Ngày 08-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu Chúa biến đổi phận người
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:36 08/02/2019
Tình yêu Chúa biến đổi phận người

Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên – C

(Lc 5,1-11)

Chủ đề nổi bật hơn cả trong Chúa Nhật thứ V mùa Thường niên là "ơn gọi". Chúa gọi Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11). Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng họ đã tin tưởng vào tình yêu và nhất là quyền năng của ơn thánh Chúa và sự đáp trả cách quảng đại của con người. Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.

Chúa gọi Isaia

Trong một thị kiến uy nghi, Isaia cảm thấy mình hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa ba lần Thánh, khiến ông hoảng sợ và nhận ra sự vô phúc, bất xứng của chính mình. Nhưng một Thiên Thần Sốt Mến đã cầm cục than cháy đỏ thanh tẩy môi miệng ông, đồng thời xóa bỏ tội lỗi của ông : "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha" (Is 6,7). Thế rồi ông cảm thấy sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, và thưa: "Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con" (x. Is 6,8). Sự thứ tha và lòng quảng đại của Thiên Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.

Chúa gọi Phêrô

Tâm trạng trên cũng xảy ra trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng được Luca thuật lại. Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông. Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông. Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon : "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá" (Lc 5,4). Phản ứng của Simon là : "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới" (Lc 5,8). Lời Chúa Giêsu tác động mạnh lên Phêrô, đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể. Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người. Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.

Bảo Phêrô : "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu", là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, "và thả lưới bắt cá". Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi. Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: "Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi"(Lc 5,8). Chúa trấn an : "Ðừng sợ :từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta" (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Chúa Giêsu thật nhân lành! Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người. Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói : "Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi! Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí. Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có" (1Cr 1,26-28).

Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, "Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi". Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, "Tôi được chọn vì cấp bậc của mình". Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, "Tôi được chọn vì khả năng của mình".

Chúa gọi Phaolô

Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao ?

Kinh nghiệm cuộc đời

Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn. Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người. Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.

Đây là lúc chúng ta kiên định và tin tưởng vào Lời hứa của Đấng đã không bao giờ bỏ chúng ta mồ côi. "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết ; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới"(Lc 5,5). Câu trả lời của Phêrô tương tự như lời của Đức Maria tại tiệc cưới Cana: "Người bào gì thì phải làm theo" (Ga 2,5). Phải tin tưởng và thi hành thánh ý Chúa, nỗ lực của chúng ta mới hữu ích. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô thật đơn giản nhưng sâu sắc, chúng ta có thể lấy làm của riêng của mình: giữa nơi sóng cả ba đào trong một thế giới tội lỗi, chúng ta đấu tranh và lội ngược dòng, tìm cách để loan báo Tin Mừng cách tốt nhất.

Mượn lời Phêrô chúng ta thưa Chúa : "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi" (Lc 5,8). Thánh Irênê nói : ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa. Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình. Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa : trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi. Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, chúng con phó thác đời chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa "Xin Vâng" với Chúa trong vui sướng hân hoan. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Cảm Cho Mình – Xót Cho Người
Lm Giuse NguyễnVăn Nghĩa
10:44 08/02/2019
Cảm Cho Mình – Xót Cho Người

Chúa Nhật V TN C

“Nemo dat quod non habet - Không ai có thể trao ban điều mình không có”. Câu ngạn ngữ Latinh trở thành như một quy luật mang tính tất yếu. Với trường hợp người được sai đi thì quy luật này càng rõ nét, trước hết với người được gọi là Đấng Thiên Sai, sau là với những người được Thiên Chúa hay Đức Kitô sai đi.

Vào trần gian, Chúa Kitô tin nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và do Chúa Cha ban tặng. Dù biết rằng mình với Chúa Cha là một, nhưng Chúa Kitô luôn ý thức mình bởi Cha mà ra. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào miệng Đức Kitô những lời này: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Biết rằng mọi sự mình là, mình có đều do Chúa Cha ban tặng, vì thế Chúa Kitô đã trao ban lại tất cả cho con người.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V TN C này giới thiệu cho chúng chân dung của một ngôn sứ Isaia, một tông đồ Phaolô và Simon Phêrô, người ngư phủ xứ Galilê. Cả ba đều được sai đi và có thể nói cách chung là được sai đi để “đánh lưới người”, tức là đưa con người về với Thiên Chúa, đúng hơn là giúp con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Trở lại với câu ngạn ngữ La tinh ở trên. Một trong những tiền đề để cho người được sai đi có tinh thần nhiệt thành chu toàn sứ mạng đồng thời gặt hái nhiều kết quả, đó là bản thân phải cảm nghiệm ân tình của Thiên Chúa dành cho mình, một ân tình vượt quá công trạng cũng như phận vị của mình.

Trước sự uy nghi chí thánh của Đấng Tối Cao, Isaia đã chân nhận mình “là một người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5). Trời càng sáng thì các vết nhơ càng tỏ lộ. Diện kiến thánh nhan Đấng Chí Thánh, hẳn nhiên vị ngôn sứ thấy rõ thân phận ô uế, tội nhơ của mình. Thế mà dù chưa mở miệng kêu xin, Thiên Chúa vẫn sai các thần Sêraphim lấy than hồng thanh tẩy ngài: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, người đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Tông đồ dân ngoại thường công khai thú nhận tội lỗi của mình trước đây là bách hại đạo thánh Chúa. “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Thánh nhân cảm nhận việc Chúa Kitô chọn gọi ngài là một ơn nhưng không và đó cũng là một dấu chỉ để đem niềm hy vọng cho nhiều người (x.Tm 1,15-16).

Trước uy quyền và nhất là ân tình của Thầy Giêsu, Simon Phêrô đã sấp mặt dưới chân Người mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Là phàm hèn yếu đuối, chỉ mới cho Thầy mượn chiếc thuyền một lát để Thầy giảng đạo, dĩ nhiên là ngoài giờ làm việc, thuyền rảnh, thế mà Thầy đáp lại bằng một mẻ cá lạ lùng, chất đầy hai thuyền nặng gần chìm. Người không chỉ đầy quyền năng mà còn rất đỗi hào phóng. Cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người. Để nhiệt thành ra chỗ nước sâu mà thả lưới, thì người được sai đi không thể không cảm nghiệm:

-Tình Chúa thật bao la trước sự yếu đưối, tội lỗi đầy bất xứng của mình. Chúa đã thương yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu hay thánh thiện, công cao, đức dày. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Chính nhờ được Chúa yêu thương nên chúng ta mới thành đáng yêu, mới có thể tích đức, lập công. Thanh Gioan Tông đồ xác quyết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

-Quyền năng Chúa thật vô biên trước sự giới hạn, bất tài, kém lực của chúng ta. Trước uy quyền của Thiên Chúa, hẳn nhiên chúng ta dễ nhận ra sự bé nhỏ, giới hạn của mình. Trái với thái độ “ếch ngồi đáy giếng”, khi trí khôn càng phát triển, tầm nhìn càng mở rộng thì con người càng dễ nhận ra ngay mình chỉ là hạt bụi mong manh trước sự mênh mông, bao la của vũ trụ và nhất là trước Đấng làm cho vũ trụ hiện hữu.

-Với người tông đồ thì một trong những tiền đề giúp gặt hái thành công đó là biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi sự là do bởi ơn Thiên Chúa ban. “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7). Đối diện với những thách đố cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, khi tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vaticanô II, người ta kể rằng có lần kia sau gần cả giờ bên Nhà Chầu, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã đứng lên và nói: “Giáo Hội này là của Chúa, do Chúa thiết lập. Con đi ngủ đây”.

Điểm đến của người ngôn sứ, người tông đồ hay người đánh cá người thường là “chỗ nước sâu”. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10,3). Để có thể mạnh dạn thưa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” hay như Phaolô quên hết mọi sự đằng sau mà lao mình về phía trước hay như Phêrô “bỏ hết mọi sự” để đi đánh cá người, thì tiên vàn người được sai đi phải cảm nhận quyền năng và ân tình của Thiên Chúa trên con người yếu đuối và đầy bất toàn của mình. Khi đã cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người và rồi chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi đánh cá người, không phải bằng sức riêng mình, nhưng bằng chính tình yêu và quyền năng của Đấng Cứu độ, Đấng luôn động viên chúng ta: “Đừng sợ!”. Đừng sợ, vì Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28;20). Đừng sợ, vì ơn Thầy luôn đủ cho con và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x.2Cr 12,9). Đừng sợ, “hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Lm Giuse NguyễnVăn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Ơn Gọi và Trách Nhiệm - Bài giảng CN 5 Quanh Năm C
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:32 08/02/2019
Chúa Nhật V THƯỜNG NIÊN
ƠN GỌI: HUYỀN NHIỆM VÀ TRÁCH NHIỆM
Is 6,1-8; 1 Cr 15,1-11; Lc 5,1-11
Chủ đề chính yếu của Chúa Nhật này là ơn gọi, được diễn tả qua ơn gọi của Isaia (bài đọc I), ơn gọi của Phaolô (bài đọc II) và ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (bài Tin Mừng).

1- Ơn thiên triệu là gì?
Thông thường khi nói tới ơn gọi hay ơn thiên triệu, chúng ta nghĩ ngay tới ơn Chúa gọi ai đó đi tu làm linh mục, thầy dòng, hoặc nữ tu, còn giáo dân không đi tu, họ ở giữa thế gian, nên không có ơn thiên triệu. Chúng ta cần phải xét lại cách hiểu đó.
Một cách căn bản, chúng ta có thể định nghĩa: Ơn gọi là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho người được gọi để bước theo Người và thực thi một sứ mạng được giao phó, đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước lời mời gọi và sứ mạng đó. Theo định nghĩa này, để có một ơn gọi, phải có hai yếu tố: yếu tố ân sủng của Thiên Chúa và yếu tố đáp trả của con người. Nếu thiếu một trong hai yếu tố thì không thể có một ơn gọi.

2- Ơn gọi của Isaia, Phaolô và các Tông Đồ
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia tường thuật lại ơn gọi của mình qua một thị kiến. Ông thấy mình đang ở trong đền thờ uy nghi rực rỡ, có Đức Chúa ngự ở đó. Khi đứng trước nhan Đức Chúa, ông thấy mình quá tội lỗi, quá bất xứng, đến nỗi ông phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,4). Nhưng khi thần Xêraphim lấy than hồng đặt trên bàn thờ chạm vào miệng ông, thì ông đã được thanh tẩy: “Đây cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội” (Is 6,7). Để rồi khi nghe Thiên Chúa muốn tìm một vị ngôn sứ: “Ta sẽ sai ai đây, ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8a) thì ông đã mạnh dạn lên tiếng: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” (Is 6, 8b).
Mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi một cách khác nhau. Trong bài đọc II, khi trả lời cho những người cho rằng mình không xứng với ơn gọi Tông Đồ, thánh Phaolô đã cho họ biết rằng chính Đấng Phục Sinh đã chọn ngài như là một đứa trẻ sinh non. Có nghĩa là ngài cũng nhìn nhận mình bất xứng, chỉ “là một người hèn mọn nhất trong các tông đồ” (1Cr 15, 9) nhưng vì được Chúa thương nên chọn ngay lúc ngài đang bách hại Hội Thánh Chúa. Quyền năng Chúa biến Phaolô thành Tông Đồ nhiệt thành cho dân ngoại. Quả thực, Phaolô đã thực sự trở thành một Tông Đồ trụ cột của Kitô giáo cùng với Phêrô. Điều quan trọng là đức tin mà ngài đã rao giảng và làm chứng cho dân chúng là tinh tuyền vì ngài đã làm theo những gì Chúa chỉ dạy, và các Tông Đồ khác cũng rao giảng như vậy.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Người sau mẻ cá kỳ diệu: đó là anh em Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Họ là ai? Họ là những người đánh cá, bình dân, quê mùa, không có học vấn cao hay bằng cấp, không có địa vị… nhưng Chúa vẫn chọn họ và mời gọi họ: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (x. Lc 5,1-11). Các môn đệ đã đáp trả lời mời gọi đó một cách hăng hái và mau mắn. Họ từ bỏ hết mọi sự mà theo Người. Họ đã được Chúa biến đổi và làm cho trở thành những “kẻ lưới người như lưới cá.”
Như thế, trong ba tường thuật về ơn gọi của Isaia, Phaolô và các Tông Đồ cho thấy tiến trình của một ơn gọi với ba giai đoạn: 1) Thiên Chúa kêu gọi, tác động; 2) Con người ngạc nhiên, lo lắng, cảm thấy bất xứng trước lời mời gọi đó; 3) Từ bỏ và dấn thân cho một sứ vụ cụ thể.
Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng ơn gọi thật huyền nhiệm và lạ lùng! Bởi lẽ, Thiên Chúa kêu gọi người nào, lúc nào và nơi nào là tùy ý Người (x. Mc 3,13). Thiên Chúa chọn và kêu gọi ai, thì Người ban ơn và biến đổi họ. Đồng thời, ơn gọi cũng là kết quả của sự chọn lựa và đáp trả dứt khoát của những ai được gọi qua việc từ bỏ và dấn thân hoàn toàn cho Thiên Chúa.

3- Ơn gọi của chúng ta
Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi và mỗi người đều có một ơn gọi riêng. Với tư cách là một con người, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành một người tốt. Với tư cách là một người Kitô hữu, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên thánh thiện, trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Đây là ơn gọi Đức Tin, ơn gọi nên thánh. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II quả quyết: Mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. LG 39-42). Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở thành những vị thánh.
Để trở nên thánh thiện trong đời sống và xây dựng Nước Chúa ở trần gian, Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống theo từng bậc sống riêng biệt hay theo đặc sủng riêng của mình như: bậc sống linh mục, tu sĩ và giáo dân. Mỗi bậc sống là một cách thế hay là một con đường để dẫn tới sự thánh thiện trong đời sống. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi sống theo bậc sống riêng biệt của mình. Thế nên, không ai có thể nói rằng tôi không có ơn gọi. Nếu là giáo dân, hãy sống ơn gọi giáo dân thật tốt và thánh thiện. Nếu là tu sĩ, hãy sống ơn gọi này thật tốt và thánh thiện. Nếu là linh mục, hãy sống ơn gọi này thật tốt và thánh thiện.
Cũng như Isaia, Phaolô và các môn đệ đầu tiên hôm nay, chúng ta được mời gọi biết sống từ bỏ một cách dứt khoát và đáp trả một cách mau mắn trước lời mời gọi của Chúa. Theo Chúa Kitô không cho phép chúng ta hối tiếc, lưu luyến, hay có những thoả hiệp. Theo Chúa phải biết từ bỏ những gì cản trở ơn gọi chúng ta: kể cả gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và sở thích...
Vì được kêu gọi, nên mỗi người có một sứ vụ. Đó là sứ vụ xây dựng Nước Chúa ở trần gian, là loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngõ hầu chúng ta giúp tha nhân nhận biết chân lý và được cứu độ.
Nguyện xin Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta biết khám phá ơn gọi của mình, biết quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa và biết nhiệt tâm phục vụ Nước Trời. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội dẫn đầu trong cuộc chiến chống nạn buôn bán người.
Thanh Quảng sdb
16:23 08/02/2019
Giáo hội dẫn đầu trong cuộc chiến chống nạn buôn bán người.

Ngày 8 tháng 2 nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Ý thức Chống lại nạn buôn người, một hiện tượng toàn cầu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án, mô tả đó là một ung nhọt của nhân loại.
Một Nghi thức cầu nguyện được tổ chức tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran vào tối ngày 8 tháng 2 đánh dấu Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Ý thức Chống nạn buôn bán người.
Đêm canh thức được điều hợp bởi quí linh mục Michael Czerny và Fabio Baggio, Thư ký của Tòa Thánh của bộ di dân & tị nạn nhằm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện.
Thánh Giusephine Bakhita

Thánh Giusephine Bakhita
Khắp nơi trên thế giới, rất nhiều nơi cũng đang qui tụ cầu nguyện theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngày này đã được ĐTC Phanxicô khởi xướng từ năm 2015, đúng vào ngày lễ Thánh Giusephine Bakhita, người bị bắt cóc khi còn nhỏ và bị bán làm nô lệ tại Sudan. Cô được đưa về Ý và được tự do và sau này đã trở thành nữ tu dòng Canossian và tận hiến cả cuộc đời giúp đỡ người nghèo và chống lại nạn buôn bán nô lệ!
Trong buổi ra mắt hôm thứ Năm tại Vatican của Ngày Quốc tế năm nay, Linh mục Michael Czerny , một linh mục dòng Tên cho biết Thánh Bộ lo về di dân và tị nạn vừa phát hành một cuốn sách có tính cách giáo dục mang tên "Định hướng mục vụ về nạn buôn bán người nhằm mục đích cung cấp thông tin chuyên sâu về hiện tượng này và là tài liệu giúp chống lại tệ nạn này!

Định hướng mục vụ
Định hướng mục vụ của Thánh bộ, cha nói, giúp chúng ta nhận ra một cách minh nhiên hơn lý do tại sao tình trạng buôn bán người vẫn còn tiếp diễn xảy ra trong thế kỷ 21 này! Có phải chỉ vì đơn thuần là kinh tế không?
Cha Czerny giải thích tài liệu này giúp chúng ta hiểu, đào sâu hơn, về các phương thức hoạt động kinh doanh xấu xa của nạn buôn người này.
Ngài nói nó được che đậy, vô hình, nhưng lại hoạt động gần như ở mọi nơi, đó là một tệ nạn tham nhũng! Cha cũng nhấn mạnh rằng chính quyền phải bảo vệ người dân khỏi sự bắt cóc làm nô lệ, tuy nhiên, cha cho hay không có nỗ lực rõ ràng nào để truy tố và trừng phạt những kẻ chủ trương này từ phía chính phủ cả!
Theo cha Czerny thì “Các định hướng mục vụ, trong tài liệu này là một khí cụ giúp chúng ta trả lời cho vấn nạn buôn bán người này hiện tại và thúc đẩy chúng ta cam kết hoạt động cho công việc này cách lâu dài.

Bạn và tôi có thể làm gì?
Câu hỏi đặt ra là: bạn và tôi có thể làm gì để giúp giảm bớt nạn buôn người?
Cha Czerny nêu ra đây là câu hỏi cốt lõi đằng sau Ngày Nhận thức và Cầu nguyện Thế giới cho di dân và chống lại nạn buôn người! Cha Czerny còn cho biết qua những lời khai của những người sống sót kể lại mô tả họ bị đánh lừa, ép buộc làm nô lệ và chịu nhiều đau khổ không thể tưởng tượng được chỉ vì cuộc sống đồi trụy và trục lợi của một số người...
 
Lãnh đạo chính trị và tôn giáo đụng nhau về vấn đề quyền phá thai của phụ nữ tại bang New York.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:30 08/02/2019
Sau khi Cơ quan Lập pháp bang New York bỏ phiếu chấp thuận dự luật về quyền phá thai theo quyết định Tối cao Pháp viện Roe v. Wade, Thống đốc Andrew Cuomo ban hành Quy luật hiệu quả ngay lập tức vào ngày 22.1.2019. Ông tuyên bố: Hôm nay, chúng ta đang tiến một bước lớn trong cuộc chiến khốc liệt để bảo đảm quyền của người phụ nữ tự đưa ra quyết định về sức khỏe cá nhân của mình, bao gồm khả năng tiếp cận phá thai. Với việc ký kết dự luật này, chúng tôi đang gửi một thông diệp rõ ràng rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Washington, phụ nữ ở New York sẽ luôn có quyền cơ bản để kiểm soát cơ thể của chính họ.

Nghị sĩ Andrea Stewart-Cousin đảng Dân Chủ, nói rằng dự luật về quyền phá thai của phụ nữ là ưu tiên của bà khi Tổng thống Trump đề nghị những thẩm phán vào Tối cao Pháp viện có thể đe dọa quyết định. Đa số các thành viên đảng Cộng hoà chống lại dự luật. Nghị sĩ Daphine Jordan nói rằng dự luật này đóng góp thêm vào “văn hóa bỏ đi”. “Đứa trẻ trong lòng mẹ không phải là đồ vật vô tri, đó là một cuộc sống”

Theo bản văn, Quy luật Sức khỏe Sinh sản 38-24 cho phép phá thai “trong vòng 24 tuần lễ từ khi bắt đầu thụ thai, hoặc (khi) không có khả năng tồn tại của thai nhi hoặc bất cứ lúc nào khi cần thiết để bảo vệ tính mạng hoặc sức khỏe của bệnh nhân” [within 24 weeks from the commencement of pregnancy, or (when) there is an absence of fetal viability, or at any time when necessary to protect a patient’s life or health]. Quy luật cũng loại bỏ hành vi phá thai khỏi bộ luật hình sự và xếp nó vào bộ luật y tế công cộng, loại bỏ hầu hết các biện pháp bảo vệ và qui định về thủ tục. Bây giờ, một người không phải là bác sĩ (non- doctor) sẽ được phép thực hiện phá thai.

Trong diễn văn tường trình về quốc gia tại Quốc Hội (5.2.2019), Tổng thống Trump tấn công về luật bang New York cho phép phụ nữ quyền phá thai, đồng thời Tổng thống đề nghị luật liên bang trở về quyết định Roe v. Wade năm 1973.

Ông Cuomo nói: Có nhiều diễn văn chính trị cục đoan. Cảm xúc trào dâng khi chính trị và tôn giáo đụng độ nhau, nhất là về vấn đề quyền chọn lựa của phụ nữ. Như là tín hữu Công Giáo Roma, tôi quen thuộc với những quan điểm vững chắc của Giáo hội. Nhưng tôi không tin rằng những giá trị tôn giáo có thể chuyển đổi các chiều hướng chính trị. Tôi ký kết Quy luật Sức khỏe Sinh sản đế chống lại những cố gắng của Đảng Cộng Hoà đã gửi đến Tối cao Pháp viện những người cực kỳ truyền thống để có thể đảo ngược những bảo vệ pháp lý được biết trong vụ Roe v. Wade. Bang New York đi tiên phong trong việc bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ. Nhiều người sợ rằng hai thẩm phán Tối cao Pháp viện Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh sẽ đổi ngược quyết định Roe v. Wade.

Vài tiểu bang, như New York, cảm thấy khẩn cấp phải bảo vệ quyền lợi của công dân họ. Tổng thống Trump và liên minh nhóm hữu muốn bãi bỏ hoàn toàn luật phá thai, đó là đem Hoa Kỳ trở lại thời gian trước biến cố Roe v. Wade. Trong khi ĐHY Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, và Giáo Hội Công Giáo chống lại phá thai, thì đa số những người Công Giáo theo phò lựa chọn (tự do phá thai). Có 73 % dân New York ủng hộ Roe, trong đó gồm 59 % Công Giáo. Trong khi các chính phủ có thể ban hành luật luật phù hợp với giáo lý tôn giáo, các chính phủ không thông qua luật để phù hợp với những gì mà bất cứ tôn giáo đặc thù nào ra lệnh. Tôi được học tại trường đạo, và tôi là lễ sinh. Giá trị Giáo Hội Công Giáo là giá trị cá nhân. Tôi chọn lựa những quyết định trong đời sống của tôi, có tư vấn với con gái tôi, dựa trên niềm tin luân lý và tôn giáo cá nhân tôi. Cám ơn những vị lập quốc, không có một viên chức được bầu cử áp dụng niềm tin cá nhân thành luật của quốc gia. Tôi tuyên thể với Hiến pháp Hoa Kỳ và bang New York – không phải với Giáo Hội Công Giáo. Tôn giáo của tôi không thể đòi hỏi thiên vị khi tôi thi hành các nhiệm vụ công cộng của tôi.

ĐHY Dolan tố cáo Thống đốc Andrew Cuomo “dấu nhãn hiệu” khi thì lề phải (right - phái hữu) khi thì lề trái (left - phái tả), tùy theo những vấn đề thuận lợi cho ông. Khi ông cần tôi trợ giúp về vấn đề tăng lương tối thiểu, cổ võ trường học, đón tiếp di dân… tôi được ông coi là người ở lề trái (left - phái tả) nhưng đụng vấn đề phá thai thì ông cho tôi vào nhóm lề phải (right- nhóm phải). Trích lời của cựu Thống đốc Pennsylvania Robert Casey, ĐHY Dolan nói rằng vấn đề phá thai không là việc phải (right) chống lại trái (left) nhưng là đúng (right) chống lại với sai (wrong). ĐHY không chấp nhận việc Thống đốc Cuomo xem vấn đề theo khía cạnh Công Giáo thay vì là vấn đề nhân quyền.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo tố giác âm mưu của Maduro trong lá thư y gửi cho Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:32 08/02/2019
Đức Tổng Giám Mục Merida đã bác bỏ khả năng Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela sau khi tên độc tài Nicolas Maduro công khai một bức thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu can thiệp.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ nói không trong những hoàn cảnh này. Tại sao? Bởi vì đó là một lời mời lơi, để nói về những gì trong khi không có chương trình nghị sự gì hết”, Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo của Merida nói với Radio Continental, một đài tin tức của Á Căn Đình, vào ngày 6 tháng 2.

Đức Hồng Y Porras, cũng là Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Caracas, đã lưu ý rằng vào những lần trước đây khi Vatican tham gia với tư cách là người điều phối đối thoại, những gì Vatican nhận được từ chính phủ Maduro chỉ là một sự nhạo báng.

“Đó là những gì bạn thực sự phải nhớ lại vào thời điểm Vatican được kêu gọi làm trung gian,” Đức Hồng Y Porras nói. “Xuất phát từ thiện chí của mình, Đức Giáo Hoàng đã muốn gửi ai đó đến, nhưng tất cả đã đều ra vô ích.”

“Thêm vào đó ý định của ông Maduro không phải là thực tâm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề khiến cho sự hòa giải của Vatican trở nên không khả thi,” ngài nói.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trên đường từ Abu Dhabi về Rôma hôm 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hòa giải cần có ý chí của cả hai bên, phải là cả hai bên yêu cầu thì Tòa Thánh mới có thể đứng làm trung gian.

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, người tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của Venezuela, đã không yêu cầu Vatican giúp hòa giải. Hoa Kỳ, Canada, phần lớn Liên minh châu Âu và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh đã công nhận ông Juan Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Đức Hồng Y Porras nói thêm rằng “đã trở thành thói quen của chính phủ xã hội chủ nghĩa tại Venezuela, khi họ cảm thấy bị áp lực, khi nước đã ngập đến cổ, thì họ lại kêu gọi người làm trung gian” trong số đó có “các quốc gia không thể nào tin tưởng một chút xíu nào là quan tâm đến nền dân chủ. Đó không phải là cách.”

Trong số các quốc gia hỗ trợ cho Maduro, Đức Hồng Y nhắc đặc biệt đến Trung Quốc và Nga.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự khác biệt hay xa cách nào giữa các giám mục Venezuela và Tòa thánh hay không, Đức Hồng Y giải thích rằng “có sự hiệp nhất hoàn tòan và đầy đủ về tiêu chí và hành động, và có một mối quan hệ thường trực giữa Tòa thánh và chúng tôi với sự hỗ trợ hoàn toàn của Đức Thánh Cha.”

“Những gì đang diễn ra là như thế này: mọi người phải hoàn thành vai trò của mình. Chúng tôi là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã nói với nhà cầm quyền thông qua người phát ngôn của Hội Đồng Giám Mục rằng họ muốn nói trực tiếp với Đức Thánh Cha cũng được thôi, nhưng trước tiên họ nên thông qua chúng tôi vì có sự hòa hợp hoàn toàn [giữa chúng tôi với nhau] và họ đi thẳng [với Vatican] thì cũng chẳng có gì khác biệt.”

“Chúng tôi là những người đang phải chịu đựng tình huống này là những người muốn có đối thoại hơn ai hết, nhưng phải là đối thoại thực sự”

Đức Hồng Y nhận xét rằng với bức thư này gửi cho Đức Giáo Hoàng, Maduro không thực tâm tìm kiếm đối thoại nhưng chỉ câu giờ để đàn áp bằng bạo lực khi người dân Venezuela đang xuống đường một cách hòa bình để yêu cầu một giải pháp nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở nước này.

Ngài nhắc lại rằng vào tháng 8 năm 2017, Tòa Thánh đã thúc giục chính phủ Venezuela từ bỏ Quốc Hội lập hiến và tôn trọng hiến pháp hiện hành. Maduro đã bỏ qua lời kêu gọi này và tiếp tục chính sách hình thành ra Quốc hội lập hiến nhằm thay thế Quốc hội, cơ quan lập pháp do phe đối lập Venezuela kiểm soát.

Thêm vào đó, theo Đức Hồng Y, Tòa Thánh biết rất rõ tình hình tại Venezuela. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, đã từng là sứ thần tông đồ tại Venezuela từ năm 2009 cho đến khi được bổ nhiệm làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hồi tháng 10 năm 2013.

Trong những diễn biến mới nhất, tổng thống lâm thời Guaidó đã sắp xếp để chuyển các lô hàng viện trợ đến nước này, nhưng Maduro vẫn tiếp tục từ chối.

Maduro cho quân đặt một chiếc xe tải chở dầu và hai container chở hàng trên cầu Tienditas nối liền Cucuta, Colombia với Urena, Venezuela để ngăn không cho các phẩm vật cứu trợ từ Colombia vào Venezuela.

Caritas Venezuela đã yêu cầu các viện trợ nhân đạo phải được phép vào nước này.




Source:Catholic Herald
 
Đức Cha Paul Hinder: Chuyến tông du Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất của Đức Thánh Cha thành công vượt quá mọi mong đợi
Anthony Nguyễn
18:14 08/02/2019
Đức Cha Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập, bao gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ôman và Yemen, đã nêu bật tầm quan trọng của chuyến tông du vừa qua của Đức Thánh Cha với thông tấn xã AsiaNews. “Đối với các tín hữu, chủ yếu là người nhập cư, cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô là một nguồn khích lệ lớn,” ngài nói.

Một bầu không khí vui mừng và nhiệt tình trước nhiều sự kiện đặc trưng trong ba ngày Đức Thánh Cha đến thăm vẫn còn đọng lại ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đặc biệt là thánh lễ công cộng đầu tiên trước hơn 135 nghìn người, bao gồm cả người Hồi giáo, và cuộc họp liên tôn ở Abu Dhabi.

Các nhà phân tích và chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài liệu được ký bởi Đức Giáo Hoàng và bởi Đại Immam Ahmad Muhammad Al-Tayyib của Đại Học Al-Azhar, về giá trị “tiên tri và cách mạng”.

Đức Cha Hinder giải thích rằng “Cao trào của chuyến tông du là ngày cuối cùng mà Đức Thánh Cha dành trọn vẹn cho cộng đoàn Công Giáo địa phương, từ sáng, với bữa ăn sáng rồi tới một cuộc họp với một số đại diện trong miền Giám Quản Tông Tòa. Lời chào đến người khuyết tật, trẻ em, gia đình và người già. Cuộc gặp gỡ với vị linh mục già nhất trong miền, năm nay đã 92 tuổi, diễn ra đặc biệt cảm động. Cuối cùng, cuộc hành trình cùng nhau qua đám đông với một rừng các điện thoại di động, cho đến khi vào cổng sân vận động và sự bùng nổ của niềm vui đã đồng hành cùng Đức Giáo Hoàng. Rồi thánh lễ, đơn giản nhưng đồng thời thật cảm động.”

Đức Cha Hinder cho biết “Trên đường từ Tòa Giám Mục ra sân vận động, tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha. Chúng tôi đã thảo luận về tình hình của Giáo Hội địa phương. Điều quan trọng là Đức Thánh Cha thấy tận mắt thực tế địa phương, vượt lên trên các tài liệu và báo cáo. Đó là một kiến thức trực tiếp về một Giáo Hội bao gồm hầu hết là những người di dân, với những vấn nạn và đặc thù của nó. Ngài chứng kiến tận mắt sức sống của một cộng đồng người Phi Luật Tân, Ấn Độ, Châu Phi vừa nghèo nàn nhưng lại giàu đức tin.”

“Về phương diện cá nhân thời điểm quan trọng nhất là cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo địa phương và thánh lễ sau đó. Tuy nhiên, từ quan điểm toàn cầu hội nghị liên tôn và văn kiện được ký kết với Đại Imam, đại diện cho một bước tiến quan trọng trong cuộc đối thoại với Hồi giáo, có giá trị lớn”.

Đức Cha Hinder quan sát rằng các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất “không chỉ có sự đón tiếp chính thức theo như văn hóa địa phương, mà còn trung thực và chân thành trong các mối quan hệ.” Tuy nhiên, ngài nhận xét dè dặt rằng “Liệu điều này có được chuyển hóa thành sự tăng cường các quyền tự do, đặc biệt là tự do tôn giáo, hay không chỉ có thể được nhìn thấy theo dòng thời gian”.

Đức Cha Hinder đánh giá cao lời kêu gọi quyền tự do tôn giáo ở vùng đất Ả Rập của Đức Giáo Hoàng là “can đảm” và nói thêm rằng “không có bình luận tiêu cực nào, ngay cả cho đến giây phút cuối cùng, một bầu không khí thân mật tuyệt vời vẫn ngự trị”.

Đối với các tín hữu “lời nói của Đức Giáo Hoàng là nguồn tự hào và lời mời gọi tiếp tục sống đức tin”, góp phần “xây dựng” với các Kitô hữu của các giáo phái khác và công dân của các niềm tin khác, đặc biệt là Hồi giáo, để xây dựng “một xã hội đa nguyên nhưng không mất truyền thống”.

Trong những ngày này, vị Giám Mục gốc Thụy Sĩ 76 tuổi cũng đã gặp “một phái đoàn nhỏ” từ Yemen, những người đã có thể rời khỏi đất nước bất chấp chiến tranh. “Thật tuyệt khi có thể an ủi họ trong tình huống vẫn còn quá nhiều những khó khăn đối với họ”.

Để kết luận, Đức Cha Hidender đã chia sẻ một suy tư cá nhân: “Đây là một nguồn vui lớn trong giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ của tôi tại một vùng đất trong thực tế đã phát triển đáng kể trong 15 năm qua. Và cuối cùng, suy nghĩ của tôi gửi đến người tiền nhiệm của tôi, là Đức Cha Bernardo Gremoli, hôm qua tôi đã viết cho người thân của ngài rằng tôi chắc chắn ngài đã cùng đồng hành với chúng tôi với những lời cầu bầu của ngài.”

Đức Cha Bernardo Gremoli, sinh ngày 30/6/1926 và qua đời ngày 6/7/2017, đã là Giám Quản Tông Tòa Ả Rập từ 1976 đến 2005.


Source:Asia News
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ủng hộ hàng giáo phẩm Venezuela
Đặng Tự Do
18:34 08/02/2019
Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, của tổng giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ và là Chủ tịch Hoa Kỳ Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế đã ra tuyên bố sau đây bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela.

“Thay mặt Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tôi bày tỏ tình đoàn kết với các Giám mục Venezuela, và với tất cả những người làm việc vì một giải pháp hòa bình và chính đáng cho cuộc khủng hoảng ở đó. Tình hình nhân đạo thật thảm khốc. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng và tử vong thậm chí chỉ vì các căn bệnh thông thường, đã khiến cho số người Venezuela chịu ảnh hưởng ngày càng tăng.

Tôi biết ơn sự cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo rất cần thiết cho người Venezuela. Tôi kêu gọi chính quyền giúp tạo điều kiện cung cấp hỗ trợ nhân đạo, và, khi cần thiết, giúp phối hợp các lựa chọn di cư an toàn, để tránh nhiều đau khổ hơn nữa. Giáo hội tại Venezuela, như các giám mục tuyên bố vào ngày 4 tháng 2, hành động ‘theo nguyên tắc độc lập, khách quan và nhân bản’, và sẵn sàng giúp đỡ phân phối các trợ giúp một cách công bằng và đồng đều.

Xin Đức Mẹ Coromoto, Đấng bảo trợ của Venezuela, phù hộ tất cả người Venezuela khi họ cố giành lại hòa bình và thịnh vượng ở đất nước họ.”


Source:USCCB
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi 2019
Văn Minh
10:43 08/02/2019

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, thì Nước Trời là của họ”.

Trên đây là lời chia sẻ của cha Martinô Nguyễn Đức Trọng, cho cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa trong Thánh lễ Giao thừa diễn ra lúc 21g00 thứ Hai ngày 04.02.2019, do cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Martinô Nguyễn Đức Trọng, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn. Tham dự trong Thánh lễ, có quý thầy ĐCV, quý soeur, là những người con của giáo xứ nhân dịp được nghỉ Tết về bên gia đình cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng hiệp dâng.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đại diện quý vị trong HĐMVGX, các đoàn thể cùng các em trong Ban Lễ sinh rước quý cha từ ngoài sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường trong niềm hân hoan chào đón của cộng đoàn.

Đầu lễ, cha xứ ngỏ lời chào mừng cha Martinô, quý thầy, quý soeur, cùng cộng đoànđã cùng nhau qui tụ về ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, cha Gioakim cũng nhấn mạnh đến sự yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi của con người nói chung và linh mục nói riêng. Để qua việc nhận biết mình tội lỗi, ngài mời gọimọi người cầu nguyện nhiều cho quý cha để mỗi ngày trở nên xứng đáng hơn trong thiên chức linh mục của mình.

Sau bài Tin Mừng, cha Martinô Nguyễn Đức Trọng chia sẻ cùng cộng đoàn: Một năm được bắt đầu vào mùa Xuân, mùa Xuân đem lại cho cây cốiđâm trồi nảy lộc, và đươm hoa kết trái. Trong miền Nam thì có hoa Mai, còn ngoài miền Bắc thì có hoa Đào. Vàđể có được một cây Mai đẹp, thì nó cần phải có sự chăm sóc và sự cắt tỉa của con người, nhờ đó nó mới được xanh tươi xinh đẹp. Quả thật, trong đời sống của người Kitô hữu cũng vậy, để trở nên người công chính thánh thiện, thì mỗi người chúng ta cũng cần phải chăm sóc và cắt tỉa không chỉ ở bên ngoài mà phải cả ở bên trong tâm hồn nữa.Kế tiếp, ngài diễn giảng về “Tám mối Phúc thật” và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm câu: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, thì Nước Trời là của họ.

Thật vậy, ai sống theo tinh thần này thì thật là diễm phúc, và sẽ được trở nên thành viên của Nước Trời và là chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ vật lên Thiên Chúa.

Sau lời nguyện tín hữu, vị đại diện HĐMVGX lên chúc mừng quý cha, quý thầy, quý soeur, cùng cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa vui đón Xuân Kỷ Hợiđược tràn đầy hồng ân Thiên Chúa trong an bình. Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn giáo xứ ngỏ lời cảm ơn cha Martinô, quý thầy, quý soeur, cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ Giao thừa được sốt sắng. Nhân đây, ngài cũng có lời cảm ơn đến gia đình nhà cụ cựu trùm Điều, trong năm vừa qua đã ủng hộ 2/3 số tiền mua căn nhà để cho các em thiếu nhi có nơi học giáo lý được tốt đẹp. Sau đó, cha Gioakim mời cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh, trong những ngày tháng đi du học ở bên nước Pháp được mọi sự tốt đẹp. Sau cùng, ngài cũng mời gọi cộng đoàn trong năm mới này, mỗi người tùy theo khả năng của mình ra phục vụ giáo xứ, và cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.

Thánh lễ khép lại lúc 22g30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ cha chủ tế và cùng nhau hát vang bài “Xuân ca bên Mẹ”.
 
Thánh lễ Minh Niên mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang Quảng Trị
Trương Trí
11:03 08/02/2019
Thời tiết Huế-Quảng Trị vào những ngày Tết chưa có năm nào như năm nay, trời nắng gay gắt như mùa Hè. Sáng ngày mồng 4 Tết Kỷ Hợi, dọc đường Quốc lộ I từ Huế ra La Vang, từng đoàn xe máy và xe ôtô nối đuôi nhau hành hương về bên Mẹ. Tại Trung tâm Hành hương La Vang, nhiều đoàn xe khách từ các tỉnh miền Bắc cũng như miền Nam đã có mặt từ bao giờ. Tất cả đều với một niềm cậy trông vào Mẹ.

Xem Hình

Đúng 8 giờ sáng, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh xông hương Đức Mẹ trước khi rước Kiệu. Dẫn đầu là Thánh giá và Hương-Nến rồi đến đội Trống giáo xứ Tân Lương, tiếp sau là các em Thiếu nhi La Vang trong đội múa, đoàn Nghi lễ, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót, các Nữ tu rồi đến đoàn Linh mục đồng tế, hai vị Tổng Giám mục và cuối cùng là bàn kiệu Đức Mẹ được cung nghinh trên Kiệu Rồng d các Kiệu phu là anh em trong Ban Chung sự Hiếu đạo giáo xứ Chính tòa Phủ Cam.

Đoàn kiệu Đức Mẹ được rước một cách trang trong từ Tháp Cổ ra Quảng trường Chúa chịu nạn vòng về Linh đài Đức Mẹ, hòa trong lời kinh Mân côi là nhịp trống rập rang tôn vinh Đức Mẹ.

Thánh lễ Minh niên mừng Xuân mới do Đức nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ tế, cùng đồng tế có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận và đông đảo linh mục đến từ khắp nơi.

Mở đầu Thánh lễ, Đức nguyên Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê nói lời chào mừng Cộng đoàn hành hương quy tụ về Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang trong ngày đầu năm mới, bên cạnh Đức Tổng Giám Mục Giuse, vị chủ chăn thân yêu của chúng ta. Cùng với Đức Tổng Giuse, ngài gửi đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và toàn thể cộng đoàn lời chúc mừng năm mới với nhiều hồng ân của Thiên Chúa, sức khỏe dồi dào, gia đình bình an và một cuộc sống nhiều niềm vui và may mắn. Theo truyền thống tốt đẹp của Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang vào ngày đầu năm mới, chúng ta quy tụ về đây để tôn vinh Mẹ bày tỏ lòng tri ân và tâm tình mến yêu Mẹ, vì bao phúc lộc hồn xác Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta qua bàn tay của Mẹ và nhờ lời cầu bầu đầy quyền năng của Mẹ. Chúng ta dâng lên Mẹ và qua Mẹ dâng lên Thiên Chúa những ngày tháng của năm mới đang đến với chúng ta. Xin dâng lên Mẹ gia đình của mỗi người, xin dâng lên Mẹ Giáo hội Việt Nam, Giáo phận và Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Xin Mẹ thương ban cho chúng ta một năm mới an lành hạnh phúc. Trong năm 2019 này, Hội đồng Giám mục Việt Nam với định hướng Đồng hành với các gia đình khó khăn, xin Mẹ dìu dắt nâng đỡ những gia đình đang gặp phải những hoàn cảnh bất an trong cuộc sống.

Chía sẻ trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse nhắc lại lời Đức Tổng Phanxicô Xaviê rằng hôm nay là ngày truyền thống, chúng ta quay quần chung quanh Đức Mẹ La Vang để cầu bình an cho năm mới, điều này phù hợp với những truyền thong giá trị của Tết Cổ truyền Việt Nam. Trong những ngày qua, mọi người đã nghe biết tại những nhà ga, bến xe, phi trường đều chật kín người, thâm chí có người đã phải trể chuyến bay. trể xe trể tàu. Tại sao lại xảy ra như vậy? Vì Tết là ngày đoàn tụ của người Việt Nam, dù nghèo dù ở xa xôi cũng phải trở về sum họp gia đình. Gặp mặt trong gia đình thôi cũng đã vui rồi, huống gì chúng ta đang sum họp trong Đại Gia đình Giáo hội, chúng ta về đây với tinh thần đoàn tụ cổ truyền và cũng với tinh thần mến yêu Mẹ hiền La Vang, không chỉ mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận mà còn đến từ khắp mọi miền đất nước và cả hải ngoại. Ngài cũng bày tỏ sự vui mừng và sung sướng khi may mắn luôn được sự đồng hành của Đức nguyên Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê, trong tất cả Thánh lễ, nếu có sự hiện diện của hai người thì nếu khi Đức Tỏng Phanxicô chủ tế thì ngài giảng lễ, nếu ngài chủ tế thì Đức Tổng Phanxicô giảng lễ.

Hành trang mỗi một người chúng ta mang về bên Mẹ là niềm tin và tình yêu mến đối với Mẹ, chúng ta chiêm ngưỡng người Mẹ tuyệt vời, đồng thời qua Mẹ, chúng ta cầu xin Chúa một mùa Xuân an lành và hạnh phúc.

Sau Thánh lễ, cha Micae Phạm Ngọc Hải, Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang giới thiệu ông Gioan Baotixita Lê Khanh, Chủ tịch HĐGX Trí Bưu hạt Quảng Trị thay mặt cộng đoàn chúc Tết và mừng tuổi quý Đức Tổng Giám Mục và các linh mục đồng tế cùng toàn thể cộng đoàn hành hương. Các vị Chủ tịch HĐGX các giáo xứ Trí Bưu, La Vang và Thạch Hãn dâng tặng hai Đức Tổng và cha Tổng Đại diện món quà mừng tuổi đầu năm.

Các em Thiếu nhi La Vang biểu diễn những vũ khúc mừng Xuân hết sức đặc sắc, mừng tuổi Mẹ La Vang và mừng tuổi quý Đức Tổng cùng cộng đoàn hành hương.

Kết thúc Thánh lễ, quý Đức Tổng đã ban Phép lành đầu năm mới cho toàn thể cộng đoàn.

Trương Trí
 
Giáo xứ Bến Trường Phú Cường: Thánh lễ cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
11:12 08/02/2019
Lúc 05g45 sáng 06.02.2019 (tức mùng 02 tết Âm Lịch), cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, Giáo xứ Bến Trường đã cử hành Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho Ông Bà, Tổ Tiên – những người đã qua đời. Đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, thảo kính đối với Ông Bà, Cha Mẹ, qua việc Mừng thọ cho các Quý cụ. Vì thế, Thánh Lễ này ngoài sự hiện diện của đông đảo bà con giáo dân trong Giáo xứ còn có sự tham dự của Con cháu các Ông bà – Cha mẹ được Giáo xứ Mừng thọ trong thánh lễ hôm nay.

Xem Hình

Thánh lễ do Cha Quản xứ Giuse-Maria Phạm Tường Thành chủ tế. Mở đầu Thánh lễ Cha Giuse-Maria đã mời gọi chúng ta trong ngày Mùng 1 tết-trước hết dâng lời tạ ơn Chúa, cầu bình an, thì trong ngày mồng hai tết, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Mừng lễ hôm nay là dịp nhắc nhở chúng ta nhớ đến nguồn cội của mình và công ơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta..

Trong phụng vụ Thánh Lễ hôm nay, các bài đọc trong đều nhắc nhớ đến vai trò, bổn phận của con cái đối với những Đấng Sinh Thành. Đặc biệt, trong phần bài giảng của mình, cha Giuse – Maria đã nhấn mạnh đến Điều Răn thứ tư “Thảo kính Cha Mẹ”. Qua Điều Răn này, cha Quản xứ đã giải thích cho cộng đoàn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chữ Hiếu trong đạo Công Giáo. Người Công Giáo theo đạo không có nghĩa là phải từ bỏ Tổ Tiên – Ông Bà – Cha Mẹ, như những hiểu lầm trước đây, ngược lại họ còn phải làm tròn bổn phận của con cái đối với Cha Mẹ một cách vẹn toàn như Thánh Phaolô đã dạy“Kẻ làm con phải vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).

Và trong bài chia sẽ của mình Cha Giuse – Maria cũng đã cho chúng ta thấy được rằng: Người Á Đông nói chung, đặc biệt người Việt Nam nói riêng rất đề cao chữ HIẾU và nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đó là ĐẠO HIẾU.

“Mẹ cha vất vả nuôi mình//Từ khi trứng nước công trình biết bao./ Làm con phải nhớ công lao,/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Kẻ làm con phải “Dĩ hiếu vi tiên” nghĩa là lấy hiếu làm đầu. Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.

Bởi vậy, từ thuở mới cắp sách tới trường, bài học đầu tiên của ta là: Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời này không phải là một sự xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng là mắt xích của cả một công trình vĩ đại, một chuỗi dài những liên hệ yêu thương từ Adam đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giờ đây là chúng ta,… Người ta thường nói: “Con người có cố có ông,/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Người ta có cha có mẹ/ Không ai ở chỗ nẻ chui lên (Tục ngữ).

Trong Bài đọc thứ nhất trích sách Huấn ca nhắc chúng ta không chỉ biết ơn mà còn tôn vinh những bậc vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói với chúng ta qua thư gửi tín hữu Ephêso: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Đúng ra, Phaolô đã viết lại lời Chúa trong sách Xuất Hành: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).

Bài tin mừng, Chúa Giêsu cũng nhắc lại lời trong sách Xuất Hành và Lêvi: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Đặc biệt, Chúa Giêsu khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa. Đối với họ, lễ vật gọi là ‘Coban’, tức là những gì họ dâng cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa.

Thật vậy, Ngày hôm nay cũng còn có những người con như thế: đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão, đóng tiền cho người ta nuôi; hay cho cha mẹ tiền, quà rồi cho đó là thảo hiếu, nhưng không hề về thăm hay hỏi han cha mẹ mạnh khỏe ra sao? Đau yếu thế nào?

Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở con người về đạo làm con mà chính Ngài từ muôn thuở đã luôn là Người Con đẹp lòng Chúa Cha. Hơn nữa, khi nhập thể làm người, Ngài cũng luôn thảo kính, vâng phục Đức Maria và thánh Giuse.

Theo truyền thống tốt lành của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ngày mồng hai tết là ngày con cháu kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Trong ngày mồng hai Tết này chúng ta hãy nhìn lại lòng thảo kính của chúng ta đối với cha mẹ.

Đó là, chúng ta đã yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống và cũng như đã qua đời chưa?

Khi cha mẹ còn sống nếu con cái chỉ tỏ lòng yêu mến và biết ơn thì chưa đủ, còn phải thực hiện bằng việc làm là giúp đỡ cha mẹ, nhất là khi các ngài đã về già. Nuôi cha mẹ già không phải là dễ. “Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”; bởi vậy, người ta nói: “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Tiếc thay, rất nhiều người - dù đã đang nuôi con - đã có kinh nghiệm vất vả vì con nhưng lại quên ơn nghĩa sinh thành. Họ coi việc chăm sóc cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sống không cho ăn, chết thì làm văn tế ruồi” là lời nhắc nhớ con cháu phải cần kíp chăm sóc cha mẹ bao nhiêu có thể khi các ngài còn sống với ta trong cõi đời này. Ngày hôm nay, có những người con tuy vui tết, nhưng vẫn cứ ân hận vì mình đã không lo chu toàn bổn phận chữ hiếu với cha mẹ mình, bây giờ cha mẹ không còn nữa; trái lại, ngày hôm nay, chúng ta vẫn thấy có những người con trước khi đi làm đã tranh thủ đút cháo và sếp giường chiếu cho cha mẹ; có những người con dìu dắt cha mẹ già lọm khọm bước lên bực cấp nhà thờ để dự lễ. Hình ảnh này làm cho tất cả chúng ta cảm động và thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa đối với song thân sinh thành dưỡng dục mình. Hơn nữa: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Nếu ta không trọng cha mẹ ta, khi ta về già, sao con cháu có thể trọng ta được!

Và trong dân gia Người ta thường nói: “Cách mặt xa lòng”. Điều đó rất đúng trong đời sống thực tế hằng ngày bởi vì xa nhau thì mối tình dễ bị nhạt nhòa, dễ bị quên lãng. Nếu ông bà cha mẹ còn sống mà ta còn ít nhớ đến thì làm sao ta có thể nhớ đến các ngài hằng ngày khi các ngài đã qua đời? Thật ra, các ngài qua đời hay đã khuất núi nhưng vẫn hiện diện Chứ không phải trở về hư vô. Giữa âm và dương thật gần gũi. “Người chết nối linh thiêng vào đời” là vậy.

Thật vậy, khi Cha Giuse - Maria nhắc nhở mỗi người chúng ta phải nhớ:“Sống thì phải tết, chết thì phải lễ”. Lời cha chủ tế nhắc mỗi người chúng ta là ai trong chúng ta ra đời cũng có cha có mẹ.

Vậy, mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về bổn phận hiếu thảo với các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ. Hãy chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống; Hãy dâng một nén hương, một lời nguyện cầu lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời, để ngày Xuân của chúng ta không chỉ là mùa xuân của ân nghĩa đối với nhau mà còn là mùa xuân của lòng báo hiếu với người đã khuất.

Sau phần Phụng Vụ Thánh Thể, Cha Quản xứ đã mừng thọ Quý cụ và lì xì cho Quý Cụ trong năm mới. Sau đó, Đại diện Các cụ được Chúc thọ đã có đôi lời Cảm ơn Cha Quản xứ cùng Quý Dì và Ban Hành giáo Giáo xứ đã tổ chức Mừng thọ và cầu nguyện cho các cụ.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận.
 
Giáo xứ Tây Ninh: Thánh Lễ cầu cho Tổ Tiên – Ông Bà – Cha Mẹ Tại Đất Thánh
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
11:22 08/02/2019
Lúc 16g30 chiều 06.02.2019 (tức mùng 02 tết Âm Lịch), cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, Giáo xứ Tây Ninh đã cử hành Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho Ông Bà, Tổ Tiên – những người đã qua đời. Đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng kính nhớ đến Ông Bà, Cha Mẹ, và những người thân yêu đã được Chúa gọi về. Vì thế, Thánh Lễ này có hiện diện của đông đảo bà con giáo dân trong Giáo xứ, nhất là những người con xa xứ cũng tham dự trong thánh lễ hôm nay.

Thánh lễ do Cha Chánh xứ Gioan Võ Hoàn Sinh Thành chủ tế, cùng đồng tế với Ngài là Cha Luciano Nguyễn Thành Tiến, Quản xứ Giáo xứ Bình Nguyên (hạt Củ Chi) là người con của Giáo xứ.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ Cha Gioan đã mời gọi chúng ta trong ngày Mùng 1 tết-trước hết dâng lời tạ ơn Chúa, cầu bình an, thì trong ngày mồng hai tết, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Mừng lễ hôm nay là dịp nhắc nhở chúng ta nhớ đến nguồn cội của mình và công ơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta..

Theo truyền thống tốt đẹp của Người Công Giáo, cứ vào ngày mùng 2 tết Nguyên đán hàng năm, Giáo xứ Tây Ninh đều tổ chức thánh lễ Cầu cho Ông bà tổ tiên và Cha mẹ tại Đất Thánh của Giáo xứ. Năm nay Giáo xứ đã được đón nhiều người con của Giáo xứ đang bước đi trong hành trình Ơn gọi của Mình tại các Nhà dòng và Tu viện. Với sự hiện diện của các Chủng sinh trên đã làm cho bầu khí tại Đất Thánh Giáo xứ tại Ấp Bình Trung, xã Bình Minh, Tp Tây Ninh trở nên lắng đọng và tràn ngập niềm vui. Dù rằng 16g30 Thánh lễ mới bắt đầu, nhưng ngay đầu giờ chiều Bà con đã có mặt tại Đất thánh trong đó có rất nhiều người là con cháu xa xứ lâu ngày mới trở về quê hương để thăm viếng Ông bà cha mẹ đang yên nghĩ tại đây. Trước khi bắt đầu Thánh lễ mọi người tham dự đã quy tụ xung quang Lễ đài Dâng lên Mẹ Maria Nữ vương các đẳng linh hồn năm mươi sự thương khó của Chúa.

Lòng người như chùng xuống khi bước vào cổng Đất Thánh, bởi vì tất cả lo toan, bon chen cuộc đời đều được để lại sau lưng, dù rằng đây đó vẩn còn nhiều lời chúc nhau trong năm mới, nhưng Tâm hồn mọi người đều hướng về những người đang yên nghỉ nơi đây. Không gian thật ấm cúng khiến cộng đoàn cảm thấy gần gũi hơn với những người thân yêu đã ra đi, và lắng đọng tâm hồn tìm về với Chúa suối nguồn bình an. Bởi thế, trước đó dù rằng phải lo toam chuẩn bị cho những Ngày tết nhưng từ nhiều ngày qua, bà con đều dành thời gian đến phần mộ của tổ tiên để chăm sóc, lau chùi, quét dọn sạch sẽ, trang hoàng lại cho ngôi mộ của người quá cố cho tươm tất, đẹp hơn.

Bà con tham dự Thánh lễ hôm nay rất đông đảo, có thể nói mọi người con dù đi làm ăn ở xa, học hành ở xa,… họ cũng tranh thủ về tham dự Thánh Lễ tại Đất Thánh nhân ngày hôm nay và viếng mộ Ông bà của mình. Điều đó cho thấy, người giáo dân Công Giáo nói chung và giáo dân Tây Ninh nói riêng rất hiếu kính đối với Ông bà tổ tiên, yêu mến sâu sắc người quá cố và trọng kính Thiên Chúa.Thánh Lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta sống thảo hiếu, sống trọn tình với người còn sống cũng như những người đã khuất. Chắc chắn đứng bên phần mộ người thân đã ra đi, những hình ảnh, những ký ức của người thân sẽ lại trở về với mỗi người.

Trong phụng vụ Thánh Lễ hôm nay, các bài đọc trong đều nhắc nhớ đến vai trò, bổn phận của con cái đối với những Đấng Sinh Thành. Đặc biệt, trong phần bài giảng của mình, cha Luciano đã nhấn mạnh đến Điều Răn thứ tư “Thảo kính Cha Mẹ”. Qua Điều Răn này, cha Luciano đã giải thích cho cộng đoàn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chữ Hiếu trong đạo Công Giáo. Người Công Giáo theo đạo không có nghĩa là phải từ bỏ Tổ Tiên – Ông Bà – Cha Mẹ, như những hiểu lầm trước đây, ngược lại họ còn phải làm tròn bổn phận của con cái đối với Cha Mẹ một cách vẹn toàn như Thánh Phaolô đã dạy“Kẻ làm con phải vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).

Thật vậy, Người Á Đông nói chung, đặc biệt người Việt Nam nói riêng rất đề cao chữ HIẾU và nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đó là ĐẠO HIẾU.

“Mẹ cha vất vả nuôi mình//Từ khi trứng nước công trình biết bao./ Làm con phải nhớ công lao,/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Kẻ làm con phải “Dĩ hiếu vi tiên” nghĩa là lấy hiếu làm đầu. Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.

Kính nhớ ông bà tổ tiên là nét đẹp trong văn hoá Việt Nam. Việc bày tỏ lòng thảo hiếu không chỉ là văn hoá mà còn là Đạo hiếu, Đạo làm người. Phận làm con, chúng ta không thể kể hết, không thể đo đếm được công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Do đó, Cha Luciano cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: Kính nhớ Ông bà tổ tiên là mỗi người chúng ta phải thường xuyên Cầu nguyện cho Các Ngài, vì các Ngài đang bị giam cầm không thể nào cầu nguyện cùng Thiên Chúa để được xin tha tội. Và việc cầu nguyện của mỗi người chúng ta được tốt đẹp nhất là xin lễ cho các Ngài. Thế nhưng mỗi người chúng ta không phải là cứ gửi của xin lễ cho các Cha là đủ là chúng ta còn phải có lòng đó là: Chúng ta còn phải hiệp thông với Linh mục chủ tế để cầu xin Thiên Chúa cho các Ngài.

Thường khi nói đến đất thánh, nghĩa trang, nghĩa địa… người ta nghĩ ngay đến một không gian lạnh lẽo, hoang vu, gây cảm giác sợ sệt và người ta luôn muốn tránh né nơi ấy. Thế nhưng nếu tham dự thánh lễ của người người Công Giáo tại các đất thánh dành cho người đã qua đời, nhất là trong Thánh lễ cầu cho Ông bà tổ tiên này, chắc chắn những cảm nhận sẽ hoàn toàn ngược lại.

Hôm nay tại đất thánh Tây Ninh, khung cảnh vẫn là những nấm mộ hàng hàng lớp lớp nhưng những người sống cảm thấy gần gũi và thân thương với những người đã chết. Không phải số người đông đảo có mặt tại đất thánh này xua đi cái lạnh lẽo như người ta vốn nghĩ, nhưng quan trọng nhất là chính niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chính niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công trong giáo hội, niềm tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại đã làm cho người sống và người chết gần nhau hơn. Nhất là nhắc nhở mọi người chúng ta là:

Chúng ta hãy nhìn lại lòng thảo kính của chúng ta đối với cha mẹ.

Đó là, chúng ta đã yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống và cũng như đã qua đời chưa?

Thật vậy, nuôi cha mẹ già không phải là dễ. “Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”; Họ coi việc chăm sóc cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sống không cho ăn, chết thì làm văn tế ruồi” là lời nhắc nhớ con cháu phải cần kíp chăm sóc cha mẹ bao nhiêu có thể khi các ngài còn sống với ta trong cõi đời này. Và trong dân gia Người ta thường nói: “Cách mặt xa lòng”. Điều đó rất đúng trong đời sống thực tế hằng ngày bởi vì xa nhau thì mối tình dễ bị nhạt nhòa, dễ bị quên lãng. Nếu ông bà cha mẹ còn sống mà ta còn ít nhớ đến thì làm sao ta có thể nhớ đến các ngài hằng ngày khi các ngài đã qua đời? Thật ra, các ngài qua đời hay đã khuất núi nhưng vẫn hiện diện Chứ không phải trở về hư vô. Giữa âm và dương thật gần gũi. “Người chết nối linh thiêng vào đời” là vậy.

Vậy, mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về bổn phận hiếu thảo với các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ. Hãy chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống; Hãy dâng một nén hương, một lời nguyện cầu lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời, để ngày Xuân của chúng ta không chỉ là mùa xuân của ân nghĩa đối với nhau mà còn là mùa xuân của lòng báo hiếu với người đã khuất.

Thánh lễ kết thúc trong với Phép lành cuối lễ của Linh mục chủ tế.

Lạy Chúa xin cho Con biết sống như lời Chúa dạy, đó là: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Dạ Tiệc Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Sydney
Diệp Hải Dung
11:28 08/02/2019
Tối thứ Sáu 08/02/2019 khoảng 700 người đã đến nhà hàng Crystal Palace vùng Canley Heights Sydney tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức với chủ đề “Xuân và Quê Hương” mục đích bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam và tạo cơ hội giúp cho các bậc con em hiếu thảo nhớ đến ông bà cha mẹ trong dịp Xuân về.

Xem Hình

Trước khi khai mạc buổi tiệc, Sau 3 hồi chiêng trống vang vọng, đoàn múa Lân chào mừng tất cả mọi người qua những điệu múa rất đặc sắc và sau đó là phần chào cờ Úc Việt. Ba Mc Bích Ngọc, Trường Giang và Minh Châu giới thiệu quý Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ và Cha Lê Hồng Mạnh với phẩm phục truyền thống quê hương Việt Nam tiến lên sân khấu để khai mạc Đêm Dạ Tiệc Mừng Xuân. Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc Tết mọi người đặc biệt là các cụ Cao Niên Năm Mới Kỷ Hợi được bình an và hồng phúc. Tất cả mọi người trong nhà hàng đều đứng lên cùng hát nhạc phẩm Ly Rượu Mừng.

Phần văn nghệ mừng Xuân được tiếp nối với Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cùng phối hợp trình diễn những màn hợp ca, song ca, đơn ca và vũ khúc qua những nhạc phẩm về Xuân rất đượm tình quê hương. Lồng vào chương trình văn nghệ có tiết mục xổ số may mắn lấy hên đầu năm và đặc biệt là phần chúc Tết đến các Cụ Ông Cụ Bà cao niên được mời lên trước sân khấu và quý Cha Ban Tuyên Úy ngỏ lời chúc Tết qúy cụ ông cụ bà và phát Lộc Xuân, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney thay mặt Hội Đồng Mục Vụ chúc Tết quý cụ cao niên và tất cả mọi người

Trước khi kết thúc buổi Dạ Tiệc, anh Trường Giang Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Thầy, quý quan khách và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân 2019 tạo cho Cộng Đồng thêm khởi sắc và có thêm tình đoàn kết yêu thương trong dịp đầu Xuân. Buổi Dạ Tiệc kết thúc bế mạc vào lúc 11.30pm Diệp Hải Dung
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Giúp đỡ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tại Panama City, Florida, bị bão Micahel tàn phá
Đức ông Trịnh Minh Trí
16:54 08/02/2019


Ngày 8 tháng 2 năm 2019

Kính gửi:
Quý Đức Ông và quý Cha
Quý Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Cộng Đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ

Ngày 31 tháng 10 năm 2018, Văn Phòng Liên Đoàn đã gửi Thư Mời Gọi Giúp Đỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, tại Panama City, Bang Florida – Tu Viện quý Sơ bị bão Michael phá hủy hoàn toàn, của Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn.

Cho đến nay, Nhà Dòng nhận được số tiền:

FEMA: $34,000.00
Knights of Columbus: $25,000.00
Thân Nhân và Ân Nhân: $30,000.00

Tổng cộng: $89,000.00


Cùng với quý Sơ tại Cộng Đoàn Panama City và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chân thành cám ơn sự giúp đỡ của quý Ông bà và Anh Chị Em. Chúng con xin quý Cha Chủ Tịch Miền, quý Đức Ông và quý Cha, quý Ông Bà và Anh Chị Em giúp thêm cho quý Sơ có đủ tài chánh xây lại tu viện.

Chủ Tịch Miền Tây Bắc: Lm Dominic Nguyễn Anh Tuấn
Chủ Tịch Miền Tây: Lm Peter Phan Thế Lực
Chủ Tịch Miền Tây Nam: Đức Ông Joseph Phạm Quốc Tuấn
Chủ Tịch Miền Nam: Lm John Vianney Nguyễn Ngọc Thụ
Chủ Tịch Miền Trung: Lm Ambrosiô Nguyễn Hùng Phi
Chủ Tịch Miền Đông Nam: Linh mục liên lạc: Lm Joseph Nguyễn Thanh Châu
Chủ Tịch Miền Trung Đông: Lm Peter Trịnh Minh Quân
Chủ Tịch Miền Đông Bắc: Lm Luke Trần Đức

Xin quý Đức Ông và quý Cha gửi về cho Cha Chủ Tịch Miền hoặc gửi trực tiếp đến địa chỉ Nhà Dòng theo địa chỉ sau:

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
923 N. East Ave
Panama City, FL 32401

Check xin đề: Lovers of the Holy Cross of Thu Thiem
Memo: Hurricane Michael Storm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội, Kết luận và Ghi Chú
Vũ Văn An
17:38 08/02/2019
KẾT LUẬN: ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU

Trong Parrhesia (mạnh bạo) của Thần Trí

120. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng "cùng nhau tiến bước là con đường cấu thành ra Giáo hội; là hình tượng cho phép chúng ta giải thích thực tại bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa; là điều kiện để theo chân Chúa Giêsu và là tôi tớ phục vụ sự sống trong thời bị thương tích này. Hơi thở và nhịp độ của Thượng hội đồng cho thấy chúng ta là gì, và sự năng động của hiệp thông vốn làm sinh động các quyết định của chúng ta; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thực sự đổi mới thừa tác vụ mục vụ của mình và thích nghi nó với sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giải quyết sự phức tạp của thời này, cảm ơn vì hành trình đã hoàn thành cho đến nay, và quyết tâm tiếp tục nó một cách mạnh bạo (parrhesia)"[168].

121. Sự mạnh bạo của Thần Trí đòi hỏi dân Chúa trên hành trình đồng nghị của họ là sự tin tưởng, thẳng thắn và can đảm "bước vào chân trời mở rộng của Thiên Chúa" để "bảo đảm cho một bí tích hợp nhất hiện diện trong thế giới và nhờ đó, con người không bị buộc phải phân tán và nhầm lẫn"[169]. Đối với dân Chúa, Kinh nghiệm sống và bền bỉ của tính đồng nghị là nguồn vui Chúa Giêsu đã hứa hẹn, là một chất xúc tác của cuộc sống mới, là bàn đạp cho một giai đoạn cam kết truyền giáo mới.

Ước chi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, đấng "đã cùng các môn đệ cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đến (xem Cv 1:14), và do đó, làm cho việc bùng nổ truyền giáo từng diễn ra vào Lễ Ngũ tuần trở thành khả hữu" [170 ], đồng hành với cuộc hành hương đồng nghị của Dân Thiên Chúa, chỉ đường và dạy chúng ta phong cách đẹp đẽ, dịu dàng và mạnh mẽ của giai đoạn truyền giảng Tin Mừng mới mẻ này.
_________________________________________________________________________________________________________

Ghi chú

[1] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1139.
[2] Đã dẫn.
[3] Xem G. Lampe, A Patristic Greek Lexicon, Oxford (Clarendon Press) 1968, 1334-1335.
[4] Έκκλησίασυνόδουέστίνόνομα (Exp. In Psalm., 149, 1: PG 55,493); xem Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục, 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1142.
[5] Xem Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum 1; Hiến chế về Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium 1.
[6] Bộ Giáo Luật 439,1; 440,1.
[7] Bộ Giáo Luật 337,1.
[8] Bộ Giáo Luật 342.
[9] Bộ Giáo Luật 460.
[10] Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương (1990) một đàng nhắc đến Công Đồng Chung (CCEO 50), đàng khác, nhắc đến Thượng Hội Đồng Giám Mục (CCEO 46,1), Thượng hội Đồng các Giám Mục của Giáo Hội Thượng Phụ (CCEO 192), Thượng hội đồng các giám mục của Giáo Hội tổng giám mục chính (CCEO 152), Thượng hội Đồng Giáo Đô (CCEO 133,1) và Thượng Hội Đồng Thường Trực của Giáo Triều Thượng Phụ (CCEO 114,1).
[11] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Hiệp Thông 1 (28 tháng Năm 1992), khi nhắc đến Vatican II (xem Lumen Gentium 4, 8, 13-15, 18, 21, 24-25; Dei Verbum 10; Gaudium et Spes 32; Unitatis Redintegratio 2-4, 14-15, 17-19, 22) và Phúc Trình Sau Cùng của Phiên Đặc Biệt các Giám Mục Lần Thứ Hai năm 1985 (xem II, C, 1): “ý niệm hiệp thông (koinonia), một ý niệm xuất hiện một cách khá nổi bật trong các văn kiện của Vatican II, rất thích hợp để phát biểu cốt lõi mầu nhiệm Giáo Hội, và chắc chắn có thể là chìa khóa để canh tân nền giáo hội học Công Giáo”.
[12] Xem Vatican II, Hiến chế tin lý về Giáo Hội, Lumen Gentium 21 tháng 11, 1964, 1.
[13] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 6 tháng 1, 2001, 44: AAS 93 (2001) 298.
[14] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục, 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1141.
[15] Ủy Ban Thần Học Quốc tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014), 91.
[16] Xem Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 24 tháng 11, 2013, 120: AAS 105 (2013) 1070.
[17] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Ephesios IX, 2; F.X. Funk (chủ biên), Patres apostolici I, Tubingen, 1901, tr. 220.
[18] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Smyrnaeos VIII, 1-2 (Funk, I, tr. 282); Ad Ephesios V, 1 (Funk, I, tr. 216); III, 1 (tr. 216); Ad Trallianos IX, 1 (Funk, I, tr. 250).
[19] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Ephesios IV (Funk, 1, tr. 216).
[20] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Trallianos III, 1 (Funk, I, tr. 244).
[21] Didache IX, 4 (Funk, I, tr. 22). Sau này, thủ tục này, đến một mức nào đó, đã được định chế hóa. Xem Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Smyrnaeos VIII, 1-2 (Funk, I, tr. 282); Thánh Cyprianô, Epistula 69, 5 (CSEL III, 2, tr. 720); De catholicae ecclesiae unitate 23 (CSEL III, 1; p. 230-231); Thánh Gioan Kim Khẩu, In Iohannem homiliae 46 (PG 59, 260); Thánh Augustinô, Sermo 272 (PL 38, 1247tt.).
[22] Thánh Cyprianô, Epistula 14,4 (CSEL III, 2, tr. 512).
[23] Thánh Cyprianô, De catholicae ecclesiae unitate 5 (CSEL III,1, tr. 214).
[24] Conciliorum Oecumenicorum Decreta, Bologna 2002, các tr. 8-9.
[25] Conciliorum Oecumenicorum Decreta, Bologna 2002, tr. 32.
[26] Conciliorum Oecumenicorum Decreta, Bologna 2002, các tr. 99-100.
[27] Các khoản luật của Các Tông Đồ (Mansi, Sacrorum Conciliorum nova et amplissima collectio I, 35).
[28] Từ đầu thế kỷ 2, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Romanos IV, 3 (Funk, I, các tr. 256-258); Thánh Irênê, Adversus haereses III, 3, 2 (SCh 211, p. 32).
[29] Thánh Clêmentê thành Rôma, 1 Clementis V, 4-5 (Funk, I, các tr. 104-106).
[30] Xem Thượng hội đồng Sardica (343), các khoản luật 3 và 5, DH 133-134.
[31] Xem Công Đồng chung Nixêa II, DH 602.
[32] Ở Phi Châu, có chứng cớ về thủ tục Thượng Viện Rôma và Concilia municipalia (hội đồng thị xã) (như Công Công đồng Carthage năm 256). Ở Ý, có việc sử dụng các phương pháp thủ tục theo cách làm việc của chính phủ đế quốc (xem Công đồng Aquileia năm 381). Ở vương quốc người Visigoths và rồi ở vương quốc người Franks, cách làm việc của các thượng hội đồng được tổ chức để phản ảnh thủ tục chính trị có tiếng tại đó (xem Ordo de celebrando Concilio thế kỷ thứ 7).
[33] Về sự hiện diện của tín hữu giáo dân ở các công đồng địa phương, xem Origen, Dialogus cum Heraclio IV, 24 (SCh 67, tr. 62); muốn biết thủ tục dùng ở Bắc Phi, xin xem Thánh Cyprianô, Epistula 17, 3 (CSEL III, 2, tr. 522); Epistula 19, 2 (CSEL III, 2, tr. 525-526); Epistula 30, 5 (CSEL III, 2, tr. 552-553). Liên quan tới công đồng Carthage năm 256, người ta cho rằng nó diễn ra “praesente etiam plebis maxima parte” (cũng có sự hiện diện lớn lao của người dân) (Sententiae episcoporum numero LXXXVII, CSEL III, 1, tr. 435-436). Epistula 17,3 cho thấy Thánh Cyprianô có ý định làm cho quyết định của ngài được toàn dân nhất trí, đồng thời thừa nhận giá trị chuyên biệt của các bạn đồng giám mục.
[34] Các tu viện của họ được sắp xếp tại các tỉnh và lệ thuộc một bề trên cả, người mà thẩm quyền được áp dụng đối với mọi thành viên của Dòng. Ngoài ra, các bề trên của Dòng – bề trên cả, bề trên tình dòng, và bề trên các tu viện cá thể - đều được bầu bởi các đại diện của thành viên Dòng cho một nhiệm kỳ nhất định và được trợ giúp trong việc thi hành thẩm quyền của mình bởi một hội đồng.
[35] Vatican I, hiến chế tín lý De Ecclesia Christi Pastor Aeternus, DH 3059; Xem Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 18.
[36] Vatican I, hiến chế tín lý De Ecclesia Christi Pastor Aeternus, DH 3074; Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 25.
[37] “Điều nó loại trừ là lý thuyết cho rằng một định nghĩa như thế đòi có sự đồng thuận này, có trước hoặc có sau, như điều kiện cho vị thế có thẩm quyền của nó” (Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014), 40).
[38] Chân phúc Piô IX, Thông điệp Ubiprimum nullus (1849), số 6.
[39] Đức Piô XII, Thông điệp Deiparae Virginis Mariae, AAS 42 (1950), 782-783.
[40] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014), 41.
[41] Chân phúc Phaolô VI, Tự sắc Apostlica sollicitudo, 15 tháng 9, 1965: AAS 57 (1965), 776.
[42] Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 6 tháng 1, 2001, 44; AAS 93 (2001), 298.
[43] Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Năm các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, Aparecida 13 tháng 5, 2007, AAS 99 (2007), 435: “Đây là phương pháp qua đó chúng ta điều hành trong Giáo Hội, cả trong các cuộc tụ tập nhỏ lẫn tụ tập lớn.Nó không phải chỉ là vấn đề thủ tục: nhưng nó phản ảnh chính bản chất của Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần”...
[44] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 2-4; Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes 7 tháng 12, 1965, 2-4.
[45] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 51; Hiến chế tín lý Dei Verbum 2; Hiến chế Sacrosanctum Concilium 6.
[46] Cf. Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 4, 8, 13-15, 18, 21, 24-25; Hiến chế tín lý Dei Verbum 10; Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế Giới Ngày nay Gaudium et Spes, 7 tháng 12, 1965, 32; Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 21 tháng 11, 1964, 2-4, 14-15, 17-18, 22.
[47] Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes 24.
[48] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 750.
[49] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 49.
[50] Đã dẫn, 39-42.
[51] Đã dẫn, 4, 12b; xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Iuvenescit Ecclesia, 15 tháng 5, 2016, 12-18.
[52] Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma 16.
[53] xem Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium 10, 14.
[54] J. Ratzinger, “Le funzioni sinodali della Chiesa: l’importanza della comunione tra I Vescovi” (Các chức năng đồng nghị của Giáo Hội: tầm quan trọng của việc hiệp thông nơi các giám mục), trong L’Osservatore Romano, 24 tháng 1, 1996, 4.
[55] xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae I, 2; III, lời nói đầu.
[56] xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis 7-14.
[57] xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Các chủ đề chọn lọc về Giáo Hội Học (1984), II
[58] xem Thánh Vincent thành Lérins, Commonitorium II, 5; CCSL 64, 25-26, tr. 149.
[59] Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes 2.
[60] Chân phúc Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 8 tháng 12, 1975, 14, AAS 68 (1975) 14.
[61] Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes 35.
[62] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 10.
[63] Đã dẫn, 12, 32.
[64] xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 783-786.
[65] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 12a.
[66] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 119, AAS CV (2013) 1069-1070.
[67] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014) 90.
[68] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1139, 1141-1142.
[69] Chân phúc Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi 62, AAS 68 (1975) 52; xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Hiệp Thông chương II.
[70] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 13c.
[71] Đã dẫn 23.
[72] Đã dẫn 13c.
[73] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 857.
[74] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 19.
[75] Đã dẫn 21
[76] Đã dẫn 22a: "Trong Tin Mừng, do Chúa đã sắp xếp, Thánh Phêrô và các tông đồ khác đã lập thành một hợp đoàn tông đồ thế nào, thì cũng tương tự như thế, Giám Mục Rôma, vị kế nhiệm Thánh Phêrô, và các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ, cũng liên kết với nhau như thế”
[77] Đã dẫn 23a.
[78] xem Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 10.
[79] Đã dẫn 8.
[80] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014) 122.
[81] xem F. Coccopalmerio, La 'consultività' del Consiglio pastorale parrocchiale e del Consiglio per gli affari economici della parrocchia, trong "Quaderni di Diritto ecclesiale" (tính ‘tư vấn’ của hội đồng mục vụ giáo xứ và hội đồng kinh tế giáo xứ, trong “Quaderni di Diritto ecclesiale") 1 (1988) 60-65.
[82] Bộ Giáo Luật định rõ: "khi luật định rằng, để thi hành một hành vi luật pháp, một bề trên đòi có sự thuận tình hay ý kiến của một hợp đoàn hay một nhóm người, hợp đoàn hay nhóm người này phải được triệu tập theo giáo luật điều 166... Để hành vi có giá trị, đòi phải nhận được một sự thuận tình của đa số tuyệt đối những người hiện diện, hay phải kiếm ý kiến của mọi người”(điều 127 §1) (cũng nên xem các điều 166-173).
[83] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 27.
[84] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 126, AAS 105 (2013) 1073.
[85] Đã dẫn 102.
[86] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 4; xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Iuvenescit Ecclesia 10.
[87] Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 8.
[88] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Thần học Ngày nay: Các viễn ảnh, Nguyên tắc và Tiêu chuẩn (2012) 45.
[89] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1143.
[90] Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium 41; xem Sắc lệnh Christus Dominus 11.
[91] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục, 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1143.
[92] xem Bộ Giáo Luật các điều 460-468; Bộ Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương các điều 235-243. Trong truyền thống Đông Phương, hạn từ ‘Synod’ được dùng chỉ các cuộc hội họp của các giám mục; xem Bộ Giám Mục – Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc, Instruzione sui sinodi diocesani (1997); Hướng Dẫn Thừa tác Mục vụ của các Giám Mục Apostolorum Successores (2004) 166-176.
[93] Bộ Giám Mục, Hướng Dẫn Thừa tác Mục vụ của các Giám Mục Apostolorum Successores (2004) 166.
[94] Đã dẫn
[95] xem Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus 11b.
[96] xem Đã dẫn 27.
[97] Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis 7.
[98] xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn về Ơn gọi và Sứ mệnh Người Giáo dân trong Giáo Hội Christifideles Laici, 1988, 25, AAS 81 (1989) 437.
[99] Libro del Sinodo della Diocesi di Roma - secondo Sinodo Diocesano, 1993, p. 102.
[100] xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici 27, AAS 81 (1989) 441.
[101] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 23c; Sắc lệnh Christus Dominus 36.
[102] Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte 29, AAS 93 (2001) 285-286.
[103] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 69, AAS 105 (2013) 1049.
[104] "Nhiệm vụ ấy, bao lâu tòa giáo đô (metropolitan) đứng đầu một Giáo Tỉnh, nổi bật qua thời gian như một dấu chỉ ổn định và đặc biệt của tính đồng nghị trong Giáo Hội” (Đức Phanxicô, Tự Sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, Criterion V: AAS 107 [2015] 960). Trong các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương, có hai loại định chế giáo đô (metropolitan): giáo tỉnh như một phần của Giáo Hội Thượng Phụ và Giáo Hội Giáo Đô tự quản (lần lượt xem Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông phương, các điều 133-139 và 155-173); ius se regendi (luật tự quản) của định chế sau là dấu chỉ tính đồng nghị chuyên biệt và có thể là chất kích thích cho toàn thể Giáo Hội (xem Unitatis Redeintegratio 16; Orientalium Ecclesiarum 3 và 5).
[105] Giáo hội Latinh được nhắc đến ở điều 332 Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông phương. Do đó, đây là vấn đề về hình thức rộng rãi của tính đồng nghị liên nghi lễ.
[106] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1143.
[107] Bộ Giáo Luật 1917 dự liệu việc cử hành một công đồng giáo tỉnh ít nhất 20 năm một lần (điều 283); nó đề nghị nên cử hành “bất cứ khi nào thích hợp” (điều 440).
[108] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng về Giám mục như Đầy tớ của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô vì Hy vọng của Thế giới Pastores Gregis, 16 tháng 10, 2003, 62.
[109] xem Bộ Giáo Luật các điều 753 và 445. Về các công đồng đặc thù: các điều 439-446.
[110] xem Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 23; Hiến chế Sacrosanctum Concilium 37-38; Sắc lệnh Christus Dominus 36, 39.
[111] xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 32, AAS 105 (2013) 1033-1034.
[112] xem Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 23; Orientalium Ecclesiarum 7-9.
[113] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 23.
[114] xem Đức Phanxicô, Diễn văn của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ Các Tham dự viên Đại hội thứ năm của Giáo hội Ý, AAS 107 (2015) 1286.
[115] Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông phương điều 28.
[116] Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte 40, AAS 93 (2001) 295.
[117] Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes 22.
[118] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1144.
[119] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 22.
[120] xem Đã dẫn 1, 18.
[121] xem Đã dẫn 25; Sắc lệnh Christus Dominus 4; Bộ Giáo Luật điều 337 §1.
[122] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 23a.
[123] Chân phúc Phaolô VI, Tự sắc Apostolica sollicitudo I và Ib, AAS 57 (1965) 776; xem Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus 5; Bộ Giáo Luật các điều 342-348.
[124] Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus 5.
[125] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1143.
[126] Đã dẫn 1140.
[127] Bộ Giáo Luật điều 337 §3.
[128] "Bản chất hoàn vũ trong phục vụ của Giáo Triều... phát sinh và tràn ra từ tính Công Giáo của thừa tác vụ Phêrô” và giải thích “tính tối thượng phục vụ” (diaconal primacy) của nó” (Chúc mừng Giáng Sinh Giáo triều, diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô, 21 tháng 12, 2017).
[129] Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus 10.
[130] Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio 6.
[131] xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 25-33, AAS 105 (2013) 1030-1034; Hội Nghị Toàn thể lần thứ 5 của giám mục đoàn Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, Tài liệu Sau cùng ở Aparecida, 365-372.
[132] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 102, AAS 105 (2013) 1062-1063.
[133] Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium 1. Bộ các Viện Đời sống Thánh hiến và các Hội Đời sống Tông đồ, Đời sống Huynh đệ trong Cộng Đồng "Congregavit nos in unum Christi amor" (Tình yêu Chúa Kitô tụ tập chúng ta nên một), 2 tháng 2, 1994, 9: "Trong cuộc hành trình xuyên qua thế giới, Giáo Hội, duy nhất và thánh thiện, luôn có đặc điểm căng thẳng, đôi khi đau đớn, hướng tới sự hợp nhất hữu hiệu... Công đồng Vatican II đã làm phát sinh, có lẽ chưa bao giờ có trước đây, chiều kích mầu nhiệm và ‘hiệp thông’ này của Giáo Hội”.
[134] xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte 43, AAS 93 (2001) 297.
[135] Đã dẫn
[136] Đã dẫn 45.
[137] xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 64 and 77, AAS 105 (2013) 1047, 1052.
[138] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội (2014)90.
[139] Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte 43, AAS 93 (2001) 297.
[140] Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes 24.
[141] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 17 tháng 4, 2003, 40, AAS 95 (2003) 460.
[142] Thánh Augustinô thành Hippo, Regula I,3: PL 32, 1378.
[143] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục, 17 Tháng 10, 2015 1140.
[144] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 228, AAS 105 (2013) 1113.
[145] Đức Phanxicô, Thông điệp về Đức tin Lumen Fidei, 29 tháng 6, 2013, 27, AAS 105 (2013) 571.
[146] Chân phúc Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6 tháng 8, 1964, 83, AAS 56 (1964) 644.
[147] Đã dẫn 83-85.
[148] Đã dẫn 87.
[149] Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 29 6, 2009, 4, AAS 101 (2009) 643.
[150] Thánh Bênêdictô thành Norcia, Luật 72, 6.
[151] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Giáo hội Ý tại cuộc Cử hành Đại hội lần thứ III, ngày 23 tháng 11, 1995.
[152] Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 4.
[153] xem Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes 4, 11.
[154] xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores Dabo Vobis, 25 tháng 3, 1992, 10, AAS 82 (1992) 672.
[155] Đức Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Định chế Thượng hội đồng Giám mục , 17 Tháng 10, 2015, AAS 107 (2015) 1141.
[156] xem Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 154, AAS 105 (2013) 1084.
[157] xem Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 8.
[158] xem Đã dẫn 15.
[159] Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio 3.
[160] xem Ủy Ban Quốc Tế Chung về Đối Thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống, Tính Đồng Nghị và Tính Tối Thượng trong Thiên Niên Kỷ Thứ Nhất: hướng tới cách hiểu chung trong việc phục vụ hợp nhất Giáo Hội, Chieti, 21 tháng 9, 2016, 1.
[161] Đã dẫn 20.
[162] Đã dẫn 21.
[163] Ủy Ban của Hội Đồng các Giáo Hội Thế giới về Đức Tin và Trật tự, The Church: towards a common Vision (2013) 53.
[164] xem Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio 11c.
[165] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 238, AAS 105 (2013) 1116.
[166] Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 2 tháng 4, 2004, 52; Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 178, AAS 105 (2013) 1094.
[167] xem Đức Phanxicô, Thông điệp về việc Chăm Sóc Căn Nhà Chung của Chúng ta Laudato sì, 24 tháng 5, 2015, 49, AAS 107 (2015) 866.
[168] Đức Phanxicô, Diễn Văn Khai mạc Phiên họp Toàn thể lần thứ 70 của Hội Đồng Giám Mục Ý, 22 tháng 5, 2017.
[169] Đức Phanxicô, Diễn Văn trước Bộ Giám Mục, 27 tháng 2, 2014.
[170] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium 284, AAS 105 (2013) 1134.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Hạnh Phúc Thật Ở Đâu ?
Trà Lũ
11:33 08/02/2019
Thế là đã năm mới 2019 - Kỷ Hợi. Giữa tháng Giêng, trước tết ta, toàn cõi Canada lạnh khủng khiếp và ngập tuyết. Nhiều trường học phải đóng cửa. Các cụ phương xa có thích tuyết không ? Ngày xưa khi còn ở VN tôi thấy tuyết ở phương tây, trên phim ảnh cũng như sách báo, sao mà nó đẹp và thơ mộng làm vậy. Lúc trước, nhà văn nào ở VN khi tả cảnh rét mướt thì bao giờ cũng nói tới sương tuyết, gió tuyết. Cụ Phan Khôi ngày xưa đã nói về việc này trong cuốn Chương Dân Thi Thoại: ‘ Nước Nam chẳng đời nào thấy tuyết, vậy mà trong thơ nôm thường thấy những chữ như ‘tuyết phủ tuyết ngậm...’ thì thật là láo quá.’ Nghe nói tới đây thì anh H.O. trong làng xin kể kinh nghiệm về tuyết của anh. Rằng hồi mới từ VN qua đây, sáng ngày mùa đông đầu tiên có tuyết, tôi đã chạy vội ra sân bốc một nắm tuyết đưa lên mũi ngửi và cho vào miệng nếm, tôi muốn xem tuyết nó mùi gì và vị gì. Nhưng rồi từ chỗ thích tuyết hoá ra sợ tuyết chẳng có lâu. Bây giờ tôi sợ tuyết lắm. Anh John bèn góp thêm ý: ai cũng sợ tuyết như bạn. Lý do ư? Nhiều lắm. Này nha, anh có xe hơi nhưng không có nhà xe mà phải đậu ngoài đường. Sau một đêm bão tuyết, tuyết phủ cao như núi, sáng ra đi làm thì không biết xe mình đậu chỗ nào. Bèn phỏng đoán. Sau một hồi bới và xúc mệt muốn đứt hơi thì mới biết không phải xe mình ! Đấy là chủ xe, còn chủ nhà cũng ghét tuyết kinh khủng vì phải lo rải muối trên đường trước nhà và phải lo cào tuyết sau 12 giờ, vì lỡ khách bộ hành mà trượt té bị thương truớc nhà mình thì chủ nhà sẽ bị kiện. Rồi tuyết xuống thì nhà nhà phải vặn máy sưởi cho lớn, tiền sưởi này cũng làm ta méo mặt. Còn chính quyền cũng ghét tuyết vì phải tốn nhiều tiền cho việc rắc muối chống tuyết và xe đi ủi tuyết và xúc tuyết. Chiếc xe mới tinh chạy 3 năm bên Cali trông vẫn mới, còn bên Canada chạy qua 3 mùa đông dính muối chống tuyết, trông đã cũ xì. Tôi vẫn ước mơ có bộ óc thông thái tìm được công thức chế ra một loại muối làm tan tuyết nhưng không làm hỏng xe, tôi cầu hoài mà Chúa chưa cho... Ngày xưa thì suốt ngày đọc thơ ‘Hông Hồng Tuyết Tuyết’ vì đa phần các cô mang tên Tuyết sao mà đẹp thế. Nay đã hết. Nói về tuyết thì tiếng Việt ta chỉ có một chữ tuyết, còn dân Da Đỏ Inuit có những hơn 40 từ khác nhau.

Cụ Chánh cũng xin góp một chuyện. Rằng Cụ có một đứa cháu đã lập gia đình và có 3 đứa con gái liền, nó đặt tên 3 đứa là Xuân, Hạ, Thu. Sang đến Canada nó đẻ đứa con thứ 4, cũng là con gái. Tôi đố các bạn biết cháu tôi đã đặt tên cho đứa con gái thứ 4 này là gì? Dân làng ai cũng bảo tên là Đông. Cụ lắc đầu bảo không phải. Cháu tôi nó đặt tên là Tuyết. Tôi hỏi tại sao thì nó bảo phải đặt tên là Tuyết để nhớ mùa tuyết đầu đời ở Canada, vì theo thày xem tướng: nó sẽ có 5 con gái, tức là ‘ngũ long công chúa’, đứa thứ 5 nó sẽ đặt là Đông, vẫn chưa muộn. Cháu cụ Chánh có khác, vui qúa ha.

Nhưng thôi không nói chuyện tuyết nữa kẻo các cụ phương xa thấy lạnh rồi không dám đến xứ tuyết Canada thiên đàng này. Xin bàn chuyện thời sự.

Năm mới nhưng tình hình thế giới vẫn chả mới gì, vẫn là những vấn đề cũ kéo dài: Cụ Trump của nước Mỹ vẫn là tin nóng hằng ngày, Cụ Tập vẫn ôm mộng cai trị thế giới, Cụ Ủn vẫn gây xôn xao dư luận. Cụ Ủn và cụ Trump lại sắp gặp nhau ở Đà Nẵng của Việt Nam. Bên Pháp vẫn âm ỉ chuyện áo vàng, Nam Mỹ vẫn ì xèo chuyện hai ông tổng thống xứ Venezuella. Và đề tài khíến dân làng An Lạc của tôi tranh luận và gây tiếng cười nhiều nhất là chuyện Cụ Trump đòi xây tường biên giới. Chị Ba Bên Hòa là người bình luận hay nhất: Tại sao Đảng Dân Chủ bên Mỹ không để cụ Trump xây tường vì bức tường bảo vệ hữu hiệu sự an ninh xã hội phía nam, mà cụ có xin nhiều gì cho cam, chỉ có 5.7 tỷ. Đây là con số nhỏ so với 12 tỷ bị mất vì 35 ngày đóng cửa chính phủ. Bà cụ B.95 lên tiếng hỏi chị Ba sao chị lại nói 5.7 tỷ là con số nhỏ. Chị Ba thưa ngay: So với các bức tường nổi tiếng ngăn biên giới như Vạn Lý Trường Thành bên Tàu thì nó nhỏ lắm. Nó chỉ dài 3.200 cây số, còn Vạn Lý Trường Thành của Tần Thủy Hoàng dài những 21.200 cây số, nghĩa là dài hơn tường Cụ Trump những 7 lần, mà Tàu vẫn xây. Hoa Kỳ dư ngân sách cho việc xây tường, nhưng hiện chưa xây được vì chính kiến giữa 2 đảng khác nhau. Chị Ba cười hì hì rồi nói: Tôi không thích đảng Dân Chủ tý nào. Nếu có bức tường như cụ Trump muốn thì ngân sách quốc gia tiết kiệm đưọc bao nhiêu mà kể. Ta cứ nghĩ kỹ mà coi, những nước khác mà kẻ lạ vượt biên giới vào không có phép thì tù mọt gông, còn ở Mỹ trốn vào lọt thì các dân ở lậu này được tiền xã hội, bằng lái xe, food stamps, tốn biết bao nhiêu tiền thuế của dân. Không biết rồi đây bức tường này có được xây không. Đây là ta nói chuyện bức tường phía nam, còn phiá bắc, biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada dài cũng mấy ngàn cây số mà chả thấy ai nói việc xây tường. Xưa nay những kẻ giàu có và khôn ngoan đã giả bộ đến Canada du lịch rồi lẻn xuống Mỹ, chả phải vượt tường gì cả. Cụ Trump mà xây xong bức tường phía nam thì chắc cụ sẽ nghĩ tới bức tường phía bắc đó, các cụ ạ.

Cụ Chánh tiên chỉ làng xin đổi đề tài vì xây tường hay không là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề tài chính. Cụ Chánh quay vào Anh John hỏi chuyện VN: Anh Chị ăn tết vừa qua có vui không ? Anh John chưa kịp trả lời thì vợ anh là Chị Ba lên tiếng ngay: Vui, nhưng năm nay mấy ngày tết nhà cháu mải mê đọc báo, chưa năm nào say mê như năm nay. Anh John nói ngay: cháu mê các báo tết quá. Năm nay cháu có người bạn thân bên Cali gửi cho tờ Người Việt và Saigon Nhỏ, chao ơi là hay. Hai cô Huế trong làng xin Anh John nói chi tiết về cái hay này. Điều này gõ đúng tần số trong tâm của chàng rể Canada. Anh nói ngay:

Tờ báo Người Việt vừa kỷ niệm 40 năm có mặt ở hải ngoại, nhiều bài hay lắm, như bài nói về Phong Trào Minh Tân trong Nam. Ngoài Bắc ngoài Trung có phong trào Đông Du và Duy Tân và báo chí chỉ nói về 2 phong trào này, còn trong Nam có phong trào Minh Tân ( do chữ Minh Đức và Tân Dân ghép lại, nó chủ trương làm cho cái đức mới hơn và người dân sống tốt hơn) thì bị quên. Bài báo nói rất rõ và chi tiết, đây là công lớn của cụ Trần Minh Chiếu, Cụ Chiếu hình như cùng quê với Chị Ba Biên Hoà. Ngoài bài về Phong trào Minh Tân giá trị này còn có bài nói về chữ quốc ngữ với công đầu của cố Alexande de Rhôdes và cụ Petrus Trương Vĩnh Ký...

Tờ báo thứ hai tôi thích là báo Saigon Nhỏ cũng ở Cali. Tờ báo tết này có nhiều bài văn hay, nhưng một bài văn tôi thích nhất là bài ‘Ông Thông Gia’ của Vũ Thư Hiên. Chao ơi, nó hay cách gì. Nguyên cái tên Vũ Thư Hiên đã bảo đảm cái hay rồi. Các cụ biết Vũ Thư Hiên là ai chứ ? Thưa, là con của Cụ Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của Hồ Chí Minh. Ngày còn bé vì là con ông bí thư nên thì ông Hiên đã được biết họ Hồ và mấy nhân vật lớn như Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biết cách ăn ở và nếp sống của ông Hồ và nhóm người chung quanh. Lớn lên Vũ Thu Hiên vào đảng và 1955-58 được đi Nga học về điện ảnh. Rồi bố ông và ông mở mắt: CS toàn gian ác và gian dối. Trong vụ án chống đảng 1967-76, bố ông và ông bị bắt bỏ tù. Rồi đưọc tha. 1980 ông mới vô Nam, và làm kinh doanh. 1993 ông đi Nga, đi Ba Lan, và Pháp rồi ở lại xin tỵ nạn như Bùi Tín. Tại đây ông viết cuốn sách nổi tiếng Đêm Giữa Ban Ngày... Nhưng chuyện in trên báo tết Saigon Nhỏ không phải là một chuyện trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày mà là một chuyện mới, mang tên ‘Ông Thông Gia’. Chuyện khá dài và gay cấn. Chuyện kể 1 ông Miền Nam làm ăn khá giả đã bị một tên công an gộc gian manh lừa gạt cướp hết cơ nghiệp và ông bị tù. Ra tù Ông vươt biên. Ông thứ hai là bạn của ông số 1 trên đây cũng miền Nam toan vượt biên nhưng bị lừa và bị bắt vào tù. Vào tù ông này cũng bị chính tên công an trên đây tra tấn. Ra tù thì ông này vượt biên và cũng đến trại tỵ nạn Hong Kong và gặp ông thứ nhất. Rồi duyên số mà hai ông tỵ nạn cùng được định cư ở Đức. Ông thứ nhất có một đứa con trai tên Hiếu. Và đứa con trai này mê một đứa con gái VN tên Thủy. Hai đứa yêu nhau và đòi cưới nhau. Bố thằng Hiếu rủ ông bạn thân đi hỏi vợ cho con. Đến nhà gái thì té ra bố vợ chính là tên công an khốn nạn trên đây. Bố thằng Hiếu thấy mặt kẻ tử thù liền bỏ đi ngay. Hai đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai không biết gì về cái hung ác gian dối của CSVN, và người bạn đã nuốt hận thay mặt đàng trai đi hỏi vợ cho cháu. Ông đã đối mặt với tên công an kia. À thì ra hắn đã mang được tài sản khổng lồ sang Đức, tậu nhà cao cửa rộng và vẫn tiếp tục gian dối như xưa. Tên cán bộ VC vẫn sống phây phây ở Berlin. Bố thằng Hiếu phải làm thông gia với kẻ tử thù. Kỳ ha. Hình như không có chuyện nhân quả gì cả các cụ ạ...

Bà cụ B.95 nghe tới đây thì xin ngưng đề tài này vì nó làm mất cái không khí vui tươi ngày tết vẫn còn đang vương vấn trong làng. Cụ Chánh tiên chỉ đồng ý ngay. Hôm nay tự tay cụ và ông ODP nấu cơm đãi cả làng. Các bạn có biết hai cụ này nấu món gì không? Thưa, không hề có bánh chưng giò chả nem rán thịt quay mà là những món làm từ một thứ rau rất Bắc Kỳ. Các cụ đã đoán ra rau gì chưa? Thưa, hai đầu bếp gốc Bắc Kỳ đặc này đã chọn rau MUỐNG. Thức ăn bày ra toàn rau muống. Dân làng vừa ăn vừa nghe ông ODP thay mặt cụ Chánh thuyết trình. Ông này đúng là một bồ chữ, nói có sách mách có chứng. Ông nói thế này:

Có 2 loại rau muống: muống thả ở ao và muống cấy trên vườn. Muống ở ao còn gọi là muống bè, màu tim tím. Muống này dai nên phải nấu kỹ. Muống thả ở ao hợp thành từng mảng lớn. Đây cũng là dụng ý của ông bà mình: những mảng này chính là những cái vung úp lên ao cá để phòng ngừa kẻ gian đánh cá trộm về đêm. Còn muống cấy trên vườn thì màu xanh, dùng hạt gieo như các loại rau khác.

Các món làm từ rau muống thì nhiều lắm, như

- Muống luộc. Tuyện đối không đậy vung. Nước luộc vắt chanh, ngon tuyệt. Khi luộc rau mà bỏ thêm một quả cà chua vào, sau khi vớt rau ra thì dằm quả cà chua đã chín rồi vắt thêm chanh, chan với cơm và ăn với cà ghém nén, chao ơi nó ngon đậm đà cách gì.

- Canh cua rau muống. Cua đồng giã sống lọc lấy nước, cho rau muống vào nấu chung, nêm vừa ăn, khi ăn với cơm thì thêm món cà pháo chấm mắm tôm, ngon tuyệt cú mèo.

- Rau muống chẻ. Rau chẻ sống, ăn cùng với các loại rau thơm, ăn cùng với bún riêu, bún ốc, bánh tôm, bún chả, bún bò giò heo, bún nem rán. Ngon quên chết.

- Nộm rau muống. Rau muống chẻ, trộn dầu giấm chung với thính và thịt heo.

- Rau muống xào. Xào hoặc với thị bò, hoặc xào suông, nhưng phải có tỏi. Ông ODP đã làm món này thơm lừng cả phòng ăn. Ông chỉ cách: Cho mỡ vào chảo chờ nóng già thì cho mấy tép tỏi đã đập dập vào rồi đậy vung. Chờ cho tỏi chín vàng thì mới cho rau muống vào, đảo nhiều lần rồi đậy vung cốt để hầm hơi, rau tự chín sẽ xẹp xuống, nêm mắm muối cho vừa miệng. Trước khi bắt ra thì cho thêm mấy lát tỏi tươi. Ôi điã rau muống xào tỏi tươi bốc khói ngùn ngụt sao mà nó thơm và ngon đến thế. Cụ xơi với cơm tám nóng sốt nha.

Kể xong các món nổi tiếng từ rau muống rồi ông ODP cười hà hà: Rau muống đã thấm vào máu người Bắc Kỳ nên đi đâu họ cũng nhớ rau muống. Trước 1954, miền Nam có rau ‘muốn’ nhưng đây là món ăn cho heo, không phải cho người. Dân Bắc Kỳ ‘ri cư’ đã mang rau muống và cà pháo vào. Rau muống và cà pháo ở Cái Sắn nơi dân Bắc Kỳ ri cư lập nghiệp ngon có tiếng. Hồi đó đi học, bạn bè người Nam gọi bọn học sinh ri cư là ‘dân Bắc Kỳ rau muốn’. Ngoài Bắc mưa nắng 4 nùa rõ ràng thì mùa rau muống hết vào tháng Chín, còn trong Nam mưa nắng 2 mùa nên ta có rau muống quanh năm. Lạ lùng hơn nữa, xứ tuyết Canada này mà cũng có rau muống và có quanh năm, quả đây là đất thiên đàng. Hôm nay làng tôi đang ăn rau muống mà ngoài kia trời đang mưa tuyết ào ào...

Anh John lên tiếng hỏi Cụ Chánh: Tiếng Việt có câu tục ngữ nói về cái ngon miền Bắc: ‘Rau muống Sơn Tây, cá rô Đầm Sét’. Vậy rau muống tỉnh Sơn Tây ngon nhất cơ ? Cụ Chánh lắc đầu không biết, cụ bảo cái này phải hỏi nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn vì ông ấy gốc Sơn Tây. Chị Ba Biên Hoà và mấy cô Huế gật gù: Đúng, phải hỏi cái ông nhà văn thông thái này. Rồi nhân nói chuyện rau muống và Ông Ngạn, làng tôi đã miên man bàn sang chuyện văn nghệ, chuyện phim ảnh, chuyện Thuý Nga 126 và 127. Ai cũng gật gù khen hay 2 cuốn này, hay từ nội dung đến hình thức. Chao ơi cái ông MC Ngạn nói hay cách gì, lại có cô luật sư Kỳ Duyên phụ họa, lại có các phần trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ thành danh, lại có đoàn phụ diễn tài ba, lại có sân khấu huy hoàng tráng lệ có tầm cỡ điện ảnh quốc tế. Tôi viết đến đây chắc có cụ nhiều máu chính trị qúa khích không bằng lòng. Xin các cụ này bình tâm xét lại đi. Về mặt văn hoá, nghệ thuật và đề cao lý tưỏng quốc gia thì nào có công ty nghệ thuật nào giỏi hơn. Khi tôi viết bài này thì làng tôi chưa được xem cuốn Thuý Nga 128 cùng nói về 35 năm hiện diện. Mới xem 2 cuốn mà làng tôi đã nói miên man.

Và mãi về sau, Cụ Chánh chủ tiệc rau muống tân niên mới nói được lời cuối bữa: Lão vừa tâm sự với người bạn già bên Pháp tối qua. Ông bạn này đầy kinh nghiệm sống. Lão xin được chuyển cái kinh nghiệm này cho các bạn:

- Trên đời ta chỉ cần có 6 viên thuốc bổ này: Ánh nắng mặt trời, nghỉ ngơi, thể dục, ăn uống điều độ, tiếng cười và bạn bè.

Và ông bạn đã diễn nghĩa thêm:

Mang một chiếc đồng hồ giá 30$ hay 3.000$ thì nó cũng chỉ một giờ; mang một chiếc bóp giá 30$ hay 3.000$ ở trong đựng 100 đồng thì nó cũng chỉ mang bấy nhiêu tiền; uống một chai rượu 15$ hay 1.500$ thì nó cũng say bằng nhau; ở một căn nhà rộng 50 mét vuông và 5.000 mét vuông thì nỗi cô đơn cũng giống nhau; Lái một chiếc xe 800$ và 80.000 $ thì nó cũng phục vụ ta một mục đích là chuyên chở. Hạnh phúc thật nó không nằm trong các thứ ấy mà nó nằm ở nội tâm, nó không đến từ thế giới vật chất này. Có bạn bè thân mà được gặp nhau rồi cười nói oang oang, hát xướng vui vẻ, và ăn uống thỏa thuê như chúng ta thế này thì đó mới là hạnh phúc, hạnh phúc thật. Tạ ơn Chúa. Amen.

Như bị bùa mê, dân làng nghe Cụ Chánh nói xong thì ai cũng tự động chắp tay thưa Amen. Các cụ nghĩ sao về lời Cụ Chánh trên đây cơ ?

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Bên Thánh Giá
Cây Viết Chì Nhỏ
09:54 08/02/2019
TRĂNG BÊN THÁNH GIÁ
Ảnh của Cây Viết Chì Nhỏ

Trăng bên Thánh giá ngọc ngà
Gợi buồn thương nhớ Golgo-tha đỉnh đồi.
(cvcn)
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News