Ngày 27-01-2020
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha Voderholzer chỉ trích: Chúng ta chỉ quay tít mù chung quanh chính mình
Đặng Tự Do
17:23 27/01/2020
Như chúng tôi đã loan tin, hôm 18 tháng Giêng, một nhóm giáo dân người Đức và cả những người đến từ các quốc gia khác đã tập trung cầu nguyện trong thầm lặng trước Tòa Giám Mục Munich, để yêu cầu chấm dứt tình trạng họ gọi là “che đậy và lừa dối” trong tiến trình công nghị gây tranh cãi đang diễn ra ở Đức, trong đó các Giám Mục Đức cam kết sẽ “đánh giá lại một cách mới mẻ” giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ về đồng tính luyến ái, và đạo đức tình dục nói chung, cũng như các bí tích truyền chức thánh và hôn nhân.

Nhiều Giám Mục Đức cũng lên tiếng phản đối tiến trình công nghị do Hồng Y Marx chủ xướng.

Trong số ra ngày thứ Hai 27 tháng Giêng, tờ Die Tagespost cho biết Đức Cha Voderholzer, Giám mục Regensburg vừa lên tiếng phê bình tiến trình công nghị này. Ngài đặc biệt chỉ trích xu hướng của một số Giám Mục Đức chỉ đề cập đến các vấn đề bên trong nội bộ Giáo hội và cho rằng ta phải chống lại tình trạng suy thoái hiện nay của Giáo Hội Đức bằng một “phương thế truyền giáo mạnh mẽ” hướng ngoại.

Nhận xét về cuộc tranh luận cải cách đang diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo tại Đức, Đức cha Rudolf Voderholzer của Regensburg quan sát thấy xu hướng của các Giám Mục chỉ loanh quanh giải quyết các vấn đề nội bộ của Giáo Hội. Đức Cha Voderholzer phàn nàn rằng: “Chúng ta chỉ quay tít mù chung quanh chính mình”. Triệu chứng của thái độ này là việc nhấn mạnh đến ơn gọi của anh chị em giáo dân, trong các cuộc tranh luận hiện nay, thực tế, chỉ xoay quanh vấn đề về sự tham gia, mà cụ thể là tham gia phục vụ cho các giám mục và linh mục.

Đức Giám Mục của Regensburg đã đưa ra lập trường trên vào tối Chúa Nhật 26 tháng Giêng trong một bài giảng nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngài được tấn phong Giám Mục.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo

Đức Cha Voderholzer nói tiếp rằng ngài tin chắc rằng “chỉ có con đường truyền giáo mạnh mẽ hơn mới đưa chúng ta tiến lên được”. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên người Công Giáo tại Đức. Đức Cha nhấn mạnh rằng “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Trong các cuộc tranh luận hiện nay, “điều thiếu sót nghiêm trọng là những gì Công đồng Vatican II gọi là cốt lõi. Đó là lời mời gọi các tín hữu nam nữ, những người đã được rửa tội, được củng cố trong Chúa Thánh Thần, và kết hợp với Giáo hội phải thanh tẩy thế giới, tức là phải mang Tin Mừng vào chính trị và kinh tế, vào nghệ thuật, khoa học và văn hóa. Trong tình hình hiện nay, khắp nơi, chúng ta đều thiếu những người đem đức tin làm muối men cho đời.”

Một cách cụ thể, Đức Cha Voderholzer khích lệ rằng bước đầu tiên là luôn tự truyền giáo. Điều này phải bắt đầu bằng câu hỏi: “Tình yêu của tôi dành cho Chúa Kitô ở đâu và lòng yêu mến truyền đạt lời Ngài cũng như Lòng Thương Xót của Ngài cho thế giới nằm ở chỗ nào?”

Kế đến, “chúng ta phải bắt đầu với những lời cầu nguyện thân mật hơn, với sự thờ phượng sốt mến hơn, với việc đọc Kinh thánh và suy tư dựa trên Kinh thánh, với sự giáo dục thêm về tôn giáo, đọc sách, và thảo luận về tâm linh. Nếu không có những gì đốt cháy trong tôi, tôi lấy cái gì để truyền đạt cho người khác đây?”

Việc suy giảm thực hành đức tin là một thách thức

Trong tư cách là Giám mục, Đức Cha cho biết ngài nhìn thấy những thách thức lớn nhất đối với giáo phận trong những năm tới. “Đó là sự suy giảm việc thực hành đức tin, sự hiểu biết nông cạn về thông điệp của Kinh Thánh, sự sa sút cầu nguyện và trên hết là sự giảm sút tham dự Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật.”

Ngài bày tỏ sự thông cảm đối với hoàn cảnh của nhiều bậc cha mẹ, là những người cảm thấy là một nỗi đau rất lớn khi không thể khơi dậy đức tin trong trái tim của thế hệ trẻ, là những người mà họ muốn trao tặng không chỉ một tương lai vật chất an toàn nhưng cả một nền tảng tinh thần và tâm linh.

Đối diện với những thách thức lớn như thế, chúng ta cần đổi mới và hoán cải. Cuộc sống của chúng ta phải là những chứng tá cho Tin Mừng ngay trong gia đình của mình, tại nơi làm việc và rộng ra là ngoài xã hội.

Một số Giám Mục Đức cho rằng Giáo Hội Công Giáo tụt hậu ít nhất là 200 năm so với xã hội đương đại. Các vị này chủ trương hiện đại hóa Giáo Hội bằng cách thay đổi các chuẩn mực và giáo lý phổ quát của Giáo Hội về đồng tính luyến ái, và đạo đức tình dục nói chung, cũng như các bí tích truyền chức thánh và hôn nhân, cho phù hợp với những cái họ gọi là “nhận thức mới của khoa học ngày nay”. Theo Đức Cha Voderholzer, động tác này thay vì đem đức tin làm muối men cho đời như lời dạy của Công Đồng Vatican II, lại làm ngược lại là tục hóa đức tin và Giáo Hội của chúng ta dưới ảnh hưởng của thuyết tương đối trong đó chủ trương rằng không có gì là tuyệt đối, và nếu có đi chăng nữa, đó là những điều không thể vươn tới, và do đó, không liên quan gì đến xã hội loài người.


Source:Die Tagespost
 
Đời sống đức tin Công Giáo cuả siêu cầu thủ Kobe Bryant
Trần Mạnh Trác
17:37 27/01/2020
Los Angeles, California, ngày 26 tháng 1 năm 2020 ( CNA ).- Siêu sao bóng rổ Kobe Bryant và con gái 13 tuổi Gianna đã qua đời vào Chúa Nhật 26 tháng 1 trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Nam California.

Tất cả 9 người cùng đi trong chuyến bay đều thiệt mạng.

Bryant, 41 tuổi, Công Giáo, cha cuả 4 người con, được coi là một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất. Anh đã nghỉ hưu vào năm 2016 sau 20 năm gắn bó với đội Los Angeles Lakers. Là một cầu thủ hàng tiền vệ, anh đã giành được năm chức vô địch NBA, một giải thưởng MVP, hai chức vô địch ghi bàn và nhiều vinh dự khác.

Bên ngoài bóng rổ, Bryant là một người chồng và một người cha, năm 2015 đã thú nhận rằng đức tin Công Giáo đã giúp anh vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống ngoài đời và trong gia đình.

Bryant lớn lên trong một gia đình Công Giáo, và có một thuờ thơ ấu ở bên Ý. Ông kết hôn năm 2001 tại một giáo xứ ở Nam California.

Năm 2003, Bryant đã bị bắt sau khi bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ trong khách sạn ở Colorado.

Bryant thừa nhận có quan hệ tình dục với người phụ nữ, nhưng phủ nhận rằng anh ta đã tấn công tình dục. Khi vụ việc trở thành công khai, Bryant đã bị mất tài trợ và phải đối mặt với một cáo buộc hình sự, nhưng cuối cùng vụ kiện đã bị bỏ.

Bryant đã đưa ra một lời xin lỗi đến người tố cáo mình, mà anh đã thỏa thuận ngoại toà.

Mặc dù tôi thực sự tin rằng cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi là đồng thuận, nhưng tôi nhận ra rằng cô ấy đã không xem vụ việc này giống như tôi. Sau nhiều tháng xem xét các sự kiện, lắng nghe luật sư của cô ấy và lời khai của cô ấy, bây giờ tôi hiểu cô ấy cảm thấy thế nào trong cuộc gặp gỡ không đồng ý này, là lời xin lỗi năm 2004 của Bryant.

Vào năm 2015, anh nói với báo thời trang GQ rằng sau khi vấn đề được giải quyết, anh quyết định rũ bỏ một số những hời hợt mà anh đã xây dựng để đánh bóng hình ảnh côgn khai cuả mình.

Những gì tôi hiểu được, từ vụ Colorado đó, là tôi phải là tôi, ở nơi tôi đang ở vào thời điểm đó.

Bryant nói rằng nhờ có một linh mục đã giúp anh thực hiện một số nhận thức cá nhân quan trọng trong thử thách đó.

Mô tả nỗi lo sợ bị tống vào tù vì một tội ác mà anh tin rằng mình không phạm phải, Bryant nói với GQ rằng, Điều thực sự giúp tôi trong suốt quá trình đó, vì là người Công Giáo, tôi lớn lên theo đạo Công Giáo nói chuyện với một linh mục.

Nói ra có vẻ buồn cười: Cha ấy nhìn tôi và nói, ‘Ông có phạm tội không?' Và tôi nói, 'Tất nhiên là không.' Sau đó, Cha hỏi, 'Ông có một luật sư giỏi?' Và tôi noí, 'Uh, yeah, ông ấy là một luật sư phi thường.' Do đó, Cha ấy chỉ nói, "Hãy để sự việc trôi qua. Cứ tiến lên. Chúa sẽ không gừi cho ông bất cứ điều gì quá tầm tay cuả ông đâu, và như vậy thì điều này đang nằm trong tay cuả Chuá rồi. Đây là một điều ông không thể kiểm soát. Vì vậy, hãy để nó trôi qua. ' Và đó là một bước ngoặt, Bryant nói.

Cái quyết định vào năm 2004 là tín thác mọi sự nơi Chúa, đã không có nghĩa là cuộc sống của ngôi sao bóng rổ không gặp khó khăn, hay chỉ là đức hạnh.

Năm 2011, bà vợ Vanessa Bryant đệ đơn ly hôn với Kobe, với lý do sự khác biệt không thể hòa giải. Nhưng Bryant cho biết anh quyết định không từ bỏ cuộc hôn nhân, và hai năm sau, vợ anh đã rút đơn ly hôn.

Tôi sẽ không nói rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi hoàn hảo, bởi bất kỳ sự tưởng tượng nào, Bryant nói với GQ vào năm 2015.

Chúng tôi vẫn cãi nhau, giống như mọi cặp vợ chồng. Nhưng bạn biết đấy, tôi từng có tiếng là một vận động viên cực kỳ quyết tâm, và tôi làm việc hết mình. Làm thế nào tôi có thể làm điều đó trong cuộc sống chuyên nghiệp nếu tôi không làm như vậy trong cuộc sống cá nhân, khi nó ảnh hưởng đến những đứa con của tôi? Nó sẽ không có ý nghĩa gì.

Bryant và vợ là giáo dân thường xuyên tại một giáo xứ ở Orange, California và một số người đã nhắc lại trên truyền thông xã hội rằng đã thấy anh ta đi dự Thánh lễ trước khi đi chuyến bay trực thăng định mệnh.

Một số người khác thì nhắc lại rằng đã thấy anh ta trong các Lễ ngày thường ở California.

Ca sĩ Cristina Ballestero đã đăng trên Instagram vào ngày 26 tháng 1 một câu chuyện về cuộc gặp gỡ của cô với Bryant tại Nhà thờ Holy Family ở Orange, California trong một Thánh lễ trong tuần.

Khi chúng tôi đi lên rước lễ, [Bryant] đã đợi cho tôi đi trước. Nếu bạn lớn lên trong Giáo Hội Công Giáo, bạn hiểu đây là một dấu hiệu tôn trọng phụ nữ. Anh ấy khen tôi có giọng hát rất hay.

Đặc điểm đáng được noi gương nhất của anh ấy là quyết định đặt niềm tin vào Chúa và nhận được lòng thương xót của Chúa và trở thành một người đàn ông tốt hơn sau một quyết định đáng tiếc, cô Ballestero nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Los Angeles Jose Gomez đã tweet một lời tri ân đến anh Bryant:

“Thật là đáng buồn khi nghe tin #KobeBryant đợt ngột ra đi sáng nay. Tôi dâng lời cầu nguyện cho anh và gia đình anh. Xin cho anh đưo85c an nghỉ và xin Đức Mẹ Maria đem lại sự an ủi cho những người thân cuả anh. #KobeBryantRIP”

Bryant cũng đã kết nối đức tin Công Giáo của mình với một cam kết cuả gia đình để giúp đỡ những người nghèo, qua Quỹ Gia đình Kobe & Vanessa Bryant. Quỹ này tài trợ cho các nhà tạm trú cuả thanh thiếu niên và nhiều công việc bác ái phục vụ người nghèo khác.

“Bạn phải làm một cái gì đó có trọng lượng hơn một chút, có ý nghĩa hơn một chút, mục đích hơn một chút,” anh nói vào năm 2012, theo tờ Los Angeles Times.

“Vấn đề vô gia cư bị đẩy vào đằng sau bởi người ta dễ dàng để đổ lỗi cho những người vô gia cư và nói, Đấy nhé, bạn đã làm cái quyết định tồi tệ đó. Đây là nơi bạn đang ở. Đó là lỗi của bạn."

“Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều phạm phải sai lầm mà nếu chúng ta dừng lại và cho phép một người nào đó sống theo cách đó thì đó là một hành động rửa tay, điều đó không đúng,” anh nói.

Thông báo về tang lễ cho Bryant và con gái ông vẫn chưa được công bố.
 
Thảm họa Cào cào Châu chấu tràn lan tại Kenya miền đông Phi Châu
Thanh Quảng sdb
18:11 27/01/2020
Thảm họa Cào cào Châu chấu tràn lan tại Kenya miền đông Phi Châu

(Tin Vatican - Francesca Merlo)
Một trời Cào cào Châu chấu đang hủy phá mùa màng, hủy hoại lương thực và đe dọa cả các đoàn gia súc, sau khi tàn phá một số miền của các nước Etiopia và Somalia, đang lan tràn khắp vùng Đông phi, để xông chiếm nước Kenya, một đất nước có 10 triệu dân, đã và đang phải đối diện với tình trạng nghèo đói… Một số khu vực ở các nước Ethiopia và Somalia - đã phải đối diện với tai ương toàn diện cực lớn này trong 25 năm qua! Toàn bộ mùa màng của họ bị hủy phá!... Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm Hoa Kỳ (FAO) lo ngại rằng vào tháng 6, bầy Cào cào Châu châu này có thể tăng gấp 500 lần, khiến toàn bộ mùa màng miền Nam Sudan và Uganda bị càn quét!

Theo các chuyên gia, cuộc xâm lăng Cào cào Châu chấu hiện đang phá hoại Đông Phi là vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt của năm 2019 gây nhiều nạn hạn hán, được kết thúc bằng những cơn mưa lớn trong nhiều thập kỷ qua.
Ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của Cào cào Châu chấu. Chúng có thể có tới 80 triệu con trong một bầy và một con Cào cào Châu chấu có thể ăn một khối lượng thức ăn tương đương với thân hình của nó mỗi ngày. Khoảng một tấn Cào cào Châu chấu (500,000 con), có thể tiêu thụ một lượng thực phẩm của cả 2,500 người ăn trong một ngày.

Bầy Cào cào Châu chấu vừa mới băng qua Somalia và Ethiopia để đến Kenya được tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Quốc tế (FAO) ước tính, có khoảng 200 tỷ con - bao phủ cả một bầu trời rộng lớn bằng thành phố Moscow.
Cào cào Châu chấu thường được Kinh thánh dùng nói lên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa... Trong tiếng Do Thái, chúng được mệnh danh là 'vô số', và trong thế giới Ả Rập, chúng được gọi là ‘một bầy hoặc một đám’ làm che khuất ‘ánh sáng mặt trời’ thành đêm tối!

Nếu Cào cào Châu chấu không được kiểm soát vào đầu mùa gieo hạt của mùa mưa sắp tới - thường là vào khoảng tháng 3 - thì những người làm rẫy ruộng có thể nhìn thấy trước mùa màng của họ sẽ bị hủy phá!...
 
Phim mới nhất Holy Silence cố gắng đọc tâm tư Đức Piô XII
Vũ Văn An
22:45 27/01/2020
Liên tiếp mấy tuần nay, người ta nghe nói tới nhiều cuốn phim lấy các vị giáo hoàng làm nhân vật chính. Hệ thống Netflix cho ra đời “Hai vị Giáo Hoàng” (Two Popes). Hệ thống HBO cho ra đời “Tân Giáo Hoàng” (New Pope) và mới đây, cuốn phim “Sự Im Lặng Thánh Thiện” (Holy Silence) đã được trình chiếu lần đầu tiên ngày 21 tháng 1, 2020, tại Đại Hội Phim Ảnh Do Thái tại Miami.



Đây là cuốn phim nói về sự im lặng của Đức Piô XII trước Nạn Diệt Chủng (Do Thái) của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, một chủ đề gây tranh cãi rất nhiều từ những năm cuối thập niên 1950 cho tới nay, nhất là dịp xuất bản cuốn Hitler’s Pope (Giáo Hoàng của Hitler) của John Cornwell năm 1999. Bản thân chúng tôi có một số bài viết về chủ đề này (Xin xem Gia Tô Bí Lục Tân Thời, Vietcatholic 15-20/11/2008; Vatican và vấn đề Tài Liệu, Vietcatholic 21-24/01/2009; Vatican và vấn đề Diệt Chủng, Vietcatholic 25-26/01/2009). Phần lớn giới truyền thông thế tục, nhất là giới truyền thông chịu ảnh hưởng hoặc thân Do Thái, có cái nhìn tiêu cực về việc cho là Đức Piô XII im lặng hay không hành động đủ để ngăn chặn bàn tay sát máu của Quốc Xã đối với người Do Thái. Phản ứng tiêu cực này mạnh đến nỗi diễn trình phong thánh cho vị Giáo Hoàng rất thân yêu này thực tế đã phải khựng lại.

Nay, theo Clemente Lisi, một chủ bút kỳ cựu và là người thường xuyên viết cho Religion Unplugged, cựu trưởng ban tin tức của New York Daily News và hiện dạy môn báo chí tại The King’s College ở New York, với cuốn phim tài liệu “Holy Silence”, người ta bắt đầu có cái nhìn trung thực hơn đối với vị Giáo Hoàng vốn nổi tiếng chống Cộng này (xin xem https://religionunplugged.com/news/2020/1/25/holy-silence-new-documentary-aims-to-shed-light-on-pope-pius-xii-jews-and-world-war-ii)

Theo Lisi, cuốn phim này ra đời non hai tháng trước ngày Vatican dự định mở văn khố mật liên quan đến triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII. Vị Giáo Hoàng này vốn trị vì Giáo Hội Công Giáo từ năm 1939 tới năm 1958, những năm tháng bao gồm Thế Chiến II. Văn khố này sẽ cung cấp 17 triệu trang tài liệu liên quan tới thời gian này và chắc chắn sẽ cung cấp nhiều bối cảnh lịch sử cho các hành động và tư duy của Đưc Piô XII.

Cuốn phim “Holy Silence”, theo Lisi, trên thực tế cũng cung cấp bối cảnh lịch sử cho giai đoạn này, một giai đoạn cũng chiếm nhiều không gian tin tức trong tuần này vì lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tử thần Auschwitz.

Thành thử cuốn phim, theo Lisi, là khúc dạo đầu để đưa công chúng tới chỗ học hỏi thêm về bối cảnh lịch sử các biến cố của giai đoạn này bao gồm việc Đức Quốc Xã xâm chiếm phần lớn Âu Châu, Nạn Diệt Chủng Do Thái và Thế Chiến II, do đó, là vai trò của hai vị Giáo Hoàng có liên hệ là Đức Piô XI và Đức Piô XII.

Nhờ cuốn phim, người ta biết rằng Đức Piô XI, người vốn có bệnh tim, ngày càng được báo động về việc đối xử với người Do Thái ở Đức. Trong một cố gắng nhằm giải quyết tình huống, ngài thỉnh ý Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lúc đó là Đức Hồng Y Eugenio Pacelli (tức Đức Piô XII sau này), và kêu gọi sự giúp đỡ của Cha John LaFarge, một linh mục Dòng Tên và là phụ tá chủ bút tạp chí America ở Hoa Kỳ, trong việc soạn thảo một thông điệp nhằm tuyên bố rằng Người Do Thái có đủ tư cách được hưởng các quyền lợi và che chở bình đẳng như mọi người khác.

Bản thảo thông điệp ấy của Cha LaFarge không bao giờ được công bố. Đức Piô XI qua đời năm 1939 và Đức Hồng Y Pacelli kế nhiệm, lấy danh hiệu là Piô XII. Căn cứ vào thái độ bài Do Thái của một số giáo phẩm Công Giáo cũng như một số thương lượng của Đức Hồng Y Pacelli với Mussolini và Hitler, nhiều người mong tân Giáo Hoàng Piô XII làm nhiều hơn nữa. Nhưng ngài đã quyết định giữ im lặng.

Tuy thế, phần lớn những gì đã được tiết lộ, liên quan đến các tài liệu đã được công bố và ký ức của các nhân chứng, phần lớn vẫn còn là một bí ẩn và các hành động vẫn được bỏ ngỏ cho nhiều giải thích khác nhau. Đức Piô XII thực sự là một vị thánh hay một tội nhân? Đây là một vấn đề không đơn giản.

Cuốn phim cuối cùng không cho ta câu trả lời dứt khoát. Điều nó làm, theo Lisi, là kể lại câu truyện như nó đã xẩy ra lúc đó, dành cho lý luận của cả hai bên một tường thuật đồng đều và để cho người xem tự quyết đoán liệu Đức Giáo Hoàng có nên làm hay nói hơn thế hay không. Cuốn phim tự hạn chế không dám gọi Đức Piô XII là Giáo Hoàng của Hitler như khá nhiều người làm trong quá khứ.

Thực thế, cuốn phim 72 phút này cho hay: bồi thẩm đoàn vẫn chưa quyết đoán liệu Đức Piô XII có cảnh cáo người Do Thái về việc trục xuất tới các trại tập trung hay không một khi Quốc Xã nắm quyền ở Ý năm 1943 và liệu ngài có ra lệnh cho các nhà thờ và các định chế Công Giáo khác cung cấp nơi ẩn trú cho người Do Thái hay không. Văn khố mật có thể sẽ rõi nhiều ánh sáng cho các tình huống này.

Tuy nhiên, cuốn phim cho rằng Đức Piô XII quyết định không đứng về phe nào, thay vào đó hy vọng không làm mất lòng Quốc Xã. Các sử gia được phỏng vấn trong phim cho rằng Đức Piô XII không tin chắc Đồng Minh sẽ thắng cuộc chiến, nên đã quyết định giữ im lặng bất chấp sự thúc giục của Hoa Kỳ và của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, muốn Đức Giáo Hoàng dùng thế giá tinh thần công khai kết án chủ nghĩa Phát Xít. Đức Piô XII sợ có việc bỏ bom Thị Quốc Vatican, một nơi, quả Đức đã dung tha khi xâm chiếm Ý năm 1943, và nhờ thế đã cứu được khá nhiều người Do Thái đến trú ẩn.

Ai cũng biết năm 1929, Vatican và Mussolini đã ký thỏa ước thiết lập Tòa Thánh như một thị quốc độc lập. Suốt thập niên 1930, Đức Hồng Y Pacelli, phái viên của Vatican tại Đức, đã trở thành người chống Cộng Sản quyết liệt, chống đến cái độ, coi nó như mối nguy duy nhất cần được nhân loại hợp nhất diệt trừ. Điều oái oăm là Đức Quốc Xã diệt trừ Cộng Sản không thua ai. Đây có thể là một tình tiết địa chính trị mà cuốn phim, với sự giúp đỡ của một số sử gia được phỏng vấn và một số bản sao các tin truyền hình và phúc trình truyền thanh lúc đó, muốn soi sáng các hành động tương lai của Vatican và của Đức Piô XII.

Cuốn phim cũng tiết lộ việc người Công Giáo ở Âu Châu và Hoa Kỳ chia rẽ nhau về việc có nên có thiện cảm hay không với Đệ Tam Reich. Phong trào phản Do Thái khá phổ biến nơi một số giới Công Giáo thời đó, một điều sẽ được Giáo Hội giải quyết cả hàng thập niên sau qua các cải tổ của Công Đồng Vatican II và triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, người vốn xuất thân từ Ba Lan.

Việc dâng cao của tâm tư bài Do Thái trên thế giới trong những năm gần đây và việc mở văn khố mật của Vatican sắp tới khiến cho Holy Silence hợp thời một cách mà nhà sản xuất kiêm đạo diễn và người viết kịch bản Steven Pressman có lẽ chưa bao giờ mơ ước khi bắt tay vào dự án này. Thời khắc ra đời cuốn phim, việc nghiên cứu phi thường và thuật kể truyện truyệt vời của nó làm cho những ai yêu mến lịch sử buộc phải coi, cả người Do Thái lẫn người Công Giáo. Điều đặc biệt quan trọng là ta không nên quên để những gì xẩy ra trong quá khứ đừng xẩy ra thêm một lần nữa trong tương lai.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx. Vĩnh Hòa: Thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên & mừng thọ
Văn Minh
10:06 27/01/2020
“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích giữ kho báu”.

Từ lời Chúa trên đây, Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, đã nhắn nhủ như thế cho các bậc làm con cháu trong Thánh lễ kính nhớ về tổ tiên. Cách riêng, đối với giáo xứ Vĩnh Hòa hôm nay còn là dịp mừng thọ cho 200 cụ tuổi từ 70 trở lên. Thánh lễ trọng thể được cử hành lúc 6g00 sáng Chúa Nhật ngày 26.01.2020, do ngài chủ sự. Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài quý cụ bậc cao niên, còn có quý thầy, quý soeur, các con cháutrong gia đình các cụ cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ.

Xem Hình

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim chia sẻ: Trong xã hội ngày nay,người ta coi các cụ già (lớn tuổi) nhưlà cỏ rác, và là đồ bỏ đi. Riêng đối với người Kitô hữu, các cụ già là những lễ vật để dâng lên Thiên Chúa, và niềm vui của các ngài là được đi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ mỗi ngày.Hôm nay, Giáo hội dành (ngày mồng Hai Tết) để dâng Thánh lễ kính nhớ cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời, để nói lên lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục, nuôi nấng chúng ta nên người.Vì thế, phận làm con, chúng ta phải thảo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, khi các ngài còn sống phải thăm hỏi, giúp đỡ và nuôi dưỡng; một mai, các ngài khuất bóng thì cầu nguyện và xin lễ cùng các việc lành phúc đức khác. Được như vậy, chúng ta mới làm đẹp lòng Chúa và vui lòng cha mẹ của mình, vì Kinh Thánh dạy rằng: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích chữ kho báu”.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 7g10 cùng ngày.

Trước khi ra về, Lm Gioakim chánh xứ trao đến tận tay cho mỗi cụ một bao lì xì nhân ngày mừng thọ.
 
Lễ Giao Thừa Và Minh Niên Tại Cộng Đoàn Thánh Linh Tempe, Arizona.
Phan Hoàng Phú Quý.
14:55 27/01/2020

(Tempe-Arizona) Trong tâm tình mừng Xuân đón Tết cộng đoàn Thánh Linh đã long trọng tổ chức thánh lễ Giao Thừa vào lúc 7:30 chiều thứ Sáu 24/1/2020. và Thánh lễ Minh Niên vào lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật 26/1/2020

Trước Thánh Lễ giao thừa là nghi thức dâng hương trước bàn thờ tổ quốc để tưởng nhớ công ơn Tiên Tổ đã dày công dựng nước và giữ nước.

Xem Hình

Trong phần chia sẽ Lời Chúa, vị chủ tế đã mời gọi mọi người cảm tạ hồng ân Chúa ban, nhìn lại một năm qua, mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có những niềm vui, hạnh phúc, những nỗi buồn, đau khổ và thất vọng xãy đến trong cuộc đời, nhưng không phải vì những thay đổi đó làm chúng ta nãn lòng, trái lại làm cho chúng ta vững mạnh và vươn lên.

Tất cả mọi ngưòi chúng ta đều đã nhìn thấy vinh quang của Chúa, sau sự thống khổ, chịu chết của Ngài trên Thập Giá là sự sống lại vinh hiển, không có gì chia rẽ giữa chúng ta với Thiên Chúa nếu chúng ta biết sống phó thác cậy trông và tôn kính Ngài.

Đặc biệt trong năm mới này chúng ta phải biết xữ dụng thời gian như là ân huệ Chúa ban cho để sống yêu thương, phục vụ và chu toàn bổn phận của mình bởi vì thời gian sẽ qua rất chậm đối với những kẻ đang chơi, rất nhanh với những người đang sợ, rất dài với những ai đang buồn, rất ngắn với những người đang vui và không hiện hữu với những người đang yêu. Hãy phó dâng cho Thiên Chúa như muôn chim muôn hoa để Ngài gìn giữ chở che và chúc phúc.

Sau thánh lễ giao thừa có phần phát lộc và lỳ xì cho tất cả mọi người.

“ Hãy mạnh dạn tiến về ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”.

Thánh Lễ Minh Niên do Đức Giám Mục Eduardo Nevares chủ tế cùng đồng tế với Đức Giám Mục có Đức Ông Chánh xứ Bùi Đại, linh mục chánh xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và linh muc Thomas nguyên chánh xứ Thánh Linh.

Trong phần huấn từ Đức Giám Mục đã ngõ lời cám ơn Đức ông đã cho ngài cơ hội đến hiệp dâng thánh lễ đầu năm tại giáo xứ Thánh Linh và ngài cầu chúc bình an đến tất cả mọi người bằng tiếng Việt “Chúc Mừng Năm Mới” rất rõ ràng khiến cả thánh đường rất vui và dành cho ngài tràng pháo tay thật dài, ngài hứa sang năm sẽ học nhiều tiếng Việt hơn để chúc nhiều đều tốt đẹp hơn.

Đức Giám Mục mời gọi mọi người hãy theo Chúa, như xưa Chúa đã mời gọi các môn đệ theo Ngài.

Theo Chúa bằng cách nào?

Theo Chúa bằng cách sống tốt với chính mình, làm gương sáng cho mọi người noi theo.

Theo Chúa bằng cách biết phục vụ tha nhân, mỗi người chúng ta có mỗi tài năng khác nhau hãy biết tận dụng tài năng Chúa ban cho để phục vụ đúng vai trò của mình trong lãnh vực mà mình được trao ban.

Theo Chúa bằng cách biết lắng nghe lời Chúa, sống yêu thương hòa giải với mọi người

Theo Chúa bằng cách biết khiêm nhường, ăn năn sám hối, sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Sau thánh lễ mọi người được mời ở lại để tham dự chương trình văn nghệ mừng xuân và thưởng thức những món ăn thuần túy quê hương như chả giò, bánh cuốn, chè 3 màu, chè xôi nước v,v, đặc biệt có phần xổ số rất hào hứng với những lô trúng giá trị như : Ipad, Iphone, TV 65’’.

Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa Năm Mới An Khang Phúc Lộc và nhiều hồng ân của Chúa Xuân.

Xuân Về Đọc Kinh Dâng Tiến Mẹ

Tết Đến Hát Mừng Tạ Ơn Cha

Phan Hoàng Phú Quý
 
Hình ảnh đón xuân Canh Tý tại Gx CTTĐVN- St Petersburg Florida
Trần Mạnh Trác
15:50 27/01/2020
Xem hình ảnh

Như đã báo trước trong bài phóng sự về dịp làm phép nhà xứ cuả Gx Các Thánh Tử Đạo VN- St Petersburg Florida, tiếp theo đây chúng tôi xin gửi tới quí độc giả VietCatholic những hình ảnh vui xuân tại đây.

Đây là cái Tết đầu tiên cuả Cộng Đòan tại khu nhà thờ Chuá Hiển Dung cũ (Biến Hình, Transfiguration Catholic Church ) nay đã đổi tên thành nhà thờ Gx Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Holy Martyrs of Vietnam Parish).

Những cơ sở được bàn giao cho Cộng Đoàn VN gồm có nhà thờ, hội trường, trường học (bị hư hại phải đóng cửa), nhà xứ, 1 số nhà tiền chế đang cho thuê làm nhà kho và nhà dưỡng lão đang được thành phố thuê dài hạn.

Hầu như tất cà các cơ sở cần phải tân trang lại trước khi được xử dụng. Gx đã sửa xong ngôi Nhà Xứ và Văn Phòng Giáo Xứ, việc kế tiếp là ngôi nhà thờ dự định sẽ khai mạc vào tháng 5 tới và thánh lễ Việt Nam sẽ được chuyển sang đây vĩnh viễn sau đó.

Trở về hội chợ Tết, tuy chưa sử dụng được nhiều cơ sở sẵn có ở đây nhưng nhờ có khu đất rộng cho nên Gx đã dựng lên nhiều căn lều để dâng Thánh Lễ và bán hàng Tết. Và trong 2 ngày vừa qua nhờ có khí hậu mát mẻ và khô ráo, cuộc vui Xuân đã diễn ra một cách an bình, tưng bừng và vui tươi.
 
VietCatholic TV
Siêu sao Kobe Bryant, mạnh thường quân của nhiều người Việt Quận Cam chết thảm. ĐTGM bày tỏ nỗi buồn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:01 27/01/2020
Vài tiếng trước đây, cụ thể là vào lúc 9:47’ phút sáng Chúa Nhật 26 tháng Hai, tức là ngày mùng Hai Tết Canh Tý, siêu sao bóng rổ Kobe Bryant đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Nam California, cùng với cô con gái 13 tuổi Gianna.

Bryant là cha của bốn người con, và là người Công Giáo. Nói anh là một người Công Giáo cũng chưa đủ. Thật vậy, anh được coi là một tấm gương sáng cho nhiều người Công Giáo. Vì thế, chỉ một giờ sau khi có tin anh chết thảm trong tai nạn trực thăng, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của tổng giáo phận Los Angeles, và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nhanh chóng bày tỏ nỗi buồn sâu xa của ngài.

Siêu sao bóng rổ Kobe Bryant là giáo dân của nhà thờ chính tòa Thánh Gia ở Quận Cam. Đó là ngôi nhà thờ đã diễn ra thánh lễ an táng cho Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, vị Giám Mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hôm 14 tháng 12, 2017.

Anh thường xuyên đi lễ hàng ngày, là một mạnh thường quân giúp đỡ cư dân trong vùng, nên rất nhiều người Công Giáo Việt Nam sống ở Quận Cam biết mặt anh.

Tổng cộng, chín người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng.

Bryant, 41 tuổi, được coi là một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Anh đã nghỉ hưu vào năm 2016 sau 20 năm gắn bó với đội Los Angeles Lakers, trong đó người tiền đạo này đã giành được năm chức vô địch NBA, một giải thưởng MVP, hai chức vô địch ghi bàn và vô số các giải khác.

Bryant là siêu sao bóng rổ không ngần ngại công khai bày tỏ niềm tin Công Giáo. Anh làm dấu thánh giá trước và sau trận đấu cũng như mỗi khi ghi bàn. Đó là những cử chỉ được nhiều cầu thủ xem là “bất lợi” cho sự nghiệp của mình trong một xã hội tục hoá cao độ đến mức thù hận với niềm tin tôn giáo. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, anh cho biết đức tin Công Giáo của mình đã giúp anh vượt qua những giai đoạn thử thách trong cuộc sống của chính mình và cuộc sống của gia đình.

Bryant lớn lên trong một gia đình Công Giáo, và sống phần lớn thời thơ ấu bên Ý. Anh kết hôn năm 2001 tại một giáo xứ Nam California.

Nhưng chỉ hai năm sau, tức là năm 2003, khi sự nghiệp thể thao đang lên như diều gặp gió, Bryant bị bắt sau khi bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ, là một người hâm mộ anh, trong phòng khách sạn ở Colorado.

Bryant thừa nhận có quan hệ tình dục với người phụ nữ này, nhưng phủ nhận rằng anh đã có hành vi tấn công tình dục cô ta. Khi cáo buộc được công khai hóa, Bryant mất đi nhiều nhà tài trợ và phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Nhưng cuối cùng, cáo buộc này đã bị rút lại.

Bryant đã đưa ra một lời xin lỗi đến người tố cáo của mình, sau khi anh ta đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa.

“Mặc dù tôi thực sự tin rằng cuộc gặp gỡ này giữa chúng tôi đã có sự đồng thuận, bây giờ, tôi nhận ra rằng cô ấy không nghĩ như tôi. Sau nhiều tháng xem xét lại vấn đề, lắng nghe luật sư của cô, và thậm chí cả lời khai của đích thân cô ta, bây giờ tôi hiểu tại sao cô ấy cảm thấy rằng cô ấy không đồng ý với quan hệ này,” Bryant nói trong lời xin lỗi của anh vào năm 2004.

Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2015, siêu sao bóng rổ này cho biết sau khi vấn đề được giải quyết, anh quyết định rũ bỏ một số những tự phụ kiêu căng mà anh cảm thấy mình đã xây dựng trong tính cách của mình.

“Những gì tôi đã hiểu ra, sau vụ Colorado, là lẽ ra phải biết tôi là ai, và giá trị thực sự của mình vào thời điểm đó.”

Bryant nói rằng chính một linh mục đã giúp anh ta nhận thức được chính mình trong thử thách đó.

Bryant cho biết khi xảy ra vụ việc, anh rất sợ phải vào tù. “Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo, con cái tôi là người Công Giáo. Cho nên, trong thử thách đó, tôi đã tìm đến một linh mục và ngài đã giúp tôi nhận thức ra vấn đề là tôi phải biết tôi là ai. Và đó là bước ngoặt trong đời tôi,” Bryant nói.

Sau khi tìm lại được chính mình, anh quyết định đặt niềm tin sâu sắc hơn vào Chúa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống của ngôi sao bóng rổ sau đó hết gặp những khó khăn.

Năm 2011, vợ anh Vanessa Bryant, vẫn ấm ức trong lòng vì vụ lăng nhăng tại Colorado, đã đệ đơn ly hôn với Kobe, với lý do giữa hai người có những khác biệt không thể hòa giải. Bị vợ đòi ly dị là một nỗi nhục đánh mạnh vào tự ái của Bryant. Lý ra với tài sản kếch xù của mình, Bryant sẽ chấp nhận ly dị. Nhưng Bryant cầu nguyện, và cho biết anh quyết định không từ bỏ cuộc hôn nhân của mình, và hai năm sau trước sự thành khẩn của anh, vợ anh đã rút đơn yêu cầu ly hôn.

Bryant và vợ là giáo dân thường xuyên tại nhà thờ chính tòa Thánh Gia ở Quận Cam, California và sau khi anh qua đời, một số giáo dân cho biết trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng họ nhìn thấy anh ta trong Thánh lễ 8 giờ sáng trước khi chuyến đi bằng trực thăng kết liễu cuộc đời anh ta.

Bryant thường xuyên đi lễ hàng ngày, nhiều người Công Giáo Việt Nam sống ở Quận Cam cho biết như thế. Chính ca sĩ Cristina Ballestero cũng xác nhận như thế trong một Instagram vào ngày 26 tháng Giêng. Trong một câu chuyện về cuộc gặp gỡ của cô với Bryant tại nhà thờ chính tòa Thánh Gia ở Quận Cam, California trong một Thánh lễ trong tuần, cô cho biết như sau:

“Khi chúng tôi lên rước lễ, Bryant nhường cho tôi đi trước. Nếu bạn lớn lên trong Giáo Hội Công Giáo, bạn hiểu đây là một hành vi tôn trọng mà một người đàn ông thực hiện trong nhà thờ như một dấu chỉ tôn trọng phụ nữ. Sau lễ, anh còn khen tôi có giọng hát rất hay.”

Cái chết của Kobe Bryant đã được báo cáo trên các phương tiện truyền thông trước cái chết của con gái anh, là bé Gianna, 13 tuổi. Đứng trước cái chết của anh và những người thân trong gia đình, Đức Tổng Giám Mục Los Angeles Jose Gomez đã tweet một lời chia buồn và tri ân đến người anh cả của Bryant.

“Tôi rất đau buồn khi nghe tin tức về cái chết bi thảm của Kobe Bryant sáng nay. Tôi đang cầu nguyện cho anh ấy và gia đình. Xin cho anh được yên nghỉ và xin Đức Maria của chúng ta mang lại sự an ủi cho những người thân yêu của anh.”

Bryant là một mạnh thường quân quảng đại của giáo xứ nhà thờ chính tòa Thánh Gia. Hơn thế nữa, thông qua Quỹ Gia đình Kobe & Vanessa Bryant anh giúp xây dựng các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên và các dự án khác nhằm phục vụ người nghèo trong vùng, mà rất đông là người Việt Nam.

“Bạn phải làm một cái gì đó có một chút trọng lượng, một chút ý nghĩa, một chút mục đích trong đời,” anh nói với tờ Los Angeles Times vào năm 2012.

Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng vòng tay đón anh và những người lâm nạn vào hưởng ánh sáng ngàn thu.


Source:Catholic News Agency