Ngày 22-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Quanh Năm 23/1 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:08 22/01/2022


BÀI ĐỌC I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Bài trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 12-30

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 4, 18-19

All. All. – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.
 
Lời Chúa ban sự sống
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:48 22/01/2022
LỜI CHÚA BAN SỰ SỐNG

Tuần này là Chúa Nhật Lời Chúa, nhắc mọi người tầm quan trọng của Lời Chúa là Lời ban sự sống. Chúa Nhật này cũng ở trong tuần cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất như các chi thể trong 1 thân thể.

1. Lời Chúa ban sự sống. Đáp Ca khẳng định “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Lời Chúa bổ sức cho tâm hồn, làm hoan hỷ cõi lòng, cho đôi mắt rạng ngời, cho người dại nên khôn. Bài Phúc Âm công bố Lời Chúa soi sáng như Thánh Vịnh diễn tả: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” Lời Chúa giải thoát, đem tự do cho người bị áp bức giam cầm. Ngục tù lớn nhất giam cầm con người là tính ích kỉ và những đam mê tội lỗi. Bao lâu người ta chưa thoát khỏi cái tôi ích kỷ để mở ra với người khác, chưa buông bỏ được những dính bén thì bấy lâu người ta vẫn bị giam cầm, chưa có tự do.

Lời Chúa ban sự sống. Người ta chưa nhận được sự sống vì chưa chịu lắng nghe và đem ra thực hành.

2. Sống gắn bó hiệp nhất. Có câu tục ngữ “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.” Chúa luôn muốn con người hiệp nhất yêu thương, ma quỷ lại thích gây chia rẽ chết chóc. Hiệp nhất đem lại sự sống tràn đầy. Hiệp nhất được thánh Phaolô diễn tả tuyệt vời nơi Bài Đọc 2 qua hình ảnh các chi thể khác nhau lại gắn bó nên một thân thể. Các chi thể cùng vui, cùng đau với nhau. Các chi thể cùng hiệp hành hoạt động ăn khớp với nhau. Nếu chi thể nào không hoạt động thì nó bị liệt mất rồi.

Tóm lại, Lời Chúa ban sự sống khi việc lắng nghe Lời Chúa trở thành một cuộc gặp gỡ sống động giữa con người và Thiên Chúa hằng sống đang nói với mỗi người ở đây, lúc này. Chúa muốn các Kitô hữu sống hiệp nhất. Bao lâu người ta còn sống thì các chi thể hiệp nhất hoạt động cùng nhau. Còn khi chi thể bất động, xương thịt tan rã thì người ta chết mất rồi. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:00 22/01/2022

50. Giao tình tư dục là hạt giống của bất hòa, kéo theo cái tâm con người ghen ghét nghi ngờ.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 22/01/2022
75. CHÁU CỦA QUAN LỚN

Con cháu của thừa tướng nọ, đem toàn bộ gia tài phá sạch, để đến nỗi cơm ngày ba bữa cũng không có, nên thương lượng mượn lương thực của người khác.

Một hôm, mượn được một bao gạo, nhưng vác không nổi nửa đoạn đường, bèn ngồi bên đường nghỉ mệt.

Đột nhiên, phía trước đi lại một người nghèo áo quần rách nát, liên kêu người ấy dừng lại nói chuyện thù lao và nhờ ông ta vác mướn bao gạo. Nhưng nào ngờ đi được nửa đường, người ấy thở mệt nhọc đi không nổi, hắn ta bèn nổi giận nói:

- “Ta là cháu của thừa tướng, tay không thể nhắc, vai không thể gánh là chuyện thường, mày là tên xuất thân từ nhà nghèo, tại sao lại vô dụng như thế hử?”

Người vác mướn nhướng cặp mắt trắng dã nói:

- “Sao ông lại trách tôi, tôi cũng là cháu của thượng thư mà !”

(Trì Bắc Ngẫu Đàm)

Suy tư 75:

Con cháu của thừa tướng nhưng lại đói meo nghèo mạt, không phải vì họ sống thanh liêm chính trực, nhưng là vì ăn chơi phung phí tiền bạc của mẹ cha; con cháu của thượng thư nhưng chân yếu tay mềm, không phải vì học hành viết lách, nhưng là vì có cuộc sống trác táng vô độ do ỷ lại vào tài sản của ông bà cha mẹ.

Làm con cái của Thiên Chúa nhưng sống như người xa lạ với Cha trên trời của mình, không phải vì Thiên Chúa không yêu thương họ, nhưng chính họ hồ nghi về tình thương hải hà của Cha trên trời, để tin vào người đời và những hứa hẹn của họ. Làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nhưng lại phỉ báng và chỉ trích hàng giáo phẩm trong Giáo Hội của Ngài, không phải vì tình thương dạt dào của họ dành cho Giáo Hội, nhưng là vì sự kiêu ngạo to lớn hơn lòng khiêm tốn của họ.

Kiêu ngạo là phung phí ân sủng của Thiên Chúa ban cho mình, ăn chơi trác táng là phung phí tài sản của cha mẹ dành cho mình. Cả hai đều do ma quỷ xúi giục.

Cho nên hãy coi chừng và cẩn thận trong cách sống của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 22/01/2022
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”


Bạn thân mến,

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một thói quen tốt, thói quen này có thể do điều luật quy định, cũng có thể do luật bất thành văn của làng họ quy định, và cũng có thể do thói quen của từng cá nhân hoặc của gia đình mà có.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một thói quen tốt, thói quen tốt của Ngài là đến hội đường vào những ngày hưu lễ, để nghe đọc sách các tiên tri loan báo về Đấng cứu độ sẽ đến, nhưng hôm nay Ngài lại được mời công bố Lời Chúa trong thánh kinh cho mọi người nghe.

Thói quen biểu lộ cá tính và nhân cách của con người ta.


Thói quen của kẻ lường gạt, ăn cướp là ngập ngừng và láo liên con mắt đảo qua đảo lại khi đến một nơi nào đó; thói quen của người thích sưu tầm thì đến bất cứ đâu cũng đều tò mò coi nhìn hỏi han cho biết sự việc; thói quen của tình yêu vô vị lợi là giúp đỡ và phục vụ tha nhân; thói quen của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, làm việc bác ái, và còn rất nhiều thói quen tốt lành khác mà khi chúng ta thực hành thì người khác sẽ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trên con người của chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với tất cả những người hiện diện trong hội đường: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Ngài mạnh dạn tuyên bố lời kinh thánh đã ứng nghiệm nơi Ngài, bởi vì mục đích của Ngài đến trần gian là để cứu chữa những gì đã bị huỷ hoại do tội gây ra, là để an ủi những người đang bị người đời bỏ rơi, là để làm cho tâm hồn con người được ấm lên tình yêu thương đồng loại, qua việc đón tiếp và phục vụ những người mà xã hội cho là bất trị. Tóm lại, Đức Chúa Giê-su đến để cứu chuộc nhân loại, và qua hành động này đã bày tỏ cho nhân loại được biết Ngài chính là Thiên Chúa làm người.

Thói quen tốt sẽ phản ảnh lại khuôn mặt của Chúa Ki-tô nơi người tín hữu.

Bởi vì chỉ có tâm hồn méo mó tội lỗi mới làm cho khuôn mặt của Chúa Ki-tô trở nên méo mó nơi người tín hữu mà thôi. Không một người Ki-tô hữu nào lại không biết đến Đức Chúa Giê-su, nhưng không phải mọi tín hữu đều có thói quen thực hành những công việc mà Đức Chúa Giê-su đã làm: giúp đỡ người nghèo, tha tội cho cho tội nhân, chữa lành bệnh tật và hi sinh mạng sống cho người mình yêu.

Thói quen của người Ki-tô hữu trong một xã hội đầy những gian dối này là thành thật; thói quen tốt của người Ki-tô hữu trong một xã hội mà người ta chỉ biết hưởng thụ cho cá nhân mình là dấn thân phục vụ tha nhân...

Tất cả những thói quen ấy đều phản ảnh lại khuôn mặt hiền dịu của Đức Chúa Giê-su trên con người của bạn và của tôi, và khi chúng ta đã làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tuyên bố với mọi người như Đức Chúa Giê-su: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và không cần đến thói quen tốt bởi vì Ngài vốn là Đấng chân thiện mỹ và thánh, nhưng trong thân phận bản tính con người Ngài cũng có những thói quen tốt, thói quen này được học hỏi nơi mẹ của Ngài là Đức Maria dạy bảo, được học hỏi nơi thánh cả Giu-se và nơi các kinh sư cũng như các thầy thông luật, Ngài được dạy dỗ phải đến hội đường vào ngày hưu lễ, phải siêng năng suy gẫm và đọc thánh kinh, cho nên Ngài đã trở thành mô phạm cho chúng ta bắt chước noi theo...

Hãy làm gương sáng, hãy tập làm thói quen tốt để dạy dỗ con cái có thói quen tốt, hãy tập làm các việc lành để hướng dẫn người khác thực hành điều tốt, đó chính là phản ảnh lại hình ảnh Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta vậy...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một cuộc hoán cải kỳ diệu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:28 22/01/2022

LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI 25/01
MỘT CUỘC HOÁN CẢI KỲ DIỆU
Cv 22,3-16; Mc 16,15-18

Hôm nay, chúng ta mừng kính lễ Thánh Phaolô trở lại. Trong thánh lễ này, chúng ta tập trung suy niệm về cuộc hoán cải kỳ diệu của thánh Phaolô.

1- Trở lại

Ý nghĩa trung tâm của thánh lễ hôm nay là sự trở lại kỳ diệu của Thánh Phaolô. Sách Công Vụ chương 8 cho thấy: từ một người quá nhiệt thành với Đạo Do Thái, nên hăng hái lùng sục bắt bớ các kitô hữu, Phaolô đã bị Thiên Chúa quật ngã trên đường Đamas. Được gặp Đấng Phục Sinh, ông trở thành một Tông Đồ Dân Ngoại vĩ đại. Phaolô đã xoay chuyển hoàn toàn, đó là sự trở lại hết sức ngoạn mục!

Trở lại hay hoán cải có nghĩa là thay đổi, nó bắt nguồn từ ý nghĩa của từ metanoia, thay đổi não trạng, thay đổi con người, thay đổi đời sống để trở về với nguồn sống là chính Thiên Chúa. Việc hoán cải là việc làm liên lỉ. Chúng ta cần phải hoán cải luôn.

Nhân dịp mừng lễ quan thầy của Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, ngài chia sẻ: “Tôi nhận thánh Phaolô trở lại, tôi cảm ơn Ngài đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong sứ vụ của mình. Đặc biệt, là để xin ngài giúp cho tôi biết trở lại mỗi ngày.” Câu nói đó tóm tắt linh đạo Tin Mừng. Nghĩa là chúng ta được mời gọi phải trở lại mỗi ngày, phải hoán cải liên lỉ. Nhìn lại năm qua, chúng ta cần tạ tội để tạ ơn Chúa.

2- Tập trung vào Chúa Kitô

Khi đã gặp Chúa, biết Chúa, Phaolô đã yêu mến Chúa với một tình yêu nồng nàn. Ngài xác tín: “Tôi coi tất cả là rơm rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8). “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi,” “Không có gì tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (x. Rm 8, 35-39).

Đây là bước ngoặt vĩ đại của Phaolô, sau khi đã trở lại, ngài hoàn toàn tập trung vào điều chính yếu là Chúa Kitô, ngài mặc lấy Chúa Kitô, bén rễ trong Chúa Kitô, để được nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhờ đó, ngài quả quyết: “Tôi sống nhưng không còn phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)

Đây là bài học mà thánh nhân dành cho chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi xây dựng con người mình trên nền tảng là Chúa Kitô. Chúng ta hãy huy động tất cả mọi năng lực thể lý, con tim và tinh thần của mình cho tình yêu Chúa Kitô.

3- Truyền giáo

Sau khi đã trở lại, Phaolô hăng say loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, các vùng bắc Á, vượt biển sang Châu Âu bốn lần để truyền giáo, bất chấp mọi khó khăn mà theo lời kể của Ngài: “Tôi đã bị lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; phải chịu đủ thứ nguy hiểm..., phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cr 11,23-27). Cuối đời, Phaolô chịu tử đạo tại Rôma. Tất cả vì Tin Mừng và vì phần rỗi của anh chị em.

Noi gương thánh Phaolô, chúng ta hãy ra đi và truyền giảng Tin Mừng cho những người xung quanh chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Người tình của Chúa
Lm. Minh Anh
23:49 22/01/2022

NGƯỜI TÌNH CỦA CHÚA
“Thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận!”.

Phillip Brooks nói, “Thánh Kinh như một viễn vọng kính. Người biết ‘nhìn xuyên qua’ viễn vọng kính của mình, sẽ nhìn thấy những thế giới bên ngoài; nhưng nếu chỉ ‘nhìn vào’ viễn vọng kính của mình, anh ta sẽ không nhìn thấy gì khác ngoài nó. Thánh Kinh, Lời tỏ tình của Chúa, là một thứ cần ‘nhìn xuyên qua’ để thấy bao điều mới lạ bên ngoài; nhưng hầu hết mọi người chỉ ‘nhìn vào’ nó, nên họ chỉ thấy đó là những bức thư chết; họ không phải là ‘người tình của Chúa!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Phillip Brooks gợi ý, chúng ta hãy đọc Lời Chúa như những ‘người tình của Chúa!’. Thật thú vị, đó là một đề nghị khá bất ngờ cho chúng ta nhân Chúa Nhật Lời Chúa hôm nay.

“Thưa ngài Thêophilê!”. Thánh sử Luca đã bắt đầu câu chuyện của ngài bằng cách viết như thế cho người bạn của mình! Thật ý nghĩa và lãng mạn! “Thêophilê”, “Theophilus” tiếng Latin, có nghĩa là ‘người tình của Chúa’. Khá nhiều lời, Luca muốn nói với người bạn của mình và với chúng ta rằng, ‘Tôi viết cho bạn câu chuyện lạ lùng nhất mà nhân loại từng biết; câu chuyện mà đã nhiều lần, nhiều nhân chứng và sứ giả của Lời đã công khai giải thích. Tôi muốn bạn và tất cả những ai đọc tường thuật của tôi “hiểu chân lý các giáo huấn” liên quan đến Chúa Giêsu người Nazareth, Đấng được Cha trên trời sai đến, cũng là Đấng được xức dầu bởi Thánh Thần; Đấng đó đã đến để loan báo cho chúng ta Nước Thiên Chúa, mang lại cho chúng ta niềm vui được lắng nghe Tin Mừng, cũng là niềm vui được giải thoát khỏi mọi xiềng xích gông cùm.

Nhờ Luca, Giáo Hội được ban tặng một kiệt tác chuyện kể về những gì ít ai biết nhất về Chúa Giêsu. Không có Luca, chúng ta sẽ không biết gì về cuộc Truyền Tin, Thăm Viếng; không có Luca, chúng ta không có câu chuyện Đứa Con Hoang Đàng, hay lần hiện ra của Chúa Phục Sinh khi Ngài bẻ bánh cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta cũng sẽ không có sự chứng thực về các phép lạ và các tường thuật về cuộc khổ nạn được các tác giả Phúc Âm khác kể lại một cách khái quát; vì nhờ Luca, chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn việc đổ mồ hôi máu của Con Thiên Chúa hay sự đùa cợt của hai tên trộm cạnh thập giá Ngài.

Như vậy, Luca đã cung cấp cho chúng ta một biên niên sử về một câu chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử. Quả vậy, Tin Mừng vốn được gọi là Tin Mừng lòng thương xót và sách Công Vụ Tông Đồ của Luca đã giúp cho những ‘người tình của Chúa’ khám phá sự phong phú của cuộc đời Chúa Giêsu, lời dạy của Ngài; đặc biệt, hoạt động của Thánh Thần Ngài trong những ngày đầu của Hội Thánh; nhờ đó, bảo vệ những người đọc Lời Chúa khỏi những sai lầm nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. Bởi lẽ, “Lời Chúa là thần trí và là sự sống!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Phaolô nói rất rõ về những người lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Đó là những “Thêophilê”, ‘người tình của Chúa’; đó là tất cả chúng ta, những chi thể sống động trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, tức là Hội Thánh, “Như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy”.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng, Lời Chúa, Thánh Kinh là một quà tặng ngoài sức tưởng tượng; đó là một món quà từ Thiên Chúa, qua đó, Ngài bày tỏ tình yêu hoàn hảo và kế hoạch toàn bích của Ngài cho sự cứu rỗi của con người. Chúng ta cần học biết, đào sâu hơn Thánh Kinh, đọc Thánh Kinh thường xuyên hơn; đọc với niềm yêu mến và lòng kính trọng; cầu nguyện với Thánh Kinh và cho phép tất cả những gì được tiết lộ trong những trang sách đó trở thành nền tảng của cuộc sống chúng ta; và quan trọng hơn, đem áp dụng cụ thể vào đời sống hàng ngày của mình. Ngoài ra, chúng ta còn phải ưu tư một cách đặc biệt đến việc loan báo về sự phong phú của Lời Chúa vốn không thể tát cạn này cho thế giới, cho những người khác nữa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin Lời Chúa có sức biến đổi, nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh; cho con biết ngày càng yêu mến và sống Lời Chúa, hầu luôn xứng đáng là ‘người tình của Chúa’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xâm phạm một nhà thờ ở Vitry: Họ đã đánh cắp xác của Chúa
Đặng Tự Do
05:22 22/01/2022


Nhà thờ Saint-Germain ở Vitry-sur-Seine, trong khu Val-de-Marne, ngoại ô Paris, đã bị phá phách trong đêm 6 tháng Giêng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất và bị trộm cắp, nghiêm trọng nhất là vụ lấy cắp các bánh thánh đã làm cho cha xứ Joseph Lokendandjala lo lắng và đau buồn. Một tuần sau vụ trộm này, cảm xúc vẫn còn dâng cao.

Một giáo dân báo cho cha xứ Lokendandjala, rằng một cánh cửa nhỏ mà thường bị khóa đã bị phá. Cha Lokendandjala ngay lập tức đến nhà thờ và phát hiện cửa nhà thờ đã bị cậy. Khi bước vào nhà thờ, ngài phát hiện ra rằng ba trong số bốn thùng tiền mà giáo dân quyên góp đã bị đập vỡ và cửa tiếp nhận cũng bị phá. Đây là nơi thường cất giữ các thứ dâng cúng của anh chị em giáo dân cho người nghèo. Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất diễn ra ở cung thánh.

“Ở cung thánh, ba nhà tạm đã bị mở tung, trong đó có nhà tạm giữ Mình Thánh Chúa,” Cha Lokendandjala, người được bổ nhiệm làm giáo xứ chỉ 4 tháng trước, vào ngày 1 tháng 9, than thở với Aleteia. “Họ đã lấy đi chiếc bình thánh mạ vàng chứa thân thể của Chúa Giêsu Kitô, các bánh thánh đã được thánh hiến!”

“Đó là điều nghiêm trọng nhất, đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, Bí tích Thánh Thể ban sự sống cho chúng ta, đã bị đánh cắp,” ngài nói, vẫn còn bị sốc. “Đó là một đau khổ lớn đối với chúng tôi. Sự phá phách của cải vật chất, trộm cắp tiền dâng cúng, tất nhiên là nghiêm trọng. Nhưng sự xúc phạm này đối với thân thể của Chúa Kitô là đặc biệt nghiêm trọng. Tôi không biết họ sẽ làm gì với Mình Thánh Chúa?”

Thánh lễ phạt tạ

Cha Lokendandjala ngay lập tức đóng cửa nhà thờ và gọi cha tổng đại diện, Cha Stéphane Aulard, để cảnh báo và tổ chức một Thánh lễ phạt tạ. Cảnh sát cũng đã được thông báo và vị linh mục đã nộp đơn khiếu nại.

Thánh lễ phạt tạ, do cha tổng đại diện thay mặt cho Đức Cha Créteil cử hành, đã diễn ra vào cuối ngày thứ Bảy, 8 tháng Giêng. “Thánh lễ phạt tạ này là điều cần thiết cho việc tha thứ tội lỗi, xóa bỏ sự ô uế phạm đến thân thể Chúa Kitô,” Cha Aulard nói. “Thánh lễ này để sửa chữa những tội lỗi đã gây ra, gây ra cho nhà thờ và sự thánh thiêng, đặc biệt là đối với thân thể của Chúa Kitô.”
Source:Aleteia
 
Sáu phụ nữ thay thế các linh mục trong các cử hành Phụng Vụ ở Catalonia
Đặng Tự Do
05:23 22/01/2022


Sáu phụ nữ, được công nhận là “giáo dân đang thực hiện sứ mệnh mục vụ”, thực hiện việc “thay thế” trong trường hợp không có đủ linh mục được thụ phong để cử hành các cử hành Phụng Vụ ở tất cả các thị trấn của Catalonia và trao Mình Thánh Chúa đã được làm phép trước đó.

Các phụ nữ này được Tòa Giám Mục Tarragona công nhận. Họ chia sẻ trách nhiệm với một số linh mục phục vụ trong các giáo xứ Penedès, Urgell-Garrigues, Tarragona-Llevant, Priorat và Baix Camp, và một số giáo xứ khác thuộc giáo phận Lleida lân cận, mặc dù tất cả các phụ nữ này thuộc về tổng giáo phận Tarragona.

Phát ngôn viên của Tòa Giám Mục Tarragona, Simó Gras, nói với Efe: “Chính sự thiếu vắng những linh mục đã khiến chúng tôi khám phá ra đặc sủng của các nữ giáo dân trong Giáo hội. Ngay cả khi đã có đủ các linh mục được thụ phong, họ cũng sẽ không bị bỏ sót”

Hầu hết những người phụ nữ này đã dành nửa cuộc đời của mình để cống hiến ở mức độ nhất định trong việc “hỗ trợ” các giáo xứ của họ, đồng hành với những người bệnh, quản lý việc dạy giáo lý hoặc đọc sách Thánh. Một số giáo dân vẫn cảm thấy “miễn cưỡng” khi tham dự các cử hành do những phụ nữ này đảm trách, một phần vì họ là phụ nữ, một phần vì các cử hành này không trọn vẹn, nghĩa là các phụ nữ này chỉ trao Mình Thánh Chúa đã được thánh hiến trước đó, họ không cử hành thánh lễ như các linh mục thật sự. Họ cũng không giảng nhưng chỉ đọc các bài giảng soạn sẵn của các linh mục.
Source:elmundo.es
 
Theo các chuyên gia, bạn có thể đeo một khẩu trang y tế N95 trong bao lâu
Đặng Tự Do
05:24 22/01/2022


Thông tấn xã CNN vừa có bài báo nhan đề “How long you can wear your N95, according to experts”, nghĩa là “Theo các chuyên gia, bạn có thể đeo một khẩu trang y tế N95 trong bao lâu?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bạn đã sẵn sàng đổi khẩu trang vải cũ của mình lấy N95 như một số chuyên gia khuyến nghị, nhưng giá mắc hơn và những từ nhỏ - “sử dụng một lần” - đang khiến bạn phân vân. Bạn thực sự có thể đeo khẩu trang y tế N95 trong bao lâu mà vẫn bảo vệ bản thân và những người khác khỏi nguy cơ bị Covid-19?

Linsey Marr, giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Virginia Tech cho biết: “Tôi đeo khẩu trang y tế của mình trong vòng một tuần”.

Chất liệu và khả năng lọc của khẩu trang N95 sẽ không “suy giảm trừ khi bạn chà xát hoặc chọc lỗ trên đó”, Marr nói. “Bạn phải ở trong không khí thực sự ô nhiễm... trong vài ngày trước khi nó mất khả năng lọc các hạt. Vì vậy, bạn thực sự có thể đeo chúng trong một thời gian dài.”

Cô ấy nói thêm: “Mọi người đã nói về 40 giờ - tôi nghĩ điều đó tốt. Thực sự, nó sẽ không bám vào mặt bạn hoặc dây đai sẽ quá lỏng hoặc có thể bị gãy trước khi mất khả năng lọc”.

Erin Bromage, phó giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth, cho biết lý do tại sao khẩu trang N95 được chỉ định là sử dụng một lần, đó là vì chúng được phân loại là khẩu trang y tế.

Trong các cơ sở y tế, nhân viên y tế thay khẩu trang thường xuyên hơn để tránh “lây nhiễm chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, khi thiết bị được đeo trong phòng của người bị nhiễm bệnh và sau đó chuyển sang phòng bên cạnh và mang theo bệnh nhiễm trùng đó cho người khác. Khi bạn lấy một khẩu trang cấp độ y tế chỉ sử dụng một lần và đeo nó ở nơi công cộng, chúng tôi sẽ không lo lắng về việc bạn có lây nhiễm chéo các môi trường khác nhau mà bạn đang ở hay không. Đó thực sự là cung cấp sự bảo vệ cho bạn.”

Bromage nói thêm: “Những chiếc khẩu trang y tế N95 trước đây giá chỉ có 1 đô la mỗi chiếc”, nhưng giá gần đây đã tăng đột biến do nhu cầu của công chúng đối với những chiếc khẩu trang y tế này tăng lên trong bối cảnh lo ngại về biến thể Omicron. Nếu bạn sử dụng lại N95 một cách an toàn, bạn có thể dùng lại ít nhất hai hoặc ba ngày”, Bromage nói thêm và nhận xét rằng “Tôi nhận ra rằng nó vẫn làm tăng thêm một khoản chi phí”.

Một số sở y tế công cộng địa phương, chẳng hạn như sở y tế Maryland và Milwaukee, đang cung cấp khẩu trang y tế N95 miễn phí.

Nói tóm lại là như thế này: Khẩu trang y tế N95 được chỉ định là dùng một lần vì khi thiết kế nó, người ta chỉ nghĩ đến môi trường bệnh viện. Các nhân viên y tế được yêu cầu dùng một lần thôi để tránh lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Quý vị và anh chị em có thể yên tâm dùng đi dùng lại nhiều lần. Để cẩn thận, đừng chạm tay vào phần trước của khẩu trang y tế, là nơi có thể tích tụ vi rút. Nắm ở sợi dây chắc ăn hơn. Nếu nghi ngờ đã gần một người nhiễm coronavirus thì tốt nhất là quăng khẩu trang y tế đó đi. Ngoài ra, có thể dùng lại cả tuần vẫn OK.


Source:CNN
 
Sau một thời gian trốn tránh người phụ nữ phá hoại các nhà thờ đã ra trình diện cảnh sát
Đặng Tự Do
15:49 22/01/2022


Một phụ nữ 26 tuổi đã tự nộp mình cho cảnh sát. Y thị bị cảnh sát truy nã với hai tội danh liên quan đến việc phá hoại gây thiệt hại khoảng 10,000 đô la cho Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Hôm 13 tháng Giêng, Văn phòng Biện lý Quận Denver cho biết Madeline Ann Cramer phải đối mặt với một cáo buộc tội phạm phá hoại công thự và một tội ác vì lòng thù hận liên quan đến một vụ việc xảy ra vào ngày 10 tháng 10. Cả Vương Cung Thánh Đường và các bức tượng gần đó đã bị “phun sơn lên rất nhiều với các thông điệp cho thấy thành kiến chống Kitô Giáo,” Biện lý Quận Beth McCann nói.

Cramer đã trốn đến Oregon sau khi cảnh sát phát lệnh truy nã y thị. Nhưng y thị đã tự nộp mình cho cơ quan thực thi pháp luật vào ngày 12 tháng Giêng. Theo các videos trên mạng xã hội, Madeline Ann Cramer nói rằng cô ta đã được chào đời trong một gia đình Công Giáo và đã được rửa tội nhưng hiện tại cô ta là một người theo đạo satan và phản đối các quan điểm của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc phá thai.

Các bức ảnh về vụ phá hoại cho thấy các khẩu hiệu như “Satan sống ở đây”, “Những kẻ siêu cấp da trắng”, cũng như những hình chữ thập ngoặc, được viết bằng sơn phun màu đỏ tươi ở bên ngoài Vương Cung Thánh Đường, vỉa hè và trên nền một bức tượng của Thánh Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã đến thăm ngôi thánh đường này trong Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993.

Hình vẽ bậy đã được xóa sạch với sự giúp đỡ của các giáo dân và các tình nguyện viên khác.

Cha Sam Morehead, giám đốc Vương Cung Thánh Đường, nhận định rằng kẻ tấn công dường như có một số “vết thương cá nhân sâu sắc và bất bình” nên đã chống lại Chúa và Giáo hội.

Trong một video ngày 2 tháng 10, Cramer cho biết cô ta lớn lên theo Công Giáo và được rửa tội tại Nhà thờ Công Giáo St. Francis Cabrini ở Littleton, Colorado. Tuy nhiên, cô ta không bao giờ cảm thấy “Giáo Hội Công Giáo là đúng.”

Cô cho biết gần đây cô đã truy cập trang web của giáo xứ St. Frances Cabrini “và thấy rằng họ đang tích cực hỗ trợ trào lưu chống phá thai trên khắp đất nước.”

Phó tế Chet Ubowski tại Nhà thờ Công Giáo St. Frances Cabrini nói với CNA rằng Cramer là người phụ nữ đã đến gần bàn thờ trong Thánh lễ ngày 10 tháng 10, chỉ vài giờ sau khi cô ta phá hoại Vương Cung Thánh Đường. Cô ta đã lên rước lễ và khi được trao Mình Thánh Chúa, cô ta nhìn chằm chằm vào mặt cha John Paul Leyba và tự nhận mình là một người thờ Satan.

Ubowski nói rằng không ai trong số các nhân viên trong giáo xứ biết cô ta hoặc có bất kỳ hồi ức nào về cô ta, và nói thêm, “tất cả chúng tôi đều nhớ đến cô ấy trong lời cầu nguyện của mình.”

Phiên tòa tiếp theo của Cramer dự kiến vào ngày 14 tháng 2.

Y thị có tiền án về tội cản trở cảnh sát. Năm 2020, y thị bị kết án một năm quản chế và 48 giờ phục vụ cộng đồng.

Vương Cung Thánh Đường Denver cũng đã chịu thiệt hại rất tốn kém vào giữa năm 2020 trong bối cảnh các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc chống lại cảnh sát liên quan đến vụ sát hại George Floyd ở Minnesota bởi một cảnh sát viên Minneapolis. Vào thời điểm đó, Vương Cung Thánh Đường bị phun sơn với các khẩu hiệu ám chỉ những kẻ lạm dụng tình dục hoặc tuyên bố “Chúa đã chết” và “Không có Chúa”. Ngoài ra còn có các cụm từ và biểu tượng chống cảnh sát, vô chính phủ và chống tôn giáo.

Vương Cung Thánh Đường Denver là nơi lưu giữ hài cốt của Tôi tớ Chúa Julia Greeley, một cựu nô lệ đã cải đạo sang Công Giáo và được biết đến với lòng bác ái đối với người nghèo ở Denver và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Denver, Mark Haas, nói với CNA vào năm ngoái rằng kể từ tháng 2 năm 2020, ít nhất 25 giáo xứ hoặc địa điểm thờ phượng ở miền bắc Colorado đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, hủy hoại tài sản hoặc trộm cắp.

Trong một bài luận trên tờ Washington Post vào tháng 11 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã than thở về hành vi phá hoại, đốt phá và các vụ phá hủy khác nhắm vào tài sản Công Giáo. Ngài nhấn mạnh vụ phá phách ngày 10 tháng 10 tại nhà thờ và lưu ý rằng các tôn giáo khác cũng đã chứng kiến tài sản của họ bị phá hoại.
Source:Catholic News Agency
 
Tuần lễ phò sinh của các giám mục Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
15:49 22/01/2022


Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập “Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống” của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và các giám mục một lần nữa khuyến khích mọi người cầu nguyện để chấm dứt tội lỗi phá thai.

Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống năm nay diễn ra trong bối cảnh của hai biến cố quan trọng.

Biến cố thứ nhất là Giáo Hội Hoa Kỳ đang trông đợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ. Như nhiều quan sát viên nhận định, có nhiều khả năng, phán quyết này sẽ là một chiến thắng phò sinh. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể sẽ đảo lộn phán quyết Roe kiện Wade vào năm 1973.

Biến cố thứ hai, nhà xuất bản Ignatius, được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một linh mục Dòng Tên vừa cho ra mắt cuốn “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ” trong đó Cha Paul Mankowski, cũng là một linh mục Dòng Tên lên tiếng tố cáo đích danh những thành phần bất lương phản bội lại Dòng Tên, đồng lõa với tội lỗi phá thai và biến đảng Dân Chủ Mỹ thành đảng phá thai. Cuốn sách vẫn còn đang gây sóng gió trong dư luận Công Giáo tại Hoa Kỳ thì hôm 5 tháng Giêng vừa qua, Linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người từng là tuyên úy của Hạ viện từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2021, đã trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Washington Post, trong đó ông ta bảo vệ các chính trị gia Công Giáo phò phá thai. Ông ta đã đi xa đến mức viện dẫn Thánh Thomas Aquinas về lương tâm để bảo vệ lập trường của mình.

Tuyên bố ngày 12 tháng Giêng từ USCCB cho biết: “Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống này là cơ hội để hồi tưởng và phạt tạ khi nhớ đến phán quyết Roe kiện Wade — là quyết định của Tòa án Tối cao hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn nước Mỹ”

Tuần cửu nhật bắt đầu vào ngày 19 tháng Giêng và được tài trợ bởi Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB. Tuần cửu nhật 9 Ngày cho Cuộc sống đầu tiên diễn ra vào năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade. Trong quyết định này, các thẩm phán cho rằng phụ nữ có quyền hợp pháp để phá thai trong suốt thời gian mang thai của mình.

Mỗi ngày, những người tham gia vào tuần cửu nhật sẽ cầu nguyện cho một ý định cụ thể liên quan đến việc chấm dứt phá thai và sẽ được cung cấp những “phản ánh, thông tin giáo dục và các hành động hàng ngày được đề xuất”.

Ngày 22 tháng Giêng là “Ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ hợp pháp của trẻ em chưa sinh” hàng năm của USCCB. Ngày đó đánh dấu kỷ niệm ngày Tòa án Tối cao ra quyết định trong vụ Roe kiện Wade, và là ngày phạt tạ ở các giáo phận của Hoa Kỳ.

Bất kể các tuyên bố quá khích của các giáo sĩ cực đoan như linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người Công Giáo cần phải nhớ rằng:

Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo điều 2271 khẳng định:

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý”.

Điều 1398, Sách giáo lý Công Giáo nói rõ:

Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”.
Source:USCCB
 
Đức Giáo Hoàng thúc giục Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý ba điều: phẩm giá, biện phân và đức tin
Vũ Văn An
22:35 22/01/2022

Theo Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ngày 21 tháng 1, 2022, nhân tiếp kiến các đại diện của Bộ Giáo Lý Đức Tin tham dự phiên họp toàn thể hàng năm của Bộ, Đức Phanxicô đã chia sẻ với họ “về ba chữ phẩm giá, biện phân và đức tin”. Sau đây là nguyên văn lời ngài:



Chữ đầu tiên: phẩm giá. Như tôi đã viết ở đầu Thông điệp Fratelli Tutti, tôi mong muốn mãnh liệt rằng “trong thời đại chúng ta, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ” (8). Nếu tình huynh đệ là đích đến mà Đấng Tạo Hóa đã chỉ định làm đường đi cho nhân loại, thì chính lộ vẫn là sự công nhận phẩm giá của mỗi con người.

Tuy nhiên, trong thời đại chúng ta, một thời đại bị đánh dấu bởi rất nhiều căng thẳng liên quan đến xã hội, chính trị và thậm chí cả sức khỏe nữa, càng ngày chúng ta càng bị cám dỗ coi người khác như người xa lạ hoặc kẻ thù, phủ nhận nhân phẩm thực sự của họ. Do đó, đặc biệt trong thời điểm này, chúng ta buộc phải nhắc nhớ, “thời này thuận lợi hay không thuận lợi” (2Tm 4:2), và trung thành tuân theo giáo huấn hơn hai ngàn năm của Giáo hội; ta cũng phải nhớ rằng phẩm giá của mỗi con người đều có một đặc tính nội tại và có giá trị từ thời điểm thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chính sự khẳng định phẩm giá đó là điều kiện tiên quyết bất khả xâm phạm đối với việc bảo vệ sự hiện hữu bản thân và xã hội, và cũng là điều kiện cần thiết để tình huynh đệ và tình hữu nghị xã hội được thể hiện giữa mọi dân tộc trên trái đất.

Ngay từ những ngày đầu sứ mệnh của mình, Giáo hội đã luôn công bố và cổ vũ giá trị vô hình của phẩm giá con người. Nhân tính thực sự là kiệt tác của sáng thế: được Thiên Chúa ước muốn và yêu quý như một đối tác trong các kế hoạch vĩnh cửu của Người, và vì sự cứu rỗi của chúng ta, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Người cho đến chết trên thập giá, cho mọi người, cho mỗi người chúng ta.

Do đó, tôi cảm ơn anh chị em vì sự suy tư mà anh chị em đã thực hiện về phẩm giá con người, bằng cách xem xét các thách thức mà tình hình hiện nay đang đặt ra về phương diện này.

Chữ thứ hai là biện phân. Ngày nay, nghệ thuật biện phân ngày càng được yêu cầu nhiều hơn nơi các tín hữu. Trong thời đại đổi thay mà chúng ta hiện đang trải qua, một mặt các tín hữu thấy mình phải đối đầu với những câu hỏi phức tạp và chưa từng có, mặt khác, nhu cầu linh đạo ngày càng tăng mà không phải lúc nào cũng tìm thấy điểm quy chiếu của nó trong Tin Mừng. Vì vậy, họ thường xuyên phải đối phó với các hiện tượng siêu nhiên, mà vì thế, ta phải đem lại cho dân Thiên Chúa các chỉ dẫn chắc chắn và vững chãi.

Sau đó, việc thực hiện biện phân phải tìm ra một lĩnh vực ứng dụng cần thiết trong cuộc chiến chống lại mọi loại lạm dụng. Với ơn Chúa giúp đỡ, Giáo hội kiên quyết theo đuổi cam kết của mình trong việc mang lại công lý cho các nạn nhân bị các thành viên của mình lạm dụng, bằng cách áp dụng một cách đặc biệt cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ giáo hội có liên quan. Dưới ánh sáng này, gần đây tôi đã cập nhật Các Quy định về các tội danh dành cho Bộ Giáo lý Đức tin, với ý định làm cho hành động pháp lý nhạy bén hơn. Hành động tư pháp một mình không đủ để ngăn chặn hiện tượng này, nhưng nó là một bước cần thiết để tái lập công lý, sửa chữa tai tiếng và sửa trị người phạm tội.

Cam kết biện phân tương tự cũng cần thiết trong một lĩnh vực khác mà anh chị em đang quan tâm hàng ngày: việc tháo gỡ dây hôn phối in favorem fidei (vì đức tin). Khi, nhờ năng quyền Phêrô, Giáo hội cho phép tháo gỡ dây hôn phối không có tính bí tích, thì vấn đề không những chỉ là kết thúc một cuộc hôn nhân theo giáo luật, một cuộc hôn nhân, trên thực tế, đã thất bại, nhưng trên thực tế, qua hành vi có tính mục vụ một cách nổi bật này, tôi luôn có ý định cổ vũ đức tin Công Giáo – in favorem fidei (vì đức tin)! - trong cuộc kết hợp mới và trong gia đình, mà cuộc hôn nhân mới này là hạt nhân.

Và ở đây tôi cũng muốn tạm dừng để nói về nhu cầu biện phân trong diễn trình đồng nghị. Người ta có thể nghĩ rằng hành trình đồng nghị có nghĩa phải lắng nghe mọi người, bằng việc thực hiện một cuộc thăm dò và đem lại các kết quả. Nhiều lá phiếu, nhiều lá phiếu, nhiều lá phiếu … Không. Một hành trình đồng nghị mà không có việc biện phân không phải là một hành trình đồng nghị. Trong diễn trình đồng nghị, điều cần thiết là phải liên tục biện phân các ý kiến, các quan điểm và các suy tư. Người ta không thể lên đường làm cuộc hành trình đồng nghị nếu không có việc biện phân. Việc biện phân này là điều làm cho một Thượng hội đồng thực sự trở thành Thượng hội đồng, trong đó nhân vật quan trọng nhất chính là Chúa Thánh Thần, chứ không phải một nghị viện hay một cuộc thăm dò ý kiến, điều mà các phương tiện truyền thông có thể làm được. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh: việc biện phân là điều quan trọng trong diễn đồng nghị.

Chữ cuối cùng là đức tin. Thánh Bộ của anh chị em được yêu cầu không những chỉ bảo vệ mà còn cổ vũ đức tin. Không có đức tin, sự hiện diện của các tín hữu trên thế giới sẽ chỉ còn là sự hiện diện của một cơ quan nhân đạo. Đức tin phải là tâm điểm của đời sống và hành động của mọi người đã được rửa tội. Và không phải là một đức tin chung chung hay mơ hồ, như thể nó là thứ rượu pha loãng mất hết giá trị, nhưng là một đức tin chân chính, trong sáng, như Chúa đòi hỏi khi Người nói với các môn đồ: “Nếu các con có đức tin to bằng hạt cải…” (Lc 17:6). Vì lý do này, chúng ta không bao giờ được quên rằng “một đức tin không gây rắc rối cho chúng ta là một đức tin rắc rối. Một đức tin không nêu câu hỏi là một đức tin phải được đặt câu hỏi. Một đức tin không đánh thức chúng ta là một đức tin cần được đánh thức. Một đức tin không lay động chúng ta là một đức tin cần phải lay động ”(Diễn văn trước Giáo triều Rôma, ngày 21 tháng 12 năm 2017).

Chúng ta đừng hài lòng với một đức tin hâm hấp, theo thói quen, sách giáo khoa. Chúng ta hãy hợp tác với Chúa Thánh Thần, và chúng ta hãy hợp tác với nhau, để ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã đến để mang vào thế giới có thể tiếp tục bùng cháy và thổi bùng tâm hồn mọi người.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn rất nhiều vì công việc của các bạn và tôi khuyến khích các bạn tiếp tục với sự giúp đỡ của Chúa. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm chúc Tết các linh mục ngày 22.1.2022
Văn Minh
11:46 22/01/2022
Hòa trong niềm vui chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, vào lúc 8g00 sáng thứ Bảy ngày 22.1.2022, Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) giáo hạt Phú Thọ, đã cùng nhau qui tụ về giáo xứ Bắc Hà để chúc Tết linh mục (Lm) Anphongsô Hoàng Ngọc Bao - Chánh xứ Bắc Hà - kiêm linh hướng GĐPTTT hạt Phú Thọ cùng gia quyến bước sang năm mới được nhiều sức khỏe và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Đồng thời, vị đại diện cũng gởi đến ngài bó hoa tươi cùng món quà nhỏ, giá trị vật chất tuy không lớn nhưng gói ghém tấm lòng hiếu thảo của những người con đối với vị mục tử. Đáp từ, Lm Anphongsô cảm ơn và chúc mừng anh em BCH/GĐPTTT hạt Phú Thọ sang năm mới được dồi dào sức khỏe, lòng hăng say phục vụ giáo xứ, giáo hạt, và siêng năng tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo hội được bình an và ngày một phát triển.

Xem Hình

Sau khi chia tay Lm Anphongsô, anh em BCH đến chúc Tết Lm Giuse Phạm Bá Lãm, Hạt trưởng, cùng các Lm trong giáo hạt Phú Thọ. Tại giáo xứ Hòa Hưng, ông Giuse Nguyễn Văn Sơn, Phó Ban Chấp hành, đã thay mặt chúc Tết Lm Giuse Phạm Bá Lãm bước sang năm mới được tràn đầy hồng ân, và cùng giáo xứ Hòa Hưng ngày một phát triển. Qua đây, Lm Hạt trưởng cũng nói lên những sự kiện của Giáo hội trong năm Nhâm Dần 2022: Giáo hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa thực hiện và xây dựng một Giáo hội hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Kế đó, BCH đến chúc Tết Lm Đaminh Nguyễn Văn Minh, Tân linh hướng GĐPTTT xứ đoàn Tân Phước. Sau lời chúc của ông Trưởng ban, Lm Đaminh chia sẻ: Gia đình PTTTCG là một Đoàn thể Công Giáo Tiến hành có tổ chức, Mục đích, Tôn chỉ và Linh đạo Tông đồ giáo dân của Giáo hội.

Đền tạ những sai sót, lỗi lầm của bản thân và người khác xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa.

Thực thi sứ mạng yêu thương, giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, khô khan và nguội lạnh trở về với Thánh Tâm Chúa.

Loan báo Tin Mừng và giới thiệu tình yêu thương của Thánh Tâm Chúa đến cho muôn người trong lòng xã hội hôm nay.
 
Thánh Lễ Giỗ 34 Năm Đức Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận Đà Nẵng - Hội Đồng Mục Vụ Các Giáo Xứ - Học Hỏi Về Hội Thánh Hiệp Hành
Tôma Ttương Văn Ân
12:09 22/01/2022
1. Thánh lễ Giỗ Đức Giám Mục tiên khởi :

Trong tâm tình tri ân “ uống nước nhớ nguồn”, lúc 10 giờ 15 sáng 21 / 1 / 2022, tại Giáo xứ Trà Kiệu, các Thành viên Ban Thường vụ - Hội đồng mục vụ, cùng với Quí Cha của các Giáo xứ và Giáo họ biệt lập - Giáo Hạt Tam Kỳ, Giáo hạt Trà kiệu, và Quí Cha đồng hành, đã hiệp dâng Thánh Lễ với Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận : Lễ Giỗ 34 năm (21/1/1988-2022) Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi – Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đà Nẵng.

Xem Hìnha>

Trong Bài giảng, Đức Cha Chủ tế nhắc lại Ơn Gọi và sự cống hiến của Đức Cha Phê-rô Maria cho Giáo Hội, cách riêng tại Giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha tiên khởi đã chu toàn, làm triển nở Giáo Hội về Đức tin và mọi mặt. Đức Cha Phê-rô Maria Có những khó khăn thử thách lúc cuối đời, nhưng Đức Cha đã kiên vững vượt qua, và làm chứng tá đức tin sống động về Thiên Chúa tình yêu.

Cuối Thánh lễ, Cộng đoàn Phụng vụ nhẹ bước đến nơi an nghĩ của Đức Cha Phê-rô Maria trong Vườn Nghĩa – bên cạnh Nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu. Những nén nhang với lòng tri ân công đức cao vời của Đức Giám Mục tiên khởi Giáo phận, và những lời kinh nguyện xin Chúa ân thưởng Nước Trời cho Đức Cha.

2. Gặp mặt Thành viên Ban Thường vụ Giáo xứ, các Đoàn thể cấp giáo phận, và việc học hỏi Hội Thánh Hiệp hành :

Hằng năm, ngày gặp mặt Ban Thường vụ Giáo xứ trong toàn Giáo phận được tổ chức 1 lần tại Nhà thờ Chính Tòa. Năm nay, diễn biến dịch còn phức tạp, vì vậy gặp mặt Quý Chức của Ban Thường được chia làm 2 ngày. Trong buổi sáng ngày Lễ Giỗ Đức Cha tiên khởi 21 / 1 / 2022, tại Giáo xứ Trà Kiệu, các Thành viên Ban Thường vụ Giáo xứ trong Giáo Hạt Trà Kiệu, Giáo Hạt Tam Kỳ. và ngay ngày hôm sau 22 / 1 / 2022 tại Giáo xứ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng, Thành viên ban Thường vụ Giáo xứ Giáo Hạt Đà Nẵng, Giáo Hạt Hội An, Giáo Hạt Hòa vang, và các Đoàn thể Công Giáo cấp Giáo phận, đã cùng học hỏi các tài liệu về Hội Thánh Hiệp Hành : “ Hiệp thông, tham gia và Sứ vụ “. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh suy tư và làm mới lại tinh thần “ hiệp hành”, vốn là bản chất sâu sắc của Hội Thánh Công Giáo.

Đây là tiến trình thỉnh ý của mọi thành phần dân Chúa, làm mới hành trình sống Đức tin và loan báo Tin Mừng. Những ý kiến, kiến nghị từ các Giáo xứ được tổng hợp đúc kết cho Công nghị tại Giáo phận. Tổng hợp ý từ các Giáo phận cho Công nghị của Hội đồng Giám mục Quốc gia – vùng miền. các vùng miền – quốc gia được tổng hợp ý kiến cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI vào tháng 10 năm 2023. Đây là cách qui nạp ý kiến đóng góp xây dựng Hội Thánh hiệp hành từ cấp cơ sở lên thượng tầng, cùng nhau suy nghĩ và đề nghị những hướng đi mới, để Hội Thánh sống hiệp thông hơn. Giáo Hội lắng nghe, để đề ra những văn kiện thích hợp với sự tham gia và thi hành sứ vụ được tốt hơn trong đời sống Đức tin dân Chúa !

Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thịnh – Đặc trách Ủy Ban Giáo dân và Cha Philipphe Trương Văn Long – Đặc trách mục vụ Gia đình, đã triển khai các đề tài :

+ Sự hiệp thông trong Giáo Hội, từ Thiên Chúa đến tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội, qua các Bí tích và phụng vụ. các việc cần làm là : cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa và mở lòng lắng nghe nhau ! sự hiệp thông hiệp nhất trong Thiên Chúa là bản chất của Giáo Hội. Hiệp thông từ trong gia đình, trong giáo khóm, trong Giáo Họ và Giáo xứ, tránh các hình thức độc tôn, độc quyền và Giáo sĩ trị.

+ Sự tham gia cộng tác của mỗi người tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho họ. Người Giáo dân, cách riêng thành viên Hội đồng mục vụ cùng đồng trách nhiệm với Giáo sĩ. Giáo sĩ cần tạo điều kiện để người Giáo dân tham gia vào sứ vụ, vào phụng vụ của Giáo hội, với từng đặc sủng của họ. Người Giáo dân có nhiều thuận lợi và làm việc rất tốt trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục, y tế, đối thoại, bác ái từ thiện …. Nhằm nhắm tới sự hiệp thông trọn vẹn trong một thân thể là Đức Ki-tô, để đem Chúa đến cho anh chị em nơi mình đang sống và làm việc.

+ sứ vụ là Ngôn sứ của mỗi Tín hữu khi nhận Bí Tích Rửa Tội làm con Thiên Chúa. Người Tín hữu có thể giới thiệu Chúa bằng dạy Giáo lý, chia sẻ Lời Chúa, tư vấn về luân lý và hôn nhân gia đình theo hướng dẫn của Giáo Hội. Tín hữu cần có lời nói và cách sống tốt đẹp về dân sinh, về bảo vệ công ích…. làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.

Trong những buổi gặp gỡ này, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã đến huấn từ, Đức Cha đã khái quát cho tham dự viện thấy chiều kích hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Giáo hội qua các thời kỳ, từ Giáo Hội sơ khai đến ngày nay. Cần xây dựng Hội Thánh lắng nghe nhau, không thành kiến vì đặc sủng Chúa Thánh Thần phân phát cho mỗi người. Đức Cha mời gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia vào đời sống của Giáo hội. Đức Cha đã nhắc đến việc Giáo Hội đồng hành cùng xã hội trong các chương trình thiện nguyện, đóng góp cả nhận lực, tài lực, trí lực và vật lực, nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian qua.

Dịp gặp gỡ cuối năm Tân Sửu và đón năm mới Nhâm Dần 2022. Mỗi người Tín hữu, qua các vị trong Ban Thường vụ, cách đặc biệt là Vị Đại diện, cũng muốn nói lên lời tri ân Đức Giám Mục Giáo phận, vì những ơn ích thiêng liêng và những việc cụ thể, mà Đức Giám Mục đã nâng đỡ dẫn dắt dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng. những món quà đặc sản vùng miền từ các Giáo xứ dâng tặng Đức Cha, dâng luôn cả tình yêu mến với Đức Cha. Trong dịp này, Đức Cha cũng không quên trao những phần quà Lời Chúa, làm ý lực sống cho Người tín hữu trong năm mới, và lì xì chút hiện kim, gói ghém cả yêu thương và ân tình với đoàn con dân Chúa.
 
VietCatholic TV
Đề phòng: Vụ trộm rúng động tổng giáo phận Paris, ẵm trọn các thùng tiền còn phạm thánh nghiêm trọng
VietCatholic Media
05:21 22/01/2022


1. Xâm phạm một nhà thờ ở Vitry: 'Họ đã đánh cắp xác của Chúa'

Nhà thờ Saint-Germain ở Vitry-sur-Seine, trong khu Val-de-Marne, ngoại ô Paris, đã bị phá phách trong đêm 6 tháng Giêng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất và bị trộm cắp, nghiêm trọng nhất là vụ lấy cắp các bánh thánh đã làm cho cha xứ Joseph Lokendandjala lo lắng và đau buồn. Một tuần sau vụ trộm này, cảm xúc vẫn còn dâng cao.

Một giáo dân báo cho cha xứ Lokendandjala, rằng một cánh cửa nhỏ mà thường bị khóa đã bị phá. Cha Lokendandjala ngay lập tức đến nhà thờ và phát hiện cửa nhà thờ đã bị cậy. Khi bước vào nhà thờ, ngài phát hiện ra rằng ba trong số bốn thùng tiền mà giáo dân quyên góp đã bị đập vỡ và cửa tiếp nhận cũng bị phá. Đây là nơi thường cất giữ các thứ dâng cúng của anh chị em giáo dân cho người nghèo. Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất diễn ra ở cung thánh.

“Ở cung thánh, ba nhà tạm đã bị mở tung, trong đó có nhà tạm giữ Mình Thánh Chúa,” Cha Lokendandjala, người được bổ nhiệm làm giáo xứ chỉ 4 tháng trước, vào ngày 1 tháng 9, than thở với Aleteia. “Họ đã lấy đi chiếc bình thánh mạ vàng chứa thân thể của Chúa Giêsu Kitô, các bánh thánh đã được thánh hiến!”

“Đó là điều nghiêm trọng nhất, đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, Bí tích Thánh Thể ban sự sống cho chúng ta, đã bị đánh cắp,” ngài nói, vẫn còn bị sốc. “Đó là một đau khổ lớn đối với chúng tôi. Sự phá phách của cải vật chất, trộm cắp tiền dâng cúng, tất nhiên là nghiêm trọng. Nhưng sự xúc phạm này đối với thân thể của Chúa Kitô là đặc biệt nghiêm trọng. Tôi không biết họ sẽ làm gì với Mình Thánh Chúa?”

Thánh lễ phạt tạ

Cha Lokendandjala ngay lập tức đóng cửa nhà thờ và gọi cha tổng đại diện, Cha Stéphane Aulard, để cảnh báo và tổ chức một Thánh lễ phạt tạ. Cảnh sát cũng đã được thông báo và vị linh mục đã nộp đơn khiếu nại.

Thánh lễ phạt tạ, do cha tổng đại diện thay mặt cho Đức Cha Créteil cử hành, đã diễn ra vào cuối ngày thứ Bảy, 8 tháng Giêng. “Thánh lễ phạt tạ này là điều cần thiết cho việc tha thứ tội lỗi, xóa bỏ sự ô uế phạm đến thân thể Chúa Kitô,” Cha Aulard nói. “Thánh lễ này để sửa chữa những tội lỗi đã gây ra, gây ra cho nhà thờ và sự thánh thiêng, đặc biệt là đối với thân thể của Chúa Kitô.”
Source:Aleteia

2. Sáu phụ nữ thay thế các linh mục trong các cử hành Phụng Vụ ở Catalonia

Sáu phụ nữ, được công nhận là “giáo dân đang thực hiện sứ mệnh mục vụ”, thực hiện việc “thay thế” trong trường hợp không có đủ linh mục được thụ phong để cử hành các cử hành Phụng Vụ ở tất cả các thị trấn của Catalonia và trao Mình Thánh Chúa đã được làm phép trước đó.

Các phụ nữ này được Tòa Giám Mục Tarragona công nhận. Họ chia sẻ trách nhiệm với một số linh mục phục vụ trong các giáo xứ Penedès, Urgell-Garrigues, Tarragona-Llevant, Priorat và Baix Camp, và một số giáo xứ khác thuộc giáo phận Lleida lân cận, mặc dù tất cả các phụ nữ này thuộc về tổng giáo phận Tarragona.

Phát ngôn viên của Tòa Giám Mục Tarragona, Simó Gras, nói với Efe: “Chính sự thiếu vắng những linh mục đã khiến chúng tôi khám phá ra đặc sủng của các nữ giáo dân trong Giáo hội. Ngay cả khi đã có đủ các linh mục được thụ phong, họ cũng sẽ không bị bỏ sót”

Hầu hết những người phụ nữ này đã dành nửa cuộc đời của mình để cống hiến ở mức độ nhất định trong việc “hỗ trợ” các giáo xứ của họ, đồng hành với những người bệnh, quản lý việc dạy giáo lý hoặc đọc sách Thánh. Một số giáo dân vẫn cảm thấy “miễn cưỡng” khi tham dự các cử hành do những phụ nữ này đảm trách, một phần vì họ là phụ nữ, một phần vì các cử hành này không trọn vẹn, nghĩa là các phụ nữ này chỉ trao Mình Thánh Chúa đã được thánh hiến trước đó, họ không cử hành thánh lễ như các linh mục thật sự. Họ cũng không giảng nhưng chỉ đọc các bài giảng soạn sẵn của các linh mục.
Source:elmundo.es


3. Theo các chuyên gia, bạn có thể đeo một khẩu trang y tế N95 trong bao lâu

Thông tấn xã CNN vừa có bài báo nhan đề “How long you can wear your N95, according to experts”, nghĩa là “Theo các chuyên gia, bạn có thể đeo một khẩu trang y tế N95 trong bao lâu?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bạn đã sẵn sàng đổi khẩu trang vải cũ của mình lấy N95 như một số chuyên gia khuyến nghị, nhưng giá mắc hơn và những từ nhỏ - “sử dụng một lần” - đang khiến bạn phân vân. Bạn thực sự có thể đeo khẩu trang y tế N95 trong bao lâu mà vẫn bảo vệ bản thân và những người khác khỏi nguy cơ bị Covid-19?

Linsey Marr, giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Virginia Tech cho biết: “Tôi đeo khẩu trang y tế của mình trong vòng một tuần”.

Chất liệu và khả năng lọc của khẩu trang N95 sẽ không “suy giảm trừ khi bạn chà xát hoặc chọc lỗ trên đó”, Marr nói. “Bạn phải ở trong không khí thực sự ô nhiễm... trong vài ngày trước khi nó mất khả năng lọc các hạt. Vì vậy, bạn thực sự có thể đeo chúng trong một thời gian dài.”

Cô ấy nói thêm: “Mọi người đã nói về 40 giờ - tôi nghĩ điều đó tốt. Thực sự, nó sẽ không bám vào mặt bạn hoặc dây đai sẽ quá lỏng hoặc có thể bị gãy trước khi mất khả năng lọc”.

Erin Bromage, phó giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth, cho biết lý do tại sao khẩu trang N95 được chỉ định là sử dụng một lần, đó là vì chúng được phân loại là khẩu trang y tế.

Trong các cơ sở y tế, nhân viên y tế thay khẩu trang thường xuyên hơn để tránh “lây nhiễm chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, khi thiết bị được đeo trong phòng của người bị nhiễm bệnh và sau đó chuyển sang phòng bên cạnh và mang theo bệnh nhiễm trùng đó cho người khác. Khi bạn lấy một khẩu trang cấp độ y tế chỉ sử dụng một lần và đeo nó ở nơi công cộng, chúng tôi sẽ không lo lắng về việc bạn có lây nhiễm chéo các môi trường khác nhau mà bạn đang ở hay không. Đó thực sự là cung cấp sự bảo vệ cho bạn.”

Bromage nói thêm: “Những chiếc khẩu trang y tế N95 trước đây giá chỉ có 1 đô la mỗi chiếc”, nhưng giá gần đây đã tăng đột biến do nhu cầu của công chúng đối với những chiếc khẩu trang y tế này tăng lên trong bối cảnh lo ngại về biến thể Omicron. Nếu bạn sử dụng lại N95 một cách an toàn, bạn có thể dùng lại ít nhất hai hoặc ba ngày”, Bromage nói thêm và nhận xét rằng “Tôi nhận ra rằng nó vẫn làm tăng thêm một khoản chi phí”.

Một số sở y tế công cộng địa phương, chẳng hạn như sở y tế Maryland và Milwaukee, đang cung cấp khẩu trang y tế N95 miễn phí.

Nói tóm lại là như thế này: Khẩu trang y tế N95 được chỉ định là dùng một lần vì khi thiết kế nó, người ta chỉ nghĩ đến môi trường bệnh viện. Các nhân viên y tế được yêu cầu dùng một lần thôi để tránh lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Quý vị và anh chị em có thể yên tâm dùng đi dùng lại nhiều lần. Để cẩn thận, đừng chạm tay vào phần trước của khẩu trang y tế, là nơi có thể tích tụ vi rút. Nắm ở sợi dây chắc ăn hơn. Nếu nghi ngờ đã gần một người nhiễm coronavirus thì tốt nhất là quăng khẩu trang y tế đó đi. Ngoài ra, có thể dùng lại cả tuần vẫn OK.


Source:CNN
 
Trúng tà, người phụ nữ vẽ bậy lên cửa nhà thờ, giả vờ lên rước lễ để phá các linh mục, đã bị câu lưu
VietCatholic Media
15:45 22/01/2022


1. Sau một thời gian trốn tránh người phụ nữ phá hoại các nhà thờ đã ra trình diện cảnh sát

Một phụ nữ 26 tuổi đã tự nộp mình cho cảnh sát. Y thị bị cảnh sát truy nã với hai tội danh liên quan đến việc phá hoại gây thiệt hại khoảng 10,000 đô la cho Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Hôm 13 tháng Giêng, Văn phòng Biện lý Quận Denver cho biết Madeline Ann Cramer phải đối mặt với một cáo buộc tội phạm phá hoại công thự và một tội ác vì lòng thù hận liên quan đến một vụ việc xảy ra vào ngày 10 tháng 10. Cả Vương Cung Thánh Đường và các bức tượng gần đó đã bị “phun sơn lên rất nhiều với các thông điệp cho thấy thành kiến chống Kitô Giáo,” Biện lý Quận Beth McCann nói.

Cramer đã trốn đến Oregon sau khi cảnh sát phát lệnh truy nã y thị. Nhưng y thị đã tự nộp mình cho cơ quan thực thi pháp luật vào ngày 12 tháng Giêng. Theo các videos trên mạng xã hội, Madeline Ann Cramer nói rằng cô ta đã được chào đời trong một gia đình Công Giáo và đã được rửa tội nhưng hiện tại cô ta là một người theo đạo satan và phản đối các quan điểm của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc phá thai.

Các bức ảnh về vụ phá hoại cho thấy các khẩu hiệu như “Satan sống ở đây”, “Những kẻ siêu cấp da trắng”, cũng như những hình chữ thập ngoặc, được viết bằng sơn phun màu đỏ tươi ở bên ngoài Vương Cung Thánh Đường, vỉa hè và trên nền một bức tượng của Thánh Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã đến thăm ngôi thánh đường này trong Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993.

Hình vẽ bậy đã được xóa sạch với sự giúp đỡ của các giáo dân và các tình nguyện viên khác.

Cha Sam Morehead, giám đốc Vương Cung Thánh Đường, nhận định rằng kẻ tấn công dường như có một số “vết thương cá nhân sâu sắc và bất bình” nên đã chống lại Chúa và Giáo hội.

Trong một video ngày 2 tháng 10, Cramer cho biết cô ta lớn lên theo Công Giáo và được rửa tội tại Nhà thờ Công Giáo St. Francis Cabrini ở Littleton, Colorado. Tuy nhiên, cô ta không bao giờ cảm thấy “Giáo Hội Công Giáo là đúng.”

Cô cho biết gần đây cô đã truy cập trang web của giáo xứ St. Frances Cabrini “và thấy rằng họ đang tích cực hỗ trợ trào lưu chống phá thai trên khắp đất nước.”

Phó tế Chet Ubowski tại Nhà thờ Công Giáo St. Frances Cabrini nói với CNA rằng Cramer là người phụ nữ đã đến gần bàn thờ trong Thánh lễ ngày 10 tháng 10, chỉ vài giờ sau khi cô ta phá hoại Vương Cung Thánh Đường. Cô ta đã lên rước lễ và khi được trao Mình Thánh Chúa, cô ta nhìn chằm chằm vào mặt cha John Paul Leyba và tự nhận mình là một người thờ Satan.

Ubowski nói rằng không ai trong số các nhân viên trong giáo xứ biết cô ta hoặc có bất kỳ hồi ức nào về cô ta, và nói thêm, “tất cả chúng tôi đều nhớ đến cô ấy trong lời cầu nguyện của mình.”

Phiên tòa tiếp theo của Cramer dự kiến vào ngày 14 tháng 2.

Y thị có tiền án về tội cản trở cảnh sát. Năm 2020, y thị bị kết án một năm quản chế và 48 giờ phục vụ cộng đồng.

Vương Cung Thánh Đường Denver cũng đã chịu thiệt hại rất tốn kém vào giữa năm 2020 trong bối cảnh các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc chống lại cảnh sát liên quan đến vụ sát hại George Floyd ở Minnesota bởi một cảnh sát viên Minneapolis. Vào thời điểm đó, Vương Cung Thánh Đường bị phun sơn với các khẩu hiệu ám chỉ những kẻ lạm dụng tình dục hoặc tuyên bố “Chúa đã chết” và “Không có Chúa”. Ngoài ra còn có các cụm từ và biểu tượng chống cảnh sát, vô chính phủ và chống tôn giáo.

Vương Cung Thánh Đường Denver là nơi lưu giữ hài cốt của Tôi tớ Chúa Julia Greeley, một cựu nô lệ đã cải đạo sang Công Giáo và được biết đến với lòng bác ái đối với người nghèo ở Denver và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Người phát ngôn của Tổng giáo phận Denver, Mark Haas, nói với CNA vào năm ngoái rằng kể từ tháng 2 năm 2020, ít nhất 25 giáo xứ hoặc địa điểm thờ phượng ở miền bắc Colorado đã là mục tiêu của các hoạt động phá hoại, hủy hoại tài sản hoặc trộm cắp.

Trong một bài luận trên tờ Washington Post vào tháng 11 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã than thở về hành vi phá hoại, đốt phá và các vụ phá hủy khác nhắm vào tài sản Công Giáo. Ngài nhấn mạnh vụ phá phách ngày 10 tháng 10 tại nhà thờ và lưu ý rằng các tôn giáo khác cũng đã chứng kiến tài sản của họ bị phá hoại.
Source:Catholic News Agency

2. Tuần lễ phò sinh của các giám mục Hoa Kỳ sẽ bắt đầu vào tuần tới

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập “Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống” của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và các giám mục một lần nữa khuyến khích mọi người cầu nguyện để chấm dứt tội lỗi phá thai.

Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống năm nay diễn ra trong bối cảnh của hai biến cố quan trọng.

Biến cố thứ nhất là Giáo Hội Hoa Kỳ đang trông đợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ. Như nhiều quan sát viên nhận định, có nhiều khả năng, phán quyết này sẽ là một chiến thắng phò sinh. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể sẽ đảo lộn phán quyết Roe kiện Wade vào năm 1973.

Biến cố thứ hai, nhà xuất bản Ignatius, được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một linh mục Dòng Tên vừa cho ra mắt cuốn “Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, SJ” nghĩa là “Dòng Tên Tổng Lược: Những Bài Khảo Luận Và Phê Bình Của Paul V. Mankowski, SJ” trong đó Cha Paul Mankowski, cũng là một linh mục Dòng Tên lên tiếng tố cáo đích danh những thành phần bất lương phản bội lại Dòng Tên, đồng lõa với tội lỗi phá thai và biến đảng Dân Chủ Mỹ thành đảng phá thai. Cuốn sách vẫn còn đang gây sóng gió trong dư luận Công Giáo tại Hoa Kỳ thì hôm 5 tháng Giêng vừa qua, Linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người từng là tuyên úy của Hạ viện từ tháng 5 năm 2011 đến tháng Giêng năm 2021, đã trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ The Washington Post, trong đó ông ta bảo vệ các chính trị gia Công Giáo phò phá thai. Ông ta đã đi xa đến mức viện dẫn Thánh Thomas Aquinas về lương tâm để bảo vệ lập trường của mình.

Tuyên bố ngày 12 tháng Giêng từ USCCB cho biết: “Tuần Cửu Nhật cho cuộc sống này là cơ hội để hồi tưởng và phạt tạ khi nhớ đến phán quyết Roe kiện Wade — là quyết định của Tòa án Tối cao hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn nước Mỹ”

Tuần cửu nhật bắt đầu vào ngày 19 tháng Giêng và được tài trợ bởi Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB. Tuần cửu nhật 9 Ngày cho Cuộc sống đầu tiên diễn ra vào năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade. Trong quyết định này, các thẩm phán cho rằng phụ nữ có quyền hợp pháp để phá thai trong suốt thời gian mang thai của mình.

Mỗi ngày, những người tham gia vào tuần cửu nhật sẽ cầu nguyện cho một ý định cụ thể liên quan đến việc chấm dứt phá thai và sẽ được cung cấp những “phản ánh, thông tin giáo dục và các hành động hàng ngày được đề xuất”.

Ngày 22 tháng Giêng là “Ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ hợp pháp của trẻ em chưa sinh” hàng năm của USCCB. Ngày đó đánh dấu kỷ niệm ngày Tòa án Tối cao ra quyết định trong vụ Roe kiện Wade, và là ngày phạt tạ ở các giáo phận của Hoa Kỳ.

Bất kể các tuyên bố quá khích của các giáo sĩ cực đoan như linh mục Dòng Tên Pat Conroy, người Công Giáo cần phải nhớ rằng:

Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo điều 2271 khẳng định:

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý”.

Điều 1398, Sách giáo lý Công Giáo nói rõ:

Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”.
Source:USCCB

3. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Đại Giáo Trưởng Hồi giáo Caucasus

Một phái đoàn các nhà lãnh đạo các tôn giáo ở Azerbaijan do Đại Giáo Trưởng Hồi giáo Caucasus Sheikhulislam Allahshukur Pashazade dẫn đầu đã đến thăm Vatican.

Sau cuộc gặp trực tiếp với Sheikhulislam Allahshukur Pashazade, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo khác ở Azerbaijan.

Đại sứ Azerbaijan tại Pháp và Tòa thánh Rahman Mustafayev, Đức Cha Archimandrite Alexy Nikonorov Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Nga của Baku và Toàn Azerbaijan, và Đức Cha Vladimir Fekete Giám Quản Tông Tòa tại Azerbaijan đã tham dự cuộc họp.

Azerbaijan có 10,282,300 dân, 97.3% dân số theo Hồi Giáo Shiite. Giáo Hội Công Giáo chỉ có một miền Phủ Doãn Tông Tòa với một giáo xứ duy nhất, chăm sóc cho khoảng 600 người Công Giáo chủ yếu là các công nhân đến làm việc tại đây. Tại Baku có một linh mục triều, 5 linh mục dòng, 8 nam tu sĩ và 9 nữ tu.

Đức Cha Vladimir Fekete được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm coi sóc miền Phủ Doãn Tông Tòa Azerbaijan từ ngày 5 tháng 11, 2019 thay cho Đức Cha Jan Capla, nghỉ hưu.

Đời sống tại Azerbaijan tương đối thanh bình, Giáo Hội Công Giáo tuy ít người nhưng không có dấu hiệu bị đàn áp.


Source:azertag.az
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News