Ngày 07-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:59 07/02/2020

16. Con người ta nếu tự nguyện sống hiền lành thì tiến bước trên đường tu đức, khi nhìn thấy mình hiện diện trên thế giới, thì cảm thấy giống như mình sung quân đi trên đường xa vậy.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 07/02/2020
37. THÔNG VĂN ĐẾN THẾ

Ở trong thành nọ có một tên huyện thừa, không cố gắng học hành nhưng lại thích làm màu mè cho giống người có học vấn, bắt chước lời nói của các văn nhân nên làm rất nhiều trò cười cho thiên hạ.

Một lần nọ, huyện lịnh của thành ấy bệnh nặng mới lành, cảm thấy hình dung mình ốm gầy gò, huyện thừa bèn nịnh hót nói:

- “Ngài tình thâm đôn hậu, sao lại gầy gò chứ?”

Lại lần khác, đi dự tiệc với huyện lịnh, lúc sắp uống, huyện lịnh đi qua bàn khác để chúc mừng, huyện thừa lại làm rối mù lên dùng “Trang tử” nói:

- “Xin ăn chưa đủ, lại nhìn qua chỗ khác”.

Một ngày nọ, huyện lịnh bắt được mấy tên trộm, ra lệnh xử nghiêm khắc, mấy tên trộm nuốt không nổi trận đòn, khóc than thảm thiết, huyện thừa đứng bên vỗ tay cười nói:

- “Ác nhân tự có ác nhân quấy !”

Sắc mặt của huyện lịnh biến màu tím...

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 37:

Sự học thì vô cùng mà đời người thì có hạn, cho nên khi được học thì cố mà học cho đến nơi đến chốn, bằng không thì tốn tiền tốn của của gia đình, của cộng đoàn và bản thân, thì cũng chẳng nên tích sự gì cho xã hội...

Học cái gì cũng cần phải lấy sự khiêm tốn làm nền tảng và sự chuyên cần làm đèn soi, bằng không thì sau khi học thành tài sẽ trở thành người nguy hiểm cho xã hội.

Có một vài linh mục học chưa xong chương trình của Giáo Hội đưa ra, nhưng vì hoàn cảnh mà được chịu chức linh mục và cứ tưởng mình là người tài giỏi, nên ăn nói khoa trương với giáo dân mà không chịu đào sâu bổ sung kiến thức thêm cho mình; lại có những vị được đi nước ngoài học, khi về lại nơi làm việc thì khoe khoang và tưởng rằng mình đang làm...giám mục đến nơi nên coi thường các anh em khác...

Tên huyện thừa học không đến nơi đến chốn nên ăn nói làm cấp trên tím mặt, người linh mục của Đức Chúa Giê-su nếu không đào sâu tinh thần khiêm tốn và học hỏi thì không những cấp trên tím mặt, mà ngay cả mặt của Thiên Chúa cũng “tím ngắt” nữa là khác.

Đáng sợ thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tình mặn mà, Đời tỏa sáng
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:43 07/02/2020


Chúa Giêsu bảo: Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian nghĩa là gì?

1. Làm việc tốt đẹp. Muối và ánh sáng có chung đặc điểm là đẩy lui cái xấu và phát triển cái tốt. Muối vừa giữ đồ ăn khỏi hư, vừa giúp đồ ăn thêm ngon. Không có muối thì dù là sơn hào hải vị cũng nhạt phèo. Ánh sáng vừa xua tan tăm tối, vừa chiếu sáng làm đẹp cuộc đời. Không có ánh sáng thì dù là hoa hậu cũng mờ tối như bóng ma. Hơn thế nữa, muối và ánh sáng đều âm thầm hy sinh. Muối chịu tan biến để làm cho đồ ăn ngon, và người ta chỉ khen các món ăn chứ không ai khen muối. Ánh sáng làm cảnh vật lung linh, nhưng người ta chỉ khen cảnh vật chứ không ai khen ánh sáng. Đó là lý do tại sao Chúa bảo: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” Ta làm điều tốt đẹp không phải để thiên hạ ca ngợi mình, nhưng là để tôn vinh Thiên Chúa.

2. Yêu thương trợ giúp. Muối và ánh sáng chính là tình yêu. Tình yêu mang vị mặn mà của muối như lời ca dao: “Tay bưng đĩa muối chấm gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau.” Tình yêu chiếu sáng cho đời thêm lung linh rạng rỡ như trong Bài Đọc 1: Anh em hãy chia cơm sẻ áo cho người nghèo đói, nâng đỡ người thấp cổ bé miệng, bấy giờ ánh sáng anh em sẽ bừng lên như rạng đông.

3. Luôn vì người khác. Muối và ánh sáng có mặt trong cuộc đời này luôn vì những cái khác, hướng đến cái khác. Thế nên khi Chúa bảo chúng ta là muối và ánh sáng thì đương nhiên ta phải sống vì người khác. Do đó, ta sẽ không hỏi: Tin Chúa thì tôi được gì? Mà sẽ hỏi: Tin Chúa tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, cho Giáo Hội, cho quê hương, cho quốc gia?

Tự sức con người khó mà sống những phẩm chất cao đẹp như muối và ánh sáng, nên chúng ta rất cần ánh sáng và tình yêu của Chúa làm nguồn trợ giúp. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:15 07/02/2020

17. Nói tóm lại, muốn biết một linh hồn có nhân đức thật hay không, phương pháp thực nghiệm đáng tin cậy nhất là: trong nghịch cảnh có hay không có nhân đức hiền lành đẹp đẽ này.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:22 07/02/2020
38. KHÔNG CẦN CÚ MÈO NGỒI

Vào thời Đường Huyền Tôn, đại thần Trương Cửu Lịnh biếu mấy củ khoai sọ cho Tiêu Quýnh, khoai sọ còn có một tên gọi khác là “cú mèo ngồi”, cho nên khi viết thư thì ông ta dùng tên “cú mèo ngồi”.

Sau khi họ Tiêu nhận lễ vật và thư, thì viết thư phúc đáp:

- “Bái tạ ngài đã biếu khoai sọ, chỉ có điều là chưa thấy cú mèo ngồi. Nhưng gia đình tôi rất sợ yêu quái, không muốn nhìn mấy con ác điểu ấy (1) , cho nên, ngài không cần phải đem đến”.

Lúc Cửu Lịnh nhận thư phúc đáp thì đúng lúc đang mời khách ăn tiệc, và lấy lá thư ra cho quý khách coi, cả phòng tiệc cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 38:

Thời xưa củ khoai sọ còn gọi là củ “cú mèo ngồi” nhưng có người không biết, không biết là vì chưa bao giờ nghe nói cũng như chưa thấy bao giờ, cho nên đã làm trò cười cho mọi người...

Người Ki-tô hữu thời xưa cũng như người Ki-tô hữu thời nay còn có một tên gọi khác là người có đạo, nhưng vẫn có nhiều người không biết, họ không biết là vì người Ki-tô hữu không nói cho họ biết, tức là chúng ta chưa sống đúng với tinh thần của người có đạo, tức là tinh thần Phúc Âm của người Ki-tô hữu trong cuộc sống của mình.

Người có đạo là người có chân lý của Thiên Chúa trong mình, chân lý của Thiên Chúa là những gì mà Đức Chúa Giê-su đã dạy họ trong Phúc Âm tức là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình...

Tôi là người Ki-tô hữu và cũng là người có đạo, nhưng tôi giữ đạo như những trẻ con sợ ba mẹ đánh mới học bài, cho nên có nhiểu người chung quanh tôi vẫn chưa hiểu được người Ki-tô hữu có phải là người có đạo hay không, cho nên có lúc tôi đã làm trò cười cho thiên hạ vì cách sống của mình...

(1) Người xưa coi chim cú là loài ác điểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 07/02/2020
Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 5, 13-16.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.


Anh chị em thân mến,

Người Ki-tô hữu được gọi là ánh sáng cho đời và là muối ướp đời, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –qua bí tích Rửa Tội- đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su, đó là cùng chết cho tội lỗi và cùng sống lại với Ngài.

Đốt đèn lên thì đặt trên cao để soi sáng cho cả nhà, và nhờ có ánh sáng mà người ta mới nhìn thấy mọi sự để hoàn tất công việc mình đang làm, cũng như mới có thể thấy đường mà đi, đó là một sự thật mà ai cũng biết.

1. Ánh sáng chính là hành động bác ái.

Người Ki-tô hữu là ánh sáng cho đời khi chúng ta biết hành động theo lương tâm, và hết lòng yêu mến tha nhân trong cuộc sống của mình, chúng ta không đốt đèn rồi đội trên đầu để chiếu sáng mọi người, nhưng chúng ta thắp đèn bằng lửa yêu mến của Đức Chúa Giê-su ở trong lòng chúng ta, rồi từ tấm lòng nhân hậu ấy mà mọi hành động và thái độ của chúng ta khi tiếp xúc trò chuyện với tha nhân, chính là ngọn đèn sáng chiếu soi cho mọi người thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời.

Có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời và ánh sáng của các vì sao; có loại ánh sáng bằng đèn điện cũng như có loại ánh sáng bằng đèn dầu, nhưng tất cả những loại ánh sáng ấy được sáng lên theo thời theo gian của ban ngày hoặc ban đêm. Nhưng ánh sáng phát xuất từ tâm hồn của người Ki-tô hữu thì không phân biệt ngày đêm, giàu nghèo, thời tiết lạnh nóng.v.v... bất kỳ ở đâu và lúc nào, thì người Ki-tô hữu cũng có thể chiếu sáng tinh thần Phúc Âm cho mọi người thấy, để qua ánh sáng là việc làm bác ái cụ thể ấy, mà người ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài trên con người chúng ta...

2. Muối là bảo quản và chữa thương.

Muối cũng vậy, rất cần thiết cho thân thể của con người, cũng như rất cần thiết cho việc bảo quản thịt cá tươi, bởi vì nó mặn.

Người Ki-tô hữu chúng ta không chỉ là muối ướp cho tình cảm giữa người với nhau thêm mặn nồng, nhưng còn có bổn phận bảo quản gìn giữ những tình cảm ấy ngày càng gắn chặt hơn, bởi vì sẽ không có gì bảo đảm cho một tình cảm, nếu không có sự chân thành và sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Muối thì rất mặn, và vì mặn nên mới có thể giữ cho thịt cá được tươi, cuộc sống của người Ki-tô hữu vốn là bác ái và phục vụ, tức là muối mặn vừa giữ cho tình cảm giữa người với nhau được đầm ấm, vừa là rửa sạch vết thương lòng của tha nhân khi họ bị người khác hiểu lầm, vu cáo, hãm hại. Là mẫu gương làm cho người tội lỗi phải xét lại đời sống phóng túng của mình, bởi vì đời sống yêu thương và phục vụ của người Ki-tô hữu chính là muối xát mạnh rát tận tâm hồn của họ.

Anh chị em thân mến,

Ở đời, ai cũng mong được làm lãnh đạo chỉ huy người khác, nhưng ít người muốn trở thành ánh sáng và muối cho tha nhân, bởi vì ai cũng thích ánh sáng nhưng không thích làm ánh sáng, ai cũng thích ăn thịt cá tươi ngon nhưng không ai muốn làm muối ướp đời...

Chúng ta là Ki-tô hữu, nghe theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy bảo, chúng ta phải trở nên ánh sáng cho đời và nên muối mặn ướp tình tha nhân, bằng chính cuộc sống bác ái, hy sinh và phục vụ của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ xuất sắc của tổng thống Trump: Bao nhiêu điều vĩ đại chúng ta đạt được đều từ đức tin nơi Thiên Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
00:01 07/02/2020
Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm lần thứ 68 đã được tổ chức tại khách sạn Hilton ở Washington, D.C. vào hôm thứ Năm 6 tháng Hai. Sự kiện này được tổ chức hàng năm kể từ năm 1953, bởi Faith Foundation, và quy tụ các thành viên của Quốc Hội thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống Hoa Kỳ thường đề cập đến tình hình của Hoa Kỳ và toàn thế giới, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo. Vì thế, buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm là một sự kiện quan trọng, thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Trong buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia năm nay, tổng thống Donald Trump và Tiến sĩ Arthur Brooks của Viện Doanh nghiệp Mỹ là hai diễn giả chính.

Ba người Hồi giáo Ahmadi, là một nhóm thiểu số tôn giáo ở Pakistan, là khách mời trong cuộc gặp gỡ này. Một người trong ba người này, tên là Ummad Farooq, đã bị bắn vào đầu trong một cuộc tấn công của người Hồi Giáo Sunni vì lòng hận thù tôn giáo.

Trong lời phát biểu của mình, Nancy Pelosi, phát ngôn viên Hạ Viện đã cầu nguyện cho những người nghèo và những người bị bách hại trên khắp thế giới, bao gồm các Phật tử Tây Tạng; và một đến ba triệu người Hồi Giáo bị giam cầm trong các trại lao động tại Tân Cương, Trung Quốc, cũng như các nhà văn và triết gia bị bắt tại Ả Rập Saudi. Bà cũng nhắc đến Đức Thượng Phụ Abune Antonios của Chính Thống Giáo bị giam tại Eritrea, các nạn nhân của chủ nghĩa bài Do Thái, những người Hồi giáo Yazidis và Rohingya, và các nhóm thiểu số tôn giáo bị đàn áp khác.

Arthur Brooks, trong bài phát biểu của mình, đã kêu gọi sự chú ý đến “một cuộc khủng hoảng những lời khinh miệt và phân cực đang xé tan xã hội chúng ta.”

“Những lời khinh miệt giết chết hôn nhân. Những lời khinh miệt giết chết các mối quan hệ. Những lời khinh miệt giết chết tình yêu. Hãy xem cách chúng ta nói chuyện với nhau thì rõ.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Trong xã hội ngày nay, nhiều người hô hào đối xử với nhau một cách ‘văn minh’ và ‘khoan dung’, nhưng đó là một tiêu chuẩn quá thấp. Chúa Giêsu không nói ‘hãy khoan dung với kẻ thù của anh em, nhưng Ngài nói ‘Hãy yêu mến những kẻ thù của anh em’.”

Sau bài phát biểu của Tiến Sĩ Brooks, Tổng thống Trump đã đề cập đến các nạn nhân của bách hại tôn giáo và nói rằng Hoa Kỳ đang đứng lên bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới đặc biệt là các Kitô hữu. Cách riêng, ông nhắc đến trường hợp của một thiếu nữ Iran tên là Mary năm nay 21 tuổi vừa bị bắt tại Iran vì cải đạo sang Công Giáo, và vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo của tên độc tài Nicholas Maduro ở Venezuela.

Ông Trump cũng ca ngợi những đóng góp về văn hóa của những người nhập cư có niềm tin tôn giáo trong suốt lịch sử nước Mỹ.

Trong phần mở đầu, ông Trump nhắc đến mưu toan đã thất bại của đảng Dân Chủ muốn bãi miễn ông khỏi chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của tổng thống Trump. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.


Cảm ơn các bạn. Vâng, cảm ơn các bạn rất nhiều. Tôi đang làm việc rất chăm chỉ cho bạn, tôi muốn nói với bạn, (Cười.) đôi khi các bạn khiến điều đó không dễ dàng, và đến lượt mình, tôi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho bạn đấy. (Cười.) [tổng thống muốn đề cập đến vụ mưu toan bãi nhiệm ông của đảng Dân Chủ – chú thích của người dịch] Và tôi sẽ tiếp tục truyền thống đó, nếu có thể vào sáng nay. Arthur, tôi chưa biết mình có hoàn toàn đồng ý với bạn không. (Cười.) Tôi cũng không biết Arthur có thích những gì tôi sẽ nói không. (Cười.) Nhưng tôi thích nghe bạn nói. Thực sự tuyệt vời. Cảm ơn rất nhiều.

Và cảm ơn bạn, các thành viên Quốc Hội, vì công việc tuyệt vời mà các bạn đã làm và mối quan hệ và sự giúp đỡ của các bạn. Các bạn là dũng sĩ. Cảm ơn rất nhiều. Kevin, anh là một dũng sĩ. Cảm ơn anh. Công việc anh đã làm thật phi thường. Lẽ ra không phải như thế. Bao nhiêu công sức thừa thãi. Thật là một công việc không cần thiết. [ý muốn nói đến vụ mưu toan bãi nhiệm chức vụ tổng thống của ông. Kevin là dân biểu Kevin McCarthy là lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ Viện nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số – chú thích của người dịch]

Thật tuyệt vời khi được cùng tham dự với hàng ngàn tín hữu các tôn giáo trong Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm lần thứ 68. Tôi đã ở đây từ lần đầu tiên, là nơi tôi được đặc ân mời tham dự. Tôi đã ở với các bạn một thời gian dài trước đây. Và chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn. Các tiến bộ to lớn. Các bạn biết những gì chúng ta đã làm. Tôi không nghĩ có ai đã làm nhiều hơn tất cả chúng ta cùng nhau trong ba năm qua. Và đó là vinh dự của tôi.

Nhưng sáng nay, chúng ta đến với nhau như một quốc gia, may mắn được sống trong tự do và biết ơn vì được thờ phượng trong an bình. Như mọi người đều biết, gia đình tôi, đất nước vĩ đại của chúng ta và Tổng thống của các bạn đã phải trải qua một thử thách khủng khiếp bởi một số người rất không trung thực và băng hoại. Họ đã làm mọi thứ có thể để tiêu diệt chúng ta, và qua đó, làm tổn thương rất nặng nề đất nước chúng ta. Họ biết những gì họ đang làm là sai trái, nhưng họ đã đặt cá nhân lên trên đất nước vĩ đại của chúng ta.

Vài tuần trước, và một lần nữa vào ngày hôm qua, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dũng cảm của đảng Cộng hòa đã có sự khôn ngoan, dũng cảm và sức mạnh để làm những gì mọi người biết là đúng. Tôi không thích những người sử dụng đức tin của họ như là sự biện minh cho việc làm những gì họ biết là sai. Tôi cũng không thích những người nói, “Tôi cầu nguyện cho bạn,” trong khi họ biết rằng họ sẽ không làm như thế [ý muốn đề cập đến Nancy Pelosi – chú thích của người dịch].

Rất nhiều người đã bị tổn thương và chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn. Và chút nữa đây tôi sẽ thảo luận về điều đó tại Tòa Bạch Ốc.

Hôm nay có hai người mà đức tin truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta đang cùng tham gia với chúng ta: đó là người bạn tuyệt vời, rất tuyệt vời của chúng ta, Phó tổng thống Mike Pence - (vỗ tay) - và người vợ tuyệt vời của ông, là Karen. (Vỗ tay.) Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn.

Cảm ơn tất cả các nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại của chúng ta ngoài kia - rất nhiều người mà tôi đã làm việc rất chăm chỉ với họ trong ba năm qua. Và chúng ta đã hoàn thành rất nhiều. Xin hoan nghênh các thành viên trong Nội các của tôi tham dự hôm nay - Bộ trưởng Mike Pompeo, Mark Esper, David Bernhardt - (vỗ tay) - Gene Scalia, Alex Azar, Ben Carson, Dan Brouillette, Betsy DeVos, Robert Wilke, và Quản trị viên Jovita Carranza.

Tham gia với chúng ta - (vỗ tay) - trong truyền thống đáng yêu này có rất nhiều bạn bè. Và nhiều người, thực sự, đã trở thành bạn bè. Họ là những nhà lãnh đạo chính trị. Họ đã trở thành những người bạn tuyệt vời. Đó là tất cả những ai tôi mong có thể gặp nữa. (Cười.) Nói về đối thủ và đồng minh, chúng ta có tất cả. Chúng ta có các đồng minh. Chúng ta cũng có các đối thủ. Đôi khi các đồng minh lại là đối thủ, nhưng chúng ta không biết [ý muốn nói đến thượng nghị sĩ Mitt Romney của đảng Cộng Hòa đơn vị Utah. Ông Romney bỏ phiếu bãi miễn tổng thống – chú thích của người dịch]. (Cười.) Nhưng chúng ta đang thay đổi tất cả. Cảm ơn tất cả các bạn, và cảm ơn tất cả các bạn đã ở đây.

Tôi cũng muốn chào đón các quan chức nước ngoài từ hơn 140 quốc gia. Đó là một cái gì đó đáng kể. (Vỗ tay.) Đó là một cái gì đó đáng kể.

Mọi người ở đây hôm nay được hợp nhất bởi một niềm tin được chia sẻ. Chúng ta biết rằng quốc gia của chúng ta mạnh hơn, tương lai của chúng ta tươi sáng hơn và niềm vui của chúng ta sẽ lớn hơn khi chúng ta quay về với Chúa và xin Ngài tuôn đổ ân sủng trên cuộc sống của chúng ta.

Hôm thứ Ba, tôi đã đề cập với Quốc Hội về tình trạng của Liên Bang và sự trở lại tuyệt vời của nước Mỹ. Thực sự là như thế. (Vỗ tay.) Đất nước chúng ta chưa bao giờ làm tốt hơn như ngay bây giờ. Nền kinh tế của chúng ta là mạnh nhất chưa từng có. Và đối với những các bạn nào quan tâm đến chứng khoán, có vẻ như thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại vào hôm nay.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của viện Gallup vừa xuất hiện cách đây ít lâu, vài phút trước thôi, sự hài lòng của người Mỹ đang ở mức cao nhất chưa từng được ghi nhận. Các bạn có thể tưởng tượng không? Và đó là từ viện Gallup - không phải bạn bè với tôi. (Vỗ tay.) 90% người Mỹ nói rằng họ hài lòng với cuộc sống cá nhân. Chuyện đó thế nào nhỉ? Không phải là đáng kể à? Mới công bố hôm nay. (Vỗ tay.) Họ hẳn đã biết tôi sẽ ở đây. (Cười)

Trong tất cả mọi thứ chúng ta làm, chúng ta đang tạo ra một nền văn hóa bảo vệ tự do, trong đó bao gồm tự do tôn giáo. (Vỗ tay.)

Như tôi đã nói vào hôm thứ Ba tại Quốc Hội, “ Ở Mỹ, chúng ta không trừng phạt những ai cầu nguyện. Chúng ta không phá bỏ thập giá. Chúng ta không cấm các biểu tượng của đức tin. Chúng ta không đàn áp những ai giảng đạo. Chúng ta không bắt bớ các mục tử. Ở Mỹ, chúng ta tuyên xưng đức tin, chúng ta yêu mến tôn giáo, chúng ta cất cao giọng trong lời cầu nguyện, và chúng ta hướng tầm nhìn của chúng ta lên cùng Vinh Quang của Thiên Chúa. (Vỗ tay.)

Rất nhiều điều tuyệt vời chúng ta đã đạt được, chúng ta đã giải mã bao nhiêu những bí ẩn và những điều kỳ diệu chúng ta đã tạo ra, những thách thức chúng ta đã gặp và những đỉnh cao đáng kinh ngạc mà chúng ta đạt được. Tất cả đều đến từ đức tin của các gia đình và những lời cầu nguyện của dân tộc ta.

Trước khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, những người yêu nước ở cả 13 thuộc địa đã gặp gỡ nhau trong những ngày ăn chay và cầu nguyện. Trong cái lạnh thấu xương của vùng Valley Forge, Washington và những người của ông không có thức ăn, không có đồ tiếp tế và có rất ít cơ hội chiến thắng. Nó nhắc nhở tôi một chút về năm 2016. Chúng tôi có rất ít cơ hội chiến thắng. (Cười) Ngoại trừ những người trong phòng này và một số người khác tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng những gì họ đã làm là có một niềm tin vững chắc rằng Chúa ở cùng họ. Tôi tin điều đó quá. Thiên Chúa ở với những người trong căn phòng này.

Trước khi một tòa nhà chọc trời mọc lên ở thành phố New York, hàng ngàn gia đình nghèo ở Mỹ đã quyên góp tất cả những gì họ có trong tay để xây dựng Nhà thờ St. Patrick thật tráng lệ. (Vỗ tay.)

Khi Buzz Aldrin đổ bộ lên Mặt trăng, ông nói, “ Houston, tôi muốn thỉnh cầu một vài khoảnh khắc im lặng.” Sau đó, ông đọc từ Kinh Thánh. (Vỗ tay.)

Ở mọi giai đoạn, cuộc vạn lý trường chinh cho các quyền dân sự của đất nước chúng ta đã được linh hứng, duy trì và nâng cao bởi đức tin, lời cầu nguyện và lòng mộ mến của các tín hữu tôn giáo.

Để bảo vệ các cộng đồng đức tin, tôi đã thực hiện hành động lịch sử để bảo vệ tự do tôn giáo, bao gồm cả quyền hiến định là được cầu nguyện trong các trường công lập. (Vỗ tay.)

Chúng ta cũng có thể nói về Tu Chính Án Johnson. Chúng ta có thể nói về Chính sách thành phố Mexico. Chúng ta đã làm rất nhiều. Nhưng gần đây tôi cũng đã có sắc lệnh hành chính để ngăn chặn tiền thuế của người dân cho các trường cao đẳng và đại học truyền bá chất độc của chủ nghĩa bài Do Thái và những lời nói xấu Kitô giáo. (Vỗ tay.)

Chúng ta đang đề cao sự tôn nghiêm của cuộc sống - sự thánh thiêng của cuộc sống. (Vỗ tay.) Và chúng ta đang làm điều đó như chưa từng có ai làm như thế trước đây từ chức vụ này. Tốt hơn hết là các bạn nên đi bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 11 - (cười) - bởi vì các bạn có rất nhiều những người ngoài kia không thích những gì chúng ta đang làm.

Và chúng ta đang theo đuổi những đột phá y tế để cứu những đứa trẻ sinh non vì mỗi đứa trẻ là một món quà thánh thiêng từ Thiên Chúa. (Vỗ tay.)

Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng xã hội thịnh vượng và hòa nhập nhất thế giới. Chúng ta đang nâng cao các công dân của mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta đang mang lại hy vọng cho các cộng đồng bị lãng quên. Và nhiều người Mỹ đang có công ăn việc làm ngày hôm nay - 160 triệu người đang làm việc. Chỉ một ít người không có việc làm. Chỉ một ít thôi. Một trăm sáu mươi triệu. Chúng ta chưa bao giờ đạt đến con số ấy - chưa bao giờ. Hãy nghĩ về điều đó: Ngày nay, nhiều người Mỹ đang làm việc - gần 160 triệu - hơn bất cứ lúc nào. Con số thất nghiệp của chúng ta là ít nhất trong lịch sử đất nước này. (Vỗ tay.)

Một con số và những con số cụ thể hơn mà các bạn nghe tôi nói, nếu các bạn chú ý lắng nghe: Người Mỹ gốc Phi, Người Mỹ gốc Á, Người Mỹ gốc Tây Ban Nha - những con số thất nghiệp tốt nhất trong lịch sử nước ta. Phụ nữ - tốt nhất trong 71 năm. Tôi lấy làm tiếc. Lẽ ra phụ nữ phải có cơ may sớm hơn. Tôi phải xin lỗi những người phụ nữ; chúng ta phải mất 71 năm để đạt được điều này.

Trước con số thất nghiệp tốt nhất mà chúng ta có đó, nhiều người cho rằng chúng ta đang làm những việc mà không ai nghĩ là khả thi. Chúng ta đang lập các kỷ lục mà không ai nghĩ là có thể đạt được.

Và để cho các cựu tù nhân cơ hội thứ hai trong cuộc sống, điều mà rất nhiều người trong căn phòng này đã làm việc rất lâu - (vỗ tay) - chúng ta đã thông qua những cải cách tư pháp hình sự và làm thành luật, và tôi đã ký vào 9 tháng trước.

Và điều đó ngày càng chứng minh rằng Hoa Kỳ thực sự là một quốc gia tin vào ơn cứu chuộc. Điều gì đã xảy ra với các tù nhân là một phép lạ. Các tù nhân thường ra ngoài và không ai cho họ một công việc. Và đôi khi, thậm chí là hầu như trong mọi trường hợp, họ sẽ quay trở lại các nhà tù. Họ sẽ bị bắt vì làm một cái gì đó xấu. Họ không có tiền. Họ không có hy vọng. Họ không có việc làm. Còn bây giờ họ đang bước vào một nền kinh tế đang bùng nổ. Và các chủ nhân đang tuyển dụng họ, và ở một mức độ nhất định, có thể bởi vì các chủ nhân đang gặp khó khăn trong việc kiếm người.

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng ta, thực sự, chúng ta sắp hết người. Chúng ta đang có các kế hoạch tuyển dụng một lúc hàng ngàn người. Chúng ta có các công ty xe hơi đến từ Nhật Bản và từ Đức, từ rất nhiều nơi khác, và chúng ta cần người. Và các chủ nhân đang thuê những cựu tù nhân, và họ sẽ không bao giờ làm điều đó, nếu chúng ta không thực hiện các cải cách tư pháp hình sự. Nhưng trên hết, bởi vì nền kinh tế đã trở nên quá mạnh mẽ.

Và những tù nhân này đã làm một công việc đáng kinh ngạc. Những chủ nhân nói “Tại sao tôi không làm như thế cách đây 20 năm?”

Vì vậy, thật là một điều đáng kinh ngạc trước những gì xảy ra với những người được trao cho cơ hội thứ hai, và đôi khi là cơ hội thứ ba, với tất cả sự công bằng. Và đó là điều mà mọi người trong căn phòng này nên rất tự hào, bởi vì các bạn luôn cảm thấy phải là như thế từ lâu trước khi điều đó trở nên thịnh hành. Vì thế, tôi muốn cảm ơn các bạn vì điều này. (Vỗ tay.)

Khi chúng ta hồi sinh nền kinh tế, chúng ta cũng đang làm mới tinh thần dân tộc. Hôm nay chúng ta tự hào tuyên bố rằng đức tin vẫn còn sống, vẫn tốt lành và phát triển mạnh ở Mỹ. Và chúng ta sẽ giữ như thế. Không ai có thể thay đổi điều đó. (Vỗ tay.) Chừng nào tôi còn ở đây, điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra. (Vỗ tay.)

Một cái gì đó chưa được thực hiện đầy đủ, gần đủ thôi cũng chưa được - tôi gần như có thể nói là chưa được thực hiện gì cả - chúng ta đang đứng lên bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại và các nhóm tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới - (vỗ tay) - như chưa ai từng làm.

Năm ngoái, tại Liên Hợp Quốc, tôi vinh dự là Tổng thống đầu tiên tổ chức một cuộc họp về tự do tôn giáo. Cuộc họp đặt hoàn toàn cơ sở trên tự do tôn giáo. Đó là cuộc họp đầu tiên loại này từng được tổ chức tại Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp đó, tôi đã kêu gọi tất cả các quốc gia chống lại sự bất công khủng khiếp trong cuộc đàn áp tôn giáo. Và mọi người lắng nghe.

Và những quốc gia mà chúng ta viện trợ hàng tỷ đô la, họ đã lắng nghe vì họ phải lắng nghe. (Cười) Cách thức nó hoạt động thật tuyệt vời, phải không nào? (Cười) Không ai từng dám chơi trò đó trước đây. (Cười)

Vài tuần trước, một phụ nữ 21 tuổi, có tên là Mary, đã bị bắt và bị giam cầm ở Iran vì cô đã cải đạo sang Kitô giáo và chia sẻ Tin Mừng với những người khác.

Tại Venezuela, tên độc tài Maduro đã bắt giữ các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Tại Hoa Kỳ, tôi đã vinh dự được đón tiếp Tổng thống Venezuela thực sự và hợp pháp, là ông Juan Guaidó /hoan gu-ai-đố/. (Vỗ tay.) Người đàn ông tốt. Tôi nói với anh ấy rằng tất cả người Mỹ đứng về phía người dân Venezuela trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ cho tự do.

Hôm qua, chính quyền của chúng ta đã ra mắt Liên minh Tự do Tôn giáo Quốc tế, liên minh đầu tiên được dành cho việc thúc đẩy tự do tôn giáo. Đó là một cái gì đó đáng kể. Thực sự là một cái gì đó đáng kể. (Vỗ tay.)

Hơn 25 quốc gia đã tham gia chiến dịch của chúng ta. Tôi muốn cảm ơn Ngoại trưởng Mike Pompeo, cùng với Đại sứ Sam Brownback, cả hai đều ở đây sáng nay, vì đã lãnh đạo sáng kiến lịch sử này. Cảm ơn rất nhiều. Cảm ơn, Mike. (Vỗ tay.) Cảm ơn các bạn.

Tất cả chúng ta ở đây hôm nay tái khẳng định những sự thật vượt thời gian này: Đức tin giải phóng chúng ta. Lời cầu nguyện làm cho chúng ta mạnh mẽ. Và chỉ một mình Thiên Chúa là tác giả của sự sống và là Đấng ban ân sủng. (Vỗ tay.)

Hiện diện với chúng ta sáng nay là một mục sư, là hiện thân của phép lạ đức tin và sức mạnh của lời cầu nguyện: Đó là Mục sư Gerald Toussaint từ Louisiana. Mục sư Toussaint là một cựu quân nhân, một tài xế xe tải và bây giờ là một mục sư. Ông cai quản cùng một nhà thờ nơi cha ông đã trông nom, là nhà thờ Baptist ở Mount Pleasant, nơi đã trở thành trụ cột của cộng đồng trong hơn 140 năm.

Năm ngoái, Mount Pleasant là một trong ba nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở Louisiana đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn do một kẻ độc ác, đầy thù hận gây ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của cái ác gây sốc như vậy, nước Mỹ đã chứng kiến sự đoàn kết, tận tụy và tinh thần của Mục sư Toussaint và toàn bộ cộng đoàn đẹp đẽ, mạnh mẽ của ngài. Các gia đình nhanh chóng đến với nhau trong lời cầu nguyện. Chẳng mấy chốc, mọi người từ khắp Louisiana đến giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Người Mỹ ở tất cả 50 tiểu bang và 20 quốc gia khác nhau đã nghe về chuyện này và họ đã quyên góp hơn 2 triệu đô la để giúp xây dựng lại Mount Pleasant - (vỗ tay) - và hai nhà thờ khác.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, chỉ vài ngày sau khi ông mất đi ngôi nhà thờ này, Mục sư Toussaint đã giảng về ý nghĩa của tất cả điều này. Nó có nghĩa là gì? Ông nói “ Mùa Phục Sinh là một ẩn dụ phù hợp cho các sự kiện gần đây. Đó là ngày đen tối mà Chúa Giêsu bị đóng đinh. Trời tối đen như mực khi họ đốt nhà thờ của chúng ta. Những gì đã xảy ra kể từ đó giống như một sự phục sinh. Chuyện cũ đã qua, và một sự khởi đầu hoàn toàn mới đã bắt đầu, và nó sẽ còn tốt hơn hơn bao giờ hết.” (Vỗ tay.) Tốt hơn bao giờ hết. Tuyệt diệu.

Và hôm nay, chỉ 10 tháng sau, mặt đất được giải tỏa. Các kế hoạch cẩn thận đã được thực hiện, và chúng là những kế hoạch đẹp. Và việc xây dựng sắp bắt đầu trên ngôi nhà thờ Mount Pleasant mới và rất, rất tráng lệ. Xin chúc mừng. (Vỗ tay.)

Bạn biết đấy, Mục sư nói rằng chúng ta đang xây dựng lại bởi vì đó là những gì Chúa Giêsu làm. Ngài tái thiết lại, Ngài sống lại. Đó là những gì Mục sư thực hiện. Ông muốn ngôi nhà thờ được xây dựng lại. Ngôi nhà thờ đã bị xé toạc, nhưng nó đang được xây dựng lại và tôi cá với các bạn rằng nó thực sự sẽ lớn hơn, tốt hơn và đẹp hơn trước. Mục sư nghĩ gì, thưa ngài? Đúng thế phải không? Và ngôi nhà thờ mới sẽ có dấu ấn của ngài. Nó đã có và bây giờ nó sẽ còn tuyệt vời hơn nữa. Và thân phụ ngài đang nhìn ngài ngay bây giờ và ông ấy rất, rất tự hào về công việc ngài đã làm. Cảm ơn rất nhiều. (Vỗ tay.) Rất nhiều cảm hứng cho chúng ta, thưa Mục sư. Cảm ơn ngài.

Vâng, tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người. Điều này rất đặc biệt. Xin nói với cộng đoàn - và tất cả mọi người của ngài - rằng chúng ta có 350 triệu người ở đất nước chúng ta. Họ là những người Mỹ tự hào. Và họ tôn trọng những gì chúng ta đang làm, ngay cả những người không nghĩ như chúng ta, vẫn tôn trọng chúng ta, vẫn muốn ở bên chúng ta. Họ tôn trọng cuộc chiến đấu của chúng ta và chúng ta đang chiến đấu.

Tôn giáo ở đất nước này và tôn giáo trên toàn thế giới – cách riêng là một số tôn giáo nhất định - đang bị vây hãm. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng ta sẽ bảo vệ các tôn giáo của chúng ta. Chúng ta sẽ bảo vệ Kitô giáo. Chúng ta sẽ bảo vệ các thừa tác viên và mục tử cũng như các giáo sĩ vĩ đại của chúng ta và tất cả những người mà chúng ta rất yêu mến và rất tôn trọng.

Nước Mỹ mắc nợ vĩnh viễn các Giáo Hội của người Mỹ gốc Phi trên khắp đất nước này. Đó là lý do tại sao rất phù hợp để chọn nhà thờ đặc biệt này ở Louisiana. Trong nhiều thế hệ, họ đã dũng cảm đấu tranh cho công lý và nâng cao lương tâm của dân tộc chúng ta. Và chúng ta biết ơn về mọi mặt.

Nhưng tôi có thể nói rằng vượt xa điều đó, chúng ta biết ơn những người trong căn phòng này vì tình yêu mà họ thể hiện đối với tôn giáo. Không phải một tôn giáo, mà nhiều tôn giáo. Họ dũng cảm. Họ thật xuất sắc. Họ là những dũng sĩ. Họ yêu mến mọi người. Và đôi khi họ cũng ghét người này người khác. Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi. Tôi đang cố gắng học hỏi. (Cười) Thật không dễ dàng. Nó không dễ dàng. (Vỗ tay.)

Khi họ luận tội bạn chẳng vì điều gì, thì các bạn có nên thích họ không? Không dễ đâu mọi người. (Cười) Tôi cố hết sức mình.

Nhưng tôi sẽ nói với các bạn những gì chúng ta đang làm: Chúng ta đang khôi phục lại hy vọng và truyền bá niềm tin. Chúng ta đang giúp các công dân của mọi bối cảnh tham gia vào công cuộc tái thiết vĩ đại của đất nước chúng ta. Chúng ta tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ luôn tỏa sáng như một vùng đất tự do và là ánh sáng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta muốn mọi quốc gia phải ngước nhìn chúng ta như hiện nay. Chỉ một vài năm trước đây, chúng ta không phải là một quốc gia được kính trọng. Chúng ta đã đi lạc đường. Đất nước chúng ta đang được mọi người tôn trọng một lần nữa. (Vỗ tay.)

Sáng nay, chúng ta hãy xin Cha trên Trời hướng dẫn các bước chân của chúng ta, bảo vệ con cái chúng ta và chúc phúc cho gia đình chúng ta. Và với tất cả trái tim của chúng ta, chúng ta hãy mãi mãi đón sự thật vĩnh cửu rằng mọi đứa trẻ đều được tạo ra bình đẳng từ bàn tay của Thiên Chúa Toàn Năng.

Cảm ơn các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho các bạn. Và xin Chúa phù hộ nước Mỹ. Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay.)


Source:The White House
 
Làn sóng phẫn nộ sau cái chết cuả vị bác sĩ anh hùng coronavirus Li Wenliang
Trần Mạnh Trác
07:35 07/02/2020
Cái chết của ông Li Wenliang (Lý văn Lương), được thông báo vào lúc 9h30 tối hôm qua, đã bị chính quyền "trì hoãn" cho đến 3 giờ sáng. Ông Li Wenliang là người đã báo cáo dịch bệnh coronavirus vào đầu tháng 12, nhưng cảnh sát đã bịt miệng ông bằng cách tố cáo là "tin giả, và chính quyền đã không đưa ra biện pháp đối phó nào trong nhiều tháng trời. Bây giờ thì tình hình ở Vũ Hán rất nghiêm trọng, thiếu bác sĩ, người bệnh bị bỏ bê nhiều ngày. Một làn sóng phẫn nộ đang đòi hỏi "tự do ngôn luận" cho người Trung Quốc.

Bắc Kinh (AsiaNews) – Ông Li Wenliang vị bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán đã đưa ra cảnh báo về coronavirus và bị cảnh sát bịt miệng, nay đã chết trong bệnh viện sau khi bị lây bệnh từ bệnh nhân. Cái chết của ông – bị cảnh sát dìm đi không cho phát tin ra, mãi sau đó lại được truyền thông nhà nước thừa nhận - đang gây ra những bình luận dữ dội trên mạng, và một số đã được lộ ra ngoài dù cho cảnh sát mạng đang cố gắng xoá bỏ chúng trên mạng.

Tháng 12 năm ngoái, người bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi đã gửi một tin nhắn cho các đồng nghiệp để cảnh báo họ về một loại virus tương tự như của Sars. Nhưng cảnh sát internet đã ngay lập tức can thiệp và cáo buộc ông là "tung tin đồn thất thiệt" gây rối trật tự công cộng. Sau đó, ông đã bị lây nhiễm virus và được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Bức ảnh bên cạnh là một bức ảnh "selfie" mà ông đã đăng trên mạng xã hội. Theo một số tin, thì ông Lý đã kết hôn và bà vợ sắp sinh một đứa con trai vào tháng Sáu.

Cái chết của ông đã gây ra một loạt các bình luận ca ngợi ông Lý là một "vị anh hùng dân tộc", đã hy sinh mạng sống cho người dân, trái ngược với "các thủ lĩnh phì nộm", đã ém nhẹm tin tức về virus hơn 40 ngày, chỉ quan tâm đến việc duy trì "sự ổn định" và quyền lực của họ.

Có bài khác kêu gọi nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do báo chí, cho rằng chính sự thiếu sót này đã dẫn đến dịch bệnh. Và một số khác yêu cầu chính quyền Vũ Hán phải đưa ra lời xin lỗi với ông Li Wenliang.

Chính quyền Vũ Hán đã đưa ra lời bình luận, nhưng chỉ nói rằng họ "lấy làm tiếc" (sorry) về cái chết của bác sĩ. Còn chính phủ trung ương thì đang bận rộn "cân nhắc" các tin tức về cái chết của ông.

Tin về cái chết của Li Wenliang xuất hiện vào khoảng 9h30 tối ngày hôm qua, được các phương tiện truyền thông của Đảng, Thời báo Hoàn cầu và Nhân dân Nhật báo đưa tin. Nhưng nhiều giờ sau đó, những tin này đã bị hủy, nói rằng Li Wenliang thực sự vẫn được điều trị đặc biệt. Các nhà báo và bác sĩ nói rằng các thành viên của chính phủ đã đến bệnh viện, buộc mọi người phải thay đổi bài đăng của họ, rằng ông bác sĩ vẫn còn sống. Nhưng vào 3 giờ sáng sau đó, các bác sĩ thông báo ông đã qua đời.

Trong khi đó thì tình hình ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Vào lúc 10 giờ sáng nay, số liệu chính thức cho thấy tử vong do coronavirus gây ra đã tăng lên 637; có 31211 trường hợp nhiễm trùng; 26369 trường hợp nghi ngờ

Những lời chứng từ Vũ Hán cho biết nhân viên y tế không thể đối phó với tất cả số công việc bận rộn. Ở các phòng hội thảo mới được chuyển thành phòng và ở các bệnh viện mới được xây dựng, hằng hà xa số bệnh nhân đang nằm trên đất mà không có bác sĩ nào được nhìn thấy trong nhiều ngày như video dưới đây:

Lời dịch trong video:

Bên trong bệnh viện Phương Thảng cuả Vũ Hán (Fangcang hospital)

Đây là phòng vệ sinh nhưng không có chỗ rửa tay

Không có chỗ tắmĐây là chỗ ngủ cuả mọi ngưòi

Không có giới nghiêm nào cả, dù chỉ là một phòng cho bệnh nhân cần phải cách ly

Tất cả phải tự lau chùi cho mình, đi cầu tiêu, nhưng không có một phòng nào để rửa

Cũng không thấy có một bác sĩ nào cả

Chúng tôi đã ghi danh nhưng 3 ngày sau vẫn không có bác sĩ đến khám

Hơn nữa, khắp nơi, những người đến sớm có giường nằm những người đến sau phải nằm đất

Có ai cai quản nơi này không? Không có ai cả.

 
Ăn Cháo Đá Bát: Giáo phận Ba Lan bày tỏ nỗi buồn trước hành động của một nhóm Do Thái quá khích
Đặng Tự Do
16:08 07/02/2020
Một giáo phận Ba Lan có trại tập trung Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc xã trên lãnh thổ của mình đã bày tỏ nỗi buồn trước các tấn kích dai dẳng và vô căn cứ của một nhóm Do Thái quá khích yêu cầu xoá bỏ một nhà thờ Công Giáo gần trại tập trung này.

Một nhóm người Do Thái do Giáo sĩ Do Thái Avi Weiss đến từ New York, Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc biểu tình trước nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Ba Lan với yêu sách là buộc nhà thờ này phải bị đóng cửa.

Cuộc biểu tình đã bắt đầu từ hôm 27 tháng Giêng. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, cuộc biểu tình này vẫn còn đang tiếp diễn.

Trong một bài viết được thông tấn xã Jewish Telegraphic của Do Thái phát đi hôm 22 tháng Giêng, trước lễ kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung này, Weiss nói rằng nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria đã được Đức Quốc xã dùng làm bộ chỉ huy vùng Birken, nơi các tù nhân Do Thái bị tra tấn và hãm hiếp. Như thế, địa điểm này tiêu biểu cho một trong những sự tàn bạo kinh hoàng nhất trong cuộc diệt chủng người Do Thái hồi thế chiến thứ hai. Do đó, Weiss lập luận rằng giáo xứ Công Giáo phải dời đi nơi khác, và ngôi nhà thờ này phải được coi là một phần của bảo tàng viện kỷ niệm cuộc diệt chủng người Do Thái.

Giáo sĩ Weiss là người sáng lập Voice Of Jews ở Riverdale, New York và là một nhà hoạt động Do Thái lâu năm. Ông cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã vi phạm thỏa thuận năm 1987 giữa các Hồng Y châu Âu và các nhà lãnh đạo Do Thái, và một công ước của UNESCO năm 1972 về bảo vệ văn hóa thế giới, theo đó sẽ không có nơi thờ phượng Công Giáo nào được đặt trong phạm vi trại tập trung Auschwitz-Birkenau.

Đáp lại các cáo buộc này, Cha Mateusz Kierczak, giám đốc truyền thông của Giáo phận Bielsko-Zywiec cho biết: “Nhà thờ này không nằm trên lãnh thổ của trại tập trung, và ngôi nhà thờ chưa từng bao giờ là một phần của trại tập trung này. Do đó, yêu sách của giáo sĩ Weiss là hoàn toàn không có cơ sở”.

Ông Bartosz Bartyzel, phát ngôn viên của viện Bảo tàng Nhà nước Auschwitz-Birkenau, nói với thông tấn xã Catholic News Service của Công Giáo Hoa Kỳ hôm 31 tháng Giêng rằng ngôi nhà thờ nằm ngoài khu vực trại.

Ông nói thêm rằng ngôi nhà thờ được khởi công xây dựng vào đầu năm 1939. Mấy tháng sau đó, khi công cuộc xây dựng vẫn còn đang dang dở thì chiến tranh xảy ra, mọi việc xây cất bị đình trệ. Do đó, ngôi nhà thờ này không thể bị trưng dụng làm bộ chỉ huy của Đức Quốc Xã. Ngày 27 tháng Giêng, 1945, khi trại tập trung được giải phóng, 4 bức tường của ngôi nhà thờ thậm chí vẫn chưa được dựng nên.

Cha Kierczak nói với thông tấn xã Catholic News Service rằng ngài cảm thấy buồn vì “trong thời gian thế chiến thứ hai, người Công Giáo Ba Lan đã liều mình cưu mang cho người Do Thái. Trong rất nhiều trường hợp chúng tôi phải trả giá đắt bằng chính mạng sống mình.”

Cha Kierczak nhận xét rằng yêu sách của giáo sĩ Weiss là một vấn đề nghiêm trọng: “Ông Weiss trình bày vấn đề một cách đầy cảm xúc, khơi gợi một tình cảm bài Công Giáo trong lòng người Do Thái. Sự kiện này đã kéo dài rất nhiều năm và chúng tôi không muốn tham gia vào một cuộc cãi vã khác, lời qua tiếng lại trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi không muốn trả lời mỗi khi các giáo sĩ Do Thái tổ chức các cuộc biểu tình.”

Cố nhiên, các cuộc biểu tình và yêu sách của nhóm Do Thái này cũng khơi dậy những tình cảm bài Do Thái tại Ba Lan và Âu Châu. Các giáo sĩ Do Thái này thừa biết như thế, nhưng họ vẫn làm, vì đó là cách họ gây quỹ cho tổ chức của mình.

Trong số 1.1 triệu tù nhân bị giam tại trại tập trung Auschwitz-Birkenau, 90% là người Do Thái. Hầu hết những người Do Thái bị giam tại đây đều bị giết trong các phòng hơi ngạt. Tuy nhiên, cũng có tới 75,000 người Ba Lan chủ yếu là người Công Giáo cũng bị giết tại đây vì tội che chở cho người Do Thái. Thật là ăn cháo đá bát khi nhóm Do Thái này cứ tiếp tục đưa ra hết yêu sách này đến yêu sách khác, từ năm này sang năm khác.

Ngay khi cộng sản sụp đổ tại Ba Lan và Âu Châu, từ năm 1992, nhóm này đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi đóng cửa một tu viện của các nữ tu dòng Camêlô. Điều đau đớn là chính các nữ tu dòng Camêlô đã dấu người Do Thái trong tu viện mình. Các sơ bị bắt. Tu viện bị tịch thu và biến thành một phần của trại tập trung. Trước các áp lực quốc tế, chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đích thân viết thư yêu cầu các nữ tu dọn đi nơi khác.

Năm 1998, sau các cuộc biểu tình lớn tại đây, hàng lãnh đạo giáo phận phải gỡ bỏ tất cả các thánh giá cắm chung quanh trại tập trung này. Ngày nay, trong phạm vi bán kính 100m chung quanh trại Auschwitz-Birkenau, không còn một cây thánh giá nào.

Một phát ngôn viên cảnh sát khu vực, là ông Sebastian Glen, nói với tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan rằng các cuộc biểu tình hàng ngày đang diễn ra tại đây là bất hợp pháp và cảnh sát đang cân nhắc sẽ đưa ra các hành động thích hợp, phù hợp với luật pháp quốc gia, đặc biệt là luật chống bài người Do Thái.


Source:Crux
 
Tông huấn Thượng Hội Đồng Amazon sẽ được công bố vào ngày 12 tháng Hai
Đặng Tự Do
17:53 07/02/2020
Tông huấn Thượng Hội Đồng Amazon sẽ được công bố vào ngày 12 tháng Hai, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết như trên hôm thứ Sáu 7 tháng Hai.

Tài liệu, theo sau Thượng Hội Đồng Amazon vào Tháng Mười vừa qua, được nhiều người chờ đợi để xem liệu Đức Thánh Cha có cho phép việc phong chức linh mục cho các viri probati, tức là những người đã kết hôn và được cộng đồng coi là có phẩm hạnh, trong khu vực hay không.

Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng cũng đã kêu gọi xem xét việc phong chức phó tế cho phụ nữ, và có những lời kêu gọi mạnh mẽ về các vấn đề môi trường và quyền của người bản địa. Đây cũng là điều được nhiều người quan tâm.

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, và Đức Hồng Y Michael Czerny, thư ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Amazon, sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào chiều ngày 12 tháng Hai để trình bày tài liệu này.

Một số người khác cũng sẽ có mặt trong cuộc họp báo, bao gồm Cha Adelson Araújo dos Santos, một nhà thần học và giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô và là một tham dự viên của Thượng Hội Đồng Amazon.

Thượng Hội Đồng Amazon là một cuộc họp của các giám mục và các cố vấn, được triệu tập tại Vatican từ ngày 6 đến 27 tháng Mười năm ngoái 2019, để thảo luận về các vấn đề sinh thái, chính trị và mục vụ của Giáo hội trong khu vực Amazon, trải dài trên chín quốc gia ở Nam Mỹ.

Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố ngài sẽ viết một tài liệu tiếp theo về khu vực Amazon trong bài phát biểu kết thúc hội nghị ngày 26 tháng Mười.

Một phiên bản dự thảo của Tông huấn đã được lưu hành trong các cơ quan của Vatican để nhận phản hồi.

Trong dự thảo này, đã bị rò rỉ vào tuần trước, phần nói về viri probati cho biết, cơ quan có thẩm quyền nên thiết lập các tiêu chí và quy định để phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn.

Văn bản bị rò rỉ về cơ bản giống hệt với điều 111 của tài liệu cuối cùng về Thượng hội đồng Amazon, trong đó kêu gọi phong chức linh mục cho những người đàn ông đã có vợ.

Các nguồn tin quen thuộc với các phản hồi về văn bản dự thảo nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng một cái gì đó tương tự như quá trình phong chức giáo sĩ Anh giáo đã kết hôn hiệp thông với Tòa Thánh đang được đề xuất trong trường hợp của Amazon.

Trong trường hợp các giáo sĩ Anh giáo kết hôn được hiệp thông với Tòa Thánh, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã được trao nhiệm vụ tìm hiểu các ứng viên, và chấp thuận phong chức cho họ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.


Source:Catholic News Agency
 
Tại sao bê bối như McCarrick lại leo được đến Hồng Y? Đức Thánh Cha sắp cho biết.
Đặng Tự Do
23:33 07/02/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra quyết định cuối cùng khi nào sẽ công bố một báo cáo được nhiều người mong đợi về cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, vừa cho biết như trên.

Đức Hồng Y Parolin nói với một nhóm nhỏ các nhà báo vào hôm 6 tháng Hai:

“Tôi nghĩ rằng báo cáo sẽ sớm được công bố, mặc dù tôi không thể nói cho các bạn biết chính xác khi nào”.

Phát biểu bên lề một hội nghị về sự thánh thiện, Đức Hồng Y nói rằng “chúng tôi đang cố gắng rút ngắn thời gian để sớm công bố” báo cáo về cuộc điều tra nội bộ của Vatican liên quan đến vị cựu Hồng Y bị huyền chức.

Ngài hy vọng rằng tài liệu này sẽ được công bố trong tương lai rất gần.

“Tuy nhiên, việc công bố phụ thuộc vào Đức Giáo Hoàng. Công việc đã xong, nhưng Đức Giáo Hoàng phải đưa ra nhận định sau cùng của ngài”.

Tòa Thánh đã tuyên bố mở cuộc điều tra nội bộ về các hồ sơ liên quan đến McCarrick vào tháng 10 năm 2018. McCarrick là một Hồng Y và là tổng giám mục của hai tòa chính yếu tại Hoa Kỳ trước khi bị kết tội lạm dụng tình dục liên tục và bị huyền chức vào năm 2019, sau một tiến trình tố tụng về mặt giáo luật.

Kể từ khi cuộc điều tra này được công bố, nhiều người Công Giáo Mỹ - bao gồm nhiều giám mục – tỏ ra rất nóng lòng muốn biết tại sao một con người bê bối và đầy tai tiếng như thế lại có thể leo lên đến hành Hồng Y. Vì thế, các Giám Mục Hoa Kỳ đã liên tục kêu gọi công bố kết quả điều tra.

Trong nhiều tháng qua, các giám mục Hoa Kỳ đã triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trong các chuyến thăm ad limina của các ngài để viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Trong những chuyến viếng thăm này, một số giám mục đã đặt vấn đề về việc cần phải sớm công bố các báo cáo liên quan đến McCarrick.

Khi chủ đề này được đưa ra trong cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ở Baltimore vào tháng 11 năm ngoái, Đức Hồng Y Sean O'Malley, vừa trở về từ Rôma, đã cập nhật cho các giám mục Hoa Kỳ về tiến trình thảo ra báo cáo này. Ngài nói rằng bản thảo cuối cùng đã được dịch sang tiếng Ý để trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô và báo cáo được dự kiến công bố vào đầu năm 2020, có thể là sớm hơn nữa.

Trong 87 ngày kể từ khi Đức Hồng Y O’Malley đưa ra tin tức cập nhật này, nhiều giám mục khác cho biết họ cũng nêu vấn đề khi sang thăm Rôma.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Cha Earl Boyea của Lansing nói với EWTN News rằng ngài đã hỏi Đức Thánh Cha về tình trạng của cuộc điều tra McCarrick và đã rất vui mừng khi biết rằng một báo cáo đang sắp được công bố.

Đức Cha Joseph Strickland của giáo phận Tyler cũng nói với các phóng viên rằng ngài đã hỏi Đức Thánh Cha về thời điểm công bố báo cáo này trong một cuộc họp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm ad limina của chính ngài vào tháng Giêng vừa qua.

Ngày 11 tháng Giêng năm 2019, Hội Nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin, khi kết thúc một tiến trình tố tụng, đã ra một nghị định về việc tìm thấy Theodore Edgar McCarrick, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Washington, DC, đã phạm vào các tội sau trong khi là một giáo sĩ: đó là gạ gẫm trong Bí tích Giải tội và phạm Điều răn thứ Sáu, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực.

Hội Nghị đã tuyên phạt trục xuất đương sự khỏi hàng giáo sĩ.

Vào ngày 13 tháng Hai năm 2019, Phiên họp thường kỳ mỗi thứ Tư hàng tuần (Feria IV) của Bộ Giáo lý Đức tin đã cân nhắc kháng cáo của đương sự đối với quyết định này. Sau khi xem xét các lập luận kháng cáo, Phiên họp thường kỳ đã chuẩn y sắc lệnh của Hội Nghị.

Quyết định này đã được thông báo cho Theodore McCarrick vào ngày 15 tháng Hai năm 2019. Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã công nhận bản chất chung cuộc của quyết định này được đưa ra theo đúng pháp luật, xem nó là một res iudicata – tức là một phán quyết chung thẩm, miễn bàn cãi thêm nữa.


Source:Catholic Herald
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Muối cho trần gian
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:27 07/02/2020
Muối là chất vị mặn, được dùng làm chất gia vị nêm nếm cho thực phẩm ăn uống dậy mùi thơm ngon đậm đà.

Muối khai thác từ quặng mỏ muối thiên nhiên ngầm dưới lòng đất, hay khai thác lấy từ nước biển đã bốc hơi.

Muối cần thiết cho thực phẩm được gìn giữ tươi tốt không bị ươn thối. Muối cũng còn được dùng trong y khoa pha vào dung dịch rửa vết thương khử trùng.

Vậy muối có ảnh hưởng gì trong nếp sống đức tin đạo giáo không?

Trong kinh thánh cựu ước từ thời xa xưa muối đóng vai trò quan trọng trong việc dâng lễ vật thờ phượng Giave Thiên Chúa:

„(Các) ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm (các) ngươi dâng tiến; (các) ngươi không được để lễ phẩm (các) ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi.“ ( Sách Levi 2, 13)

Muối pha trộn vào hương tiến dâng lễ tế Giave làm cho trở nên hương thơm thánh thiêng bài trừ chống lại sự ươn thối:

„ Ngươi sẽ lấy các thứ hương chất đó chế thành hương để đốt: hợp chất các hương này sẽ là sản phẩm của thợ làm hương; hương đó sẽ là hương pha muối, nguyên chất, và là hương thánh.“ ( Xuất hành 30, 35)

Chúa Giêsu đi rao giảng nước Thiên Chúa đã đưa ra phương hướng cho đời sống đạo giáo tinh thần: „ Anh em là muối cho trần gian.“ ( Mt 5,13)

Là muối cho trần gian Chúa Giêsu muốn nói : Anh em hãy gieo vãi tin mừng sứ điệp tám mối phúc thật như đem muối rắc trộn vào thực phẩm thức ăn trong nếp sống ở trần gian.

Theo lời mời gọi đó, xưa nay biết bao nhiêu tâm hồn đã quảng đại hy sinh dấn thân vào công việc bác ái tình yêu thương cho con người.

Họ là những người bỏ tất cả lại sau lưng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, cho con người. Họ là những vị thừa sai đi rao giảng làm chứng cho tình yêu nước Thiên Chúa ở những vùng chân trời đất nước xa lạ. Như các vị thừa sai linh mục tu sĩ nam nữ ngày xưa và ngay cả bây giờ từ bên u châu sang Phi châu, sang Á châu, Nam Mỹ cùng chung sống mang niềm vui sự an ủi sự trợ giúp cho con người xã hội nơi đó.

Muối ngày xưa được dùng rắc trộn vào thịt cá để cho thịt cá không bị ươn thối, giữ cho được tươi lâu hơn. Cũng vậy sứ điệp tám mối phúc thật của Chúa có hương vị tốt mang lại niềm vui phấn khởi giúp đổi mới tâm hồn con người, khi được loan báo có chất muối mặn mà rắc trộn vào.

Đó ngôn ngữ văn hóa, là công việc đượm thấm nhuần tình yêu thương bác ái giúp cho con người hiểu được và cảm nhận được sứ điệp nói về cuộc sống của họ.

Trong tình trạng bệnh dịch xưa nay hoành hành lan tràn đe dọa sức khoẻ cùng sự sống con người khắp nơi trên thế giới, những nhà khoa học nỗ lực sáng chế tìm phương thuốc chữa trị cho người bị mắc bệnh, những bác sĩ, y tá, những người chăm sóc an ủi những bệnh nhân bị bệnh dịch… dấn thân cho công việc bác ái cứu người cứu đời đang làm công việc là muối cho trần gian.

Những trợ giúp nhân đạo cùng chung tay giúp đỡ nhằm ngăn cản chống lại sự lây lan truyền nhiễm bệnh dịch giữa các đất nước quốc gia với nhau, của các hội từ thiện bác ái là chất muối cho trần gian.

Thánh Rochus ngày xưa khi đi hành hương biết có bệnh dịch đang lan tràn hoành hành bên u Châu, ông đã không quản ngại hy sinh dấn thân ra tay cứu giúp những người bệnh trên đường ông gặp gỡ. Ông đã làm công việc là chất muối mặn mang đến cho đời sống con người có được niềm cảm thương an ủi.

Và vì thế ngài được kính trọng yêu mến, và được tôn phong là vị Thánh quan thầy của những người bị bệnh dịch.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ave Maria
Đặng Đức Cương
23:03 07/02/2020
AVE MARIA
Ảnh của Đặng Đức Cương

Tấu lạy Bà. Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như Ý vô tri còn biết cả
(Trích thơ của Hàn Mặc Tử)
 
VietCatholic TV
Diễn từ quá xuất sắc của tổng thống Trump: Những điều vĩ đại đạt được đều từ đức tin nơi Thiên Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:17 07/02/2020
Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm lần thứ 68 đã được tổ chức tại khách sạn Hilton ở Washington, D.C. vào hôm thứ Năm 6 tháng Hai. Sự kiện này được tổ chức hàng năm kể từ năm 1953, bởi Faith Foundation, và quy tụ các thành viên của Quốc Hội thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống Hoa Kỳ thường đề cập đến tình hình của Hoa Kỳ và toàn thế giới, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo. Vì thế, buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm là một sự kiện quan trọng, thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Trong buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia năm nay, tổng thống Donald Trump và Tiến sĩ Arthur Brooks của Viện Doanh nghiệp Mỹ là hai diễn giả chính.

Ba người Hồi giáo Ahmadi, là một nhóm thiểu số tôn giáo ở Pakistan, là khách mời trong cuộc gặp gỡ này. Một người trong ba người này, tên là Ummad Farooq, đã bị bắn vào đầu trong một cuộc tấn công của người Hồi Giáo Sunni vì lòng hận thù tôn giáo.

Trong lời phát biểu của mình, Nancy Pelosi, phát ngôn viên Hạ Viện đã cầu nguyện cho những người nghèo và những người bị bách hại trên khắp thế giới, bao gồm các Phật tử Tây Tạng; và một đến ba triệu người Hồi Giáo bị giam cầm trong các trại lao động tại Tân Cương, Trung Quốc, cũng như các nhà văn và triết gia bị bắt tại Ả Rập Saudi. Bà cũng nhắc đến Đức Thượng Phụ Abune Antonios của Chính Thống Giáo bị giam tại Eritrea, các nạn nhân của chủ nghĩa bài Do Thái, những người Hồi giáo Yazidis và Rohingya, và các nhóm thiểu số tôn giáo bị đàn áp khác.

Arthur Brooks, trong bài phát biểu của mình, đã kêu gọi sự chú ý đến “một cuộc khủng hoảng những lời khinh miệt và phân cực đang xé tan xã hội chúng ta.”

“Những lời khinh miệt giết chết hôn nhân. Những lời khinh miệt giết chết các mối quan hệ. Những lời khinh miệt giết chết tình yêu. Hãy xem cách chúng ta nói chuyện với nhau thì rõ.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Trong xã hội ngày nay, nhiều người hô hào đối xử với nhau một cách ‘văn minh’ và ‘khoan dung’, nhưng đó là một tiêu chuẩn quá thấp. Chúa Giêsu không nói ‘hãy khoan dung với kẻ thù của anh em, nhưng Ngài nói ‘Hãy yêu mến những kẻ thù của anh em’.”

Sau bài phát biểu của Tiến Sĩ Brooks, Tổng thống Trump đã đề cập đến các nạn nhân của bách hại tôn giáo và nói rằng Hoa Kỳ đang đứng lên bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới đặc biệt là các Kitô hữu. Cách riêng, ông nhắc đến trường hợp của một thiếu nữ Iran tên là Mary năm nay 21 tuổi vừa bị bắt tại Iran vì cải đạo sang Công Giáo, và vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo của tên độc tài Nicholas Maduro ở Venezuela.

Ông Trump cũng ca ngợi những đóng góp về văn hóa của những người nhập cư có niềm tin tôn giáo trong suốt lịch sử nước Mỹ.

Trong phần mở đầu, ông Trump nhắc đến mưu toan đã thất bại của đảng Dân Chủ muốn bãi miễn ông khỏi chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của tổng thống Trump. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.


Cảm ơn các bạn. Vâng, cảm ơn các bạn rất nhiều. Tôi đang làm việc rất chăm chỉ cho bạn, tôi muốn nói với bạn, (Cười.) đôi khi các bạn khiến điều đó không dễ dàng, và đến lượt mình, tôi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho bạn đấy. (Cười.) [tổng thống muốn đề cập đến vụ mưu toan bãi nhiệm ông của đảng Dân Chủ – chú thích của người dịch] Và tôi sẽ tiếp tục truyền thống đó, nếu có thể vào sáng nay. Arthur, tôi chưa biết mình có hoàn toàn đồng ý với bạn không. (Cười.) Tôi cũng không biết Arthur có thích những gì tôi sẽ nói không. (Cười.) Nhưng tôi thích nghe bạn nói. Thực sự tuyệt vời. Cảm ơn rất nhiều.

Và cảm ơn bạn, các thành viên Quốc Hội, vì công việc tuyệt vời mà các bạn đã làm và mối quan hệ và sự giúp đỡ của các bạn. Các bạn là dũng sĩ. Cảm ơn rất nhiều. Kevin, anh là một dũng sĩ. Cảm ơn anh. Công việc anh đã làm thật phi thường. Lẽ ra không phải như thế. Bao nhiêu công sức thừa thãi. Thật là một công việc không cần thiết. [ý muốn nói đến vụ mưu toan bãi nhiệm chức vụ tổng thống của ông. Kevin là dân biểu Kevin McCarthy là lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ Viện nơi đảng Dân Chủ chiếm đa số – chú thích của người dịch]

Thật tuyệt vời khi được cùng tham dự với hàng ngàn tín hữu các tôn giáo trong Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia hàng năm lần thứ 68. Tôi đã ở đây từ lần đầu tiên, là nơi tôi được đặc ân mời tham dự. Tôi đã ở với các bạn một thời gian dài trước đây. Và chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn. Các tiến bộ to lớn. Các bạn biết những gì chúng ta đã làm. Tôi không nghĩ có ai đã làm nhiều hơn tất cả chúng ta cùng nhau trong ba năm qua. Và đó là vinh dự của tôi.

Nhưng sáng nay, chúng ta đến với nhau như một quốc gia, may mắn được sống trong tự do và biết ơn vì được thờ phượng trong an bình. Như mọi người đều biết, gia đình tôi, đất nước vĩ đại của chúng ta và Tổng thống của các bạn đã phải trải qua một thử thách khủng khiếp bởi một số người rất không trung thực và băng hoại. Họ đã làm mọi thứ có thể để tiêu diệt chúng ta, và qua đó, làm tổn thương rất nặng nề đất nước chúng ta. Họ biết những gì họ đang làm là sai trái, nhưng họ đã đặt cá nhân lên trên đất nước vĩ đại của chúng ta.

Vài tuần trước, và một lần nữa vào ngày hôm qua, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dũng cảm của đảng Cộng hòa đã có sự khôn ngoan, dũng cảm và sức mạnh để làm những gì mọi người biết là đúng. Tôi không thích những người sử dụng đức tin của họ như là sự biện minh cho việc làm những gì họ biết là sai. Tôi cũng không thích những người nói, “Tôi cầu nguyện cho bạn,” trong khi họ biết rằng họ sẽ không làm như thế [ý muốn đề cập đến Nancy Pelosi – chú thích của người dịch].

Rất nhiều người đã bị tổn thương và chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn. Và chút nữa đây tôi sẽ thảo luận về điều đó tại Tòa Bạch Ốc.

Hôm nay có hai người mà đức tin truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta đang cùng tham gia với chúng ta: đó là người bạn tuyệt vời, rất tuyệt vời của chúng ta, Phó tổng thống Mike Pence - (vỗ tay) - và người vợ tuyệt vời của ông, là Karen. (Vỗ tay.) Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn.

Cảm ơn tất cả các nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại của chúng ta ngoài kia - rất nhiều người mà tôi đã làm việc rất chăm chỉ với họ trong ba năm qua. Và chúng ta đã hoàn thành rất nhiều. Xin hoan nghênh các thành viên trong Nội các của tôi tham dự hôm nay - Bộ trưởng Mike Pompeo, Mark Esper, David Bernhardt - (vỗ tay) - Gene Scalia, Alex Azar, Ben Carson, Dan Brouillette, Betsy DeVos, Robert Wilke, và Quản trị viên Jovita Carranza.

Tham gia với chúng ta - (vỗ tay) - trong truyền thống đáng yêu này có rất nhiều bạn bè. Và nhiều người, thực sự, đã trở thành bạn bè. Họ là những nhà lãnh đạo chính trị. Họ đã trở thành những người bạn tuyệt vời. Đó là tất cả những ai tôi mong có thể gặp nữa. (Cười.) Nói về đối thủ và đồng minh, chúng ta có tất cả. Chúng ta có các đồng minh. Chúng ta cũng có các đối thủ. Đôi khi các đồng minh lại là đối thủ, nhưng chúng ta không biết [ý muốn nói đến thượng nghị sĩ Mitt Romney của đảng Cộng Hòa đơn vị Utah. Ông Romney bỏ phiếu bãi miễn tổng thống – chú thích của người dịch]. (Cười.) Nhưng chúng ta đang thay đổi tất cả. Cảm ơn tất cả các bạn, và cảm ơn tất cả các bạn đã ở đây.

Tôi cũng muốn chào đón các quan chức nước ngoài từ hơn 140 quốc gia. Đó là một cái gì đó đáng kể. (Vỗ tay.) Đó là một cái gì đó đáng kể.

Mọi người ở đây hôm nay được hợp nhất bởi một niềm tin được chia sẻ. Chúng ta biết rằng quốc gia của chúng ta mạnh hơn, tương lai của chúng ta tươi sáng hơn và niềm vui của chúng ta sẽ lớn hơn khi chúng ta quay về với Chúa và xin Ngài tuôn đổ ân sủng trên cuộc sống của chúng ta.

Hôm thứ Ba, tôi đã đề cập với Quốc Hội về tình trạng của Liên Bang và sự trở lại tuyệt vời của nước Mỹ. Thực sự là như thế. (Vỗ tay.) Đất nước chúng ta chưa bao giờ làm tốt hơn như ngay bây giờ. Nền kinh tế của chúng ta là mạnh nhất chưa từng có. Và đối với những các bạn nào quan tâm đến chứng khoán, có vẻ như thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại vào hôm nay.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của viện Gallup vừa xuất hiện cách đây ít lâu, vài phút trước thôi, sự hài lòng của người Mỹ đang ở mức cao nhất chưa từng được ghi nhận. Các bạn có thể tưởng tượng không? Và đó là từ viện Gallup - không phải bạn bè với tôi. (Vỗ tay.) 90% người Mỹ nói rằng họ hài lòng với cuộc sống cá nhân. Chuyện đó thế nào nhỉ? Không phải là đáng kể à? Mới công bố hôm nay. (Vỗ tay.) Họ hẳn đã biết tôi sẽ ở đây. (Cười)

Trong tất cả mọi thứ chúng ta làm, chúng ta đang tạo ra một nền văn hóa bảo vệ tự do, trong đó bao gồm tự do tôn giáo. (Vỗ tay.)

Như tôi đã nói vào hôm thứ Ba tại Quốc Hội, “ Ở Mỹ, chúng ta không trừng phạt những ai cầu nguyện. Chúng ta không phá bỏ thập giá. Chúng ta không cấm các biểu tượng của đức tin. Chúng ta không đàn áp những ai giảng đạo. Chúng ta không bắt bớ các mục tử. Ở Mỹ, chúng ta tuyên xưng đức tin, chúng ta yêu mến tôn giáo, chúng ta cất cao giọng trong lời cầu nguyện, và chúng ta hướng tầm nhìn của chúng ta lên cùng Vinh Quang của Thiên Chúa. (Vỗ tay.)

Rất nhiều điều tuyệt vời chúng ta đã đạt được, chúng ta đã giải mã bao nhiêu những bí ẩn và những điều kỳ diệu chúng ta đã tạo ra, những thách thức chúng ta đã gặp và những đỉnh cao đáng kinh ngạc mà chúng ta đạt được. Tất cả đều đến từ đức tin của các gia đình và những lời cầu nguyện của dân tộc ta.

Trước khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, những người yêu nước ở cả 13 thuộc địa đã gặp gỡ nhau trong những ngày ăn chay và cầu nguyện. Trong cái lạnh thấu xương của vùng Valley Forge, Washington và những người của ông không có thức ăn, không có đồ tiếp tế và có rất ít cơ hội chiến thắng. Nó nhắc nhở tôi một chút về năm 2016. Chúng tôi có rất ít cơ hội chiến thắng. (Cười) Ngoại trừ những người trong phòng này và một số người khác tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng những gì họ đã làm là có một niềm tin vững chắc rằng Chúa ở cùng họ. Tôi tin điều đó quá. Thiên Chúa ở với những người trong căn phòng này.

Trước khi một tòa nhà chọc trời mọc lên ở thành phố New York, hàng ngàn gia đình nghèo ở Mỹ đã quyên góp tất cả những gì họ có trong tay để xây dựng Nhà thờ St. Patrick thật tráng lệ. (Vỗ tay.)

Khi Buzz Aldrin đổ bộ lên Mặt trăng, ông nói, “ Houston, tôi muốn thỉnh cầu một vài khoảnh khắc im lặng.” Sau đó, ông đọc từ Kinh Thánh. (Vỗ tay.)

Ở mọi giai đoạn, cuộc vạn lý trường chinh cho các quyền dân sự của đất nước chúng ta đã được linh hứng, duy trì và nâng cao bởi đức tin, lời cầu nguyện và lòng mộ mến của các tín hữu tôn giáo.

Để bảo vệ các cộng đồng đức tin, tôi đã thực hiện hành động lịch sử để bảo vệ tự do tôn giáo, bao gồm cả quyền hiến định là được cầu nguyện trong các trường công lập. (Vỗ tay.)

Chúng ta cũng có thể nói về Tu Chính Án Johnson. Chúng ta có thể nói về Chính sách thành phố Mexico. Chúng ta đã làm rất nhiều. Nhưng gần đây tôi cũng đã có sắc lệnh hành chính để ngăn chặn tiền thuế của người dân cho các trường cao đẳng và đại học truyền bá chất độc của chủ nghĩa bài Do Thái và những lời nói xấu Kitô giáo. (Vỗ tay.)

Chúng ta đang đề cao sự tôn nghiêm của cuộc sống - sự thánh thiêng của cuộc sống. (Vỗ tay.) Và chúng ta đang làm điều đó như chưa từng có ai làm như thế trước đây từ chức vụ này. Tốt hơn hết là các bạn nên đi bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 11 - (cười) - bởi vì các bạn có rất nhiều những người ngoài kia không thích những gì chúng ta đang làm.

Và chúng ta đang theo đuổi những đột phá y tế để cứu những đứa trẻ sinh non vì mỗi đứa trẻ là một món quà thánh thiêng từ Thiên Chúa. (Vỗ tay.)

Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng xã hội thịnh vượng và hòa nhập nhất thế giới. Chúng ta đang nâng cao các công dân của mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta đang mang lại hy vọng cho các cộng đồng bị lãng quên. Và nhiều người Mỹ đang có công ăn việc làm ngày hôm nay - 160 triệu người đang làm việc. Chỉ một ít người không có việc làm. Chỉ một ít thôi. Một trăm sáu mươi triệu. Chúng ta chưa bao giờ đạt đến con số ấy - chưa bao giờ. Hãy nghĩ về điều đó: Ngày nay, nhiều người Mỹ đang làm việc - gần 160 triệu - hơn bất cứ lúc nào. Con số thất nghiệp của chúng ta là ít nhất trong lịch sử đất nước này. (Vỗ tay.)

Một con số và những con số cụ thể hơn mà các bạn nghe tôi nói, nếu các bạn chú ý lắng nghe: Người Mỹ gốc Phi, Người Mỹ gốc Á, Người Mỹ gốc Tây Ban Nha - những con số thất nghiệp tốt nhất trong lịch sử nước ta. Phụ nữ - tốt nhất trong 71 năm. Tôi lấy làm tiếc. Lẽ ra phụ nữ phải có cơ may sớm hơn. Tôi phải xin lỗi những người phụ nữ; chúng ta phải mất 71 năm để đạt được điều này.

Trước con số thất nghiệp tốt nhất mà chúng ta có đó, nhiều người cho rằng chúng ta đang làm những việc mà không ai nghĩ là khả thi. Chúng ta đang lập các kỷ lục mà không ai nghĩ là có thể đạt được.

Và để cho các cựu tù nhân cơ hội thứ hai trong cuộc sống, điều mà rất nhiều người trong căn phòng này đã làm việc rất lâu - (vỗ tay) - chúng ta đã thông qua những cải cách tư pháp hình sự và làm thành luật, và tôi đã ký vào 9 tháng trước.

Và điều đó ngày càng chứng minh rằng Hoa Kỳ thực sự là một quốc gia tin vào ơn cứu chuộc. Điều gì đã xảy ra với các tù nhân là một phép lạ. Các tù nhân thường ra ngoài và không ai cho họ một công việc. Và đôi khi, thậm chí là hầu như trong mọi trường hợp, họ sẽ quay trở lại các nhà tù. Họ sẽ bị bắt vì làm một cái gì đó xấu. Họ không có tiền. Họ không có hy vọng. Họ không có việc làm. Còn bây giờ họ đang bước vào một nền kinh tế đang bùng nổ. Và các chủ nhân đang tuyển dụng họ, và ở một mức độ nhất định, có thể bởi vì các chủ nhân đang gặp khó khăn trong việc kiếm người.

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng ta, thực sự, chúng ta sắp hết người. Chúng ta đang có các kế hoạch tuyển dụng một lúc hàng ngàn người. Chúng ta có các công ty xe hơi đến từ Nhật Bản và từ Đức, từ rất nhiều nơi khác, và chúng ta cần người. Và các chủ nhân đang thuê những cựu tù nhân, và họ sẽ không bao giờ làm điều đó, nếu chúng ta không thực hiện các cải cách tư pháp hình sự. Nhưng trên hết, bởi vì nền kinh tế đã trở nên quá mạnh mẽ.

Và những tù nhân này đã làm một công việc đáng kinh ngạc. Những chủ nhân nói “Tại sao tôi không làm như thế cách đây 20 năm?”

Vì vậy, thật là một điều đáng kinh ngạc trước những gì xảy ra với những người được trao cho cơ hội thứ hai, và đôi khi là cơ hội thứ ba, với tất cả sự công bằng. Và đó là điều mà mọi người trong căn phòng này nên rất tự hào, bởi vì các bạn luôn cảm thấy phải là như thế từ lâu trước khi điều đó trở nên thịnh hành. Vì thế, tôi muốn cảm ơn các bạn vì điều này. (Vỗ tay.)

Khi chúng ta hồi sinh nền kinh tế, chúng ta cũng đang làm mới tinh thần đức tin. Hôm nay chúng ta tự hào tuyên bố rằng đức tin vẫn còn sống, vẫn tốt lành và phát triển mạnh ở Mỹ. Và chúng ta sẽ giữ như thế. Không ai có thể thay đổi điều đó. (Vỗ tay.) Chừng nào tôi còn ở đây, điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra. (Vỗ tay.)

Một cái gì đó chưa được thực hiện đầy đủ, gần đủ thôi cũng chưa được - tôi gần như có thể nói là chưa được thực hiện gì cả - chúng ta đang đứng lên bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại và các nhóm tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới - (vỗ tay) - như chưa ai từng làm.

Năm ngoái, tại Liên Hợp Quốc, tôi vinh dự là Tổng thống đầu tiên tổ chức một cuộc họp về tự do tôn giáo. Cuộc họp đặt hoàn toàn cơ sở trên tự do tôn giáo. Đó là cuộc họp đầu tiên loại này từng được tổ chức tại Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp đó, tôi đã kêu gọi tất cả các quốc gia chống lại sự bất công khủng khiếp trong cuộc đàn áp tôn giáo. Và mọi người lắng nghe.

Và những quốc gia mà chúng ta viện trợ hàng tỷ đô la, họ đã lắng nghe vì họ phải lắng nghe. (Cười) Cách thức nó hoạt động thật tuyệt vời, phải không nào? (Cười) Không ai từng dám chơi trò đó trước đây. (Cười)

Vài tuần trước, một phụ nữ 21 tuổi, có tên là Mary, đã bị bắt và bị giam cầm ở Iran vì cô đã cải đạo sang Kitô giáo và chia sẻ Tin Mừng với những người khác.

Tại Venezuela, tên độc tài Maduro đã bắt giữ các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Tại Hoa Kỳ, tôi đã vinh dự được đón tiếp Tổng thống Venezuela thực sự và hợp pháp, là ông Juan Guaidó /hoan gu-ai-đố/. (Vỗ tay.) Người đàn ông tốt. Tôi nói với anh ấy rằng tất cả người Mỹ đứng về phía người dân Venezuela trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ cho tự do.

Hôm qua, chính quyền của chúng ta đã ra mắt Liên minh Tự do Tôn giáo Quốc tế, liên minh đầu tiên được dành cho việc thúc đẩy tự do tôn giáo. Đó là một cái gì đó đáng kể. Thực sự là một cái gì đó đáng kể. (Vỗ tay.)

Hơn 25 quốc gia đã tham gia chiến dịch của chúng ta. Tôi muốn cảm ơn Ngoại trưởng Mike Pompeo, cùng với Đại sứ Sam Brownback, cả hai đều ở đây sáng nay, vì đã lãnh đạo sáng kiến lịch sử này. Cảm ơn rất nhiều. Cảm ơn, Mike. (Vỗ tay.) Cảm ơn các bạn.

Tất cả chúng ta ở đây hôm nay tái khẳng định những sự thật vượt thời gian này: Đức tin giải phóng chúng ta. Lời cầu nguyện làm cho chúng ta mạnh mẽ. Và chỉ một mình Thiên Chúa là tác giả của sự sống và là Đấng ban ân sủng. (Vỗ tay.)

Hiện diện với chúng ta sáng nay là một mục sư, là hiện thân của phép lạ đức tin và sức mạnh của lời cầu nguyện: Đó là Mục sư Gerald Toussaint từ Louisiana. Mục sư Toussaint là một cựu quân nhân, một tài xế xe tải và bây giờ là một mục sư. Ông cai quản cùng một nhà thờ nơi cha ông đã trông nom, là nhà thờ Baptist ở Mount Pleasant, nơi đã trở thành trụ cột của cộng đồng trong hơn 140 năm.

Năm ngoái, Mount Pleasant là một trong ba nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở Louisiana đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn do một kẻ độc ác, đầy thù hận gây ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của cái ác gây sốc như vậy, nước Mỹ đã chứng kiến sự đoàn kết, tận tụy và tinh thần của Mục sư Toussaint và toàn bộ cộng đoàn đẹp đẽ, mạnh mẽ của ngài. Các gia đình nhanh chóng đến với nhau trong lời cầu nguyện. Chẳng mấy chốc, mọi người từ khắp Louisiana đến giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Người Mỹ ở tất cả 50 tiểu bang và 20 quốc gia khác nhau đã nghe về chuyện này và họ đã quyên góp hơn 2 triệu đô la để giúp xây dựng lại Mount Pleasant - (vỗ tay) - và hai nhà thờ khác.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, chỉ vài ngày sau khi ông mất đi ngôi nhà thờ này, Mục sư Toussaint đã giảng về ý nghĩa của tất cả điều này. Nó có nghĩa là gì? Ông nói “ Mùa Phục Sinh là một ẩn dụ phù hợp cho các sự kiện gần đây. Đó là ngày đen tối mà Chúa Giêsu bị đóng đinh. Trời tối đen như mực khi họ đốt nhà thờ của chúng ta. Những gì đã xảy ra kể từ đó giống như một sự phục sinh. Chuyện cũ đã qua, và một sự khởi đầu hoàn toàn mới đã bắt đầu, và nó sẽ còn tốt hơn hơn bao giờ hết.” (Vỗ tay.) Tốt hơn bao giờ hết. Tuyệt diệu.

Và hôm nay, chỉ 10 tháng sau, mặt đất được giải tỏa. Các kế hoạch cẩn thận đã được thực hiện, và chúng là những kế hoạch đẹp. Và việc xây dựng sắp bắt đầu trên ngôi nhà thờ Mount Pleasant mới và rất, rất tráng lệ. Xin chúc mừng. (Vỗ tay.)

Bạn biết đấy, Mục sư nói rằng chúng ta đang xây dựng lại bởi vì đó là những gì Chúa Giêsu làm. Ngài tái thiết lại, Ngài sống lại. Đó là những gì Mục sư thực hiện. Ông muốn ngôi nhà thờ được xây dựng lại. Ngôi nhà thờ đã bị xé toạc, nhưng nó đang được xây dựng lại và tôi cá với các bạn rằng nó thực sự sẽ lớn hơn, tốt hơn và đẹp hơn trước. Mục sư nghĩ gì, thưa ngài? Đúng thế phải không? Và ngôi nhà thờ mới sẽ có dấu ấn của ngài. Nó đã có và bây giờ nó sẽ còn tuyệt vời hơn nữa. Và thân phụ ngài đang nhìn ngài ngay bây giờ và ông ấy rất, rất tự hào về công việc ngài đã làm. Cảm ơn rất nhiều. (Vỗ tay.) Rất nhiều cảm hứng cho chúng ta, thưa Mục sư. Cảm ơn ngài.

Vâng, tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người. Điều này rất đặc biệt. Xin nói với cộng đoàn - và tất cả mọi người của ngài - rằng chúng ta có 350 triệu người ở đất nước chúng ta. Họ là những người Mỹ tự hào. Và họ tôn trọng những gì chúng ta đang làm, ngay cả những người không nghĩ như chúng ta, vẫn tôn trọng chúng ta, vẫn muốn ở bên chúng ta. Họ tôn trọng cuộc chiến đấu của chúng ta và chúng ta đang chiến đấu.

Tôn giáo ở đất nước này và tôn giáo trên toàn thế giới – cách riêng là một số tôn giáo nhất định - đang bị vây hãm. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng ta sẽ bảo vệ các tôn giáo của chúng ta. Chúng ta sẽ bảo vệ Kitô giáo. Chúng ta sẽ bảo vệ các thừa tác viên và mục tử cũng như các giáo sĩ vĩ đại của chúng ta và tất cả những người mà chúng ta rất yêu mến và rất tôn trọng.

Nước Mỹ mắc nợ vĩnh viễn các Giáo Hội của người Mỹ gốc Phi trên khắp đất nước này. Đó là lý do tại sao rất phù hợp để chọn nhà thờ đặc biệt này ở Louisiana. Trong nhiều thế hệ, họ đã dũng cảm đấu tranh cho công lý và nâng cao lương tâm của dân tộc chúng ta. Và chúng ta biết ơn về mọi mặt.

Nhưng tôi có thể nói rằng vượt xa điều đó, chúng ta biết ơn những người trong căn phòng này vì tình yêu mà họ thể hiện đối với tôn giáo. Không phải một tôn giáo, mà nhiều tôn giáo. Họ dũng cảm. Họ thật xuất sắc. Họ là những dũng sĩ. Họ yêu mến mọi người. Và đôi khi họ cũng ghét người này người khác. Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi. Tôi đang cố gắng học hỏi. (Cười) Thật không dễ dàng. Nó không dễ dàng. (Vỗ tay.)

Khi họ luận tội bạn chẳng vì điều gì, thì các bạn có nên thích họ không? Không dễ đâu mọi người. (Cười) Tôi cố hết sức mình.

Nhưng tôi sẽ nói với các bạn những gì chúng ta đang làm: Chúng ta đang khôi phục lại hy vọng và truyền bá niềm tin. Chúng ta đang giúp các công dân của mọi bối cảnh tham gia vào công cuộc tái thiết vĩ đại của đất nước chúng ta. Chúng ta tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ luôn tỏa sáng như một vùng đất tự do và là ánh sáng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta muốn mọi quốc gia phải ngước nhìn chúng ta như hiện nay. Chỉ một vài năm trước đây, chúng ta không phải là một quốc gia được kính trọng. Chúng ta đã đi lạc đường. Đất nước chúng ta đang được mọi người tôn trọng một lần nữa. (Vỗ tay.)

Sáng nay, chúng ta hãy xin Cha trên Trời hướng dẫn các bước chân của chúng ta, bảo vệ con cái chúng ta và chúc phúc cho gia đình chúng ta. Và với tất cả trái tim của chúng ta, chúng ta hãy mãi mãi đón sự thật vĩnh cửu rằng mọi đứa trẻ đều được tạo ra bình đẳng từ bàn tay của Thiên Chúa Toàn Năng.

Cảm ơn các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho các bạn. Và xin Chúa phù hộ nước Mỹ. Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay.)


Source:The White House
 
Corona là virus hay vũ khí sinh học của Trung Quốc? Chủ tịch Ủy ban Giáo dân của Hội Đồng Giám Mục Phi lên tiếng
Giáo Hội Năm Châu
15:32 07/02/2020
Sự bùng phát dịch bệnh coronavirus, có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã đặt các mạng xã hội trước một thách đố lớn trong đó các thông tin sai lệch và những giả thuyết hoang tưởng về các âm mưu kinh khủng, đang gây hoảng loạn cho xã hội.

Các mạng xã hội lớn thực sự đang bị biến thành những địa bàn tung ra các thông tin sai sự thật, đầy ác ý và gây sợ hãi cho xã hội. Trước tình trạng lây lan quá nhanh của virus này, trong các ngày qua, các mạng xã hội đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tung ra các giả thuyết, chẳng hạn như cho rằng virus chết người này là một vũ khí sinh học do các phòng thí nghiệm của Trung Quốc tạo ra và đường phố Vũ Hán tràn ngập hàng ngàn xác chết.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này con số tử vong tại Hoa Lục đã vượt quá 600 người, và hơn 31,000 người bị nhiễm bệnh tại tất cả 34 tỉnh và đặc khu cấp tỉnh của Trung Quốc. Phần lớn các ca tử vong cho đến nay đều là người cao tuổi và đã có những bệnh khác trong người, gọi chung là có tiền sử bệnh án, và rất hiếm xảy ra nơi trẻ con. Trẻ em và người cao tuổi đều có hệ miễn dịch tương đối kém. Tại sao dịch bệnh này lại có vẻ “chừa” trẻ em ra? Trả lời cho câu hỏi đó, trên các mạng xã hội không thiếu những giả thuyết cho rằng Trung Quốc đã biến đổi gen của một số loại virus corona, thành một loại coronavirus mới chỉ gây tử vong cho người cao tuổi nhằm “giải quyết dứt điểm” những người già thường được xem là gánh nặng cho xã hội. Có người còn cho rằng đó là một thứ vũ khí sinh học của Trung Quốc với ý định ban đầu là đánh vào Mỹ, nơi có đến 40% mắc bệnh béo phì, tức là có một dạng tiền sử bệnh án phù hợp để virus gây tử vong. 82% dân Mỹ lại sống ở các thành thị, là môi trường virus rất dễ lây lan. Lý do nó đang hoành hành tại Trung Quốc là vì một tai nạn ngoài ý muốn, khiến cho nước này bất ngờ không khống chế được.

Sau khi lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán được công bố, những người nước ngoài đang có mặt trong thành phố này đều mong mỏi thoát được cái ổ dịch này càng sớm càng tốt. Hành động vô tiền khoáng hậu, là cách ly cả một thành phố hàng chục triệu dân như thế, đã được cho là một âm mưu của phía Trung Quốc, nhằm khéo léo trục xuất toàn bộ những người nước ngoài đang có mặt trong thành phố này, và ngăn cản những người khác đến đó ngõ hầu có thể bảo vệ các dấu vết của một thứ vũ khí sinh học chết người.

Tất cả những điều này có lẽ chỉ là các giả thuyết hoang tưởng. Bọn cầm quyền tại Vũ Hán, theo thói quen đã trở thành nền nếp tư duy của cộng sản, đã che giấu thông tin hơn một tháng trời trong khi đương đầu với dịch bệnh một cách quờ quạng, bừa bãi, khiến cho sự lây nhiễm lan rộng. Sau đó, chúng lại cố tình che giấu số lượng các trường hợp nhiễm bệnh, dẫn đến sự bùng phát căn bệnh trong khu vực đô thị, nơi người dân không được cảnh báo để đề phòng một cách thích hợp. Câu chuyện có lẽ chỉ có như thế thôi.

Nhiều Hội Đồng Giám Mục và cá nhân các vị Giám Mục trên thế giới đã trấn an anh chị em giáo dân.

“Trong bối cảnh đầy các tin giả, đầy những lời đồn đại gây hoang mang như thế, người Công Giáo không nên sợ hãi mà thay vào đó nên quan tâm đến bản thân và những người khác, kể cả bằng phương tiện cầu nguyện.” Đức Cha Broderick Soncuaco Pabillo, Giám Mục Phụ Tá của Manila đã hô hào như trên.

Trong một thông điệp được công bố hôm 5 tháng Hai trên phương tiện truyền thông xã hội, Đức Cha Pabillo, chủ tịch Ủy ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, lưu ý rằng “Chúng ta phải quan tâm đến tình hình hiện nay, nhưng không nhất thiết phải sợ hãi, không nhất thiết phải cảm thấy bất lực. Các thông tin thích hợp, kịp thời và chính xác là cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Tin tức sai lạc vừa có thể gây hoảng loạn và mặt khác nó cũng có thể tạo ra sự lơ là mất cảnh giác.”

Đức Cha Pabillo thừa nhận rằng tình hình là rất nghiêm trọng, nhưng các bước đã được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

“Trên thực tế, chúng ta không chỉ cần biết những tin xấu mà còn cả những tin tốt, và những tin tốt như thế cũng rất nhiều. Thật vậy, điều quan trọng là phải có các thông tin về các sáng kiến được đưa ra để thể hiện tình liên đới và sự quan tâm đến tất cả mọi người.”

Đức Cha Pabillo cũng kêu gọi các Kitô hữu bày tỏ tình liên đới của mình qua cầu nguyện. “Suốt dòng lịch sử, chúng ta đã thấy rằng bao nhiêu dịch bệnh đã bị chặn đứng không chỉ nhờ các phương tiện y tế mà còn nhờ những lời cầu nguyện và những hành động bác ái to lớn”.