Ngày 17-01-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cách thức Thiên Chúa kêu gọi con người!
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:14 17/01/2009
Chúa Nhật II Mùa Thường Niên B: (1 Sm 3,3b-10.19; Ga 1,35-42)

Bài Sách Thánh trích từ Sách Sa-mu-en thuộc phần Cựu Ước và bài Phúc Âm theo thánh Gioan của Chúa Nhật thứ 2 Mùa Thường Niên hôm nay có một tương quan hết sức mật thiết. Bài Sách Thánh trình bày câu chuyện cậu học trò Sa-mu-en được Chúa kêu gọi làm Tiên Tri, còn trong bài Phúc Âm thánh sử Gioan tường thuật lại ơn kêu gọi hai môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu, mà một trong hai người môn đệ đó là chính tác giả của bài Phúc Âm.

Ðiều quan trọng khiến chúng ta không thể bỏ qua được trong hai bài tường thuật về ơn gọi của cậu học trò Sa-mu-en cũng như của các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu là sự can thiệp của một đệ tam nhân, của người làm trung gian. Vâng, trong ơn gọi của Sa-mu-en chính là Thầy Cả Thượng Phẩm Hê-li, người mà cha mẹ Sa-mu-en đã trao phó con trai mình để ngài giáo dục và dẫn dắt cậu trên đường hiến dâng cho Thiên Chúa. Một hôm đang ngủ, Sa-mu-en bỗng nghe như có ai gọi tên cậu và cậu liền chạy lại cùng Thầy Cả Hê-li ngay và thưa: «Này con đây, Thầy đã gọi con!» Thầy Cả Hê-li biết ngay là Thiên Chúa gọi cậu bé nên đã cho cậu về phòng và căn dặn hãy cứ tiếp tục mau mắn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi như thế. Vậy, Thầy Cả Hê-li đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thầy Cả đã dầy công dạy dỗ và dìu dắt Sa-mu-en trở thành ngoan ngoãn thuần thục, để chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh từ Trời Cao giao phó. Nay thời giờ cho sứ mệnh đó đã điểm, một Ðấng Cao Cả hơn muốn đòi lại cậu bé Sa-mu-en và Thầy Cả Thượng Phẩm Hê-li đã dâng hoàn trả lại cậu bé cho Ðấng Cao Cả đó.

Còn trong bài tường thuật của Phúc Âm, Gioan Tiền Hô cũng đã cảm nghiệm được rằng sứ mệnh huấn luyện đoàn môn đệ đang luôn vây quanh ngài đã đến lúc hoàn tất. Một Ðấng khác cao cả hơn ngài đã đến và cũng chỉ vì Ðấng đó mà ngài đã huấn luyện đoàn môn đệ kia bấy lâu. Nay đã đến lúc ngài phải trao trả lại các môn đệ cho Ðấng đó. «Kìa là Con Chiên Thiên Chúa», Gioan Tiền Hô đã chỉ tay về phía Ðức Giêsu và giới thiệu cho hai người môn đệ như thế khi ngài thấy Ðức Giêsu đang đi ngang qua trước mặt mình. Và hai người môn đệ đã hiểu được ngay lời thầy mình: «Hai người môn đệ nghe ông nói và liền theo Ðức Giêsu.»

Qua sự diễn biến về ơn gọi của Sa-mu-en và của hai người môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu, chúng ta khám phá ra được đường lối của Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác, cách thức hành động của Thiên Chúa. Ðó là không một ai được kêu gọi trực tiếp dâng hiến phụng sự Thiên Chúa hay làm môn đệ Ðức Giêsu, nhưng đương sự phải nhờ vào đời sống đức tin có ấn tượng mạnh mẽ, gương sống đạo sâu sắc và sự tận tâm giúp đỡ của đệ tam nhân, của đồng loại khác. Dĩ nhiên, sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa Ðức Giêsu và người môn đệ là một điều hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Vâng, tiếng «xin vâng» đáp lại lời kêu mời của Thiên Chúa, tiếng «xin vâng» của đức tin và của lòng tuân phục đối với Thiên Chúa, không một ai có thể làm thay cho người khác được. Ðó là ngưỡng cửa mà mỗi người phải tự bước qua với tất cả ý thức trách nhiệm. Thế nhưng, khoảng cách trên đoạn đường tìm về ngưỡng cửa đó, chúng ta cần phải có sự hướng dẫn của bao người khác, những người đã đi trước và đã bước qua ngưỡng cửa đó trước chúng ta, những người đã có đầy đủ kinh nghiệm về Thiên Chúa như Thầy Cả Hê-li; và những người được gửi tới để làm bạn đường hướng dẫn chúng ta, như Gioan Tiền Hô: Cha mẹ, các cha linh hướng, các thầy cô và bạn bè tốt, v.v…

Vâng, Ơn gọi sống đức tin là một ơn nhưng không của Thiên Chúa ban, và «Thánh Thần hoàn toàn tự do, muốn thổi đâu tuỳ ý», tuy nhiên ảnh hưởng và sự dìu dắt nâng đỡ của kẻ khác cũng hầu như là một điều kiện tất yếu trong Ơn Gọi vậy. Cũng như, không hẳn là một thửa đất đã được cày bừa thuần thục là sẽ được bác nông dân gieo hạt giống tốt vào đó, nhưng điều kiện để bác nông dân gieo hạt giống của mình vào thửa đất là trước hết thửa đất phải được cày bừa và sửa soạn thuần thục trước đã.

Tiếp đến, Sa-mu-en sẽ không bao giờ quên Thầy mình là Hê-li, hai Tông đồ Gioan và An-rê cũng sẽ không bao giờ quên sư phụ đầu tiên của các ngài là Gioan Tiền Hô. Cũng vậy, chúng ta không bao giờ được phép quên ơn những người đã dạy dỗ, đã giúp đỡ chúng ta trong việc nhận biết Thiên Chúa, biết khám phá ra và đầy tin yêu đáp lại tiếng Người mời gọi chúng ta, dù cho đã xảy ra trong tuổi thơ qua đường lối vâng lời đơn sơ như trường hợp cậu bé Sa-mu-en, hay qua những thăm dò và tìm hiểu dè dặt của các thanh thiếu niên trưởng thành như trong trường hợp của các môn đệ Gioan Tiền Hô. Mỗi người hành động tương tự theo lứa tuổi và cách thức của mình như thế đều đúng và đều quan trọng. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai cần phải nối tiếp, đổi mới và đào sâu trường hợp thứ nhất, nói cách khác, sau khi tìm hiểu Ơn Gọi của mình, con người còn phải biết đơn sơ phó thác đáp lại tiếng Chúa, biết đơn sơ tin tưởng vâng theo Thánh Linh Chúa hướng dẫn. Bởi vậy, bạn đừng coi thường đức tin đơn sơ của tuổi thơ, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đó đức tin đơn sơ của tuổi thơ được thay thế bằng đức tin có ý thức và đầy thâm tín của người trưởng thành. Cả hai giai đoạn đều cần thiết và đều bổ túc cho nhau.

Vâng, nếu ngày nay bạn là một người trưởng thành với đời sống đức tin sống động, là do đức tin đó đã ăn rễ sâu trong con người bạn từ tuổi thơ rồi. Nhưng cả hai giai đoạn đó của đức tin – trong tuổi thơ và tuổi trưởng thành - đều cần đến sự nâng đỡ và hướng dẫn của kẻ có kinh nghiệm trong vấn đề.

Dĩ nhiên mỗi giai đoạn mỗi khác. Cách thức hướng dẫn của thầy cô ở nhà trường, của các giáo lý viên hay của cha xứ ở các lớp giáo lý khác với sự chỉ dạy của cha mẹ ở nhà khi các ngài lần đầu tiên dạy cho bạn biết kêu tên Chúa hay dạy cho bạn cách giơ tay làm Dấu Thánh Giá, v.v.. Cũng vậy, cách thức hướng dẫn của Thầy Cả Hê-li đối với bé Sa-mu-en không giống thái độ của Gioan Tiền Hô đối với hai môn đệ trưởng thành của ông. Thầy Cả Hê-li dạy bé Sa-mu-en: Con hãy làm như thế này. Còn Gioan Tiền Hô lại sử dụng một phương pháp khác: Ông chỉ giới thiệu và cho các môn đệ thông tin về Ðức Giêsu: «Kià là con Chiên Thiên Chúa».

Cả hai trường hợp, Thầy Cả Hê-li và Gioan Tiền Hô đều nhằm cùng một mục đích: Trao trả những người được giao phó cho mình lại cho Ðấng Cao Cả hơn, vì sứ mệnh của các ngài là sống và hướng dẫn dạy dỗ kẻ khác cho Ðấng đó mà thôi.

Ðàng khác, qua thái độ sống gương mẫu và cách thức thực thi tốt sứ mệnh được giao phó cho mình của Hê-li và của Gioan Tiền Hô, chúng ta cảm nhận được rằng thật không gì đẹp đẽ và cao quí hơn là được hướng dẫn và giúp đỡ kẻ khác trên con đường dẫn tới Ðức Kitô. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải học nơi các ngài là khi nào phải biết can đảm chấm dứt sứ mệnh đã nhận lãnh, khi nào phải rút lui khỏi chức vụ và nhiệm sở đã được trao phó, để nhường lại cho người kế vị và nhất là trao trả lại cho Thiên Chúa. Không phải tất cả các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các vị Linh mục, v.v… đã xử sự như Thầy Cả Hê-li và như Gioan Tiền Hô. Nhưng, hoặc họ quá dính bén một cách trần tục vào chức vụ thiêng liêng, hoặc họ chỉ muốn các thụ nhân của họ phải luôn lệ thuộc và phải luôn nhờ đến sự chăm sóc giúp đỡ của họ.

Họ quên rằng một chương trình giáo dục chỉ được coi là thành công khi người thụ nhân trưởng thành, tự có thể tìm ra cho mình một hướng đi riêng độc lập và không còn cần đến sự hướng dẫn của nhà giáo dục nữa. Cũng vì thế, khi người thanh niên tự chọn cho mình một con đường sống khác với sự dự định và lòng mong muốn của chúng ta – là cha mẹ, cha linh hướng và các nhà giáo dục – thì chúng ta phải tôn trọng sự tự do đó.

Mỗi người đều được tự do thờ phượng Chúa theo cách thức của mình. Mỗi người đều được tự do chọn lựa cho mình con đường tìm đạt hạnh phúc. Chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đó, cả khi chúng ta tin chắc rằng sự lựa chọn đó hoàn toàn khác với sự hướng dẫn chính đáng của chúng ta và sẽ không dẫn tới Thiên Chúa, thì điều chúng ta vẫn cần phải làm là hãy tôn trọng sự tự do đó. Vì không ai được phép ép buộc người khác phải chạy đến cùng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng không ép buộc bất cứ ai phải đến với Người. Nếu không, mọi sự sẽ đưa tới một hậu quả tồi tệ hơn.

Quả vậy, chúng ta hãy quan sát xem chính Ðức Giêsu đã tôn trọng sự tự do của hai người thanh niên là Gioan và Anrê đang tìm đến với Người một cách nhã nhặn như thế nào: «Các anh muốn tôi giúp được gì cho các anh đây?» Người hoàn toàn để hai chàng thanh niên được tự do trình bày ý nguyện của họ: «Thưa Thầy, nhà Thầy ở đâu?», nghĩa là họ muốn nói: Trước hết chúng tôi chỉ muốn có những thông tin chắc chắn về Thầy đã! Ðối lại, Ðức Giêsu cũng chỉ cho tin một cách hết sức khách quan, chứ không khuyến dụ hay lôi kéo hai anh: «Các anh hãy tới xem cho biết», và «họ đã đi với Người và đã nhìn thấy nhà người đang ở, và họ đã ở lại đó với Người cho hết ngày hôm đó». Sau rất nhiều năm, vị thánh sử và đồng thời cũng là người môn đệ còn ghi rõ: «Ðó là vào giờ thứ mười». Chính đó là giờ mà lần đầu tiên trong đời anh đã bước qua ngưỡng cửa nhà Ðức Giêsu và đã được làm quen với Người. Ðiều đó nói lên rằng suốt đời anh sẽ không bao giờ quên những giờ phút hạnh phúc được sống với Đức Giêsu.

Sau cùng, để có thể cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu đã nung nấu, động viên và thay đổi được con người của hai chàng thanh niên đó như thế nào, chúng ta hãy nhìn vào thành quả của buổi gặp gỡ: Chỉ mấy ngày sau đó, An-rê đã tìm gặp em mình là Simon và dẫn chàng đến gặp Ðức Giêsu. Qua sự kiện đó, đường lối căn bản cố hữu của Thiên Chúa lại được sử dụng ở đây, là người này hướng dẫn người kia tới cùng Người, kẻ này giúp đỡ kẻ nọ tìm gặp được Người, và cứ thế mãi! Vậy để thử nghiệm xem đức tin của chúng ta có còn sống động hay không và liệu chính chúng ta đã bước qua ngưỡng cửa để vào nhà Ðức Giêsu hay chưa, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình là chúng ta đã nỗ lực thực thi đường lối cơ bản của Nước Thiên Chúa, tức đưa dẫn người khác đến cùng Ðức Giêsu hay không!
 
Hãy đến mà xem
LM Inhaxiô Trần Ngà
03:24 17/01/2009
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 thường niên theo Tin Mừng Gioan 1, 35-42

Vào khoảng năm 1965 về trước, thời bấy giờ chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần có trận giao đấu bóng đá giữa hai đội mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh.

Thật khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú sút ngoạn mục khi chỉ được nghe bằng tai.

Hiện nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về quá khứ vì ưu thế vượt trội của kỹ thuật truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ phần nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến, như thể tận mắt, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất.

Thế là từ khi có truyền hình, không ai mê bóng đá lại theo dõi trận đấu qua đài phát thanh nữa. Từ kỹ thuật truyền thanh chuyển qua truyền hình là cả một bước tiến vượt bậc.

Tiến trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế.

Khởi đầu, Thiên Chúa không trực tiếp tỏ mình cho loài người nhưng chỉ phán dạy qua các ngôn sứ, - như thể qua xướng ngôn viên trên các đài phát thanh - nên chân dung của Thiên Chúa còn rất mờ mịt đối với loài người.

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Do-Thái 1, 1a).

Tiến sang giai đoạn hai, Thiên Chúa không còn mặc khải Người bằng lời qua trung gian các ngôn sứ nữa, nhưng đã bày tỏ chính Mình qua Con chí ái là Đức Giê-su Ki-tô.

“Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Do Thái 1, 1b)

Thế là từ đây, Lời của Thiên Chúa - tức Ngôi Lời - không còn là tiếng nói từ cõi xa xăm vọng lại, nhưng đã mặc lấy một hình hài, một thân xác để cho mọi người không những được nghe tiếng mà còn có thể nhìn ngắm, đụng chạm, tiếp xúc với Ngôi Lời. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Gioan 1, 14). Người là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa” (Do Thái 1,3)

Thế là chương trình mặc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một khúc quanh mới: giai đoạn mặc khải qua hình ảnh, qua chân dung - như kỹ thuật vô tuyến truyền hình hiện nay - đã khai mở. Nhờ đó, nhân loại không những có thể “nghe”, mà còn “thấy tận mắt, được chiêm ngưỡng và được chạm đến Lời” của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô. (thư I Gioan 1, 1)

Hãy đến mà xem

Trăm nghe không bằng một thấy. Nghe tường thuật về một trận bóng sao bằng tận mắt xem trận đó, ít nữa qua chiếc TV.

Chính vì thế nên khi An-rê và một môn đệ khác của Gioan Tẩy Giả được giới thiệu cho biết Đức Giê-su là chiên Thiên Chúa, hai ông liền tìm gặp Chúa Giê-su để tìm hiểu Người.

Chúa Giê-su quay lại hỏi: “Các anh tìm ai?”. Họ thưa Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Chúa Giê-su đáp: “Hãy đến mà xem”.

Hai anh em nầy đến với Chúa Giê-su, ở lại với Người, rồi mới sống gắn bó và trở thành môn đệ của Người.

Chúa Giê-su mời gọi “hãy đến mà xem”, nhưng chúng ta có thể nhìn xem Chúa ở đâu?

Trước hết là trong Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô dạy: “Không biết kinh thánh là không biết Chúa Giê-su”. Từng trang, từng dòng trong kinh thánh đều hoạ lại chân dung Chúa Giê-su và âm vang lên sứ điệp của Người. Biết bao nhiêu người nhờ thường xuyên nhìn ngắm cuộc đời và lắng nghe lời dạy của Chúa Giê-su trong Tân Ước, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã được diễm phúc cảm nghiệm được Chúa là Đấng tuyệt vời khôn tả.

Dostoievski, đại văn hào trứ danh người Nga ở thế kỷ 19, cũng là ngôi sao sáng trong trong làng văn học thế giới, từng viết nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian và không gian, thường chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trong Tin Mừng nên mới cảm nhận được nét đẹp cao quý tuyệt vời của Chúa Giê-su và đã tuyên xưng Người qua bức thư gửi cho bà Von Vizine. Bức thư nầy thường được gọi là kinh tin kính của Dostoievski: “Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Ki-tô, và hơn thế nữa, nếu ai chứng minh với tôi rằng Đức Giê-su ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Ki-tô hơn là chiều theo chân lý”.

Ước gì chúng ta thường xuyên “đến mà xem” Chúa Giê-su trong kinh thánh, “ở lại với Người” nơi bí tích thánh thể, để rồi say mê Người như Dostoievski và trở thành môn đệ Người như An-rê và người bạn của ông.
 
Chiến đấu không ngừng
+ GM JB Bùi Tuần
03:30 17/01/2009
Năm mới có thể ngưng hoặc hoạt động này hoặc tổ chức nọ, nhưng không thể ngừng chiến đấu. Vẫn còn nhiều chiến đấu cũ. Sẽ lại nẩy sinh nhiều chiến đấu mới.

Ở đây chỉ xin nói đến chiến đấu nội tâm, một thứ chiến đấu ở trong mỗi người chúng ta, một thứ chiến đấu cực kỳ quan trọng, có liên quan đến số phận đời đời.

1/ Nói chung về chiến đấu nội tâm được nói đến trong Phúc Âm

Chiến đấu nội tâm là trận chiến giữa thiện và ác trong chính bản thân ta.

Thánh Phaolô tả cuộc chiến đó thế này: "Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi cứ làm... Bởi đó tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì tôi lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích luật của Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác. Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam cầm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi" (Rm,18-23).

Trên đây, thánh Phaolô nói trống về sự thiện và sự ác. Nhưng sự thiện là cả một chuỗi dài, sự ác là cả một khối lớn. Hai thế giới đó kình địch nhau. Thánh Phaolô kể tên một số thành phần của hai bên. Bên tiêu cực được gọi là bên xác thịt. Bên tích cực được gọi là bên Thần Khí.

"Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy...

"Còn hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,19-23).

Mỗi bên, tuy là chuỗi dài, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ. Chúa Giêsu, khi đề cập đến những gì xấu phải bỏ, đã kể đến cách sống lỗi thời của một giai cấp, cách suy nghĩ không hợp chân lý của một nhóm tự cao tự đại, cách bảo vệ sai những giá trị của một truyền thống. Những thứ đó, chưa hẳn là tội, nhưng dễ đưa con người đến tội. Phải phấn đấu loại trừ chúng.

Chúa Cứu thế còn để ý đến một điều cũng không là tội, nhưng phải chiến đấu xoá bỏ, đó là những mặc cảm tự tôn và tự ti.

Sau cùng, Chúa Cứu thế đưa ra một tiêu chuẩn đơn gọn, để phân biệt điều gì không nên làm, điều gì nên làm. Tiêu chuẩn đó là thánh ý Chúa Cha.

Đức Mẹ Maria cũng dựa vào tiêu chuẩn vâng phục thánh ý Chúa, để phấn đấu trên đường về với Chúa.

Để biết vâng phục thánh ý Chúa, người ta phải cầu nguyện và biết phân định. Vì thế, càng ngày người ta càng hiểu ý Chúa một cách rộng hơn.

2/ Chiến đấu nội tâm được nói tới thời nay

Thời nay, thánh ý Chúa soi sáng cho cuộc chiến đấu nội tâm phải đi vào khoa học về con người và về xã hội.

Khoa học về con người. Như tác động của tiềm thức và vô thức đến các lựa chọn của con người. Như ảnh hưởng của sức khoẻ đến tình hình nội tâm của mỗi người.

Khoa học về xã hội. Như tác động của những đúng sai trong nền văn hoá vây quanh con người. Như hay dở trong các phương tiện truyền thông tối ngày ùa vào lòng trí con người. Như phải trái lẫn lộn trong các dư luận đa dạng lôi kéo con người. Như tốt xấu của môi trường gia đình, bạn bè, học đường ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của mỗi người.

Như vậy, chiến đấu nội tâm sẽ không đơn thuần là nhị nguyên, mà là một mặt trận mênh mông phức tạp.

3/ Chiến đấu chiều sâu

Hơn nữa, khi suy nghĩ sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy chiến đấu nội tâm cần phải truy tìm những kẻ thù giấu mặt.

Có những mầm mống đưa người ta đến thói quen dùng thời giờ vào những giải trí phù du, những bận tâm vô bổ, những chăm sóc vô ích dành cho mình.

Có những áp lực của những nhóm quyền lực đưa người ta đến việc bon chen, giả dối, đặt tư lợi trên công ích.

Có những mưu mô của những thế lực phá hoại đưa người ta đến việc đảo lộn trật tự đạo đức, như trọng hình thức phô trương hơn nội dung bác ái, trốn tránh tình yêu và tình nghĩa chân thực, mà chỉ còn tiền và hưởng thụ là lẽ sống.

Đi sâu vào thực tại hôm nay, người ta được phép nghĩ là có một khối óc độc ác quỷ ma đang là tác giả cả một hệ thống phá hoại đạo đức.

Chúa Giêsu không ngại quả quyết "sẽ đến lúc thủ lãnh thế gian (tức Satan) sẽ bị tống ra ngoài. Và khi Ta được treo lên, thì Ta sẽ kéo mọi người đến cũng Ta" (Ga 16,32).

Lời Chúa Giêsu phán trên đây cho thấy chìa khoá chiến thắng là thánh giá Chúa Giêsu. Ta phải để cho tình yêu Chúa kéo ta lên với thánh giá Chúa. Ở đó, ta sẽ gặp được Thiên Chúa là tình yêu.

Với chút suy tư trên đây về bổn phận chiến đấu nội tâm, chúng ta cầu chúc cho nhau biết chiến đấu trong suốt năm mới này.

Hãy khiêm tốn và tỉnh thức cầu nguyện đón nhận sự Chúa kéo ta lên.

Hãy khiêm tốn và tỉnh thức phấn đấu để cộng tác với Chúa đẩy lùi sự ác luôn tìm phá hoại sự thiện.

Hãy nhìn lên thánh giá Chúa, nơi đó là cửa dẫn ta vào trời mới đất mới.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 17/01/2009
VÔ NGÔN

N2T


- “Sư phụ của các anh truyền lại cho các anh những gì ?” một người khách đến thăm hỏi.

- “Không truyền gì cả.”

- “Vậy thì tại sao ông ta vẫn khải thị rất nhiều điều ?”

- “Sư phụ chỉ điểm ra phương hướng, nhưng không truyền gì cả.”


Người khách ấy nghe xong thì không thể giải thích, thế là đệ tử này giải thích tỉ mỉ cho ông ta nghe: “Nếu sư phụ truyền cho chúng tôi việc gì đó, thì chúng tôi phải nổ lực tin tưởng và lo lý giải nội dung ấy. Nhưng sư phụ không bận tâm đến việc chúng tôi tin gì, sư phụ chỉ quan tâm chúng tôi nhận thức thực sự là bao nhiêu mà thôi.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Sư phụ không truyền gì cả, sư phụ chỉ là người có bổn phận dạy lại những gì mà mình đã biết mà thôi. Nhưng dù cho sư phụ chỉ có dạy một chữ hay nửa chữ, thi vẫn là sư phụ, cho nên mới có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Có một vài học trò thường hay chê thầy cô dạy dở dạy không hay và thường phê bình thầy trước mặt các học trò khác, họ quên mất thầy cô là những người thay mặt Chúa để khai mở tri thức cho mình, cho nên khi chê bai thây cô là chê bai Thiên Chúa, đành rằng trong thực tế có những thầy cô không lam tron chức năng hoặc bổn phận của mình.

Thiên Chúa là vị thầy vĩ đại của nhân loại, Ngài sáng tạo muôn loài và để cho nhân loại dùng trí óc của mình để khám phá và tô điểm để vũ trụ ngày càng đẹp hơn, đó chính là bổn phận của nhân loại. Tuy nhiên cũng có nhiều người nhìn thấy tài năng của mình vượt bực nên đã tuyên bố là không có Thiên Chúa trong vũ trụ này, và tất cả những thành quả mà con người có được hôm nay là do trí óc con người tìm tòi sáng tạo.v....

Thiên Chúa không quan tâm đến chúng ta làm đẹp hay làm xấu công trình của Ngài, nhưng Ngài quan tâm đến tâm hồn của chúng ta có thật sự nhận ra Ngài là Đấng sáng tạo muôn loài, để mà khiêm tốn nhận ra mình là loài thụ tạo không mà thôi, nên Ngài thường vô ngôn trước những kiêu ngạo hợm hĩnh của chúng ta.

Kiêu ngạo là cha đẻ của sự vô ơn.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:12 17/01/2009
CHỦ NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN (B)

Tin mừng: Ga 1, 35-42.

“Các ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Ngài.”


Các bạn thân mến,

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Giáo Hội –qua thánh Gioan Tiền Hô- đã giới thiệu Chúa Giê-su cho chúng ta, Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, và là Đấng mà muôn dân trông đợi đang hiện diện giữa cuộc đời này. Ngài đến như một người Do Thái bình thường không bí ẩn như những vị ẩn tu, không như những nhà giảng thuyết lừng danh, nhưng là như một Ráp-bi hiền hòa nhân ái. Chính Ngài đã đến để đem tin vui cứu độ cho mọi người.

Bạn và tôi đã đến và đã nghe Ngài giảng dạy, không phải bên bờ sông Gio-đan, nhưng là trong nhà thờ; không phải giờ thứ mười, nhưng là mỗi giây phút trong cuộc sống của mình.

Bạn và tôi đã xác tín Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, nên đã phó thác tất cả cuộc sống của mỉnh trong tay Ngài, nhưng đã có nhiều lần bạn và tôi không muốn ở lại cùng chia sẻ với Ngài những buồn vui trong cuộc sống của mình, và lắm lúc trong cuộc sống, bạn và tôi đã đem cuộc đời mỉnh phó thác trong tay nhà quyền quý vì bổng lộc chóng qua, phó thác đời mình cho một tình yêu bất chính, mà không tin tưởng phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su đã đến xem chỗ ở của Ngài và ở lại luôn với Ngài, bởi vì các ông đã nhìn thấy cách sống của Chúa Giê-su: đơn sơ, thanh tịnh và tràn đầy yêu thương.

Bạn và tôi không những đã thấy và đã tin, nhưng còn được rước lấy Mình và Máu Thánh của Ngài nữa, do đó, chúng ta cần phải như các môn đệ tiên khởi của Chúa Giê-su, giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác cũng biết Chúa Giê-su như chúng ta vậy, bằng cách sống yêu thương, đơn sơ, tin tưởng và vui vẻ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:15 17/01/2009
N2T


65. Trên thế gian nếu cam tâm thực hành những việc đền tội nho nhỏ, so với sau khi chết bị miễn cưỡng thực hành đền tội lớn lao, thì cần phải xem là quan trọng hơn.

(Thánh nữ Perpetua)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:16 17/01/2009
N2T


9. Lịch sự là một loại lời nói, quy tắc và thực hành của nó chủ yếu là từ quan sát, là từ nơi một vài người có giáo dục mà học tập, mà thăm và học tập lẫn nhau.H3>

 
Muốn được theo Thầy
Tuyết Mai
15:42 17/01/2009
Tất cả chúng ta đây, dù trong mọi hoàn cảnh nào đều có thể theo Thầy Giêsu được cả! Thầy chẳng khó khăn với chúng ta đâu, chỉ cần chúng ta dũ bỏ tất cả những bụi trần, những tội lỗi, những đam mê, những gì thuộc về thế gian, thì đều được Thầy Giêsu chấp nhận và cho theo. Dĩ nhiên chẳng phải vì Thầy Giêsu của chúng ta khó khăn, nhưng bởi vì những gì chúng ta còn dính bén, mới trở nên khó khăn trên bước đường đi theo Thầy trước mặt mà thôi!. Chứ nếu chúng ta không còn gì vướng bận trong tâm trí, không còn một ước vọng tham lam nào để còn là chướng ngại hay giới hạn chúng ta theo bước chân của Ngài, suốt cuộc đời còn lại. Thầy Giêsu của chúng ta thì hiền lành và thánh thiện vô cùng, nếu muốn theo Thầy thì chỉ cần chúng ta cũng bắt chước tất cả những môn đệ của Thầy trước đây! Thầy ở đâu thì chúng con cũng xin được ở đó với Thầy. Thầy đi đâu, xin cho chúng con được đi theo. Thầy làm gì, ăn gì, mọi điều gì Thầy làm, xin cho chúng con được bắt chước, con thiết nghĩ cũng chẳng có gì gọi là khó, phải không Thầy Giêsu nhân lành của chúng con ơi!?

Tại sao Thầy Giêsu lại có được nhiều môn đệ theo Thầy đến thế!? Có phải vì theo Thầy là được sống nhiều trong tự do, trong đoàn kết tình huynh đệ, trong yêu thương, chia sẻ, lo lắng cho nhau? Có phải vì theo Thầy ta chẳng phải lo lắng là ngày mai ta sẽ ăn gì, mặc gì, và bận tâm điều gì? Có phải theo Thầy cuộc sống của chúng ta chung quanh ai cũng là anh chị em một nhà. Có phải đi theo Thầy là chúng ta luôn được sống trong bình an và hạnh phúc.

Vâng, đó là khi chúng ta có Thầy. Còn khi vắng bóng Thầy thì chúng ta sẽ ra sao!? Có phải khi vắng bóng Thầy thì chúng ta mất đi điểm tựa? Mất nơi nương tựa, mất Người hướng dẫn, mất Người dậy dỗ, mất Người an ủi, nhất là mất đi Người tín cẩn là Người Đầu Lớn Nhất, là cột trụ cho tất cả chúng ta những khi cần được cố vấn và trấn an. Nhưng lậy Thầy Giêsu! Thầy đã chuẩn bị cho chúng con tất cả! Vì Thầy yêu thương chúng con vô bờ bến. Thầy biết trước được chúng con sẽ mất Thầy, vì chương trình của Thầy phải được chu tất và chu toàn theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, là Cha yêu dấu của Thầy! Vì Thầy biết rõ chúng con đớn hèn. Vì Thầy biết rõ chúng con tất cả là vô dụng nếu không có Thầy! Nên có phải vì thế mà Thầy đã nhờ đến Thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh để tiếp tục công việc của Thầy trên trần gian này hay không? Và chẳng những một Phêrô mà còn nhiều Phêrô tiếp theo sau này nữa!. Thầy về Trời đã xin với Thiên Chúa Cha ban cho chúng con ơn Chúa Thánh Linh, sẽ luôn ở với chúng con thay Thầy mà dậy dỗ hướng dẫn chúng con. Nhờ ơn Chúa Thánh Linh, giúp chúng con rất nhiều trong những việc giữ gìn linh hồn và thân xác chúng con để trở thành bàn thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, thánh hóa trong ngoài chúng con, hoán cải chúng con nên con cái Chúa mỗi ngày một hơn. Thật tình Thầy có ra đi và đang hằng ngự bên hữu Đức Chúa Cha và bên Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, nhưng có phải Thầy vẫn còn lưu lại trên trần gian này với chúng con trong tất cả những giáo huấn của Thầy được chứa đựng tất cả trong Phúc Âm, trong Chúa Thánh Linh, và trong tất cả hình ảnh anh chị em hằng ngày sống chung quanh chúng con?

Chúng con muốn theo Thầy ư!? Hãy về bán tất cả của cải cho người nghèo khó, rồi trở lại mà theo Thầy. Muốn theo Thầy thì đừng tiếc rẻ những gì chúng con bỏ lại sau lưng. Muốn theo Thầy thì hãy ra đi như chiên non đi giữa bầy sói, không mang bao bị, không mặc hai áo, và không vận vào người những thứ không cần thiết. Đi đến nơi đâu hãy dùng đôi bàn tay mà biến thành thực phẩm để nuôi thân, hãy rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, hãy khuyên mọi người ăn năn sám hối vì Nước Trời gần kề, và hãy luôn giữ hai Giới Răn quan trọng của Chúa, trước là kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy, Amen.

Lậy Thầy Giêsu! Không biết con đã đi theo Thầy được bao nhiêu phần trăm trong cuộc sống hiện tại và còn tiếp tục được bao nhiêu năm nữa trong cuộc đời vắn vỏi còn lại của con đây!? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, con rất mừng là con sống gần như không có của cải gì nhiều cả! Nhưng lại có Thầy trong quả tim con thì thiết nghĩ đó là hạnh phúc nhất trần đời của con phải không thưa Thầy Giêsu!? Nhất là trong cuộc sống mà kinh tế hiện nay đang kiệt quệ, đang tuột dốc, và đang suy thoái thật trầm trọng, có thể con cũng không thoát khỏi con trăng này, bởi đây là nạn chung trên toàn nước Mỹ và thế giới. Hiện nay nhiều người giầu có trên thế giới đã mất hết của cải, như gặp phải trận hồng thủy, càn quét tất cả những gì của họ đã dành hết một đời, gầy dựng trên nền móng bằng cát, không vững chắc, không bảo hiểm, nên ngày hôm nay họ đã mất tất cả, và đã cất mạng sống của họ theo với những gì họ đã mất. Thật tội nghiệp cho những con người giầu có đó, họ thật đáng thương. Tưởng chừng bạc tỷ thì đâu có gọi là nghèo phải không thưa Thầy, thế mà tại sao họ phải kết liễu cuộc đời của họ thương tâm như thế!? Có phải họ càng giầu thì họ lại càng nghèo xác nghèo xơ, vì không còn gì là của họ? Vì họ không tin tưởng vào ai! Ngay cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, và người trong gia tộc. Ai họ cũng nghi ngờ. Họ mất hết cả tự do vì bận làm tiền và giữ tiền. Họ mất hết cả tình người vì có phải hễ cho là mất, mà hễ tích lũy là còn. Họ mất cả linh hồn muôn đời của họ.

Nên muốn được đi theo Thầy ư!? Quả là khó cho những ai giầu có, nhưng cũng không dễ cho những ai khó nghèo. Bởi nếu có lòng tham thì hà tất là dù ta giầu hay nghèo thì cũng giống nhau thôi! Ước mong cho lòng mong ước của chúng ta muốn được đi theo Thầy Giêsu được trở thành hiện thực là khi chúng ta sống được giống như trong Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxico Khó Nghèo. Amen.
 
Trên con đường trở về
LM. Anphong Trần Đức Phương
16:19 17/01/2009

TRÊN CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ



(CHÚA NHẬT III, THƯỜNG NIÊN, B)

(Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng)


Mùa Thường Niên là mùa để chúng ta sống lại những biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Muốn đi vào Nước Trời, việc đầu tiên phải làm là sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi, thực lòng ăn năn trở lại và tin vào Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng. Đó là tư tưởng chính trong Chúa Nhật hôm nay và cũng là tư tưởng chính trong Bài Tin Mừng (Matcô 1, 14-20). Tinh thần sám hối tội lỗi cũng được nói đến trong bài Đọc I (Giôna 3, 1-5, 10): Dân thành Ninivê thời đó đã sống trong trụy lạc, nhưng nghe lời tiên Tri Giôna kêu gọi, cả dân thành đều ăn năn sám hối, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, ăn năn đền tội, và Chúa đã tha thứ mọi tội lỗi của họ. Trong Bài Đọc II (1 Corintô 7, 29-31), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy nhớ cuộc đời của mỗi người rồi sẽ qua đi, qua đi nhanh chóng, nên hãy vui sống cuộc đời của mình, nhưng đừng quá bám víu vào bất cứ điều gì thuộc thế gian.

Vào Mùa Chay, chúng ta hãy hát bài “Trên Con Đường Trở Về” (Mi Trầm) để khơi dậy trong chúng ta lòng thống hối ăn năn, từ bỏ tội lỗi, trở về với Chúa. Nhưng không phải chỉ Mùa Chay chúng ta mới thống hối, mà đó là việc phải làm từng giây phút suốt cuộc đời.

Chính trên con đường trở về, quyết tâm trở về, mà bao ‘tội nhân’ đã trở nên ‘Thánh Nhân’, như Madalêna, Augustinô, Phanxicô khó khăn, Charles de Foucauld… và nhiều, rất nhiều nữa mà chúng ta không biết hết được. Đó là những đứa con phung phá trở về với người Cha nhân hậu của mình (Luca 15, 11-24).

Như những đứa con phung phá, chúng ta quyết tâm trở về, ăn năn sám hối, làm việc đền tội và tin vào Tin Mừng tình thương của Chúa, rồi cuộc đời chúng ta sẽ đổi mới, sẽ tươi sáng hơn, dù vẫn phải sống giữa trăm chiều thử thách.

Thay vì ngồi đó để than thân trách phận, bi quan yếm thế, phê bình chỉ trích, oán hận người khác, chúng ta hãy trở về trước hết với con người của chính mình, hãy đấm ngực chính mình và xoay chuyển cuộc đời theo hướng dẫn của Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp thấy Chúa như người Cha thật dễ thương, đầy lòng nhân hậu, chứ không phải chỉ là một quan án nghiêm khắc. Có những lúc chúng ta gặp đau khổ, bệnh họan, thử thách; đó là lẽ thường tình của cuộc đời mỗi người và cũng là dịp để thanh luyện tâm hồn chúng ta, chứ không phải ‘vì Chúa bắt tội chúng ta!’

Rồi chúng ta cũng sẽ có cái nhìn đổi mới với mọi người. Chúng ta sẽ thấy người chồng của chúng ta thật dễ mến, người vợ của chúng ta cũng đáng yêu như thuở ban đầu, và những đứa con là cả một hồng ân Chúa ban. Những người mà trước đây chúng ta ‘ghét cay, ghét đắng’ vẫn là những con người có những nét dễ thương và vẫn có thể trở nên người bạn thân của chúng ta.

Hơn nữa, nhờ ơn Chúa, sau khi đã biến đổi con người của mình, chúng ta sẽ có thể nên ‘Muối và Ánh Sáng’ (Matthêu 5, 13-16). Chúng ta sẽ có sức biến đổi mọi người chung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ vui tươi hơn với cuộc đời, với mọi người và hăng hái tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng hạnh phúc của Chúa cho mọi người.

Mùa đông tuyết sa, bão tố rồi cũng sẽ qua đi. Mùa Xuân vĩnh cửu sẽ đến vào cuối cuộc đời của chúng ta, và Nước Trời sẽ mở rộng đón tiếp chúng ta.
 
Ơn kêu gọi
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:21 17/01/2009

Ơn kêu gọi



Xưa nay chúng ta thường hiểu những người đi tu làm linh mục hay Tu Sĩ Nam Nữ trong các Hội Dòng là những người có ơn Kêu Gọi hay được Chúa kêu gọi tuyển chọn.

Vậy Ơn kêu gọi là gì?

Bây giờ nếu có ai hỏi, phải cắt nghĩa Ơn kêu gọi như thế nào cho những người Trẻ hiểu rõ, có lẽ không có một định nghĩa giống như một công thức trắng đen rõ ràng nào.

Vì ơn kêu gọi không phải là một đơn từ đặt viết ra cho người đọc người xem chấp nhận hay không chấp nhận. Nhưng Ơn kêu gọi là tiếng mời gọi âm thầm hầu như linh thiêng vang lên từ trong tâm hồn mỗi người.

Nếu có ai hỏi, thế tiếng mời gọi đó vang vọng phát ra âm thanh trong tâm hồn con người như thế nào và vào lúc nào?

Điều này cũng không có thể nói diễn tả ra đơn giản bằng ngôn ngữ hay chữ viết được. Vì tiếng mời gọi vang vọng trong tâm hồn không thành tiếng nghe được bằng tai, nhưng chỉ cảm nghiệm nhận ra trong trái tim tâm hồn. Phải, qua cảm nhận trong làn rung động của tầng thần kinh cảm gíac. Và tiếng mời gọi đó xảy đến bất chợt không theo một thời gian nhất định nào.

Như thế, có thể hiểu là ơn kêu gọi vang lên rồi cứ thế triển nở khắc ghi trong tâm hồn người đó mãi mãi sao?

Không hẳn là như thế đâu. Vì như hạt giống gieo vãi xuống đất, có hạt gặp nền đất tốt, có nước, có ánh sáng mặt trời chiếu xống cùng được chăm sóc vun xới, sẽ mọc lên thành cây sinh hoa kết trái tươi tốt. Trái lại, nếu thiếu những điều kiện căn bản, hạt giống sẽ mai một chết lịm dần đi.

Với tiếng mời gọi cũng tương tự như thế. Những điều kiện ngoại cảnh về môi trường giáo dục đào tạo, môi trường đời sống văn hóa lành mạnh, cùng nếp sống đạo đức giúp tiếng mời gọi phát triển lớn lên thành ơn kêu gọi sống đứng vững giữa đời.

Ơn kêu gọi cần phải được vun trồng chăm sóc theo hướng tinh thần vươn tới Thiên Chúa, là Đấng kêu gọi, và hướng tới căn bản đời sống tình người, không chỉ cho hôm qua, hôm nay mà còn phải liên tục mãi cho ngày mai.

Ngày xưa trong thời Cựu ước, Thiên Chúa kêu gọi cá nhân từng người, như Thánh Tiên tri Maisen, Thánh tiên tri Isaia, Edechiel làm sứ gỉa loan báo ý muốn của Ngài cho mọi con người.

Chúa Giêsu đến, Ngài kêu gọi hoặc từng người, như các Thánh Tông đồ Phero, Phaolo, Andre, Toma…hoặc cả tập thể mọi người không phải chỉ làm sứ gỉa cho Tin Mừng nước Thiên Chúa, mà là những người tin đi theo làm chứng nhân cho Chúa.

Qua làn nước Bí tích Rửa tội, lời Chúa vang lên trong tâm hồn mỗi người tín hữu: Đến mà xem! ( Ga 1, 39).

Qua lời giao ước và chiếc nhẫn hôn phối mà hai người Nam Nữ trao cho nhau ngày cử hành Bí tích hôn phối, tiếng Chúa mời gọi họ vang lên trong tâm hồn: Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly! ( Mt 19, 6 )

Tiếng Chúa kêu gọi cha mẹ trong bậc sống gia đình là chăm sóc đời sống cơn ăm áo mặc, sức khoẻ cùng viêc giáo dục đào tạo cho con cái mình.

Ơn kêu gọi cũng như đời sống của con người là con đường sống trải dài từ hôm qua sang ngày mai.
 
Giảng tĩnh tâm LM đoàn Phan Thiết (2): Vâng Phục
+GM. Vũ Duy Thống
16:50 17/01/2009
ĐGM GIUSE VŨ DUY THỐNG
GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

BẢY LỜI CỦA ĐỨC MARIA & ĐỜI SỐNG LINH MỤC

GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN PHAN THIẾT
TỪ NGÀY 5 ĐẾN 9/1/2009


VÂNG PHỤC

“Nầy tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời,

tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38)

khi được trao mũ đỏ, Đức Hồng Y Yves Congar, OP đã vào tuổi về hưu và đang lâm bệnh, không còn tỉnh táo nhiều nữa. Một dịp ghé thăm các chị em Tiểu muội ở Paris, tình cờ gặp cảnh mấy người đang giúp ngài dùng bữa. Người thì lo trải khăn lên ngực đề phòng thức ăn vương vãi, người thì lo bưng chén cháo sẵn sàng phục vụ, và còn người nữa có mặt chỉ với nhiệm vụ ngọt ngào dỗ dành, mong sao ĐHY ăn được chút gì để sống. Lắng nghe điệp khúc dỗ dành như nói với trẻ thơ mà thấy buồn cười: “ĐHY ngoan nào, há miệng lớn nhé, ầm”. Và thế là một muỗng cháo đã được rót gọn vào miệng. Tiếp theo là những lời tưởng thưởng. “ĐHY hôm nay ngoan ghê, có các cha Việt Nam đến thăm nè”. Thấy bữa ăn cứ tiếp tục theo nhịp 4/4: lời dỗ dành; muỗng cháo; lời tưởng thưởng; lau miệng, người ta không khỏi không mủi lòng. Có biết đâu trước mặt mình là một nhân vật nổi tiếng anh hùng.

Thật vậy, thuở Công Đồng Vatican 2 khai mạc, Yves Congar đã là một nhà thần học danh tiếng về Giáo Hội học, đồng thời cũng là một chuyên gia trổi trang về vấn đề đại kết. Nhưng chỉ vì tư tưởng của ngài quá mới nếu không muốn nói là táo bạo ở thời điểm đó để có thể được Giáo Hội công nhận. Chính vì thế, lời yêu cầu thôi dạy học và thôi khai triển tư tưởng đã được gửi đến ngài. Cũng giống như trường hợp các thần học gia khác bị Rôma lưu ý, cha Congar đã trăn trở nhiều: hoặc là tiếp tục dấn thân trong tư tưởng dù phải mang thương tích; hoặc là chấp nhận phán quyết của Toà Thánh để thấy sự nghiệp mình sụp đổ trước mắt. Cuối cùng, ngài bày tỏ niềm vâng phục Giáo Hội một cách tuyệt đối để rút lui vào thinh lặng, thinh lặng cho đến 30 năm sau, khi được trả lại vinh dự bằng chiếc mũ đỏ, ngài chẳng còn tỉnh táo để đội nữa.

Đó là một trong những chuyện đầy kịch tính và cũng thật hào hùng của sự vâng phục. Hôm nay, chúng ta cũng đối diện với sự vâng phục trong lời thứ hai của Đức Maria qua tiếng “xin vâng”. Lời đó có tầm vóc thế nào và dọi sáng ra sao trên đời sống linh mục chúng ta?

I. LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA

Lời Đức Maria được ghi trong Phúc Âm Luca là lời đầy đủ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”; nhưng lời được đọc trong Kinh truyền tin lại là lời bình dân dễ đọc dễ nhớ và dễ hiểu hơn: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.

1. “Này tôi”

Một chủ thể hiện diện. Là chủ từ ngôi thứ nhất số ít, đại danh từ “tôi” xác định một chủ thể là ai khi thực thi một hành vi nào đó một cách cá vị không thể lẫn với người khác. Khi thánh Maximilien Kolbê nói lên lời “tôi là linh mục công giáo” thì ngài khẳng định căn tính của mình khác với căn tính của các tù nhân Đức quốc xã kia đang xếp hàng chờ lệnh vào lò sát sinh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã có bài giảng thấm thía cho các linh mục khi cắt nghĩa chữ “tôi là” này vừa như một lời xác định vừa như một tiếng công bố. Khi cô gái là nhân vật chính trong phim truyện “đơn giản tôi là Maria” dàn trải đời mình qua các tình huống mạch chuyện, người ta hiểu rằng cô gái ấy đang khẳng định đời mình, một cuộc đời khác hẳn với những nhân vật cùng xuất hiện trong phim. “Tôi là” chính là lời bộc lộ một căn tính.

Nhưng “Này tôi” còn là một công thức thường dùng để xác định một sự hiện diện trong ý nghĩa hiện thực nhất. Trong nghi thức giới thiệu ứng viên chức linh mục, mỗi người đều phải khẳng định sự có mặt khi nghe xướng tên của mình qua công thức “Có mặt”. Trong nghi thức khấn dòng nữ trước đây cũng có lời xác định sự có mặt qua công thức “Dạ có con”, nhưng vì bị cật vấn theo kiểu nôm na “Bụng dạ đã có con rồi thì khấn với hứa nỗi gì?”, nên sau này người ta đã đổi sang một công thức khác nghe thanh hơn và cũng có cơ sở Thánh Kinh hơn “Lạy Chúa, này con đây”.

Một chủ thể tự do. Không chỉ xác định một hiện diện lời “Này tôi” của Đức Maria còn là xác quyết của một chủ thể tự do trước hành vi sắp thực hiện, không bị thúc bách bởi bất cứ sức ép nào. Danh xưng Gabriel có nghĩa là sức mạnh củ Thiên Chúa, nhưng tuyệt nhiên không có một ẩn ý nào tác động lên sự tự do của Đức Maria, mà ngược lại còn làm gia tăng bầu khí tinh thần để sự tự do kia được phát huy và nâng đỡ. Lời chào của sứ thần với ba yếu tố “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng bà”, gợi lại những sấm ngôn xa xưa của Xôphônia (3,14) hoặc Dacaria (9,9) như thu tóm lại toàn thể chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trên dân, cũng không làm suy giảm sự tự do của Mẹ, mà ngược lại còn củng cố khích lệ. Và rồi sứ điệp tiếp theo của sứ thần như dồn dập với ba động từ “sẽ thụ thai, sẽ sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên con trẻ” vọng lại sấm ngôn Isaia (7,14) về Đấng Mêsia tưởng có thể áp đảo, nhưng xem ra lại làm cho sự tự do của Đức Maria được minh bạch hơn nữa, khi đối chiếu sứ điệp ấy với tình trạng không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được ký thác: “không biết đến người nam”. Chính vì tôn trọng sự tự do của Đức Maria mà Thiên Chúa mới cử sứ thần đến đối thoại và cuộc truyền tin đã diễn ra như một cuộc điều đình, để chỉ khi nhận được sự ưng thuận tự do của Đức Maria, sứ thần mới cáo biệt ra đi. Xem như thế, khi trả lời “Này tôi”, Đức Maria đã bộc lộ cho thấy mình là một chủ thể tự do hoàn toàn.

Một chủ thể sẵn sàng. Nhưng trên hết, qua lời “Này tôi” của Đức Maria, người ta thấy sáng lên một tâm tình sẵn sàng và ứng trực. Sẵn sàng mở lòng mình ra đón nhận tình thương Thiên Chúa và ứng trực hiến dâng đời mình để quyền năng Thiên Chúa hoạt động. Thiếu đi tâm tình sẵn sàng này, chắc sẽ không bao giờ có lời Fiat và vắng bóng tâm tình ứng trực này chắc mầu nhiệm nhập thể sẽ không giống như Phúc Âm mô tả và đúng như Hội Thánh tin hôm nay. Chả thế mà khi giảng giải về lời thứ hai này, các thánh ngày xưa đã không ngừng diễn tả lòng biết ơn về sự sẵn sàng đón nhận của Đức Maria đối với lời thiên thần truyền và coi sự ứng trực của Mẹ như chìa khoá mở toang cánh cửa trần gian làm địa chỉ để Con Thiên Chúa giáng trần. Thánh Augustinô diễn ý: trước khi cưu mang Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria đã cưu mang lời Thiên Chúa. Bởi vì lòng đã sẵn sàng đón nhận lời Chúa, nên thể xác cũng ứng trực để nên lều cho Thiên Chúa cư ngụ.

2. “là tôi tá Đức Chúa Trời”

Nếu khẳng định sự hiện diện, Đức Maria xuất hiện như một chủ thể tự do, thì khi xác định mình là tôi tá, Mẹ cho thấy ý thức rõ nét của Mẹ về thân phận mình trong tương quan với Thiên Chúa. Trong một xã hội không xa lạ gì với hình ảnh của những ôsin càng được đánh giá là giàu sang, đồng thời cũng vì thế mà được trọng vọng vị nể, thì nhận mình là nữ tỳ là gì nếu không phải là khẳng định vị thế của mình trong tương quan với vị làm chủ đời mình.

Khi Đức Maria nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa, Mẹ chân thành lặp lại một lòng tin truyền thống là mọi người mọi vật đều là của Chúa và thuộc quyền sở hữu của Ngài, đều là dân Chúa thuộc đàn chiên Ngài dẫn dắt, đều là thọ tạo do tay Chúa tác thành và ngày ngày đều được hưởng ơn mưa móc của Chúa để vui sống. Đó là tương quan sở hữu trong một niềm tin phổ quát. Và còn hơn thế nữ, khi Đức Maria đặt mình vào phận tôi tá của Chúa, Mẹ còn đảm lĩnh một tương quan rất tự nhiên không tách rời tương quan sở hữu, đó là tương quan tuỳ thuộc. Tôi tá tuỳ thuộc vào chủ. Tôi tá phục vụ ý muốn của chủ một cách đắc lực, hết mình và hết tình, mới là tôi tớ trung tín. Chính vì thế, tương quan tuỳ thuộc cũng chính là tương quan quy phục. Trước khi nói lời quy phục, Đức Maria xác định mình trong tương quan sở hữu và tuỳ thuộc: “Này tôi là tôi tá Chúa”.

Không cần nhiều lời, chỉ là một khẳng định về phận tôi tá của Chúa, nhưng đã bộc lộ một sự khiêm nhường từ trong ý thức, mà khiêm nhường đúng nghĩa chính là chân lý và công bình, nghĩa là nhìn thật về mình và đón nhận vinh quang tương ứng, nên Thiên Chúa cũng muốn bộc lộ mình qua dáng dấp của một vị Chúa cao cả mà gần gũi yêu thương, siêu việt mà không ngừng quan tâm thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Đức Maria nhận mình là tôi trung của Thiên Chúa; Thiên Chúa biểu lộ Ngài là Chúa của các tôi trung. Thực vậy, qua nội dung sứ điệp truyền cho Đức Maria, từ đầu đến cuối qua ba lời thoại của Gabriel, người ta thấy hiển hiện dung mạo của một vì Chúa thật đẹp.

Lời thoại một là hiển hiện hình ảnh của Thiên Chúa tình thương quan tâm hết mực đến phận số từng cá nhân: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”. Ở rải rác đó đây trong Thánh Kinh, người ta có thể bắt gặp những phẩm tính riêng lẻ của Thiên Chúa được nhắc đến, nhưng được tập hợp lại như trong lời thoại một quả là trọng đại và bao la: Thiên Chúa là Đấng gieo niềm vui, là Đấng ban ơn sủng và là Đấng luôn hiện diện cho từng người mà Đức Maria là đại biểu.

Lời thoại hai là chân dung của Thiên Chúa cứu độ đã đón nhận phận số con người trong lịch sử của dân thánh để giải cứu muôn dân. Trong lời sấm Cựu Ước, tất cả vẫn chỉ là niềm mong chờ, tất cả còn trong thì tương lai không thể tính toán được; còn ở đây trong lời thọai hai trực tiếp với Đức Maria, tất cả đã hiển hiện, rõ mồn một, Thiên Chúa không là Đấng không màng chi tới đời sống trần thế, trái lại, Ngài là Đấng can dự để thực thi ơn cứu độ; để cứu thế, Thiên Chúa đã nhập thể, để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

Lời thoại ba xem ra muốn giới thiệu lại khuôn nhan của Thiên Chúa toàn năng “không gì không làm được”, nhưng đã mở ra nhãn giới hoàn toàn mới: Thiên Chúa không chỉ là duy nhất, mà còn là Ba Ngôi. Với sự xuất hiện của Thánh Thần ngự xuống và rợp bóng trên Đức Trinh Nữ, tất cả được dìu vào vận hành mới đậm mầu cứu rỗi và nơi Đức Maria, Thiên Chúa hoạt động trong tư cách là Ba Ngôi.

Đến đây, ta có thể nói: nếu Đức Maria đã thốt lên lời “Này tôi là tôi tớ Chúa” bằng một phong thái khiêm nhường, thì bởi vì trước đó, qua lời của sứ thần, Thiên Chúa đã cúi xuống với Mẹ để gợi lên trong lòng ý nghĩ “Này Ta là Chúa của các tôi trung”.

3. “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”

Tất cả những lắt léo suy tư trên rốt cuộc cũng để dẫn đến đích điểm là chữ “Fiat - xin vâng” vốn là trọng tâm lời thứ hai của Đức Maria. Nếu được phép chẩn đoán, chúng ta sẽ chẩn đoán thế này.

Trước hết, đó là lời xin vâng trong niềm vui với ý chí tự do và trách nhiệm cao độ. Vẫn biết trong ý thức, Đức Maria chỉ dám nhận mình là nữ tỳ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa đã không chọn giải pháp đơn giản như thế để mau chóng đạt được ý muốn của mình, mà xem ra lại hạ mình hết mức để một mặt từ từ dẫn giải như phương pháp giáo dục tiệm tiến muôn thuở của Ngài dành cho các tôi tớ tuyển chọn, và mặt khác tôn trọng sự tự do đáp ứng của thụ tạo như quà tặng độc sáng Ngài ban cho họ từ thuở tạo thành.

Bằng quyền năng, Ngài có thể có được sự ưng thuận của Đức Maria dễ dàng như trở bàn tay, nhưng bằng tình yêu, Ngài đã chinh phục nữ tỳ của Ngài từng bước. Xem ra trong cuộc trao đổi lạ lùng này, Thiên Chúa đã cho thấy ý định “làm người” của Ngài một cách quyết liệt. Ngài chờ đợi sự ưng thuận của người biết mình chỉ là tôi tá, để sẵn sàng nâng người tôi tá ấy lên phẩm chức là Mẹ của Thiên Chúa giáng trần.

Quả là kỳ diệu và lạ lùng đường lối của Thiên Chúa, thế nên khi nghe lời xin vâng của Đức Maria đối với sứ điệp truyền tin, người ta cũng nghe vang vọng lại niềm vui của lời chào phút đầu gặp gỡ. Có điều là ở đây, không chỉ Đức Maria đắm đuối trong niềm vui sâu lắng, mà chừng như chính Thiên Chúa cũng mừng vui không kém khi đạt được ý nguyện của mình, làm tiền đề vững chắc cho công cuộc nhập thể cứu đời. Những sách dẫn giải về đường thiêng liêng còn đi xa hơn nữa để bảo rằng thiên đàng cũng rộn vui và trần thế bỗng bật tung lên nhảy mừng. Đất với trời hợp lời giao duyên. Thiên Chúa xuống với gian trần và gian trần tìm lại được gốc gác nguyên thuỷ của mình. Đúng với Thiên Chúa đã sáng tạo cách lạ lùng và Ngài còn tái tạo cách lạ lùng hơn nữa, theo ngôn từ của Thánh Augustinô.

Tiếp theo, đó cũng là lời xin vâng trong tinh thần dấn thân trọn vẹn và suốt đời, không gì có thể làm đảo ngược được. Lời Fiat - xin vâng xem ra ngắn ngủi, nhưng âm vang một khi dâng lên là không ngừng lại nữa. Đức Maria từ lời thứ hai này sẽ đảm lãnh trọn vẹn lời ấy trong suốt quá trình cuộc sống bên cạnh Đấng Cứu Thế cũng là con của Mẹ, từ những lúc vui mừng nhất của đêm Giáng Sinh với tiếng hát vinh danh của ca đoàn thiên sứ tới những phút thê lương nhất của chiều tử nạn đứng đó chôn chân như tượng đài hiệp công cứu chuộc; từ những ngày tuổi thơ êm đềm của trẻ Giêsu bên cạnh cha mẹ tại quê hương Nagiarét đến những tháng năm đời công khai của Ngài dong duổi khắp đất nước mà rao giảng Tin Mừng cho mọi kẻ thành tâm. Trong niềm vui, lời xin vâng có thể không có gì đáng quan ngại, nhưng trong nước mắt nỗi sầu, lời xin vâng quả là một đỉnh cao phải lao đao chinh phục với khó khăn trăm bề. Trong hạnh phúc, ai cũng dễ dàng nói tiếng xin vâng, nhưng trong bất hạnh, tiếng xin vâng xem ra chỉ thuộc về những tâm hồn cao thượng. Như ông Gióp biết dâng lời tạ ơn khi giàu sang phú túc cũng như khi khổ cực bần hàn; như cha thánh Lê Bảo Tịnh biết “xin tạ ơn Chúa muôn đời” khi có được bầu khí tự do thi hành đạo giáo cũng như khi phải xích xiềng tù tội.

Tiếng xin vâng cất lên một lần xem ra không khó, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ân cần nhắc lại như một điệp khúc hiến dâng tưởng không dễ lắm đâu. Xin vâng là tiếng đầy kịch tính.

Sau nữa, đó còn là lời xin vâng trong hào hùng dân hiến. Xin ghi nhận một chi tiết rất nhỏ, nhưng xem ra lại không kém phần quan trọng, đó là phần kết thúc lời nói thứ hai của Đức Maria: “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đã đành, vâng lời là vâng lời Thiên Chúa, nhưng trong thực tế của phần lớn lịch sử Giáo Hội Công giáo bây giờ, Thiên Chúa đâu có nói chuyện trực tiếp diện đối diện với con người như giữa cuộc thần hiển nữa, mà xem ra Ngài lại thích truyện trò với con người qua trung gian của những người đại diện. Không phải vì Ngài bận trăm công ngàn việc không có giờ dành cho con người, cũng không phải vì khả năng ngôn ngữ Ngài giới hạn hoặc không còn kiên nhẫn nữa, mà chỉ vì muốn cho con người khi vâng lời Ngài cũng biết chứng minh bằng sự hào hùng.

Buổi truyền tin, Chúa nói với Đức Maria qua trung gian của sứ thần, nên lời xin vâng của Mẹ như tái xác nhận sự tôn trọng của Mẹ đối với vị trung gian này. Thực ra, nếu Đức Maria chỉ thưa “tôi xin vâng ý Chúa” cũng đã trọn nghĩa lắm rồi, vì Mẹ nhìn nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” mà. Nhưng một khi phải đi đường vòng để dài dòng bằng câu “tôi xin vâng như lời thiên thiên truyền”, thì về mặt đối thoại, Đức Maria đã để lại một tương quan đẹp với sứ thần, và nhất là về mặt sư phạm, Mẹ đã nêu lên mẫu gương vâng phục Chúa qua trung gian của vị đại diện.

Chính với hình ảnh vâng phục tuyệt đẹp tuyệt sáng này, người ta luôn trình bày Mẹ với phong thái hiến dâng: dâng trọn ý muốn, dâng trót cả cuộc đời, dâng không bằng lời mà còn dâng mãi dâng hoài bằng từng nhịp bước của hành trình theo Chúa và thực thi lời Chúa. Sau lời Fiat - xin vâng, sứ thần ra đi, nhưng Thiên Chúa từ đây cư ngụ vĩnh viễn trong tâm hồn và đời sống của người đã sẵn sàng thưa lời xin vâng với mình.

II. SỰ VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI LINH MỤC

Cuộc đời Đức Maria là tiếng xin vâng kéo dài. Không thể nói đến Mẹ mà không nói đến tiếng xin vâng diệu kỳ này, cũng như đừng mơ đến mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc được trình bày như trong tín lý hiện nay nếu không có tiếng xin vâng lạ lùng ấy. Suy tư để dẫn sang thực hành, vì thế chúng ta thử xem lời xin vâng ấy sẽ có những âm vang nào trong đời sống linh mục.

1. Vâng phục là thành phần cuộc đời linh mục

Khởi đầu nghi thức bí tích truyền chức, mỗi ứng viên linh mục được mời gọi trả lời tích cực cho những câu thẩm vấn công khai trước cộng đoàn phụng vụ. Tổng hợp những câu trả lời này được coi như bản tuyên bố trước mặt dân chúng quyết tâm của ứng viên về nhiệm vụ sắp lãnh nhận. Sách nghi thức gọi đó là “lời hứa của các ứng viên”. Trong số các câu hỏi ấy, đặc biệt có một câu mà từng ứng viên phải quỳ với đôi tay chắp lại đặt trong tay giám mục để thưa. Đó cũng chính là câu mà ứng viên phải nói bằng lời “thưa con hứa” khác với những câu thẩm vấn trước là “thưa con muốn”. Câu đó thế này: “con có hứa kính trọng và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không?”. Chỉ nguyên việc này thôi cũng đủ để cho thấy sự vâng phục không phải chỉ là hiệu quả đến sau bí tích truyền chức để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, mà chính là tiền đề để thánh chức được trao ban và là điều quan trọng không thể thiếu được để là một linh mục đích thực.

Đã đành đây chỉ là một lời hứa đúng với chữ nghĩa vốn khác với lời khấn vâng phục của các tu sĩ về cấp độ, nhưng về bản chất, hứa hay khấn cũng chẳng cách xa nhau bao nhiêu, nếu không muốn nói là tương đồng. Thành ra, có thể khẳng định: ngay trong nghi thức bí tích truyền chức, vâng phục đã trở nên thành phần của đời linh mục. Ngôn từ “thưa con hứa” và hành vi “tay trong tay” tự nó đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa và nét đẹp của sự vâng phục nơi người linh mục. Không biết các cha thế nào chứ bản thân tôi khi lãnh chức linh mục, với câu hỏi này tôi đã ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt âu yếu của vị chủ phong đang nhìn vào mắt mình, bất giác tôi cảm động và đã nói lời “thưa con hứa” với cả tâm tình.

Nhưng tại sao lại phải gài lời hứa vâng phục giám mục vào trong nghi thức truyền chức? Thưa chắc không phải vô tình đâu, mà có lẽ là một hữu ý, một mặt cho thấy người ta không htể cứ muốn làm linh mục là tự nhiên thành, mà phải được kêu gọi; và mặt khác cũng nhắc nhở rằng khi thi hành nhiệm vụ, linh mục không thể cứ muốn làm gì thì tự ý làm, mà phải tuỳ thuộc vào giám mục của mình.

Kinh nghiệm cho biết trong linh mục đoàn mỗi giáo phận cũng có vài người cá tính khá độc lập tự do cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, chẳng hỏi ai và cũng chẳng phải trả lời ai. Làm như đã là linh mục người ta nghiễm nhiên trở thành “cha toàn năng” làm được và được làm mọi sự không kể chi đến phẩm trật quyền bính. Như một cha xứ nọ có máu kinh doanh, thấy khuôn viên nhà thờ còn rộng nên nảy ra sáng kiến xây một dãy nhà ở đó để cho thuê mở câu lạc bộ thể hình, vừa được tiếng là tích cực tham gia phong trào khoẻ tại địa phương, vừa tháng tháng có chút đỉnh chi tiêu. Giáo dân ngứa mắt vì ngày ngày đi lễ đều thấy những hình thể lồ lộ không cầm trí được, nên phản ảnh về Toà Giám mục. Giải pháp đưa ra là đề nghị cha dẹp ngay cái câu lạc bộ “trên hở ngực dưới hở đùi, khi đi thiếu vải khi ngồi thừa da” kia đi. Nhưng có lẽ vì tiếc của, vị linh mục này không nghe. Sự việc xập xình mãi cho đến lúc phải thuyên chuyển linh mục đi, người ta mới dẹp được cái bộ lạc câu khách kia.

Vâng phục là một phần trong nghi lễ phong chức. Linh mục luôn ý thức. Nhưng từ ý thức đến thực hành lại là một khoảng cách. Chính khi xem sự vâng phục như một phần kỷ luật đời sống, linh mục mới thể hiện mình một cách cụ thể và tròn đầy. Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã nêu rõ tính tông đồ, tính cộng đoàn và tính mục vụ trong sự tuân phục của linh mục. Chỉ nam Linh mục cũng không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn cụ thể để linh mục có thể chu toàn sự tuân phục trong đời sống phục vụ của mình. Nhưng tuân phục không phải là một đức tính riêng lẻ, mà đúng ra là thành phần trong một toàn bộ lớn chính là đời sống hiếng dâng. Linh mục đã hiến dâng đời mình cho Chúa thì dâng cho trót và đã hiến dâng cho Giáo Hội thì dâng cho trọn. Đừng giữ lại phần ý riêng cho mình, dẫu đâu đó người ta xem mình là có cá tính, hay đôi khi người ta tâng bốc mình là có bản lãnh. Đã đành, linh mục theo kiểu nói ngày xưa là “thầy cả”, nhưng nếu vịn vào đó để không thích vâng phục quyền bính Giáo Hội nữa thì e rằng mình đang đi đường ngược chiều, có thể bị thổi còi bởi cảnh sát giao thông bất cứ lúc nào. Trong ý nghĩa này, câu nói “Giáo Hội có kỷ cương” của những cha trọng tuổi đã xem ra rất ám hạp để nói về sự tuân phục trong đời sống của các mục tử chúng ta. Để vâng phục bề trên, người ta cần phải xoá mình, và càng biết xoá mình bao nhiêu người ta càng dễ buông mình theo quy định chung bấy nhiêu.

Ở một giáo xứ lớn nội thành (Tp. HCM), đầu tháng nào giáo dân cũng rủ nhau đi lễ rất đông, tưởng là cha sở có sáng kiến mục vụ đặc biệt như mời cha khách giảng tuần đại phúc hay có thêm những sinh hoạt sùng kính bình dân khác như suy tôn lòng thương xót của Chúa hoặc đặt tay xin Chúa chữa lành. Nhưng không phải, người đến đó đi lễ rỉ tai nhau: “sướng lắm, chả phải xưng tội xưng lỗi gì cả, trước thánh lễ cha đều giải tội tập thể, thế là cứ đi lễ rước lễ thoải mái. Vô tư”. Quả là vô tư thật: giáo dân vô tư rước lễ, cha sở vô tư ban phép xá giải. Nhưng giáo phận, vì kỷ cương Hội Thánh, không thể vô tư được, nên đã xin cha sở bản phúc trình và cuối cùng phải dùng biện pháp hành chánh để ngưng cái tối kiến mục vụ kia đi. Thi hành biện pháp theo phương thức cuốn chiếu. Cuối cùng, cha sở ấy cũng chịu tuân phục. May quá. Nhiều khi tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: giá mà những thiện chí mục vụ được thấm nhuần trong sự vâng phục ngay từ đầu, việc làm của người mục tử sẽ để lại những kết quả tốt đẹp hơn và nhất là để lại một tấm gương khó quên trong đời sống tín hữu.

2. Vâng và phục

Tiếng Việt mình đôi lúc nôm na, nhưng đôi lúc cũng sâu sắc lắm. Trường hợp chữ vâng phục là một ví dụ về sự sâu sắc ấy. Trong khi tiếng pháp phải cắt nghĩa dài dòng, tuy cũng tìm được cặp từ ý nhị, thì tiếng Việt chỉ cần một từ kép “vâng phục”. Vâng là vâng theo lệnh theo luật theo quy định: chữ vâng thuộc về bên lý trí nhiều hơn; trong khi phục là phục người ban lệnh hoặc phục người thi hành lệnh ấy: chữ phục lại thuộc về bên tâm tình nhiều hơn. Tuy nhiên nghiêng về bên nào là cả một sự cân nhắc đã trở thành nghệ thuật của cách thế ban lệnh và cách thế chấp hành lệnh ban. Chả thế mà người xưa đã có châm ngôn: qui ne sait pas obéir, ne sait pas commander. Biết vâng lệnh mới biết cách ra lệnh.

Trong khoá bồi dưỡng dành cho các giám mục trẻ mới chịu chức trong vòng năm năm, bộ Truyền giáo cũng có một buồi thuyết trình về đề tài vâng phục này. Bằng tiếng pháp, người ta phân tích cho thấy vâng là obéir effectivement và phục là obéir affectivement. Chỉ vâng thôi mà không phục thường là do lệnh ban khô cứng, người ban lệnh có chút ngả nghiêng và người chấp lệnh còn có điều khuất tất. Một lệnh ban sắt thép thường mau có hiệu quả vãn hồi trật tự, nhưng lại có hậu quả làm tan nát lòng người; trong khi chịu khó tỉ mỉ bọc nhung những chi tiết sắt thép lại, lệnh ban sẽ có hiệu quả kép là vừa vãn hồi trật tự vừa nhẹ nhàng xoa dịu lòng người.

Lý thuyết là thế, còn trong thực tế phải thú nhận là rất khó. Các cha dư kinh nghiệm. Lý và tình là hai phạm trù cùng tồn tại, khi thì đối nghịch loài trừ, khi thì tương tác phong phú. Cứ sức người thật khó phân định. Nhưng như trường hợp Đức Maria, với bóp rợp của Chúa Thánh Thần, đã thưa lên lời Fiat tuyệt vời, mỗi linh mục cũng được mời gọi gắn bó với Chúa Thánh Thần để đảm lĩnh sự vâng phục trong tác vụ đời mình.

Một cha trẻ ở Tp. HCM mới ra trường về làm phụ tá trong một giáo xứ lớn, không biết vì việc gì thường đi vắng cả ngày, cứ sáng làm lễ xong là mất dạng cho đến tối mới trở về. Nghe đâu cha đi học ngoại ngữ để chuẩn bị đi tu nghiệp bên Mỹ. Cha sở lấy làm lạ nên xin xác minh từ Toà giám mục và nhận được câu trả lời là chưa có chủ trương ấy. Cha sở tìm hiểu và biết được cha phụ tá của mình vắng nhà vì một lý do khác: học thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật trên vi tính để chuẩn bị cho những cong trình xây dựng tương lai. Cha sở nhẹ nhàng khuyên bảo bằng cách khôi hài phân tích giữa tu trì và tu hành: “tu trì” là có mặt tại xứ còn “tu hành” là đi lang thang cả ngày. Đồng thời ngài cũng xin cha phụ tá thiết kế mẫu mã cho nhà thờ họ lẻ sắp xây. Cha phụ tá nghe ra và cảm thấy mình có ích, nên đã chuyển máy móc về nhà xứ làm việc. Anh em đuề huề. Vâng và phục song đôi, đến nỗi cha phụ tá ấy sau này đi phục vụ tại nơi khác vẫn giữ tình gắn bó với cha sở đầu tiên của mình. Trộm nghĩ trong trường hợp này, cha phụ tá đã biết vâng phục thật tốt, nhưng cha sở cũng là người góp phần không nhỏ vào thái độ vâng phục đẹp này.

Còn một khía cạnh khác liên quan đến sự vâng phục mà không nói sẽ không tránh khỏi thiếu sót, mà nói đến lại không tránh hết va chạm, đó là những nhân vật trung gian giữa Đấng bản quyền và các linh mục. Dĩ nhiên, kiểu nói của thánh Phêrô “phải vâng lời Chúa hơn vâng lời người ta” luôn luôn có giá trị, nhưng Chúa thì đâu có mặt đối mặt nữa mà thường chỉ ban lệnh qua những vị đại diện làm trung gian, nên nhiều khi lệnh ban cũng không tránh khỏi bị khúc xạ. Rất nhiều trường hợp bị nhiễu sóng để lại dư vị chua chát, như có lần nào trong một bài báo, một linh mục đã thốt lên: “tôi không sợ Phêrô, nhưng lại sợ những thư ký của Phêrô”. Có thể diễn ý: không sợ Đức Giáo Hoàng, nhưng sợ các thánh bộ; không sợ giám mục, nhưng sợ cha bí thư phòng bộ; không sợ cha sở mà sợ ông trùm; không sợ cha phụ tá mà sợ mấy huynh trưởng thiếu nhi.

Nói cho cùng, chỉ có Chúa Giêsu mới được diện đối diện nhận lệnh từ Chúa Cha thôi, mà nào có nhẹ nhàng gì, phải vâng phục với mồ hôi loáng máu, chứ kỳ dư nơi loài người trần thế, bất luận trong cương vị nào cũng đều nhận lệnh qua trung gian của người đại diện. Đức Maria nhận thực mình là nữ tỳ Chúa, nhưng lại nhận lệnh Chúa qua trung gian của sứ thần, nên đã khiêm nhường thốt lên “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Đó là đường đi của lệnh ban và cũng là đường nét hào hùng của vâng phục.

Một cha sở nọ mới lâm trọng bệnh được giám mục bảo nên đi nghỉ hưu. Cha không vui đưa ra nhiều lý do trì hoãn trong đó có lý do lớn là công trình xây dựng còn dang dở. N hưng bệnh tật có nể nang ai, cha lại đột quỵ, và lần này giám mục nhờ cha quả hạt tác động đến để có được kết quả mong muốn, kẻo làm thiệt hại đến đời sống thiêng liêng của dân Chúa. Khổ nỗi cha quản hạt nhà mình lại sốt sắng quá, nhân dịp cha sở ấy nhập viện, ngài xử lý công việc tận tình với một tờ sớ liệt kê được 47 chủ nợ lớn bé của cha sở ấy đang bức xúc muốn nhận lại tiền. Thế là áp lực bệnh tật tái phát cộng thêm áp lực nợ nần được công khai hoá, cha sở kia phải chấp nhận giải pháp rút lui. Cũng là vâng lời bề trên đấy, nhưng xem ra không vui trọn vẹn, nếu không muốn nói là thiếu vắng một lòng kính phục. Vị trung gian kia cũng làm tròn sứ mạng đấy, nhưng giá mà có cách xử lý uyển chuyển hơn, có lẽ yếu tố kịch tính sẽ dịu bớt hơn. Tất nhiên, bệnh tật phải lo chữa chạy và nợ nần phải lo liệu trả, nhưng xem ra trong tình huống cụ thể này, phải có ơn Chúa Thánh Thần nữa mới giải quyết thấu tình đạt lý được.

3. Vài lãnh vực đang cần đến sự vâng phục

Những dẫn chứng cụ thể về sự vâng phục trong đời sống linh mục có thể chỉ là những trường hợp cá biệt, không khái quát hết hiện trạng kèm theo những trăn trở mà có thể chỉ người trong cuộoc tại hiện trường mới biết hết, hay người trải rồi, thấm mệt rồi mới thấy thấm thía. Như một kinh nghiệm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nhưng trong công việc mục vụ chung của giáo phận, cũng có một vài lãnh vực linh mục cần nêu cao sự vâng phục để vừa dễ dàng cho việc điều hành chung vừa nêu gương sáng cho giáo dân.

Trước hết là lãnh vực phụng vụ. Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo chỉ có một, nên đâu cũng như đâu, đều dựa theo Sách lễ Rôma, không khác đi được. Vì thế mới gọi là Lễ Quy. Điều này các linh mục ai cũng biết rõ, ngay từ khi cử hành Thánh Lễ đầu đời. Nhưng không biết có phải vì linh hồn thiêng liêng sáng láng qúa, nên cứ thích sáng chế ra những chi tiết diễn ý đi ra ngoài quy định chung của Giáo Hội. Những chi tiết ấy có thể làm vừa lòng một số giáo dân, nhưng phần đông giáo hữu còn lại chẳng vui lòng gì. Đây là lãnh vực để lại nhiều điều ong tiếng ve khiến giám mục phải đau đầu.

Chẳng hạn như một linh mục thích nói nhiều trong Thánh lễ, nói đầu lễ và bài giảng thì chẳng phải kêu ca làm gì; nhưng nói giữa lễ đan xen trong phần kinh nguyện Thánh Thể, như cứ nghĩ gì nói nấy mà chẳng quan tâm đến sự tập trung tôn thờ cao độ của cộng đoàn. Tay lúc nào cũng khư khư giữ cái micro sans fil kê sát miệng, thấy mà ngán.

Chẳng hạn như một linh mục khác thuộc thời @, hi-tec đi đâu cũng kè kè cái điện thoại di động, thậm chí khi lên bàn thờ, cha chẳng những không khoá máy, mà lại còn để ngay bên chén lễ. Có lần đang lễ có cuộc gọi đến và máy reo một đoạn tình ca, cha bốc máy trả lời tỉnh queo trước mặt cộng đoàn, thấy mà ngại. Mong rằng vì tình hiệp thông vâng phục Giáo Hội, xin chớ để linh mục chúng ta sa chước cám dễ dễ dãi này.

Ngoài ra là lãnh vực sổ sách giáo xứ. Hết rồi cái thời khó khăn “tay trái làm không cho tay phải biết”, bây giờ việc sổ sách giáo xứ đã dễ dàng và vì thế cũng cần được hệ thống hoá và ghi chép minh bạch hơn, từ sổ lễ cá nhân đến sổ sách bí tích Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối. Giáo luật đã quy định và Giáo phận đã hướng dẫn. Ngày xưa các giám mục mỗi lần đi kinh lý đều được trình xem những sổ sách này. Ngày nay có khác. Hình như giám mục chỉ còn ký sổ bí tích Thêm sức thôi. Nhưng trong những lần ký hiếm hoi ấy, thấy nhiều nơi xem ra còn luộm thuộm lắm. Bản thân tôi có lần được xin ký khống ở cuối trang, còn chi tiết cha sở sẽ điền vào sau, vì ngài chưa làm kịp. Thấy mà buồn cười. Đây chỉ là trường hợp vô cùng ngoại lệ. Mong rằng linh mục đoàn giáo phận sẽ thể hiện sự vâng phục một cách cụ thể qua việc sổ sách này.

Và cuối cùng là lãnh vực thuyên chuyển, một lãnh vực khá nhạy cảm, cũng là lãnh vực thử thách sự vâng phục của linh mục sát sườn nhất. Có nhiều linh mục thánh thiện luôn sống tinh thần ứng trực, được giám mục gợi ý đi đâu cũng chấp hành mau mắn. Giống như Đức Maria trong Phúc Âm thưa tiếng Fiat vậy. Được như thế chắc chắn giám mục hài lòng lắm và nhịp sống giáo phận cũng suông sẻ, tuy nhiên cũng có một hai linh mục khi nhận được lệnh thuyên chuyển chẳng những đã không vâng lệnh bề trên lại còn vận động đó đây xin giữ mình lại, khiến việc điều hành giáo phận cứ rối tung lên. Giống như quân cờ domino bị kẹt lại làm tắc nghẽn mọi thế chuyển dịch. Thuyên chuyển giáo xứ là một sinh hoạt bình thường, không thuyên chuyển mới là bất thường. Thành thử, mỗi linh mục khi được gọi, hãy đáp lời xin vâng với cả tâm tình hào hùng của người lên đường truyền giáo.

Tóm lại, lời thứ hai của Đức Maria là lời phản ảnh một tâm hồn nghèo khó, một trái tim đơn sơ và là điểm đến của một thái độ sẵn sàng và ứng trực. Lời Fiat ấy đã biến đổi Đức Maria từ người nữ tỳ sang Mẹ Thiên Chúa. Xin cho lời Fiat ấy trở nên khuôn mẫu cho mọi linh mục, trong tư duy cũng như trong thực hành, để như ý nguyện của bài hát “Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”, đời sống linh mục sẽ được biến đổi nên mới hơn.

Người ta kể: một hãng xe hơi đã cử người đến hỏi Đức Giáo Hoàng xem phải mất gì để được nêu tên hãng xe mình trong thánh lễ, như tên Fiat trong kinh Lạy Cha. Đức Giáo Hoàng không trả lời. Ngài nghĩ: phải mất mạng. Như Chúa Giêsu đã phải chết để trọn lời “Fiat voluntas tua”, như Đức Maria đã hiến mình để thưa lời Fiat, và như mỗi linh mục chúng ta hôm nay đang còn phải nỗ lực hiến dâng đời mình để học sống lời Fiat của Đức Maria.
 
Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng
LM. Giuse Trương Đình Hiền
18:41 17/01/2009
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊM B (2009)

Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng



Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Nhờ các chỉ dẫn của Lời Chúa sấp được công bố, chúng ta có thể nhận ra sứ điệp cốt yếu của Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay đó chính là: Hãy mở lòng ra trước tiếng gọi của Chúa và dấn thân đi gặp gỡ Ngài. Đó là thái độ của cậu bé Samuel đáp lại tiếng Chúa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đó là thái độ của các tông đồ khi đáp lại lời mời gọi của Chúa “Hãy đến mà xem”, họ đã đến xem chỗ của Chúa Giêsu và ở lại với Ngài.

Cuộc sống đức tin đúng nghĩa và trưởng thành của mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải được đan dệt bằng một chuổi những tâm tình, hành vi và thái độ ngoan ngùy với Lời Chúa và trung thành đến gặp gỡ Chúa. Cuộc sống ấy sẽ là chiếc cầu nối tuyệt vời nhất để Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu rỗi đến được với nhièu người.

Hôm nay, cũng là thời điểm khai mạc Tuần Cầu Nguyện cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Chúng ta hiệp lời cầu nguyện với toàn thể Dân Chúa khắp năm châu, xin Chua ban sự hiệp nhất cho mọi Kitô hữu và làm cho những nỗ lực đại kết của Hội Thánh được tăng triển tốt đẹp.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.


Giảng Lời Chúa:

1. Đức Kitô luôn cần được “tiếp thị”

Còn hai ngày nữa, (20/01) Tổng thống đắc cử Barack Obama sẽ chính thức nhậm chức Tổng Thống thứ 44 của Hiệp Chủng quốc Hoa kỳ. Nhiều nhà bình luận về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 năm vừa qua đã cho rằng: Một yếu tố quan trọng giúp cho Obama đắc cử đó là chiến dịch vận động tranh cử rất tốt, khoa học và vận dụng được các phương truyền thông hiện đại. Nói cách khác, nếu tự mình, với tư cách là một anh da màu mà tuổi đời và kinh nghiệm chính trị còn quá non trẻ, Obama chưa chắc đã thuyết phục được dân Mỹ chấp nhận ông làm Tổng thống của họ, cho dầu ông có trỗ hết tài hùng biện. Sở dĩ dân Mỹ biết nhiều về ông, rồi từ biết, đi tới yêu mến và bị thuyết phục hoàn toàn để chọn ông mà không một ai khác, phải chăng là nhờ một chiến dịch khôn ngoan, tinh vi và hiệu quả tiếp thị con người ông với dân chúng, giới thiệu ông một cách đầy thuyết phục và đi tới chiến thắng.

Từ chuyện Obama, chúng ta hãy liên tưởng tới nhân vật Giêsu Kitô, Vị Cứu Chúa của chúng ta. Cách đây 2000 năm, kể từ sau biến cố thảm sầu vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ, quả thật, nếu không có một “chiến dịch tiếp thị” khôn ngoan và can đảm, một chương trình giới thiệu đầy xác tín và nhiệt tình của các môn sinh, thì e rằng thế giới chẳng mấy người biết được một Đức Giêsu Thiên Chúa làm người và là Đấng Cứu độ chúng sinh.

Chúng ta không phủ nhận quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn là yếu tố cốt lõi và quyết định. Tuy nhiên, “sự giới thiệu”, lời loan báo, cuộc sống chứng nhân của các Kitô hữu về Chúa Kitô không phải là không quan trọng. Chính vì thế, ngày từ buổi bình minh Kitô giáo, Đức Kitô đã ra lệnh cho các môn sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15), “Chính anh em là những chứng nhân về những điều nầy” (Lc 24,48). Thánh Phaolô, một nhà truyền giáo vĩ đại đã thấm thía chân lý nầy nên đã nói: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? “ (Rm 10,14)

Sự kiện đầu tiên và cuối cùng mà trích đoạn Tin Mừng Gioan vừa được công bố hôm nay nhấn mạnh chính là “lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả”: Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36), và cuộc “dẫn dụ” của Anrê, bào huynh của Phêrô: Trước hết, ông gặp em mình là là ông Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1,40-42)

Với lòng xác tín mãnh liệt, với kiến thức sâu sắc và chín chắn, với con tim chân thật đầy trách nhiệm…, lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả đã tức khắc mang lại hiệu quả: Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Riêng Anrê, chắc chắn đã rất vui mừng vì người em Si-mon đã được chọn cách đặc biệt: Đức Giêsu nhìn ông Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (Tức là Phê-rô) (Ga 1,42). Sau đó khoảng 3 năm, người chài lưới trên biển hồ Galilê, tức Tông đồ Cả Phêrô, tới phiên mình, cũng có một bài giới thiệu khá dài về Đức Giêsu và đã mang về một thành công vang dội: Vậy những ai đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cv 2,41).

Và những gì đã diễn ra sau đó: cả đế quốc Rôma, cả vùng Địa Trung Hải, rồi làn dần sang Châu Phi, châu Âu, lan rộng sang châu Mỹ, đi tới những đại lục mênh mông của Á Châu, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài đã không còn xa lạ. Cho đến hôm nay, đã có một phần ba nhân loại nhận biết, yêu mến và tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ.

Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng đó. Phải chăng đó chính là “cuộc truyền giáo” của cả Hội Thánh, là công cuộc giới thiệu Đức Kitô của muôn thế hệ Kitô hữu, là một chiến dịch “tiếp thị Tin Mừng” xuyên suốt và không ngừng nghỉ suốt 2000 nay của toàn thể Dân Chúa.

Tuy nhiên, cuộc thành công nào cũng có cái giá của nó. Năm 2004, chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là 693 triệu USD. Trong khi tạp chí Fortune dự kiến toàn bộ chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008 sẽ là 3 tỷ USD. Riêng, ông Obama, để được ngồi vào Nhà Trắng đã phải chi phí cho cuộc vận động tranh cử ít nhất cũng trên 100 triệu USD.

Trong khi đó, để có 1 phần 3 nhân loại được nhận biết Đức Kitô, Dân Chúa đã “chi phí” không biết bao nhiêu máu xương và nước mắt, hy sinh và nguyện cầu, sự thánh thiện và ân sủng, việc lành phúc đức và các phương tiện truyền thông, kinh Mân Côi và thánh lễ…

Riêng tại giáo xứ Tuy Hòa chúng ta, để giới thiệu Chúa Giêsu cho anh em lương dân trong mỗi dịp Giáng Sinh vừa qua mà cũng mất đứt hơn 40 triệu đồng.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, việc giới thiệu Chúa Kitô, việc loan báo Tin Mừng phải luôn chiếm ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt sống đạo hôm nay và ngày mai. Đáng tiêc, ngày hôm nay, có nhiều người trong chúng ta quá coi trọng và đầu tư cho những công cuộc “tiếp thị sản phẩm trần tục” mà quá lãnh đạm và thò ơ với sứ mệnh chứng nhân, truyền giáo.

Hội Thánh sẽ ra sao, nếu Dân chúa không còn tìm thấy những con người như Gioan Tẩy Giả, như Anrê, như Phêrô, như F.X, như Anrê Phú Yên ?

Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn không ngừng mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Nhưng chính chúng ta phải là những trung gian, những nhà tiếp thị, những chiếc cầu nối để nhiều anh chị em lương dân đến với Đức Kitô và lãnh nhận hồng ân cứu rỗi.

2. Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng

Và điều cần cho Giáo Hội hôm nay là Đừng để những người “đã đến xem” phải ra về thất vọng.

Nếu Đức Kitô, sau khi mời hai môn đệ của Gioan “Hãy đến mà xem” chỗ ở của Người, thì sau đó, đã hoàn toàn thuyết phục các ông yêu mến và gắn bó với Người cho tới chết. Ở đây, trong giáo xứ chúng ta, mỗi năm có khoảng 50 chục anh chị em dự tòng gia nhập đạo. Họ đã đến và đã xem chỗ của Chúa, chỗ của Hội Thánh. Không biết, trong số đó, còn được mấy người trung thành với Chúa Giêsu, với hồng ân của nhiệm tích rửa tội ? Chắc chắn cộng đoàn chúng ta phải chịu trách nhiệm một phần về sự suy thoái niềm tin của một số người trong họ; vì chính cộng đoàn chúng ta chưa thể hiện đủ vai trò “giới thiệu Chúa”, vai trò chứng tá niềm tin, vai trò diển tả gương mặt và cuộc đời của Chúa Giêsu qua hành vi sống đạo của mình.

Phải chăng cũng vì lý do đó, mà mỗi năm Hội Thánh dành riêng một tuần lễ để cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Bởi chưng, chính sự hiệp nhất của Giáo Hội sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất về mầu nhiệm yêu thương và cứu rỗi mà Giáo Hội loan báo. Sở dĩ cộng đoàn Kitô hữu ban đầu đã sớm chiếm được trái tim của lương dân và đem họ trở lại Kitô giáo chính nhờ sự hiệp nhất bác ái như hương thơm lan tỏa nơi mọi cộng đoàn tín hữu, như sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).

3. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy:

Sau hết, điều cần thiết sau cùng mà Lời Chúa nhắn gởi cho chúng ta hôm nay đó chính là: Để giới thiệu Chúa cho có hiệu quả, và biến cộng đoàn thành nơi thuyết phục của niềm tin, mỗi người Kitô hữu phải có con tim tỉnh thức và thinh lặng để lắng nghe như Samuel thuở nào: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (BĐ 1), phải có cõi lòng quảng đại và khiêm nhu để đáp trả như Mẹ Maria: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”, và phải có đôi chân can đảm, mạnh mẽ để đi đến và gặp gỡ Lời Chúa, như các tông đồ ngày xưa: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”. (Ga 1,39)

Nếu mối người Kitô hữu chúng ta đều như Thánh Gioan Tông Đồ, biến cuộc hạnh ngộ giữa mình và Đức Kitô luôn mới mẻ, tinh khôi, sống động, đến đổi gần 70 năm sau mà vẫn còn nhớ như in: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,39), thì chắc hẵn gương mặt của Đức Kitô sẽ rực sáng giữa lòng Giáo Hội để những ai “đã đến mà xem” sẽ không phải ra về thất vọng, và đức tin sẽ mãi là một “chuyện tình của thời trăng mật”, của một thuở ban đầu,

“cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,

Nghìn năm hỗ dễ mấy ai quên “
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Góp Ý Tại Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình (2)
Vũ Văn An
08:38 17/01/2009
Các Góp Ý Tại Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình

Trong ngày thứ hai, tại Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình, các góp ý mỗi lúc một đa dạng hơn.

Đóng góp của Đạo Đức Sinh Học

Bác sĩ người Ý, bà María Luisa Di Pietro, giáo sư thỉnh giảng về môn đạo đức sinh học tại đại Học Thánh Tâm ở Rôma, và là chủ tịch Hiệp Hội Khoa Học và Sự Sống, khi lên tiếng tại Cuộc Họp Mặt, đã cho hay: giáo dục sinh lý phải là giáo dục đức trong sạch và nền giáo dục ấy được giảng dạy hay nhất trong gia đình. Vì chỉ có gia đình mới tạo được bầu khí thuận lợi cho nền giáo dục ấy, chống lại cái bối cảnh văn hóa đang bị cuộc cách mạng tình dục tác hại mạnh mẽ. Và trên hết, theo bà, ta cần phải trong sáng hóa ý niệm đức trong sạch. Bà gọi nhân đức này là năng lực thiêng liêng biết phải bảo vệ tình yêu ra sao chống lại các nguy hiểm của vị kỷ và gây hấn, và biết cách thăng tiến tình yêu ấy đến độ thể hiện hoàn toàn. Việc rút gọn tính dục vào các chiều kích bản năng đơn thuần đã chỉ chú trọng tới các biều hiện cực đoan và thấp hèn nhất của nó cũng như việc phổ biến văn hóa khiêu dâm và bạo lực tính dục. Cho nên, theo bà, các gia đình khẩn thiết phải đảm nhiệm lấy vai trò đệ nhất đẳng mà họ vốn có trong việc đào tạo con cái họ về phương diện xúc cảm và luân lý.

Lòng tự qúi

Giáo sư Di Pietro nói thêm: giáo dục sinh lý phải có mục đích chính là gây động lực và chỉ cho thấy cách đạt được các mục tiêu lớn lao, trong đó có việc củng cố cái “tôi” hay lòng tự quí (self-esteem), cảm nhận được chính phẩm giá của mình, củng cố được khả năng tự chiếm hữu và kiểm soát lấy mình, cởi mở đối với kế hoạch, sự gắn bó và quân bình nội tâm, nắm chắc được việc biết quan tâm đầy đủ tới các giá trị của phụ tạo (procreation), sự sống và gia đình.

Bà cho rằng: nền giáo dục chân thực phải hướng về việc giáo dục ý chí, tình cảm và xúc cảm. Biết mình là một lý do nữa để thanh thản chấp nhận thực tại đàn ông đàn bà, và để đòi cho được lòng kính trọng hơn nữa đối với bản thân và người khác. Cho nên, điều chủ yếu là cha mẹ phải giáo dục con cái về nam tính hay nữ tính của chúng, về các các chiều kích xúc cảm và tương quan của chúng. Giáo dục sinh lý như là việc tự hiến trong yêu thương, và tình yêu chân thực là tình yêu biết bảo vệ sự sống.

Góp ý của chuyên viên về truyền thông

Tiến sĩ Gonzáles Gaitano, khoa trưởng phân khoa truyền thông định chế tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma, cũng đã lên tiếng trong Cuộc họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình vào ngày thứ hai. Tiến sĩ cho rằng phải sử dụng truyền thông một cách có hiểu biết. Nhiều người cho là mình có suy nghĩ trong khi thực sự họ chỉ “nuốt trửng” các lời giảng của những người tạo công luận.

Theo tiến sĩ, các tiến triển của truyền thông trong các thế kỷ qua đã đem lại cả lợi ích lẫn tai hại về văn hóa. Báo chí in ấn, chẳng hạn, đã mở rộng việc đọc tới mọi nhóm xã hội và giúp cho việc cưỡng bức giáo dục phổ quát trở thành thực hiện được, nhưng đồng thời, nó đã phủ bóng mất nền văn hóa truyền khẩu vốn hết sức phong phú. Truyền hình đã thay đổi lối tưởng tượng, học hỏi và lý luận của thế hệ thính thị, cũng như Internet đang thay đổi các thói quen tiêu thụ truyền thông.

Tiếp theo đó, Tiến Sĩ noí đến nội dung của truyền thông đối với trẻ em, đang trở thành thách đố lớn đối với các bậc cha mẹ. Nội dung có tính bạo lực dĩ nhiên cổ vũ các hành động bạo lực. Nội dung tính dục trên truyền hình cũng thế. Theo Tiến Sĩ, điều đáng lo ngại không hẳn hệ ở điều trình chiếu mà ở cách trình chiếu, hiện có đến 80% các chương trình dành cho thiếu niên có nội dung tính dục. Tiến Sĩ so sánh việc truyền thông trình bày thực tại giống như những chiếc gương điên dại trước mặt một xã hội lệch lạc. Hiện tượng ấy đem lại các hậu quả tai hại về nhận thức và tâm lý xã hội.

Vị khoa trưởng này mô tả điều ông gọi là hội chứng Jabberwocky: “Truyền thông cho ta một cái nhìn rời rạc hay phiến diện thường mâu thuẫn nhau, một cái nhìn luôn luôn loạn sắc (kaleidoscopic) về thế giới và con người. Điều ấy tạo ra hiện tượng bứng gốc văn hóa đối với việc lý luận và tác phong đạo đức. Hội chứng khác là hội chứng Humpty Dumpty hay thế hệ những kẻ dốt nát về phương diện chức năng (functionally illiterate). Giống Humpty Dumpty, chiếc trứng vốn quên khuấy tính dễ bể của mình, người ta đang nghèo đi trong khả năng nắm bắt thực tại do hậu quả của truyền thông. Đồng thời, lại có hiện tượng “thông tin sai lạc” (disinformation). Cuối cùng, người ta mất hết tiêu chuẩn để xử lý tín liệu.

Vấn đề vì thế, theo lời Einstein, không phải là bom nguyên tử mà là trái tim con người.

Góp ý của nhà khoa học xã hội

Hôm nay, tại Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình, Tiến Sĩ Pierpaolo Donati, thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Học Xã Hội cho hay: có những nhân đức cần cho xã hội sống còn, như trung thực và sẵn sàng tham dự, mà nếu không có các gia đình, thì chúng chắc chắn sẽ biến mất.

Theo Tiến Sĩ, các liên hệ trong gia đình khác với tình bạn vì chúng bao hàm mối liên hệ liên lập vừa bổ túc vừa hỗ tương cho nhau. Mối liên hệ này phát sinh ra các nhân đức đặc thù có liên hệ đến việc thuộc về nhau vô điều kiện. Ông giải thích: khi một tình bạn bị phản bội, ta có quyền chấm dứt nó. Nhưng đối với mối liên kết phu phụ hay huynh đệ, người ta không thể hủy bỏ chúng. Những người trong các mối liên hệ này được chờ mong tha thứ lẫn nhau, đó là một nhân đức xã hội trên đó hòa bình được xây dựng.

Ông nhấn mạnh: giá trị xã hội do gia đình cùng tạo ra với nhân đức kia không thể có được bên ngoài gia đình. "Gia đình tạo nên một vốn liếng độc đáo và không thể thay thế được cho xã hội”. Tương lai của nhân loại hệ ở yếu tố coi gia đình là nơi phát sinh ra các nhân đức xã hội ấy. Không nhìn nhận như thế, đường ta đang đi sẽ biến thành dường dẫn tới mọi rợ.

Góp ý của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình

Tại Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình, Đức ông Carlos Simón Vazquez, phó thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình minh xác ít điều về đồng tính luyến ái. Theo ngài, đồng tính luyến ái không phải là một thành phần nhất thiết của xã hội, như gia đình.

Xã hội được tổ chức quanh mối liên hệ của cặp vợ chồng gồm một người đàn ông và một người đàn bà. Họ tìm thấy nhau trong cuộc sống phu phụ và trong cuộc sống gia đình. Trong chiều hướng này, cặp vợ chồng và gia đình bước vào lãnh vực sinh hoạt xã hội và do đó, vào lãnh vực dân luật. Mối liên hệ giữa hai người cùng phái không thể là một với mối liên hệ của cặp vợ chồng vốn đặt căn bản trên sự khác biệt phái tính. Mối liên hệ đồng tính không thuộc lãnh vực sinh hoạt xã hội, nó chỉ là vấn đề tư riêng. Các nhà làm luật do đó mắc lầm lỗi lớn trong việc cố gắng tổ chức đồng tính luyến ái về phương diện xã hội. Họ mắc nguy cơ tạo nên một sự mơ hồ về nhận thức cũng như mơ hồ về bản sắc và liên hệ. Mà mơ hồ thường tạo bất ổn, càng khiến cho các mối liên hệ không bền vững cũng như tạo ra bạo lực khi các nhà làm luật không tôn trọng chiều hướng căn bản trong các mối liên hệ nhân bản.

Gia đình trái lại là thiện ích chung của nhân loại, nên các nhà làm luật không thể tự ý sắp xếp để đáp ứng các đòi hỏi chủ quan và gây vấn đề của xã hội ngày nay. Ý muốn cá nhân không thể là nền tảng cho luật lệ được. Người ta không nên lẫn lộn giữa luật lệ thuộc khu vực công, và ý muốn vốn thuộc lãnh vực chủ quan.

Mặt khác, đồng tính luyến ái không đóng góp tốt cho việc tổ chức cá nhân và xã hội. Việc thực hành đồng tính luyến ái không phản ảnh sự thật về tình bạn. Tình bạn là điều nội tại trong thân phận làm người, theo nghĩa nó cung hiến cho ta mối liên hệ thân cận, gần gũi, giúp đỡ nhau và hợp tác với nhau, trong bầu không khí lịch hiệp và thân aí. Tình bạn, tất nhiên, giả thiết sự trong sạch.

Đức ông nhấn mạnh điều này: tuy Giáo Hội luôn chủ trương chào đón và đồng hành với người đồng tính, nhưng họ được kêu gọi tìm kiếm Chúa Kitô và sống theo các đòi hỏi tự do và trách nhiệm của đức tin, đức cậy và đức mến. Thực hành liên hệ đồng tính và nhất là kết hôn đồng tính là đi ngược lại sự thật trong bản sắc con người và trong ý định Thiên Chúa.

Tóm tắt Sinh Hoạt của Ngày Thứ Hai

Cổ vũ các giá trị của gia đình là một trong các sứ điệp quan trọng nhất của Cuộc Họp Mặt Thế Giới Các Gia Đình. Đó là nhận định của Cha Omar Sotelo, thư ký Ủy Ban Truyền Thông Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ.

Cha cũng cho biết các sinh hoạt vào ngày thứ hai của Cuộc Họp Mặt, trong đó có sự hiện diện của ĐHY Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân. Về đóng góp, có nữ tu Marilyn Barrio, đaạ diện Phong Trào Focolares. Bà cho hay gia đình có vai trò căn bản và không thay thế được trong việc lưu truyền các giá trị cho các thế hệ tương lai, tuy ngày nay, “gia đình đang có đủ DNA của mọi vết thương và bi kịch của thời đại”.

Đại diện phong trào Neocatechumenal Way (Tân Dự Tòng), Giovanni Stirati, cho biết Phong Trào của Ông nhằm phúc âm hóa các gia đình đang sống giữa nhiều thách đố của xã hội ngày nay.

Phong trào Schönstatt trình bày nhiều chứng tá tích cực cho thấy cuộc sống sẽ ra sao khi Đức Mẹ được đặt ở trung tâm gia đình.

Tiến sĩ Eduardo Zainos, đại diện Viện Cao Học về Gia Đình và hệ thống các Đại Học Anáhuac nhận định rằng giáo dục không phải là phương tiện thủ đắc kiến thức, học hỏi những điều bao quanh ta mà thôi, nhưng đúng hơn là phương pháp huấn giáo về sự sống vì việc lưu truyền các giá trị căn bản chỉ xẩy ra qua giá trị cao vượt là tình yêu.

Theo Cha, các hoa trái tức khắc của Cuộc Họp Mặt là sự suy tư sâu sắc về các chủ đề và vấn đề có ảnh hưởng đối với gia đình trong thế giới ngày nay, khả thể hành động qua lại và học hỏi về các thực tại của gia đình, nhất là cam kết sẽ làm chứng cho thế giới thấy các gia đình có khả năng khuôn định ra một thế giới công chính và nhân bản hơn, dựa trên các giá trị phổ quát và Kitô giáo.

Về con số các quốc gia tham dự, Cha cho hay: có khoảng 80 quốc gia gửi đại biểu tới, đại diện cho khắp năm châu. Việc tham dự của các gia đình và cá nhân từ Phi Châu rất đáng chú ý, chứng tỏ rằng dù xa cách và dị biệt văn hóa, giá trị của gia đình và việc giáo dục con cái vẫn luôn là hằng số của mọi nền văn hóa trên thế giới.

Sau cùng cha cho biết Cuộc Triển Lãm Gia Đình quy tụ hơn 150 nhà trình bày. Họ tới với nhau để chia sẻ các đặc sủng và phương tiện yểm trợ khác nhau nhằm đạt được một sự phát triển lành mạnh và hoà điệu cho gia đình, cả về lãnh vực kinh tế, văn hóa và tâm linh. Trong thời gian triển lãm, một mạng lưới liên lạc đã được thành hình giữa các nhà trình bày, các phong trào tu dòng, các hội dòng, các hình thức tông đồ, các chương trình thừa tác và nhiều nhà bảo trợ, đem lại một tổng năng (synergy) cho thấy chúng ta không cô đơn trên con đường củng cố các gia đình Công Giáo chân chính.
 
Các giám mục Hoa Kỳ nói với TT tân cử Obama: ''Chúng tôi sẽ phản đối những sắc luật cho phép quyền phá thai''
Tú Nạc
15:28 17/01/2009
CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ CAM KẾT LÀM VIỆC VỚI TT. OBAMA

Tú Nạc

WASHINGTON – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã cam kết rằng Ngài và các giám mục cùng Ngài sẽ làm việc với chính phủ mới thành lập của TT Barack Obama và Quốc hội thứ 111 để "đề xuất những lợi ích chung, bảo vệ sự sống và phẩm giá cho tất cả, đặc biệt là những người nghèo dễ bị tổn thương."

Trong thư gửi ngày 13 tháng 1 cho TT Obama, ĐHY Francis George – Chicago đã đưa ra một dự thảo chi tiết về những chính sách ưu tiên có liên quan đến những giám mục Hoa Kỳ, sự biến thiên từ việc phục hồi kinh tế, bao gồm toàn bộ các thành phần xã hội để bảo vệ đời sống của "hầu hết những thành phần không có tiếng nói và dễ bị tổn thương của loài người," đặc biệt những trẻ chưa ra đời. Một lá thư có liên quan cũng được gửi tới phó TT đắc cử Joseph Biden và từng thành viên trong Quốc hội.

ĐHY George đã nhắc nhở TT Obama, các giám mục tiếp cận các chính sách công cộng vì những mục sư và giáo viên, cũng như những nguyên tắc đạo đức hướng dẫn họ đã được phát triển thông qua kinh nghiệm chăm sóc những người bất hạnh của họ.

Trong thư, ĐHY đã nêu những vấn đề cụ thể: cuộc khủng hoảng kinh tế, chăm sóc y tế, những vấn đề quốc tế và nhập cư; vấn đề hôn nhân liên kết giữa một người nam và một người nữ. Sự cho phép của đức tin – được dựa trên các nhóm đối với những hội viên trong việc vượt qua những khó khăn và đe dọa nhân phẩm; và quan trọng đối với việc bảo vệ những thành phần thấp cổ bé họng dễ bị xúc phạm, nhất là những trẻ chưa được ra đời.

ĐHY một lần nữa khẳng định sự đối lập kiên trì của Giáo hội đối với những nỗ lực mở rộng việc phá thai hoặc cấp vốn tài trợ phá thai bằng những đồng tiền từ thuế.

"Chúng tôi sẽ phản đối những sắc luật từ quyền lập pháp và những sắc luật khác cho phép quyền phá thai," trong thư Ngài đã lên tiếng. "Chúng tôi sẽ làm việc để giữ lại những chính sách ủng hộ rộng rãi, đề ra chủ yếu đối với sự tôn trọng đời sống thai nhi, bảo vệ quyền lợi lương tâm cho những người chu cấp dịch vụ y tế và những người Mỹ khác, và ngăn cản việc gây quỹ của chính phủ khuyến khích phá thai"

Đối với lĩnh vực kinh tế, ĐHY khuyên TT Obama tạo cho những gia đình nghèo và những người lao động dễ bị tổn thương một "ưu tiên hàng đầu", đề nghị đưa ra những biện pháp phục hồi gồm những đầu tư mới bằng những phương cách để tăng cường mạng lưới an toàn công cộng. "Chúng tôi cũng hỗ trợ tích cực về trách nhiệm giám sát để theo dõi những lạm dụng vô trách nhiệm – tham nhũng của hệ thống mà đã tác động đến việc khủng hoảng tài chính," ĐHY đã đề cập trong thư.

ĐHY cũng đã khuyến khích hành động để "đảm bảo một cách đúng đắn phạm vi chăm sóc y tế" nên được bảo vệ cho tất cả sự sống, đặc biệt những người nghèo. Bất kỳ đạo luật chăm sóc y tế nào sửa đổi đều phải tôn trọng quyền lựa chọn cá nhân, trong khi bảo đảm cho việc tôn trọng đạo đức và tôn giáo, những thuyết phục bệnh nhân và những người cung cấp dịch vụ y tế.

Trong thư đã nói đến một vài vấn đề liên quan đến những vụ việc quốc tế, bao gồm việc thay đổi nhiệm vụ ở Irack để quốc gia này tránh khỏi sự ngược đãi tôn giáo. Trong thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc kết thúc những xung đột bạo lực đang diễn ra tại Thánh Địa.

Đối với việc viện trợ nước ngoài, thư của ĐHY viết cần hỗ trợ các chương trình để chấm dứt nghèo đói, chống dịch bệnh chẳng hạn như HIV và AIDS, cùng với việc giảm tác động biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ĐHY còn đôn đốc chính quyền mới "chỉnh đốn hệ thống nhập cư mà tác hại đến cả hai quốc gia – của chúng ta và của những người nhập cư."

Ngài đã kêu gọi cải tổ toàn diện vấn đề nhập cư, trong đó nên tính đến đường lối đối với việc hưởng quốc tịch cho những người nhập cư không có tư liệu; và việc thực hiện những chíng sách phát triển mà ảnh hưởng đến nền kinh tế đối với những quốc gia mà những người nhập cư tỵ nạn.

ĐHY tái khẳng định niềm tin kiên quyết của Giáo hội rằng hôn nhân là một "sự kết hợp trăm năm, duy nhất, và chung thủy giữa một người nam và một người nữ, và phải được duy trì vĩnh viễn trong luật pháp."

Ngài cũng nói các giám mục sẽ tiếp tục ủng hộ những chương trình đề xuất những lựa chọn của các bậc phụ huynh về giáo dục được nói đến về nhu cầu của con em họ.

ĐHY nói, các giám mục hoan nghênh những hứa hẹn của chính phủ liên bang cho phép những hội đoàn dựa trên nền tảng đức tin như những đối tác trong việc vượt qua nghèo đói và những mối đe dọa đến nhân phẩm.

Trong thư có đoạn: "Chúng tôi sẽ làm vỉệc với chính phủ và Quốc hội để tăng cường các quan hệ đối tác trong những chủ trương mà không khuyến khích chính phủ phó thác trách nhiệm của nó và không yêu cầu nhóm tôn giáo bỏ mặc danh tính và sứ mệnh của mình."

ĐHY nói với TT Obama rằng các vấn đề liên quan đến những giám mực vượt quá những điều nêu trong thư. Để có một bản liệt kê những mối quan tâm khác, Ngài đã giới thiệu chính phủ và Quốc hội đối với "Sự Hình Thành Lương Tâm Quyền Công Dân Đức Tin" của các giám mục, một tài liệu được thông qua vào năm 2007 cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

"Chúng tôi cung cấp các dự thảo này như một chương trình để đối thoại và hành động," ĐHY nói. "Chúng tôi hy vọng đem đến một sự đóng góp thiết thực và mang tính xây dựng cho chương trình nghị sự quốc gia trên những giá trị chính sách sẽ định hình tương lai cho dân tộc chúng ta."

"Tôi, một lần nữa nói lên niềm hy vọng của chúng tôi về sự hợp tác khi quí vị bắt đầu giai đoạn phục vụ cho quốc gia chúng ta trước lúc thử thách này," Ngài thân mật nói. "Chúng tôi hứa cầu nguyện cho quí vị.mà những ngày phía trước sẽ là một tiến trình đổi mới cho quốc gia chúng ta, và rằng chúng ta có thể cùng nhau làm việc để bảo vệ cuộc sống con người và nhân phẩm, ngõ hầu xây dựng một quốc gia của một nền công lý cao cả hơn và một thế giới hòa bình.
 
Toà Thánh kêu gọi bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:23 17/01/2009
Vatican (VIS) - Hôm 14/01, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã phát biểu trước Hội Đồng Bảo An trong quá trình mở cuộc thảo luận về việc bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang.

Trong phát biểu bằng Anh ngữ, Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng mặc dù Hội Đồng Bảo An đã thảo luận vấn đề này trong hơn một thập kỷ nhưng "an ninh của thường dân trong thời gian xung đột ngày càng trở nên nguy cấp hơn, nếu không muốn nói đôi khi trở thành kịch tính, như chúng ta đã chứng kiến trong những tháng, những tuần và những ngày vừa qua ở Dải Gaza, Iraq, Darfur và Cộng hòa Dân chủ Côngô, để chỉ nêu lên một vài trường hợp".

Ngài cho hay: "Tiếp cận nhân đạo, bảo vệ đặc biệt trẻ em và phụ nữ, giải trừ quân bị tiếp tục là ba trụ cột quan trọng để cung cấp sự bảo vệ thường dân tốt hơn. Thật đáng tiếc là những phát thảo chính trị và quân sự lại thế chỗ cho việc tôn trọng căn bản phẩm giá và quyền lợi của con người và các cộng đồng, khi mà các cách thức hay các loại vũ khí được được sử dụng mà không cần tính đến các biện pháp hợp lý để tránh cho thường dân; khi mà phụ nữ và trẻ em được sử dụng nư là một lá chắn cho các chiến binh; khi mà việc tiếp cận nhân đạo bị từ chối ở Dải Gaza; khi người dân bị mất nhà cửa và các làng mạc bị phá hủy ở Darfur và khi chúng ta chứng kiến nạn bạo lực tình dục tàn phá đời sống của phụ nữ và trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo ".

Trong bối cảnh này ngài lưu ý rằng "bảo vệ thường dân đòi hỏi không chỉ canh tân cam kết đối với luật nhân đạo, mà còn đòi hỏi đầu tiên và trước nhất thiện chí chính trị và hành động".

"Việc mở rộng các cơ chế của Liên Hợp Quốc cần được đặt đúng chỗ để đảm bảo việc bảo vệ thường dân sẽ đạt được thành công, nếu ít nhất nó có thể nuôi dưỡng một nền văn hóa hành xử có trách nhiệm của cương vị lãnh đạo giữa các thành viên của mình và giữ gìn chúng, mỗi bên trong một cuộc xung đột có trách nhiệm phải giải thích sự chịu trách nhiệm như thế đối với cá nhân và cộng đồng.

Đức Tổng Giám Mục Migliore nói thêm: "Sự gia tăng gánh nặng thương vong và hậu quả của chiến tranh áp đặt lên thường dân cũng đến từ việc sản xuất vũ khí quy mô lớn, liên tục đổi mới và làm tinh vi thêm các loại vũ khí". Ngài kết luận rằng trong bối cảnh này Toà Thánh "ủng hộ hoàn toàn và khuyến khích các mục tiêu gần đây của nghị quyết Đại Hội Đồng 'Hướng tới một Hiệp ước Buôn bán Vũ khí', vốn đề ra bước quan trọng đầu tiên cho một công cụ ràng buộc pháp lý về buôn bán và chuyển nhượng vũ khí".
 
Tòa Thánh than phiền việc thiếu thiện chí đối với hòa bình tại Trung Đông
Bùi Hữu Thư
22:59 17/01/2009

Tòa Thánh than phiền việc thiếu thiện chí đối với hòa bình tại Trung Đông



Bao nhiêu cuộc đàm thoại đã thất bại

Nữu Ước, ngày 16, tháng 1, 2009
(Zenit.org).- Tòa Thánh cho hay có biết bao nhiêu nỗ lực để tạo dựng hòa bình tại Trung Đông đã thất bại vì thiếu thiện chí chính trị để thành công.

Điều này được Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc khẳng định trong buổi họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10 của Đại Hội Đồng về “Các hành động bất hợp pháp của Do Thái tại vùng chiếm đóng phía đông Giêrusalem và phần còn lại của lãnh thổ Palétin. "

Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore
Đức Tổng Giám Mục bắt đầu bằng việc bầy tỏ sự hợp quần của phái đoàn với dân chúng tại Gaza và vài thành phố Do Thái, những nơi “chịu đựng mũi dùi của trận chiến tàn khốc."

Ngài yêu cầu là quyết nghị của Uỷ Ban An Ninh tuần trước phải được tuân hành hoàn toàn, đó là, “kêu gọi một sự đình chiến tức khắc và lâu dài, cũng như sự tiếp tế các cứu trợ nhân đạo không bị ngăn cản,”.

Và Đức Tổng Giám Mục than phiền sự thất bại của “cả hai bên vì không tôn trọng sự phân biệt giữa các mục tiêu dân sự và quân sự."

Sáu Mươi Năm

Đức Tổng Giám Mục Migliore ghi nhận rằng lịch sử đầy chông gai trong 60 năm qua về sự chung sống giữa Do Thái và Palétin đã cho thấy có rất nhiều chiến tranh tiếp diễn, nhưng cũng có các cuộc đối thoại.

Ngài nói, "Tuy nhiên, tiếc thay, bao nhiêu nỗ lực để thiết lập hòa bình giữa Do Thái và Palétin đều thất bại. Phái đoàn của tôi nhận thấy bao nhiêu cố gắng đã thất bại vì không có đủ thiện chí can đảm và thông hiểu về chính trị để thiết lập hòa bình, từ tất cả mọi bên, và cuối cùng là một sự ưng thuận ngồi lại với nhau để xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền."

Ngài tiếp, do đó, Liên Hiệp Quốc phải đối diện với “trách vụ nặng nề là buộc các thành phần tôn trọng việc ngưng bắn, vạch lối cho sự thương thuyết và thỏa thuận với nhau và đảm bảo việc cứu trợ nhân đạo. "

Ngài kết luận, "Đặc biệt, Đại Hội Đồng này có thể giúp cho các bên tham chiến khám phá ra các đường lối mới mẻ để tái lập hòa bình, các đường lối dựa trên sự chấp nhận lẫn nhau và hợp tác trong các dị biệt."
 
Top Stories
Hongkong: l’Eglise catholique s’inquiète de voir le mariage homosexuel légitimé à l’occasion du vote d’un amendement à la loi contre les violences domestiques
Eglises d'Asie
03:09 17/01/2009
Le 10 janvier dernier, le Legco (Legislative Council), le parlement de la Région administrative spéciale de Hongkong, a entendu, en auditions publiques, les représentants de 63 organisations civiques, éducatives et religieuses. Les débats portaient sur un projet d’amendement à la loi contre les violences domestiques, amendement qui, selon l’Eglise catholique locale, induit une redéfinition du terme « famille » et ouvre potentiellement la voie à la reconnaissance du mariage homosexuel.

L’Ordonnance sur les violences domestiques, promulguée en 1986, avait pour objet la protection des couples hétérosexuels, qu’ils soient unis ou non par les liens du mariage. En août 2008, un amendement, voté sans soulever de débats particuliers, étendait cette protection aux ex-conjoints, anciennement mariés ou non, des couples hétérosexuels ainsi qu’aux enfants et à la parenté des conjoints ou ex-conjoints. Il y a quelques semaines, un nouvel amendement, introduit par le gouvernement, proposait d’étendre cette protection aux couples homosexuels.

A Hongkong, où la législation ne connaît pas l’homosexualité – que ce soit pour la proscrire ou pour la légaliser –, l’introduction de ce nouvel amendement a provoqué de vifs débats, amenant aux auditions publiques de ce 10 janvier. Devant les députés, une vingtaine de groupes et associations ont fait valoir le fait que chacun, quels que soient ses choix sexuels, avait droit à la protection de la loi, tandis qu’une quarantaine d’autres groupes et associations s’inquiétaient du fait que cet amendement ouvrait la voie à une légalisation du mariage homosexuel.

Le 5 janvier, le cardinal Zen Ze-kiun, évêque de Hongkong, avait rendu public un communiqué pour dire son opposition à l’amendement en question. Etendre la portée de la loi contre les violences domestiques aux couples de même sexe « aboutirait certainement à une mauvaise compréhension ou interprétation des concepts de mariage et de famille, sapant par voie de conséquence les fondements de notre société », a expliqué Mgr Zen, tout en soulignant que l’Eglise souscrivait « pleinement au fait que toute personne, quel que soit son contexte personnel, devait être en toutes circonstances protégée de toute forme de violence ». Sur ce dossier, le cardinal se retrouve en opposition avec le Parti démocratique, qui s’est prononcé pour l’amendement. Par le passé, Mgr Zen a souvent fait cause commune avec les démocrates pour la défense des libertés individuelles et du suffrage universel dans l’ancienne colonie britannique, mais, sur cette question, il a apporté son soutien à Wong Sing-chi, député démocrate de confession protestante qui a fait connaître son opposition au projet d’amendement mais qui a reçu de son parti la consigne de satisfaire à la discipline de vote.

Lors des auditions publiques, les groupes opposés à l’amendement, principalement constitués de chrétiens, d’éducateurs et de diverses associations civiques, ont expliqué que l’usage du terme « violence familiale » dans le texte chinois de la loi n’était pas adéquat car, selon eux, l’acception traditionnelle de la famille n’englobe pas les couples homosexuels. Ils ont proposé de remplacer ce terme par les mots « violence domestique » ou bien « violence dans le foyer » – suggestion repoussée par le gouvernement pour qui le terme « foyer » n’est pas assez précis.

Selon Michael Tse, membre de la Commission diocésaine pour la pastorale de la famille et du mariage, les auditions du 10 janvier indiquent qu’il n’existe pas de consensus au sein de la société hongkongaise au sujet de l’homosexualité. Le gouvernement s’est montré imprudent en proposant ce nouvel amendement, laissant à penser qu’il cherchait à agir vite pour aboutir à une reconnaissance par la loi de l’homosexualité, fait-il valoir, en expliquant que la Commission poursuivait son action. Des pages de publicité seront achetées prochainement dans les journaux locaux pour expliquer la position de l’Eglise sur ce sujet et une pétition sera lancée.

De nouvelles auditions publiques sont inscrites à l’ordre du jour du Legco du 23 janvier prochain.

(Source: Eglises d'Asie, 16 janvier 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư Mục vụ giáo phận Thái Bình: Tết Kỷ Sửu
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
03:21 17/01/2009
Kính thưa các Cha, các nam nữ tu sĩ, chủng sinh
và anh chị em giáo hữu thân mến,

Chúng ta sắp qua năm Mậu Tý, với những ơn phúc đầy tràn cả tinh thần lẫn vật chất, đặc biệt với Giáo phận Thái Bình, chúng ta đã tiến hành Năm Hồng Đào với những kết quả khả quan, kiến tạo con người giáo hữu trưởng thành hơn, đó là: Tôn Sùng Thánh Thể; Kính mến Đức Mẹ La Vang; Học tập Kinh Thánh và Giáo lý; Đẩy mạnh việc bác ái xã hội.

Nhân ngày cuối năm, mùa đông tháng giá cũng sẽ qua đi cùng với những sai lầm yếu kém của cá nhân và xã hội, những sai sót của người trên kẻ dưới, trong đạo ngoài đời, để lại chút gì cay đắng buồn phiền trong một số lãnh vực mà mọi người chúng ta đều biết rõ, ước muốn rồi cũng sẽ qua đi.

Đầu xuân sắp đến, chúng ta cầu chúc cho nhau được đổi mới mọi sự, đem lại cho ta niềm hy vọng thăng tiến trong mọi lãnh vực. Để góp phần nhỏ bé vào công trình lớn lao đó, chúng ta - những người Công giáo tuân theo ý định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thực hành công việc giáo dục Kitô giáo trong gia đình. Chúng ta sẽ lấy năm Kỷ Sửu sắp tới để đẩy mạnh cố gắng trên, bằng cách lập ra một năm giáo dục Kitô giáo trong gia đình Công giáo dựa vào bức thông cáo TGM Thái Bình ra ngày 01/01/09 vừa qua. Nói cách khác và cụ thể hơn, chúng ta giáo dục những phần tử chính yếu trong gia đình (người cha, người mẹ và con cái) thấm nhuần nội dung bức thư nói trên và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống. Vậy nên, tôi xin mọi người trong cộng đoàn, hãy cẩn thận tuân theo những chỉ định của TGM Thái Bình cả về lý thuyết cũng như thực hành. Chính trong niềm hy vọng đó, tôi xin kính chúc các gia đình Công giáo hãy trở nên như Ba Ngôi Thiên Chúa sống giữa trần gian được thu gọn trong đoạn thơ sau đây:

Gia đình Thiên Chúa có Ba Ngôi
Mẫu gương cho ai sống ở đời
Cha hiền mẹ quý thương con cái
Hình ảnh Ba Ngôi giữa chúng tôi.


Đối với người cha: phản ánh được Đấng tạo hoá, là Cha trên trời như đoạn thơ sau đây:

Sinh con nuôi dưỡng cả gia đình
Lèo lái con thuyền mấy hy sinh
Người cha gia đình như Tạo Hoá
Trồng cây hạnh phúc đầy quang vinh.


Về người mẹ: ước gì người mẹ, là lửa hồng cháy lên ấp ủ mọi thành phần trong gia đình được đốt cháy bởi tình yêu Thiên Chúa và anh em đồng loại như đoạn thơ sau đây:

Gia đình là tổ ấm yêu thương
Trái tim người mẹ ngọn lửa hồng
Ấp ủ gia đình qua năm tháng
Mãi mãi mùa xuân chẳng có đông.


Còn người con trong thế giới, xã hội và gia đình hiện nay: nhiều khi đã đánh mất vẻ kiều diễm trong sáng của chính Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để mang lại hoa quả thơm ngọt cho mọi người như:

Hoa thơm, thơm mãi nở trên cành
Quả ngon, ngon ngọt giữa trời xanh
Người con ngoan ngoãn trong gia thất
Diễm lệ ngàn sao phải tị ganh.


Tôi xin gửi lời chúc tới các vị có trách nhiệm phục vụ nhân dân trong xã hội, biết tôn trọng công bình và sự thật, giải quyết mọi vấn đề mang lại an vui hạnh phúc cho toàn dân.
Tôi cũng gửi lời kính chúc đồng bào ngoài Công giáo được hưởng những điều mà ngày Tết cổ truyền chúng ta cùng chúc cho nhau gồm tóm trong 5 chữ: Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh, nhằm mang lại văn minh dân chủ cho mình và cho mọi người.

Đặc biệt, tôi kính chúc các vị trong các tôn giáo được thuận hoà và toại nguyện trên con đường khát vọng chân lý.

Riêng với cộng đoàn trong Giáo phận, từ Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân: là một con người hoàn thiện chưa đủ, vậy ước muốn của chúng ta cũng là lời tôi nguyện chúc cho mọi đấng bậc và mọi thành phần cần phải tiến lên thành một con người thánh thiện, đạo đức, xứng đáng là con Thiên Chúa và con của Hội Thánh như chính lời tôi đã khuyên anh chị em khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội bằng những vần thơ:

Nhị vàng bông trắng lá xanh
Mừng em rửa tội nhân danh Chúa Trời
Làm con Thiên Chúa Ba Ngôi
Làm con Hội Thánh đời đời quang vinh.


Trong năm giáo dục gia đình, chúng ta hãy thực hiện những chỉ dẫn của TGM mà tôi xin nhắc lại và bổ túc thêm: ngày 26 Tết tới đây (tức ngày 19/01/09) vào lúc 18 giờ (tức 6 giờ chiều), chúng ta sẽ bế mạc năm Hồng Đào và khai mạc năm Giáo dục Kitô giáo trong gia đình, mọi người trong giáo phận hãy tập trung về Nhà thờ Chính toà Thái Bình, mỗi người mang theo bức thư chung của HĐGMVN gửi tới cộng đồng dân Chúa Việt Nam ngày 05/12/08 (ai chưa có, nên hỏi cha xứ hoặc tại TGM), một cây nến để đi rước và một cành hoa huệ trắng (là tốt nhất, không thì bất cứ loại hoa nào màu trắng cũng được) để tượng trưng cho sự trong sáng của gia đình Công giáo mà chúng ta phải đạt được để nêu gương cho mọi người trong cộng đoàn cũng như trong xã hội. Các cha không làm lễ hôm đó mà phải tập trung tại Nhà thờ Chính toà để đồng tế với Đức Giám Mục và tạo điều kiện cho giáo dân đi tham dự Thánh lễ.
Ngoài ra, các xứ, các hạt nên làm kiệu Thánh gia như đã nói để đi rước cho trọng thể. Trong thư này tôi muốn thêm: các xứ họ được chầu Mình Thánh vào Chủ nhật hoặc lễ trọng để cầu xin cho việc giáo dục gia đình và được lĩnh ơn Toàn xá như thể thức chung của Giáo Hội.

Chúng ta nên nhớ rằng, Giáo phận Thái Bình cũng như các Giáo phận khác trên thế giới cùng cử hành Năm Thánh Phaolô từ ngày 28/06/08 đến ngày 29/06/09. Do đó, kết hợp với Năm Thánh Phaolô, chúng ta hãy cầu xin cùng Thánh nhân, năng học hỏi và nghiên cứu những bản văn nói về gia đình trong các thư của Ngài, đóng góp những ý nghĩa sâu sắc để giáo dục gia đình cho tốt hơn. Vậy nên, ngoài việc học tập thực hành những điều dạy trong thư chung của HĐGMVN và các tài liệu khác nữa, các cha, các nam nữ tu sĩ và giáo lý viên cũng cần phải giúp đỡ các gia đình thực hành cho tốt những chỉ dẫn trong Năm Thánh Phaolô sẽ kết thúc vào ngày 29/06/09.

Trong các ngày Tết, năm nay chúng ta chú trọng đến ngày mồng 2 để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, các cha xứ nên tổ chức Thánh Lễ trọng thể theo các hình thức cổ truyền (nên làm ngoài Thánh đường), nhấn mạnh đến việc giáo dục trong gia đình, nhưng tránh những gì là dị đoan, mê tín, trái nghịch với thuần phong mỹ tục và giáo lý của đạo. Ngày mồng 4 Tết (tức thứ Năm - 29/01/09), vào lúc 9 giờ sáng, tôi kêu gọi cộng đoàn dân Chúa tại Thái Bình tới dâng Thánh Lễ đầu năm với những anh chị em tại trại phong Văn Môn để cùng nhau chia sẻ vui buồn trong ngày đầu xuân. Xin các cha tới tham dự đông đủ để làm gương sáng cho cộng đoàn và khuyến khích mọi người đến cùng chi thể Chúa Kitô đang chịu đau khổ đóng góp vào công ơn Cứu độ. Mọi người nên mang theo tiền bạc, các quà biếu để tặng cho những anh chị em trong trại.

Kết luận: Chúng ta là những người Công giáo sẽ sống tốt cuộc sống ở trần gian như lời Thánh Công Đồng chung Vatican đã dạy: Chúng ta thánh hoá các thực tại trần gian đời này, đánh giá chúng theo đúng giá trị hiện tại, không khinh chê những hoạt động trần tục, dấn thân vào các công cuộc xã hội nhất là những công cuộc nhằm đổi mới con người và các cơ cấu cuộc đời. Đặc biệt, tìm mọi phương cách làm cho con người càng ngày càng hạnh phúc. Chúng ta quan niệm theo giáo lý Công giáo rằng, thế gian đang được cứu chuộc nhờ vào Máu châu báu của Đức Kitô nhập thể cứu độ từng giây từng phút đóng góp vào việc đổi mới con người, xã hội và thế giới chung quanh, làm cho công ơn cứu chuộc mỗi ngày một tiến triển, đưa tới ơn cứu độ hoàn toàn sẽ diễn ra trong ngày chung cuộc, nơi trời mới đất mới sẽ diễn ra với những con người mới. Chúa sẽ đến và ở cùng chúng ta trong cảnh an bình hạnh phúc đến muôn ngàn đời.
Xin anh chị em cầu nguyện cách riêng cho tôi được nhiều ơn phúc để hết tâm phục vụ anh chị em theo như ý Chúa muốn.

Thái Bình, ngày 15 tháng 01 năm 2009.
Giám mục Gp Thái Bình.
 
Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế Tổ chức Tết cho người già và trẻ em
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
03:28 17/01/2009
Huế, Việt Nam ( 16-1-2009). Nhằm giúp những người không mong gì Tết, được có dịp sum họp dưới mái nhà chung đón Tết, sáng 13-1-2009, các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế đã gặp hơn 200 cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh nghèo neo đơn và trẻ em khuyết tật của hai xã Quãng Thành và Hương Phong thuộc Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại cộng đoàn Đi Viếng Kim Đôi, nữ tu bề trên Têrêxa Nguyễn Thị Diệu Cảnh, nữ tu Anê Nguyễn Thị Lợi đặc trách Bác ái dòng và nữ tu Anna Lê Thị Huệ, phụ trách cộng đoàn Kim Đôi cùng 10 nữ tu của dòng, đã thăm hỏi, đứng hầu bàn phục vụ tiệc Tết và tặng chăn bông cho từng người trong dịp mừng xuân mới.

Những người mất sức lao động nghèo tại những thôn xóm này, mỗi dịp xuân về, họ trông ngóng tin con cháu đi làm ăn phương xa, khắp mọi miền đất nước, kiếm thêm chút ít tiền để dành lo tết, trong khi các cụ ở nhà, sống một mình trông coi nhà cửa cho đến cuối năm.

Cụ bà Trần Thị Tiềm, thôn Tiền Thành, 86 tuổi, ước mơ chỉ muốn có gạo ăn trong ngày tết, hằng ngày cụ Tiềm phải trông nhà cho hai đứa cháu ngoại mồ côi mẹ đi bán vé số khắp mọi nẻo đường lên Huế về lại xã Quãng Thành hơn 20 cây số. Cụ bà cảm kích những chuyến thăm viếng và nỗ lực lo cho người già của các nữ tu.

Cụ bà Phan Thị Cuộc, 85 tuổi, bị mù hai mắt, thờ đạo Ông Bà, cụ sống một mình trong một căn nhà tranh tre ở thôn Vân Quật Thượng, mỗi ngày bà con xóm giềng mang cơm nước cho cụ, hàng tuần cụ trông chờ các nữ tu thăm viếng, năm nào Tết đến cụ cũng được các nữ tu Kim Đôi lì xì tiền, tặng quà mừng tuổi.

Anh Cao Ngọc Chánh, 44 tuổi, một Phật tử sống ở xã Hương Phong, có người con trai bị khuyết tật đã chết và hai con trai bị bệnh Đao, anh Chánh làm nghề chài lưới trên đò nói:’’ vợ chồng tôi lo cho hai cháu cũng đủ mệt rồi, còn chi nữa mà lo Tết với nhứt’’. anh vui mừng kể rằng Tết năm nay các cháu được các nữ tu cho áo mới. Cháu Anh 16 tuổi và cháu Hợi 13 tuổi con của anh Chánh cùng 40 trẻ em khuyết tật, hằng ngày được các nữ tu chở đi học bằng xe máy.

Hầu hết bà con Lương dân hai xã Hương Phong và Quãng Thành, Thừa Thiên Huế, đều có ấn tượng về các nữ tu Công giáo đang sống hoà mình vui vẻ giữa mọi người. Những bàn tay nhân ái của các nữ tu trong những ngày cận tết với các cụ già cô đơn, các em khuyết tật đã làm ấm lên không khí tình Xuân đang về.
 
Bà Cụ Maria Đức 111 tuổi thuộc giáo xứ Thuận Nghĩa, giáo phận Phan Thiết, vừa quan đời
Pm. Cao Huy Hoàng
03:37 17/01/2009
BÌNH THUẬN - Giữa những ngày tàn đông Mậu Tý, mọi người đang chuẩn bị đón mùa xuân Kỷ Sửu, đón thêm một tuổi mới, thì -có thể nói- rất ít người biết, có một Cụ Bà 111 tuổi đang chuẩn bị vào mùa xuân Vĩnh cửu.

Cụ bà ấy, là cụ Maria Trần Thị Đức, sinh 1898 tại Quỳnh Lưu Nghệ An, và sống tại Giáo Xứ Thuận Nghĩa, Giáo Hạt Hàm Thuận Nam, Giáo phận Phan Thiết, thuộc Xã Hàm Kiệm, Huyện Hàm Thuận nam, Tỉnh Bình Thuận.

Cụ bà Maria là con của ông bà Gioan Trần Kiều, ở GX Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông bà Kiều có bốn người con Trần thị Tiến, Trần thị Đức, Trần thị Hạnh và Trần Lai. Cô Tiến chết lúc nhỏ, cô Hạnh có gia đình và cả nhà đã chết trong cơn dịch tả ở Quỳnh Lưu khoảng đầu thập niên 30. Cậu Trần Lai cũng chết sớm ở Đồng Lác, Cam ranh. Duy chỉ còn một mình cụ bà Maria Trần thị Đức sống, và sống lâu, trong niềm thương nỗi nhớ.

Cô Maria Trần thị Đức kết hôn cùng Ông Phêrô Nguyễn Hữu Nụ. Ông Nụ làm trùm họ Quỳnh Lưu liên tiếp nhiều nhiệm kỳ và luôn nhiệt thành với công việc của Giáo Hội. Thế mà, ông bà đã trải qua những năm tháng dày đặc đau khổ và đau đớn vì những thử thách có thể nói vượt quá sức chịu đựng của con người…Bốn người con đầu của của Ông Nụ và Bà Đức là Huệ, Thảo, Lan, Đình đã lần lượt về lòng đất lạnh chỉ trong vòng một tháng, vì dịch bệnh ban sởi năm 1938. Lòng Mẹ đau như cắt.

Kể đến đây, cụ Trần Liêm, em con Chú của Bà Đức, bỗng nghẹn ngào vì nỗi đau. Và rồi, kể tiếp với lòng đầy thán phục: “Bà Đức vẫn an ủi chồng, và cùng chồng chạy đến Mẹ Mân Côi xin nâng đỡ”. Hai vợ chồng cùng nhau làm việc Mân Côi, ra sức lần chuỗi kính mến Mẹ, và xin Mẹ giúp ký thác mọi đau đớn và đường đời tương lai cho Chúa. Sau đó, ông bà có thêm được 4 người con nữa là Khiêm, Nhường, Tin, Cậy.

Dù cuộc sống rất khó khăn vất vả, ông bà luôn “khiêm nhường tin cậy” nơi Chúa và nêu gương đời sống đạo đức cho nhiều người. Năm 1949, Chúa gọi Ông Phêrô Nguyễn Hữu Nụ về với Chúa, để một thân bà Đức lo lắng cho con. Thêm một lần nữa, bà chứng kiến cái chết của chồng, trong khi đời đương nặng gánh…

Bà quyết định dâng cậu con trai thứ, kế quyền trưởng nam, là Phêrô Nguyễn Hữu Nhường cho Chúa làm của lễ dâng cảm tạ Thiên Chúa đã cho ông bà niềm tin tưởng tuyệt đối, lòng trông cậy vững bền và sức chịu đựng liên lỉ những thánh ý của Ngài. Khi con đi tu, bà không chỉ ra sức làm việc cật lực trên nương trên đồng, cho con có cái sách vở, mà còn siêng năng lần hạt Mân Côi trong giờ kinh gia đình sáng tối cầu nguyện cho con đẹp ý Chúa. Và hoa trái đời sống đạo đức của Ông Bà chính là Thầy Phêrô Nguyễn Hữu Nhường, tiến chức Linh Mục năm 1972, đang là Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam, chính xứ Giáo Xứ Hiệp Đức với hơn 6000 giáo dân.

111 tuổi đời, mà trí khôn vẫn còn minh mẫn lắm, mà vẫn tha thiết làm việc và nhất là không bỏ chuỗi mân côi ngày nào. Các cháu của bà kể rằng: công việc của bà mấy năm nay đơn giản lắm, ngày làm việc nhà, việc gì cũng làm, không chịu ngồi yên được, lặt đậu, làm cỏ quanh vườn…, đêm đọc kinh lần chuỗi. Một đêm bà ngủ đến năm bảy giấc, mỗi một thức giấc là một chuỗi Mân Côi. Hai tuần trước đây, bà trượt chân nhẹ ở phòng tắm, tưởng không có gì nguy hiểm vì bà vẫn ra làm cỏ quanh vườn để chuẩn bị đón tết, và nhất là, Chúa Nhật tuần vừa rồi, 11-01-2009, bà vẫn ra quì trước bàn thờ đọc kinh trang nghiêm để chuẩn bị Rước Mình Thánh Chúa. Thế mà, sáng thứ hai bà bỗng dưng thấy khó chịu trong người. Người nhà chuyển đến Bệnh Viện An Phước Tỉnh Bình Thuận nằm mấy hôm rồi đưa về nhà vì đã quá yếu. Trưa thứ năm 15-01-2009, bà không còn chứng kiến cái chết nào nữa, mà chính bà, đã chết thanh thản, vì hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó trong suốt 111 năm dài đăng đẳng.

Tôi đến viếng xác bà, nhìn thấy năm sinh 1898 trên cáo phó, nhìn thấy hai bức thư phân ưu của hai Đức Cha với nội dung thật tâm tình:

“Em xin hiệp ý cầu nguyện và chia sẻ tâm tình mất mẹ của anh Nhường. Xin Chúa sớm đưa linh hồn Bà Cố Maria về hưởng kiến tôn nhan. Em không ngờ Bà Cố thọ đến 110 tuổi. Chắc Bà Cố là “chị Hai” dưới đất cũng như trên trời. Chúc mừng anh được làm con của “Chị Hai”. (Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa)

Và: “Kính thăm Cha Nhường, Con thành thật chia buồn với Cha và toàn thể tang quyến, và nguyện xin Chúa đưa Bà Cố về hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. Bà Cố hơn 110 tuổi: thật là đáng quí vô cùng. Xin Bà Cố phù hộ cho Cha sống lâu như hay hơn Bà Cố." (Cosma Hoàng Văn Đạt, Sj., Giám Mục Bắc Ninh)

Tôi bỗng tò mò hỏi chuyện cuộc đời Bà Cố Maria Trần Thị Đức, và được cho biết bà là chứng nhân của chuỗi Mân Côi. Tôi mừng, ghi vội mấy hàng. Rồi xin phép cha Nhường và tang quyến, cho tôi được phép viết bài nầy nhằm tôn vinh Mẹ Maria và hiệu lực của Chuỗi Mân Côi.

Vì theo lời của Ông Trần Liêm, của Cha Nhường, của các con cháu Bà Cố, thì chính sức mạnh của chuỗi Mân Côi đã làm nên một cuộc đời 111 năm vẫn luôn khiêm nhường tin cậy, trước những đau thương kinh hoàng khi chứng kiến từng người thân dập dồn đi về cõi chết. Hơn nữa, ơn ích chuỗi Mân Côi gìn giữ Bà Cố bình an làm việc cho đến cuối đời.

Một tuổi già đáng kính trọng, đáng được chúc phúc và đáng để cho con cháu noi theo. 8 giờ sáng mai, ngày 17-01-2009, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, GM. Giáo Phận Phan Thiết sẽ chủ tế thánh lễ an táng cùng linh mục đoàn Giáo Phận, tại Giáo Xứ Thuận Nghĩa. Và Bà Cố sẽ được an táng tại Nghĩa Trang Thuận Nghĩa.

Mọi người đang chuẩn bị ăn tết và mừng Xuân Kỷ Sửu trên dương gian. Bà Cố lại được Chúa gọi về dự tiệc muôn đời và hưởng Mùa Xuân Vĩnh Cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Mẹ Maria một đời bà yêu mến, với các thánh trên trời, và với những người thân yêu mà bà đã từng quặn đau những lần ly biệt.

“Bà Cố thọ đến 111 tuổi. Chắc Bà Cố là “Chị Hai” dưới đất cũng như trên trời”. Xin “Chị Hai” phù hộ cho đoàn hậu sinh biết khiêm nhường tin cậy nơi Chúa, và yêu mến Mẹ Maria hết lòng qua việc lần chuỗi Mân Côi hằng ngày.
 
Đại chủng viện Vinh-Thanh chúc mừng Tết Kỷ Sửu
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
15:24 17/01/2009
VINH - Chiều ngày 17 – 01 – 2009, áp ngày nghỉ tết Nguyên đán, Đoàn Chủng sinh Đại Chủng viện Vinh – Thanh đã tới chúc tết Đức Cha Giám đốc Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và Quý Cha trong Ban giảng huấn.

Đã thành thông lệ tốt đẹp, cứ mỗi độ tết đến xuân về, anh em chủng sinh Vinh – Thanh không quên ghi khắc và nói lên tâm tình thảo hiếu của người học trò đối với các Đức Cha và quý Cha giáo đã dày công đào luyện và đồng hành cùng các thế hệ chủng sinh Vinh – Thanh suốt hai mươi năm qua. Trước ngưỡng cửa mùa xuân mới, với niềm tín thác vào tình thương Thiên Chúa, qua sự tâm huyết đầy yêu thương của Đức Cha Phaolô và quý Cha giáo, anh em chủng sinh hy vọng một mùa xuân thơm hương Đức tin đang rộng mở, đón đợi Đại Chủng viện Vinh – Thanh.

Chúng con thành tâm kính chúc Đức Cha và quý Cha hưởng trọn một năm mới đầy an lành, thánh đức. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng Đức Cha và quý Cha trong công cuộc đào tạo những ứng sinh linh mục biết sống hết mình cho Sự Thật – Công Lý – Hòa Bình.
 
Họp mặt Nhóm Emmau Tổng giáo phận Hà Nội với những công tác bác ái từ thiện
Giuse Trần Tiến Thạo
15:40 17/01/2009
HÀ NỘI - Sáng ngày 18/1/2009, anh chị em nhóm Emmau trong Tổng giáo phận Hà Nội đã cùng nhau quy tụ tại Tòa Tổng Giám mục để mừng kỷ niệm 1 năm thành lập, tổng kết thành quả trong một năm qua và hiệp với Đức TGM Giuse cùng quý Cha linh hướng dâng thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cho những công việc của nhóm trong năm mới Kỷ Sửu này.

Được thành lập từ tháng 2 năm 2008, với tên gọi là Nhóm Emmau, trong suốt một năm qua hơn 40 thành viên gồm có các tu sỹ nam nữ,các y bác sỹ, những anh chị em tình nguyện viên là các bạn trẻ, những giáo dân thuộc các giáo xứ trong Giáo phận Hà Nội và một số anh chị em Tôn giáo bạn. Anh chị em trong nhóm đã không quản ngại khó khăn vất vả, hy sinh về tinh thần và vật chất để có thể mang đến cho những anh chị em bị nhiễm HIV niềm an ủi động viên phần nào.

Năm vừa qua với 158 buổi truyền thông quy tụ trên 4000 người thuộc mọi giới tham gia, thăm viếng và chăm sóc cho hơn 100 bệnh nhân.Nhóm Emmau không những đã mang niềm vui và sự động viên đến cho những người mắc bệnh HIV, mà anh chị em trong nhóm còn tổ chức tuyên truyền cho các bạn trẻ và các gia đình để mọi người có được sự hiểu biết hơn về “căn bệnh thế kỷ” này.Từ đó chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn đối với những bệnh nhân HIV, giảm bớt sự kỳ thị, phá tan những rào cản ghẻ lạnh đối với những người nhiễm HIV, động viên, an ủi để họ có được sự chia sẻ và bình an trong tâm hồn.

Tuy mới thành lập được một năm, xong những công việc của nhóm thật là đáng kể và chúng ta có quyền hy vọng vào những kết quả to lớn hơn trong thời gian tới. Mừng sinh nhật một năm hôm nay Nhóm Emmau cũng vinh dự đón nhận thêm 20 tình nguyện viên mới, nâng con số thành viên trong Nhóm lên 60 người và ước mong ngày càng có nhiều bạn trẻ xả thân cho công việc tốt lành này.

Ngỏ lời với các thành viên trong Nhóm vào cuối Thánh lễ. Đức TGM Giuse đã nhắc đến đoạn Tin mừng theo Thánh Luca ở chương 25, nói về cuộc gặp gỡ và cùng đồng hành của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đi Emmau. Và với tên gọi là Emmau, Đức TGM ước mong mỗi thành viên trong Nhóm hãy noi gương Chúa Giêsu để luôn cùng đồng hành với những bệnh nhân HIV, đem niềm vui và binh an đến cho những người bị gạt ra bên ngoài nề xã hội, cũng như xưa Chúa đã đồng hành cùng các môn đệ.
 
Video phóng sự gói và nấu bánh chưng tại Tây Úc
Kim Anh
16:15 17/01/2009
Trong suốt một năm, có lẽ không thời gian nào người Việt tha hương lại nhớ nhà cho bằng thời gian cận Tết Nguyên Đán. “Mừng xuân đón Tết rưng rưng nhớ nhà”. Mừng xuân, đón Tết nhưng trong tiếng thở dài rưng rưng nhớ về cố quốc với những phong tục, truyền thống đã ăn sâu trong tâm khảm của đời người.

Trong bối cảnh đó, một trong những hoạt động mang tính cộng đoàn được nhiều người nôn nao chờ đón là gói và nấu bánh chưng. Tại Úc, các hoạt động như thế rất mạnh tại Nam Úc, Brisbane và Tây Úc.

Có lẽ, trong tâm tưởng của người Việt Nam, nét “văn hóa làng xóm” vẫn còn rất đậm và tưởng đã bị chôn vùi trong một xã hội thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân nay được dịp bừng lên trong dịp này.

Trong bài phóng sự hình ảnh này chúng tôi xin ghi lại hình ảnh của hàng trăm người già trẻ lớn bé đổ dồn về Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Tây Úc để gói bánh, luộc bánh và phụ giúp các việc lặt vặt khác.

Ở một góc các bà, các cô đang gói bánh thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng cười khi một bà nào đó hào hứng kể lại những câu chuyện ý nhị hồi còn ở quê nhà, những chuyện ngày xửa ngày xưa xa lắm rồi, hồi từ còn ở Bắc, hay lúc di cư vào Nam.

Những em thiếu nhi, hay thanh niên thiếu nữ há hốc mồm nghe chuyện, những chuyện như từ một thế giới nào đó xa xăm lạ lẫm. Nhưng đó lại là những chuyện đã diễn ra với những người rất thân thương của họ.

Ở một góc khác, ông cố Thân và các vị “bô lão” cũng như các ông trung niên khác đang ngồi tán gẫu bên những nồi bánh chưng sôi sùng sục. Các vị thao thao đủ thứ chuyện, từ những phong tục tập quán ngày Tết nơi quê nhà, những gian lao sống chết đời quân ngũ, những mùa xuân trong lao tù học tập cải tạo, đến những kinh nghiệm đức tin trong thời buổi đầy thử thách giữa làn tên mũi đạn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sống sung mãn trong một đất nước sống mòn
Trần Giang
04:27 17/01/2009
Sống mòn” là tựa một truyện dài (1944) của Nam Cao (1915-1951).

Ai cũng biết: nói tới Nam Cao là nói tới mô-típ sống mòn. Đặt chân vào thế giới nghệ thuật của Nam Cao ta phải luôn luôn đối mặt với tình thế cùng quẫn, khốn khó, trong đó cuộc sống của con người hiện ra bi đát thê thảm. Với người có lương tâm, đó là một sự sỉ nhục. Các nhân vật của ông như Chí Phèo, Thị Nở được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày cũng như Tú Bà, Sở Khanh của Nguyễn Du. Cả đời Nam Cao hầu như nằm gọn trong thời gian Pháp đô hộ Việt Nam (1887-1945). Tác phẩm của ông mang tính văn học hiện thực về cuộc sống thống khổ nhân dân.

Thứ, nhân vật chính của Sống Mòn là một thanh niên mới vào đời tràn đầy hăm hở, nồng nhiệt đã nhanh chóng bị cơm áo gạo tiền biến thành một nhà giáo lù đù, tính toán chi li, cầu an. Những ước mơ cao rộng của anh dần dần bị lụi tắt; mọi suy tính của anh không vượt ra nổi vòng vây áo cơm cứ bóp nghẹt anh, gia đình anh, suy rộng ra là làng quê, xóm nhỏ ngoại ô, và cả đất nước mà trong đó anh đang sống. Kiếp chúng mình tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả ước mong, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mòn mỏi tài năng trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hy vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho khỏi chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?”

Ngót 300 trang truyện dài lê thê, không có cốt, không có truyện, không có gay cấn và ly kỳ; nhưng sao lại có sức gắn bó với cả cuộc đời rộng lớn; tiếng thì thầm của tác phẩm đeo bám nhiều lớp người trong hành trình cuộc sống, giữa bao thăng trầm của lịch sử. Đó là một cuộc đối thoại lớn giữa cái sống và cái đang mất dần sự sống; giữa sống và chết; và cuối cùng là sự toàn thắng của cái chết – cái chết mòn. Cái chết mòn của một lớp người, và cũng là của cả một dân tộc.

Tác phẩm của Nam Cao như những câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí người đọc, không phải câu hỏi “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại, sống hay không sống), mà là sống như thế nào cho ra sống, sống thế nào cho có phẩm giá, có tư cách, và muốn như vậy con người phải làm gì? Tư tưởng nhân văn ở đây không đơn thuần là lòng thương người, sự cảm thông với những bất hạnh, mà thức tỉnh danh dự làm người, buộc con người phải suy nghĩ về thực trạng mình đang sống, tìm cách để thoát ra khỏi kiếp sống thừa, sống mòn vô nghĩa. Trong Sống Mòn, Nam Cao nói đến cái Chết Mòn, nó là “cái chết ngay trong lúc sống” – cái chết của những người sống sờ sờ ra đấy mà không biết dùng sự sống của mình vào việc gì.

CSVN thường lợi dụng các tác phẩm của Nam Cao để vênh váo nhờ có đảng ta nên đất nước và nhân dân ta sau một thế kỷ lâm vào tình trạng sống mòn trong tăm tối vật vờ mới nhìn thấy được mặt trời:

Vừng trời đông ánh
hồng tươi sáng bừng lên.
Đàn bồ câu trắng bay
về trong nắng mới.
Ngàn triệu dân siết
tay nhau đứng quanh Đảng CSVN…


Nhạc sỹ văn nô Đỗ Minh, người sáng tác bài hát ca tụng đảng hết sức mù quáng lố bịch này còn phát biểu đáng kinh tởm hơn:

Tôi lớn lên từ quê hương nghèo đói. Có Đảng, đi theo Đảng người dân có được cuộc sống đổi đời. Tôi hướng theo Đảng như một người trong kiếp nô lệ lầm than hướng theo ánh sáng: Tôi lớn lên từ quê hương nghèo đói. Có Đảng, đi theo Đảng người dân có được cuộc sống đổi đời. Tôi hướng theo Đảng như một người trong kiếp nô lệ lầm than hướng theo ánh sáng. http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nam2005/thang1/33573/

Không cần cãi cọ lý luận dài dòng lôi thôi vô ích, thực tế phũ phàng hiện ra sờ sờ trước mắt mọi người là nếu năm 1945 không có sự xuất hiện của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản, thì chắc chắn Dân Tộc Việt đã thoát được cảnh núi xương sông máu và sự chậm tiến suốt 75 năm qua, khi phải sống dưới ách thống trị của chủ thuyết Mác-Lênin, được ngụy trang qua cái quái thai gọi là ‘tư tưởng HCM.’

VN ngay thời kỳ chiến tranh hay bị Pháp đô hộ, vẫn nằm ngoài danh sách 20 quốc gia nghèo đói trên hoàn vũ. Nay nước ta bị các cơ quan quốc tế tài trợ như IMF, WB… xếp vào số 10 nước thiếu ăn cùng khổ nhất thế giới. Trong búa và lưỡi liềm của đảng, VN đã trở thành một xã hội trộm cướp phi luân, từ trong cung đình trung ương đảng ra tới hè phố mà thủ phạm không ai khác hơn là cán bộ đảng. Cả nước ngày nay như một nhà tù với mạng lưới công an đen nghịt vây bũa. Để sống còn nhiều người đã học theo guơng đảng nói láo và lừa bịp nhau. Mọi tầng lớp đồng bào, nhất là giới thanh niên chỉ còn biết sống mòn, sống cũng như chết. Ngôi nhà văn hiến VN bị chế độ và chủ nghĩa CS phá sập để thay vào đó bằng mớ luận thuyết thối tha sặc mùi đấu tranh giai cấp, chia rẽ mọi người để đảng thao túng cai trị.

Những ai từng sống ở VN trong những năm qua đều nhìn ra bản thân mình trong nhân vật Thứ của Sống Mòn. Nhưng dù có phải sống mòn như thế Thứ cũng còn được sống thật, dám nghĩ dám nói và dám làm những gì Thứ cho là đúng và cần thiết cho bản thân và gia đình mình. Toàn dân Việt hiện nay không những phải sống mòn mà còn phải sống giả. Tuy mọi người đều kinh tởm đảng nhưng để tồn tại trong cuộc sống mòn ai cũng phải tâng bốc đảng. Tất cả mọi đơn từ văn bản trong bất cứ việc lớn bé nào cũng phải bắt đầu bằng những từ sáo rỗng CHXHCNVN, Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Chỉ có linh mục Nguyễn Văn Lý mới dám viết thật là “không Độc Lập – chẳng Tự Do – mất Hạnh Phúc” thì phải chịu ngay một hậu quả là bị bịt miệng và đi tù. Nghịch lý bi đát nhất của đất nước là người ta chỉ có thể thoát khỏi kiếp sống mòn, sống cũng như chết, bằng cuộc sống dồi dào, sống thật ở trong một nhà tù bé (nhà tù lớn là toàn thể đất nước).

Người dân phải tìm mọi cách loay hoay xoay xở để thoát khỏi kiếp sống mòn vật vờ. Sau hơn 30 năm khoác lác độc lập, tự do, hạnh phúc của CSVN, hàng dài người xếp hàng xin visa trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon có vẻ như không bao giờ kết thúc, mỗi lúc mỗi dài hơn đông hơn. Hàng dài các cô gái xếp hàng cho các ông Tầu ông Hàn chọn lựa cũng dài hơn đông hơn. Hàng dài dân oan khốn khổ lê lết đi khắp chốn tìm công lý cũng dài hơn đông hơn.

Đức Giê-su đã xót thương cho thân phận sống mòn của con người. Người mở ra một lối thoát cho họ: tin vào Người. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Có vẻ như tin vào Đức Giê-su thì nhìn bên ngoài cuộc sống ta vẫn thế, vẫn long đong trong cuộc mưu sinh, thân phận vẫn bị bầm dập bởi các tai ương bệnh tật của kiếp người, hay nói theo ngôn ngữ của thi sĩ Tú Xương, là vẫn luôn bị “ba cái lăng nhăng nó quấy ta”.

Thật ra Đức Giê-su không mở ra một lối thoát về mặt chính trị, kinh tế, hay xã hội cho kiếp sống mòn của con người. Những người đi tìm những thứ đó nơi Người sẽ phải thất vọng. Trái lại, một đòi hỏi gay gắt nhất của Người khiến cho việc đi theo Người trở nên vô cùng khó khăn là phải chấp nhận mất đi mọi thứ mà con người thường quý trọng nhất. “Đức Giê-su đáp: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.’ Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,21-22).

Cốt lõi của Tin Mừng là người tin sẽ được trở thành con Thiên Chúa như Đức Giê-su. Làm con thì khác với nô lệ. “Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8,35-36). Bản năng sinh tồn khiến cho con người luôn phải xoay xở tìm kiếm miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Nhưng không có ai và không có nơi chốn nào trên đời này có thể mang lại một giải pháp tối hậu theo như cách của Đức Giê-su. Người có một thứ nước giải khát khác với cách suy nghĩ của con người. “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

Nhiều người khi đến định cư tại các nước giầu có phương Tây phải vỡ mộng vì tuy được ăn ngon mặc đẹp ở sang hơn họ lại vật lộn gay gắt hơn để sinh tồn. Ăn uống thừa mứa gây nên nhiều chứng bệnh thể lý, lối sống phương Tây cũng gây nên nhiều ưu sầu mới cho họ. Rất nhiều người dù sống tại nước ngoài trong hàng chục năm vẫn còn bị shock trầm trọng bởi những khác biệt về văn hóa. Nhiều người thường hoài niệm về những năm đói khổ ở quê nhà với nhiều tiếc nuối vì họ cảm thấy vào lúc xa xưa đó trong lòng họ vẫn còn có những niềm vui dào dạt mà bây giờ họ lại trống vắng.

Trên khắp chiều dài đất nước VN luôn có vô số người tin vào Đức Giê-su được sống dồi dào một cách huyền nhiệm. Họ không bon chen bỏ đạo vào đảng để hưởng lộc đời, không lọc lừa để làm giàu, con cái họ chẳng làm được ông này bà nọ. Nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su họ vẫn được sống dồi dào. Họ không có tiền của quyền lực bằng ai nhưng biết chia sẻ những cái ít oi mà họ có cho những người nghèo hơn, khốn khổ hơn, theo như lời dạy của Đức Giê-su. Họ luôn nghiệm ra mình được những ơn rất đặc biệt trong những thăng trầm của kiếp người. Quan trọng nhất, đi theo Đức Giê-su, họ biết đường mình đi và biết mình sẽ đi về đâu ở cuối con đường. “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14,4).
 
Năm Sửu nói về Trâu qua Thơ và Văn
Đinh văn Tiến Hùng
04:42 17/01/2009
Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,
Chồng cầy,vợ cấy,con trâu đi bừa”.

“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".


Lời Ca dao sao mà êm đềm thân thương thế,vẽ lên một bức tranh quê đơn sơ mộc mạc,nhưng không kém phần thi vị dễ thương.Phải có sợi giây chân tình giữa người và vật mới thốt lên những lời thơ ấy.

Người viết không là nhà động vật học luôn truy tìm nghiên cứu về loài vật,cũng không phải tử vi gia nghiên cứu xem vận mạng của Quí Vị có phù hợp với con Giáp trong năm hay không.Việc này đã có nhiều người bàn luận tiên đoán rất nhiều trên truyền thanh,báo chí…đôi lúc rất sôi nổi hào hứng về các nhân vật nổi tiếng như 2 ông Barack Obama tuổi Sửu và ông John McCain tuổi Tý so tài nảy lưa chạy đua vào Toà Bạch Ốc.

Năm nay Kỷ Sửu-năm con Trâu-con vật đứng thứ nhì trong 12 Giáp. Nhân dịp Xuân về,người viết chỉ muốn cùng Quí Vị tìm theo dấu vết Trâu trong thơ văn - một con vật gần gũi,thân thương nhất của người dân quê Việt nam trong loài gia súc như: chó,mèo,gà,heo,bò,ngựa và chắc hơn cả ‘pet’ của Mỹ bị thất lạc ta thường thấy thông báo hậu tạ dán nơi cột đèn.

Trâu còn được gọi là Sửu hay Ngưu theo Hán tự,chính là người bạn sớm tối đói no cùng người dân quê xưa.Đúng vậy,vì nuôi Trâu không phải để làm cảnh,vui chơi ôm ấp…mà để đóng góp trong cuộc sống chân lấm tay bùn:

- Con trâu là đầu sự nghiệp.
- Làm ruộng phải có trâu,làm giàu phải có vợ.

Vì thế mua Trâu người ta chọn lựa,đắn đo kỹ lưỡng:

- Tậu trâu,lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc đó ắt là khó thay.

- Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

- Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì trâu chậm,thứ ba rựa cùn.

“Nái,vó,giống,nòi” đều quan trọng,nhưng cũng cần phải khoẻ,vì ngoài công việc đồng áng,trâu còn kéo xe, đạp lúa sinh sản giống tốt:

- Mua trâu xem nái,lấy gái chọn dòng,
- Mua trâu xem vó,lấy vợ xem nòi.

Từ gần gũi thân thương nhất trong gia súc, phát sinh nhiều thành ngữ,tục ngữ răn đời đơn sơ thâm thúy như: ”Trâu chậm uống nước đục –Đầu trâu mặt ngựa-Ngưu tầm ngưu,mã tầm mã-Trâu bò húc nhau,ruồi muỗi chết-Đàn gảy tai trâu-Thân trâu trâu lo,thân bò bò liệu-Trâu cày không có,trâu ăn lúa lại đông-Trâu lành không ai cắt cỏ,trâu ngã lắm kẻ cầm dao-Trâu chết để da,người ta chết để tiếng-Cứt trâu để lâu hoá bùn…

Trong Ca dao còn phong phú hơn nhiều:

- Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm.

- Trâu buộc ghét trâu ăn,
Quan võ lại ghét quan văn quần dài.

- Nghé ơi ta bảo nghé này,
Nghé ăn cho béo,nghé cầy cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

- Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia kén vợ khi nào có con.

- Trâu, dê lúc chết tế ruồi,
Sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn.

- Phình phình lớn giữa lớn ra,
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu,
Ở nhà làng bắt mất trâu,
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.
(tục xưa con gái chửa hoang phải đền trâu cho làng)

- Một trâu anh sắm đôi cầy,
Một chàng đôi thiếp có ngày oan gia,
Chàng ơi chàng bỏ em ra,
Nhẽ đâu một ổ đôi gà ấp chung.
(các bà không muốn người đắp chăn bông kẻ lạnh lùng )

Đôi lúc lại còn xót xa, bạc bẽo,chua chát thế thài nhân tình hơn:

- Công anh chăm nghé bây lâu,
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cầy?
- Phù thủy,thày bói,lái trâu,
Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn.

Có lẽ vì ngẫu hứng câu Ca dao xưa,nên dưới chế độ Cộng sản đã bộc phát câu ca châm biếm tài tình:

- Việt gian,Việt cộng,Việt kiều,
Nghe ba anh ấy trăm điều đớn đau.

Ngoài Ca dao,tục ngữ…Trâu còn xuất hiện trong truyện xưa tích cũ hay thơ văn hiện đại.
Lục súc tranh công kể lại 6 con vật: trâu, bò,dê,lơn,gà,ngựa tượng trưng cho 6 Vị quan đầu triều tranh nhau công trạng và ai cũng cho mình đóng góp nhiều công sức hơn cho Dân Nước.Hãy nghe quan Sửu kể công:

- Trâu mỏi mệt trâu liền thăn thỉ (năn nỉ)
Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã….
Từ tháng giêng cho tới tháng chạp,
Kế Xuân, Hè,nhẫn đến Thu,Đông,
Việc cầy bừa nông cụ vừa xong,
Lại xe gỗ giầm công liên khói

Bà Huyện Thanh Quan nữ sĩ đa tài,nổi tiếng qua nhiều bài thơ như: Qua Đèo Ngang,Thăng long hoài cổ,Chiều hôm nhớ nhà…
Lời thơ nhớ nhà dậy lên nỗi buồn xa văng mênh mông:

- Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn,
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn….

Bà còn lưu lại nhiều giai thoại nhẹ nhàng lý thú nhân khi ông Huyện vắng nhà,bà đã phê vào tờ đơn thày Hương Cống xin phép mổ trâu giỗ bố trong lúc đang thiếu trâu cầy:

- Người ta thì chẳng đuợc đâu,
‘Ừ’thì ông Cống làm trâu thì làm.

Học Lạc nhà nho nghĩa khí Miền Nam,không chịu hợp tác với Pháp,làm bài thơ trào phúng Vịnh con trâu,chế diễu những kẻ xu thời, nghêng ngang mũ áo,nham nhở như phường tuồng theo gót ngoại xâm:

- Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Nghĩ lại mà coi thực lớn đầu,
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cầm lun phún một chòm râu.

Kẻ theo giặc chỉ là những con cờ thí,bị vắt chanh bỏ vỏ sau khi không còn dùng được nữa.Tú Mỡ nhà thơ trào phúng nổi tiếng,đặt cho hạng người này cái tên Ngài trâu như trong cuộc Chọi Trâu chí tử: con thua phanh thây nằm đó,con thắng mũ lọng nghênh ngang rước về làng làm lễ sát tế cúng Thành hoàng:

- Tưởng rằng danh giá những gì,
Kiếp trâu khốn nạn vẫn là kiếp trâu,
Nào người qúi hóa gì đâu,
Rước về làm thịt xúm nhau người sài.
Lắm anh danh vọng trên đời,
Chung qui cũng chỉ như Ngài Trâu thôi.

Phải chăng Nhà thơ Nguyễn huy Thiệp khắc khoải than thở cuộc sống ‘Trâu cầy’ đời người qua hình ảnh con trâu?

- Sinh ra làm kiếp con trâu,
Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa,
Thân tôi cổ cầy vai bừa,
Nào thừng buộc,nào mõ khua rộn ràng,
Xin ông, ông cứ nhẹ nhàng,
Tôi xin nộp đủ thóc vàng cho ông.

Nhưng có lẽ bài thơ mới nhất,đầy ấn tượng và cảm động của Nguyễn phúc Sông Hương, tả về thân phận người tù dưới chế độ Cộng sản,khiến tôi thao thức nhớ về những kỷ niệm đau xót ngày nào:

- Không phải chim gõ kiến,
Gõ mõ trong rừng sâu,
Là tiếng mõ bản Thượng,
Chiều về gõ gọi trâu.

Trại tù vang tiếng kẻng,
Qua một ngày đời trâu,
Đoàn tù đi bước chậm,
Đàn trâu gầy chờ nhau

Đàn trâu về bản Thượng,
Tiếng nghé kêu lạc loài,
Đoàn tù vào chuồng lớn,
Tưởng con mình đâu đây.

Không phải chim gõ mõ,
Gõ gỗ trong rừng sâu,
Tiếng mõ và tiếng kẻng,
Chiều về gõ gọi trâu.

Trong những tháng năm thơ ấu,tôi luôn nhớ hình ảnh đơn sơ tràn đầy kỷ niệm bài học trong Quốc văn giáo khoa thư: ”Ai bảo chăn trâu là khổ,chăn trâu sướng lắm chứ.Đầu đội nón mê như lọng che,tay cầm cành tre như roi ngựa,ngất nghểnh ngồi trên mình trâu,tôi nghe chim hót trong chòm cây,mắt trông bướm lượn trên đám cỏ….” hay say mê truyện Con Trâu của Trần Tiêu – một nhà văn có biệt tài mô tả loài vật –mà ông nhân cách hoá phản ảnh về cuộc sống vất vả của con người.

Trâu còn theo gót Chiến sĩ VNCH trong cuộc chiến gian lao hào hùng bảo vệ Miền Nam Tự do.Điển hình là Tiểu đoàn 2 Trâu Điên Thuỷ Quân Lục Chiến đã nhiều phen làm cho bọn ‘người vượn’ Việt cộng phải kinh hoàng mỗi khi chạm mặt.

Gần đây nhất,Trâu còn nhảy vào nghệ thuật điện ảnh qua phim Mùa len Trâu do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn,phóng tác theo tập truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam.Nhìn trong phim,đàn trâu hàng trăm con lướt đi như vũ bão trên cánh đồng mênh mông ngập nước,cho ta thấy một cuộc sống cuốn trôi tàn bạo,nhưng cần thiết cho đời sống kinh tế nông nghiệp người dân Miền Tây.Hy vọng hình ảnh này sẽ xuất hiện trong năm Kỷ Sửu 2009,để thấy từng đàn trâu can trường dũng mãnh kìm lại ‘thùng kinh tế’khổng lồ của Hoa kỳ khỏi rơi xuống vực thẳm do Ngài Tổng Thống tuổi Trâu cầm cương giữ thắng.

Sau cùng,mong rằng năm Kỷ Sửu,dân Việt sống dưới chế độ ‘đỉnh cao trí tuệ’ Cộng sản, sẽ không phải trở về ‘thời kỳ đồ đá’ –người cày thay trâu –con người đi trước thay trâu kéo cầy:

- Xưa kia trâu gíúp người cầy,
Bây giờ cay đắng lại thay trâu bừa.

Con người đeo đẳng kiếp trâu cầy,nhiều lúc muốn thoát khỏi cũng không xong.Thôi thì ta hãy cố gắng kéo cầy 4/5 cuộc đời mà giành 1/5 còn lại để kiếm chút thảnh thơi. Tuy kẻ viết bài không phải là thiền sư hay thiền giả,nhưng thường thảnh thơi ngồi thiền,qui hướng nội tâm, sực nhớ lời khuyên trong Phật giáo Thiền Tông qua bức tranh Thập Mục Ngưu Đồ:

‘Chăn Trâu’ 10 bước: Tìm trâu(1)-Thấy vết trâu(2)-Thấy trâu(3)-Bắt trâu(4)-Chăn trâu(5)-Cưỡi trâu(6)-Quên trâu(7)-Quên cả người và trâu(8)-Trở về cội nguồn(9)-Thong dong vào chợ đời(10).Lời thiền làm cho tâm hồn thấy lâng lâng phiêu bồng,thi hứng bỗng bật thành thơ:

- Một đời mải miết tìm trâu,
Dõi theo dấu vết nông sâu mà tìm,
Thấy trâu ta phải bắt liền,
Chăn trâu ngày tháng ưu phiền lánh xa,
Cưỡi trâu miệng hát hoan ca,
Quên trâu quên cả thân ta nữa rồi,
Cội nguồn hiện thực người ơi,
Lỏng buông tay khấu chợ đời thong dong,
Phù sinh dấu ấn hóa công,
Hành trình tâm thức trong vòng chăn trâu.

Xin dừng bút nói về Trâu nhân dịp năm Kỷ Sửu.
Kính chúc Quí Vị Năm Mới luôn mạnh khoẻ để đủ sức nối tiếp cuộc sống ‘trâu cầy’,trước khi bước sang phần đời thiền giả ‘cỡi trâu’ thong dong ngao du sơn thủy.

(Cali –Xuân Kỷ Sửu 2009)
 
Văn Hóa
Xuân Ca
J.B Nguyễn Quốc Tuấn
04:19 17/01/2009
Hợp ca lên ru mộng đời tươi thắm
Hòa ca lên cho ngát dặm thiên đường
Hoan ca lên nhận mưa ơn phước cả
Ta đi xây những mùa xuân yêu thương
Lời chim vui ca hót rộn khắp vườn
Bình minh dậy trên từng dây phím
Hoa lá cỏ cây suối trào mát lịm
Hương đầu mùa dâng tỏa cõi thiên linh
Cung trầm bổng chan chứa lời nguyện kinh
Đưa hồn ta lạc vào tiên cảnh giới
Tiếng kèn loa muôn thiên thần vẫy gọi
Nguồn mạch yêu thương say giấc vĩnh hằng…
 
Lời cầu chúc Xuân Lỷ Sửu
Hai Tê Miệt Vườn
04:21 17/01/2009
Mừng Xuân Kỷ Sửu ta mong,
Phúc lành của Chúa xuống trong lòng người.
Ngõ hầu hưởng được cuộc đời,
An bình thư thái của thời cánh chung.
Để rồi biết sống tín trung,
Con đường thiện hảo, thủy chung lời thề.
Mọi người thẳng tiến về quê,
Nghìn thu hồn xác tràn trề phúc xuân.

Xuân Kỷ Sửu 2008
 
Kỷ Sửu Xuân
Tôn Thất Xứng
04:24 17/01/2009
Kỷ Sửu Xuân nầy em ở đâu ?
Sàigòn, Hànội, Huế, Cà Mâu !
Tôi đang đợi toàn dân vùng dậy
Diệt cộng Hồ gian, chống giặc Tàu.

Dân chúng than van: khổ quá trời
Ngoại trừ cộng phỉ ngát hương đời
Nhà tan cửa nát vì Hồ tặc
Bán nước buôn dân, nô lệ người.

Tội cộng Hồ gian nói chẳng cùng
Tràn trề như biển nước mênh mông
Nhiều như tre trúc, cao như núi
Vùng dậy toàn dân diệt mới xong.

Tôi nguyện theo dân cùng chiến đấu
Sơn hà xã tắc hết lo âu
Tự do dân chủ xây tròn mộng
Hết cảnh lưu vong vạn cổ sầu.

Rồi sẽ cùng em vui thưởng xuân
Qua cầu Bạch Hổ, đến Kim Long
Lên Thiên Mụ ngắm nhìn trăng sáng
Nghe tiếng kinh chùa: sắc sắc không.

Tôi sẽ về thăm Vọng Cảnh đồi
Lặng nhìn trăng gió, nước mây trôi
Hương Giang thấp thoáng con đò nhỏ
Em gái buôn trăng mĩm miệng cười.

Tôi sẽ đưa em về Vĩ Dạ
Nhìn hoa vàng giấy, nắng hàng cau
Nơi đây thuở ấy nhiều thôn nữ
Tóc phủ bờ vai, áo lụa màu.

Tôi sẽ đưa em về Thượng Tứ
Vào thành nghe điệp khúc ve sầu
Âm thầm hoa phượng bên đường nở
Lạnh lẽo Thái Hoà (1) khóc bể dâu.

(1) Điện Thái Hoà, nơi vua thường ra ngự cùng với triều đình bàn việc nước
Montréal, 14-01-2008 - 19-12-Mậu Tý
 
Nàng Xuân Quê Tôi
Dã Tràng
12:31 17/01/2009

Nàng Xuân Quê Tôi



  • Xuân nơi đây Mùa Xuân nơi xứ người
  • Cái lạnh gía băng của Đất Trời
  • Có làm Nàng Xuân kém nét tươi ?
  • Có làmTình Xuân hết rạng ngời ?


  • Không ! Xuân ơi! Em vẫn đẹp tuyệt vời !
  • Tình Xuân vẫn nóng bỏng trong Tôi
  • Vẫn sưởi ấm cả Trời Xuân xa xứ
  • Vẫn xôn xao rạo rực cả lòng người!


  • Nàng Xuân Ơi! Dịu dàng qúa đi thôi…!
  • Em tha thướt như lụa giữa chợ đời
  • Nằm sóng sượt…bờ biển cong chữ “S”
  • Tóc thề dài…buông thỏng Chín Con Long


  • Nàng Xuân Ơi! Thân Em Giải Gấm Vóc
  • Bao đời rồi Cha bồi Mẹ đắp
  • Em có biết Em đẹp lắm không?
  • Ta yêu Em ngàn kiếp nói sao cùng!


  • Để một ngày kẻ gian nào cào xé
  • Thân Ngà Em chúng cắt xén mảng đời
  • Rồi “Mụn Nhọt Vườn Đất” tả tơi
  • Làm thân Em nhói ngời đau xót!


  • Ta thầm nguyện xin Linh Dược từ Trời
  • Xuống chữa lành hết Mụn Nhọt tả tơi
  • Cho Nàng Xuân từ nay mãi đẹp ngời
  • Xuân An Vui, Xuân Đất Trời Hạnh Phúc.


  • Nàng Xuân Ơi! Cho Ta gởi lời chúc
  • Chúc cho Xuân mãi Hòa Hợp Đất-Trời
  • Trời”Thương Người” ngưòi cũng nên “Vì Trời”
  • Xuân Đất Việt ắt muôn đời sáng chói!


  • Để mỗi năm Mai, Đào…Chào Xuân Mới
  • Đường Quê Xưa lại nô nức tiếng cười
  • “Con Phố Cũ” lại rạo rực vui tươi
  • Lòng mỗi người ngợp Trời Xuân phơi phới


  • Xin Chúa Xuân đổ tràn trên Năm Mới
  • Muôn Bình An Hạnh Phúc khắp nơi nơi
  • Nhà nhà no thỏa Ơn Trời
  • No Cơm Ấm Phúc: Muôn Đời Mùa Xuân.


Dã Tràng: Cho Mùa Xuân Quê Tôi muôn đời nở thắm tươi
 
Xuân cung tiến
Hiền Thạch
15:13 17/01/2009
Xin được làm hoa dại
Bên vệ đường trần gian
Để người qua kẻ lại
Vơi dịu nổi tân toan

Xin làm cánh chim ngàn
Nối năm châu bốn bể
Báo sự sống trào tràn
Trong tin-yêu-hy-vọng

Xin được làm vạt nắng
Đưa tiễn bóng đêm đen
Cho cỏ cây vươn thẳng
Giữa đất trời miên man

Xin làm chiếc thuyền nan
Ngược xuôi dòng lịch sử
Đưa rước khách lữ thứ
Hành hương bến-cội-nguồn

Xin được làm sét cơm
Lót dạ kẻ đói lòng
Hơn nữa phần nhân loại
Còn khát uống thiếu ăn!!

Xin làm sợi khói xanh
Nén tâm hương vọng niệm
Để thay mùi thuốc súng
Gieo tử khí triền miên

Xin là bút là nghiên
Viết nên lời chân thiện
Giọt mực cất tiêng nói
Giữa man trá đảo điên

Xin được làm chiên con
Sau bao ngày lỡ bước
Biết nẻo về lựa chọn
Giữa suối nguồn yêu thương

Xin được làm... được làm...:
Góp lại thành mùa xuân
Là lễ-vật-cung-tiến
Cùng tán tụng Thiên Ân.
 
Chuyện phiếm: Làng Tôi Ăn Tết
Trà Lũ
16:11 17/01/2009

Chuyện phiếm: LÀNG TÔI ĂN TẾT



Làng tôi có một nhân vật thần kỳ, từ phương xa mỗi năm mỗi về làng ăn tết. Đó là ông Từ Hoè. Ngày xưa, cách đây dễ chừng 20 năm, ông là một trong những người khởi xướng lập ra làng, lập ra lệ làng, và sinh hoạt rất hăng say với cả làng. Rồi đùng một cái, người em kết nghĩa của ông từ trại tỵ nạn sang, ông theo chú em đi miền tây. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ làng, mỗi năm mỗi về.

Các cụ còn nhớ người em này chứ. Chú em này khi xưa là chính uỷ VC, Trung tá Từ Hoè bắt được trong một lần hành quân. Ông không bỏ tù chú chính uỷ mà ông cho chú đấu lý tay đôi. Khi thấy chú thấm đòn thì ông thả chú về rừng. Sau 1975, vào tới Saigon, chú mở mắt hoàn toàn. Chú bỏ Đảng. Chú tìm cách cứu ông ra khỏi trại cải tạo rồi cùng ông bàn kế vượt biên. Hai người tới trại, ông được Canada nhận trước, còn chú mãi về sau mới được nhận. Ông và chú em bắt tay nhau lập cuộc đời mới nơi đất khách. Bây giờ thì ai cũng giàu có và ổn định. Sinh sống ở Canada một thời gian, chú và vợ con nhập đạo Công Giáo. Chú mang tên Paul. Paul là tên vị thánh tổ phụ của giáo hội. Thánh Paul ban đầu là người theo đạo Do Thái và ghét đạo Chúa vô cùng. Ông say sưa đi diệt đạo Chúa. Nhưng rồi Chúa đã hiện ra với ông, biến ông từ một kẻ thù cuồng tín trở thành một tông đồ nhiệt thành để giảng đạo Chúa cho các dân ngoại. Chú Paul cũng vậy, xưa chú là một chính ủy khát máu, nay chú là một tông đồ yêu mến Chúa hết lòng, và tận tình giúp đỡ người nghèo. Hiện nay vợ chồng chú trông coi các người vô gia cư ngủ đêm ở nhà thờ, lại còn đứng đầu Hội Bác Ái Vinh Sơn của giáo xứ.

Ông Từ Hoè rất hãnh diện về vợ chồng chú Paul, một điều chú Paul, hai điều chú Paul. Năm nay chú Paul cũng gửi bánh chưng tết làng tôi, y như năm ngoái. Bánh chú gói đúng hương vị cổ truyền Bắc Kỳ, thật là ngon hết sức.

Ông Từ Hoè về làng rất sớm, ngay ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo về trời. Theo truyền thống của làng, ông là người chỉ huy bữa ăn ngày tết. Ông thật là tài ba. Năm con nào, ông cho ăn con đó. Năm gà, ông làm món gà, năm heo ông nấu món heo. Trừ có năm con rồng là ông bó tay. Năm nay con trâu, ai cũng đang hồi hộp chờ đợi.

Làng tôi họp nhau vào tối ba mươi, vừa để tiễn năm Chuột, vừa để đón mừng năm Trâu. Mọi khi họp làng đã vui lắm, nay cuối năm có thêm ông Từ Hoè, làng vui khác thường. Đúng là vui như tết. Dân làng hẹn nhau lúc 8 giờ tối. Nơi hội làng là nhà Cụ Chánh, tiên chỉ. Ai đến cũng mang theo lễ vật, vừa để tế tổ, tết cụ Chánh, vừa để ăn chung.

Tôi vừa nói tế tổ, xin được đôi lời về tổ. Làng tôi là một biểu tượng liên tôn đúng ý nghĩa nhất vì dân làng theo đạo Chúa, đạo Phật và đạo Ông Bà. Cứ ngày tết là ông Từ Hoè lập một bàn thờ ở giữa phòng khách, với một bài vị rất lớn ở giữa. Trên bài vị ghi danh ông tổ của mỗi dân làng. Hai bên là hai chậu hoa đào và hoa mai. Đào gốc miền Bắc và mai gốc miền Nam, rôì hai cây đèn cầy mầu đỏ, phía trước bài vị là đĩa trái cây và đĩa bánh chưng bánh tét. Ở giữa là lư hương.

Dân làng đến rất đúng giờ. Tay bắt mặt mừng, vui vẻ qúa chừng. Người cười nói oang oang và vui vẻ nhất làng là ông Từ Hoè. Ông tíu tít ôm chào mọi người. Rồi dân làng vào tiệc. Chủ tiệc là cụ Chánh chủ nhà, còn chủ bếp là ông Từ Hoè. Các cụ có đoán được mâm cỗ tết của làng tôi gồm những món gì không ? Rất cổ truyền VN, các cụ ạ. Không thể ngờ được cái ông Từ Hoè này giỏi như vậy. Mâm cỗ tết có 5 đĩa và 5 bát. Năm đĩa gồm giò chả gà nộm xào. Năm bát gồm bóng, miến, măng, mọc, tần. Món mà mọi người mong chờ là món trâu. Trong khi dân làng ăn miến ăn măng thì ông biến vào bếp. Loáng một cái, ông bưng ra đĩa thịt trâu xào rau cần nóng khói ngùn ngụt. Ôi chao, quê hương của tôi là đây chứ đâu xa. Đĩa cần ta xào thịt này làm tôi nhớ đình đám ngoài Bắc dịp cưới hỏi cuối năm quá chừng. Hỏi ông mua thịt trâu và rau cần ở đâu, ông cười khà khà. Ông bảo các chợ ở Toronto có đủ hết. Khi xưa ông ở Toronto có mấy năm mà ông biết hết, nhớ hết. Các cụ có bao giờ ăn món cần ta xào thịt trâu chưa ? Món này mà xơi với cơm tám nóng thì ngon quên chết. Thịt trâu ăn ngon, mềm và thơm như thịt bò. Ai bảo thịt trâu dai và hoi là nói tầm bậy. Theo sử Canada thì các thổ dân Da Đỏ ngày xưa thường ăn thịt trâu, sách ghi là ‘water buffalo’. Anh John nghe tôi nói đến đây thì anh cười lớn tiếng: Sở dĩ người Da Đỏ thích ăn thịt trâu là vì họ có gốc VN mà. Cái anh chàng John này thật là láu, anh thuộc hết bài bản của tôi.

Cụ Tản Đà ngày xưa nói chí lý vô cùng: Cụ bảo muốn ăn ngon thì cần phải có 3 yếu tố: món ăn phải ngon, chỗ ăn phải ngon, bạn ăn phải ngon. Bữa ăn tối 30 Tết này của làng tôi có đủ ba điều đó. Vui hết biết. Hình như có một vĩ nhân nào đã nói một câu nổi tiếng ‘ Mọi việc quan trọng đều được giải quyết trên bàn ăn’. Tôi nghĩ là đúng như vậy.

Rồi ông chủ bếp Từ Hoè kể chuyện. Rằng hồi xưa sang Canada, ai cũng thấy mình mang tuổi con trâu. Tối ngày đi cầy. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Làm vất vả như con trâu nhưng may qúa, ai cũng vui vẻ. Nghe đến đây, cô hội viên xứ Huế Cao Xuân lên tiếng hỏi: Thế hồi đó bác làm nghề gì ? Ông Từ Hoè cười hà hà rồi đáp ngay: Tôi làm nghề đứng trên đầu thiên hạ. Tôi lau cửa kiếng ở các cao ốc. Cái nghề đòi bạn phải có sức khoẻ và không biết sợ. Bạn tự cột mình vào giây rồi từ trên nóc cao ốc, bạn thả người xuống từ từ, bạn lau từng chuồng cửa. Bạn đung đưa trong gió. Tôi làm được 9 tháng, mùa xuân mùa hè mùa thu. Mùa đông tuyết bay mù mịt thì được nghỉ ăn thất nghiệp.

Ông ODP cũng cười khà khà rồi cũng kể chuyện đi làm hai nghề trong một ngày: rửa chén ban ngày, và bồi bàn ban tối. Đang khi ông ODP kể chuyện thì ông Từ Hoè lại biến vào bếp. Loáng một cái nữa, ông bưng ra một khay trái cây với phó mát. Các cụ đoán được chúng tôi ăn loại phó mát nào không ? Chính tôi đây cũng chịu. Ông Từ Hoè vẫn giọng hà hà cố hữu: Năm con trâu thì phải ăn phó mát con trâu. Cũng chưa ai hiểu. Xưa nay ai cũng chỉ biết phó mát con bò cười chứ chưa hề nghe phó mát con trâu. Ông nói: Mời cả làng xơi trái cây với phó mát. Năm con trâu thì phải ăn phó mát làm bằng sữa con trâu. Tên nó là Mozzarella, do người Ý làm. Bạn vào các hiệu thực phẩm của người Ý, hỏi mua Mozzarella là bạn có liền. Nó ở dạng viên tròn, mềm, và thơm. Người da trắng ăn nó với bánh mì, với trái cây, với rượu, ngon qúa chừng. Mời các cụ ăn thử mà coi. Tôi phục cái ông Từ Hoè này qúa.

Sang phần uống trà, mọi người đều góp chuyện. Năm con trâu nên ai cũng nói về trâu. Cụ Chánh chủ tiệc hôm nay rất hứng khởi đã bảo rằng trong các con vật, chỉ có con trâu là biết nói. Nó hiểu được tiếng người. Ngày xưa làm ruộng ở miền quê, con trâu hiểu được mệnh lệnh. Muốn nó ngừng kéo cầy thì nói ‘ Ọ’, muốn nó kéo cầy tiếp thì nói ‘Vắt’, rẽ phải thì nói ‘Tắc’, rẽ trái thì nói ‘Rì’. Trâu và người chung sức làm việc. Nhà nông thường âu yếm nói với con trâu:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. ..


Ta có cơm ăn, con trâu đã đóng góp một phần lớn vào bát cơm này. Trâu là con vật hữu ích mọi mặt, cả khi sống, cả khi chết. Ở miền quê, có ai mang con trâu chết đi chôn bao giờ. Thịt nó, ruột gan nó, chúng ta chôn vào bao tử chúng ta. Da nó chúng ta làm mặt trống, làm giày dép, sừng nó chúng ta làm tù và, làm cúc áo, làm các đồ trang sức. Nói đến đây, cụ Chánh nhấp một ngụm trà rồi cười: Con trâu chăm chỉ làm việc, giúp ích cho nhà nông và hữu ích cho gia đình như vậy, hiểu được tiếng người, giỏi như vậy, thế mà lại bị chê là dốt âm nhạc. Ta có câu nói ‘ Đàn gảy tai trâu’. Cha ông đã nói như vậy tức là có chứng cớ. Lão đây tìm hoài mà chưa hề thấy dấu vết chứng cớ này.

Anh John xin góp ý: Khi xưa, lúc tôi nhìn thấy bức tranh cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo ở giữa cánh đồng thì tôi thích lắm. Bức tranh đã nói lên sự thanh bình và hạnh phúc của nhà nông VN, quê vợ tôi. Nói rồi anh nhìn Chị Ba, con mắt có đuôi rõ ràng. Họ đã lấy nhau mấy chục năm mà còn mùi mẫn thế đó, các cụ ạ.

Chưa hết. Anh John kể tiếp: Tôi đang đọc về các chuyện cổ VN, tôi thấy có chuyện này liên hệ tới con trâu, vậy xin trình làng luôn. Rằng có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm nhưng rất chăm chỉ làm viẹc nên đời sống rất sung túc, nhà ngói cây mít. Nhưng về sau người anh giao du với nhiều bạn xấu nên trở thành nghiện rượu, bài bạc, hút xách. Anh ta hút thuốc phiện càng ngày càng nặng. Anh bắt đầu bán dần cơ nghiệp để lấy tiền mua thuốc hút. Người em ra sức khuyên can mà không ngăn được. Cuối cùng người em nghĩ ra một kế. Buối sáng hôm đó người em đứng trước chuồng trâu rồi gọi trâu ra đi cầy. Anh gọi lớn tiếng mà con trâu không ra. Người anh thấy thế liền bảo: Chú phải mở cửa chuồng trâu thì con trâu mới ra được, chứ cửa đóng kỹ thế kia thì làm sao con trâu chui lọt mà ra. Người em liền thưa: Anh ơi, cơ nghiệp cha mẹ để lại cho anh em ta còn to gấp vạn lần cái cửa chuồng trâu này, thế mà cái cơ nghiệp còn chui lọt gần hết qua cái tẩu thuốc phiện của anh, thì cái cửa chuồng trâu này thấm thía gì mà nó không chui lọt. Người anh nghe vậy, giật mình. Anh ôm người em mà khóc. Rồi từ đó sửa mình, bỏ bạn xấu, bỏ rượu chè cờ bạc hút xách.

Nghe xong, phe các bà hít hà khen anh John sâu sắc, rồi các bà xin ngưng chuyện con trâu. Cụ B.95 xin nghe chuyện thời sự. Đây là công việc thường lệ của anh John. Anh xin nói ngay.

Rằng nổi bật nhất trong năm qua là việc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội tại Bắc Kinh, rất thành công và đẹp mắt. Ai cũng thán phục cái vĩ đại và tiến bộ của họ. Uy tín đang lên cao như vậy thì đùng một cái, ngành thực phẩm của Trung Quốc rung động: sữa và bánh kẹo của Trung Quốc có chất độc melamine. Tin này hiện còn đang làm lay chuyển thị trường thực phẩm thế giới.

Việc tiếp theo là kinh tế Hoa Kỳ chao đảo. Đầu tháng 10 vừa qua, tổng thống Bush phải ban hành kế hoạch 700 tỷ mỹ kim để cứu nguy đất nước. Việc này có ảnh hưởng lớn tới Canada. Ngày xưa Thủ tướng Trudeau đã nói một câu chí lý: Hoa Kỳ như một anh khổng lồ. Anh chỉ cần hắt hơi một cái là người em láng giềng Canada bị cảm nặng ngay. Chuyện kế tiếp là tháng Mười Một, Hoa Kỳ đã có tổng thống mới. Hy vọng một vận hội mới đang bắt đầu.

Còn đất nước gấm hoa Canada này, giữa tháng Mười có tổng tuyển cử bầu lại quốc hội, và đảng Bảo Thủ đã thắng. Ông Harper tiếp tục làm thủ tướng.

Rồi anh John quay vào Ông ODP xin ông bàn về thời sự VN. Ông bồ chữ này nói ngay: Quê hương chúng ta chả có gì đổi mới trong năm qua. Đất nước vẫn nằm dưới sự cai trị hà khắc của đảng CS, 600 tờ báo trong nước vẫn bị dảng CS bịt mắt và bịt miệng, Hội Nhà Văn vẫn bị nhà nước chỉ đạo, Trung Cộng cướp đất cướp biển mà đảng CSVN vẫn ngậm miệng nín khe. Xin tổ tiên phù hộ chúng con. Xin cụ Hồ Quý Ly phù hộ chúng con.

Nói đến đây rồi ông ODP cười hà hà. Ông bảo đọc sử, ông mê Hồ Quý Ly quá nên ông cầu với cụ là thế. Ông giải thích: Hồ Quý Ly bị mang tiếng là cướp ngôi nhà Trần, nhưng nói cho công bằng, nhà Trần đã đi vào mạt vận. Hồ Quý Ly lên ngôi đã làm được bao nhiêu việc kỳ diệu, trước đó và sau đó chưa hề có vua nào dám làm: Hồ Quý Ly mở kỳ thi tuyển nhân tài, trong bài thi có môn toán pháp, Hồ Qúy Ly phát hành tiền giấy, Hồ Quý Ly lập ra nhà thương chữa bệnh cho dân, Hồ Quý Ly đặt ra nhã nhạc cho dân vui vẻ đình đám. Hồ Quý Ly định quyền sở hữu đất đai, không ai được quyền tư hữu qúa 10 mẫu ruộng. Ông làm vua chỉ một năm rồi nhường ngôi cho con để chứng minh ông không tham quyền cố vị. Tiếc rằng giặc phương Bắc đã tràn xuống đốt phá đất nước chúng ta. Giá mà Hồ Quý Ly còn làm vua thì dân tộc VN đã hùng cường biết chừng nào.

Thấy phe các bà thường không thích chuyện liên hệ tới chính trị mà chỉ thích nghe những chuyện về tình yêu và hạnh phúc, ông Từ Hoè người viễn tây xin đổi đề tài. Ông xin bàn về chuyện thần tiên. Rằng trong các chuyện cổ tích đông tây có rất nhiều chuyện liên hệ tới các bà tiên. Bà tiên là người hay hiện ra cứu người tuyệt vọng. Bà tiên trong các chuyện cổ tây phương đều thuộc giới thần linh, ở bậc cao. Còn bà tiên trong nhiều chuyện cổ VN thì không ở cấp cao, không ở vai bà già, mà ở vai thiếu nữ kiều diễm, và lạ lùng thay, các nàng tiên ai cũng mê con trai VN. Chứng cớ là nàng tiên Giáng Kiều từ trong tranh bước ra đã yêu thày khóa Tú Uyên ở phường Bích Câu, Hà Nội. Hai người lấy nhau rồi đẻ con. Sau bao ngày hạnh phúc ở trần gian, Giáng Kiều và Tú Uyên đã cỡi hạc về trời. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai là nàng tiên Giáng Hương đã yêu quan huyện Từ Thức ở Thanh Hóa. Nàng tiên đã dẫn chàng nhập thiên thai. Chàng ngụp lặn trong hạnh phúc. Nhưng rồi vì nhiều hạnh phúc qúa, chàng thấy ngấy. Chàng nhớ trần gian qúa nên đòi về trần gian, thế là mất luôn Giáng Hương. Chuyện thứ ba cũng là chuyện tình, chàng nông dân nghèo Ngưu Lang lấy được nàng tiên Chức Nữ do số may. Thửơ đó các nàng tiên trên trời ưa xuống trần gian tắm nhờ. Chắc nước ở thiên đình không mát bằng nước ở trần gian. Một buổi kia do duyên may Ngưu Lang bắt gặp Chức Nữ đang tắm lồ lộ trong hồ, chàng bèn giấu biệt đôi cánh và quần áo của tiên nga. Họ nên duyên vợ chồng. Hai người đang sống trong hạnh phúc thì Ngọc Hoàng ra lệnh triệu Chức Nữ về tiên giới. Hai người khóc hết nước mắt. Thương tình, Ngọc hoàng cho đôi trẻ mỗi năm được gặp nhau một tháng, vào tháng bảy mưa ngâu.

Kể đến đây xong, ông Từ Hoè lại cười hà hà rồi hỏi mọi người 2 câu: Chỉ ở VN thì tiên mới hiện ra dưới dạng thiếu nữ xinh đẹp, còn ở các nước khác bao giờ tiên hiện ra cũng dưới dạng bà già. Tại sao? Chỉ có con trai VN mới lấy được tiên làm vợ. Tại sao ?

Chị Ba Biên Hòa lúc này mới lên tiếng. Bữa nay là ngày tết nên Chị Ba vừa cười vừa nói, trông dễ thương làm sao. Chị nói: Sở dĩ tiên chỉ lấy chồng là người VN vì chỉ có liền ông VN đẹp trai và dễ thương mà thôi. Nghe đến đây thì phe liền ông trong làng vỗ tay râm ran và cười rất hả hê sung sướng. Chưa bao giờ Chị Ba gây được tiếng cười lớn như vậy. Chị Ba để cho cả làng cười nói vui sướng xong, rồi xin nói tiếp: Khi cần phải cứu giúp liền ông con trai VN lâm nạn thì tiên hiện ra dưới dạng thiếu nữ xinh đẹp. Còn khi cần phải cứu giúp nạn nhân là liền bà chúng tôi thì tiên bao giờ cũng hiện ra dưới dạng bà già. Chuyện Tấm Cám kể rất rõ là bà tiên hiện ra với cô Tấm chứ không phải cô tiên hiện ra. Chuyện Tấm Cám của ta đã đẻ ra chuyện Cô Gái Lọ Lem Cinderella bên tây. Trong truyện Cinderella thì chỉ có bà tiên chứ không có cô tiên. Các bạn nhớ kỹ nha, bên trời tây chỉ có bà tiên gìa mà thôi.

Hai cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ nghe chuyện tình yêu với tiên thì sung sướng lắm, bèn lên tiếng xin Chị Ba tiếp tục kể nữa. Chị Ba lắc đầu và chuyền trái banh cho chồng. Anh John vui vẻ nhận lời ngay, anh xin kể thay cho vợ: Đây là chuyện cổ của người da trắng bên tây. Rằng có chàng tiều phu kia vào rừng đốn củi. Anh ta đánh mất cái rìu đốn củi nên ngồi khóc hu hu. Bà tiên hiện ra và đầu tiên đưa cho anh cái rìu bằng vàng. Anh ta không dám nhận. Bà lại đưa cho anh cái rìu bàng bạc, anh ta vẫn không dám nhận. Sau cùng bà đưa cho anh cái rìu cũ, anh nhận ngay. Vì anh tiều phu thực thà nên bà tiên cho anh cả 3 cái rìu. Kể đến dây xong, anh John bảo hết truyện và kết luận giống y như vợ: bên tây chỉ có các bà tiên, và bà tiên thì chỉ cứu nguy chứ không hóa thân ra cô tiên và làm vợ người trần gian như ở VN.

Cô Cao Xuân liền phát biểu: Như vậy thì rõ ràng tiên bên tây khác tiên bên đông. Rõ ràng đông là đông, tây là tây, đông tây không bao giờ gặp nhau, đúng như nhà thơ Kipling đã nói khi xưa. Cô Huế này đã lạc đề, làng đang bàn về tình yêu giữa các nàng tiên và trai VN, nay cô nói sang chuyện văn học. Nhưng thôi cũng được đi. Ngày tết vui mà.

Lời phát biểu này đã chạm tới cái kho kiến thức của ông ODP.

Bồ chữ ODP nói ngay: Xưa nay chúng ta đã trích dẫn thiếu sót và hiểu sai cái ý chính của tác giả Rudyard Kipling ( 1865 – 1936 ). Kipling là một thi hào nước Anh đầu tiên được giải Nobel về văn chương. Ông sáng tác một bài thơ dài 100 câu đề cao sự thông cảm giữa hai nếp sống đông phương và tây phương. Bài thơ kể chuyện cuộc đấu gươm giữa một tù trưởng A Phú Hãn và một quân nhân người Anh. Cuộc đấu kết thúc với màn hai đấu thủ bỏ gươm vì cảm phục nhau.

Câu thơ mà cô Cao Xuân vừa trích dẫn là câu đầu của bài thơ mang tên ‘ The Ballad of East and West ’ ( Bài Hành Đông Tây ):

Oh, East is East, West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgement Seat,
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face,
Tho’ they come from ends of the earth !


Nhà thơ Anh Vũ đã dịch như sau:

Mãi mãi Đông Tây còn khác biệt
Đến phút giây Phán Xét sau cùng
Nhưng hảo hán, trận tiền, đối mặt
Thì xá gì nguồn cội Tây Đông !


Nghe đến đây thì ông H.O. cắt ngang: Một biểu tượng Đông Tây giao hòa với nhau tuyệt vời nhất chính là mối tình giữa anh John với Chị Ba Biên Hoà trong làng chúng ta đây, không cần gì phải tìm trong thơ Kipling, phải không ạ? Ông H.O. chưa nói hết câu thì cả làng đã vỗ tay râm ran. Anh chị nhìn nhau trìu mến, dễ thương hết sức.

Mọi người đang vỗ tay thì Cụ Chánh xem đồng hồ rồi vội đứng lên. Cụ báo tin sắp sang năm mới. Cụ xin mọi người chuẩn bị làm lễ giao thừa và tế tổ. Cụ đã mua sẵn một cái trống và một cái chiêng nhỏ. Cụ xin ông Từ Hoè đánh trống và ông ODP gõ chiêng. Dân làng đều kính cẩn đến trước bàn thờ. Đèn nến được thắp lên. Đèn điện trong nhà được vặn nhỏ xuống. Ai cũng cầm một cây hương. Cụ Chánh khăn đống áo dài làm chủ lễ. Sau khi niệm hương, cụ đọc lời cầu khấn với hồn thiêng sông núi và tiên tổ cả làng. Lời cụ trầm trầm giữa khói hương nghi ngút. Cụ xin cho đất nước VN thoát ách CS, người dân được ấm no, đất nước được thanh bình thịnh vượng. Cụ xin cho dân làng được thân tâm an lạc và đoàn kết thương yêu nhau. Cụ ngưng lại và mời mỗi người đến trước bàn thờ niệm hương và cầu khấn thêm.

Tôi thấy cụ B.95 và Chị Ba nước mắt hạnh phúc rưng rưng.

Khi buổi lễ chấm dứt, đồng hồ chỉ 12 giờ 30 sáng Mồng Một.

Mọi người quay vào nhau, xiết tay nhau và chúc nhau những lời thân ái nhất..

Một bình trà nóng và thơm ngát được mang ra mời mọi người. Giữa bầu không khí tinh khôi đầu năm, Cụ Chánh nhấp trà rồi nói chậm rải: Được tụ họp vui vẻ như thế này, anh em chúng ta thật là có phúc, đại phúc. Vừa rồi khi lão niệm hương trước bàn thờ, lão nhớ tới quê hương, và chợt nhớ tới hai câu thơ của học giả Hà Thượng Nhân sinh quán ngoài Bắc:

Saigon, Saigon, không là quê hương
Mà sao mình nhớ, mà sao mình thương


Và rồi ý mấy vần thơ của thi sĩ Huệ Thu:

Ta còn bánh tét, còn dưa muối
Còn bánh chưng xanh miếng mứt gừng
Ta có Việt Nam trên đất khách
Tự nhiên lòng bỗng thấy rưng rưng.


Đúng, ta có Việt Nam trên đất khách, thế còn Việt Nam trên đất mẹ thì sao đây ?

Kính chúc các cụ Năm Mới mọi phước lành.

TRÀ LŨ

ĐẦY TIẾNG CƯỜI - ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu

2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua và

500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)

Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là món quà trang nhã và đẹp nhất mừng Năm Mới

để tặng thân nhân và bằng hữu. Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cõi Lặng
lm. Nguyễn Trung Tây
06:19 17/01/2009

CÕI LẶNG



Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây

Mặt hồ tĩnh lặng long lanh,

Bến thuyền soi bóng, trời xanh soi mình..

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News