cứ ý kiến nào khác với các ý kiến từng được Mẹ chúng tôi, là Thánh Giáo Hội, ban hành, xác định và công bố…”. Người Công Giáo Xưa, nhờ truy nguyên sự Kế Nghiệp Tông Đồ của mình qua Giáo Hội Công Giáo La Mã tới các Tông Đồ, đã tham dự vào thừa tác vụ bí tích đầy đủ của Giáo Hội. Luật Đức Tin của người Công Giáo Xưa là trung thành tuân giữ Thánh Kinh và Tông Truyền.

Ấy thế nhưng, về phương diện kỷ luật, quản trị và thủ thục, người Công Giáo Xưa khác với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Luật độc thân của giáo sĩ chẳng hạn chỉ là nhiệm ý chứ không bắt buộc. Đàn ông đàn bà có gia đình đều có thể được thụ phong. Cách cử hành phụng vụ cũng là một vấn đề thuộc kỷ luật do giám mục địa phương quyết định. Do đó, nhiều cộng đồng Công Giáo Xưa thừa nhận cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II đưa ra mặc dù vẫn duy trì Phụng Vụ của Công đồng Triđentinô, cử hành bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng địa phương. Có những cộng đồng còn cử hành cả nghi lễ Đông Phương nữa. Dĩ nhiên, điểm chủ yếu là họ đặt họ ra ngoài thẩm quyền tái phán của Đức Giáo Hoàng La Mã, dù vẫn tôn kính Ngài như người thừa kế Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, và là Thượng Phụ Phương Tây, và tin rằng Giáo Hội trong Các Đại Công Đồng là bất khả ngộ. Điểm khác biệt nữa là các tín hữu ly dị và sau đó tái kết hôn vẫn được tham dự đầy đủ sinh hoạt bí tích của Giáo Hội, còn vấn đề ngừa thai là việc tùy thuộc lương tâm của vợ chồng. Thần học Công Giáo Xưa nhìn nhận rằng lời dạy của huấn quyền Giáo Hội có hai mục tiêu: đào tạo lương tâm, trong trường hợp này thẩm quyền chỉ có tính giáo hóa; và dưỡng nuôi một lương tâm có hiểu biết cho nó trưởng thành, trong trường hợp này, thẩm quyền chỉ có tính hướng dẫn chứ không ra chỉ thị.

Phải nói ngay rằng, Giáo Hội Công Giáo La Mã vẫn nhìn nhận tính thành hiệu của các bí tích được cử hành trong các cộng đồng Công Giáo Xưa này. Và người ta ít bắt gặp những phê bình chỉ trích gay gắt từ Người Công Giáo Xưa nhằm vào Giáo Hội Công Giáo La Mã. Tuy nhiên, người Công Giáo Xưa hiện nay hay nhấn mạnh đến tính bất định chế của mình để mời gọi anh chị em Công Giáo nào cảm thấy nhu cầu vừa muốn duy trì đức tin của mình, vừa không muốn bị mất đi các tiếp xúc cá nhân, hay những người Công Giáo nào cảm thấy mình bị trở ngại không thể tham dự đầy đủ vào đời sống và các Bí Tích của Giáo Hội hãy cùng tham gia với họ để tiếp tục vừa là thành phần của Giáo Hội Chúa Kitô, vừa thanh thản bình an với chính lương tâm mình.

2. Hội Thánh Piô X

Hình như cái tính công giáo lựa lọc trên (selective catholicity) đang hết sức quyến rũ đối với một số lớn người Công Giáo thời hậu Công Đồng Vatican II. Ít nhất nó cũng đã gây hứng cho những người tạo ra và duy trì Hội Thánh Piô X của thế kỷ 20. Như mọi người đều biết, Hội này do tổng giám mục Marcel Lefèbre thành lập trong những ngày tiếp sau Công Đồng Vatican II (1962-1965). Và việc thành lập ra nó tiến hành một cách âm thầm hơn nhiều, tuy rằng việc duy trì nó hiện gây nhiều sóng gió và tiếng vang hơn gấp bội.

Phần lớn cuộc đời của tổng giám mục Marcel Lefèbre được trải qua trong cánh dồng truyền giáo Phi Châu. Ông từng là bề trên cả của Dòng Chúa Thánh Thần từ năm 1962 đến 1968. Năm ấy ông về hưu, khi Hội Dòng bắt đầu cải tổ theo tinh thần Công Đồng Vatican II, một cải tổ ông cho là không phù hợp tinh thần Công Giáo và quá theo phái Tân Thời (Modernist). Sau khi về hưu không lâu, ông được một số chủng sinh Pháp du học ở Rôma tiếp xúc, than phiền rằng họ bị hành khổ vì trung thành với các học lý cổ truyền và yêu cầu ông cho biết một số chủng viện bảo thủ để họ tiếp tục hoàn tất việc tu học. Ông khuyên họ về học ở Đại Học Fribourg, Thụy Sĩ.

Năm 1970, được tu viện trưởng tu viện Hauterive và nhà thần học dòng Đa Minh Marie-Dominique Philippe khuyến khích đích thân giảng dạy nhóm chủng sinh trên, tổng giám mục Lefèbre bèn tiếp xúc với Đức Cha Francois Charrière, Giám Mục Lausanne, Genève và Fribourg để xin thiết lập một hội dòng. Đức Cha Charrière đồng ý, thế là ngày 1 tháng 11 năm 1970, ông thành lập hội Thánh Piô X (tiếng Latinh gọi là Fraternitas Sacerdotalis Sancti Pii X có thể dịch là Huynh Đòan Linh Mục Thánh Piô X), trên căn bản một pia unio (hội đạo đức) tạm thời trong 6 năm. Pia unio là bước đầu qua đó một tổ chức Công Giáo phải trải qua trước khi được chính thức nhìn nhận là một cơ chế dòng tu hay một hội sống tông đồ (bộ giáo luật 1983 gọi là ‘hiệp hội tín hữu’ [association of the faithful] thay cho pia unio). Một giáo dân Thụy Sĩ dâng cúng một cơ sở ở Ecône để làm nơi đào tạo linh mục cho tổ chức vừa thành lập. Năm 1971, có 24 chủng sinh gia nhập, tháng 10 năm sau, thêm 32 chủng sinh nữa.

Thường thường, sau một thời gian thử nghiệm và sau khi đã tham khảo ý kiến Tòa Thánh, vị giám mục hữu trách sẽ nâng một pia unio lên vị thứ chính thức ở cấp giáo phận. Lefèbre lại muốn đi bước tắt bằng cách, ngay từ năm 1971, đã tiếp xúc với 3 thánh bộ khác nhau của Vatican để xin sớm được nhìn nhận. Ông chỉ nhận được một thư khích lệ của đức hồng y John Joseph Wright lúc ấy là chủ tịch Thánh Bộ Giáo Sĩ. Thánh bộ có nhiệm vụ nâng một pia unio lên vị thứ chính thức thì không chấp nhận. Trong khi đó, phần lớn các giám mục Pháp không chấp nhận quan điểm thần học của Marcel Lefèbre và đến năm 1974, thì hầu hết đều quả quyết là các vị sẽ không tiếp nhận các linh mục xuất thân từ Ecône. Phiền một điều, cho đến lúc đó, Hội Thánh Piô X đã mở thêm các chủng viện khác ở Armada, Michigan (1973) và Rôma (1974).

Tháng 6 năm 1974, một ủy ban hồng y tại Vatican được thành lập để điều tra về Hội Thánh Piô X. Các ngài cử hai linh mục Bỉ tới Ecône để kinh lý trong các ngày 11 tới 13 tháng 11 năm 1974. Tuy phúc trình của hai vị có vẻ thuận lợi, nhưng có tin cho hay quan điểm thần học của hai vị lúc ở đấy bị người Ecône coi là quá cấp tiến làm các chủng sinh và nhân viên giảng huấn hết sức ngỡ ngàng. Trong một trạng thái mà sau này chính ông miêu tả là ‘hết sức bất bình’, Lefèbre viết một ‘tuyên ngôn’ trong đó ông cực lực kết án điều ông coi là các khuynh hướng quá cấp tiến hiển hiện trong Giáo Hội đương thời, những khuynh hướng ông cho là đã có ngay tại Công Đồng Vatican II và trong những cải tổ sau đó. Tuyên ngôn này bị tiết lộ và được đăng trên nhật báo bảo thủ Itinéraires của Pháp ngày 1 tháng Giêng năm 1975. Các “địch thủ” của ông chỉ chờ có vậy.

Cũng tháng Giêng năm đó, Đức Cha Pierre Mamie, giám mục Fribourg, viết thư cho Rôma nói rõ ý định muốn rút lại vị thứ pia unio mà vị tiền nhiệm của ngài đã ban cấp. Cũng thời gian đó, Lefèbre được các hồng y mời qua Rôma hội ý. Sau hai cuộc gặp gỡ vào tháng 2 và tháng 3 năm đó, với sự chấp thuận của Rôma, ngày 6 tháng 5, Đức Cha Mamie chính thức rút lại vị thứ pia unio dành cho Hội Thánh Piô X. Lefèbre yêu cầu luật sư của mình kháng án và sau cùng đã thỉnh cầu toà Tông Ký (Apostolic Signatura), tức tòa án cao nhất của Giáo Hội, phán xử. Nhưng đức hồng y Staffa, chánh án tòa này, không chấp nhận lời thỉnh cầu. Kể từ ngày đó, Hội Thánh Piô X không còn được công nhận là một tổ chức trong Giáo Hội Công Giáo nữa.

Vì coi mình bị các thánh bộ đối xử bất công, việc loại bỏ Hội Thánh Pio X là không công bằng và thủ tục dùng trong diễn trình loại bỏ ấy không hợp Giáo Luật, nên Lefèbre và các cộng sự viên vẫn tiếp tục duy trì các cơ sở và định chế của mình. Dù được đức Phaolô VI đích danh yêu cầu thay lòng đổi dạ, và được phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh yêu cầu đừng phong chức linh mục cho các chủng sinh thuộc Hội Thánh Piô X, ông vẫn tiến hành việc ấy ngày 29 tháng 6 năm 1976. Một tuần lễ sau, Bộ Giám Mục yêu cầu ông xin lỗi Đức Thánh Cha. Không những không xin lỗi, ông còn biên một thư trả lời, tố cáo rằng trước Công Đồng đã có một “thỏa hiệp bí mật giữa các viên chức cao cấp của Giáo Hội và của bè Tam Điểm”.

Nhưng nặng nhất phải kể vụ ông tấn phong 4 giám mục vào ngày 30 tháng 6 năm 1988, sau một cố gắng hòa giải mà người góp công lớn là chính đức hồng y Joseph Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Người ta còn nhớ, tháng 6 năm trước, Lefèbre công bố ý định tấn phong giám mục cho các linh mục thuộc Hội Thánh Piô X dù được Tòa Thánh chấp thuận hay không. Dĩ nhiên Tòa Thánh rất buồn về công bố ấy, nhưng sẵn sàng nói truyện với ông. Cuộc nói truyện ấy đã dẫn đến việc ký nhận vào ngày 5 tháng 5 năm 1988 một thỏa hiệp đại cương giữa ông và đức hồng y Ratzinger. Văn kiện này gồm hai phần. Phần đầu có tính học lý trong đó, Lefèbre nhân danh cá nhân và nhân danh Hội Thánh Piô X, đoan hứa giữ lòng trung thành với Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng, chấp nhận học thuyết chứa trong phần 25 Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân của Vatican II, cam kết giữ thái độ hoàn toàn không tranh cãi cả trong nghiên cứu lẫn thông đạt với Tòa Thánh về các khía cạnh gây vấn đề của Công Đồng Vatican II và các cải cách sau đó, nhìn nhận tính thành sự của các nghi thức Thánh Lễ và các bí tích khác vừa được sử đổi, hứa tôn trọng kỷ luật chung của Giáo Hội và các luật lệ của Giáo Hội, ngoại trừ các điều khoản đặc biệt ban cấp cho Hội Thánh Piô X. Phần thứ hai liên quan đến các khía cạnh pháp lý: Hội Thánh Piô sẽ trở thành Hội Sống Tông Đồ với những miễn trừ đặc biệt liên quan đến phụng vụ công cộng, chăm sóc các linh hồn và sinh hoạt tông đồ, Hội Thánh Piô X được ban cấp năng quyền cử hành các nghi thức theo Công Đồng Triđentinô, một ủy ban đặc biệt, trong đó có hai thành viên Hội Thánh Piuô X sẽ được thiết lập để làm dễ các tiếp xúc và giải quyết các vấn nạn cũng như tranh chấp, sẽ đề nghi Đức Giáo Hoàng tấn phong giám mục một thành viên của Hội.

Trong khi chờ đợi đệ trình văn kiện trên cho Đức Giáo Hoàng chuẩn y, Lefèbre khai triển nhiều hành động không đẹp. Vì ngay ngày hôm sau, ông tuyên bố sẽ tiến hành việc tấn phong giám mục, dù được hay không được Đức Giáo Hoàng chấp nhận. Trong cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng 5, ông được thông báo rằng Đức Giáo Hoàng đồng ý ngày 15 tháng 8 sẽ tấn phong một thành viên của Hội Thánh Piô X làm giám mục; về phần mình, Lefèbre phải xin hòa giải với Giáo Hội dựa trên văn kiện ngày 5 tháng 5. Thừa cơ hội này, ông đưa ra ba đòi hỏi: tấn phong giám mục ngày 30 tháng 6, không phải một mà là 3 giám mục được tấn phong, đa số các thành viên của ủy ban đặc biệt phải là người của Hội Thánh Piô X.

Theo chỉ thị của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger trả lời để Lefèbre hay phải tuân giữ thoả hiệp ngày 5 tháng 5 và nếu cứ tấn phong giám mục vào ngày 30 tháng 6, Tòa Thánh sẽ rút lại lời hứa cho phép việc tấn phong ấy. Lefèbre trả lời rằng mình vẫn tiến hành việc tấn phong như đã định. Lần này thì chính Đức Gioan Phaolô viết thư yêu cầu ông đừng tiến hành và cho hay việc tiến hành ấy “bị coi không là gì khác hơn một hành vi ly giáo, mà hậu quả thần học cũng như giáo luật Đức Cha đã rõ”. Lần này, Lefèbre không trả lời và đã tấn phong 4 thành viên của Hội Thánh Piô X làm giám mục đúng ngày 30 tháng 6. Ngay ngày hôm sau, Thánh Bộ Giám Mục ban hành sắc lệnh phạt vạ tuyệt thông ông và ngày 2 tháng 7, Đức Gioan Phaolô II ban hành tông thư Ecclesia Dei, lên án tổng giám mục Lefèbre, nói rõ ông đã phạm hành vi ly giáo.

Nhưng không một văn kiện nào chính thức kết án các linh mục cũng như giáo dân theo Hội Thánh Piô X là ly giáo và do đó bị vạ tuyệt thông cả. Ý định của Đức Cha Ferrario của Hawaii ngày 1 tháng 5 năm1991 tính ra vạ tuyệt thông một số người theo Hội Thánh Piô X đã bị Đức Hồng Y Ratzinger coi là thiếu ‘nền tảng và do đó không thành hiệu’. Về phần Hội, họ vẫn coi mình trung thành với Giáo Hội Công Giáo và mọi giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hội, chỉ bác bỏ những điều họ coi là mới lạ trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Họ vẫn chính thức nhìn nhận Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng. Ấy thế nhưng họ lại cho rằng Đức Bênêđictô XVI khi còn là Hồng Y đã phạm nhiều điều lạc đạo và chưa bao giờ rút lại những sai lầm ấy, rằng Vatican II không thể là một công trình Công Giáo, rằng một ngày nào đó Giáo Hội sẽ xóa bỏ nó.

Dù có những tin tức lạc quan gần đây với khá nhiều nhượng bộ từ phía Toà Thánh, nhưng tựu chung, tình trạng vẫn dậm chân tại chỗ. Còn nhớ, nhân năm thánh 2000, nhóm này hướng dẫn một phái đoàn hành hương lớn tới Rôma. Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos thuộc Ủy Ban Ecclesia Dei đã gặp gỡ các giám mục của Hội và cho hay Đức Giáo Hoàng sẵn sàng ban cho hội tư cách phủ giám chức tòng nhân (personal prelature) giống như tư cách của Opus Dei. Nhưng các giám mục của Hội tỏ ra không tin tưởng cho đó là một đề nghị mơ hồ. Các ông đề nghị phải có hai dấu hiệu tiên quyết về phía Toà Thánh: một là cho phép tất cả các linh mục cử hành Thánh Lễ theo nghi thức của Công Đồng Tridentinô, hai là tuyên bố vô hiệu các tuyên bố trước đây coi việc tấn phong giám mục năm 1988 là hành vi dẫn đến vạ tuyệt thông. Kể từ ngày đó, liên tục có những cuộc gặp gỡ giữa hai bên.

Tòa Thánh tuyên bố sẵn sàng cất bỏ (lifted) vạ tuyệt thông chứ không tuyên bố vô hiệu. Và gần đây, Đức Bênêđictô XVI đã ban hành tự sắc Summorum Pontificum ngày 7 tháng 7 năm 2007 nới rộng các đòi hỏi cử hành Thánh Lễ theo kiểu cũ. Lý do ban hành đã được chính Đức Bênêđictô XVI cho biết là đang ‘đi đến việc hòa giải bên trong giữa lòng Giáo Hội’ và vì trách nhiệm ‘phải làm mọi cố gắng giúp những người thực sự mong muốn hiệp nhất tiếp tục ở lại trong sự hiệp nhất ấy hay làm nó nên mới trở lại’. Không nói thì ai cũng hiểu Ngài muốn ám chỉ Hội Thánh Piô X. Giám mục Fellay, hiện đứng đầu Hội, hoan hô sáng kiến của Đức Bênêđictô XVI nhưng cho hay nhiều khó khăn vẫn còn đó.

Thái độ cứng rắn của nhóm này phải chăng một phần dựa vào ‘thành tích’ đáng kể của họ hiện nay. Theo các số liệu đăng trên trang mạng của Hội ngày 1 tháng Giêng năm 2007, hiện họ có 473 thành viên linh mục rải rác tại 31 quốc gia, 68 sư huynh, 157 nữ tu, 190 chủng sinh tại 3 chủng viện quốc tế, 3 tiểu chủng viện, 159 giáo xứ với 720 trung tâm có thánh lễ thường xuyên, 9 nhà tĩnh tâm, 14 trường học lớn, và ít nhất 70 nguyện đường, và 2 trường đại học.

(còn tiếp)
 
Đức Thánh Cha Nói: Thiên Chúa Muốn Những Điều Tốt Đẹp Nhất Cho Nhân Loại
Bùi Hữu Thư
21:28 24/02/2008

Đức Thánh Cha Nói: Thiên Chúa Muốn Những Điều Tốt Đẹp Nhất Cho Nhân Loại



Chính Chúa Đã Nói Điều Này.

VATICAN CITY, (24/2/2008) Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, “Như một người cha nhân hiền, Thiên Chúa muốn những gì tốt đẹp nhất cho nhân loại.”

Đức Thánh Cha nói hôm nay, trước khi đọc kinh trưa cùng với hàng ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Ngài giảng về đoạn Phúc Âm Thánh Gioan, kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà bên giếng nước. Ngài nói, “đây là một trong những đoạn Phúc Âm hay nhất và sâu xa nhất.”

Đức Thánh Cha nói "Không có thể nào đưa ra được sự phong phú của đoạn Phúc Âm này nếu chỉ suy diễn ngắn gọn, cần phải đọc và suy ngẫm một mình, phải đặt mình vào tâm trạng của người phụ nữ, một ngày như mọi ngày, đi kín nước từ giếng, và tìm gặp Chúa Giêsu ngồi đó, 'mệt mỏi sau một chuyến đi' trong sự nồng nực của buổi trưa."

Ngài nói, “Cuộc gặp gỡ thiếu phụ Samaria bắt đầu với ‘cảm nghiệm chân thực và ý nghĩa của cái khát.’"

Đức Thánh Cha tiếp, "Cái khát của Chúa Kitô là một cửa ngõ để chúng ta bước vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, Người đã tự khiến cho mình khát để cho chúng ta được no thỏa, cũng như Người đã làm cho mình nghèo khó để cho chúng ta được giầu có. Thực vậy, cái khát của Thiên Chúa là về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như một người cha nhân hiền, Người muốn ban cho chúng ta mọi sự tốt lành có thể có, và sự tốt lành đó chính là Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha nói, "Về phần thiếu phụ Samari, bà biểu tượng cho sự đau khổ về cuộc sống của những ai chưa tìm được những gì họ đang tìm kiếm. Bà ta có 'năm người chồng' và hiện đang sống với một người đàn ông khác; việc bà đến giếng nước mỗi ngày biểu hiệu cho một cuộc sống tái diễn và cam chịu."

Đức Thánh Cha nói, "Nhưng tất cả mọi sự đã hoàn toàn thay đổi cho bà ta vào ngày ấy, qua câu chuyện giữa bà và Chúa Giêsu. Bà đã bị đánh động mạnh đến nỗi bà bỏ quên lại cái bình nước để chạy như bay đi báo cho dân làng: 'Hãy đến mà xem người đã bảo cho tôi biết tất cả những gì tôi đã làm. Đấng ấy phải chăng là Đấng Messiah?'"

Đức Thánh Cha kết luận, "Chúng ta hãy mở lòng cho Lời Chúa lọt vào, như thiếu phụ Samari đã bầy tỏ được tình yêïu của Người cho chúng ta."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đào tạo giáo dân ở giáo xứ Phú Hậu, thuộc Tổng Giáo Phận Huế
Tôma Hoàng Kim Khánh
19:14 24/02/2008
Huế, Việt Nam ( 25-02-2008): Giáo dân cần được đào tạo về mọi mặt để có thể tổ chức và thực hiện tốt những hoạt động ở một giáo xứ. Đào tạo giáo dân là công việc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian của linh mục quản xứ, nhưng là công việc cần thiết, có ý nghĩa lâu dài.

Phú Hậu, một giáo xứ nhỏ, ở phía bắc Sông Hương, thuộc địa bàn phường Phú Hậu, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 ki-lô-mét, hiện có 162 gia đình, 674 giáo dân trong đó 367 nữ. Nguyên gốc do họ giáo Bãi Dâu - họ nhánh của Giáo xứ Gia Hội, Huế và giáo xứ Đại Phong từ Quảng Bình di cư vào họp thành đầu năm 1960.

Nhìn lại 48 năm xây dựng và phát triển, qua 10 linh mục quản xứ hoặc quản nhiệm: Tốc độ và nhịp độ xây dựng và phát triển ở 34 năm đầu là chậm, điều này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan Đạo và Đời. Nhưng kể từ 11-12-1994, Cha Cố Giuse Trần Thắng Trung quản xứ, rồi từ tháng 02-2002 Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, nay là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế, quản xứ, và từ 27-7-2005 đến nay Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, quản xứ, Phú Hậu đã có những đổi thay lớn.

Ông Têphanô Nguyễn Duy Lành, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ với tâm tình tạ ơn, vui vẻ nói "Quả thật, đã qua giai đoạn thử thách, gian khó, cám tạ Chúa đã sắp đặt mọi sự cho giáo xứ chúng tôi trong 10 năm gần đây".

Xét về số: Giáo dân ngày một tăng, cơ sở vật chất như nhà xứ, nhà hội, nhà thờ,…từng bước được tu sửa hoặc xây mới nhằm đáp ứng yêu cầu phụng vụ và sinh hoạt của giáo dân. Nhưng Cha Antôn nói " Điều đó là cần nhưng cái cần hơn nữa là con người - những giáo dân trưởng thành". Chính vì thế, trong hoạt động mục vụ Ngài quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo giáo dân.

Ban Khuyến học tổ chức các lớp học văn hóa vào ban tối, Ban Giáo lí tổ chức các lớp học giáo lí hàng tuần cho mọi giới đặc biệt cho thanh thiếu nhi - tương lai của giáo xứ - khuyến khích, giúp đỡ họ học văn hóa, rèn luyện nhân bản và củng cố đức tin - để làm Người và làm Con Chúa.. Nhờ các hoạt động của Ban Khuyến học, nhờ việc dạy và học hỏi giáo lí, kết quả học tập văn hóa và rèn luyện đạo đức của học sinh là con em trong giáo xứ năm học sau cao hơn năm học trước. Năm học 2006-2007 có 65/168 con em trong giáo xứ đạt xếp loại văn hóa là Khá, Giỏi, có 72/168 đạt xếp loại hạnh kiểm Tốt.

Các thành phần giáo dân được tập hợp lại trong các hội đoàn, các tổ chức như Giới trẻ, Sinh viên Công giáo, Hội Gia trưởng, Ban Chung Sự, Nhóm Tác viên Tin Mừng, Ca đoàn, Legio, … Cha Tuyến khẳng định: "Bằng và thông qua các hoạt động của các hội đoàn, tổ chức, giáo dân sẽ tự đào tạo và được đào tạo về mọi mặt để trưởng thành".

. Buổi sinh hoạt của bất kì một hội đoàn, tổ chức nào dù bằng hình thức nào đi nữa, đều phải có 3 phần chính yếu không thể thiếu: Phần tỉnh nguyện, là phương thế để xây dựng đời sống tâm linh của người tín hữu. Phần học tập và thảo luận về một đề tài thiết yếu nào đó hoặc về đức tin, hoặc về đời sống,. .. phù hợp với độ tuổi, giới, hoặc lĩnh vực hoạt động để củng cố đức tin, nâng cao sự hiểu biết, ý thức, tinh thần trách nhiện, rèn luyện kỹ năng sống, … Và phần xây dựng kế hoặch để sống, thực hành Lời Chúa.

Anh Phêrô Trương Công Quyền, Trưởng ban Chung sự nói "Khác với trước đây, bây giờ tất cá anh em trong Ban Chung sự ý thức được việc giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật, gia đình có người quá cố là bổn phận, trách nhiệm của người Kitô hữu, không phải là công việc của cha sở, của Hội đồng Giáo xứ phân công cho họ. Qua chung sự cho người quá cố, chính anh em nhận ra họ cần phải chuẩn bị cho giờ họ được Chúa gọi".

Chị Annê Nguyễn Thị Kim Chúc, nói về các thành viên của Nhóm Tác viên Tin Mừng "Anh chị em chúng tôi nhận thức rằng rao giảng Lời Chúa không chỉ là công việc của linh mục, tu sĩ mà còn là công việc của mỗi người Kitô hữu. Với khả năng hèn mọn, chúng tôi rao giảng Lời Chúa bằng chính đời sống, công viêc thường ngày của chúng tôi".

Gặp gỡ, chuyện trò với giáo dân Phú Hậu hôm nay, một cháu thiếu nhi, hoặc một cụ bà, tôi dễ nhận ra nơi họ là sự trưởng thành cả trong nhận thức và hành động. Kết quả của bao công khó gieo trồng, bồi đắp từ nhiều đời linh mục đã từng quản xứ nơi đây và của cha Antôn hiện nay. Cây đã đến mùa đơm hoa kết quả. Giáo xứ, giáo hội sẽ mạnh thêm.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, 62 tuổi, 32 năm linh mục, giáo sư của nhiều Đại chủng viện, Hội Dòng tại Việt Nam, chia sẻ: " Tập hợp giáo dân không khó, cái khó là: Mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo họ như thế nào? Và bằng cách nào để họ không ngừng hoạt động?" Ngài nói thêm " Và dĩ nhiên tôi phải có một đội ngũ cộng sự nhiệt tình và có năng lực hoạt động".

2010, Giáo Xứ Phú Hậu tròn 50 tuổi, cũng sẽ là năm mà hy vọng "Ước Mơ Xây Ngôi Đền Thờ Mới" sẽ được thành tựu trong niềm vui của tất cả con cháu xa gần gốc Phú Hậu, như một đánh dấu đậm nét cho một giai đoạn mới của tuổi "tri thiên mệnh". Xin cùng hiệp lời tạ ơn Chúa.
 
Đời sống một giáo xứ Việt Nam ở hải ngoại: Giáo xứ Việt Nam ở Paris
GS. Trần Văn Cảnh
19:24 24/02/2008
ÐỜI SỐNG CỦA MỘT GIÁO XỨ CÔNG GIÁO

Giáo Xứ Việt Nam Paris


LTS: Xin giới thiệu một biên khảo của Giáo Sư Trần Văn Cảnh, Cố vấn văn hoá giáo dục của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, nói về đời sống giáo xứ Việt Nam ở Paris. Một biên khảo giá trị. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng từng chương để chia sẻ với qúi độc giả về sinh hoạt của một giáo xứ Việt Nam tại hải ngoại có thể nói là lâu đời nhất.

Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam đang chuẩn bị cử hành NĂM THÁNH 2010. Ngày 30.11.2007, Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đưa ra một Ðề Án, theo đó, năm 2008 ba chủ đề sẽ được nghiên cứu về Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông và Giáo Hội sứ vụ. Nhân dịp này, chúng con xin đóng góp vài sự kiện và suy tư, có thể còn nông cạn sánh với đề cương được vạch ra, nhưng nếu có thể góp phần cách nào đó thì cũng vui rồi. Chúng con xin nói về « Ðời sống của một giáo xứ việt nam », qua 9 khía cạnh: 1- Giới thiệu tổng quát, 2- Mục Vụ Văn Hóa, 3- Mục Vụ Xã Hội, 4- Mục Vụ Hôn nhân Gia Ðình, 5- Mục Vụ Giáo Dục Ðào tạo, 6- Quản lý phương tiện tài chánh, cơ sở và dụng cụ, 7- Sinh hoạt đặc biệt kỷ niệm 60 năm, 8- Những sinh hoạt hằng năm, 9- Nhưng sinh hoạt đặc biệt trong năm. (Paris, Giáo Xứ Việt Nam 2007)


MỤC LỤC TÓM TẮT

LỜI MỞ CHUNG

1. Giới thiệu tổng quát về Giáo Xứ Việt Nam Paris

1.1. Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris

1.2. Hiện tại ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

1.3. Cách làm việc ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

1.4. Công việc của Ban Giám Đốc giáo xứ

1.5. Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ

1.6. Những liên hệ của Giáo Xứ Việt Nam Paris

2. Mục Vụ Văn Hóa

2.1. Chính sách Mục Vụ Văn Hoá

2.2. Mục vụ Văn Hóa Thuyết trình

2.3. Mục Vụ Văn Hoá Báo chí

2.4. Mục Vụ Văn Hoá Thư liệu

2.5. Mục vụ Văn Hóa Tu Thư Tập Thể

2.6. Giới thiệu sách « Kỷ Yếu 50 năm thành lập GXVN Paris 1947-1997 »

2.7. Giới thiệu sách « Ðường vào tình yêu »

2.8. Giới thiệu sách « Văn Hóa và Ðức tin »

2.9. Giới thiệu sách « Văn Hóa Gia Ðình »

2.10. Giới thiệu sách « Tân Lịch Sử Giáo Hội »

2.11. Mục vụ Văn Hóa Mạng Lưới Tin Học

3. Mục Vụ Xã Hội

3.1. Mục vụ Xã hội Bác ái thời Liên đoàn

3.2. Mục Vụ Xã hội Bác ái thời Tổ chức Truyền Giáo

3.3. Mục Vụ xã hội Bác ái thời GXVN cuối thế kỷ XX

3.4. Mục Vụ xã hội Bác ái thời GXVN đầu thế kỷ XXI

3.5. Liên đới Nghề Nghiệp: Lý do thành lập

3.6. Liên đới Nghề Nghiệp: Chuẩn bị thành lập

3.7. Liên đới Nghề Nghiệp: Thành lập

3.8. Liên đới Nghề Nghiệp: Sinh hoạt tư ngày thành lập

3.9. Liên đới Nghề Nghiệp: Một dự án tương lai

4. Mục Vụ Hôn Nhân Gia Ðình

4.1. Mục vụ gia đình theo Tông huấn Gia Dinh

4.2. Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

4.3. Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

4.4. Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

4.5. Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

4.6. Khánh nhật thượng thọ 1999

4.7. Kết quả Mục Vụ Hôn Nhân Gia Ðình

4.8. Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội và Gia Ðình

5. Mục vu giáo dục

Tiết I: Giáo dục khởi đầu Căn Bản cho Ấu Thiếu Nhi

5.1. Khoá trình tiếng việt

5.2. Khoá trình giáo lý

5.3. Khoá trình giáo dục xã hội

5.4. Khoá trình giáo dục đức tin

5.5. Thay lời kết: Tết Trung Thu 2007

Tiêt II: Giáo dục khởi đầu Căn Bản cho Kha Tráng Niên

5.6. Khoá trình chuẩn bị trưởng

5.7. Khoá trình huấn luyện trưởng

5.8. Khoá trình trại hè tiếng việt

5.9. Thay lời kết: Ngày Gia Ðình: Giáo dục con cái ở bậc Tiểu và Trung Học

Tiết III: Giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho Thanh Niên

5.10. Khoá trình Tổng quát trẻ

5.11. Khoá trình ca nhạc

5.12. Khoá trình cầu nguyện và sống đạo

5.13. Khoá trình chuẩn bị hôn nhân

5.14. Khoá trình Chuẩn bị Ơn gọi Tận hiến

5.15. Thay lời kết: Giới trẻ mừng xuân Mậu Tý 2008

Tiết III: Giáo dục liên tục

5.16. Khoá trình Giáo dục liên tục tiếng Pháp

5.17. Khóa trình Giáo dục liên tục Cán Bộ Công giáo tiến hành

5.18. Khoá trình Giáo dục liên tục Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam

5.19. Khoá trình Giáo dục liên tục Ðức tin

5.20. Thay lời kết: Ngày văn hóa việt nam 2007

6. Quản lý phương tiện tài chánh, cơ sở và dụng cụ

6.1. Quản lý tài chánh thời Liên Ðoàn

6.2. Quản lý tài chánh thời Tổ chức Truyền giáo

6.3. Quản lý tài chánh thời Giáo xứ 1977-1980

6.4. Chương trình 1980-1982: quân bình ngân quỹ

6.5. Chương trình 1983-1984: gây quỹ án loát và trùng tu cơ sở

6.6. Kế hoạch Sổ Vàng 1986-1996 gây quỹ cơ sở tương lai

6.7. Kế hoạch ngũ niên 1998-2003 gây quỹ cơ sở và điều hành

6.8. Tự lập và góp quỹ Giáo Hội 2002-2007

6.9. Dự án Tương lai ?

7. Sinh hoạt đặc biệt năm Hồng Ân, kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ

7.1. Thi hang đá

7.2. Lễ thượng thọ

7.3. Ngày bệnh nhân

7.4. Diễn nguyện thánh ca « Hồng Ân »

7.5. Thánh lễ tạ ơn năm Hồng Ân với Ðức Khâm Sứ Toà Thánh

7.6. Tiệc tiếp tân mừng năm Hồng Ân

7.7. Triển lãm mừng năm Hồng Ân

7.8. Thánh lễ tạ ơn với cha Ðại Diện các tuyên Úy Việt Nam tại Pháp

7.9. Tọa đàm 25 năm thành lập HÐMV

7.10. Thánh lễ tạ ơn với Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa

7.11. Thánh Lễ bế mạc năm Hồng Ân, niềm vui chung của cộng đoàn

7.12. Văn nghệ « Triều Dâng Ơn Phước cả », kết thúc năm Hồng Ân

8. Sinh hoạt hằng năm

8.1. Nhóm chuyên gia mừng bổn mạng « Hiển Linh » với giới trẻ

8.2. Tiệc Xuân Thân Hữu Taxi

8.3. Tiệc xuân thân hữu Hội Ðồng Mục Vụ

8.4. Giao Thừa Ðinh Hợi

8.5. Rửa tội và thêm sức cho 12 anh em tân tòng

8.6. Ngày văn hóa

8.7. Ðại hội LÐNN

8.8. Tiệc truyền giáo LÐNN

8.9. Gia đình trẻ

8.10. Hai ngày thân hữu GXVN

8.11. Ngày tỵ nạn

8.12. Ðại Hội Mục Vụ kỳ 1

8.13. Họp khai công BTV HÐMV

8.14. Tựu trường thiếu nhi

8.15. Ðại Hội Mục Vụ kỳ 2

9. Sinh hoặt đặc biệt trong năm

9.1. Cầu nguyện liên tôn cho các linh hồn tổ tiên

9.2. Làm phép mồ cựu hoàng Bảo Ðại

9.3. Kỷ niệm 40 năm thành lập Ðạo Binh Ðức Mẹ

9.4. Trại kỷ niệm sinh nhật thứ 20 Ðoàn TNTT

9.5. Huấn luyện ca trưởng

9.6. Ðại hội hành hương Lộ Ðức

9.7. Các tân chức linh mục tu sĩ việt nam tại Pháp

9.8. Lễ cầu hồn cho hai cha Việt Nam mới qua đời

9.9. Vĩnh biệt Ðức Hồng Y LUSTIGER

9.10. Ðức Cha Nguyễn Chí Linh ghé thăm giáo xứ

9.11. Ca đoàn Triều Dâng mời cả cộng đoàn mừng sinh nhật thứ 10

TỔNG KẾT
 
Giáo xứ Việt Nam Paris: Giới thiệu
GS. Trần Văn Cảnh
19:27 24/02/2008
LỜI MỞ
Giáo xứ Việt Nam Paris


Mỗi giáo xứ đều có những hoàn cảnh riêng, cá biệt, được cấu thành do những hoàn cảnh thiên nhiên khác nhau, nhân sự khác nhau, xã hội khác nhau, kỹ thuật khác nhau.

Nhưng tất cả các giáo xứ công giáo, to hay nhỏ, xưa hay mới, tây hay ta, … đều được quản lý theo những nguyên tắc chung, được ấn định trong Giáo Luật, ở Quyển II, Phần II, Tiết II, Thiên 3, Chương VI về « Các giáo xứ », từ khoản 515 đến hết khoản 552.

Bởi vậy, trong những nét riêng tư và cá biệt của một giáo xứ, vẫn che dấu những nết chung. Bất cứ một giáo xứ nào cũng có một địa điểm, một lịch sử, một tổ chức, gồm ban giám đốc và giáo dân, một nhóm những sinh hoạt gọi là mục vụ, từ mục vụ thiêng liêng, mục vụ xã hội, đến mục vụ văn hóa, mục vụ giáo dục,…nghĩa là một đời sống.

Ðọc giáo luật, ta có thể mường tượng cách sinh hoạt của một giáo xứ. Nhìn xem những sinh hoạt của một giáo xứ, ta có thể biết nó sinh sống thế nào và hiểu giáo luật một cách cụ thể. Không chỉ giáo luật, mà là cái biểu lộ của giáo luật, là văn hóa công giáo; không chỉ văn hóa công giáo, mà là cái nguyên ủy của văn hóa công giáo, tức là tinh thần phúc âm, cót lõi của đời sống công giáo. Mỗi giáo hữu, là giáo sĩ hay giáo dân, ai ai cũng đều đã được huấn luyện và sinh sống, lâu hay vắn, trong một cộng đoàn giáo xứ. Giáo xứ là một đơn vị căn bản của tổ chức giáo hội. Giáo xứ tốt thì giáo hữu tốt, giáo hạt tốt, giáo phận tốt, giáo hội tốt.

Ðể nhìn thấy cái cốt lõi của đời sống công giáo, tức là tinh thần phúc âm, một cách cụ thể; để tìm hiểu một cách sống động văn hóa công giáo, không gì cụ thể và sống động cho bằng đi sống trong một giáo xứ hay ít nhất, nghe mô tả về nó. Chọn phương pháp mô tả cụ thể này để tìm hiểu và trình bày văn hóa công giáo, tôi sẽ chọn một giáo xứ mà tôi biết, một giáo xứ mà ở đó và trong đó, tôi sống. Tôi có ý nói đến Giáo Xứ Việt Nam Paris. Và cụ thể hơn nữa, tôi đã lợi dụng dịp mừng 60 năm thành lập giáo xứ này, để mô tả, vì có nhiều sinh hoạt hơn, dòi một tổ chức qui củ hơn, và do đó, nết văn hóa được biểu lột rõ rệt hơn. Nhưng tên gọi là Giáo Xứ Việt Nam Paris, hay bằng bất cứ một tên nào khác, thì chính yếu đời sống của giáo xứ này cũng chỉ diễn tả cái văn hóa công giáo. Một lời trần tình vắn gọn như vậy để biện bạch mục tiêu, xin mời bạn đọc đến thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Ngày 01/10/1947 Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giáo quyền Pháp chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðến nay, 2007, Giáo xứ đã tròn 60 năm tuổi đời. Ðây là dịp để mừng vui và kỷ niệm 60 năm Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Xứ được tồn tại. Cũng là dịp để xem xét lại sự hoà nhập của văn hoá và đức tin qua cách sống đức tin và cách hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam ở Giáo xứ. Trong chiều hướng ấy, mời bạn đến thăm « Giáo Xứ Việt Nam Paris: 6O năm Hồng Ân », qua chặng đầu tiên: « 2007 GXVN Paris tròn 60 tuổi, chương trình mừng năm HỒNG ÂN »

1. Chương trình mừng năm HỒNG ÂN 2007, GXVN Paris tròn 60 tuổi

Mở đầu ĐẠI HỘI MỤC VỤ lần thứ 50 vào Chúa Nhật 17.12.2006, Ðức Ông Mai Ðức Vinh, giám đốc Giáo Xứ Việt Nam, đề nghị với Cộng Ðoàn đặt tên cho năm 2007, năm mà Giáo Xứ Việt Nam Paris hiện diện vừa chẵn 60 năm là năm HỒNG ÂN và một chương trình gồm 9 sinh hoạt quan trọng. Ngài nói:

Kính thưa Đại Hội,

Cùng với Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ, tôi xin gửi đến qúy vị lời chào thân ái và niềm vui của Mùa Vọng. Tôi xin lặp lại lời Thánh Vịnh lễ chủ nhật vừa qua: «Cảm nghiệm rằng Tình thương của Chúa thật dịu dàng và kỳ diệu, nên lòng chúng con tràn đầy hân hoan » (Tv 125,1), như một lời chào mừng mọi người và bày tỏ niềm vui của cả Giáo Xứ chúng ta đang đi vào năm 2007.

Năm 2007, Giáo Xứ Việt Nam Paris hiện diện vừa chẵn 60 năm. Hơn một nửa thế kỷ với bao nhiêu biến cố lịch sử của Đất nước Việt Nam, của Giáo Hội quê hương, cũng như của Cộng Đồng người Việt tại Pháp và của chính Giáo Xứ Việt Nam Paris chúng ta. Nhìn lại lịch sử 60 năm chất đầy những biến cố ấy, chúng ta phải thốt lên với Chúa: ‘Lạy Chúa, tất cả làhồng ân’, cũng như thưa với các vị tiền bối ‘Là hậïu duệ, chúng con ăn quả tất nhiên chúng con nhớ đến các vị đã trồng cây, và quyết tâm tiếp tục vun trồng’.

Thưa qúy vị, trong tâm tình biết ơn, và quyết chí tiếp tục viết trang sử mới cho Giáo xứ, chúng ta phải làm gì trong năm kỷ niệm đầy ý nghĩa này ? – Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ đề nghị một chương trình cho năm 2007 như sau:

• Danh Xưng: Năm tới sẽ mang tên là ‘NĂM HỒNG ÂN’.
• Những sinh hoạt chính yếu của năm Hồng Ân:

1) Thi Hang Đá III. Mở đầu năm Hồng Ân bằng việc Thi Hang Đá được nhiều đơn vị mục vụ và nhiều gia đình hưởng ứng. Thật là món quà qúy Giáo Xứ chúng ta dâng lên Chúa Hài Đồng.

2) Lễ Thượng Thọ cử hành vào ngày 31. 12. 06, vừa vào ngày cuối năm dương lịch 2006, vừa vào ngày Lễ Thánh Gia Thất, mang ba ý nghĩa chính: - Chúng ta đi vào năm Hồng Ân, - Cùng với các bậc cao niên, chúng ta dâng lên Chúa tâm tình tri ân. - Qua các bậc cao niên, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc Tiền Bối đã khai sinh và vun nắp Giáo Xứ chúng ta suốt 60 năm qua. Hiện nay có 282 vị ghi danh. Chương trình Thánh lễ sẽ gồm ba phần: - Thánh lễ đồng tế; - Tặng quà cho các vị cao niên đến dự, - tiếp tân đặc biệt mừng các bậc cao niên.

3) Ngày Bệnh Nhân: Năm Hồng Ân là một thời điểm vui mừng và chia sẻ của cả Cộng Đoàn Giáo xứ. Chúng ta nghĩ đến cách riêng qúy Ông Bà và Anh chị em đau yếu không thể tham gia và chia sẻ với chúng ta những ngày lễ đặc biệt được cử hành trong năm Hồng Ân. Chúng ta sẽ dành chủ nhật 04.02.2007 dâng lễ cầu nguyện cho qúy Ông Bà và Anh chị em đau yếu, và xác chứng rằng: chính những đau yếu bệnh tật của qúy vị góp công rất lớn vào việc xây dựng Cộng Đoàn và Giáo hội. Chúc ta ghi ơn qúy vị. Hiện đã có 46 người được ghi sổ. Chương trình có ba phần: - Tuần 9 ngày Hoa Thiêng, kể từ 26.01 đến 03.02.2007, xin mỗi người làm hoa thiêng, cầu nguyện, lần hạt, làm phúc, xem lễ và rước lễ cầu nguyện cho qúy Ông bà và Anh chị em bệnh nhân. – Thánh lễ 10g và 11g30 ngày 04.02. 07 sẽ có ý chỉ và những lời nguyện đặc biệt cho qúy bệnh nhân. – Sẽ có người trong cộng đoàn đến thăm và tặng qua cho mỗi Bệnh Nhân.

4) Ngày Diễn Nguyện Thánh Ca: Để mừng 60 năm thành lập Giáo Xứ, 14 Ca Đoàn chọn chúa nhật 29.04.07, từ 14g00 làm ngày trình diễn thánh ca tại hội trường của Giáo Xứ. Một sáng kiến rất hay của các Ca Đoàn muốn dùng thánh nhạc thánh hoá và làm tươi mát Năm Hồng Aân.

5) Ngày lễ 60 năm của Giáo Xứ, cũng là ngày cao điểm nh ất của Năm Hồng Ân, sẽ là Chúa nhật 24. 06.2007. Hôm đó, chúng ta sẽ mời Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Paris chủ lễ, chúng ta cũng sẽ mời một số quan khách, chúng ta sẽ phát hành cuốn ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ (1947-2007) trình bày mọi sinh hoạt đã có và hiện có trong Giáo Xứ. Ngoài ra, sẽ có buổi tiếp tân đặc biệt sau Thánh lễ. Chương trình chi tiết thông báo sau.

6) Hai tuần trùng tu Cơ Sở: Chúng ta xử dụng cơ sở này đã sáu năm, nhân dịp này chúng ta sẽ trùng tu lại cơ sở mà chủ yếu là sơn quét lại toàn bộ bên trong và bên ngoài, đặc biệt hoàn chỉnh hệ thống điện và hệ thống nước. Công việc sẽ được huy động thực hiện vào hai tuần đầu tháng 7.07.

7) Thánh lễ lãnh nhận ơn Toàn Xá tại Trung Tâm Fatima: Chủ nhật 10. 10. 07, lúc 14 giờ giải tội, 15 giờ Thánh Lễ và lãnh nhận ơn Toàn Xá. Hôm đó tại Giáo Xứ chỉ có Thánh Lễ 10g. Địa chỉ, 48bis Bd Serurier, 75019 Paris, PC3, métro: Pré St Gervais

8) Lễ các Thánh tử Đạo chung với các Cộng Đoàn Vùng Paris như thường lệ.

9) Lễ 31. 12. 07 Mừng 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, kết thúc năm Hồng Ân, Phát Hành cuốn về HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC hay GIÁO DÂN THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC. Chương trình chi tiết sẽ thông báo sau.

Kính thưa Đại Hội, trên đây là Đại cương lịch trình của Năm Hồng Aân. Nếu có những thay đổi ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ thông báo sau. Nhìn vào lịch trình sinh hoạt trên đây, chúng ta thấy có nhiều công việc phải làm. Vì thế, để mọi công việc diễn tiến nhịp nhàng, không bị xáo trộn, sau khi thảo luận với Ban Giám Đốc và Ban thường Vụ, tôi xin lưu nhiệm lại một năm Ban Thường Vụ hiện nay, nghĩa là Ban Thường Vụ mới của Hội Đồng Mục Vụ sẽ được bầu phiếu vào kỳ Đại Hội tháng 6. 2008 thay vì kỳ Đại Hội tháng 6. 2007. Thay mặt cho Cộng Đoàn, cho các vị Đại Diện, các vị Cố Vấn và Ban Giám Đốc Giáo Xứù, tôi chân thành cám ơn sự hy sinh tiếp tục công việc của các thành viên Ban Thường Vụ đương nhiệm.

Sau cùng, xin Thiên Chúa ban phúc lành cho Đại Hội và cho từng vị hiện diện. Thân ái.

Lm Mai Đức Vinh
Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam
.

Ba sinh hoạt đầu tiên đã được thực hiện. Sinh hoạt thứ nhất là Thi hang đá kỳ ba, từ lễ Giáng Sinh 25.12.2006 đến lễ Ba Vua 07.01.2007. Tất cả có 20 hang đá đã được thiết kế để dự thi. Giải nhất 500€ đã được trao cho hang đá của địa điểm mục vụ Cergy Pontoise. Sinh hoạt thứ hai là lễ MỪNG THƯỢNG THỌ cho các bậc trưởng lão trong cộng đoàn, từ 70 tuổi trờ lên, vào ngày lễ Thánh Gia, chủ nhật 31.12.2006. Khoảng 200 vị cao niên đã ghi tên và đến tham dụ lễ mừng kính thượng thọ này với cộng đoàn. Sinh hoạt thứ ba là « Ngày Bệnh Nhân » đã được thực hiện trong 10 ngày, từ 26/01/06 đến 04/02/06, qua ba việc: bó hoa thiêng cầu nguyện, lần hạt, xin lễ, xem lễ, rước lễ, làm phúc chỉ cho các bệnh nhân; thánh lễ đặc biệt vào chủ nhật 04/02 cầu cho các bệnh nhân; và thăm viếng, tặng quà cho các bệnh nhân của Cộng Ðoàn

Thực ra, 9 sinh hoạt kể trên chỉ là những sinh hoạt chính yếu. Nhiều sinh hoạt đặc biệt khác cũng sẽ được thực hiện, trong đó phải nói đền ba sinh hoạt văn hoá quan trọng đã được kể chung vào trong 9 sinh hoạt chính yếu ghi trên:

• 10- Phát hành cuốn ‘GIÁO XỨ VIỆT NAM’ (1947-2007) trình bày mọi sinh hoạt đã có và hiện có trong Giáo Xứ vào Ngày lễ 60 năm của Giáo Xứ, cũng là ngày cao điểm nhất của Năm Hồng Ân, ngày Chúa nhật 24.06.2007.

• 11- Phát Hành cuốn sách về HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC hay GIÁO DÂN THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC.

• 12- Phát hành một số Báo Giáo Xứ đặc biệt về 60 năm sinh nhật Giáo xứ Việt Nam Paris, 1947-2997.

2. Loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris: 60 năm hiện hữu »

Năm 2004, chuẩn bị kỷ niệm 25 năm cộng tác với Cha Mai Ðức Vinh, qua một chương sách dài 131 trang, từ trang 505 đến hết trang 636, đăng trong cuốn sách « VĂN HÓA VÀ ÐỨC TIN », với tựa đề « Cây Văn Hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris », gần như là một hồi ký và dưới cái nhìn văn hóa, tôi đã trình bày những hoạt động mục vụ mà Giáo Xứ Việt Nam đã thực hiện được, dưới sự lãnh đạo của cha Mai Ðức Vinh: 1- từ cách xây dựng cơ cấu, xác định nguyên tắc làm việc, 2- sang các sinh hoạt xã hội, như gặp gỡ, lễ hội, lễ giỗ, liên đới, 3-qua các sinh hoạt văn học, như văn nghệ, báo chí, mạng lưới tin học, thảo luộn, tu thư, xuất bản, thư viện, và 4- đến những sinh hoạt giáo dục, từ giáo dục khởi đầu căn bản cho ấu thiếu nhi, với những khóa trình giáo lý, tiếng việt, sinh hoạt đoàn thể, thánh lễ; qua giáo dục khởi đầu tổng quát cho kha, tráng niên với những khóa trình dự bị trưởng, huấn luyện trưởng, trại hè tiếng việt; sang giáo dục khởi đầu chuyên biệt cho thánh niên với những khóa trình ca nhạc, cầu nguyện sống đạo, chuẩn bị hôn nhân, chuẩn bị ơn gọi tận hiến; đến giáo dục liên tục dành cho hết mọi người lớn với những khóa trình tiếng pháp, huấn luyện cán bộ mục vụ, kỷ niệm hôn phối, gia đình trẻ, ngày gia đình, mừng thượng thọ.

Trong dịp kỷ niệm quan trọng này, như một thành phần của Giáo Xứ, vui mừng vì Giáo Xứ của mình đã nhờ HỒNG ÂN mà tồn tại được 60 năm trong đời sồng đức tin vững mạnh và đã hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam, xin mời bạn vào thăm loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris: 60 năm Hồng Ân ».

Ngoài sự vui mừng này, người viết còn muốn nhân dịp kỷ nệm 60 năm thành lập giáo xứ, đi sâu hơn vào một vài khía cạnh chưa được đề cập đến trong bài « Cây Văn Hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Việt Nam Paris » ấn hành năm 2004.

Và lý do cuối cùng thúc đẩy người viết đi vào loạt bài này là vì giáo xứ là một đơn vị mục vụ căn bản, trong tổ chức giáo hội. Nếu đơn vị giáo xứ được may mắn có một ban giám đốc đạo đức, biết kính trọng giáo dân và nhiệt tình tông đồ, thì các giáo dân chóng chầy sẽ bị lôi cuốn và tham gia vào các sinh hoạt mục vụ làm cho đời sống đạo của giáo xứ thành ra sốt sắng và sầm uất. Ðể được như vậy, các linh mục trong ban giám đốc cần nhất là phải có đời sống cầu nguyện nội tâm sâu xa, đời sống xã hội rộng mở, biết tiếp nhận mọi người « như họ là chứ không như mình muốn họ là » và một phương pháp làm việc chắc chắn, biết trầm tĩnh thảo kế hoạch, kiên nhẫn thực hiện chương trình, khiêm nhường chấp nhận sai khuyết và can đảm cải tiến luôn. Người viết hy vọng rằng, những trang « đời sống của giáo xứ việt nam paris » này, sẽ gây một phản ứng và có thể gợi ra một ý hành động cho các cán bộ công giáo tiến hành ở các xứ đạo khác, đồng ý hay bất đồng, chấp nhận hay phản đối, linh mục cũng như giáo dân, ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam.

Qua loạt bài này, cũng với một cái nhìn văn hóa, hai phương pháp sễ được áp dụng. Trước hết là phương pháp phân tích trình bày những khía cạnh lịch sử và tổng quát cũng như những nhóm sinh hoạt mục vụ chính yếu: văn hóa, xã hội, bác ái, liên đới, gia đình. Sau đó, phương pháp tường thuật sẽ mô tả những hội họp, nghi lễ, …bình thường hằng năm, cũng như những sinh hoạt và tổ chức đặc biệt của năm Hồng Ân, kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ.

Nói như vậy, về đề tài « Giáo Xứ Việt Nam Paris: 60 năm hiện hữu » sẽ được trình bày qua 6 phần sau đây:

I. Giới thiệu tổng quát về Giáo Xứ Việt Nam Paris
II. Mục Vụ Văn Hóa
III. Mục Vụ Xã Hội
IV. Mục Vụ Gia Ðình
V. Mục Vụ Giáo Dục Ðào tạo
VI. Quản lý phương tiện tài chánh, cơ sở và dụng cụ
VII. Sinh hoạt đặc biệt kỷ niệm 60 năm
VIII. Những sinh hoạt hằng năm
IX. Nhưng sinh hoạt đặc biệt trong năm

Hy vọng rằng qua loạt bài này, bạn đọc sẽ khám phá ra cuộc sống của một giáo xứ. Giáo Xứ Việt Nam Paris là một trong những giáo xứ của Giáo Hội Công Giáo, của Giáo Hội Việt Nam. Bạn đọc sẽ cảm nghiệm được mối tương quan thân thiết giữa Giáo xứ Việt Nam Paris và Giáo Hội Việt Nam. Bạn đọc cũng sẽ có dịp thấy được sự nhiệt tình hăng say và sự tỉnh thức liên tục của giáo sĩ và giáo dân việt nam paris trong việc sống, bảo trì và phát triển đức tin cũng như việc hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá việt nam, như ước nguyện đã được diễn tả qua bài hát nói sau đây của một người anh em viết vào xuân Quí Mùi. Bài hát nói này cũng là cái « lỡi » xin gởi mừng tuổi bạn đọc nhân dịp xuân Ðinh Hợi.

Qua Liên Ðới, hết mọi nghề mọi giới,
Với anh em, đang góp mặt góp lời.
Lạy cha chúng con ở trên trời,
Chúng con nguyện danh cha cả sáng !
Xin cho nước cha trị đến,
Ý cha thể hiện dưới đât cũng như trên trời!
Cho thế giới u mê oán thù,
Biết tin mừng tình yêu chân lý!
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
Ðó đây khắp nẻo cuộc đòi !
Cha ơi, xin hãy nhận lời !


Paris, ngày thứ năm 22.02.2008

 
Giáo xứ Tử Nê vui mừng đón nhận cha Phó
Nguyễn Xuân Trường
23:17 24/02/2008
BẮC NINH -- Sáng ngày 24.2.2008, chúa nhật thứ III mùa chay, cha Anrê Nguyễn Quang Phúc đã chính thức về làm cha Phó giáo xứ Tử Nê, Bắc Ninh. Có 7 linh mục và gần 2,000 tín hữu cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn với cha Anrê. Cha xứ Giuse Trần Đăng Can cùng toàn thể giáo dân giáo xứ Tử Nê hân hoan đón nhận cha Phó.

Cha Anrê Phúc và Cha Giuse Can
Cha Anrê Phúc sinh ngày 15.3.1973 tại họ giáo Tiên Sơn, giáo xứ Ngọ Xá, giáo phận Bắc Ninh. Cha đã tu học tại đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội niên khóa 2000 - 2007 và thụ phong linh mục ngày 1.1.2008 vừa qua. Trước khi tu học đại chủng viện, cha đã tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, khoa Anh Văn.

Sau thánh lễ, cha xứ đã tổ chức một bữa tiệc mừng nhỏ nhẹ mừng cha Phó trong tinh thần mùa chay.

Xin mọi người chung lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cha phó Anrê như quà tặng quí giá cho giáo xứ Tử Nê và xin tiếp tục cầu nguyện để cha xứ, cha phó và giáo dân Tử Nê cùng chung lòng xây dựng giáo xứ luôn là cộng đoàn chan chứa lòng tin son sắt và lòng mến thiết tha.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bộ mặt thật của tờ Công Giáo và Dân Tộc
Thúy Dung
06:56 24/02/2008
Trong lời nói đầu bàn về tôn chỉ và chủ trương của tờ Công giáo và Dân tộc (CGDT), ông Trương Bá Cần viết:

“Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển tại Việt Nam, quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc thường khá phức tạp, nhiều khi gay go. Mối quan hệ này được dự liệu sẽ khó khăn hơn khi những người Cộng sản lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh đó, tờ CGvDT muốn là một nổ lực đóng góp khiêm tốn cho công việc giải quyết vấn đề chung, như một bước đi trên chặng đường hành hương cùng anh em đồng đạo tìm về Dân tộc”

Ngay trong lời nói đầu này ông Trương Bá Cần đã để lộ dã tâm mà ông theo đuổi từ khi cho ra đời tờ CGDT cho đến nay: đồng hóa cộng sản với dân tộc, với đất nước và thúc đẩy người Công Giáo “hành hương” nhưng không phải tiến về quê Trời nhưng là đi theo con đường cộng sản lỗi thời.

Trước khi là người Công Giáo, anh chị em tín hữu trên đất nước chúng ta đã là người Việt Nam với một tình tự dân tộc đầy lòng yêu mến và trong những giờ phút đau thương của lịch sử đã không hề tiếc máu xương để bảo vệ. Người Công Giáo không hề có lấn cấn gì trong quan hệ với dân tộc. Nếu có lấn cấn là lấn cấn với những người cộng sản, những người luôn đem lòng nghi kỵ và dùng nhiều thủ đoạn để bách hại họ, những người đã làm tổn thương tình tự dân tộc trong lòng họ với chiến tranh kinh hoàng, những vụ buôn bán đất đai cho Trung cộng, và một xã hội tan nát luân thường đạo lý.

Để thực hiện dã tâm này hai chủ trương nổi bật mà CGDT đã theo đuổi trong suốt 33 năm qua là: thứ nhất, không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để đề cao đảng cầm quyền; thứ hai: không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào (đôi khi còn khiên cưỡng hay xuyên tạc hầu tạo ra cơ hội) để bôi nhọ cơ cấu Giáo Hội như một cơ chế lỗi thời, bảo thủ, mù quáng, và tội lỗi. Chính vì hai chủ trương này, tờ CGDT sẽ không bao giờ và chẳng bao giờ làm cho người Công Giáo dễ thở hơn trong đất nước do người cộng sản lãnh đạo vì lẽ đơn giản là người cộng sản càng nghi kỵ người Công Giáo và ngược lại người Công Giáo cũng nghi ngờ lại họ.

Đây là những cáo buộc rất nặng nề mà nếu chúng tôi không đưa ra được bằng cớ, chúng tôi thật sự không dám nói.

Không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để mù quáng tung hô đảng cầm quyền

Hãy thử đọc bài “Cánh tả” đăng trên Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1043, trang 2

“Kết quả bầu cử tại các nước cựu cộng sản trong những năm gần đây cho thấy một thực tế: ngay tại những nơi các Đảng Cộng sản đã từng cầm quyền trong thế độc đảng, rồi đã bị mất chính quyền, thậm chí bị lật đổ, những nơi đó nhân dân lại đang bỏ phiếu trở lại cho những người cộng sản”

Bài báo được viết ra vào tháng Hai năm 1996, khoảng 4 năm sau cuộc cách mạng long trời lở đất ở các nước Đông Âu quét sạch hoàn toàn chế độ cộng sản. Những năm sau đó, người dân Đông Âu đứng trước những thách đố lớn lao khi phá hủy một hệ thống chế độ đã tồn tại mấy chục năm và bắt đầu lại từ đầu để xây dựng một chế độ dân chủ mà hầu hết trong số họ chưa hề kinh qua. Thật vậy, đa số trong họ sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, chưa một ngày nào biết dân chủ là gì. Lẽ dĩ nhiên, không ít người hoang mang trước xã hội mới. Cũng không ít những người hoài niệm về xã hội cũ mà họ đã từng một thời gắn bó kinh tế, quyền hành. Những loại người đó, chế độ mới không bắt họ đi học tập cải tạo, không đầy ải họ trong những “gulag”. Họ vẫn còn đó, tự do “vote” và tự do xuyên tạc trong khi nhiều thành phần trong dân chúng giờ đây chăm lo vào chuyện làm giàu từ những cơ may không mơ thấy nổi đến mức không thiết tha gì đến chính trị. Các Hội Đồng Giám Mục ở các nước Đông Âu đã phải thúc giục người giáo dân đi bầu là vì vậy.

Một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhưng báo CGDT vẫn bám riết vào cái nửa sự thật đó trong mưu toan thuyết phục độc giả hãy chờ xem cuối cùng cộng sản cũng sẽ lại thắng oanh liệt. Trong cơn mê sảng của giấc mộng quật khởi từ đống tro tàn, báo của ông Cần viết:

“Con người vốn hay mau quên? Có lẽ không nên đơn giản hoá con người đến thế. Những cử tri vừa qua cầm lá phiếu chọn những người cộng sản hẳn cũng là những người đã sống, thậm chí đã làm nên những biến cố quan trọng nhất thế kỷ. Quá khứ hãy còn nóng hổi trong tâm trí con người. Nếu không phải là hận thù, thì con người cũng dễ gì nhanh chóng xoá nhòa những ngày tháng thiếu tự do, thiếu hạnh phúc?

Thế thì phải chăng có thể đi đến một kết luận: con người khát khao lý tưởng, và cho dù đã có ít nhất một lần lý tưởng đó bị lạm dụng, thì có thể nào vì thế mà không có những thử nghiệm khác, để sống cho lý tưởng. Điều khác trước đó là nhân dân các nước cựu cộng sản đã đặt được những điều kiện khắt khe hơn cho những người cộng sản trong cuộc thử nghiệm mới này. Và đó cũng vừa là một kinh nghiệm, vừa là một thách đố cho những người cộng sản”


Ông bạo đến mức bất chấp thực tế phũ phàng của cuộc cách mạng nhung tại Đông Âu chỉ vài năm trước, ông vẫn cố coi chế độ cộng sản ấy là “lý tưởng”, là điều con người “đang khao khát”, là đường, là sự thật, là điều duy nhất thỏa mãn được khát khao của quần chúng nhân dân. Tôi bảo đảm nếu ông cứ tới Đông Âu, Rumani, chẳng hạn, nói ra những điều đó ông sẽ bị ăn đòn.

Bây giờ đã là 13 năm sau, “giấc mộng đẹp” của ông cũng không thành sự thật. Thực tế tại Đông Âu ngày nay là một cái tát vào mặt những người ôm mộng đẹp xã hội chủ nghĩa. Nói không đâu xa. Ở đất nước Việt Nam nếu bây giờ ông hô hào thực hiện đúng lý tưởng cộng sản của Karl Mark, biết bao người sẽ phản đối ngay.

Đểu hơn nữa, ông sợ người ta hoài nghi cái lý tưởng đó nên còn cẩn thận lôi cả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Léon XIII vào:

“Như Đức Gioan-Phaolô II, con người được thế giới tư bản coi là tác giả chính của sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Âu, đã nói trong bài trả lời phỏng vấn hồi cuối năm 1993: ‘… Quả thực là, như Đức Léon XIII đã nói: cũng có những ‘hạt mầm chân lý’ trong chương trình xã hội chủ nghĩa. Điều hiển nhiên là không nên phá hủy, không nên để mất những hạt mầm đó’”

Không ai chối cãi những “hạt mầm chân lý” ấy nhưng chính các ông theo lương tâm của mình cũng biết rõ là những “hạt mầm chân lý” ấy vô cùng “hiếm hoi” và “bé nhỏ” đến mức không thể biện minh cho cái giá mà nhân loại phải trả vì đại họa cộng sản.

Không bỏ cơ hội và chủ động tạo ra cơ hội để bôi nhọ cơ cấu Giáo Hội như một cơ chế lỗi thời, bảo thủ, mù quáng, và tội lỗi.

Trong buổi phát thanh sáng 19/01/1996, đài phát thanh Veritas do Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài điều hành cho biết như sau:

“Trong 12 số liên tục, Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc đã lên tiếng bênh vực cho Đức Cha Gaillot, giám mục giáo phận Evreux (Pháp), dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người. Nhiều người có thể hoang mang và bị lung lạc vì những bài báo ấy. Thật ra, một giọng điệu như thế không có gì đáng làm chúng ta phải ngạc nhiên. Thời Cựu ước, có những tiên tri cung đình chuyên hụ họa cho các vua thay vì nói Lời của Chúa. Ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo những bất công đầy dẫy trong một chế độ độc tài thì người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo hội của mình.”

Bài phát thanh của Veritas đưa ra là nhằm phê phán loạt bài của CGDT nói đến nhóm “Nous sommes l’Eglise”, một nhóm mà có lẽ đa số quý vị đang đọc bài này chẳng biết gì về họ. Nhóm đó chỉ mới phát sinh vào cuối năm 1995 nhưng ông Cần đã lập tức quảng cáo “hết ga” để đầu tháng Giêng 1996, Veritas đã phải lên tiếng. Người ta thấy rõ ngay là ông Cần rình chờ hễ có một nhóm nào nổi lên chống báng Giáo Hội là ông ta quảng cáo hết sức rầm rộ.

Trong số báo kép 1044-1045, ông Cần trịnh trọng cho đăng tuyên ngôn của nhóm “Nous sommes l’Eglise”.

“Theo ‘Bản thỉnh cầu của Dân Chúa’ (được dịch ra tiếng Pháp, bản gốc bằng tiếng Đức) hiện đang được phổ biến rộng rãi tại nhiều nước châu Âu để lấy chữ ký, Phong trào ‘Chúng tôi là Giáo hội’ đang đưa ra ‘Những mục tiêu và những đòi hỏi’ có nội dung chủ yếu là:

1. Xây dựng một Giáo hội huynh đệ trong đó mọi tín hữu đều bình đẳng; bãi bỏ việc phân biệt giáo sĩ và giáo dân vì sự phân biệt đó loại trừ việc nhìn nhận những người có khả năng thật sự. Các Giáo hội địa phương phải có quyền tham gia vào việc chọn lựa giám mục của mình. Chỉ những người nào có được sự tín nhiệm của giáo dân mới được làm giám mục.

2. Bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ, cụ thể phụ nữ có quyền tham gia vào các tranh luận cũng như các quyết định ở mọi cấp của Giáo hội, phụ nữ được lãnh nhận chức vụ phó tế thường trực, được chịu chức linh mục và được tham gia vào việc lãnh đạo của Giáo hội. Việc loại trừ phụ nữ khỏi các chức vụ này không có cơ sở Kinh Thánh.

3. Tự do lựa chọn giữa đời sống độc thân hay có gia đình đối với chức vụ linh mục, bởi Kinh Thánh và tín lý chưa bao giờ đặt mâu thuẫn giữa chức vụ linh mục và đời sống hôn nhân. Đây chỉ là một sáng kiến riêng của Giáo hội Rôma.

4. Đánh giá một cách tích cực vấn đề tình dục, trong đó phải nhìn nhận con người có khả năng lãnh trách nhiệm trong vấn đề hạn chế sinh sản, bãi bỏ việc coi chuyện điều hoà sinh sản là phá thai…

5. Tin Mừng chứ không phải sự đe dọa: Thỉnh cầu Giáo hội có thái độ liên đới và nâng đỡ những người gặp khó khăn chứ không phải thái độ vị lề luật hẹp hòi, có thái độ bao dung và hoà giải – chứ không phải thái độ khắt khe lạnh lùng – với những người đang trong tình cảnh khốn quẫn nhằm giúp họ làm lại cuộc đời (những người ly dị, những linh mục có gia đình bị treo chén…)”


Việc cho đăng và quảng cáo rầm rộ cho tuyên ngôn này cũng đã đủ để cho thấy lập trường chống báng Giáo Hội của ông Cần. Để cho thấy nhóm “Nous sommes l’Eglise” này đang làm nghiêng ngả Giáo Hội La Mã, ông Cần còn cẩn thận ghi rằng “Tại Áo, hơn 500.000 người (tức khoảng 15% dân số ) đã ký tên vào kiến nghị”.

Niên giám Tòa Thánh trong năm 1996 ghi nhận tại 12 giáo phận của Giáo Hội Áo có 4,976,000 người Công Giáo. Trong số đó, số người lớn là 2,345,000 người. Con số 500,000, do đó, là một con số rất lớn, là một biến cố chấn động. Tuy nhiên, chúng tôi đã thử dò hỏi những đồng nghiệp ở các nước khác nhau chỉ có duy nhất một chị ở Anh biết về cái tổ chức rất “mini” này.

Trước những nhận xét hết sức xác đáng của đài phát thanh Veritas, cố nhiên ông Cần phản ứng rất quyết liệt:

“Và chúng tôi không tin rằng những suy nghĩ của chúng tôi, in trên giấy trắng mực đen chứ không phải lời nói gió bay, lại có thể làm ‘nhiều người có thể hoang mang và bị lung lạc’ như Đài Veritas lo lắng, ngoại trừ, nhìn dưới một góc độ nào đó, Veritas đang ‘suy bụng ta ra bụng người’ mà coi thường người công giáo ở trong nước!

Điều thứ hai chúng tôi cũng không dám nhận đó là chiếc mũ ‘tiên tri cung đình’ mà Đài Veritas có ‘nhã ý’ đội cho chúng tôi. Trong trường hợp của Đức Cha Gaillot, chiếc mũ ‘tiên tri cung đình’ ấy có lẽ phù hợp với Đài Veritas hơn là Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc. ‘Cung đình’ Vatican hẳn phải thích thú với sự ‘hụ họa’ của Đài Veritas hơn là lối suy nghĩ của Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc.”
(Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, 1042, 28/1/1996, trang 2)

Nếu như đài Veritas “phang trước” mà CGDT “phang lại” thì cũng có cái logic nào đó. Nhưng để thấy rõ, tính chất hung hăng đánh phá Giáo Hội của ông Trương Bá Cần tưởng cũng nên trích đăng ở đây một bài khác khi ông Cần vô cớ tấn công đài Vatican:

“Những ngày cuối năm 1995, Đài Vatican có phát một bản ‘Tổng kết sinh hoạt Giáo hội Việt Nam trong năm sắp kết thúc’. Bài tổng kết này khá dài: 4 trang đánh máy đặc chữ. Đọc xong, cảm giác đầu tiên của tôi là Giáo hội Việt Nam hình như chỉ còn các giám mục, linh mục và tu sĩ. Chẳng thấy giáo dân ở đâu. Của đáng tội, cũng có giáo dân đấy nhưng chỉ được nhắc đến đúng một lần khi nói về đám tang của một vị tổng giám mục.

Và toàn bộ sinh hoạt của cái ‘Giáo hội Việt Nam’ của Đài Vatican xem ra chỉ quanh quẩn trong các cuộc thương lượng của Tòa Thánh Vatican với Nhà nước hay giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam với chính quyền ! Còn sức sống Đức tin phong phú và đa dạng của người giáo dân trong một xã hội đang thay đổi với biết bao vấn đề thách đố, khó khăn nhưng cũng đầy sáng kiến thì xem ra không phải là ‘sinh hoạt của Giáo hội Công giáo Việt Nam’. Hay Đài Vatican chỉ muốn tổng kết những gì mình muốn tổng kết? Nghĩa là tổng kết sinh hoạt của một Giáo hội địa phương theo tương quan quyền lực trần thế hơn là theo tiêu chuẩn làm chứng cho Tin mừng?”


Và đây là tiêu chuẩn làm chứng cho Tin mừng của ông Cần được nêu lên ngay sau đoạn đó:

“Tôi có một người bạn nhà báo là linh mục Dòng Tên. Năm 1988, ông đi thăm Việt Nam về và có viết một bài báo dài về sự sống động của Giáo hội Việt Nam. Năm 1992, gặp lại ông trong Đại hội Quốc tế của Hiệp hội Báo chí Công giáo Thế giới tại Braxin, ông tâm sự cho biết sau khi bài báo ấy được đăng lên, vị Bề trên của ông đã kêu ông lên và ‘quở’, đại ý: Tại sao trong khi phần lớn các tờ báo khác cho rằng Giáo hội Việt Nam bị bách hại, người Việt Nam công giáo không được hưởng tự do tôn giáo thì cha lại mô tả đời sống đức tin ở Việt Nam tốt đẹp như vậy ? Ôi, ‘Qui est l’Eglise ?’ (Giáo hội là ai?) !” (Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, 1040, 14/1/1996, trang 2)

Có lẽ xin miễn phê bình những người có chút lương tri cũng đủ thấy ông Cần xạo đến cỡ nào.

Một linh mục ở Sàigòn nói với chúng tôi một nhận xét rất xác thực mà chúng tôi xin dùng thay lời kết: “Manh tâm của CGDT là dựng lên một Giáo Hội Công Giáo giả với tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi. Rồi nó đánh Giáo Hội đó để quảng cáo cho cái thiên đường mù xã hội chủ nghĩa với đầy dẫy những tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi rất thật”.
 
Đừng đánh lạc mục tiêu, đừng đánh tráo chủ đề
Mặc Giao
22:07 24/02/2008
ĐỪNG ĐÁNH LẠC MỤC TIÊU, ĐỪNG ĐÁNH TRÁO CHỦ ĐỀ

Bài này không có mục dích tranh cãi hơn thua và gây bất hòa giữa đồng bào Phật tử và đồng bào Công Giáo. Tôi luôn luôn chủ trương hòa đồng dân tộc, vì trước khi được rửa tội dể có đức tin Công Giáo, tôi được sinh ra là một người Việt Nam. Vì thấy có một số người đi vào con đường tranh luận nguy hiểm, tỏ mờ xuất hiện âm mưu chia rẽ và gây hận thù giữa hai khối tôn giáo lớn nhất Việt Nam, có thể gây nguy hại khôn lường cho dân tộc, chẳng những trong cuộc đấu tranh chống độc tài hiện tại mà còn cả cho công cuộc xây dựng lại đất nước trong mai sau, tôi buộc lòng phải phát biểu đôi điều.

Trong khi hàng ngàn giáo dân Hà Nội liên tiếp tụ tập trước trụ sở tòa Khâm Sứ Tòa Thánh cũ, từ cuối tháng 12-2007, để cầu nguyện cho việc nhà cầm quyền cộng sản trả lại khu nhà đất này, trong khi đồng bào trong nước và ngoài nước nhìn về cuộc đấu tranh ôn hòa, bất bạo động này với niềm ưu tư và hy vọng, nôn nóng chờ đợi kết qủa để xem cộng sản sẽ giải quyết ra sao, để từ đó có thể rút ra kinh nghiệm và tiền lệ nào cho cuộc đấu tranh đòi công lý, không phải chỉ cho Công Giáo, mà còn cho các tôn giáo khác, nếu không nói là cho toàn dân, thì Nhóm Giao Điểm ở Mỹ, khét tiếng thù hận Công Giáo, tung ra những luận điệu kết án Công Giáo đã triệt hạ và cướp đất chùa Báo Thiên để xây nhà thờ Thánh Giuse, khu nhà chung và tòa Khâm Sứ ở Hà Nội. Nhóm này cho rằng Phật Giáo mới là chủ nhân của khu đất tranh chấp và kêu gọi Phật tử đứng lên đòi lại. Để đánh động tâm lý của Phật tử, có ông còn chơi trò ghép hình gian, lấy tấm hình đẹp đẽ của một chùa khác, chùa Báo Ân (tức chùa Liên Trì), ghép bên cạnh hình nhà thờ lớn Hà Nội với ngầm ý là ngôi chùa trong hình chính là chùa Báo Thiên, đã bị đập phá để xây nhà thờ. Đòn khích động của nhóm Giao Điểm không nhiều thì ít đã gây tác hại cho tình đoàn kết dân tộc, thí dụ web Huongtran “hatnangusa@yahoo.com” , vẫn hàng ngày phổ biến tin tức và bài vở bênh vực Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, ngày 21-01-2008 đã đăng một số lời kêu gọi và kết án có nội dung rất “cạn tầu ráo máng”, khởi đầu bằng một khẩu hiệu in chữ lớn đậm: “Bà con Phật Tử hãy đến nơi gọi là “tòa khâm sứ” đòi bọn Việt gian Catô trả lại chùa Báo Thiên cho PGVN” . Đọc khẩu hiệu khích động này, người ta có thể hiểu đó là một lời kêu gọi thánh chiến, báo trước một cuộc chiến tranh tôn giáo sắp xảy ra. Đó là một cuộc chiến tranh giữa Phật Giáo và Công Giáo, không phải là cuộc tranh đấu giữa các tôn giáo và chế độ độc tài vô thần. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất và đa số đồng bào Phật tử không mong muốn có một cuộc chiến tranh như vậy, nhất là khi các vị và các Phật tử chân chính đang cần sự hỗ trợ của toàn dân để đấu tranh cho sự sống còn của Giáo Hội trước mưu chước triệt tiêu Giáo Hội của nhà cầm quyền hiện nay.

Người ta lại càng có lý do nghi ngờ việc đánh lạc mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân khi ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng Ban Tôn Giáo nhà nước, người đã từng nhiều năm đứng đầu một cơ quan chuyên lo triệt hạ, kiểm soát, cấm đoán, kềm kẹp, gây chia rẽ và lợi dụng các tôn giáo, đứng ra đỡ đòn cho nhà nước bằng việc gây mâu thuẫn giữa Phật Giáo và Công Giáo với hy vọng làm cho hai tôn giáo này đánh đấm lẫn nhau thay vì đánh chế độ độc tài. “Đao phủ thủ” của các tôn giáo Lê Quang Vịnh cho phổ biến ngày 03-02-08 một bài ngắn có tựa đề “Lịch sử Phố Nhà Chung” kể lại việc ông được vị sư trụ trì chùa Lý Quốc Sư “đưa cho đọc những tư liệu qúy giá mà nhà chùa vẫn còn lưu giữ được về khu đất bên cạnh chùa. Thật bất ngờ cho tôi khi đọc thấy những chứng tích rằng toàn bộ khu đất rộng 300 mét vuông ấy, ngày nay gọi là Phố Nhà Chung (Công giáo), ngày xưa là một ngôi chùa (Phật giáo) cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất nước ta. Chùa có tên gọi tắt là Báo Thiên Tự, gọi đầy đủ là là Sùng Khánh Báo Thiên Tự; trong sân chùa có một ngôi bảo tháp cao vời vợi (12 tầng), cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt hồ Hoàn Kiếm. Tháp này có tên gọi là Đại Thắng Tư Thiên Tháp, gọi tắt là Báo Thiên Tháp…”. Chưa cần bàn tới tài liệu này chính xác tới đâu, chỉ nguyên việc ông Vịnh nói dóc đã đủ gây nghi ngờ về sự trung thực của ông. Trước hết, ông nói ông “đọc” những tư liệu của vị sư trụ trì. Những tư liệu này chắc chắn phải được viết bằng chữ Nho, lại là chữ Nho cổ. Một giáo sư Hán học của trường đại học văn khoa chưa chắc đã đọc thông liền tại chỗ, có khi còn phải lập cả một ủy ban để nghiên cứu và dịch thuật mới có thể tìm hiểu tận tường. Chữ nghiã của ông cán bộ Lê Quang Vịnh được bao nhiêu mà ông thoáng đọc đã hiểu hết mọi chi tiết? Thứ hai, ông nói tháp Báo Thiên cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt nước hồ Hoàn Kiếm. Ai cũng biết nhà thờ chánh tòa không nằm gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Nếu đúng tháp Báo Thiên nằm ở địa điểm nhà thờ lớn ngày nay có thể soi bóng trên mặt hồ thì tháp phải cao cả cây số, còn cao hơn tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới đang được xây ở Dubai, Trung Đông. Sự thật, theo tài liệu sưu tầm của Hội Khoa Học Lịch Sử VN, tháp chỉ cao 20 trượng, tức 80 mét. Phét lác như thế mà được “Giaodiem online.com” của các ông “trí thức” vồ lấy đăng ngày 13-02-08, cùng ngày phổ biến bài này trên web Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung Ương của Mặt Trận Tổ Quốc, cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản. Tuy nhiên, nói về việc ông cộng sản gộc nhẩy vào cuộc để chỉ đạo một cách vụng về không có nghiã là phủ nhận các sự kiện lịch sử.

THẢO LUẬN TRÊN DIỄN ĐÀN TALAWAS

Trên diễn đàn điện tử TALAWAS ngày 20-01-08, ông Lê Tuấn Huy đã có bài “Xin hãy dừng lại trước khi qúa muộn” bàn về vấn đề một số người muốn khích động việc tranh chấp đất đai giữa Phật Giáo và Công Giáo. Tác giả tự xác nhận là người vô thần 100%, nhưng “sống bằng lẽ phải và lương tâm, không hề thấy đúng nói sai hay thấy sai nói đúng” . Ông giật mình lo ngại trước nguy cơ tranh chấp giữa hai tôn giáo chỉ vì chuyện đất đai. Ông nhìn thấy có sự lẫn lộn giữa lịch sử và hiện thực. Theo ông, khi một trong các bên chủ thể của tranh chấp không còn tồn tại, hoặc khi đã qua một thời gian đủ lâu, lúc mà các chủ thể trực tiếp đã biến thành các chủ thể hậu duệ, thì xem như lịch sử đã được xác lập. Không ai thay đổi được lịch sử và không ai có thể giải quyết được mọi hậu qủa của lịch sử. Trong khi đó hiện thực là cái ta phải đối mặt và có thể thay đổi. Về lịch sử, chính quyền thực dân Pháp, chủ thể phát đất cho Công Giáo xây nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác, đã trở thành cát bụi từ lâu rồi. Những người bị lấy đất cũng không còn để có thể khiếu nại. Không thể viện quyền thừa kế vì khi đó chỉ có các cá nhân tu sĩ và Phật tử, chưa có Giáo Hội Phật Giáo, nên chưa có tập đoàn có tư cách pháp nhân. Vả lại Phật Giáo và Công Giáo vẫn sống hài hòa từ đó tới nay, chẳng ai thắc mắc, chẳng ai đòi gì của ai, tại sao bây giờ lại moi ra vấn đề đã đi vào lịch sử? Về hiện thực, ngược lại, chính quyền cộng sản lấy nhà đất tòa Khâm Sứ năm 1959 vẫn còn đó, những người thừa kế quyền sở hữu vẫn còn đó với giấy tờ đầy đủ, nên việc khiếu nại có cơ sở. Vì vậy, ông e ngại việc khích động Phật Giáo đòi đất chỉ là cớ chống Công Giáo. Ông kêu gọi những nhóm người thuộc “tôn giáo” nào đó hãy ý thức “lợi ích dân tộc là lợi ích của toàn thể khối nhân dân, của tất cả các tôn giáo và người không theo đạo sống trên mảnh đất hình chữ S này, không phải của riêng ai, riêng một đảng phái hay tôn giáo nào. Vì lợi ích riêng mà bất chấp viễn cảnh được giả định của một cuộc xung đột tôn giáo và xã hội, vốn sẽ đi kèm – không tránh khỏi trong thời đại ngày nay - với giải pháp khắc chế lẫn nhau giữa các tôn giáo, sẽ dẫn đến một đại họa, và là một tội ác! Xin hãy dừng lại trước khi qúa muộn!”

Chỉ ba ngày sau khi bài của ông Lê Tuấn Huy xuất hiện, ông Nguyễn Hữu Liêm nhảy vào cuộc với bài “Một lịch sử đã muộn” (Góp ý với Lê Tuấn Huy về vấn đề Phật Giáo và Công giáo ở Việt Nam) , được đưa lên Diễn Đàn Talawas ngày 23-02-08. Thật ra ông Nguyễn Hữu Liêm không có góp ý trực tiếp với vấn đề và những luận điểm ông Lê Tuấn Huy nêu lên. Ông chỉ mượn cớ để đổ thêm dầu vào lửa bằng lối nói cố làm ra vẻ trí thức và hòa nhã. Trước hết, ông viện dẫn Ludwig Feuerbach đả kích đạo Công Giáo rồi lại dùng Barth để đả kích Feuerbach đã lún sâu vào tín lý Công Giáo khi phủ định đạo này. Kế đến ông cho rằng những “người trí thức Phật Giáo Việt Nam đã nảy sinh một tinh thần hận thù Công Giáo như là một năng thức phủ định đối với một bản sắc văn hóa mới, ngoại lai trong ý chí bảo tồn truyền thống của mình” . Liền đó ông lại chê các trí thức Phật Giáo VN chưa có, hay không có khả năng tạo nên cơ hội để biến niềm căm phẫn đối với Công Giáo thành ra một phản biện thuần lý luận (như Feuerbach chuyển hóa niềm bất mãn nội tại thành ngôn từ triết học). Chỉ hơn một thập niên qua, nhóm Giao Điểm mới có những công trình biên khảo phê phán đạo Công Giáo. Trong số những tác giả ông ca tụng và kê tên, có cả cây viết cộng sản Hoàng Văn Giàu. Ông cho rằng ông dùng chữ “hận thù” là không qúa đáng vì Công Giáo, nhiều hay ít đã nhờ vào thực dân Pháp mà bành trướng. Đó cũng là lý do “người trí thức Phật tử Việt Nam cảm thấy họ gần gũi với người cộng sản trong bản chất phản đề và phủ định đế quốc phương Tây”.

Sau khi xử dụng trích đoạn Thánh Kinh bị ông cắt vụn và giải thích sai lạc: “Ta đến để nổi lửa trên thế gian… để mà gây chia rẽ” (Luke 12) dể chứng minh Công Giáo bành trướng bằng sức mạnh chinh phục, ông chê Phật Giáo ngây thơ đối với vấn đề tôn giáo và quyền lực và dậy các trí thức Phật tử “phải có khả năng và ý chí để nhân danh truyền thống dân tộc Việt, tạo nên một một năng lực phản đề và phủ định đối với đạo Chúa một cách có hiệu năng hiện thực”. Ngoài việc kết án Công Giáo xây nhà thờ Thánh Joseph trên nền Tháp Báo Thiên, ông Liêm còn tạo thêm tội vương cung thánh đường La Vang được xây trên nền chùa Lá Vàng ở Quảng Trị. Ông cho rằng “Đây là, và phải là một cáo trạng nặng nề đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” và “ít nhất là trên bình diện đạo đức lịch sử của người Công Giáo, khi đòi lại cơ sở của họ, Giáo Hội Công Giáo phải trả lời cáo trạng này” .

Cũng trên diễn đàn Talawas, ngày 08-01-08 ông Nguyễn Mai Sơn cho đăng bài “Xin đừng bi quan bởi không có gì qúa muộn” . Bài này không có gì đặc biệt ngoài việc tác giả chỉ trích Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt là ngây thơ, có thái độ khiêu khích khi phát động cầu nguyện để đòi lại nhà đất. Lý do là Tổng Giám Mục Kiệt đã coi thường phản ứng của Phật Giáo và xem nhẹ khả năng “đáp trả” của chính quyền. Ông viết thêm: “Điểm đáng chú ý và cũng gần như là mấu chốt của vấn đề chính là phần nhiều người Công Giáo vẫn xem Vatican là “nước Mẹ”, khiến mọi người nghĩ rằng người Công Giáo Việt Nam đặt lợi ích tín ngưỡng của mình lên trên lợi ích dân tộc”.

Phải ghi nhận diễn đàn Talawas đã có thiện chí mở cửa cho cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề tranh chấp đất đai, nhờ đó nhiều người có dịp đọc được những ý kiến trái ngược, có cơ hội nhận định tâm trạng của những người viết cũng như những tính toán của nhà cầm quyền qua những ngôn từ và những ẩn ý.

NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ VÀ NHỮNG NGHI VẤN

Bỏ qua những xác định khơi khơi của ông Lê Quang Vịnh, chúng ta có một số tài liệu lịch sử nói về chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên với nhiều chi tiết bổ túc cho nhau và đáng để cho người sau suy nghĩ.

Trước hết, sự hiện diện của chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên ở khu gần nhà thờ lớn hiện nay đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên và Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn Án (1770-1815) xác nhận. Tháp được xây trước (1056), chùa được xây sau một năm (1057), đều do lệnh của vua Lý Thái Tông (1054-1072).

Về sự xụp đổ của tháp Báo Thiên, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược, những tầng trên của tháp được ghép bằng đồng nên dễ bị sét đánh. Vì thế tháp đã xụp đổ và được sửa lại nhiều lần. Lần đổ cuối cùng, theo Tang Thương Ngẫu Lục, “khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng Đế tiên triều (Lê Lợi) tiến binh vây Đông Đô, viên quan giữ thành là Thành Sơn Hầu Vương Thông phá hủy cây tháp (lấy vật liệu) chế ra súng đồng để giữ thành (1414). Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên” (Talawas 04-02-08).

Theo tài liệu của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, trong bài Nghĩ về Thăng Long Hà Nội (Nhà Xuất Bản Trẻ 2001, TP. HCH, tr 100-105) thì sau khi tháp Báo Thiên bị tướng nhà Minh là Vương Thông triệt hạ để lấy đồng, từ đó chùa Báo Thiên cũng bị bỏ hoang. Triều Lê cho đắp núi đất phủ lên nền cũ. Cuối thế kỷ 18, nơi sân chùa thì họp chợ gọi là chợ Báo Thiên. Núi dùng làm nơi xử chém những tội nhân bị kết án tử hình. Năm 1791, người ta đào lấy những gạch đá nơi nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.

Như vậy sử liệu đã ghi rõ tháp Báo Thiên bị quân Minh phá sập dể lấy đồng khi Lê Lợi bao vây thành Thăng Long, chùa Báo Thiên bị bỏ hoang phế sau đó, dân chúng họp chợ trên sân chùa, núi đất được dùng làm pháp trường, gạch đá được moi lên để tu bổ thành. Vậy mà ông Nguyễn Quốc Dũng hò hét trên Giaodiem online (18-01-08) là “Thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Tháp và chùa để xây dựng nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà Thờ Lớn Hà Nội ngày nay” . Phá tháp, phá chùa là tội lớn lắm. Nếu tin lời ông Nguyễn Quốc Dũng và những người thích vu khống và thù hận như ông thì những người công giáo VN phải là những tội đồ số 1 của dân tộc. Ông Nguyễn Hữu Liêm nói rằng trí thức Phật tử cảm thấy gần gũi với người cộng sản, chẳng lẽ các ông lại muốn hô hào Phật tử hãy mau tiếp tay với cộng sản để cùng trừng trị đám “tội đồ số 1” này (!?)

Chưa xong vụ Báo Thiên, ông Nguyễn Hữu Liêm lại lôi ra vụ chùa Lá Vàng ở Quảng Trị: “chùa Lá Vàng trở thành thánh địa La Vang, từ một ngôi chùa “không tên” trở nên Vương cung Thánh đường” . Khác với trường hợp Tháp và Chùa Báo Thiên, không có một tài liệu lịch sử nào chứng minh có một Chùa Lá Vàng ở địa điểm nhà thờ La Vang hiện nay. Có chăng là một am nhỏ đã được dân địa phương nhường lại cho đồng bào công giáo khi biết Đức Mẹ đã hiện ra gần đó. Ông Nguyễn Lý Tưởng, người gốc Quảng Trị, đã viết về khu đất này như sau: “La Vang ngày xưa là một xóm đạo thuộc giáo xứ Trí Bưu (gọi là xóm Lá Vằng)… Toàn vùng La Vang ngày xưa là đất thuộc làng Thạch Hãn (chỉ trừ xóm Lá Vằng tức La Vang bây giờ là do giáo dân Trí Bưu vào rừng làm củi đã khai phá ra đất đó, nên La Vang thuộc giáo xứ Trí Bưu). Đọc lịch sử Đức Mẹ La Vang chúng ta biết ba làng Thạch Hãn, Ba Trừ và Cổ Thành, sau khi tìm hiểu về chuyện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào cuối thời Tây Sơn, đã đồng thuận trao di tích Cây Đa (nơi dân đi rừng đã làm một cái am để thờ Một Bà Hiển Linh nào đó mà họ không biết tên) lại cho người bên đạo”http:/ttntt.free.fr 25-01-08) . Như vậy làm gì có chuyện giáo dân phá chùa Lá Vàng để xây Vương Cung Thánh Đường lên đó. (Nguyễn Lý Tưởng đăng lại ngày 05-12-2005).

ĐÁNH LẠC MỤC TIÊU

Trong khi cuộc đấu tranh bằng cầu nguyện của giáo dân Hà Nội có mục đích đòi hỏi nhà nước cộng sản trả lại nhà đất của Giáo Hội để xử dụng vào những việc công ích, thay vì để mở tiệm phở, quán nhạc, bán và giữ xe gắn máy, thì một số người nhận mình là trí thức Phật tử lại phát động chiến dịch khơi lại hận thù với Công Giáo, xuyên tạc Công Giáo phá chùa, chiếm đất để xây nhà thờ. Nếu Lê Quang Vịnh làm điều này, chúng ta không có gì thắc mắc vì đó là bổn phận của ông ta trong việc “ăn cây nào rào cây nấy”. Biết đâu ông chẳng được lệnh từ trên phải thi hành mánh khoé gỡ rối cho đảng và nhà nước bằng cách xúi cho Phật Giáo và Công Giáo đánh lẫn nhau thay vì đánh cộng sản. Có bao nhiêu người rơi vào âm mưu này vì vô tình? Có bao nhiêu người tiếp tay với nhà nước cộng sản thực hiện âm mưu này một cách cố ý? Đọc những lời lẽ của một số người tự nhận là Phật tử, chúng ta chỉ toàn thấy hận thù, tố cáo, xuyên tạc, mạ lỵ, lập cáo trạng để hỏi tội Công Giáo, không hề thấy một chút từ bi hỷ xả nào của tinh thần Phật Giáo. Họ còn chê những trí thức Phật tử khác dốt, không biết lý luận rốt ráo và cao cấp khi chống đối Công Giáo, chê đa số Phật tử thụ động và hiền lành, không chịu nghe lời xách động của họ để nổi lên hỏi tội Công Giáo.

Ai cũng biết vụ giáo dân Hà Nội đòi nhà đất là một vấn đề rất khó giải quyết cho nhà cầm quyền cộng sản. Không trả thì những cuộc đấu tranh, dù bất bạo động, vẫn dai dẳng tiếp diễn, có thể lôi kéo người tham gia càng ngày càng đông, không phải chỉ riêng giáo dân, mà còn dân chúng thuộc các thành phần khác, không phải chỉ đòi nhà đất, mà còn đòi những thứ khác. Nhà cầm quyền VN hiện nay rất sợ những cuộc tụ tập đông người vì có thể biến thành những cuộc biểu tình chống nhà nước, sẽ khơi ngòi bất mãn bùng nổ khắp nơi. Khi đó liệu chính quyền có dám và có khả năng đàn áp các cuộc biểu tình này không? Nếu có máu đổ thì máu sẽ gọi máu, dân càng thêm căm phẫn và càng đấu tranh quyết liệt hơn. Nếu đàn áp xảy ra, quốc tế có nhắm mắt làm ngơ hay sẽ áp dụng những biện pháp chế tài, cụ thể là “đóng băng” (freese) tài sản của các công ty và của các ông bà lớn gửi tại các ngân hàng nước ngoài? Việc này đã có tiền lệ. Mới nhất là vụ đàn áp tại Miến Điện. Tại quốc gia này, đàn áp có thành công nhưng chế độ bị xỉ vả, bị chế tài, bị đóng băng trương mục, bị Liên Hiệp Quốc bắt phải nói chuyện với đối lập, thay đổi hiến pháp, lập chính phủ liên minh, đi đến việc thực hiện tự do dân chủ. Vì thế, khi thấy hàng ngàn giáo dân tụ tập cầu nguyện liên tục, nhà cầm quyền đã nhức đầu tìm cách gỡ ngòi nổ. Họ đã liên lạc thẳng với Vatican để xin can thiệp giải tán các buổi cầu nguyện đông người với lời hứa hẹn sẽ giải quyết thỏa đáng. Giáo dân đang chờ. Ngòi nổ được tạm quay ngược vòng cho chậm giờ nổ nhưng vẫn có thể được cho chạy lại (restart) bất cứ lúc nào. Không nhượng bộ không xong. Nhưng nhượng bộ chỗ này chỗ khác sẽ đòi hỏi. Điển hình là 7000 người tụ tập tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà ngày lễ minh niên mồng 3 Tết. Công Giáo đòi được, Phật Giáo và các tôn giáo khác cũng sẽ đòi, cá nhân bị chiếm nhà chiếm đất cũng sẽ gia tăng cường độ khiếu nại. Lúc đó nhà nước sẽ giải quyết ra sao? Cái mớ bòng bong này không có mối gỡ. Vì vậy, phải đánh lạc mục tiêu tranh đấu của giáo dân, phải có bộ phận nhập cuộc gây hận thù giữa Công Giáo và Phật Giáo để hai tôn giáo tấn công lẫn nhau, làm suy yếu hàng ngũ đấu tranh với nhà nước cộng sản. Chúng ta mong rằng giáo dân Công Giáo và đồng bào Phật Tử sẽ có ý thức cao độ về vấn đề này.

ĐÁNH TRÁO CHỦ ĐỀ

Chủ đề của những cuộc đấu tranh bất bạo động đang diễn ra là Công Giáo đòi nhà đất do nhà cầm quyền cộng sản chiếm giữ. Bỗng nhiên một đám người ngoài nhẩy vào đòi đổi chủ đề tranh đấu thành tranh chấp đất đai giữa Phật Giáo và Công Giáo. Trầm trọng hơn là họ còn muốn đổi chủ đề đất đai thành đề tài Công Giáo quan hệ với thực dân và Công Giáo phá hoại văn hóa dân tộc. Vì không có thời giờ thảo luận đến nơi đến chốn, tôi chỉ xin nhắc vài sự kiện để chúng ta cùng suy nghĩ

1/ Công Giáo và thực dân: Đạo Công Giáo có mặt tại Việt Nam từ năm 1533. Ba thế kỷ rưỡi sau, năm 1884, với Hòa ước Giáp Thân, Pháp mới chính thức đặt nền đô hộ tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian dài đó, Giáo Hội ít khi được yên hàn giữ đạo và mở đạo. Ngược lại toàn bị bách hại, hết bởi vua đến quan (Văn Thân). Trong 351 năm đó, có thực dân đâu mà cộng tác? Điều nghịch lý là sau 351 năm bị cấm, giết bởi chính những người cùng máu mủ với mình, Công Giáo Việt Nam chỉ được hồi sinh khi ngoại bang đến cướp nước. Khi cả triều dình dều khép nép tuân lệnh thực dân, khi cả nước phải làm theo ý của những ông chủ mới, người Công Giáo có thể đơn phương chống lại thực dân Pháp được không, hay phải tương kế tựu kế để sống còn? Đồng ý rằng dưới thời Pháp cai trị, có những người Công Giáo làm tay sai cho chính quyền thực dân, nhưng những tay sai khét tiếng như Hoàng Cao Khải, Vi Văn Định, Tôn Thọ Tường… thuộc tôn giáo nào? Có phải ông Hồ Chí Minh cũng đã viết đơn xin học trường Bảo Hộ để mong được làm quan bản xứ cho Pháp hay không? Mặt khác, Công Giáo trong thời này, nhờ điều kiện thuận lợi để phát triển, đã xây dựng được nhiều trường học, nhà thương, viện tế bần, viện mồ côi, trại cùi… phục vụ tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo. Đừng nên có thiên kiến và chỉ biết kết án. Hãy xét hoàn cảnh thời bấy giờ và hãy cân nhắc những điều tốt đạo Công Giáo đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam.

Về cách hành xử của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp (tạm gác việc nói về những chính sách thực dân), họ có truyền thống thiết kế thành phố với việc xây cất ưu tiên ở trung tâm sáu cơ sở chính: tòa thị chính, tòa án, nhà tù, nhà bưu điện, nhà hát và nhà thờ. Chúng ta thấy rất rõ cách thiết kế này tại Hà Nội và Sài Gòn. Nếu không đủ đất để xây, họ dùng biện pháp truất hữu hay phá cái cũ để xây dựng cơ sở mới. Vì lý do này, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thời được gọi là nhà thờ nhà nước, nhà thờ lớn Hà Nội được chính quyền bảo hộ Pháp cấp đất trên nền của chùa và tháp Báo Thiên đã bị xụp đổ và bỏ hoang phế. Họ không dại gì giao chùa và tháp còn đang đứng sừng sững của Phật Giáo cho Công Giáo phá đi để xây nhà thờ trên đó. Là người cai trị, dù là thực dân, họ cũng không muốn có sự xáo trộn xã hội. Những chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn ở ngay giữa trung tâm Hà Nội, có ai dám đụng tới đâu? Giám mục Puginier được chính quyền thời đó cấp đất để xây nhà thờ và nhà chung. Ông không chiếm đất của ai. Những người thừa kế của ông có bằng khoán hợp lệ. Nay nếu ai muốn đòi đất này thì phải đi kiện chính quyền thực dân trong khi chính quyền này đã đi vào lịch sử. Giả dụ muốn trả thì trả cho ai? Cho Giáo Hội Phật Giáo nào? Hay để hóa giải “hận thù” thì phải đập xập luôn nhà thờ lớn Hà Nội và toàn khu Nhà Chung để một số người được thỏa lòng? Có ai tìm được giải pháp thần diệu nào cho vấn đề này không, hay càng nói càng gây chia rẽ và hận thù giữa các thành phần dân tộc?

2/ Công Giáo và dân tộc: Đây là một đề tài lớn, không thể trình bầy trong một bài viết. Tôi chỉ xin góp ý về một vài điểm đã được một số tác giả nêu lên trong cuộc tranh luận mà tôi đã trích dẫn ở phần trên. Trước hết, có một số người mang định kiến sẵn với Công Giáo, bất cứ cái gì của Công Giáo đều xấu, từ giáo lý đến giáo chủ. Ông Nguyễn Hữu Liêm mở đầu bài viết bằng việc dẫn Karl Barth và Feuerbach để đả kích thần học Công Giáo, gọi tín đồ Công Giáo là những cá thể “nửa thú vật, nửa thiên thần”, cần phải được giáo dục để trở về “làm người, toàn diện con người”. Đã có triết gia định nghiã con người là nửa thánh nửa qủy. Nay ông Liêm mượn lời của Barth để chửi đồng loại là nửa vật nửa thiên thần, vậy ông là gì? chắc không phải là nửa thiên thần nửa thánh? Ông lại xuyên tạc Thánh Kinh khi dẫn lời Chúa Giêsu nói: “Ta đến là để nổi lửa trên thế gian… để mà gây chia rẽ” để chứng minh rằng Công Giáo truyền đạo bằng bạo lực. Ông bẻ vụn hai câu 49 và 51, đoạn 12 của Phúc Âm Luca để làm sai ý và dịch sai nghiã của câu nói. Bản tiếng Anh của The Holy Bible, New International Version (Michigan 1984) viết: “I have come to bring fire on the earth, and how I wish it kindled… Do you think I came to bring peace on earth? No, I tell you, but division” . Bản dịch Tân Ước của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn (1997) như sau: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên… Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” . Lối nói của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu hay dùng những ẩn dụ, những hình ảnh. Câu này không có nghiã là Ngài đem lửa đến để gây chiến tranh, để đốt thế gian, nhưng là đem sự thật, áng sáng, hơi ấm và sự cứu độ cho nhân loại. Vì thế mới mong lửa bùng lên. Tôi cũng đã nghe nhiều lần Phật Giáo ca tụng “lửa từ bi”. Chắc chắn lửa này cũng không phải là lửa gây chiến tranh. Ở câu sau, Ngài nói Ngài đem chia rẽ đến trần gian chứ không phải đến để chia rẽ trần gian. Đó là một lời tiên tri, vì những ai theo Ngài sẽ bị ghét bỏ, bị người ta lăng nhục và nhiều khi bị chém giết. Nhân loại sẽ ganh ghét và chia rẽ vì sự có mặt của Ngài và của môn đệ Ngài. Điều này đã xảy ra đúng như vậy. Bằng chứng là những người Công Giáo ở thế kỷ 21 vẫn còn bị những người như ông Liêm lăng mạ. Mong ông “giáo sư” hãy chịu khó nghiên cứu để hiểu biết thêm một chút. Nếu đã hiểu rồi, xin ông hãy giữ lương thiện trí thức một chút.

Còn việc ông Nguyễn Mai Sơn cho rằng phần nhiều người Công Giáo vẫn xem Vatican là “nước mẹ” thì đó là một sự hiểu lầm to lớn. Người Công Giáo VN chỉ liên hệ với Vatican về tôn giáo mà thôi. Vả lại, mỗi một giáo phận, chưa nói tới giáo hội Công Giáo cả nước, được coi như một giáo hội địa phương hoàn toàn độc lập, chỉ liên hệ với Vatican về tín lý và kỷ luật nội bộ của Giáo Hội. Người Công Giáo Việt Nam là công dân Việt Nam toàn phần (không phải công dân hạng hai), tôn trọng luật lệ VN, xả thân bảo vệ tổ quốc VN, không bảo vệ nước Vatican. Họ chỉ bảo vệ đức tin. Vì vậy đừng sợ người Công Giáo đặt lợi ích tín ngưỡng của mình trên lợi ích dân tộc. Đòi nhà đất bị chiếm một cách bất công có vi phạm lợi ích dân tộc không?

Cũng liên quan đến vấn đề Công Giáo và dân tộc, ông Nguyễn Hữu Liêm đã nói huỵch toẹt lý do thù hận Công Giáo như sau: “Người trí thức Phật Giáo Việt Nam đã nẩy sinh một tinh thần hận thù Công Giáo như là một năng thức phủ định đối với một bản sắc văn hóa mới, ngoại lai trong ý chí bảo tồn truyền thống của mình” . Ông ca đi ca lại bài Phật Giáo là dân tộc. Không ai phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của Phật Giáo trong truyền thống và văn hóa của dân tộc. Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận những đóng góp của các tôn giáo khác trong đời sống tâm linh và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Không kể Khổng Giáo và Lão Giáo đã cùng Phật Giáo tạo thành bộ ba “tam giáo đồng nguyên”, đạo thờ tổ tiên ông bà còn có gốc rễ sâu xa hơn và phổ biến trong dân gian rộng hơn bất cứ đạo nào khác tại Việt Nam. Đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam gần 500 năm nay, đã trở thành một phần tinh thần và máu thịt của dân tộc Việt Nam, tại sao vẫn còn bị kỳ thị, bị coi như đối tượng hận thù? Người Việt Công Giáo có khác gì những người Việt khác ngoài đức tin của họ? Họ cùng chia một nguồn gốc, một lịch sử, một tiếng nói, một văn hóa và phong tục với mọi người Việt Nam, họ cùng nổi trôi theo vận nước với toàn thể dân tộc. Hàng triệu người Công Giáo cũng đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ quê hương. Có ai phân biệt tôn giáo của các tử sĩ? Tại sao cứ nói đến hận thù, là tiếng không có trong giáo lý nhà Phật?

Nếu Công Giáo đem lại chút gì khác cho dân tộc thì đó chính là việc giao lưu tất yếu khi các định chế chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội có khuynh hướng đi đến chỗ được tổ chức một cách hợp lý và tiến bộ trên toàn thế giới. Có một số người vẫn chỉ trích mô thức tổ chức này trong khi vẫn cố gắng làm theo vì trong thời buổi chúng ta đang sống, không ai có thể tiếp tục mặc áo the, đi guốc mộc, búi tó củ hành để “bảo tồn truyền thống dân tộc” . Bảo tồn truyền thống và văn hóa dân tộc mới chỉ là khía cạnh tĩnh, tiêu cực, dậm chân tại chỗ. Đời sống văn hóa còn có khía cạnh động. Chỉ nên coi cái tĩnh là cốt lõi, và phải có cái động để hội nhập với thời đại, tìm tiến bộ. Giỏi thì vẫn tiến cùng người trong khi vẫn giữ được bản chất của mình. Dở thì sẽ thành một thứ không giống ai, không cạnh tranh nổi với người, nên đòi quay về ôm lấy truyền thống dân tộc.

Ở khía cạnh đóng góp cho văn hóa Việt Nam, những người Công Giáo cũng không phải là những người ngoài cuộc. Không kể chữ quốc ngữ, ai có thể phủ nhận công trình của những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký của lịch sử cận đại, những giáo sư triết học Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Vũ Đình Trác, giáo sư ngữ học Việt Nam Lê Văn Lý… của thời hiện đại? Nêu tên những vị này không phải để khoe khoang hay kể công. Họ là người Việt Nam, đóng góp tài ba cho dân tộc Việt Nam là chuyện tự nhiên. Nhưng vì có người muốn gạt hết mọi người Công Giáo sang thành phần bị loại bỏ với tội vọng ngoại, phản bội văn hóa dân tộc, nên chúng tôi phải nhắc lại những tên tuổi này để mọi người thấy Công Giáo Việt Nam có phản bội văn hoá dân tộc không.

Nói mãi cũng không cùng và càng gây thêm hiểu lầm. Tôi xin kết thúc bài này bằng kết luận sau đây:

* Chúng ta có bằng chứng và lý do cho thấy nhà cầm quyền cộng sản rất bối rối trong việc giải quyết những vụ tụ tập cầu nguyện đòi nhà đất của giáo dân Hà Nội. Họ tìm cách gỡ bí bằng cách chuyển mặt trận sang địa bàn khác: biến nạn nhân đi đòi trở thành đối tượng bị đòi.

* Một số “trí thức” Phật tử vô tình hay hữu ý nhảy vào cuộc, hành động đúng theo chiến thuật của nhà cầm quyền cộng sản. Họ còn đi xa hơn bằng việc biến cuộc tranh chấp đất đai thành cáo trạng hỏi tội người Công Giáo đi theo ngoại bang, phản bội truyền thống và văn hóa dân tộc.

Đối với những người cố tình hành động theo sách lược của cộng sản, tôi không cần nói đến nữa. Họ đã có niềm tin và sự lựa chọn rất khác với tinh thần Phật Giáo dù vẫn núp dưới danh nghiã Phật Giáo. Nhưng đối với những người anh em Phật tử vô tình bị cuốn hút vào trận thiên la địa võng này, tôi xin anh em hãy tỉnh táo nhìn ra vấn đề, nhận ra đâu là đồng minh, đâu là đối phương, việc gì phải làm trước, việc gì nên làm sau. Nếu đất nước có tự do và công lý, anh em một nhà còn thiếu gì thời giờ và cơ hội để giải quyết những bất đồng qúa khứ và hiện tại trong tinh thần vô úy nhưng khoan nhượng. Tiếp tục chia rẽ và hận thù sẽ làm lợi cho ai? Phật Giáo vốn coi mọi sự là sắc không, là vô thường, há chi nặng lòng với những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” , bởi vì như Bà Huyện Thanh Quan đã cảm khái:

Lớp sóng phế hưng coi đã mỏi

Chuông hồi kim cổ lắng càng đau


Mặc Giao viết từ Canada

(Nguồn Blog: Sát Thát)
 
Ba mươi năm lịch sử Người Công Giáo Giáo Phận Vinh dưới ngòi bút của Lm Trương Bá Cần
Bố Chính Nhân
22:40 24/02/2008
Ba mươi năm lịch sử Người Công Giáo Giáo Phận Vinh
dưới ngòi bút của Linh mục Trương Bá Cần


Lời nói đầu:

Ai có cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh, 1846-1996 của Linh mục Trương Bá Cần, xuất bản tại TpHCM năm 1998, xin mở trang 515 để đọc nguyên văn Lời bạt của linh mục Trương Bá Cần viết:

“Cuốn sách này được biên soạn để kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Vinh (1846-1996)”.

“Đầu năm 1995, sau khi biên soạn xong năm chương đầu(I, ll, lll, lV, V), tôi đã gởi bản thảo đến Tòa Giám mục Xã Đoài và Đức cha Trần Xuân Hạp, Giám mục Giáo phận Vinh, có cho ý kiến là: nên dửng lại ở năm 1945, bởi vì giai đoạn sau năm 1945 rất phức tạp, còn qúa mới mẻ…”

“Nhưng tôi nghĩ rằng: viết lịch sử 150 năm của Giáo phận Vinh mà bỏ qua giai đoạn 1945-1975 là một thiếu sót, bởi vì giai đoạn này tuy phức tạp, nhưng rất tiêu biểu và rất có ý nghĩa; người Công giáo Vinh quả có nhiều khớ khăn và chịu nhiều mất mát nhưng, từ những khó khăn và mất mát đó, đã nhận rõ được hơn con đường phải đi với dân tộc của mình và đã có những đóng góp rất đáng tự hào”.

“Nói đúng ra, tình hình của Giáo phận Vinh chỉ phức tạp trong những năm kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ. Vì thế tôi đã cho công bố hầu như toàn bộ chương V của cuốn sách nầy trên Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc số 17 ra ngày 30-4-1996 (trang 69-128). Số báo nầy đã được gởi đến tất cả các vị lãnh đạo và các cơ quan chức năng của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình là những tỉnh có Giáo phận Vinh trên địa bàn của mình, để xin ý kiến đóng góp, đánh giá và bổ sung. Nhưng cho tới cuối năm 1996, chúng tôi đã không nhận được một sự phản hồi nào, và cũng đã không có ý kiến nào của các cơ quan quản lý báo của Tp HCM cũng như của Trung Ương”.

“Tháng 12 năm 1996, bản thảo được gởi đến nhà xuất bản và, sau nhiều tháng nghiên cứu, Nhà xuất bản thông báo cho biết là chỉ nhận xuất bản bốn chương đầu(l, ll, lll, lV) nghĩa là cho đến 1945, với phần hai của chương Vll (về tình hình của Giáo phận Vinh) và phần hai của chương lX (về ba linh mục yêu nước bị tù ở Côn Đảo), như những phụ lục; những chương và đoạn còn lại có thể gây ngộ nhận nơi người đọc không đủ điều kiện để nhận thức”.

“Vậy, trước mắt cuốn Lịch sử Giáo phận Vinh 1846-1996 như đã được cấu trúc và biên soạn, chưa thể phổ biến rộng rãi cho bạn đọc, tôi đã cho hoàn chỉnh bản thảo như một cuốn sách để tham khảo…nếu có yêu cầu và chỉ chịu trách nhiệm về những bản thảo mang dấu ấn và chữ ký của tôi”.
( Tp HCM ngày 14-04-1998, Ký tên: Linh mục Trương Bá Cần).

Đọc xong Lời bạt, độc giả phải hiểu là linh mục Trương Bá Cần đã phải dừng lại ở năm 1945. Nhưng chương V của tập Lịch sử Giáo phận Vinh, rất tiêu biểu và rất có ý nghĩa [lời của tác giả], đã được công bố trên Nguyệt San Công giáo và Dân tộc, số 17 ra ngày 30-4-1996. Chúng tôi may mắn đã có số báo nầy. Và, tuy chưa đọc được Lời bạt, vì mãi đến năm 1999, người thân chúng tôi mới mua được một ấn bản có chữ ký của linh mục Trương Bá Cần đề ngày 23 -02-1999, nhưng chúng tôi đã có bài viết “Ba mươi năm lịch sử người Công giáo Giáo phận Vinh dưới ngòi bút của linh mục Trương Bá Cần” , đăng trên Tạp chí Đất Mẹ số Xuân Đinh Sửu, tháng 2 năm 1997, xuất bản tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, USA.

Dĩ nhiên đây là một phản hồi kịp thời và đúng ý nghĩa, mặc dầu do hoàn cảnh, có lẽ bài báo của chúng tôi đã không đến tay linh mục Trương Bá Cần trước ngày 14-04-1998 (ngày linh mục Trương Bá Cần viết Lời bạt). Dẫu thế nào đi nữa, nay xét thấy quan điểm chúng tôi đối với bài viết của linh mục Trương Bá Cần, cách nay hơn 10 năm, vẫn còn nguyên vẹn tâm tư của một giáo dân gốc Giáo phận Vinh, muốn chia sẻ với linh mục Trương Bá Cần về các điều linh mục đã viết có liên quan đến người Công giáo Nghệ Tĩnh Bình. Bởi vậy, xin tái công bố và giữ nguyên văn bài “Ba Mươi Năm Lịch sử người Công giáo Giáo phận Vinh dưới ngòi bút của linh mục Trương Bá Cần” như một sự phản hồi, không do các cơ quan có chức năng, mà do một giáo dân muốn minh xác đôi điều đối với tác giả.

Linh mục Trương Bá Cần, tiến sĩ sử học, tổng biên tập Nguyệt san Công giáo và Dân tộc xuất bản tại Sàigòn. Trong số 17 tháng 5-1996, nhân kỷ niệm 21 năm ngày giải phóng đất nước (30-4-75 đến 30-4-96), linh mục Trương Bá Cần đã viết một bài có nhan đề ”Lịch sử người Công giáo Giáo phận Vinh trong những năm chống Pháp và chống Mỹ, 1945-1975”.

Có lẽ đây là bài viết mới nhất của tác giả nói về lịch sử, đặc biệt là lịch sử 30 năm của ngưới Công giáo Giáo phận Vinh. Tên tuổi linh mục Trrương Bá Cần đã được nhiều người biết đến từ thập niên bảy mươi trở lại đây, qua nhiều bài báo đăng ở Tạp chí Đối Diện trước năm 1975 và sau nầy trong Tuần báo và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc. Đàng khác tên tuổi linh mục Trương Bá Cần cũng đã gắn liền với những tác phẩm nghiên cứu lịch sử, xã hội của ông. Chẳng hạn:

- 25 năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc (1971),
- Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau 1791-1799 (không rõ năm xuất bản)
- Nguyễn Trường Tộ, Con người và Di thảo (1988),
- Phép Giảng Tám ngày (1993) do linh mục giới thiệu và chịu trách nhiệm phát hành.

Việc nói về giá trị những tác phẩm nghiên cứu lịch sử và xã hội nầy, rõ ràng không phải là mục đích bài viết của chúng tôi. Ở đây nhân đọc bài báo có nói về một giai đoạn lịch sử, ít nhiều còn tiếp cận với hiện tại mà tác giả gọi là “không đơn giản” , chúng tôi nhận thấy có một đôi điều cần suy nghĩ lại dưới cái nhìn bình thường của người đọc lịch sử trong bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước. Đây cũng không phải là một bài phê bình đúng nghĩa, cho bằng đặt lại vấn đề với tác giả về một số trường hợp, mà khi viết lịch sử, tác giả đã không trưng dẫn đầy đủ những lý chứng buộc tội những người Công gìáo Giáo phận Vinh tham gia và hoạt động trong Liên Đoàn Công giáo Nghệ Tĩnh Bình.

“Chép sử vốn khách quan, sử gia sẽ ghi đúng những gì đã xảy ra trong thực tế” . Bằng vào câu nói, được xem như một định đề của khoa sử học, chúng tôi muốn đọc bài báo của linh mục Trương Bá Cần theo nhận thức như sau.

Viết về 30 năm lịch sử Giáo phận Vinh, giai đoạn 1945-1975, linh mục Trương Bá Cần đã gói ghém tất cả vào trong 59 trang báo khổ nhỏ, điều đó đã tự nói lên phần nào sự hạn chế phát biểu chung quanh những biến cố lịch sử, đồng thời cũng hạn chế số lượng sự kiện lịch sử được đối chiếu và thông báo rộng rãi. Tác giả bắt đầu bài viết với đề cương: “Trong 150 năm lịch sử của Giáo phận Vinh (1846-1996), giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) là giai đoạn khó khăn và phức tạp hơn cả. Khó khăn là do các cuộc chiến tranh càng ngày càng ác liệt, phức tạp là do âm mưu của địch hết sức tinh vi. Vì thế viết về lịch sử của giai đoạn nầy rõ ràng là không đơn giản” (trg70).

Tiếp theo là lời phát biểu của tác giả, như một căn bản luận lý, trước khi đi vào từng phần của bài viết: ”Cuộc Cách mạng tháng 8-1945 đã mở ra cho quê hương và Giáo hội Công giáo Việt Nam một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chúng ta đang sống hiện nay: Đất nước được độc lập và thống nhất; Giáo hội được đủ lớn mạnh để có thể tự đảm nhiệm công cuộc truyền giáo trên quê hương của mình. Nhưng để có được như ngày hôm nay, nhân dân Việt nam đã phải chịu đựng gần 30 năm chiến tranh cực kỳ ác liệt và gian khổ: gần chín năm chống Pháp và gần 20 năm chống Mỹ” (trg 71).

Đọc kỹ phần đề cương nầy, có lẽ ai cũng nhận thấy đây là một phương án viết lịch sử có tiền đề! Tác giả hầu như muốn dẫn dắt người đọc nhìn lại toàn bộ những sự kiện được mô tả trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, mà cuộc chiến 30 năm là một sân khấu có trang trí, từ đó những gì tác giả giới thiệu, tường thuật, bàn luận và cô đọng lại thành một nội dung lịch sử, phải được coi là những hệ luận có liên quan đến tiền đề đã nêu lên. Tựu trung có thể thấy rõ ba điểm then chốt sau đây:

-Chiến tranh là toàn cảnh, trong đó mọi sinh hoạt chính trị, tôn giáo phải chịu sự chi phối của thời chiến, muốn sinh tồn và phát triển, nhất thiết phải nằm trong vùng an toàn có kiểm soát.
-Ân lộc của Cách mạng: Đảng CSVN, người lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8-45, đã dem lại thành quả to lớn cho cả nước; người Công giáo nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng đều nhận ân lộc của Cách mạng.
-Khi thấy cái “có được như ngày hôm nay” thái độ nào gọi là tương xứng để tri ân Cách mạng?

Bây giờ xin đi vào từng phần của vấn đề.

1. Chiến tranh là toàn cảnh cho giai đoạn 1945-1975

Chiến tranh, đúng hơn là bối cảnh chiến tranh đã được mô tả như là một động lực thúc đẩy toàn dân tham gia kháng chiến chống đế quốc thực dân, đồng thời nhân danh chiến tranh, mọi ưu tiên được đặt ra nhằm bảo đảm lý luận của người lãnh đạo. Muốn có một nhận định chính xác về vấn đề nầy, có lẽ phải nhìn lại tình hình Giáo phận Vinh trong 9 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ.

Biến cố Tràng Đình xảy ra đầu tháng 2-1931 do Mặt trận Việt Minh (MTVM), một bộ phận của Đệ tam quốc tế Cộng Sản hoạt động mạnh mẽ tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong Giáo phận Vinh. Ngày 2-3-1931 có hai cán bộ của MTVM từ họ đạo Hưng Long thuộc giáo xứ Tam Đa, tỉnh Hà Tĩnh, tới xứ Tràng Đình xin gặp linh mục Hoàng Khang là chánh xứ để tuyên truyền và vận động cho MTVM. “Sau khi biết lý do của họ, linh mục Hoàng Khang từ chối. Lập tức một trong hai người của phong trào rút súng ra đe dọa linh mục chánh xứ, và khi có sự giằng co, níu kéo xảy ra giữa hai cán bộ và cha xứ, thì người cán bộ có súng đã lẩy cò. Cha xứ bị thương. Cả hai cán bộ định tẩu thoát, nhưng một người bị ngã té liền bị giáo dân bắt trói lại.. Tên cán bộ có súng sau đó đã quay lại, bắn chết một giáo dân xứ Tràng Đình. Trống chuông báo động nổi lên, các làng lân cận kéo tới, lương có, giáo có, cảnh hỗn chiến như thời Văn thân. Kết quả là linh mục chánh xứ Tràng Đình cùng với hai chức việc nữa bị giết” (trg 71).

Đó là thời tiền Cách mạng tháng 8-1945. Giáo phận Vinh gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cộng thêm phần Bắc Tỉnh Quảng Bình, tức hạt Bình Chính, có lãnh thổ từ bờ Bắc Sông Gianh-Nguồn Son ra tới Đèo Ngang. Tại đây, vào 3 năm cuối của thập niên 40, thực dân Pháp đã thiết lập một số đồn bót dọc theo ba nguồn của Sông Gianh. Nguồn Nậy có đồn Ba Đồn, Thuận Bài và Tiên Lệ; nguồn Nan có đồn Minh Lệ; nguồn Son có đồn Cự Nậm, đồng Bùng và đồn Troóc. Có thể nói, đó là sự chiếm đóng của thực dân Pháp trong phần cực Nam của Giáo phận Vinh. Nhưng thực dân Pháp ở đó hoạt động không qúa ba năm thì phải rút lui toàn bộ vào Đồng Hới. Trong khi đó ”ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, quân đội Pháp không chiếm được một mảnh đất nhỏ nào cả” (trg 75).

Riêng giai đoạn chống Mỹ 1955-1975, tác giả viết: ”Miền Nam là chiến trường và miền Bắc [1] là hậu phương lớn, nhưng không phải hậu phương an toàn mà là hậu phương bị đánh phá ác liệt hơn cả chiến trường miền Nam” (trg 122).

Tình hình nói chung là như vậy. Riêng tinh thần người Công giáo Việt Nam hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng 8-1945 trong ngày Tuyên ngôn Độc lập 2-9-45: thật là hồ hởi. Tại quảng trường Ba Đình, các linh mục với chủng sinh và đồng bào giáo hữu Hà Nội và các vùng lân cận đã có mặt để, cùng đồng bào các giới hô to các khẩu hiệu nói lên tinh thần bất khuất của cả dân tộc. Ngày 23-9-45, tức 3 tuần lễ sau khi chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt, bốn giám mục Việt Nam do Đức giám mục niên trưởng Nguyễn Bá Tòng thay mặt, đã gởi điện văn xin Đức Thánh cha Pio Xll “chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập mà dân tộc Việt Nam vừa mới thâu hồi được, và sẵn sàng bảo vệ với bất cứ giá nào, đồng thời nài khẩn Đức Thánh cha, Toà thánh Rôma, các Đức Hồng y, các Đức Tổng giám mục và toàn thể Kitô hữu thế giới, nhất là nước Pháp, ủng hộ nền độc lập yêu qúi của Việt Nam. Trong tuần lễ vàng tổ chức từ 17 đến 24 tháng 9-1945 để quyên góp ngân qũy cho quốc gia, Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn, đại diện Tông tòa Bùi Chu đã cởi dây vàng đeo ở ngực, dâng dây vàng cho Tổ quốc và giữ lại Thánh giá cho mình” (trg 72).

Cũng vậy, một cuộc mít tinh vĩ đại chưa từng thấy ở thành phố Vinh, xuất phát từ nhà chung Xã Đoài, trung tâm Giáo phận Vinh, do hàng giáo phẩm và chủng sinh hai trường Tiểu và Đại chủng viện Xã Đoài tổ chức ngày 13-10-45, với rừng cờ và biểu ngữ, đã nói lên tinh thần yêu nước của người Công giáo, đồng thời này tỏ tình đoàn kết của toàn dân bảo vệ tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ.

Thêm vào đó, tại Giáo phận Vinh còn có tổ chức “Công giáo yêu nước” là một bộ phận của MTVM, hoạt động tích cực trước và sau ngày cách mạng bùng nổ, còn có “Liên đoàn Công giáo Vinh”[2] là một bộ phận của Liên Đoàn Công giáo Việt Nam, được tổ chức và hoạt động trong hơn 100 giáo xứ của Giáo phận Vinh, đã góp phần bày tỏ tinh thần trách nhiệm và bổn phận của người công dân Công giáo trước vận hội mới của Tổ quốc và Giáo hội.

Rõ ràng, trong thời bình cũng như trong thời chiến, nguời Công giáo nói chung và người Công giáo Giáo phận Vinh nói riêng, một lúc có hai nhiệm vụ phải chu toàn: đó là phục vụ Tổ quốc và bảo vệ Giáo hội. Tổ quốc có kẻ thù, họ phải quyết tâm tiêu diệt, Giáo hội có kẻ phá hoại, họ phải dũng cảm bảo vệ tôn giáo của họ như tiền nhân đã nêu gương. Bởi vậy, thấy người Công giáo Giáo phận Vinh tự cảnh giác trước thời cuộc, nhất là khi chính họ đã có kinh nghiệm sau vụ Tràng Đình 1931 thì có nên cho rằng: “Sự kiện Tràng Đình được truyền tụng trong dư luận Công giáo Nghệ Tĩnh Bình như một minh họa cho luận điểm Cộng sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo” (trg 78).

Cộng sản có chủ trương tiêu diệt tôn giáo hay không thì lịch sử thế giới đã có đủ bằng chứng để trả lời. Duy có một điều khá ngạc nhiên là tác giả, tức linh mục Trương Bá Cần, 65 năm sau, đã đóng vai luật sư biện hộ, nhưng không trưng dẫn bằng chứng, khi nói những lời sau đây với giáo dân Công giáo Nghệ Tĩnh Bình: “Vụ nầy (tức vụ Tràng Đình) thực ra là một vụ xung đột địa phương do các bên thiếu thận trọng, chứ không phải do chủ trương chung (trg 76), hoặc “diễn tiến sự việc trong vụ Tràng Đình cho thấy rằng đây chỉ là những phản ứng tự vệ và tự phát” (trg 78).

Cùng vậy, dù tình hình khá yên ổn của Giáo phận Vinh trong 9 năm chống Pháp như đã tường thưật ở trên, ngày 17-01-1954, toàn bộ Tòa giám mục và hai chủng viện Xã Đoài có trên 200 nhân sự, được lệnh phải tản cư lên Vạn Lộc, nói là đề phòng quân Pháp đổ bộ. Nhận định hoàn cảnh nầy, tác giả viết: “Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, chính sách tiêu thổ kháng chiến đã được áp dụng triệt để từ mấy năm trước, về cơ sở vật chất được xây kiên cố, chỉ còn lại nhà chung Xã Đoài với Tòa giám mục, nhà Tây, nhà Dài với hai chủng viện đồ sộ, có lẽ chính phủ kháng chiến sợ rằng quân đội Pháp sẽ nhảy dù xuống để biến khu vực nhà chung thành một khu an toàn như ở Phát Diệm. Phải chăng vì thế chính phủ đã ra lệnh cho nhà chung phải tản cư về Vạn Lộc trong huyện Nam Đàn”? (trg 101).

Cứ tin rằng, giả thiết của tác giả có thể xảy ra, nhưng thử hỏi, việc ra lệnh tản cư toàn bộ nhà chung Xã Đoài có phải là lý do duy nhất để chận đứng cuộc đổ bộ của quân đội Pháp vào thành phố Vinh không? Bên dưới những sự kiện lịch sử, có rất nhiều yếu tố chính trị, xã hội, thời cuộc, chính sách đã làm nên động lực thúc đẩy người lãnh đạo rạ tay hành động. Ở đây không phải do tình hình khách quan mà do chủ quan quyết định, nhân danh chiến tranh, người cầm quyền dễ dàng dùng biện pháp trấn áp và bắt buộc người dân phải tuân hành.

Riêng đối với mấy chữ: ”cực kỳ ác liệt và gian khổ” hay “bị đánh phá ác liệt” có nên dùng cho toàn thời gian hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ hay không? Viết như vậy, nhưng chính tác giả cũng biết rõ, nó chỉ “cực kỳ ác liệt” trong khoảng thời gian có cuộc ném bom từ ngày 7-2-1965 đến ngày 31-3-1968 mà thôi, nghĩa là trong vòng 3 năm.

Ngoài ra “hậu phương lớn“ [miền Bắc] có thực sự chịu đựng cực kỳ ác liệt, to hơn nỗi hãi hùng của chiến trường miền Nam từ tháng 12-1960 đến ngày 30-4-1975 hay không? Phải chăng đã có một biến cố như Tết Mậu thân,1968 (điển hình cho sự tàn sát khủng khiếp là thành phố Huế), đã cùng xảy ra ở hậu phương lớn mìền Bắc Việt Nam? Có trưng dẫn những bằng chứng xác đáng, mới nên nói đến lẽ hơn, thua. Chính bộ phận Cộng sản quốc tế ở miền Bắc Việt Nam đã trở thành công cụ thực hiện cuộc chiến tranh dưới chiêu bài giải phóng, gieo kinh hoàng, chết chóc cho đồng bào miền Nam Việt Nam, vì “hậu phương lớn” đã trở thành kho vũ khí khổng lồ do Liên Xô và Trung Cộng tiếp tế để liên tục đi đánh miền Nam Việt Nam ròng rã trong 15 năm..

Tóm lại, tường thuật một giai đoạn lịch sử chiến tranh liên quan đến cả hai miền của đất nước, không lẽ người viết sử lại có thể quên những tang chứng của từng sự kiện để đối chiếu và so sánh? Và dù muốn dù không, khi đã so sánh, thì cần thiết phải có sự công bằng trong nhận thức. Bởi vậy, nói “miền Bắc là hậu phương lớn, bị đánh phá ác liệt hơn chiến trường miền Nam” mà không trưng dẫn bằng chứng, người đọc có thể nghi ngờ sự chính xác của việc tường thuật lịch sử.

2. Ân lộc của Cách mạng

Giáo phận Vinh thuộc vùng trách nhiệm của Liên khu lV, một nơi mà cả đạo lẫn đời đã có những sinh hoạt bình thường, vì an ninh được bảo vệ chặt chẽ trong thời chống Pháp 1945-1954. Đến thời chống Mỹ cũng vậy. “Có thể nói rằng…ở Nghệ Tĩnh Bình quan hệ đạo đời đã đi vào thế ổn định: hoạt động của Đức giám mục…và của các linh mục trong giáo hạt, giáo xứ cũng như hoạt động của các chủng viện vẫn diễn ra bình thường” (trg 124).

Có một sự ổn định như vậy, phải hiểu là nhờ Cách mạng che chở. Tiêu biểu cho sinh hoạt Công giáo của Giáo phận Vinh lúc bấy giờ là Liên Đoàn Công giáo Nghệ Tĩnh Bình, cũng gọi là Liên Đoàn Công giáo Vinh (LĐCGV) một tổ chức trực thuộc Liên Đoàn Công giáo Việt Nam, được chính phủ VNDCCH cho phép hoạt động công khai. Liên Đoàn Công giáo Nghệ Tĩnh Bình thành lập ngày 3 tháng 6 năm 1946, sinh hoạt được 4 năm và bị bắt buộc giải thể giữa năm 1950.

Nói là tiểu biểu, vì LĐCGV là một tổ chức lớn, có chủ trương và đường lối hoạt động rõ ràng với tôn chỉ Thiên Chúa và Tổ Quốc, đã tập hợp thành phần thanh niên trí thức của hơn 100 giáo xứ trong toàn Giáo phận, có Trung tâm sinh hoạt tại Xã Đoài, cạnh Tòa Giám mục của Giáo phận. Liên đoàn hoạt động mạnh mẽ, phát huy tinh thần tiến bộ và thăng tiến đời sống đạo đức của người giáo dân, trở thành động lực sinh hoạt Công giáo trong giáo phận; là tiếng nói chính đáng của người giáo dân, khi Liên đoàn hành xử tư cách pháp nhân được ủy thác, trước chính quyền cũng như trước giáo quyền và các tổ chức khác trong và ngoài Giáo phận. Nhưng LĐCGV đã mắc nạn, vì chống Cộng sản vô thần.

Bên cạnh 30 năm gian khổ của toàn dân trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, LĐCGV là một tổ chức non trẻ, có thời gian sinh hoạt mới trên dưới 4 năm, thế nhưng đã phải trả một giá không kém ác liệt trong tay người đã cưu mang của mình, đó là Cách mạng, tức chính phủ Việt Minh. Các bản án dành cho LĐCGV liệt kê sau đây là tài liệu của linh mục Trương Bá Cần và từ báo Luyện Thép (1956-1960) là cơ quan ngôn luận của Hội Tương trợ Nghệ Tĩnh Bình, xuất bản tại Sàigòn.

-Vụ nhà chung Xã Đoài 14-4-1950: hai bản án tử hình dành cho phó chủ tịch Liên đoàn và Trưởng Ban Tuyên huấn, một bản án 25 năm khổ sai dành cho một cán bộ của Liên đoàn.

-Vụ Trang Nứa 24-4-1952: 4 bản án tử hình, tịch thu 3/4 gia sản,

* 6 bản án 20 năm tù,tịch thu 3/4 gia sản,
* 8 bản án 15 năm tù, tịch thu 2/3 gia sản,
* 14 bản án 10 năm tù, tịch thu 1/2 gia sản,
* 6 bản án 5 năm tù, tịch 1/3 gia sản,
* 1 bản án 5 năm tù treo,
* 13 bản án 3 năm tù treo.

-Vụ Nghi Lộc 21-5-1952: linh mục chánh xứ cùng với một số cán bộ chủ chốt của Liên đoàn Công giáo xứ Tràng Lưu bị bắt giam (không rõ con số chính xác).

Tổng kết sơ lược các biến cố trên đây, linh mục Trương Bá Cần viết: “Vụ Hưng Yên (Trang Nứa), Nghi Lộc, Tây Hồ (Tràng Lưu) là những vụ nổi cộm. Nhưng một số xứ đạo khác đã âm thầm ủng hộ tổ chức Liên hương chống cộng, nên một số linh mục và giáo hữu có liên hệ đã bị bắt. Số linh mục bị bắt sau vụ Hưng Yên khoảng 50 người” (trg 93). Nhà nước cho phép LĐCBV công khai hoạt động, hóa ra Liên đoàn đã trở thành cái rọ, sập bắt tất cả những cán bộ nòng cốt của Liên đoàn. Nhưng thử hỏi, LĐCGV đã làm gì nên tội? Khi đứng trước tòa án Liên khu lV, các ông Phạm Tuyên, Bùi Quỳnh, Lê Thế Cao đã có dịp tuyên bố rõ ràng: “Chúng tôi không theo Pháp, chúng tôi chỉ chống Việt Minh Cộng sản” , cũng như Giám mục Lê Hữu Từ đã từng tuyên bố: “Phát Diệm chống cả Pháp, cả Việt Minh Cộng sản” .

Các ông Phạm Tuyên, Bùi Quỳnh, Lê Thế Cao đã đổi sinh mạng mình để được dỏng dạc tuyên bố như vậy, nhưng thử hỏi có hàng ngàn giáo dân Công giáo Nghệ Tĩnh Bình đã bị hành quyết, đã bị thủ tiêu, đã chết rục trong tù, chỉ vì muốn bảo vệ tôn giáo mà họ tin tưởng, bảo vệ đức tin mà họ trân trọng, mà nào đã có ai thay cho họ nói lên nỗi oan ức của mình? Hay họ phải đợi cho đến cuối thế kỷ (20) để được một linh mục sử gia luận rằng: “Chống Việt Minh Cộng sản, trong lúc Việt Minh Cộng sản đang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp thì phải chăng là vô hình chung làm một việc mà Pháp cũng đang làm” (trg 104). Dùng luận lý qui nạp ở chỗ nầy thật logic, nhưng qui nạp như vậy, hóa ra linh mục Trương Bá Cần muốn dạy: Thà mất tôn giáo, thà mất đức tin, chứ không thể cùng một lúc vừa phục vụ tổ quốc (chống Pháp), vừa bảo vệ tôn giáo (chống Cộng sản) được!

Điều đáng nói là trong vụ Trang Nứa (Hưng Yên) có 4 bản án tử hình, trong đó có linh mục chánh xứ Võ Viết Hiền trốn thoát nên bị tuyên án tử hình vắng mặt. Ba người còn lại là các ông Phạm Hữu Tạo, Mạnh Trọng Niệm và Nguyễn Gia Thăng. Hơn 22 năm sau, ngày đất nước hòa bình và thống nhất 30-4-1975, cách mạng đã vào tận Nha Trang, bắt linh mục Võ Viết Hiền giải về bản quán để thi hành bản án tử hình do tòa án Liên khu lV tuyên phạt từ năm 1952. Ân của cách mạng đồng hưởng, oán của cách mạng tròng vào ai nấy chịu. Tuổi già của linh mục Võ Viết Hiền không làm cho cái án của ngài chín rụng đi được. Đáng buồn thay!

3. Về một thái độ tương xứng

Cứ cho rằng những người Công giáo đã tham gia và hoạt động trong LĐCG ở các cấp bộ Giáo phận, Giáo hạt, Giáo xứ trong Giáo phận Vinh đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng đến nỗi họ đã bị liệt vào thành phần phản động. Bản thân họ đã bị kết án, bị bắt giam, gia sản của họ đã bị tịch thu. Phần đông họ đã chết sau năm 1952.

Bằng cái chết, họ đã bày tỏ một thái độ dứt khoát với chính quyền đường thời là người đã xét xử họ. Dẫu thế nào đi nữa, họ là những người can đảm, hiên ngang nhận trách nhiệm trước công luận và lịch sử. Đối với những người đã nằm xuống như vậy, thật sự họ không cần một câu hỏi lơ lững như linh mục Trương Bá Cần đã đặt ra: “Không biết là chính quyền có xử lý qúa mức cần thiết hay không?” (trg 104). Đúng mức hay qúa mức, tất cả đều nằm trong tay của Cách mạng!

Về thái độ của người giáo dân đối với Cách mạng tháng 8-1945. Đây là tinh thần hợp tác tự nguyện. “Cuộc cách mạng tháng 8-1945 thành công, toàn dân Việt Nam, lương cũng như giáo, đều vui mừng và phấn khởi trước ngọn cờ giải phóng bay phất phới trên toàn cõi đất nước. Họ tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Họ tin ở một chế độ dân chủ và tự do thực sự mà họ đã mất ngót một trăm năm” . [3]

Nếu tinh thần hợp tác của nhân dân là yếu tố quyết định cho sự thành bại của một cuộc cách mạng bất cứ ở đâu, thì trong sự thành công của Cách mạng tháng 8-1945, có sự đóng góp tích cực của người Công giáo Việt Nam nói chung và của người Công giáo Giáo phận Vinh nói riêng. Bằng vào sự kiện, tập trung tất cả giáo sĩ người Pháp về nhà xứ Cầu Rầm, phải được hiểu là một sự gợi ý đúng lúc của hàng giáo phẩm trong Giáo phận Vinh, nhằm tránh những va chạm có thể xảy ra, đồng thời cũng làm áp lực đối với Hội Thừa sai Ba Lê (MEP=Mission étrangère de Paris)về những quyền lợi phải có của hàng giáo phẩm Việt Nam trong công tác truyền giáo tại quê nhà. Cố Linh mục Nguyễn Viết Cư lúc bấy giờ là phó tế (thầy Sáu), ngày thụ phong linh mục định vào tháng 12-1945, trong mấy trang hồi ký, ngài có viết: “Tôi đứng đầu anh em trong trong cuộc tranh đấu ở Đại Chủng viện Xã Đoài. Vì thế, sau nầy khi Đức cha Bắc (Eloy) và các cha Tây bị tập trung về Cầu Rầm thì họ tưởng là tại chúng tôi xúi và các ngài cho tôi là đắc tội nhất. Vì thế khi cha Tổng quản Trần Hữu Đức xin Đức cha Bắc truyền chức cho chúng tôi, trước thì Đức cha bảo ”Thầy về sẽ hay”, nhưng khi Đức cha về Xã Đoài một thời gian, ngài cũng không chịu phong chức, và nói rõ: "Thầy Cư, thầy Khai, thầy Chỉnh, thầy Định (bốn anh em của phái đoàn đại diện năm trước vào gặp Đức cha để trình bày nguyện vọng) thì nhất định không được chịu chức” . [4]

Trực tiếp hay gián tiếp, nói chung người Công giáo Giáo phận Vinh đã bày tỏ sự hợp tác với chính quyền Cách mạng, theo tư cách người công dân đối với hoàn cảnh đất nước trước và sau ngày Cách mạng tháng 8-1945. Nhưng tiêu biểu hơn cả, phải kể đến là thái độ của Đức giám mục Trần Hữu Đức, là giám mục Giáo phận Vinh lúc bấy giờ. “Đức cha Trần Hữu Đức đã không làm bất cứ điều gì như dựa vào Pháp và theo Pháp hay nhận tiền và súng ống của Pháp để chống lại những người cộng sản đang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.” (trg 125).

Thái độ của Đức giám mục không chỉ biểu thị tư cách cá nhân, mà hơn hết là tư cách đại diện người Công giáo của Giáo phận Vinh. Dầu vậy, bản thân Đức giám mục Trần Hữu Đức ba lần bị toà án Liên khu lV mời đi lấy khẩu cung về vụ Hưng Yên, bị bắt buộc rời tòa giám mục cùng toàn bộ nhà chung và hai chủng viện di tản lên Vạn Lộc, bị gọi là bọn địa chủ nhà chung, bị liệt vào thành phần ngoan cố, vì đã không chạy đủ thóc lúa để nộp cho nhà nước. Nếu ở đấu trường ngài đã phải im lặng như con chiên trước những lời thóa mạ của tá điền, đến nỗi còn chiếc nhẫn giám mục đeo ở tay cũng phải tháo ra cho họ; nếu ở cửa quyền ngài một mực giữ vững: quan hệ đạo đời không căng thẳng, cũng không thân thiện. Đức giám mục Trần Hữu Đức đã thực hiện được một điều phi thường trong hoàn cảnh bất thường. Bởi vậy có nên cho rằng, khi “Đức giám mục Trần Hữu Đức mất đi, một giai đoạn lạnh nhạt, nếu không phải là đương đầu, giữa giáo quyền và chính quyền coi như được chấm dứt” (trg 125).

Làm sao có thể chấm dứt cái thế đương đầu, khi Cộng sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo và bóp nghẹt mọi quyền tự do chính đáng của người dân? Trong “Thông điệp Đại hội Vlll đảng CSVN gởi thế kỷ 21”, lý thuyết gia Trần Bặch Đằng, mơ màng về một tương lai tươi sáng: “Đầu thế kỷ nông nghiệp còn ở dạng phôi thai với một số công trình nhỏ bé, nay thì Viêt Nam đang nói đến công nghiệp hóa, tức mở rộng qui mô công nghiệp khắp các lãnh vực kinh tế, đời sống, hơn thế đã nói đến hiện đại hóa. Dân trí trong một thế kỷ cũng đã thay đổi tận gốc, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước văn minh thu ngắn đáng kể. Song cái lớn nhất của thế kỷ 20 ở Việt Nam vẫn là sự hoán chuyển vị trí từ nước thuộc địa sang nước độc lập, dân nô lệ sang dân tự do, quốc gia đói nghèo sang quốc gia giàu mạnh” [5].

Đọc những hàng trên đây, nội dung không khác gì mấy chữ phụ họa “có được như ngày hôm nay”của sử gia Trương Bá Cần. Song đã có người nói lại: “Cái gọi là thành quả được trình bày trên đây hầu hết là những kế hoạch còn đang ở dạng mơ ước hay làm thử, nhưng bản “Thông điệp Đại hội Vlll đảng Cộng sản gởi thế kỷ 21” lại đề cao như là các công tác đã hoàn thành” [6]. Đem cái chưa có làm thành tấm khăn nhung dịu dàng phủ lên giác mơ của toàn dân, thì trong thế giới văn minh ở cuối thế kỷ 20, họa chăng chỉ có đảng CSVN mới hoang tưởng như vậy!

Người Pháp có câu tục ngữ: “Nhìn bóng lợn, mơ đèn lồng” (Prendre des vessies pour des lanternes). Cũng trong bài nói trên, không biết vô tình hay hữu ý, ông Trần Bạch Đằng có nhắc lại định đề của khoa sử học: “Chép sử vốn khách quan, sử gia sẽ ghi đúng những gì đã xảy ra trong thực tế” . Hơn ai hết, tiến sĩ Trương Bá Cần là một sử gia có vị trí nhất định trong sinh hoạt trí thức tiêu biểu ở những năm cuối thế kỷ 20 tại Việt Nam hôm nay. Hỏi rằng 59 trang báo viết về 30 năm lịch sử Giáo phận Vinh như chúng ta đã thấy, có phải là mẫu mực cho hậu thế có thể tìm thấy trong đó sự khách quan đúng mức như khoa sử học đòi hỏi không?

Bố Chính Nhân

Chú thích:

1. Miền Bắc: Tính từ vỉ tuyến 17 ngang sông Bến Hải ở Quảng Trị trở ra phía bắc, theo hiệp định Genève 1954, chia đôi lãnh thổ Việt Nam ra làm hai phần. Miền Bắc do VNDCCH lãnh đạo; miền Nam, từ sông Bến Hải trở vào, do chính phủ VNCH lãnh đạo.

2. Liên Đoàn Công giáo Việt Nam được Bộ Nội vụ chính phủ VNDCCH do bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng ký nghị định số 305/NC/DC cho phép thành lập và hoạt động theo điều lệ đã ấn định trong sắc lệnh số 52 ngày 22-4-1945. Liên đoàn có trụ sở ở số 3, phố Nhà chung, Hà Nội.

3. Việt Khởi, Bán Nguyệt san Luyện Thép, Cơ quan Ngôn luận của Hội Tương trợ Nghệ Tĩnh Bình, Sàigòn, số 7 ra ngày 16-5-1957, tr 7.

4. Linh mục Nguyễn Viết Cư (1917-1986), tiến sĩ Giáo luật, nguyên Giám đốc Tiểu Chủng viện Chân Phước Tự thuộc Giáo phận Vinh di cư, nguyên Giám đốc Công giáo Tiến Hành Toàn quốc (1961-1969), nguyên linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết (1975-1986). Trích trong Hồi ký “Tôi viết hồi ký về tôi”. Bản đánh máy, Tài liệu gia đình linh tông, 1986, tr 7.

5. Trần Bạch Đằng, tác giả ‘Thông điệp Đại hội Vlll đảng CSVN gởi Thế kỷ 21”. Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số 662, ngày 27-7-1996, tr 2.

6. Bửu Sao, tác giả “Cuộc thách đố Thế kỷ”. Bút Việt, Thứ Tư, số 239 ra ngày 1-11-1996, xuất bản tại Dallas, Texas, USA.