Ngày 26-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tông đồ của một Tông đồ
Lm. Minh Anh
00:38 26/01/2021

TÔNG ĐỒ CỦA MỘT TÔNG ĐỒ
“Hãy làm sống động ơn Chúa trong con,
ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thánh Phaolô không thể đảm đương công việc một mình nên đã chỉ định những người giúp ngài. Thánh Timôthê và Titô Giáo Hội kính nhớ hôm nay là hai giám mục của những thập kỷ đầu tiên thời các tông đồ ngay sau cái chết và sự phục sinh của Thầy. Trong thời gian tràn đầy ân sủng này, các tông đồ và Thánh Phaolô đã đào bới những rãnh sâu đầu tiên vào vùng đất ngoại giáo các ngài đi qua, gieo những hạt giống đức tin Kitô mà các giám mục kế vị sẽ tưới tẩm, ươm mầm và thu hoạch. Điều đó cho thấy, sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một sứ vụ mang tính tông đồ; Timôthê và Titô là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Hẳn chúng ta biết rất ít về Timôthê và Titô ngoài những gì Công Vụ Tông Đồ và các thư Phaolô cung cấp; thế nhưng, ngần ấy nguồn tham khảo vẫn được coi là đủ. Các thế hệ giám mục, các vị tử đạo và các thánh ở thời kỳ hậu tông đồ đã làm chứng sự phổ quát và nhất quán về tính xác thực của các thư Phaolô và các sự kiện họ kể lại. Qua đó, việc đặt tay của các tông đồ cho các cộng sự viên có một ý nghĩa đáng kể; những người được chọn là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Là ‘tông đồ của một Tông Đồ’, Timôthê và Titô đã chia sẻ, hợp tác với sứ vụ của Thánh Phaolô, người có liên hệ trực tiếp với Chúa Giêsu qua biến cố tỏ mình của Ngài trên đường ông đến Đamas; vì thế, không phải ngẫu nhiên, Timôthê và Titô được nhớ đến ngay sau ngày mừng kính vị Tông Đồ Dân Ngoại. Timôthê và Titô, cũng như nhiều người khác được biết đến và chưa được biết đến, đã thi hành tác vụ linh mục của mình ở cấp địa phương vốn cũng thuộc về những miền rộng lớn hơn ở cấp khu vực mà Phaolô đảm trách. Thông thường, công việc của Phaolô, và có thể là của các tông đồ còn sống khác, là chỉ định những người phụ tá bất cứ nơi nào các ngài đi đến; với thẩm quyền tông đồ, các ngài đã trực tiếp bổ nhiệm những người xứng đáng. Các phụ tá được gọi là linh mục hoặc giám mục; các phó tế cũng tham gia thánh chức linh mục, họ sẽ là những phụ tá cho các giám mục nhiều hơn. Trong thư gửi cho Timôthê hôm nay, Phaolô nói, “Hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”, và đó là nguồn gốc của việc truyền chức cho các ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Mối liên hệ trực tiếp với ‘Một Tông Đồ’, thông qua chức vụ trực tiếp của ngài hoặc một người mà vị tông đồ chỉ định là ‘yếu tố căn bản’ để thành lập một Giáo Hội. Đây là một chủ đề thường xuyên trong các thư Phaolô, ‘Không có Tông Đồ, không có Giáo Hội’. Nói cách khác, việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn và phải luôn luôn xảy ra đồng thời với nền tảng của một Giáo Hội địa phương có cấu trúc vững chắc. Xu hướng hiện đại vốn chỉ nhấn mạnh đến tính nội tại và cá nhân trong việc rao giảng, nghĩa là ‘mạnh ai nấy làm’, đã không bao giờ được biết đến đối với Hội Thánh sơ khai; vì như thế, sẽ là một Giáo Hội ‘không tông truyền’. Bởi lẽ, Giáo Hội mang một thông điệp và tự nó, Giáo Hội là thông điệp. Nội dung Tin Mừng và hình thức cộng đồng của Tin Mừng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Việc phân rẽ nội dung và hình thức này khác nào ‘amip’ vốn sẽ đưa đến một sự chia cắt không thể tránh khỏi một khi Giáo Hội và sứ điệp của Giáo Hội bị tách rời. Sẽ rất dễ dàng để chúng ta nhận ra điều này ở các Giáo Hội anh em; vì lẽ, họ không có bí tích truyền chức.

Điều gì khiến Công Giáo khác với các tôn giáo khác? Câu hỏi đó đã được thảo luận tại một hội nghị. Một số người lập luận, Công Giáo duy nhất trong việc giảng dạy một Thiên Chúa làm người; có người phản đối, các tôn giáo khác dạy những giáo lý tương tự. Còn về sự sống lại? Không, các tín ngưỡng khác cũng tin người chết sống lại. Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Nhà văn Clive Staples Lewis đến muộn, ngồi xuống và hỏi, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Khi biết đó là cuộc tranh luận về tính độc đáo của Công Giáo, ông lập tức nhận xét, “Ồ, dễ quá. Đó là tông truyền!”.

Anh Chị em,

Lewis nói đúng, ‘tông truyền’, đặc tính thứ tư, là một trong những lý do làm cho Hội Thánh độc đáo; qua đó, Đức Thánh Cha, Giám mục Rôma và các Giám mục từ tay các tông đồ, đã nhận lãnh sứ vụ cũng là thánh chức được Chúa Giêsu thiết lập. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục, những ‘tông đồ của một Tông Đồ’ trung thành sắt son với sứ mạng của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để Thiên Chúa có thể ở giữa dân Người, nhờ bí tích truyền chức, Giáo Hội có các ‘tông đồ của một Tông Đồ’; xin cho con biết yêu mến Giáo Hội qua việc yêu mến, vâng phục và cộng tác với các mục tử của mình”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lời Chúa Là Đèn Soi Cho Con Bước
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
12:33 26/01/2021
Chúa Nhật 4 Thường Niên B
“Lời Chúa Là Đèn Soi Cho Con Bước”

Sau khi tuyển chọn các môn đệ, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mạng cứu thế. Ngài giảng dạy trong hội đường ở Capharnaum vào ngày Sabat khiến “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người ”. Hành động trừ quỷ làm cho “mọi người kinh ngạc”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng và có sức mạnh chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và tẩy trừ tội lỗi để cứu chuộc loài người. Ngài tha tội và chữa lành thương tích trong tâm hồn con người. Dân chúng ngưỡng mộ, sửng sốt, kinh ngạc, thán phục và tuôn đến với Ngài.

1. Sửng sốt về lời giảng dạy

Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat. Vì là thành phần của dân giao ước nên mọi người trong hội đường đều có quyền đọc và bình giảng một đoạn sách Thánh nào đó. Chúa Giêsu đọc sách và giảng dạy dân chúng. Thánh Maccô không cho biết Chúa đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung giảng dạy hôm ấy. Maccô chỉ kể “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Thiên hạ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi, phong thái giảng dạy như một Đấng có uy quyền khác với các kinh sư luật sĩ. Các kinh sư, là những người chuyên học hỏi Luật Môsê và dạy dỗ dân chúng, khi giảng dạy luôn dựa vào lời các bậc thầy nổi tiếng, càng ngược lên tới gần Môsê thì càng có giá trị. Còn Chúa Giêsu thì giảng dạy như Đấng có uy quyền: các người đã nghe…còn Tôi, Tôi bảo các ngươi…

Thiên hạ kinh ngạc vì chính quyền năng mà Chúa Giêsu dùng trong lời giảng dạy. Ngài giảng bằng năng quyền. Trong khi đó, các kinh sư thường dựa vào những lời trích dẫn từ các thầy thông luật vĩ đại trong quá khứ để hỗ trợ cho câu nói của mình. Điều này cho thấy có sự phân biệt giữa quyền năng và ảnh hưởng, giữa sức mạnh và sự kiểm soát. Một số người có quyền năng về mặt luân lý, nhưng lại không hề có sức mạnh; có người gây ảnh hưởng nhất, nhưng lại không cần phải kiểm soát những người mà họ gây ảnh hưởng. Một người có thể có tất cả quyền năng trên trần gian, lại vẫn thất bại trong vai trò của một người giảng dạy.

Thiên hạ còn kinh ngạc về giáo lý của Người. Giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý Cựu ước. Họ sửng sốt kinh ngạc là phải, bởi lẽ Chúa Giêsu không giải thích truyền thống của cha ông nhưng là giáo huấn của Chúa Cha. Người không công bố lề luật nhưng công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người xuất hiện như Đấng mang lấy thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao và là Đấng ban lề luật mới là Tin Mừng và là Thần Khí.

2. Kinh ngạc vì uy quyền trong hành động

Chúa Giêsu giảng dạy và thiết lập Nước Thiên Chúa bằng hành động thực hiện nội dung lời rao giảng. Trong hội đường hôm ấy, có một người bị thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu, satan run sợ. Đối diện với Đấng quyền năng, satan sợ hãi: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng?”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Ngài dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân. Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

Chúa Giêsu có quyền xoá bỏ tội lỗi cho con người. Ngài có quyền trên quỷ ô uế và thần dữ, bắt chúng vâng phục. Ngài ra lệnh cho chúng và chúng sợ hãi la lớn tiếng. Một uy quyền khác cũng cho biết Ngài có toàn quyền trên thế giới thiên nhiên khi thuyền chìm giữa biển vì sóng to gió lớn, các tông đồ sợ hãi kêu cầu và Ngài truyền lệnh cho sóng gió ngưng lại.

Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền trong lời nói và nhiều hiệu năng trong hành động. Ngài đã giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của bản năng và của sự ác để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng trong sạch vẹn tuyền đã đẩy lui và tiêu diệt sức mạnh satan.
Ma quỉ là một quyền lực cụ thể đang hoành hành trên thế giới. Người ta có thể gọi tên quyền lực này là Belzebuth, Lucifer, Belial, là con rắn xưa, là tên dối trá, tên cám dỗ… Tất cả đều chỉ thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch Thiên Chúa và đưa con người vào nô lệ.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao hình thái nô lệ, biết bao xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người. Điều kinh khủng là người ta không nhận ra mình đang bị nô lệ. Nô lệ cho quyền lực như Hitler, Pônpôt... Nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc rượu chè. Nô lệ cho mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, mọi thứ cuồng tín tôn giáo. Nô lệ là thứ tự do giả hiệu mà ma quỷ luôn quảng cáo và muốn mời mọc con người. Ma quỷ thường được vẽ như con vật xấu xí đáng sợ, nếu thế thì con người dễ nhận ra nó và nó khó cám dỗ được. Nhưng thực tế, ma quỉ mang dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn, sang trọng. Nó tấn công bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ yếu điểm từng cá nhân từng tập thể để tấn công và mong hạ gục. Người ta tin vào những ngôi sao số mệnh, cầu cơ, bói toán, lá số tử vi. Tin vào những cái vô tri dẫn đến mê tín dị đoan sẽ làm nô lệ cho ma quỷ. Ngày nay nhiều người không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, đó là thành công lớn của ma quỉ.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.

3. Lời Chúa là đèn soi cho con bước

Tin mừng hôm nay cho thấy hiệu lực phi thường của Lời Chúa. Lời Chúa giảng dạy làm mọi người sửng sốt thán phục. Lời Chúa uy quyền phán ra khiến thần ô uế phải tuân phục; Lời Chúa khiến thần ô uế phải tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta phải đem Lời Chúa vào tâm hồn mình và làm cho nó trổ sinh hoa trái tốt. Là Kitô hữu, chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự mới mẻ của Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng Chúa tỏ bày trong vũ trụ. Courtois khẳng định: “Nếu chúng ta khiêm nhu sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên “muối, men” cho cả nhân loại vì “ánh sáng” của những người sống Lời Chúa chiếu tỏ xa hơn người ta tưởng rất nhiều”.

Sống Lời Chúa chính là soi mình vào tấm gương Chúa Giêsu để tìm cho mình một phong cách đẹp nhất, vì:“Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh áng chỉ đường cho con đi” (Tv 118, 105).

“Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các Giám Mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn. Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần…” (Lm Minh Anh).

Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi khuyên các linh mục: “Các con nhận thánh chức linh mục để thi hành chính sứ vụ cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện và ủy thác cho Hội Thánh. Sứ vụ ấy bao gồm ba nhiệm vụ chính, đó là giáo huấn với tư cách là thầy, thánh hóa với tư cách là tư tế và cai quản với tư cách là mục tử và thủ lãnh.Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hàng ngày cho dân Chúa. Bài giảng thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa. Càng không được dùng tòa giảng để làm nơi phê bình chỉ trích cá nhân. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng”.(x.Bài giảng lễ Truyền Chức Linh Mục, ngày 07.01.2021, tại Gp Quy Nhơn).

Chúng ta hãy cầu xin cho các mục tử biết noi gương Chúa Giêsu, vị Tôn sư khả kính đã giảng dạy như một Đấng có uy quyền, uy quyền của tình yêu và sự chữa lành.

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2008 mời gọi: “Hãy để Lời Chúa vang lên lúc khởi đầu ngày sống, ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết. Hãy để Lời Chúa vang vọng trong anh chị em vào buổi tối, để Chúa là người nói cuối cùng”. Chúng ta hãy ghi nhận và thực hiện lời mời gọi này để mỗi người, gia đình và cộng đoàn được Lời Chúa hướng dẫn mỗi ngày.

Xin Chúa cho chúng con sống tâm niệm lời Thánh Vịnh: “Hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: Anh em đừng cứng lòng nữa”.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:48 26/01/2021
Chương 33:

THA THỨ

“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu an hem không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6, 14-15)

1. Ở đâu có đau khổ hận thù, con sẽ gieo vào hạt giống thứ tha. (Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:04 26/01/2021
47. CÕNG CHỒNG MÀ CHẠY

Ở quận nọ có một tòng sự, hoàn toàn không biết tí gì về ngữ pháp trong văn chương, nhưng thường ứng dụng tầm bậy luật pháp để phán đoán.

Một ngày nọ, có một hòa thựơng ra lệnh cho đồ đệ xay bột, nhưng tên đệ tử ấy lại lấy bột đã xay và trấu cám rồi chạy trốn, hòa thượng bắt hắn lại và đem lên quan phủ cáo tội.

Ông quan tòng sự ấy đoán án, nói:

- “Tội tên đệ tử này là phải đi lưu đày”.

Tên đệ tử ấy vội vàng nói:

- “Tội của con không đến nỗi lớn như thế”.

Tòng sự nổi giận nói:

- “Mày không nên cõng chồng﹝背夫﹞(1) mà bỏ chạy”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 47:

Thời nay có những ông quan địa phương không biết viết gì cả ngoài việc chỉ biết ký tên của mình nên dân khổ; ngày nay còn có những ông quan làm việc ở chỗ chuyên ngành nhưng không biết tí gì về chuyên môn, nên làm nghèo đất nước; thời nay có những giám đốc vì thời thế mà ăn nên làm ra nên mặc sức khoe khoang, nhưng khi vỡ nợ thì không chứng minh được sự hiểu biết luật pháp của mình; thời nay cũng có những người chỉ biết cái bảng hiệu bộ này bộ nọ, nhưng không biết nó có chức năng gì, bởi vì cái gì cũng do trên sắp xếp và ở dưới làm rồi, thế là họ càng làm cho đất nước thêm lạc hậu...

Ông quan tòng sự không hiểu luật pháp mà được quyền xét xử nên người dân khổ và ta thán vì tội nhẹ ông làm cho nặng, tôi nặng ông làm cho nhẹ...

Quan đời mà như thế, thì “quan” đạo phải làm ngược lại là biết mình ở đâu và đang làm chức vụ gì: làm cha sở thì hết lòng vì đàn chiên và làm gương sáng cho giáo dân; làm thầy dạy thì tận tâm đem kiến thức và đời sống đạo đức dạy người khác; làm dì phước thì phải sống khiêm tốn và phục vụ với nụ cười vui vẻ trên môi, đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su mong nuốn nơi các môn đệ của Ngài vậy.

Làm việc gì thì phải hiểu việc ấy thì hiệu quả mới tốt và năng suất mới cao.

(1) 夫 đọc là “fu” nghĩa là chồng, đồng âm với 麩 cũng đọc là “fu” nghĩa là trấu, đáng lý ra phải nói: cõng trấu mà chạy, chứ không phải nói cõng chồng mà chạy, ông tòng sự không biết chữ nhiều.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Năm 28/1: Hãy để ngọn đèn đức tin chiếu sáng. Lm. Giuse Nguyễn Xuân Hiếu, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
22:01 26/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 4, 21-25

“Đèn đốt lên là để đặt trên giá đèn. Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Và Người bảo họ rằng: “Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô nói: Chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái, nếu chúng ta hiệp nhất trong Chúa Giêsu.
Thanh Quảng sdb
00:25 26/01/2021
ĐTC Phanxicô nói: Chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái, nếu chúng ta hiệp nhất trong Chúa Giêsu.

Kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ “sự hiệp nhất không thể thiếu” như trong bài giảng của Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói: ‘sự hiệp nhất’ phát suốt từ Chúa Giêsu.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Vào ngày thứ Hai (25/1), lễ kính Thánh Phaolô trở lại, giờ Kinh chiều đại kết cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu đã được đánh dấu để kết thúc Tuần lễ cầu nguyện này.

Sự kiện này đã diễn ra hàng năm tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, nơi huyệt mộ của vị Tông đồ vĩ đại. Tuy nhiên, năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô, người thường chủ tọa nghi lễ này đã không thể tham dự được, vì cơn đau thần kinh tọa hoàng hành! Nên Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về sự cổ súy Hiệp nhất Kitô giáo, đã chủ sự buổi cầu nguyện này, cùng với các nhà lãnh đạo của các Giáo hội và cộng đồng các tôn giáo bạn.

Mặc dù vắng mặt về mặt thể lý, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiện diện trong tinh thần và qua bài giảng của Đức Hồng Y Koch. Trong phần phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những lời Chúa Giêsu cầu nguyện được Phúc âm Thánh Gioan ghi lại: “Hãy ở lại trong Thầy”, đây là chủ đề của Tuần cầu nguyện năm nay. Bắt đầu bằng hình ảnh cây nho và cành nho, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa kết trái nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu.”

Ba cấp độ của sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha nhấn mạnh “sự hiệp nhất không thể thiếu này” bao gồm ba vòng đồng tâm “giống như những vòng tròn của một thân cây”.

Mức độ hiệp nhất đầu tiên là chúng ta ở trong Chúa Giêsu, “đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải hướng tới.” Việc tuân giữ lời Chúa Giêsu bắt đầu từ lời cầu nguyện, điều này cho phép chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Ngài. “Đây là sự hợp nhất đầu tiên,” Đức Thánh Cha nói, “đây là sự công chính của cá nhân chúng ta, hành động của ân sủng mà chúng ta nhận được khi chúng ta liên kết với Chúa Giêsu.”

Sự hiệp nhất giữa các Kitô giáo là chiếc vòng thứ hai. “Tất cả chúng ta đều là những cành nhánh của cùng một cây nho,” Đức Thánh Cha nói, những gì mỗi cành làm đều ảnh hưởng đến toàn bộ cây... Ở đây một lần nữa, lời cầu nguyện là điều cần thiết, dẫn chúng ta đến tình yêu thương lẫn nhau. Điều này không dễ dàng, Đức Thánh Cha thừa nhận, đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa “loại bỏ những thành kiến của chúng ta về người khác và ràng buộc chúng ta lại trong sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả anh chị em của Ngài”.

Vòng tròn lớn nhất mở rộng ra cho toàn thể nhân loại; và ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần.” Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta không chỉ yêu những người yêu thương chúng ta, "nhưng yêu tất cả mọi người, ngay cả như Chúa Giêsu đã dạy "Giống như Người Samaritanô nhân hậu, chúng ta được mời gọi trở thành người cận nhân của tất cả mọi người, yêu thương ngay những người thù ghét chúng ta.

Tính cụ thể của tình yêu

Cùng nhau phục vụ tha nhân có thể giúp chúng ta “nhận chân ra một lần nữa rằng chúng ta là anh chị em với nhau” và dẫn chúng ta “phát triển trong sự hiệp nhất”. Tương tự như vậy, Chúa Thánh Thần có thể truyền cảm hứng cho chúng ta “quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, qua những lựa chọn táo bạo” về cách chúng ta sống cuộc sống của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của mình bằng nhấn mạnh rằng chính Chúa Thánh Thần, “là kiến trúc sư của cuộc hành trình đại kết,” chính Ngài đã truyền cảm hứng cho buổi cầu nguyện chung tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành này. ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với “tất cả những ai đã qui tụ lại trong Tuần này, để cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo,” và ĐTC chào mừng các đại diện của các Giáo hội và cộng đồng Giáo hội đã tham gia buổi lễ, dù trực tiếp hay gián tiếp vì cơn đại dịch.

“Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn biết hiệp nhất trong Chúa Kitô,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong lời cầu nguyện kết thúc, “Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta cảm nghiệm được rằng chúng ta là con cái của một Cha, là anh chị em với nhau trong một gia đình nhân loại…

“Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, mối giây hiệp nhất của tình yêu, làm cho chúng ta biết gắn bó với nhau trong sự hiệp nhất.”
 
Đại dịch: viễn kiến bí tích
Vũ Văn An
23:50 26/01/2021

Tạp chí thần học Communio được ba thần học gia Công Giáo nổi tiếng, Joseph Ratzinger, Hans Urs von Balthasar và Henri de Lubac, thành lập năm 1972 nhằm phản bác tạp chí thần học Concilium, mà cả ba vị trước đó đều ở trong Ban Biên Tập, do cao vọng của tạp chí này muốn trở thành một thẩm quyền giáo huấn chính thức song song với thẩm quyền của các Giám Mục.

Mục đích của Communio là “cố gắng vượt qua sự phân cực giữa những người ‘duy hiện đại’ và những người ‘duy truyền thống’ trong Giáo Hội, bằng cách cung cấp diễn đàn trung ương nơi có cả việc hoà giải lẫn óc sáng tạo”.

Hiện nay, tạp chí xuất bản bằng 13 thứ tiếng. Ấn bản tiếng Anh phát hành tam cá nguyệt với các bài vở về triết học, nghệ thuật và mối liên hệ giữa Đạo Công Giáo và nền văn hóa Hoa Kỳ.

Tạp chí không quên bàn đến những vấn đề thời sự như đại dịch chẳng hạn. Sau đây, chúng tôi xin chuyển ngữ bài của José Granados về “Đại Dịch: Viễn kiến Bí tích” đăng trong Communio, Mùa Hè 2020, ấn bản tiếng Anh, do Carmen Ferre Martí dịch sang tiếng Anh

José Granados, DCJM, là bề trên tổng quyền của Các Môn Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria và là giáo sư thần học về bí tích hôn nhân tại Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và về Khoa học Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Lateran ở Rôma.




“Chính kinh nghiện thân xác như cửa mở con người đi vào thế giới có tính quyết định đối với việc hiểu tại sao các bí tích Kitô giáo không thể lãnh nhận theo lối ảo”.

***

Gần đây, nhiều người tự hỏi làm thế nào để sống đại dịch theo quan điểm Kitô giáo. Kitô giáo cung cấp cho chúng ta ánh sáng nào để giải thích tầm quan trọng của biến cố này trong lịch sử của chúng ta? Và đối đầu với các thách thức của nó? Sau đây, tôi xin bảo vệ luận điểm sau: chìa khóa để hiểu đại dịch là tính bí tích.

Để thấy ra điều đó, chúng ta có thể lấy điểm xuất phát từ đặc điểm đầy tính hiển linh (epiphanic) của đại dịch; nó vốn là một dấu chỉ lớn lao bằng xương bằng thịt. Trong vô số điều, đại dịch và việc cấm cửa (lockdown) đã cho thấy sự khó khăn của cuộc sống khi thể xác chúng ta bị cô lập với những người khác hoặc khi chúng ta sợ hãi các mối liên hệ liên ngã, vốn bắt rễ sâu trong thân xác; chúng cho thấy ta cần phải hiểu sức khỏe như một hồng phúc có trước không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; chúng cũng cho ta hay tính chất nghèo nàn hàm chứa trong việc tuyệt đối hóa sức khỏe ấy, do đó giản lược cuộc sống thành một việc sống còn đơn thuần.

Tất cả những điều ấy là một dấu chỉ cho thế hệ của chúng ta, cho cách sống mà thân xác vốn chiếm ưu thế trong xã hội chúng ta. Thực thế, xã hội cổ vũ sự cô lập thân xác, một thân xác giữ khoảng cách và bị con người (ít nhất trong suy nghĩ) giản lược thành một biểu thức của cái “tôi” thực sự. Thân xác này không thể dùng làm nền tảng cho bất cứ bí tích nào, nghĩa là, cho bất cứ sự mở cửa thân xác nào giúp đưa con người vượt ra ngoài chính họ. Đại dịch, sau khi đã phơi bày tính nghèo nàn của cách sống thân xác như vậy, có thể khơi dậy nỗi nhớ nhung bí tích hay không?

Để tri nhận ý nghĩa bí tích của đại dịch, có thể có một cách tiếp cận bổ sung, cách tiếp cận bổ túc là điều có thể, tức cách được liên kết trực tiếp với việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô: bắt đầu từ tính ưu việt vốn dành cho các bí tích của Giáo hội.

Tuy nhiên, các bí tích có thực sự ưu việt hay không? Ngược lại, há chúng ta đã không sống mà không có các bí tích, hoặc ít nhất không có các tín hữu tham dự? Thực thế, các bí tích vốn rất ưu việt chính vì lý do này: vì chúng đã vắng mặt khi chúng ta hy vọng chúng có sẵn. Chúng lớn tiếng lúc bị im lặng.

Tuy nhiên, trên thực tế, các bí tích vốn không hoàn toàn vắng mặt. Thay vào đó, chúng đã tiếp nhận đặc tính ảo, chúng ta đã quen với việc cảm nghiệm chúng bằng cách ngắm màn hình và đeo tai nghe. Nhưng chính sự thay thế ảo này giúp chúng ta cụ thể hóa kiểu thiếu vắng phải chịu đựng: điều vốn thiếu là bí tích qua biến cố thể xác, tức là điều diễn ra qua thân xác để làm sống động toàn diện con người, kể cả thân thể của họ.

Như thế, sau khi trải nghiệm nỗi thống khổ trong đời vì không được tiếp cận bí tích ở dạng thân xác của nó, có thể nào chúng ta hiểu rõ hơn bí tích là gì, và nhờ thế, khám phá ra điều chúng ta vốn quên trước khi có đại dịch, trong xã hội của chúng ta và trong Giáo Hội?

1.TRUYỀN THÔNG ẢO NGƯỢC VỚI TRUYỀN THÔNG THÂN XÁC

Chúng ta hãy bắt đầu với những khó khăn trong việc tham gia các bí tích. Điều này một mặt do nguy cơ lây lan thực sự, khiến việc hạn chế các cử hành trở thành một quyết định khôn ngoan. Nhưng nó được nhấn mạnh do nỗi sợ lây lan quá mức, một nỗi sợ cho thấy các ưu tiên không phải bí tích của xã hội và của nhiều tín hữu. Chính sách “tuyệt đối không rủi ro” thường được yêu cầu khi nói đến các bí tích, trong khi những rủi ro hữu lý được phép để mua thức ăn hoặc đồ uống.

Điều này tương ứng với khái niệm coi sức khỏe là điều chủ yếu hoặc chính yếu, mà vì nó mọi thứ khác phải bị hy sinh. Hiểu sức khỏe như một điều tuyệt đối là từ bỏ viễn kiến bí tích về sự sống. Vì viễn kiến bí tích về sự sống cho thấy tính chất siêu phong phú của nó, nghĩa là, ở đấy có nhiều điều cho sự sống hơn là việc chỉ bảo tồn nó. Thực vậy, sống là luôn ở bên ngoài chính mình để, nhờ cách này, sự sống được khuếch đại và nhân thừa. Thật vậy, như bí tích nền tảng là Bí tích Thánh Thể làm chứng, sự sống chỉ có thể có được khi phó dâng nó cho Chúa Cha vì anh chị em chúng ta.

Các bí tích cũng bị tương đối hóa khi chúng chỉ được đo lường theo chức năng của chúng. Lúc đó, người ta coi là đương nhiên việc các bí tích hữu ích vì chúng giúp chống lại đại dịch, vì chúng giúp chúng ta sống có ý nghĩa trong sự cô lập hoặc chịu đựng cái chết của những người thân yêu của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy, thì các bí tích có thể được thay thế bằng các hoạt động khác mà vẫn đạt được cùng một mục đích. Nhưng việc này sẽ phá hủy chúng, vì bản chất các bí tích là làm cho hiện tại điều vốn không thể thay thế bằng bất cứ điều gì khác, điều không hữu ích cho bất cứ điều gì trên thế giới, nhưng đúng hơn hiện hữu bên ngoài thế giới và mang lại ý nghĩa tối hậu cho mọi sự vật thế gian.

Bất chấp điều ấy, tình thế khó cử hành các bí tích trong thời gian đại dịch nhắc nhở ta một điều gì đó của riêng đức tin Kitô giáo, đó là, ơn cứu rỗi đến qua thể xác. Để tương phản, chúng ta hãy nghĩ đến Phật giáo; đối với tôn giáo này, đại dịch không gây ra bất cứ xáo trộn lớn nào, vì mục tiêu của họ là loại bỏ những hình thức hữu hình của thế giới vật chất. Nếu Kitô giáo phải khốn khổ vì sự bùng nổ của một điều có tính vật chất như một loại virus, thì điều này là vì đức tin Kitô giáo là một đức tin bắt rễ sâu vào vật chất.

Mặt khác, đại dịch không tiêu diệt được sự thờ phượng của Kitô giáo. Về điểm này, Kitô giáo khác với Do Thái giáo cổ xưa, vốn tập trung vào Đền thờ Giêrusalem. Sự khác biệt hệ ở chỗ, đối với Kitô giáo, vật chất thiết yếu cho việc thờ phượng không nằm ở bên ngoài con người (trong con vật hiến tế, trên bàn thờ hoặc đền đá) mà là trong chính thể xác của Kitô hữu, được kết nạp vào thân xác thánh thể của Chúa Giêsu. Vì lý do đó, mặc dù có thể không có khả năng tham gia vào phụng vụ, nhưng luôn luôn có thể “dâng thân xác mình như một của lễ sống” (Rm 12: 1–2) (1). Về mặt này, điều đáng chú ý là Tân Ước không dùng từ vựng tế tự (cultic vocabulary) để nói về việc cử hành phụng vụ, nhưng dùng nó để diễn tả đời sống của các tín hữu, bất kể trong việc phục vụ bác ái (xem Dt 13:16) hay trong việc rao giảng và đón nhận Tin Mừng (xem Pl 3:17).

Dựa trên việc nối dài việc phụng tự này vào toàn bộ cuộc sống, người ta có thể coi nhẹ sự khiếm diện của các bí tích: tận sâu trong con người, việc cử hành ảo há không cùng một cử hành hay sao?

Thật vậy, nếu mục tiêu của việc thờ phượng Kitô giáo là thánh hóa cuộc sống bình thường, thì dường như không có vấn đề bao nhiêu với sự thờ phượng được cử hành từ xa. Chúng ta có thể so sánh việc này với việc làm từ xa (teleworking). Đúng là khi làm việc từ xa, một điều gì đó sẽ mất (chẳng hạn, sự tương cảm với đồng nghiệp hoặc khách hàng trở nên khó khăn hơn), nhưng yếu tính của việc làm vẫn được thực hiện (tiếp tục với cùng thí dụ, chúng ta vẫn có thể "đóng ấn cho cuộc giao dịch"). Há yếu tính các bí tích đã không được hoàn thành một cách ảo, để “cuộc giao dịch” (nghĩa là giao ước) với Thiên Chúa được đóng ấn, ngay cả khi một số cảm xúc hoặc tình cảm bị mất đi hay sao?

Vấn đề khả thể cử hành một bí tích cách ảo xác định rõ yếu tính của các bí tích, vì chúng đòi hỏi vật chất và thể xác. Thời hiện đại không hiểu rằng vật chất có thể có ngôn ngữ hoặc làm trung gian cho sự hiện diện có tính bản vị, tức ơn thánh. Theo quan điểm này, thể thần thiêng dường như không tiếp cận với thể xác, mà đúng hơn, tiếp cận với trải nghiệm thân mật và việc phát biểu chân thực tính chân xác bản thân. Dưới ánh sáng này, như Joseph Ratzinger từng nói, các vấn đề sau đây đã nảy sinh: “Thực sự, tại sao tôi phải đi nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa? Phải chăng Thiên Chúa bị ràng buộc vào một nghi thức và một nơi chốn? Có thế nào điều thiêng liêng lại phải qua trung gian hoặc thậm chí bị ràng buộc bởi các phương tiện nghi lễ và vật chất?” (2). Nhà thần học người Đức Karl-Heinz Menke cũng phát biểu cùng vấn đề ấy như sau: “Cho đến nay, không nhà thần học Thệ phản nào có thể cho tôi câu trả lời ít nhiều thỏa đáng hơn đối với câu hỏi điều gì, nói đúng ra, là ưu thế của việc thông hiệp bí tích với Chúa Kitô so với sự thông hiệp không phải là bí tích với Người” (3).

Cũng một khó khăn này đã nảy sinh liên quan đến việc cử hành ảo. Điều gì thu nhận được khi tham gia Tiệc Thánh bằng thể xác, ngược với việc tham dự trực tuyến? Ở đây, điều đáng nói là vấn đề Thiên Chúa tự làm cho Người hiện diện và hành động ra sao. Nói một cách cụ thể hơn, điều đáng nói là mức độ Thiên Chúa sử dụng thể xác và vật chất, bất luận nơi sáng thế hay nơi công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, để thông truyền ơn cứu rỗi của Người cho chúng ta.

2. THỂ XÁC: KHÔNG GIAN NỀN TẢNG CHO VIỆC THÔNG HIỆP BẢN VỊ

Để giải đáp vấn đề, chúng ta hãy bắt đầu với sự khác biệt hiển nhiên giữa thông hiệp ảo và thông hiệp trực tiếp. Trong mối liên hệ ảo chỉ có hai giác quan tham dự: thị giác và thính giác. Các giác quan khác — xúc giác, vị giác và khứu giác — đều thiếu. Chúng ta dám bác bỏ hai giác quan sau như là giác quan thấp hèn nhất và có tính thú tính nhất, nhưng giải đáp này cho thấy, thực tế, chúng là các giác quan có tính thể xác nhất.

Thật vậy, về nguyên tắc, thính giác và thị giác được thực hiện từ xa, không cần phải chia sẻ cùng một không gian. Nhưng xúc giác, khứu giác và vị giác đòi hỏi phải chia sẻ một không gian với thực tại được tri nhận, tức là, chúng đòi hỏi một môi trường chung (4). Theo cách này, những giác quan này nhắc nhở chúng ta rằng con người không thể tách rời khỏi thế giới bao quanh họ và trong đó họ tìm thấy người khác, tức là, chúng nhắc nhở chúng ta rằng con người là một hữu thể nhập thể, vì việc thích đáng đối với xác thịt (nghĩa là vừa tức khắc vừa ở bên ngoài, kết hợp với cái “tôi” bản vị và với vũ trụ vật chất) là đặt con người vào môi trường hoặc thế giới của họ.

Việc những giác quan này là “các giác quan môi trường” [sentidos-ambiente] rất rõ ràng đối với xúc giác, vì xúc giác được trải dài khắp thể xác, vốn là môi trường đầu tiên của con người. Đây là lý do tại sao người xưa coi xúc giác là giác quan có tính thể xác hơn cả, liên kết chặt chẽ nhất với nguyên tố trái đất, trong khi thị giác được coi là thiêng liêng nhất, hợp nhất với lửa (5). Vị giác, ngược lại, cũng là một “giác quan môi trường” vì nó dựa trên khả năng tiêu hóa thức ăn, tức là, tiếp nhận môi trường xung quanh và biến chúng thành của riêng chúng ta. Vì lý do này, không thể ăn “từ xa” hoặc chia sẻ thức ăn với ai không ở chung cùng một chỗ với chúng ta. Cuối cùng, khứu giác, bắt nguồn từ việc hít thở trong một bầu không khí nhất định, cũng được liên kết với môi trường chung với những người khác.

Tóm lại, những giác quan này rất quan yếu theo nghĩa chúng đặt con người vào một môi trường hoặc thế giới và gợi ý rằng chúng ta định nghĩa con người trong mối liên hệ liên tục với môi trường hoặc thế giới đó. Nói cách khác, một người hít thở, ăn uống và có xúc giác không thể đơn giản tự trình bày mình như một cá thể biệt lập “trước mặt” thế giới, vì họ là một người thuộc về thế giới và có bản sắc được tạo lập nhờ tương tác với thế giới. Thành thử, đem các giác quan vào câu chuyện sẽ loại bỏ tri nhận của Descartes coi chủ thể như một cá thể đứng tách biệt với thế giới khách quan, biệt lập đối với nó. Không chỉ là "cogito ergo sum" (tôi suy nghĩ vậy thì có tôi), các giác quan mời gọi chúng ta phát biểu, "Tôi chạm, nếm, ngửi, vậy thì: Tôi đang hiện hữu trong tương quan". Do đó, các giác quan cho phép chúng ta khám phá ra thể xác như là việc con người tự mở ra với môi trường của họ, để con người chỉ có thể được định nghĩa như là bén rễ vào môi trường này chứ không ở bên ngoài nó.

Tầm quan trọng của môi trường tương ứng với trải nghiệm triệt để của con người: nhu cầu phải có một ngôi nhà. Ở đây, chúng tôi hiểu ngôi nhà không phải là tòa dinh thự hay ngôi nhà bằng gạch hoặc gỗ mà là không gian liên kết với bản sắc riêng của một con người, nơi người đó tìm thấy chính mình. Đó là lý do tại sao việc người ta mất ngôi nhà ảnh hưởng đến cốt lõi hữu thể của họ, như thể họ đánh mất chính họ vậy.

Theo sách Gióp (4:19), ngôi nhà rất quan trọng đối với con người bởi vì họ có thể xác họ như “ngôi nhà đầu tiên”, một ngôi nhà mỏng manh bằng đất sét. Hay, chính xác hơn, họ có thể xác như “ngôi nhà đầu tiên” của họ vì họ hòa hợp với thế giới và đặc biệt với những người khác mà họ nhận là quen thuộc. Nói cách khác, thể xác là một ngôi nhà, theo nghĩa nó biểu lộ cho chúng ta biết chúng ta là những con trai và anh em, bản sắc chúng ta được cấu thành như có tính con thảo và huynh đệ.

Khả năng trở thành môi trường của thể xác càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta xem xét sự kết hợp vợ chồng giữa người đàn ông và người đàn bà. Ở đây thể xác xuất hiện như một môi trường chung khiến sự kết hợp của họ có thể diễn ra. Nói chính xác hơn, sự kết hợp được thực hiện theo một khía cạnh chuyên biệt của thể xác: tính dục. Và điều này có tính quyết định, bởi vì tính dục biểu thị thể xác như nơi nguyên thủy từ đó vợ chồng được sinh ra, và từ đó họ nhớ rằng họ mãi là những con trai và con gái. Đây là lý do tại sao sự kết hợp vợ chồng được đóng ấn trong xác thịt như môi trường đến trước chúng ta và truyền đạt nguồn gốc của chúng ta nơi những người khác.

Điều ấy có nghĩa người đàn ông và người đàn bà được hợp nhất trong một môi trường (môi trường thân xác có giới tính của họ) giúp họ chia sẻ cội nguồn hữu thể họ, nền tảng của mỗi ngôi nhà của họ. Vì lý do này, khi họ hợp nhất, thế giới của họ thay đổi triệt để và một cái “chúng tôi” mới xuất hiện, cái chúng tôi mà sách Sáng thế gọi là “một xương một thịt” (St 2:24). Điều này giải thích: trong hôn nhân, người phối ngẫu không còn là một ai đó ở bên ngoài bản thân tôi, với họ, tôi thiết lập các mối liên hệ và gián đoạn chúng bất cứ khi nào tôi muốn, nhưng là một người giờ đây thuộc về chính bản sắc của tôi. Điều này được phát biểu trong nhiều nền văn hóa với việc thay đổi tên họ diễn ra sau đám cưới.

Chắc chắn, tất cả những điều ấy sẽ không thể tưởng tượng được trong hình thái ảo hoặc vi tính hóa. Hôn nhân có thể được cử hành từ xa (do ủy nhiệm, by proxy), nhưng nó chỉ được hoàn hợp trong sự kết hợp xác thịt, một kết hợp đòi có sự hiện diện. Hơn nữa, sự kết hợp xác thịt là nơi được truyền sinh, một điều cũng không thể diễn ra từ đàng xa.

Do đó, chúng ta thấy chính nhờ môi trường chung được chia sẻ qua các thể xác của họ mà hai người không những chỉ là hai cá thể đứng đối diện nhau, chỉ kết hợp với nhau bởi những ràng buộc bên ngoài. Trái lại, một môi trường chung đã kết hợp những con người trong chính bản thể của họ, đó là lý do tại sao sự thông hiệp hỗ tương của họ có thể sâu sắc hơn nhiều, đụng tới những gì ở tận gốc rễ của họ và làm họ có khả năng không những thông hiệp sự vật mà còn thông hiệp chính bản thân họ.

Chúng ta hãy nói thêm rằng phẩm tính môi trường của thể xác cũng phân biệt việc thông hiệp thể xác với việc thông hiệp ảo nhờ cách thức trong đó cả hai đều cởi mở hướng tới sự siêu việt vốn vượt quá những con người thông hiệp. Trong thông hiệp ảo, chính con người đã thiết kế và tạo ra môi trường thông hiệp. Nếu có bất cứ việc cởi mở hướng tới sự siêu việt nào trong sự thông hiệp này, thì nó sẽ không phát sinh từ bên trong môi trường chung mà từ chính các cá nhân, từ ý chí hoặc kiến thức của họ. Mặt khác, trong thông hiệp mặt đối mặt có môi trường chung của thể xác, môi trường mà cả con người đã không tạo ra mà chỉ nhận được từ lúc ban đầu. Vì vậy, như những người vợ / người chồng chẳng hạn, họ không tạo ra sự khác biệt giới tính cũng như khả năng thông truyền sự sống của họ, điều này giúp cho sự kết hợp của họ diễn ra. Như thế, việc cởi mở đón nhận Đấng Tạo Hóa xuất hiện từ trong chính mối liên hệ vốn kết hợp các con người với nhau. Nghĩa là, những con người thông hiệp tạ ơn Đấng Tạo Hóa, không những vì hồng phúc Người đã ban cho mỗi người, mà còn vì hồng phúc tình yêu vốn kết hợp họ, một tình yêu phát xuất từ Người và hướng về Người. Chính Thiên Chúa xuất hiện trong ánh sáng này như là vị Thiên Chúa, Đấng, vốn làm nền tảng cho tình yêu, là chính Tình yêu.

Từ điều trên, chúng ta có thể kết luận rằng các mối liên hệ ảo chỉ có ý nghĩa như một công cụ phụ thuộc của việc hiện diện thực sự bằng thể xác. Tuy nhiên, nếu luận lý ảo bị tuyệt đối hóa, thì thể xác trong tư cách môi trường cấu thành con người sẽ bị loại bỏ, và con người bị quan niệm như một cá thể cô lập, tách biệt với thế giới và với những người khác. Chính kinh nghiệm thể xác như cửa mở đưa con người vào thế giới là điều có tính quyết định để hiểu tại sao không thể lãnh nhận các bí tích Kitô giáo theo cách ảo được.

Còn 1 kỳ
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa Sàigòn: Mừng lễ kính Thánh Phaolô Tông đồ ngày 25.1.2021
Văn Minh
10:49 26/01/2021
“Chúc cho mỗi người được ơn hoán cải và lòng nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng của Đức kitô đến cho muôn người giữa lòng thế giới hôm nay”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán - chánh xứ Vĩnh Hòa – đã nhắn nhủ như trên khi ngài chủ sự Thánh lễ mừng kính Thánh Phaolô Tông đồ trở lại – Bổn mạng của giáo họ phaolô, giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 17g30 thứ Hai ngày 25.1.2021.

Trước Thánh lễ, lúc 17g00, đại diện Ban Chấp hành (BCH) giáo họ Phaolô cùng đại diện các hội đoàn đã quy tụ về nhà cô Cát để cùng nhau nguyện kinh và cầu nguyện. Sau đó, vị đại diện BCH đọc tiểu sử Thánh Phaolô, mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm về nhân đức của Thánh nhân và chuẩn bị tâm hồn để hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng.

Xem Hình

Sau giờ nguyện kinh, Lm chủ tế cùng cộng đoàn kiệu tượng Thánh Phaolô từ giáo họ tiến vào nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ.

Đầu lễ, Lm Gioakim chúc mừng giáo họ Phaolô cũng như các ông nhận Thánh Phaolô làm quan thầy được nhiều hồng ân và học hỏi nơi Thánh Phaolô trở nên những chứng nhân của Tin Mừng giữa cuộc sống hôm nay.

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim đã diễn giảng đôi nét về cuộc đời của Thánh Phaolô: Thánh Phaolô tự nhận mình là người Phê-ri-sêu (Do Thái) có học thức và rất giỏi về kinh thánh, nhưng lại thường xuyên đi bắt bớ và giết hại những người theo đạo Kitô giáo.

Trong một lần, đang trên đường đi Đamát để bắt những người có đạo thì có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống, và lập tức thánh nhân bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất. Chính cú ngã ngựa lịch sử đó đã khiến thánh nhân khám phá ra hai điều:

Thứ nhất: Đức Giêsu Nazarét chính là Đấng Phục sinh và là Đấng được Thiên Chúa chúc lành

Thứ hai: Tất cả các Kitô hữu đều là các anh em của Đức Kitô

Kết thúc bài giảng, Lm Gioakim nhắn nhủ: Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay không tránh khỏi những lúc vấp ngã như thế, để rồi cũng biết đứng dậy một cách mạnh mẽ và ra đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội hôm nay.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Vinh Sơn Nguyễn Tường Việt, thay mặt giáo họ lên cảm ơn Lm chánh xứ Gioakim, các vị trong HĐMVGX, cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho giáo họ Phaolô.

Đáp lời, Lm chánh xứ thay mặt cộng đoàn phụng vụ một lần nữa có lời chúc mừng bổn mạng giáo họ Vinh Sơn, cùng các ông, các anh bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Qua đây, ngài cũng mời gọi các bạn trẻ trong giáo họ hãy hy sinh thời gian, tham gia phục vụ giáo họ, nối tiếp sứ vụ mà các bậc tiền nhân đã và đang làm, để cùng nhau đưa giáo họ ngày một phát triển hơn nữa.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, Lm Gioakim cùng cộng đoàn đã tiến đến tượng Thánh phaolô tại sân nhà thờ, cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh và kinh kính Thánh Phaolô để cầu xin cho giáo xứ luôn được bình an.

Được biết, giáo họ Phaolô hiện nay có 130 gia đình Công Giáo sống rải rác xen kẽ giữa những người lương dân thuộc phường 14, quận 11. Tuy vậy, giáo họ Phaolô hiện có Lm Giuse Nguyễn Đức Trí, thầy Giuse Nguyễn Mạnh Tùng, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn và hai soeur đang phục vụ cho Giáo hội.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Vàng Mấy Độ
Diệp Hải Dung
18:24 26/01/2021
HOA VÀNG MẤY ĐỘ
Ảnh của Diệp Hải Dung

Hoa vàng cứ thế nâng niu
Mùi hương thiếu nữ chớm yêu tình nồng
Thế thì chín nhớ mười mong
Ngày nao tình tự đem lòng nhớ ai
(DHD)
 
VietCatholic TV
Kinh Chiều bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành 25/1/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:17 26/01/2021


Lúc 5g30 chiều thứ Hai 25 tháng Giêng, Đức Hồng Y Kurt Koch đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Chủ đề được chọn cho Tuần cầu nguyện năm 2021 được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy: anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,1-17). Cộng đoàn tu viện Grandchamp Thuỵ Sĩ được giao phó soạn các lời nguyện trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Cộng đoàn này được thành lập vào nửa đầu thế kỷ 20, gồm một số phụ nữ theo truyền thống Tin Lành cải cách của Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp, đã tái khám phá tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời tiếp tục thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin, theo gương Chúa Kitô, lui về nơi thanh vắng để cầu nguyện. Theo trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Cộng đoàn Grandchamp bao gồm 50 nữ tu, những người đã cống hiến “cho công việc hòa giải giữa các Kitô hữu, trong gia đình nhân loại và đối với mọi tạo vật”.

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma

Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại vài nét lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Vào đầu buổi lễ, Đức Hồng Y đã cùng cầu nguyện với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác tại trước mộ Thánh Phaolô Tông Đồ.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói:

“Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15: 9). Chúa Giêsu liên kết yêu cầu này với hình ảnh cây nho và cành nho, đó là hình ảnh cuối cùng mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong Bài Phúc âm. Chính Chúa là cây nho, là cây nho “thật” (câu 1), Đấng không phản bội sự mong đợi của chúng ta, nhưng vẫn luôn trung tín trong tình yêu thương, bất chấp tội lỗi và sự chia rẽ của chúng ta. Tất cả chúng ta, những người đã chịu phép rửa, đều được ghép như cành vào cây nho này, chính là chính cây nho này. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa kết trái nếu chúng ta tiếp tục hợp nhất với Chúa Giêsu. Đêm nay chúng ta hãy xem xét sự hiệp nhất không thể thiếu này, với nhiều cấp độ. Với cây nho trong tâm trí, chúng ta có thể hình dung sự thống nhất bao gồm ba vòng tròn đồng tâm, giống như các vòng của một thân cây.

Vòng tròn đầu tiên, vòng trong cùng, là trong Chúa Giêsu. Đây là điểm khởi đầu của hành trình mỗi người chúng ta hướng tới sự hiệp nhất. Trong thế giới quay cuồng và phức tạp ngày nay, chúng ta rất dễ đánh mất la bàn, khi bị lôi kéo từ mọi phía. Nhiều người cảm thấy nội tâm rời rạc, không tìm được điểm cố định, chỗ đứng vững vàng giữa những thay đổi của cuộc sống. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng bí mật của sự ổn định là ở lại trong Ngài. Trong bài đọc tối nay, Ngài nói điều này đến bảy lần (xem các câu 4-7,9-10). Vì Người biết rằng “không có Người, chúng ta không thể làm gì được” (xem câu 5). Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta cách ở lại trong Ngài. Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của chính Ngài: mỗi ngày, Ngài lui vào thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cần lời cầu nguyện, cũng như cần nước, để sống. Cầu nguyện riêng, dành thời gian với Chúa Giêsu, và thờ phượng, đây là những điều cần thiết nếu chúng ta muốn ở lại trong Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể đặt những lo lắng, hy vọng và sợ hãi, niềm vui và nỗi buồn của mình trong lòng Chúa. Trên hết, khi tập trung vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Và bằng cách này, nhận được sức sống mới, giống như những cành cây hút nhựa sống từ thân cây. Đây là sự hiệp nhất đầu tiên, sự thống nhất của cá nhân chúng ta, là công việc của ân sủng mà chúng ta nhận được khi ở lại trong Chúa Giêsu.

Vòng tròn thứ hai là sự hiệp nhất với các Kitô hữu. Chúng ta là những nhánh của cùng một cây nho, chúng ta là “các bình thông nhau”, theo nghĩa là điều thiện hay điều ác mà mỗi chúng ta làm đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Vì vậy, trong đời sống thiêng liêng, cũng có một loại “quy luật động lực”: đó là khi chúng ta ở lại trong Chúa, chúng ta gần gũi người khác, và khi chúng ta gần gũi người khác, chúng ta ở lại trong Chúa. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong thần khí và chân lý, thì chúng ta sẽ nhận ra nhu cầu yêu thương người khác, mặt khác, “nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4:12). Cầu nguyện không ngừng dẫn đến tình yêu; nếu không, đó chỉ là nghi lễ sáo rỗng. Chúng ta không thể gặp được Chúa Giêsu ngoài Nhiệm thể Người, gồm nhiều chi thể, là cơ man những người đã chịu phép rửa. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là chân chính, chúng ta sẽ phát triển tình yêu thương đối với tất cả những ai theo Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc về khối hiệp thông Kitô nào, ngay cả khi họ có thể không phải là “người của chúng ta”, họ vẫn là người của Ngài.

Dẫu sao, chúng ta đều biết rằng yêu thương anh chị em của mình không phải là điều dễ dàng, vì những khuyết điểm và điểm yếu của họ ngay lập tức trở nên rõ ràng, và những tổn thương trong quá khứ hiện lên trong tâm trí chúng ta. Ở đây Chúa Cha đến trợ giúp chúng ta, vì với tư cách là một nông dân lão luyện (x. Ga 15: 1), Người biết chính xác phải làm gì: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15: 2). Chúa Cha chặt đi và cắt tỉa. Tại sao? Bởi vì để yêu thương, chúng ta cần phải tước bỏ tất cả những gì khiến chúng ta lầm đường lạc lối và khiến chúng ta cuộn tròn vào chính mình, và do đó không sinh hoa kết quả. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha loại bỏ những thành kiến của chúng ta về người khác, và những ràng buộc trần tục cản trở sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả con cái của Ngài. Nhờ đó, khi được thanh tẩy trong tình yêu, chúng ta sẽ có thể bớt bận tâm đến những chướng ngại của thế gian cũng như những viên đá vấp ngã của quá khứ, mà ngày nay đang làm chúng ta xao lãng khỏi Tin Mừng.

Vòng hiệp nhất thứ ba, lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Ở đây, chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Chúa Kitô, Thánh Linh là nhựa sống lan tỏa đến muôn cành. Thánh Thần có thể thổi tới bất cứ nơi đâu Ngài muốn, và đặc biệt ở mọi nơi Ngài muốn khôi phục sự hiệp nhất. Ngài thúc giục chúng ta yêu không chỉ những người yêu thương chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng phải yêu tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Ngài khiến chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và những điều sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng. Ngài linh hứng cho chúng ta năng động và sáng tạo trong tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng những người lân cận với chúng ta không chỉ giới hạn trong số những người chia sẻ những giá trị và ý tưởng của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi trở thành người lân cận của tất cả mọi người, trở thành những người Samaritanô nhân hậu cho một nhân loại yếu ớt, nghèo khó và trong thời đại của chúng ta, đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Đó là một nhân loại nằm bên lề đường của thế giới chúng ta, mà Thiên Chúa muốn vực dậy bằng lòng thương cảm. Cầu xin Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch ân sủng, giúp chúng ta sống vô vị lợi, yêu thương đáp lại những người không yêu thương chúng ta, vì chính nhờ tình yêu trong sáng và vô vị lợi, Tin Mừng mới sinh hoa kết quả. Cây được biết đến nhờ trái của nó: bởi tình yêu thương nhưng không của chúng ta, chúng ta sẽ biết được chúng ta có phải là cây nho của Chúa Giêsu hay không.

Vì thế, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta tính cụ thể của tình yêu đối với tất cả những anh chị em mà chúng ta chia sẻ cùng một nhân tính, là nhân tính mà Chúa Kitô đã kết hợp không thể tách rời với chính Người khi Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy Người nơi những người nghèo và những người thiếu thốn nhất ( x. Mt 25:31-45). Khi cùng nhau phục vụ họ, một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là anh chị em với nhau và sẽ phát triển trong sự hiệp nhất. Thánh Linh, Đấng đổi mới bộ mặt của trái đất, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, đưa ra những lựa chọn táo bạo về cách chúng ta sống và tiêu dùng, vì điều trái ngược với việc sinh hoa kết quả là sự bóc lột, và thật đáng xấu hổ khi chúng ta lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khác bị tước đoạt.

Cũng chính Thánh Linh đó, là kiến trúc sư của cuộc hành trình đại kết, đã dẫn dắt chúng ta đến buổi tối hôm nay để cầu nguyện cùng nhau. Khi chúng ta cảm nghiệm được sự hiệp nhất đến từ việc hợp cùng một giọng kêu cầu cùng Chúa, tôi muốn cảm ơn tất cả những ai trong tuần này đã cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô. Tôi gửi lời chào huynh đệ tới các đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đang tụ họp ở đây, tới các sinh viên Chính thống giáo và Chính thống Đông phương đang theo học tại Rôma dưới sự bảo trợ của Hội đồng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, và các giáo sư và sinh viên của Viện Đại kết tại Bossey, là những người thường đến Rôma trong những năm trước, nhưng không thể đến Rôma vì đại dịch và đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn hiệp nhất trong Chúa Kitô. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn vào tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy mình là con cái của Chúa Cha, là anh chị em với nhau, là anh chị em trong một gia đình nhân loại chúng ta. Xin Chúa Ba Ngôi, là tình yêu hiệp thông, làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp nhất.


Source:Holy See Press Office
 
Vụ nổ kinh hoàng tàn phá một giáo xứ ở Madrid. Linh mục mới thụ phong tưởng đã chết nay sống lại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:33 26/01/2021


1. Vụ nổ kinh hoàng tàn phá một giáo xứ Công Giáo ở Madrid. Linh mục mới thụ phong đã chết rồi sống lại

Ít nhất hai người được cho là đã thiệt mạng sau khi một vụ nổ hôm thứ Tư 20 tháng Giêng tàn phá tòa nhà của một giáo xứ Công Giáo ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Vụ nổ xảy ra gần khu phố Puerta de Toledo ở trung tâm Madrid vào khoảng 3 giờ chiều theo giờ địa phương ngày 20 tháng Giêng.

Tổng giáo phận Madrid nói rằng vụ nổ có thể do rò rỉ khí đốt trong tòa nhà thuộc sở hữu của Giáo xứ Virgen de la Paloma y San Pedro el Real.

Tổng giáo phận nói rằng các linh mục sống trên hai tầng của tòa nhà, nơi cũng được sử dụng làm văn phòng giáo xứ và Caritas.

“Hai trong số các linh mục không sao và một vị đã được chuyển đến bệnh viện. Một nỗ lực đang được thực hiện để xác định vị trí một giáo dân đang có mặt với các ngài tại thời điểm xảy ra vụ nổ.”

Tổng giáo phận đã xác định một trong những người thiệt mạng trong vụ nổ là David Santos Muñoz, 35 tuổi, một giáo dân và là cha của 4 đứa con, là người đã đến tòa nhà “để giúp một tay”.

Giáo xứ cho biết Cha Rubén Pérez, linh mục mới được thụ phong hồi tháng 12, đã trải qua một cuộc phẫu thuật vì vết thương mà ngài gặp phải trong vụ nổ và trong tình trạng nghiêm trọng, nhưng vẫn còn sống.

Giáo xứ đã đưa ra tuyên bố trên Twitter, sau khi một hãng tin Tây Ban Nha đăng tải không chính xác một bản tin nói rằng Cha Rubén Pérez đã qua đời.

Một nạn nhân khác là một phụ nữ 85 tuổi. Tám người khác được cho là đã bị thương, hai người được đưa đến bệnh viện.

Tổng giáo phận cho biết thêm rằng Đức Hồng Y Carlos Osoro Sierra, tổng giám mục Madrid, đã đến hiện trường vụ nổ.

“Tôi cầu nguyện cho cộng đồng Công Giáo trong những thời điểm khó khăn này và tôi cầu nguyện cho các nạn nhân”, ngài viết trên tài khoản Twitter của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện vào ngày 20 tháng Giêng, bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ Madrid.

Điện tín do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt cho Đức Thánh Cha viết: Đức Phanxicô “dâng những lời cầu nguyện lên Chúa và phó thác cho lòng thương xót của Ngài, cách riêng là sự yên giấc ngàn thu của các nạn nhân, cũng như ơn chữa lành cho những người bị thương và gia đình của họ”.

Đức Thánh Cha cũng cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Almudena, bổn mạng của Madrid, và ban phép lành Tòa Thánh của ngài “như bảo chứng cho niềm hy vọng của Kitô hữu nơi Chúa Phục sinh. “

Thị trưởng Madrid, José Luis Martínez-Almeida, đã xác nhận rằng ít nhất hai người đã chết do vụ nổ. Ông cho biết thêm rằng tòa nhà vẫn đang cháy, và lực lượng cứu hỏa vẫn chưa dập tắt được ngọn lửa do có nguy cơ bùng nổ thêm.

Các cư dân địa phương, bao gồm cả các thành viên trong một viện dưỡng lão, đã tìm nơi ẩn náu trong các quán cà phê lân cận.

Vụ nổ đã làm hư hại các tòa nhà gần đó, làm vỡ kính và đổ các mảnh vỡ xuống đường.

2. Cựu giám đốc ngân hàng Vatican bị kết án gần 9 năm tù về tội rửa tiền và tham ô.

Ngày 21 tháng Giêng năm 2021, ông Angelo Caloia, cựu giám đốc ngân hàng Vatican đã bị tòa án Vatican tuyên án 8 năm 11 tháng tù giam về các tội rửa tiền, biển thủ và tham ô trầm trọng.

Phiên tòa đã bắt đầu vào năm 2018. Bản án được ông Giuseppe Pignatone, chủ tịch tòa án Quốc gia thành Vatican, đọc tại phiên điều trần ngày 21 tháng 1 năm 2021. Bản án đánh dấu lần đầu tiên Vatican tuyên án tù vì tội phạm tài chính.

Ông Angelo Caloia năm nay 81 tuổi, giám đốc ngân hàng Vatican từ năm 1989-2009, và luật sư của ông, ông Gabriele Liuzzo, 97 tuổi, bị kết án 8 năm 11 tháng tù về các tội rửa tiền, biển thủ và tham ô trầm trọng. Họ cũng bị yêu cầu nộp phạt 12,500 euro.

Con trai ông Liuzzo, Lamberto Liuzzo, 55 tuổi, đã bị kết án tù 5 năm 2 tháng và bị buộc phải nộp phạt 8,000 euro.

Ba bị cáo cũng bị cấm vĩnh viễn đảm nhiệm các chức vụ.

Tòa án Vatican cũng ra lệnh tịch thu số tiền đã bị thu giữ từ các tài khoản ở ngân hàng Vatican của hai ông Caloia và Liuzzo, đồng thời yêu cầu bồi thường cho ngân hàng Vatican và công ty quản lý bất động sản Roma, do ngân hàng Vatican kiểm soát, với số tiền khoảng 23 triệu euro, như một phần của một vụ kiện dân sự riêng biệt.

Quá trình tố tụng được bắt đầu vào tháng 3 năm 2018, sau khi ngân hàng Vatican khiếu nại về thiệt hại liên quan đến việc thoái vốn tài sản là 57 triệu euro. Ðây là những giao dịch mua bán diễn ra từ năm 2002 đến 2007, của 29 bất động sản thuộc sở hữu của ngân hàng và công ty quản lý bất động sản Roma.

Theo cáo buộc, chủ yếu dựa trên các cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2014 bởi nhóm Promontory, thay mặt cho ngân hàng Vatican, ông Angelo Caloia và luật sư Gabriele Liuzzo đã thỏa thuận với tổng giám đốc khi đó là ông Lelio Scaletti, đã qua đời, bán tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sau đó, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền chênh lệch, ước tính khoảng 59 triệu euro, mà họ đã rửa tiền một phần ở Thụy Sĩ, với sự giúp đỡ của Lamberto, con trai của ông Liuzzo.

3. Dời Tuần hiệp nhất tại Giêrusalem đến lễ Chúa Thánh Thần.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết vì đại dịch Covid-19, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô tại Giêrusalem được dời đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tức là ngày 23 tháng 5.

Cha Frans Bouwen, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về đại kết cho biết như trên và nói rằng việc cử hành và gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô khác nhau ở Giêrusalem, không thể thay thế bằng buổi cử hành trực tuyến. Khác với các biến cố khác, không thể thay thế sự hiện diện bằng các kỹ thuật và mạng Internet.

Cha Bouwen cũng giải thích rằng chương trình cử hành hai buổi lễ đại kết trực tuyến, với sự trợ giúp của Trung tâm Truyền thông Kitô, nay không còn thực hiện được nữa, vì sự gia tăng lây nhiễm và những cách ly mới do chính quyền đề ra cho thành Giêrusalem. Vì thế, các Giáo hội và Cộng đồng Kitô được mời gọi tham dự Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô, từ ngày 23 đến 31 tháng Giêng với các thành phần của mỗi cộng đoàn Giáo hội mà thôi. Việc cầu nguyện và công bố các sứ điệp hiệp nhất trên các mạng xã hội trong tuần lễ này, có thể được mở rộng cho các tín hữu.

4. Ðức Thánh Cha tặng vắc xin cho người vô gia cư.

Sáng thứ Tư 20 tháng Giêng, 25 người vô gia cư đang trú ngụ trong các trung tâm của Tòa Thánh, gần Quảng trường Thánh Phêrô đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô tặng vắc xin phòng ngừa Covid-19.

Theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, việc những người nghèo đang trú ngụ trong các cơ sở của Tòa Thánh được tiêm vắc xin là do ý muốn của Ðức Thánh Cha. Khi Vatican bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin, Ðức Thánh Cha đã quyết định tặng một số liều vắc xin cho những người này.

Ông Mario, một trong những người được tiêm vắc xin vui mừng bày tỏ: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp, bây giờ tôi có thể yên tâm hơn”. Năm 2020, ông mất tiền trợ cấp khuyết tật và phải sống lang thang trên đường phố Rôma ngay trước khi làn sóng corona virus đầu tiên xuất hiện. Ông và những người nghèo khác sống xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, là khách của Palazzo Migliori, trung tâm do Ðức Thánh Cha thiết lập để đón tiếp những người vô gia cư. Họ là những người Ý và người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên, thường có các vấn đề về thể chất nghiêm trọng và rất khó giao tiếp với người khác.

Nhận xét về nghĩa cử này của Ðức Thánh Cha, ông Carlo Santoro thuộc Cộng đoàn Thánh Egidio đang trợ giúp những người vô gia cư ở khu vực Quảng trường Thánh Phêrô và những vị khách của Palazzo Migliori nói: “Ðiều này là hiện thực hóa những gì Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói 'không ai tự cứu một mình' và 'tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền'“. Ông giải thích, người nghèo đã gặp nhiều khó khăn trong năm nay, và tại trung tâm đón tiếp, đã có người bị nhiễm virus corona. Ông Santoro cũng cho biết, đôi khi không dễ giải thích tầm quan trọng của việc tiêm phòng đối với họ. Nhiều người trong số họ thực sự sợ kim tiêm. Các bác sĩ và nhân viên y tế có nhiệm vụ xóa tan mọi nghi ngờ bằng cách nhắc lại những tác dụng có lợi lâu dài của việc tiêm chủng, giờ đây đa số đã hiểu lợi ích của việc tiêm vắc xin.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thêm: “Các nhóm người nghèo khác sẽ được tiêm chủng trong những ngày tiếp theo”.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News