Ngày 17-02-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:17 17/02/2015
CÁM ƠN CỦA BÀ LÃO
N2T

Có một bà lão rất hiểu được hai chữ cám ơn, trên đường đi thì gặp kẻ cướp giựt mất ví tiền của bà ta.
Tối hôm ấy, bà ta chia sẻ với những người trong nhà như sau:
“Hôm nay tôi có bốn điều phải cám ơn thượng đế:
1. Từ trước đến nay tôi chưa gặp kẻ cướp.
2. Mặc dù nó cướp mất cái ví tiền của tôi, nhưng không cướp mạng sống tôi.
3. Mặc dù cướp toàn bộ tiền trên người tôi, nhưng không nhiều.
4. Đó là họ cướp tiền của tôi, chứ không phải tôi cướp tiền của họ.”

(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Sống ở đời, con người ta có rất nhiều dịp và rất nhiều cách để cám ơn người khác:
- Có người cám ơn vì được người khác giúp đỡ, có người cám ơn vì tấm lòng hảo tâm của người khác, có người cám ơn vì những lời khuyên của người khôn ngoan, có người cám ơn vì cách sống tốt lành của người khác đã cảm hóa họ.v.v...
- Có người biếu quà để bày tỏ sự cám ơn, có người mua tặng phẩm để bày tỏ tấm lòng cám ơn, có người đem tiền bạc để cám ơn người đã giúp đỡ mình, lại có người đem con cái mình gả cho người thi ân để cám ơn.v.v...
Người khác cám ơn một thì người giáo dân phải cám ơn gấp mười, bởi vì họ được hạnh phúc nhận biết Đức Chúa Giê-su và làm môn đệ của Ngài; người giáo dân cám ơn mười thì các linh mục phải cám ơn gấp trăm, bởi vì họ đã được Đức Chúa Giê-su chọn để làm những môn đệ thân thiết thay mặt Ngài để cai quản, dạy dỗ và thánh hóa các tín hữu sống nên thánh ngay ở giữa đời này...
Bà già có bốn điều phải cám ơn thượng đế, nhưng người Ki-tô hữu phải cám ơn Thiên Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống của mình, tức là cám ơn luôn luôn và mãi mãi vì những ân huệ mà Chúa đã ban cho.
Ai không biết cám ơn thì cũng không biết cho đi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:24 17/02/2015
THỨ TƯ LỄ TRO
N2T

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là thứ Tư Lễ Tro, là ngày bắt đầu vào mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngày hôm nay thực hành hai việc : giữ chay sám hối và thực thi bác ái.

Về vấn đề giữ chay và sám hối, thì Chúa Nhật tuần qua tôi đã nói rõ ràng và cụ thể, tuy nhiên, hôm nay tôi cũng nhắc lại vài điểm chính để cho mỗi người thấy rõ việc ăn chay và sám hối là quan trong như thế nào đối với linh hồn của chúng ta.

“Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.
“Xé lòng” tức là hy sinh, là bỏ đi ý riêng của mình cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, như thánh vịnh đã nói: “Ngày hôm nay các ngươi hãy nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng nữa”. Bởi vì trong cuộc sống, chúng ta đã nghe tiếng Chúa quá nhiều, nhưng chưa lần nào chúng ta thực hành ý Chúa trong cuộc sống đời thường của mình, do đó, mùa chay là dịp và là cơ hội để mỗi người trong chúng ta thực hành ý muốn của Thiên Chúa là sám hối ăn năn và thực thi bác ái trong cuộc sống của mình.

Trong ngục tù không một tội nhân nào được đối xử ngang hàng bình đẳng như những người ở ngoài nhà tù, tức là những người tự do, trong nhà tù họ ăn cơm đạm bạc, thiếu thốn mọi bề...
Cũng vậy, chúng ta đều là những tội nhân của lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta không được như những người tự do –lành thánh- xứng đáng đón nhận từ ân huệ này đến ân huệ khác của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có một việc phải làm, đó là sám hối tội lỗi của mình bằng chay tịnh hãm mình dẹp xác, bởi vì –xét cho cùng- chính thân xác là đối tượng và nguyên cớ khiến cho tâm hồn chúng ta phạm tội.

Ăn chay tức là tiết chế sự ăn uống để thân xác phục tùng ý chí.
Thân xác phục tùng ý chí tức là làm những việc mà thân xác “không thích” làm, như thức dậy sớm để đi dâng lễ, như làm một vài việc bác ái hy sinh mà thân xác “rất sợ” làm...

Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay ma quỷ ra sức cám dỗ chúng ta, bởi vì mùa chay là khung cảnh không gian mà con người nhìn nhận ra những tội lỗi của mình khi suy đến sự đau khổ và sự chết của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta từ bỏ cái gì thì ma quỷ sẽ dùng những thứ ấy để cám dỗ chúng ta: ngày hôm nay chúng ta ăn chay, ma quỷ đem việc ăn uống lại cám dỗ chúng ta như là thích ăn những thứ mà ngày thường chúng ta không thèm ăn, hôm nay tự nhiên chúng ta thèm uống một ly cà phê, thèm ăn miếng thịt bò, tự nhiên hôm nay cảm thấy rất mau đói mà thường ngày có thể nhịn ăn.v.v...

Chúng ta không thể chống trả nổi với cón cám dỗ nếu không có ơn Chúa giúp, do đó, trong ngày hôm nay, cũng như trong suốt mùa chay và cả cuộc đời, chúng ta luôn trông cậy vào lòng nhân từ của Chúa qua bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, để chúng ta mạnh dạn chống trả với cơn cám dỗ xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Cầu xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn gìn giữ chúng ta trong an bình cũng như trong thử thách ở đời tạm này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:28 17/02/2015
N2T

22. Hoàn toàn và mãn nguyện của cuộc sống, chính là hoàn toàn và mãn nguyện của tình yêu.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro: Kiếp người vô thường
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
11:02 17/02/2015
Mùa xuân luôn gợi lên trong ta những hình ảnh đẹp. Đẹp về ánh nắng xuân. Đẹp về những nụ hoa. Đẹp về cây nẩy lộc đâm chồi . . .; Đặc biệt sắc màu và hương thơm của trăm hoa đã hoà vào nhịp sống tất bật của con người, từ vùng ngoại ô thôn dã đến chốn phồn hoa đô thị, tạo nên một không khí vui tươi, một quang cảnh ấm áp và thiêng liêng của ngày xuân. Muôn hoa làm đẹp cho đời, muôn hoa xoa dịu buồn đau, muôn hoa khích lệ tinh thần, muôn hoa chia sẻ mừng vui… Nhưng đáng tiếc, những nụ hoa và cả mùa xuân đều mong manh, sớm nở chiều tàn. Tất cả dường như đều đi theo định luật của vạn vật là vô thường. Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì vĩnh cửu nhưng luôn chịu cảnh phù vân mong manh.

Những điều vô thường này chúng ta có thể thấy qua vạn vật và cả qua những cảnh huống cuộc đời:

Hoa đẹp . . . . . . .Hoa thơm . . . Hoa vẫn tàn
Tình nặng . . . . .Tình sâu . . . Tình vẫn tan
Rượu đắng . . . . Rượu cay . . . Rượu vẫn hết
Người hứa . . . . Người thề . . . Người vẫn quên
Trăng lên . . . . . .trăng tròn . . .trăng lại khuyết
Tuyết rơi . . . . . .tuyết phủ . . . tuyết lại tan
Hoa nở . . . . . . .hoa rơi . . . . . hoa lại tàn
Tình đẹp . . . . . .tình sâu . . . . .tình lại tan !
Người đẹp….. . người xấu…... rồi cũng chết
Người giàu …..người nghèo….rồi cũng hết
(ST)

Tình yêu đôi lứa là tình thề non hẹn biển. Một cái tình tưởng chừng như trường cửu nhưng vẫn cứ mong manh. Trong tình yêu nó vẫn có mầm chia ly. Nó vẫn làm cho bao người vỡ mộng để rồi ôm hận sầu đông.

Đò tình anh đã sang sông
Sao không ngoảnh lại nhìn hàng lệ rơi
Hoa kia sớm nở chiều tàn
Tình ta cũng vỡ theo chiều hoàng hôn.


Cảnh đời là cảnh vô thường. Những lời thề non hẹn biển cũng đi vào lãng quên. Cuộc đời con người cũng vô thường như vạn vật. Có hiện hữu hữu rồi cũng có từ giã. Có sum họp rồi cũng chia ly. Xem ra cuộc đời thật mong manh. Mong manh như nụ hoa sớm nở chiều tàn. Đây là phi lý của cuộc đời khiến người ta mong được có kiếp sau, với mong ước được là cây thông để tự do tự tại, tự vui thú trần gian.

Kiếp này, ta ở nơi đây
kiếp sau xin được làm cây thông buồn
mặc giông tố
mặc mưa tuôn
mặc cho thế thái quay cuồng xung quanh
Thông reo, reo giữa ngàn xanh
vui cùng gió mát trăng thanh địa đàng.


Hôm nay, ngày lễ tro như muốn nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của kiếp người. Thân phận tro bụi rồi cũng trở về bụi tro. Kiếm tìm công danh sự nghiệp rồi cũng có ngày buông tay để trở về với bụi đất. Vun quén của cải trần gian rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Quá mải miết tìm kiếm danh lợi thú để rồi cũng có ngày nuối tiếc vì mình quá bận tâm với của phù vân. Cuộc đời thật vắn nhưng con người lại chẳng an hưởng hiện tại mà lao công vất vả tìm kiếm những thứ chẳng trường tồn.

Khi nhìn nhận sự mong manh của kiếp người sẽ giúp chúng ta biết sống thanh thoát với cõi trần. Đừng vì danh lợi thú mà làm điều sai trái. Trái với đạo đức. Trái với lương tâm. Đừng tưởng rằng mình trường sinh nên lao đầu vào đại hội trần thế chỉ để bon chen, vui chơi, trụy lạc ; Đừng gieo vào cuộc đời những ngang trái, bất công và tội lỗi.

Khi nhìn nhận thân phận mỏng dòn của kiếp người cũng mời gọi chúng ta hãy đấm ngực ăn năn về những lạc lối của kiếp người. Hãy nhớ rằng “mọi sự là phù vân”, hãy ăn năn trước khi quá muộn, hãy sám hối và sửa lại hướng đi trước khi trở về với bụi đất. Lời bài hát của cha Kim Long như vẫn tha thiết nhắc nhở chúng ta: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Ước gì mỗi khi chúng ta cúi mình nhận lãnh những hạt tro không chỉ là hành vi sám hối, mà còn là dịp để nhìn nhận thân phận tro bụi của mình. Một thân phận thật mỏng giòn nên hãy biết sống cho trọn ý nghĩa của kiếp người. Một thân phân mong manh sớm nở chiều tàn như loài hoa nên hãy sống có ý nghĩa với giây phút hiện tại. Xin Chúa giúp chúng ta biết sám hối về những lạc lối của mình và hoàn thiện mình thay vì chỉ mải miết chạy theo thế trần. Amen
 
Nhân phẩm là bụi tro
Lm. Ðaminh Nguyễn ngọc Long
18:28 17/02/2015
Nhân phẩm là bụi tro

Bụi tro, bụi đất nhỏ li ti không có gía trị sức nặng kí lô nào đáng kể.

Bụi tro, bụi đất bay vất vưởng trong không khí gây ô nhiễm làm ngột ngạt khó thở có hại cho sức khoẻ.

Bụi tro, buị đất người ta quét vun lại rồi quăng vất ra góc vườn ngoài đồng ruộng cho sạch sẽ lối đi.

Nhưng theo kinh thánh thuật lại con người được Thiên Chúa tạo thành từ bụi đất.

Hằng năm vào ngày thứ Tư lễ Tro, ngày bắt đầu mùa chay 40 ngày, theo tập tục nếp sống đức tin của đạo Công Giáo, mọi người tín hữu Chúa Kitô đến trước bàn thờ cúi đầu xin lãnh nhận bỏ tro trên đỉnh đầu, trên trán. Dấu chỉ này nói lên lòng ăn năn thống hối xin Chúa ban ơn tha thứ những tội lỗi đã vấp phạm.

Dấu chỉ này cũng nói lên tâm tình từ nay xin từ bỏ cung cách nếp sống kiêu ngạo tự khoe mình, lấy mình làm trung tâm điểm.

Dấu chỉ khiêm cung lãnh nhận được rắc tro bụi trên đầu nói lên lòng kính trọng chân nhận mình là con cháu của Ông Bà nguyên tổ Adong và Eva, người được tạo dựng nên từ bụi đất.

Là tro bụi con người không có thể làm được tất cả. Con người là một tạo vật có khả năng giới hạn sống trên mặt đất. Đời sống con người như dòng sông, dòng điện trôi qua đi mau. Họ không thể kéo giữ lại những gì đã xảy ra ngay cả những gì cho là hay đẹp nhất. Tất cả tuần tự trôi qua đi như cát trôi dạt ngoài biển khơi, như bụi tro bay lưu lạc trong không khí.

Tâm tình lòng tin tưởng nhớ mình được tạo thành từ bụi tro nhắc nhớ mình là một tạo vật mỏng dòn. Nhưng mang trong mình hơi thở mầm sự sống của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh thần thánh Thiên Chúa khắc ghi vào nơi mỗi con người.

Vì thế con người có gía trị hơn tro bụi nhiều. Hơi thở hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người là sự sống, là ơn kêu gọi, những khả năng, cơ hội tiềm tàng trong thân xác, trong tâm trí chờ được phát triển bung nở vươn ra.

Ngày xưa bên bờ sông Jordan dân chúng xắp hàng đến xin Thánh Gioan làm phép rửa để tỏ lòng ăn năn thống hối trở về với Thiên Chúa.

Ngày thứ Tư lễ Tro, người tín hữu Chúa Kităô cũng sắp hàng đến xin nhận lãnh bụi tro rắc trên đầu tỏ lòng ăn năn thống hối.

Trong Thánh lễ Misa người tín hữu cũng thứ tự xắp hàng với hai bàn tay trắng lên tiếp nhận tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kito cho tâm hồn đức tin của mình.

Điều này nhắc nhớ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người từ tro bụi, đã trở nên Bí tích Thánh Thể cho con người.

Tấm bánh Thánh Thánh nhắc nhớ đến tấm bánh ngày xưa Thiên Thần đã mang đến cho Thánh Tiên Tri Elia trong sa mạc hoang vắng. Tấm bánh này cũng được nướng trong lò lửa có tro bụi. Như thế trong tro bụi tấm bánh đã được nung nướng thành, mà Thiên Thần mang đến cho Eilia trong lúc đói lả mệt nhọc giữa đường đi.

Trong tro bụi Chúa Giêsu cũng đã nằm, ngài chính là bánh sự sống. Ngài đã chia sẻ thân phận nếp sống tro bụi của con người. Ngài đã sinh xuống trần gian làm người nơi hang chuồng xúc vật ở Bethlehem. Ngài đã đi bộ đó đây trên khắp nẻo đường quê hương đất nước Do Thái, dính bụi đất dọc đường, và sau cùng vác thập gía chịu khổ hình đến nơi chịu chết vì tro bụi dơ bẩn tội lỗi của con người.

Bụi tro đất làm nên thân xác hình hài con người có giá trị tốt. Vì được Thiên Chúa chúc phúc thánh hóa cùng ban hình ảnh hơi thở sự sống của Ngài cho con người.

Bụi tro đất làm nên con người có gía trị cao qúi mang lại sự sống. Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã chia sẻ thân phận đời sống tro bụi làm người với con người. Và Ngài đã trở nên bánh sự sống đức tin cho con người.

Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và được kêu gọi cùng sống lại với Chúa Kito phục sinh.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:32 17/02/2015
CON ĐƯỜNG THỨ TƯ
N2T

Một ông bố dẫn ba đứa con đi qua một vườn cây ăn quả, nhìn trên cây thấy ra quả rất nhiều, thế là muốn hái trộm vài trái đem về nhà.
Ông ta dặn dò ba đứa con chia nhau đứng ba con đường đi vào vườn cây ăn quả, nếu nhìn thấy bất kỳ người nào, thì lập tức báo ngay.
Người ấy bèn lấy trái cây bỏ vào trong bao.
Đột nhiên, đứa con nhỏ la lên:
- “Ba, còn một con đường nữa chưa có người canh.”
Ông ta kinh ngạc hỏi nó:
- “Ở đây không phải chỉ có ba con đường thôi hay sao, làm gì có con đường thứ tư ?”
Đứa con nhỏ đáp:
- “Còn có một con đường nữa, nó ở trên trời.”
Lúc ấy, ông bố đỏ mặt, thế là lấy tất cả trái cây trong túi bỏ lại, dắt ba đứa con vội vàng chạy mất.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Con người ta thường hay lấy tài năng khôn ngoan của mình để tính toán đường đi nước bước cho mình và cho người khác, nên có lúc bị thất bại và lạc đường, bởi vì mưu sự tại nhân thành sự tại thiên; con người ta thường hay vạch đường đi đến tương lai bằng tri thức và kinh nghiệm của mình, nên có những lúc bị kẹt lối gỡ không ra, bởi vì “có con đường xem ra ngay thẳng, nhưng rốt cuộc lại đưa đến tử vong”(Châm Ngôn 14, 12).
Người làm điều ám muội thì luôn phòng bị sẵn con đường tiến và rút lui, nhưng còn một con đường nữa mà họ không bao giờ đề phòng, đó là con đường trên trời và con đường lương tâm, cho nên khi họ thành công vì các con đường thế gian đã bị họ khống chế mua chuộc, thì con đường trên trời và đường lương tâm mở ra để họ thấy những việc làm bất chính ác đức của mình...
Đức Chúa Giê-su nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, cho nên đường trên trời và đường lương tâm chính là con đường của Chúa Giê-su, và là con đường thứ tư vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chia sẻ đầu năm Ất Mùi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:39 17/02/2015
CHIA SẺ ĐẦU NĂM ẤT MÙI
(2015)

N2T

1.
Đối với người Hoa, khi tiết “lập xuân” đến thì coi như là đã bước vào ngưỡng cửa của năm mới. Trong ngày này người ta dặn dò nhau không được nói những lời bất lợi cho bản thân cũng như cho người khác, trong ngày này người ta thường nói những lời tốt đẹp và tránh làm mất lòng người khác, bởi vì người ta tin rằng, tiết “lập xuân” là đã bước vào năm mới, cho nên cần phải giữ hòa khí để cả năm mới được thêm nhiều bạn bè; trong ngày tiết “lập xuân” trên điện thoại thông minh các bạn trẻ và cả người lớn đều line cho nhau những lời tốt đẹp, nhắc nhở nhau giữ gìn lời nói và đặc biệt là gởi đến nhau những câu chúc năm mới rất tình người và vui vẻ.

Người đời như thế, thì người Ki-tô hữu càng phải hơn thế nữa, người ta đã bước qua năm mới khi tiết “lập xuân” đến, mặc dù từ tiết “lập xuân” đến Tết còn những hai tuần. Người Ki-tô hữu không những phải chúc nhau những lời tốt đẹp trong những ngày tết, mà còn chúc nhau mỗi ngày, bởi vì –đối với người Ki-tô hữu- mỗi ngày đều là mùa xuân và mỗi ngày đều là của Chúa, tại sao lại không chúc nhau sự bình an chứ, hơn nữa, mỗi ngày chúng ta sống đều là thánh lễ, thánh lễ cuộc đời này cần phải có sự bình an của Chúa và sự thân thiện với tha nhân.

Người Ki-tô hữu sống là sống với anh chị em, sống cho anh chị em và sống cùng anh chị em, vậy thì tại sao chúng ta không nói với nhau những lời chân thành trong cuộc sống ?

2.
Ngày 30 tết đúng là một ngày bận rộn của mọi người, mọi gia đình. Trên đường đi hình như ai cũng đi hối hả, ít người đi thảnh thơi, bởi vì chỉ còn một ngày nữa là năm mới đến, là tết đến, cho nên không ai dám thư thả thong dong đi, mà là chạy đua với thời gian, bởi vì thời gian qua đi thì không bao giờ trở lại.

Ngày 30 tết là ngày “tết nhỏ” của người Hoa chuẩn bị cho ngày tết lớn là ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch, ngày hôm nay các chợ các quán hàng đều hoạt động đến trưa và tạm nghỉ để nhà nhà chuẩn bị đón tết, do đó mà ai cũng vội vàng mua sắm những thứ cần dùng cho những ngày tết...

Ngày 30 tết năm nay nhằm ngày Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu vào mùa chay thánh, chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh của Đức Chúa Giê-su. Ngày hôm nay đối với người Ki-tô hữu còn mang ba ý nghĩa rất lớn là ngoài việc chuẩn bị đón mừng năm mới đến, đồng thời cũng là cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ một năm qua bằng an và ơn lành, và cũng là ngày xức tro bày tỏ lòng sám hối chân thành của họ.

Đón tết với một tâm hồn vui tươi, cảm tạ và sám hối thì thật là tuyệt vời của người Ki-tô hữu, bởi vì Chúa chính là mùa xuân là niềm vui là là Đấng cứu độ, ngoài Chúa ra thì không một thần thánh thế lực nào làm cho con người có mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân vĩnh cửu này được trang điểm bằng các nhân đức của con người và ân sủng của Thiên Chúa ban cho.

3.
Năm nay là năm Ất Mùi, là năm con Dê làm chủ, là Dương Niên﹝羊年﹞là năm mà mọi người đều hy vọng phát tài phát lộc và an vui, bởi vì đặc biệt năm của con Dê người Hoa thường có những câu chúc tốt lành nhất, chẳng hạn như người ta chúc nhau: “dương dương đắc ý楊揚得意”(1) , hoặc là “tam dương khai thái"三陽開泰" (2) ... đều là những câu chúc với ý nghĩa phúc lộc dồi dào và bình an hạnh phúc.

Những câu đối màu đỏ và những bao lì xì đỏ chói với những nét hoa văn mạ vàng đậm đà của mùi vị tết được bán hai bên đường, ai ai cũng lựa cho mình những bao lì xì đẹp và ý nghĩa nhất để lì xì cho con cháu, người thân hoặc bạn bè. Những gì đẹp nhất đều dành cho người thân trong những ngày tết, nhưng cái đẹp nhất nổi bật nhất chính là văn hóa yêu thương, văn hóa sự sống và văn hóa tha thứ, bởi vì trong những ngày tết đầu năm mới không ai muốn làm phiền lòng người khác, không ai muốn người khác phải đau buồn vì lời nói hoặc hành vi thái độ của mình, tất cả đều là bình an và vui tươi...

Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm nay là năm của “Đời Sống Thánh Hiến”, năm mà Giáo Hội mời gọi tất cả những người đã hiến dâng đời mình để theo Chúa phục vụ và phụng sự Ngài trong thế giới này phải nhìn lại lối sống của mình, bởi vì trào lưu tục hóa không ngừng công đánh những con người ưu tú của Giáo Hội, chính năm “Đời Sống Thánh Hiến” này sẽ là năm mà mỗi linh mục tu sĩ và giáo dân, mỗi người theo cách của mình, suy tư đến vai trò mà Thiên Chúa đã đặt mình vào trong nhiệm cục cứu rỗi nhân loại của Ngài, bởi vì để cứu chuộc nhân loại Chúa Cha đã hy sinh Con Một của mình chết trên thánh giá, và để nhân loại biết đến tình yêu của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ nhờ chúng ta –qua Giáo Hội- để rao giảng Đức Chúa Giê-su cho mọi người biết, chính Ngài là Chúa Xuân, là căn nguyên, là khởi đầu và kết thúc của vạn vật...

Nhìn mọi người chuẩn bị đón năm mới với hy vọng tràn trề cho ngày mai, cũng vậy, năm “Đời Sống Thánh Hiến” cũng mở ra một hy vọng mới cho Giáo Hội, cho tất cả mọi người và đặc biệt cho những ai đã, đang và sẽ hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.

4.
Người ta hy vọng năm Ất Mùi sẽ là năm hòa bình thịnh vượng, bởi vì con Dê đứng hàng thứ tám trong số mười hai con giáp, trước nó là con ngựa (năm ngọ) chạy long nhong, sau nó là con khỉ (năm thân) nhảy long tong, khi mà trước và sau đó đều động (động binh, chiến tranh, chia rẻ...) thì nó (con dê) là hiền hòa, an bình và không muốn tranh chấp với người khác.

Người tuổi con dê thì có tâm hồn nghệ sĩ, thích sáng tạo và yêu hòa bình, không thích cầm quyền danh vọng chức tước, nhưng nếu cần thì sẽ là người lãnh đạo tốt.

5.
Năm nay, trên mạng xã hội (facebook) người ta đưa lên những hình ảnh làm từ thiện gói bánh tét bánh chưng cho người nghèo do các giáo xứ tổ chức, một việc làm thắm thiết tình yêu huynh đệ, một miếng khi đói bằng gói khi no, từ hải ngoại đến quốc nội người người đều nô nức đón tết nhưng không quên những người bất hạnh chung quanh mình, đó là điều mà Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ của Ngài trong Tám mối phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)

Giáo xứ này gói bánh tét bánh chưng, giáo xứ nọ tổ chức đi thăm và tặng quà cho các trại mồ côi, giáo xứ kia thì thăm và tặng quà tết cho các em nghèo ở vùng xa vùng sâu. Chính họ đã đem tình yêu của Chúa Xuân đến với người nghèo bất hạnh, nơi từng món quà nhỏ mà có ý nghĩa ấy là sự hiện diện của Chúa Xuân và tâm hồn yêu thương của những người đã chia sẻ với Ngài qua các bệnh nhân và người nghèo.

Năm mới đến, năm Ất Mùi đến, năm con Dê đến và mọi người hy vọng nó đem theo nhiều hoan lạc bình an cho thế giới, nhưng có một thứ bình an vĩnh cửu mà không một ai có thể ban cho người khác, đó chính là bình an trong tâm hồn, bình an trong tâm hồn chính là bình an của Chúa ban cho những ai thành tâm tìm kiếm, bởi vì Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ, là Đấng ấn định đường đi của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; Ngài chính là Mùa Xuân vĩnh cữu, là Chúa Xuân của muôn loài...
Xuân đến rồi
Tết đến rồi
Chúc mừng năm mới
Vạn sự như ý
Tạ ơn Chúa !

(1) (2) , 揚 và 陽phát âm là ya’ng, Hán Việt là dương, tức là bốc lên; 羊 cũng phát âm là ya’ng, Hán Việt là dương, tức là con Dê. Cả hai chữ phát âm như nhau và đều “dương” như nhau. Cho nên người ta lấy ý nghĩa của nó là “dương dương” mà thôi.

Taiwan, ngày 18/02/2015
Ngày 30 tết Ất Mùi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:42 17/02/2015
N2T

23. Con người cần phải yêu mến Thiên Chúa trước, mới có thể yêu người trong Thiên Chúa.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chia buồn với Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập
Lm. Trần Đức Anh OP
12:05 17/02/2015
VATICAN. ĐTC đã gọi điện cho Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai cập, để chia buồn về vụ 21 tín hữu thuộc Giáo Hội này bị cái gọi là Nhà Nước Hồi giáo, IS, chặt đầu hôm 16-2 vừa qua ở Libia.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc điện đàm với Đức Thượng Phụ, ĐTC đã bày tỏ sự cảm thông sâu xa với sự đau khổ của Giáo Hội Chính Thống Copte vì vụ sát hại dã man các tín hữu Chính Thống Copte do những người Hồi giáo cực đoan. Ngài hứa cầu nguyện cho các nạn nhân và trong ngày an táng các nạn nhân 17-2 này, ngài dâng lễ ban sáng, hiệp ý cầu nguyện và liên kết với đau khổ của Giáo Hội Copte.

Trong ý hướng đó, trong thánh lễ sáng hôm qua, 17-2-2015, tại nguyện đường Nhà trọ thánh Marta, ĐTC nói với mọi người hiện diện: ”Chúng ta hãy dâng thánh lễ này cho 21 anh em Copte của chúng ta, bị cắt cổ chỉ vì là Kitô hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa đón nhận họ như người tử đạo, cầu cho gia đình họ, cho người anh em tôi là Thượng Phụ Tawadros đang đau khổ nhiều vì vụ này.”

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC tái kêu gọi những nước liên hệ đừng bán khí giới cho các nước đang có chiến tranh.
Trước đó, trong buổi tiếp kiến phái đoàn Giáo Hội Ecosse hôm 16-2-2015, ĐTC đã ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, để bày tỏ đau buồn vì sự sát hại các tín hữu Chính Thống Copte ở Libia và nhắc lại rằng: ”Khi bị hành quyết, họ chỉ nói: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con”. Họ đã bị sát hại chỉ vì là Kitô hữu... Máu của các anh em Kitô chúng ta là một chứng từ kêu lớn. Họ là Công Giáo, Chính Thống, Copte, hay Luther, điều đó không quan trọng. Máu vẫn là máu. Máu làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta nhớ đến các anh em ấy đã chết chỉ vì sự kiện họ làm chứng cho Chúa Kitô, tôi xin chúng ta hãy khích lệ nhau tiến bước trong tinh thần đại kết này, tinh thần đại kết bằng máu, đang khích lệ chúng ta. Các vị tử đạo tất cả đều là Kitô hữu”. (SD 16-2-2015)

Tại Ai Cập, Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sidrak, ở thành Alessandria, thủ lãnh của hơn 200 ngàn tín hữu Công Giáo Copte Ai Cập, cũng chia buồn với Giáo Hội Chính Thống tại nước này cũng như với gia đình của các nạn nhân bị sát hại, đồng thời ngài cũng cám ơn tổng thống Abdel Fattah al Sisi cũng như tất cả các tổ chức chính quyền Ai Cập đã mau lẹ phản ứng đối với hành vi khủng bố của nhóm IS.

Tổng thống al Sisi đã ra lệnh cả nước để tang trong 7 ngày 21 tín hữu Copte bị sát hại. Ông cũng ra lệnh cho không lực Ai Cập tấn công các căn cứ của lực lượng Hồi giáo IS ở Libia.

Trong tuyên ngôn được hãng tin Fides của Bộ truyền giáo truyền đi, Đức Thượng Phụ Sidrak cũng mời gọi các tín hữu hãy nhìn cái chết bi thảm của anh em Chính Thống Copte với cái nhìn được đức tin soi sáng. Đồng thời ngài coi sự kiện toàn dân Ai Cập có một phản ứng đồng nhất trước vụ sát hại này là một điều quan trọng, liên kết mọi người, Kitô cũng như Hồi giáo với nhau”. (RG 16-2-2015)
 
Toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30
+ Phanxicô Giáo Hoàng
12:08 17/02/2015
Toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30
(sẽ được cử hành vào Chúa Nhật Lễ Lá 29-3-2015)

"Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5.8)

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành thiêng liêng hướng về Cracovia, nơi sẽ diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới vào tháng 7 năm 2016. Chúng ta đã chọn các Mối Phúc Thật của Tin Mừng như chỉ nam hướng dẫn hành trình của chúng ta. Năm ngoái chúng ta đã suy tư về Mối Phúc tinh thần thanh bần, được tháp nhập vào bối cảnh rộng lớn hơn của ”Bài giảng trên núi”. Chúng ta đã cùng nhau khám phá ý nghĩa cách mạng của các Mối Phúc và lời kêu gọi mạnh mẽ của Chúa Giêsu gửi đến chúng ta, mời gọi chúng ta can đảm trong cuộc phiêu lưu tìm kiếm hạnh phúc. Năm nay, chúng ta suy tư về Mối Phúc thứ sáu: ”Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

1. Ước muốn hạnh phúc

Từ ”phúc” hoặc ”hạnh phúc” xuất hiện 9 lần trong phần thứ nhất bài giảng của Chúa Giêsu (Xc Mt 5,1-12). Nó như một điệp ca nhắc nhớ chúng ta về lời kêu gọi của Chúa hãy cùng nhau tiến bước với Ngài trong hành trình là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực, mặc dù có đủ thứ thách đố.

Đúng vậy, hỡi các bạn trẻ thân mến, con người thuộc mọi thời đại và lứa tuổi đều tìm kiếm hạnh phúc. Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi người nam nữ một ước muốn không thể đè nén được, ước muốn hạnh phúc, sung mãn. Các bạn chẳng cảm thấy tâm hồn mình khắc khoải và liên tục tìm kiếm một điều thiện hảo có thể thỏa mãn khát vọng vô biên của các bạn sao?

Những chương đầu tiên trong sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta hạnh phúc tuyệt vời mà chúng ta được kêu gọi tiến tới và hạnh phúc ấy hệ tại được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên, với chính mình. Được tự do đến với Chúa, sống thân mật và hưởng kiến Ngài, đó là điều vốn có trong dự án của Thiên Chúa dành cho nhân loại ngay từ đầu và làm cho ánh sáng thần linh thấm nhập mọi quan hệ của con người bằng chân lý và sự trong sáng. Trong trạng thái tinh tuyền nguyên thủy, không có những ”mặt nạ”, những cuộc lẩn tránh, những lý do để ẩn nấp nhau. Tất cả đều thanh khiết và minh bạch.

Khi người nam người nữ chiều theo cám dỗ và phá vỡ quan hệ hiệp thông tín thác với Thiên Chúa, thì tội lỗi đi vào lịch sử nhân loại (Xc St 3). Người ta nhận thấy ngay hậu quả của tội lỗi cả trong những quan hệ với bản thân, với tha nhân và với thiên nhiên. Thật là bi thảm dường nào! Sự thanh khiết nguyên thủy như bị ô nhiễm. Từ lúc đó trở đi con người không còn có thể trực tiếp đến cùng Thiên Chúa nữa. Thay vào đó là xu hướng trốn tránh, người nam và người nữ phải che đậy sự trần truồng của mình. Vì thiếu ánh sáng đến từ sự ngắm nhìn CHúa, nên họ nhìn thực tại chung quanh một cách lệch lạc, thiển cận. ”Địa bàn” nội tâm trước kia hướng dẫn họ trong sự tìm kiếm hạnh phúc nay bị mất điểm tham chiếu và những tiếng gọi của quyền lực, sở hữu và ham mê lạc thú với bất kỳ giá nào đưa họ vào vực thẳm sầu muộn và lo âu.

Trong các thánh vịnh, chúng ta thấy tiếng kêu của nhân loại từ thẳm sâu của tâm hồn vọng đến Thiên Chúa: ”Lạy Chúa, ai sẽ làm cho chúng con thấy điều thiện, nếu ánh sáng tôn nhan Chúa không còn ở nơi chúng con nữa?” (Tv 4,7). Chúa Cha, với lòng từ nhân vô biên, đã đáp lại lời khẩn cầu này và sai Con của Ngài đến. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa mặc lấy khuôn mặt nhân trần. Qua sự nhập thể, cuộc sống, chết đi và sống lại của Chúa Con, Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra cho chúng ta những chân trời mới, cho đến bấy giờ là điều không ta thể nghĩ tới được.

Và thế là, hỡi các bạn trẻ thân mến, trong Chúa Kitô những ước mơ thiện hảo và hạnh phúc của các bạn được thành tựu viên mãn. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn những mong đợi của các bạn, những mong đợi này bao nhiêu lần đã bị thất vọng vì những lời hứa hẹn giả dối của trần thế. Như thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã nói: ”Chính Chúa là vẻ đẹp thu hút các bạn dường nào; chính Ngài khiêu khích các bạn bằng khát vọng biến cuộc đời các bạn thành cái gì cao cả” (Đêm canh thức cầu nguyện tại Tor Vergata, 19-8-2000: Insegnamenti XXIII/2, [2000], 212)

2. Phúc cho những tâm hồn thanh sạch...

Bây giờ chúng ta tìm cách đào sâu để xem Mối Phúc này tiến qua tâm hồn thanh sạch như thế nào. Trước tiên chúng ta cần hiểu ý nghĩa từ ”thanh sạch” theo Kinh Thánh. Theo Văn hóa Do thái, con tim là trung tâm các tình cảm, các tư tưởng và ý hướng của con người. Nếu Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không nhìn vẻ bề ngoài, nhưng nhìn con tim (Xc 1 Sm 16,7), thì chúng ta cũng có thể nói rằng chính từ con tim mà chúng ta có thể thấy Thiên Chúa. Sở dĩ như vậy vì con tim tóm gọn trọn vẹn con người, cả xác lẫn hồn, trong khả năng yêu và được yêu.

Trái lại về định nghĩa từ ”thanh sạch”, thánh sử Mathêu dùng từ Hy lạp 'katharos' cơ bản có nghĩa là ”sạch sẽ, tinh tuyền, không có những chất ô nhiễm”. Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu gạt bỏ một quan niệm về sự tinh tuyền theo nghi thức gắn liền với bên ngoại, cấm mọi tiếp xúc với những sự vật và con người (trong số này có những người phong cùi và người ngoại kiều), bị coi là ô uế. Với những người biệt phái - giống như bao nhiêu người Do thái thời ấy, họ không ăn nếu trước đó không thực hiện nghi thức thanh tẩy và họ tuân giữ nhiều truyền thống gắn liền với việc rửa các đồ vật, Chúa Giêsu nói dứt khoát rằng: ”Không có gì từ bên ngoài con người, khi vào bên trong làm cho con người trở nên ô uế. Nhưng chính những điều xuất ra từ con người làm cho họ ô uế. Thực vậy, từ bên trong, nghĩa là từ tâm hồn con người, phát xuất những dự tính xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, ham hố, gian ác, lường gạt, tháo thứ, ghen tương, vu khống, kiêu hãnh, điên rồ” (Mc 7,15.21-22).

Vậy hạnh phúc nảy sinh từ con tim thanh sạch hệ tại điều gì? Đi từ danh sách những điều ác làm cho con người trở nên ô uế mà Chúa Giêsu liệt kê, chúng ta thấy rằng vấn đề này liên hệ trước tiên tới lãnh vực các tương quan của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải học cách phân định điều gì có thể làm cho con tim của mình bị ”ô nhiễm”, học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm, có khả năng ”nhận ra thánh ý Chúa, điều gì là tốt, làm đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12,2). Nếu cần có một sự chú ý lành mạnh đối với việc bảo tồn thiên nhiên, không khí trong lành, nước và lương thực thanh khiết, thì chúng càng cần phải bảo tồn sự thanh khiết của những gì mà chúng ta quí chuộng nhất: đó là con tim và những liên hệ của chúng ta. Nền ”sinh thái học nhân bản” sẽ giúp chúng ta hít thở không khí trong lành đến từ những điều đẹp đẽ, từ tình yêu chân thực, từ sự thánh thiện.
Có lần tôi đã đặt cho các bạn câu hỏi: ”Kho tàng của bạn ở đâu? Bạn đặt con tim của mình trên kho tàng nào? (Xc Cuộc phỏng vấn với vài bạn trẻ người Bỉ, 31-3-2014). Đúng vậy, con tim chúng ta có thể gắn bó với những kho tàng đích thực hoặc giả dối, nó có thể tìm được nơi an nghỉ đích thực hoặc bị ngái ngủ, trở nên lười biếng và bị mê sảng. Thiện ích quí giá nhất mà chúng ta có thể có được trong đời chính là quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn có xác tín về điều đó hay không? Các bạn có ý thức về giá trị khôn lường của các bạn trước mặt Chúa hay không? Các bạn có biết mình được Chúa yêu thương và đón nhận một cách vô điều kiện, như các bạn đang hiện hữu hay không? Khi nhận thức này bị suy giảm, thì con người trở thành một ẩn ngữ không thể hiểu được, vì chính sự ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Các bạn có cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giàu có hay không (Xc Mc 10,17-22)? Thánh sử Marcô nhận xét rằng Chúa chăm chú nhìn anh ta và Ngài yêu thương anh (Xc c.21), rồi Ngài mời gọi anh hãy đi theo Ngài để tìm được kho tàng đích thực. Các bạn trẻ thân mến, tôi cầu chúc các bạn được cái nhìn của Chúa Kitô, đầy tình yêu thương, tháp tùng các bạn trong suốt cuộc đời.

Tuổi trẻ là thời kỳ trong đó nảy sinh sự phong phú về tình cảm hiện diện trong tâm hồn các bạn, ước muốn sâu xa, mong được một tình yêu chân thật, đẹp đẽ và cao cả. Bao nhiêu sức mạnh ở trong khả năng yêu thương và được yêu! Các bạn đừng để cho giá trị quí báu này bị biến thái, hủy hoại hoặc bị ô uế. Điều này xảy ra khi trong quan hệ của chúng ta có sự lợi dụng tha nhân vào những mục tiêu ích kỷ, đôi khi coi tha nhân như một đồ vật để thỏa mãn lạc thú mà thôi. Con tim bị thương tổn và sầu muộn sau những kinh nghiệm tiêu cực như thế. ”Tôi xin các bạn đừng sợ tình yêu chân thực, tình yêu mà Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã dạy chúng ta như sau: ”Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13,4-8.

Khi mời gọi các bạn tái khám phá vẻ đẹp của ơn gọi con người sống tình yêu, tôi nhắn nhủ các bạn hãy nổi lên chống lại xu hướng lan tràn tầm thường hóa tình yêu, nhất là khi người ta tìm cách thu hẹp tình yêu vào khía cạnh tính dục, loại bỏ mọi đặc tính thiết yếu của vẻ đẹp, sự hiệp thông, chung thủy và trách nhiệm. Các bạn trẻ thân mến, ”trong thứ văn hóa tạm bợ, tương đối, nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là hưởng thụ trong lúc này, và không bõ công dấnthân trọn đời, đưa ra những chọn lựa chung kết, mãi mãi, vì ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Trái lại, tôi xin các bạn hãy trở thành những nhà cách mạng, tôi xin các bạn hãy đi ngược dòng; đúng vậy, theo nghĩa đó tôi xin các bạn hãy nổi lên chống lại thứ văn hóa tạm bợ, xét cho cùng, thứ văn hóa này tin rằng các bạn không có khả năng yêu thương thực sự. Tôi tín thác nơi các bạn trẻ và cầu nguyện cho các bạn. Hãy can đảm đi ngược dòng. Và hãy can đảm sống hạnh phúc” (Gặp gỡ các bạn thiện nguyện tại Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Rio, 28-7-2013).

Các bạn trẻ là những người thám hiểm tài ba! Nếu các bạn dấn thân khám phá giáo huấn phong phú của Giáo Hội trong lãnh vực này, các bạn sẽ thấy Kitô giáo không hệ tại một mớ những điều cấm đoán bóp nghẹt ước muốn hạnh phúc của chúng ta, nhưng là một dự phóng cuộc sống có khả năng làm cho con tim chúng ta say mê!

3... vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa

Trong con tim của mỗi người nam nữ luôn vang vọng lời mời gọi của Chúa: ”Các con hãy tìm thánh nhan Ta!” (Tv 27,8). Đồng thời chúng ta luôn phải đối đầu với thân phận nghèo nàn của chúng ta là người tội lỗi. Ví dụ chúng ta đọc thấy trong sách Thánh Vịnh: ”Ai có thể lên núi Chúa? Ai có thể ở nơi thánh? Thưa đó là người có bàn tay vô tội và con tim trong trắng” (Tv 24,3-4). Nhưng chúng ta không nên sợ hãi hoặc nản chí: trong Kinh Thánh, và trong lịch sử mỗi người, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn đi bước đầu. Chính Ngài thanh tẩy chúng ta để chúng ta có thể được nhận vào trước nhan thánh Ngài.

Ngôn Sứ Isaia, khi nhận được lời mời gọi của Chúa nói nhân danh Ngài, Ông kinh hãi và nói: ”Ôi, khốn thay cho tôi! Tôi bị hư mất rồi, vì tôi là người có môi miệng ô uế” (Is 6,5). Nhưng Chúa đã thay tẩy ông, và sai một thiên thần đến chạm vào miệng ông và nói: ”Lỗi ngươi đã biến mất, và tội ngươi đã được đền bù” (c.7). Trong Tân Ước trên hồ Gennesaret, khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên và làm phép lạ mẻ cá lạ lùng, Simon Phêrô sấp mình xuống dưới chân Chúa và nói: ”Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Chúa trả lời ngay: ”Đừng sợ; từ nay con sẽ là kẻ đánh cá người” (c.10). Và khi một trong các môn đệ Chúa Giêsu hỏi Ngài: ”Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và vậy là đủ cho chúng con rồi”, Thầy đáp: ”Ai thấy Thầy, thì cũng thấy Cha Thầy” (Ga 14,8-9).

Vì thế, lời Chúa mời gọi gặp Ngài cũng được gửi đến mỗi người trong các bạn, dù bạn ở nơi nào và hoàn cảnh nào nào đi nữa. Chỉ cần ”quyết định để cho Chúa gặp bạn, không ngừng tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Không có lý do để ai có thể nghĩ rằng lời mời gọi đó không phải là cho mình” (Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm, 3). Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, cần được Chúa thanh tẩy. Nhưng chỉ cần một bước tiến nhỏ hướng về Chúa Giêsu để khám phá thấy rằng Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở, đặc biệt là trong bí tích Hòa Giải, là cơ hội ưu tiên để gặp gỡ lòng từ bi Chúa thanh tẩy và tái tạo con tim chúng ta.

Đúng vậy, các bạn trẻ thân mến, Chúa muốn gặp gỡ chúng ta, để cho chúng ta thấy Ngài. ”Nhưng bằng cách nào?” - các bạn có thể hỏi tôi như vậy. Cả thánh nữ Têrêsa Avila, sinh tại Tây Ban Nha cách đây đúng 500 năm, khi còn nhỏ đã nói với cha mẹ: ”Con muốn thấy Thiên Chúa”. Rồi thánh nữ đã khám phá con đường cầu nguyện ”như một tương quan thân hữu thân mật với Đấng mà chúng ta cảm thấy được Ngài yêu thương” (Sách sự sống, 8,5). Vì thế, tôi hỏi các bạn: các bạn có cầu nguyện không? Các bạn có biết mình có thể nói với Chúa Giêsu, nói với Chúa Cha, với Chúa Thánh Linh, như thể nói với một người bạn thân tín nhất hay không! Các bạn hãy thử làm như vậy đi, một cách đơn sơ. Các bạn sẽ khám phá điều mà một nông dân ở làng Ars xưa kia đã nói với Thánh Cha Sở trong làng: khi con cầu nguyện trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, ”con nhìn Chúa và Chúa nhìn con” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 2715).

Một lần nữa tôi mời gọi các bạn hãy gặp gỡ Chúa bằng cách siêng năng đọc Kinh Thánh. Nếu các bạn chưa có thói quen thì hãy bắt đầu bằng các sách Tin Mừng. Hãy đọc mỗi ngày một đoạn. Hãy để cho Lời Chúa nói với con tim các bạn, soi sáng bước đi của các bạn (Xc Tv 119,105). Các bạn hãy khám phá thấy rằng chúng ta cũng có thể ”thấy” Thiên Chúa cả nơi khuôn mặt của những người anh em, nhất là những người bị lãng quên nhất: những người nghèo, người đói khát, người nước ngoài, các bệnh nhân và những người bị cầm tù (Xc Mt 25,31-46). Các bạn có bao giờ cảm nghiệm điều đó chưa? Các bạn trẻ quí mến, để đi vào tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa, cần nhìn nhận mình là người nghèo với người nghèo. Một con tim tinh tuyền nhất thiết cũng phải là một con tim từ bỏ, biết hạ mình xuống và chia sẻ cuộc sống của mình với những người túng thiếu nhất.

”Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong kinh nguyện, qua việc đọc Kinh Thánh và đời sống huynh đệ sẽ giúp các bạn biết Chúa và bản thân mình rõ hơn. Như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmaus (Xc Lc 24,13-35), tiếng Chúa Giêsu làm cho con tim chúng ta nồng cháy và mắt các bạn sẽ mở ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta, và qua đó khám phá dự phóng tình thương mà Chúa dành cho cuộc sống chúng ta.

Một số người trong các bạn đang hoặc sẽ cảm thấy tiếng Chúa gọi sống đời hôn nhân, thành lập một gia đình. Ngày ngay nhiều người nghĩ rằng ơn gọi này là ”lỗi thời”, nhưng không phải như vậy! chính vì lý do đó, toàn thể cộng đồng Giáo Hội đang sống thời kỳ đặc biệt suy tư về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay. Ngoài ra, tôi mời gọi các bạn hãy cứu xét ơn gọi sống đời thánh hiến hoặc linh mục. Thật là đẹp dường nào khi thấy các bạn trẻ đón nhận ơn gọi hiến thân trọn vẹn cho Chúa Kitô và phục vụ Giáo Hội của Người! Với tâm hồn thanh khiết các bạn hãy tự hỏi và đừng sợ điều mà Thiên Chúa yêu cầu các bạn! Từ lời thưa ”xin vâng' đối với tiêng gọi của Chúa, các bạn sẽ trở thành những hạt giống mới mang lại niềm hy vọng trong Giáo Hội và xã hội. Các bạn đừng quên: thánh ý Chúa là hạnh phúc của chúng ta!

4. Hành trình tiến về Cracovia

”Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Các bạn trẻ thân mến, như các bạn thấy, Mối Phúc này có liên hệ mật thiết tới cuộc sống của các bạn và là một bảo đảm hạnh phúc của các bạn. Vì thế tôi lập lại một lần nữa: hãy có can đảm sống hạnh phúc!
Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay dẫn tới giai đoạn cuối cùng trong hành trình chuẩn bị tiến về cuộc hẹn lớn trên thế giới của các người trẻ tại Cracovia, vào năm 2016. Cách đây đúng 30 năm thánh Gioan Phaolô 2 đã thiết lập trong Giáo Hội những Ngày Quốc Tế giới trẻ. Cuộc lữ hành này của giới trẻ qua các đại lục dưới sự hướng dẫn của Người kế vị thánh Phêrô thực sự là một sáng kiến do sự quan phòng của Chúa và có tính chất ngôn sứ. Chúng ta cùng nhau cảm tạ Chúa vì những thành quả quí giá mà Ngày Quốc Tế này đã mang lại trong cuộc sống của bao nhiêu người trẻ trên trái đất! Bao nhiêu khám phá quan trọng, nhất là khám phá Chúa Kitô là Đường, là Sự thật và là Sự Sống, và khám phá Giáo Hội như một đại gia đình hiếu khách! Bao nhiêu thay đổi trong cuộc sống, bao nhiêu chọn lựa ơngọi đã nảy sinh từ những Ngày Quốc Tế giới trẻ! Xin Thánh Giáo Hoàng, bổn mạng các Ngày Quốc Tế giới trẻ, phù hộ cuộc lữ hành của chúng ta tiến về Cracovia. Và xin cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ Maria, Đấng Đầy Ơn Phúc, tuyệt đẹp và tinh tuyền, tháp tùng chúng ta trong hành trình này.

Vatican ngày 31 tháng 1 năm 2015
Lễ Thánh Gioan Bosco
Phanxicô Giáo Hoàng

(Lm. Trần Đức Anh O.P, chuyển ý từ bản tiếng Ý)
 
Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 30
Lm. Trần Đức Anh OP
12:10 17/02/2015
VATICAN. Hôm 17-2-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá 29-3-2015 với chủ đề ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến hành trình 3 năm chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ sẽ được cử hành tại Cracovia, Ba Lan, vào tháng 7 năm 2016. Trong tiến trình đó, các bạn trẻ được mời gọi suy tư về các Mối Phúc thật được Chúa Giêsu trình bày trong Bài giảng trên núi.

Cho Ngày Quốc tế Giới trẻ năm nay, ĐTC đặc biệt quảng diễn mối phúc: ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Ngài nhận định rằng ”các bạn trẻ có ước muốn sâu xa, mong được một tình yêu chân thật, đẹp đẽ và cao cả. Bao nhiêu sức mạnh ở trong khả năng yêu và được yêu! Các bạn đừng để cho giá trị quí báu này bị biến thái, hủy hoại hoặc bị ô uế. Điều này xảy ra khi trong quan hệ của chúng ta có sự lợi dụng tha nhân vào những mục tiêu ích kỷ, đôi khi coi tha nhân như một đồ vật để thỏa mãn lạc thú mà thôi. Con tim bị thương tổn và sầu muộn sau những kinh nghiệm tiêu cực như thế”.

ĐTC viết: ”Tôi xin các bạn đừng sợ tình yêu chân thực, tình yêu mà Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã dạy chúng ta..” (1 Cr 13,4-8). Khi mời gọi các bạn tái khám phá vẻ đẹp của ơn gọi con người sống tình yêu, tôi nhắn nhủ các bạn hãy nổi lên chống lại một xu hướng đang lan tràn tầm thường hóa tình yêu, nhất là khi người ta tìm cách thu hẹp tình yêu vào khía cạnh tính dục, loại bỏ mọi đặc tính thiết yếu của vẻ đẹp, sự hiệp thông, chung thủy và trách nhiệm”.

Trong bối cảnh này, ĐTC mời gọi các bạn trẻ chống lại thứ văn hóa tạm thời, tương đối, trong đó nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là hưởng thụ ngay trong lúc này, và không bõ công dấn thân trọn đời, đưa ra những chọn lựa chung kết, mãi mãi, vì ta không biết ngày mai sẽ ra sao”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ tìm cách ”nhìn thấy Thiên Chúa”, qua sự siêng năng tìm gặp Chúa trong kinh nguyện, chuyện vãn với Chúa như với người bạn thân nhất, tìm gặp Chúa trong việc đọc và suy niệm Kinh Thánh. Ngài viết: ”Các bạn hãy đọc mỗi ngày một đoạn Tin Mừng. Hãy để cho Lời Chúa nói với con tim các bạn, soi sáng bước đi của các bạn. Các bạn hãy khám phá thấy rằng chúng ta cũng có thể thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những ngừơi anh em, nhất là những người bị lãng quên nhất: những người nghèo, người đói khát, người nước ngoài, các bệnh nhân và những người bị cầm tù (Xc Mt 25,31-46).

ĐTC kết luận rằng ”Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong kinh nguyện, qua việc đọc Kinh Thánh và đời sống huynh đệ sẽ giúp các bạn biết Chúa và bản thân mình rõ hơn. Như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmaus (Xc Lc 24,13-35), tiếng Chúa Giêsu cũng làm cho con tim chúng ta nồng cháy và mắt các bạn sẽ mở ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta, và qua đó khám phá dự phóng tình thương mà Chúa dành cho cuộc sống chúng ta” (SD 17-2-2015)
 
Đại kết bằng máu
Vũ Van An
23:29 17/02/2015
Như tin vừa loan, Chúa Nhật qua, ISIS đã cho phổ biến cuốn video mô tả cảnh họ sát hại 21 con tin Kitô hữu người Ai Cập. Để trả thù cho đồng bào mình, không lực Ai Cập đã oanh tạc các địa điểm tập trung lực lượng của ISIS trên lãnh thổ Lybia.

Phản ứng của các Kitô hữu có khác. Elisabeth Scalia cho rằng ISIS đã khám phá được cách làm các Kitô hữu đến với nhau. Thực vậy, chính Đức Phanxicô đã nói lên sự thật này. Trước một phái đoàn đại kết, ngài nhấn mạnh rằng: bất kể họ là Công Giáo, Chính Thống, Cốptích, hay Luthêrô, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là: họ là Kitô hữu. Máu của họ y như nhau, đó là dòng máu tuyên xưng Chúa Kitô. Họ là anh chị em ta, bị thảm sát chỉ vì tuyên xưng Chúa Kitô. Và ngài gọi đây là đại kết bằng máu.

Vũ khí thiêng liêng

Linh mục Dwight Longenecker thì cho rằng ISIS đang tiến dần đến chỗ mở một cuộc thánh chiến mới theo cái hiểu của họ về Thập Tự Chinh xưa. Và do đó, nay đã tới lúc Tây Phương nên tỉnh giấc mơ ngủ trước chiều kích tôn giáo của ISIS. Vì động thái man rợ chặt đầu 21 Kitô hữu tại Lybia, rõ như ban ngày, là do động lực Hồi Giáo. Những người này bị thảm sát không phải vì họ là người Ai Cập, hay tư bản chủ nghĩa hoặc xã hội chủ nghĩa hay là thành viên của lực lượng quân sự ngoại quốc. Mà chỉ vì họ là Kitô hữu, những Kitô hữu không võ trang xuất thân từ các gia đình nghèo phải trẩy đi phương xa kiếm việc làm.

Và trong cuốn video tuyên truyền lộn mửa, người duy thánh chiến gọi Phương Tây là “các thập tự quân” và đe dọa sẽ chinh phục Rôma. Việc này xảy ra, sau nhiều lần họ đe dọa sát hại Đức Giáo Hoàng.

Ta không nên để mình rơi vào chỗ đánh giá thấp bản chất hung hăng và phi lý trong động lực của họ. Nhưng ta phải làm gì trong tình thế này? Phản ứng của ta chắc chắn cũng phải hết sức rõ ràng. Tuy nhiên trong khi họ gây chiến. Ta thì không. Kitô hữu không bao giờ nên gây ra chiến tranh tôn giáo. Ta nên học bài học thập tự quân để thấy rằng chiến tranh do tôn giáo động viên không hề là một giải pháp.

Là Kitô hữu ta phải lùi bước khỏi tranh chấp và luôn chống đối chiến tranh, đề kháng chiến tranh bao nhiêu có thể và luôn luôn chống lại cơn cám dỗ muốn du mình vào chiến tranh vì các lý do tôn giáo. Vũ khí của chúng ta không bao giờ nên có tính quân sự, nhưng phải có tính thiêng liêng.

Tuy nhiên, điều các nhà cầm quyền dân sự có thể làm, lại là chuyện khác. Họ nên tự trang bị cho mình tất cả những gì cần thiết để vượt thắng ISIS. Họ nên làm thế chỉ dựa vào các lý do quân sự và chính trị. Tôn giáo phải để ở bên ngoài bất cứ phương trình nào. Điều này sẽ giúp ta liên minh được với các nước đa số theo Hồi Giáo nhưng cũng muốn tận diệt thứ ác ôn ý thức hệ này.

Phải coi chúng như Quốc Xã. Quốc Xã có thể bị thúc đẩy bởi một thứ ý thức hệ ngụy tôn giáo về tính trổi vượt sắc tộc, nhưng ta sẽ không để mình rơi vào nguy cơ của một ý thức hệ cũng phi lý như nó. Ta đối mặt với sự ác vì nó là sự ác. Nó hủy diệt các mạng sống vô tội. Nó đe dọa lối sống của ta. Ta xét sự ác trong bản chất của nó, không cần bận tâm tới chuyện tranh luận về các ý thức hệ đần độn, và chỉ cần sắn tay áo lên, đeo vũ khí và xông vào trận chiến.

Ta cũng nên đấu tranh với ý thức hệ ngụy tôn giáo, đầy chất man rợ của chủ nghĩa thánh chiến cùng một cách như trên. Không để mình vướng vào các luận điểm tôn giáo, nòi giống và sắc tộc. Ta hãy xét tội ác qủy ma, tàn bạo và man rợ theo bản chất của nó, sẵn sàng chiến đấu và không ngừng nghỉ cho tới lúc nó bị tiêu diệt.

Không nên chính trị hóa số phận Kitô hữu

Riêng ký giả John Allen Jr. thì có một nhận định hơi khác. Ông cho rằng, nhân dịp này, các nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Trung Đông nên đương đầu với những sự thật khó nhá tại đây. Họ cần nhận chân rằng đôi khi chính họ là kẻ thù tồi tệ nhất trong việc lôi cuốn sự hỗ trợ rộng rãi trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, bởi vì các lời kêu gọi của họ đôi khi có tính chính trị nhiều hơn là nhân đạo hay tâm linh.

Nói chính xác hơn, ký giả này cho rằng các Kitô hữu Ả Rập cần chứng tỏ phẩm cách Ả Rập (Arab credentials) của mình bằng các lập trường phò Palestine và chống Israel bao nhiêu có thể. Điển hình được nhắc tới nhiều nhất là Đức Tổng Giám Mục Hilarion Capucci người Syria, từng bị kết án vào thập niên 1970 về “tội” nhập lậu vũ khí vào West Bank cho Phong Trào Giải Phóng Palestine và chỉ được trả tự do nhờ sự can thiệp của Đức Phaolô VI.

Tại buổi kết thúc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Kitô giáo vừa qua tại Lebanon, Đức Hồng Y Bechara Rai, thượng phụ Công Giáo nghi lễ Maronite, nói rằng “Ai cũng biết rằng cuộc tranh chấp Israel và Palestine và cuộc tranh chấp Israel và Ả Rập nằm ở cội rễ các chiến lược về Trung Đông nơi ta hiện đang sống”.

Nhà ngoại giao lão thành của Vatican là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran có lần cho hay: cuộc tranh chấp Israel và Palestine là “mẹ đẻ ra mọi khủng hoảng khác” và hoà bình giữa người Israel và người Palestine sẽ thay đổi cuộc cờ.

Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, người Hồi Giáo chính dòng cần nhận chân điều này: sự hiện diện của các Kitô hữu là điều tối cần cho chính phúc lợi của họ, vì xu hướng chuộng dân chủ và đa nguyên của người Kitô hữu cũng như khả năng quản trị trường học và bệnh viện của khối người này. Các xã hội Tây Phương cũng thế, họ sẽ mất mát lớn nếu Kitô Giáo biến mất khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương nên thận trọng trong việc chính trị hóa phúc lợi của giáo dân mình bằng những ngôn từ có tính chính trị.
 
Top Stories
Vietnam: Le nouveau cardinal de Hanoi salue l’attention du pape François pour une Eglise qui a souffert
Eglises d'Asie
10:52 17/02/2015
A la veille de son élévation au cardinalat, l’archevêque de Hanoi, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, a confié à l’agence I.Media que son entrée dans le collège cardinalice le 14 février 2015 était un signe « de reconnaissance et d’attention particulière » du pape François à l’égard d’une Eglise « qui a vécu des temps difficiles ». Confiant ses impressions, il a par ailleurs confessé être à la fois « surpris » et « heureux » de sa nomination.

« Ma nomination en tant que cardinal est une belle nouvelle pour l’Eglise du Vietnam qui a vécu des temps difficiles », explique ainsi le prélat de 76 ans. « C’est une forme de reconnaissance et d’attention particulière du pape pour nous », se réjouit Mgr Pierre Nguyên Van Nhon alors que le Saint-Siège et le Vietnam travaillent de longue date à un rapprochement diplomatique.

Revenant sur la récente visite au Vietnam du cardinal Fernando Filoni, préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, le nouveau cardinal se félicite du resserrement des liens entre Rome et l’Eglise du Vietnam. « Avec le cardinal Pietro Parolin (le secrétaire d’Etat, ndlr) qui connaît très bien notre communauté, ils sont maintenant deux à s’y intéresser. » Pour Mgr Nhon, la visite du cardinal Filoni, en janvier dernier, a été considérée par les fidèles vietnamiens « comme une réponse du pape à l’attachement très fort qu’ils ont pour lui ». Le nouveau cardinal entend d’ailleurs inviter le pape François à visiter son pays.

En janvier, à l’annonce par Rome de son élévation au cardinalat, Mgr Nhon avait précisé à Radio Free Asia que les visites respectives de hauts responsables vietnamiens au Vatican et de hauts responsables du Saint-Siège au Vietnam témoignaient « des efforts entrepris pour que s’établisse un dialogue constructif ». Il avait ajouté : « Ce dialogue requiert de la patience et de la sincérité ; je suis témoin des efforts évidents déployés par le Vatican ainsi que par le gouvernement [vietnamien] ; la direction prise semble positive, mais la route est longue et nous avons besoin de temps. »

A l’agence I.Media, l’archevêque de Hanoi confesse encore que, convoqué pour la première fois à un consistoire, il sent comme un néophyte : « Tout est nouveau dans cette tâche, jusqu’au costume ! » En apprenant la nouvelle de sa nomination, le prélat vietnamien assure avoir été « surpris » : « J’ai déjà 76 ans, et j’avais demandé il y a un an à prendre ma retraite ; j’attendais la réponse, et finalement j’ai appris que j’étais nommé cardinal !»

S’il se déclare « très heureux de répondre à l’appel du pape », Mgr Nhon confie qu’il ne sait pas ce qu’il pourra apporter en tant que cardinal. Il se dit cependant prêt à se mettre au « service » de l’Eglise, « représentant » avec les autres cardinaux « l’unité de l’Eglise » à Rome, mais aussi dans son pays. « Je vais découvrir un rôle qui était lointain pour moi », précise-t-il, à savoir « cette proximité du cardinal avec le pape, cette tâche de conseil et de prière auprès de lui ».

Evoquant le charisme particulier du pape François à travers son « écoute » et son attention pour « les plus pauvres », le nouveau cardinal salue son pontificat, image à ses yeux d’une « Eglise proche du peuple de Dieu », qui « entre en contact » avec le monde.

Le consistoire public du 14 février verra la création de vingt nouveaux cardinaux, dont quinze électeurs, parmi lesquels trois provenant d’Asie du Sud-Est : Vietnam, Birmanie et Thaïlande. (eda/i.media)

(Copyright Légende photo : Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, 76 ans, archevêque de Hanoi depuis 2010, désormais cardinal de l’Eglise catholique.
Source: Eglises d'Asie, le 13 février 2015 )
 
Hongkong : Cardinal Tong « La famille est le réceptacle de l’amour chrétien »
+ Cardinal John Tong
12:02 17/02/2015
Dans une lettre pastorale adressée à ses fidèles à l'occasion de l'entrée en Carême, le cardinal John Tong Hon, évêque de Hongkong a rappelé que la famille était le terreau où naissait et grandissait l'amour chrétien

Chers Frères et Sœurs dans le Seigneur,

A Noël dernier, nous avons célébré la joie et l’espérance que la naissance de notre Seigneur nous a apportées à tous, alors que le Christ s’est révélé « lumière véritable pour illuminer tous les hommes ».

« Il est venu dans le monde. Il était dans le monde, lui par qui le monde s’était fait, mais le monde ne l’a pas reconnu ». (Jean, 1; 9-10).

Au commencement, Dieu créa la lumière (Genèse 1: 3), la lumière qui symbolise la vie. Il ne s’agit pas de celle qui est régie par le lois de la physique, mais de celle qui est la source et de l’origine de la vie.

Puis Dieu créa tout ce qui permet la vie: l'espace, l'air, l'eau, la terre, la végétation, la lumière qui régule les saisons et le climat, ainsi que les créatures des mers et de la terre. Et enfin, il créa l'homme et la femme à son image et à sa ressemblance. C'était là le sommet de sa création et son but ultime.

Dieu a invité l'homme et la femme à « croître et à se multiplier; à remplir la terre et à la soumettre » (Genèse, 1, 28). De ce commandement découlent les institutions du mariage et de la famille. La révélation de Dieu nous permet de comprendre que la vie d'une famille construite sur le mariage s'accorde tout à la fois avec sa nature créée, mais est aussi sacrée, faisant de celle-ci un lieu où ses membres peuvent se soutenir et et se faire mutuellement confiance.

Cela en fait un cadre idéal pour que puisse naître et se développer une nouvelle vieI tout comme un refuge pour que puisse être soignés et entourés les plus âgés, les faibles et les malades. Une vraie famille peut permettre à trois générations - grands-parents, parents et enfants - à être interdépendants les uns des autres et à se soutenir mutuellement. Elle crée un environnement favorable dans lequel une société peut prospérer et se développer.

Aujourd'hui, l'égocentrisme et l'hédonisme peuvent facilement effacer la présence de Dieu de notre conscience, brouillant Son appel à nous faire serviteur dans la gouvernance/gestion de sa création. Ils peuvent également faire oublier la valeur du mariage et de la famille.

Les tentations auxquelles ont dû faire face nos premiers parents, Adam et Eve, nous affectent toujours. Elles poussent les gens, que ce soit dans l'Eglise ou ailleurs, à s'enfler d'orgueil et à ne suivre que leur seul désir, oubliant le respect que l'on doit à la vie, ce qui conduit bien souvent à l'abus de drogue, des comportements addictifs et des violences domestiques, ainsi qu'à la négligence des personnes âgées et des enfants.

Cette année, le premier jour du Carême coïncide avec le réveillon du Nouvel An lunaire, un jour tout particulièrement dédié aux réunions de famille dans la tradition culturelle chinoise. Les valeurs de la famille occupent une place très importante dans le monde chinois, tout comme dans les Evangiles; une place qui devrait être également faite plus souvent dans la société.

La famille à Hongkong fait face aujourd'hui à de nombreux problèmes qui menacent de devenir de grandes difficultés dans l'avenir. Cela devrait nous inciter à nous demander où et comment cela a mal tourné, afin de pouvoir remédier à cette situation.

Nous devons agir, en commençant par nous-mêmes, si les valeurs de la famille et des relations humaines, lesquelles permettent l'existence d'une société digne de ce nom, ont besoin d'être revivifiées.

En ce premier dimanche de Carême, le Christ nous invite à nouveau à répondre à Son appel; « Les temps sont accomplis, et le royaume de Dieu est ptoche. Repentez-vous et croyez à l'Evangile » (Marc 1:15).

Il est temps maintenant de proclamer devant le Seigneur: « Vous êtes notre Dieu, nous sommes vos enfants, et nous allons vivre selon votre Parole ».

Joignons nos mains et vivons le mariage et la vie de famille avec amour, élevant nos enfans avec tendresse et passant plus de temps en famille. C'est le chemin qui mène à la paix intérieure et à l'harmonie.

La société a besoin de personnes qui aient plus d'abnégation et sachent faire le sacrifice d'elle-mêmes dans leur relations avec les autres par l'amour qu'elles leur portent. Cela met tout le monde au défi de vivre le pardon et l'amour dans sa vie quotidienne, à la maison comme au travail.

C'est en résolvant les problèmes et les conflits qui émergent dans notre propre société à Hongkong que nous pourrons avancer et aller de l'avant.

Apprécions donc les efforts de chacun pour faire advenir le progrès dans la société et pour valoriser les notions d'amour et de respect, dans tous les domaines de la vie quels qu'ils soient.

Que Dieu vous accorde la paix et la joie!

Cardinal John Tong
Evêque de Hong Kong
Présentation du Seigneur, le 2 Février 2015


(Source: Eglises d'Asie, le 17 février 2015)
 
Pope Francis' Message for World Youth Day: ''Have the courage to be happy''
Vatican Radio
12:14 17/02/2015
(Vatican 2015-02-17) Pope Francis has told young people to “have the courage to be happy” in his Message for the 30th World Youth Day, which will be celebrated in dioceses around the world on Palm Sunday.

It is the last diocesan World Youth Day before next year’s International World Youth Day in Krakow, Poland, in July.

In his Message, Pope Francis continues his use of the Beatitudes a guide to the journey to Krakow, this year focusing on “Blessed are the pure in heart, for they shall see God” (Mt 5: 8).

Pope Francis writes the search for happiness is shared by people of all times and all ages.

“God has placed in the heart of every man and woman an irrepressible desire for happiness, for fulfillment,” he says.

“Dear young men and women, in Christ you find fulfilled your every desire for goodness and happiness,” continues the Holy Father. “He alone can satisfy your deepest longings, which are so often clouded by deceptive worldly promises.”

The Pope calls on young people to not let the “precious treasure” of the ability to love and beloved to be debased, destroyed or spoiled.

“In encouraging you to rediscover the beauty of the human vocation to love, I also urge you to rebel against the widespread tendency to reduce love to something banal, reducing it to its sexual aspect alone, deprived of its essential characteristics of beauty, communion, fidelity and responsibility,” writes Pope Francis.

“Dear young friends, in a culture of relativism and the ephemeral, many preach the importance of ‘enjoying’ the moment,” he continues. “They say that it is not worth making a life-long commitment, making a definitive decision, ‘for ever’, because we do not know what tomorrow will bring. I ask you, instead, to be revolutionaries, I ask you to swim against the tide; yes, I am asking you to rebel against this culture that sees everything as temporary and that ultimately believes you are incapable of responsibility, that believes you are incapable of true love.”

The Pope also invites young people to encounter Christ in the Scriptures, by reading a line or two of the Gospels each day.

“You will discover that God can be ‘seen’ also in the face of your brothers and sisters, especially those who are most forgotten: the poor, the hungry, those who thirst, strangers, the sick, those imprisoned (cf. Mt 25:31-46). Have you ever had this experience?” writes the Pope.

“Dear young people, in order to enter into the logic of the Kingdom of Heaven, we must recognize that we are poor with the poor,” Pope Francis continues. “A pure heart is necessarily one which has been stripped bare, a heart that knows how to bend down and share its life with those most in need.”

The full text of the Message of Pope Francis for the 30th World Youth Day is below

Blessed are the pure in heart, for they shall see God (Mt 5: 8)

Dear Young Friends,

We continue our spiritual pilgrimage toward Krakow, where in July 2016 the next international World Youth Day will be held. As our guide for the journey we have chosen the Beatitudes. Last year we reflected on the beatitude of the poor in spirit, within the greater context of the Sermon on the Mount. Together we discovered the revolutionary meaning of the Beatitudes and the powerful summons of Jesus to embark courageously upon the exciting quest for happiness. This year we will reflect on the sixth beatitude: “Blessed are the pure in heart, for they shall see God” (Mt 5:8).

1. The desire for happiness

The word “blessed”, or “happy”, occurs nine times in this, Jesus’ first great sermon (cf. Mt 5:1-12). It is like a refrain reminding us of the Lord’s call to advance together with him on a road which, for all its many challenges, leads to true happiness.

Dear young friends, this search for happiness is shared by people of all times and all ages. God has placed in the heart of every man and woman an irrepressible desire for happiness, for fulfillment. Have you not noticed that your hearts are restless, always searching for a treasure which can satisfy their thirst for the infinite?

The first chapters of the Book of Genesis show us the splendid “beatitude” to which we are called. It consists in perfect communion with God, with others, with nature, and with ourselves. To approach God freely, to see him and to be close to him, was part of his plan for us from the beginning; his divine light was meant to illumine every human relationship with truth and transparency. In the state of original purity, there was no need to put on masks, to engage in ploys or to attempt to conceal ourselves from one another. Everything was clear and pure.

When Adam and Eve yielded to temptation and broke off this relationship of trusting communion with God, sin entered into human history (cf. Gen 3). The effects were immediately evident, within themselves, in their relationship with each other and with nature. And how dramatic the effects are! Our original purity as defiled. From that time on, we were no longer capable of closeness to God. Men and women began to conceal themselves, to cover their nakedness. Lacking the light which comes from seeing the Lord, they saw everything around them in a distorted fashion, myopically. The inner compass which had guided them in their quest for happiness lost its point of reference, and the attractions of power, wealth, possessions, and a desire for pleasure at all costs, led them to the abyss of sorrow and anguish.

In the Psalms we hear the heartfelt plea which mankind makes to God: “What can bring us happiness? Let the light of your face shine on us, O Lord” (Ps 4:7). The Father, in his infinite goodness, responded to this plea by sending his Son. In Jesus, God has taken on a human face. Through his Incarnation, life, death and resurrection, Jesus frees us from sin and opens new and hitherto unimaginable horizons.

Dear young men and women, in Christ you find fulfilled your every desire for goodness and happiness. He alone can satisfy your deepest longings, which are so often clouded by deceptive worldly promises. As Saint John Paul II said: “He is the beauty to which you are so attracted; it is he who provokes you with that thirst for fullness that will not let you settle for compromise; it is he who urges you to shed the masks of a false life; it is he who reads in your hearts your most genuine choices, the choices that others try to stifle. It is Jesus who stirs in you the desire to do something great with your lives” (cf. Discourse at the Prayer Vigil at Tor Vergata, 19 August 2000: Insegnamenti XXIII/2, [2000], 212).

2. Blessed are the pure in heart…

Let us now try to understand more fully how this blessedness comes about through purity of heart. First of all, we need to appreciate the biblical meaning of the word heart. In Hebrew thought, the heart is the centre of the emotions, thoughts and intentions of the human person. Since the Bible teaches us that God does not look to appearances, but to the heart (cf. 1 Sam 16:7), we can also say that it is from the heart that we see God. This is because the heart is really the human being in his or her totality as a unity of body and soul, in his or her ability to love and to be loved.

As for the definition of the word pure, however, the Greek word used by the evangelist Matthew is katharos, which basically means clean, pure, undefiled. In the Gospel we see Jesus reject a certain conception of ritual purity bound to exterior practices, one which forbade all contact with things and people (including lepers and strangers) considered impure. To the Pharisees who, like so many Jews of their time, ate nothing without first performing ritual ablutions and observing the many traditions associated with cleansing vessels, Jesus responds categorically: “There is nothing outside a man which by going into him can defile him; but the things which come out of a man are what defile him. For from within, out of the heart of man, come evil thoughts, fornication, theft, murder, adultery, coveting, wickedness, deceit, licentiousness, envy, slander, pride, foolishness” (Mk 7:15, 21-22).

In what, then, does the happiness born of a pure heart consist? From Jesus’ list of the evils which make someone impure, we see that the question has to do above all with the area of our relationships. Each one of us must learn to discern what can “defile” his or her heart and to form his or her conscience rightly and sensibly, so as to be capable of “discerning the will of God, what is good and acceptable and perfect” (Rom 12:2). We need to show a healthy concern for creation, for the purity of our air, water and food, but how much more do we need to protect the purity of what is most precious of all: our heart and our relationships. This “human ecology” will help us to breathe the pure air that comes from beauty, from true love, and from holiness.

Once I asked you the question: “Where is your treasure? In what does your heart find its rest?” (cf. Interview with Young People from Belgium, 31 March 2014). Our hearts can be attached to true or false treasures, they can find genuine rest or they can simply slumber, becoming lazy and lethargic. The greatest good we can have in life is our relationship with God. Are you convinced of this? Do you realize how much you are worth in the eyes of God? Do you know that you are loved and welcomed by him unconditionally, as indeed you are? Once we lose our sense of this, we human beings become an incomprehensible enigma, for it is the knowledge that we are loved unconditionally by God which gives meaning to our lives. Do you remember the conversation that Jesus had with the rich young man (cf. Mk 10:17-22)? The evangelist Mark observes that the Lord looked upon him and loved him (v. 21), and invited him to follow him and thus to find true riches. I hope, dear young friends, that this loving gaze of Christ will accompany each of you throughout life.

Youth is a time of life when your desire for a love which is genuine, beautiful and expansive begins to blossom in your hearts. How powerful is this ability to love and to be loved! Do not let this precious treasure be debased, destroyed or spoiled. That is what happens when we start to use our neighbours for our own selfish ends, even as objects of pleasure. Hearts are broken and sadness follows upon these negative experiences. I urge you: Do not be afraid of true love, the love that Jesus teaches us and which Saint Paul describes as “patient and kind”. Paul says: “Love is not jealous or boastful; it is not arrogant or rude. Love does not insist on its own way; it is not irritable or resentful; it does not rejoice at wrong, but rejoices in the right. Love bears all things, believes all things, hopes all things, endures all things” (1 Cor 13:4-8).

In encouraging you to rediscover the beauty of the human vocation to love, I also urge you to rebel against the widespread tendency to reduce love to something banal, reducing it to its sexual aspect alone, deprived of its essential characteristics of beauty, communion, fidelity and responsibility. Dear young friends, “in a culture of relativism and the ephemeral, many preach the importance of ‘enjoying’ the moment. They say that it is not worth making a life-long commitment, making a definitive decision, ‘for ever’, because we do not know what tomorrow will bring. I ask you, instead, to be revolutionaries, I ask you to swim against the tide; yes, I am asking you to rebel against this culture that sees everything as temporary and that ultimately believes you are incapable of responsibility, that believes you are incapable of true love. I have confidence in you and I pray for you. Have the courage to ‘swim against the tide’. And also have the courage to be happy” (Meeting with the Volunteers of the XXVIII Word Youth Day, 28 July 2013).

You young people are brave adventurers! If you allow yourselves to discover the rich teachings of the Church on love, you will discover that Christianity does not consist of a series of prohibitions which stifle our desire for happiness, but rather a project for life capable of captivating our hearts.

3. …for they shall see God

In the heart of each man and woman, the Lord’s invitation constantly resounds: “Seek my face!” (Ps 27:8). At the same time, we must always realize that we are poor sinners. For example, we read in the Book of Psalms: “Who can climb the mountain of the Lord? Who shall stand in his holy place? The one who has clean hands and a pure heart” (Ps 24:3-4). But we must never be afraid or discouraged: throughout the Bible and in the history of each one of us we see that it is always God who takes the first step. He purifies us so that we can come into his presence.

When the prophet Isaiah heard the Lord’s call to speak in his name, he was terrified and said: “Woe is me! For I am lost; for I am a man of unclean lips” (Is 6:5). And yet the Lord purified him, sending to him an angel who touched his lips, saying: “Your guilt is taken away, and your sin is forgiven” (v. 7). In the New Testament, when on the shores of lake Genessaret Jesus called his first disciples and performed the sign of the miraculous catch of fish, Simon Peter fell at his feet, exclaiming: “Depart from me, for I am a sinful man, O Lord” (Lk 5:8). Jesus’ reply was immediate: “Do not be afraid; henceforth you will be fishers of men” (v. 10). And when one of the disciples of Jesus asked him: “Lord, show us the Father, and we shall be satisfied”, the Master replied: “He who has seen me has seen the Father (Jn 14:8-9).

The Lord’s invitation to encounter him is made to each of you, in whatever place or situation you find yourself. It suffices to have the desire for “a renewed personal encounter with Jesus Christ, or at least an openness to letting him encounter you; I ask all of you to do this unfailingly each day” (cf. Evangelii Gaudium, 3). We are all sinners, needing to be purified by the Lord. But it is enough to take a small step towards Jesus to realize that he awaits us always with open arms, particularly in the sacrament of Reconciliation, a privileged opportunity to encounter that divine mercy which purifies us and renews our hearts.

Dear young people, the Lord wants to meet us, to let himself “be seen” by us. “And how?”, you might ask me. Saint Teresa of Avila, born in Spain five hundred years ago, even as a young girl, said to her parents, “I want to see God”. She subsequently discovered the way of prayer as “an intimate friendship with the One who makes us feel loved” (Autobiography, 8,5). So my question to you is this: “Are you praying?” Do you know that you can speak with Jesus, with the Father, with the Holy Spirit, as you speak to a friend? And not just any friend, but the greatest and most trusted of your friends! You will discover what one of his parishioners told the Curé of Ars: “When I pray before the tabernacle, ‘I look at him, and he looks at me’” (Catechism of the Catholic Church, 2715).

Once again I invite you to encounter the Lord by frequently reading sacred Scripture. If you are not already in the habit of doing so, begin with the Gospels. Read a line or two each day. Let God’s word speak to your heart and enlighten your path (cf. Ps 119:105). You will discover that God can be “seen” also in the face of your brothers and sisters, especially those who are most forgotten: the poor, the hungry, those who thirst, strangers, the sick, those imprisoned (cf. Mt 25:31-46). Have you ever had this experience? Dear young people, in order to enter into the logic of the Kingdom of Heaven, we must recognize that we are poor with the poor. A pure heart is necessarily one which has been stripped bare, a heart that knows how to bend down and share its life with those most in need.

Encountering God in prayer, the reading of the Bible and in the fraternal life will help you better to know the Lord and yourselves. Like the disciples on the way to Emmaus (cf. Lk 24:13-35), the Lord’s voice will make your hearts burn within you. He will open your eyes to recognize his presence and to discover the loving plan he has for your life.

Some of you feel, or will soon feel, the Lord’s call to married life, to forming a family. Many people today think that this vocation is “outdated”, but that is not true! For this very reason, the ecclesial community has been engaged in a special period of reflection on the vocation and the mission of the family in the Church and the contemporary world. I also ask you to consider whether you are being called to the consecrated life or the priesthood. How beautiful it is to see young people who embrace the call to dedicate themselves fully to Christ and to the service of his Church! Challenge yourselves, and with a pure heart do not be afraid of what God is asking of you! From your “yes” to the Lord’s call, you will become new seeds of hope in the Church and in society. Never forget: God’s will is our happiness!

4. On the way to Krakow

“Blessed are the pure in heart, for they shall see God” (Mt 5:8). Dear young men and women, as you see, this beatitude speaks directly to your lives and is a guarantee of your happiness. So once more I urge you: Have the courage to be happy!

This year’s World Youth Day begins the final stage of preparations for the great gathering of young people from around the world in Krakow in 2016. Thirty years ago Saint John Paul II instituted World Youth Days in the Church. This pilgrimage of young people from every continent under the guidance of the Successor of Peter has truly been a providential and prophetic initiative. Together let us thank the Lord for the precious fruits which these World Youth Days have produced in the lives of countless young people in every part of the globe! How many amazing discoveries have been made, especially the discovery that Christ is the Way, the Truth and the Life! How many people have realized that the Church is a big and welcoming family! How many conversions, how many vocations have these gatherings produced! May the saintly Pope, the Patron of World Youth Day, intercede on behalf of our pilgrimage toward his beloved Krakow. And may the maternal gaze of the Blessed Virgin Mary, full of grace, all-beautiful and all-pure, accompany us at every step along the way.

From the Vatican, 31 January 2015
Memorial of Saint John Bosco
 
Patriarch of Alexandria on 21 Murdered Copts
Innovative Media Inc
12:20 17/02/2015
Says Those Kidnapped, Murdered by Jihadists in Libya Are Martyrs for the Faith

Vatican City, February 16, 2015 (Zenit.org) The Patriarch of Alexandria of Coptic Catholics, Ibrahim Isaac Sidrak, has expressed his condolences to all the loved ones of the 21 Egyptian Copts decapitated in Libya by jihadists affiliated with the so-called Islamic State (IS), reported Fides.

The patriarch said he “offers his condolence to all the families of these martyrs who gave their lives for the faith, and at the same time expresses his gratitude to President Abdel Fattah al Sisi and all the institutions of the Egyptian government for giving an immediate response to this act of terrorism.”

The Primate of the Coptic Catholic Church said the tragic death of these Orthodox Coptic brothers, in a statement given to Fides through patriarchate personnel, is to be seen through the eyes of faith.

The primate also underlined that the entire country is united in its reaction to bloodthirsty barbarity on the part of jihadists.

“This tragedy,” said Fr. Hani Bakhoum Kiroulos, Coptic Catholic Patriarchate secretary, “is uniting the entire country, Christians and Muslims. If their aim was to divide us, they have failed. Immediate harsh condemnation came from Cairo’s Al Azhar University."

“The swift retaliation on the part of the Egyptian air force on Islamic State bases in Libya,” he added, “also demonstrated that for the Egyptian government its citizens are all equal and that Egypt is suffering as a nation from the bloodthirsty delirium of the terrorists.”

A video of the decapitation of the 21 Copts kidnapped in Libya at the beginning of January, was put on line by jihadist websites yesterday Feb. 15

This morning, Egyptian Air force planes attacked and bombed jihadist positions in Libya, mainly in the area of Derna.

A statement issued by Egyptian armed forces regarding raids in Libyan territory states that the “Revenge for Egyptian blood is an absolute right and will be implemented.”

Egypt, the statement continues, claims the right to defend its national security and stability from any criminal attacks on the part of “individual terrorists or groups inside and outside the nation.”

For the 21 murdered Copts, Egypt’s presidency announced 7 days of national mourning.

Pope Francis has also expressed his great sorrow for those murdered for their faith. During an audience this morning with representatives of the Church of Scotland, he spoke off the cuff in Spanish to decry the massacre.

(February 16, 2015) © Innovative Media Inc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo tiếp Nhóm Giáo Chức Công Giáo TGP Saigon
Trần thị Nhan - Nguyễn Tri Phương
09:57 17/02/2015
XUÂN LỘC - Trước thềm Năm Mới Ất Mùi, Nhóm Giáo chức Công Giáo Giáo Phận Saigon đã đến chào thăm Đức Cha Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dục Giuse Đinh Đức Đạo tại Đại chủng viện Thánh Giuse giáo phận Xuân Lộc.
Đoàn giáo chức Saigòn gồm linh mục đồng hành Giuse Terêsa Trần Anh Thụ, Soeur Elisabeth Dương thị Tốt SPC đại diện Khối Mầm Non, và 12 thầy cô đại diện cho 4 khối Cao đẳng- Đại học, Trung học, Tiểu học và Hưu trí.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Đức Cha ân cần bắt tay chào thăm từng người và bày tỏ niềm vui được gặp quý thầy cô thuộc Nhóm Giáo Chức Công Giáo Saigòn. Tiếp đó, Đức Cha giới thiệu sơ nét về giáo phận Xuân Lộc và Uỷ Ban Giáo Dục trực thuộc Hội đồng Giám Mục VN. Đồng thời, Ngài cũng xác định thành phần giới trẻ mà Uỷ Ban có trách nhiệm giáo dục, đó là giới trẻ học đường từ bậc mầm non cho đến đại học. Đức Cha cho biết, Uỷ Ban cần có nhiều người cộng tác trên nhiều lãnh vực và Ngài hy vọng mọi thành phần dân Chúa cùng góp phần trong sứ mạng cao cả này.

Chia sẻ về công tác giáo dục Đức Cha cho biết đã từ lâu Hội đồng Giám Mục VN luôn yêu cầu, mong muốn được tham gia vào các lãnh vực giáo dục, y tế và nay đã có tín hiệu tốt về việc mở một Học Viện Công Giáo Việt Nam với phân khoa đầu tiên là thần học. Tuy chưa được phép mở trường học (ngoại trừ mầm non), nhưng không vì thế mà Giáo Hội Việt Nam xao lãng công tác giáo dục. Mục tiêu lớn mà Giáo Hội nhắm tới là giáo dục giới trẻ chứ không phải là mở trường. Nhà trường chỉ là một trong những phương thế để thực hiện bổn phận giáo dục mà thôi. Ngay cả khi được phép mở trường, thì số trường có thể mở là khá giới hạn, trong khi giới trẻ - đối tượng phục vụ của Giáo Hội, là rất lớn. Hiện nay về cơ sở vật chất, đã có nhiều trường Mầm Non do các dòng tu phụ trách, một số trường học do giáo dân mở, có nhiều lưu xá cho sinh viên.

Theo Đức Cha chủ tịch, về hiện có đội ngũ giáo viên Công Giáo ở tất cả các cấp học (từ mầm non tới đại học), nhiều nhóm sinh viên Công Giáo tự phát hoặc hội sinh viên Công Giáo. Giáo Hội đi vào giáo dục thông qua những con người rất quảng đại và năng động này. Đối với Giáo chức Công Giáo, hoạt động giảng dạy không phải đơn thuần là một nghề để sinh sống, nhưng là một ơn gọi đặc biệt, là sứ mạng cao quý được Giáo Hội trao phó, là lời đáp trả sống và yêu thương những người trẻ theo tinh thần Đức Kitô. Vì thế các thầy cô cần liên kết để giúp nhau hoàn thành sứ mạng trong hoàn cảnh hiện nay. Đức Cha mong muốn các thầy cô đọc kỹ thư của vị Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Duc, thảo luận, phản hồi và có hành động cụ thể theo gợi ý trong thư này.

Về phần mình, Đức Cha cho biết Ngài có hai ao ước: Thứ nhất là mở rộng các Nhóm Giáo Chức tại các giáo phận trên ba miền đất nước; Thứ hai là mọi người quan tâm đến học sinh, sinh viên nghèo, các lưu xá …. Đức Cha cũng mong muốn các nhóm Giáo Chức Công Giáo, đặc biệt là nhóm đại học, tham gia vào các hoạt động nghiên cứu nhiều hơn, để giúp cho sống sứ mạng truyền giáo nhiều hơn trong môi trường giáo dục hiện nay.

Tiếp lời Đức Cha, thầy Vũ Quang Tuyên - Trưởng Ban Thường Vụ, giới thiệu các Trưởng Khối Mầm Non, Trung học, Tiểu học, Hưu trí, Cao đẳng- đại học để quý thầy cô tường trình ngắn gọn sinh hoạt của Khối trong thời gian qua. Thầy cũng cho biết trong 3 năm qua Nhóm có chương trình huấn luyện giúp các thầy cô vững vàng hơn trong công tác dạy và học. Thầy cũng giới thiệu người tiền nhiệm là cô Trần thị Nhan trình bày vắn tắt quá trình hình thành Nhóm Giáo Chức Công Giáo Saigon từ buớc sơ khai cho đến nay (2001-2015). Cha đồng hành Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ cũng trình bày với Đức Cha những khó khăn trong nhiệm vụ đồng hành với Giới Giáo chức mà Ngài mới đảm trách. Đức Cha đã chăm chú lắng nghe và ghi nhận tình trạng giảm sút người tham dự, không phải riêng ở giới giáo chức nhưng hầu như ở khắp nơi. Tình trạng bận bịu không có thời gian tham gia sinh hoạt có thể là thực ở một số người tham gia quá nhiều đoàn thể, nhưng cũng có thể chỉ là một trạng thái tâm lý do nếp sống vội vàng của xã hội tạo nên. Để vượt qua trạng thái tâm lý này, cần có một lý tưởng. Có lý tưởng thì người ta dễ dàng vượt qua được mọi khó khăn về thời gian, tiền bạc … để bền tâm thực hiện tốt mọi công việc của mình.

Về mô hình tổ chức của Uỷ Ban ở cấp Hội Đồng Giám Mục và từng giáo phận, Đức Cha cho rằng cần tham khảo ý kiến các giáo phận để có một mẫu số chung tiến tới việc liên kết; cần gia tăng vai trò cũng như sự tham gia của các anh chị em giáo dân có khả năng và điều kiện vào các tiểu ban sinh hoạt của Uỷ Ban.

Câu hỏi mà Đức Cha nêu ra với quí Thầy Cô giáo là: “Với tư cách Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dục, tôi có thể giúp gì trong việc quy tụ, liên kết giáo chức với nhau ?”. Một câu hỏi gợi nhiều suy tư và cần có thời gian thì mới có thể trả lời thấu đáo, vì trước khi đề nghị Đức Cha hỗ trợ, mỗi người cần suy nghĩ mình ước ao gì, có thể làm gì và cần điều kiện gì để biến các ước muốn tốt lành thành hiện thực.

Buổi trò chuyện đang đến lúc sôi nổi nhưng giờ ăn đã điểm. Đức Cha trân trọng mời quý thầy cô dùng cơm chung với khoảng 400 chủng sinh và không quên nhờ cha giáo Giuse Hà Đăng Định đưa đoàn tham quan khuôn viên đại chủng viện trước khi ra về.

Chia tay trong lưu luyến, quý thầy cô mang theo hình ảnh một vị chủ chăn đơn sơ, nhiệt thành, ân cần lắng nghe và trao đổi với giới giáo chức trong sứ vụ giáo dục. Với quà tặng của Đức Cha là tràng chuỗi truyền giáo 5 màu, Nhóm Giáo Chức Giáo Phận Saigon xin dâng lên Mẹ Maria lời cảm tạ trìu mến cho buổi gặp gỡ rất bổ ích này, khơi gợi cho những buổi gặp gỡ khác trong tương lai. Xin cám ơn Đức Cha Giuse, cha giáo Định đã tiếp đón đoàn giáo chức Saigon thật nồng ấm. Tết Ất Mùi sắp đến, xin kính chúc Đức Cha, Uỷ Ban Giáo Dục, quý cha giáo và quý thầy Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc dồi dào sức khỏe và tràn đầy ơn Chúa trong năm mới.
 
Giáo phận Bắc Ninh: Thư Mục vụ Mùa Chay
+ GM Cosma Hoàng Văn Đạt
10:57 17/02/2015

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2015


Kính gửi quý cha, quý tu sĩ, và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa giáo phận

1. Cùng với toàn thể Hội Thánh khắp nơi trên mặt đất, chúng ta bước vào Mùa Chay năm 2015 từ ngày 30 Tết Ất Mùi. Tôi xin gửi đến cộng đoàn Dân Chúa giáo phận đôi lời để chúng ta cùng nhau bước vào năm mới với hy vọng các xứ họ của chúng ta được đổi mới theo ước nguyện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chúng ta cùng nhau đọc lại hai câu trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa đã cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42.47). Qua đoạn văn ngắn gọn này, chúng ta thấy được đời sống của cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem, khuôn mẫu cho đời sống các xứ họ của Hội Thánh mọi nơi và mọi thời. Một cộng đoàn như thế chỉ có được nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ để các ngài lại xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu. Chúng ta cùng xin Chúa cho các xứ họ trong giáo phận noi gương cộng đoàn Giêrusalem biết tái hiện khuôn mặt đích thực của cộng đoàn Dân Chúa, nhờ đó mọi thành phần của cộng đoàn xứ họ trở nên gia đình con cái Chúa và loan báo Trời Mới Đất Mới cho thế giới.

2. Trước hết chúng ta lưu ý bốn nét đặc trưng của cộng đoàn Dân Chúa là (a) chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, (b) luôn luôn hiệp thông với nhau, (c) siêng năng tham dự thánh lễ, và (d) cầu nguyện không ngừng. Đó là gốc rễ của mọi cộng đoàn Dân Chúa. Cộng đoàn Giêrusalem sống như vậy nhờ ơn Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của các tông đồ. Cộng đoàn Dân Chúa khác với các tập thể nhân loại tự nhiên vì được Chúa Thánh Thần soi sáng và thêm sức. Chúng ta đừng coi xứ họ như một tập thể thuần túy nhân loại hoặc nửa này nửa kia. Chúng ta mang trong mình nhiều yếu tố của môi trường, có những điều tốt đẹp nhưng cũng có những điều không phù hợp với tinh thần con cái Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta cố gắng cùng nhau xây dựng cộng đoàn xứ họ thành gia đình của Thiên Chúa, nhờ Lời Chúa và các bí tích, nhờ Hội Thánh hướng dẫn. Đặc biệt thánh lễ là lúc chúng ta họp nhau thành gia đình của Thiên Chúa, cùng được đón nhận Lời Chúa và Mình Máu Đức Kitô, chúng ta trở nên thân thể Đức Kitô, trong đó mỗi người là một chi thể. Chúng ta cần tránh tất cả những gì gây chia rẽ, để được như Chúa Giêsu dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: anh em yêu mến nhau.”

3. Thứ đến chúng ta lưu ý ba điểm là hoa trái của cộng đoàn Dân Chúa: (a) Các tín hữu ca tụng Thiên Chúa, (b) các tín hữu được toàn dân thương mến, và (c) Chúa cho được mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. Ca tụng chứ không ca thán: đôi khi có người chỉ để ý đến những khó khăn, những thiếu sót, mà quên đi bao nhiêu điều tốt đẹp Chúa đang thực hiện cho mỗi người cũng như cho cộng đoàn. Các xứ họ của chúng ta có được toàn dân thương mến chưa? Nhờ ơn Chúa, nhiều xứ họ đã cho thấy chúng ta đoàn kết với nhau, phục vụ nhau với tinh thần hi sinh, nên được nhiều người bên ngoài Hội Thánh quý mến và ngay cả cảm phục. Tuy nhiên chúng ta phải cố gắng không ngừng để được “toàn dân thương mến”. Mỗi ngày cộng đoàn xứ họ chúng ta có thêm những người được cứu độ không? Có thể nói là ít. Đức Thánh Cha Phanxicô nói Hội Thánh tăng trưởng không phải bằng cách chiêu mộ, nhưng bằng sức lan tỏa của niềm vui từ những người sống Tin Mừng. Theo ước nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta phải là ‘muối đất’ và ‘ánh sáng thế gian’. Chúng ta không chỉ mong được rỗi linh hồn, nhưng còn trở nên những người thực sự loan báo niềm vui đích thực của Chúa, thế gian không ban phát được.

4. Các xứ họ trong giáo phận trước đây đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng những người dâng mình cho Chúa để loan báo Tin Mừng và phục vụ Dân Thánh. Đến nay, tuy chưa nói là đủ được, nhưng chúng ta cảm tạ Chúa vì đã có khá đông linh mục và tu sĩ nam nữ. Ngoài ra chúng ta có rất nhiều giáo dân hăng say và quảng đại trong các Hội đồng giáo xứ, các Ban Hành Giáo, các hội đoàn. Trong kỳ viếng thăm Giáo Hội Việt Nam vừa qua, Đức Hồng Y Bộ trưởng bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc của Tòa Thánh đã khen ngợi giáo dân Việt Nam siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện và dự lễ, không những vào ngày Chúa Nhật mà cả vào những ngày thường. Chúng ta tin rằng với đức tin không ngừng được củng cố và canh tân, giáo phận chúng ta ngày càng góp phần tích cực và hiệu quả hơn vào công cuộc ‘bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống’ nơi mỗi xứ họ và cho toàn thể xã hội.

Nhờ lời cầu khẩn của Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh, nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn thương xót và che chở chúng ta.

Bắc Ninh, ngày 17.2.2015

+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh
 
Gx Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland chuẩn bị Tết
Trần Mạnh Trác
18:07 17/02/2015

Càng gần Tết thì những sinh hoạt tại GX Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Garland càng nhộn nhịp, nào nấu bánh chưng, nào tập dợt văn nghệ, nào tổ chức tất niên để có dịp gặp gỡ mừng tuổi nhau...

Hằng năm cứ khoảng muà Giáng Sinh xong là người ta bắt đầu nấu bánh chưng và cứ kéo dài như thế cho đến Tết.

Năm nay cũng trùng với dịp lễ Valentine, lễ cuả tình yêu, cho nên nhiều gia đình trẻ (cuả các ca đoàn) cũng tụ tập để có dịp vui xuân bên nhau.

Nhưng không loại tình yêu nào đẹp hơn là một tình yêu bền vững đã vượt qua thử thách cuả một đời dài. Nhân dịp con cháu đoàn tụ ngày xuân, một cặp vợ chồng già đã tổ chức mừng lễ Vàng Hôn Phối.
Xem hình ảnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Làm phép Tro và Xức tro như thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
18:32 17/02/2015
Giải đáp phụng vụ: Làm phép Tro và Xức tro như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Trong các Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, tro được xức trên đầu của tất cả những ai đến nhận tro. Nhưng trong một thánh lễ như thế, tôi nhận thấy cái được xức trên đầu mỗi người là một hỗn hợp lỏng sệt của tro và nước. Điều này được phép không? Hơn nữa, ngoài các linh mục và nữ tu, một giáo dân của cộng đoàn cũng tiến lên và giúp xức tro lòng sệt ấy. Việc này có là thích thích đáng không, thưa cha? - D. O, Mombasa, Kenya.


Hỏi 2: Có cách thức đúng về việc xức tro không? Tôi nhận thấy tại Rôma tro được xức lên trên đỉnh đầu của mỗi người, nhưng ở các nơi khác trên thế giới, tro được xức lên trán. - M. F., Oxford, Anh.

Đáp: Các câu hỏi này và câu hỏi tương tự thường được hỏi vào thời điểm trước mùa Chay. Tôi nghĩ rằng việc nhắc lại một số điều là đáng giá, mặc dù chúng tôi đã trả lời vấn đề này vào nhiều dịp khác.

Trong lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối đã được tìm thấy trong Cựu Ước, và thậm chí Chúa Giêsu nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (Mt 11, 21). Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Âutinh, và nhiều Giáo Phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng.

Ngoài một số ít người đền tội công khai, nhiều Kitô hữu đạo đức khác xưng tội vào đầu Mùa Chay, để có thể rước lễ hàng ngày trong suốt mùa này, và họ yêu cầu được xức tro như một dấu hiệu của đức khiêm nhường, sau khi đã được giải tội. Năm 1091, Đức Giáo Hoàng Urban II đề nghị việc thực hành xức tro cho cả giáo sĩ và giáo dân.

Do đó, nghi thức làm phép tro và xức tro trở nên được phổ biến khắp nơi, và nhanh chóng được thừa nhận là quan trọng trong đời sống phụng vụ của các tín hữu. Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài Thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào Thánh lể khoảng thế kỷ XII.

Lúc đầu, đàn ông được xức tro trên đỉnh đầu, trong khi tro được xức thành hình Thánh giá trên trán người phụ nữ. Sự khác biệt này có lẽ xuất phát từ thực tế đơn giản rằng phụ nữ buộc phải che đầu bằng khăn trong nhà thờ.

Về tính thiêng liêng của việc được xức tro, Giáo Hội nêu ra một số điểm hữu ích. Số 125 của Hướng dẫn về Lòng Đạo Bình dân nói:

"Việc xức tro tượng trưng cho sự mong manh yếu đuối và tính phải chết của con người, và cần được cứu độ bởi lòng thương xót của Chúa. Ngoài việc chỉ là thuần túy một cử chỉ bề ngoài, Giáo Hội duy trì việc xức tro để tượng trưng thái độ sám hối nội tâm, mà mọi người đã được rửa tội được mời gọi trong Mùa Chay. Các tín hữu đến nhận tro sẽ được hỗ trợ trong việc nhận thức tầm quan trọng nội tâm tiềm ẩn của cử chỉ này, vốn làm cho họ sẵn sàng hướng đến sự hoán cải và sự cam kết đổi mới cho mùa Phục Sinh”.

Thánh Bộ Phượng Tự đã công bố một thư luân lưu về các việc cử hành mùa Phục Sinh năm 1988. Về thứ Tư Lễ Tro, thư nói:

"21. Vào thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, các tín hữu được xức tro, do đó đi vào thời gian được qui định cho việc thanh luyện linh hồn họ. Dấu hiệu sám hối này, một truyền thống Kinh Thánh, đã được duy trì trong số các tập tục của Giáo Hội cho đến ngày nay. Nó diễn tả thân phận nhân linh của người tội lỗi, là người đang tìm bày tỏ cảm thức tội lỗi của mình trước mặt Chúa một cách bề ngoài, và khi làm như vậy, là diễn tả sự hoán cải nội tâm của mình, được hướng dẫn bởi niềm cậy trông rằng Chúa sẽ xót thương mình. Cử chỉ này đánh dấu sự khởi đầu của con đường hoán cải, vốn được triển khai qua việc cử hành bí tích sám hối trong thời gian trước lễ Phục Sinh.

"Việc làm phép tro và xức tro có thể diễn ra trong Thánh Lễ hoặc ngoài Thánh Lễ. Trong trường hợp ngoài Thánh lễ, nó là một phần của phụng vụ lời Chúa và kết thúc với lời nguyện các tín hữu”.

Với các lời trên đây, chúng tôi có thể trả lời rằng về cách thức xức tro, có nhiều tập tục hợp pháp khác nhau.

Trong hầu hết các nước nói tiếng Anh, tập tục chính yếu là linh mục rảy ít nước vào tro làm cho tro trở nên bột sền sệt. Tro được xức thành hình Thánh giá trên trán tín hữu. Chỉ cần một chút nước thôi, để cho tro không trở thành quá lỏng.

Nhiều người Công Giáo thấy việc xức tro như là một cách công khai bày rỏ đức tin của mình, và cứ để tro trên trán mình suốt cả ngày Thứ Tư Lễ Tro, mà không rửa.

Trong nhiều miền nước Ý và ở một số nước nói ngôn ngữ Romance, người ta không cho thêm nước vào tro. Thay vào đó, tro khô được xức thành hình Thánh giá trên đỉnh đấu của tín hữu, như tro rơi trên tóc họ. Cách thức này có lợi điểm là hiểu được ý nghĩa của tro như là bụi đất, nhưng không để lại một dấu chỉ hữu hình suốt cả ngày hôm ấy, trừ các người hói đầu. Có thể có các tập tục hợp pháp khác nữa về xức tro.

Một đổi mới gần đây ở một số nơi là làm một con tem để tro được dính lên trán của tín hữu. Tôi cho rằng bản chất cơ học của quá trình này làm giảm đáng kể ý nghĩa của tro được xức trên đầu chúng ta.

Chữ đỏ về việc xức tro nói rằng linh mục, sau khi xức tro, sẽ rửa tay sạch, như thế hàm ý rằng ngài phải dùng tay mà xức tro chứ không dùng con tem.

Việc dùng con tem dường như bị tác động bởi ước muốn kéo dài dấu chỉ xức tro suốt cả ngày, mặc dù đây chỉ là một khía cạnh ngẫu nhiên, mặc dù tích cực, của một cách thức xức tro. Sự nguy hiểm là rằng quá trình này có thể làm giảm đi điều gì là cần thiết cho cử chỉ nghi thức, bởi vì việc được xức tro phải là một dấu chỉ của sự sám hối cá nhân và sự hoán cải.

Về việc ai có thể xức tro, Sách Các Phép có một nghi thức làm phép và xức tro ngoài Thánh lễ. Số 1062 của Sách này nói như sau:

"Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và có thể được trợ giúp bởi các thừa tác viên giáo dân trong việc xức tro. Tuy nhiên, việc làm phép tro được dành cho linh mục hay phó tế".

Một thừa tác viên giáo dân cũng có thể cử hành một phiên bản hơi khác của việc xức tro, vốn đã được linh mục hay phó tế làm phép trước, chẳng hạn khi xức tro cho người bệnh.

Sách Lễ Rôma không đề cập rõ ràng đến việc sử dụng các thừa tác viên giáo dân để giúp xức tro đã làm phép trong thánh lễ. Tuy nhiên, tôi tin rằng hướng dẫn của Sách Các Phép cũng áp dụng cho tình huống này, khi mà một sự giúp đỡ như vậy cho thấy là cần thiết do thiếu linh mục và phó tế. (Zenit.org 17-2-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Đáng Chú Ý
GM Đà Nẵng viếng ông Nguyễn Bá Thanh hay khóc cho Cồn Dầu?
Đa Minh Lý
05:36 17/02/2015
Ông Nguyễn bá Thanh
Cổng vào nhà Ông Nguyễn bá Thanh
GM Châu ngọc Tri trang trọng đứng ngoài sân tiễn biệt
Sau khi Ông Nguyễn bá Thanh qua đời tại Đà Nẵng, có nhiều bài báo viết về ông, trong đó có ít nhất 3 bài có đả động đến việc ông áp chế việc giải tỏa giáo xứ Cồn Dầu. Xin trích ra để độc giả tự phán đoán.

Vĩnh biệt một người Đà Nẵng (bài của Nguyễn Công Khế trong đó có đoạn như sau:) liên quan đến Cồn Dầu:
"Trưa hôm nay, anh em báo Một Thế Giới nhắn tin: Anh Nguyễn Bá Thanh đã mất lúc 12h12' và báo Một Thế Giới đã đăng sau đó vài phút. Việc gì đến sẽ đến thôi. Thế mà tôi vẫn cứ ngỡ ngàng như chưa bao giờ nghĩ đến có chuyện này. Công việc của chúng ta làm không phải lúc nào cũng suôn sẻ, lực cản đối từng người không phải ít. Những việc làm tốt của mỗi con người đối với dân với nước và cộng đồng là khá nhiều. Anh đã từng làm rất tâm huyết và hết mình. Và đối với bất cứ ai, khi nằm xuống, sự phán xét sự nghiệp của một con người như anh là nhân dân chứ không thể ai khác. Người chết không ai có thể tự thanh minh, biện hộ cho mình....

Con sông Hàn nằm vắt ngang qua thành phố, con sông đưa nước từ thượng nguồn ra biển Đông. Đứng trên những tầng lầu cao của Đà Nẵng, nhìn ra xa, một thành phố thơ mộng có núi, có sông, có biển, sạch và trong lành. Những cây cầu bắc qua sông Hàn từ trung tâm thành phố qua quận Sơn Trà, vào tận Hội An. Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống và hấp dẫn du khách. (chỉ "tiếc" khu du lịch sinh thái Cồn Dầu, chỉ mới kịp đuổi được bọn khố rách áo ôm ra khỏi Cồn Dầu, máu cũng đã đổ, mồ mả cũng chả yên, tiếng kêu oan ức đã thấu tới Trời Xanh rồi ư. .. ? ! "...)
(Nguyễn Công Khế 13-02-2015)

Nguyễn Bá Thanh và pháo đài của chế độ (bài của Lê Diễn Đức Blog viết có đoạn như sau:)
"Ông Nguyễn Bá Thanh đã có công trong việc thực hiện các dự án đầu tư làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng bị tai tiếng trong việc rút ruột công trình xa lộ Bắc- Nam và cầu sông Hàn và là tác giả của những bất công và tội ác với dân chúng ở giáo xứ Cồn Dầu khi giải toả thu hồi đất...
Hôm nay ông ra đi, một phần người Đà Nẵng tiếc thương ông, nhưng một phần khác oán hận ông và cho rằng cái chết đau đơn của ông là hậu quả của luật nhân quả. Tôi không nghĩ như thế, bởi vì lắm quan to khác gây tội ác, gần trăm tuổi vẫn sống sờ sờ ra đó. Ông Thanh vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một chế độ cầm quyền, luôn thống nhất về đường lối lãnh đạo, nhưng lúc nào cũng có đấu đá, tranh giành ảnh hưởng."
(Lê Diễn Đức Blog VOA13-02-2015 Posted by adminbasam on 14/02/2015)

GM Giuse Châu Ngọc Tri trong lễ truy điệu Ông Nguyễn Bá Thanh (bài do Đa Minh Lý viết có đoạn như sau:)
"Sáng 16.2.2015 Lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh tại nhà riêng ở Đà Nẵng. Các quan chức đảng, nhà nước, các quý khách và gia đình, ở trong nhà. ĐC Tri với phẩm phục Giám Mục được xếp đứng ngoài sân cùng với các tầng lớp nhân dân. .. chắc vụ Cồn Dầu ĐC chưa làm hết sức mình, nên hôm nay phải đứng ngoài sân. .. hơn nữa không biết các chức sắc các Tôn giáo, ngoài ĐC Tri, có còn ai nữa không???" (daminhly sent: Monday, February 16, 2015 9:28 PM)
 
Văn Hóa
Con Dê hiến tế
Lm. Ðaminh Nguyễn ngọc Long
18:27 17/02/2015
Con Dê hiến tế

Dê là loái thú vật vừa hoang dã trong vùng rừng núi nơi khô cao, cũng vừa là thú vật nuôi ở nhà, theo ngôn ngữ văn chương khoa học được gọi là Sơn dương. Loài thú vật này không hung dữ làm hại người. Chúng có sừng rắn cứng, thân thể chúng mạnh mẽ , có bốn chân chạy nhảy nhanh lẹ. Thức ăn của chúng là cỏ, lá cây thực vật.

Con Dê không tượng trưng cho hình dáng đẹp tích cực, trái lại là hình ảnh nói về sự tiêu cực, như „ cứng đầu như Dê“, hay „bộ chòm râu Dê“.

Loài Dê cũng được nuôi như loài thú vật heo gà trong nhà. Nó cũng mang lại lợi ích kinh tế. Vì Dê cung cấp sữa để làm phó mát vị mặn mà, và thịt dê cũng là món ăn đặc sản.

Bên vùng Trung Đông ngày xưa, ai có nhiều thú vật Dê là người giầu có về tài sản vật chất như nói trong sách Sáng Thế 38,17.

Dê thời xa xưa cũng có gía trị để đổi chác trong việc mua bán giống như tiền bạc, hay được dùng là qùa tặng biếu xén Ezekien 27,21, Sáng Thế 38,17.20, Sách Thẩm Phán 15,1.

Trong Kinh Thánh Cựu ước con Dê là hình ảnh của quyền lực sức mạnh. Sách Ngôn Sứ Daniel 8,4-8.21 diễn tả sức mạnh quyền lực của đại đế Hy lạp Alexander bằng hình ảnh con Dê có sừng đã đánh bại những vị vua khác của dân Meder và Batư.

Sách Diễm tình ca 4,1 và 6,5 theo cung cách lãng mạng đã ca tụng mái tóc đen óng ả rủ xuống trên đầu của người tình tựa như hình ảnh đàn Dê - Sơn dương - chạy nhảy trên sườn núi cao xuống bên dưới.

Trong Kinh Thánh hình ảnh Dê tượng trưng cho sự xấu và tội lỗi. Từ ngữ con Dê là con vật tế lễ đền tội có viết trong Sách Leviticus 9,3.

Nghi lễ dùng con Dê hiến tế đền tội được cử hành như sau:„ Aaron sẽ đặt hai tay lên đầu con dê còn sống , sẽ xưng thú trên con vật mọi lỗi lầm của con cái Israel, mọi việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi chúng, nó sẽ trút cả lên đầu con dê, rồi dùng tay một người đang chờ sẵn mà thả vào sa mạc. Con dê sẽ mang trên mình mọi lỗi lầm của dân chúng vào sa mạc.“ Leviticus 16, 21-22.

Chúa Giêsu trong dụ ngôn về ngày phán xét chung cũng nói đên dê là hình ảnh chì về những người tội lỗi bị hình phạt: „ Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái.“ Mt 25, 31-33.

Năm nay con dê là hình ảnh theo vòng chu kỳ âm lịch, mỗi năm có một con vật làm chủ tượng trưng cho năm đó. Năm âm lịch có tên Ất Mùi theo tập tục văn hóa truyền thống Á Đông Việt Nam.

Chúng ta đón mừng mùa Xuân năm mới Ất Mùi với tâm hồn vui mừng cùng hòa nhịp với nếp sống văn hóa dân tộc là cội nguồn của đời sống con người việt Nam chúng ta.

Vui mừng đón mùa Xuân mới trong niềm hy vọng cậy trông vào Thiên Chúa, đấng là chủ thời gian năm tháng ngày giờ, và đời sống con người.

Mừng mùa Xuân mới Ất Mùi 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Treo đầu dê bán thịt chó
Lm Phêrô Hồng Phúc.
18:30 17/02/2015
TREO ĐẦU DÊ BÁN THỊT CHÓ

Biển quảng cáo nhà hàng: “Dê núi”
Khách tỉnh thành rộng túi tìm về,
Gật gù thưởng thức tái dê,
Nhắp mùi dê nướng, cặp kề rượu ngon.

Biển quảng cáo vẫn còn nguyên vẹn,
Cũ lại thay, điểm hẹn đông dần:
Từ ngày xe đạp bình dân,
Nâng đời xe máy, lên dần ô tô.

Khách và chủ tha hồ chào đón,
Tin tưởng nhau bên món thịt dê.
Gần xa đông đúc kéo về,
Dê không kịp nữa, lợn sề, chó…thay!

Câu ngạn ngữ có ngay từ đó
“Treo đầu dê, thịt chó bán thay”
Trở thành nghĩa bóng ngày nay
Hàng gian, hàng nhái chẳng hay bản quyền!


Khắp thị trường tung lên hàng giả,
Từ thị, thành đến cả nông thôn.
Rau xanh, thực phẩm tươi luôn,
Nhưng đầy hóa chất tạo nguồn bệnh tăng.

“Thói vô cảm hiện đang ngự trị” (ĐTC Phanxicô)
Thế giới mang bệnh lý khó tường.
Sống duy vật chất mở đường
Tạo nên vô cảm, thói thường thế gian.

Ất Mùi về, dê đang xuất hiện
Giữ bản quyền, lên tiếng gắt gay:
“Treo đầu dê, thịt chó thay,
Thói gian tráo trở dừng ngay trò này!”.

Dê cung cấp mọi ngày chất bổ
Treo đầu dê…khởi tố mưu toan.
“Mong người tội lỗi ác gian
Tìm về nẻo chính, Thiên đàng mừng vui”( Lc 15,7).


Xuân Ất Mùi 2015
Lm Hồng Phúc
 
Ất Mùi : Chuyện hai con dê
Lm Phêrô Hồng Phúc
11:15 17/02/2015
CHUYỆN HAI CON DÊ

Hai con dê dân gian chuyện kể
Không tránh nhau dù ở giữa cầu
Không đối thoại lại đối đầu
Cả hai chìm lỉm, xuống chầu Diêm Vương!

Diêm Vương hỏi: tại sao ngày TẾT
Không nhường nhau đến chết cả hai?
Dê đen ngao ngán thở dài:
“Cũng vì dê trắng lạc loài ngạnh ương”.

Giọng dê trắng còn đương bực bội:
“Tại dê đen choán lối không nhường,
Thà rằng cùng chết tan xương
Còn hơn sống nhục, nhường đường nó đi!”.

Vì biết rõ một khi bảo thủ
Lại máu dê, tính thú ngút trời,
Có khuyên cũng chỉ phí lời
Diêm vương ra lệnh cho người đuổi đi.

Gã dê trắng nằm nì nài nẵng:
“Tết đến rồi thương trắng, bỏ đen
Cho vào qua cửa lấy hên
Đen xui cũng được, trắng nên vào nhà”.

Diêm vương quát: “Tránh xa cả lũ,
Ta đây đâu có đủ thẩm quyền?
Ở đâu do Chúa linh thiêng,
Hãy chờ đợi đấy, đến phiên chúng mày!”

Lời chưa dứt, Chúa ngay bên phải
Tách dê sang bên trái của Ngài,
“Đi đi, khuất mắt Ta ngay
Hỏa hào muôn kiếp theo bày quỷ ma”( Mt 25,41).

Trắng thay đen, hay là đen trắng,
Tranh giành nhau dù thắng hay thua.
Cỏ lùng hay lúa tới mùa
Lúa thu kho lẫm, cỏ lùa đốt đi.

Bài học nhớ khắc ghi năm mới,
Dê trèo cao đỉnh núi thái sơn.
Một lùi, ba tiến thì hơn.
Chẳng thà tranh chấp khó lường giữ thân.

Ta cùng chúc mùa xuân tiến tới,
Cùng “Đi ra đến tới vùng biên” (ĐTC Phanxicô).
Tình yêu trao hiến vững bền,
“Tin Mừng loan báo với niềm vui say” (ĐTC Phanxicô).
ẤT MÙI HƯỚNG ĐỈNH CAO NÀY
NIỀM VUI CHINH PHỤC MỌI NGÀY MONG THAY

Lm Phêrô Hồng Phúc.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Dê
Tấn Đạt
22:04 17/02/2015
CON DÊ
Ảnh của Tấn Đạt
Người tuổi Mùi thường dịu dàng
và có tâm hồn nghệ sĩ.
Người tuổi Mùi có mắt thẩm mỹ
và có năng khiếu về thời trang..
Họ thường là những nhà nghệ thuật
và làm những việc có tính sáng tạo…
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News